Monday, April 13, 2015

Mây Mù Tháng 4

 
Như một thông lệ vào những ngày gần cuối Tháng Tư trong năm, ông Hòa thường lấy ra tập nhật ký viết về biến cố Tháng Tư 1975 ra đọc. Tập nhật ký này không phải của ông. Ông không viết một chữ nào, cũng không ghi chú một lời nào trong tập nhật ký với khổ giấy 8x10, mà những trang giấy trắng đã phai màu theo thời gian. 
 
 

Ông Hòa nhớ lại cách đây gần 25 năm, lúc dọn vào căn apartment ở thành phố Westminster, ông đã nhặt được tập nhật ký này trong đống rác ở phía sau nhà.
Thời gian lướt qua với biết bao công việc lo toan cho cuộc sống mới, ông Hòa gần như quên tập nhật ký vẫn còn nằm trong tủ sách. Ðể từ đó ông trở thành chủ nhân bất đắc dĩ tập nhật ký, kể lại những sự kiện liên quan đến biến cố trọng đại của người Việt tỵ nạn trên khắp năm châu.
Nhân vật ghi chép tập nhật ký này là chàng sinh viên năm thứ ba ở đại học Luật Khoa Sài Gòn và đối tượng của chàng là một cô sinh viên năm dự bị, tên Mỹ Linh, ở đại học Văn Khoa Sài Gòn.
Ðọc nhiều lần tập nhật ký ông Hòa gần như thuộc lòng truyện tình hai người, trai Luật khoa, gái Văn khoa và do đó sau này ông chỉ đọc những đoạn có liên hệ đến biến cố Tháng Tư 1975 mà thôi.
Cũng giống như những năm trước, năm nay sau đúng 40 năm ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, ông Hòa lôi ra tập nhật ký, đọc chậm rãi như muốn nuốt từng lời, từng chữ, thả hồn về quá khứ xa xưa, để ghi nhớ và tưởng niệm đến các anh hùng nghĩa sĩ đã anh dũng bỏ mình vì dân vì nước.
***
Ngày Thứ Tư, 2 tháng 4 năm 1975: Khoảng gần 10 giờ sáng tôi có mặt trong lớp học hai giờ Dân Luật với Giáo Sư Vũ Quốc Thông. Tin Cộng quân đã chiếm Nha Trang được lan truyền nhanh trong lớp. Vừa nghe xong tôi bay ra khỏi lớp, chạy nhanh qua đại học Văn Khoa tìm Mỹ Linh. Bước nhanh lên lầu ba, tôi ngó quanh khắp giảng đường, không thấy bóng dáng Mỹ Linh ngồi trong đó. Trông thấy tôi đứng dáo dác nhìn quanh tìm Mỹ Linh, cô bạn của Mỹ Linh bước ra cho biết Mỹ Linh không đến lớp vào sáng nay. Tôi nói cám ơn cô ta và vội vàng phóng xe nhanh đến nhà dì của Mỹ Linh, nơi hai chị em nàng đang ở trọ nằm trên đường Ðinh Tiên Hoàng. Khuôn mặt Mỹ Linh đỏ hoe, bước ra mở cổng. Trông nàng thảm não và buồn đau vì mất tin tức mẹ cha, tôi cảm thấy thương yêu nàng quá đỗi và tự nhủ sẽ không lìa xa nàng trong bất kỳ tình huống tồi tệ nào xảy ra.
Ngày Thứ Tư, 9 tháng 4 năm 1975: Tất cả nhật báo đều loan tin Sư Ðoàn 18 đóng ở tỉnh Long Khánh, đã oanh liệt đẩy lui sự tấn công của Quân Ðoàn 4 Bắc Việt muốn thôn tính thị xã Xuân Lộc.
Sau giờ học buổi chiều ở Luật khoa, tôi ngồi đấu láo với đám bạn ở quán cà phê Thu Hương. Trước chiến thắng của sư đoàn 18 do Chuẩn Tướng Lê Minh Ðảo chỉ huy, tôi nhận thấy đám bạn tôi đều lạc quan và tin tưởng miền Nam không thể rơi vào tay Cộng quân. Chỉ riêng tôi lo lắng và bi quan trước tình hình nguy kịch của đất nước và nêu thắc mắc tại sao chính phủ không đóng cửa tất cả các trường trung và đại học và ban lệnh Tổng Ðộng Viên trên toàn quốc?
Ngày Thứ Hai, 14 tháng 4 năm 1975: Mỹ Linh tan lớp học lúc 10 giờ và theo tôi vào ngồi uống nước trong câu lạc bộ trường Văn Khoa. Tại đây tôi nói với nàng do bởi tình hình chiến tranh căng thẳng, trường đại học Văn Khoa vừa ra thông cáo kỳ thi cuối năm được tổ chức sớm hơn thông lệ và sẽ tổ chức vào đầu Tháng Sáu.
Nói xong tôi bảo nàng đưa thẻ sinh viên để tôi ghi danh dự thi cuối khóa giùm nàng, bởi tôi có người bạn là thành viên trong ban đại diện của niên khóa này và đang phụ giúp việc ghi danh.
Ðưa tấm thẻ sinh viên cho tôi, nàng rầu rĩ kể tôi nghe vừa được thư của người anh ruột đang làm việc ở thành phố Washington DC, nói rằng ở bên Mỹ đang chuẩn bị giăng lều, căng trại đón người thua trận, bởi miền Nam sắp sửa kết thúc như Campuchia vậy. Do đó anh nàng sẽ gởi giấy tờ để bảo trợ nàng đi qua Mỹ du học.
Tôi ngồi lặng im, tiếp tục lắng nghe nàng cho biết ông giáo sư người Mỹ đã nói riêng với nàng rằng tình hình miền Nam càng ngày càng thê thảm và có thể hạ màn vào cuối Tháng Tư này. Sau đó ông ta trân trọng hỏi nàng chịu đi Mỹ với ông ta hay chăng? Tôi chưa kịp hỏi nàng trả lời ra sao, thì Mỹ Linh còn cho tôi biết thêm người chị của nàng là Mỹ Lan hiện làm việc cho cơ quan DAO ( Defend Association Organization), có thể dẫn nàng đi nếu tình thế đến hồi kết cuộc.
Lòng tôi tê tái và se thắt lại khi nghe nàng nói như thế, nàng có nhiều cơ hội sang Mỹ và tôi sẽ phải xa nàng. Tình tôi đối với nàng càng ngày càng đậm sâu và tự nghĩ sau này không gặp được nàng, cuộc đời chắc vô vị lắm! Nhìn thấy khuôn mặt tôi đượm nét không vui, Mỹ Linh nắm tay tôi, mếu máo nói tiếp, ngày nào chưa biết tin tức của song thân nàng vẫn chưa muốn đi đâu hết.
Nghe nàng nói như vậy tôi cảm thấy an tâm và nhẹ nhõm, bởi vì tôi không muốn xa nàng, mất nàng. Lúc đưa Mỹ Linh về nhà, chiếc xe chạy ngang qua Tòa Ðại Sứ Mỹ, tôi đã thấy có một số người đứng xếp hàng một ở bên ngoài, chờ đợi vào bên trong lập thủ tục chuẩn bị rời nước ra đi. Lòng tôi cảm thấy xốn xang và buồn đau quá!
Chiến tranh còn đang tiếp diễn, Sư Ðoàn 18 ở Xuân Lộc đang anh dũng chống trả Cộng quân, thế mà các nhân viên làm việc cho các cơ quan Mỹ đang lặng lẽ chuồn khỏi nước. Hơn hai tuần sau ở Subic Bay tôi tình cờ gặp ông thầy dạy ở Luật khoa, đã tiết lộ rằng vào ngày 15 tháng 4 Tòa Ðại Sứ Mỹ đã gởi mật điện đến trường, yêu cầu cấp tốc lập danh sách những ai muốn rời Sài Gòn.
Sau này khi định cư ở Mỹ, tôi được nghe một anh bạn là sinh viên Y Khoa Sài Gòn năm cuối cùng, cũng tiết lộ Tòa Ðại Sứ Mỹ đã bốc đi gần hết các sinh viên Y Khoa từ năm thứ năm trở lên qua Mỹ. Ðiều đó cho tôi hiểu rằng ông bạn đồng minh của VNCH đã sẵn có kế sách bỏ rơi miền Nam từ lâu, nên tìm cách bốc đi các nhân viên làm việc chung với họ, cùng các chất xám trong nước.
Ngày Thứ Hai, 21 tháng 4 năm 1975: Sau khi đưa Mỹ Linh về nhà, tôi hấp tấp lái xe nhanh về nhà để đón xem bài nói chuyện của Tổng Thống Thiệu với quốc dân đồng bào. Toàn thân tôi đã nổi gai ốc khi nghe Tổng Thống Thiệu tuyên bố từ chức và giao quyền lãnh đạo quốc gia cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Tôi có linh cảm chiến tranh hai miền Nam Bắc sắp kết thúc, với mây đen sắp sửa ập xuống dải đất miền Nam Cộng Hòa. Ðêm đó ngồi trước quyển Hình luật vừa mới mua, tâm trí tôi nhảy múa lung tung trước hiện tình đất nước, không thể nhét một chữ nào vào trong đầu.
Ngày Thứ Ba, 22 tháng 4 năm 1975: Mấy ngày qua tôi không thấy thằng bạn thân xuất hiện trong giảng đường, nên chiều nay sau khi tan học, tôi tạt qua nhà hắn ở cư xá Chi Lăng, tỉnh Gia Ðịnh. Bấm chuông nhiều lần vẫn không thấy ai ra mở cửa, khiến tôi nghi ngờ gia đình hắn đã chuồn ra khỏi nước. Quả đúng như ý nghĩ, sau này hai đứa trùng phùng nhau trên xứ người, hắn cho biết toàn thể gia đình được mục sư Cơ Ðốc Giáo âm thầm dẫn đi di tản từ ngày đó.   
Ngày Thứ Năm, 24 tháng 4 năm 1975: Bởi người anh rể tôi là một kiến trúc sư, làm việc cho cơ quan Mỹ, nên khoảng 10 giờ sáng nay gia đình anh chị tôi cùng với năm cháu được xe ở cơ quan đến tận nhà chở vào phi trường Tân Sơn Nhất. Lòng tôi buồn rười rượi cho nỗi chia ly với anh chị và các cháu, biết bao giờ gặp lại nhau! Vì vậy tôi càng thương cảm cho hoàn cảnh của Mỹ Linh nhiều hơn, đã bặt tin tức song thân từ ngày Nha Trang lọt vào tay Cộng quân. Khoảng 4 giờ chiều tôi đến trường Văn Khoa đón Mỹ Linh. Hai đứa chui vào một quán kem quen thuộc nằm trên đường Nguyễn Huệ. Sau khi một ly kem dâu, một ly kem chocolate và một dĩa bánh su-kem được đặt lên bàn, tôi mới kể nàng nghe anh chị hai cùng năm đứa cháu nhỏ của tôi đã vào phi trường Tân Sơn Nhất hồi sáng hôm nay. Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi tôi sao không đi theo gia đình anh chị? Mỹ Linh thực sự cảm động khi nghe tôi trả lời cho dù có cơ hội di tản, tôi vẫn nhất quyết không đi, chỉ muốn được gần bên nàng mà thôi. Bằng tấm lòng chân thật nàng bày tỏ cũng muốn ở lại đây với tôi và gặp lại mẹ cha. Hai đứa không muốn lìa xa nhau dẫu cho tình thế có rối rắm tới đâu đi nữa.
Ngày Thứ Sáu, 25 tháng 4 năm 1975: Vào khoảng 8 giờ sáng bọn sinh viên năm thứ ba ban Kinh Tế ngồi trong giảng đường chờ thầy Vũ Văn Mẫu đến dạy hai giờ Công Pháp Quốc Tế. Thầy Mẫu không xuất hiện, thay vào đó là thầy Phó Khoa Trưởng Phan Tấn Chức đến cho biết thầy Mẫu bận công vụ không đến dạy vào sáng nay. Vào dịp này trước tình thế hiện tại thầy Chức cho biết ngày thi sẽ được tổ chức sớm hơn và nhấn mạnh ai có thi sẽ được cho đỗ tất cả. Cả lớp học từ từ giải tán, riêng tôi chạy qua Văn Khoa tìm Mỹ Linh. Hai đứa đến rạp Vĩnh Lợi xem phim “Tình Thù Rực Nắng” (Summertime Killer) do nữ tài tử Olivia Hussey thủ diễn, rất sexy trong phim này trái với hình ảnh xinh xắn và dễ thương trong vai nàng Juliet ở phim Romeo & Juliet.
Ðứng trước rạp Vĩnh Lợi tôi không thể tưởng tượng được cảnh tranh giành nhau, chen lấn nhau trước phòng bán vé. Không làm sao tôi quên được quang cảnh bỉ ổi và kinh tởm trước rạp Vĩnh Lợi vào buổi sáng nay. Trời ơi! Ðám đông la hét, chen lấn, chèn ép, xô đẩy nhau chỉ mong đạt được mục đích nhỏ nhoi là mua được tấm vé xi nê. Rồi khi giành mua được tấm vé, khuôn mặt họ đẫm ướt mồ hôi cùng nụ cười rạng rỡ trên môi, trông trơ trẽn và nham nhở vô cùng. Vì những tấm vé hát, đám đông không hề lo lắng và quan tâm đến tình hình chiến cuộc, mà Ban Mê Thuột, Huế, Ðà Nẵng, Nha Trang đã từ từ lọt vào tay Cộng quân. Vì những tấm vé hát, đám đông không mảy may sợ sệt và lo âu một Sài Gòn sẽ mất như thành phố Nam Vang đã lọt vào tay Khmer Ðỏ? Vì những tấm vé hát, đám đông đã nhẫn tâm phản bội và vô ơn đối với những anh chiến sĩ đang ngày đêm trực diện với Cộng quân, để bảo vệ cho họ an lành ở thành thị vui chơi và hưởng thụ. Tủi hổ, chán chường và tức giận, tôi và Mỹ Linh ra về. Buổi tối tôi ngồi xem tin tức, được biết cựu Tổng Thống Thiệu và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm đã rời Việt Nam. Quả thật tình hình đất nước biến chuyển đen tối hơn và niềm âu lo nơi tôi thành phố Sài Gòn rồi sẽ thất thủ như thành phố Nam Vang càng tăng hơn gấp bội.
Ngày Thứ Bảy, 26 tháng 4 năm 1975: Buổi sáng tôi đến trường Văn Khoa lo việc ghi danh thi cử cho Mỹ Linh. Nàng đã cho tôi biết hôm nay hai chị em nàng đi vào các trại tạm cư để dọ hỏi tin tức song thân, nên tôi không cần tìm kiếm nàng trên Văn Khoa. Vào khoảng 2 giờ trưa người bạn thân tên Bổng đến rủ tôi đi uống cà phê. Trong quán cà phê Hân, Bổng hỏi tôi có ý định rời bỏ Sài Gòn không? Tôi đáp nhanh cho Bổng hiểu tôi không có ý định đi đâu hết, bởi tôi không muốn xa Mỹ Linh. Nhà Bổng gần bên Khánh Hội, nên hắn cho biết hắn sẽ tìm cách ra đi nếu nhìn thấy bóng dáng Cộng quân xuất hiện trong thành phố. Nghe như thế, tôi cười và khuyên Bổng dẹp bỏ ý nghĩ rời nước ra đi, bởi “cùng tắc biến, biến tắc thông,” chiến tranh rồi sẽ kết thúc bằng một thỏa ước hòa bình. Nhưng Bổng cãi lại, nói “biến tắc thông, thông rồi tắc tịch” luôn và khuyên tôi nên tìm đường chạy thoát khỏi Sài Gòn, đừng vì con gái mà lụy thân.
Ngày Chủ Nhật, 27 tháng 4 năm 1975: Bởi tình hình chiến sự đang đến hồi khốc liệt, Cộng quân đang tiến dần vào thủ đô Sài Gòn, chính phủ phải ban hành lệnh giới nghiêm vào 7 giờ tối. Vì vậy khoảng gần ba giờ chiều tôi chạy đến tìm gặp nàng. Xa nhau mới chỉ vỏn vẹn một ngày, cả hai tưởng như xa nhau suốt một năm! Tôi gặp cô chị của Mỹ Linh cũng có mặt trong nhà. Mỹ Linh nói ngày hôm qua hai chị em nàng đã đi khắp nơi chứa người lánh nạn để tìm song thân. Tuy không gặp mặt nhưng được tin ba mẹ nàng vô sự và bình an. Mỹ Linh nói thêm rằng song thân nàng nhắn tin bảo hai chị em nàng nếu có cơ hội thì hãy ra đi trước. Nhìn tôi bằng ánh mắt u buồn, Mỹ Linh nghẹn ngào nói hai chị em nàng đã quyết định nghe lời song thân và dự định ra đi. Sau đó chị Mỹ Lan tiếp lời Mỹ Linh cho tôi biết, bởi tình hình biến chuyển ngoài dự liệu, vào sáng mai sẽ có vài vị cao cấp ở cơ quan DAO túc trực ngoài cửa phi trường để rước các nhân viên của DAO vào bên trong phi trường. Nhưng cơ quan DAO chỉ cho phép người phối ngẫu và cha mẹ con cái của nhân viên đi cùng mà thôi. Nước mắt rưng rưng Mỹ Linh nghẹn ngào nói nếu tôi muốn thì sáng ngày mai tôi và chị Mỹ Lan, giả như một cặp vợ chồng, đón xe vào phi trường Tân sơn Nhất, còn nàng ở lại nhà chờ ông giáo sư Mỹ đến rước vào tòa Ðại Sứ Mỹ. Sau đó hai đứa ra ngồi ngoài hành lang tâm sự và bàn tính việc ra đi. Bàn tính chưa xong thì sắp đến giờ giới nghiêm. Tiễn tôi ra tận cửa, hai đứa bịn rịn chẳng muốn lìa xa nhau. Ngoài đường mọi người vội vã chạy về nhà trước giờ giới nghiêm, gây cảnh ồn ào náo động như ngày lễ hội, nhưng bên tôi không nghe gì hết ngoài hơi thở của người yêu mà thôi! Suýt nữa tôi quên trả lại nàng tấm thẻ sinh viên, nên vừa vội vàng móc bóp lấy ra thẻ sinh viên trao nàng, vừa cho nàng biết sự ghi danh thi cử giùm nàng đã xong. Mỹ Linh cười buồn nói rằng tấm thẻ sinh viên này trong nay mai rồi sẽ trở nên vô dụng.
Ngày Thứ Hai, 28 tháng 4 năm 1975: Ðồng hồ trên tường chỉ đúng 9 giờ sáng, chiếc xe taxi chở Mỹ Lan đậu trước nhà tôi. Từ giã những người thân yêu, tôi bước vào trong xe và chiếc xe taxi đưa Mỹ Lan và tôi hướng về phi trường Tân Sơn Nhất. Quang cảnh đường phố sáng nay mang bộ mặt khác thường, bởi con đường nào cũng đông nghịt xe hết. Bóng dáng các cảnh sát gìn giữ trật tự lưu thông lặn mất, khiến lưu thông xe cộ kẹt cứng khắp nơi, một hiện tượng rất lạ thường đối với thành đô. Quả thật sáng nay người dân Sài Gòn đang trực diện với không khí chiến tranh, nỗi lo âu và sợ sệt đang bao trùm khắp thành phố. Xe cộ lưu thông loạn xạ, vô trật tự, tiếng còi xe kêu vang inh ỏi, trộn lẫn với tiếng người kêu la thất thanh, tạo ra bầu không khí hoang mang, sợ hãi tột cùng một sự tắm máu sắp sửa xảy ra do tin đồn loan ra từ cả tuần qua. Chắc vì thế mà mọi người túa ra đường tìm lối ra đi, nên đường phố càng lúc càng đông, mạnh ai hối hả chạy không còn tuân theo luật lệ gì nữa!
Ông tài xế taxi nói tình hình chiến sự kể như vô vọng, Cộng quân tiến gần Biên Hòa rồi. Tin tức Cộng quân đang tiến dần vào ngoại ô thành phố Sài Gòn được lan truyền nhanh chóng, bắt đầu tạo ra bầu không khí hỗn loạn khắp mọi nơi. Chiếc xe taxi nhích từng chút khiến Mỹ Lan ngồi trong xe tỏ vẻ nóng ruột, lo lắng không gặp viên chức DAO, thì làm sao vào bên trong phi trường được. Nhưng rồi đến gần 12 giờ trưa xe taxi mới tới được phi trường, Mỹ Lan thở phào nhẹ nhõm trong khi lòng tôi bồn chồn nhớ đến Mỹ Linh. Chung quanh phi trường được canh phòng bởi nhiều vòng kẽm gai, cùng các Quân Cảnh và vài viên chức người Mỹ đứng canh gác. Lúc ấy tôi mới để ý rất đông người tụ tập bên ngoài phi trường, với ước mong vào bên trong phi trường thì mới có cơ hội đào thoát khỏi thành phố Sài Gòn có nguy cơ bị nhuộm đỏ bởi Cộng quân. Trong thấy bóng dáng Mỹ Lan, một viên chức ở cơ quan DAO đứng tuổi bước đến gần Mỹ Lan, phàn nàn rằng tại sao Mỹ Lan tới đây quá trễ, nếu mà trễ thêm chút nữa hẳn không gặp được ông ta, vì ông ta vừa được lệnh phải quay vào Tòa Ðại Sứ Mỹ. Sau đó ông ta ra lệnh cho lính Quân Cảnh gỡ vòng kẽm gai để tôi và Mỹ Lan bước vào trong phi trường, rồi đính thân ông ta lái xe chở hai đứa đến một căn phòng to rộng, nơi đang có vài ngàn nhân viên Mỹ chờ đợi ra đi. Bước vào trong căn phòng, tôi nhìn thấy mọi người đang nằm, ngồi la liệt, bàn tán tình hình đen tối trước mắt. Vì vậy tôi mới biết trong phi trường vừa có lệnh giới nghiêm 24/24, với lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, mọi cổng gác chung quanh phi trường đều đã đóng kín và được canh phòng nghiêm ngặt bởi lính hỗn hợp Quân Cảnh Việt và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ.
Vừa ngồi xuống một khoảng trống trong căn phòng, toàn thân tôi như bị đông lạnh và tức nghẹn khi được nghe rằng do bởi tình hình đột biến quá nhanh, cơ quan DAO không thể kiểm tra danh sách nhân viên ghi tên ra đi. Do đó bất cứ thân nhân nào đi cùng với nhân viên của DAO, cũng được DAO vớt hết. Còn Mỹ Lan buông tiếng thở dài, than thầm phải mà biết được như thế thì đã kéo Mỹ Linh đi theo luôn vào phi trường. Bỗng nhiên tôi có linh cảm ông giáo sư Mỹ không thể đến bốc nàng đi như đã hứa hẹn và Mỹ Linh sẽ bị kẹt lại. Trong lòng tôi nổi lên sự linh cảm mạnh mẽ hơn khi trời đang nắng gay gắt, bỗng mây đen trên cao đột ngột kéo đến, báo hiệu cơn mưa sắp sửa đổ xuống.
Ngước mắt nhìn trời cao, tôi chỉ thấy toàn đám mây đen, mù mịt che phủ kín mặt trời. Phải chăng hiện tượng mây mù là dấu hiệu đen đúa sắp phủ xuống cuộc đời Mỹ Linh? Mây mù ngự trị trên bầu trời khá lâu, đến buổi chiều trời bắt đầu đổ mưa, tuy không nặng hột nhưng tạo ra hoàn cảnh thê lương hơn, kinh sợ hơn và u ám hơn cho thành phố Sài Gòn. Lòng tôi nóng như lửa đốt, muốn chạy ra gặp Mỹ Linh, nhưng phải đành ngồi bó chân chờ đợi lệnh giới nghiêm được tháo gỡ. Như đọc được ý nghĩ tôi muốn trở ra ngoài, bằng giọng trách móc Mỹ Lan nói rằng trong khi ai ai cũng muốn chạy vào trong đây để được chính phủ Mỹ bốc ra khỏi nước, tránh một cảnh tắm máu có thể xảy ra ngay trong lòng thành phố, thì tôi lại muốn chạy ra ngoài đặng hứng bom rơi đạn nổ. Lời Mỹ Lan nói hoàn toàn không sai! Khoảng 7 giờ tối để “chào mừng” bài diễn văn của Tổng Thống Trần Văn Hương bàn giao chức vụ Tổng Thống cho Ðại Tướng Dương Văn Minh, Cộng quân bắt đầu pháo kích vào trong phi trường. Lúc này tôi nghe nhiều tiếng la thét, tiếng kêu réo, tiếng than khóc vang lên trong đêm tối và mọi người bò lê bò lết nằm xuống tránh đạn, nhưng rất may đạn đã không rơi vào nơi căn phòng tôi và Mỹ Lan đang trú ẩn. Hình như tôi không thể ngủ được một phút giây nào, mắt mở trao tráo nghĩ đến tình thế đen tối miền Nam rơi vào tay Cộng quân, cùng nhớ ray rứt về Mỹ Linh.
Ngày Thứ Ba, 29 tháng 4 năm 1975: Nơi phi trường Tân Sơn Nhất lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vẫn tiếp tục thi hành một cách triệt để và gắt gao hơn nữa. Bằng cách nào tôi chạy thoát ra ngoài trước lính canh phòng với khí giới trên tay và các vòng kẽm gai? Lòng tôi uất nghẹn và điếng đau ghê gớm đã không thể trở ra phi trường tìm gặp người yêu dấu. Ðến khoảng gần một giờ trưa mọi người chứng kiến quang cảnh đoàn lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ giựt sập cột đèn, cắt đứt dây điện, lượm lặt rác, thu dọn các chướng ngại vật dưới đất. Nhiều tiếng la hét và tiếng khóc than nổi lên, bởi lúc ấy ai cũng đều nghĩ chắc chắn đã bị Mỹ bỏ rơi, nên ùn ùn xách hành lý chạy ra khỏi các dãy nhà trú ẩn. Như bừng sống dậy, tôi vội vã chào từ biệt Mỹ Lan, nhập vào đoàn người ùn ùn chạy ra phi trường. Thấy tôi bỏ chạy, Mỹ Lan cũng chạy theo tôi. Chạy được một khoảng ngắn, đoàn người bỗng nghe loa phát thanh vang lên: “Tất cả hãy dừng lại và ngồi xuống đất có trật tự. Ai bất tuân sẽ bị trừng trị. Trong chốc lát sẽ có hàng trăm chiếc trực thăng đáp xuống, bốc quí vị rời khỏi đây.” Ðến giờ mọi người mới hiểu hành động của lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ là chuẩn bị bãi đáp cho chiến dịch Trực Thăng Vận vào giờ chót bốc người đi di tản của tổng thống Mỹ.
Khoảng hơn 3 giờ trưa từng đoàn trực thăng ào ào đáp xuống bãi đất trống, nơi có vài ngàn người đã mỏi mệt chờ đợi mấy ngày qua. Trái với nỗi lo âu nơi tôi có sự hỗn loạn và chen lấn đến chết người như đã xảy ra ở phi trường Ðà Nẵng, mọi người trên tay xách một hành lý nhỏ, trật tự xếp hàng một, từ từ bước vào từng chiếc trực thăng.
Buổi chiều hôm đó mây đen che kín bầu trời, từ một radio cầm tay trong đoàn người, tôi nghe giọng nói của Giáo Sư Vũ Văn Mẫu, hiện là bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, kêu gọi người Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ. Ðể đáp ứng lời kêu gọi đó, Cộng quân pháo kích như mưa vào phi trường Tân Sơn Nhất, nơi đang có vài ngàn người đang xếp hàng một, tuần tự leo vào từng chiếc trực thăng rời khỏi thành phố Sài Gòn thân yêu. Tiếng đạn pháo kích, tiếng cánh quạt của chiếc trực thăng hòa lẫn với tiếng mưa rơi, tạo ra âm thanh thê lương đứt từng khúc ruột trong lòng người bỏ nước ra đi. Ðôi chân nặng nề bước vào chiếc trực thăng, cõi lòng tôi nát tan cho hoàn cảnh đẩy đưa phải đành xa Mỹ Linh từ đây. Từng hạt mưa rơi đầy trên mặt trên môi tôi. Hay nước mắt đang đẫm ướt trên mặt tôi đây?
Tôi nhớ như in, đúng 7.30 tối chiếc trực thăng, có tôi và Mỹ Lan trong đó, từ từ cất cao lên mặt đất, rồi bay cao lên không trung và bay khuất thành phố Sài Gòn dấu yêu. Lúc này tôi biết rõ nước mắt đang nhạt nhòa trên đôi mi tôi. Khoảng chừng thời gian ngắn từng chiếc trực thăng hạ cánh trên Hạm Ðội Thứ Bảy ở ngoài khơi Vũng Tàu.
Ngày Thứ Tư, 30 tháng 4 năm 1975: Vào 10 giờ sáng tôi cùng với số đông đồng bào trên boong tàu của chiến hạm Okinawa, gục đầu buồn bã nghe Ðại Tướng Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng trên đài phát thanh. Mọi người bàng hoàng và kinh ngạc sao Sài Gòn thất thủ nhanh quá! Không ai nói được một lời nào! Một sự im lặng đến rợn người trên boong tàu, cúi đầu rơi lệ đón nhận tin Cộng quân đã chiếm được thành phố dấu yêu Sài Gòn. Sự im lặng đến không thể bày tỏ bằng lời nói của từng khuôn mặt thất thần trên chiến hạm Okinawa, khác nào mọi người đang mặc niệm cho thành phố Sài Gòn đang giẫy chết bởi Cộng quân.
Chiến hạm Okinawa tiếp tục lướt sóng ra đại dương mênh mông, mang chở nỗi cảm xúc kinh hoàng trên từng khuôn mặt của mọi người vừa hay tin thành phố Sài Gòn đã thất thủ. Cho tới hơn hai giờ trưa cùng ngày tất cả người tỵ nạn từ trên chiến hạm được chuyển xuống từng chiếc xuồng nhỏ. Rồi từ chiếc xuồng nhỏ, tôi và Mỹ Lan cùng đoàn người bỏ nước ra đi được chuyển sang một chiếc tàu thương mại to lớn, đậu cách chiến hạm Okinawa không xa mấy. Sau gần hai đêm ba ngày lênh đênh trên biển rộng bao la, con tàu thương mại chứa đầy người tỵ nạn cập bến tại đảo Subic Bay, Phi Luật Tân. Và sau vài đêm tá túc ở đảo Subic Bay, bằng những chuyến bay dân sự những người tỵ nạn được chở đến đảo Guam hay đảo Wake trước khi chính thức nhập cảnh vào đất Mỹ. Riêng tôi và Mỹ Lan được đưa đến đảo Wake, một căn cứ quân sự của Mỹ ở Honolulu. Rồi sau đúng ba tuần lễ tá túc trên đảo Wake, hai đứa được tạm trú trong trại tỵ nạn Camp Pendleton ở tiểu bang California.
***
Uống vài hớp tách trà đã nguội lạnh từ lâu, ông Hòa ngả dài lưng trên ghế sofa, lòng bồi hồi nhớ về các bạn đồng ngũ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam. Chính ông đã bị thương tích đầy mình và bị giam cầm gần 8 năm ròng rã trong trại cải tạo, để suốt cuộc đời còn lại phải sống với đôi chân tật nguyền. Lòng ông cũng ngậm ngùi giùm cho các nhân vật trong tập nhật ký, bởi vì biến cố Tháng Tư 1975 đã tạo ra mối tình oan trái “tình em duyên chị” đến dở khóc dở cười, ra ngoài ý muốn cả ba.
Ông Hòa cũng ý thức được rằng biến cố Tháng Tư 1975 đã để lại biết bao chuyện oan khiên khác, mà mỗi khi hồi tưởng lại thời gian đó, lòng người bỏ nước ra đi gặm nhấm nỗi buồn đau khó thể quên được.

Phan Thanh Tân

No comments: