Thursday, February 11, 2021

Còn đêm nào vui bằng đêm Ba Mươi?

“’Tân Què’ có thăm nuôi. Lên trình diện quản giáo gấp!”

Ðang loay hoay với bản tự kiểm về tội lén đưa đồ ăn vào cô-nết cho ‘Huy Ðiêu khắc gia’, Tân giật nẩy mình khi bị bố già Khối trưởng Thạch “Sùng” gọi đến tên tục của mình. Như một phản ứng tự nhiên, Tân, chưa cần nhìn về hướng viên khối trưởng đang đứng, trả lời ngay:

“Thôi đi bố già! Coi chừng lại lộn tên với thằng ‘Tân Heo’ như năm ngoái nữa!”

Năm ngoái, Tân đã bị gọi giật từ ngoài rẫy về vì có thăm nuôi “đột xuất,” sau đó mới vỡ lẽ ra là thằng “Tân Heo” có ông dượng, từ ngoài Bắc vào, tới thăm để “động viên” tinh thần học tập của nó. Ðược bạn bè gán cho cái mỹ danh là “Tân Heo” vì Tân này là chuyên viên nuôi heo trong trại. Các ngành nghề chuyên môn như chăn nuôi và trồng tỉa rất được anh em “cải tạo” ưa chuộng vì tương đối vừa đỡ tốn sức lao động lại vừa “có ăn” hơn các ngành làm rẫy hay “lên non đẵn gỗ trên rừng.” Còn “Tân Què” thì dĩ nhiên là chân phải đi cà xẹo hay cà thọt gì đó rồi. Một mảnh đạn pháo trong Trận An Lộc đã làm vỡ nát nhượng chân trái của Tân, suýt làm anh què luôn.

Nhưng lần này, cứ nghe cái giọng khẳng định của viên khối trưởng đầu bạc, có lẽ không có vụ lộn tên được nữa:

“Ðúng là ‘Tân Què’ chớ còn ai nữa! Chính thân nhân của cậu đòi phải gặp cho bằng được ‘Tân Què’ ở An Lộc mà! Bộ cậu sợ không dám nhận mình là dân ‘Bình Long Anh Dũng’ nữa sao?”

Thấy sự thể cũng hơi lạ, nhưng để cho chắc ăn, Tân gặng hỏi:

“Mà cụ biết người tới thăm tôi là ai không? Tôi là ‘con bà phước’ mà, làm gì có ai thăm?”

“Moa’ không rõ. Cậu cứ lên hỏi thẳng quản giáo thì biết ngay chớ gì!”

Viên khối trưởng chỉ nói vậy rồi bỏ đi. Tân lật đật thu gom giấy, bút trên cái bàn gỗ “dã chiến,” bỏ xuống phía dưới chiếc chiếu nằm. Cái tên Thạch “Sùng” của viên khối trưởng đứng tuổi này cũng có lý do hiện hữu của nó: Thạch có tánh hay tiếc của – nhứt là cơm rơi – và thường dễ nổi sùng với anh em, mặc dù “bố già” là người được coi như tốt bụng nhứt trong đám tù nhân khốn đốn tại Trại Xuân Lộc này, tất cả đều là những sĩ quan trong quân đội và cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa trước đây, mà sau “giải phóng” đã bị nhà cầm quyền cộng sản bắt đưa vào các trại “tập trung cải tạo.”

Tân xỏ chân vào quần, khoác lẹ chiếc áo sơ-mi máng trên cây đinh nơi cột tre, rồi bước ra ngoài. Thằng Chinh, tay vừa ở cô-nếch ba tháng ra vì nhận giấy tờ giả từ ngoài đưa vào để mưu toan trốn trại, đoán già, đoán non:

“Không chừng con bồ nhí nơi quán Thu Sương tới thăm đó mậy! Cho tao gởi lời thăm con Bích, em nó, nghe!”

Không đáp lời Chinh, Tân lặng lẽ rảo bước lên văn phòng viên quản giáo ở cuối dãy nhà thuộc khu cán bộ công an. Không khí chiều Ba Mươi Tết thiệt êm ả trên toàn trại, và có lẽ đây là lần đầu tiên Tân cảm nhận điều này nơi đây. Gần như cả năm, chẳng mấy khi cái trại cải tạo nơi vùng đất đỏ hoe này có được một buổi chiều im ắng như thế này, kể cả ngày Chủ Nhật là ngày toàn trại được nghỉ lao động. Suốt thời gian được chuyển về trại, Tân chỉ thấy sinh hoạt của trại cứ xoay quanh chuyện tập họp đi lao động, tranh nhau tắm rửa, tranh nhau lấy cơm, tập trung xét đồ, và ngồi đồng kiểm điểm…

Viên quản giáo, mới ngó thấy Tân thập thò trước cửa văn phòng, đã nhoài người ra chào đón:

“Anh Tân đấy à? Anh có thăm nuôi đột xuất đấy. Anh theo tôi ra ngoài đó ngay kẻo hết giờ. Sướng nhé, đồ ăn coi bộ nhiều lắm, kỳ này tha hồ ăn Tết to!”

Hơi ngạc nhiên trước thái độ thân thiện bất ngờ của viên quản giáo, Tân cố lấy vẻ lễ phép, đáp:

“Thiệt sự tôi đâu có biết ai đâu mà mong đồ ít, đồ nhiều, cán bộ! Nhưng mà ai vậy? Cán bộ cũng biết là từ hai năm nay tôi chẳng có ai là thân nhân đến thăm.”

“Cần gì biết. Cứ ra ngoài rồi sẽ rõ. Mà coi bộ cô ấy xinh lắm đó! Nhớ nếu có ‘con nạp xưởng’ thì để dành lại cho tôi và anh em một ít nhé. Ngày Xuân lai rai ấy mà!”

Tân suýt bật cười thành tiếng trước thái độ thân tình, săn đón bất ngờ đầy dụng ý của viên quản giáo. Chả bù với những lần kiểm soát chỉ tiêu sản xuất trong ngày, gương mặt anh ta tuy non choẹt nhưng vì khó đăm đăm nên nom già cỗi, coi dễ ghét lắm.

“Thôi kệ, tha cho mầy!” Tân nghĩ bụng. Cái gọi là “con nạp xưởng” thiệt ra chỉ là mấy cây lạp xưởng của Ba Tàu Chợ Lớn mà hễ lần nào Tân ăn vào thì cũng thấy bụng óc ách khó tiêu, nhưng không hiểu sao tại Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa lại không sản xuất nổi, để cho mấy anh cán bộ trại anh nào cũng mê, cũng ghiền cái món mới lạ này.

Viên quản giáo đẩy Tân vào nhà khách cải tạo, liếc xéo vào người khách đến thăm một cái trước khi bỏ đi, không quên dặn với:

“Hai mươi phút thôi nhé, anh Tân! Tôi đã bảo cán bộ vũ trang rồi. Tôi đặc biệt gia hạn cho anh thêm năm phút nữa đó. Nhớ vụ kia giùm tôi…”

Giây phút này, Tân không còn lo để ý tới cán bộ quản giáo hay cán bộ vũ trang gì nữa cả. Kể ra thì làm quản giáo, trực tiếp coi anh em cải tạo như Mẫn đây, vẫn được xem là oai hơn làm cán bộ vũ trang mà nhiệm vụ chỉ là xách súng đi bảo vệ an ninh trại và bắn bỏ bọn trốn trại để theo phe phản động bên ngoài.

Liếc nhanh về phía chiếc bàn gỗ dài nơi nhà khách, Tân chợt thấy khuôn mặt lạ hoắc của một thiếu nữ, với đôi mắt sáng long lanh đang chăm chú nhìn về phía anh. Cả chiếc áo bà ba màu hồng phấn điểm hoa và cái quần xá-xị đen của cô gái cũng không giúp ích gì thêm cho ký ức của Tân. Cố lục lọi trí nhớ hồi lâu, Tân đành chịu, không biết người con gái đó là ai.

“Anh Tân! Anh Tân! Thủy đây nè, Thủy ở An Lộc đó, bộ anh hổng nhớ em sao?” Người con gái đứng bật dậy, lớn tiếng gọi khi vừa thấy Tân bước đến gần cửa nhà khách.

Sau một thoáng bàng hoàng, Tân mới chợt nhớ ra…

Dĩ vãng như một cuốn phim quay nhanh qua tâm trí Tân. Thủy chính là cô bé mười lăm tuổi mà Tân đã cứu được từ trong đống gạch vụn, tôn cháy khi dãy nhà của Thủy và đồng bào tị nạn từ Lộc Ninh dồn về bị trúng đạn pháo 130 ly ngay giữa cuộc tiến công của quân cộng sản vào An Lộc. Lúc đó, đơn vị của Tân là Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân dưới quyền của Trung Tá Biết đang đánh vùi với Cộng quân ngay tại phía ngoài Chi khu An Lộc, đánh liên tục cả mấy tuần lễ liền. Ðạn hết, lương thực cũng hết và người thì đã hao hụt quá nửa mà Tân và đồng đội vẫn không ra khỏi được vòng vây của quân địch. Ðã thế, quân tấn công lại tập trung đủ loại pháo nặng, nhẹ các cỡ bắn vào thị xã như mưa, với dã tâm san bằng mục tiêu thành bình địa, không kể gì tới tánh mạng và tài sản của dân lành vô tội. Có ngày, họ đã bắn hơn 10 ngàn quả đạn pháo vào thị trấn nhỏ bé này, một thị trấn mà, từ trên máy bay nhìn xuống, chẳng thấy có một lợi thế phòng thủ nào đáng kể, vì ba bên, bốn bề của nó đều bỏ ngỏ, trải ra như tấm lòng rộng mở của những người em gái An Lộc thuộc lớp đàn chị của Thủy.

Thủy ngày xưa là vậy đó. Nhưng hôm nay đây, dáng dấp, giọng nói và gương mặt của người thiếu nữ đang đứng trước mặt Tân xem ra hết sức xa lạ với những gì mà Tân đã thấy, đã nghe và đã biết về người con gái ấy ở An Lộc hơn tám năm về trước. Ðó là một cô bé đáng thương, mặt mũi loang vết máu, tay chân trầy trụa, đang run lẩy bẩy trên tay Tân. Mẹ và em trai của cô bé, tuy chẳng bị thương tích gì đáng kể, nhưng đều đầy vẻ kinh hoàng, kêu khóc liên hồi trong nỗi sợ hãi cùng cực của những nạn nhân vừa mới được cứu khỏi cảnh bị chôn vùi giữa căn nhà đổ nát của mình.

Cô gái rời khỏi chiếc băng ghế dài, chạy tới nắm lấy tay Tân:

“Trời ơi, anh Tân! Sao anh dạo này ốm mà đen quá vậy? Ngày xưa lúc ai cũng khốn đốn vì bị Việt Cộng bao vây cả tháng, tuy bữa đói, bữa no nhưng anh đâu đến nỗi?”

Vừa nói, cô gái vừa lấy tay quệt nước mắt. Tân sững sờ trước tình huống bất ngờ:

“Không dè Thủy mau lớn quá. Lại đẹp hơn hồi nhỏ, làm anh nhận không ra. Nhưng làm sao em biết là anh đang ở đây mà tới thăm? Mà làm sao em xin phép đi thăm anh được, trong khi em chẳng có liên hệ họ hàng gần xa gì với anh?”

Tân vừa định ngồi xuống bên cạnh người con gái ở phía bên này chiếc bàn, nhưng sực nhớ tới quy định của của trại cấm anh em cải tạo không được ngồi kế bên khách, anh đành ngồi xuống nơi ghế phía đối diện với cô gái.

Thủy với tay lấy một trái quýt từ nơi một trong ba cái giỏ xách lớn và nặng trĩu mà có lẽ cô đã khá vất vả mới mang được vào trại từ bến xe lam cách đó cả cây số vào một buổi trưa nắng đổ như thế này. Ðưa tay chỉ mấy cái giỏ xách trên bàn, cô gái nói với Tân:

“Tất cả ba cái xách này là đồ của anh. Em tích lũy, gom góp của hợp tác xã cả tháng trời mới có đủ thứ cho anh đó! Anh nhớ ăn dè sẻn một chút, chớ ít ra cũng phải ba tháng sau em mới hy vọng lên thăm lại anh đó!”

Tân cố khách sáo:

“Lặn lội lên thăm anh là đã quý hóa lắm rồi, em bày vẽ làm gì cho tốn tiền mà lại nặng nhọc nữa? Mà em phải cho anh biết làm sao em có được phép tới thăm anh ngay vào chiều Ba Mươi Tết này chớ?”

Ðưa cho Tân mấy múi quýt đã lột sẵn, Thủy vừa cười vừa nói:

“Thiệt ra em hổng có xin phép từ địa phương của anh ở Sài Gòn, mà xin phép ngay từ trại này nè! Ông Tuân, trại phó sản xuất, tuần nào cũng ghé thăm dì em. Ổng đang dê dì em kịch liệt đó anh! Em nhờ dì em nói thẳng với ổng là em muốn đi thăm nuôi anh của em đang học trong trại dưới quyền ổng. Em khai là em cô cậu của anh. Dì Minh là người mà anh nói chuyện cả buổi lúc toán cưa củi của anh bị trở ngại xe cộ rồi được công an võ trang cho đi ăn uống gần bến xe đó… Anh còn nhớ hông? Dì Minh rất cảm động vì câu chuyện anh kể về đời lính của anh ngày xưa, nhứt là những ngày Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân đánh trận An Lộc, sống chết với dân An Lộc, với tụi em.”

Tân mới nuốt xong mấy múi quýt ngọt lịm qua cổ thì đã được Thủy tiếp cho hai múi khác.

“À! Anh nhớ ra rồi! Ủa, bà Minh là dì của em hả? Dì ruột hay dì trong họ?” Tân thắc mắc.

“Bả chỉ là dì họ thôi. Mà bả thương em lắm, anh Tân ơi! Một phần vì bả thấy em lanh lợi, giúp ích cho bả nhiều trong chuyện buôn bán, phần khác bả thấy em thiệt thà, ngay thẳng, không tham như mấy đứa khác cũng là cháu của bả. Bả có nói phải chi bả biết người trong câu chuyện anh kể là em thì bả đã cho anh biết ngay rằng bả là dì của em rồi. Hồi em còn nhỏ thì bả buôn bán đâu trên Sài Gòn, chỉ tiếp xúc với họ hàng em khi người nhà có công việc đi Sài Gòn, ghé ngủ tạm tại nhà bả một đôi hôm rồi đi.”

“Em mau lớn và xinh quá, anh thiệt không ngờ!” Tân nói, lòng vẫn e rằng người con gái đối diện sẽ ngượng ngùng vì lời khen mà Tân cứ lặp đi, lặp lại đó. Phải biết rằng gì chớ về “tâm lý bạn gái” thì Tân rất rành, mặc dù anh vốn là dân tác chiến Biệt Ðộng Quân thứ dữ.

“Thiệt vậy hả anh?” Thủy hỏi lại với vẻ ngây thơ pha lẫn đôi chút sung sướng. “Mà nghe nói vợ anh đã đi vượt biên rồi hả? Chỉ hiện tới đâu vậy, anh Tân?”

Vết thương lòng bỗng dưng lại bị khơi dậy. Nhưng Tân cảm thấy cần phải nói thiệt cho Thủy -người mà từ trước tới nay anh vẫn coi như em gái mình – để cho cô gái biết rõ, kẻo che giấu hoài sau này lại phải mất công cải chính:

“Sự thực không phải vậy đâu, Thủy!”

“Vậy chớ sự thực là sao, hả anh?”

Thủy giục.

“Vợ anh đã bỏ anh đi lấy chồng khác rồi! Lấy một thượng úy Cộng Sản trong phường của bả. Tại anh lỡ khoe với anh em trong trại rằng vợ mình rất chung thủy, nên chẳng dám cho ai biết sự thực, mà chỉ khai là bả đã vượt biên rồi, vì anh biết những người đồng bạn của anh tại đây đều ở tù ‘mút chỉ cà tha,’ chẳng ai đủ khả năng ra ngoài mà kiểm chứng cho rõ thiệt, hư.”

“Trời đất ơi! Thiệt là buồn quá, hả anh Tân? Em không ngờ thời này người ta hay ăn ở bất nghĩa đến như vậy. À, em quên hỏi thử anh và chị đã có mấy đứa con với nhau rồi? Bây giờ con cái ra sao?”

“May mà chỉ có một đứa con gái, năm nay mới lên mười. Vợ anh đã gởi nó về bên ngoại nuôi giùm, lâu lâu mới về thăm mà thôi. Bên ngoại nó được cái là rất cưng con nhỏ và cũng còn thương anh lắm. Mỗi năm vài lần, bên vợ anh vẫn gởi quà thăm nuôi cho anh trên này. Có điều là chẳng có ai tới thăm anh từ dạo Thắm bỏ anh mà thôi”…

Thủy chưa kịp bình luận gì về những tiết lộ mới này, thì Tân đã tiếp nối câu chuyện:

“Anh cũng không trách gì bả. Gặp cảnh đời thay đổi thì dù ông to, bà lớn cũng phải đổi thay để sống còn, huống hồ chi vợ anh cũng chỉ là một người phụ nữ tầm thường. Ai còn lạ gì…”

Tân vừa nói tới đó thì chợt thấy người công an vũ trang hồi nãy, mặc đồng phục vàng lợt, đeo súng AK, lấp ló ngoài cửa sổ. Thiệt ra, nhiệm vụ của anh ta cũng chỉ là để canh chừng xem anh em cải tạo được thăm có ta thán chế độ tù tội hay phát ngôn điều gì phản động, và khách thăm có lén lút đưa vào trại tài liệu nào nguy hại cho “an ninh tổ quốc” hay không mà thôi.

Thấy người công an đã bỏ đi vì không phát hiện hay nghe ngóng được điều gì hệ trọng, Tân nhích người tới gần Thủy hơn:

“Ai còn lạ gì chủ trương ‘tài sản ngụy, ta chiếm; vợ con ngụy, ta lấy’ của Ðảng Cộng Sản Việt Nam đối với gia đình sĩ quan, viên chức thuộc chế độ cũ bị đưa đi tập trung học tập cải tạo trong những ngày đầu Sài Gòn ‘giải phóng’? Anh lại thấy thà Thắm làm vậy còn hơn là tiếp tục lừa dối nhau. Trại này có một anh tên là Út. Tháng nào ảnh cũng nhận được thơ vợ viết vào thăm, kể lể, tâm tình thiệt là tình sâu, nghĩa nặng; thậm chí bà vợ còn làm thơ ca ngợi mối tình chung thủy của họ trong hoàn cảnh ‘loan phượng lìa đôi nữa’. Nhưng khi người anh em bạn cột chèo của ảnh được thả về thì mới vỡ lẽ ra rằng chị ta đang có mang với một tay công an phường nào đó, mà tay này thì lại vợ con đùm đề cả rồi, mới ác chớ! Thiệt là tình đời ngày nay đã đổi thay đến hết biết rồi, Thủy ơi!”

Thủy còn đang ngẩn người ra chưa kịp nói gì để an ủi Tân trong cơn xúc cảm, tủi buồn thì đã nghe có tiếng của người công an vũ trang hồi nãy nói với vào, giọng “Bắc kỳ 75” đặc sệt:

“Anh gì đó, chỉ còn có ba phút thôi nà anh phải về trại đấy! Còn cô Thùy hay Thủy gì đó nữa, khẩn trương nên nhé, thu gọn tâm tình nại mà về nhà, để nần tới nại được phép vào thăm nữa chứ!”

Thủy nắm lấy tay Tân:

“Cán bộ trại chưa chi đã hối về rồi đó! Ðể em bàn giao mấy món đồ ăn cho anh cho kịp giờ…”

Thủy vừa nói vừa soạn sành mấy cái giỏ xách:

“Ðây là mấy món mặn cho anh ăn dài dài nè: ruốc xào sả, ớt kiểu người Trung, mắm khô quẹt mẹ em làm – tuy mặn, nhưng ngon lắm – cá khô sặt, muối sả, tôm khô, thịt heo kho trứng vịt, và cả mắm tôm chua em mới làm hôm qua cho anh nữa! Trong cái xách đen đen này có đủ các thứ gia vị như tiêu, hành, ớt, tỏi, và nhứt là bột ngọt – cái bịch nylông có chữ ‘mì chính’ đó nghe anh! Cái túi lớn nhứt thì có mấy món hơi sang sang một chút để anh đãi bạn bè: mè xửng Huế nè, đường Cu-ba nè, lạp xưởng nè, đậu phộng nè. Dưới đáy xách là ba ký nếp hạng nhứt mà Dì Minh biểu gởi cho anh đó!”

“Trời đất ơi! Sao em biết trong này anh cần mấy thứ này mà mua sắm quá ‘đạt yêu cầu’ như vậy? Về cho anh gởi lời cám ơn dì Minh thiệt nhiều, nghe em!”

Với tay cầm lấy cái thẩu nhựa đựng mắm khô quẹt, Tân nói với Thủy:

“Cái món khô quẹt này để anh nhờ người lén đem cho anh Huy một ít, vì ảnh mê lắm. Tội nghiệp! Ảnh là một điêu khắc gia nổi tiếng của mình ngày xưa, chỉ vì mới đây ảnh tạc tượng ‘Bác Hồ’ mũi hơi khoằm và nhọn như mũi két nên bị ghép vào tội phản động, bị đem giam cô-nếch gần ba tháng nay. Tuần trước, anh đi lao động về có lén thẩy cho ảnh hai miếng đường, nhưng rủi bị cán bộ tuần tra phát hiện nên sáng nay phải ngồi làm kiểm điểm, mới suy nghĩ cách chạy tội thì nghe kêu có em lên thăm nuôi nên lại bỏ đó…”

Tân lôi mấy xâu lạp xưởng ra khỏi mớ đồ ăn:

“Chỉ có cái món lạp xưởng là không hạp với anh lắm thôi, nhưng đám công an, cán bộ thì lại khoái ghê lắm. Họ gọi là ‘con nạp xưởng’ đó em! Ðể anh mang vào hối lộ cho họ đặng lấy lòng, phòng khi hữu sự cũng thường tai qua, nạn khỏi lắm. Thủy ơi! Anh thiệt mang ơn em biết mấy! Ðã hơn hai năm rồi, kể từ khi vợ anh bỏ đi, chẳng có một mống nào tới thăm anh hết. Mẹ anh thì đã mù lòa, con anh thì còn quá nhỏ, anh đành giấu biệt địa chỉ sau lần chuyển trại tới đây, chớ đâu có nỡ lòng nào bắt họ phải đi thăm mình?”

Tân nắm lấy đôi bàn tay thon và đẹp của Thủy. Người con gái đứng yên hồi lâu, chẳng nói gì, không biết có phải vì muốn chìu ý Tân hay là vì chính cô gái cũng muốn hưởng trọn cái phút giây êm ái đó, tay trong tay với người mà ngày xưa cô bé vừa cảm phục, vừa biết ơn mà cũng vừa thương mến nhưng không đời nào dám ngỏ. Tân vừa định nói lời từ biệt với Thủy, thì người công an vũ trang đã bước vào nhà khách, khẩu AK-47 chế tạo tại Tiệp Khắc kè kè bên hông:

“Thôi, xong rồi. Anh, chị niệu mà về nẹ nẹ đi nhé! Nể nồi cán bộ quản giáo tôi đã gia hạn cho cả năm phút rồi đấy!”

Người cán bộ vũ trang này, Tân hơi ngờ ngợ, có lẽ cũng chính là anh chàng áo vàng ác ôn đã giọng cho thằng Chinh ba cái báng súng đau “thấu trời xanh” khi hắn bị giải giao vào biệt giam trong cái thùng sắt vuông vức gọi là cô-nếch mà ngày xưa lính Mỹ vẫn dùng để chứa hàng hóa và quân dụng. Vì cấu trúc bằng sắt và bốn bề kín mít như bưng, thời tiết bên trong cô-nếch chỉ có hai mùa: Ban đêm là mùa Ðông lạnh như Bắc cực và ban ngày là mùa Hè nóng như thiêu đốt của sa mạc Sahara!

Không để cho kẻ giam giữ mình phải nặng lời, Tân vội vã choàng tay qua vai, ôm nhẹ Thủy một cái. Cái tật “lợi dụng thời cơ” này của Tân nay, dẫu sao, cũng đã giảm bớt một nửa rồi so với ngày xưa, có lẽ cũng vì Tân còn mang nặng mặc cảm của kẻ chiến bại.

Người con gái, lộ vẻ thẹn thùng, đứng im lặng trong vòng tay Tân giây lát trước khi dịu dàng đẩy nhẹ Tân ra:

“Thôi, anh lo về nghỉ ngơi sớm đi, hết giờ thăm rồi! Em mừng hết sức vì đã được gặp lại anh hôm nay,” cô gái nói qua làn nước mắt rơm rớm. “Ðã biết anh vẫn còn sống nơi đây thì, bằng cách này hay cách khác, em cũng sẽ lo lắng, thăm nuôi anh. Gia đình em không bao giờ quên ơn cứu mạng của anh, của mấy người lính Biệt Ðộng Quân như anh trong cuộc chiến… À quên, anh Tân ơi, em còn gởi cho anh cái này…”

Thủy vội vã nhét vào chiếc túi quần bên hông của Tân một gói gì nho nhỏ nhưng khá cộm. Nghi đó là tiền, Tân vội chối từ:

“Gì chớ tiền thì anh không nhận đâu nhé, Thủy! Thơ cũng không được nữa, vì sẽ bị quản giáo xét trước khi về phòng.”

“Anh yên tâm, cái đó là của mẹ em chớ không phải của em đâu. Nhưng anh phải giấu nó chỗ nào đi nếu thấy không tiện lắm, nghe anh Tân! À, tí nữa em quên mất. Anh Tân có bao giờ nghĩ rằng trong cái rủi nhiều khi cũng có cái may? Biết đâu nhờ chị Thắm bỏ anh mà người khác mới có cơ hội được lo cho anh?” Thủy không nhìn thẳng vào mắt Tân mà gần như là nhìn xuống đất trong câu nói sau cùng này, trước khi gặt đầu ra dấu từ biệt Tân rồi bước đi.

Ðứng lặng yên giây lát cạnh ba cái giỏ xách đồ ăn mà Thủy mới trao cho, Tân đưa mắt nhìn theo cô gái đang chậm rãi quay gót ra phía trước cổng trại. Một cảm giác nửa vui, nửa buồn xâm chiếm lấy tâm hồn anh… Khi cái vẫy tay sau cùng của Thủy đã khuất sau cánh cổng lớn, Tân mới biết rằng mình đành phải tạm giã từ một niềm hạnh phúc tuy mới vừa ló dạng nhưng lại mang nhiều hứa hẹn tương lai.

“Anh Tân có bao giờ nghĩ rằng trong cái rủi nhiều khi cũng có cái may?” Lời nói của Thủy như vẫn còn vang vọng đâu đây trong tâm trí Tân trên đường từ nhà khách trở về trại, với mấy giỏ xách đồ ăn thăm nuôi trên tay.

Ðối với Tân, đêm Ba Mươi năm nay cũng chính là phút giây khởi đầu của những mộng ước tương lai trong một cuộc đời tưởng đã héo tàn nay bỗng dưng lại đơm hoa, kết trái. Trong khi bạn bè cùng phòng ai cũng hớn hở, cười vui vì được Tân chia sớt chút quà thăm nuôi bất ngờ để cùng đón giao thừa, thì tận nơi đáy lòng Tân lại đang rộn ràng những tình cảm thương yêu vừa chớm nở, y như một nụ mai vàng e ấp, âm thầm nhưng mãnh liệt, bung cánh chào đón Xuân sang.

ST

No comments: