Thursday, March 22, 2012

Hai người phi công già và một thành phố...


Ngày xưa, ở phi đoàn tôi, có tay đại úy phi công kia, để râu mép coi rất ngầu, đẹp trai cao ráo, nhảy đầm hay như tài tử xi nê, tán gái lẹ như chớp, uống rượu như hủ chìm, tên là Hưởng. Ông Hưởng vể phi đoàn vào những năm cuối cùng của cuộc chiến và chúng tôi trở thành đôi bạn thân. Hai người, một thiếu úy, một đại úy mà nói là bạn thân thì cũng không đúng lắm vì bạn bè thì phải ngang hàng, còn đằng này một người to lon lớn tuổi, một người nhỏ lon trẻ tuổi, cho nên tôi phải sửa lại là anh em. Chúng tôi có nhiều lý do để trở thành anh em thân thiết.
Trước hết, thưởng thường ở các phi đoàn quan sát và khu trục, phi công hễ đeo tới lon đại úy là cuộc đời coi như được bước vào lứa tuổi ... vàng. Tuổi vàng là gì? Thưa, tuổi vàng là tuổi của ... an hưởng như người ta thường nói câu “An hưởng tuổi vàng.” Đây là lứa tuổi mà các ngài phi công già bắt đầu hết thích leo lên tàu bay, khoái ngồi trong phi đoàn đánh mà chược và giữ những chức vụ chỉ huy hay tham mưu. Mẹ, các ông cũng đã một thời xông pha khỏi lửa rồi, bây giờ để dành chuyện chiến chinh cho em út lo để chúng nó có chuyện làm... Nhưng đại úy Hưởng, dù đã mang lon đại úy khi về phi đoàn nhưng có lẽ vì “nói chuyện với đàn bà con gái thì miệng mồm ngọt xớt, còn nói chuyện với xếp thì nhăn nhăn nhó nhó như khỉ”, không ai thương nổi, cho nên, từ ngày về phi đoàn cho tới ngày tan hàng, ngày nào cũng phải xách mũ đi bay với mấy thằng thiếu úy nhóc như chúng tôi học gạch. Bay đến ... sì khói ra đàng đít.
Thứ hai, ông Hưởng thích uống rượu, tôi cũng thích rượu. Có điều, tôi uống rượu vào rồi thì ăn nói chẳng đâu vào đâu, nhưng anh Hưởng thì ăn nói đâu ra đó đàng hoàng.
Thứ ba, tính ông Hưởng cũng giống tính tôi, ngang tàng, xếp phải thì nói phải, không phải thì nói không phải, chẳng có cái màn "xếp lúc nào cũng đúng cả." Cũng chẳng có cái màn khoái... mời xếp hút thuốc lá. Mẹ, xếp muốn hút thuốc lá thì tự mua lấy mà hút, không ai có thì giờ rảnh. Chúng tôi coi công danh sự nghiệp của cuộc đời này chẳng qua chỉ là ... một luồng khói Capstan buổi sáng sớm mà thôi, còn đó, mất đó mấy hồi.
Chắc chắn là phải còn thứ tư và thứ năm nữa, nhưng nhiêu đó đủ rồi, cho tôi viết tiếp.
Sau 37 năm lao động bên đất Gia Nã Đại mù trời tuyết phủ, ngài đại úy đã được về hưu. Thế là cuối cùng, ngài đại úy cũng bắt đầu được bước vào lứa tuổi vàng thật mà ngày xưa ở phi đoàn muốn tới gần còn chưa chắc được, đừng nói chuyện bước vào...
Và về hưu thì bắt đầu phải đi chơi, thăm em út. Đầu tháng 3, ngài đại úy qua thăm tôi. Tôi lấy nguyên một tuần lễ nghỉ để chuẩn bị đón tiếp ngài...
Trước khi ngài tới, tôi đã ra lệnh—hay là năn nỉ, quên mẹ nó rồi—cho vợ tôi nấu nướng đủ thứ, dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón tiếp ngài.
Phần tôi, tôi mua đầy đủ bia rượu, sửa sang lại nhà cửa, dọn dẹp lại bàn thờ cứ như chuẩn bị ăn tết để chờ ngài. Đâu phải lúc nào nhà tôi cũng được đón một ông đại úy phi công QLVNCH. Không phải đại úy phi công bình thường mà là đại úy phi công đẹp giai, nhảy đầm hay, tán gái nhanh như máy. Quý hoá lắm.
Anh Hưởng và phái đoàn đến đúng giờ hẹn, hành lý cứ để ngoài xe cái đã, kéo nhau vào nhà bếp, bắt đầu ngay tiệc rượu...
Đêm Không Gian Hội Ngộ bỏ túi tối hôm ấy còn có thêm vài tay không quân địa phương, cũng là những tay giang hồ hảo hán lừng danh một thuở như Đức Cọp, phi đoàn 229, Tài Kha của sư đoàn 3... Khỏi cần phải nói, tiếng cười tiếng nói, lẫn với tiếng chửi thề, lẫn với tiếng khui bia, lẫn với tiếng khui rượu vang nghe bong bóc thật là sướng hai cái lỗ tai. Kể ra, được làm người cũng thú lắm đấy chứ...
Chúng tôi nhắc lại chuyện cũ. Những chuyện đã lập đi lập lại hàng trăm lần, sao lần nào lập lại cũng thấy hay. Nhưng có một chuyện này tôi đã quên bẳng đi, bây giờ anh Hưởng nhắc tôi mới nhớ lại.
Khoảng năm 1985 hay 86 gì đó, nhân được hãng gởi đi học ở New York, tôi lợi dụng làm chuyến Gia Nã Đại du. Xứ Quebec, quê hương thứ hai của anh Hưởng là một nơi nổi tiếng có nhiều bia và rượu ngon...
Anh Hưởng ra trạm xe buýt đón tôi, chở thẳng tới một tiệm rượu lớn nhất thành phố, và có thể là lớn nhất thế giới. Rượu trong tiệm nhiều quá làm tôi lóe mắt. Anh Hưởng dắt tôi tới một quầy rượu Tây, chất cao như núi, giá tiền từ 20 đô la cho đến vài trăm đô la hoặc cả ngàn đô la, long trọng và hãnh diện bảo tôi:
-Anh cho chú út lựa một chai thật ngon, đem về anh em mình về uống cho đã.
Bây giờ nhớ lại, những năm đó là những năm trời thật là chật vật cho những người di cư mới như tôi và anh Hưởng. Tôi còn đỡ vì sang Mỹ vẫn còn độc thân, nhưng anh Hưởng thì còn một gánh nặng gia đình, thêm vào đó, công ăn việc làm chưa nhất định. Trong hoàn cảnh như thế này, tôi nỡ nào chọn chai rượu đắc tiền. Tiền của anh Hưởng cũng như của tôi thôi. Thôi thì tôi đành chỉ một chai rượu giá rẻ rề và nói:
-Anh mua cho em chai này, chai này chắc ngon.
Anh Hưởng tính phổi bò, thấy thằng em ... ngu dốt như thế thì mở miệng tính chửi, nhưng nhìn thấy cặp mắt buồn buồn của tôi, anh hiểu ý. Hai người phi công hết thời cầm chai rượu rẻ tiền bước ra khỏi tiệm, lòng chìm xuống, ngậm ngùi như hai bài thơ cũ...
Đây chỉ là một kỹ niệm nhỏ nơi đất khách quê người, xảy ra trong một khoảng thởi gian ngắn ngủi, ở một nơi an lành không hề có tiếng súng mà đã thấy ngậm ngùi. Nếu nhìn lại xa hơn về những ngày xưa ở Việt Nam, nơi chúng tôi phải bay hằng ngày trong những bầu trời chập chùng lửa đạn, kỹ niệm giữa chúng tôi còn nhiều hơn nữa... Bao nhiêu phi vụ hành quân ở những địa danh khét tiếng như Pleiku, Phù Cát, Kontum, Dakto, Ben het, Võ Định, Chu pao. Bao nhiều phát đạn phòng không, bao nhiêu trái pháo rớt vào căn cư... Bao nhiêu là kỹ niệm, nhớ làm sao cho hết được...
Nhưng đi biệt phái, xa mặt trời, dù vất vả nguy hiểm, nhưng cũng ít được nhìn thấy những bất công, những cái trò nhỏ mọn của mấy ông quan ... văn phòng. Về phi đoàn, mình bị chúng nó bắn tơi tả như thế nào đếch có quan nào thèm hỏi, lại hỏi: "Sao tóc anh để dài thế?" hay "Sao quân phục của anh lại không lon lá chẳng có bảng tên như thế?" Lại có quan còn đi cả vào đời tư của mình: "Sao anh uống rượu nhiều thế?"
Mẹ bố, tôi mà không uống rượu thì tôi sẽ nổi điên. Tôi mà nổi điên thì nhiều người vất vả lắm...
Chúng tôi bắt đầu nói về chuyện phi đoàn. Tại sao thằng này như thế này, tại sao thằng kia như thế kia. Chuyện tại sao anh đeo lon đại úy 4 năm rưỡi, tôi đeo thiếu úy cũng 4 năm hơn. Ở Việt Nam, ôm cứng lấy một cái bông mai gần 4 năm trời là một “Chuyện buồn hoa trinh nữ tên ... mai”, nhưng sau một hồi đấu khẩu, anh Hưởng nhìn tôi kết luận:
-Nếu mình đừng mất nước và chú út còn ở trong quân đội thì giờ này chắc chú cũng được đeo lon... đại úy là hết cỡ. Dòm mặt chú ai dám cho lên lon... ha ha ha... Thôi dô cái đi ông thiếu úy .... muôn năm..
Chưa, còn chuyện huy chương, chuyện đi biệt phái, toàn là những chuyện buồn của anh em chúng tôi ngày xưa ở phi đoàn. Nhưng nói tới nói lui, nói qua nói lại, câu kết luận cuối cùng vẫn là:
-Thôi, chuyện cũ bỏ qua đi... Dô cái cho đời lên hương.
Nhưng cũng có nhiều chuyện vui. Vui như một lần ở Hội quán Biên Thuỳ (suốt đời cứ Biên thuỳ với lại Biên trấn) Ban Mê Thuột. Hôm ấy tiểu khu mở Ball đãi tướng Toàn tại đó. Khỏi cần nói, có tư lệnh vùng là tài tử giai nhân dập dìu, mai bạc mai vàng nở đầy trời đêm. Đại úy Hưởng, từ phòng ngủ biệt đội ở ngay trên lầu hai tà tà bước xuống với một em thơm phứt. Ngài chìm vào đám đông ngồi im một lúc coi thiên hạ múa may rồi sau đó, dắt đào mình tà tà bước ra. Chiếc áo bay đen duy nhất và 3 hoa mai vàng... khè yếu xịu chẳng làm ai để ý. Cũng chẳng thèm ai để ý đến cô đào thơm như múi mít. Chuyện nhỏ.
Nhưng đến khi nhạc Bi-bốp nổi lên và ngài đại úy lại bước ra pit thò tay đưa em quay một vòng theo điệu nhạc thì thiên hạ ... Ban Mê Thuột không thể không để ý. Trời đất, cha nội không quân này ăn cái gì mà nhảy đầm đẹp quá, cứ như trong xi-nê. Nhưng màn biểu diễn chưa chấm dứt ở đây, xin quí vị chờ đấy, đêm còn dài. Đến khi bản Cha cha nổi lên thì thiên hạ lại được ngắm một màn ngoạn mục khác. Thế là từ đó về sau, quân dân cán chính và tài tử giai nhân Ban Mê Thuột, vốn là một chốn quê mùa nơi miền rừng núi, cả thành phố chẳng có một tiệm dạy nhảy đầm, ít có ai còn đủ can đảm để bước ra pít để khoe cái ... dở của mình nữa. Mẹ, nguy hiểm quá, vất vả quá, thôi thì cứ ngồi yên trong này mà ngắm cha mặc áo bay đen nhảy cho nó ... an toàn và không chừng học thêm được chút ít nghề mọn. Tướng Toàn, vốn chẳng biết tí gì về cái khoa giải trí tao nhả này ngoài vài bước Slow hay Bolero, cũng ngồi ngắm...
Nhưng cũng có nhiều chuyện đứng tim. Đứng tim ở đây không phải chết hụt ở chiến trường mà là ở ngay tại thành phố mới là chuyện lạ. Số là, đào hoa tại số, ngài đại úy thường hẹn hò các em ở một khách sạn nơi gia đình mình đang ở, tức là thành phố Nha Trang. Thật là chưa có tay đại úy nào to gan và liều mạng như tay đại úy này. Nhưng một ngày kia, như người ta thường nói, thiên bất dung nhan hay là đi đêm hoài thì cũng có ngày... đạp phải kít, ngài đại úy đang tưng bừng ở bên trong thì bên ngoài có mấy tiếng gõ cửa. Mấy tiếng gõ cửa nhẹ nhàng, không gấp rút, không nôn nóng, rất là nhẩn nha quý phái, thế nhưng nghe còn khủng khiếp hơn cả những tiếng nổ long trời của những phát đạn phòng không 55 ly ở chiến trường Tam Biên. Nhìn ra ngoài qua lỗ quan sát, ngài đại úy xém té xỉu khi thấy chính ... mụ vợ mình đang đứng sừng sửng một đống, oai vệ như núi Thái Sơn, kinh hoàng khủng khiếp như con cọp dữ. Đi bay phòng không bắn thì tỉnh bơ nhưng nghe mấy tiếng gõ cửa mềm xèo lại xém té xỉu thì chắc có lẽ ai cũng hiểu được tại sao.
Chuyện này kết thúc như thế nào, tôi cũng chẳng nhớ...
Hay chuyện em H. ở biệt đội Phan Thiết, em N. ở biệt đội Ban Mê Thuột, vân vân và vân vân...
Nhưng chuyện vui hay buồn, cuối cùng rồi thì cũng được kết thúc bằng những tiếng cười như pháo nổ và những điệp khúc “Thôi dô, dô đi, dô đi...”
Tối hôm đó, rượu ngà ngà say, mọi người chất nhau lên xe ra quán Karaokê, quán nhà, vừa hát, vừa nhảy, vừa nhậu tiếp...
2/ Chuyện buồn thành phố New Orleans
Thành phố New Orleans là một thành phố du lịch và khu du lịch nổi tiếng nhất phải nói là Khu French-Quarter với hai chỗ nổi tiếng nhất, ban ngày là Café Du monde và ban đêm là Bourbon Street. Vì ở trong một thành phố du lịch cho nên bổn phận của tôi khi khách phương xa tới thăm là chở họ đi uống Café Du Monde.
Mọi người chất lên chiếc xe cũ của tôi, lái qua khu French Quarter, mặt mày ai nấy vui vẻ hí hửng chuẩn bị đón mừng một ngày du lịch vui vẻ tươi mát ở khu French Quarter. New Orleans xin long trọng chào mừng quý khách, ha ha ha...
Lái xe tới French Quarter, mọi người vẫn còn vui vẻ, chun vào bãi đậu xe, cũng vẫn còn vui vẻ, cười nói huyên thuyên.. Sau 15 phút đồng hồ vòng vòng trong bãi đậu mà vẫn không tìm ra chỗ, tôi đành phải lái ra. Sang bãi đậu thứ hai thì nhìn thấy tấm bản "hết chỗ" nằm phía trước. Cái này người ta gọi là lịch sự. Hết chỗ thì báo hết chỗ để du khách khỏi mất thì giờ. Sau 3 cái bãi đậu "hết chỗ" như thế nữa, chúng tôi đành lộn vào cái bãi đậu thứ nhất. 15 phút sau, lại phải chun ra. Không lý lại bỏ đi về vì không có chỗ đậu xe, đành phải lái vòng vòng.
Đến lúc này thì sự tưng bừng vui vẻ đã bớt đi nhiều. Khi không còn vui vẻ nữa thì người ta bắt đầu nhìn thấy những cái không hay của thành phố. Trước hết, thành phố du lịch gì mà .... dơ quá. Những căn nhà gỗ xây hai tầng, theo mốt Tây, cũ có đến vài trăm năm, được xem là những di tích thắng cảnh cần phải được bảo vệ thì đúng thật, nhưng di tích nằm trên những con đường lồi lỏm dơ dáy thì nó biến thành một khu phố nghèo, không được tu bổ săn sóc. Cũng phải nói thêm là thành phố cũng có những chỗ đẹp, lịch sự, đáng xem, không phải chỗ nào cũng dơ dáy hết.
Lái xe nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi may mắn tìm thấy được một chỗ trống, liền đút xe vào. Mọi người xuống xe đi bộ khoảng 25 phút tới café Du Monde. Tuổi già sức yếu, bắt đầu thấy đói và mệt.
Lại một phen xếp hàng để chờ thêm nửa tiếng đồng hồ nữa mới được ngồi vào bàn. Chuyện này xảy ra rất thường cho nên chẳng ai buồn. Nhưng cái đáng buồn là, vào quán rồi, khát nước bỏ mẹ, phải ngồi chờ thêm nửa tiếng đồng hồ nữa mới nhìn thấy một chị bồi xuất hiện. Ai nấy ... mừng thấy mẹ, gọi 4 ly ca phê, 4 dĩa bánh Begnet. Chị bồi, người Việt Nam, gật đầu rồi biến mất trong đám rừng người.
Chúng tôi ngồi chờ, chờ và chờ...
Chờ đến hơn nửa tiếng đồng hồ, không thấy gì, tôi bảo anh Hưởng:
-Đây là lần cuối cùng em đi uống cà phê Du Monde. Để uống được một ly cà phê, ăn mấy cái bánh Tây mà phải ... vất vả như thế này khổ thân già quá... Ai có ngờ uống cà phê mà khổ cực như đi ... lính như thế này.
Mọi người đồng ý. Tôi bỗng nảy ra một ý kiến hay:
-Hay là mình bỏ quách cái tiệm này, đi tìm một nhà hàng, đớp hít cho nó sướng?
Mọi người đồng ý. Thế là chúng tôi đứng lên, Aurevoir Le café Du Monde, Je ne revien jamais... Jamais...
Sang cái tiệm Bí-Tết gần đó, mọi người chân ướt chân ráo vào bằng cửa hông. Thấy cái bàn trống toan ngồi xuống thì thằng bồi chạy ra, miệng cười cười, chỉ cái hàng rào người đang chờ ở cửa chính phía bên ngoài:
-Xin lỗi, mời quí vị ra ... xếp hàng...
Thế là lại đi ra. Đi tới mấy cái nhà hàng khác gần đó, chỗ nào cũng nghẹt cứng người chờ từ bên ngoài như nhau cả. Ai bảo kinh tế Mỹ khó khăn, xin mời xuống New Orleans, vào French Quarter để nhìn thiên hạ ăn nhậu. Mẹ, mình kiếm một đồng không ra mà thiên hạ tiền đâu mà lắm thế không biết?
Thế là chúng tôi phóng về một cái tiệm Việt Nam gần nhà, khỏi cần phải xếp hàng, đồ ăn thức uống lại ngon lành hợp khẩu, không khí lại ấm cúng thân mật, lại nói được tiếng Việt, dễ hiểu và dễ thương...
Trên đường vể đây, vừa lái xe, tôi vừa suy nghĩ về cái thành phố này. Tại sao tôi lại chọn một thành phố đa số người da đen, không có một kỹ nghệ to lớn chính thức nào, không có một trường đại học nổi tiếng nào, lại dơ bẩn, và cuối cùng, quận trưởng, nghị viên, và Thống đốc tiểu bang thay phiên nhau đi tù vì tội tham nhũng mà ở?
Cách đây 35 năm, từ thành phố Kansas City tôi đã chọn về đây vì nghe nói dân ở đây nói được tiếng Pháp. Tới nơi mới biết cái tiếng Pháp họ nói là thứ tiếng Pháp của thế kỹ 17. Không phải thế kỹ 17 của dân chúng thanh lịch thành phố Paris mà của dân đầu trộm đuôi cướp Quebec, Canada. Mẹ, thật là vất vả quá.
Tôi đã muốn bỏ thành phố này đi nhiều lần nhưng chưa bao giờ có dịp. Hồi xưa thì còn lận đận quá, và khi lập gia đình rồi, sinh con đẻ cái rồi, và quan trọng nhất, công ăn việc làm vững chắc rồi thì tự dưng cánh chim giang hồ chưa kịp vỗ thì đã bị ... teo mẹ nó lại. Thế là hết đi.
Thôi thì đành chấp nhận nơi này làm quê hương và đã chấp nhận nó làm quê hương thì phải tập để yêu nó. Yêu những cái dở và những cái hay. Vấn đề ở đây là, dở thì nhiều lắm còn hay thì tôi chưa biết thành phố này có cái gì hay. Danh lam thắng cảnh đa số chỉ là di tích của một thành phố ăn chơi, cờ bạc, đĩ điếm, xây dựng lên để đón nhận những tay giang hồ từ khắp nơi đổ về nghỉ ngơi trước khi lên tàu đi vượt đại dương đi khắp 5 châu. Có tay kia người Ăng lê, làm lụng suốt một đời, về già nhớ nhà, bán hết mọi thứ để về quê "an hưởng tuổi vàng." Ghé New Orleans, trong khi chờ tàu, hắn mướn khách sạn, rồi bị dụ, cờ bạc đĩ điếm. Đến khi tàu tới thì trong túi hắn không còn một đồng, bị đuổi ra khỏi khách sạn, đi lang thang rồi đâm đầu xuống sông để "an hưởng tuổi vàng"... dưới nước. Cũng có tay đại tá tên Bienville, anh hùng của quân đội miền Nam thời Nam-Bắc chiến tranh. Miền Nam thua trận, hắn mất hết của cải nhưng không mất được cái thói ăn chơi của những ngày vàng son. Ngày xưa ăn chơi trả tiền đàng hoàng thì không sao nhưng bây giờ ăn chơi ... thiếu, cho nên mới có chuyện. Một ngày, hắn vào một nhà hàng ở khu French Quarter thì bị thằng quản lý mời ra. Hắn tức giận về nhà, bán cái áo lông quý nhất của mình rồi trở lại, kêu thằng quản lý tới, gọi 5 món ăn mắc tiền nhất, trả tiền trước đàng hoàng. 5 món ăn đem ra, hắn cầm từng món một đổ hết xuống đất rồi đứng lên bỏ đi về trước những cặp mắt kinh ngạc của mọi người. Tối đó, hắn kê súng vào đầu bóp cò oành một phát, chấm dứt cuộc đời oanh liệt một thời của mình. Bây giờ khu French Quarter vẫn còn có con đường BienVille và cái quán rượu hắc ám kia vẫn còn đó...
Một thành phố như vậy, ắt chẳng có gì hay. Cái hay nhất có lẽ là nó đã biến tôi thành một ...triết gia nửa mùa, gàn gàn dờ dở, ăn nói chẳng đâu vào đâu. Chán thật.
Nhưng tuần lễ vừa qua, tôi hân hạnh được đón tiếp một người anh trong phi đoàn cũ và vài người bạn đến thăm từ phương xa. Như thế là tốt quá rồi, còn thành phố tôi ở như thế nào không phải là chuyện quan trọng.
Tôi nhớ, nhà văn Lâm ngữ Đường có viết một bài về những cái thú trong đời. Một trong những cái thú đó là có bạn xa bất thần đến thăm, kéo nhau vào nhà, hâm nóng một bình rượu, ngồi bên lò sưởi uống rượu với nhau, kể chuyện đời. Như thế là thú quá rồi...
Để kết luận bài này, xin viết lại một câu tôi đã viết: "Kể ra, được làm người cũng thú lắm đấy chứ..."
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
3/19/2012

No comments: