Sunday, May 3, 2020

Phần 2 - Những Ngày Cuối Của VNCH - Nguyên Tác: The Final Collapse Của Đại Tướng Cao Văn Viên. Dịch Giả: Nguyễn Kỳ Phong

Chương 3: Tình Hình Quân Sự Sau Ngày Ngưng Bắn 1973-1974 
Trên lý thuyết, Hiệp Đinh Paris ngày 27 tháng Giêng 1973 kết thúc chiến tranh Việt Nam. Nhưng chiến tranh chỉ thật sự kết thúc ở miền Bắc mà thôi; ở miền Nam cuộc xung đột vẫn xảy ra: không một điều khoản nào của hiệp định bắt cộng sản rút quân ra khỏi miền Nam hay bắt họ phải đóng quân tại một chỗ. Cộng sản Bắc Việt giữ lại ở miền Nam một một số quân lớn để bảo đảm cho những thương lượng chính trị có lợi cho họ và để đối phó với bất cứ những biến cố nào xảy ra trong tương lai. Không một ủy ban quốc tế nào có thể kiểm soát và thi hành hiệp định một cách hữu hiệu đối với những vi phạm một cách trắng trợn và cố ý của cộng sản.
Vai Trò của  Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến
Ủy Ban Quốc tế Kiểm Soát Đình Chiến (International Commission for Control and Supervision; ICCS) được thành lập để giám sát và thi hành cuộc ngưng bắn theo điều khoản của Hiệp Định Paris. Các quốc gia thành viên nguyên thủy của ICCS là Gia Nã Đại, Nam Dương, Hung Gia Lợi và Ba Lan. Nhưng sau một thời gian không lâu, Gia Nã Đại thấy thất vọng về những diễn biến sau ngày hiệp định có hiệu lực nên rút tên khỏi ICCS. Thế vào chỗ của Gia Nã Đại là Iran. Trách nhiệm của ICCS là: (1) Theo dõi và liên lạc hai bên và giám sát tại chỗ việc thi hành những điều khoản của hiệp định; (2) Điều tra những vi phạm theo lời yêu cầu của Ủy Ban Quân Sự Bốn Bên, hay Ủy Ban Quân Sự Hai Bên (như được xác định trong bản hiệp định), hay bất cứ từ phía nào, ở mọi nơi, nếu ICCS thấy có lý do để điều tra; (3) Khi thấy cần thiết, ICCS sẽ hợp tác với Ủy Ban Quân Sự Hai Bên, hay Ủy Ban Quân Sự Bốn Bên để ngăn chận hay truy tầm những vi phạm.
Ủy Ban ICCS hành sự trên căn bản tham vấn dựa vào sự đồng ý của đa số tuyệt đối. Lối hành sự này trên thực tế là khi ủy ban không thể giải quyết một vi phạm quan trọng, ủy ban sẽ thông báo cho các phía với sự đồng ý của họ. Trong trường hợp không đạt được sự đồng ý của đa số, ủy ban chỉ thông báo chung hay nói miệng cho VNCH và MTGPMN thay vì ghi lại những vi phạm đó như một hồ sơ chính thức. Chức chủ tịch ICCS được thay giữa bốn quốc gia hội viên hàng tháng.
Ngay từ khi bắt đầu, ủy ban ICCS đã bị khó khăn vì nguyên tắc hành sự đặt ra. Tham vấn dựa trên sự đồng ý của đa số tuyệt đối thì không thể thực hiện được sự đồng ý hay không lúc nào cũng phụ thuộc vào thiện chí và chủ đích của mỗi hội viên. Một sự đồng ý chung trong ủy ban ICCS gần như không bao giờ xảy ra: hai hội viên Ba Lan và Hung Gia Lợi không bao giờ chịu hợp tác nếu phải điều tra một vi phạm có thể làm bất lợi cho phía cộng sản. Như vậy, nhiều trường hợp vi phạm của CSBV đã không được điều tra. Trừ một trường hợp vi phạm ở Sa Huỳnh: đại diện của phái đoàn Ba Lan đã trình bày ý kiến trung thực về sự vi phạm của CSBV, nhưng sau đó, ông bị chính phủ của ông khiển trách.
Về các vấn đề kiểm soát quân dụng và chiến cụ đem vào miền Nam để thay thế cho VNCH và MTGPMN như được cho phép bởi điều khoản của bản hiệp định: ủy ban ICCS đã bất lực trong vấn đề thực thi điều khoản này. Kết quả là VNCH phải tự giải quyết lấy khó khăn của mình và sẵn sàng trả lời ICCS nếu ủy ban này đặt vấn đề. Đó là thiện chí của phía VNCH. Nhưng bên phía cộng sản thì sao" Không ai biết được cộng sản đã tăng viện cho quân đội họ bao nhiêu vũ khí và quân dụng vì ủy ban ICCS không thiết lập một trạm kiểm soát thường trực ở những điểm du nhập như đã ghi trên hiệp định. Từ những lý do trên, ủy ban ICCS được coi như hoàn toàn bất lực. Mọi người đều có thể tiên đoán nếu Việt Cộng và CSBV công khai tiếp tục tấn công miền Nam, thì ủy ban ICCS cũng không quan tâm cho lắm. Năm 1975 khi CSBV dùng chiến xa, đại bác và quân bộ binh đánh chiếm Phước Long và Ban Mê Thuột (xem Chương 5), ủy ban ICCS đã không hề lên tiếng phản đối, nói chi đến chuyện mở màn cuộc điều tra.
ICCS không đủ nhân viên làm việc, thêm vào đó nhiệm vụ của các nhân viên của hai quốc gia tự do (Indonesia và Gia Nã Đại) bị các đơn vị CSBV và hai hội viên cộng sản cản trở trong lúc thi hành nhiệm vụ. Trường hợp điển hình là ba nhân viên Gia Nã Đại bị CSBV tạm giữ vào năm 1973. Đó là kế hoạch của CSBV muốn gây khó khăn cho ba nhân viên này vì họ đã điều tra và thi hành nhiệm vụ rất tận tụy. CSBV muốn cho Gia Nã Đại mất mặt và chán nản. Suốt thời gian khá lâu trong lúc thi hành nhiệm vụ, ba nhân viên Gia Nã Đại bị ủy ban ICCS làm ngơ, và đôi khi bị ngăn cản khi họ muốn liên lạc với tòa đại sứ của họ. Sau cùng, phái đoàn Gia Nã Đại phải rút khỏi ủy ban và được thay thế bởi Iran (Ba Tư). Hai phái đoàn Hung Gia Lợi và Ba Lan ngã về phe cộng sản một cách lộ liễu. Ngoài sự thiên vị đó, Ba Lan và Hung Gia Lợi bị nghi ngờ giúp CSBV thu thập tin tức tình báo như chụp hình và vẽ bản đồ các căn cứ quân sự, địa hình. Từ ngày đầu ngưng bắn, CSBV đã biết lợi dụng ủy ban ICCS qua nhiều cách.


Kế Hoạch Chiếm Đất Giành Dân của CSBV
Những vùng đất CSBV chiếm được gồm vùng Phi Quân Sự, một số lớn các vùng thưa dân, rừng núi, và 21 căn cứ hậu cần. Cuộc ngưng bắn cho cộng sản cơ hội được đóng quân lẫn lộn với các vị trí của VNCH theo một hình thể phức tạp đúng theo ý muốn của CSBV. Một ngày trước khi hai bên ký hiệp định, phía cộng sản tự tin là họ sẽ thắng VNCH sau khi ngưng bắn. Cộng sản thực hiện ý định của họ qua phương pháp "chiếm đất giành dân." Kế hoạch này gồm có ba giai đoạn, được cộng sản đề ra trong tài liệu học tập dành cho đảng cộng sản, quân đội và cán bộ địa phương. (1)
Giai đoạn I là giai đoạn chuyển mọi nỗ lực sang tuyên truyền và quân sự. Trong giai đoạn này tất cả các cán bộ, nhất là cán bộ chính trị, phải học thuộc bản hiệp định một cách từ chương, thuộc làu làu các điều khoản trong hiệp định rồi tuyên truyền và giải thích theo đường lối có lợi cho họ. Nhiều toán tuyên truyền được thành lập với nhiệm vụ tuyên truyền quần chúng và đấu khẩu với cán bộ của chính quyền VNCH khi chạm trán. Một trong những nhiệm vụ của toán là đi thu thập tất cả các máy may và vải xanh đỏ để may cờ MTGPMN càng nhiều càng tốt. Vào ngày ngưng bắn, toán tuyên truyền thúc dục mọi người treo cờ MTGPMN ở mọi nơi có thể treo đuợc. CSBV làm như vậy để chúng tỏ đó là đất của họ. Cùng lúc, cộng sản dụ dân chúng đòi hỏi chính quyền VNCH bỏ thiết quân luật, giờ giới nghiêm, và các sắc lệnh quân dịch. Cộng sản thúc dục người dân đòi hỏi chính phủ VNCH cho phép người dân có thêm tự do như tự do đi lại, hội họp, phát ngôn, hay gia nhập các đảng phái tôn giáo chính trị. Sự tự do đi lại cho phép các dân cư đang sống an lành trong các làng ấp dân sinh trở về làng đất cũ của họ. Ở đó, họ sẽ nằm dưới sự quản trị của cộng sản. Các đơn vị cộng sản được lệnh chia ra thành từng toán nhỏ ở cấp trung và đại đội đi chiếm càng nhiều xã ấp càng tốt, và giữ các nơi đó cho đến khi đại diện của ICCS đến thanh tra.
Giai đoạn II là giai đoạn thực thi kế hoạch. Sau khi cuộc ngưng bắn được tuyên bố, các cơ cấu tuyên truyền, quân sự và chính trị của cộng sản sẽ cùng hoạt động, thúc dục dân chúng nổi dậy phá vỡ các kế hoạch bình định của chúng ta để tạo một sự hỗn loạn khắp nơi. Đồng thời, bằng nhiều phương cách, CSBV hoặc yêu cầu VNCH giải binh hoặc tấn công triệt tiêu căn cứ quân sự của chúng ta.
Gia Đoạn III. Hành động của giai đoạn này tùy thuộc vào kết quả của hai giai đoạn I và II. Khái niệm căn bản của giai đoạn III là giữ vững và tăng cường thêm những gì đã đạt được trong hai gian đoạn trước. Một điểm đáng nhắc ở đây, là cộng sản đã được thông báo về cuộc ngưng bắn trước ngày 27 tháng 10, 1972 (lần đề nghị đầu tiên giữa Hoa Kỳ và CSBV). Ngày 10 tháng 10, 1972, chúng ta bắt được một tài liệu cho biết cấp lãnh đạo cộng sản ra lệnh cho quân đội họ sửa soạn lần cuối để chuẩn bị ngưng bắn. Tài liệu có rất nhiều chi tiết liên hệ đến các kế hoạch khác của cộng sản. Nhưng cho đến ngày 18 hoặc 19 tháng 10, phía VNCH mới nhận được thông báo về ngày tháng của cuộc ngưng bắn. Dĩ nhiên VNCH không có chọn lựa nào hơn là từ chối ký bản hiệp định. Kế hoạch chiếm đất giành dân của cộng sản, dù bị chúng ta vạch trần, được thực hiện như đã hoạch định. Vào ngày ngưng bắn, CSBV vi phạm hơn 1000 lần các điều khoản trong hiệp định.
Giống như sau ngày ký hiệp định 1954, cộng sản tuyên truyền kêu gọi quân cán chính VNCH theo về phía họ. Cộng sản tuyên truyền là đất nước đã hòa bình, và họ là những người yêu chuộng hòa bình. Những làng xã không chịu hợp tác hay theo cộng sản thì bị hăm dọa tấn công hay pháo kích. Trên toàn cõi miền Nam có hơn 400 đơn vị hành chánh bị cộng sản chiếm đóng. Cộng sản tổ chức nhiều buổi hội họp tuyên truyền ở Bình Định và Quảng Ngãi; đóng chốt và ngăn chận lưu thông trên các thông lộ chính của VNCH. Đi đến đâu, cộng sản treo cờ đến đó, rồi yêu cầu ủy ban ICCS ghi vào hồ sơ, cho đó là vùng đất của họ. Những hoạt động chiếm đất giành dân của CSBV được thi hành một cách mãnh liệt trên toàn lãnh thổ VNCH.
Hoạt động trung bình hàng tháng của cộng sản gia tăng nhiều trong năm 1973. Năm 1972 là năm phản công của cộng sản và mức độ hoạt động hàng thàng của họ là 2.072 vụ; năm 1973 có đến 2.980 hoạt động hàng tháng. Nhưng những hoạt động tấn công xâm nhập của CSBV đã gặp sức phản cự mạnh của quân đội VNCH. Khi một làng bị tấn chiếm, chúng ta phản công lấy lại; khi lộ giao thông bị đóng chốt, chúng ta giải tỏa. Tương tự như khi cộng sản treo cờ của họ để giành đất, chúng ta kéo xuống và dương cờ ta lên... rồi ủy ban ICCS được mời đến giải quyết. Hai bên cố gắng chứng minh phần đất của mình chiếm đóng dựa vào màu cờ treo trên đất với một ủy ban kiểm soát đang bỡ ngỡ, chưa biết đâu là đâu. Nhưng tất cả là lỗi của phía cộng sản vì họ đã bắt đầu cuộc tranh giành, phía VNCH chỉ tự vệ một cách minh chánh để bảo toàn lãnh thổ.

Cửa Việt, Sa Huỳnh, Hồng Ngự, Trung Nghĩa, và Tống Lê Chân.
Trong năm 1973, ngoài những hoạt động trong kế hoạch chiếm đất giành dân như nói trên, CSBV đã dùng quân cấp sư đoàn để tấn công chúng ta qua bốn vi phạm quan trọng sau ngày hiệp định được ký kết. Ba trong bốn cuộc tấn công này có mục đích đánh chiếm các vị trí chiến lược để dùng như một nơi tiếp chuyển quân và binh cụ trong tương lai.
Vào buổi chiều trước ngày ngưng bắn, Thủy Quân Lục Chiến VNCH tấn công vào căn cứ hải quân Cửa Việt. Cuộc tấn công này nhằm ngăn ngừa CSBV cơ hội tấn công quân chúng ta đóng dọc theo vùng phi quân sự. Quân VNCH tấn công để có vị trí quan sát thuyền bè của CSBV ra vào Đông Hà và để chúng ta có đường thủy giao thông với tỉnh Quảng Trị. Dù có sự yểm trợ bằng không và hải lực Hoa Kỳ, TQLC gặp kháng cự mạnh khi tiến chiếm mục tiêu dọc theo bờ biển. Tuy nhiên vài giờ trước khi cuộc ngưng bắn có hiệu lực, quân ta chiếm được căn cứ Cửa Việt. Tám Giờ sáng ngày 28 tháng 1, 1973 khi cuộc ngưng bắn có hiệu lực, ủy ban ICCS vẫn chưa có mặt. Đến ngày 30, cộng quân tập trung nhiều đơn vị lớn, phối hợp với xe tăng và pháo binh, tấn công quân ta với ý định chiếm lại Cửa Việt. Mặt dù Thủy Quân Lục Chiến đã chiến đấu can đảm cố giữ vị trí, hỏa lực cuả địch buộc quân ta rút về vị trí cũ. Trong trận này Thủy Quân Lục Chiến mất hai đại đội và một chi đoàn thiết giáp. Phía cộng sản chết khoảng 1.000 quân để lấy lại mục tiêu.
Sa Huỳnh là một căn cứ của Việt Minh trong thời chiến 1945-1954. Là một cửa khẩu gần biển, với khoảng 3,000 dân, Sa Huỳnh được xử dụng như một điểm chuyển vận quan trọng từ biển vào đất liền, dọc theo các dãy núi nối liền tây nguyên. Các dãy núi này cũng là ranh giới của Quân Đoàn I và II. Ngày 26 tháng 1, 1973, đơn vị của sư đoàn 2 CSBV bắt đầu gây áp lực ở Sa Huỳnh và một căn cứ hỏa lực gần đó. Ngày 28 quân địch áp đảo và tràn ngập căn cứ hỏa lực nói trên. Ngày 29 cộng sản tấn công quận Đức Phổ ở phía bắc. Lập tức, sư đoàn 2 của chuẩn tướng Trần Văn Nhựt phản công. Cuộc phản công của QLVNCH mãnh liệt và cương quyết. Ngày 16 tháng 2, 1974 chúng ta lấy lại Sa Huỳnh và căn cứ hỏa lực. Hai bên thiệt hại nặng trong cuộc tấn công và phản công này.
Thành viên cộng sản trong Ủy Ban Quân Sự Bốn Bên ở Saigon lập tức yêu cầu một cuộc điều tra. Tất cả thành viên của ICCS công nhận Sa Hùynh là lãnh thổ của VNCH. Nhưng đáng tiếc, cuộc điều tra và quyết định về Sa Huỳnh là quyết định duy nhất của ICCS về cuộc ngưng bắn ở Việt Nam từ sau ngày 28 tháng 1, 1973, cho đến khi VNCH thất thủ. Sau khi kết thúc cuộc tường trình về Sa Hùynh, đại diện của Ba Lan ở Đà Nẵng bị chính phủ của ông ta giải nhiệm.
Quận lỵ Hồng Ngự của tỉnh Kiến Phong nằm vắt ngang sông Bassac, cách biên giới Cam Bốt chừng tám cây số. Với vị trí như vậy, Hồng Ngự nằm ở một vị trí tiện lợi cho việc ngăn chận cửa ngõ xâm nhập của cộng sản từ Cam Bốt vào Việt Nam theo ngã sông Bassac. Tháng 3 năm 1973, sư đoàn 1 CSBV tấn công Hồng Ngự với ý định chiếm vị trí này để có thể dùng nơi đó làm hậu cứ đóng quân và tiếp tế cho hai mặt trận ở miền Nam và Cam Bốt. Tuy nhiên cuộc tấn công của CSBV bị sư đoàn 9 của VNCH chận đứng khi họ đẩy lui quân địch ngược về biên giới Cam Bốt.
Tháng 6, 1973, sư đoàn F-10 của CSBV bất ngờ tấn công chiếm Trung Nghĩa, một làng đông dân nằm khoảng 10 cây số về hướng tây của tỉnh Kontum. Tuy nhiên sau một cuộc phản công mãnh liệt và gian khổ kéo dài ba tháng, vào tháng 9 cùng năm, quân đội chúng ta lấy lại Trung Nghĩa. Thiệt hại hai bên rất nặng ở mặt trận này.
Căn cứ Tống Lê Chân là một tiền đồn nằm gần biên giới thuộc vùng III chiến thuật. Tống Lê Chân nằm ngay đường tiếp liệu của Chiến Khu C ở giữa hai tỉnh Bình Long và Bình Dương. Với vị trí như vậy, căn cứ gây nhiều cản trở cho vấn đề di chuyển và tiếp tế của CSBV. Để giải quyết sự khó khăn đó, ngày 25 tháng 3, 1973, cộng quân bắt đầu mở cuộc tấn công để làm áp lực buộc quân trú phòng Tống Lê Chân di tản. Tiểu đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng đơn vị phòng thủ Tống Lê Chân bị cô lập khi mọi liên lạc với bên ngoài bị cắt đứt: quân trú phòng không còn có thể nhận đồ tiếp tế bằng đường bộ hay có thể hoạt động ngoài chu vi của căn cứ. Những cuộc tiếp tế bằng trực thăng càng lúc càng khó khăn vì áp lực phòng không của địch bố trí chung quanh căn cứ. Tiếp tế được thực hiện bằng cách thả dù. Trong 16 tuần bao vây Tống Lê Chân, địch quân đã pháo kích 300 lần, bắn vào vòng đai hơn 10 ngàn qủa đạn. Cũng trong 16 tuần, CSBV tấn công 20 lần: 11 lần bằng bộ binh; 9 lần bằng đặc công. Song song với pháo kích và tấn công, cộng quân tuyên truyền kêu gọi quân đồn trú đầu hàng hoặc di tản khỏi căn cứ. Nhưng trong 4 tháng, mọi kế hoạch tấn công hay tuyên truyền của CSBV đều bị quân trú phòng đánh bại. Ngày 11 tháng 4, 1974, biết không còn hy vọng giữ được căn cứ lâu hơn, tiểu đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng phá vòng vây và rút về An Lộc. Để vinh danh sự chiến đấu can trường của đơn vị, trung tá Lê Văn Ngôn, chỉ huy trưởng tiểu đoàn, được thăng cấp trước ngày thâm niên quân vụ. (2)


Những Chuẩn Bị Quân Sự của Cộng Sản
Quân chánh quy của CSBV bị thiệt hại nặng trong cuộc tổng tấn công vào năm 1972. Cùng lúc, hạ tầng cơ sở của các lực lượng địa phương, du kích quân của cộng sản vẫn chưa hoàn phục lại những thiệt hại trong cuộc tổng công kích năm Mậu Thân 1968. Đầu năm 1973, CSBV có lực lượg và quân số ở miền Nam như sau:
Vùng I: Tác Chiến: 79.450; Hậu Cần: 35.240; Du Kích: 5.928. Tổng số quân này được đến từ 6 sư đoàn bộ binh; 1 sư đoàn phòng không; và các đơn vị biệt lập gồm 3 trung đoàn đặc công; 6 trung đoàn pháo binh dã chiến; 12 trung đoàn phòng không; và 2 trung đoàn chiến xa.
Vùng II: Tác Chiến: 31.200; Hậu Cần: 18.500; Du Kích: 11.017. Gồm 3 sư đoàn bộ binh; 5 trung đoàn bộ binh biệt lập; 1 trung đoàn đặc công; 1 trung đoàn chiến xa; và 2 trung đoàn pháo binh dã chiến.
Vùng III: Tác Chiến: 27.300; Hậu Cần: 17.315; Du Kích: 10.730. Gồm 2 sư đoàn bộ binh; 1 sư đoàn đặc công; và sư đoàn pháo binh dã chiến; 8 trung đoàn bộ binh biệt lập; 2 trung đoàn đặc công; 2 trung đoàn pháo binh dã chiến; và 1 trung đoàn chiến xa.
Vùng IV: Tác Chiến: 29.050; Hậu Cần: 14.065; Du Kích: 13.325. Gồm 2 sư đoàn bộ binh; và 11 trung đoàn bộ binh biệt lập.
Nhìn chung chúng ta thấy CSBV có hơn 293 ngàn quân, tương đương 17 sư đoàn đến từ 62 trung đoàn biệt lập. (Còn tiếp...)

Chú thích:
1. Chúng ta biết được tin tức này từ tài liệu tịch thu, thẩm vấn tù binh và hồi chánh, và tin tình báo (chú thích của tác giả).
2. Về chi tiết tất cả các vụ vi phạm quan trọng của CSBV trong năm 1973, và lực lượng quân sự của VNCH và CSBV, đọc thêm From Cease-fire to Capitulation (Center of military History, Washington, D.C., 1984) của William Le Gro, chương về năm 1973 (chú thích của dịch giả).
3. Hai quân đoàn đó là Quân Đoàn 2 và Quân Đoàn 4. Quân Đoàn 2 còn có tên là Binh Đoàn Hương Giang, thành lập ngày 17 tháng 5, 1974 tại Thừa Thiên, gồm các lực lượng cơ hữu: sư đoàn bộ binh 304, 324, 325; sư đoàn phòng không 673; lữ đoàn 203 xe tăng; lữ đoàn 164 pháo binh; lữ đoàn 219 công binh; trung đoàn 463 thông tin; và các đơn vị phục thuộc khác. Quân Đoàn 4 có tên là Binh Đoàn Cửu Long, thành lập ngày 20 tháng 7, 1974 tại miền đông nam bộ. Các đơn vị của quân đoàn này gồm sư đoàn 7, 9, trung đoàn 24 pháo binh, trung đoàn 71 phòng không, trung đoàn 429 đặc công và nhiều đơn vị trực thuộc. Đọc Từ Điển Bách Khoa Quân Sự Việt Nam, (Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội: 1996) (chú thích của dịch giả).
4. Đây là một trong "Bốn Không" do tổng thống Thiệu đề ra sau Hiệp Định Ba Lê, đó là: Không nhường đất cho cộng sản. Không liên hiệp với cộng sản. Không công nhận CS. Không trung lập hóa miền Nam. "Bốn Không" được coi như là một quốc sách mà tất cả các hoạt động chính trị và quân sự phải tuân theo (chú thích của tác giả).
5. Một trong những trận đánh đẩm máu ở mặt trận Thường Đức là trận Đồi 1062. Trong trận này lữ đoàn 1 và 2 Nhảy Dù đánh tan bốn trung đoàn 29, 31, 24, và 66 thuộc các sư đoàn 2, 324B và 304 của CSBV. Hai lữ đoàn Nhảy Dù của quân đội VNCH đã trả giá thật cao cho Đồi 1062: 500 tử thương và 2000 bị thương. phía cộng sản có hơn 2000 chết và 5000 bị thương. Ở điểm cao nhất của trận chiến, 6 tiểu đoàn Nhảy Dù đã thay phiên tấn chiếm mục tiêu này. Xem, William E. Le Gro, Vietnam from Cease-Fire to Capitulation, chương 11. Trương Dưỡng, Đời Chiến Binh, chương Trận Thường Đức: Đồi 1062. Về trận Sa Huỳnh, đọc Anh Hùnh Bạc Mạng của Trần Thy Vân, chương Sa Huỳnh Biển Lửa (chú thích của dịch giả).
6. Sau cuộc rút lui thất bại tại Cao Nguyên, tướng Nguyễn Văn Phú vào nằm ở tổng y viện Cộng Hòa, tướng Nghi tình nguyện làm tư lệnh bộ chỉ huy tiền phương Quân Đoàn III, để trấn giữ miền duyên hải còn lại. Bộ chỉ huy đóng trong căn cứ Không Quân Phan Rang (tư lệnh là chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang). Ngày 16 tháng 4, 1975, khi tỉnh Ninh Thuận và căn cứ Phan Rang thất thủ, hai tướng Nghi, Sang, và đại tá Nguyễn Thu Lương (Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù) được coi như mất tích (chú thích của tác gỉa).

No comments: