Friday, July 28, 2023

Mộ phần Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tại tiểu bang Washington State

Cuối tuần qua, chúng tôi cùng một số bạn trẻ có dịp viếng Holyrood Cemetery – 205 NE 205th St. Shoreline, WA 98155. Tình cờ chúng tôi phát hiện mộ phần Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam trong nghĩa trang này (xin xem hình).
Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì cộng đồng người Việt tỵ nạn CS của chúng ta tại tiểu bang WA dường như không hay biết về mộ phần này của Tướng Nguyễn Khoa Nam, một cấp chỉ huy, một vị “Sinh vi tướng, Tử vi thần “. Ngay cả người lập di mộ Thiếu tướng Nam cũng không phổ biến để đồng bào và các cựu quân nhân có cơ hội đến chào kính vị chỉ huy lần cuối cùng trước khi đi vào miền viên miễn. Thiếu tướng Nam đã được tôn vinh như một vị anh hùng, không còn giới hạn trong phạm vi gia đình và quân đội, mà là của cả dân tộc VN.
Có thể có người thắc mắc không biết trong mộ phần Thiếu tướng Nam có hài cốt hay di vật gì không? Thiết nghĩ điều đó không quan trọng. Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc VN, hơn 4000 năm, từ Đinh, Lê, Lý, Trần, trải qua bao thời đại, đất nước VN đã sinh ra biết bao nhiêu vị anh hùng dân tộc, nào là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng Trắc – Trưng Nhị, Lý Thường Kiệt, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản …v…v… Có vị nào để lại hài cốt và di vật đâu mà chúng ta vẫn lập đền miếu để tôn thờ cho đến đời nay? Chúng ta không tôn thờ di cốt, mà chúng ta tôn thờ tinh thần yêu nước, bảo quốc an dân, đức độ và tài lãnh đạo, hết lòng sống và chiến đấu với thuộc cấp ba quân của các vị đó. Mộ phần của Thiếu tướng Nam là biểu tượng cho những tinh thần đó. Chúng ta rất cần biểu tượng của Thiếu tướng Nam để nhắc nhở cho những thế hệ sau, cho dù sinh sống ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng đều có thể noi gương Thiếu tướng Nam, làm rạng danh cho dân tộc VN, một dân tộc có hơn 4000 năm chống giặc ngoại xâm, tránh họa diệt vong và đồng hóa của giặc phương Bắc.

Nhân đây chúng tôi cũng dự trù chuyến viếng thăm tập thể mộ phần Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam cho đồng bào và các vị cựu quân nhân, chiến sĩ QLVNCH, những người cao tuổi, sức khỏe hạn chế hoặc không có phương tiện trong một ngày gần nhất. Quý vị nào muốn tham gia xin liên lạc với anh Đào Duy Hưng ở số 206-335-8212 để chúng tôi tiện việc thuê xe.

Hy vọng ngày đó chúng ta sẽ có một ngày thăm viếng trang trọng với đầy đủ lễ nghi quân cách dành cho một vị anh hùng dân tộc. Để các vị cựu quân nhân, chiến sĩ QLVNCH có cơ hội cuối cùng chào kính vị chỉ huy trước khi mờ dần theo dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam oai hùng, bất khuất. Mong lắm thay!

Đoàn minh Tâm

Hắc Long Ngôn Nguyễn Đoàn 72 và Hắc Long Nam Nguyễn Đoàn 11 Sở Công Tác Nha Kỹ Thuật, thăm mộ và thắp hương mộ phần Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam 5.8.2023.



Cathy Moriarty <cathym@mycatholiccemetery.org>
To:hoavanpham@yahoo.com
Mon, Jul 31 at 3:25 PM

Dear Hoa,

Attached is a map showing where General Khoa Nam Nguyen's cenotaph memorial is.  It is on graves 3- 4 - lot - 3412 - Sec. 3.  As you can see from your pictures there is a beautiful stone and monument. If you would like to stop by our office between Monday - Saturday 8:00 - 4:30, we can take you to his memorial. Let me know if you have other questions.

Thank you,

Cathy Moriarty
Family Service Director
Holyrood Cemetery
206 363-8404
206 334-8740
*****************************************

Hủ tro cốt của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, 45 năm ngày ấy và bây giờ

Bài VI VU

Hủ “Tro Cốt” của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã được người thân & đồng đội đưa về từ Cần Thơ vào năm 1984, hiện đang nương náu tại Cửa Từ Bi Nhà Phật ở chùa Già Lam, số 498/11 Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, Sài Gòn.

Ngày thứ Hai, 4 tháng 5, 2020 Vi Vu đã đến đây để viếng Thiếu Tướng nhằm tỏ chút lòng thành tri ân ngưỡng mộ vị tướng quân sinh Vi Tướng, tử Vi Phật bởi ngài là chân dung của Bồ Tát hóa thân nơi cửa thiền môn.

Tướng Nguyễn Khoa Nam lúc còn sanh tiền không có gia đình vợ con, thường tâm sự với những người lính dưới quyền rằng, khi đất nước thanh bình người sẽ tìm đến một ngôi chùa nào đó ở Cần Thơ, nơi miền Tây sông nước hiền hòa xin vào tu tập để hóa thân Phật Pháp góp phần tịnh đô chúng sanh.

Nhưng thế sự đổi dời, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa gãy súng khiến vị tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 4 không còn thời cơ chọn lựa ngoài cái chết oanh liệt của người lính trên chiến trường trận mạc đền nợ nước để tỏ rõ khí phách của đấng nam nhi thời loạn.

Sáng ngày 1/5/1975, người tự kết liễu đời mình!!!!

Gần đây rộ lên những tin đồn thất thiệt về Hủ Tro Cốt của ngài, từ cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, đặc biệt ở Mỹ, trên các trang mạng xã hội & hầu hết đồng bào Việt Nam… cho rằng, Chùa Già Lam tách ra những tro cốt mà từ lâu không có thân nhân tới lui thăm viếng thì xếp riêng để đưa đi chỗ khác nên có nguy cơ thất lạc, hoặc phải đóng rất nhiều tiền để thay mới thì được ở lại, cũng có nhiều người quá khích cho rằng chùa này là quốc doanh, sư trụ trì là của nhà nước cộng sản cài vào nên muốn ăn tiền, sư sải ở đây toàn là ác tăng…

Tôi sinh sống ở Sài Gòn nên đến chùa Già Lam là trong tầm tay, ngoài việc kính viếng tướng Nam, tôi tự nhận trách nhiệm về mình đến nơi đây để tìm hiểu ngọn nguồn đúng, sai.

Toàn bộ những lời bình luận, những cay cú hằn học trong đánh giá, quá khích trong giá trị ngôi chùa, họ biến nơi đây thành bãi tha ma chứ không là nơi tu hạnh, cũng nên cảm thông cho họ bởi không phải vì chúng ta yêu mến tướng Nam đó sao.

Ngược lại tất cả, quang cảnh ngôi chùa Già Lam u tịch, trang trí đơn sơ thanh cảnh, hẻm vào tuy nhỏ nhưng đủ cho các loại xe con chạy hai đầu. Tôi đến nơi đúng lúc nhà chùa cúng ngọ, tiếng tụng kinh nhẹ nhàng thanh thoát khiến con người muốn tìm đến cõi Niết Bàn đủ đầy các âm thanh Chân Thiện Mỹ.

Tiếp tôi là một vị sư già, tôi đưa ra những thông tin như vừa kể trên đây, vị sư ân cần “Nam Mô A Di Đà Phật” rồi nhẹ nhàng nói, “Ở đây không bao giờ có vậy.” Nói xong, sư ngồi im như muốn thu vào tim mình bài thuyết pháp mỗi ngày cho những linh hồn tội lỗi để nhằm phổ độ chúng sinh!

Tôi nghe thế lòng vui mừng khấp khởi và đưa ra nguyện vọng tiếp theo là mong muốn xin được viếng tướng Nguyễn Khoa Nam, vị sư già nhanh nhảu đưa tôi lên tầng hai của căn phòng rộng hình chữ nhật đối diện là đài sen Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát.

Không tin vào mắt mình, toàn bộ có thể là hàng vạn Hủ Tro Cốt đã được thay đổi bằng hủ mới gốm sứ có vân màu xanh lam đẹp, được trang trí thứ tự theo từng hàng dọc ngang đặt trong nhiều tủ kính phản chiếu ánh nắng chiều trang trọng. Như đã thuộc lòng từng vị trí, nhà sư đưa tôi qua nhiều lối đi, rồi rẽ vào căn phòng có vô số hủ tro cốt. Nhanh nhẹn, vị sư già chỉ ngay vào một hủ và nói, “Ông Nam đây.” Tôi nhìn lên, tướng Nguyễn Khoa Nam đang hiển hiện trước mắt, không kìm được xúc động, tôi khóc như chưa từng được khóc, khi ngước nhìn qua thì vị sư già đã biến mất tự bao giờ.

Tôi đứng im lặng trước vị tướng quân rất lâu, rồi trở ra phòng thờ tro cốt, kính cẩn đốt ba nén nhang trước vong linh của muôn người, trong đó có Tướng Nguyễn Khoa Nam mãi trong lòng tôi.

Xuống sân, tôi đi tìm vị sư già để bái lạy tỏ bày lòng tôn kính biết ơn, nhưng không có!

Trên đường về nhà, tôi cho xe chạy chậm để cảm nhận một thời khắc trong đời của ngôi chùa từ bi và tướng Nguyễn Khoa Nam nơi cửa Phật đang hướng về cõi Niết Bàn.

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.

(Nguồn: Vi Vu / Facebook)

Hủ đựng tro cốt cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. (Hình: Nguyễn Khoa Danh)
(Vi Vu / Facebook)
(Vi Vu / Facebook)

Sunday, July 23, 2023

TƯỢNG ĐÀI TQLC. Chuyện Về Bức Tượng TQLC ở Sài Gòn

 

(Xin gửi bài này như một món quà Năm Mới đến tất cả các CỤ đã một lần đứng ngắm bức tượng TQLC. Xin bái phục các Mũ Xanh đã góp công sức thực hiện và bảo vệ bức tượng, và cám ơn quý anh đã cung cấp tin tức để viết– Tác Giả)
“Lão Xit đẻ ở nước Nga, cớ sao sang đứng vườn hoa nước mình?”
Thằng cháu con ông anh ngâm xong câu thơ rồi quay sang hỏi tôi:
– Chú có thể cho cháu biết “lý lịch” của bức tượng hai người lính TQLC trước tòa nhà Quốc Hội ở Sài-Gòn được không?
– Ư, ư ! Tưởng cháu hỏi lý do lão Xít lão Mao tại sao lại bị gậy sang ăn mày nước ta thì chú sẽ giải thích cặn kẽ rõ ràng, còn hỏi về bức tượng TQLC đứng trước tòa nhà quốc hội thì quả thực chú không rành lắm, chú không biết!
– Chuyện lão Mao lão Xít muốn thịt dân ta thì tụi cháu cũng còn biết, huống chi là người lớn. Nhưng các chú thường hãnh diện là lính Mũ Xanh, đi hành quân từ Bến Hải đến mũi Cà Mau, từ Cao Nguyên xuống đầm lầy, có mặt khắp mọi miền đất nước, vậy mà ngay tại trung tâm thủ đô VNCH có bức tượng TQLC nổi tiếng mà chú không biết gì về lý lịch của bức tượng này thì lạ thật..!
Thằng cháu con ông anh bỏ lửng câu hỏi rồi mỉm cười khiến tôi nóng mặt. Nhưng sự thật là vậy thì biết phản ứng ra sao, thôi thì đành hứa với cháu là chú sẽ tìm hiểu rồi trả lời sau.
Nghĩ lại mà ngượng và buồn, gia đình tôi có ba anh em đều là lính và hiện tỵ nạn tại Little SG nên mỗi cuối tuần, anh em tôi luân phiên họp mặt cả ba gia đình với con cháu, nhân dịp này cha chú kể chuyện đời lính cho thế hệ sau nghe. Người em kể về đời lính Không Quân, ông anh Cảnh Sát nói chuyện đô thành, còn tôi TQLC nói về hành quân và lao tù CS, như vậy là đầy đủ những chuyện trên trời dưới đất và hỏa ngục. Vậy mà tôi lại mù tịt về bức tượng nổi danh của Binh Chủng sừng sững giữa trung tâm thủ đô!
Buồn thật! Ta buồn ta đi hỏi.
Hỏi từ các anh cao đến em thấp trong binh chủng, hỏi trên diễn đàn TQLC, mỗi người cho một tin, góp một ý, tất cả đều do trí nhớ cách nay đã hơn 40 năm. Những ý kiến tương đối chính xác, nhưng rất tiếc không tìm được tài liệu trên giấy tờ để chứng minh cụ thể nên tôi chỉ xin ghi lại, xem như một giai thoại về bức tượng hơn là một “tài liệu” chính thức. Vì vậy nếu có những chi tiết không phù hợp với ý nghĩ của bất cứ ai thì xin miễn trách.
Năm 1966, Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ giao cho mỗi đơn vị quân đội dựng một biểu tượng cho đơn vị mình tại các công viên hay công trường trong thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, những kiến trúc ấy như sau:
Hải Quân dựng tượng thánh tổ Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng.
Không Quân với “Tổ Quốc và Không Gian” trước tòa Đô Chính.
TQLC với bức tượng 2 người lính ở vườn hoa trước Quốc Hội.
Pháo Binh có biểu tượng trước hội trường Diên Hồng.
Truyền Tin với thánh tổ Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành.
Thiết Giáp là Phù Đổng Thiên Vương tại bùng binh ngã sáu Saigon.
BĐQ có tượng 3 người lính tại ngã sáu Lý Thái Tổ.
Nhẩy Dù có biểu tượng đặt trước bệnh viện Sùng Chính.
Quân Nhu đặt biểu tượng trên đường Hồng Bàng Chợ Lớn.
Quân Cụ đặt biểu tượng trên đường Khổng Tử.
Cảnh Sát đặt hai nhân viên đứng thao diễn nghỉ trên đường Thành Thái v.v..
Cái lý do thủ tướng cho thiết lập các biểu tượng này là muốn thay đổi nét mặt của thủ đô đẹp hơn và cũng mang một dáng dấp “Nội Các Chiến Tranh”. Nhưng thời gian đó cũng có những cuộc biểu tình phản chiến thường tập trung tại những địa diểm này để phản đối chính phủ, đồng thời nhiều tin đồn là một số tu sĩ của tôn giáo nọ dự định chiếm các nơi này để dựng những “hình ảnh” tôn giáo với mục đích làm khó dễ chính phủ nên chính phủ phải ra tay trước (người viết xin nhắc lại đây chỉ là tin đồn, thực hư tùy người nghe), giao cho các đơn vị quân đội thực hiện biểu tượng của mình thật gấp với lý do để kịp khánh thành vào ngày kỷ niệm NCCT chấp chánh.
Vị trí cho từng đơn vị thì được bốc thăm (?) và chính phủ cấp cho mỗi đơn vị một ngân khoản rất hạn chế. Ngân khoản hạn chế, thời gian gấp rút nên đa số các biểu tượng không được đúng với tiêu chuẩn nghệ thuật. Đẹp và có ý nghĩa nhất là tượng Phù Đổng Thiên Vương, Thánh Tổ Thiết Giáp (TTTG), Đức Trần Hưng Đạo (TTHQ), ĐứcTrần Nguyên Hãn (TTTrTin). Người viết không dám có ý kiến về các biểu tượng khác, nhưng riêng về biểu tượng của TQLC là hai người lính trước tòa nhà Quốc Hội thì nhiều người cho là có vị trí đẹp nhất. Nhưng với tôi, vị trí lý tưởng nhất là công viên trước tòa Đô Chính với biểu tượng “Tổ Quốc và Không Gian” của KQ, và tượng Đức Trần Hưng Đạo của HQ tại công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng.
Nói về tượng TQLC, họa sĩ Lương Trường Thọ (TTHL/TQLC) góp ý:
– “Tượng TQLC đặt trước quốc hội là một vị trí đẹp nhất của đô thành Sài Gòn, chính vì vậy mà được nhiều người biết đến. Đầu tiên là Thiếu Tá Huỳnh Huyền Đỏ, thuộc bộ TTM làm phác thảo mẫu tượng với ba người lính TQLC. Th/tá Đỏ là điêu khắc gia xuất thân trường Mỹ Thuật Gia Định, khi đang thực hiện công trình này thì vì một lý do nào đó ông không thể tiếp tục được nữa nên giao công việc đang còn dang dở cho TQLC.
Vì phải hoàn thành đúng thời hạn để kỷ niệm ngày chấp chánh nên TQLC giao cho Thiếu Úy Đinh Văn Thuộc tiếp tục công việc với sự góp ý và hường dẫn của Họa Sĩ Lê Chánh (BTL/TQLC) và HS Lương Trường Thọ (TTHL/TQLC).
Thiếu úy Đinh Văn Thuộc là đại đội trưởng đại đội Công Vụ TQLC. Tuy không là họa sĩ hay điêu khắc gia mà chỉ là tay ngang, tay súng vậy mà ông cùng anh em đại đội Công Vụ đã nhận lãnh trách nhiệm do trên giao, họ làm việc liên tục 24/24 và anh em đã hoàn thành nhiệm vụ.
Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã tốn công tốn của và được phủ tổng thống yểm trợ tối đa nên mới hoàn thành được bức tượng “Tiếc Thương”, còn Thiếu Úy Đinh Văn Thuộc và anh em binh sĩ TQLC chỉ là tay ngang mà đắp được bức tượng đồ sộ như thế thì đáng khâm phục, không thể phê bình hay đòi hỏi gì hơn về nghệ thuật chuyên môn như của một điêu khắc gia được.
Nhưng bức tượng hai người lính TQLC lại là một bức tượng nổi tiếng, nhiều người biết đến do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó có thể là do hướng súng đại liên, và nhất là trong ngày cuối cùng của VNCH, một vị anh hùng đã chọn chân tượng đài TQLC để tự sát, chết theo thành (phố).
Hai người lính TQLC ôm súng xung phong vào tòa nhà Quốc Hội?
Chi tiết này là nguyên do chính được nhiều người biết đến và cũng là lý do khiến bức tượng hai người lính này “vất vả” với các vị dân cử ngồi trong tòa nhà quyền lực cao nhất nước! Lính TQLC thật thì đang vất vả với súng đạn khói lửa, sống chết trong nháy mắt trên khắp chiến trường để bảo vệ chế độ. Khi họ đã hy sinh mạng sống, hồn thiêng về ngồi nghỉ bên bức tượng thì lại bị các vị dân cử trong Quốc Hội hỏi “giấy phép” và bắt đi chỗ khác chơi !
Tại sao? Vào thời điềm này thì các vị dân cử thường “mổ bò” thay vì bàn quốc sự, môt số dân cử trốn lính “trốn làm” quay sang đối lập với Nội Các Chiến Tranh nên tranh dành đủ thứ gây ra tình trạng hỗn loạn và rồi đổ thừa tại hai người lính TQLC hướng súng vào tòa nhà Quốc Hội khiến họ bị xúi-quẩy!
Đồng thời một vị dân biểu bị ám sát chết (dân biểu Văn) nên một số vị dân cử càng tin “cuốc hội xui xẻo” vì cái họng súng đen ngòm kia! Dị đoan bói toán đã là một “yêu” điểm của các ông tai to mặt lon ở hậu phương nên các ông này chính thức lập phái đoàn để chất vấn TQLC về lý do tại sao lại cho lính ôm súng “xung phong vào quốc hội?”.
Thiếu Tá Lê Đình Bảo, Trưởng Phòng Chính Huấn BTL/TQLC nói:
– Một phái đoàn gồm nghị sĩ và dân biểu ( Th/Tá Bảo có nêu đích danh một số vị nhưng người viết xin miễn ghi, phí giấy) họp và thảo luận với BTL/TQLC về bức tượng với mục đích muốn dời tượng đi chỗ khác. Lý do là súng đại liên TQLC chỉa vào quốc hội? Nhưng một vị thuộc BTL xác định với phái đoàn như sau:
– “TQLC không hướng súng vào Quốc Hội mà là bảo vệ Quốc Hội, súng TQLC nhắm vào bên hông trái* QH, nơi có hang ổ của phản chiến và nội tuyến. Quý vị có thể ra tận nơi để xác định hướng súng. Hơn nữa, mỗi ngày có hằng trăm anh em chúng tôi hy sinh tại chiến trường trong khi ở hậu phương chỉ có một dân cử bị nạn mà quý vị đòi dẹp bỏ biểu tượng của TQLC chúng tôi!”
(* Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm về vị trí nhà hàng Givral và khách sạn Continental. Nếu chúng ta đứng dưới chân tượng TQLC nhìn về QH thì bên tay trái chúng ta, góc đường Lê Lợi và Tự Do là nhà hàng Givral, băng qua đường Tư Do là khách sạn Cotinental, cả hai nơi này là tụ điểm của những nhà báo và những tên tình báo thường xuyên lui tới để trao đổi tin tức, luận bàn tình hình chính trị và chiến trường thường có khuynh hướng bất lợi cho chế độ VNCH)
Thú thực khi được Th/tá TP/CH nhắc lại lời của cấp chỉ huy ngày trước, cách nay gần nửa thế kỷ, mà tôi cảm động đến nóng người, như trông thấy ông là “cây tùng trước bão”, trông thấy ông như bức tượng đồng trơ gan cùng “tuế nguyệt”. Tôi kính phục ông, kính phục ông, chỉ tiếc một điều là ông thiếu một cái nắm tay đập mạnh xuống mặt bàn., ngón tay chỉ ra cửa .. “get out”.
Rồi những con người “dị đoan” kia ra đứng dưới “chân” bức tượng để nhắm hướng và quả thực họ đã nhận thấy mũi súng của anh lính TQLC hướng thẳng vào ổ gián điệp, vào lũ phản chiến, một bọn luôn mong nền Đệ Nhị Cộng Hòa sụp đổ! Nhưng hai người lính TQLC vẫn sừng sững giữa thủ đô trong khi những người muốn đuổi họ đi chỗ khác thì đã cao bay xa chạy! Tụt quần mà chạy, bỏ lon bỏ chức mà chạy và họ đã cảm thấy an toàn hạnh phúc, thở phào nhẹ nhõm khi được chùm lên người một bộ áo giáp an toàn: “Thuốc DDT”, còn hai anh lính vẫn vững tay súng, họ chỉ sụp đổ sau khi chế độ đã bị giật sập!
Nhưng bức tượng hai anh lính TQLC không cô đơn, còn có một anh hùng khác cũng thác theo thành (phố) ngay bên cạnh các anh. Ông Phan Tấn Ngưu, THT Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia VN Hải Ngoại xác nhận:
“Người tự sát dưới chân tượng đài TQLC là Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long, Ông là Chánh Sở Tư Pháp vùng I, mới vừa di tản về Saigòn. Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn long có biệt danh là .. “Long-Lý”.
Người ta gọi ông là Long-Lý, vì ông làm việc với phương châm “Pháp bất vị thân”. Thân sơ gì cũng không tha, một khi vi phạm luật pháp quốc Gia thì chỉ có nhẹ thì giam, nặng thì “trảm”. Dễ gì có được một “Bao Công” thời đại như ông, tôi xin kính cẩn cúi đầu lạy ông: Ông Long-Lý.
Trở lại cây súng của hai anh lính TQLC, Tr/Tá Đoàn Trọng Cảo nói:
– Khi đặt bức tượng, các thẩm quyền TQLC cũng suy nghĩ nhiều lắm, không phải vì lý do phong thủy quỷ quái gì cả mà vì vấn đề tế nhị, không thể để hai cái mông hướng về các vị dân cử được, mà phải là hướng mặt về cơ quan quyền lực nhất nước. Nhưng phải xê dịch làm sao cho mũi súng chếch sang một bên, sang bên trái thì có ý nghĩa hơn. Continental là nơi bọn phá thối, bọn ăn cơm Quốc Gia thờ ma VC hay ngồi bàn chuyện “dại sự”, hãy hướng mũi súng về đó.
Chỉ huy là tiên liệu, cấp chỉ huy của chúng tôi đã tiên liệu và sự việc đã xảy ra đúng như dự đoán, các cấp chỉ huy của chúng tôi đã đi “bốt-đờ-sô” vào trong bụng mấy anh dân cử đối lập cuội nhưng phản chiến thực. Để kiểm chứng, tôi gọi cho cựu dân biểu Tô Đức Hạnh, đơn vị Lâm Đồng, hiện ở Alhambra:
– Ê Hạnh, hồi đó có chuyện mấy tên dân cử đòi bứng tượng TQLC đi không?
– Có, nhưng họ bị hố, khi xem lại thì mới biết súng nhắm vào Continental.
Nội dung bức tượng hai người lính TQLC như vậy là tuyệt vời, đầy đủ ý nghĩa, nhưng hình thức thì .. với cái nhìn méo mó mắt trần của cá nhân tôi thì có một vài khuyết điểm, thí dụ như lòng cây súng đại liên ngắn quá. Còn cái mông của người lính thì ôi thôi.. đời lính hành quân chỉ nhá toàn cơm sấy với rau rừng, khô cá mối, thịnh soạn thì may ra có thêm thịt ba-lát ration C thì lấy gì tẩm bổ mà cái mông to thế! Nghe tôi phê bình nghệ thuật, mấy MX bên cạnh kê nhẹ một phát:
– “Anh không thích mông to nhưng nhiều người lại yêu nét duyên dáng ấy”
Thấy các tay súng này bắt đầu bàn ngang, bắn hoảng, hs Thọ vội giải thích:
– Một điêu khắc gia chính hiệu có khi ngồi hằng giờ chỉ để sửa lại một nét trên tác phẩm của họ, có khi sửa hôm nay, mai đục đi đắp lại, nghệ thuật mà, trong khi Th/Úy Thuộc và anh em thuộc Đ.Đ Công Vụ chỉ là tay ngang lại phải đắp tượng trong điều kiện “khắc nghiệt”, thời gian bị hạn chế, tự lo tìm vật liệu thì không có bất cứ một nhà điêu khắc nào làm hơn các anh được. Theo bản vẽ lúc đầu của điêu khắc gia Huỳnh Huyền Đỏ là ba người lính, nhưng khi toán Th/Uy Thuộc đắp thì chỉ có hai, có lẽ vì đắp lớn quá nên thiếu chỗ.
– Thực ra các với sự góp ý của họa sĩ Lê Chánh, các anh đắp cũng nghệ thuật lắm, nhưng vì toàn trọng lượng của bức tượng này quá nặng, phải dùng xe cần cẩu để đưa vào đúng vị trí, lại phải xê dịch nhiều lần theo ý của cấp trên sao cho hướng súng không “trực xạ” vào Quốc Hội, vì thế lòng súng bị cong và mông người lính bị nứt! Ngày khánh thành gần kề, không còn thời gian sửa chữa nên ông Thuộc cho cưa bớt phần cong lòng súng đi. Còn cái mông anh lính? Lại phải độn thêm, đắp thêm nhiều lớp để che đi chỗ bị nứt và kết dính các bộ phận khác vào với nhau, đó cũng là một nghệ thuật.
Người viết lại tiểu sử bức tượng hai người lính TQLC trước tòa nhà QH/VNCH với sự góp ý khá chính xác của những nhân chứng sống, nhưng vẫn xin được xem như câu chuyện “bên lề” vì thiếu tài liệu chứng minh. Trong tương lai nếu có những góp ý khác tôi sẽ xin bổ sung sau, nhưng nếu ai chưa có tài liệu chính xác mà phản bác điều tôi ghi chép thì tôi xin miễn trả lời đúng sai.
Nhưng có một điều mà những ai có một tấm lòng của con người thì đều thấy sai, đó là hành động phá bỏ những tác phẩm nghệ thuật của bọn Taliban. Taliban chính hiệu lấy súng cà-nông bắn nát những bức tượng Phật, bọn taliban cu-mu-nít vixi thì !!! Bần tiện hơn, chúng đục đẽo bào gọt phá bỏ cả bảng tên kỷ niệm những nạn nhân hy sinh trên đường tìm tự do ở một hòn đảo hoang vu ngoài lãnh thổ VN thì chúng tha gì những hình ảnh của VNCH, dù là nghệ thuật.
Phila Tô (Tô Văn Cấp)

Saturday, July 15, 2023

Đại hội Thường Niên Sĩ Quan Trừ Bị ngày 23-24 tháng 7 năm 2023


 Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị- QLVNCH

 Quý Huynh Trưởng và quý Chiến Hữu QLVNCH

Nhân Đại hội Thường Niên ngày 23-24 tháng 7 năm 2023

 Hằng năm, chúng ta hội ngộ qua các dịp 30-4; 19- 6, và đại hội thường niên để ôn lại quá khứ, kiểm điểm các công tác đã thực hiện trong thời gian qua và dự trù kế hoạch cho tương lai. Mục đích chung của Đại hội năm nay là:

1-Để nhớ về Trường Mẹ, tri ân những chiến hữu đã hy sinh vì tổ quốc.

2-Để tương thân tương aí, phát triển tình huynh đệ chi binh. 

3-Để nuôi dưỡng tinh thần quyết tâm bảo vệ chính nghĩa quốc gia.

4-Để đóng góp vào công tác tái lập tự do, dân chủ, và toàn vẹn lãnh thổ cho VN, tiếp nối công trình của Tiền nhân đã dựng nước và mở mang bờ cõi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau vì QLVNCH đã lãnh nhận trách nhiệm quản trị quốc gia từ ngày QL 19-6-1965 ngoài sứ mệnh bảo vệ biên thùy.

 Các Hiệp Ước Việt-Pháp-Hoa Kỳ:

(1)-Hiệp ước Pháp-Việt ngày 5-6-1948 tại Vịnh Hạ Long công nhận VN là một quốc gia độc lập.

(2)-Hiệp Ước ngày 8-3-1949 tại điện Elysée, Pháp giúp VN thành lập quân đội quốc gia.

(3)-Hiệp Ước ngày 23-12-1950, Pháp –Việt- Mỹ ký thỏa ước hỗ tương, phòng thủ, viện trợ quân sự cho Quốc Gia Việt Nam trở thành tiền đồn chống Cộng vì Mao Trạch Đông đã chiếm Trung Hoa Lục địa năm 1949 và Tưởng giới Thạch di tản ra đào Đài Loan. 

Qua Hiệp Ước 1950, Hoa Kỳ đã tài trợ Chính phủ Quốc Gia VN tăng cường binh lực bằng cách thiết lập hai trường Sĩ Quan Trừ Bị (École des Officiers de Réserve) tại  hai địa điểm Nam Định, Thủ Đức từ năm 1951 và di chuyển Trường Sĩ Quan Đập Đá Huế lên Đà Lạt. Trong suốt thời gian từ tháng 10 năm 1951 đến tháng 4 năm 1975, các quân Trường Nam Định, Thủ Đức, Đồng Đế, Long Thành đã đào tạo được khoảng 80,000 sĩ quan  cho QLVNCH .

Quân lực Việt Nam Cộng hoà  được hình thành qua các giai đoạn:

(1) Giai đoạn 1946-1949 là giai đoạn lập các lực lượng quân sự gồm có Vệ Binh Nam Việt, Bảo Vệ Quân Trung Việt và Bảo Chính Đoàn Bắc Việt.

 (2) Giai đoạn 1949-1955: Chiếu Hiệp Ước Élysée năm 1949, Quốc Gia Việt Nam được thành lập Vệ Binh Quốc Gia với quân số 60,000 người. Các đơn vị Vệ Binh Nam Việt, Bảo Vệ Quân Trung Việt và Bảo Chính Đoàn Bắc Việt được chuyển qua Vệ Binh Quốc Gia. Năm 1949, Mao Trạch Đông chiếm Trung Hoa lục địa và Tưởng Giới Thạch phải di tản ra đảo Đài Loan.

Trong thời gian 1949- 1955, Vệ Binh Quốc Gia đã tham chiến, càn quét phiến loạn Việt Minh từ Nam chí Bắc. Trong trận đánh Điện Biên Phủ, Việt Minh đã hy sinh hơn 30 ngàn quân để làm áp lực đưa vấn đề VN ra Hội Nghị Geneve. Hiệp Ước Geneve do Thực Dân và Công Sản ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954, chia cắt Việt Nam ra làm hai miền Nam (Quốc Gia), Bắc (Cộng Sản).

Năm 1955, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa được thành lập và quân đội Quốc Gia Việt Nam được đổi danh xưng thành Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa và từ năm 1965 được mệnh danh là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Quân Lực VNCH từ 60,000 quân năm 1950, tăng quân số đến hơn 1 triệu quân năm 1975.

Việt Nam Cộng Hòa định ngày 19 tháng 6, năm 1965 làm Ngày Quân Lực,  là ngày đầu tiên trong lịch sử và pháp chế sử quân đội Việt Nam Cộng Hòa lãnh nhận trách nhiệm quản trị quốc gia. Trách nhiệm này, ngày nay sau 48 năm lui binh, chúng ta vẫn còn hai vai gánh nặng sơn hà, cho đến khi nhà nước yên “sĩ mới được thung dung”.  Trách nhiệm nầy đã được minh thị trong Bản Nội Quy của Tổng Hội

(1) Duy trì, phát triển tình chiến hữu cao đẹp

(2) Tạo môi trường gặp gỡ và khích lệ sự tương trợ lẫn nhau

(3) Phát huy những nét đặc thù của nền văn hoá Việt Nam

(4) Tranh đấu cho phúc lợi chung của đồng bào quốc nội, hải ngoại

(5) Góp phần tranh đấu tái lập tự do, dân chủ và độc lập tại Việt Nam

(6) Bảo vệ các quốc gia tự do nơi người Việt cư ngụ

Cộng sản Hà nội, điên cuồng vì tham vọng lập công với Cộng Sản Quốc Tế và theo di chúc của Hồ Chí Minh, quyết xâm lăng miền Nam để dâng Việt Nam cho Nga Sô và Trung Cộng, dù phải hy sinh đến người Việt cuối cùng.

 QLVNCH đã chiến đấu mãnh liệt trên mọi chiến trường nhưng đến năm 1975, vì thiếu phần tăng viện của Thế giới tự do, đành phải lui binh.

 Sau 48 năm, người Việt quốc gia hải ngoại cũng như quốc nội vẫn không an lòng vì quốc dân còn sống trong cảnh lầm than, cơ cực về thể xác và cưỡng bức về tinh thần trong chế độ độc tài đảng trị của Cộng sản Hà nội, một ngụy quyền nổi tiếng “hèn với giặc và độc ác với dân”.

Đồng bào quốc gia quốc nội cũng như hải ngoại vẫn hãnh diện về cuộc chiến thần thánh  chống CS vô thần vì đó là một cuộc chiến chính nghĩa (a just war) theo tinh thần thượng võ phù hợp với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận về chiến tranh chính nghĩa.

 (1) VNCH chiến đấu để bảo vệ tự do, dân chủ và phú cường cho toàn dân miền Nam Việt Nam chống lại Cộng sản Hà nội xâm lăng, là một cuộc chiến tự vệ chính đáng (just cause);

(2) VNCH là một chính phủ hợp pháp do toàn dân miền Nam tấn phong qua các cuộc bầu cử tự do nên có trách nhiệm bảo vệ sinh mạng, tài sản và các tự do căn bản do Tạo hoá ban cho con người. Chính phủ VNCH có thẩm quyền mời gọi sự hỗ trợ của các quốc gia tự do trợ lực ngăn chặn CS xâm lăng (lawful authority);

(3) Bảo vệ chính nghĩa chống quân xâm lăng là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân trong một quốc gia tự do (good intention);

(4) VNCH tiến hành cuộc chiến chống quân xâm lăng trong tinh thần người Việt cao quý, nhân đạo, về cả quân sự lẫn chính trị (đối xử nhân đạo với tù binh, chiêu hồi các cán binh lầm đường lạc lối, tái lập đời sống an cư lạc nghiệp sau khi quy chánh) (reasonable treatment);

(5) Phương tiện và cường độ chiến đấu hợp lý, tương xứng với những thiệt hại về nhân mạng và tài sản do đối phương gây nên hay chiến tranh có giới hạn. VNCH đã không tiến quân ra Bắc Việt để tiêu diệt phiến Cộng (means proportion);

 (6) VNCH tôn trọng mạng sống của đồng bào, di tản thường dân ra khỏi trận địa (no innocent people harm). Trong lúc đó, cộng quân tàn sát dân chúng trong các vùng bị chiếm đóng, pháo kích bừa bãi vào các vùng đông dân cư, đô thị, trường học hay dùng dân chúng làm bia đỡ đạn cho chúng;

(7) VNCH tuân thủ lệnh hưu chiến (International Conventions obeyed). Cộng sản xâm lăng chủ trương vô độc bất trượng phu, vi phạm lệnh hưu chiến như trường hợp Tết Mậu Thân 1968, sát hại hàng chục ngàn thường dân vô tội.  Ngoài ra đảng CS Hà nội vi phạm các công ước quốc tế. nhất là vi phạm Hoà Ước Ba Lê năm 1973, xâm lăng VNCH, thanh trừng, bắt bớ giam cầm trái phép dân, quân, cán, chính VNCH.

Dù quốc nội hay hải ngoại, những chiến tích oai hùng của QLVNCH vẫn được đồng bào ca ngợi. Quốc Kỳ và Quân Kỳ VNCH vẫn tung bay trong tâm hồn người Việt quốc gia khắp 5 Châu, 4 bể vì đâu đâu cũng in hình dấu vết của con cháu Lạc Hồng.

Chính nghĩa của chính phủ VNCH và danh dự của QLVNCH ngày càng tỏ rạng.

Đại hội thường niên để ghi ơn những vị anh hùng dân tộc đã vị quốc vong thân, kết chặt thân tình, kết tinh chí hướng trong đại nghiệp bảo quốc, an dân.

Xây dựng tự do, dân chủ và bảo vệ nhân quyền là chính sách cố  hữu của Hoa Kỳ,  miễn là được thực hiện trong tinh thần bất bạo động trong giai đoạn hiện nay vì lý do chống khủng bố, nên Hoa Kỳ không cho phép tàng trữ  vũ khí, chiêu mộ quân sĩ trên lãnh thổ Hoa Kỳ, chứ không phải Hoa Kỳ không hỗ trợ các công cuộc đấu tranh tâm lý  nhằm tái lập tự do, dân chủ cho quê hương gốc của các tập thể di dân đến Hoa Kỳ từ các nước độc tài, rồi chủ trương ”im lặng là vàng” trước sự tàn bạo của CS Hà Nội.

Cám ơn quý huynh trưởng, chiến hữu và thân hữu tham dự đại hội.

Mong sao cho đồng bào quốc nội sớm được sống yên bình và được hưởng mọi quyền tự do căn bản làm người, xứng danh là dân tộc Việt Nam Cao quý nhất thế giới.

Xin ơn Trên phù hộ chúng ta

Kính thư

Trần Xuân Thời

Tổng Hội CSV SQTB QLVNCH

Thursday, July 13, 2023

Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu, Cựu SVSQ Khóa 5 Thủ Đức.

Westminster (Bình Sa) – Tại nhà quan Peek Family Funeral Home (phòng số 1) vào lúc 2 giờ chiều ngày 24 tháng 7 năm 2023, Hàng trăm người tham dự lễ phủ cờ và chào tiễn biệt cố Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu đã long trọng tổ chức với sự tham dự đông đảo của các niên trưởng,  các chiến hửu Thủy Quân Lục Chiến, các chiến hữu thuộc các quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Lực Lượng Cảnh sát Quốc Gia, quý vị dân cử, quý thân hữu và các cơ quan truyền thông.
Nghi thức lễ phủ cờ thực hiện theo lễ nghi quân cách do toán hầu kỳ Thủy Quân Lục Chiến và Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California thực hiện dưới sự điều hợp của chiến hữu Nguyễn Phước Ái Đỉnh, buổi lễ diễn ra thật cảm động với tiếng kèn truy niệm, mọi người đều yên lặng để tưởng niệm và cầu nguyện cho hương linh Phổ Giải Thoát Cổ Tấn Tinh Châu sớm về cõi Phật.
(2)LỄ-PHỦ-CỜ-ĐT.-CO^3-TẤN-TINH-CHÂU
Lễ phủ cờ
Trong lúc nầy người điều hợp chương trình tang lễ Mộng Thủy đã tuyên đọc một phần tiểu sử của cố Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu.
Sau phần phủ cờ Việt Nam Cộng Hòa tiếp đến là lễ vinh danh của Đảng Tân Đại Việt do ông Hoàng Đình Khuê, Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt, cùng tất cả các đảng viên Đảng Tân Đại Việt lên làm lễ nghi thức vinh danh.
(3)-LỄ-PHỦ-CỜ-ĐT.-CO^3-TẤN-TINH-CHÂUIMG_1443
Ông Hoàng Đình Khuê Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt đọc thành tích Vinh Danh
Sau đó trong lời điếu văn Ông Hoàng Đình Khuê đã nói:
“Anh Châu thương mến,
Tôi rất nghẹn ngào không thốt lên lời giống như Anh khi gặp chuyện buồn Anh đều âm thầm chịu đựng.
Nhưng hôm nay tôi không thể không nói lên tâm tình giữa Anh và tôi trong gần 60 năm qua.
Phải! Trong 59 năm 7 tháng tôi và Anh đã sống và sinh hoạt với nhau qua tình Đồng chí, tình anh là cấp chỉ huy và tình Anh Em trong gia đình, Anh là tấm gương sáng để tôi noi theo và học hỏi nơi Anh nhiều đức tính tốt.
Lúc sinh thời Anh có một cuộc sống nội tâm ít nói, khiêm tốn, thầm lặng bình tỉnh, luôn cả nể làm vừa lòng mọi người.
Anh là một người tư cách, đạo đức, trung thực, lịch sự với mọi người nên ai ai cũng yêu thương Anh.
Đối với cấp trên, ai ai cũng đều thương mến Anh kể cả các cấp lãnh đạo quốc gia, các Tướng lãnh, các chính khách.
Đối với bạn bè ngang hàng, kể cả người lớn tuổi, hơn cấp bậc vẫn nể trọng Anh..
Còn đối với đàn em thì họ rất yêu thương Anh qua tình thương mà Anh đã dành cho họ
Tôi ngưỡng mộ Anh là một người liêm khiết trong sạch: Anh từng giữ những chức vụ nhiều quyền lực, nhưng suốt đời vẫn nghèo.
Vợ bịnh nặng, không tiền chữa trị phải qua đời ở tuổi 30 trong khi đó bao người dâng tặng tiền bạc nhưng Anh cương quyết từ chối (Lành cho sạch, rách cho thơm).
Còn ai tự trọng hơn Anh. Trong ngày chỉnh lý 29/1/1964, Hội đồng Tướng lãnh giao nhiệm vụ cho Anh và một vị Đại tá đi bắt các vị Tướng có khuynh hướng Trung lập. Mission thành công tốt đẹp. Vị Đại tá được vinh thăng Thiếu tướng, còn Anh được gắn lon Trung tá, nhưng Anh từ chối khéo với lý do là Anh mới thăng cấp chỉ vài tháng!
Anh Châu, anh thường nói Đời rất Vô thường.
Đúng! Ai cũng có một đời để Sống và một lần để Chết, và Anh đã Sống cho đáng Sống, khi Chết đi Anh đã để lại bao tiếc thương cho mọi người.
Anh hãy thảnh thơi ra đi vì Anh đã làm xong bổn phận của người trai đất Việt với Tâm niệm Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm. Nơi đó ở Cõi Phật, Anh sẽ gặp lại gia đình, Hai Bác, các người thân thương như Ông Thầy Mắt Kiếng, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, anh Ba Huy, Thầy Bảy Bớp, anh Hoài Sơn, anh Năm Tại và các Anh đã một thời Sống chết với Anh như anh Huỳnh Văn Tồn, Nhan Minh Trang, Dương Hiếu Nghĩa, Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Công Vĩnh, Lê Quang Lưỡng,… Sum họp gia đình Bùi Hữu Phiệt.
Xin Cám ơn Anh đã tin tưởng nơi tôi và yêu thương tôi trong ½ thế kỷ như Ông Thầy Mắt Kiếng và Phó Đô Đốc đã yêu thương Anh.
Xin Vĩnh Biệt Lê Bình Cổ Tấn Tinh Châu, Pháp danh Phổ Giải Thoát.
Vĩnh Biệt Ngàn Thu !.
I(5)-LỄ-PHỦ-CỜ-ĐT.-CO^3-TẤN-TINH-CHÂUMG_1450
Đại diện Đảng Tân Đại Việt phân ưu đến tang quyến, Đại Diện Gia Đình Mủ Đỏ chào tiễn biệt cố Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu
Trong lúc nầy Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, cựu Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt đã lên kể về cuộc đời hoạt động  chính trị của Lê Bình Cổ Tấn Tinh Châu, có những điều thật cảm động mà ngoài xã hội cũng ít ai biết được về lý tưởng và sự hy sinh cao cả của Lê Bình Cổ Tấn Tinh Châu.
Tiếp tục chương trình là phần chia buồn của Đại Tá Lê Bá Khiếu, của đại diện các hội đoàn quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đến gia đình tang quyến và ngỏ lời chào tiễn biệt đến hương linh Phổ Giải Thoát  cố Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu.
Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu sinh ngày 13 tháng 2 năm 1935, tại Sài Gòn, cựu sinh viên Sĩ Quan Khóa 5 Vì Dân trường Võ Khoa Thủ Đức. Nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (Tiểu Đoàn Trâu Điên), Nguyên Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, Nguyên Chỉ Huy Trưởng Đặc Khu Rừng Sát.
Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Biệt Bộ Bùi Hữu Phiệt Đảng Tân Đại Việt, đã mãn phần vào lúc 21:30 ngày 11 tháng 7 năm 2023 (nhằm ngày 24-5 năm Quý Mùi) tại Fountain Valley, Nam California, Hưởng thọ 88 tuổi. Lễ Hỏa Táng sẽ được tổ chức vào trưa Thứ Ba ngày 25-5-2023 và sau đó tro cốt sẽ được đưa về an vị tại Chùa Liên Hoa, Thành Phố Garden Grove.
Tòa Soạn Việt Báo xin thành thật chia buồn cùng Bà Qủa Phụ Nguyễn Thị Lý và toàn thể tang quyến, nguyện cầu Hương Linh Phổ Giải Thoát Cổ Tấn Tinh Châu sớm về cõi Phật.
 




























































Niên trưởng Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu,  Nguyên TTM Biệt Khu Thủ Đô,  Cựu SVSQ Khóa 5 Thủ Đức.  Đã vĩnh viễn giã từ Gia Đình, Thân Bằng Quyến thuộc, Thân hữu và Đồng Đội... ngày 12.07.2023 tại Nam California..

Cộng Đồng Việt Nam San Diego rất xúc động khi nghe tin này.  Xin thành kính chia buồn cùng Bà Cổ Tấn Tinh Châu và gia đính tang quyến, cùng đại gia đình Mũ Xanh.

Thành Kính.
Đặng Kim-Trang
Cộng Đồng Việt Nam San Diego






 
<hungthe42@att.net> wrote:
             Vô Cung̀ Thương Tiêć !!!

From: 'BMH' via PhucHungViet <phuchungviet@googlegroups.com>
Sent: Wednesday, July 12, 2023 at 06:05:22 PM PDT
Subject: [ PHV ] -> Niên trưởng Mũ Xanh Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu, từ trần...
Tin Buồn.
Xin chuyển tin đến Quý Vị, Quý NT và CH...
Đặc biệt Đại Gia Đình Mũ Xanh / Thủy Quân Lục Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa..
Niên trưởng Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu, 
Nguyên Tham Mựu Trưởng Biệt Khu Thủ Đô, 
Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 5 Thừ Bị Thủ Đức.
Đã vĩnh viễn giã từ Gia Đình, Thân Bằng Quyến thuộc, Thân hữu và Đồng Đội...
ngày 12/07/2023 tại Nam California..

Trân trọng
BMH  ///
Washington, D.C

From: VietHai Tran <>

Sent: Wednesday, July 12, 2023 at 08:45:00 PM EDT
Subject: Re: TIN BUỒN
Được tin niên trưởng Petrus Ký Cổ Tấn Tinh Châu ra đi do chứng pneumonia, do anh Petrus Ký Hoàng Đình Khuê thường ra vào Orange Coast Memorial Medical Center thăm nuôi niên trưởng đồng môn Tinh Châu cho tin. Ông bi coma và nhẹ nhàng ra đi.
Niên trưởng Petrus Ký Cổ Tấn Tinh Châu là một nhà văn, một binh luận gia chính trị, một tay guitarist điêu luyện, chỉ dẫn Nhạc sĩ Ngọc Chánh. NS. Ngọc Chánh khi trẻ rất say mê âm nhạc và có năng khiếu từ thuở bé. Lúc lên 6 tuổi, ông được học guitar với một người bạn lớn tuổi hơn tên là Cổ Tấn Tinh Châu, rồi sau đó học thêm với một nhạc sĩ người Philippines là Monito. Xin xem link:
Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang và Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu có những thâm tình Hải Quân và TQLC rất thân nhau giữa 2 binh chủng sông nước.
Tác giả: Cổ Tấn Tinh Châu viết:
“Sống là tranh đấu”, ... "đấu tranh cho chính mình, cho gia đình, đấu tranh cho dân tộc và cho đất nước. Có đấu tranh thì chân lý mới sáng tỏ, điều kiện mới được phát triển. Đấu tranh cho một tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam là bổn phận và trách nhiệm của những ngưòi mang dòng máu Việt Nam..."
Đôi dỏng về Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu:
- Sinh tháng 2 năm 1931 tại Sài Gòn
- Nhập ngũ ngày 11-6-1954
- Xuất thân trường sĩ quan Thủ Đức Khóa 5
- Binh chủng TQLC
- Cựu Tham Mưu Truởng Biệt Khu Thủ Đô
 - Chỉ Huy Trưởng Đặc Khu Rừng Sát
TÐ2/TQLC và những biến cố Chính trị, MX Cổ Tấn Tinh Châu:
Đấu Tranh Giành Lại Công Lý - MX Cổ Tấn Tinh Châu:
Cựu Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu:- Thủy Quân Lục Chiến VNCH bắt sống quân Trung Cộng tại đảo Ducan Hoàng Sa năm 1959
Nữ Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (Cổ Tấn Tinh Châu)
Đặc khu rừng sát những ngày tháng sau cùng - Cổ Tấn Tinh Châu
Ước Mơ Việt Nam - TâmTình Cổ Tấn Tinh Châu
Tuổi Trẻ Việt Nam   -TâmTình Cổ Tấn Tinh Châu
On Wednesday, July 12, 2023 at 05:49:03 AM PDT, Vuong Trung Duong <vuongtrungduong20@gmail.com> wrote:
Thành Kính Phân Ưu 
Sent from my iPhone
On Jul 12, 2023, at 00:26, Khue Hoang <khuehoang100@yahoo.com> wrote:
Kính gởi Quý NT và Anh Chị Em,
Xin thông báo Tin Buồn Cựu Đại tá Cổ Tấn Tinh Châu vừa ra đi vĩnh viễn cách đây hơn 1/2 giờ.
Xin Cầu nguyện cho Hương Linh Cổ Tấn Tinh Châu sớm về Cõi Trên.
Khuê.