Friday, June 5, 2020

Lực lượng Hải thuyền (1960-1965) Trần Lý

Lực lượng Hải thuyền ban đầu là một Lực lượng bán quân sự không thuộc Quân đội Quốc Gia Việt Nam, nhưng theo thời gian đã trở thành một thành phần quan trọng trong Hải quân VNCH.. Tổ chức Giang đoàn, của quân đội Quốc gia VN, từ lúc còn trong Liên Hiệp Pháp đến khi chuyển sang  độc lập, không liên hệ đến.. hải thuyền..
“Hải sử Tuyển tập” (HSTT) đã dành một chương (trang 169-174) đề viết về Hải thuyền qua bài phỏng vấn với HQ Đại Tá Nguyễn văn Thông, ‘người được coi là am hiểu nhất trong HQ về sự hình thành của Hải thuyền.
Wikipedia (Junk Force) trích nhiều đoạn viết của John Darrell Sherwood trong tập sách “War in the Shallows”, và bỏ một số chi tiết khi viết về Vùng 4 Hải trấn (Fourth Coastal District)..
Năm 1957, HQ Thiếu tá Quyền, Chỉ huy trưởng Căn cứ HQ Đà Nẵng đã nghĩ đến việc tuần phòng vùng biển phía Nam Vĩ tuyến 17, nên dùng ngân sách ‘tự trị’ mua 10 ghe đánh cá , dùng binh sĩ HQ tuần phòng ven biển.. Lực lượng này giải tán năm 1958 khi ông Quyền thuyên chuyển về SaiGon

 Đoàn viên hải thuyền vận hành ghe Kiên Giang tuần tiểu trên biển 
(Ảnh của LIFE).
  • Hải thuyền trước 1962 :
Theo Đ/Tá Thông : “ Duyên đoàn là hậu thân của các đội hải thuyền. Vào năm 1960 khi CSBV thành lập Mặt Trận GPMN, chúng bắt đầu phát động cuộc xâm lăng miền  Nam và lợi dụng đường thủy để chuyển vận người và vũ khí vào Nam.. Lúc ấy Hải lực của chúng ta còn quá đơn sơ.. nói trắng ra là ta không có khả năng, phương tiện để kiểm soát toàn thể lãnh hải.. ‘’
(Đ/Tá Thông đã nhận định thật chính xác: Trước khi xảy ra vụ Vũng Rô, CSBV đã dùng đường biển làm phương tiện chính để tiếp tế cho lực lượng của họ tại miền Nam. Tài liệu CSBV ghi rõ: chỉ trong khoảng tháng Giêng 1964 đến tháng 2-1965, đoàn vận tải biển 125 đã chuyển 4000 tấn vũ khí vào Nam bằng 88 chuyến tàu (đoàn 125 có 3 tàu vỏ gỗ và 17 tàu vỏ sắt), tất cả đều trót lọt trừ 4 chuyến bị mắc cạn và đụng đá (đều rút êm), CSBV không kể các vụ tiếp tế cho các đơn vị tại Quảng Trị, Thừa Thiên bằng các loại thuyền nhỏ..!)
Lịch sử của Tổ chức Hải Thuyền VN được thật sự ghi chép vào tháng Tư năm 1960, khi Đô Đốc Harry Felt , Tư lệnh Quân lực Mỹ tại Khu vực Thái Bình Dương (CINCPAC) đua ra nhận xét Quân đội VNCH cần ngăn chặn việc CSBV đưa quân dụng và võ khí từ miền Bắc vào Nam qua đường biển.. Một phần do khuyến cáo này nên Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cho lập Lực lượng bảo vệ duyên hải hay Duyên lực, gọi tạm lúc đó là Lực lượng Hải thuyền, trực thuộc Bộ Quốc Phòng (nhưng do HQ Chỉ huy qua hệ thống Duyên khu). Ý kiến tổ chức Hải thuyền như một đơn vị ‘bán quân sự’ rất phù hợp với quan niệm của Chính phủ Kennedy, tin rằng, các lực lượng tự vệ  là phương tiện tốt nhất chống lại cuộc chiến tranh nổi dậy của VC… Do đó Chính phủ Kennedy đã yểm trợ cho  Chương trình tổ chức một lực lượng ‘mới’ bằng chi viện một ngân khoản để đóng 501 thuyền tại các cơ sở đóng thuyền-bè đang có tại Việt Nam.. (kể cà HQ Công xưởng cùng  thuê các trại đóng thuyền tư nhân)

Duyên đội Hải thuyền 15 (ảnh của Naval History and Heritage Command).


Tháng 4 năm 1960, HQ HK đã gửi đến thử nghiệm tại Việt Nam 2 loại thuyền có khả năng hoạt động trong các khu vực nước cạn, mỗi loại có hai chiếc, thử nghiệm trong khoảng tháng 12-1960 đến tháng 2 năm 1961 : một là swamp buggy 19 ft, và loại thứ nhì là một thuyền water-jet gắn máy ngoài thuyền kiểu thuyền ‘du lịch trên sông..(hai loại này là từ các Wizard của Pháp cải biến).. nhưng cả hai đều bị bỏ vì swamp buggy quá ồn ào do động cơ, còn water-jet thì bị cây cỏ cuốn.. chân vịt !
Cuối năm 1961, HK đã ‘mua’ cho VNCH 125 chiếc thuyền ‘hơi’ Zodiac của Pháp (không thấy tài liệu VN viết về việc này).
Kế hoạch ban đầu do Đ/Tá Hồ Tấn Quyền đề nghị là Lực lượng duyên phòng sẽ cần có 420 ghe buồm, 63 ghe gắn máy, do 2200 nhân viên bán quân sự điều hành , các nhân viên này sẽ được tuyển mộ từ các ngư phủ địa phương và lực lượng sẽ tuần tra ven biển từ bờ ra ngoài khơi đến 8 km… Đ/Tá Quyền hy vọng lực lượng Hải thuyền có thể trà trộn, cùng sinh hoạt với ngư dân, giữ kín nhiệm vụ đến khi tìm được các thuyền bè nội tuyến và xâm nhập để chặn bắt: Ông định tổ chức 21 đơn vị hải thuyền, mỗi đơn vị có 23 thuyền, ghe và chịu trách nhiệm tuần phòng khoảng 30 miles (48 km) bờ biển, liên lạc với một Trung tâm Canh phòng duyên hải bằng radio, vô tuyến: Lúc này HQVN chia vùng biển thành 4 Hải trấn…
Nhân viên ‘bán quân sự’ thuộc Hải thuyền lúc này không có quân phục, chỉ trang phục áo quần ‘bà ba’ đen (có thể có thêm một mũ nồi đen) hay áo quân dân sự như ngư dân.. vừa đánh cá để sinh sống , lãnh lương và cung cấp tin tức tình báo cho chính quyền địa phương.. Nhân viên còn được gọi là tuần viên.
Năm 1960, Duyên khu ‘Đà Nẵng có 6 đội hải thuyền gồm: Đội 11 (Cừa Việt); 12 (Thuận An); 13 (Tư Hiền); 14 (Hội An); 15 (Chu Lai ) và 16 (Cổ Lũy-Quảng Ngãi). Mỗi đội trang bị (trên lý thuyết) 16 ghe buồm (ghe mành)
Năm 1961: Duyên khu Phú Quốc lập 7 đội: 41 (Hòn Khoai); 42 (An Thới-Thổ châu); 43 (Hòn Tre); 44 (Kiên An) 45 (Hà Tiên ); liên đội 46-47 (An Thới-Phú Quốc). Trang bị mỗi đội 18 ghe Kiên Giang
Năm 1962: Duyên khu Vũng Tàu lập 7 đội: 31 (Hàm Tân); 32 (Bến Đình); 33 (Vàm Láng); liên đội 34-37 (Tiệm tôm- Ba Tri); 35 (Hưng Mỹ-Vĩnh Bình); 36 (Long Phú-Đại Ngãi) Trang bị ghe di cư có chạy máy và buồm
Đến dầu năm 1963 Duyên khu Nha Trang lập 8 đội : 21 (Deji); 22 (Gambir); 23 (Sông Cầu; 24 (Tuy Hòa); 25 (Hòn Khói); 26 (Bình Ba); 27 (Ninh Chữ) và 28 (Phan Thiết)..


Các đoàn viên duyên đội hải thuyền 11 trở về bến sau chuyến công tác ngoài biển (ảnh của LIFE).
  • Hải thuyền 1962-1965 :
Theo Đ/Tá Thông (HSTT) : Ông phụ trách toàn bộ kế hoạch của Tư lệnh Quyền với sự phụ tá của các vị sĩ quan (cấp bực năm 1962) HQ Tr úy Hoàng Nam và HQ Tr úy Nguyễn Công Hội. Trung tâm huấn luyện đầu tiên đặt tại Sơn Chà (Đà Nẵng),
HSTT ghi : “ ..đoàn viên tuyển mộ đa số từ ngư phủ địa phương, căn bản học vấn coi như không có; nhưng đi biển rất giỏi, việc huấn luyện chú trọng đến cách sử dụng vũ khí, truyền tin, đội hình và nhất là kỹ thuật tình báo.’ Các đơn vị thuộc Vùng 1 ưu tiên lập năm 1960, Vùng 4 năm 1961 và sau đó Vùng 3 năm 1962 và sau cùng Vùng 4, năm 1963..” Do là lực lượng ‘bán quân sự nên phải tuyển mộ dân địa phương, tránh khỏi đi lính xa nhà mà vẫn được hành nghề cũ.. Đoàn viên không .. quân phục riêng, ăn mặc như ngư dân..”
Đến cuối năm 1963, lực lượng Hải thuyền tăng thành 632 chiến thuyền  và 3700 đoàn viên (dân sự).. Tổ chức phát triển nhanh dẫn theo các vấn đề trở ngại : việc tuyển mộ nhân viên khó khăn hơn: ngư phủ sinh sống bằng nghề cá thoải mái hơn gia nhập ‘tổ chức bán quân sự’ có phần ‘bó buộc’ hơn (!) mà không hưởng được phúc lợi thực tế. HQVN buộc phải quay sang tuyển mộ đoàn viên từ dân ‘di cư’ hay dân quê buộc đi quân dịch.. Do không có khả năng đi biển (như ngư phủ).. tỷ lệ bỏ ngũ tăng cao ngay sau khi thử.. thực tế lên thuyền ! (trong thời gian 1963-64 , trung bình mỗi tháng có đến 106 nhân viên.. bỏ cuộc)..
Ngoài khả năng ‘chịu sóng gió’, điều kiện sinh hoạt và lương bổng cũng khiến các ‘nhân viên mới tuyển mộ’ bỏ việc..
Một bản phúc trình của Vùng 4 Hải trấn (Tr tá Wesley Hoch và HQ Tr úy Trần Bình Sang), tháng 2-1963 ghi lại; ”500 trong số 657 đoàn viên Hải thuyền thuộc Vùng.. không nhận được tiền lương .. từ 6 tháng (!), chưa ai được huấn luyện căn bản.. nhiều người cũng chưa được thử bắn súng và chưa bao giờ ..đi thuyền(!) .. Tinh thần không có và mỗi tuần 50 người.. bỏ cuộc ?
Cũng trong năm 1963, phúc trình y tế về tình trạng sức khỏe của đoàn viên Hải thuyền tại Duyên đội 33 ghi nhận: 50 % nhân viên mang bệnh (những loại bệnh có thể trị được), đa số do vấn đề nước uống không vệ sinh. vì thiếu thuốc khử trùng nước (viên iodine), chỉ 30 % được chích ngừa tetanus (uốn ván) và 15 % uống chloroquine đều đặn để ngừa sốt rét ..
Thuyền bằng gỗ đòi hỏi tu bổ thường xuyên, bảo trì tốn phí.. thuyền bị hà = Teredo worms (sâu biển) ăn và gỗ bị mục; mỗi ba tháng cần lên ụ, hơ lửa và trét dầu chai..  Phúc trình (5/1964) của HQVN và Ban Cố vấn ghi nhận 174 thuyển nằm ụ chờ sửa và 64 chiếc khác.. hết xài được..(Riêng Vùng 4 Hải trấn 98 trong 121 ghe cơ hữu phải ngưng hoạt động vì vấn đề bảo trì ). Vùng 4 Hải trấn phải tự lo, lập các xưởng chữa ghe tại vùng Sông Ông Đốc, thuê thợ từ nơi khác đến.. nhưng sau đó thiếu thợ do bị CQ hăm dọa và lương thấp.. Ghe hư hỏng đành đưa về Dương Đông (Phú Quốc) và Rạch Giá..



Đoàn viên hải thuyền xâm trên ngực hai chữ Sát cộng (ảnh của LIFE).

Một trong những truyện đặc biệt của Hải thuyền là: Nhân viên của Lực lượng rất hãnh diện khi xâm trên ngực hai chữ Sát công, khi xâm bằng các phương pháp thô sơ, người được xâm có thể bị nhiễm trùng.. Cố vấn HQ đã tìm xin và đưa được hai máy xâm chạy điện tử Mỹ sang, giúp tránh nhiễm trùng, hợp vệ sinh nhưng đưa đến một thắc mắc tại Ủy ban Chuẩn chi quân viện..  là dùng máy xâm làm gì (?) mà không lời giải thích !
Sinh hoạt của Duyên đội:
Vì là một lực lượng bán quân sự, nên tổ chức và sinh hoạt của mỗi Duyên đội khác nhau: tùy điều kiện địa phương, quân số cũng tùy theo việc tuyển mộ.. Căn cứ của Duyên đội.. thiết lập như một.. đồn Địa phương quân/ Nghĩa quân..
Mac Barrow (cố vấn tại Duyên đội 26 [Bình Ba] ghi lại: (www.warboats-org/yabuta.htm)
‘’ Bình Ba trước đây là một tiền đồn của Lính Lê dương Pháp.. bỏ lại cả một doanh trại đổ nát và trống trơn.. Căn cứ (!) có khoảng 40-50 ‘quân’ do 2 Sĩ quan cấp úy HQ chỉ huy (1 Tr /úy và 1 Th/úy), lực lượng có chừng 10 thuyền gỗ Yabuta gắn máy; thuyền ghi là dài 36 ft, có 1 súng .30 va 1 súng .50.. nhưng căn cứ có thêm vài súng trung liên BAR bộ binh.. Căn cứ, vì ở ngoài đảo, nên không sợ VC tấn công, khác hơn các duyên đội khác. Căn cứ chỉ có một máy phát điện nhỏ chạy diesel, cung cấp điện đủ cho một máy vô tuyến PRC-32 liên lạc với Bộ Chỉ huy Vùng tại Nha Trang. và 2-3 ngọn đèn ban đêm. Quanh doanh trại chỉ là rào kẽm gai.. Tôi tìm cách đưa được từ Nha Trang về một tủ lạnh chạy bằng dầu hôi.. để uống bia lạnh ! Toán cố vấn cũng chỉ có.. hai người  (khi được bổ nhiệm về đây, chúng tôi được Naval Advisory Group, MACV cấp quần áo pyjama đen, mũ beret đen.. thêm quân phục bộ binh, giày bốt, một súng Colt 45 và một Carbin M1) ..
Quân lính thuộc Duyên đội dùng súng  Garant (bán tự động) lên đạn, tôi tự xoay trở mang được về Bình Ba thêm vài khẩu AR-15 (không số súng), 2 khẩu .30 và 1 M-79.. rồi vài thùng mìn.. Quá đủ để phòng thủ (?) Căn cứ.. Tuy nhiên khi Căn cứ HQ Cam Ranh bắt đầu được xây dựng. Nhờ ngoại giao riêng nên chúng tôi có thêm vài thùng lựu đạn và nhất là..bia (ngoài cấp số)..
Các đoàn viên được phát thêm (mỗi khi tôi xin được) Ration C, thịt hộp .. cũng ngoài .. tiêu chuẩn của lực lượng ‘ bán quân sự’ không quân số này…”

Đoàn viên hải thuyền và cố vấn hải quân Hoa Kỳ (ảnh của LIFE).


Cố vấn và đoàn viên khi tuần tra, ăn cơm và cá, tôm mực.. nướng lò ngay trên thuyền, về bờ cũng cơm, cá.. có khi có thịt gà vịt, có khi có cả chó và ..rùa !
(Ghi thêm: lương tuần viên .. 300 đồng/tháng. Hối đoái chính thức 1 đô la Mỹ=35 đồng)
  • Hải thuyền.. chiến đấu
Phương tiện eo hẹp, đoàn viên Hải thuyền phải chiến đấu trong các điều kiện khó khăn Thuyền máy của CSBV chạy mau hơn và võ trang mạnh hơn ghe buồm Hải thuyền ! Thuyền vỏ gỗ không đủ bảo vệ cho đoàn viên chống đạn súng máy CQ.. Khi vào nhánh sông nhỏ gần cửa biển, ghe buồm không đuổi kịp.. xuồng máy CQ..
Tuy nhiên, Lực lượng Hải thuyền cũng tạo thành tích đáng kể; Năm 1963, phối hợp cùng Hải lực VNCH, khám xét được 127 ngàn ghe cá, kiểm tra 353 ngàn ngư phủ.. Riêng Hải thuyền bắt giữ 2500 người tình nghi..
Đụng độ đầu tiên giữa Hải thuyền và thuyền CSBV diễn ra ngày 9 tháng 7 năm 1961: Duyên đội Hải thuyền 11 tại Cửa Việt đã chặn đánh đoàn 20 chiếc ghe Bắc Việt vượt Vĩ tuyến và bắt giữ được một ghe đánh cá võ trang BV.
Theo thống kê quân số đầu năm 1965, Lực lượng có 526 chiến thuyền, phân bố trong 28 duyên đoàn hoạt động dọc duyên hải VNCH, trong đó có 81 ghe chủ lực, 90 ghe buồm gắn máy, 121 ghe máy (không buồm) và 234 ghe buồm (không máy)
Ghe buồm (không máy) là ‘gánh nặng’ cho Lực lượng vì chậm và không hữu hiệu! Ban Cố vấn HK (từ đầu năm 1964) đã khuyến cáo cần thay thế hết loại ghe này: 134 ghe.. bị loại bỏ trong năm 1965, số còn lại sẽ bỏ hết trong 1966..
Một số hoạt động của Hải thuyền được các Cố vấn ghi lại :
-Tháng 7 năm 1963, Duyên đội 33 (Vàm Láng) đột kích vào cơ sở kinh tài của CQ, của Đại đội 306/ TĐ 300 CS Địa phương tại rạch Vàm Sát (Lý Nhơn), phá hủy các trạm thu thuế.. CQ rút sâu vào rạch Đồng Tranh..
-19 tháng 8-1963: Tr úy Dallas Shawkey (cố vấn) và Tr/Úy Thịnh (đối tác)  tại Vùng 2 Hải trấn ghi lại, ông và 8 thuyền hải hành đi Vĩnh Hy, do tin mật báo có khoảng 25 CQ đang hoạt động tại làng. Ghe chủ lực bắn 12 quả 57 ly vào làng, các chiến thuyền khác bắn  thêm bằng súng đại liên .30 ly.. Khi lực lượng hải thuyền đổ bộ đã bị CQ bắn trả bằng súng M1.. Shawkey bị thương do bắn tỉa Hải thuyền rút vì không nhận định được mục tiêu và PGM (Tuần duyên hạm) Nam Du (HQ-607) đã pháo vào các vị trí nghi ngờ.. Các đụng độ loại này cho thấy Hải thuyền chỉ hữu hiệu trong công tác tuần tra và chưa thể là một lực lương .. bộ chiến !
-13 tháng 12-1964 : tại Duyên đội 33 , Hải thuyền tiếp cứu cho đồn Nghĩa quân Hoa Thuận (Vĩnh Bình) bị CQ tấn công và bao vây. Ghe chủ lực yểm trợ bằng cối 60.. Tr úy Norman Mosher (cố vấn ) cùng 12 nhân viên đổ bộ tấn công cạnh sườn CQ bằng võ khí cơ hữu.. CQ rút lui  bỏ chạy !
 

Ghe của duyên đội hải thuyền 33 hải thuyền (ảnh của LIFE).


-12 tháng Giêng 1965: Hải thuyền chuyển vận 2 Đại đội bộ binh đổ bộ lên đảo Long Sơn (Phước Tuy). Toán tiền phương có nhiệm vụ an ninh bãi cho TQLC VN đổ bộ .. Mosher và SQ Chỉ huy Hải thuyền đã giúp cuộc đổ bộ hoàn thành và bắt giữ được toán cán bộ thu thuế, hậu cần của CQ..
-Trận đánh nổi tiếng nhất của Lực lượng Hải thuyền là trận tấn công vào Mật khu Bãi ngao (Ba tri) đầu năm 1965, của Liên đội hải thuyền 34-37 (Tiệm Tôm) phối hợp cùng Địa phương quân.. (Trận đánh được ghi lại rất chi tiết trong HSTT trang 187-197) HQ Trung úy Nguyễn Đức Bổng, Liên đội trưởng đã hy sinh trong trận này và Tên Ông được đặt cho Trợ-Chiến hạm HQ-231.

 Tổ chức Duyên đoàn :
Tháng 6 năm 1965, Lực lượng Hải thuyền gồm 28 đội, quân số trên 3000 đoàn viên, sát nhập vào HQVNCH.. đội Hải thuyền đổi tên thành Duyên đoàn, danh số và nơi đồn trú của các đơn vị không thay đổi. Các tuần viên thành chiến binh HQ hưởng quyền lợi như các quân nhân HQ..
Việc cải tuyển được thực hiện :
  • Thuyền trưởng tương đương  với cấp bậc Hạ sĩ nhất
  • Tuần viên hạng nhất  tương đương với Hạ sĩ
  • Tuần viên hạng nhì =  Binh nhất hay Thủy thủ nhất
(Xin xem bài viết riêng về Duyên đoàn )
  • Các loại chiến thuyền…
Đ/tá Thông cho biết;  giai đoạn đầu 1960-61: Tại Vùng Đà nẵng chúng tôi dùng loại ghe hai buồm gọi là ghe Mành..  sau này tại Vùng Phú Quốc chúng tôi dùng loại ghe Kiên Giang, đuôi vểnh lên hệt như những ghe ở vùng này. Tại Vũng Tàu và các Vùng Phan Thiết và Phan Rí chúng tôi sử dụng một số ghe buồm, có gắn máy, gọi là ghe Di Cư. những ghe này có một cột buồm như những ghe ở Vịnh Bắc Việt, do những người Trung Hoa lánh nạn CS năm 1949, sau đó lại di cư vào miền Nam năm 1954..
  • Xuồng Đồng Nai: Hầu như không có tài liệu nào của HQVNCH nhắc đến loại xuồng này ! (Bài duy nhất là “Lịch sử các chiến hạm và chiến đỉnh HQVNCH  của Huỳnh kim Chiến trên www.denhihocap.com/ds2009 và cũng chỉ ghi  “Xuồng đồng nai 33 chiếc” cùng 1 hình chụp
Xuồng Đồng Nai hay Swimmer Support Boat (SSB) có lẽ là chương trình trợ giúp đầu tiên của Chính Phủ Kennedy dành cho Hải thuyền. Loại xuồng 14 ft này đã được Hoa Kỳ giúp đóng 20 chiếc ngay từ tháng 11-1960.
Cuối năm 1961 Hoa Kỳ đã cung cấp cho VN 222 chiếc SSB, sườn xuồng bằng ván styrofoam, bọc trong 2 lớp nhựa fiberglass. Dài 14.6 ft, ngang 6.10 ft trọng tải 400 tấn vận tốc 16 knots .Máy diesel 40 mã lực

Ghe bườm Di Cư của một đội hải thuyền tuần tiểu dọc theo bờ biển (ảnh của National Geographic )
  • Ghe Di cư và ghe Kiên Giang :
Số ghe Kiên Giang đến 1966 chì còn .. 6 chiếc sử dụng trong HQVN (?)
Các ghe này được đánh số: HQ 11104; 11112 ; 11121; 11173; 11237, 11238.
Gốc của ghe là từ Phú Quốc (An Thớị), loại ghe đánh cá vỏ gỗ do các thợ chuyên nghiệp đóng bằng tay qua những công đoạn rất tỉ mỉ.
Ghe di cư dùng buồm phế thải hết trong năm 1962..
Một số ghe này do các ‘nhân viên hải thuyền (bảo an) gốc công giáo di cư sử dụng tại vùng Vũng Tàu, Bà rịa..
  • Ghe Chủ lực: (Command junk): xem thêm trong phần ghi chú
HK đã tài trợ đóng 46 ghe này đánh số từ HQ 10000 đến 100045
Dài 16 m (54 ft), trang bị 1 đại liên .50 và 2 đại liên .30 ; vận tốc đến 12 mph. Động cơ Gray diesel, 3 cylinder. Có ghe còn trang bị thêm 1 cối 60
Theo Đ/tá Thông, ghe này lớn hơn ghe Yabuta, khi đi hành quân, Sĩ quan thâm niên thường ở trên ghe này, nên gọi là ‘command junk’
  • Ghe ferro-cement (còn gọi là ferro-concrete ‘Coastal Raiders’)
HQ VNCH gọi là Duyên kích đỉnh
Theo quân số HQ: 71 chiếc từ HQ 3200 đến 3270
Trong chiến tranh VN, HK đã thiết kế và cho chế tạo loại ghe này để thay loại ghe gỗ 31 ft của Hải Thuyền VN. Ghe ferrocement dùng sườn bằng ống thép hay thanh thép chịu lực cho nhiều lớp lưới đan, tạo thành vỏ thuyền, và xi măng được độ vào khung dựng sẵn. Khoảng 70 ghe đã được chế tạo tại VN.. Ghe dài 65 ft. Theo chuyên viên thiết kế Eric Baitis thì ghe ferrocement có nhiều ưu điểm :không ngấm nước, không cháy, không bị nước mặn ăn mòn, công lao động rẻ, không đòi hỏi tay nghề chuyên nghiệp, và ngay thời điểm này VN đang có xi măng thặng dư tại Đà Nẵng và việc lập xưởng đóng thuyền ferrocement tại đây ít tốn kém. Loại ghe này dựa theo kinh nghiệm của Phòng Nghiên cứu HQ HK đã thử chế tạo 3 chiếc làm tại một cơ xưởng tại Nam Hàn năm 1961: loại ghe CRABS (Cement Riverine Assault Boats) được đánh giá là đáp ứng nhu cầu hành quân.
Theo TTHS (trang 172): Ghe ferrocement do HQ Công Xưởng Sài Gòn đóng, vỏ bằng lưới thép, gắn vào sườn ghe bằng gỗ, ngoài trét xi măng (?) Trọng tài 31 tấn, dài 19.9 m, rộng 4.2 m gắn 2 động cơ diesel, 225 mã lực, vận tốc 6.5 knots, trang bị 1 đại liên .50, một súng cối 81, 1 máy truyền tin AN/PRC25, Nhân viên gồm 5 người.
Đ/tá Thông cho biết : Ghe ferrocement có cái hay là không dễ bị mục, nhưng xoay trở chậm chạp, ít chịu sóng vì mũi ghe khi gặp sóng ngược ngóc đầu lên rất khó. Do đó ghe này thường dùng để chuyên chở, liên lạc và ít dùng khi hành quân..
HQ Phạm Viết Khiết nhận xét về ghe ferrocement : “Khi tôi đi lãnh Duyên kích đỉnh 3207 ‘ferrocement’ tại HQ Công xưởng.. phải chờ họ gắn la bàn, thử máy..’, tôi sợ.. tàu ciment mà đụng đá ngầm thì chìm rất nhanh, tàu nặng và không nhảy sóng mà còn chúi mũi múc nước vào là khác. Tàu cũng có cửa kín nước để che hầm máy, nhưng chỉ là nắp gỗ, nước vào dễ dàng..”


Hải quân công xưởng đóng ghe Yabuta (ảnh của phái bộ cố vấn hải quân Hoa Kỳ).
  • Ghe Yabuta: có hai loại: vỏ gỗ sao và vỏ fiberglass
Còn gọi là Ghe Thiên Nga: 151 chiếc đánh số HQ 12000 đến 12150
Từ đầu năm 1965, HK đã tài trợ cho chương trình đóng 90 ghe Yabuta (tài khóa 65) cho Hải thuyền VNCH. Yabuta là tên một Kỹ sư Nhật đã làm việc tại Hải Quân Công Xưởng VNCH từ 1961 và là người thiết kế loại thuyền máy 57 ft này, vỏ  ghe bằng fiberglass (thủy tinh-sợi) HK cung cấp nguyên liệu và động cơ cho thuyền, phía VN chi trả tiền công cho thợ..(khi đóng ghe tại các cơ xưởng tư nhân)
Tổng số ghe được đóng cho HQVN là 151 chiếc
Theo TTHS (trang 172)  Ghe Yabuta vỏ gỗ dài 15m, rộng 3,3m; trọng tấn 13.9, tầm nước 0.9m, máy tàu là động cơ diesel 2 thì, sức đẩy 100 mã lực, tốc độ 6.5 mph.
Trang bị một máy vô tuyến AN/PRC 10, một đèn màu trên nóc mui và một đèn rọi. Vũ khí trang bị gồm 1 đại liên .30, 1 trung liên BAR, và các võ khí cá nhân như súng trường M1 và tiểu liên Thompson.. Thủy thủ đoàn 10 người, có thể hoạt động xa bờ 5 miles..
HQ Phạm Viết Khiết  trong ‘Hải Quân Chiến binh, Từ bờ đến biển’ ghi lại các kinh nghiệm trên Yabuta như sau :.’chúng tôi lái ghe Yabuta (ghe Thiên Nga) như dân dã cào, chẳng theo hải trình gì cả, cứ nhắm song song bờ biển mà chạy.Trên ghe Yabuta đâu có dụng cụ hải hành..nếu gặp VC thì cứ nã đạn vào nó..’
Trần Lý 5/2020


Ghi thêm :
Về các chiến tích của các Duyên đoàn (sau khi chuyển đổi) xin đọc
– “HQ/Đại tá Hồ Tấn Quyền với Lực Lượng Hải Thuyền “  của Nguyễn văn Ơn  trên: https://hon-viet.co.uk
Bài có ghi các trận đánh tại các Duyên đoàn 35, 11, 27, 16, 34-37 và 33
– Trận ‘Căn cứ Deji và Duyên đoàn 21’ của Trần đình Triết trên
https//www.denhihocap.com/ds2006/degi.htmi
– Tại Duyên đoàn 16 (Cổ Lũy) HQ Đại úy Nguyễn Ngọc Thông, hy sinh trong trận đột kích của CQ vào Căn cứ  đêm 07/08/1967.
Tập sách US Small Combatant  của Norman Friedman ghi vài số liệu kỹ thuật về các Thuyền nhỏ do HQ HK cung cấp cho VNCH:
  • SSB (Swimmer Support Boat=Dong nai ) 14.6 ft x 6.10 ft; Trọng tải 410 . Vận tốc 40; vỏ foam gia cố .. fiberglass
  • Zodiac Mark 3: 15.4 x 4.4 ft.Trọng tải 320. V tốc 7 ; cao su bơm hơi bọc vải bên ngoài
  • Ghe (Sampan) 20 ft : 20.0 x 4.2 ft ; Trọng tải 300. V tốc 7; Gỗ hay gia fiberglass gia cố.
  • Boston Whaler (Skimmer) 13.3 x 5.2 ; T/t 273 ; V tốc 9.4 ; Foam gia cố fiberglass
Số thuyền trong Kế hoạch Đặc biệt giao cho VN năm 1962 :
210 chiếc SSB; Thuyền  524 chiếc cộng thêm 220 máy; 125 Thuyền Zodiac
12 thuyền vớt mìn (50 ft Utility Boat/Minesweeping Launch)
Ghe Chủ lực (Norman Friedman): ghe Chủ lực hay 55-foot command junk do HQ Trung tá W.E Hanks. một cố vấn HQHK tại VN  thiết kế dựa trên loại thuyền đánh cá và bắt sò huyết hoạt động trong Vịnh Chesapeake, trang bị động cơ American 6V71; 225 mã lực, chạy diesel, vận tốc 12 knots. Kích thước như sau 55.9 x 15.9 x 2.8 ft. Trọng tải 19 tons.. bỏ hết buồm (từ 1966).. Võ khí trang bị căn bản: một 0.50 và một 0.30, tuy nhiên HQVN thay 0.50 bằng các 0,30 và sau đó ghe được  trang bị thêm một cối 69.
Tất cả có 46 chiếc được chế tạo.

No comments: