Thursday, January 14, 2016

NGÔ QUANG TRƯỞNG – CỔ KIM NHƯ DANH TƯỚNG

(Phan Nhật Nam)

Trích Những Cột Trụ Chống Giữ Quê Hương
Ngô-Quang-Trưởng 1963
Phi Trường Biên Hòa nằm im dưới nắng khô rốc như một khoảng sân gạch nung chín, hơi nóng từ phi đạo do những tấm vĩ sắt PSP ghép vào nhau bốc lên lớp khí lung linh hừng hừng như làn khói từ một đám cháy âm ỉ đâu dưới mặt đất. Ngọn núi Bửu Long bên ngoài hàng rào sân bay với hàng cây trên sườn núi, đỉnh đồi, cũng không cho thêm độ xanh tươi, im mát của thiên nhiên, mà chỉ tăng phần trần trụi của khu vực. Gió khô thổi từng chập tung bụi đỏ dọc con đường đất chạy quanh Phi Trường, lay động lật bật những tấm che chắn tháo gỡ từ những thùng giấy, ghép lại với nhau làm lều tạm trú cho đám lính canh giữ vòng đai an ninh.

Chiếc xe jeep mang phù hiệu Nhảy Dù với con số 5 màu đỏ nơi tấm kiếng chắn gió chạy chậm trên đường vòng đai là điểm linh động duy nhất của toàn cảnh tượng. Đám lính từ trong những căn lều trạm trú lần lượt hiện ra, đứng nghiêm theo lệnh hô của người chỉ huy, chào tay lên vành mũ sắt, đợi chiếc xe đi tới. Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhẩy Dù ngừng xe xuống mỗi vị trí gác, ông đi thẳng, bước nhẹ, đến trước mỗi hàng quân, chào tay, nói nhỏ với người chỉ huy. Cho anh em nghỉ. Nhìn thẳng mắt vào mỗi người lính, ông hỏi chuyện thân mật như với người thân. Nóng quá, anh em có đem đủ nước uống không, nhớ chùi súng, thông nòng cho sạch, đừng để bị đất bụi bám vô. Sau khi hỏi thăm đủ đến mỗi người lính, ông lại chào tay trước khi bước lên xe. Chiếc lưng và thân người thẳng đứng, lưng áo tác chiến hoa nhẩy dù bó căng thân thể cao gầy. Do bị thương từ một saut nhẩy dù bồi dưỡng, nay phần thân trên phải chịu bó cứng trong một lớp áo giáp bột thạch cao. Nắng nung khô áo vải hoa dù ny lông như lớp bánh tráng nướng chín, nhưng mỗi ngày hai lần, Thiếu Tá Ngô Quang Trưởng tự thân đi vòng quanh Phi Trường để kiểm soát đơn vị đang giữ nhiệm vụ ứng chiến, an ninh.

Chiều hôm nay thứ bảy, sao anh không để ông Phó đi thay, người lại bị bó bột như vậy, nóng chịu sao nổi ? Đại Úy Ngô Xuân Nghị, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7 Dù, đơn vị chung chiến đoàn, cùng chịu trách nhiệm an ninh Phi Trường Biên Hòa tỏ ý ái ngại khi Thiếu Tá Trưởng ghé qua thăm đơn vị nầy (cũng trong vòng đai Phi Trường Biên Hòa) sau lần kiểm soát cuối ngày.

Binh sĩ anh em người ta còn phải chịu nóng, cực hơn mình nhiều. Thiếu Tá Trưởng ngồi xuống chiếc ghế, gỡ nón sắt đặt xuống bên cạnh. Nét mặt nghiêm nghị trầm tư.

Đến chiều tối, viên sĩ quan trực Tiểu Đoàn 7 khi ghé qua văn phòng Tiểu Đoàn Trưởng để trình ký văn thư, anh vẫn thấy người Tiểu Đoàn Trưởng đơn vị bạn ngồi ở vị thế và cách thức lúc ban chiều. Chiếc nón sắt đặt bên cạnh, lưng thẳng cứng, sắc mắt nhìn nghiêm lạnh. Chỉ khác, chai Scott để trên bàn đã vơi quá nửa.

Khi đi ra khỏi văn phòng, gã Thiếu Úy trẻ tuổi có ý nghĩ:

‘’Chắc ông ấy uống rượu là uống cho có vậy thôi, chứ ai ngồi uống với bạn mà im lặng đến thế. Hẳn ông đang gặp điều buồn phiền nhưng không nói ra ?’’ Và có thể, sau này gã sẽ quên đi nhiều chuyện, nhưng sắc mặt nhìn của người ngồi trước ly rượu kia sẽ ghi dấu với gã rất lâu. Viên Thiếu Úy nghĩ thầm, và tin chắc mình đã có nhận xét chính xác.
LẦN GIỮ VỮNG THỨ NHẤT

Bắt đầu năm 1963, tình hình quân sự Miền Nam đã có những chỉ dấu suy thoái, lực lượng du kích, địa phương cộng sản được thành lập từ hai năm trước với những vũ khí đơn sơ, tự chế tạo như súng ngựa trời, đạp lôi, mìn bẫy, nay được tăng cường thêm thành phần cán bộ hồi kết, lẫn cán bộ Bắc Việt mới xâm nhập, cùng với những vũ khí mới, hữu hiệu nhất do khối cộng sản viện trợ. Lực lượng nầy biến cuộc nổi dậy của du kích địa phương nên thành một cuộc chiến tranh bán quy ước, chuyển qua giai đoạn chuẩn bị tấn công lật đổ chính quyền hợp hiến Miền Nam.

Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, Tư Lệnh Quân Khu IV giữ trách nhiệm an ninh quân sự toàn Vùng Châu Thổ sông Cửu Long, nắm quyền Tư Lệnh ngày đầu năm Dương Lịch 1 tháng 1 năm 1963. Tướng Cao nhận nhiệm vụ vốn không hoàn toàn do từ khả năng chỉ huy cần có đối với một Tư Lệnh Vùng, nhưng vì là người trung tín của Tổng Thống Diệm, lại được lòng của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, Giáo Phận Vĩnh Long, nơi đồn trú của Sư Đoàn 9 Bộ Binh, một đơn vị nòng cốt của Vùng. Hơn thế nữa, Tướng Cao còn được lòng tin của Cố Vấn Chỉ Đạo Ngô Đình Cẩn, bởi gốc người Phú Cam, Huế, đồng hương, đồng đạo với Cố Vấn. Thiếu Tướng Cao cũng là thành viên trong Quân Ủy Trung Ương Đảng Cần Lao do Cố Vấn Ngô Đình Nhu sáng lập, lãnh đạo. Từ vị thế vững chắc về mặt ‘’chính trị’’ nầy nên Tướng Cao không mấy quan tâm, năng nổ trong nhiệm vụ điều quân dẹp loạn, mà mục tiêu trước tiên là làm vừa lòng những người đỡ đầu, quyết định về sự nghiệp, công danh của ông. Thế nên, về phương diện quân sự, ông phải làm thế nào để Vùng trách nhiệm ‘’có được tiếng an ninh’’ trong báo cáo gởi về Dinh Độc Lập, để nơi đây chuyển đến Tòa Đại Sứ Mỹ làm yên tâm ông Đại Sứ vốn là người bảo thủ (Được dẫn chứng qua giai thoại: Đại Sứ Nolting cho thay thế bức hình Tổng Thống Thomas Jefferson nơi phòng làm việc bằng bức họa Tổng Thống George Wasington, bởi vị Tổng Thống tiên khởi nầy ít có tính chất ‘’tranh biện’’
(1), không muốn nghe những phê phán, chỉ trích. Để tỏ rõ tinh thần, thái độ ‘’bảo thủ tích cực’’ này, trong một buổi họp mặt Phù Luân Hội, Chi Hội Sài Gòn, ông Đại Sứ thay mặt chính phủ Mỹ ở Việt Nam đã tin tưởng tuyên bố: ‘’Quả thật đã có một sự chuyển mình kỳ lạ ở nơi đất nước này, nếu những người hay chỉ trích chính phủ có được quyết tâm phụng vụ cho chế độ (2).’’ Thế nên, Dinh Độc Lập cố gây ấn tượng cho vị Đại Sứ yên lòng chuyển tiếp những tin tức mà ông đánh giá là ‘’tiến triển tốt’’ về Phòng Tình Hình Tòa Bạch Ốc, để lại đây, Trung Tâm Chỉ Đạo Chiến Tranh Việt Nam, với J.F. Kennedy vị Tổng Thống đời thứ 35, nhân dáng điển hình cho sức mạnh đang lên của Mỹ, căn cứ từ những báo cáo kể trên, có thể nói lên lời thẳng thừng, ‘’Tôi sẽ rút ra khỏi Việt Nam sau 1965 và bất kể phải mang tiếng là người nhượng bộ cộng sản đi chăng nữa…’’ với người bạn thiết, Ken O’Donnell (3).

Nhưng giữa những báo cáo như trên của Tòa Đại Sứ và ‘’thực tế chiến trường’’ do các phóng viên David Halberstan, Neil Sheehan, Charles Mohr…viết lại theo lời tường thuật từ những viên cố vấn nầy tuổi khoảng 30, 40, tràn đầy năng nổ, tự tin cao độ cách ‘’tự tin có tính di truyền’’ của giòng giống da trắng thượng hạng sau ba Thế Kỷ thống lĩnh thế giới với chủ nghĩa tư bản [Phát xít Đức lẫn cộng sản (cùng mang nhãn hiệu người Đức chứ không của ai khác) cũng chỉ là biến thái quá độ (trở thành hai mặt tương phản) từ chế độ tư bản Tây Âu], nay hiện thực quyền bá chủ thế giới trên tất cả các lãnh vực (khoa học-kỹ thuật, kinh tế-tài chánh, chính trị-quân sự), qua tác động quyết định của đồng Đô la Mỹ. Những Cố Vấn Mỹ trẻ tuổi nầy (từ thực lực, vị thế Quân Đội, nhiệm vụ chính trị-quân sự và có cả ý nghĩa một cuộc ‘’cách mạng ý thức hệ’’ mà họ là thành viên đại diện) tự đánh giá bản thân là những nhân vật ngoại hạng (theo những mẫu mực vừa thực, vừa giả, được thông tục hóa, quảng cáo cùng khắp, khắc sâu vào tâm lý đám đông của một ‘’xã hội kỹ thuật-tiêu thụ-giải trí’’ để nên thành một khuôn đúc ‘’y như thực’’, gồm tổng hợp…John Wayne, James Bond, Rambo, Batman…) Và vì ‘’văn hóa cũng chỉ là một kỹ nghệ’’ được tận dụng tới nơi tới chốn, theo cách định nghĩa của Robert Lekachman (Báo New York Times khi điểm sách ‘’The Culture Consumer’’ của Alvin Toffler, St Martin’s Press, NY 1964), nên loại mẫu mã ‘’y như thực’’ kia qua ‘’kỹ nghệ văn hóa tiêu thụ’’ được tổ chức cao từ lối sống Mỹ đã ‘’biến tướng nên thực’’ theo một diễn tiến tự nhiên, vô cùng ‘’hợp lý’’. Chuỗi biến tướng kia hiện thực qua tập thể viên chức Tòa Đại Sứ từ cấp cao nhất đến nhân viên điều hành, thành phần Cố Vấn Mỹ ở các đơn vị Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, những chuyên viên Bình Định, Tình Báo, Chính Trị thuộc các Phòng, Sở thuộc quyền điều động bởi Tòa Đại Sứ ở Sài Gòn, Phóng Viên những nhật báo, tuần báo lớn, Hãng Thông Tấn do tài phiện Mỹ nắm giữ. Tất cả tập họp đông đúc, đa dạng nầy tự động biến tướng nên thành những ‘’nhân vật huyền thoại, loài người có khả năng thay đổi, giải quyết tất cả mọi tình huống’’, đi đến mức độ tự cho mình (và cơ quan mình phụ trách) có trách nhiệm, nghĩa vụ mang vác vận mạng của toàn thế giới, của mỗi dân tộc, mỗi con người (những quốc gia và những sắc dân nhận lãnh viện trợ Mỹ lại là những xác chứng rõ nét hơn cho quan niệm Americanism nầy). Huống gì ở đây, nơi Miền Nam, với một chủng loại người thuộc một dân tộc kém cõi chỉ có thể là ‘’những người tình hảo hạng, nhưng không thể là những chiến sĩ can đảm được, tuy nhiên, nếu như được huấn luyện và thúc vào đít thì có thể khá hơn!!’’ Lời của Cố Vấn John Paul Vann (chỉ là một Sĩ Quan cấp Tá trong thời điểm ấy) nói với David Halberstand về ‘’trị giá’’ của người Việt, người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (nếu muốn nói rõ hơn). Thái độ nầy không khác xa với những ‘’ông quan’’ xuất thân từ Quân Đoàn Viễn Chinh, hoặc Bộ Thuộc Địa Đế Quốc Pháp đánh giá những Kỳ Hào, Tổng, Lý, Cai, Đội khố xanh, khố đỏ người Việt ở Thế Kỷ trước.

Thế nhưng, giữa những người Mỹ khác biệt nhau về chức vụ, công tác, phương tiện diễn đạt, cách thức thực hiện, cho dù họ chỉ nhắm đến một mục tiêu duy nhất, tối thượng: ‘’Bảo vệ quyền lợi của xã hội Mỹ, người lính của Quân Đội Mỹ’’, cách đánh giá cuộc chiến tranh mà họ bày ra ở Việt Nam lại theo những quan điểm hoàn toàn khác hẳn. Điển hình cho sự phân hóa này là bản thân Tổng Thống Kennedy cũng đã phải hơn một lần kêu lên với các Phụ Tá: ‘’Có phải các ông đã đến và trở về cùng một nước đấy phải không ? khi đọc hai báo cáo tình hình quân sự-chính trị-xã hội hoàn toàn đối nghịch trước khi có quyết định chấp thuận, hay gạt bỏ dự mưu lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Và khi cần có chọn lựa chung quyết đối với sự kiện nghiêm trọng nầy thì vị Tổng Thống được tiếng bản lĩnh, sắc xảo kia phải thốt lời thở than với một người bạn: ‘’Chính phủ của tôi bị vỡ toang ra rồi!’’ khi nghe những ý kiến, đánh giá hoàn toàn mâu thuẫn của những thành viên nội các về cùng một vấn đề, một đối tượng Lượng Định Tình Thế Việt Nam
(4).

Trong tình hình phân liệt từ thượng tầng lãnh đạo đến thành phần chỉ huy trung cấp như vừa kể ra, chính phủ Mỹ nơi chính quốc, chốn xa đất nước Việt Nam nửa vòng thế giới lại muốn toàn quyền chỉ huy, quyết định về một cuộc chiến dai dẳng, thiệt hại nhất, hao tốn những số lượng tài chánh khổng lồ qua tận dụng, tiêu phí nguồn vật lực, khí tài tưởng như bất tận và điều động một khối nhân lực đắt giá nhất của Quân Sử Thế Giới (chỉ một thứ không được người Mỹ kể ra khi kết toán chiến tranh Việt Nam là sinh mạng dân, lính của Quốc Gia gọi là Việt Nam Cộng Hòa với những tổn thất không thể nào bồi hoàn đối với toàn dân tộc nầy, nếu tính cả hai miền Nam, Bắc. Lẽ tất nhiên, trách nhiệm về phía ngýời cộng sản lại là một vấn đề khác), mà cho đến nay, gần ba mươi nãm sau ngày ký Hiệp Định Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam (27 tháng 1 năm 1973), vẫn chưa có kết luận chung nhất, huống hồ lúc chiến tranh đang được thử nghiệm vào thời đoạn bắt đầu thập niên 60.

Trận Ấp Bắc mở màn ngày 2 tháng 1 1963 là một trận chiến điển hình của giai đoạn vừa kể ra trên, mà từ đó, góp phần vào việc thành hình những quyết định chính trị, quân sự quan trọng của chính phủ Mỹ, dẫn dắt đến lần chung cuộc của miền Nam vào năm 1975. Cũng nói rõ một điều trận đánh xẩy ra chỉ sau ngày Tướng Huỳnh Văn Cao nhận nhiệm vụ một ngày và cao điểm chiến trường xẩy ra vào ngày cuối tuần, thứ bảy (mồng 5) và chủ nhật (mồng 6) tháng Giêng Dương Lịch, khi Tướng Cao chỉ huy cuộc hành quân truy kích lực lượng cộng sản. Có một yếu tố ít ai để ý, cho dù người nhạy cảm nhất đấy là, ‘’ngày N của cuộc hành quân là 3 tháng 1’’ Sinh nhật Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Không biết phía bên nào đã chủ động giăng ra ‘’cái bẫy hào nhoáng 3 tháng 1’’ nầy, nhưng chắc một điều Ngày N của cuộc hành quân đã không còn là một điều bảo mật quân sự.

Được tin Quân Báo khoảng hơn 100 lính cộng sản (của hai đại đội trừ) bố trí dài theo các ấp chiến đấu Ấp Bắc, Tân Thới, thuộc Xã Ấp Bắc, Quận Tân An, Tỉnh Mỹ Tho, khoảng 40 dặm Tây-Nam Sài Gòn, ngày 2 tháng 1 năm 1963, Đại Tá Bùi Đình Đạm, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh sử dụng một Tiểu Đoàn cơ hữu trực thăng vận xuống bãi đáp phía Bắc mục tiêu, từ đây đánh vào Ấp Bắc băng qua những khu đồng ruộng trống trãi sau mùa gặt. Lực lượng địa phương gồm hai Tiểu Đoàn Bảo An (sau 1965, cải danh thành Địa Phương Quân) Tỉnh Mỹ Tho do Thiếu Tá Lâm Quang Thơ chỉ huy, di chuyển từ phía Nam làm thành phần chận bít không cho bộ đội cộng sản rút ra hướng nầy. Đại Úy Lý Tòng Bá điều động Đại Đội 7 Cơ Giới gồm bốn Chi Đội Thiết Vận Xa M-113 (một Chi Đội chỉ huy và ba Chi Đội tác chiến) dự trù tấn công dứt điểm mục tiêu từ hướng Tây. Khoảng đồng ruộng phía Đông được bỏ trống để đánh lừa thành phần bộ đội cộng sản tháo chạy khỏi Ấp Bắc và sẽ là mục tiêu để phi, pháo dứt điểm, tiêu diệt đối phương. Cuộc hành quân đặt dưới quyền chỉ huy tổng quát của Tướng Huỳnh Văn Cao, Tư Lệnh Quân Khu với ngày ‘’chiến thắng dự trù 3 tháng 1 để dâng lên Tổng Thống một món quà sinh nhật có ý nghĩa’’.

Nhưng sự thể hoàn toàn không đúng như trù liệu đối với cả hai bên lâm chiến. Về phía cộng sản, lực lượng bố trí tại Ấp Bắc không chỉ là quân số hơn 100 của hai đại đội địa phương như ước tính ban đầu từ phía Bộ Tư Lệnh Quân Khu IV, Sư Đoàn 7 mà là hơn ba trăm quân cộng sản của hai tiểu đoàn chủ lực 514 và 316 thuộc vùng Tiền Giang, Đồng Tháp. Đạo quân nầy chiếm giữ địa thế thuận tiện dọc theo những bờ kinh, chủ động tổ chức thế trận, kiểm soát toàn bộ ‘’xạ trường-bãi đáp’’ của đơn vị Bộ Binh Sư Đoàn 7 được trực thăng vận đến. Theo thuận ngữ quân sự khi bãi đáp bị ‘’Hot LZ’’, tức là đã lâm tình trạng nguy hiểm bất lợi nhất đối với một cuộc hành quân trực thăng vận. Vào năm 1963, chiến thuật này đang ở giai đoạn thử nghiệm và trận Ấp Bắc lại là một của những lần thao dượt đầu tiên. Và qua báo chí (với đối tượng là quần chúng tại Mỹ) thì cuộc hành quân trực thăng vận lại được viết lại một cách ‘’tuyệt với’’ như sau: ‘’Đi ra trận (trên trực thăng) giống như ngồi ghế dành riêng cho báo chí dự khám một trận football…Và thế rồi, thấy dưới kia một tên việt cộng chạy loạng choạng, ngả nghiêng trên đồng ruộng…Trực thăng xà xuống đuổi theo…
(5) ‘’Cảnh mô tả của Halberstan nhân ngày sinh nhật 28 tuổi, được ‘’ông thầy John Paul Vann’’ cho đi theo dự cuộc ‘’săn người’’, như bọn lãnh chúa thời Trung Cổ dùng chó săn tù nhân để giải trí. Trận chiến không cân sức này (vì một bên chỉ là đám du kích ngu ngơ như vừa mô tả trên), một bên lại được Cố Vấn Mỹ tận tình ‘’làm thầy chỉ dạy’’ cách đánh giá của Halberstan về Vann nói riêng, và các Cố Vấn Mỹ nói chung, đồng thời được yểm trợ phi pháo tối đa) đáng lẽ kết thúc mau chóng với thắng lợi dễ dàng, vẻ vang (như cách kể lại của Hallberstan, hoặc như trong combat, bộ phim chuyện chiến tranh dài nhiều kỳ chiếu trên TV, Đài 11 của Quân Đội Mỹ ở Việt Nam), nhưng khi vị sĩ quan Việt Nam chỉ rặc một loại ‘’raggedy-ass little bastard’’, chữ nghĩa của Neil Sheehan, Ký Giả Hãng Thông Tấn UPI (5bis), nên kéo theo lần chết chóc, thất bại cho Cô Vấn, Quân Đội Mỹ, làm hư hỏng ước tính chiến lược chính trị của chính quyền Mỹ.

Và khi trận chiến kết thúc, (thì tựa như những lời kể lại khác nhau về bi kịch ở Cổng Rashomon của phim ảnh đạo diễn Kurosawa), Tướng Cao báo cáo về Bộ Tổng Tham Mưu và Dinh Độc Lập những chiến thắng to lớn. Tướng Paul Harkins, Tư Lệnh MACV tiếp lời gởi về Ngũ Giác Đài, đến Tướng Maxwell Taylor, Tham Mưu Trưởng Liên Quân và Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamarra những tin tức thắng lợi ‘’có tính khả quan’’. Viên Bộ Trưởng tài gỏi nầy liền ra lệnh Đô Đốc Harry Felt, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương đến ngay Sài Gòn hai ngày sau để xét xem sự thực chiến thắng. Vị Đô Đốc đưa ra nhận định: ‘’Đấy là một chiến thắng của Quân Đội Nam Việt Nam vì quân cộng sản đã bỏ vị trí mà chạy’’ Nhận định được quan chức quân sự, chính khách cao cấp người Mỹ tán đồng, vì họ cho rằng, theo chiến tranh quy ước (như vừa xẩy ra ở Đại Hàn 1950-1953), khi địch quân (nay cũng là một đối tượng có chung tính chất, phương thức tác chiến như bộ đội cộng sản Bắc Hàn) bỏ vị trí, tức là quân chính phủ đã thắng lợi
(6). Nhưng Trung Tá John Paul Vann, Cố Vấn của Đại Tá Bùi Đình Đạm thì lại có nhận định khác hẳn, và chuyển cho báo chí bản đánh giá của riêng mình về cuộc hành quân: ‘’Đấy là một cuộc trình diễn thảm hại chẳng ra cái đếch gì cả…(7)’’. Vài tháng sau, khi bị mất chức, viên sĩ quan nầy tấn công thẳng thừng giới chức Mỹ lẫn Việt, Tòa Đại Sứ ở Sài Gòn và Washington. Y cho rằng: ‘’Thành phần lãnh đạo Mỹ muốn lấp liếm sự thật về chiến tranh Việt Nam, do từ tham vọng quá độ…Muốn dựng nên (một cách giả tạo) thành quả cụ thể chắc ăn’’. Về phía chính phủ Sài Gòn thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị cáo buộc: ‘’Cố duy trì tình trạng bất an ninh để nhận viện trợ Mỹ!!’’ (8). Chẳng biết căn cứ vào đâu, Vann cho rằng: ‘’Thay vì thả Tiểu Đoàn 1 Dù xuống phía Đông của Ấp Bắc để chận đường tháo lui của lực lượng cộng sản, thì Tổng Thống Diệm lại ra lệnh thả xuống phía Tây vào lúc trời hoàng hôn, gây nên cảnh giao tranh hỗn loạn giữa hai đơn vị bạn (quân Dù và Sư Đoàn 7 Bộ Binh)’’. Sự nhầm lẫn (cố ý) nầy được Phạm Phong Dinh kể lại trong ‘’Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Trong Cơn Bão Lửa, trang 118’’.

Đối với những nhân sự trực tiếp tham dự trận đánh cũng có cách tường thuật đối nghịch. Đại Úy Lý Tòng Bá, Đơn Vị Trưởng Đại Đội 7 Cơ Giới (chiến xa) thì cho rằng thiệt hại hai bên ngang nhau, Đại Đội của ông mất 8 Xạ Thủ đại liên, phía cộng sản để lại 8 xác chết đếm được. Đại Úy Bá nói thêm: ‘’Sở dĩ các Xạ Thủ đại liên bị thiệt mạng là do Bộ Tổng Tham Mưu không lưu ý phiếu trình của ông về việc thiết trí các tấm chắn đạn trên pháo tháp của xe M-113, cũng một phần địa thế không thuận tiện, nên ông đã phải bố trí các thiết vận xa theo đội hình hàng dọc khiến cuộc điều quân bị chậm chạp.
(9)’’ Khác với lần đụng tr ận sau nầy (cũng ở Ấp Bắc, đầu năm 1964), ông đã bố trí Chi Đoàn Thiết Vận Xa theo đội hình hàng ngang, thêm đơn vị Biệt Động Quân của Đại Úy Sơn Thương tùng thiết, nên ông đã ‘’đấm một quả thôi sơn vào mặt việt cộng’’ với chiến thuật điều quân nhanh chóng hiệu quả (9). John Scanlon kể lại chuyện này cho John Paul Vann. Vann truyền lại cho những ‘’tử đệ’’ thân tín trong báo giới (do chính N. Sheehan hãnh diện tự nhận), những gã nầy tiếp đưa lên báo và sau này viết thành sách được giới phê bình Mỹ đánh giá: ‘’Một cuốn sách viết về lịch sử (Việt Nam) tuyệt tác nhất’’ Báo Chicago Sun Times đánh giá về ‘’Việt Nam, A History’’ của Stanley Karnow’’.

Nhưng dù có ác tâm, thiên kiến bao nhiêu, những cây viết ‘’trung trực, giỏi gian’’ kể trên của báo giới Mỹ cũng không thể có một lời xuyên tạc nào đối với Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù, đơn vị chịu hoàn cảnh tác chiến bất lợi nhất thả xuống trận địa lúc trời sập tối, không định rõ được địa thế, vị trí quân bạn. Và tất nhiên, cũng chịu thiệt hại lớn nhất, Chết 19, bị thương 33, gồm Đại Úy Nguyễn Trung Hiếu, chỉ huy Đại Đội nhảy xuống đầu tiên và viên Trung Sĩ Cố Vấn Mỹ. Phía Mỹ bị thiệt hại 5 trực thăng và những Phi Hành Đoàn đồng tử trận.

Báo cáo về kết quả trận đánh không chỉ giới hạn trong phạm vi quân sự, những thành phần chống đối chiến tranh Việt Nam, hoặc có hiềm khích với cá nhân Tổng Thống Diệm, vợ chồng Cố Vấn Nhu, nhân cơ hội, nại cớ chính quyền Miền Nam bất lực, thúc dục Tổng Thống Kennedy quyết định loại bỏ người khai sinh nên nền Cộng Hòa Miền Nam. Tân Đại Sứ Henry Cabot Lodge đến Sài Gòn tháng 8 năm 1963 bật đèn hiệu cho đánh Tướng Tá để thực hiện âm mưu nhẫn tâm, vụng về nầy mà thật sự đã có mầm mống sâu xa từ nhiều phía. Trước tiên, phải kể đến Averell Harriman, sau nầy là Đại Sứ toàn quyền của chính phủ Johnson (1965), người được đánh giá là một Nhà Ngoại Giao đa năng, tinh không qua chủ trương hoàn hoãn với phe cộng sản (cụ thể với Liên Sô từ những năm 40 khi là Đại Sứ ở đây), và sau nầy, năm 1963, khi thương thảo cùng Liên Sô về Hiệp Ước Ngưng Thử Vũ Khí Nguyên Tử hoặc đồng thuận cùng Trung Cộng về một giải pháp trung lập Lào, có thêm sự tán đồng mạnh mẽ của Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao Chester Bowles với lời nói tin tưởng: ‘’Biện pháp trung lập hóa Lào, là mẫu mực mở rộng cho toàn vùng Đông Nam Á’’ và nhất là Roger Hilsman Thứ Trưởng Ngoại Giao, Đặc Trách Đông Nam Á Vụ. Nhưng bởi Tổng Thống Diệm lại hoàn toàn phản đối quan điểm nấy vì ‘’trung lập hóa Lào tức là bật đèn xanh cho bộ đội Bắc Việt xâm nhập vào Nam theo đường Hồ chí Minh’’ chạy dọc theo sườn Tây Trường Sơn. Từ Đèo Ngang, Bắc Đồng Hới, đoàn xâm nhập rẽ vào đất Lào, thay bộ đồ xanh của bộ đội Pathét Lào và chiếc nón lưỡi trai, rồi từ đó đi theo hành lang an toàn (do Pathét Lào chiếm đóng, kiểm soát) để về Tchépone, đi sâu xuống vùng Ba Biên Giới (9 bis), chấm dứt nơi điểm hẹn Lộc Ninh, Hớn Quản của miền Đông Nam Bộ. Từ khác biệt quan điểm chiến lược-chính trị đến những hiềm khích mang sắc thái cá nhân, tất cả đồng bùng nổ không che dấu khi có hoàn cảnh thuận tiện. Và trong chính giới Mỹ, sự mâu thuẫn về chính sách lại càng nổi bật qua sự kiện phản ảnh tính cách, phản ứng, quan điểm khác biệt giữa những cá nhân Averell Harriman đã thẳng thừng từ chối chở Đại Sứ Nolting từ Tòa Bạch Ốc về Trụ Sở Bộ Ngoại Giao sau một phiên họp, vì vị Đại Sứ đã cực lực chống đối giải pháp thay thế, lật đổ Tổng Thống Diệm
(10). Và Roger Hilsman là tác giả bức Công Điện ngày 24 tháng 8 năm 1963 gởi về Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn để nơi đây bật đèn tín hiệu cho đám Tướng Tá giờ quyết định hành động. Bức điện văn tai họa này sau đó chính Tổng Thống John Kennedy phải nhận định lại là một ‘’sai lầm nghiêm trọng’’, vì lúc ấy ông đang nghỉ mát tại Cape Cod nên nghĩ rằng các Cố Vấn cao cấp như Ngoại Trưởng Dean Rusk, Bộ Trưởng McNamara, Đại Tướng M. Taylor đồng chấp nhận. Hóa ra tất cả chỉ do từ bộ ba Harriman, Hilsman và M. Forrestal, Thứ Trưởng Quốc Phòng của McNamarra (11). Tóm lại, Tổng Thống Ngô Đình Diệm chỉ có ‘’tội’’ do đã thấy điều sai lầm của Hiệp Định về Lào mà Harriman và Hilsman cố công gây dựng để tạo thành quả cho tương lai mai hậu đối với sự nghiệp chính trị của riêng bản thân của họ.

Trở lại vấn đề quân sự của Nam Việt Nam, Hiệp Định đình chiến ở Lào ký kết ngày 23 tháng 7 có ngay hệ quả, từ những nhóm du kích cấp Tiểu Đội, Trung Đội với những vũ khí thô sơ như súng ngựa trời, lựu đạn nội hóa, đạp lôi, chông, mìn tự chế…lực lượng cộng sản chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ‘’đường đi B (Miền Nam) được thông do hiệp định ‘’đình chiến’’ ở Lào tạo điều kiện, hoàn cảnh thuận tiện’’ đã có khả năng phát triển những trận đánh lên cấp đại đội, tiểu đoàn. Trận Ấp Bắc đầu năm 1963 vừa kể trên là một khởi đầu nguy biến, tiếp theo cuộc biến loạn 1.11 ở cuối năm như một đập vỡ tồi tệ với lần giải thể ngay lập tức 2000 Ấp Chiến Lược theo lệnh của Dương Văn Minh đẩy tình hình quân sự Miền Nam vào thế hiểm nghèo, thụ động. Ngày 1 tháng 11 năm 1964, lần đầu tiên Phi Trường Biên Hòa bị pháo kích, cũng là một căn cứ quân sự lớn đầu tiên của Miền Nam bị tấn công phá hoại bởi một đơn vị hỏa lực pháo, cối, loại vũ khí của chiến tranh quy ước tháng 12 cùng năm 64.Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân, Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến bị tổn thất nặng bởi rơi vào thế trận phục kích ở Bình Giả, Phước Tuy (Đông Nam Sài Gòn khoảng 100 cây số đường thẳng) do một trung đoàn cộng sản thực hiện (các trung đoàn nấy sau đó biến chế thành sư đoàn Công Trường 7, thành phần nòng cốt của lực lượng vũ trang thống thuộc Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Giải Phóng) tháng 6 năm 1965 hai trung đoàn Q762 và Q763 của công trường 7 trên lại thực hiện một cuộc vận động chiến quy mô hơn ở Xã Đồng Xoài, Bình Dương (Bắc Sài Gòn) gây thiệt hại lớn cho Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Tiểu Đoàn 7 Dù và Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân. Sài Gòn lẫn Tòa Bạch Ốc rúng động, bởi chiến trường chỉ cách Thủ Đô Miền Nam không quá 100 cây số đường thẳng. Ấp Nhà Việc Phú Hòa Đông bên sông Sài Gòn đã là những chiến trường phải dùng đến máy bay dội bom yểm trợ lực lượng bộ binh mới vào được.

Thế nước quả đã đến hồi thật sự nguy ngập. Nhưng trước khi Thủy Quân Lục Chiến Mỹ kịp phối trí quân để tăng cường phòng thủ vùng biển Miền Nam thì đơn vị bách thắng, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù với người chỉ huy Ngô Quang Trưởng đã lập nên kỳ tích hiển hách. Chữ nghĩa không là lời nói văn hoa. Chúng ta hãy cùng sống lại khúc hùng ca với máu mỗi người lính đổ xuống nơi những chiến địa hung hiểm trên từng vùng đất khổ quê hương.

Với 100 trực thăng đổ quân và võ trang yểm trợ, ngày 27 tháng 4 năm 1964 Tiểu Đoàn 5 nhảy xuống Mật Khu Đỗ Xá, vùng Quận Minh Long, Tây-Bắc Quảng Ngãi sát biên giới Kontum, chận đứng kế hoạch điều quân của Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B1 (danh hiệu phân chia vùng tác chiến của bộ tổng quân ủy cộng sản Hà Nội Miền Nam Khu ‘’B’’), mưu định cắt Miền Trung nước Việt Nam theo đường hành lang chạy dài từ vùng rừng Kontum xuống bờ biển Quảng Ngãi (như đã thực hiện một lần trong chiến tranh 1945-1954). 15 trực thăng trúng đạn, Tiểu Đoàn chịu tổn thất ngay từ giờ phút đầu tiên xuống bãi đáp, bốn Đại Đội tác chiến lẫn Đại Đội chỉ huy liên tiếp chạm địch, nhưng với chiến thuật điều binh tấn công thần tốc, sau ba ngày kích chiến, Tiểu Đoàn phá vỡ căn cứ địa kiên cố bất khả xâm phạm của cộng sản đã xây dựng từ giai đoạn chiến tranh lần thứ nhất 1945-1954. Từ căn cứ địa này, lực lượng cộng sản mới có thể tràn xuống đồng bằng, thành lập những ‘’vùng giải phóng’’ mới. Các chiến khu Ba Tơ, Mộ Đức một thời vang danh là mở rộng từ căn cứ địa Đỗ Xá này. Tiểu Đoàn tịch thu 160 súng đủ lại, kể cả những súng cộng đồng (của phía cộng sản) được tìm thấy đầu tiên ở chiến trường miền Nam
(12). Muốn biết tầm quan trọng của trận chiến, ta hãy lưu ý đến chỉ tiêu kỹ thuật: ‘’Theo thống kê của chuyên viên quân sự: Muốn lấy được một vũ khí thì nhất phải có một binh sĩ bị tử thương, và nếu đã có một binh sĩ tử thương thì ắt phải có ba binh sĩ bị thương, mất năng lực chiến đấu’’. Đơn vị cấp Tiểu Đoàn Nhảy Dù vào thời điểm kia có quân số hành quân trung bình từ 500 đến 600 người, khinh binh chưa được trang bị súng XM-16, một Trung Đội tác chiến chỉ có hai khẩu AR-15. Cần biết như thế để thấy ra sức chiến đấu uy mãnh của Tiểu Đoàn 5 đối với một lực lượng địch chắc hẳn phải là cấp trung đoàn chính quy (không kể đơn vị du kích, lực lượng địa phương) mới có được thành quả chiến thắng với số vũ khí tịch thu như trên. Trở lại chiến trường miền Nam, chiến thắng ở Đỗ Xá năm 1964 được lập lại thêm một lần nơi cửa ngõ Sài Gòn, đánh tan lời tự tán dương ‘’bộ đội anh hùng vũ trang mặt trận giải phóng niền Nam. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng’’ của những đơn vị cộng sản vùng miền Đông Nam Bộ. Tháng 2 năm 1965 dọc Quốc Lộ 15, đường đi Sài Gòn-Vũng Tàu, phối hợp với đơn vị bạn. Tiểu Đoàn 7 Dù, làm thành phần nút chận để không cho địch quân chạy qua Quốc Lộ 15, khoảng núi ông Trịnh, Phước Tuy (Bà Rịa), Tiểu Đoàn trực thăng vận nhảy xuống mật khu Hắc Dịch, xong từ trong lòng địch đánh bung ra. Trận chiến kéo dài từ lúc ngày vừa rạng qua đêm khuya. Khoảng rừng tối tăm dày đặc sau hai ngày tác chiến rụng sạch cành lá bởi đạn pháo, đến sáng thứ ba, lính Tiểu Đoàn 7 thấy qua màn khói đục bóng dáng quân bạn chạy thấp thoáng truy kích tàn binh địch, thực hiện cuộc rượt bắt cá nhân đối với những cán binh cộng sản còn lại của trung đoàn thuộc công trường 7.

Tiểu Đoàn 5 không chỉ đánh phụ hận cho đơn vị bạn những Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân bị tổn thất trong trận chiến mùa Đông 1964, Cũng do những kẻ địch chung phiên hiệu công trường 7 kia, cũng nơi vùng rừng Bình Giả. Tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) nầy. Nhưng đã lập nên thế cân bằng an toàn chiến thuật cho mặt trận Vùng 3 và khu vực Biệt Khu Thủ Đô. Bởi nếu phía cộng sản thắng lợi nơi vùng chiến trường nầy. Đường về Sài Gòn chỉ cần một đêm điều quân (Năm 1975, chúng ta đã chứng kiến hướng tấn công (Sài Gòn) nầy được thực hiện với thời gian chưa tàn điếu thuốc ở những ngày cuối tháng Tư)

Lần cứu nước đầu tiên nầy có mấy ai hay, kể cả những chuyên viên nghiên cứu tình hình, hoạt động-chính trị quân sự của hai phía Mỹ-Việt ?

Thiếu Tá Ngô Quang Trưởng vinh thăng Trung Tá tại mặt trận, ân thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương vào năm 33 tuổi, chuyển về nhậm chức Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Nhảy Dù (đến 15 tháng 12 năm 1965, đơn vị mới biên chế thành cấp Sư Đoàn). Hằng ngày, ông đi lặng lẽ từ Văn Phòng Tham Mưu Trưởng xuống nhà ăn binh sĩ, qua Khu Trung Tâm Huấn Luyện Tân binh, Huấn Luyện Nhảy Dù. Ánh mắt sắc, nghiêm, nhưng nhân hậu không bỏ sót một hình ảnh, sinh hoạt nhỏ nhặt nào dù chỉ là của một tân binh.
Ghi Chú:

1.- Marilyn B. Young the Vietnam Wars 1945-1990 Harper Perenial NY, USA 1999 (p. 92)

2.- Stanley Karnow Vietnam A History Penguin Books NY, USA 1984 (p.280)

3.- Marilyn B. Young (ibid p. 94)

4.- Stanley Karnow (ibid p. 304)

5.- Marilyn B. Young (ibid p 91)

5bis.- Chính Đạo Việt Nam Niên Biểu. Nhà xuất bản Văn Hóa Houston TX, USA. Trang 266.

6.7.8.- Stanley Karnow (ibid p. 278, 279)

9.- Lý Tòng Bá Hồi Ký 25 Năm Khói Lửa. Nhà xuất bản Tú Quỳnh CA, USA 1995. Trang 78.

10.- Stanley Karnow (ibid p.304)

11.- Robert S. McNamara In Retrospect Random House NY, USA (p. 52-55)

12.- Đoàn Thêm Những Ngày Chưa Quên. Nhà xuất bản Phạm Quang Khai Sài Gòn 1966 (Trích đoạn năm 1965)

LẦN GIỮ NƯỚC THỨ HAI

Bắt đầu mùa Hè 1966, miền Trung dậy nên cơn bão lửa ly khai từ sự kiện Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng 1 (Đà Nẵng) vào Sài Gòn họp Hội Đồng Quân Lực (10 tháng 3) và bị những Tướng lãnh Trung Ương (Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Hội Đồng. Nguyễn cao Kỳ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Nguyễn Hữu Có Tổng Ủy Viên Quốc Phòng) cách chức. Ngoài lý do Tướng Thi ‘’bất tuân thượng lệnh’’ vì đồng thuận để những nhân vật khuynh tả, phản chiến (lãnh tụ Phật Giáo khối Ấn Quang, Trí Quang nhóm Giáo Sư Đại Học Huế, Thị Trưởng Đà Nẵng Bác Sĩ Mẫn, một người du học Pháp về) khuynh loát, giật dây, ông còn là một đe dọa chính trị đáng ngại đối với chức Chủ Tịch Hành Pháp (Thủ Tướng) của Nguyễn cao Kỳ, cũng cần tính đến những hiềm khích, đấu đá vì hành vi tư cách cá nhân giữa hai người. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh (Huế) được cử vào Đà Nẵng thay thế Tướng Thi giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn, Đại Tá Phan Xuân Nhuận, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân thay thế Tướng Chuân chỉ huy Sư Đoàn 1.

Ngày 12 tháng Ba, lấy cớ yêu cầu phục hồi chức vụ cho Tướng Thi, phong trào chống đối chính phủ trung ương nổ bùng ở Huế, Đà Nẵng, cũng đồng thời đòi chính quyền Quân Nhân (Sài Gòn) giải tán, thành lập một chế độ dân cử, sinh viên, thanh niên võ trang thuộc Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng dưới quyền điều động của nhóm Tăng Sĩ Phật Giáo quá khích thực sự tiến hành cuộc khởi loạn (trong giai đoạn này cũng như vào thời gian sau, có nhiều xác chứng phong trào đã hoàn toàn bị dẫn dắt bởi cán bộ cộng sản nội thành của những Tỉnh cực Bắc Trung Bộ, Trí Quang sau năm 1975 là một bằng cớ). Chính phủ Quân Nhân ở Sài Gòn tạm thời hòa dịu, hứa hẹn thành lập Hội Đồng Tư Vấn, soạn thảo Hiến Pháp trong vòng hai tháng để chuẩn bị bầu Quốc Hội Lập Hiến, sau đó sẽ có bầu Tổng Thống vào năm 1967. Chủ Tịch Hành Pháp Nguyễn cao Kỳ còn xác định rõ một thời điểm, 15 tháng 8 sẽ bầu Quốc Hội (sau dời lại tháng 10 năm 1966). Nhưng tất cả chỉ là những giải pháp tạm thời, bề mặt, phe tranh đấu (thành phần chỉ huy của phong trào Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng) tiếp tục biểu dương uy thế và bày ra điều yêu sách cuối cùng: Chấm dứt chiến tranh, người Mỹ ngưng oanh tạc và rút quân khỏi Việt Nam bất chấp chiến thuật khôn ngoan của Trí Quang qua buổi thuyết giáo (18 tháng 4) tại Chùa Từ Đàm: ‘’Kêu gọi Phật Tử ngưng biểu tình, Quân Nhân ly khai nộp súng đạn lại cho chính phủ’’. Những cuộc biểu tình ‘’chống Mỹ cứu nước’’ ở Huế, Đà Nẵng tiếp theo lan rộng khắp cả nước, tại những Thành Phố quan trọng, nơi có quân Mỹ đồn trú. Tình hình trở nên xấu hơn khi xẩy ra sự kiện một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ xông vào đám biểu ngữ bài Mỹ (viết bằng Anh Ngữ) trong một buổi biểu tình tại Huế. Chính phủ Quân Nhân tại Sài Gòn đợi đến lúc phong trào trở nên quá khích một cách lộ liễu (bài Mỹ chống Công Giáo), để có duyên cớ chính đáng (nhất là giải thích với Tòa Đại Sứ, dư luận báo chí Mỹ) gởi quân trừ bị ra Đà Nẵng. Lực lượng Quân Đội ly khai phần đông là Quân Nhân thuộc các đơn vị chuyên môn nên không thể nào đương cự với Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân từ Sài Gòn đưa ra. Cuối cùng, đến ngày 16 tháng 9, cuộc binh biến miền Trung hoàn toàn bị dẹp tan. Dẫu Trí Quang dùng đến biện pháp cuối cùng, bày bàn thờ ra mặt lộ ngăn cản hướng điều quân của phe trung ương. Các Tướng lãnh chỉ huy những đơn vị Vùng 1 bị đưa ra Tòa, chịu hình phạt quân kỷ và buộc giải ngũ. Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ binh (Quảng Ngãi) được chỉ định nhậm chức Tư Lệnh Quân Đoàn I. Đại Tá Ngô Quang Trưởng, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù giữ nhiệm vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1. Đại Tá Trưởng có Đại Tá Lê Văn Thân Phụ Tá, Đại Tá Thân, một trong Tứ Kiệt của Binh Chủng Pháo Binh. Người đứng đầu nhóm bốn người tuấn kiệt này là Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng vị Tướng thanh liêm nhất (theo dư luận chung của quân dân miền Nam mà báo Diều Hâu, Sài Gòn đã phổ biến đề cao).

Đại Tá Ngô Quang Trưởng nhận đơn vị, Sư Đoàn 1 Bộ Binh trong một hoàn cảnh bất lợi toàn diện. Những Quân Nhân giữ chức trọng yếu, kể cả Sĩ Quan chỉ huy trung cấp và Hạ Sĩ Quan (nếu là gốc Phật Giáo) đồng bị tuyên chuyển sang những đơn vị thuộc các vùng chiến thuật khác, người còn lại không tin những bạn đồng ngũ mới thuyên chuyển đến (tình hình tương tự ở các cấp chính quyền, quân sự miền Nam như sau đảo chánh 1 tháng 11.1963). Nhưng Đại Tá Trưởng vững tin nơi bản lĩnh cá nhân mình, cùng khả năng đơn vị, đã được thử sức sau hơn mười năm dài chiến trận miền Nam. Ông cũng rất cậy trông vào vị Tư Lệnh Phó, người có khả năng Tham Mưu, tổ chức cao, tâm chất trung trực, đạo đức, thế nên chỉ sau một thời gian ngắn, Sư Đoàn đã chỉnh đốn lại đội ngũ, phục hồi tư thế chiến đấu như hằng có. Bắt đầu với những sĩ quan trẻ, những sĩ quan cấp Úy thuộc các Khóa 14, 16 đến 20 Võ Bị Đà Lạt hoặc các Khóa tương đương của Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, đơn vị dần thâu đạt những tiến bộ vượt bực sau một thời gian ngắn ngũi trong vòng một năm. Chiến trận Mậu Thân 1968, Hành Quân Lam Sơn 719 và cuộc phản kích mùa Hè 1972 sau nầy là những bằng cớ chứng thực. Đơn vị thuộc quyền của Người Chỉ Huy Ngô Quang Trưởng là Sư Đoàn Bộ Binh tác chiến hàng đầu của Quân Lực. Không chỉ với Quân Đội miền Nam nhưng nếu so sánh cùng thế giới, chúng ta vẫn giữ toàn quyền hãnh diện. Đại Tướng Abrams sau nầy, khi thay thế Tướng Westmoreland chỉ huy Quân Đội Mỹ tại Việt Nam đã nói cùng những sĩ quan, Tướng lãnh của ông: ‘’Sư Đoàn của Tướng Trưởng tác chiến trong rừng giỏi hơn chúng ta’’
(13). Sự biến đổi thần kỳ nầy không là chuyện hoang đường. Trận làng Lương Cổ, Thừa Thiên đầu năm 1967 là một thí dụ điển hình của lần vượt dậy hào hùng kia.

Hệ thống các làng Lương Cổ, Đồng Xuyên, Mỹ Xá thuộc Huyện Hương Trà, Thừa Thiên, Tây-Bắc Thành Phố Huế, kết thành một giải hành lang thiên nhiên mà các đơn vị bộ đội cộng sản từ các mật khu vùng Tây-Nam Huế (A Sao, A Lưới), thường sử dụng để xâm nhập tiếp cận Thành Phố (do cố tránh các tiền đồn thượng nguồn sông Hương, mặt Nam Thành Phố). Những làng nầy từ chiến tranh 1945-1954 đã là những căn cứ địa vững chắc ‘’những chiến khu-vùng tự do’’, mà quân đội Liên Hiệp Pháp không thể nào kiểm soát được, bởi hệ thống kinh lạch của ba con sông, sông Hương, sông Bồ, sông Mỹ Chánh tạo nên một vùng trũng thấp nằm giữa Phá Tam Giang, cửa Thuận An và Quốc Lộ I ngăn cản sức tiến của bộ binh, khả năng cơ động của những người chỉ huy quân sự vùng Thừa Thiên-Huế. Lực lượng cộng sản bám chắc củng cố vùng bản lề nầy bởi đấy cũng là nơi ém quân để mở những chiến dịch quan trọng: Cắt đường số I, chận viện lên mặt phía Bắc (Quảng Trị, Đông Hà và xa hơn, Cồn Tiên, Gio Linh, Khe Sanh…) Đại Tá Trưởng sử dụng một Tiểu Đoàn Bộ binh cơ hữu làm thành phần nút chặn dùng Đại Đội Thám Kích của Sư Đoàn, Đại Đội Hắc Báo và Tiểu Đoàn 9 Dù (tăng phái), hợp cùng Chi Đoàn 2/7 Thiết Vận Xa M-113, đơn vị thống thuộc của Sư Đoàn mở hai mũi dùi tấn công chính vào hệ thống công sự, giao thông hào mà có lẽ đã đào từ ngày bắt đầu cuộc chiến và càng ngày càng củng cố độ dày để chịu đựng nổi pháo binh cùng phi cơ oanh kích. Và cũng có thể đây là lần đầu tiên phía bộ đội cộng sản gặp phải một đối thủ kỳ lạ những địch thủ tiến thẳng vào hàng rào hỏa lực của họ. Trận chiến kéo dài từ sáng sớm kéo qua trưa, phía Nhảy Dù, Bộ Binh, Thiết Giáp đồng bị thiệt hại khá nặng nhưng vẫn không thể tiến vào khu làng qua những cánh đồng ngập nước. Cuối cùng Đại Tá Trưởng chuyển lệnh trực tiếp đến cùng với Thiếu Tá Nguyễn Thế Nhã, Tiểu Đoàn 9 Dù, đơn vị tăng phái cho khu chiến thuật: ‘’Đơn vị mới thành lập (do biết rõ khi ông giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn Dù), anh lại vừa thay thế anh Huệ (viên Tiểu Đoàn Trưởng vừa tử trận tháng trước trong trận Đèo Ba Giốc, vùng Phi Quân Sự), thế nên tất cả thành bại của đơn vị là ở trận nầy đây.’’ Ông không nói hết lời, nhưng người Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng đơn vị Dù tăng phái hiểu được ý: ‘’Đây cũng là lúc quyết định một phần sự nghiệp riêng của chính ông, viên Tư Lệnh chiến trường một Tướng lãnh xuất thân từ Binh Chủng Nhẩy dù và cả danh dự Binh Chủng cũng sẽ được chứng thực nơi chiến trường hiểm hóc, xa xôi này’’. Thiếu Tá Nhã chuyển lại lệnh cho các Đại Đội Trưởng tác chiến. Và trên cánh đồng loáng nước, trong ánh sáng chập choạng của buổi chiều diễn ra một cảnh tượng khốc liệt hùng tráng…Những chiếc M-113 theo lệnh của Đại Úy Hóa, Chi Đoàn Trưởng đồng mở bung pháo tháp, các xạ thủ đại liên 50 siết cứng ngón tay vào lẩy cò tuôn loạt đạn công phá mở toang các vị trí cố thủ của đơn vị việt cộng, lính Nhảy Dù tùng thiết vượt qua mặt chiến xa, tiến lên thanh toán mục tiêu bằng cận chiến. Những Thiếu Úy Thuận Văn Chàng, Phạm Văn Thành, Chuẩn Úy Nguyễn Thành Văn…xông lên trước hàng quân với lựu đạn mở chốt cầm sẵn ở tay. Thân hình họ lảo đảo ngã xuống bờ ruộng xong đứng lên lại với những tiếng hô…xung phong…xung phong hòa lẫn tiếng đạn súng tay nổ bục trong thân thể, da thịt người vì đường đạn đi quá ngắn. Đám bộ đội cộng sản cố thủ không lường được thế trận với những người lính đối phương quá đỗi kiên cường, nên đồng loạt đứng dậy khỏi giao thông hào, đưa cao tay đầu hàng. Trận chiến kết thúc với lời khai: ‘’Chúng cháu được lệnh cố thủ vị trí vì đây là vùng giải phóng, quê nhà của đồng chí Đại Tướng!’’ Hóa ra Đại Tá Ngô Quang Trưởng đã phá vỡ huyền thoại từ đã lâu được phổ biến trong bộ đội cộng sản miền Bắc: ‘’Quân giải phóng đã kiểm soát được ba phần tư lãnh thổ miền Nam, nhất là những vùng căn cứ địa cách mạng cũ (trước năm 1954), hoặc cơ sở địa phương, quê hương các đồng chí lãnh đạo’’. Làng Lương Cổ, Đồng Xuyên, Mỹ Xá là quê hương của Nguyễn chí Thanh, nhưng bộ đội miền Bắc đã không vào tiếp thu với ‘’chào đón của nhân dân giác ngộ cách mạng’’, mà bởi những người lính Cộng Hòa theo một cách thế khác hẳn lời tuyên truyền. Tuy nhiên, trận làng Lương Cổ đầu năm 1967, hoặc lần đánh bật toàn diện hạ tầng cơ sở, đơn vị du kích, lực lượng địa phương của bộ đội cộng sản vùng mật khu Phú Thứ, Tây-Nam Huế, bên trái Quốc Lộ 1 đường đi Đà Nẵng vào khoảng gần cuối năm sau nầy chỉ là phần dạo đầu. Phải đợi đến buổi thử sức toàn diện. Khi cộng sản quyết tâm giải phóng miền Nam bằng cuộc Tổng công kích-Tổng nổi dậy theo lời thúc dục từ Hà Nội, với lời thơ ‘’Chúc Tết’’ của Hồ chí Minh đọc trong đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân 1968. Trận thử sức làm sáng tỏ một điều đơn giản cao quý: Quân đội của bên nào thật sự nắm giữ sắc cờ Nhân Nghĩa của Quê Hương.

27 tháng 2 năm 1968. Những giờ cuối cùng ở Ngũ Giác Đài, McNamara sử dụng quyền lực còn lại sau 1558 ngày nắm giữ chức vụ trọng yếu nhất nền Quốc Phòng Mỹ để phủ quyết yêu cầu của Tướng Westmoreland về đề nghị tăng cường thêm 200.000 nhân sự bổ sung trong các lãnh vực Chính Trị, Kinh Tế, Quân Sự và Chiến Tranh Tâm Lý. Hành động ‘’được ăn cả ngã về không’’ gọi là khôn ngoan nầy không phải do trí lực sáng tạo riêng, nhưng ông ta đã họ được từ Dean Acheson, theo cách người nầy đã một lần từ nhiệm chức vụ Thứ Trưởng Tài Chánh khi không đồng ý với chính sách tài chánh của Tổng Thống F. Roosevelt đầu thập niên 1930. Nhưng thật chỉ là một cách nói, bởi McNamara đã giữ chức vụ lâu hơn bất kỳ vị tiền nhiệm nào, lâu đến bảy năm với khả năng quyền lực đặc biệt giành riêng qua hai đời Tổng Thống. Danh tính ‘’McNamara’’ đã được dùng để đặt tên cho một phòng tuyến căn cứ hỏa lực chạy dài từ Cửa Việt ở biển Đông đến Trại Lực Lượng Đặc Biệt Làng Vei sát biên giới Lào-Việt. Cần nói thêm một điều: Chiến tranh Việt Nam có lúc được giới nghiên cứu chiến lược quốc tế gọi là ‘’cuộc chiến McNamara’’ vì người này đã ‘’tổ chức’’ hoạt động quân sự ở Việt Nam kia thành một tiến trình tiếp vận khổng lồ với phí tổn đến 4 Tỷ Đô la khởi đi từ 1965, thời điểm lực lượng bộ binh Mỹ bắt đầu tham chiến ở Việt Nam. Sư Đoàn 1 Không Kỵ, lực lượng bộ binh cơ động nhất thế giới với một Sư Đoàn trực thăng hơn 400 chiếc cơ hữu cũng là sản phẩm đắc ý nhất của ông Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới sau lần rời chức vụ. Nhưng bởi không muốn mang danh là người có liên hệ đến một thất bại, nên đang trong lúc cao điểm sôi bỏng nhất của cuộc chiến. Bộ Trưởng Quốc Phòng Liên Bang Bắc Mỹ, McNamara từ chức.

Một tháng trước lần McNamara từ nhiệm, 36 của 44 Tỉnh lỵ, 5 của 6 Thành Phố, 64 của 242 Thị Trấn, Quận Lỵ Thành Phố Miền Nam đồng loạt bị tấn công bởi một lực lượng 323.500 bộ đội cộng sản gồm 97 tiểu đoàn và 18 đại đội đặc công biệt động. Cuộc tấn công khởi đi từ đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân, đêm 30 rạng 31 tháng 1 năm 1968. Và không phải Sài Gòn với Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu, Tòa Đại Sứ Mỹ dẫu đã là mục tiêu hàng đầu của cuộc tấn công nhưng Huế lại là Thành Phố hứng chịu tàn phá nặng nề nhất của trận chiến kéo dài 26 ngày, và không những chỉ thế, cư dân Huế lại là đối tượng phải thực hiện lần ‘’trả nợ máu’’ theo cách định giá của tập đoàn quân đội cộng sản, những tiểu tổ hành quyết nằm vùng trong những ngày chiếm đóng, khi thua trận rút lui. Món nợ máu mà họ không hề vay nhưng phải trả giá đắt với chính cái chết thảm khốc mà chỉ vào thời Trung Cổ các đội binh xâm lược thường hành xử đối với quân, dân của xứ sở đối phương. Phải chăng là giá máu trong vùng ‘’bị Mỹ-Ngụy tạm chiếm’’ vùng đất mà họ đã sống từ trăm năm xưa cũ, bắt đầu từ Thế Kỷ 17, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa.

Nhưng cuối cùng, Thành Phố Huế được chiếm lại, phục hồi, đạo binh xâm lược từ miền Bắc, từ các mật khu Tây-Nam Huế, vùng Dãy Phố Buồn Thiu dọc Phá Tam Giang buộc phải rút lui, để lại những chiến tích, những hầm chôn người tập thể tại Trường Gia Hội, Bãi Dâu, Khe Đá Mài vùng núi Ngự Bình, những truông, vực thuộc Thôn Ngũ Tây, Quận Nam Hòa. Cảnh tượng tàn bạo nầy càng đậm thêm tính ác độc của danh tự ‘’việt cộng’’, cùng mối kinh hoàng do họ gây nên. Một mặt khác, khi người dân nghe tiếng báng súng đập lách cách vào những thân người di chuyển, hoặc âm động rì rầm của máy xe thiết vận xa M-113, chiến xa hạng nặng, lời chuyển lệnh rì rào từ các máy truyền tin có khoa khuếch đại của bộ binh Mỹ…Họ hé cửa nhìn ra từ những căn nhà mái thấp, sụp vỡ, leo lét ánh đèn dầu, qua hàng rào lá chè loang lỗ trốc gốc, cảnh tượng u tối, đe dọa của thời chiến tranh trước 1950, và thì thào lời mừng rỡ chưa hẳn tin là thật…Lính tới, lính tới…Lính mình tới…Mỹ tới…Mỹ tới…khi họ thấy chạy thấp thoáng theo đội hình, dọc hè phố vươn vãi thây người trên gạch ngói đổ nát rơi rớt, những dạng người lính với y trang màu lục đậm (bộ binh), hoặc tác chiến hoa của các Binh Chủng Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến với ba lô nổi gồ trên lưng, khối tròn quen thuộc của chiếc nón sắt. Tất cả đã trở nên biểu tượng của linh thiêng cứu viện, nguồn hy vọng thiết thân giữa cảnh chết, sau bao ngày đe dọa hung hiểm bởi cái chết bao vây. Và khi Huế được sống lại, qua tiếng lời người dân, danh tính, vị Tướng quân: ‘’Ông Trưởng trong Mang Cá ra Gia Hội thăm đồng bào’’ gắn liền cùng chiến công Giữ Nước-An Dân, như Trần Hưng Đạo đã kiên trì bảo vệ Thăng Long (cuối Thế Kỷ 13), của Văn Thiên Tường đời Nam Tống (đầu Thế Kỷ 13) chết cùng Thành Tương Dương, hoặc M. I. Kutuzov trải thân với vận mệnh Moscow trong chiến tranh chống Napoléon năm 1812. Chúng tôi không đặt điều so sánh trong văn chương, chữ nghĩa, nhưng xác chứng với máu, xương của dân, quân đổ xuống qua dài cơn lửa đạn. Và điều nầy sẽ thêm một lần xác chứng ở mùa Hè 1972, cũng với người dân xứ Huế. Nay, chúng ta hãy cùng sống lại những thời khắc hào hùng bi tráng của quê hương. Đêm Xuân đẫm nước mắt năm Mậu Thân, 1968.

Hoạt động của phía cộng sản không chỉ là một chiến dịch quân sự thuần túy, do chiến tranh Việt Nam đã tạo nên một thất lợi tâm lý trầm trọng trong dư luận Mỹ Quốc, từ sự kiện Walter Cronkrite đã có mặt tại Sài Gòn ngay trong tháng Hai, khi trận chiến đang bùng nổ giữa những đường phố, để sau đó trong buổi phát hình ngày 27 cùng tháng, người hướng dẫn dư luận quần chúng nầy đã mạnh mẽ xác định: ‘’Hơn bao giờ hết, chúng ta có thể nói rằng kinh nghiệm đẫm máu tại Việt Nam sẽ phải mở ra một lối thoát’’. Lời tiên tri nầy được hiện thực bởi hòa hội Paris khai mạc vào cuối năm 1968 mà áp lực vốn có từ nhiều năm trước. Cụ thể lời như lời thúc dục của McNamara (lại là Mac chứ không ai khác) với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong lần viếng thăm Sài Gòn từ 1967: ‘’Chúng tôi cần thương thuyết với Hà Nội để cho cuộc tuyển cử sắp tới (trong năm 1968)’’, hoặc của Đại Sứ Bunker tại Sài Gòn: ‘’Dư luận Hoa Kỳ đã trói tay Tổng Thống (Mỹ), thế nên phải có cuộc thương thuyết hòa bình (tại Paris) để chứng tỏ cùng Quốc Hội và nhân dân Hoa Kỳ rằng chúng ta (Hoa Thịnh Đốn lẫn Sài Gòn) đều mong muốn hòa bình’’. Hoặc thái độ bất phục tùng của gia đình David Vandivier ở Khu Spanish Harlem, New York mà người cha vốn là cựu chiến binh Thế Chiến Thứ 2 qua quyết định đưa anh em David và John Vandivier đến Canada cuối mùa Hè 1968 để tránh lệnh trưng binh. Và cho dù những sự kiện vừa kể trên đã là điều thực tế, nhưng Võ nguyên Giáp sau nầy lại xác nhận với Ban Biên Tập Đặc San NAM, Nhà xuất bản Atlas, Tây Âu: ‘’Ý kiến cho rằng Trung Ương đảng đặt nặng vấn đề về các phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ trong quyết định tiến hành Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa ở miền Nam là một nhận định kém cơ sở’’. Cuối cùng, sự thật chỉ phản ảnh đúng nhất qua phân tích của Khối Quân Sử, Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: ‘’Trận chiến Khe Sanh và cuộc Tổng công kích Mậu Thân, (Hiện thực Nghị Quyết 13 Trung Ương đảng) đồng có những mục đích:

- Dồn mọi nỗ lực để chiến thắng về mặt quân sự (đối với lực lượng Mỹ. Điển hình mặt trận Khe Sanh), buộc Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam tương tự quân đội Pháp sau trận Điện Biên Phủ (Do dư luận phản chiến tại Mỹ làm áp lực như phần trên vừa trình bày. Tuy không là yếu tố quyết định hàng đầu).

- Làm băng rã Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chứng minh cùng dân chúng miền Nam cũng như dư luận thế giới về sự lớn mạnh (chính trị lẫn quân sự) của phía cộng sản. Đồng thời dựng nên Mặt Trận Liên Minh Dân Chủ Hòa Bình tại Sài Gòn, Huế với mục đích vận động quần chúng nổi dậy lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

- Chuẩn bị, củng cố vai trò chính trị Mặt Trận Giải Phóng trước khi hội nghị Paris khai diễn. Nhưng cũng có dư luận cho rằng đây là ‘’đòn mật ước’’ giữa Hà Nội và Mỹ (qua trung gian của Liên Xô) để thanh toán hạ tầng cơ sở Mặt Trận (có khuynh hướng thân Trung Cộng), giúp Hà Nội có cớ khuynh loát mạnh mẽ hơn đối với thành phần lãnh đạo cộng sản miền Nam, song song với sự kiện về vai trò của Nguyễn chí Thanh bị tử trận, thay thế bởi đích danh Võ nguyên Giáp, sự xâm nhập lực lượng bộ đội chính quy cộng sản miền Bắc vào Nam với khối lượng lớn. Điều nầy vẫn là một ‘’nghi án chính trị’’ chưa soi sáng đủ. Tuy nhiên sau 1975, với lần thanh toán không nương tay cái gọi là ‘’Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam’’ cùng cách sử dụng ‘’tận diệt’’ những binh đội cộng sản thuộc ‘’chính phủ’’ nầy với lối đánh thí quân không thương tiếc do những cán bộ khung đi từ miền Bắc vào sau 30 tháng Tư năm 1975, chỉ huy ở chiến trường Campuchia (1979), đã là những chứng cớ cụ thể về lần ‘’thanh toán quyết định giá trị’’ cuối cùng của những ‘’đồng chí miền Bắc đối với người anh em mặt trận giải phóng miền Nam’’. Một tiểu đoàn bộ binh thuộc tỉnh đội Rạch Giá khi điều lên Campuchia không hề nhận được nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày, các gia đình bộ đội (hoàn toàn là cư dân miền Nam) phải tự túc tiếp tế cho con em mình! Tiểu đoàn nầy sau một thời gian ngắn đã hoàn toàn tan rã, còn lại không quá 10 người, người sống sót trốn thoát qua Thái Lan bằng đường bộ (lẽ tất nhiên vùng đất dung thân cuối cùng không đâu khác là nước Mỹ). Nghi án chính trị vừa kể trên qua thực tế sau năm 1975 hẳn có mức độ khả thể đáng tin cậy.
TRẬN ĐÁNH

Ngày 20 tháng Giêng 1968, Đại Úy W. H. Dabney chỉ huy Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 3, Trung Đoàn 26 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tiến chiếm đồi 881, cao độ giữ mặt Tây và Tây-Bắc căn cứ Khe Sanh, trên Đường Số 9 hướng biên giới Lào, mở đầu quyết định chọn Khe Sanh làm ‘’diện’’, thu hút và tiêu diệt lực lượng cộng sản trong khuôn khổ hành quân Scotland. 5 giờ 30 sáng ngày 21, những quả hỏa tiễn đầu tiên của phía cộng sản đổ chụp xuống các vị trí pháo binh, bãi đậu xe, phi đạo dã chiến, sân trực thăng, hầm phòng thủ lực lượng đồn trú. Mười ba tấn đạn đại pháo gồm 130 ly, hỏa tiễn 122, súng cối 82 ly đồng rơi xuống cứ điểm mở đầu chiến dịch dứt điểm Khe Sanh với lực lượng xung kích gồm hai sư đoàn bộ binh nặng 325C và 304 theo lệnh điều quân của đích thân Võ nguyên Giáp, còn có một sư đoàn khác làm trừ bị, do chưa điều động vào vùng nên chỉ danh không được xác định.

Trận đánh không hoàn toàn bất ngờ, vì từ buổi sáng Dabney đã nhận được một ‘’người khách không mời’’, viên Trung Úy bộ đội chính quy Bắc Việt hồi chánh với cây cờ trắng và bản tường trình chi tiết kế hoạch tấn công tiến chiếm Khe Sanh của phía cộng sản: ‘’Từ Khe Sanh, bộ đội cộng sản sẽ điều quân về hướng Đông, dọc theo Đường 9 đánh chiếm Quảng Trị. tiếp theo sẽ là Huế.’’ Nói chắc một ý niệm. Hành quân chiếm đóng toàn bộ phần đất Việt Nam Cộng Hòa Bắc đèo Hải Vân. Chưa hề thấy trong cuộc chiến lâu dài ở Việt Nam có một trường hợp lệnh hành quân bị tiết lộ một cách chính xác và mau mắn đến như vậy. Sự kiện lại xảy ra từ phía cộng sản, một phe tham chiến hằng từ lâu thực hiện tính bảo mật cao độ và có hiệu quả. Người nầy cũng không quên chi tiết chính xác: Giờ G là 12 giờ 30 của Ngày N 21 tháng 1.1968. (‘’Giờ G’’ của ‘’Ngày N’’: Giờ của ngày quyết định mở đầu diễn tiến hành quân).

Không chậm trễ, để đối lại, phía Mỹ huy động toàn bộ hệ thống hỏa lực gớm ghê của họ để ‘’Khe Sanh không thể là một Điện Biên Phủ’’ với kế hoạch đánh bom mang bí danh Niagara, mà chỉ trong vòng 24 giờ của ngày 21 tháng 1, đã có đến 600 phi vụ do phi cơ Hải Quân và Không Lực Hoa Kỳ hiệp đồng thực hiện thêm với 49 phi xuất B-52 đến từ Thái Lan và Đảo Guam. Khi trận đánh kết thúc, chuyên viên hỏa lực không yểm chiết tính ra số liệu chính xác: Trong 77 ngày Khe Sanh bị vây hãm, Không Lực, Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã thực hiện 24.000 phi vụ chiến thuật với 350 phi cơ gồm các loại A. 4, 6, 8 Skyhawk và F.4C Phantom. Đồng thời B-52 chiến lược cũng đã tham dự với 2700 phi xuất. Chúng ta nên biết thêm chi tiết: Mỗi chiếc B-52 trung bình mang 108 quả bom, mỗi quả nặng 245 ký lô.

Tổng kết, sau 77 ngày chiến trận, chung quanh cứ điểm có chiều dài hai, chiều ngang một cây số gọi là Khe Sanh kia, trên những vị trí (có rất nhiều điểm chỉ là nghi ngờ) của hai sư đoàn 325C và 304 bộ binh Bắc Việt, đã có đến 110.000 tấn bom thả xuống. Không kể đến hỏa lực trực thăng võ trang và các giàn pháo 105, 175 ly của bộ binh Mỹ. Nhưng Khe Sanh chỉ là một ‘’diện’’ của thế trận là ‘’cái cớ’’ thu hút quân đội của các phe tham chiến trên chiến địa. Nỗi ĐAU Mậu Thân. Điểm thật thực sự xẩy ra ở những nơi khác, với những người dân. Người thường dân của miền Nam nước Việt. Huế được chọn lựa làm địa điểm dấy lên vũng lửa cảnh xương máu chập chùng lớn nhất.

Đêm Giao Thừa 1967 sang 1968, đài Hà Nội phát ra lời ‘’Thơ Chúc Tết’’ của Hồ chí Minh có nội dung:

“Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà.
Nam-Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên toàn thắng ắt về ta.”

Pháo Sài Gòn, các Thành Phố miền Nam nổ nhiều hơn tất cả mọi năm. Hiện tượng pháo nổ dòn dã bày ra điều cay đắng: ‘’Chiến tranh và tất cả đau thương, khốn cùng của nó là một ‘’thực thể’’ cần được tiêu trừ. Con người luôn cầu Hòa Bình đồng thời cũng sẵn sàng thực hiện Chiến Tranh’’. Nương theo tiếng pháo nầy, bộ đội chính quy miền Bắc, lực lượng vũ trang giải phóng, du kích địa phương cộng sản miền Nam đồng nổ súng hiện thực lời ‘’Thơ Chúc Tết’’ trên. Cảnh tượng bi thảm xẩy ra cùng lần trên 44 Tỉnh lỵ miền Nam với những ghi nhận đầu tiên: Vùng 1 Chiến Thuật, bao gồm những Tỉnh cực Bắc của miền Nam, từ sông Bến Hải, Quảng Trị đến Đèo Bình Đê, địa giới thiên nhiên giữa Quảng Ngãi và Bình Định với trận Quảng Trị, 4 giờ đêm và mặt trận Huế bắt đầu lúc 2 giờ sáng mồng 1 rạng mồng 2 Tết Mậu Thân (30-31 tháng 1 năm 1968). Trận đánh được bảo mật tối đa với những cán binh, bộ đội vũ trang, bằng giấy tờ giả mạo xâm nhập trước ngày, giờ khởi sự vào các Thành Phố, Tỉnh lỵ, Thị Trấn, nơi đã có sẵn những cán bộ nằm vùng cơ sở lo việc tiếp đón, tiếp tế. Đặc biệt quan trọng là những đơn vị đặc công nội thành, thành phần cốt cán, mở đợt công phá đầu tiên vào những mục tiêu, dẫn đường cho lực lượng võ trang chính quy. Từ cuối năm 1967, Hà Nội cũng đã cho xâm nhập vào miền Nam hơn 300 cán bộ gồm thành phần giáo sư, giảng sư đại học, kỹ thuật gia điện ảnh, văn nghệ sĩ, kỹ sư, bác sĩ chuẩn bị phụ trách công tác trí vận. Nhóm chuyên viên nầy được phân đều cho các Tỉnh để làm nồng cốt xây dựng mặt trận văn hóa-chính trị sau khi cuộc Tổng công kích quân sự thành công. Trận đánh cũng hoàn toàn ‘’bất ngờ và bảo mật’’ đối với những đơn vị, cá nhân thuộc lực lượng cộng sản tham dự tác chiến. Đa số, nếu không nói là hầu hết, chỉ là những thiếu niên nông thôn miền Nam hoặc những bộ đội nhỏ tuổi miền Bắc. Những người trẻ tuổi gọi là ‘’bộ đội giải phóng’’ nầy trên đường xâm nhập vào Thành Phố, Thị Trấn miền Nam đã được ‘’học tập’’ một điều phấn khởi: ‘’Vào tiếp thu những Thành Phố miền Nam, nơi bọn Mỹ-Ngụy đang dẫy chết và nhân dân đã nổi dậy cướp chính quyền dưới lãnh đạo của cán bộ cơ sở đảng.

Huế, Thành Phố cổ hơn trăm năm, Kinh Đô của nước Việt thuở hưng thịnh, đêm mồng một rạng mồng hai Tết Mậu Thân lặng chìm vũng tối. Sự im lặng cô đặc đến nỗi tiếng pháo nổ mất hút giữa tầng khối dãy tường đá tảng bất động vây quanh con sông thẫm màu với lớp dân cư nhiều thế hệ sống đời dài không chút đổi thay. Nhưng, bất thình lình, cảnh tượng bình lặng nầy bị xé rách bởi tiếng đạn súng cối, hỏa tiễn rít ngang bầu trời nháng lửa soi bóng dáng chập chờn những hình người mang lá ngụy trang lẫn lút nương theo màn đêm trên những lối đi dưới tàng cây, lề đường kín cửa. Bộ đội cộng sản xâm nhập tiến chiếm Thành Phố. Lực lượng cộng sản đánh Huế phối trí trận địa theo kế hoạch:

- Đoàn 5 do Nguyễn Vạn chỉ huy gồm những đơn vị K4A, K4B, K10 và tiểu đoàn 12 đặc công phối hợp với thành đội Huế từ vùng núi thượng nguồn Sông Hương hành quân bôn tập tấn công những cơ sở chính quyền, chiếm lĩnh vùng dân cư hữu nghị con sông, phía Nam Thành Phố.

- Đoàn 6 gồm có các tiểu đoàn K1, K2, K6 và 12 đặc công với bốn đại đội cơ hữu 15, 16, 17, 18 tăng cường một đại đội súng phòng không, toàn bộ lực lượng địa phương thuộc hai Quận Hương Trà, Phong Điền và hai đại đội biệt động có nhiệm vụ tấn công từ hướng Bắc vào các mục tiêu: Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh đóng tại Mang Cá, sân bay Tây Lộc, Đại Nội Hoàng Thành Huế.

Hai lực lượng trên được chi viện thêm các tiểu đoàn 416, 418 thuộc đoàn 9 xuất phát từ vùng núi thung lũng A Sao Tây-Nam Huế. Đơn vị nầy trước chiến dịch mang danh hiệu Cù chính Lan, tên một thủ trưởng đã chỉ huy đoàn nầy trong chiến dịch Hòa Bình Bắc Việt 1951. Vào giai đoạn sau của chiến dịch, lực lượng cộng sản được đoàn 8 (hậu thân của trung đoàn sông Lô) tăng cường, bôn tập về Huế từ mật khu hướng Tây-Bắc.

Mũi tiến công chính do thủ trưởng đoàn 6 Nguyễn trọng Dần chỉ huy đánh chiếm tất cả cơ sở quân sự trú đóng trong khu thành nội một cách nhanh chóng, ngoại trừ sân bay Tây Lộc, các cơ sở trên đều bị chiếm đóng dễ dàng bởi chỉ do các đơn vị chuyên môn, không tác chiến phòng thủ. Đoàn nầy còn có nhiệm vụ lớn, ‘’bắt sống Tướng Trưởng’’ giải về Bắc.

Tổng số quân cộng sản tham chiến gồm khoảng 7500 người cộng với lực lượng đặc công thành đội Huế. Cuối chiến dịch, phía cộng sản thiệt hại 1042 người, trong số có một cán bộ cấp trung đoàn, 8 cán bộ tiểu đoàn, 24 cán bộ đại đội và 72 trung đội trưởng.

Trong quá trình chiếm giữ Thành Phố Huế, phía cộng sản khoe đã bắt theo 600 thanh niên tòng quân, chiếm kho bạc lấy 4 triệu (khoảng 400.000 đô la theo thời giá), giải thoát 1800 phạm nhân. Nhưng quan trọng hơn hết là hình thành Mặt Trận Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình, gồm có những thành phần: Chủ Tịch Lê văn Hảo, ủy viên bà Tuần Chi, Thượng Tọa Thích Đôn Hậu, huy động được một số lượng quần chúng trong những ngày chiếm đóng. Nhưng, tất cả thành quả chính trị, vật chất nầy hoàn toàn trở nên là điều vô nghĩa khi ta xét đến cuộc phản công của phía Cộng Hòa, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và những đau đớn tàn nhẫn mà lực lượng cộng sản đã thực hiện lên những đối tượng mà họ luôn nại đến trong sự nghiệp ‘’giải phóng’’. Những người dân bị thảm sát cực độ vô ích phí phạm.

Trận phản công Liên Quân Việt-Mỹ đã diễn ra rất mực hào hùng vì chiến trường nầy đã có mặt từ trước những đơn vị ưu tú nhất của hai Quân Lực: Sư Đoàn 1 Bộ binh Việt Nam Cộng Hòa với Đại Đội xung kích trinh sát lừng lẫy Hắc Báo, Chiến Đoàn I Nhẩy Dù tăng phái gồm các Tiểu Đoàn 2, 7, 9 dưới quyền của Trung Tá Lê Quang Lưỡng. Về phía Mỹ có Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến với Chi Đoàn thiết vận xa cơ hữu. Chiến Đoàn Đặc Nhiệm X Ray do Tướng Foster Lahue, cựu chiến binh của Thế Chiến II và Triều Tiên chỉ huy gồm ba Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Ngoài ra phải kể đến hai lực lượng mạnh, hai Lữ Đoàn 1 và 2 thuộc Sư Đoàn Nhẩy Dù 101 đóng tại Phú Bài và một Lữ Đoàn Không Kỵ (Air Cavalry) chiếm giữ vùng núi Tây-Nam Huế, ứng chiến cho chiến trường Khe Sanh. Tất cả lực lượng quan trọng tinh nhuệ nầy đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc theo diễn tiến sau:

Đại Đội Hắc Báo, thành phần xung kích, Trinh Sát Sư Đoàn I Bộ Binh (đơn vị Đại Đội Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có huy chương tuyên công nhiều nhất từ hai chính phủ Việt-Mỹ, kể cả những đơn vị biệt lập của Quân Lực Đồng Minh), có nhiệm vụ trấn giữ Khu Đại Nội, Điện Thái Hòa, nơi thiết triều của các Vua Triều Nguyễn. Trước mặt Điện là sân chầu lót đá tảng, tiếp Cửa Ngọ Môn, biểu tượng uy quyền không những của Hoàng Tộc mà là quốc thể nước Nam. Kỳ Đài đối diện Cửa Ngọ Môn về hướng Nam, nơi là cờ hồn thiêng sông núi hằng tung bay. Nhưng Đại Úy Phan Gia Lâm với quân số thiếu hụt (do số lớn binh sĩ đã về nhà ăn Tết) không thể nào chống cự nổi mũi tiến công một tiểu đoàn (một trong ba nỗ lực chính, thuộc đoàn 6 bộ đội cộng sản) vào khu vực Đại Nội. Sau năm giờ cầm cự, 5 giờ sáng ngày mồng 2, Đại Đội của Lâm phải rút ra khỏi Khu Cấm Thành để cố thủ Kỳ Đài, nhưng cuối cùng, lúc 8 giờ sáng, ổ kháng cự Kỳ Đài cũng đành lâm chịu thất thủ và lá cờ ba màu vàng, xanh, đỏ được bộ đội cộng sản kéo lên trên nền trời mù sương xứ Huế ngày mưa phùn.

Nhưng lần mất Sân Bay Tây Lộc, Đại Nội chỉ là những tai nạn ắt có đầu tiên phải gánh chịu, phía Việt Nam Cộng Hòa lập tức phản công với những đơn vị chưa hề thất bại. Tiểu Đoàn 2 Nhẩy Dù đơn vị từ lúc mới thành lập 1965, do Thiếu Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy đã đánh những trận mở đầu ở Bà Điểm, ngoại ô Sài Gòn 1966, vùng Phi Quân Sự 1967, để nên thành đơn vị được xuất sắc tuyên công chỉ sau ba năm thành lập. Đêm mồng 1, từ Quận Quảng Điền, Đông Bắc Thị Xã Huế, đơn vị đã hành quân cấp tốc chạy qua hàng cây số với tất cả với tất cả sức nặng ba lô vũ khí trên lưng người lính. Nhưng lần chạy việt giã băng đồng khó nhọc nầy không hoàn toàn bình an vì quân cộng sản đã phục kích ngay trên đoàn đường độc đạo từ Quận lỵ đổ ra Quốc Lộ I ở An Lỗ, trên cầu sông Bồ. Tiểu Đoàn Phó Nghi bị tử thương cùng một số binh sĩ, nhưng Tiểu Đoàn cũng đã kịp đến cầu An Hòa, (cửa ngõ đường lên phía Bắc, hướng Quảng Trị), hiệp đồng với đơn vị bạn, Tiểu Đoàn 7 Dù, đánh qua mục tiêu làng Đốc Sơ, chiếm giữ đầu cầu, cắt đường tiếp vận về những căn cứ, mật khu cộng sản thuộc vùng Phong Điền, An Lỗ, Cổ Bi, Hiền Sĩ. Những căn cứ địa vùng Tây-Bắc Thừa Thiên-Huế đã nổi tiếng từ chiến tranh 1945-1954 là những an toàn khu bất khả xâm phạm. Từ Cầu An Hòa vào đến Đồn Mang Cá, Bản Doanh Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh chỉ hơn cây số đường chim bay, nhưng hai Tiểu Đoàn Dù 2 và 7 phải mất một ngày sau mới vào tới được. Nơi nầy, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng đang đích thân chỉ huy cuộc chống đỡ với nón sách, áo giáp, súng cá nhân như một khinh binh. Hai đơn vị Dù đi hết đoàn đường ngắn ngủi kia với hơn hai mươi bốn giờ tác chiến liên tục, với kết quả số thương vong hao hụt hơn một nửa quân số cơ hữu. Điển hình, Đại Đội 74 mất gần trọn Đại Đội với Đại Đội Trưởng Nguyễn Lô bị thương nằm dưới hai lằn đạn, một ngày sau mới được kéo về như một xác ma. Một xác chết gần nghĩa đen nhất vì Lô phải giả chết hơn hai mươi bốn giờ qua, giữa những binh sĩ tử trận, trên nghĩa trang người chết từ lâu cùng những người hấp hối mới hôm qua. Trưa mồng 4, Tiểu Đoàn 9 Dù, đơn vị đã chạm địch từ đêm Giao Thừa ở mặt trận Quảng Trị với trung đoàn 812 cộng sản Bắc Việt, tuy đã đánh bật được những đợt tấn công của địch trong suốt hai ngày mồng 2 và mồng 3, bảo vệ được vòng đai phòng thủ Thị Xã, nhưng đơn vị nầy cũng đã bị thiệt hại đến trăm binh sĩ, cụ thể như với Đại Đội 94, đơn vị trấn giữ Khu Nhà Thờ Tri Bưu (chịu hướng tấn công nặng nhất mặt trận Quảng Trị) đã mất hẳn năng lực chiến đấu, bởi Đại Đội Trưởng Hổ, Lộc tử trận. Nhưng dù với quân số thiếu hụt nầy, Tiểu Đoàn 9 chỉ sau một ngày đến Huế, sáng mồng 5, đơn vị đã phải xuất quân chiếm lại Cửa Chánh Tây, đường thông về phía những mật khu trong Trường Sơn. Trường Thành Huế, khối đá, gạch, vuông vức mỗi chiều khoảng hơn hai cây số với những chồng gạch được ghép chặt vào nhau bởi vôi trộn mật mía, cao năm thước, trên có lối đi để binh lính tuần tra, xe ngựa di chuyển. Nhưng khối đá tảng kiên cố nầy trong những ngày đầu Xuân hôm nay đã là những chốn nguy nan khôn cùng với những tổ tam-tam (tổ chức theo ‘’tam chế- 3 đơn vị một’’) bộ đội cộng sản. Mỗi tổ tam đều có đủ trung liên, B-40 và AK cá nhân, nơi những ngã tư, điểm chốt chận đường đi đến các Cửa Thành đồng được các tổ thượng, đại liên trấn giữ. Chúng ta hãy nghe lại lời tường thuật đơn giản của một người lính trong cuộc chiến ngày ấy ‘’Khi đến gần Cửa Chánh Tây, tôi thấy rất nhiều địch đội nón cối, tay cầm xúng AK-47, B-40, đi qua đi lại trên bờ thành. Chúng tôi chờ trời tối cho kinh binh lén leo lên, dùng lưỡi lê đánh cận chiến, chiếm được một góc Thành làm đầu cầu cho Đại Đội nhào lên bắn ào ạt, khiến địch trở tay không kịp. Dùng cách nầy tuy tổn thất nhiều, nhưng vì quân địch đã chiếm lợi thế bờ Thành cao hơn 5 thước, nếu không liều mạng xông vào hang cọp, thì không sao bắt được cọp con. Sau hai ngày tác chiến, Tiểu Đoàn (9 Dù) mới chiếm được Cửa Chánh Tây, bàn giao lại cho Sư Đoàn 1, trở ngược ra sau đánh Cửa Đông Ba (Cửa Chính Đông của Thành Nội Huế). Tại đây, có một cây thượng liên đặt trên Cửa Thành cao, rất kiên cố. Chúng tôi thử xung phong nhiều lần mà không lên được. Trung Đội tôi lúc ấy còn 21 người, nhưng do khí thế chiến thắng từ Quảng Trị và Cửa Chánh Tây vừa rồi nên rất tự tin. Đợi ngay khi điều chỉnh pháo binh dập nát khẩu thượng liên cả Trung Đội vừa bắn vừa hô xung phong tiến nhanh lên chiếm Cửa Thành. Thấy tên xạ thủ thượng liên chết nằm trên súng, hai chân bị khóa bằng giây xích.

Kiểm điểm lại Trung Đội chỉ còn mười người nguyên vẹn. Mười một mạng người chết và bị thường để đổi lấy Cửa Thành nầy đây. Lính Nhẩy Dù trả nợ máu cho Quê Hương miền Nam, lấy lại bình an cho đồng bào xứ Huế. Gần 30 năm sau, trên đất Mỹ, tôi vẫn nhớ cảm giác cay cay đau đớn khi đứng trên Cổng Thành đổ nát, ngày mùa Xuân năm xưa. Mùa Xuân rây máu của xứ Huế mù trời sương đục, tang tóc đau thương’’. Hồi Ký Trương Dưỡng Một Cánh Hoa Dù, 1997 CA, USA.

Khi Huế bị đánh, về phía Mỹ không có một lực lượng tác chiến nào trong Thành Phố, ngoài Bộ Chỉ Huy MACV ở sát cạnh Tiểu Khu Thừa Thiên. Mãi đến chiều ngày mồng 3 Tết (2.2.1968) mới có một Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến đầu tiên đến tăng cường giữ MACV. Liên tiếp trong ba ngày 1, 2, 3 tháng Hai, lực lượng của Tiểu Đoàn 2/5 Thủy Quân Lục Chiến như trên đã nói mới vào vùng hành quân với mục tiêu là Khu Đại Học Huế và Bộ Chỉ Huy MACV. Thủy Quân Lục Chiến Mỹ có đại bác ONTOS sáu nòng có khả năng công phá mục tiêu, công sự nặng. Họ đánh mỗi ngày một mục tiêu, mỗi đường phố, đến tối rút về khu MACV, thế nên, diễn tiến hành quân hóa nên trì chậm, không phát triển được thảnh quả ưu thế hỏa lực và tính cơ động của đơn vị. Những ngày sau, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tiếp tục truy kích, chiếm đóng Khu Đường Lê Lợi, ngang Viện Đại Học và trước mặt Nhà Ga. Khai triển thành quả, lực lượng Mỹ đẩy lui địch ra khỏi khu vực Phú Cam, khiến địch phải phân tán mỏng rút về phía Nam Giao. Hồi 16 giờ chiều ngày 10 tháng Hai, một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến trực thăng vận tăng viện cho Tiểu Đoàn 2/5. Tuy thời thiết rất xấu, nhưng cuộc chuyển quân cũng hoàn tất, trong cùng lúc một Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến khác được đưa từ Phú Bài vào Huế bằng xe. Chính quyền và dân chúng đồng lòng nô nức trước lần tăng viện mang lại phấn khởi nầy.

Giai đoạn quyết định giải tỏa mặt trận Thành Phố Huế được đánh dấu bởi lần thay thế Chiến Đoàn A Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Chiến Đoàn nầy được không vận từ Sài Gòn đến sân bay Phú Bài, từ đây di chuyển đến cầu tàu hữu ngạn sông Hương, dùng thuyền đổ bộ lên Bến Bao Vinh để tiếp xâm nhập vào Thành Nội Huế. Chiến Đoàn A gồm 3 Tiểu Đoàn bộ chiến do Thiếu Tá Hoàng Thông chỉ huy. Sáng ngày 18 tháng Hai, Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu Tá Phan Văn Thắng chỉ huy, Tiểu Đoàn 5, Thiếu Tá Phạm Văn Nhã Tiểu Đoàn Trưởng xuất phát từ Thành Nội Huế, để từ đây mở rộng ra hướng Cầu Bạch Hổ. Trận chiến ở Khu Vực Thủy Quân Lục Chiến được mô tả như sau dưới mắt nhìn của Nguyễn Tú, Phóng Viên Niên Trưởng của làng báo Sài Gòn ba mươi năm trước ‘’Đại Đội 4 Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến do Trung Úy Nguyễn Xuân Tòng chỉ huy, anh chỉ cho tôi hướng tiến quân: Địch đang ở trong cái chùa cách chúng ta 30 thước và cách trường học phía bên trái 60 thước…’’ Bất ngờ tiếng nổ ầm cách chúng tôi khoảng mười thước, ném tung đất bùn lên đám lính đang ngồi thấp chờ lệnh. Phía cộng sản bắn hỏa tiễn vào đội hình của đoàn quân. Trung Úy Tòng gọi máy về Bộ Chỉ huy để xin chiến xa tăng cường yểm trợ cuộc tiến quân. Khoảng ba phú sau, ba chiếc tăng không biết từ đâu ùn ùn chạy đến. Đại Bác chiến xa đồng khai hỏa, tiếp loạt đạn đại liên 50 ly chém gẫy cây lá, lá rơi tơi tả. Đạn súng đã bắn ra mà tiếng dội còn vang vọng trong sương mai lạnh lẽo. Trung Úy Tòng ra lệnh cho toán quân Chuẩn Úy Nhựt tiến chiếm ngôi chùa. Nhựt dẫn đầu toán lính, vừa bắn vừa chạy, tản rộng hai bên bọc lấy những bức tường của ngôi chùa, sau đó tiếp tục đánh vào mục tiêu thứ hai, khu trường học, nơi những địch quân vừa từ chùa chạy về cố thủ. Phản lực được gọi đến yểm trợ, những trái bom rơi gần chỉ trong khoảng cách 100, 150 thước, những mảnh gang văng tới tận khu chùa, đen sì, nóng bỏng như vừa được lấy từ lò đúc. Qua máy truyền tin, tôi được biết có một toán Thủy Quân Lục Chiến vừa thanh toán được một hầm cố thủ mà toán việt cộng trong ấy khoảng 15 tên đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Tôi muốn chạy sang bên ấy để chụp hình thì người lính bên cạnh đã ngăn cản: ‘’Không được, ông chạy qua bên ấy dễ ăn kẹo vi xi lắm, đợi chúng tôi dọn sạch cái nhà và ngôi trường, hơn nữa phải đào hầm lên mới chụp hình được chứ’’. Tôi nghe hợp lý nên ngồi lại. Bỗng một tiếng la lớn: ‘’Chết cha, Chuẩn Úy Nhựt chạy trước kìa… Đâu có lệnh cho lên ?!’’ Người lính chưa kịp dứt lời thì tràng đạn ‘’tắc, tắc’’ nổ dòn…Một bóng người ngã gục trên khoảng đất trống, cách chùa mười lăm thước…Có ai đó đã lấy một tấm pông-sô phủ lên hình hài Chuẩn Úy Nhựt. Một người lính nói với tôi ‘’Ông biết không, Chuẩn Úy Nhựt hăng lắm. Đại Đội 4 chúng tôi trong trận Cai Lậy lấy được nhiều súng nhất đến 95 khẩu đủ loại’’. Vô tình người lính đã đọc một bài điếu văn giản dị, đơn sơ mà bao giá trị bao ý nghĩa.

Gần chỗ cỏ xanh loang máu đỏ lẫn với bùn, nơi Chuẩn Úy Nhựt ngã xuống cho lần giải phóng Thành Nội Huế, một chiếc nón sách nằm trơ, ngửa lên bầu trời vẫn mây xám, mưa phùn, gió rét. Hai bên nón sắt có giòng chữ và chữ ký ngang tàng, phóng túng: ‘’Sống bên em, chết bên bạn’’ của người lính đã chết trong buổi đầu Xuân. Người lính còn rất trẻ.

Mặt trận Thành Phố Huế chấm dứt với lần tham chiến của hai Tiểu Đoàn 21 và 39 Biệt Động Quân có nhiệm vụ tảo thanh Khu Gia Hội, vùng cư dân nằm dọc theo Sông Đào và Sông Hương. Vùng nầy nhà cửa ít bị thiệt hại nhưng đầy đặc những hầm xác người bị thảm sát do lần rút đi trong thất bại của lực lượng cộng sản sau 26 ngày chiếm đóng. Bốn giờ chiều ngày 24 tháng Hai năm 1968, hình ảnh bi tráng linh thiêng của chiến tranh Việt Nam hiện thực: Người Huế, những người lính chiến đấu ở Huế bật khóc khi Lá Cờ Vàng Ba Sọc lên cao trên Kỳ Đài giữa mù sương và mưa bay. Và cũng như lần chào cờ đầu năm cách đó 26 ngày, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh toàn thể lực lượng giải tỏa Thành Phố Huế suốt khoảng thời gian dài kia đã không hề nghỉ ngơi, với trang bị nón sắt, áo giáp như một người lính ở đầu tuyến. Ông đi tới vị trí phòng thủ của binh sĩ tiền trạm Lữ Đoàn I Dù (gồm những lính yểm trợ, tiếp vận), cùng những đơn vị lính chuyên môn (Quân Y, Quân Xa, Truyền Tin…) của Sư Đoàn 1 những ‘’đơn vị tác chiến’’ đầu tiên mà ông vận dụng được để chống cự đợt tấn công cường tập đầu tiên của binh đội đặc công E 6 do thủ trưởng Nguyễn trọng Dần đích thân chỉ huy. Ông có mặt nơi Trung Tâm Hành Quân, theo dõi các vụ ném bom, phản pháo, cố thủ những vị trí tái chiếm, điều quân tăng viện. Ông đến đầu giường của thương binh vừa được chuyển về Quân Y Viện, ông có mặt với những ca mổ nghiêm trọng, an ủi thân nhân binh sĩ thiệt mạng. Ông đã là Tướng lãnh độc nhất của Quân Lực Miền Nam sống trọn vẹn với chiến trường, với mỗi người lính, khi cần có những quyết định khẩn cấp, hiệu quả kể từ ngày khởi đầu trận đánh, để đến hôm nay trong buổi oanh liệt, chỉ huy lễ thượng kỳ. Khuôn mặt khắc khổ chĩu nặng ưu tư của người chỉ huy chiến trường lặng xuống trong khoảng khắc.

Quân và Dân đã một lần bật khóc
Khi lá Cờ Vàng Ba Sọc
Lừng lững lên cao
Giữa mù sương xứ Huế mùa Xuân nào…
LẦN GIỮ NƯỚC THỨ BA

Mùa Hè 1972, tháng Ba, từ ngày Bắc quân khởi cuộc đại tấn công miền Nam. Thêm một lần Quảng Trị, Thừa Thiên, hai vùng đất trước tiên hứng chịu tai ương tàn khốc của bom đạn. Và người dân lại thêm một lần lập lại tình cảnh thương tâm, tay bế con, lưng cõng cha mẹ già xuôi theo Đường Số I dưới che chở độc nhất hay mối hy vọng cuối cùng Người Lính. Lính Cộng Hòa ơi, cứu bà con…lính cộng hòa ơi…!! Trên đoạn đường máu La Vang, Hải Lăng, Mỹ Chánh dọc Đường Số I giữa Quảng Trị và Huế không phải đôi ba người trong cùng tình thế riêng biệt nào đó, nhưng toàn khối dân bi thương nguy biến cùng gọi lên như thế một lần. Họ gọi với hơi thở cuối, mồm há hốc, mắt trợn đứng, khi máu chảy, nằm xuống giãy dụa, tay lần chuỗi hạt, mắt nhắm nghiền, trên đầu, chung quanh đại pháo Bắc quân nổ liên hồi, nổ tàn ác…Đạn nổ không bỏ sót một phần đất, không quên một thân người. Lính Cộng Hòa ơi! Người dân rất nhiều lần kêu lên như thế. Nhưng hôm nay, tháng 5.1972 người Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nhất định trở về, sống lại cùng làng xưa, chốn cũ bởi: Ông Trưởng đã ra Huế! Ông Trưởng đã tới ngoài Huế rồi bà con ơi! Người dân hăm hở, tin tưởng thúc dục nói cùng nhau và những chuyến hàng Đà Nẵng-Huế bắt đầu trở lại với hành khách chen chúc đầy ngập. Trên đoạn đường lây lất, ươn ướt thịt da người phía Nam La Vang, lối ‘’về ngoài mền…’’ thấp thoáng từng toán người gồng gánh chạy theo đoàn quân…Mền (mình) về Quảng Trị thôi bà con ơi, ông Trưởng đã vô ở trung (trong) Mang Cá giư (như) kỳ Tết Mậu Thân với mền rồi bà con nè…

Chiếc xe jeep mang cờ hiệu Tư Lệnh màu đỏ với ba ngôi sao trắng chạy chậm dọc Đường Trần Hưng Đạo hướng Cầu Gia Hội. Vị Tướng Quân khẽ liếc về hai bên, che dấu cảm xúc trong ánh mắt u uất, cố giữ vẻ bình thảm, ông đưa tay lên vành nón sắt tỏ ý nhấc khẽ để đáp lễ những người dân kính cẩn chào ông với cách nhìn hàm ân, trân quý. Chợ Đông Ba ngầu đục váng vất những đường khói nhỏ bốc mùi khét và loang lỗ vết nám đen trên lớp tường sơn vôi vàng nhạt, dấu vết của lần hỗn loạn hai ngày trước, 30 tháng 4.1972 khi mặt trận Quảng Trị tan vỡ và đám lính phẫn nộ tràn vào Thành Phố với những người dân đang nháo nhác rùng rùng di tản. Quảng Trị mất. Mất chưng hửng tức tối. Biệt Động Quân nương nhau dọc Quốc Lộ về Nam, Thủy Quân Lục Chiến co lại, Tiểu Đoàn này đỡ Tiểu Đoàn kia rút gần xuống Mỹ Chánh về phần Sư Đoàn 3 Bộ binh, không phải lỗi ở lính, cấp chỉ huy không gian, cũng có thể không do Tướng Giai, Tư Lệnh Sư Đoàn (chưa có thể kiểm chứng rõ), đã rã ngũ một cách mau chóng, phi lý, dẫu ba Trung Đoàn bị thiệt hại từ ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, nhưng vẫn còn đủ quân số, vũ khí, phương tiện liên lạc, yểm trợ, bỗng nhiên như viên đá nhỏ tan trong ly nước bốc khói, một đại đơn vị diện địa mất hẳn khả năng chiến đấu trong bất ngờ kinh ngạc, xua đẩy dân và lính Tiểu Khu Quảng Trị hỗn loạn đua nhau tháo chạy về Huế như cơn nước lũ từ nguồn cao băng qua bờ đê cát nhỏ. Và tiếp theo, dưới cơn ép kinh hoàng của Quảng Trị, Huế nổ bùng tan nát như ánh lửa điên loạn bốc cháy Chợ Đông Ba chen tiếng súng của đám quân không người chỉ huy gồm những thành phần lao công đào binh nhân cơ hội chạy trốn, đám phạm nhân từ các trại dân sự, quân đội thoát ra và tất nhiên không thiếu những tổ đặc công, cơ sở nằm vùng cộng sản lợi dụng tình thế đồng khởi động phá hoại. Huế mau chóng lâm cơn hấp hối cũng bởi ảnh hưởng, tác động kinh khiếp của Mậu Thân mà dấu vết vẫn còn rất mới. Từ đêm Giao Thừa 1968 nối tiếp, mở rộng thấm sâu ấn tượng bi thảm của lần thất thủ Kinh Đô 1885, mà nay vẫn hằng lưu trong tâm hồn người Huế, với cảnh sắc u uẩn của hệ thống chùa, miếu, am luôn mờ mịt những dấu hương cháy đỏ vào đêm đến hoặc những ngày rằm, mồng một Âm Lịch, rải rác cạnh những con đường nhỏ hẹp, âm âm bóng cây che kín. Giặc vào và hiện thực cảnh tượng nhà tan, cửa nát, người chết hằng hằng lớp lớp. Gần một thế kỷ qua kể từ năm tháng bi thảm kia, mối đau không hề giảm bớt, mà lại càng tăng thêm sắc độ khốn cùng, thương tâm. Chỉ một điều khác biệt: Thực Dân Pháp năm 1885 khi tiến đánh Kinh Đô Huế, không có được ‘’ý niệm chính trị tiến bộ của kẻ ngụy danh cách mạng giải phóng’’ sau nầy, họ chưa biết cách thực hiện, không hề có cơ tâm tàn nhẫn thực hiện kỹ thuật giết người rẻ tiền và im lặng của quần lũ gọi là ‘’bộ đội nhân dân’’ chôn sống những đồng bào, đồng loại mình, Huế hoảng hốt kinh hoàng do đã có kinh nghiệm về thành tích tàn bạo của những toán bộ đội cộng sản và đám người cuồng khấu địa phương mang huy hiệu lá cờ đỏ (hoặc chiếc băng vải đỏ) sục sạo khắp cùng những căn nhà, ngõ ngách, đường hẻm để tìm địch giết Ngụy. Thế nên người người hớt hãi xuôi Nam hướng Đà Nẵng, rần rật chen chúc lên tất cả mọi phương tiện di chuyển. lại một lần bỏ quê hương chạy giặc. Đấy là cảnh tượng của những ngày cuối tháng 4 năm 1972. Nhưng, nay tình thế đã hoàn toàn khác hẳn. Bởi, Quân Lệnh Thứ Nhất của Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I, Vùng 1 Chiến Thuật loan báo khẳng định:

Tất cả Quân Nhân các cấp Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong lãnh thổ Khu 11 Vùng 1 Chiến Thuật (kể cả thành phần tăng phái, thuộc dụng hành quân), quân phạm, lao công đào binh phải trở về trình diện đơn vị, hoặc tại địa điểm quân sự gần nhất trong vòng 24 giờ kể từ ‘’Không Giờ’’ ngày 2 tháng 5.1972.

Các trường hợp vắng mặt bất hợp pháp tại đơn vị coi như đào ngũ trong thời chiến, khi đối diện địch quân, sẽ bị truy tố ra trước tòa án quân sự mặt trận với trường hợp khẩn cấp.

Tất cả hành vi cướp giật phá hoại, khủng bố sẽ bị trừng phạt, xử bắn tại chỗ do các đơn vị Quân Cảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa toàn quyền áp dụng, thi hành.

Huế hồi sinh từ những những giòng Quân Lệnh mạnh mẽ và sự hiện diện uy nghiêm của vị Tướng Quân Tư Lệnh. Và người Huế, Quảng Trị trở về.
PHẢN CÔNG

Để mở đầu cho ngày 28 tháng 6, khai diễn chiến dịch giải tỏa toàn thể Quảng Trị, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã chuẩn bị, thực hiện những điều kỳ lạ kể từ ngày nhậm chức Tư Lệnh ngày 1 tháng 5, chỉ hơn một tháng trước. Những điều kỳ lạ nầy không do phía người Việt chủ quan tự định đặt, nhưng hiện thực trong báo cáo của Tướng Fred Kroesen, Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn I với Đại Tướng Abrams: ‘’Ông ta đã làm cho Ban Tham Mưu hoạt động chưa từng có ở Quân Đoàn I. Tướng Trưởng đã đẩy bộ máy kia chạy với một cách thế khẩn cấp không bao giờ thấy từ trước đến nay
(13). Và Tướng Abrams đã không lầm đối tượng khi trao trực tiếp đến những người bạn vũ khí tối hảo mà ông vừa nhận được: Hai mươi dàn phóng hỏa tiễn chống tăng TOW được gởi ngay đến mặt trận Vùng 1 cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn Dù với lời bảo chứng của riêng Tướng Ngô Quang Trưởng (14). Những vũ khí mới mẻ, công hiệu, chiến thuật linh động sáng tạo phối hợp nhau nên thành một thế trận liên hoàn dưới tấm thảm lửa yểm trợ của phi cơ chiến lược B-52 từ Guam, giàn hải pháo, phi cơ của Hải Quân Mỹ từ Hạm Đội 7, phi cơ Mỹ, Việt từ Đà Nẵng, Chu Lai đã kết nên sức tổng lực của Lôi Phong mà những sư đoàn 304, 308, 324B và 325 tổng trừ bị của miền Bắc đã phải chôn vùi phiên hiệu lẫn khả năng chiến đấu. Sau đây là những trận đánh khai cuộc điển hình trước buổi oanh liệt quyết định với mục tiêu Cổ Thành Đinh Công Tráng nơi Thị Xã Quảng Trị.

Sau cuộc lui binh oan nghiệt, hỗn loạn, rời bỏ Đông Hà, Quảng Trị, căn cứ Ái Tử và những vị trí quan yếu Bắc Sông Thạch Hãn, kể từ ngày 1 tháng 5, phòng tuyến cực Bắc của miền Nam dừng lại ở Sông Mỹ Chánh. Con sông rộng không quá một trăm thước chiều ngang kia thật sự không thể là tuyến phòng thủ thiên nhiên hữu hiệu, hơn thế nữa, đường tiếp cận trong Trường Sơn, qua ngã thung lũng A Sao, A Lưới để về Huế đã hoàn toàn thuận lợi khi các binh đoàn cộng sản chiếm được những căn cứ hỏa lực các binh đoàn cộng sản chiếm được những căn cứ hỏa lực Bastogne, Checkmate, cửa vào Thành Phố Huế từ ngõ Tây-Nam. Nếu lực lượng cộng sản tiếp tục lấn chiếm được đoạn phía Nam Huế (đường đi Đà Nẵng), và cắt Đường Số I ở khoảng An Lỗ, theo chiều ngang của Sông Bồ thì Lực Lượng Thủy Quân Lục Chiến nơi phòng tuyến Mỹ Chánh nầy đã nằm gọn trong một chiếc túi bị thắt chặt cả hai đầu Nam lẫn Bắc, không cần bị tấn công cũng sẽ phải rút đi, mà chắc gì thoát được về Đà Nẵng (Chiến trận tháng 3.1975 sau nầy là minh chứng cụ thể của ý niệm vừa trình bày). Đoạn Mỹ Chánh-Huế chỉ khoảng 50 cây số, và sau Huế là Đà Nẵng với hơn 100 cây số còn lại. Chiến dịch tấn công miền Nam của bộ tổng quân ủy miền Bắc với tên hiệu Nguyễn Huệ ắt sẽ trở thành hiện thực với cuộc ‘’Nam tiến ngụy danh giải phóng’’ nếu như phòng tuyến Mỹ Chánh vỡ từ đầu những ngày tháng 5.1972. Nhưng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến của Đại Tá Bùi Thế Lân (Đại Tá Lân thay Trung Tướng Lê Nguyên Khang giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn cùng ngày 1 tháng 5) với những Lữ Đoàn 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến dẫu bị tổn thất nặng trong suốt trận chiến kể từ tháng 3 nơi những căn cứ hỏa lực Holcomb, Sarge, Núi Bá Hổ, Mai Lộc Nam Sông Bến Hải, đã không để mưu định kia nên hiện thực. Hơn thế nữa, đơn vị trấn đóng tuyến Mỹ Chánh trên Quốc Lộ I, điểm tấn công chính của Bắc quân nếu muốn mở đường về Huế kia lại là Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến ‘’Trâu Điên’’ của Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Tiểu Đoàn thượng thặng của Binh Chủng, cũng là đơn vị lừng lẫy nhất của Quân Lực Cộng Hòa. Thế nên, bộ binh miền Bắc không thể nào vượt qua được bảy mươi thước sông bề ngang mong manh này. Chắc chắn không thể được. ‘’Một thằng ‘cháu của bác’ nào qua đây, tôi sẽ ‘biệt phái’ nó đi gặp bác nó ngay’’. Trung Tá Phúc, ‘’Robert Lửa’’ đã nói như thế với những phóng viên báo chí tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn ở Đồi Đức Mẹ cạnh Sông Mỹ Chánh trong buổi họp báo bỏ túi ngày 1 tháng 5. Chung quanh xác chết những đặc công cộng sản (đơn vị đánh thăm dò, mở đường qua cầu, hướng về Huế) nằm rải rác đến cây cầu vừa bị giật sập còn bốc khói. Từ phòng tuyến mong manh này, với lòng tin cậy đối với những đơn vị tăng phái hành quân. Trung Tướng Trưởng trả lại quyền điều động đơn vị cho Đại Tá Lân trong khu vực trách nhiệm. Lần đầu tiên kể từ ngày thành lập, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến được sử dụng hết sức mạnh tổng hợp đúng kích thước của một Sư Đoàn. Biết như thế để hiểu tại sao đã có những thiệt hại oan uổng, vô lý ở trận Bình Giả, vùng rừng miền Đông Bộ tháng 12.1964 (15) với Lam Sơn 719, cũng nơi đất Trị-Thiên nầy. Đấy là do khi các Tiểu Đoàn bị xé lẻ và nguy hại hơn nữa nếu các Đại Đội tác chiến phải phơi thân đơn độc nơi những căn cứ hỏa lực, dưới cơn mưa lũ của đạn pháo cộng sản qua những ngày dài chịu đựng, để đến một kết thúc không tránh khỏi khi các đơn vị ấy cạn đạn dược, không được tải thương, tiếp tế, không phi pháo yểm trợ. Trận đánh nơi những cao điểm ‘’C-Charlie’’ ở chiến trường Tây Nguyên, Kontum với Tiểu Đoàn 11 Dù trong những ngày giữa tháng 4 vừa qua là một đau thương còn quá mới. Nay, người lính giành lại thế chiến đấu và tất nhiên họ phải chiến thắng. Nói lại thêm một lần cũng chưa đủ. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã trả lại cho người lính ở mặt trận Trị-Thiên sức chiến đấu thần kỳ của họ.

Từ phòng tuyến Mỹ Chánh, một đơn vị Viễn Thám Thủy Quân Lục Chiến ban đêm men theo bóng tối vượt qua sông chiếm cứ một đầu cầu để ngày mai, 12 tháng 5 cuộc hành quân Sóng Thần 5.1972 khai diễn có vị trí đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Với đoàn trực thăng cơ hữu CH-53 của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ từ Quân Vận Hạm Okinawa bay vào, hai Tiểu Đoàn 3 và 8 Thủy Quân Lục Chiến trực thăng vận đột kích chớp nhoáng xuống bờ biển phía Tây Quận Hải Lăng, Nam Quảng Trị khoảng 10 cây số. 9 giờ sáng, cuộc đổ bộ hoàn tất 1200 chiến sĩ Cọp Biển tràn lên trận địa, dạng hình những chiếc áo rằn màu xanh xô tới như sóng biển. Quân tiến như qua chỗ không người, đám bộ đội trở tay không kịp bởi phía chỉ huy Bắc quân chỉ đề phòng cuộc tấn công từ mạn Nam lên, nơi phòng tuyến Mỹ Chánh. Nhưng thật cũng có một cánh quân tiến lên từ phía Nam. Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến vượt sông ghìm chặt trung đoàn 66 Bắc Việt cả hai mặt Bắc-Nam. Đơn vị cộng sản phân tán mỏng rút lui để lại 240 xác chết đếm được. Chúng ta nêu lại yếu tố kỹ thuật trận liệt đã một lần bàn đến, quân số thiệt hại ắt hẳn phải gấp ba lần xác chết để lại trên chiến địa kia. Ba Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến tổn thất nhẹ, rút về lại phòng tuyến Mỹ Chánh trong buổi chiều cùng ngày, để lại một trực thăng CH-53 trúng đạn đã được phá hủy tại chỗ. Phía Tư Tưởng mặt trận B2 (của Bắc quân) kể từ khi khai diễn chiến dịch Nguyễn Huệ Tổng tấn công miền Nam bị khựng lại với câu hỏi: Phía quân Nam sẽ đánh vào đâu ? Như thế nào ? Chiến dịch Nguyễn Huệ sau nầy được giới nghiên cứu quân sự thế giới đánh giá là cuộc tổng tấn công lớn thứ hai của khối cộng sản kể từ lần xâm lăng Nam Hàn năm 1950 ở bán đảo Triều Tiên với 300.000 ngàn chí nguyện quân Trung Cộng
(16). Điểm khác biệt là vào thời điểm ấy, Danh Tướng Mac Arthur có dưới tay 365.000 quân (Mỹ và Liên Hiệp Quốc), được cả thế giới yểm trợ và tâm lý quần chúng, Quốc Hội Mỹ phấn khởi, tự tin sau thắng lợi Thế Chiến Thứ Hai đồng thuận (kể cả thái độ giám tiếp của Liên Sô) để chính phủ Mỹ áp dụng những biện pháp quân sự mạnh mẽ, mà cũng đã phải rút lui về bán đảo Pusan trong giai đoạn đầu cuộc chiến. Này, trận chiến mùa Hè 1972 hoàn toàn không có Bộ Binh Mỹ tham dự và Không Quân Mỹ thực hiện lần cứu viện cuối cùng cho Đồng Minh trước khi bị Tu Chính Án Frank Church kìm giữ hẳn (17). Trong ‘’Vietnam A History’’, với tính vô liêm sỉ tàn nhẫn cao độ, Stanley Karnow trình bày chuyện kể về Việt Nam hoàn toàn cố ý nhảy qua đoạn chiến sử năm 1972 này. Y ta chỉ khai tác đề tài Mậu Thân Huế, 1968 với yếu tố ‘’Phía Việt Nam Cộng Hòa cho người lẻn vào ‘’khu giải phóng khu vực do phía cộng sản tạm chiếm’’ giết những người ‘’tình nghi đã cộng tác với bộ đội cộng sản’’, xong ném vào chung hố với những nạn nhân do cộng sản chôn sống để vu oan là ‘’cộng sản giết người!!’’ (18). Y chứng minh điều trung thực của câu chuyện qua trích dẫn bài hát Trịnh Công Sơn: ‘’Chiều đi qua Bãi Dâu, vỗ tay trên những xác người’’ Đoạn viết nầy hàm ý ‘’những xác người nầy do phía Việt Nam Cộng Hòa sát hại rồi đổ tội cho việt cộng’’. Và ‘’nếu như có thật’’ một số người bị chết bởi tay bộ đội cộng sản, thì cũng chỉ là do ‘’việt cộng từ du kích cộng sản miền Nam’’ trả thù những kẻ ‘’có nợ máu đối với nhân dân’’, chứ bộ đội miền Bắc hoàn toàn vô can trong vụ Tổng công kích và thảm sát người ở Huế. Sau 1975, tạp chí Nationnal Geographic có đăng bài viết của Trần Văn Đỉnh, vốn là nhân viên ngoại giao cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa, qua phỏng vấn của người nầy, viên bí thư thành ủy Huế đặc trách ngoại vụ, Nguyễn văn Diêu (kẻ tên Nguyễn văn Diêu nầy là ai ?) có ý kiến về cuộc thảm sát năm 1968 như sau: ‘’Lê Minh, viên chỉ huy quân sự mặt trận Huế trong thời đoạn ấy đã xác nhận: ‘’bộ đội của anh ta có phạm tội ác’’. Nhưng lời thú tội được biện hộ ngay liền: ‘’Lê Minh viết tiếp: Bởi chúng tôi không kiểm soát được những ‘hành vi tán ác của cá nhân binh sĩ’. Nhưng dẫu sao là người chỉ huy, bao gồm cá nhân tôi phải chịu trách nhiệm’’. (18 bis) Quý hóa quá, cũng có lúc cán bộ cộng sản thú tội giết người! Nhưng tên Lê Minh là tên thật hay giả của một anh cán bộ loại tép riu nào ? Hắn ta là ai ? Một tội ác lớn chôn sống hàng ngàn người theo một kế hoạch hiểm độc tinh vi thoắt được giải thích và giải quyết bởi lời thú tội từ một tên tuổi bá vơ nào đấy được gọi là Lê Minh ?! Nhưng anh ta cũng không hẳn phạm tội vì đấy chỉ là ‘’tội ác cá nhân’’ của những tên bộ đội vô danh nào đó mà thôi! Hằng năm cho đến những năm đầu Thế Kỷ 21 nấy, đảng cộng sản vẫn ra chỉ thị làm lễ kỷ niệm chiến thắng Mậu Thân. Lẽ tất nhiên, buổi lễ có kể lại ‘’chiến công vĩ đại’’ Tết 1968 ở Huế. Vậy ‘’thành tích chiến thắng đánh Mỹ, diệt Ngụy’’ được kể ra kia với ‘’hành vi tàn ác cá nhân của một tên bộ đội’’ dưới quyền Lê Minh có khác gì nhau ? Nhưng Tường, dạy học ở Huế, một trong những kẻ gọi là ‘’văn nghệ sĩ, trí thức yêu nước cách mạng, bạn chiến đấu của nhạc sĩ Sơn’’, trong tập băng truyền hình ‘’Vietnam A History’’ thẳng thừng trả lời ‘’Chúng tôi giết chúng như giết loài rắn độc’’. Cộng sản Hà Nội đến cỡ của Tố Hữu cũng không thể trân tráo, ngang ngược xuẫn động hơn những con người với những sự việc vừa nêu trên. Chúng ta tạm rời bỏ những xảo trá đê tiện chính trị để trở lại chiến trường với những người lính của quê hương. Không để cho phía cộng sản có được thời gian chuẩn bị cuộc phản công. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ thị đến hai Tư Lệnh Chiến Trường. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh và Đại Tá Bùi Thế Lân. Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến phải thanh toán hai gọng kềm Tây-Nam và Đông-Bắc Huế trước lần tổng phản công lên mặt Bắc. Mặt trận Tây-Nam được thực hiện theo diễn tiến như sau: 9 giờ 15 ngày 14 tháng 5.1972 tại Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 1 Bộ Binh, Tướng Phú nhận được báo cáo mới nhất của cánh quân Trung Đoàn 3, đơn vị đánh chiếm lại căn cứ Bastogne (bị mất từ tháng 3) từ mạn Bắc. Bastogne là tên do các đơn vị Mỹ đặt để nhắc lại trận đánh lừng lẫy của Sư Đoàn Nhẩy Dù 82 trong Thế Chiến Thứ Hai do Tướng Maxwell Taylor chỉ huy, nay Sư Đoàn I đặt lại với một danh tự đầy cảm xúc Thuận Hóa tên cũ của Thừa Thiên-Huế từ ngày Chúa Nguyễn vào Nam mở nước, Thế Kỷ 17. Người Quảng Trị, Thừa Thiên dựng nước và mở nước từ đất Ái Tử, Thuận Hóa, nên người lính Sư Đoàn I phải trở lại Thuận Hóa vì ở đấy không chỉ là một mục tiêu quân sự, nhưng là biểu tượng sức chiến đấu của đơn vị, tấc lòng dân, quân tha thiết với phần đất cha ông. Trận đánh từ sáng sớm đến xề chiều vẫn chưa có kết quả quyết định dù phía Trung Đoàn 3 đã báo cáo: ‘’Chúng tôi vượt qua hàng trăm xác của địch nhưng bởi hệ thống chốt của chúng (Đào theo hình chữ A) quá dày đặc nên không thể nào thanh toán mau chóng được. Thành phần bộ đội giữ chốt lại bị xích chân vào súng, nên chúng không thể chạy trốn, quân ta phải thanh toán từng chốt một cho đến gã lính cuối cùng bị tiêu diệt, và vì thế cuộc tiến quân phải trì chậm lại. ‘’Báo cáo chính xác cuối ngày dừng lại với con số 346 địch chết tại chỗ và 100 súng đủ loại bị tịch thu, phần đông là thượng liên và đại liên phòng không, những chốt lớn còn có súng cối do một tiểu đội (10 người) trách nhiệm cố thủ. Trên đỉnh ‘’T-Bone’’, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân, Tướng Phú nói cùng với phái đoàn báo chí và phóng viên điện ảnh từ Sài Gòn đến: ‘’Nội trong đêm này, Sư Đoàn I sẽ trở lại Bastogne. Trở lại Bastogne để chứng tỏ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thừa sức để tái chiếm bất cứ vùng đất nào mà trước đây tạm bỏ’’.

Nhưng dự định của Tướng Phú và quyết tâm của người lính Sư Đoàn I không thực hiện đúng hẹn được, bởi hai tiểu đoàn K5 và K9 cộng sản quyết liệt chận đứng cánh quân Trung Đoàn 3, chủ yếu là tại đỉnh 100 (cách Bastogne 800 thước), đơn vị chốt tại đây tử chiến tuyệt vọng, không khoan nhượng. Nửa đêm, rạng 14 qua 15, Tướng Phú vào máy truyền tin dã chiến nói chuyện trực tiếp với người chỉ huy Trung Đoàn 3: ‘’Chỉ trong đêm nay, hay ngày mai, chứ không thể là 22 hay 29 tháng 5, mấy đứa con đầu của anh (các đơn vị tấn công tiến phương) có vào được hay không ? Đừng nói lòng vòng…Các anh đừng làm hổ danh Sư Đoàn I’’
(19) Sáng sớm ngày 15, Tướng Phú sau lần tiếp xúc mật với Tướng Trưởng, có ngay quyết định táo bạo: ‘’Dùng một đơn vị Trinh Sát nhảy xuống Bastogne xong từ trong trong đánh ra ngoài, liên kết với lực lượng của Trung Đoàn 3 từ ngoài tấn công dứt điểm’’.

Cuộc trực thăng vận dự trù lúc 10 giờ, đợi cho trời bớt sương mù theo yêu cầu an phi…10 giờ, 11 giờ, 12 giờ…từng giờ một phải được kéo lùi vì khu trục không nhìn thấy mục tiêu để đánh dọn bãi cho quân bạn. 13 giờ 30 Giờ G của chiến dịch đột kích bắt đầu. 18 pháo đội 105 ly và 155 ly đồng tập trung hỏa lực trút xuống Bastogne vũng lưới lửa. Mỗi pháo đội có 6 khẩu súng, tức 108 nòng đại pháo cùng lần tác xạ, mỗi pháo đội nhận được lệnh ‘’pháo đội 10 tràng’’, có nghĩa số lượng đạn bắn đi nhân lên 10 lần số súng kia. Pháo Binh chấm dứt để khu trục vào vùng. Đoàn khu trục của Phi Đoàn 518 từ Biên Hòa ra tăng phái mặt trận giới tuyến từ đầu tháng 4, những chiếc phi cơ AD-6 thật ra đã thuộc loại ‘’bỏ đi’’ của Không Quân lẫn Hải Quân Mỹ chỉ dùng để huấn luyện, vì quá giờ bay sau Đệ Nhị Thế Chiến 1945, nhưng khi vào tay Phi Công Việt Nam với những ‘’người sinh ra để bay Skyraider’’ loại khu trục cánh quạt có khả năng mang số bom nặng hơn trọng lượng của nó như Nguyễn Văn Cừ, Phạm Phú Quốc (thế hệ đàn anh) hoặc Trần Thế Vinh, Phạm Văn Thặng, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Phong…hôm nay, chúng trở thành một vũ khí tấn công, yểm trợ tiếp cận cho bộ binh tuyệt hảo. Chỉ từ một tuần từ 2 đến 9 tháng Tư, Trần Thế Vinh đã hạ 21 chiến xa với những trái bom đặt dưới cánh phi cơ của anh. Sáng ngày 15 nầy cũng thế, những trái bom rơi từ phi cơ AD-6 của Phi Đoàn 518 như đặt vào những trái bóng nhỏ vào những chiếc lỗ khít khao, bật tung toàn bộ hệ thống cố thủ của các chốt chung quanh và Trung Tâm Bastogne. Sau đợt dội bom cường tập, Trung Đội Trinh Sát của Thiếu Úy Hiệp nhẩy xuống mục tiêu khi còn nguyên mùi bom, lửa cháy trên đất đá. 9 giờ sáng ngày 16 tháng, đại quân Sư Đoàn I chiếm lính tất cả các cao độ quanh Bastogne. Từ trên cao nhìn xuống, lá Cờ Vàng của Thuận Hóa, Bastogne đổ nát sáng rực giữa chập chùng màu xanh của rừng với hơi khói đạn chưa tan.

Sau thất trận thê thảm ở cửa ngõ vào Tây-Nam Huế, nơi thung lũng A Sao, sư đoàn 324B phải rút về Lào để tái bổ sung, biến mất khỏi chiến trường Trị-Thiên. Nhưng thất bại quân sự của phía cộng sản không chỉ dừng lại với sư đoàn 324B mà còn kéo dài, mở rộng hơn với ảnh hưởng sâu xa đối với toàn thể mặt trận phía Bắc nói riêng và sách lược của cuộc tổng công kích mùa Xuân 1972 trong tầm cỡ rộng lớn tổng quát. Chúng ta hãy theo dõi tiếp sức mạnh vô địch của Lôi Phong.

Do một tính toán sai lầm tai hại (sau này giới nghiên cứu chiến lược, quân sử Mỹ, Việt, kể cả phía cộng sản đồng xác nhận đấy là sai lầm của chính Võ nguyên Giáp)
(20), Bắc quân mở trận đánh phục thù vào ngày 21 tháng 5 bằng đội hình mở rộng trên trận địa với chiến xa và bộ binh tùng thiết theo chiến thuật cổ điển của chiến tranh quy ước ở một vùng chiến trường mà họ đánh giá là có ưu thế. Trên vùng lau sậy bạt ngàn dọc Phá Tam Giang song song với bờ biển, bộ binh và chiến xa cộng sản dàn đội hình theo trục lộ 555 (con đường nối Quận Hải Lăng cực Nam Quảng Trị về Quận Phong Điền, Bắc Thừa Thiên) Kiểm soát được tuyến đường tức là nối được trục tiếp vận Bắc-Nam của vùng đồng bằng thuộc hai Tỉnh địa đầu mà không cần phải phụ thuộc vào Quốc Lộ I, hiện tại không thể vượt qua được chốt Cầu Mỹ Chánh (do Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ, phần trên vừa trình bày). Lực lượng cộng sản thoạt tiên được tấn công các Đồn Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, thành phần nầy được lệnh rút bỏ vị trí, lui về phòng tuyến của Thủy Quân Lục Chiến. Nương theo đà thắng lợi ban đầu, Bắc quân thọc sâu về phía Nam định bao vây, bọc hậu hai Tiểu Đoàn 3 và 9 Thủy Quân Lục Chiến. Nhưng hai đơn vị nầy đã áp dụng một kế sách tuyệt diệu: Bỏ trống trận địa không cho địch ưu thế chọn lựa chiến trường, để dành lại tư thế, khả năng thủ thắng cuộc giao tranh theo kế hoạch hành quân của mình, bằng cách lui binh sâu về phía Nam 5 cây số lập phòng tuyến mới. Khi binh đội cộng sản tiến vào khu vực bỏ trống (của hai Tiểu Đoàn 3 và 9 Thủy Quân Lục Chiến vừa rút khỏi) thì cơn mưa lũ lửa, sắt, thép của hàng trăm phi cơ Việt-Mỹ cùng đổ xuống (nơi những vị trí đã sẵn yếu tố tọa độ tác xạ, dội bom). Nhưng nhất quyết không chịu rời bỏ mục tiêu đã dự trù chiếm lĩnh, sáng sớm ngày 22, lực lượng cộng sản tập trung hai mươi chiến xa còn lại mở đợt tấn công lần hai vào vị trí Tiểu Đoàn 3 và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 369, nhưng cố gắng này hoàn toàn phá sản, bởi những giàn phóng hỏa tiễn TOW do Thủy Quân Lục Chiến sử dụng đã khai triển, vận động hết hỏa lực đáng sợ của nó, bắn hạ 10 chiến xa T-54 ngay trong đợt phản công đầu tiên, có chiếc bị cháy chỉ cách hầm chỉ huy Lữ Đoàn khoảng 400 thước. Thế trận Bắc quân hoàn toàn tan vỡ, thiệt hại 542 xác đếm được mà theo ước tính phải thêm một trung đoàn nữa bị loại ra khỏi vòng chiến. Như cơn điên mê của loài thiêu thân tuyệt vọng, Tư lệnh mặt trận B2 cộng sản lại chuyển mũi dùi tấn công sang phía Tây, vùng trách nhiệm của Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến và Liên Đoàn I Biệt Động Quân. Cách đánh thí quân nầy không gây thâu đạt một kết quả nhỏ nào mà còn để lại hơn hai trăm xác nằm chật trên những bờ bãi lau lách màu đỏ thẫm. Màu đỏ vốn có do từ nước cặn phèn nay thêm sẫm màu bởi máu đọng vũng. Không để cho địch quân có thì giờ dưỡng thương, Lực Lượng Thủy Quân Lục Chiến sử dụng Lữ Đoàn còn lại đánh dập toàn bộ những mũi tấn công của binh đoàn cộng sản cố lấn sâu xuống phía Nam Sông Mỹ Chánh. Kế hoạch tấn công dứt điểm được hình thành với cuộc hành quân Sóng Thần 1972 để đưa Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến vào trận.

Có thể nói rằng, đây là một cuộc hành quân Thủy-Bộ được tổ chức cao nhất từ trước đến nay của chiến tranh Việt Nam do phối hợp nhịp nhàng, vận dụng hết khả năng cơ động của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam, kỹ thuật khoa học quân sự hiện đại tinh vi của Quân Đội Mỹ, cùng sức mạnh ghê hồn của hỏa lực phi pháo. Ngày 23 tháng 5, Tiểu Đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến kín đáo rời phòng tuyến bố quân để ra bến tàu Tân Mỹ, năm cây số Đông-Bắc Thị Xã Huế, Tiểu Đoàn xuống tàu nhỏ ra Hạm Đội 7 đậu ngoài khơi, chờ giờ vượt tuyến tấn công mà đến lúc nầy cấp chỉ huy mới phổ biến cho binh sĩ biết. Cần mở một giải thích quan trọng về địa thế của chiến trường được chọn. Từ lúc chiến tranh Đông Dương Thứ I (1945-1854), vùng đất thuộc eo biển miền Trung dọc Phá Tam Giang, nằm giữa Quốc Lộ I và bờ biển nầy là một vùng cấm kỵ của lực lượng quân đoàn viễn chinh Pháp, bởi địa thế quá hẹp, trống trải, nhưng là vùng sình lầy không thuận tiện đối với việc điều động cơ giới, bộ binh di chuyển khó khăn, lại không có chướng ngại thiên nhiên để che dấu khi tiếp cận mục tiêu hoặc ẩn tránh nếu xảy ra trận đánh. Tháng 7.1953 Tướng Navarre (thay thế Tướng De Latter giữ chức Tư Lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương từ tháng Năm 1953) vừa cầm quyền được hai tháng, đã mở cuộc hành quân Camargue với một lực lượng Thủy-Bộ đến 30 tiểu đoàn cốt để đánh bật trung đoàn 95 cộng sản ra khỏi vùng, giải tỏa áp lực địch mạn Bắc Huế, vẫn là một địa danh có giá trị tinh thần, tác động chính trị đối với tâm lý người Việt những người vẫn còn lòng ngưỡng vọng một ông Vua với danh hiệu Quốc Trưởng, với những danh xưng, nghi lễ ‘’hoàng thượng, bệ hạ’’. Nhưng dù khoa trương rầm rộ, cuộc hành quân phải chấm dứt vài ngày sau vì số thương vong do mìn bẫy quá cao, và không có một đụng độ đích đáng như dự trù. Và dù trận liệt đã báo cáo bắt được 387 tù binh, 182 địch bị hạ, nhưng trung đoàn 95 kia vẫn hoạt động, và tiếp tục chiến đấu ở thời gian sau. Từ đấy, binh đoàn viễn chinh Pháp gọi địa danh đáng sợ này với một tên hiệu thê thảm ‘’Dãy Phố Buồn Thiu’’, và Học Giả người Pháp Bernard Fall đã dùng làm tiêu đề cho một Biên Khảo của ông về chiến tranh Đông Dương Lần Nhất (1945-1954). Thế nên, địa danh trở nên quen thuộc với giới nghiên cứu quân sự và người viết nên cuốn sách kia cũng đã thiệt mạng do mìn bẫy khi theo Quân Đội Mỹ hành quân trên vùng đất nầy vào năm 1967. Nhưng nay, Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến phá tan huyền thoại âm u kia lẫn lời tán tụng: ‘’sư đoàn ‘nặng’ 325 tổng trừ bị quân đội Bắc Việt là một đơn vị quân đội nhân dân anh hùng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng’’. Với một phối hợp đồng bộ tuyệt hảo, Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam đặt trên Soái Hạm USS Blue Ridge cùng với Ban Tham Mưu Hạm Đội điều hành, chỉ huy cuộc hành quân đưa Tiểu Đoàn 7 trở lại bờ biển bằng tàu đổ bộ của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Khi đoàn quân cách bờ khoảng ba cây số, giàn hải pháo của Hạm Đội 7 sử dụng những đại pháo có đường kính 16 inches hay 406 mm như của Thiết Giáp Hạm New Jersey đổ một màn lửa và mảnh thép công phá xuống các bãi đáp dự trù, sau cơn bão nhân tạo do các hải pháo, phi cơ Hạm Đội xuất kích với Sky Hawk của Hải Quân hoặc F-4C Phantom. A-7F Corsair của Thủy Quân Lục Chiến, tiếp dọn sạch các mục tiêu và cuối cùng, con bài chủ lực B-52, vũ khí cột trụ của Lôi Phong được gọi tới trải tấm thảm lửa hung hãm suốt chiều dài bãi biển dọc theo Hương Lộ 555. Lửa cuồn cuộn tung hoành đỏ rực sóng biển, hắt ánh hồng át mặt trời vừa bắt đầu bình minh. Từ khoảng cách hai cây số, (khoảng an toàn tối thiểu đối với B-52, vốn là phi cơ oanh tạc chiến lược), hai đợt tàu đổ bộ gồm mỗi đợt 40 chiếc đưa Tiểu Đoàn 7 ào vào vào bờ như những cơn sóng biển…Mà thật sự là một biển người đồng loạt xông lên bờ cát âm âm mùi bom lửa. Đơn vị cộng sản cố thủ bờ biển trong chớp mắt phân tán mỏng chạy về Quốc Lộ I tìm đường sống sót. Một đại đơn vị chỉ còn 10 (đúng con số 10) tù binh ngơ ngẩn vì quá sợ hãi đưa cao tay đầu hàng lính Thủy Quân Lục Chiến. Nhưng đơn vị cộng sản tháo chạy hướng Quốc Lộ I (để vào vùng núi phía Tây), hoặc về phía Bắc (hướng Sông Thạch Hãn) cũng không còn hy vọng được trốn thoát lần cuối, vì hai Tiểu Đoàn 6 và 4 đã nhảy xuống giao điểm nút chặn (của Hương Lộ 555 hướng Nam-Bắc và Hương Lộ 602 hướng Đông-Tây) với cuộc trực thăng vận thần tốc thực hiện đúng vào lúc Tiểu Đoàn 7 đổ quân. Hai Tiểu Đoàn 4 và 6 đụng độ ngay tại bãi đáp với trung đoàn 18, đơn vị thuộc sư đoàn 325, mà bộ chỉ huy đã thoát khỏi trận địa từ sau những thiệt hại từ giữa tháng 5. Sau bảy ngày ‘’chà láng’’ mật khu ‘’Dãy Phố Buồn Thiu’’, Lữ Đoàn 147 trả khung cảnh im lìm cho khu vực đúng như tên gọi, rút lại về phòng tuyến Mỹ Chánh, Quân Đội Cộng Hòa rút đi cùng lần biến mất khỏi trận địa những đơn vị từng là huyền thoại của bộ đội miền Bắc. Hai trung đoàn mang danh số 66 và 88 của quân đội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hoàn toàn mất dấu khỏi hồ sơ trận liệt kể từ ngày, tháng nầy. Chỉ trong vòng một tháng 5, trong vùng trách nhiệm của Thủy Quân Lục Chiến đã có tới hai ngàn xác đếm được, hơn ngàn vũ khí bị tịch thu, 60 chiến xa bị loại khỏi vòng chiến, có chiếc khi bị ‘’bắt sống’’ còn nguyên vũ khí, số đạn cấp phát: Binh sĩ những Tiểu Đoàn 6 và 8 Thủy Quân Lục Chiến của Trung Tá Đỗ Hữu Tùng, Nguyễn Văn Phán đã không cho xạ thủ những chiếc tăng nầy bắn được một viên đạn
(21).

Sau 27 tháng Bảy, Thủy Quân Lục Chiến thay thế Nhẩy Dù để ‘’dứt điểm’’ Cổ Thành Quảng Trị. Thật ra, kể từ 25 tháng 7, Tiểu Đoàn 5 Dù đã bám được bức tường đá Cổ Thành Quảng Trị với yểm trợ tiếp cận của phi cơ A-37 Không Quân Việt Nam, nhưng khi Đại Úy Nguyễn Tiến Sĩ, Đại Đội Trưởng 51 của Tiểu Đoàn nầy thúc lính bò lên Thành thì cũng là lúc Không Quân Hoa Kỳ can thiệp, dội bom Nội Thành, do những lý do kỹ thuật, hai trái bom đã đánh nhầm vào đội hình quân bạn, Tiểu Đoàn 5 mất đà, khựng lại và dội ngược. Sư Đoàn Dù lại để trống Ngã Bến Chùa, đường qua sông Thạch Hãn về Nhan Biểu, Ái Tử. Đường tiếp vận quan yếu của hệ thống hậu cần Bắc quân. Chín Tiểu Đoàn Dù hiện có chỉ vừa đủ rải từ Mỹ Chánh đến Quảng Trị, từ đường chiến thuật 556B ra đến Quốc Lộ I thế nên, cần phải có thêm một Lữ Đoàn (với ba hoặc bốn Tiểu Đoàn Bộ Binh tác chiến) tăng cường để chận con đường Ái Tử-Nhan Biều-Cổ Thành là ước vọng tha thiết của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù hay cũng chính của Tướng Trưởng. Gần hai tháng qua đi kể từ ngày khởi cuộc phản công, tất cả các đơn vị tham chiến bị ngưng lại bên bờ hào của vòng Thành đá tảng, tuyến chiến đấu của ta và địch cách nhau đúng 400 thước (hai tấn đạn súng cá nhân), nhưng cũng có nơi không còn thước nào cả. Bởi các chốt kháng cự đan kín vào nhau, nên nay đã đến lúc cần phải thay đổi kế hoạch tác chiến để thực hiện lời nguyền trước Quốc Dân và lịch sử. Tư Lệnh Chiến Trường, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng quyết định cùng hai viên Tư Lệnh Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Hai Tướng lãnh vừa được vinh thăng tại mặt trận, trên chiến địa Trị-Thiên nầy. Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng và Bùi Thế Lân một kế hoạch tái phối trí Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến nhận trách nhiệm phần đất bên trái Quốc Lộ I chạy dài ra đến biển. Sư Đoàn Dù từ trái Quốc Lộ đổ sâu vào hướng núi. Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến thay chỗ 6 Dù chịu trách nhiệm góc Tây-Nam Cổ Thành Ngã Tư Đường Trần Hưng Đạo-Quang Trung, Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến đổi 5 Dù chịu trách nhiệm phòng tuyến dọc Đường Lê Văn Duyệt đối diện Cửa Tiền, Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến đổi 11 Dù. Trâu Điên (Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến), Quái Điểu (Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến) chận đường cửa Bắc ngang Sông Thạch Hãn, cũng là đường tiếp vận cho lực lượng cộng sản cố thủ Cổ Thành. Những giòng chữ sau đây viết theo câu chuyện Người Lính Thủy Đánh Bộ kể lại
(22). Chúng ta hãy sống cùng những giờ phút dũng liệt với xương máu của mỗi một người lính. Những Người Lính Vô Danh mà linh thiêng sông núi đã hun đúc nên thành, gánh chịu suốt cuộc chiến điêu linh.

Đại Tá Ngô Văn Định, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến,  vị Lữ Đoàn Trưởng thâm niên nhất của Sư Đoàn nhận nhiệm vụ chỉ huy đơn vị xung kích tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị từ hướng Tây-Nam. Lữ Đoàn 147 chịu trách nhiệm mặt phía Đông từ Quận Triệu Phong ra đến biển. Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến kể từ ngày thay thế Nhảy Dù tuy đã chiến đấu không hề ngưng nghỉ nhưng cũng chỉ đẩy các chốt địch từ ngoài vào trong Cổ Thành, và điểm gần nhất cũng còn cách bờ hào Thành khoảng hai trăm thước. Không thể chần chờ hơn nữa, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I dưới điều hành trực tiếp của Tướng Trưởng soạn thảo Kế Hoạch Lôi Phong giai đoạn hai sử dụng tối đa hỏa lực phi, pháo trong 48 giờ liên tiếp theo diễn tiến. Không Quân chiến lược B-52 liên tục trải thảm từ Sông Thạch Hãn (Bắc Cổ Thành) đến Đông Hà (Bắc Quảng Trị 50 cây số), có nhiệm vụ đập nát tất cả vị trí pháo binh, hỏa tiễn, bộ chỉ huy, điểm tiếp vận, tiếp đến hải pháo từ Hạm Đội 7 bắn vào các điểm nghi ngờ liên tục trong suốt chiến dịch vào những lúc phi cơ tạm rời vùng, pháo binh diện địa 175 ly từ Phong Điền tăng cường quấy rối, đặc biệt chiếu cố thật kỹ vị trí tọa độ Cổ Thành, 12 khẩu đại bác 155 ly, 54 khẩu 105 ly cơ hữu của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến được lệnh tác xạ không ngưng một phút, Pháo Thủ chỉ thay nhau ngủ vài giờ nửa đêm, từng khẩu pháo được điều chỉnh để không một trái đạn rớt ra ngoài bờ Thành. Đạn bắn không cần đếm, hàng trăm xe vận tải hạng nặng chở đạn đi suốt ngày đêm trên lộ trình Đà Nẵng-Quảng Trị, đạn giở xuống để ngay trên Quốc Lộ I dài hàng cây số, lính Pháo Binh cứ tự động đến lấy mang về vị trí pháo binh khỏi phải làm phiếu lãnh. Có người đã ôm viên đạn trong tay nhưng kiệt sức, không nạp nổi vào nòng, anh ta ngã gục bên khẩu pháo. Trong vòng 48 giờ, đã có 60.000 quả đạn bắn đi, không một phân đất nào của khu vực chung quanh Cổ Thành trong Thị Xã không có dấu đạn rơi.

Về phần bốn bờ tường Thành được dành cho Không Quân chiến thuật Việt Nam và Mỹ từ Đà Nẵng, Chu Lai, Tuy Hòa, Hạm Đội 7 đồng thực hiện. Các Phi Công phải lựa chiều đánh bom làm sao quả bom rơi đúng trên năm thước bề dày của chiếc Thành, cốt triệt hạ khối đá vuông vức kia thấp xuống, càng thấp càng tốt, phải đập nát bốn lô cốt ở bốn góc, khóa họng những thượng, đại liên mà xạ thủ đã bị xích chân vào súng. Và cuối cùng cũng phải cầu viện đến ‘’bon mắt thần’’, những quả bom nặng 500 cân Anh, điều khiển bằng Rada để đánh xuống những đoạn Thành quá kiên cố mà pháo và bom thường không triệt hạ được. Nhưng cái tường Thành ngạo nghễ kiên cố kia dầu chỉ còn thấp khoảng vài ba thước, gạch đá ngổn ngang vẫn còn những đám con cháu ‘’bác Hồ’’ chui rúc trong những căn hầm chữ A, loại hầm cứng chắc có khả năng chịu được phi pháo, chỉ trừ khi bom rơi ngay vào miệng hầm. Thế nên, cứ dứt pháo thì địch lại nhô đầu ra bắn điên cuồng về phía trước mặt, hiệp cùng cối pháo, hỏa tiễn bên kia bờ Thạch Hãn, trong núi, Nam Sông Bến Hải dội xuống dồn dập. Không để bị bó buộc vì tình thế, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến lại thêm một lần thay đổi ý định điều quân: Lữ Đoàn 369 bàn giao vị trí cho bạn, lui binh làm thành phần trừ bị, cái ‘’bánh chưng’’ gọi là Cổ Thành kia được cắt ra làm hai: Nửa phía Đông giao cho Lữ Đoàn 258 điều động ‘’Trâu Điên’’ Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đánh từ hướng Tây. ‘’Ó Biển’’ Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến đánh chính diện Cửa Hữu theo Đường Quang Trung, vùng cư dân trước đây gọi là Phường Thạch Hãn. Lực lượng tấn công dứt điểm sẵn sàng trên tuyến xung phong đợt Lôi Phong chấm dứt sau 48 giờ bão lửa.

Tại hầm chỉ huy Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến, Thiếu Tá Cảnh nói cùng Đại Úy Thạch, Đại Đội Trưởng Đại Đội 3: ‘’Anh Thạch, tôi biết anh muốn lui về nghỉ có mấy ngày, nay giao cho anh nhiệm vụ nầy thì kỳ quá, nhưng Tiểu Đoàn mình chỉ còn anh là Đại Đội Trưởng cứng nhất, kế hoạch Lôi Phong 2 đã bắt đầu từ ngày hôm qua, đợi chờ chấm dứt, tối nay anh đem Đại Đội lên trám tuyến cho ‘’thằng 1’’ (Đại Đội 1), rồi tìm cách tiến sát vào chân thành kia trước khi trời sáng. Nếu không được thì lui về, để trời sáng tụi nó nhìn rõ là hỏng việc.

Đại Úy Thạch về họp cùng với Trung Đội Trưởng để bàn định kế hoạch đột kích. Anh nói với những Trung Đội Trưởng đang ngồi chen chúc trong chiếc hầm chìm bóng tối, những tròng mắt khô rốc mệt mỏi trừng trừng nhìn xuống tấm bản đồ đặt trên đất: ‘’Đây, cái bờ Thành nầy, làm thế nào Đại Đội mình cũng phải leo lên cho được, điều tôi dặn kỹ là binh sĩ không được bắn vu vơ, đến sát bờ Thành thì tung lựu đạn thật nhiều rồi leo lên, bám chặt vào đó. Đừng để tên nào leo xuống. Bám vào được thì mình mới có thể bung ra hai bên. Đến trước viên Thiếu Úy cùng tên Thạch, anh nói riêng: ‘’Ông với tôi cùng tên ‘’Thạch là đá’’, đá thì phải cứng, tôi chọn ông đi tiên phong là thế. Hy vọng ông làm được việc’’.

Đại Đội 3 Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến vượt tuyến tấn công lúc nửa đêm, ba giờ sáng, đoàn quân đến mục tiêu ấn định, bờ tường Cổ Thành Quảng Trị, nơi cách hầm đóng quân hai trăm thước khoảng cách được vượt qua bởi những người lính bò im lặng trong đêm trên gạch đá, mìn bẫy và dưới trùng điệp lưới lửa, đạn đại pháo của cả hai bên…Đột nhiên, một loạt đạn pháo binh nổ rền ngay trên đầu hướng tiến của Đại Đội, Thạch (Đại Đội Trưởng) giật mình cầm ống nói:

- Thạch Thảo (danh hiệu truyền tin của Thiếu Úy Thạch) anh có làm sao không ?

- Trình thẩm quyền vô sự. Có tiếng nói lao xao bên đầu Trung Đội của Thiếu Úy Thạch (nghe qua máy truyền tin), tiếp tiếng la mừng rỡ của người Trung Đội Trưởng: Trình Đại Bàng (người chỉ huy), thằng Xuân của tôi đã qua hào vào sát bờ Thành, pháo đang nổ trên đầu nó, Thẩm Quyền bảo ông ‘’Phở Bắc’’ (Pháo Binh) ngưng đi để tụi nó leo lên…

Báo cáo được nghe tiếp với những lời nói dứt khoảng dồn dập lẫn trong âm động đạn súng tay, lựu đạn, đại liên và pháo, cối từ phía Bắc bắn xuống yểm trợ đám bộ đội cộng sản… ‘’Thằng Xuân đã lên đến bờ tường rồi…Chúng tôi đã sang…bên kia…bờ hào nước…Tụi nó…tụi nó bắn ghê quá…Lên…lên…đi’’. Không đợi nghe hết lời báo cáo, Đại Úy Thạch đứng sổng dậy hét to: Xung phong…xung phong! Tất cả Đại Đội vụt chạy nhanh qua chiếc hào Thành đã cạn nýớc vì đất đá hai bên đổ xuống. Những người lính đồng thanh hòa theo lời hô của viên Đại Đội Trưởng…xung phong!! xung phong!! Những thân người ngã xuống vật vã trên gạch đá tan vỡ, màu tươi rói bắn ra tia thấm đẫm bạt vào người bên cạnh. Không biết ai trúng đạn, ai còn sống, khoảng cách quá gần và trời quá tối, những người thoát đạn xốc tới… Xung phong…xung phong!!

Cùng lúc phía Tây-Nam, Đại Đội của Đại Úy Định (Định ‘’con’’, để phân biệt với Đại Tá Định, Lữ Đoàn Trưởng 369) thuộc Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến khi nghe tiếng hô rền từ cánh quân bạn cũng đồng bật dậy, bỏ vị trí xốc tới…xung phong…xung…xung phong! Giữa bóng tối mù mịt, qua ánh chớp đạn pháo binh địch, và lóe sắc của lựu đạn đánh cận chiến, bóng hình người Thủy Quân Lục Chiến ào lên thấp thoáng, vùn vụt trên những khối đen của dãy tường Thành loang lỗ chập chờn lửa dậy. Bốn giờ sáng, trời vừa hừng đông, được tăng thêm độ sáng do đạn lửa của pháo hỏa tiễn cộng sản bắn tràn lên vị trí để các đơn vị bộ đội địch tháo chạy, những người lính Thần Ưng (Tiểu Đoàn 6), Sói Biển (Tiểu Đoàn 3) hoàn toàn làm chủ, tràn ngập trên bờ thành phía Nam, về phía Đông, khu trách nhiệm của Tiểu Đoàn 8, Tiểu Đoàn Trưởng, Trung Tá Nguyễn Văn Phán vượt lên tuyến đầu đích thân thúc quân ép sát vào bờ Thành bởi nhận ra sức chiến đấu của đám lính cộng sản cố thủ yếu dần, đang thất thần tìm đường lẩn trốn trước đợt tiến công dồn dập uy mãnh của lính miền Nam, những tên không tháo chạy được bị thanh toán tại hầm bằng lựu đạn, hoặc súng tay bắn với khoảng cách gần nhất, đạn xuyên vào da thịt người nghe lụp bụp, thân người nẩy ngược lên. Hướng chính Tây, mặt tấn công của Tiểu Đoàn 2 cùng Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, lực lượng xung kích ào vào chân thành như thác lùa, lũ lớn theo những khoảng vỡ đổ của bức tường Thành nay đã biến dạng thành khối hình ngổn ngang chồng chất, lính ‘’Trâu Điên’’ xốc tới như tên hiệu đơn vị, những con trâu trong cơn phẫn nộ hung hãm, đánh phục thù cho trận lui binh oan nghiệt cuối tháng Tư mà họ đã tận mắt chứng kiến. Đến chiều 14 tháng 9, Lực Lượng Thủy Quân Lục Chiến kiểm soát toàn phần bờ Thành, khu vực phía Nam, chia quân lục soát những khu hầm nhốt tù (do người Pháp xây dựng đầu thế kỷ) mà sau nầy, trước tháng 4.1975, Tiểu Khu Quảng Trị, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh đặt Trung Tâm Hành Quân, đám lính cộng sản ném súng, lội Sông Thạch Hãn tháo chạy về phía Bắc như đàn vịt nháo nhác trên khoảng sông phơi đáy cát. Một chiếc L-19 (máy bay quan sát) bay lờ lững trên cao, anh Phi Công tinh nghịch rà xuống sát mặt nước, bắn ra trái đạn khói, những tên lính cộng sản chạy trốn hốt hoảng đưa tay đầu hàng, đứng ngơ ngác trên giòng sông mờ đục trống trải.

Đêm 14 tháng 9, lần đầu tiên sau 48 ngày, đêm, Đại Úy Thạch Đại Đội Trưởng Đại Đội 3, Tiểu Đoàn ‘’Sói Biển’’, đơn vị tiên phong của đợt đột kích dứt điển Cổ Thành được ngủ một giấc dài vì đôi giày đã được cởi ra. Nhiều người lính của mặt trận Quảng Trị cũng được ‘’hạnh phúc’’ nhỏ bé tầm thường tội nghiệp nầy. Sáng hôm sau, ngày 15 tháng 9.1972 từ căn hầm phòng thủ nơi đặt Ban Chỉ Huy Đại Đội, qua lỗ hổng, Thạch thấy rừng rực lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ bay uy nghi trong gió sớm lẫn màn khói đạn, bom chưa tan hẳn. Anh thấy cay cay trong mắt với cảm giác nôn nao thầm lặng…Cảm xúc từ rất lâu anh không có. Cảm giác muốn khóc về một điều bi phẩm. Thạch nhìn quanh, những người lính đồng có sắc đỏ xẫm ươn ướt nơi tròng mắt. Những khuôn mặt chai cứng, hư hao, loang lỗ lấm láp khói đạn, bụi đất đồng duỗi ra theo độ sáng của ngày mới vẻ kiên nghị kiêu hãnh xen lẫn đau đớn kìm giữ. Thạch nhìn xuống những xác binh sĩ đồng bạn mới đem về, nằm bó gọn trong những poncho phủ bụi đất, bê bết máu. Anh lơ đãng nghe báo cáo về số lượng vũ khí sơ khởi được tịch thu, đâu khoảng hai tấn rưỡi, phải cần tới một GMC mới chở hết.

Nơi Trung Tâm Hành Quân Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I ở Thành Mang Cá, Huế, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cất chiếc nón sắt đã đội suốt từ bao ngày đêm. Người chỉ huy chiến trường ngồi lặng im rất lâu, mặt ông trầm xuống không gợn nét, đổi sắc.

KẾT TỪ VỀ MỘT NGƯỜI LÍNH


Ba mươi năm sau, báo chí Mỹ, cho dù tờ báo khách quan, đứng đắn, hoặc giới học giả, nghiên cứu (với những con người được tin cậy, kính phục như Giáo Sư W. Tuchman) khi viết về Lịch Sử, Quân Sử Việt Nam (giai đoạn sau Mậu Thân 1968, trước Hiệp Định Paris 1973) đã không hề có một giòng chữ ngắn đối với chiến công lẫm liệt kể trên. Phim ảnh, sách, báo chí Mỹ với những đầu óc chủ bại lẫn tự tôn (khiếp nhược trước kẻ nghịch, bất nhân với bạn hữu), thiển cận từ tư cách chuyên nghiệp, bác học của văn minh kỹ thuật cao (thật sự do không đủ can đảm trí thức tự nhận nỗi bất lực thảm hại của bản thân, xã hội, bộ máy cầm quyền của quốc gia mình) nên đã không nhìn rõ địch tình, đánh giá thấp, không tận hiểu đúng sức mạnh tinh thần của một Dân Tộc, Quân Đội bạn, điển hình như Thượng Nghị Sĩ Bob Kerry, kẻ viết biên khảo Stanley Karnow, Đạo Diễn phim ảnh Oliver Stone v.v…đã sử dụng hệ thống thông tin đại chúng Mỹ để trút lỗi lầm thất bại, gánh nặng ‘’hội chứng Việt Nam’’ lên lưng người Lính Việt với một lý luận hàm hồ chung nhất: ‘’Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không chịu chiến đấu dù rằng người Mỹ đã góp nên trị giá 58.000 người chết và hơn 100 tỷ đô la trong cuộc chiến với cộng sản Việt Nam’’ Những kẻ này đã không hề biết đến (hoặc cố tình không biết) những số liệu: 587 Tù binh Mỹ và người nước ngoài (gồm một binh sĩ Đại Hàn và hai binh sĩ Thái) Số liệu của Ban Liên Hợp Quân Sự do chính bản thân người viết làm báo cáo là 585) trao trả theo điều khoản của Nghị Định Thư Tù Binh. Hiệp Định Paris gồm 473 nhân viên quân sự thuộc thành phần Phi Hành Đoàn của những phi cơ bị bắn hạ trên lãnh thổ Bắc Việt kể từ khi Mỹ bắt đầu oanh tạc miền Bắc do cớ sự vụ tàu Maddox (tháng 8.1964)
(23) Hiệu số của 585 và 473 là 112, trừ thêm ba (3) Quân Nhân có quốc tịch nước ngoài kể trên, ta có con số: 109 người là tổng số tù binh Mỹ bị bắt ở miền Nam, gồm thường dân, nhân viên Tình Báo, cố vấn Cơ Quan Bình Định, và Quân Nhân bộ binh Mỹ (24) Trong khi ấy phía Việt Nam Cộng Hòa trao trả về phía cộng sản 26.508 nhân viên quân sự và nhận về 5.081 người lính từ Binh Nhì đến cấp Đại Tá (25). Cơ sở Rand Mc Nelly sử dụng trong Chronicle of 20 Century còn cho thêm số liệu 924.048 lính cộng sản tử thương (26) ở chiến trường. Từ những chứng số kể trên (do những cơ quan thống kế, chắc chắn không do cảm tình với chính phủ, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, nếu không nói là ngược lại) chúng ta có thể kết luận với mức độ chính xác nhất: Trong suốt chiến tranh Việt Nam từ khi Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ lâm chiến. Cuộc hành quân Starlight, tháng 5.1965 đến 27 tháng 3 năm 1973, bộ binh cộng sản hoàn toàn né tránh các đại đơn vị bộ chiến Mỹ, nếu có đụng độ chăng chỉ là những đơn vị cấp Đại Đội, phía Mỹ bị thương vong phần lớn do bị đánh mìn bẫy, phục kích, phòng không, pháo kích. Số lượng 924.048 bộ đội cộng sản tử thương, 26.508 tù binh bị bắt đổi lại 5.081 người của Việt Nam Cộng Hòa (chưa kể số lượng 200.000 cán binh cộng sản đầu hàng Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa tại trận địa, hồi chánh chính phủ Việt Nam Cộng Hòa với nhiều hình thức, tại nhiều địa phương trong nhiều trường hợp) đã xác chứng: Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa là đơn vị chủ động chiến trường do đã kiên cường chiến đấu và uy hùng chiến thắng trên chiến địa. Nói như thế để cùng nhau hiểu một điều đau đớn: Ngày 30.4.1975 là một bi thảm phẫn uất suốt giải quê hương, nỗi oan khiên chung của toàn Dân Tộc Việt Nam. Nhưng đây là đề tài thuộc về những biên khảo khác.

Để kết luận, ta thử tìm so sánh: Người Đức bao vây Stalingrad 76 ngày, người Mỹ giữ Bataan trong 66 ngày, Corregidor 26 ngày, Quân Lực Anh và Khối Thịnh Vượng Chung tử thủ Tobruk trong 241 ngày, phải mất đến bốn ngày kịch chiến, một Trung Đội thuộc Trung Đoàn 28 Sư Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ mới dựng được ngọn cờ oai dũng Sao và Sọc lnê đỉnh núi Suribachi của Đảo Iwo Jima. Và đây gần nhất, Điện Biên Phủ thực sự bị bao vây 56 ngày dưới sức công phá của những sơn pháo 75 ly, và đại pháo (Trung Cộng) tương đương 105 ly. Những cuộc bao vây tử thủ, tấn công lừng danh này được thực hiện bởi súng tiểu liên Sten, Mai 36, Garant, Carbin M1, loại vũ khí hàng đầu của Bộ Binh Mỹ, cũng là Bộ Binh hàng đầu thế giới. Những trận đánh để đời của Quân Sử toàn cầu khi đó có gì so với Quảng Trị, chỉ từ 27 tháng 7 đến 14 tháng 9 là 48 ngày, và nếu kể từ ngày 7 tháng 7, lúc Tiểu Đoàn 7 Dù vượt qua Ngã Ba Long Hưng, vào cách Chi Khu Mai Lĩnh 300 thước thì mặt trận Thành Phố Quảng Trị thực sự đã kéo dài trong 68 ngày. Trong 68 ngày ấy, lực lượng bộ chiến gồm 4 Tiểu Đoàn Dù (5, 6, 7, 11) trong giai đoạn đầu, hoặc 8 Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, một Liên Đoàn Biệt Động Quân và một Thiết Đoàn chiến xa của giai đoạn 2. Trong 68 ngày đó, chỉ riêng 48 ngày của Thủy Quân Lục Chiến, những người Lính Quân Đội miền Nam đã phải chiến đấu liên tục trên một chiến trường dài hai cây số năm trăm thước từ Ngã Ba Long Hưng, ngõ vào Thị Xã Quảng Trị đến sát bờ Sông Thạch Hãn, và bề ngang một cây số hay 1000 thước. Những con số này phải viết chính xác để nói đủ về một chiến trường hẹp cứng, gai góc vượt hết ý niệm chiến trận. Chiến trường có diện tích ‘’hai ngàn năm trăm thước vuông’’ đó đã được 15 Tiểu Đoàn Bộ Chiến bao vây quét sạch từng thước đất, phải nói từng tấc đất, nếu muốn giữ độ chính xác trong 68 ngày. Đội quân 15 Tiểu Đoàn có khoảng 7.500 đến 8.000 người phải vượt qua 2500 thước vuông mục tiêu. Vậy mỗi người lính có bao nhiêu thước đất chiến trận ? Chỉ số trung bình cho thấy ‘’3 người lính có 1 thước vuông mục tiêu chiến đấu’’. Một thước vuông để tác chiến trong 68 ngày. Quân Sử Thế Giới, trước và sau Quảng Trị, không một nơi nào, không thể có một chiến trường nào chật cứng, đứt hơi bằng ở Quảng Trị Việt Nam. Chắc chắn như thế. Trong 68 ngày đó, sáu Tiểu Đoàn Pháo của hai Sư Đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến, dàn hải pháo Hạm Đội 7 đã bắn bao nhiêu trái đạn ? Phi cơ chiến đấu Mỹ từ Chu Lai (Quảng Tín), Đông Tác (Tuy Hòa) (27) từ Guam (28) của Hạm Đội 7 (ngoài khơi lãnh hải Đông Dương) Phi cơ Việt Nam từ Đà Nẵng đã đánh bao nhiêu bom xuống khu vực Cổ Thành ? Trong 68 ngày, bao nhiêu cân bom, trái đạn đã rơi xuống trên mỗi phân đất của Thị Xã chiều dài không quá 15 phút Honda ấy ? Quảng Trị! Muốn được kêu lên một tiếng, muốn nhỏ xuống dòng nước mắt. Thành Phố Quê Hương là Thánh Địa chịu nạn cho hết tai ương nhân loại. Không một nơi chốn nào trên địa cầu nầy phải chịu đựng cảnh huống điêu linh khốc liệt bằng vùng đất gọi tên Quảng Trị, nơi Thị Xã có khối Cổ Thành Đinh Công Tráng.

Không dân tộc nào nên sức chịu đựng so cùng dân và lính ở miền Nam.

Phải! Người Lính Việt Nam đã chiến đấu và tồn tại như một nhiệm mầu. Trên mầu nhiệm bình thường lặng lẽ nầy. Tổ Quốc điêu linh thở từng hơi ngắn đớn đau nhưng bền bỉ. Chữ nghĩa hoàn toàn vô nghĩa trước chân dung bi tráng hùng vĩ của Người và Quê Hương. Nơi đất phương Nam với người chỉ huy giữ nước tên gọi NGÔ QUANG TRƯỞNG.
Phan Nhật Nam
Để nhớ ngày
Người Lính lẫm liệt giữ vững Quê Hương
14 tháng 9.1972
Nơi Quảng Trị
Ở Việt Nam.

Ghi Chú:

13-14.- Lewis Soley A better War Harvest Book Florida. USA (p.332)

15.- Bình Giả, Tỉnh Phước Tuy, miền Đông Nam Bộ, nơi xẩy ra trận địa chiến cấp trung đoàn đầu tiên ở miền Nam tháng 12.1964.

16.- Vietnam Experience South Vietnam On Trail (p.138)

17.- Tu Chính Án do Frank Church và John S. Cooper đệ trình Quốc Hội Mỹ (1970) cấm Bộ Binh Mỹ tham chiến Campuchia, Không Quân Mỹ không được hoạt động ở Đông Dương.

18.- Stanley Karnow Vietnam A History, Penguin Books NY 1984 (p.544)

18bis.- Trần Văn Đỉnh, Huế My City, Myself National Greographic Nov.1969.

19.- Mai Hòa. Sư Đoàn I Trở Lại Bastogne Diều Hâu Sài Gòn số tháng 5.1972.

20.- Phillip B. Davidson Vietnam at War Presidio Press CA, 1988 (p.169)

21.- Trần Văn Hiển Thủy Quân Lục Chiến và Trận Chiến Xuân Hè KBC 21 Ca, USA 1995.

22.- Sói Biển Thạch Thảo Lính Thủy Đánh Bộ KBC (20, 25, 26) CA 1998-1999

23-24-25.- Phan Nhật Nam Tù Binh Và Hòa Bình, Hiện Đại Sài Gòn, 1974, trang 143-168.

26.- Yearbook Grôlier Canada, 1974, Rand Mc. Nally Inc USA, 1987.

27.- Căn Cứ, Phi Trường Quân Đội Mỹ dọc miền Trung Nam Việt Nam (1965-1973)

28.- Căn Cứ Hải, Không Quân Mỹ thuộc Quần Đảo Mariana, Tây Thái Bình Dương
***************
Hồi ức của một sĩ quan tuỳ viên ĐT Cao Văn Viên .
(Viết để tưởng nhớ hai bạn cùng khóa là Vũ Ngọc Hồ Paul và Nguyễn Anh Tuấn cũng từng là tùy viên và đã yên giấc ngàn thu ở quê nhà).

Cuối năm 1966, khi tôi đang làm trưởng ban 3/TĐ.41/BĐQ thì được lệnh về trình diện văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng.
Khi đến trình diện mới biết là do Quách Tinh Cần khóa 20/VB giới thiệu để thay thế Cần chuẩn bị đi du học Hoa Kỳ về khóa điện tử 4 năm.
Bắt đầu công việc mới trong đời binh nghiệp nên có rất nhiều bỡ ngỡ, nhưng dần dần cũng quen, rồi thích ứng cũng mau, hằng ngày đi làm việc theo thầy, thầy bảo gì làm nấy, bảo sao làm vậy. Nhưng điều tôi ghi nhớ cái đặc điểm đầu tiên của Đại Tướng Cao Văn Viên là mỗi khi ra lệnh cho tôi làm điều gì, ông thường hỏi:
_ Có hiểu rõ tôi nói không? Có cần hỏi thêm gì không?
Sau cùng ông nhắc nhở rằng:
_ Những gì tôi bảo chú làm, nếu lúc thi hành gặp trở ngại hay không biết thì suy nghĩ, chừng nào suy nghĩ không có kết quả thì hỏi tôi.
Từ dạo ấy, thời gian của tôi bắt đầu dính liền với thời gian của ông thầy, bất kể ngày đêm, cuối tuần hay lễ lạc gì cả. Có khi tôi phải ở lại nhà của ông thầy hai ba ngày liên tiếp, đề phòng khi có những cuộc họp khẩn cấp bất thường, vì thời gian ấy tình hình rất nhiễu nhương, nội các của ông Nguyễn Cao Kỳ bắt đầu có sự rạn nứt với ông Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Vì khi Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hòa do Quốc Hội Lập Hiến sẽ ban hành vào ngày 1/4/1967 thì cả hai ông Thiệu và Kỳ đều có ý định ra ứng cử tổng thống.
Khoảng thời gian này Hội Đồng Tướng Lãnh thường xuyên hội họp nên tôi cũng thường gặp Vũ Ngọc Hồ Paul xách cặp theo Tướng Thắng và Bùi Văn Đoàn theo Tướng Chinh, khi quý vị tướng lãnh họp đấu đá thì ba chúng tôi, nhửng thằng cùng khóa 19VB cũng họp đấu … láo bên lề. Ngoài ra cứ mỗi tháng ông thầy bay ra vùng I để duyệt xét thi hành kế hoạch “AB” thì tôi lại được gặp Nguyễn Văn Hóa (W.P) là tùy viên của Tướng Trưởng TL/SĐ.1BB.

Thời gian dần trôi qua, ngày 1/4/67, bản Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hòa được ban hành thì hai vị tướng chủ tịch của hai ủy ban là Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Nguyễn Cao Kỳ cùng thành lập hai liên danh khác nhau ra tranh cử Tổng Thống. Liên danh của Tướng Thiệu thì ông Trình Quốc Khánh đứng phó TT. Liên danh Tướng Nguyễn Cao Kỳ thì luật sư Nguyễn Văn Lộc đứng phó tổng thống. Đến lúc này thì sự chia rẽ càng rõ rệt và sự rạn nứt càng gay gắt giữa các tướng lãnh với nhau. Các vị ấy đã phân chia ranh giới công khai như sau:
Các tướng lãnh ngả hẳn theo Tướng Nguyễn Cao Kỳ gồm có:
Lê Nguyên Khang, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Bảo Trị, Nguyễn Ngọc Loan, Hoàng Văn Lạc, Linh Quang Viên …
Các tướng ngả hẳn theo Tướng Nguyễn Văn Thiệu gồm có:
Trần Ngọc Tám, Nguyễn Văn Là, Hoàng Xuân Lãm, Chung Tấn Cang, Lâm Quang Thi , Lâm Quang Thơ , Dư Quốc Đống, Phạm Quốc Thuần, Trần Văn Chơn, Nguyễn Văn Minh…
Các tướng trung dung gồm có:
Cao Văn Viên, Vĩnh Lộc, Trần Văn Minh (KQ), Nguyễn Văn Mạnh …
Lúc bấy giờ dinh Độc Lập chia làm hai bên, từ trong nhìn ra cổng thì Trung Tướng Thiệu ở bên phải, Thiếu Tướng Kỳ ở bên trái mà cả hai bên gần như có hàng rào ngăn cách ở giữa, không bên nào qua với bên nào! Thậm chí khi Tướng Thiệu, với tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia triệu tập phiên họp thì Tướng Kỳ không qua tham dự. Và ngược lại, với tư cách là Chủ Tịch UBHPTU, Tướng Kỳ triệu tập phiên họp thì Tướng Thiệu không sang.
Thấy tình trạng chia rẽ trầm trọng như vậy, Đại Tướng Cao Văn Viên mời Hội Đồng Tướng Lãnh họp ở Bộ TTM để kêu gọi đoàn kết ngỏ hầu có đủ sức mạnh để chống CS. Sau vài phiên họp ở Bộ TTM, tình hình êm dịu dần trở lại, các tướng lãnh có vẻ gần gũi với nhau hơn. Cuối củng hai Tướng Thiệu và Kỳ đồng ý cùng đứng chung với nhau trong một liên danh để ứng cử tổng thống.
Nhưng khổ một nỗi không ông nào chịu đứng vị trí số 2, tức là phó tổng thống. Thấy không có cách nào giải quyết được vấn nạn này nên chẳng đặng đừng, buộc lòng Đại Tướng Viên phải nghĩ ra một cách khác, dù thực tâm ông không muốn chút nào, đó là mời Đại Sứ Mỹ Bunker, Phó đại Sứ William Colby và Đại Tướng Westmoreland đến dự bữa cơm tối tại tư gia đại tướng, đề nhân dịp này ông tham khảo ý kiến các giới chức kể trên.
Nói một cách tổng quát thì ý kiến các vị này như sau:
1/Đại Tướng Westmoreland: “Tướng Kỳ hoạt bát năng động hơn Tướng Thiệu. được lòng quân đội hơn Tướng Thiệu, nói tiếng Mỹ thạo hơn Tướng Thiệu, nếu Tướng Kỳ ở vị trí số một thì thuận lợi hơn”.
2/Phó Đại Sứ William: “Tính nết Tướng Kỳ bốc đồng, hay phát biểu linh tinh, thiếu suy nghĩ, không được lòng các chính khách kỳ cựu trong nước. Hơn nữa, theo chỗ tôi thăm dò thì những vị lãnh đạo các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapour, Lào, Campuchia và nhất là Tưởng Giới Thạch của Đài Loan và Phắc Chánh Hy của Nam Hàn thích Tướng Thiệu hơn Tướng Kỳ”.
3/ Ông Đại Sứ Bunker, mà báo chí gọi là “ông già tủ lạnh” phát biểu:
_ “Chính phủ Hoa Kỳ muốn có một Tổng Thống VNCH gốc tướng lãnh để điều hành cuộc chiến chống CS, mà hiện nay hai ông Thiệu và Kỳ chịu đứng chung trong một liên danh là hợp với mong muốn của chính phủ HK rồi, còn việc ai số một, ai số hai là do nội bộ các tướng lãnh Việt Nam thu xếp. Nhưng theo ý tôi, quân đội đã có truyền thống giữ tôn tri trật tự, tôn trọng hệ thống quân giai, cấp nhỏ phải phục tùng cấp lớn. Vậy Đại Tướng (Viên) họp các tướng lãnh lại giải quyết theo hướng đó có lẽ sẽ ổn thôi”.
Qua lời phát biểu của Đại Sứ Bunker, Đại Tướng Viên hiểu ý “ông già tủ lạnh” muốn ông Thiệu đứng số một.
Buổi cơm diễn ra tối Thứ Bẩy thì sáng hôm sau Chúa Nhật, Đại Tướng bảo tôi gọi mời bốn vị Tư Lệnh vùng, Tư Lệnh Hải Quân, Tư Lệnh Không Quân và vài tướng lãnh trong Bộ TTM, vào lúc 8 giờ 30 sáng Thứ Hai, đến văn phòng TTMT họp để giải quyết vấn đề liên danh Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Riêng hai ông Thiệu và Kỳ thì đích thân Tướng Viên mời họp bằng điện thoại riêng.
Sáng Thứ Hai hôm ấy, không khí phòng họp rất căng thẳng, gương mặt của các tướng đăm chiêu lầm lỳ, chẳng ai hé môi cười. Lần này Đại Tướng Viên chủ tọa buổi họp, sau khi ông phát biểu vài lời khai mạc và cho biết mục đích của buổi họp xong thì Tướng Hoàng Xuân Lãm TL vùng I có ý kiến đầu tiên như sau:
_ “Thứ nhất, Trung Tướng Thiệu đang giữ vai trò quốc trưởng, Thiếu Tướng Kỳ đang giữ vai trò thủ tướng. Thứ hai, nói về thuần túy quân đội, Tướng Thiệu cấp bậc lớn hơn, có thâm niên quân vụ hơn Tướng Kỳ. Vậy theo ý tôi, Tướng Thiệu ở vị trí số một là hợp lý”.
Thiếu Tướng Kỳ phản ứng:
_ “Chúng ta nên xét theo năng lực, không phải ai lớn lon, lớn tuổi là điều hành đất nước tốt hơn. Bằng chứng là trong thời gian hai năm vừa qua, từ chỗ tình hình rối ren của đất nước, tôi đứng ra lèo lái Nội Các Chiến Tranh, ổn định được tình thế, điều đó mới quan trọng. Hơn nữa, cuộc sống của dân chúng được cải thiện tốt đẹp, sinh viên học sinh không còn xuống đường biểu tình, các đảng phái không còn chống đối chính phủ, đó có phải là do Nội Các Chiến Tranh, “nội các của người nghèo” do tôi lãnh đạo tạo được thành tích này hay không? Còn Tướng Thiệu đã tạo được thành tích gì trong thời gian qua?”
Trung Tướng Thiệu đáp lời: “Cái thành tích mà Thiếu Tướng Kỳ vừa nêu lên, đó là thành tích chung của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia mà tôi là chủ tịch, công lao là của các tướng lãnh thành viên trong ủy ban chứ không của riêng ai cả”.
Tướng Nguyễn Đức Thắng: “Tôi thấy qua vài ý kiến phát biểu nãy giờ, hai vị chưa ai chịu nhường ai, nếu tình trạng này kéo dài sẽ có lợi cho các liên danh dân sự. Theo ý tôi, hiện giờ ngoài xã hội, đồng bào mọi giới đều ái mộ Tường Kỳ, kể cả quân nhân công chức cũng đều có thiện cảm với Tướng Kỳ, còn Trung Tướng Thiệu thì dân chúng ít người biết đến, vậy nếu Trung Tướng Thiệu không chịu ở vị trí số hai thì nên rút lui là tốt hơn để Tướng Kỳ ứng cử một mình, cơ hội đắc cử sẽ cao hơn, còn nếu Trung Tướng Thiệu “thụ ủy liên danh”, coi chừng chúng ta sẽ thua một liên danh dân sự nào đó thì mất mặt quân đội hết.”
Tướng Thiệu: “Tôi ứng cử lần này, cho dù chỉ có bà con họ hàng tôi bỏ phiếu cho tôi thôi thì tôi cũng cứ thử thời vận anh Thắng ơi”. (!?).
Tướng Lãm: “Nếu ép Tướng Thiệu rút lui là một sự bất công, tôi sẽ từ chức Tư Lệnh vùng I, trả lon tướng lại cho quân đội và xin xuất ngũ”.
Vì đang tức giận nên khi tháo “lon tướng” bỏ xuống bàn, Tướng Lãm vô ý để cây kim đồng của cái lon đâm vào ngón tay cái của bàn tay phải, tôi phải lấy band-aid dán chỗ bị thủng lại để máu không chảy ra. Tướng Lãm định bỏ ra về, nhưng Tướng Viên khuyên ông nên ở lại. Tướng Lãm ngồi xuống và lấy lon gắn lại lên bâu áo.
Đại Tướng Viên thấy tình hình có vẻ căng thẳng nên lúc này mới kể cho mọi người trong phòng họp nghe lời phát biểu của Đại Tướng Westmoreland, của Phó Đại Sứ William Colby, của Đại Sứ Bunker về ý kiến của họ trong bữa cơm tối Thứ Bẩy tại nhà Tướng Viên. Nghe xong Tướng Thắng xin có ý kiến.
Tướng Thắng đề nghị: “Để cho công bằng, nếu Tướng Kỳ chịu nhường vị trí số một cho Tướng Thiệu thì nếu đắc cử, Tướng Thiệu phải chịu những điều kiện sau đây:
1/ Nhường quyền chỉ định thủ tướng cho Tướng Kỳ.
2/ Phải duy trì Hội Đồng Tướng Lãnh (mà Tướng Kỳ hiện làm chủ tịch). Những vấn đề hệ trọng của Quốc Gia, Tướng Thiệu phải đưa ra Hội Đồng Tướng Lãnh để thảo luận biểu quyết, không được tự ý giải quyết.
3/ Muốn bổ nhiệm Tư Lệnh vùng phải tham khảo với Tướng Kỳ.
Sau khi nghe ý kiến của Tướng Thắng và những điều kiện ông đưa ra, Tướng Thiệu đồng ý và Tướng Kỳ cũng bằng lòng đứng vị trí thứ hai. Tất cả phòng họp vỗ tay hoan nghênh, mọi người thở phào nhẹ nhõm vì vừa trút đi được gánh nặng tưởng như vô phương giải quyết:
Liên danh Thiệu-Kỳ chính thức ra mắt cử tri.
Tưởng đã êm xuôi, nào ngờ ngày 2 tháng 6 năm 1967, Đại Tướng Dương Văn Minh , đang ở Thái Lan, cũng tuyên bố sẽ về Saigon ứng cử tổng thống. Tình hình lúc đó vẫn có một số quần chúng và một số trong quân đội còn cảm tình với Tướng Dương Văn Minh , nếu để ông Minh về ứng cử thì liên danh Thiệu-Kỳ có thể mất nhiều phiếu, hậu quả khó lường. Vì thế cho nên, để bảo vệ liên danh Thiệu-Kỳ, Đại Tướng Cao Văn Viên, T.T.M.T kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng ra thông báo “không bảo đảm an ninh” cho Tướng Minh về Việt Nam ứng cử tổng thống. Tướng Minh đành bỏ ý định về ứng cử.
Kết quả bầu cử tháng 9/1967, liên danh Thiệu-Kỳ đắc cử, ngày tuyên bố nhậm chức là ngày 1 tháng 11 năm 1967:
Nền Đệ Nhị Cộng Hòa bắt đầu.
***
Biến Cố Mậu Thân.
Đêm 30 rạng 31 tháng 1 năm 1968, VC đồng loạt tấn công trên khắp lãnh thổ VNCH. Riêng Saigon thì chúng đã chiếm các khu vực Hàng Xanh, Bà Quẹo, Mũi Tàu Phú Lâm, Cổng số 4 Bộ TTM, trường sinh ngữ Quân Đội, hãng rượu Bình Tây, tấn công tòa Đại sứ Mỹ, thậm chí còn chiếm được một cao ốc ở góc đường Nguyễn Du và Công Chúa Huyền Trân, bên hông dinh Độc Lập*.
(* Đại Đội 1/TĐ.2 TQLC biệt phái chạy theo Tướng Loan, đã được ông giao nhiệm vụ thanh toán ổ VC nằm trên cao ốc này và TQLC đã tóm được 7 tên, Đại Đội 1 vô sự. CT)
Các nơi khác cũng rối ren, quân số bị thiế u hụt, Bộ TTM bèn điều động Chiến Đoàn B/TQLC đang hành quân ở Cai Lậy được trực thăng Chinook bốc về Saigon và TĐ.2/TQLC đã được đổ xuống ngay sân cờ trong Bộ TTM để giải tỏa áp lực địch ở trường Sinh Ngữ Quân Đội, trường Tổng Quản Trị, khu Ấn Loát v.v.. Sau đó vì nhu cầu khẩn thiết, TĐ.2/TQLC được lệnh tăng phái cho BTL/CSQG của Tướng Nguyễn Ngọc Loan thì Bộ TTM lại điều động tiếp TĐ.11 Dù, đang thụ huấn tại TTHL Vạn Kiếp, về giải tỏa cồng số 4 và các nơi khác nữa trong TTM.
TĐ.41BĐQ đang thụ huấn tại TTHL/BĐQ ở Trung Hòa Củ Chi được điều động về giải tỏa địch ở hãng rượu Bình Tây v.v..Trận đánh của TĐ.41 BĐQ trông như trong cine’, Đại Tướng Viên và Đại Tá Hai rất hài lòng đã tận mắt chứng kiến BĐQ tác chiến trong thành phố. Tôi xin phép không đi sâu vào chi tiết các đơn vị về giải cứu thủ đô và những chiến thằng của họ.
Rồi liên tục ngày nào cũng vậy, hai thầy trò cứ đi hết mặt trận này đến mặt trận khác, thăm Dù, thăm TQLC, BĐQ khắp ven đô Saigon.
Một buổi sáng nọ, cuối tháng 5/68, hai thầy trò tôi vừa tới văn phòng chừng 15 phút thì Trung Tướng Lê Nguyên Khang , Tư Lệnh Quân Đoàn III, tới rủ Đại Tướng đi thăm Liên Đoàn 5/BĐQ đang chiến đấu ở Chợ Lớn, cả hai ông cùng ra đi trên hai chiếc xe jeep, chạy tới góc đường Đồng Khánh và Tổng Đốc Phương thì dừng lại, hai vị tướng xuống xe đứng bên lề đường, Đại Úy Lương Xuân Đương , tùy viên của Tướng Khang và tôi cùng đứng cạnh hai ông thầy, lúc đó tôi nghe Tướng Khang nói với Đại Tướng Viên:
_ “Tôi điều động thêm TĐ.35/BĐQ từ Nhà Bè về đây tăng cường cho LĐ.5/BĐQ. Chờ tiểu đoàn tới nơi, tôi chỉ thị cho tiểu đoàn trưởng xong rồi mình sẽ tới LĐ.5/BĐQ, đang ở trường tiểu học Phước Đức gần đây thôi. Lực lượng bên ngoài là TĐ.30/BĐQ đang dánh nhau với VC”.
Sau đó vài phút, Hồ Văn Hòa, TĐT/TĐ.35 BĐQ tới, xuống xe chào Tướng Khang:
_Trình Trung Tướng, TĐ.35 về tới, đang ở khu BV chợ Rẫy, chờ lệnh Trung Tướng.
Trung Tướng Khang bảo Hồ Văn Hòa cho bố trí quân tại chỗ, đừng cho lính đi lang thang phá phách dân chúng, ứng chiến 100% chờ lệnh. Hồ Văn Hòa tuân lệnh và vừa quay ra đi thì Đại Tá Trần Văn Hai đến, Tướng Khang bảo Đ/Úy Lương Xuân Đương liên lạc xem Tướng Kỳ gần tới chưa, rồi Tướng Khang quay sang nói với Tướng Viên:
_ Mình ở đây chờ anh Kỳ tới rồi cùng vào Liên Đoàn 5 luôn.
Đại Tướng Viên hỏi lại:
_ Phó tổng thống tới làm gì chỗ người ta đang đánh giặc?.
Tướng Khang đáp:
_ Chẳng biết nữa?
Liền sau đó anh Đương báo cáo với Tướng Khang:
_ Trình trung tướng, phó tổng thống vừa rời khỏi nhà, đang trên đường tới đây.
Ngay lúc đó, bỗng thấy một trực thăng võ trang lượn vòng vòng trên vùng trời nơi chúng tôi đang đứng rồi bất ngờ phóng hỏa tiễn xuống về phía BCH/LĐ.5BĐQ, nơi mà PTT Kỳ cùng hai Tướng Viên Khang chuẩn vị tới, chúng tôi tưởng là trực thăng bắn vào mục tiêu VC, yểm trợ hỏa lực cho BĐQ đang hành quân phía dưới, nhưng liền sau đó thì Đại úy Đương báo cho Tướng Khang biết tin một đại họa vừa xẩy ra, trực thăng đã bắn “lầm” vào trường Phước Đức, nơi BCH/LĐ.5BĐQ đang họp, gây một số thương vong
Sự việc xẩy ra quá bất ngờ, Đại Tá Hai và Tướng Khang cùng vội vã xin phép ra đi xem xét tình hình, còn Đại Tướng thì quay gấp về văn phòng. Khi Trung Tâm Hành Quân Bộ TTM báo cáo cho Đại Tướng biết số người chết và bị thương trong tai nạn “bắn lầm” này thì Đại Tướng ngạc nhiên rồi giận dữ trách rằng:
_ Ai kêu mấy ông ấy tới đó để làm gì?
Theo báo cáo ghi nhận từ TTHQ/TTM thì số tử vong gồm có:
1/Trung Tá Đào Bá Phước, Liên Đoàn Trưởng LĐ.5.BĐQ.
2/Tr/Tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng Ty CS Quận 5
3/ Tr/Tá Nguyễn Văn Luận, Nha Cảnh Sát Đô Thành.
4/ Th/Tá Nguyễn Ngọc Xinh, Tổng Nha Cảnh Sát
5/ Phó Quốc Chụ* (khóa 1 Nam Định)
6/Nguyễn Bảo Thùy* (em Tướng Nguyễn Bảo Trị)
7/ Một số sĩ quan khác nữa mà tôi không nhớ tên.
(* Hai ông Chụ và Thùy gốc quân đội nhưng đã được biệt phái sang thương cảng).
Những người bị thương gồm có:
1/Đại Tá Giám, quyền TL/BKTD.
2/ Đại Tá Văn Văn Của, Đô Trưởng Saigon.
3/Trung Tá Phấn, thuộc BTL/CSQG.
Tin dữ loan truyền gây chấn động cho quân nhân các cấp trong Bộ TTM rồi lan truyền nhanh ra ngoài quần chúng, sự giận dữ của Đại Tướng cũng là những câu hỏi và nghi vấn của mọi người, nhưng những nghi vấn này mà mãi cho đến nay vẫn chưa có một tia sáng nào hé ra để có thể giải đáp:
1/Ngoại trừ Tr/Tá Phước LĐT/LĐ.5BĐQ và Đại Tá Giám TL/BKTĐ, Tr/Tá Trụ, Trưởng Ty Quận 5 có trách nhiệm trong cuộc hành quân này, còn những vị khác không có dính dáng gì đến cuộc hành quân của LĐ.5/BĐQ thì tới đó để làm gì ?
2/Trung Tướng Khang điều động TĐ.35BĐQ từ Nhà Bè về Chợ Lớn với nhiệm vụ gì? Nếu tăng cường cho LĐ.5 thì sao không bảo Đ/Úy Hòa trình diện Tr/Tá Phước để nhận lệnh?
3/ Ai là người ra lệnh gọi những vị không có nhiệm vụ qui tụ về trường Phước Đức?
4/Tướng Kỳ dự tính tới trường Phước Đức để gặp các vị kia toan tính chuyện gỉ?
Giả sử trực thăng kia xạ kích trễ hơn chừng 10 phút, khi mà PTT Kỳ, Đ/Tướng Viên, Tr/Tướng Khang, Đ/Tá Hai đang từ ngoài đường Tổng Đốc Phương vào đến trường Phước Đức thì chuyện gì sẽ xẩy ra cho các vị kể trên? Cả Đại Úy Đương và tôi nữa?
Vài ngày sau tai nạn này xảy ra, một ký giả có dịp phỏng vấn TT Thiệu, đã hỏi :
_ Thưa tổng thống, nghe đồn rằng vụ trực thăng bắn lầm ở Chợ Lớn là một vụ thanh toán chính trị, tổng thống nghĩ sao về lời đồn này?
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời:
_ Tôi không biết, trực thăng Mỹ bắn thì cứ hỏi người Mỹ.
Dư luận thì thầm thật là một câu trả lời rất hay, “huề vốn”.
Về phần Đại Tướng Viên thì tôi biết rõ ràng là do Tướng Khang, TL/QĐIII đến văn phòng rủ đi thị sát mặt trận nên ông vô tình cùng đi thôi chứ không biết gì về sự tụ họp cùa các sĩ quan cấp tá không có nhiệm vụ gì ở trường Phước Đức.
Sau tai nạn của LĐ/5BĐQ, Tổng Thống Thiệu bổ nhiệm lại các chức vụ sau đây:
-Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu làm đô trưởng thay Đại Tá Văn Văn Của.
-Th/Tướng Nguyễn Văn Minh TL/SĐ.21BB làm TL/BKTQ thay Đ/Tá Giám.
-Đ/Tá Hai, CHT/BĐQ làm TL/CSQG thay Tướng Nguyễn Ngọc Loan (bị thương).
Về Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc, do PTT Kỳ chỉ định, mới làm việc được 6 tháng thì TT Thiệu cho là thiếu năng lực, làm việc không hiệu quả nên muốn thay thế bởi một người khác. Theo thỏa thuận trong phiên họp HĐTL trước ngày bầu cử thì việc chỉ định thủ tướng là do PTT Kỳ nên Tướng Kỳ định bụng đưa Tướng Thắng ra làm thủ tướng và đã nói cho Tướng Thắng biết mà chuẩn bị nhân sự để thành lập nội các. Nhưng khi PTT Kỳ đưa ý định này ra thì TT Thiệu thẳng thừng từ chối, ông nói với ông Kỳ rằng:
_ Anh với tôi cùng là tướng, nay đưa một tướng lãnh nữa ra làm thủ tướng thì không sợ thiên hạ nói mình là quân phiệt trá hình sao? Tôi là tổng thống, hiến pháp quy định rõ ràng tôi có trách nhiệm chỉ định thủ tướng, nếu PTT chỉ định thủ tướng thì tôi là bù nhìn hay sao? Và như vậy là vi hiến.
Sau đó thì TT Thiệu chỉ định ông Trần Văn Hương làm thủ tướng. Ông Kỳ tức giận tuyên bố với báo chí rằng ông Thiệu phản bội lời giao ước. Một tờ báo đề tựa lớn ở trang nhất:
"Cặp vợ chồng gượng ép Thiệu-Kỳ chưa hết tuần trăng mật đã bất hòa".
Chưa hết, TT Thiệu còn muốn triệt hết vi cánh của PTT Kỳ bằng cách gọi Tướng Đỗ Cao Trí, đang làm đại sứ ở Đại Hàn, về thay thế Tướng Khang trong chức vụ Tư Lệnh Q.Đ.III. Việc làm này càng chứng tỏ ông Thiệu nuốt lời hứa khiến ông Kỳ tức giận, bất mãn, tuyên bố linh tinh đụng chạm tới ông Thiệu khiến hố ngăn cách ngày càng sâu rộng thêm.
Chưa hết, ông Thiệu dựa vào hiến pháp, giải tán Hội Đồng Quân Lực mà ông Kỳ đang làm chủ tịch, vì cho rằng hội đồng này vi hiến, còn các tướng lãnh theo phe ông Kỳ thì ông Thiệu cho về TTM giữ các chức vụ không có quân, hoặc ngồi chơi xơi nước, thí dụ Tướng Khang làm Tổng Thanh Tra (!)
Từ chỗ hai ông hục hặc nhau thì dẫn tới việc hai bà cũng tìm cách đối đầu, tìm sơ hở của nhau để xì ra cho báo chí biết mà khai thác. Tôi xin đưa ra một vài thí dụ cụ thể để chứng minh:
1/ Nhân dịp ngày Quân Lực 19/6/1969, các bà lớn kéo nhau vào Tổng Y Viện Cộng Hòa để tặng quà cho thương bệnh binh. Các gói quà này đã được Tổng Cục CTCT gói sẵn và đồng đều như nhau. Khi tới giường một thương binh cụt hai chân, cô nữ quân nhân trao một gói quà cho bà Thiệu để bà ấy trao cho anh thương binh, khi bà Thiệu bước đi thì anh thương binh này mở gói quà ra xem, bà Kỳ đi sau nhìn vào gói quà, thoáng thấy có đôi vớ, bà liền quay ra nói với phóng viên báo chí đi theo:
_ Không có gì nực cười cho bằng tặng một thương binh cụt hai chân một đôi bí-tất.
Thế là báo chí được dịp bèn mỉa mai khai thác mâu thuẫn giữa hai bà.
Cũng trong năm này, ngày Quốc Khánh 1/11/1969, trên khán đài danh dự, Tổng Thống và Phó TT đứng hàng đầu, hàng thứ hai có Đại Tướng Cao Văn Viên, Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên, Trung Tướng Linh Quang Viên đứng kề bên nhau, các mệnh phụ đứng hàng sau, khi chào cờ vừa xong, bà Kỳ quay sang bà dân biểu Hai đứng gần bên nói:
_ Chị hai ơi, nhà em có “2 viên” mà em còn chịu không nổi mà chị xem kia, có tới những 3 viên thì bố ai mà chịu nổi. (!) (dấu than của người viết).
Những người tùy tùng của bà Thiệu nghe được bèn học lại và tung tin cho báo chí biết để trả đũa. Từ đó hai bà không xuất hiện chung trong bất cứ dịp nào nữa.
Trở lại chuyện quân đội, vì sau Mậu Thân, VC bị ta đánh tan tác, chúng không còn khả năng tấn công và chống lại những cuộc càn quét của ta, chúng rút về bên kia biên giới Campuchia hoặc rừng sâu để chỉnh đốn lại hàng ngũ nên năm 1969 ít có trận đánh lớn xảy ra.
Năm 1970, bên Camphuchia, Lon Nol đảo chánh Shihanouk (?) và đồng ý cho quân đội ta vượt biên giới để truy lùng MTGPMN và cục R, thế là 2 Quân Đoàn III và IV của ta tràn qua đất Chùa Tháp quần bon VC tả tơi, nhưng phía ta bị tai nạn “rủi ro” khiến 2 tướng tài tử nạn, đó là Tướng Nguyễn Viết Thanh TL/QĐ IV, và Tướng Đỗ Cao Trí TL/QĐ III.
Tướng Thanh tử nạn vì hai trực thăng đũụng nhau trên trời, sự việc quá rõ ràng khiến ít hoài nghi, nhưng việc Tướng Trí tử nạn thì có nhiều vấn đề đáng ngờ vực.
Hôm đó là ngày 23/2/1969, hai Tướng Cao Văn Viên và Đỗ Cao Trí cùng tới BTL tiền phương của QĐII đang đóng ở Trảng Lớn, Tây Ninh để nghe thuyết trình tình hình các cuộc hành quân bên kia biên giới. Trong buổi thuyết trình, chúng tôi ghi nhận tin tức từ Phòng 7 Bộ TTM cho biết cục R và MTGPMN đang bị QĐ III của ta bao vây tứ phía, không liên lạc được với Hà Nội và Hà Nội cũng không liên lạc được với miền Nam nên BTTM Bắc Việt họp liên miên để tìm cách đối phó. Sau khi nghe thuyết trình xong, Đại Tướng Viên và Tr/Tướng Trí vào phòng riêng để hội ý, còn 2 tùy viên là Tuấn và tôi trờ ra chỗ 2 trực thăng đậu để chờ 2 ông thầy. Lúc đó Tuấn nói với tôi:
_ Đáng lẽ hôm nay tao xuống phiên về nghỉ, nhưng ông tướng của tao ra đi sớm quá, tên tùy viên kia chưa tới nên tao phải đi theo, hôm nay tao có vài chuyện nhà cần phải lo mà không về được, buồn quá!
Tôi nói với Tuấn, thằng bạn cùng khóa 19:
_ Đã chấp nhận ôm cặp theo tướng thì thời giờ của mình gắn liền với các ông, mày còn có 2 người thay phiên nhau, còn tao chỉ có một mình, kẹt hơn mày nhiều.
Đang nói chuyện tới đây thì có một người Mỹ mang một thùng pin (battery) của máy ANPRC 25 tới nói với Thiếu Tá Đắc, trưởng phi cơ, cho gửi theo phi cơ để tiếp tế cho toán cố vấn của đơn vị nào đó trong vùng hành quân (mà tôi nghe không rõ). Th/Tá Đắc chỉ qua Đ/Úy Tuấn tùy viên của tướng Trí để quyết định. Tuấn nói:
_ Vì nhu cầu hành quân cứ nhận đi, nếu trung tướng có rầy thì tôi chịu trách nhiệm.
Một lúc sau, Đại Tướng đi ra trước, còn Tướng Trí ở lại chỉ thị thêm cho ban tham mưu cùa ông nên ra sau. Trực thăng của đại tướng cất cánh trước, vừa về đến Bộ TTM thì nghe tin trực thăng của Tướng Trí lâm nạn, bị nổ khi vừa cất cánh bay lên được chừng vài phút, những người đứng ở bãi trực thăng còn nhìn thấy máy bay Tướng Trí bị nổ. Những người trên trực thăng đều tử thương, gồm có:
1/Trung Tướng Đỗ Cao Trí
2/Phóng viên chiến trường người Pháp Francois Sully, viết cho báo New York Time.
3/ Thiếu Tá Đắc, phi công chánh
4/Đ/Úy Thanh, phi công phụ.
5/ Đ/Úy Tuấn, sĩ quan tùy viên
6/Tr/Tá Châu, truyền tin QĐIII
7/Tr/Tá Sĩ, Phòng Ba/QĐIII
8/ Một cơ phi.
9/ Một xạ thủ đại liên.
Tại sao trực thăng của Tướng Đỗ Cao Trí bị nổ? Có liên quan gì tới thùng pin PRC25 của người Mỹ gửi không? Tất cả còn trong bí mật.
Những tai nạn trực thăng xảy ra khiến các Tướng Trương Quang Ân , Nguyễn Viết Thanh bị tử nạn đều được tất cả các cơ quan an ninh vào cuộc điều tra và gửi kết quả về văn phòng Đại Tướng TTMT, nhưng vụ trực thăng Tướng Trí thì không và vụ trực thăng bắn lầm vào trường Phước Đức Chợ Lớn gây tử thương cho nhiều sĩ quan cấp tá cũng không. Văn phòng đại tướng hỏi Cục ANQĐ thì được cục trả lời vắn tắt là “LỆNH TRÊN nói KHÔNG”!
Không điều tra hay không gửi bản điều tra về văn phòng đại tướng thì không biết, nhưng điều ai cũng biết là nguyên nhân 2 “tai nạn” thảm khốc này đều không ai biết.
Tôi cần nói thêm ở chỗ này, có vài bài viết nói về cuộc điều tra tai nạn Phước Đức, nhưng đó chỉ là nhận xét của cá nhân ở cấp thấp, vòng ngoài, còn cấp cao như văn phòng Đại Tướng TTMT còn không biết thì làm sao vòng ngoài biết được nguyên nhân
Đây có lẽ là một cú “sốc” lớn đối với Đại Tướng TTMT mà dần dần sau đó Đại Tướng Viên gửi đơn lên Tổng Thống xin từ chức, nhưng đơn của ông chính thức không được TT chấp thuận mà gần như “treo chơi”, rồi ông ngồi chơi. Vì lý do đó ông không cần tùy viên nữa, chỉ sử dụng một quân nhân có võ làm cận vệ, ông cho tôi đi học quân chánh và sau khóa quân chánh tôi được bổ nhiệm về làm quận trưởng Chợ Gạo, Định Tường.
Ngày 31/1/1974, xẩy ra vụ “Còi Hụ Long An”, ngày 1/3/74, tôi bị gọi lên Cục ANQĐ đề điều tra. Lý do vì tôi đã báo cho tỉnh Long An của Đại Tá Tư có mấy tầu HQ đáng nghi ngờ chạy qua vùng sông rạch do quận tôi phụ trách, dẫn đến vụ Tỉnh Trưởng Long An chận bắt đoàn xe GMC có QC hú còi dẫn đầu, đoàn xe GMC này chở hàng lậu là thuốc lá và rượu quý do tàu “há mồm” chở từ ngoài khơi vào đổ hàng.
Khi bị cục ANQĐ gọi lên điều tra, tôi đã đến trình ông thầy thì Đ/Tướng nói rằng tôi đã dính líu vào làm đổ bể một vụ lớn ngoài tầm tay can thiệp của ông. Hậu quả là tôi bị kết án tù 20 năm, đày ra Phú Quốc cùng với những người chận bắt đoàn xe vì tội “làm lũng loạn nền kinh tế quốc gia”. Sau 30/4/75, VC nhốt tiếp cho tới 1/1986 tôi mới được thả ra.
Cũng cần nói thêm là sau đêm chận bắt đoàn xe có còi hụ của Quân Cảnh dẫn đầu, Đại Tá Tỉnh Trưởng Long An được văn phòng Thủ Tướng Khiêm gọi lên trình diện và sau đó “được” bàn giao chức vụ tỉnh trưởng để đi làm trung đoàn trưởng!?
Xin hẹn vụ “Còi Hụ Long An” ở một bài khác.
 
Bảo Định Giang


left align image
Tướng Nguyễn Viết Thanh

Làm người ai cũng có lúc mừng, giận, yêu, ghét, vui, thương, ham muốn. Nhưng làm sao khỏi giận, khỏi ghét? Thánh nhân cũng có lúc giận, nói chi đến con người thường như chúng ta. Thế nhưng cái khéo, cái thành công của mỗi người là làm sao để biết tự chế. Giận mất khôn, tình cảm lấn áp lý trí, do đó khi giận, người ta có những ngôn ngữ và hành động xét ra không cần thiết và lắm khi còn đưa đến những hậu quả tai hại là khác.
Trong phim Patton có cảnh diễn tả khi danh tướng Hoa Kỳ này thăm viếng một bệnh viện dã chiến. Một thương binh Mỹ, trông thấy Patton đang thăm hỏi các thương binh một cách ân cần, anh ta thỉnh cầu vị Tướng này cho anh ta lưu lại bệnh viện thay vì trở lại chiến trường. Patton giận, ông cho anh này một cái tát. Người thủ vai lính Mỹ đóng rất khéo, nét mặt ngây ngô, lời nói lắp bắp, anh ta sợ chết vì ám ảnh trận chiến quá ác liệt và hãi hùng mà anh ta vừa trải qua. Nhưng cái tát của Patton làm cho anh ta sực tỉnh. Anh ta thấy được sự hèn yếu và nông nổi của mình. Sau khi bình phục, anh trở lại đơn vị củ cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm. Cái tát của Patton đượm tính chất giáo dục và hướng dẫn.
Sống trong quân ngũ, chúng tôi đã chứng kiến hoặc kinh qua những tình huống thật khó xử khi gặp phải cơn giận của cấp chỉ huy. Có lần chúng tôi phục vụ dưới quyền một vị Tư Lệnh mà sự nóng giận của ông đã được bộc lộ một cách khác thường, nắng đó và mưa đó. Sự nóng giận của xếp không những biểu lộ qua nét mặt, qua ngôn ngữ mà qua cả đôi tay. Buồn cười là ông nắm sư đoàn chỉ có vài tháng mà Tổng Hành Dinh phải thay đến chín tài xế. Tài xế nào cũng bị cây gậy ông gõ đầu. Mỗi lần gặp Tư Lệnh là cả một cực hình. Không rõ ai đó đã tìm ra phương thức hữu hiệu để hóa giải cơn giận của Tư Lệnh. Khi ông nổi nóng, đừng nhìn đi nơi khác mà đưa mắt chăm chú nhìn thẳng vào ông, thế là ông im. Và phương pháp đó được truyền khẩu cho mọi người.

Riêng hai Tướng Nguyễn Viết Thanh và Nguyễn Khoa Nam thì có vài điểm giống nhau. Hai ông đều thiếu tự nhiên khi đứng trước phụ nữ. Trong một buổi lễ gắn huy chương tại Sư Đoàn, Tướng Nguyễn Viết Thanh sau khi gắn huy chương cho các sĩ quan, đến người kế tiếp là nữ Trợ Tá Trưởng Phòng Xã Hội thì ông khựng lại. Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn phải cứu nguy, gắn huy chương cho bà Trưởng Phòng thay cho ông. Sau trận Mậu Thân, quân ta phản quân mãnh liệt, Việt Cộng bị thiệt hại nặng. Chúng treo giải thưởng lớn cho ai hạ sát được hai Tiểu Đoàn Trưởng hai Tiểu Đoàn 2/11 và 3/11 là hai đơn vị gây thiệt hại nặng cho chúng. Sư Đoàn đã lưu ý các đơn vị để cảnh giác đề phòng. Thế nhưng chẳng may, trong lúc chuyển quân từ địa điểm hành quân về hậu cứ, Việt Cộng đã núp trong các vườn mận ở Trung Lương cách Mỹ Tho 4 cây số bắn xối xả vào đoàn xe. Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3/11 và cố vấn Mỹ đều bị tử thương. Đau xót vì sự mất mát to lớn này, Tướng Thanh cho gọi Tỉnh Trưởng Định Tường đến Sư Đoàn để cật vấn:
- Đã có lệnh khai quang trục lộ Trung Lương-Mỹ Tho, tại sao Tiểu Khu Định Tường không thi hành?
Ông Tỉnh Trưởng tìm lời chống chế:
- Vì sợ dân kiện.
Tướng Thanh giận quá nói tiếp:
- Nước mất đến nơi rồi mà còn sợ ... còn sợ ...
Đó là cái giận của Tướng Nguyễn Viết Thanh. Với Tướng Nguyễn Khoa Nam, ông ít khi nổi giận nhưng không hẳn là không có.
 
Một hôm, Sư Đoàn 7 Bộ Binh được lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu là Phủ Tổng Thống muốn tổ chức một buổi họp tất cả các tỉnh trưởng Vùng 3 và Vùng 4 Chiến Thuật . Buổi họp đặt dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống với sự tham dự của Thủ Tướng Chính Phủ, ông Phó Đại Sứ Hoa Kỳ và các vị Tổng, Bộ Trưởng. Mọi việc được chuẩn bị đầy đủ tại Đồng Tâm, chẳng may chỉ còn 4 hôm trước ngày họp, hai quân nhân phục vụ Câu Lạc Bộ Sư Đoàn vô ý gây hỏa hoạn. Khói bốc lên cao, chúng tôi cùng nhau dẹp tắc ngọn lửa. Lúc ấy cũng có mặt Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Ông rất giận, mặt đỏ, môi mấp máy, miệng lầm bầm. Chúng tôi e ngại vô cùng. Có lẽ ông muốn thoát ra một câu xỉ vả cho hả giận. Môi vẫn cử động nhưng rồi ông không nói gì cả. Hình như ông đã kiềm chế được cơn giận. Khi thấy hai quân nhân bị thương trong lúc tận tình cứu hỏa, ông bảo đưa họ ra ngoài, kêu Quân Y đến chăm sóc cho họ. Thì ra hai chàng này là hai người đã gây ra vụ cháy. Ông biết nhưng ông không quở trách nặng nề, chỉ nhắc lại lời dặn dò là phải hết sức cẩn thận, đừng để tái diễn. Trong tình huống như vậy, ông vẫn giữ được sự bình tĩnh và khoan dung. Rất may, câu lạc bộ chỉ bị thiệt hại nhẹ, được phục hồi nguyên trạng sau hai ngày sửa chữa.
http://i285.photobucket.com/albums/ll63/nguoibatcao/Nguyen_Khoa_Nam_75.jpg
Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam khi Người còn là Tư Lệnh SĐ7BB và Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, trái, Tư Lệnh QĐIV-QK4
Vào một dịp khác, khi trực thăng của Thiếu Tướng Nam bay từ Vĩnh Bình về Đồng Tâm, lúc đang ở trên không phận quận Hàm Long, tỉnh Kiến Hòa, ông nhìn xuống thấy cánh đồng lúa mới cấy bên dưới in chằng chịt vết xe cày nát. Nhìn ông, tôi biết ông rất giận, ông mím môi. Khi bay trực thăng, ông ít khi dùng máy vô tuyến. Ông dùng viết chì mỡ viết trên ny lông bọc phóng đồ hành quân những câu thật ngắn để chúng tôi chuyển lệnh. Ông muốn gặp ngay Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị tại văn phòng. Máy bay vừa đáp xuống sân Bộ Tư Lệnh, ông đi thẳng vào văn phòng, chẳng nói năng gì cả. Ông đang giận. Nhìn Trung Tá Định, lúc đó là Tham Mưu Phó, ông nói với giọng đầy bực bội: “Đổ hết! Đổ hết! Công lao các anh đổ hết.” Trung Tá Định ngơ ngác, lúc đầu chẳng hiểu việc gì xảy ra mà xếp nổi giận như vậy. Câu chuyện như thế này. Tiểu Khu Kiến Hòa đang mở cuộc hành quân vào mật khu của Việt Cộng với sự tăng phái của một chi đoàn thiết vận xa. Đơn vị hành quân không sử dụng các trục lộ để tiến quân vì muốn tránh tổn thất do mìn địch gài trên đó mà cho thiết vận xa tiến vào mục tiêu băng qua cánh đồng lúa mới cấy, giờ bị cày nát. Trước sự việc đã xẩy ra như vậy, ông chỉ thị cho khối Chiến Tranh Chính Trị liên lạc với Tiểu Khu Kiến Hòa cấy lúa lại cho đồng bào. Khối Chiến Tranh Chính Trị có nhiệm vụ giám sát việc thi hành đồng thời nhắc nhở các đơn vị khác rút kinh nghiệm. Nhờ vậy mà mấy hôm sau, đồng bào đã thông cảm và hợp lực với quân đội để cấy lại ruộng đồng.

Những năm sau ngày tàn cuộc chiến, từ các trại cải tạo về, mỗi khi có dịp gặp nhau, chúng tôi thường nhắc lại lời của vị Tư Lệnh: “Đổ hết! Đổ hết! Công lao các anh đổ hết.” Chúng tôi nhìn nhau cười cười nhưng đượm nét buồn vì nay kẻ mất người còn.
Lê Chu – Nguyễn Trọng ĐứcBộ Tham Mưu Sư Đoàn 7 Bộ Binh trong thời gian 1970-1974.


No comments: