Ngày xưa, hơn hai mươi năm sống dưới Chính thể Việt Nam Cộng Hòa, với những hy sinh vô bờ bến của Người Lính trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật. Giờ đây, dẫu đã xa, đã mất, nhưng những hình ảnh ấy không bao giờ xóa nhòa trong tâm khảm của những người Việt Nam yêu nước chân chính.
Những mùa Xuân xưa, với những hình ảnh cũ sẽ mãi mãi còn lưu lại, khi thế hệ của chúng ta không còn nữa, thì các thế hệ tương lai, có thể trăm ngàn năm nữa, sẽ còn biết đến những hình ảnh oai hùng, cao đẹp và không kém phần lãng mạn của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.
Không chỉ hôm nay, mà mãi mãi, hậu thế, khi nhìn lại những tấm Thiệp Xuân, không mang hình ảnh sắt máu trong những “tấm thiệp” tuyên truyền như của Cộng sản, mà thật đúng với ý nghĩa, chứng tỏ tình Quân Dân với những lời chúc lành trong dịp đầu Xuân:
Ngày ấy, để Bảo Quốc An Dân, Người Lính Việt Nam Cộng Hòa chỉ biết cầm súng để bảo vệ Quê Hương, bảo vệ đồng bào, dẫu mùa Xuân tới, đêm đêm vẫn ghì chặt tay súng trên các tiền đồn xa xôi, địa đầu giới tuyến, đối diện với giặc thù xâm lăng, để hậu phương được an bình đón mừng ngày Tết, riêng Người Lính vẫn ngồi trên vọng canh, trong Phiên Gác Đêm Xuân:
Đón Giao Thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi
Bấy nhiêu tình là bao nước sông
Trời thương nhớ cũng vương mây hồng
Trách chi người đem thân giúp nước
Đôi lần nhớ bâng khuâng, gượng cười hái hoa Xuân
Ngồi ngắm mấy nóc chòi tranh
Mơ rằng đây mái nhà tranh
Mà ước chiếc bánh ngày Xuân
Cùng hương khói vương niềm thuơng
Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu
Vì mơ ước trắng như mây chiều
Tủi duyên người năm năm tháng tháng
Mong chờ ánh xuân sang, ngờ đâu đêm cứ đi
Chốn biên thùy này Xuân tới chi ?
Tình lính chiến khác chi bao người
Nếu xuân về tang thương khắp lối
Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi !
Hoặc Đồn vắng chiều Xuân:
Đầu Xuân năm đó anh ra đi
Mùa Xuân này đến anh chưa về
Những hôm vừa xong phiên gác chiều
Ven rừng kín hoa mai vàng
Chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ.
Mùa hoa năm đó ta chung đôi
Mùa hoa này nữa xa nhau rồi
Nhớ đêm hành quân thân ướt mềm
Băng giòng sông loang trăng đầy
Lòng muốn vớt ánh trăng thề viết tên em.
Đồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa?
Chờ em một cánh thư xuân, nhớ thương gom đầy
Cho chiến sĩ vui miền xa xôi…
Hẹn em khi khắp nơi yên vui
Mùa xuân ngày đó riêng đôi mình
Phút giây mộng mơ nâng cánh hoa mai
Nhẹ rớt trên vai gầy, hồn chơi vơi
Ngỡ giữa xuân vàng, dáng em sang.
Ngoài ra, khi nhắc lại những mùa Xuân xưa, người viết muốn cho hậu thế còn biết rằng, Thủ Đô Sài Gòn Hoa Lệ, Hòn ngọc Viễn Đông, vào những mùa Xuân của thập niên 1960, nếu Người Lính Việt Nam Cộng Hòa không bị bắt buộc phải buông súng, thì ngày nay đất nước Việt Nam đã văn minh, tiến bộ, cường thịnh gấp muôn lần, mà chỉ có những kẻ kém hiểu biết mới cho rằng, “ngày nay đất nước giàu hơn xưa”. Và đây là một trong những hình ảnh của Chợ Hoa Nguyễn Huệ như Shop bông Liên Hoa kiosk số 1 đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn:
Và trong thời chiến chinh ác liệt ấy, Người Lính cũng đã băn khoăn, khi ngày đêm gối súng, nằm sương, nhớ về người vợ, người yêu trẻ, qua ca khúc: Để trả lời một câu hỏi:
Một nửa ba năm anh yêu tình áo giầy quân nhân
Đường xuôi quân ghé lại đôi lần
Bao nhiêu âu lo có hôm đã hỏi người yêu bé bỏng hay mơ, Anh vắng nhà
hoài em có nhớ?
Trả lời anh yêu không gian còn bước thời gian đi
Một ngàn đêm nhớ nhiều mơ nhiều
Mưa khuya giăng tơ gió khuya hững hờ
Đèn khuya hiu hắt ngọn tương tư
Đôi lúc buồn vì anh vắng nhà.
Tình nước lòng trai! Anh hiên ngang đối diện mặt trời
Chân qua chốn nào, thương chất lên cao
Đã yêu lính trẻ, ngày về ai tiếc gì.
Từ bàn tay tiên nắn nón từng nét gửi cho anh
Để anh vui bước đường quân hành
Môi em đang xinh mắt em vẫn tình
Màu xanh vẽ nổi đôi tim ghi dấu ngày đầu ta biết mình!…
Cũng trong những năm tháng dài sống trong khói lửa của chiến tranh, có những người trai trẻ, đã bị Việt cộng bắt, hoặc vì nhiều lý do đã bị lôi cuốn vào con đường cầm súng cho Cộng sản. Họ đã bỏ lại Mẹ già, vợ con thơ dại sống trong hãi hùng, chờ đợi, qua những bài Tân Cổ Giao Duyên, với nỗi niềm của người vợ trẻ đêm đêm trông chờ người chồng yêu quý sớm rời bỏ hàng ngũ Cộng sản, để quay về với Chính Nghĩa Quốc Gia, mà người viết chỉ nhớ được một phần trong những lần đi công tác Đoàn Dân Sự Vụ như sau:
“Cây phượng vĩ đầu thôn mùa khỏi lửa
Vẫn âm thầm trút lá cạnh bờ ao
Nhớ năm xưa, ta ngỡ mới hôm nào
Ta còn bắt bướm hái hoa ngoài xóm cũ…
Mấy cánh hoa rơi như đón mừng người lữ thứ… trở về đây với đồng ruộng đón Xuân… về…
Trăng lên cao gió lộng tứ bề, giữa đêm Xuân ta nghe lòng thấm thía, quãng đường mòn sương ướt nhịp cầu tre…
Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác
Chiêu hồn quê bao khúc ca yêu đời
Anh hãy về đây sau bao ngày bão tố, cảnh của trời khua muôn màu vạn sắc, mến yêu hơn đất nước quê nhà. Tiếng ai hát ru con nghe tha thiết đậm đà.
Vài hàng gửi anh trìu mến, vừa rồi làng có truyền tin, nói rằng nước non đang mong, đi Quân Dịch là thương nói giống…
Ôi nghe Quê Hương xưa tình yêu vẫn nặng, vẫn êm đềm như những ngày thơ. Con sông vắng, bóng dừa in đáy nước, lũy tre xanh xào xạc dưới nắng đồng quê. Nhớ năm xưa cũng dưới ánh trăng thề, ta mơ đón Xuân về trên bến cũ...
Chiều chiều vợ dại, con thơ
Nhìn mây đỉnh núi bơ vơ nỗi lòng
Sống chi cái cảnh hãi hùng
Giam thân nơi chốn núi rừng quạnh hiu
Bao cơn mưa gió tiêu điều
Tuổi Xuân rồi cũng xế chiều anh ơi!
Về đây họp mặt vui cười
Bao lời ân ái, bao lời sắt son
Nước non nay buổi huy hoàng
Ai xui cách biệt lỡ làng đôi ta
Nhớ chăng những buổi trăng tà
Xăm xăm trên quãng đường xa tự tình
Bây giờ vò võ năm canh
Anh theo Việt cộng, anh đành bỏ em!
Trăng khuya soi sáng bên rèm
Anh ơi! trở lại chung niềm yêu thương
Xưa kia lạc bước, lầm đường
Nay anh tỉnh ngộ từ phương xa về
Anh ơi! Ghi nhớ lời thề
Làng quê mong đợi anh về; Anh ơi!
Theo chi Việt cộng mà theo
Cho tay vấy máu, mạng treo tơ mành
Làm cho đất nước điêu linh,
Hỡi anh Việt cộng quên tình nước non”.
Những bài ca, những lời thơ trích ở trên, đã từng được các anh chị em Tâm Lý Chiến cất cao tiếng hát, hoặc ngâm nga giữa chốn hoang vu của núi rừng, bên các Trại Biên Phòng, cũng đã khiến cho những người chồng ở bên kia chiến tuyến phải nhớ thương về người vợ trẻ, con thơ, nên họ đã từ bỏ hàng ngũ Cộng sản, trở về với Chính Nghĩa Quốc Gia. Sau đó, họ đã làm việc tại Bộ Công Dân Vụ, hoặc các Trung Tâm Chiều Hồi sau này. Họ đã được sống chung hòa ái với đồng bào tại miền Nam, cho đến sau ngày 30/04/1975, khi đất nước Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử, thì họ đã bị Việt cộng bắt xử bắn, gán cho “tội phản bội”. Có người đã bị bỏ tù trên dưới 10 năm. Sau khi ra tù, họ đã sang Mỹ theo thành phần Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam Cộng Hòa.
Riêng Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, thì đau đởn và uất hận thay, vì sau hơn hai mươi năm, Người Lính đã chấp nhận mọi gian nguy, đem máu xương, để bảo vệ từng tấc đất của Quê Hương, để rồi cuối cùng phải bị bức tử!
Và ngày tang thương, vong quốc ấy, đã có một số Dân-Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa, đành phải rời bỏ Quê Hương, và đau đớn nhất vẫn là những người đem cả gia đình, vợ, con liều chết ra đi trên những con thuyền vượt biển, lâm vào cảnh đói, khát, lạnh lẽo. Và trong số đó, có những thiếu phụ, thiếu nữ và nhiều em bé gái, đã bị rơi vào tay của hải tặc Thái Lan, đã bị chúng hành hạ dưới những bàn tay tàn bạo cho đến chết, có những bé gái, chỉ kiệt sức, nhưng chưa chết, vẫn bị bọn hải tặc quăng xác xuống biển, để làm mồi sống cho cá. Họ đã vĩnh viễn ra đi. Thảm cảnh này ai có biết chăng, hay chỉ có chính nạn nhân mới thấu được những đau đớn tột cùng này. Bởi vì: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”
Tuy nhiên, cũng có những người, dù không lâm vào hoàn cảnh đau thương trên, nhưng họ cũng tha thiết với Quê Hương như Ông Hoàng Ngọc Ẩn, ông được di tản sang đất Mỹ; sau đó ông đã viết lên những dòng thơ và đã được Nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ Nhạc, giữ nguyên văn của bài thơ: Rừng lá thay chưa:
Xuân xưa mình chung đôi bóng
Xuân này mình ngóng trông nhau
Hun hút phương trời vô vọng
Nhớ thương bạc trắng mái đầu
Em có về qua lối cũ
Phố phường chừ đã đổi thay
Thương em nửa đời hoang phế
Thương ta trọn kiếp lưu đầy!
Quả đúng như vậy, vì giờ đây, ai kia có đành quên những ngày tháng sống trong chế độ của bạo quyền Cộng sản, nên đã quay về qua lối cũ, thì có thấy chăng, phố phường chừ đã đổi thay?!
Có thấy “em nửa đời hoang phế”. Và có thấy những mảnh đời bất hạnh đã và đang “trọn kiếp lưu đày”?!
“Kiếp lưu đày” không phải chỉ những con dân của đất nước Việt Nam Cộng Hòa đã và đang sống đời Vong Quốc nơi hải ngoại, mà ngay cả những người còn ở lại cũng bị “lưu đày” trên chính Quê Hương, chỉ vì họ từng cầm súng chiến đấu chống quân xâm lăng Cộng sản Bắc Việt.
Tạm kết
Một mùa Xuân nữa lại về trên đất tạm dung, ở những vùng đất xa xôi, lạnh lẽo, nhìn những bông tuyết rơi qua khung cửa, người ta nói là “tuyết trắng đẹp”. Đúng là tuyết có đẹp và tuyết luôn luôn trắng. Trắng như những vành khăn tang đã chít lên mái đầu xanh, khi những bộ xương của các nạn nhân của Việt cộng đã được quật lên từ những hố, hầm tập thể trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân, 1968. Và trắng như những vành khăn tang của những người vợ trẻ, con thơ của những người Lính, dù đã chết, nhưng khẩu súng vẫn còn nguyên vẹn trên tay - Những người Lính đã xuôi tay, nằm trơ trọi vào thời điểm trước và sau ngày 30/04/1975. Và tuyết cũng trắng như những vành khăn tang của những người vợ, người con của các vị là Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa, đã bị xử bắn nơi núi rừng hoang lạnh, bị đánh đập, hành hạ, bỏ đói cho tới chết, trong lúc đôi chân vẫn còn trong đôi cùm sắt giữa mùa Xuân, trong phòng biệt giam, tối tăm, lạnh lẽo ở trong các nhà tù “cải tạo”!
Thế nhưng, Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, dẫu chết đi, chết trong nhà tù, chết trong những thảm cảnh, đau đớn, bi thương; Song những hình ảnh oai hùng như tác giả Nguyễn Quân đã viết:
“Từ 1970 đến nay vẫn chưa nước nào hay quân đội nào dám chủ động tấn công Trung cộng, chỉ có Việt Nam Cộng Hòa là quốc gia duy nhất dám đánh Trung cộng vào năm 1974. Thời điểm nổ ra trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa, để bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc thì Việt Nam Cộng Hòa là bên chủ động và khai hỏa tấn công truớc vào các chiến hạm của Trung cộng!”
Quả đúng như vậy, Người Lính Việt Nam Cộng Hòa đã khai hỏa, nhắm và bắn thẳng vào quân hung tàn, xâm lăng Trung cộng, kẻ thù truyền kiếp của dân Tộc trong trận Hải Chiến Hoàng Sa, 1974.
Người Lính Việt Nam Cộng Hòa với những chiến công lừng lẫy, qua những trận chiến trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật, đã khiến cho quân thù phải bạt vía, kinh hồn vẫn ngời sáng, vẫn sống! Sống mãi cùng sông núi. Sống trong lòng của người dân Việt Nam biết yêu Quê Hương. Và dẫu cho đến ngàn sau, trang Sử Xanh của nước Việt Nam vẫn đời đời ghi khắc!
Xuân Tân Sửu 2021
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
No comments:
Post a Comment