Sunday, March 31, 2019

Vợ con ông Phạm Minh Tâm, người Việt đầu tiên tốt nghiệp West Point, gặp cảnh ngặt nghèo - Linh Nguyễn

Ông Phạm Minh Tâm (giữa) bên cạnh Tướng Lương Xuân Việt (trái) và Tướng LapThe Flora. (Hình: Hội Võ Bị DC và Phụ Cận)
BETHESDA, Maryland (NV) – Ông Phạm Minh Tâm, sĩ quan gốc Việt đầu tiên tốt nghiệp Trường Võ Bị West Point của Hoa Kỳ, vừa qua đời hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Ba, tại Bethesda, Maryland, hưởng thọ 70 tuổi, sau hai tuần nằm bệnh viện vì bị một tai nạn giao thông hôm 10 Tháng Hai tại Montgomery Village. Nguyên nhân cái chết của ông hiện còn trong vòng điều tra. Ông mất đi để lại vợ và một con gái năm nay 18 tuổi.
Theo lời kể của bà Kim Chi, vợ ông Tâm, tình trạng tài chánh gia đình trở nên bi đát từ khi ông bị hãng Northrop Grumman sa thải năm 2012.
“Ảnh mất việc, chúng tôi không thể tiếp tục trả tiền nhà, nên nhà bị bán đấu giá năm 2017. Tiếp theo là chúng tôi phải bán đi một chiếc xe Camry cũ, vì không đủ tiền trang trải,” bà kể.
Bà cho biết, từ đó, gia đình bà phải mướn một phòng ở dưới hầm (basement) để ở.
Bà nói, tiền thuê nhà dù là $600 đến $700 một tháng, gia đình bà cũng không có tiền trả: “Tôi năn nỉ chủ người Ấn Độ, xin trả trễ, trả góp, có khi phải trả từng ngày, vì tôi hiện làm công việc chăm sóc người già, người bệnh. Có ngày chỉ được làm hai, ba tiếng đồng hồ, không có kinh nghiệm. Tiền kiếm không đủ.”
Vợ chồng ông Phạm Minh Tâm (hàng đầu) được các bạn cùng khóa 
Võ Bị West Point USMA ‘74 đón tiếp khi mới đến Mỹ năm 1991. 
(Hình: Facebook/TamPham)
“Chúng tôi thiếu thốn như thế từ bảy, tám năm nay, nhưng anh ấy khẳng khái, không nói với ai. Khi mới qua Mỹ, chúng tôi còn trẻ, anh ấy có công việc làm. Tôi cũng làm assembly hãng Huge Network System. Vì thế mới có nhà. Có xe. Nay tuổi đã già, kiếm việc khó quá!” bà thở dài qua điện thoại.
Bà sụt sùi khi kể về đời sống khó khăn: “Tiền nhà không đủ. Tiền lương thì ít. Tôi và cháu Kristy chỉ dám mua một phần McDonald’s, hai mẹ con chia nhau. Gia đình tôi ăn mì gói, hột gà là chuyện thường, vì chỉ có thế!”
Bà im lặng vài giây, rồi tiếp: “Tôi xót xa khi cháu than đói bụng. Nó ở Mỹ mà ốm nhom. Khi bạn nó rủ đi ăn, nó nói không có tiền. Tôi nuốt nước mắt!”
Nói về việc lo tang lễ, bà cho biết: “Cảnh sát chưa cho lấy ra. Thứ Tư tuần tới (13 Tháng Ba), chúng tôi sẽ gặp họ để xem ngày nào mới được đem ra nhà quàn. Giờ giấc thăm viếng chưa biết tính sao.”
Trong khi chờ đợi, vì đường từ nhà đến nhà quàn mất cả giờ lái xe mới tới, bà tạm dừng chân tại nhà anh chị Phạm Văn Keo, một người bạn cùng Khóa 25 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, để đi lại nhà quàn cho đỡ mệt.
“Cháu và tôi rất may được các anh chị đồng Khóa 25 giúp đỡ, nếu không, tôi như người mất hồn, không biết phải lo gì. Anh chị Keo, Nguyễn Huỳnh Kỉnh ở gần, cũng lui tới để an ủi. Anh Lưu Đức Tờ, đại diện Khóa 25 lo chạy đôn chạy đáo. Anh Huỳnh Văn Tốt, Khóa 26, cũng kêu gọi giúp đỡ. Thật cảm động!” chị kể.
Gia đình ông Phạm Minh Tâm tham dự sinh hoạt của Khóa 25 
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam khi con gái còn nhỏ. 
(Hình: Nguyễn Xuân Thắng/K25)
Ông Nguyễn Huỳnh Kỉnh, bạn cùng khóa, cho biết: “Chị định sẽ làm hỏa táng cho đỡ tốn kém, nên nói số tiền các bạn cùng Khóa 25 khắp nơi gởi về có lẽ cũng tạm đủ, vì nghe đâu được khoảng $10,000 rồi. Tuy thiếu thốn và không muốn phiến ai, chị thú thật không biết trong những ngày tháng trước mặt, vắng anh, gia đình chị sẽ không biết phải lấy gì để trang trải cho cuộc sống hằng ngày!”
Trong một thư kêu gọi, khi vừa nghe hung tin, ông Bùi Đạt Trung, trưởng Ban Xã Hội Khóa 25, đã nhanh chóng hô hào đóng góp.
Ông Trung viết: “Là một người hiền hòa, luôn nở nụ cười xuề xòa, tạo được sự thiện cảm với mọi người xung quanh, ngay cả khi ở trong lao tù Cộng Sản, anh vẫn luôn luôn giữ được nhân cách của một chiến sĩ QLVNCH. Ra tù, cũng như mọi người, anh phải vật lộn với cuộc sống, đồng thời đã gặp gỡ và gắn bó với người bạn đời là chị Kim Chi và có một cháu gái là Kristy, nay đã 18 tuổi, học năm thứ nhất đại học cộng đồng.”
Không những chỉ các bạn đồng khóa sốt sắng giúp đỡ, các khóa đàn em khắp nơi cũng kêu gọi, vì biết ông Tâm, khóa đàn anh, từng hướng dẫn các sinh viên khóa đàn em trên đường di tản, bắn cháy hai chiến xa Cộng Sản.
Các sĩ quan cán bộ cùng phục vụ tại Trường Võ Bị Đà Lạt cũng tỏ lòng thương tiếc khi biết tin.
Cựu Thiếu Tá Cao Yết, Khóa 16 Đà Lạt, xúc động trước tinh thần đoàn kết của những người xuất thân cùng trường Võ Bị, gởi điện thư: “Tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, cựu SVSQ Tâm là SQ/CB/ĐĐT thuộc TĐ1 do tôi phụ trách. Tại Trường Võ Bị West Point tôi thăm anh ấy tại phạn xá của trường khi anh ấy còn là SVSQ (tôi theo phái đoàn Tướng Thơ CHT/TVB thăm viếng West Point) Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với Tâm. Một tin thật buồn! Xin cầu nguyện cho anh ấy.”
Ông Phạm Minh Tâm và con gái. (Hình: Facebook/TamPham)
Ông Trung, ban xã hội Khóa 25, chia sẻ trong thư: “Gia đình anh đã phải chịu đựng bao thiếu thốn, khó khăn trong suốt mấy năm, nhưng với tính khẳng khái, với lòng tự trọng anh đã không hề hé môi và không liên lạc với ai. Trong nhà, mọi chuyện anh lo hết nên sau khi nằm xuống, anh đã để lại một khoảng trống to lớn cho vợ con. Chị Chi cũng không có việc làm vững vàng, Hoàn cảnh hai mẹ con bây giờ thật ngặt nghèo, việc sinh hoạt hằng ngày không ổn định, làm sao có khả năng mua hòm cho chồng và mời thầy đến tụng kinh? Liên lạc với chị, chỉ được nghe qua dòng nước mắt từ đầu đến cuối!”
Được sự đồng ý của bà Kim Chi, ông Bùi Đạt Trung cho biết, mọi đóng góp, xin gởi về Ban Xã Hội qua thủ quỹ Khóa 25, nhờ chuyển đến tang quyến sau.
Chi phiếu xin đề:
Quy Dao, K25 (ĐT: 347-857-9046)
17811 Camp Cove Dr.
Cypress, TX 77429
Memo: Giúp Phạm Minh Tâm, K25
Ông Tâm là cựu sinh viên sĩ quan Khóa 25 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, và là người Việt Nam đầu tiên, đại diện Đông Nam Á, theo học Trường Võ Bị West Point Hoa Kỳ năm 1970. Ông tốt nghiệp Trường Võ Bị Hoa Kỳ vào Tháng Năm, 1974, và trở về nước phục vụ tại Trường Võ Bị với chức vụ sĩ quan cán bộ đại đội trưởng Đại Đội E, Trung Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan tại Đà Lạt, cho đến ngày trường bị giải tán. 
(Linh Nguyễn)

Ông Phạm Minh Tâm, người Việt đầu tiên tốt nghiệp West Point, qua đời

Ông Phạm Minh Tâm (trái) và anh Tom Lê, người tốt nghiệp West Point năm 2016. (Hình: Facebook Võ Thành Nhân)
BETHESDA, Maryland (NV) – Ông Phạm Minh Tâm, người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Học Viện West Point nổi tiếng của Mỹ, vừa qua đời hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Ba, tại Bethesda, Maryland, hưởng thọ 70 tuổi, sau khi bị một tai nạn giao thông tại Montgomery Village hôm 10 Tháng Hai, bà Kim Chi, vợ của ông, xác nhận với nhật báo Người Việt.
Ông Tâm cũng là sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Đà Lạt, Khóa 25, năm 1968.
Theo bài báo “The Liberation of Tam Minh Pham” đăng trên nhật báo The Washington Post ngày 5 Tháng Bảy, 1992, ông Tâm học ở West Point từ năm 1970 đến năm 1974. Sau khi tốt nghiệp, ông về nước, dạy ở trường Võ Bị Quốc Gia, trong vai trò sĩ quan chiến thuật, cho đến ngày Sài Gòn thất thủ năm 1975.
Sau đó, ông bị đi tù “cải tạo” Cộng Sản gần 6 năm.
Từ năm 1981 đến năm 1991 ông là giáo sư Anh Ngữ trường Cao Đẳng Sư Phạm ở Sài Gòn.
Một bài báo của AP, nói về trường hợp ông Phạm Minh Tâm bị tù “cải tạo.” (Hình do Cao Văn Thi lưu giữ)
Khi bắt đầu có chương trình cho các cựu sĩ quan QLVNCH sang định cư tại Mỹ, thường gọi tắt là “HO,” ông lại không được đi.
Theo bài báo của Washington Post, sở dĩ ông không được đi theo diện này là vì giấy ra trại của ông bị ghi lộn ông là “thành phần chống đối nhà nước.”
Trong thời gian này, qua một người em gái đang sống ở Mỹ, ông tái liên lạc với các bạn học ở West Point ngày trước. Thế là những người này vận động, gây quỹ, yêu cầu chính quyền Mỹ can thiệp đưa ông ra khỏi Việt Nam.
Nhờ sự can thiệp của Tướng John Vessey, cựu chủ tịch Ủy Ban Tham Mưu Liên Quân, lúc đó là người được Tổng Thống George HW Bush cử làm đại diện thương thuyết bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, ngày 31 Tháng Năm, 1991, ông Tâm được định cư ở Hoa Kỳ.
Bà Kim Chi cho biết gia đình qua Mỹ theo diện HO7.
Theo bà cho biết, khi sang Mỹ, ông làm phụ giáo trường trung học Cardozo High School, Washington, DC, một thời gian, rồi làm cho hãng TRW, và cuối cùng là hãng Northdrop Grumman cho tới khi nghỉ hưu năm 2012. (Đ.D.)

Quan tài đơn sơ trong tang lễ người Việt đầu tiên tốt nghiệp West Point

Đại Tá Mimi Phan (trái) và một đại diện khác của Hội VAUSA, chào tiễn biệt lần cuối. (Hình: Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Vùng Hoa Thịnh Đốn và Vùng Phụ Cận)
SILVER SPRING, Maryland (NV) – Tang lễ ông Phạm Minh Tâm, người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Học Viện West Point nổi tiếng của Mỹ, diễn ra trong nghi thức đơn sơ với chiếc quan tài bằng cạc tông.
Hôm Thứ Ba, 19 Tháng Ba, tang lễ ông được tổ chức tại nhà quàn Hines-Rinaldi Funeral Home ở Silver Spring, Maryland.
Hiện diện trong tang lễ cùng vợ và con gái ông Tâm, còn có một số bạn cùng khóa 25 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, bốn người bạn đồng môn Võ Bị West Point (USMA ‘74), Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Võ Trường Toản, và đại diện sĩ quan cao cấp trong Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt (VAUSA).
Sau lễ cầu siêu và phát tang là lễ phủ cờ Việt Nam Cộng Hòa do chín cựu sinh viên sĩ quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam thuộc Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Vùng Hoa Thịnh Đốn và Vùng Phụ Cận phụ trách.
Lễ phủ cờ diễn ra trong không khí trang nghiêm, gây xúc động đặc biệt cho mọi người hiện diện khi lá cờ vàng phủ kín chiếc quan tài bằng cạc tông thô sơ.
Lễ phủ kỳ tang lễ ông Phạm Minh Tâm tại Silver Spring, Maryland. 
(Hình: Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Vùng Hoa Thịnh Đốn và 
Vùng Phụ Cận)
Ông Phạm Văn Keo, một người bạn cùng Khóa 25, được gia đình mời lên đọc tiểu sử ông Phạm Minh Tâm. Theo đó, ông Tâm nhập Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam khóa 25 năm 1968, đến năm 1970 ông được tuyển chọn theo học Học Viện West Point và tốt nghiệp năm 1974.
Sau khi tốt nghiệp tại Mỹ, ông Tâm trở về Việt Nam làm sĩ quan cán bộ Đại Đội Trưởng Đại Đội E tại Trường Võ Bị Đà Lạt, cho đến khi Sài Gòn thất thủ. Ông bị Cộng Sản bỏ tù sáu năm. Sau khi được thả, ông được người em gái ở Mỹ vận động cùng các bạn đồng khóa USMA ‘74 để ông Tâm và gia đình được định cư tại Mỹ.
Ông Tâm sinh ngày 2 Tháng Tư, 1949, tại Sài Gòn, và qua đời hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Ba, tại Bethesda, Maryland, hưởng thọ 70 tuổi, trong một tai nạn giao thông tại Montgomery Village hôm 10 Tháng Hai.
Một người bạn đồng khóa USMA ‘74 của ông Phạm Minh Tâm lên đọc lời ai điếu, là cựu Đại Tá John R. Martin (hồi hưu), người mặc quân phục Quân Đội Hoa Kỳ từ Pennsylvania đến dự tang lễ. Ông là một trong bốn cựu sinh viên sĩ quan West Point hiện diện tham dự đám tang của ông Phạm Minh Tâm.
Cựu Đại Tá John R. Martin (trái) trước bàn thờ người bạn đồng môn
West Point. (Hình: Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Vùng Hoa Thịnh Đốn 
và Vùng Phụ Cận )
Ông Martin phát biểu: “Tâm là bạn cùng khóa của chúng ta vì anh thuộc Khóa 25 và cả khóa USMA ‘74 nên anh là bạn cùng khóa của tất cả chúng ta. Tôi cũng muốn nói xin lỗi vì đến trễ và không thể nói chuyện với các bạn bằng tiếng Việt! Tôi đã ở đảo Guam năm 1975 và đó là một kinh nghiệm tuyệt vời đối với tôi khi là một thiếu úy trẻ giúp đỡ những người tị nạn Việt Nam trên đường đến Hoa Kỳ. Thật không may, tôi chỉ học được một ít tiếng Việt, gồm một câu ‘tôi xin lỗi,’ điều mà tôi hy vọng có nghĩa là tôi rất tiếc!”
Ông đề cập đến nhân vật tên Patrick McBrayer, người bạn cùng phòng với ông Tâm khi còn học ở West Point: “Không giống như vai trò cá nhân của Pat, vai trò của tôi hôm nay là đại diện cho West Point. Trong bộ đồng phục của tôi, tôi cũng đại diện cho Quân Đội Hoa Kỳ, nhưng tôi muốn nói chủ yếu về West Point. Khi chúng tôi ở Khóa USMA ‘74 vào West Point năm 1970, chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn và có lẽ tất cả chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đến Việt Nam khi chúng tôi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong bốn năm, thế giới đã thay đổi và Tâm là người duy nhất về Việt Nam khi chúng tôi tốt nghiệp vào năm 1974. Anh ấy chắc chắn có thể thấy rằng sự sụp đổ của Sài Gòn đang đến gần và có lẽ đã xin tị nạn tại Hoa Kỳ.”
Bà quả phụ Phạm Minh Tâm và con gái.
(Hình: Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Vùng Hoa Thịnh Đốn 
và Vùng Phụ Cận)
“Mặc dù đã thấm nhuần ý thức về nghĩa vụ và danh dự ở cả West Point và Đà Lạt, nhưng Tâm không ngần ngại chọn trở về Việt Nam, đất nước của mình. Cuộc sống của anh sau sự lựa chọn đó là một khó khăn, tất nhiên, bao gồm cả chiến đấu, nhà tù và thiếu thốn. Tuy nhiên, bằng cách đưa ra lựa chọn đó, Tâm đã củng cố bản thân trong lịch sử của học viện với tư cách là một trong những nêu cao châm ngôn ‘Trách Nhiệm, Danh Dự, Tổ Quốc’ không chỉ là những danh từ được ghi trên chiếc nhẫn ra trường. Vì sự tận tụy đáng nể của Tâm khi thực hiện nghĩa vụ với đất nước của mình một cách vinh dự, tôi chào mừng anh ấy hôm nay và cảm nhận toàn bộ một hàng dài màu xám (màu áo của trường West Point) của các sinh viên sĩ quan West Pointers kéo dài phía sau tôi để nói, ‘Anh làm tốt lắm, Tâm. Hãy an nghỉ!’” ông nói.
Cựu Đại Tá Martin cho biết ông Patrick McBrayer sẽ lo việc lập thủ tục xin an táng tro cốt của ông Phạm Minh Tâm trong nghĩa trang West Point.Trước lễ hỏa táng là lễ thu kỳ. Ông Huỳnh Văn Tốt đại diện Hội Võ Bị Vùng Hoa Thịnh Đốn và Vùng Phụ Cận, trao lá cờ VNCH cho bà quả phụ Phạm Minh Tâm.  
(Linh Nguyễn)
TÒA SOẠN: Tựa đề bản tin này đã được sửa lại, thể hiện lòng kính trọng người quá cố và tang quyến.

Thursday, March 21, 2019

Hảy trả lại sự thật cho người lính VNCH ! - LS. Lê Trọng Quát.

    - Đề tài do ban tổ chức của Trung Tâm Điều Hợp TTCSVNCH Âu Châu đề nghị với tôi phát xuất từ một lý do quan trọng, không những đối với Quân lực VNCH mà đối với cả VNCH và nhân dân Miền Nam VN nói chung. Sự thật của cuộc chiến tranh Việt Nam đã bị bóp méo một cách qui mô và tàn nhẫn trong suốt cuộc chiến xâm lăng Miền Nam. Ngay đến bây giờ, trong ký ức của một số thành phần dư luận thế giới, đặc biệt trong các giới thiên tả, hình ảnh của người lính VNCH vẫn trái với sự thật khách quan .
 Vì vậy, chiều nay tại kinh đô «  ánh sáng » này của nước Pháp, nhân cử hành lễ tưởng niệm Ngày Quân Lực VNCH, chúng ta có bổn phận đả phá các luận điệu xuyên tạc gian trá và nói lên sự thật khách quan nhất, không cần phải tô điểm một chút nào, sự thật về chân dung, về sứ mạng, về những thành tích và hy sinh của người chiến sĩ VNCH.
- Chúng ta làm bổn phận này, không những đối với anh linh của những chiến hữu của chúng ta mà còn đối với danh dự của chính chúng ta, những người đã cống hiến cả tuổi xuân hay cả cuộc đời cho Đất nước, cho Tổ Quốc Việt Nam, và hơn nữa, đối với con cháu chúng ta và lịch sử mai sau.
Đây không phải là lần đầu tiên cũng không phải là lần cuối cùng mà chúng ta đả phá những luận điệu dối trá, thiên vị, cốt để hạ nhục người lính VNCH và từ đấy bôi nhọ luôn cả chính nghĩa của cuộc chiến đấu kiêu hùng của quân dân ta chống Cộng sản xâm lược.
Vậy sự thật đa bị bóp méo như thế nào ?
- Đi lùi lại bảy tám năm trước khi quân đội ta mang danh xưng Quân Lực VNCH nghĩa là từ năm 1947,1948 trở đi, người chiến sĩ quốc gia đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ tự do cho toàn dân cả nước từ Bắc chí Nam chống cộng sản đang chiếm giử một phần lãnh thổ. Quân đội quốc gia thời ấy là tiền thân của quân lực VNCH sau này và lần lượt lớn mạnh gồm các đơn vị chính qui với sự trợ lực của các lực lượng phụ thuộc .
- Từ năm 1948, tại Vịnh Hạ Long ở Bắc Việt, Pháp đã chấp nhận trao trả độc lập cho Việt Nam với Quốc trưởng Bảo Đại và tiếp theo, Chính phủTrung Ương được thành lập, nhưng cộng sản vẫn tiếp tục đánh phá vì chúng nhất quyết thi hành chủ trương của cộng sản quốc tế ( Hồ Chí Minh là cán bộ cộng sản quốc tế từ 1920) là phải nhuộm đỏ bán đảo Đông Dương. Vì vậy, chúng xem nhửng người Việt quốc gia yêu nước là kẻ thù và. ngoại bang như Nga Sô và Trung Cọng (từ 1949) là cha đở đầu, hổ trợ toàn diện cho chúng «  thi hành nghĩa vụ quốc tế nhuộm đỏ ba nước Việt Miên, Lào …. » .
- Một chiến lược tuyên truyền rông lớn của CS khởi đầu từ đó nhằm bôi nhọ các chiến sĩ quốc gia : nào là lính đánh thuê cho thực dân Pháp, rồi lính đánh thuê cho Mỹ, rồi Mỹ Ngụy. Cộng sản đã dùng một cụm từ không thề nặng nề hơn để lường gạt đồng bào trong nước về sứ mạng cao quí và hiểm nguy của người lính quốc gia, người lính VNCH, hy sinh thân mạng để bảo vệ đồng bào, bảo vệ tổ quốc……nhưng ngụy luận tuyên truyền ấy đã không có hiệu quả ở trong nước vì đồng bào đã chung sống hằng ngày với các binh sĩ ta, đã chứng kiến những cảnh chiến tranh, phá hoại, khủng bố, tàn sát của cộng sản. Trong lúc ấy, họ thấy tận mắt chiến sĩ ta anh dũng chiến đấu, bất kể thương vong để bảo vệ họ, bảo vệ xóm làng, bảo vệ từng tất đất của lãnh thổ quốc gia.
- Thế nhưng, những luận điệu tuyên truyền gian dối ấy đã lần hồi thấm nhập đầu óc của nhiều thành phần dân chúng Tây phương mà oái oăm thay một số quốc gia lại là đồng minh hay thân hữu của chúng ta, tôi muốn nói Hoa Kỳ, Pháp, các nước Bắc Âu với các tổ chức «   phản chiến », chúng xem chúng ta và đồng minh của chúng ta là những kẻ gây chiến !
- Khỏi phải nói đến những luận điệu tuyên truyền của CS quốc tế tiếp vận bài bản tuyên truyền láo khoét và thô bạo của CSVN, một phần lớn truyền thông đại chúng Tây phương, thuộc khuynh hường thiên tả đã đành mà ngay cả một số báo chí và bình luận gia không màu sắc chính trị cũng bị ảnh hưởng không ít, hoặc vì không cưỡng lại được sức ép của đám tả khuynh được gọi là khủng bố trí thức ( terrorisme intellectuel), hoặc vì nghe mãi rồi đâm ra tin là thật ! Ngoài ra, tại Pháp, vì thành kiến chống Mỹ khá nặng nên sự tham chiến của Mỹ để giúp VNCH chống CS xâm lược đã bị một phần khá lớn dư luận cho là một sự « can thiệp thô bạo » của đế quốc tư bản Mỹ………….
Ngoài cụm từ vu khống lính đánh thuê, chúng còn nặng lời miệt thị chiến sĩ ta nào là hèn nhát, thiếu tinh thần chiến đấu, vv……nhưng vượt lên trên tất cả là : qua hình ảnh người lính VNCH đã được tạo dựng lên một cách man trá, CSVN, CS quốc tế,bọn bồi bút và bọn ngụy trí thức tả khuynh Phương Tây, tất cả bọn chúng nhằm đánh đổ chính nghĩa của cuộc chiến đấu của quân, dân ta đặng tung hỏa mù che đậy cuộc chiến tranh xâm lược trắng trợn của CS Bắc Việt, tên lính tiền phong của CS quốc tế với tham vọng nhuộm đỏ ba nước Việt, Miên, Lào và tiến chiếm Mả Lai, Thái Lan, xích hóa phần thiết yếu chiến lược của Đông Nam Á Châu.
- Để chận đứng ý đồ bành trướng ấy của CSQT , Hiệp Ước Liên Phòng Đông Nam Á ( South East Asia Treaty Organization – Organisation du Traité de l’Asie du Sud Est ) đã được thành lập ngày 8 tháng 9 năm 1954 gồm sáu quốc gia Hoa Kỳ,Anh,Úc,Tân tây lan, Phi Luật Tân,Thái lan sau khi Pháp thất bại ở chiến trường Bắc Việt.
Giữa lúc CSVN đem xương máu của cả triệu đồng bào Miền Bắc nước ta cống hiến cho nghĩa vụ quốc tế của chúng và xâm lăng Miền Nam
thì người chiến sĩ quốc gia , và trong suốt 20 năm sau cùng của cuộc chiến, từ 1955 đến 1975, người lính VNCH đã anh dũng chiến đấu bảo vệ nửa giang sơn còn lại của tổ quốc sau khi đất nước bị phân chia theo Hiệp định Genève 1954.
- Chính nghĩa sáng ngời của quân, dân Miền Nam đã un đúc tinh thần cao cả của người chiến sĩ VNCH khắp các chiến trường khiến các chiến hữu Đồng minh từ các tướng lãnh đến hàng binh Mỹ, Úc, Hàn, đều khâm phục. Dù tỷ lệ thương vong của quân ta không đến một phần năm của Cọng quân nhưng non hai trăm ngàn chiến sĩ ta đã hy sinh hoặc tàn phế trong suốt cuộc chiến. Tinh thần cao cả và khả năng tác chiến của quân sĩ ta là yếu tố quan trọng có tính cách quyết định trong các chiến thắng lẫy lừng đánh tan quân địch trên các chiến trường lớn trong chiến dịch Đông Xuân thảm bại của CSBV 1967-1968 với một trăm năm mươi ngàn cán binh CS thiệt mạng, từ thị trấn Lộc Ninh đến Dakto,Cồn Thiên, Khe sanh,- căn cứ do quân lính Mỹ đồn trú,- và cuối chiến dịch là cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân,tháng giêng 1968 tại nhiều tỉnh thành từ Sài Gòn đến Huế, nơi mà chúng chiếm giử lâu nhất trước khi bị quân ta và đồng minh đánh bại. Tái chiếm cố đô Huế, quân ta đã reo hò chiến thắng kéo quốc kỳ lên kỳ đài còn nguyên vẹn trước Hoàng cung Đại Nội.
- Sau khi chỉnh đốn và bù đắp quân ngủ đã bị thiệt hại nặng nề, Cọng quân lại mở một chiến dịch qui mô từ ngày 30 tháng 3, 1972, vừa để áp lực các thương thuyết gia Mỹ tại bàn hội nghị Paris, vừa chứng tỏ cho quan thầy Trung Cộng biết khả năng đánh lớn của chúng để ngăn ngừa Mao Trạch Đông nhượng bộ tổng thống Hoa Kỳ Nixon và Kissinger vừa viếng thăm họ Mao trong tháng 2 trước đấy.
- Cuộc tổng tấn công qui mô này nhắm vào tỉnh Quảng Trị ở địa đầu phía Bắc của VNCH tiếp đến là Kontum, Pleiku ở vùng Cao nguyên Trung phần đổ xuống tỉnh Bình Định giáp biển, cắt đứt Miền Trung ở đoạn giữa và xa hơn tại Nam Phần là An Lộc, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Long chỉ cách Sài Gòn khoảng 100 km về phía Tây bắc. Hơn 120 000 quân CSBV được xử dụng, cọng thêm bọn VC địa phương.Tại An Lộc, hơn 40 chiến xa hạng nặng của Nga Sô xuất hiện. Đây là lần đầu tiên mà chúng xử dụng qui mô loại chiến xa này cùng với bộ binh đến cấp trung đoàn và nhiều sư đoàn.
Nhưng quân ta đã thắng lớn trên khắp các mặt trận: Trong Mùa hè Đỏ lữa, tỉnh lỵ Quảng Trị đã được quân ta tái chiếm ngày 16.91972, sau những đợt phản công dữ dội, đẫm máu, hơn sáu ngàn quân địch đã bỏ mình tại Cỗ Thành. An Lộc đã đứng vững và giải tỏa sau hơn hai tháng chiến đấu mãnh liệt, quân ta đã đánh tan bốn sư đoàn địch và hủy diệt tất cả chiến xa của chúng.
- Trong hai trận chiến lớn Quảng Trị và An Lộc mà quân ta đã chiến thắng vẻ vang, không lực Hoa Kỳ đã tích cực yểm trợ và chịu một số thiệt hại nhưng quân ta đã hy sinh không ít xương máu đế quyết định thắng lợi vĩ đại cuối cùng. Lịch sử chiến tranh cận đại với vai trò càng ngày càng quan trọng của không quân vẫn xác định tính cách quyết định tối hậu của bộ binh mà các chiến lược gia quân sự xem như là Nữ Hoàng của trận chiến ( La reine de la bataille).Bộ binh trong hai chiến trường lớn ấy là các chiến sĩ VNCH.
- Vâng, quân lực ta, chiến sĩ ta, đã được vinh danh là những chiến binh can đảm, nhiều lúc phi thường, bởi những quan sát viên ngoại quốc khách quan, và ngay cả bởi một số truyền thông quốc tế vốn thiếu thiện cảm với Miền Nam chúng ta vì khuynh hướng chính trị của họ.Các binh chủng Nhảy Dù, Thủy quân lục chiến, Biệt Động quân, các sư đoàn bộ binh như sư đoàn 1 chẳng hạn, các đơn vị người Nhái, các Lực Lượng Biệt Kích tung vào đất địch, v…v…..đã nhiều lần được ca ngợi dù tiếng vang trung thực này lắm lúc bị ngăn cản bởi tiếng động của hòa âm « phản chiến »của cộng sản quốc tế, của dư luận tả khuynh, của những thành phần không có ác ý nhưng bị đầu độc bởi các luận điệu tuyên truyền gian trá v.v………
- Thế nhưng, sẽ là một thiếu sót lớn trong việc phục hồi sự thật về người lính VNCH nếu tôi không mạnh dạn đề cập ngay đây vụ tan rã hàng ngũ của quân ta trong trận chiến cuối cùng ở Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật tại Trung Phần và Cao Nguyên Trung Phần VN. Vụ rã ngũ này đưa đến sự thất bại của quân ta và Miền Nam lọt vào tay địch.
- Trước hết, cần phải hiểu rằng một trận chiến, dù lớn đến đâu, cũng phải nằm trong toàn bộ của cuộc chiến ở một giai đoạn, một thời điểm nào đó. Vụ triệt thoái Cao Nguyên mở đầu cho bi kịch. Lý do chiến lược của việc hy sinh hai Vùng chiến thuật 1 và 2 đã được bàn đến một cách nghiêm chỉnh khoảng một năm trước vì với sự cắt giảm tối đa viện trợ quân sự HK, quân lực ta không thể bảo vệ được toàn bộ lãnh thổ.nên phải thu hẹp chu vi bảo vệ trong hai Vùng 3 và 4. Tôi có tham dự một buổi họp về vấn đề này tại nhà Phó thủ tướng Nguyễn Lưu Viên cùng đại diện các chính đảng trong mặt Trận 6 chính đảng, và một tướng lãnh trình bày tình hình quân sự.
- Một cuộc rút quân dù một đơn vị cũng nguy hiểm huống hồ rút quân của gần cả một quân đoàn từ Cao Nguyên về Duyên Hải ( Tuy Hòa) đem theo gia đình binh sĩ và dân chúng địa phương, không thể nào thực hiện được trọn vẹn với ba ngày chuẩn bị, lại dưới sự săn đuổi của địch đang thừa thắng xông lên. Một vụ rút quân của quân đội Liên Hiệp Pháp ra khỏi một căn cứ quân sự như Na Sàn chẳng hạn đã phải nghiên cứu chuẩn bị vài tháng trước trong tuyệt đối bí mật và thi hành nhiều mưu mẹo để tránh khỏi bị địch tấn công dọc đường.
- Trong một tình trạng triệt thoái như vậy, làm sao trách cứ được người lính chiến đã không làm tròn nhiệm vụ của mình. Tuy vậy một số đơn vị đã anh dũng chiến đấu như trường hợp một đại đội Biệt Động Quân đã cận chiến mãnh liệt với địch.Hiện tượng tan rã bắt đầu từ đấy Nhưng phát súng ân huệ dành cho quân lực ta là sự bỏ rơi hoàn toàn của người đồng minh Hoa Kỳ từ mấy tháng trước, khi ngân khoản viện trợ quân sự chưa được xử dụng gần bốn trăm triệu mỹ kim đã bị quốc hội Mỹ từ chối tháo khoán cho ta để dùng mua bom đạn và nhiên liệu cần thiết cho trận chiến sôi động. Quân ta cũng chỉ được dùng hai quả bom CBU gây thiệt hại nặng và kinh hoàng cho Cọng quân đang bao vây quân ta ở tỉnh Long Khánh.
- Một mình đương cự với toàn lực Cọng quân Bắc Việt được cả Khối Cọng sản Nga, Tàu và Đông Âu hổ trợ tối đa trước và trong cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1975, quân lực VNCH đã biểu dương cho thế giới khả năng và tinh thần cao cả của người chiến sĩ quốc gia Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc của mình , cho dân tộc của mình trong một cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử cận đại của nhân loại.
- Hôm nay, kỷ niệm Ngày Quân Lực, chúng ta thành tâm tưởng nhớ đến tất cả các chiến sĩ anh hùng của chúng ta đã hiến dâng cuộc đời của mình cho chúng ta được sống tự do cho đến ngày tạm biệt quê hương
Họ đã từ giả cuộc đời nhưng sẽ sống mãi trong lòng dân tộc và Hồn thiêng của các chiến hữu của chúng ta đã quyện vào trong hồn thiêngcủa Đát Nước Việt Nam bất diệt.
Tôi xin quý Vị và các bạn cùng tôi san sẻ niềm tin sâu sắc ấy.
Xin kính chào quý Vị, thân mến chào các bạn.
Lê Trọng Quát