Với hệ thống chỉ huy mới, lực lượng mới đến tăng cường, được sự yểm trợ hữu hiệu của Không quân, tình hình an ninh, trật tự tại Ninh Thuận-Bình Thuận được vãn hồi nhanh chóng. Trong tuần lễ đầu, chỉ có vài trận đụng độ nhỏ không đáng kể, chỉ có áp lực của sư đoàn 7 CSBV ở cạnh sườn Phan Thiết. Trong khi đó, tại Quân khu 3, áp lực của CQ đã gia tăng tại mặt trận Biên Hòa-Long Khánh. Trước tình hình đó, trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn 3, quyết định rút Lữ đoàn 2 Nhảy Dù từ Phan Rang về để củng cố lực lượng trừ bị phản ứng cấp thời. Thay thế cho Lữ đoàn 2 Dù và tăng cường lực lượng phòng thủ Bình Thuận là thành phần còn lại của Sư đoàn 2 Bộ Binh (BB) được tái chính trang sau khi rút khỏi Quân khu 1 vào hai tuần trước đó, một liên đoàn Biệt động quân cũng vừa được củng cố cách đó ba ngày và một chi đoàn M 113 thuộc Quân đoàn 2 mới được tái thành lập.
Theo tài liệu của đại tướng Cao Văn Viên thì lực lượng Sư đoàn 2 BB được tái thành lập với 2 trung đoàn BB, 1 tiểu đoàn Pháo binh 105 ly, 1 pháo đội 155 ly và chi đội M 113. Việc chuyển quân ra thay thế vừa sắp hoàn tất thì chiến trận bùng nổ. Ngày 14/4/1975, sư đoàn F-10 CQ được tăng cường bởi các đơn vị của Sư đoàn 3 CSBV tấn công vào cụm vị trí của Thiết giáp và Pháo binh. Trước tình thế nguy kịch, trung tướng Nghi yêu cầu giữ lại một tiểu đoàn Nhảy Dù đang chuẩn bị rút về để đối phó. Sau đây là tình hình chiến sự tại mặt trận Phan Rang trong hai ngày 15 và 16/4/1975. Phần này được biên soạn dựa theo hồi ký của cựu trung tướng Trần Văn Đôn, nguyên Tổng trưởng Quốc phòng VNCH, bài nhận định của cựu đại tướng Cao Văn Viên viết cho Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, cuốn Đời Chiến Binh của cựu thiếu tá Nhảy Dù Trương Dưỡng, và tài liệu riêng của VB.
* Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn thị sát mặt trận Phan Rang
Ngày 15/4/1975, cựu trung tướng Trần Văn
Đôn, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng của tân nội các Nguyễn Bá
Cẩn, đã bay ra Phan Rang để thị sát chiến trường. Sau khi nghe trung
tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh Tiền phương
Quân đoàn 3, trình bày tình hình và những đề nghị cấp thiết, Tổng
trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn hứa là sẽ tìm mọi cách để cung cấp các
loại vũ khí chiến lược như hỏa đạn CBU cho lực lượng bảo vệ phòng tuyến
Phan Rang. Sau khi về đến Sài Gòn, cựu trung tướng
Trần Văn Đôn cho mời thiếu tướng Smith, tùy viên Quân sự tòa đại sứ Mỹ
đến gặp ông tại văn phòng Tổng trưởng Quốc phòng VNCH ở đường Gia Long.
Trong cuộc gặp này, cựu trung tướng Trần Văn Đôn đã yêu cầu thiếu tướng
Smith cung cấp cho bộ Quốc phòng VNCH những
loại vũ khí mà Quân lực VNCH đang cần đến, trong đó có hỏa đạn CBU, ống
dòm và máy truyền tin cho các đơn vị chiến đấu.
Trước yêu cầu của VNCH, thiếu tướng Smith cho biết hiện trong kho vũ khí của Hoa Kỳ không còn những loại này. Tướng Smih hứa sẽ hỏi lại bộ Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, vì vào thời gian này vũ khí và đạn dược đều nằm ở những tổng kho ngoài lãnh thổ Việt Nam. Rời bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Simth ghé qua văn phòng của Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH, ông báo cho đại tướng Viên biết qua về nội dung cuộc gặp gỡ của ông với tổng trưởng Quốc phòng VNCH. Thiếu tướng Smith nói với đại tướng Viên: “Tôi được ông tổng trưởng Quốc phòng mời đến, tưởng ông bàn chuyện di tản gia đình của ông, không ngờ tướng Đôn bàn chuyện tiếp vận cho các đơn vị ngoài tiền tuyến. Lần đầu tiên, một vị tổng trưởng Quốc phòng bàn với tôi vấn đề đó từ mấy tháng nay”.
Cũng cần ghi nhận rằng trước ngày 14/4/1975, chức vụ tổng trưởng Quốc phòng VNCH do đại tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng chính phủ, kiêm nhiệm. Theo nhận xét của thiếu tướng Smith, Thủ tướng Khiêm ít có thời gian để lo công việc quốc phòng, và hầu như ông cũng không có thực quyền, mọi việc liên quan đến quốc phòng đều do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định. Khi cựu trung tướng Trần Văn Đôn được tân Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn mời làm Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, ông yêu cầu Tổng thống Thiệu giao cho ông được trọn quyền về quốc phòng. Là cấp chỉ huy cũ của Tổng thống Thiệu nên tướng Đôn gặp nhiều sự dễ dàng khi đưa ra những đề nghị liên quan đến vấn đề quốc phòng và tiếng nói của ông có “trọng lượng”. Trở lại với việc tìm nguồn vũ khí tăng viện cho các đơn vị, sau khi gặp tướng Smith, cựu trung tướng Đôn cũng đã gặp trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh Không quân để bàn về phương cách làm sao có CBU để giúp cho các đơn vị chiến đấu.
* Trận chiến cuối cùng tại phòng tuyến Phan Rang
Trong khi bộ Quốc phòng VNCH đang tìm cách để cung cấp các vũ khí tối cần thiết cho các đơn vị tại chiến trường thì tại mặt trận Phan Rang, trong 2 ngày 15 và 16/4/1975, Cộng quân đã tung 2 sư đoàn tấn công vào căn cứ Không quân Phan Rang và trung tâm thị xã. Phòng thủ vòng đai căn cứ Không quân là tiểu đoàn 11 Nhảy Dù và 1 tiểu đoàn Địa phương quân. Tiểu đoàn Nhảy Dù này thuộc Lữ đoàn 2 Dù chuẩn bị về Sài Gòn theo kế hoạch chuyển quân của Bộ Tổng Tham Mưu nhưng do tình hình chiến sự rất nguy ngập, nên trung tướng Nghi đã xin giữ lại đơn vị này. Bộ chỉ huy Lữ đoàn 2 Dù cũng còn ở lại Phan Rang khi Cộng quân tấn công vào thị xã tỉnh lỵ. Tại trung tâm thị xã, lực lượng phòng thủ là một trung đoàn của Sư đoàn 2 Bộ binh và một tiểu đoàn Địa phương quân thuộc tiểu khu Ninh Thuận.
Hệ thống bảo vệ từ xa của phòng tuyến Phan Rang do một liên đoàn Biệt động quân, 1 tiểu đoàn Pháo binh, 1 chi đoàn M 113 phụ trách, đã bị Cộng quân tấn công từ ngày 14/4/1975. Để dọn đường cho bộ binh tấn công vào căn cứ Không quân Phan Rang và trung tâm thị xã, Cộng quân đã pháo liên tục vào các vị trí phòng ngự vòng quanh căn cứ Không quân, đồng thời bắn phá dồn dập vào khu vực phi cơ đậu và phi đạo để không cho phi cơ chiến đấu của Sư đoàn 6 Không quân cất cánh. Cùng lúc đó, Cộng quân tấn công mạnh vào thị xã bằng ba hướng. Lúc bấy giờ đại đa số cư dân Phan Rang đã di tản vào Nam, thị xã chỉ còn lại quân nhân, cảnh sát và một số công chức. Lực lượng phòng thủ thị xã chống trả quyết liệt, nhưng do Cộng quân quá đông nên lần lượt các tuyến phòng thủ trung tâm đều bị chiếm. Cùng lúc đó, Cộng quân tung một trung đoàn cắt đứt đường giao thông trên Quốc lộ 1 ở khu vực Cà Ná cách thị xã Phan Rang khoảng 48 km về hướng Tây Nam cốt để chặn đường rút quân của các đơn vị VNCH.
* Phan Rang thất thủ, trung tướng Nghi và chuẩn tướng Sang bị bắt
Không còn lực lượng trừ bị để tăng viện
cho các tuyến phòng thủ, trong khi đó căn cứ Không quân bị tấn công dữ
dội, nên sáng ngày 16/4/1975, trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh Tiền
phương Quân đoàn 3 kiêm tư lệnh mặt trận Phan
Rang họp khẩn cấp với chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang - Tư lệnh Sư đoàn 6
Không quân, sư đoàn đang phụ trách căn cứ Không quân Phan Rang, và chuẩn
tướng Trần Văn Nhựt, tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh, để bàn kế hoạch rút
quân. Theo lời của chuẩn tướng Nhựt thì giải pháp
mà các vị tướng chọn lựa là phân tán và rút theo cá nhân.
Tình hình tại bộ Tư lệnh của tướng Nghi vào lúc đó rất nguy kịch, do hệ thống truyền tin bị trúng đạn pháo kích của Cộng quân, nên bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 ở Phan Rang đã không còn liên lạc được với bộ Tư lệnh chính của Quân đoàn 3/Quân khu 3 đóng tại Biên Hòa, cũng như bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn. Đến trưa ngày 16/4/1975, thị xã Phan Rang bị Cộng quân chiếm.
Tại bộ Tư lệnh mặt trận Phan Rang đặt trong căn cứ Không quân, Cộng quân xua quân tiến sát đến vòng đai phi trường, trung tướng Nghi và tướng Sang cho lệnh các sĩ quan và đơn vị trú phòng tùy nghi phân tán. Riêng chuẩn tướng Nhựt được trực thăng (dành riêng cho tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh) đáp xuống ngoài hàng rào phi trường Phan Rang bốc đưa ra biển. Trực thăng chở tướng Nhật gặp tàu Hải quân HQ 3. Tướng Trần Văn Nhựt kể lại rằng từ trực thăng ông nhảy xuống biển và được chiến hạm HQ 3 vớt lên. Từ HQ 3, tướng Nhựt dùng máy truyền tin của Hải quân báo cáo về Sài Gòn là Phan Rang đã thất thủ.
Trở lại với tình hình tại căn cứ Không quân Phan Rang, sau hàng loạt pháo kích bắn phá căn cứ phi trường, doanh trại và hệ thống công sự phòng thủ trong căn cứ, Cộng quân điều động bộ binh và thiết giáp đánh thẳng vào căn cứ. Trong tình hình nguy kịch, bộ chỉ huy Lữ đoàn 2 Nhảy Dù đã mở đường máu ra khỏi phi trường và “bắt tay” tiểu đoàn 11 Nhảy Dù ở ngoài. Sau đó, đại tá Nguyễn Thu Lương, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Dù, đã liên lạc được với phi cơ quan sát, sĩ quan liên lạc của Sư đoàn Nhảy Dù trên phi cơ yêu cầu đại tá Lương tìm bãi đáp để 25 trực thăng sẽ hạ cánh bốc quân đi. Vị lữ đoàn trưởng lữ đoàn 2 Nhảy Dù trình với trung tướng Nghi đưa bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn và Sư đoàn 6 Không quân di chuyển đến bãi trống phía trái phi trường để lên chuyến trực thăng đầu, còn toàn bộ anh em Nhảy Dù sẽ di chuyển bộ đi về hướng núi Cà Núi để gặp một số đại đội Nhảy Dù bố phòng tại đây.
Trung tướng Nghi đã từ chối kế hoạch bảo vệ sự an toàn cho ông và các sĩ quan tham mưu của bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3, ông nói với đại tá Lương: “Báo cho đoàn trực thăng trở về túc trực, sáng mai sẽ tính. Bây giờ chúng ta tiếp tục di chuyển về Cá Ná lập phòng tuyến chận địch tại đó.” Nghe tướng Nghi nói như vậy, đại tá Lương đành cho lệnh bố trí chờ đêm tối băng đường ra khỏi vòng vây của Cộng quân.
Theo lời kể của một số nhân chứng thuật
lại với cựu thiếu tá Trương Dưỡng, tác giả cuốn Đời Chiến Binh, thì
trong lúc nguy kịch, có một chiếc C 47 được trang bị máy móc để hình
thành bộ chỉ huy trên không. Trung tướng Nghi bảo
chuẩn tướng Sang cùng sĩ quan Tham mưu bay lên trời để điều hợp chỉ
huy, tướng Sang trả lời: “Trung tướng là tướng 3 sao mà ở dưới đất, tại
sao tôi có 1 sao lại ở trên trời” Tôi phải ở dưới cùng chịu chung nguy
hiểm với trung tướng.” Cuối cùng trung tướng
Nghi và chuẩn tướng Sang và một số sĩ quan bộ Tư lệnh Tiền phương Quân
đoàn 3 bị CQ bắt trong giờ cuối của trận chiến.
No comments:
Post a Comment