Saturday, April 5, 2014

Blog Ngắn / Tháng Ba Gãy Súng - Cao Xuân Huy


Câu nói của Hoàng làm tôi lục lọi trí tưởng. Tôi không nhớ chính xác đã đọc Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy lần đầu năm nào, ở đâu, California hay New York, Boston hay New Jersey.  Nhưng tôi biết tôi đã đọc Tháng Ba Gãy Súng lâu lắm rồi.  Đã đọc lại vài lần.  Mỗi lần đọc là mỗi lần mắt nhòa lệ.
California.
Không!  Chắc chắn lần đầu tôi đọc Tháng Ba Gãy Súng là ở tầng hầm thư viện đại học Cornell.  Đã hơn 20 năm.  Những giá sách tiếng Việt đứng im lìm, trải dài tầng thư viện xây sâu dưới lòng đất - trải dài trí tưởng rỉ sét.  Tôi đang là sinh viên đại học ở đó.
2.
Tôi đọc Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy dường như cùng lúc tôi đọc những tác phẩm viết bởi những ngòi bút miền Bắc viết về chiến tranh Việt-nam.  Những cuốn sách xuất bản cách nhau dường như chỉ vài ba năm. Bảo Ninh viết Nỗi Buồn Chiến Tranh (Thân Phận của Tình Yêu).  Dương Thu Hương viết Tiểu Thuyết Vô Đề.  Những cuốn sách tôi đã phân loại và bỏ lên kệ sách tiếng Việt khi tôi làm việc work-study ngoài giờ học mỗi tuần vài tiếng cho Echols Collection, thư viện Cornell cách đây hai mươi năm.
Những cuốn sách viết bởi tác giả từ hai phía khác nhau tôi đã mượn về nằm lẫn lộn trên bàn học.
Nghĩ lại, tôi đã không thể đọc hết chương đầu Nỗi Buồn Chiến Tranh, cũng như chưa từng đọc trọn vẹn bút ký của nhiều vị tướng miền Nam, những người đã vội di tản sang Mỹ năm 1975.  Nhưng tôi đã đọc hết Tháng Ba Gãy Súng chỉ vì chất thật và “lương thiện” trải dài trên những dòng chử của người lính Cao Xuân Huy.
Một vài ví dụ để so sánh:
Trong Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy đã kể lại trận đánh cuối cùng của những người lính miền Nam trong tiểu đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến, khi ông chỉ được tham dự như một người bàng quan:
“… tôi nằm sau một cái gọ lật úp làm nơi ẩn nấp, quan sát những người lính của tiểu đoàn 5 chiến đấu. Lần này, cái hăng say, cái nhuệ khí của thế tấn công không có, chúng tôi đang ở cái thế bị bao vây, lương thực chúng tôi hết cạn, đạn dược chúng tôi hết gần sạch banh, đường về chúng tôi không có. Chúng tôi đang ở trong cái thế bi thảm nhất cả về tinh thần lẫn phương tiện chiến đấu. Vậy mà những người lính của tiểu đoàn 5, mấy con “đỉa đói” này vẫn vừa đánh giặc vừa cười đùa. Có hai người lính đầu không mũ sắt, mình không áo giáp, chân không giày, một người ôm nòng khẩu súng cối 60 ly được bọc bằng mấy cái áo giáp cho khỏi nóng, một người cầm mũ sắt làm bàn tiếp hậu, tay cầm quả đạn, cứ thế họ đặt súng chỗ này bắn một hai quả, đặt súng chỗ khác bắn một hai quả. Vừa bắn vừa cười nói bô bô. Một viên đạn bất ngờ ghim sâu vào ngực người lính cầm mũ sắt, quả đạn bên tay phải rơi phịch xuống cát, mũ sắt bên tay trái văng ra xa. Một người lính khác tay cầm mũ sắt, chạy tới nhặt quả đạn tiếp tục bắn. Người lính ôm nòng súng nhìn người bạn vừa ngã chết, miệng cười tươi như không có gì xảy ra:
- Đụ má, chết sớm dzậy mảy?
Người xạ thủ thứ hai rướn người lên rồi ngã xuống vì viên đạn trúng vào bụng.
Người thứ ba cầm mũ sắt chạy ra. Vừa ra đến nơi chưa kịp bắn viên nào thì cả xạ thủ lẫn người ôm nòng súng ngã vật ra chết. ”
(Tháng Ba Gãy Súng)

Qua ngòi viết kể chuyện chính xác của Cao Xuân Huy, người đọc thấy được những diễn tiến của giây phút cuối cùng của người lính TQLC.  Họ thản nhiên đón nhận cái chết vì họ là lính, họ đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng trong thế tan rã.  Tôi tự hỏi họ có thù hận không, hay với họ chiến tranh chỉ đổ ập xuống như tai trời ách nước? (1)  Khuôn mặt của người bộ đội bên kia đang bắn giết họ ra sao? Cao Xuân Huy đã không kể lại.  Có lẽ từ chổ nằm tránh đạn, Cao Xuân Huy đã không thấy được người bộ đội bên kia, nên không thể kể lại được.  Dù sao, nếu có kể lại, cũng là điều vô nghĩa, phải không?
Viết cùng khoảng thời gian với Tháng Ba Gãy SúngNỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh.  Cuốn tiểu thuyết vẫn đang được nhiều ca tụng ở trong nước và đã dịch sang tiếng Anh. (2)  Tác giả đã tả cảnh người sĩ quan bộ đội đụng trận với thám báo Việt-nam Cộng-hòa:
“Tuần trước, khi đụng độ với bọn thám báo ở bên kia núi, Kiên đã thực sự vờn mặt tử thần. Trong khi tất cả ta và địch đang nhanh chóng tản khai, nhào núp vào sau các thân cây và bắn loạn xạ thì Kiên cứ lừng lững tiến thẳng lên. Khẩu AK của tên địch núp sau gốc cây trước mặt dồn dập nã. Kiên chẳng buồn khom người xuống, thong thả đi tới, vẻ khinh thị đầy uể oải. Tên ngụy hấp tấp bắn. Hắn cuống. Đạn nổ inh tai. Song cả ba chục viên đạn quạt căng rát kỳ thay không một viên gãi vào Kiên. Anh không bắn trả, chỉ còn cách con mồi vài bước nữa, vẫn không bắn. Tuồng như anh muốn ban cho tên ngụy cơ hội để sống còn: kịp thay băng, ngắm kỹ mà bắn gục anh. Nhưng chính sự chán chường táo tợn của Kiên đã làm xiêu lạc hồn phách hắn. Run bần bật, hắn đánh rớt khẩu tiểu liên.
- Đồ cứt đái? Kiên chửi gằn và xiết cò.
Điểm xạ AK bắn gần đến nỗi tên ngụy bật khỏi gốc cây như bị búng đi.
- Má... á á... - Kẻ bị giết a á rú lên thất thanh.
Kiên rùng mình nhảy xổ tới. Đạn từ các gốc cây quạt châu lại. Mặc, Kiên nghiến răng, đứng phơi ra chúc họng súng xuống, điên cuồng nã từng phát, từng phát đóng đanh lên cái thân xác còn nóng hổi sức sống đang oằn oại đau đớn trong cơn rùng giật giãy chết. Máu phọt tóe lên ướt ống quần Kiên. Rồi, hai bàn chân in dấu đỏ lòm lên cỏ, anh lại từ từ đi thẳng đến những tên thám báo khác đang núp bắn, súng kẹp bên sườn một cách hờ hững, ngực áo phanh rộng. Không sợ hãi, không nổi hung lên. Mệt mỏi âm thầm, vậy đấy...” (“Nổi buồn chiến tranh” - Bảo Ninh)

Tôi không hiểu tại sao Bảo Ninh cho cả người bộ đội lẫn người lính thám báo đều bắn nhau bằng súng AK, nhưng cách Bảo Ninh diễn tả nhân vật Kiên một thủ trưởng bộ đội miền Bắc “lừng lững” giết thám báo miền Nam trong Nỗi Buồn Chiến Tranh làm tôi mỉm cười liên tưởng đến cuốn phim Mỹ “First Blood” trong đó Sylvester Stallone thủ vai Rambo một mình với vũ khí thô thiển cung tên dẹp tan cả sư đoàn bộ đội VC đầy chất hoang tưởng Hollywood.  Tôi đã không đọc hết
Điều này cho thấy khi cuộc chiến Việt-nam đã chấm dứt gần 15 năm thì những tác phẩm chiến tranh của những tác giả miền Bắc tiêu biểu như Bảo Ninh và Dương Thu Hương vẫn còn bị ám ảnh và thần thánh hóa một cuộc chiến chống “Mỹ Ngụy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”:
“Cuộc chiến tranh này không đơn thuần là cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Nó là cơ hội vinh thăng cho toàn dân tộc. Đất Việt nam đã được lịch sử chọn lựa để hiển thánh. Sau cuộc chiến, Tổ quốc chúng tôi sẽ trở thành Thánh đường của nhân loại, nhân dân chúng tôi sẽ trở nên những con người khác biệt, được tôn vinh và kính nể...” (Tiểu Thuyết Vô Đề - Dương Thu Hương)
3.

Nếu Cao Xuân Huy đã có can đảm kể lại những ngày cuối cùng của cuộc chiến bằng sự lương thiện can đảm của người lính bại trận, thì nhiều nhà văn miền Nam hải ngoại cũng không còn băn khoăn bởi những hình ảnh người lính phía bên kia chiến tuyến, hay ám ảnh chiến tranh Việt-nam, họ đã tiến xa hơn những người viết phía bên kia một bước khá xa.  Nguyễn Xuân Hoàng đã tỉnh táo nhận ra từ hơn 20 năm trước, khi tự do hạnh phúc của con người bị tước đoạt và nhân phẩm bị chà đạp:

“Chiến tranh Việt Nam đã tàn nhưng quả thực hòa bình chưa đến…” trong cuộc chiến mới, con người Việt-nam “đang bước vào một thử thách mới, nơi đó ý chí, lương tâm và phẩm giá mỗi người được đo lường bằng sức chịu đựng bạo lực, sự đòi hỏi của dạ dày, và nỗi hoang mang trước cái chết.  Đó là một trận chiến mà kẻ thù có đủ loại vũ khí trong tay, trong khi cha anh các em chẳng có lấy một vật gì để tùy thân ngoài cái phẩm giá của mình.” (Giáng-sinh hãy chờ - Nguyễn Xuân Hoàng tháng 9, 1986.)

5.
Mới 7 giờ, nhưng trời đã tối đẫm mưa. Khoảng đường vắng, và tôi phóng xe nhanh trong đêm.  Tôi nghĩ đến những trang viết lương thiện về con người của Tháng Ba Gãy Súng.  Tôi nghĩ đến những bài viết trên trang Da Màu và blog VOA về Cao Xuân Huy - một người tôi không được quen biết.  Tôi nghĩ đến Hoàng đang ngồi trên chuyến xe đò trở về từ nơi tiễn đưa Cao Xuân Huy lần cuối.
Tháng 11, 2010
(1)  “Chiến Tranh Việt-Nam và Tôi”, Nguyễn Bắc Sơn.
(2) “Người Mỹ nghĩ gì về: Nỗi buồn chiến tranh”, Phạm Xuân Nguyên.

No comments: