Thursday, June 13, 2019

Bốn cha con ‘đoàn tụ’ trong tù và chuyện cột cờ Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Nguyễn Việt Linh/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Nghe anh Ưng kể chuyện… ăn cắp cột đèn để làm cột cờ đi, thú vị lắm,” ông Lê Văn Sáng, cựu đại úy tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn Quang Trung Trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 ở Vũng Tàu, gợi ý với phóng viên nhật báo Người Việt. Theo ông Sáng, Trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam Cộng Hòa được thành lập từ thời Pháp thuộc với tên tiếng Pháp là “Ancient Enfant de Troupe” hay gọi tắt là “AET,” dành để giáo dục con cái của các chiến sĩ từ khi còn nhỏ trong môi trường quân đội. Sau khi tốt nghiệp, cựu thiếu sinh quân “AET” tham gia các quân trường khác của Quân Lực VNCH, tùy theo khả năng, để trở thành sĩ quan. Tại căn nhà mobile home trong khu California Mobile Home Park, ở Santa Ana, ông Nguyễn Văn Bình, con trai thứ nhì của cựu Đại Tá Nguyễn Văn Ưng, chỉ huy trưởng Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, giới thiệu: “Ba tôi năm nay 101 tuổi. Hai thuộc cấp của ông, hôm nay ngoài anh Sáng, còn có anh Phạm Trọng Phúc sẽ cùng chia sẻ những kỷ niệm khi còn làm việc dưới quyền ông, trước ngày 30 Tháng Tư, 1975. Còn tôi là sĩ quan tốt nghiệp khóa 2 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Đà Lạt.” Sau khi ông Phúc đến, mọi người cùng vào phòng khách để gặp vị chủ nhà là cựu Đại Tá Nguyễn Văn Ưng. Ai nấu đều tay bắt mặt mừng. Đặc biệt là mọi người gọi nhau bằng “anh,” xưng “tôi.” Quang cảnh sân cờ Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. (Hình: AET Trọng Nguyễn cung cấp)
Ông Phúc cho biết: “Sau khi ra trường Thiếu Sinh Quân, anh Ưng khuyến khích tôi học Trường Quân Y, nhưng chương trình học dài quá, tôi xin vào Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Sau hai năm, tôi tốt nghiệp và phục vụ quân chủng Hải Quân VNCH.”
“Tụi tôi ở trường đều gọi nhau bằng ‘anh’ vì ‘AET’ chúng tôi có truyền thống đó!” cựu đại tá giải thích thêm. Sau đó, vị chủ nhà cho biết ông vượt biên đến Mỹ năm 1981. “Tôi ở tù năm năm tại trại Hà Nam Ninh năm 1975. Ra trại năm 1981 là tôi kiếm đường vượt biên ngay. Tôi học khóa 1 Vũng Tàu. Khi quân đội Nhật đảo chánh, tôi vào miền Nam năm 1946, cùng thời với các ông Cao Văn Viên, Nguyễn Chánh Thi, Huỳnh Văn Tư…” cựu đại tá nói. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, cho đến nay, ông cho biết dù tuổi đã cao nhưng không quên kỷ niệm cùng thuộc cấp đi “ăn cắp” cột đèn về trường để làm cột cờ. “Năm 1966, tôi thấy cái cột cờ của Trường Thiếu Sinh Quân khi ấy sao nhỏ quá, trong lòng tôi nghĩ làm sao phải có cái cột cờ cao, uy nghi hơn cho xứng đáng với ba doanh trại của trường. Một hôm tôi đi vòng vòng xuống Xóm Vườn (Linh Sơn Cầu Tự), tôi thấy nhiều cột đèn xếp từng hàng. Không biết của ai nhưng thấy mê quá,” cựu Đại Tá Ưng kể. Cựu Đại Tá Nguyễn Văn Ưng (giữa), ông Phạm Trọng Phúc (trái) và ông Lê Văn Sáng, hai sĩ quan thuộc cấp khi xưa. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
“Tôi nhủ thầm rằng xin chắc họ sẽ không cho. Mua chưa chắc họ bán. Chỉ còn cách ‘mượn tạm’ nhưng xe GMC cơ hữu thì nhỏ, không đủ sức để chở cột điện dài cỡ 16 mét về. Tôi đi hỏi mượn xe ‘lô bồ’ của Công Binh Tạo Tác. Anh Nguyễn Văn Phương biệt phái cho tôi một xe ‘lô sết’ 18 bánh,” ông kể tiếp.
“Tôi nghĩ việc này không sĩ quan nào làm nổi, vì ‘ăn trộm’ thỉ chỉ một lần. Mười giờ đêm, tôi đích thân chỉ huy anh em giở ba cột trong số cột được xếp ngay ngắn, đem lên xe. Đem về làm cột cờ!” cựu đại tá say sưa kể. Ông Lê Văn Sáng đỡ lời: “Thật sự là các cột cờ của mình rất nhỏ, anh Ưng là người có ý tưởng thay thế. Anh nói rằng ba cột cờ tượng trưng cho ba miền: Nam, Trung, Bắc. Trường Thiếu Sinh Quân khi xưa ở nhiều nơi. Tôi được biết sau năm 1954, trường có tại Gia Định, Đà Lạt, Mỹ Tho, Ban Mê Thuột và Sông Mao. Năm 1956, trường các nơi tập trung về Vũng Tàu.” Ông Phạm Trọng Phúc như hồi tưởng lại ngôi trường xưa, nói: “Tôi cũng nhớ rằng Trường Thiếu Sinh Quân nằm rải rác khắp nơi. Mãi đến năm 1954 tất cả mới dồn về Vũng Tàu. Doanh trại có ba dãy. Cột cờ mới cao 16 mét!” Cựu Đại Tá Nguyễn Văn Ưng cùng các con. Từ trái, ông Nguyễn Văn Hiệp, ông Nguyễn Văn Thuận, bà Nguyễn Thị Liên, ông Ưng và ông Nguyễn Văn Bình tại tư gia ở Santa Ana. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
Như chợt nhớ ra một chi tiết liên quan, cựu Đại Tá Ưng tiếp lời: “Hồi xưa nhà tôi ở Vũng Tàu, kế sát bên Trường Thiếu Sinh Quân. Nghe nói sau năm 1975, Võ Văn Kiệt ở đó, trên đường đi Bãi Dâu, sau Núi Lớn, gần Bạch Dinh.”
Một chi tiết khác không kém phần thú vị, ông Ưng là người thiết kế logo sau cùng của Trường Thiếu Sinh Quân, với ba ngôi sao, thanh kiếm và ba chữ Nhân-Trí-Dũng trên nền xanh nước biển. “Ba ngôi sao là Bắc Đẩu, Sao Hôm, và Sao Mai tượng trưng cho sự sẵn sàng, lúc nào cũng có ba sao ấy trong bầu trời, tượng trưng cho thiếu sinh quân. Cây kiếm biểu hiệu sự chỉ huy. Nhân-Trí-Dũng là ba đức tính, có nghĩa thiếu sinh quân phải có lòng thương người, sự thông minh và can đảm,” cựu đại tá giải thích. Ông nói đến những ngày tháng nắm quyền chỉ huy: “Tôi lúc nào cũng lo cho thiếu sinh quân từ chén cơm, từ trái trứng. Đâu phải dễ gì kiếm đâu ra được 1,500 trái trứng một ngày. Mình cứ xin theo hệ thống quân giai thì biết bao giờ mới có. Tôi liên lạc với các cố vấn Mỹ. Trước sau cũng có trứng, có sữa cho thiếu sinh quân.” Cựu Đại Tá Nguyễn Văn Ưng lập gia đình và có mười người con. Hiện nay các người con ở gần ông gồm có ông Nguyễn Văn Thuận, 76 tuổi, tốt nghiệp khóa 16 Hải Quân VNCH; ông Nguyễn Văn Bình, 72 tuổi, tốt nghiệp khóa 2 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị; ông Nguyễn Văn Hiệp, 67 tuổi, tốt nghiệp khóa 29 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam; bà Nguyễn Thị Liên, 69 tuổi. Riêng ông Nguyễn Văn Trung, 62 tuổi, hiện ở Đức, từng theo học khóa 31 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, chưa hết khóa thì phải di tản. Cựu Đại Tá Nguyễn Văn Ưng trong phần nghi lễ của Đại Hội Thứ 20 Tổng Hội Thiếu Sinh Quân Hải Ngoại. (Hình: AET Trọng Nguyễn cung cấp)
Các con trai và con gái đều cùng tâm sự ngưỡng mộ tài năng, đức độ và thanh liêm của thân phụ.
Ông Thuận, con trai trưởng, nhận xét: “Cha tôi là người liêm chính. Suốt đời ông lo cho thuộc cấp. Lo cho thiếu sinh quân ăn uống đầy đủ, an toàn.” Ông Bình cho biết ông tham gia trận đánh Phước Long rồi sau bị đi tù chín năm: “Như anh tôi nói, cha tôi không phải loại người ‘xôi thịt.’ Tôi nhớ mẹ tôi muốn ba tôi can thiệp cho tôi về Sài Gòn. Ba tôi nói phải đại úy hay thiếu tá và có vợ con thì may ra, còn khi ấy thì cứ ráng đi xa, đời quân ngũ là thế, và tôi vẫn đi đơn vị xa nhà. Tôi thích thế.” Bà Liên cho biết: “Dù là con gái, không biết chuyện lính tráng, nhưng thấy anh em thiếu sinh quân thương mến ba tôi, tôi vui lắm.” Ông Hiệp cho rằng ông học được lòng nhẫn nại của cha. Điều này giúp ông sống vững vàng, từ khi vào Trường Võ Bị, cũng như khi bị đi tù. Cựu Đại Tá Nguyễn Văn Ưng tuy đã 101 tuổi, ông vẫn còn tỏ ra đầy nghị lực và tình thương cho thiếu sinh quân và thuộc cấp. “Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, cuối cùng thì bốn cha con tôi đoàn tụ trong nhà tù Cộng Sản. Sống vì anh em thiếu sinh quân, mai đây nếu qua thế giới khác, tôi vẫn là AET!” vị cựu đại tá già nói. (Nguyễn Việt Linh) Thieu Sinh Quan trong tran danh cuoi cung 30-04-1975: https://www.youtube.com/watch?v=h5CK0UCm65k https://dongsongcu.wordpress.com/…/tran-chien-dau-bi-hung-…/ https://bienxua.wordpress.com/…/thieu-sinh-quan-vung-tau-t…/ https://www.youtube.com/watch?v=S1NkvUvtPqk https://baovecovang2012.wordpress.com/…/lien-doan-truong-t…/ https://vietbao.com/…/tran-chien-hao-hung-va-cuoi-cung-cua-… https://hoiquanphidung.com/showthread.php… http://ngothelinh.tripod.com/ThieuSinhQuan.html https://chauxuannguyen2019.org/…/qlvnch-luoc-su-truong-thi…/ http://anhxua.com/…/truong-thieu-sinh-quan-vung-tau-truoc-1…



No comments: