Tình
hình chiến sự ở Vùng I được yên lặng chút ít vào cuối năm 1974 khi Quân
Đoàn I đẩy lui ý định xâm lấn của cộng sản vào vùng bình nguyên dọc
theo duyên hải phía tây nam Đà Nẵng. Cuộc bình định của chúng ta rất khó
khăn khi đối diện với ba sư đoàn cộng sản tìm cách gây áp lực vào trung
tâm của Vùng I. Song song với áp lực này, CSBV lúc nào cũng có quân đe
dọa ở hai cực nam và bắc của Vùng I. Quân đoàn I hy sinh rất nhiều trong
sáu tháng cuối năm 1974. Các lực lượng cơ hữu của quân đoàn bị hao tổn,
khả năng tác chiến thấp, quân số thiếu hụt vì không còn khả năng bổ
sung.
Sư đoàn Nhảy Dù rút khỏi Vùng I vào giữa tháng 3-1975. Vùng
trách nhiệm của sư đoàn Dù là bắc tỉnh Thừa Thiên đến sông Thạch Hãn ở
hướng bắc của tỉnh Quảng Trị. Khi lính Dù rút đi, trách nhiệm được giao
lại cho liên đoàn 15 BĐQ và sư đoàn 1 BB. Vùng còn lại từ bắc Thạch Hãn
trở lên là phần trách nhiệm của lữ đoàn 369 TQLC. Hai lữ đoàn TQLC còn
lại được đưa về phòng thủ Đà Nẵng và các nơi khác tùy theo tình hình đòi
hỏi. Các nơi TQLC rút đi được giao lại cho liên đoàn 14 BĐQ và thiết
đoàn 1 Kỵ Binh. Tất cả các lực lượng phòng thủ nói trên được tập trung
dưới quyền chỉ huy của một bộ chỉ huy tiền phương đóng ở Huế. Các lực
lượng còn lại nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quân Đoàn, gồm sư
đoàn 3BB, phụ trách lãnh thổ tỉnh Quảng Nam; sư đoàn 2BB, có bộ chỉ huy ở
Chu Lai, phụ trách tỉnh Quảng Ngãi và một phần tỉnh Quảng Tín. Với một
vùng trách nhiệm khá lớn, sư đoàn 2BB được sự hỗ trợ của liên đoàn 11 và
12 BĐQ.
Như vậy, đối đầu với năm sư đoàn và nhiều trung đoàn độc lập
của CSBV, Quân Đoàn I chỉ có ba sư đoàn bộ binh, sư đoàn TQLC, bốn liên
đoàn BĐQ và một thiết đoàn kỵ binh.(1) Vì nằm sát ranh giới của địch,
Vùng I có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. CSBV còn vài sư đoàn tổng trừ
bị vẫn còn nằm ở miền Bắc. Như vậy, CSBV vẫn có thế thượng phong về quân
số và lối bố trí quân so với quân ta. Tình hình quân sự nhìn có vẻ yên
tỉnh nhưng có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Cộng sản tìm cách gây áp lực
vào giữa Huế Đà Nẵng, và Chu Lai Đà Nẵng. Nhìn vào các hoạt động của
địch, chúng ta có thể ước tính địch muốn cô lập quốc lộ 1, cái sương
sống huyết mạch của Vùng I.
Kế Hoạch của Tướng Ngô Quang Trưởng
Lối
bố trí quân và tình hình quân sự Vùng I được tướng Trưởng trình bày như
trên vào buổi họp ngày 13 tháng 3-1975 tại dinh Đôc Lập. Như thường lệ,
tổng thống Thiệu chủ tọa buổi họp dưới sự có mặt của thủ tướng Khiêm,
tác giả (ĐT Cao Văn Viên), và trung tướng Đặng Văn Quang. Sau khi tướng
Trưởng chấm dứt tường trình về tình hình Vùng I, trung tướng Nguyễn Văn
Toàn, tư lệnh Vùng III, được mời vào báo cáo vùng trách nhiệm của ông.
Theo tướng Toàn, tình hình Vùng III tương đối yên tỉnh, không có biến
chuyển nào quan trọng xảy ra.
Sau tướng Trưởng và Toàn, đến lượt tổng
thống Thiệu lên tiếng. Ông phân tích tình hình chung và những khó khăn
VNCH đối đầu về vấn đề quân viện. Tổng thống Thiệu thú nhận ông không
tin Hoa Kỳ sẽ can thiệp dù cho CSBV mở cuộc tổng tấn công vào miền Nam.
Ông tỏ ý thông cảm về tình trạng thiếu thốn, khó khăn ở các quân đoàn.
Ông cho biết trong thời gian gần đây ông ra nhiều quân lệnh nhưng ông
biết các tư lệnh gặp nhiều khó khăn khi thi hành.
Trong hoàn cảnh như
vậy, tổng thống Thiệu tuyên bố, quân đội không thể làm gì khác hơn là
thay đổi chiến lược, tái phối trí lực lượng để giữ các vùng đất phì
nhiêu, có tài nguyên. Nếu chúng ta phải bỏ một số rừng núi cho cộng sản
để giữ lại lãnh địa mầu mỡ, nhiều khoáng sản gồm có thềm lục điạ, thì
chúng ta cũng chấp nhận. Thà vậy hơn là đứng chung một chánh phủ liên
hiệp với cộng sản. Vùng đất mà tổng thống Thiệu nói đến là Đà Nẵng. Về
vấn đề tái phối trí quân tự tổng thống Thiệu nghĩ ra một mình, chưa hề
tiết lộ trong một buổi họp nào. Theo TT, Sư đoàn Nhảy Dù sẽ rời Vùng I,
theo sau là sư đoàn TQLC, nếu tình hình phòng thủ của vùng không bị ảnh
hưởng khi hai đơn vị trên rút đi. Rút hai đơn vị trên khỏi Vùng I cho
phép quân đội tái lập lại các lực lượng tổng trừ bị. Cùng với những cuộc
rút quân khỏi Vùng I, tổng thống Thiệu cho phép tướng Toàn rút quân
khỏi An Lộc, và xử dụng lực lượng đó vào những kế hoạch phòng thủ nơi
nào cần nhất ở Vùng III.(2)
Sau khi tổng thống chấm dứt thì đến lượt
tác giả. Với tư cách tổng tham mưu trưởng, tác giả nhắc các tư lệnh quân
đoàn phải cẩn thận khi rút quân. Buổi họp ngày 13 tháng 3 chấm dứt sau
ba tiếng rưỡi đồng hồ, mặc dù các tham dự viên đã không bàn cãi dài
dòng.
Sáu ngày sau buổi họp đó, tình hình ở Vùng I càng ngày càng
nguy hiểm. Dân chúng kéo nhau chạy về Đà Nẵng lánh nạn, trong khi chánh
quyền không có biện pháp nào kiểm soát hay ngăn chận làn sóng tị nạn.
Trên những đèo quan trọng trên quốc lộ 1, dân chúng, xe cộ di tản gây
nhiều trở ngại cho sự di chuyển quân của hai sư đoàn Nhảy Dù và TQLC.
Ngày
19 tháng 3 dinh Độc Lập gọi tướng Trưởng về Saigon họp thêm lần nữa.
Buổi họp bắt đầu lúc 11 giờ sáng, và lần này có thêm sự hiện diện của
phó tổng thống Trần Văn Hương. Tướng Trưởng trình bày hai kế hoạch triệt
thoái.
Kế hoạch Một: xử dụng quốc lộ 1 làm trục chánh và cùng lúc
rút quân từ Huế về Đà Nẵng, và từ Chu Lai về Đà Nẵng. Kế Hoạch Hai: giả
định cộng quân cắt đứt quốc lộ 1. Trong trường hợp đó, các lực lượng ta
sẽ rút vào ba cứ điểm Chu Lai, Huế, và Đà Nẵng. Tuy nhiên Huế và Chu Lai
chỉ là hai nơi tập trung quân, từ đó dùng phương tiện của hải quân về
Đà Nẵng. Đà Nẵng sẽ là điểm phòng thủ chánh với sự bảo vệ của bốn sư
đoàn bộ binh và bốn liên đoàn BĐQ.(3)
Hai buổi họp chỉ cách nhau sáu
ngày nhưng buổi họp lần thứ nhì với tình thế đang xảy ra chúng ta bị bắt
buột phải chọn Kế Hoạch Hai nếu muốn bảo toàn lực lượng: không thể rút
quân theo Kế Hoạch Một được vì áp lực cộng sản quá mạnh trên đoạn đường
Huế Đà Nẵng, Chu Lai Đà Nẵng. Hai liên đoàn BĐQ đơn vị trừ bị cuối cùng
của Quân Đoàn cố gắng giải tỏa áp lực trên các đoạn đường nhưng vô hiệu;
chúng ta đã mất thế mạnh về quân sự. Và nếu chúng ta có thể chuyển quân
được trên quốc lộ 1, sự di chuyển cũng rất khó khăn vì làn sóng dân tị
nạn đang từ mọi ngả dùng con lộ duy nhất đó để chạy về Đà Nẵng.
Để
kết thúc tướng Trưởng cho tổng thống Thiệu biết, "chúng ta chỉ có một
chọn lựa. Và chúng ta phải thi hành ngay trước khi quá trể." Chọn lựa
của tướng Trưởng là rút quân về Huế, Đà Nẵng, Chu Lai và lợi dụng những
công sự phòng thủ đã có trong thành phố, hay địa hình chung quanh, như
những cao điểm của những ngọn đồi ngoại thành để chống cự. Sau đó tướng
Trưởng cũng hỏi thẳng tổng thống Thiệu về tin đồn ông muốn đưa sư đoàn
TQLC về Vùng III. Nếu đó là sự thật thì kế hoạch của tướng Trưởng bị ảnh
hưởng, và ông muốn biết ý định của tổng thống Thiệu.
Tổng thống
Thiệu nằm trong tình trạng khó xử. Chính ông là người nghĩ ra kế hoạch
triệt thoái và ra lệnh tướng Phú thi hành kế hoạch. Cuộc triệt thoái
khỏi cao nguyên không xảy ra như dự trù nếu không nói là thất bại. Sự
thất bại đó gây nao núng tinh thần dân chúng và có thể ảnh hưởng đến tất
cả những kế hoạch khác.
Căn cứ vào tất cả những biến chuyển đang xảy
ra, chúng ta có thể hiểu được thái độ của tổng thống Thiệu khi phải trả
lời trực tiếp cho tư lệnh chiến trường. Tổng thống Thiệu không nhắc gì
đến chuyện di tản, ông chỉ ra lệnh cho tướng Trưởng giữ bất cứ phần đất
nào ông có thể giữ được với số quân dưới tay ông kể luôn sư đoàn TQLC.
Sau khi tránh trả lời thẳng câu hỏi của tướng Trưỏng, tổng thống Thiệu
quay sang ra lệnh cho tướng Quang soạn cho ông một bài diễn văn để ông
công bố trên đài phát thanh cho toàn dân biết ý định của ông. Ông muốn
trấn an dân chúng, cho họ biết chính phủ VNCH sẽ bảo vệ Huế đến cùng.
Tổng thống Thiệu không nhắc gì đến vấn đề dân tị nạn hay di tản: ông và
thủ tướng Khiêm không đá động gì đến vấn nạn của tướng Trưởng. Trái với
buổi họp lần trước, lần này buổi họp có chút không khí phấn khởi. Có lẽ
nhờ vấn đề triệt thoái và tái bố trí quân đã không được đề cập đến.
Hai Phía Bắc và Nam của Vùng I
Sáu
giờ chiều ngày 19 tháng 3 tướng Trưởng trở lại Đà Nẵng. Vừa đáp xuống
phi trường ông nhận được báo cáo của tướng Lâm Quang Thi, tư lệnh phó
quân đoàn. Tướng Thi báo cáo bộ tư lệnh tiền phương của ông tại Huế bắt
đầu bị pháo 130 ly của cộng sản bắn vào. Quân Bộ binh có thiết giáp yểm
trợ đã đánh vào tuyến đầu của vòng đai phòng thủ ở phía nam sông Thạch
Hãn. Cuộc tổng tấn công của CSBV đã bắt đầu ở Vùng I chiến thuật. Gần
hai năm từ ngày ngưng bắn, ranh giới ta và địch nằm song song nhau ở
sông Thạch Hãn tương đối yên tỉnh. Tại đây có một bộ chỉ huy của Ủy Ban
Kiểm Soát Đình Chiến và là nơi hai bên trao đổi tù binh nhiều lần sau
ngày ngưng bắn. Tướng Trưởng lập tức gọi BTTM xin được phép xử dụng lữ
đoàn Nhảy Dù ứng chiến trong tình trạng cần thiết. Lữ đoàn 1 trong lúc
đó đang tập họp ở phi trường Đà Nẵng chuẩn bị lên đường về Saigon. Tổng
thống Thiệu đồng ý cho cho tướng Trưởng giữ quân Dù ở Vùng I với một
điều kiện: không được cho quân Dù lâm chiến dưới bất cứ trường hợp nào.
Như vậy giữ quân Dù ở lại Vùng I như một yểm trợ tinh thần chứ không cho
lâm trận. Khi ra lệnh như vậy tổng thống Thiệu hiểu được giá trị tâm lý
của lính Dù, nhưng ông cũng biết xử dụng nguyên lữ đoàn Dù cũng không
thay đổi được tình hình. Đến lúc đó tướng Trưởng rất hoang mang về tình
hình quân sự ở tuyến đầu quân đoàn I.
Đêm 19 tháng 3 Quảng Trị mất
vào tay địch. Các lực lượng của ta gồm các chi đoàn Thiết Kỵ, một liên
đoàn BĐQ và ba liên đoàn Địa Phương Quân rút về bên này bờ sông Mỹ
Chánh. Tại đây quân ta lập một phòng tuyến mới.
Sáng ngày 20, tướng
Trưởng bay ra bộ chỉ huy tiền phương của sư đoàn TQLC đóng cách tuyến
phòng thủ Mỹ Chánh khoảng bảy cây số. Tại đây ông họp tất cả các cấp chỉ
huy để bàn kế hoạch phòng thủ Huế như tổng thống Thiệu đã ra lệnh phải
giữ bằng mọi giá. Tình hình mặt trận mà các cấp chỉ huy và tướng Trưởng
đang đối diện không đến nổi bi quan Kế Hoạch Dự Trù 1 của Tướng Trưởng:
Kế hoạch 1 giả định quốc lộ 1 còn di chuyển đuợc. Lính từ hai cứ điểm
Chu Lai và Huế sẽ theo quốc lộ 1 rút về Đà Nẵng. Tuyến phòng thủ Đà Nãng
sẽ được ba sư đoàn bộ binh, sư đoàn TQLC, thiết đoàn thiết giáp, và bốn
liên đoàn BĐQ bảo vệ. Kế Họach Dự Trù 2: Trong kế hoạnh này, giả định
quốc lộ 1 không còn xử dụng được. Quân tái phối trí tụ về Chu Lai và
Huế. Tàu Hải Quân sẽ di tản tất cả quân về Đà Nẵng từ hai điểm tập họp
đó. Tuy nhiên kế hoạch tái phối trí của tướng Trưởng không thực hiện
được vì tổng thống Thiệu không giữ lời hứa, cho sư đoàn TQLC ở lại Vùng
I.
Quân chủ lực và các đơn vị Nghĩa Quân, Địa Phương Quân còn trong
tình trạng hoàn hảo. Tinh thần cao và kỷ luật được duy trì. Mất Quảng
Trị có thể làm binh sĩ xuống tinh thần nhưng tình thế chưa hoàn toàn
tuyệt vọng. Dân chúng đã di tản nhiều và thẩm quyền quân sự đỡ lo lắng.
Phần lớn sư đoàn TQLC đã triệt thoái về Đà Nẵng. Các đơn vị còn lại vẫn
duy trì được quân phong quân kỷ. Tinh thần chiến đấu của các cấp chỉ huy
trong buổi họp là đồng lòng tử thủ Huế cho đến cùng.
Trên đường trở
về Đà Nẵng tướng Trưởng ghé Huế thăm thiếu tướng Hoàng Văn Lạc, tư lệnh
phó quân đoàn về lãnh thổ. Sau khi viếng thăm các tuyến phòng thủ tướng
Trưởng rất lạc quan về tình hình bố trí quân của các lực lượng ở Huế.
Một giờ ba mươi cùng ngày, tổng thống Thiệu đọc hiệu triệu cho toàn dân
trên làn sóng truyền thanh. Lời hiệu triệu nhấn mạnh đến Huế: Ông ra
lệnh tử thủ Huế bằng mọi giá. Lời hiệu triệu của tổng thống Thiệu rất
cần để nâng cao tinh thần quân dân cán chính dù hơi trễ trong lúc này.
Tướng Trưởng rời Huế rất tự tin và cương quyết.
Buổi chiều, vừa trở
về Đà Nẵng, tướng Trưởng nhận một quân lệnh mật của dinh Độc Lập gởi
khẩn cấp qua BTTM. Trái ngược với những lời hứa của tổng thống Thiệu đọc
trong lời hiệu triệu vào lúc trưa là giữ Huế cho đến cùng, ông ra lệnh
tướng Trưởng, nếu tình hình bắt buộc, chỉ cần bảo vệ Đà Nẵng mà thôi. Lý
luận của tổng thống Thiệu là quân đoàn I không đủ quân để bảo vệ một
lúc ba cứ điểm Chu Lai, Huế và Đà Nẵng. Cũng trong quân lệnh tổng thống
Thiệu ra lệnh sư đoàn Nhảy Dù phải về Saigon lập tức. Sư đoàn Nhảy Dù
rời Đà Nẵng ngay đêm đó.
Tình hình Vùng I mỗi ngày trở nên nguy ngập.
Hiệu triệu của tổng thống Thiệu được phát thanh lại vài ngày sau nhưng
người dân đã hết tin tưởng. Đến lúc này mọi người tìm cách rời Huế, tìm
đường về Đà Nẵng hay xa hơn. Ngày 21 tháng 3, được bổ sung thêm quân từ
hậu tuyến, CSBV đánh mạnh vào Phú Lộc, gây áp lực mạnh ở vào quốc lộ 1,
khoảng giữa Huế và Đà Nẵng đoạn đường đầy dân chúng tản cư. Sư đoàn 1BB
dưới sự hổ trợ của pháo binhvà không quân đẩy lui được áp lực của địch.
Nhưng cán cân quân sự đã thuộc về phía cộng sản. Sư đoàn 1BB cầm cự đến
trưa ngày 22 thì thất thủ: trung đoàn 1BB và liên đoàn 15 BĐQ bị đẩy
lui. Một khúc đường của quốc lộ 1 hoàn toàn bị cô lập, không còn cách
nào giải tỏa được. Liên đoàn 15 BĐQ và trung đoàn 1/sư đoàn 1BB bị thiệt
hại nặng trong cuộc giao tranh.
Đối diện với những thất bại, cộng
thêm sự khó khăn di chuyển trên quốc lộ 1, tướng Trưởng ra lệnh các
tuyến phòng thủ chung quanh Huế thu gọn lại vòng đai để sự kháng cự có
hiệu quả hơn. Với phương tiện di chuyển bằng tàu hải quân đã có mặt tại
quân khu, chánh quyền di tản dân và quân cụ ra khỏi Đà Nẵng. Sáng ngày
23, địch pháo kích vào Huế. Pháo bắn rời rạc, không gây thiệt hại gì,
nhưng tạo nhiều hoang mang cho tinh thần dân còn lại thành phố náo động
và có mòi hỗn loạn.
Ở phía nam của Vùng I, tình hình nguy ngập sau
khi hai quận Hậu Đức và Tiên Phước của tỉnh Quảng Tín mất vào tay địch.
Sư đoàn 2BB và liên đoàn 12 BĐQ chận được áp lực của cộng quân khi địch
tiếp tục tấn công về hướng Tam Kỳ và các vùng ở miền duyên hải. Các tiền
đồn xa hơn ở phía tây thì có thể bị tràn ngập bất cứ lúc nào. Trước áp
lực dồn dập của địch, tướng Trưởng ra lệnh di tản hai quận Sơn Trà và
Trà Bồng ở tỉnh Quảng Ngãi. Những tiền đồn xa đường tiếp tế, yểm trợ,
cũng được lệnh di tản. Tướng Trưởng gom các lực lượng lại để có thể bảo
vệ những điểm trọng yếu vào trận cuối. Sự chỉnh đốn và tái bố trí của
tướng Trưởng đem lại một chút yên tỉnh ở chiến trường của hai tỉnh Quảng
Tín và Quảng Trị trong vài ngày dù đó là một sự yên tỉnh rất gượng gạo.
Rạng
sáng ngày 24 cộng quân tấn công mạnh ở Quảng Tín. Sư đoàn 711, trung
đoàn 52 và các đơn vị xe tăng của cộng quân đánh vào Tam Kỳ. Đặc công
địch đột nhập vào trại tù trong thành phố, thả tù nhân ra, tạo nhiều rối
loạn an ninh. Đến trưa thì Tam Kỳ thất thủ. Trung đoàn 2/sư đoàn 3BB
được lệnh tiến về Quảng Tín để giúp lực lượng địa phương chạy về từ Tam
Kỳ. Tam Kỳ mất, hàng chục ngàn dân ùn ùn kếo về Đà Nẵng. Trong đám dân
di tản, dĩ nhiên đặc công và tiền pháo viên của cộng sản trà trộn vào để
chỉ điểm và làm nội tuyến về sau.
Ở Quảng Ngãi địch xua quân và tấn
công gấp rút hơn. Các đơn vị đặc công và quân địa phương cộng sản lợi
dụng tình thế hỗn loạn, tấn công phi trường, cơ sở hành chánh và quân sự
trong tỉnh. Quốc lộ 1 bị cắt hoàn toàn ờ đoạn Quảng Ngãi Chu Lai; đường
dẫn về miền duyên hải cũng bị cô lập. Chỉ trong một ngày, tình hình
quân đoàn I rối loạn đến mức không còn kiểm soát được. Trung đoàn 2/sư
đoàn 1BB, sau nhiều lần giao chiến, không còn khả năng tiếp ứng cho
Quảng Ngãi. Được sự chấp thuận của quân đoàn I, các đơn vị tiểu khu
Quảng Ngãi đánh mở đường máu về Chu Lai trong đêm đó. Vài đơn vị về được
Chu Lai trước khi trời sáng.
Cuộc Di Tản Cuối Cùng của Quân Đoàn I
Đến
ngày 25 tháng 3, tất cả các đơn vị của quân đoàn I tụ lại tại ba phòng
tuyến chánh: nam Chu Lai, Đà Nẵng (kể luôn Hội An) và bắc TP Huế. các
lực lượng của quân đoàn I bị thiệt hại nhiều khi di tản về ba phòng
tuyến này. Tinh thần binh sĩ xuống thấp và chán nản. Từ lâu, chinh chiến
hết trận này đến trận nọ, nhưng chưa bao giờ họ nằm trong tình cảnh
tuyệt vọng như vầy. Họ không biết hy vọng vào ai có thể giúp họ đương
đầu với địch như họ đã đương đầu nhiều lần trong quá khứ.
Trong tình
thế thật thất vọng đó, quân đoàn I nhận thêm một quân lệnh từ dinh Độc
Lập: tổng thống Thiệu ra lệnh tướng Trưởng dùng ba sư đoàn cơ hữu của
quân đoàn để phòng thủ Đà Nẵng. Sư đoàn TQLC được đóng vai trừ bị. Đêm
đó tướng Trưởng ra lệnh sư đoàn 1BB và các đơn vị chung quanh Huế rút về
Đà Nẵng. Cùng lúc tướng Trưởng ra lệnh cho sư đoàn 2BB, chi khu Quảng
Ngãi và thân nhân họ rút ra Cù Lao Ré, một đảo nằm ngoài khơi Chu Lai.
Kế
hoạch di tản lực lượng khỏi Huế bắt đầu bằng cách cho sư đoàn 1BB và
các đơn vị cơ hữu của sư đoàn rút ra Cửa Tư Hiền. Từ đó, hải quân và
công binh sẽ bắt một đoạn cầu để quân di tản đi ngược vào đất liền, rồi
dùng đường bộ về Đà Nẵng. Sư đoàn TQLC và các đơn vị trực thuộc (kể luôn
thiết kỵ) sẽ triệt thoái bằng tàu hải quân. Bộ tư lệnh tiền phương quân
đoàn sẽ trực tiếp chỉ huy cuộc triệt thoái.
Sáng ngày 26, biển có
sóng to làm đình trệ cuộc vận chuyển; và cầu nối giữa Tư Hiền và đường
bộ vẫn chưa hoàn tất. Đến trưa, thủy triều dâng lên quá cao để có thể
vượt biển. Đến lúc đó cộng sản đã đoán được ý định triệt thoái của quân
ta, và bắt đầu nã pháo vào Tư Hiền và các địa điểm tập trung quân để di
tản. Hỗn loạn xảy ra; quân kỷ không còn kiềm giữ được. Cuộc triệt thoái
chỉ đem về Đà Nẵng 1/3 tổng số quân. Nhưng 1/3 số quân này khi về đến
phố thì cũng không còn hữu dụng: Vừa đến thành phố, nhiều binh sĩ tản
hàng để đi tìm thân nhân của họ đang thất lạc. Trong các đơn vị di tản
chỉ có sư đoàn TQLC còn giữ được vẹn toàn quân
kỷ.
(Còn tiếp....)
Chú thích:1.
Chín trung đoàn độc lập của CSBV là trung đoàn 4, 5, 6, 27, 31, 48, 51,
271, và 271. Ngoài ra CSBV còn có ba trung đoàn đặc công 5, 45, 126
(trung đoàn đặc công người nhái); ba trung đoàn thiết giáp 202, 203,
573; mười hai trung đoàn phòng không; và tám trung đoàn pháo binh (chú
thích của dịch giả).
2. Buổi họp ở dinh Độc Lập vào ngày 13 tháng 3,
1975 đã được thuật lại rõ ràng ở trên. Trong dịp đó tổng thống Thiệu đã
cho hai vị tư lệnh quân đoàn I và III (tướng Trưởng và tướng Toàn) biết ý
định sắp xếp lại lãnh thổ VNCH sao cho phù hợp với sự cắt giảm viện trợ
quân sự. Tuy nhiên tổng thống Thiệu chưa cho lệnh rút quân ở bất cứ nơi
nào vào lúc đó, trừ việc bỏ An Lộc ở Vùng III. Buổi họp ở Cam Ranh ngày
14/3 xảy ra sau khi Ban Mê Thuột mất, và tại Cam Ranh TT Thiệu ra lệnh
tái phối trí lực lượng của quân đoàn II để chiếm lại Ban Mê Thuột (chú
thích của tác giả).
3. Kế hoạch lui quân do quân đoàn I soạn thảo
rất hợp lý và đầy đủ, gồm kế hoạch dự phòng để đối phó với những bất ngờ
do địch gây ra. Khi trận chiến khai diễn như Kế Hoạch Hai dự trù, và
các đơn vị của quân đoàn I rút hết về Đà Nẵng, chúng ta chỉ còn hai hành
động phải làm: Cố thủ tại chổ hoặc rút bằng đường biển nếu tình thế bắt
buộc. Như vậy vào thời điểm trên, đâu còn cần đến kế hoạch dự phòng nào
khác (chú thích của tác giả).
Nguyễn Kỳ Phong
No comments:
Post a Comment