Thursday, January 22, 2015

Chuyến Bay Cuối Cùng

Lời Phi Lộ: Ngày Quốc Hận năm thứ 36 (2011), trong suốt mấy tuần lễ liên tiếp, Đài SBTN có chương trình phỏng vấn với đề tài “Survive On The Sea” (Sống Sót Trên Sóng Biển) có đề cập tới USS Kirk 1089 là chiếc tuần dương hạm có nhiệm vụ hộ tống các Hàng Không Mẫu Hạm, hủy diệt các tàu ngầm của Liên Xô, thuyền trưởng là Ông Paul Jacobs. Thời gian cuối tháng 4-1975, USS Kirk có mặt tại Thái Bình Dương thi hành sứ mạng “Gió Cuốn” di tản nhân viên Việt Mỹ ra khỏi VN. Ngày 29-04-1975 tàu đã cứu vớt được khoảng 250 người Việt tị nạn trên 13 chiếc Huey HU-1 và 1 chiếc trực thăng vận tải Chinook CH-47 của KQVNCH. Chuyện xảy ra cách đây 39 năm và nếu nhà sử học gia Hải Quân Hoa Kỳ , ông Jan Herman không đưa chuyện nầy quay thành phim “The Lucky Few” thì mọi người sẽ không bao giờ biết đến câu chuyện người phi công tài ba cựu thiếu tá Phi Công Nguyễn văn Ba, phi đoàn phó của Phi Đoàn Lôi thanh 237. Một điều rất lấy làm tiếc là khi cuốn phim ra mắt tại Washington tháng 7 năm 2010, người khách danh dự: phi công Nguyễn Văn Ba đã mắc bệnh Alzheimer 3 năm về trước. Anh không còn nhớ cũng như không còn nói được. Bịnh tình càng ngày càng trở nên trầm trọng và KQ Nguyễn Văn Ba đã vỉnh viễn ra đi vào lúc 08 giờ sáng ngày 17 tháng 6 năm 2013 tại Seattle (WA). Xin thắp 1 nén hương để tưởng nhớ đến một chiến sĩ KQ xuất sắc
Chuyến Bay Cuối Cùng
Nguyễn Văn Ba

Ngày 29 tháng 4 năm 1975 lúc 4 giờ sáng tại phi trường Tân sơn Nhất, 4 phi cơ trực thăng vận tải khổng lồ Chinook đậu song song nhau trước phi cảng hàng không dân sự Việt Nam. Sở dĩ phi hành đoàn tạm trú ở đây là vì ngày hôm trước 28-04-75, mấy  tên hoa tiêu phản loạn theo Việt Cọng đã dùng 5 phi cơ A-37 chiếm được của Không Lực VNCH do tên Nguyễn Thành Trung xuất phát từ phi trường Phan Rang đã dội bom phi trường Tân sơn Nhất để gây thêm áp lực và làm hoang mang dân chúng Sàigòn.

Phi đoàn 237 Lôi Thanh cũng đành chịu chung định mệnh và số phận của đất nước. Tất cả nhân viên phi hành đều nôn nóng và chờ quyết định cuối cùng của anh, nhưng anh vẫn còn trì hoãn cố ý chờ Lôi Thanh một, Tr/tá Nguyễn Phú Chính,  gia nhập chung với anh em rồi sẽ quyết định dứt khoát sau. Vì trước đó ngày 27-4-1975, Phi đoàn 237 được lệnh di chuyển từ Căn cứ Biên Hòa về Tân Sơn Nhất, do đó Lôi Thanh một phải ở lại Biên Hòa để điều động cùng với Chuẩn tướng Tính Tư Lệnh SĐ3KQ và đại tá Triệu, Không Đoàn trưởng KĐ43CT. Thiếu tá Nguyễn Văn Ba PĐ Phó PĐ237 được điều động về TSN chỉ huy để thiết lập cầu không vận BH-TSN.

Trong lúc nầy, các sĩ quan tham mưu của PĐ đã hoàn toàn vắng mặt từ khi nghe tin phi trường bị dội bom. Kể từ chiều ngày 28-04-1975 là những giây phút cực kỳ nghiêm trọng như ngồi trên dầu sôi lửa bỏng. Anh thấy nhiều vận tải cơ C-130, C-47, C-119 …v…v.. đã lần lượt cất cánh, chở đầy gia đình thân nhân của các sĩ quan tại BTLKQ để đi Thái Lan hoặc Côn Sơn. Một số lớn các anh hạ sĩ quan và sĩ quan trong phi đoàn còn lại cố bám theo anh như một chiếc phao cuối cùng.

Sau khi kiểm điểm lại phi cơ đang trong tình trạng tốt khả dụng hành quân, anh cắt 4 phi hành đoàn gồm: Th/t Ba, Đ/úy S, Tr/úy Q, Tr/úy K... và các anh cơ phi xạ thủ phi hành. Súng đạn được cất dấu trên tàu để sẵn sàng tùy nghi ứng biến. Anh ra mật khẩu cho mọi người và chia nhau canh gác để đề phòng đặc công CS trong đêm tối. Đêm hôm đó mọi người đều ngủ dưới bụng tàu để chờ xem có tin tức gì mới từ BTLKQ không?

Đã 3 ngày qua anh không có cơ hội để tắm rửa vì sau khi đưa bà xã và các con về tạm trú với gia đình ở Phú Lâm, là anh ăn ở ngay tại phi đoàn, cấm trại 100% như các anh em khác. Có nhiều anh em cho biết là họ đã thấy gia đình của các KĐT, KĐP của các không đoàn chiến thuật đang bận rộn đưa gia đình ra khỏi Việt Nam. Trước kia, anh có hỏi Lôi Thanh 1 về chương trình di tản, ông ta chỉ biết rất mơ hồ là chờ lịnh trên. Anh cũng thừa hiểu trong giai đoạn khẩn trương nầy, các Tư Lệnh Sư Đoàn, Không Đoàn và các sĩ quan tham mưu cao cấp của Bộ TLKQ đã bí mật giử kín tin tức để thuộc cấp khỏi hoang mang. Anh khuyên anh em phi hành đoàn nên nằm nghỉ trên nền xi măng, dưới bụng phi cơ vì nếu có đặc công bắn phá, mình sẽ có nhiều cơ hội để sống sót và cũng có lợi thế là tầm quan sát rộng rãi để có thể chống trả hữu hiệu hơn.

Lúc đầu hôm, anh nhận thấy có nhiều phi cơ vận tải của KLVNCH lên xuống chở đầy ắp người, cất cánh bay về hướng Nam, anh cũng không chú tâm lắm. Thỉnh thoảng có vài chuyến Hàng Không Dân Sự ngoại quốc đáp đêm đậu cạnh chỗ CH-47 của anh. Hành khách đa số là dân chính, ăn mặc rất tươm tất, anh nghĩ đây có lẽ là các phu nhân mệnh phụ hay gia đình các quý tộc trong chánh phủ VNCH, các anh em HSQ cho anh biết họ đi Thái Lan.

Trong giờ phút cực kỳ khó khăn nầy, ngay chính anh em trong phi hành đoàn, anh vẫn không hoàn toàn tin tưởng là họ có cùng ý tưởng như anh vì biết đâu những anh em đó có thể bị móc nối bởi đặc công CS, Anh chỉ cẩn thận im lặng để ý dò xét cử chỉ và khuyến khích anh em chờ lệnh thượng cấp. Đã nhiều đêm mất ngủ thêm vào đó những suy nghĩ miên mang, anh đã thiếp đi lúc nào không biết đến khi một trái đạn hoả tiển 122 ly rớt gần đó, tiếng nổ long trời làm mọi người phải thức giấc. Anh nhìn về phía phi đạo phía Nam, lửa đã cháy đỏ một vùng trời, hình như kho xăng bị trúng đạn phát hoả. Lúc bấy giờ vào khoảng 3 giờ 30 sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, VC đang tập trung hoả lực để pháo vào phi trường, tiếng nổ hầu như không dứt. Tiếng đại bác 130 ly cộng với tiếng hoả tiển 122 ly của địch phóng đi, rít lên trong gió nghe như tiếng ma tru quỷ rống thật rợn người.

Phi trường bị thụ động vì anh không nghe hay thấy một phi cơ chiến đấu nào cất cánh để oanh kích các mục tiêu pháo kích của địch cả. Anh cho gọi tất cả 4 phi hành đoàn lại chuẩn bị sẳn sàng chờ lệnh khi nào thấy phi cơ số 1 quay máy là các anh em hãy làm theo. Tất cả anh em nôn nóng và cố gắng chờ đợi để nghe chỉ thị của BTLKQ qua tần số của đài kiểm báo Paris. Là 1 sĩ quan đang đứng trước một tình trạng ngặt nghèo rối loạn của lịch sữ dân tộc, anh vẫn luôn tuyệt đối tuân hành kỷ luật quân đội, đặt mình dưới sự chỉ huy của thượng cấp. Như “cao-bồi” có ngựa trong tay, anh muốn bay lúc nào cũng được, nhưng anh không làm chuyện đó vì anh không phải là 1 kẻ đào binh trốn tránh trách nhiệm. Bổn phận và trách nhiệm của cấp chỉ huy không cho phép anh làm thế. Lôi Thanh 1 không có mặt nơi đây, là Phi đoàn Phó, anh là chỉ huy cuối cùng của anh em trong đơn vị. Hiện tại anh em sĩ quan, hạ sĩ quan còn lại xem anh như một chiếc phao cho họ níu lấy trong giai đoạn gần như tuyệt vọng nầy.

Khoảng 4 giờ sáng, anh nghe từ chiếc máy truyền thanh của an ninh phi cảng báo là VC đang tấn công và xâm nhập được vào vòng rào phía Tây của phi trường cách chổ phi cơ đậu không xa lắm, anh suy nghĩ có nán lại cũng vô ích. Anh cho tất cả phi hành đoàn quay máy, bay ra phi trường Vũng Tàu. Anh nghĩ Vũng Tàu nằm gần biển chắc đỡ pháo kích hơn. Anh cất cánh trước thì được biết là số 2 của Đ/u S… bị trục trặc chưa quay máy được. Anh định vòng lại để đón phi hành đoàn thì kịp lúc số 2 đã mở máy được. Tất cả 4 phi cơ trực chỉ Vũng Tàu, trời còn đang tối, anh thấy nhiều nơi chớp sáng, anh đoán là những nơi đang pháo vào phi trường.

Hợp đoàn lên cao khoảng 3,000 bộ nhìn xuống Sàigòn có những đám cháy nhỏ, nhìn lại phi trường Tân Sơn Nhất, các bồn nhiên liệu đang cháy đỏ một góc trời. Gần tới căn cứ Hải Quân Vũng Tàu, phòng không bắn lên phi cơ, anh ra lệnh cho tắt tất cả đèn navigation và hợp đoàn 4 phi cơ đã đáp an toàn xuống bãi đổ xăng dành cho trực thăng. Xong xuôi, anh ra lệnh cho anh em dời phi cơ ra chỗ trống, tắt máy và chờ lệnh của trung ương. Mọi người lo vệ sinh cá nhân, anh cũng sẵn dịp nầy thay bộ đồ bay mới. Vừa mặc xong áo, chưa kịp mang giày thì “oành, oành….” VC tiếp tục pháo kích. Anh ra lệnh quay máy, cất cánh trực chỉ Cần Thơ. Khi phi tuần đã bình phi, anh gọi cho đài kiểm soát Paris, thì không còn nghe thấy gì. Anh nghĩ: “thế là xong…”

Một vài phút sau đó anh gọi hợp đoàn để biết vị trí của họ:
- Đại Bàng 2,3,4 đây 1 gọi, cho biết vị trí?
- Số 2 bên phải 1 dậm, 1 nghe rỏ? Trả lời!
- 1 nghe 5/5. Số 3 báo cáo vị trí?
- 1 đây 4!
- 1 nghe 4 . 5/5
- Hình như Đại Bàng 3 đã tách hợp đoàn khi c/c tại Vũng Tàu.
- 1 nghe rõ.

Anh im lặng bất động trong phòng lái. Lại một cánh chim đã tách rời đoàn, không lưu luyến, không một lời từ giã lần cuối cùng. Trong giờ phút nầy, anh không có đủ thời giờ để oán hận hay phiền trách bất cứ một hành động nào của anh em. Phi cơ là tài sản của quốc gia, nhưng trong giờ phút nầy là vật sở hữu của người đang ngồi lái. Họ muốn xử dụng tùy nghi theo ý nguyện mặc dù anh là người chỉ huy trực tiếp, nhưng giờ đây chì còn là tình chiến hữu, vì các ấp chỉ huy của anh cũng tìm đường lẩn tránh hoặc đào tẩu hết rồi.

- Đại Bàng 1 đây 2 gọi!
- 1 nghe 2 5 trên 5
- Xin 1 cho phép 2 đáp xuống bờ hồ Mỷ Tho để giã từ vợ con. 1 nghe rõ trả lời!
- Đồng ý với 2. Chổ đáp bờ hồ hơi hẹp, nên cẩn thận. Hai, bốn nghe rõ trả lời?
- 2 rõ 5/5
- 4 rõ 5/5

Sau khi bay ở cao độ thấp để quan sát thành phố, anh nhận thấy ở đây hoàn toàn yên tĩnh. Chợ Mỹ Tho vẫn đông đúc người mua kẻ bán vẫn không có gì là rối loạn, giặc giã, anh cho lệnh 3 chiếc cùng đáp xuống. Ba chiếc Chinook đậu choán gần hết bờ hồ. Sau khi tắt máy, ai nấy đều có vẻ thoải mái, hình như nơi đây không có cảnh bom đạn náo loạn gì hết, chắc chắn dân chúng vẫn chưa biết chuyện gì đã xãy ra tại Sàigòn. Trong lúc Đ/u S… chạy về thăm vợ con trong thành phố, anh bàn với anh em nên tạm trú ở đây mà không về phi trường Cần Thơ nữa. Tất cả đều đồng ý. Tr/u K… phụ trách sang phi trường Đồng Tâm để lấy thêm xăng cho 3 chiếc phi cơ. Thời gian đó, hầu hết các phi hành đoàn còn độc thân, ngoại trừ tôi và Đ/u S… đã có gia đình. Bà xã và 3 đứa con của tôi còn đang tạm trú ở Phú Lâm, nên tôi quyết định bay về Phú Lâm để bốc gia đình rồi sau đó hãy tính. Bây giờ khoảng 9 giờ 30 sáng ngày 29-04-1975, sau khi căn dặn anh em, anh sẽ trở lại khoảng 11 giờ trưa. Anh cùng Tr/u L… thượng sĩ C… và xạ thủ thượng sĩ M. cùng bay về Phú Lâm.

Thời tiết miền Nam, vào mùa nầy những buổi sáng thường có mây rất dầy và ở cao độ thấp. Anh cũng thừa biết là CS thường đặt súng phòng không ở ven đô, vùng Bình Trị để bắn phi cơ lên xuống phi trường, nên anh cho phi cơ bay cao trên các tầng mây trắng, để tránh phòng không và hoả tiển SAM. Khoảng 15 phút sau anh đã nhận diện được sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn khói lửa mịt mù. Giảm cao độ luồn lách qua những đám mậy trắng, anh nhận rõ ngôi nhà của ba má anh phía dưới. Quần 1 vòng thập thấp xung quanh, anh nhận thấy Ba Má, vợ và các con anh chạy ra sân ngó lên. Anh chồm ra đưa tay vẫy và đáp xuống khoảng đất trồng phía trước.

Thượng sĩ C. mở cửa phía sau đuôi tàu, chạy ra rước giùm bà xã, 3 đứa con của anh và 2 đứa cháu lên tàu. Lúc nầy thì dân chúng hiếu kỳ bu xung quanh đó, chạy ra xem đầy đường. Xe cảnh sát cũng hụ còi chay lăng xăng, hình như họ cũng không biết chuyện gì đang xảy ra. Trong 3 phút, Thượng sĩ C. báo cáo an toàn, “ramp up” sẵn sàng “zu lu”. Anh cất cánh với sức máy tối đa. Chiếc Chinook to lớn như con chiến mã ngoan ngoãn bay thẳng lên không trung một cách nhẹ nhàng, để lại phía sau 1 trận cuồng phong thật khủng khiếp. Sau nầy Má tôi nói là phi cơ cất cánh đã làm sụp một căn nhà phía sau, ở nhà phải đền tiền cất lại cho người ta.

Trong khoảnh khắc anh đã đưa phi cơ lên khỏi các lớp mây trắng, cũng là lúc đèn đỏ báo hiệu máy số 2 có mạt sắt.Theo thường lệ là phải tìm chỗ đáp càng sớm càng tốt, nhưng tình trạng nầy thì không thể được vì anh biết phía dưới là vùng Bình Chánh, giờ nầy chắc chắn là có nhiều du kích đang tiến về Sài Gòn, vã lại anh tin tưởng vào khả năng  bản lảnh để đưa  phi cơ đến chỗ anh toàn. Phía trái không xa lắm, anh nhìn thấy một chiếc HU1 đang bay về hướng Mỹ Tho, anh mở tần số cấp cứu gọi để xin hộ tống nếu có trường hợp phải đáp ép buộc, nhưng không được trả lời. Tuy nhiên, mọi chuyện rồi cũng xong xui êm đẹp cả. Cuối cùng phi cơ vẫn đáp được một cách an toàn tại bờ hồ Mỹ Tho. Các anh em vẫn còn ngồi đây chờ, họ rất mừng rỡ khi thấy anh trở lại đúng hẹn.

Lúc nầy vào khoảng 11 giờ trưa. Anh có giữ 1 số tiền quỹ của Phi Đoàn do Đ/úy L… giao lại hôm trước, cộng thêm số tiền của bà xã  mang theo, anh đưa tiền cho anh em đi ăn trưa, và du hí với caq1c em gái Mỹ Tho lần chót . Anh đang ngồi nói chuyện với bà xã và cho mấy đứa con ăn uống. Đứa nhỏ nhất Mina con gái vừa mới được 8 tháng tuổi, thằng  trai kế là Mika vừa đầy 3 tuổi và con trai đầu lòng Miki được 7 tuổi. Cũng vừa lúc đó các anh em dẫn đến trước mặt anh một cụ già khoảng độ 60 tuổi. Ông tự giới thiệu là cha của Chuẩn tướng T… Tư Lệnh SĐ3KQ Biên Hòa. Vì đường bộ Sàigon Mỹ Tho bị Việt Cộng chận, nên chạy xe không được.
Ông nhờ nếu  có bay về Sàigòn cho ông xin theo. Anh báo là tất cả anh em đều chạy nạn từ Saigon, hiện tại chưa quyết định sẽ phải đi về đâu trong những giờ phút tới. Vã lại Tướng T… và Đ/tá T… đã bặt tin từ ngày hôm qua. Ông ta lắc đầu có vẻ chán chường

- Nếu vậy, xin Th/tá  vui lòng đi đâu cho tôi theo đó.
- Không có gì trở ngại, xin bác cứ ngồi đây chờ!

Anh quan sát lại bản đồ và bàn luận với anh em là không thể nào ở đây được trong đêm nay, vì vị trí mất an ninh, CS có thể tấn công bất cứ lúc nào. Bây giờ nên tìm một hòn đảo ở ven biển, để tạm qua đêm chờ nghe tin tức  Saigon. Số súng đạn có rất nhiều trên tàu, chúng ta có thể tử thủ nếu cần và mọi người đều đồng ý với ý khiến đó của anh. Anh nhờ tài xế lái chiếc Toyota của ông cụ, đưa ra phố để mua thêm lương thưc dự trữ. Anh mua  2 bao gạo, 100kg, 20 kí đường tán, chục chai nước mắm, một số khô cá lóc,  cùng thực phẩm khô và dụng cụ làm bếp,nồi niêu soong chảo v.v.. Số lượng thực mới mua dự trù nầy cũng nuôi sống được anh em trong thời gian chờ đợi. Lúc nầy, Tr/u K. cũng đã đổ xăng cho chiếc phi cơ cuối cùng, bước lại gần cho anh biết những tin tức anh vừa nhận được trên tần số.

- Tôi nghe trên tần số guard, hạm đội Mỹ kêu gọi tất cả qanh em pilot nên tìm cách di tản ra Đệ Thất hạm đội! Thiếu tá nghĩ sao?
Sau một phút suy nghĩ, anh lắc đầu:
- Tại sao chúng ta phải nghe theo lời tụi Mỹ? Mình nên đợi để nghe tin tức từ Đài Phát Thanh Sàigòn xem tình hình như thế nào rồi sẽ tính sau!

Hình như Tr/u K. đã hiểu ý định của anh, nên không bàn luận gì thêm nữa, anh trở về tàu nằm nghỉ. Bây giờ khoảng 1giờ trưa, tất cả anh em đều có mặt đầy đủ. Đ/úy S.. và vợ con cũng đang ở chung với anh em trên tàu, bỗng th/tá Ba sực nhớ lại trên tàu còn có mấy chai rượu Napoleon mà Đ/tá T.. đã cho mấy ngày trước, lúc ông dọn nhà di tản về Sàigòn. Anh lấy ra mời anh em dùng để gọi là tiệc rượu cuối cùng của Phi đoàn 237 Lôi Thanh.

Trong lúc anh em đang vui vẻ để tạm quên đi những cái gì nặng nề, đau đớn và hoang mang nhất trong cuộc đời binh nghiệp thì lúc đó có 1 ông Tr/tá Bộ Binh mang phù hiệu Tổng Tham Mưu lái xe Jeep đến. Với đôi mắt gần như thất thần, sợ hãi, sự lo lắng hiện lên trên khuôn mặt và cử chỉ của ông ta:

- Các anh định đi đâu vậy?
- Chúng tôi đang chờ lệnh Sàigòn
- Trời ơi! Các anh chưa biết sao? Đại tướng Tổng Tham Mưu trưởng đã dông mất rồi. Bộ Tham Mưu không còn ai hết. Tôi là người sau cùng vừa chạy khỏi xuống đây. Nếu các anh ở đây lâu hơn nữa, Đ/tá Tỉnh trưởng Mỹ Tho sẽ cho lính giữ các anh lại, để đưa gia đình họ di tản, nếu các anh không tin, chờ tôi chạy về mang gia đình đi theo các anh luôn.
- OK! Ông về rước vợ con ông đi!

Sau đó Th/tá Ba gọi anh em phi đoàn lại họp kín phía bên trong nghĩa trang quân đội Mỹ Tho.

- Ông ta nói cũng có lý! nếu ở đây lâu sẽ kẹt cả đám. Bây giờ các anh em tính sao? Nên ra Đệ Thất Hạm Đội hoặc bay đi nơi khác?

Tr/úy K..nhanh nhẹn trả lời:
- Tôi nghỉ mình nên bay ra hạm đội cho an toàn hơn, rồi sẽ tín sau. Th/tá và các anh em nghĩ sao?
- Nếu tất cả đã đồng ý như Tr/u K… đề nghị thì chúng mình cùng đi. Còn người nào có gia đình hoặc muốn ở lại thì anh em cứ tự nhiên. Trươc tình thế khó khăn nầy tôi không ép buộc anh em phải theo tôi.

Sau đó có vài người xin ở lại, vì họ không biết nếu ra đi rồi cuộc sống của họ sẽ ra sao. Còn phần lớn các anh khác đồng ý ra đi. Anh bắt tay từ giã mọi người ở lại và chúc gặp nhiều may mắn. Anh chia làm 2 phi hành đoàn, một do anh lái, còn chiếc thứ hai do Đ/úy S… chiếc thứ ba giữ lại trên bờ hồ để dự phòng.

Lúc nầy vào khoảng hơn 1giờ trưa, hai chiếc Chinook cất cánh tại bờ hồ, lấy hướng 090 độ, trực chỉ Đông Nam Vũng Tàu. Trên tần số Guard, Đệ Thất hạm Đội đã gọi và cho biết vị trí của chiến nhạm Mỹ đang di chuyển ngoài khơi Thái Bình Dương.

Trên cao nhìn xuống, những cánh đồng  xanh rì, những con sông uốn khúc, những mái nhà lá ở vùng Long Định hình như họ đang thổi cơm trưa, khói trắng toả lên từng cụm nhỏ mỏng manh trên mái lá. Quê hương miền Nam, có vẻ thái bình và đẹp đẻ kia, những người dân quê hiền lành và chất phát dưới đó, có lẽ họ đang chờ đợi bữa cơm trưa. Họ đâu nghĩ rằng các anh đang chạy loạn, đang sắp sửa rời bỏ quê hương, nơi anh và các bạn đã chôn dấu biết bao kỷ niệm, từ thời thơ ấu tung tăng cắp sách đến trường làng cho đến ngày đầu quân vào binh nghiệp. Hôm naychiến tranh không còn xảy ra tại vùng quê hẻo lánh nữa, mà nó đã mang đến ngay tại thủ đô Saigon, tại hpi trường quốc tế Tân Sơn Nhất. Dân chúng thủ đô đang nếm mùi bom đạn của cái gọi là Giải Phóng Miền Nam, đang rình rập mang chế độ vô sản, bần cố nông, vô thần, để đem vào canh tân Miền Nam, hướng dẫn cả dân tộc trở về thời kỳ bán khai trung cổ!?.Anh trở về với thực trạng khi nghe copilot làTr/u K…kêu lên:

- Thiếu tá có thấy cụm khói đen hướng 11 giờ trên biển đó không ? Đó là check point do tụi Mỹ cho.
- OK! Mình cứ giử hướng bay tới, chắc Hạm Đội tụi nó không xa lắm.

Chiếc số 2 của Đ/úy S… nhanh nhẹn hơn, bay trước chúng tôi. Đã 20 phút bay trên biển, bờ biển VN mờ dần từ phía dưới chân trời xa thâm thẩm. Anh hơi ngại, vì vợ con trong tàu không có lấy một chiếc phao cấp cứu, nếu phi cơ trở chứng thì chết cả lũ dưới biển sâu . Anh cố mở mắt thật to để tìm kiếm dấu vết gì của hạm đội, nhưng sương mù dầy đặc, tầm nhìn giới hạn nên chẳng thấy được gì. Lúc đó Tr/u M. đưa tay chỉ về hướng 12 giờ:

- Kìa Thiếu tá thấy gì không?
- Ồ! hình như 1 chiếc tàu??!

Một sự vui mừng khó tả hiện lên gương mặt mọi người. Như kẻ đang chết đưối vớ được phao cứu mạng. Bảo Tr/u K.. quan sát chung quanh còn anh cho phi cơ vòng  một lược xung quanh tàu để xin đáp. Đây là tàu tuần duyên  nên chỉ có một bãi đáp nhỏ dành cho HU-1 còn chiếc Chinook  của anh quá lớn nên không thể hạ cánh được.

 Lúc đấu thủy thủ đoàn khoát tay đuổi đi, thậm chí còn dùng shotgun để bắn đe doạ. Chiếc tàu tuần vẫn chạy nhanh chứ không chịu dừng lại. Anh cứ bám sát theo, cuối cùng họ đành chịu thua, dừng lại đứng yên một chỗ. Không đáp được nên anh phải hover một chỗ thật chính xác, vì tàu có quá nhiều cột antenna cao. Mọi người lần lược nhảy xuống. Phía dưới có thủy thủ Mỹ đứng chờ sẳn để chụp từng người, nếu không, có thể bị gãy chân dễ dàng vì anh không thể xuống thấp hơn nữa.  Vợ con anh cũng chịu cùng chung số phận như những người khác trên tàu. Độ vài phút  mọi người đã xuống an toàn, anh bảo Tr/úy M…:

-Bây giờ tới phiên anh. Nhưng trước khi nhảy xuống, anh hãy xem lại phía sau tàu còn có ai bị kẹt lại không, tôi sẽ làm Ditching. Tr/úy M. cởi bỏ áo giáp, tháo dây an toàn bước ra khỏi phòng lái, đi ra phía sau kiểm soát lại lần cuối. Vài giây sau đó M.. đưa ngón tay cái lên trời, ra dấu OK. Anh gật đầu cám ơn. Chốc lát sau đó anh thấy Tr/úy M.. đã đứng trên tàu khoác tay chào.

Bây giờ là khoảng 2giờ chiều ngày 29-04-1975, anh đưa chiếc Chinook ra khỏi vị trí hover, dang ra cách  tàu thật xa khoảng 200 bộ. Vài chiếc máy quay phim của Hải Quân Mỹ nhắm thẳng vào chiếc chinook anh đang lái. Họ không để mất  đi một cơ hội hiếm có nầy, vì họ biết chắc anh sẽ làm Ditching. Chiếc CH47 đã ở vị trí an toàn, anh đưa tay kéo chốt thoát hiểm, cho cánh cửa sổ trái phía bên anh văng ra ngoài và rơi xuống biển. Từ từ lần mò, một tay lái một tay cởi áo giáp, áo bay và súng đạn một cách hết sức khó khăn. Lẽ ra anh phải nhờ Tr/úy M… lái để có thời gian rảnh rang cởi bỏ những cái lỉnh kỉnh  trước khi anh M… nhảy ra khỏi tàu. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã xong rồi ( kinh nghiệm nầy chắc không bao giờ tái diễn lần thứ hai). Anh đã sẳn sàng trong tư thế cuối cùng. Hải quân Mỹ cũng đã hạ phao cấp cứu, mọi việc xong xuôi. Họ đang chờ cách đó khoảng 200 bộ. Anh đưa ngón tay cái lên trời, ra dấu sẳn sàng. Những cánh quạt to lớn quay vù vù, đan vào nhau ở phía trên đầu, như những thanh long đao bén nhạy. Nếu sơ hở trong đường tơ kẻ tóc, có thể thân xác sẽ trở thành những miếng thịt bầm vụn nát, làm mồi cho cá biển. Sự thật tất cả phi cơ CH-47 của phi đoàn hầu như không có đủ điều kiện để đáp xuống nước như khi đang học ở trường huấn luyện Fort Rucker., vì nước sẽ tràn vào trước khi cánh quạt ngưng quay. Do đó chỉ còn làm Ditching mà thôi. Anh đưa mắt kiểm soát lại lần cuối: các đồng hồ phi kế,  rotor RPM v.v… tất cả đều tốt đẹp, trong vòng an toàn. Anh đẩy nhẹ cần lái về phía trước và sang bên phải, cùng lúc chân phải đạp vào pedal, chiếc Chinook ngoan ngoản trườn tới trước và dạt về hướng phải, cùng lúc đó anh nhanh nhẹn phóng mình ra cửa sổ bên trái và rớt xuống biển. Anh cố lặn sâu xuống nước, nhưng nước biển mặn cứ đẩy anh trồi lên trên mặt biển. Anh cố mở mắt nhìn phi cơ, lúc nầy nó như một con khủng long đang cuồng nộ giận dử, cánh quạt chặt ầm ầm trên mặt biển, thân xác khổng lồ của nó còn đang đu đưa, dẩy dụa chưa chịu chìm. Anh cố gắng lặn trở lại, vì chỗ phi cơ rớt không xa lắm, cánh quạt cỏ thể gảy văng ra như miễng bom, giết người một cách dễ dàng. Độ vài chục giây sau, anh lại trồi lên mặt nước. Bây giờ tất cả đều yêm lặng, phi cơ chưa chìm hẳn, vẫn còn nổi lấp xấp trên mặt nước.. Vừa lúc ấy thuyền cấp cửu của Hải Quân Mỹ cũng vừa chạy tới vớt anh lên. Khi bước lên boong tàu, anh chỉ còn quần đùi và chiếc áo thun mặc trên người. Không biết người thủy thủ nào đó thấy anh thương hại đã cho anh một chiếc áo mưa bằng plastic màu vàng để choàng vào cho đở lạnh. Sau đó viên thuyền trưởng đến bắt tay anh, cám ơn sự bình tỉnh của anh đã đưa được những hành khách  xuống tàu một cách an toàn và xin chụp ảnh lưu niệm.

Một chuyến bay sau cùng của đời binh nghiệp, một sự đóng góp, hy sinh của một thời trai trẻ cho quốc gia dân tộc. Anh luôn luôn có một hoài bảo và ước vọng là đất nước Việt Nam được sớm thanh bình, hạnh phúc. Rồi kết quả sau cùng thật chua chát, đ ắng cay. Gia tài của mẹ Việt Nam, anh đã mang theo một vợ ba con, chiếc quần đùi và cái áo thun ba lỗ!!

Nghĩ lại anh em trong đơn vị, phi đoàn 237 Lôi Thanh, anh rất hảnh diện là đã làm tròn bổn phận của một cấp chỉ huy sau cùng. Anh không lừa phỉnh, bỏ đơn vị để trốn tránh anh em, lo cho riêng mình. Ngay cả đến giờ phút cuối cùng, anh cũng đã tự nguyện hy sinh như một thuyền trưởng để cho người khác được an toàn tánh mạng. Anh không thích tự đề cao mình, nhưng chính đó là sự thật. Anh cũng không muốn  nhắc đến tên tuổi những anh em đã bỏ hợp đoàn trốn đi trước. Anh nghĩ rằng vì quá sợ hãi cho tính mệnh và gia đình mình nên anh em mới có hành động ngoài ý muốn như vậy.

Anh không quên cám ơn Thượng sĩ C.., thượng sĩ M.. và Tr/úy L…đã cùng anh bay trở về Phú Lâm để rước vợ con anh trong phút chót. Cũng xin cám ơn Đ/úy S… Nếu không có anh xin đáp xuống Mỹ Tho, thì có lẽ vận mệnh của chúng ta đã đổi khác nhiều. Anh cũng cám ơn Tr/úy K và tất cả anh em phi hành đoàn đã thi hành nhiệm vụ mà quân đội đã giao phó cho đến giờ phút cuối cùng.

KQ Nguyễn Văn Ba, Seattle, WA.
Th/tá Nguyễn Văn Ba
Phi Đoàn Phó PĐ237 Lôi Thanh

No comments: