Wednesday, August 21, 2013

HÀO HOA LÀ LÍNH KHÔNG QUÂN


"... Ta là đàn chim bay trên cao xanh...
Đi không ai tìm xác rơi...
Hối tiếc tấm thân mà chi"...
Văn Cao

Nhận điện thoại của Đào Vũ Anh Hùng xong tôi thừ người ra suy nghĩ... Bạn ta hơi khó tính, đã xin bài lại còn ra đề tài: "Viết về Không Quân mà thôi, thứ khác là dẹp". Còn là may, bạn tôi không hạn định bài viết bao nhiêu chữ, nếu không thì thật giống như cụ Phan Khôi, khi bị một tay chủ bút của báo nhà nước xin bài của cụ Phan. Ông chủ bút này có tính cẩn thận, khá biết tính nết cụ Phan, nên chọn đề tài trước, và đồng thời còn hạn cho cụ Phan là chỉ viết trong vòng 2000 chữ mà thôi. Riết róng đến cụ Phan Khôi đã phải thốt lên: "Ra đề, hạn vận một khi buộc ràng". Tôi không phải là một Không Quân, viết ấm ớ có khi lòi cái dốt của một anh Bộ Binh thèm bay bổng, thích nói khoác. Tôi có vài người bạn gốc Không Quân, đành phải mang các bạn ta vào bài viết nàỵ Thẳng hoặc trí nhớ sau nhiều năm có cùn nhụt, có lỏng lẻo thì cũng xin nói trước: Đây là do lỗi của Đào Vũ Anh Hùng, tay chủ bút ác ôn không kém kẻ đã xin bài cụ Phan năm xưa. Đã không cho nộp bài có sẵn, lại còn bắt viết về Không Quân. Trước tiên tôi xin tặng các bạn gốc Không Quân một câu ca dao của thời đại chúng ta, thời Việt Nam Cộng Hòa:
 
Hào hoa là lính Không Quân
Anh có cái quần anh cũng bán đi
Ngày mai anh mặc bằng gì?
Anh mặc xí-líp anh phi phòm phòm.
 
Phần tôi, nói ra thật xấu hổ. Tôi đã mon men hai lần tới cổng Huỳnh Hữu Bạc. Lần đầu vừa mới học xong cái "Tú Tài", cái bằng mà trong thời trai trẻ của chúng tôi có người đã nói: Học Tú Tài như tái tù. Lần đó là đầu năm 62, cùng vài người bạn chung promo, treo cái "tái tù" tòng teng trước ngực, vào căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất nộp đơn đi "pi-lốt". Thời đó có Tú Tài là học hộc xì dầu ra. Trước khi bước lên bàn cân cả bọn đã tọng vào họng gần hai lít nước lọc, có khi còn nhịn vô nhà cầu cả ngày trời. Phải đủ 50kg, thế mà 90% chúng tôi khi học thi Tú Tài xong là mình hạc, xác ve. Có nhiều cậu cởi áo đánh ping pong là cả làng thấy đeo đồng hồ... Omega trước ngực. Hiếm có thanh niên Việt Nam nào xong cái bằng này mà còn có da có thịt, ngoại trừ những anh trời sinh ra là đã có dáng bệ vệ như ông Địa, mà những anh này có cho uống thuốc thánh đền bia cũng không dám đầu đơn vào Không Quân, vào đó lỡ lên trời, máy bay phải nhào lộn thì cái thùng nước lèo coi bộ khó mà yên được. Ba thằng chúng tôi gồm Hưng Xích Lô, Toàn Liếm và tôi rón rén bước lên bàn cân, ý tứ khép nép cứ như con gái về nhà chồng. Anh tu bíp khám sức khỏe, lừ mắt nhìn chúng tôi không mấy thiện cảm như là coi giò, coi cẳng ngựa đua, hay là gà cá đô.. Hưng và Toàn qua khỏi cái bàn cân dễ dàng. Phần tôi trước khi đi khám sức khỏe đã cẩn thận tọng vào bụng một tô phở xe lửa, một lít nước lọc, thế mà cái kim còn cách con số 50kg một chút. Tuy nhiên anh tu bíp cũng cho qua, xá kể gì một ký lô thịt, xương, phèo phổi. Vả lại có nhiều Pilốt thời Tây khi đi bay mang theo hai cái gối độn dưới mông, nếu không thì qua cốp-pít không nhìn thấy gì ở bên dưới, chỉ nhìn thấy bầu trời. Tôi tuy thiếu của Không Quân một ký xương da, nhưng bù lại tôi rất rộng rãi về chiều cao, ít ra cũng được 1,67 mét. Chiều cao tối thiểu thời đó đòi cho một phi công là 1,60 mét. Nói dại chẳng may có hội đủ điều kiện sức khỏe khi đi bay không cần mang theo bên ngoài lễ bộ của những chàng pi-lốt, hai cái gối to xù xù, bên cạnh những dao, súng, dây đạn chằng chịt, hỏa pháo xanh đỏ. Hai cái gối trông kỳ, trông không giống pi-lốt tí nào. Tới bây giờ là hơn ba chục năm qua đi, tôi vẫn còn cảm giác tiếc hùi hụi khi tôi không đủ điều kiện sức khỏe. Khám cái gì mà kỹ đến thế. Khám mắt không cũng hai ngày, nào là phòng tối, phòng sáng, nào là loạn sắc, loạn thi.. Kế đó xem phổi có bự đủ ba lít không khí khi hít vào thở ra không. Tôi bị loại vì đôi tai không nghe được những tiếng động có chu kỳ âm thanh thấp, hoặc cao. Tai tôi không nghễnh ngãng. Chỉ phiền một cái trường độ âm thanh từ thấp đến cao của tôi quá hẹp. Thế là tôi ôm hận ra về, nhìn hai ông bạn vênh váo đi lãnh quân trang. Bạn học cùng năm, cùng lớp với tôi còn hai trự nữa là Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Huy Bản cũng gia nhập Không Quân, nhưng nộp đơn sau Hưng, Toàn và tôi một năm. Sau này năm 75 Quý là một Phi đoàn trưởng Phi đoàn vận tải, Bản bay Khu Trục, Hưng 37 và Toàn F5. Một năm sau, tôi bị vồ vào Thủ Đức. Hết giai đoạn I, người ta cho tôi đi khám sức khỏe để chuyển qua Không Quân một lần nữa, tuy chỉ là Quan Sát Viên (observateur), nhưng tôi vẫn còn cay cú bầu trời, nên hí hửng đi không rồi lại về không. Thành thử cái mộng của tôi mãi mãi là một con chim chưa vỡ bụng ***, nhưng khoái bay bổng trên bầu trời. Sau này ra đời tôi kết giao với nhiều tay Không Quân có lẽ cũng chỉ vì cái mộng thời tuổi nhỏ. Khi Thế Phong làm Tổng Thư ký tạp chí Lý Tưởng, tôi là một trong những anh không dính dáng gì đến Không Quân, nhưng lại có bài thường xuyên trên tờ báo nàỵ Cũng nhờ đó mà tôi biết thêm nhiều bằng hữu, trong đó có cái ông Đào Vũ Anh Hùng, người đang ra đề hạn vận cho tôi viết bài này. Năm 1965, tôi là một Thiếu Oái, Quyền Đại Đội Trưởng một đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB ở Ban Mê Thuộc. Tôi bắt đầu giao thiệp với một anh Trung Oái Không Quân, pi-lốt thứ thiệt. Anh này bay máy bay quan sát, biệt phái cho Sư Đoàn 23. Anh cao ráo, đẹp trai, có một hàng ria mép nhỏ như con kiến. Ảnh có một đôi mắt đẹp, một nụ cười tươi mà có thể chết người như chơi. Tôi biết anh ta qua tờ Lý Tưởng. Ảnh làm thơ, tôi cũng làm thơ. Ảnh hơn tôi có máy bay... riêng bay dạo chơi mỗi buổi chiều. Tôi hơn ảnh ở dưới đất, tôi có xe... Jeep, mỗi ngày 20 lít săng, chạy lăng quăng trong thành phố bụi mù trời. Ảnh có tên là Võ Ý, sau này tôi gặp ảnh hoài khi cả hai đi thập phương tam đạo, sau cùng gặp nhau ở Pleiku, gió bụi mưa mù. Khi gặp lại ở Pleiku ảnh là Thái tá, còn tôi cấp bậc thì lên hai nấc, nhưng chức vụ vẫn y chang, nghĩa là Đại Đội Trưởng, không hơn không kém. Nhắc lại thời mới giao thiệp với nhau, ảnh gạ tôi:
- Ông thích lái máy bay lắm ha??
- Rồi sao ?
- Thì mỗi chiều ông ra phi trường, tôi... đánh máy bay cho ông đi chơi một vòng.

Đổi lại ông cho tôi mượn một chiếc xe Jeep, xấu xí, mui trần cũng không sao. Bọn tôi biệt phái thành thử xe cộ không có, mùa mưa ở đây ác liệt, có nhiều hôm nhịn đói không đi ăn. Vả lại tôi không ở đây lâu, một tháng là cùng. Khi nào hết hạn công tác ở đây thì tôi trả lại cho ông. Nghe thì cũng bùi tai, vả lại xe đâu có phải của riêng tôi. Đơn vị tôi có tới 15 chiếc xe Jeep, lúc nào cũng có vài chiếc nằm không. Tôi giao hẹn với ông bạn:
- Cho ông mượn xe cũng được, nhưng với một điều kiện: Ông không được đổ săng máy bay vào xe, hết săng cứ về đơn vị tôi, đâu sẽ có đó. Dùng săng máy bay cháy máy như chơi. Tôi còn nhớ cái cười tủm tỉm của Võ Ý ngày đó, trông đểu không chịu được, tôi đã định nuốt lời. Ngày hôm sau, chưa hết giờ làm việc đã thấy người anh em Không Quân tà tà ngồi xe ôm vào đơn vi.. Ảnh giục tôi:
 - Bữa nay trời đẹp, để tôi đánh máy bay cho ông đi chơi một vòng. Ông mới thấy thành phố Buồn Muôn Thuở này ở dưới đất, lên trời ông sẽ thấy nó đẹp hơn ông tưởng. Đi lè lẹ lên không thì trời tối. Thế là tôi mê đi, cả hai ra phi trường quan sát, ngay trong trung tâm thành phố. Trông thấy chiếc L17 là tôi phát ngán ngẩm. Máy bay gì mà trông cứ như đồ chơi. Nhưng chả lẽ ra tới đây mà không leo lên thì cũng kỳ. Tôi cứ nghĩ trong đầu máy bay phải to ghê lắm, trông hùng hổ như dao súng lỉnh kỉnh trên người các anh pi-lốt. Té ra phi công cũng có nhiều loại và nhiều kiểu. Nói trộm vía ông bạn già Võ Ý của tôi, máy bay bà già coi không khá được, đúng là... bà già. Thiếu nữ trông đâu có hom hem như thế. Thiếu nữ trông tươi mơn mởn, đâu ra đó. Bà già chạy trên phi đạo nghe... cót két, cọt kẹt. Rồi đột nhiên người tôi nhẹ như bấc, thế là đã ở trên ngọn cây. Té ra trông vậy mà không phải vậy. Đâu có thua gì những cô thiếu nữ 17 bẻ gãy sừng trâu. Gió thổi bập bùng đập vào hai cánh. Võ Ý đánh một vòng thành phố. Có lúc anh lên cao tuốt mù tắp, rồi anh chúc xuống ngay trước sân cờ đơn vị tôi. Tôi trông rõ cả mấy người lính trong đơn vị đang lăng quăng trong giờ làm việc. Anh nhào lên lộn xuống vài lần, chỉ là mấy cái nhào lộn của... bà già thôi, thế mà tôi đã xuýt ói cơm. Ảnh ngó chừng coi tôi chịu nổi không, xong rồi thì cười hà hà, cho máy bay bình phi về hướng Bắc. Ở trên cao nhìn xuống, tôi thấy thành phố đang chứa chấp tôi quả là đẹp hơn lúc ở dưới đất. Từ trên cao, tôi không nhìn thấy những con ngõ tối tăm lầy lội trong mỗi mùa mưa. Từ trên cao thỉnh thoảng tôi nhìn thấy những đám mây hồng bốc lên cao, mỗi khi có một chiếc xe di chuyển trên những con lộ đất đỏ. Tôi nhìn thấy đích thị là những đám khói lam chiều cuồn cuộn bay lên từ những buôn bản của đồng bào thiểu số. Cái đẹp u tịch của rừng núi, trầm mà hùng. Đột nhiên tôi ghét những cái mái tôn của những căn nhà sàn, nằm sát ngay bờ quốc lộ đen nhẫy nhựa đường. Những mái tôn nói lên sự bất ổn của núi rừng bởi vì nhà sàn của đồng bào Thượng phải có một cái mái lá, mầu nâu già và nằm sâu trong rừng cây. Những mái tôn gần sát ngay mặt lộ là những buôn bản đã bị cắt đứt khỏi vùng đất địa bàn của ho.. Tôi trông thấy những đồn điền cà phê ngút ngàn, tôi tưởng ra những người cu li đói ăn của vài chục năm trước, ở tứ xứ bị lùa về đây làm việc trối chết để đổi lấy một cuộc đời tăm tối. Chuyến bay cho tôi được đôi điều bổ ích, nó giúp tôi có cơ hội nhìn rõ mặt quê hương. Bởi vì tôi lùi được ra xa, leo được lên cao để nhìn lại chính mình trong cuộc chiến này. Võ Ý cho máy bay đáp xuống khi những tia nắng cuối cùng tan trong kẽ lá. Trước khi giao một chiếc xe phòng hờ của đơn vị cho Võ Ý mượn, tôi nói:
- Xe mui trần, ông đừng có chở đàn bà con gái trên xe, gió bay tóc coi kỳ mà tôi cũng có thể bị nạo .
- Yên chí đi, tôi chỉ dùng xe để đi bay và đi ăn thôi.
 
Một tháng sau, anh mang xe trả lại tôi để trở về đơn vị gốc. Trong một tháng này chính mắt tôi nhìn thấy có vài bóng hồng mà cả nước Ban Mê Thuộc quen mặt biết tên ngồi trên ghế trưởng xa. Anh trả xe được một tuần, thì xe cũng phải vào Quân Cụ đại tu bổ, thay máy. Võ Ý rời Ban Mê Thuộc được vài tháng thì tôi khăn gói quả mướp ra Phú Quốc. Võ Ý cũng là người... giúp cho tôi đi sớm hơn vì lúc đó tôi còn trẻ không biết giữ mình, khi tôi gặp Võ Ý tôi là Quyền Đại Đội Trưởng một Đại Đội chuyên môn, ông xếp của tôi đi du học Mỹ. Nếu tôi thực tế một chút, thì chỉ cần ba tháng sau tôi đã là Đại Đội Trưởng thật sư.. Bởi tôi biết chắc ông xếp tôi khi du học về sẽ ra vùng I, là nơi sinh quán của ông. Phải chi tôi biết thực tế hơn một chút, chăm nom đơn vị hơn một chút, năng lấy điểm Tiễu Đoàn Trưởng một chút thì chỗ đó ai cự lại tôi. Chỉ cần ra điều gương mẫu một chút thì mọi việc đâu đã vào đó, có khi còn lấy vợ Ban Mê Thuộc nữa là khác. Nhưng trời cho tôi cái tính coi... trời bằng vung. Tôi chỉ làm những gì tôi thích, chứ không làm những gì ông Tiễu Đoàn Trưởng thích. Vụ cho Võ Ý mượn xe sau cùng cũng đến tai ông xếp sòng trên Pleiku, ông cử một Thái Oái khác xuống thế chỗ cho tôi. Phần tôi ngồi chơi chờ ngày ra Phú Quốc. Trong khi chờ đợi này, tôi còn biết gì hơn là đi đánh mạt chược, thụt bi da và chiều chiều đánh xe ra bên bờ suối coi lén mấy cô Thượng tắm truồng. Suốt một tháng trời tôi không về Tiễu Đoàn trên Pleiku, ông xếp cũng có vẻ không muốn thấy mặt tôi, mà tôi thì cũng chẳng có gì ham lên gặp ổng.
 
Mỗi ngày tôi lái xe dong chơi khắp thị xã, tôi la cà trong những đồn điền cà phê, vào lúc hoa cà phê nở rộ như những đám mây trên trời, và từng đàn bướm vàng cánh nhỏ chập chờn, cho tới khi nhận Sự Vụ Lệnh đi đơn vị mới.
 
Năm năm sau gặp Võ Ý lại tại Pleiku. Chính Võ Ý làm đầu cầu cho tôi quen với Lê Bá Định, một Trung Tá pi-lốt có Cử Nhân văn chương. Ngoài giờ đi bay Lê Bá Định dạy Triết Học cho trường Nữ Trung Học Pleime. Ông Định còn là một tay viết phú khá tài hoa, và tất nhiên cũng là một pi-lốt khu trục tài ba. Lúc tôi gặp lại Võ Ý, chàng đã là Phi Đoàn Trưởng một phi đoàn quan sát.

Chàng không còn bay máy bay bà già, mà bay Cesna, hay là cái quỉ quái gì đó. Giờ thì chàng oai như một con cóc cô.. Lên trời thì máy bay đẹp, xuống đất thì xe Jeep mới, mầu xanh đậm của Không Quân. Chàng không cần phải mượn xe của tôi. Tuy nhiên tình bạn của chúng tôi mỗi ngày một thân hơn, vì cái đất Pleiku lúc đó có được bao kẻ làm thơ viết văn. Lê Bá Định là Không Đoàn Trưởng, ông là nhân vật số hai của phi trường Cù Hanh. Tôi ngủ tại phi trường Pleiku nhiều hơn trong đơn vị tôi. Vì trong phi trường vui hơn ngoài phố. Ngoài phố chỉ có ăn nhậu, nhảy đầm trong hội quán Phượng Hoàng. Mà tôi thì không biết nhảy đầm nên mất đi một mục... vui đời lính trẻ xa nhà. Chính tại Pleiku này tôi gặp và không bao giờ quên được Thặng Fulro, một phi công khu trục đã chết vì không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Cho dù là những anh en không hề biết mặt, và những bạn bè không hề biết tên là những đơn vị Bộ Binh, đang bị vây hãm dưới đất trong trận đánh mùa hè năm 72. Trước khi Thặng chết đâu chừng hai tuần lễ, có một việc xảy ra rất buồn cười. Lúc đó tình hình chiến sự Vùng II cực kỳ sôi động. Lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Quân Khu từ 10 giờ tối cho tới 6 giờ sáng ngày hôm sau. Hàng đêm, cứ 9 giờ tối là lính của tôi túa ra xe, đi tuần tiễu, bắt giữ các quân nhân vi phạm. Thông thường các xe tuần tiễu rảo qua các chỗ ăn nhậu nổi danh của Pleiku, thị oai với các quân nhân còn la cà quán xá khi giờ giới nghiêm sắp tới. Thặng người to lớn, anh cao hơn thước tám, nặng cỡ tám chục ký lô. Làm như trước khi con người chết bất đắc kỳ tử thường có những hành vi bất ngờ. Hành vi bất ngờ của Thặng trước khi anh chết độ hai tuần lễ, anh bị lính của tôi mời về Đồn Quân Cảnh. Nhắc lại thời gian giới nghiêm của mùa hè năm 72 đó. Khi toán tuần tiễu của đơn vị tôi chạy ngờ ngờ ngoài phố là một dấu hiệu bất thành văn cho các quán sửa soạn đóng cửa. Thặng uể oải vươn vai đứng dậy, trả tiền xong ra về. Trông anh có vẻ hơi quá độ. Hai lần đạp máy xe, hai lần anh suýt ngã vì mất đà. Lần thứ ba anh dận lên bàn đạp, chiếc xe rú lên vì tay ga đã vặn hết đà về phía trước. Anh vừa sang số, chiếc xe đã chồm lên và hất anh ngã xuống. Một người lính trong toán tuần tiễu, biết Thặng là bạn tôi nên tiến tới ngỏ ý muốn giúp anh nổ máy chiếc xe, và nếu cần thì bỏ chiếc xe Honda lên xe tuần tiễu và đưa Thặng về phi trường. Thặng trong lúc ngà ngà quá chén tưởng là bị bắt. Mắt anh long lên và anh nổ ra một tràng:
- Muốn bắt ha?? Kêu thằng ông nội mày ra đây.
 
Người lính Quân Cảnh lễ phép phân trần, nhưng Thặng gạt phắt đi. Anh nổ ra một câu nữa:
- Kêu thằng ông nội mày ra đây xem nó có dám bắt tao không?
 
Lần này thì anh trưởng toán tuần tiễu không nhịn nữa. Anh ta vẫn lễ phép nói với Thặng:
- Mời Đại Úy về Đồn Quân Cảnh gặp ông Trưởng Đồn của tôi.
 
Thế là Thặng gầm lên. Anh lồng lộn như một con cọp trong chuồng. Cũng may anh nhậu tới chỉ, nên có muốn kháng cự cũng không có sức. Anh chửi mấy người lính Quân Cảnh và tôi tắt bếp. Anh dọa sẽ... thả bom vào Đồn Quân Cảnh cho tuyệt cái giống... thổi còi. Khi tôi được báo về câu chuyện xảy ra, tôi đang ở phi trường Cù Hanh lái xe về. Chuyện thả Thặng thì quá dễ. Cái khó xử là với người lính của tôi, chỉ vì lòng tốt mà bị Thặng chửi xối xả ngoài đường. Hơn thế nữa, nếu xử chìm xuồng e rằng mấy người lính của tôi không phục. Lúc đó đã nửa đêm. Tôi gọi điện thoại cho Võ Ý. Võ Ý đẩy cây sang cho ông Định. Hắn nói:
- Thằng Thặng nó bay khu trục. Tao đâu có dính gì với nó mà lãnh nó ra.
- Khu trục hay quan sát gì thì cũng là bạn ông. Tôi chỉ cần một người to lon hơn nó, lãnh nó ra không đêm nay ngủ trong đồn, nặng 80 kí lô chứ 180 kí lô muỗi nó cũng khiêng đi.
- Mày kêu cho ông Định, hay là cho thằng Phi đoàn trưởng của nó.
 
Khi tôi kêu ông Định, thì ông nói:
- Toa cho nó ngủ ngoài đó một đêm cho nó tởn. Sáng mai moa với thằng Ý ra lãnh nó sớm về đi bay.
 
Thế là tối đó tôi ngủ lại trong đồn. Chả lẽ lại nhốt bạn vào phòng kỷ luật sĩ quan. Tôi nhờ người lính thủ kho lấy cho tôi thêm một cái ghế bố, chăng một cái màn, và một cái chăn cho đỡ lạnh. Lúc đó người lính của tôi báo cho tôi biết một việc nghe vừa giận, vừa buồn cười:
- Hồi nãy ông pi-lốt bạn của Đại Úy đái đầy ra xe tuần tiễu.
 
 Sáng ra Trung Tá Lê Bá Định và Võ Ý có mặt từ sớm. Lãnh Thặng ra xong cả bọn, kể cả Thặng đi ăn hủ tíu tại Chợ Mới. Từ lúc lãnh Thặng ra cho tới khi ngồi trong tiệm, ông Định không nói một lời nào. Không biết ai nói cho ông Định nghe là Thặng đái ra xe tuần tiễu. Đang ăn, ông Định nói bâng quơ: - Moa là toa moa bắt cởi áo ra lau chỗ nước đái. Hai tuần lễ sau tôi nghe tin Thặng chết. Tôi không rõ chi tiết của cái chết, nhưng tôi nhớ khi tôi nhận điện thoại của Vũ Công Hiệp, một phi công khu trục cao lêu nghêu thì thành phố chưa lên đèn, Vũ Công Hiệp nói với tôi:
- Đúng là số chết. Không ai bắt nó bay nữa. Nó bay yểm trợ cho mặt trận Kontum, Tân Cảnh suốt một ngày ròng rã. Nó đi chuyến chót đâu vào khoảng xế chiều. Nó vừa đáp xuống là hối mang bom, đổ săng cho nó đi chuyến nữa. Nó đã thả hết bom, và xà xuống quá thấp nên trúng đạn đại bác phòng không. Máy bay rớt ngay bên ngoài phòng tuyến của quân ta dưới đất. Phải ba ngày sau, quân ta phản công.
Mặt trận Kontum, Tân Cảnh được giải vây, mới mang được xác của Thặng về. Nghe nói phơi nắng hai ba ngày, xác của anh to như một con trâu chương, phải xài tới hai cái poncho mới che đủ thân thể của Thặng.
 
Sau này thỉnh thoảng đi ngang bùng binh chợ Bến Thành, tôi nhìn thấy ảnh của Thặng, của Trần Thế Vinh, một phi công diệt tăng tại vùng I Chiến Thuật. Mỗi lần nhìn thấy ảnh của anh, tôi lại nhớ tới lần anh phải ngủ trong văn phòng của tôi. Hình như tôi có bạn Không Quân nhiều hơn là bạn đồng nghiệp. Tôi có số thiên di, suốt mười ba năm quân ngũ tôi có mặt tại đủ bốn vùng chiến thuật. Mớ quân trang của tôi ngày ra trường đầy một túi quân trang, và một cái ba lô. Dần dà mỗi lần di chuyển lại mất đi một số đồ đạc. Sau vài năm thì mớ quân trang chỉ còn vài bộ quần áo nhà binh và vài bộ thường phục, cùng một số sách vở. Nói nào ngay, binh chủng của tôi nhỏ, mỗi thành phố có vài sĩ quan, ai nấy đều nghiêm chỉnh, không văn nghệ văn gừng gì cả. Nội cái khoản quân phục tề chỉnh, giầy đánh bóng, râu tóc gọn ghẽ là tôi đã phát mứa lên tới tận cổ. Thành thử với các đồng nghiệp tôi kính nhi viễn chi. Tôi giao thiệp với Không Quân nhiều vì họ ít máu "quân giai" trong ngườị Nhất là với các phi công, đặc biệt là phi công chiến đấu. Cho dù họ mang cấp bậc gì trên vai áo, thì phận ai nấy lo, mỗi người một con tầu, một bầu trời trước mặt và lưới lửa đạn phòng không của địch bao quanh thân tầu. Cho dù họ bay máy bay gì cũng vậy, chỉ là một thỏi sắt biết bay trên trời. Cái bản nhạc "Không Quân Việt Nam", của Văn Cao, với lời hát:
"... Lúc đất nước lâm nguy, bao người con ra đi,
hối tiếc tấm thân mà chi... Đi không ai tìm xác rơi..."
 
hay thì có hay, nhưng mà lãng mạn và có vẻ hơi xa với thực tế trong chiến tranh Việt Nam. Tôi thích cái tính lè phè của Không Quân, phần lớn cấp bậc để dễ làm việc. Làm việc mà không có tôn ti trật tự thì đâu có là quân đội, mà là một cái gì đó, từa tựa như lính Tam Phủ ngày xưa. Nhưng hết giờ làm việc thì phải nới ra cho mọi người dễ thở. Ở Pleiku, tôi còn quen nhiều nhân vật trong phi trường. Bạn rất thân và cùng lớp sau này còn lấy một cô em họ tôi là Phạm Tuấn Kiệt, xuất thân khóa 19 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, làm tới Chỉ Huy Phó Trung Tâm Hành Quân Không Trợ của Quân khu IĐ. Tên này mà bốc máy điện thoại lên nói vài câu tiếng Mỹ là bom đạn ở trên trời rơi xuống. Một tên bạn khác, học cùng lớp với người em rể tôi là Đại Úy Lại Vạn Thọ, tên chàng là Thọ mà số thì ngược lại, anh chết rất trẻ, không phải vì chiến trận, mà vì bị du đảng đâm chết chỉ vì:
 
"Giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha".
 
Cũng cùng một lớp với tôi và Phạm Tuấn Kiệt còn một trự nữa là Đoàn Trọng Thê, cũng một nghề Không Trợ. Nghe đâu bạn tôi lúc này đang làm chức to, trong một đòan thể lớn đến độ có thể sắm máy bay tư để về oanh tạc bọn ác ôn côn đồ trong nước. Máy bay phản lực MIG 17, 19 giờ đang được nước Nga phá sản, bán sale. Rẻ rề, miễn có tiền là mua được. Nước Nga giờ cái gì mà không bán. Tàu ngầm nguyên tử, trạm phi thuyền không gian còn bán tuốt huống hồ ba cái máy bay cũ kỹ mấy chục năm. Quyên góp mãi thì cũng có ngày có thể sắm được, nhưng cái kẹt là bạn tôi xưa không phải là pi-lốt. Những tay pi-lốt thứ thiệt lâu ngày không bay còn lụt nghề.

Thôi thì cứ "wait and see", xem đảng của bạn tôi hoạch định con đường cứu nước. Khi Chuẩn Tướng Lam Sơn lên làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn, ông kiêm nhiệm luôn chức vụ Quân Trấn Trưởng Quân Trấn Pleiku, tôi làm sĩ quan phụ tá cho ông về quân phong quân kỷ. Tướng Lam Sơn đánh giặc chẳng biết có hay không? Song huyền thoại về ông thì ông đã từng... khện một anh cố vấn Mỹ bằng ba toong. Thành thử dưới cái dù của ông Tướng, đơn vị của tôi làm việc mệt cầm canh. Ngày đầu tiên nhận trách nhiệm, ông ra lệnh cho tôi một ngày bắt một trăm anh lính vi phạm ngoài đường. Ba ngày sau không còn một anh lính trẻ xa nhà nào dám lang thang trong giờ làm việc.

Thậm chí tôi phải cho xe tuần tiễu hoạt động gấp đôi, cũng không thể nào đủ. Một tuần lễ sau tôi báo cáo trở ngại thì ông Tướng nhẹ nhàng bớt cho 50%, nghĩa là một ngày 50 trự sẽ bị Quân Cảnh vồ. Chỉ trong một tháng trời thành phố bớt hẳn cái vụ lính lang thang trong giờ làm việc. Chỉ trong một tháng trời các ông đơn vị trưởng các đơn vị biệt lập ở Pleiku, ai nấy đều có vẻ thương yêu tôi ra trò. Nói ra thì xấu hổ, thực ra đơn vị tôi chẳng qua chỉ là cáo mượn oai hùm. Các ông xếp lớn, nhỏ vị thần nên nể cây đa, thân thiện với đơn vị tôi không để đâu cho hết. Các đơn vị Không Quân nổi tiếng lè phè cũng quen với tôi... ráo riết.

Trung Tá Mạo, Không Đoàn Yểm Cứ, Thiếu Tá Xung Tiếp Liệu. Mấy ông Phi Đoàn Trưởng thì qua Võ Ý và Lê Bá Định, không thân cũng hóa ra thân. Mùa hè năm 1972, năm Trần Văn Thặng bay lên trời để yểm trợ cho các đơn vị Bộ Binh dưới đất, khi xác anh rơi xuống, nào có phải đi tìm đâu cho xa. Xác anh nằm chương ra ngay trước phòng tuyến của quân bạn vài ngày trước khi được mang về. Tôi còn nhớ rõ cái bầu trời không khí nồng mùi tử thi đó. Ban đêm thành phố như là một thành phố chết. Tôi hay lái xe lang thang trong phố đêm, nhìn những cửa hiệu, hàng quán đóng cửa im lìm. Mấy người học sinh vừa học vừa gác nhân dân tự vệ dưới ánh sáng của những ngọn đèn đường. Những con chó hoang tìm mồi ban đêm. Mùa hè năm đó không hiểu tại sao về đêm sương nhiều như thế. Có hôm mới chưa đầy 10 giờ đêm mà sương như bưng lấy mắt. Ánh đèn xe không soi nổi một khoảng cách hai mươi thước tây. Sương như để tang cho những người chết trên rừng, trong núi. Đơn vị tôi cách nhà xác của nhà thương một khoảng cách ngắn, ban đêm thỉnh thoảng lái xe ngang qua nơi này, tôi có cảm giác như nghe được tiếng cú rúc não nề vẳng lên. Những ai đã ở Pleiku, hẳn đã có đôi lần đến ăn bún bò nhà xác. Gọi là bún bò nhà xác, vì đó không phải là một cửa tiệm ngoài mặt đường, không có bảng hiệu, lại nằm trong con ngõ nhỏ, ngay đằng sau nhà xác. Bún bò ở đây ngon ra gì, có điều từ khi mùa hè đỏ lửa xảy ra, tôi không bao giờ lại ăn ở đó. Sau mùa hè này, một hòa ước tạm bợ được ký kết tại
Paris. Tôi đi trao đổi tù binh mệt nghỉ. Trong một tháng trời liền tôi ngồi máy bay, vượt một khoảng đường dài bằng một vòng trái đất, trung bình ba ngày hai chuyến Phú Quốc Huế, mỗi một chuyến C130 mang 100 tù binh ra trao trả nơi bờ sông Thạch Hãn. Trong những giờ rảnh rỗi chờ máy bay, hoặc là tại chót cùng hải đảo, hay là tại phi trường Đà Nẵng, phi trường Phú Bài, tôi còn biết làm gì hơn ngồi suy nghĩ vẩn vơ. Cảm giác của tôi về hòa bình thật mong manh như những đám mây trắng nõn cuối trời. Chỉ cần một trận gió thoảng qua là quét sạch khỏi bầu trời. Có dịp ngồi máy bay liên tục tôi có cảm tưởng gần gũi với những người bạn Không Quân của tôi hơn.

Hình như khi con người ta ở trên một cao độ nào đó, nhìn xuống dưới đất, cái độ cao cho dù là giả tạo, cũng vẫn có một chất xúc tác nhỏ nhoi làm cho tấm lòng con người ta cao hơn một chút. Tôi có cảm giác có thể là không thật, và mơ hồ là hình như ở trên cao người ta bớt đi tiểu đi. Ở trên cao, gần với những đám mây trắng nõn lòng con người ta có sạch sẽ thanh cao hơn.

Những người đi biển thường trực cũng có một tấm lòng rộng rãi hơn khi đang sống những giây phút hải hành. Thiên nhiên luôn luôn cảm ứng với những kẻ có lòng. Trong những trường hợp ngược lại, với những kẻ sinh ra với tấm lòng độc ác, thì thiên nhiên chỉ ứng vào trong giây phút và sẽ trả lại tấm lòng độc ác khi sự hiện diện của thiên nhiên không còn. Các bạn bè Không Quân của tôi, vốn dĩ đã là những cánh chim tránh sao khỏi tan tác trong trận bão 75 ập tới. Đầu tiên về hai anh bạn cùng đi khám sức khỏe hơn ba mươi năm trước tại phi trường Tân Sơn Nhất. Hưng "xích lô" thì không bao giờ gặp lại, chỉ nghe loáng thoáng là sau này bay A37.

Suốt ba mươi năm, không một lần gặp lại trong đời. Toàn, anh có một cái tên hiệu không nho nhã, do Không Quân đặt cho anh là Toàn "liếm". Tôi có gặp lại Toàn nhiều lần trên Pleiku. Anh vẫn hệt như ngày nào, trắng trẻo, đẹp trai, thư sinh, nho nhã. Chẳng hiểu vì đâu mà lãnh một cái tên hiệu không lấy gì làm hay ho. Năm 75, Toàn cũng lại không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Bốn tên ngồi trong một phòng lái chật hẹp của F5 trên đường đào thoát khỏi tổ quốc. Khi bay sang được đến Thái Lan, gần phi trường Utapao, máy bay hết săng, phải đáp khẩn cấp trên xa lô.. Máy bay nổ. Đây mới thực là: "... Đi không ai tìm xác rơi..."
 
Nước đã chẳng còn, mấy ai còn nghĩ tới những cái chết cuối mùa trận chiến đó. Nguyễn Anh Dũng, một phi công A37 khác, vốn là một học sinh năm Tú Tài đầu tiên của Trung Học Ban Mê Thuộc. Khi tôi ở Ban Mê Thuột, Dũng chưa đi lính. Dũng thua tôi bốn tuổi, coi tôi như là một người anh. Nhiều người thấy Dũng lên máy bay trong những trận đánh cuối cùng của miền Nam, có điều không một ai trông thấy Dũng hạ cánh. Đặng Kim Sơn, một thiếu úy vừa mới du học, cũng lại A37. Sơn là con một ông bạn đồng nghiệp với cha tôi cùng một cư xá với tôi và thua tôi mười tuổi chẵn.

Sơn mới đúng là một thằng em tôi, thuở nhỏ vẫn ôm quần áo cho anh đi đá banh, reo hò tở mở mỗi lần tôi sút lọt vào gôn địch. Sau này khi Sơn vào Không Quân, tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết tin khi Sơn du học sắp trở về. Sơn là một người con ngoan trong gia đình, bác Mai, cha Sơn, bạn với ông cụ tôi suốt hai mươi năm ròng rã từ khi di cư vào Nam. Khi Sơn về nước, chưa kịp đáo nhậm đơn vi.. Phải chi em tôi học dốt, rớt lại một khóa, thì làm sao mà có mặt trên chiếc C119, bị bắn rơi ngay khi vừa cất cánh lên khỏi phi đạo của phi trường Tân Sơn Nhất, trong ngày 29 tháng Tư oan khiên đó. Còn nhiều lắm, kể làm sao cho hết những người bạn Không Quân của tôi. Với những người đã nằm xuống thì không còn gì để nói, có nhắc lại chỉ làm đau lòng người còn sống. Nhưng với những người còn hiện diện trên cuộc đời này, trong nước hay ngoài nước, tôi biết rõ một điều: Tuy họ còn sống, nhưng họ chính là những cái xác rơi khắp bốn phương trời. Không ai phải bận tâm đến chuyện đi nhặt xác họ. Bởi vì chính họ, kể từ khi không còn được làm bạn với bầu trời tổ quốc trên đầu, thì phần hồn mới là đáng kể. Cái phần hồn đó của ai nấy giữ. Bài viết này coi như là một món quà nhỏ, của một anh chàng không được Không Quân chiếu cố hơn ba chục năm trước, nhưng tận đáy lòng người viết những dòng chữ này, tôi xin trả lại một người bạn Không Quân của tôi, người đã tặng tôi một huy chương đeo chơi nơi ngực áo, một cái huy chương ăn giỗ, không tính điểm khi thăng cấp. Đó là huy chương: "Không Vụ Danh Dự Bội Tinh", dành cho những người không phải là Không Quân mà sử dụng phương tiện của Không Quân, nói tóm lại là đi máy bay nhiều. Khi anh bạn tôi ghi tên tôi vào danh sách này, anh không hỏi tôi xem có đồng ý hay không, thì khi tôi viết dòng chữ này, hà tất tôi phải xin phép anh. Tôi cũng chẳng ghi lại tên anh nơi đây, bởi vì không biết anh hiện còn sống hay đã mất trên phần đất quê nhà.

Hoàng Khởi Phong

No comments: