Friday, April 17, 2015

Giờ Cuối Ở Một Đơn Vị Nhỏ

Tùng cúi người phóng nhanh về phía bờ đất cao trước mặt. Tiếng đạn pháo kích hết tầm, lao xuống tạo thành những tiếng hú dài rờn rợn. Mấy âm thoại viên kéo quặp cần ăng - ten ngụy trang, lom khom chạy theo Tùng. Mấy trái khói màu gắn quanh máy bộ đàm PRC - 25 xốc lên xốc xuống va chạm vào nhau kêu lốp cốp. Tùng đưa ống nhòm lên mắt, hấp tấp quét qua quét lại về hướng đã phát ra tiếng đạn pháo bắn đi, tầm mắt của anh dừng lại, chăm chú nhìn một bờ tre xa, nơi có những vệt khói mỏng vươn lên tan loãng, mờ nhạt. Tùng gật đầu nhè nhẹ, anh cúi xuống nhìn vào tấm bản đồ, dùng ngón trỏ tay trái dò dò trên những ký hiệu để xác định vị trí, tay phải đưa ngược về phía sau, nói nhát gừng theo thói quen:
- Pháo binh!
Người âm thoại viên lẹ làng đặt ống liên hợp vào tay Tùng. Tùng nói tiếp:
- Ở nhà tên gì!
- Bảo Quốc, 51!
Nguyên tắc chung, các đơn vị ở tuyến đầu bao giờ cũng có tiền sát viên đi theo để liên lạc với các pháo đội yểm trở hành quân, nhưng thực tế, vì tình hình cấp bách, các đơn vị trưởng thường trực tiếp tự đảm trách công việc này và họ thường không mấy rành rẽ các danh hiệu truyền tin trong hệ thống pháo binh. Tùng đang ở vào trường hợp này, anh nhìn lại một lần nữa để xác định chính xác tọa độ rồi gọi lớn:
- Bảo Quốc, Bảo Quốc! Đây Trấn Biên gọi!
Máy truyền tin im lặng một chút, rồi có tiếng rè rè và giọng đáp lại:
- Trấn Biên! Bảo Quốc tôi nghe bạn năm trên năm.
- Xin tác xạ, trả lời.
- Xin tác xạ, nhận rõ, yếu tố cho qua đi, trả lời.
- Thanh Thúy trái phải 00, lên 1.3, địch phốctrô - kilô (pháo kích), phản phé (phản pháo), trả lời.
- Thanh Thúy trái phải 00 lên 1.3, phản phé. Đạn đi, trả lời.
Tùng an tâm nghe tiếng đại bác của quân bạn rít trên đầu, anh trao ống liên hợp cho tiền sát viên điều chỉnh tác xạ và cầm máy nội bộ gọi các trung đội:
- Vạn Phúc, Vạn Lộc, Vạn Thọ, đây 51 gọi!
Có tiếng ba Trung đội trưởng lần lượt trả lời trên máy. Tùng muốn tìm một lời nói đùa thật vui nhộn trước khi có những chỉ thị cần thiết. Tùng đã học được kinh nghiệm này từ ngày còn làm Trung đội trưởng. Tình hình càng nguy ngập, khó khăn chừng nào, càng cần một sự bình tĩnh, lạc quan tuyệt đối của người đơn vị trưởng chừng nấy. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần chiến đấu của các thuộc cấp, Tùng biết rất rõ điều đó, anh vừa cười lớn trong máy, vừa bình thản, khôi hài:
- Cụ Hồ có “cấp phép” cho ai không mấy cậu? Kiểm điểm con cái báo tôi biết!
Có nhiều tiếng cười nhỏ trong máy, rồi các Trung đội trưởng hân hoan báo cáo tình hình vô sự. Tùng hài lòng lắng nghe và nghiêm trang ra lệnh từng tiếng một:
- Tất cả bung rộng con cái ra. Phúc, Lộc bắt tay hàng ngang, cho một chấm (tiểu đội) bám vào bờ đất hướng 10 giờ 30, nghe rõ trả lời?
- Nhận rõ 51! Một chấm bám bờ đất hướng 10 giờ 30!
Thọ giữ hông phải. Dương mai (gài mìn) ra án ngữ con rắn đỏ (đường đất nhỏ), rõ không, trả lời?
- Nhận rõ, 51, dương mai, án ngữ con rắn đỏ.
- Cho con cái cẩn thận, coi chừng ngớt phốc trô - kilô, nó biển người, hiểu không, trả lời?
- Nhận hiểu, 51!
Tùng buông máy, rồi nhỏm người yên lặng theo dõi các Trung đội di động củng cố vị trí, anh rất buồn và lo âu, quân số chẳng còn bao nhiêu mà không được bổ sung. Đơn vị anh được điều động đến đây để giải tỏa áp lực địch đang đè nặng chung quanh tỉnh lỵ Hậu Nghĩa. Địch quân đã tiến sát vành đai thành phố và ngày đêm pháo kích vào các điểm trọng yếu. Cả kho xăng lẫn kho đạn dự trữ của Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận đều đã bị trúng đạn từ hai ngày trước, tiếng nổ và đám cháy kéo dài dai dẳng suốt mấy ngày liền. Tình hình chiến sự căng thẳng khắp nơi và tin tức ghi nhận được từng lúc, từng chỗ đã làm Tùng thực sự bối rối; anh cố gắng giấu đi những ý nghĩ thật của mình để điều động đơn vị chu toàn nhiệm vụ bằng tất cả tinh thần trách nhiệm của một cấp chỉ huy; nhưng trong thâm tâm, anh đã chớm thấy những dấu hiệu đáng lo ngại. Ban Mê Thuộc đã thất thủ; cả Vùng I và Vùng II Chiến Thuật đã di tản. Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định ngưng viện trợ và kế hoạch di tản người Mỹ ở Việt Nam đã được phong phanh đề cập tới. Cái gì sẽ xảy ra cho đất nước, cho từng con người nhỏ nhoi đang cố gắng chiến đấu, đang lần lượt hy sinh cho một tương lai mơ hồ và chông chênh của dân tộc? Tùng rối ren lắm, nhưng nhiệm vụ và tình thế không cho phép người lính có nhiều thời giờ để suy nghĩ. Phải tự tồn tại, phải tự cứu mình và những thuộc cấp tội nghiệp đang trông cậy vào mình, không có cách nào khác.
Có tiếng rè rè và tiếng léo nhéo trong máy. Âm thoại viên lắng nghe rồi vội vàng chồm người trao cho Tùng ống liên hợp, tươi cười:
- 51, sang sông nói chuyện với gia đình lớn:
Tùng làu nhàu:
- Nhiều chuyện quá, có gì nói đại đi, rối tung thế này còn bày đặt “sang sông” làm gì cho mất thì giờ!
Âm thoại viên vẫn vui vẻ, liến thoắng:
- Tin đặc biệt, 51! Bắc Bình Xuân Phong (bà xã) của 51 ở đầu máy.
Tùng sững người, tròn mắt ngạc nhiên và vui mừng. Ba tháng liền, anh chưa rời khỏi đơn vị được một giờ, cũng không có thời gian để viết một lá thứ nào đúng nghĩa, chỉ có mấy lần ghi vội đôi hàng, lúc trên bao thuốc, khi sau bìa báo, gởi xe tiếp tế về hậu cứ để chuyển về Sài Gòn cho Thiên Kim. Chuyện gặp nhau chỉ có trong mơ, sao giờ này lại có nàng ở đây? Tùng hình dung ra hình ảnh cô sinh viên đài các và nhí nhảnh của Sài Gòn, nghỉ đến nỗi đau dai dẳng và dịu dàng của mình: Nàng là một đóa hoa quý, dường như vượt quá tầm với của một sĩ quan trôi nổi như anh, nhưng tình yêu vẫn có giữa hai người, dù cả hai đều mơ hồ nhận thấy về một kết thúc không mấy tốt đep.
Tùng vội vàng bật một chiếc cần nhỏ, chuyển tần số liên lạc ra khỏi hệ thống chung và hấp tấp gọi lớn:
- Trung Liệt, Trung Liệt! Đây Thành Tín gọi, nghe rõ trả lời?
Có tiếng cười khúc khích và giọng nói nhí nhảnh của Thiên Kim
- A - lô, a lô, anh đấy phải không? Em đây, anh nói kiểu gì “vui” vậy?
Tùng cười lớn và hân hoan giải thích:
- À, xin lỗi cô bé, em cứ nói bình thường như gọi điện thoại đi, anh quen kiểu liên lạc truyền tin quân đội, đừng để ý. Mừng “công chúa” giá lâm.
Thiên Kim nói nhỏ, giọng không còn vẻ tinh nghịch đùa cợt nữa
- Anh ở đâu vậy, em ra chỗ anh được không?
Tùng im lặng một chút, câu hỏi của Thiên Kim đã kéo anh về với thực tế, anh nói, giọng buồn buồn:
- Không được em, anh đang ở tuyến trên.
- Tuyến trên là ở đâu? Có nguy hiểm gì không? Sao anh ở được mà không cho em lên?
- Đừng hỏi, bé, cũng bình thường thôi, nhưng em không lên được.
Giọng Thiên Kim như sắp khóc
- Vậy anh ra chỗ em đi, anh biết chỗ em không, em muốn gặp anh.
Tùng nhìn xuống bản đồ, nhìn hai cái chấm đỏ ghi vị trí đóng quân của Tiểu đoàn và điểm đứng của mình, khoảng cách một phần tư ô vuông, ba trăm năm chục thước, một khoảng ruộng trống, một con lộ nhỏ, một cái mương cạn, gần quá nhưng làm sao nói để Thiên Kim hiểu là có những lúc, mỗi tất đất, mỗi bước đi ngoài mặt trận là máu xương, là sống chết, là danh dự và trách nhiệm. Giọng Thiên Kim khẩn thiết pha chút hờn dỗi:
- A lô, anh còn đó không? Sao em hỏi không trả lời, có gì mà không muốn gặp em, bộ anh không vui khi có em lên sao?
“Trời ơi! Đừng nói nữa bé, sao anh lại không muốn gặp em. Có hạnh phúc nào lớn hơn được nhìn thấy em lúc này. Ước gì anh có thể bỏ hết mọi thứ trên đời để có em. Nhưng hiểu cho anh, anh sẽ không còn gì hết, không ra gì hết nếu anh bỏ đi lúc này. Đừng nói với anh về lý tưởng, về Tổ Quốc gì hết; anh nhỏ nhoi lắm, đừng nói những chuyện to tát quá. Nhưng, anh đang có một trăm hai chục người lính lẻ loi và tội nghiệp, họ đang gồng mình để hứng hàng trăm quả đạn pháo, đang ghìm súng để đối phó với cả tiểu đoàn địch quân lăm le nghiền nát họ. Anh đang có mặt ở đây, anh có trách nhiệm chia sẻ và có thể cũng sẽ bị nghiền nát. Không có cách nào khác, hiểu cho anh”
Tùng suy nghĩ rất nhiều, nhưng anh chưa kịp nói gì thì Thiên Kim đã nói tiếp, giọng bắt đầu chùng xuống, có nước mắt:
- Em hiểu rồi, anh đang bị vây phải không? Anh ở xa lắm phải không? Anh có sao không? Về với em một chút không được sao? Nói cho em biết đi!
“Về với em một chút không được sao?... Đừng làm anh khổ tâm bé ơi. Một chốc không là gì hết, thiếu gì người có thể bỏ cả đời để hoang phí, để vui chơi; nhưng hiểu cho anh, có những lúc với người lính, một phút là quá nhiều, là tất cả. Hiểu cho anh. Tùng nói ngậm ngùi
- Em lên, anh mừng lắm, anh sẽ ra ngay khi có thể, nhưng bây giờ chưa được. Chờ anh một chút. Nói gì với anh đi, cười cho anh nghe đi...
Tùng đang nói bỗng dừng lại đột ngột, anh ngồi thụp người xuống, cố thu mình trong chiếc áo giáp theo một phản xạ tự nhiên. Kinh nghiệm chiến trường giúp anh nhận biết được tầm đan pháo đang bay qua đầu, hay đang hết tầm, rơi gần ví trí. Một tiếng nổ lớn làm bắn tung cát, sỏi mịt mù giữa một vùng khói đen. Tùng thấy bỏng rát, khó thở và gần như mất cảm giác trong mấy giây. Trái nổ quá gần và sức ép của nó như muốn hất tung người Tùng lên khỏi mặt đất. Tùng định thần, anh đưa tay vuốt mặt và nhìn vào lòng bàn tay lấm lem khói bụi: Không có máu, không sao cả.
Tùng nhỏm người nhìn bao quát một vòng vị trí đóng quân và khắp vùng trước mặt. Tất cả đều lặng lẽ, không có đấu hiệu gì có những đột biến lớn. Có tiếng rên và tiếng gọi nhau nho nhỏ. Tùng nhìn vế phía đóng quân của BC Đại đội: một số anh em đang bu lại thành một vòng tròn lớn, Thường vụ đại đội đang dáo dác tìm kiếm và đang lớn tiếng gọi ý tá. Tùng bước nhanh lại gần, một binh sĩ trong khẩu đội súng cối đã trúng đạn và hy sinh.
Người lính trẻ nằm nghiêng trên một vũng máu lớn, mắt mở trừng trừng như thản thốt, như ngạc nhiên, như tiếc rẻ và uất ức. Một mảnh đạn pháo lớn vắt dọc từ mang tai đến dưới cổ, dính lại bên trong, chỉ lòi một phần cạnh sắt ra ngoài. Máu bị mảnh đạn chận nghẽn lại không chảy thành giòng, rịn từng giọt nhỏ, liên tục. Hai binh sĩ khác bị thương ở vai và bụng, không nặng lắm. Tùng lặng lẽ nhìn đi chố khác. Bao năm lăn lộn ngoài chiến trường, đã chứng kiến biết bao cái chết mà Tùng vẫn không sao giữ được bình tĩnh trước sự hy sinh của những binh sĩ gần gũi dưới quyền mình. Tùng đứng nghiêm chào, anh ra lệnh giải tán đám đông, chỉ giữ lại một số cần thiết, dặn dò Thường vụ bọc pông-cho cẩn thận cho tử sĩ và cầm máy gọi Tiểu đoàn. Thiên Kim vẫn còn ở đầu máy, nàng khóc ngất lên, nghẹn ngào:
- Tiếng gì nổ vậy anh? Sao tự dưng anh bỏ máy? Anh bị bắn phải không? Anh có sao không?
Tùng hơi bất ngờ, những sự kiện liên tiếp xảy ra đã làm anh hầu như quên hẳn sự có mặt của Thiên Kim, anh cười nhẹ và gượng gạo trấn an:
- Không có gì đâu em, tiếng nổ xa, không sao hết. Cho anh gặp người trực máy một chút rồi mình nói chuyện tiếp.
Máy im lặng, rồi có tiếng nói quen thuộc của âm thoại viên Tiểu đoàn
- Trung Liệt tôi nghe thẩm quyền.
- 51 đây! Báo 45 biết gia đình tôi bị phoctro - ki lo, hai kiến cắn (bị thương), một rách áo (chết), xin tư tưởng (tải thương) gấp, trả lời.
- Nhận rõ, một rách áo, hai kiến cắn.
Tùng tần ngần một chút, rồi nói nhỏ vào máy
- Đừng nói gì với Bắc Bình Xuân Phong của tôi hết rõ không, trao máy cho cô ấy một chút nữa đi.
- Nhận hiểu, 51.
Thiên Kim khóc lớn khi trở lại máy, nhưng rồi nàng đã kềm lại và nói chậm rãi, rành mạch, không còn vẻ phiền hà trách móc như mấy phút trước đây.
- Em hiểu rồi, đừng giấu em, tình hình khó khăn lắm phải không anh? Em định nói nhiều chuyện lắm, chuyện dài dòng lắm, nhưng thôi, đại khái thế này: Nhà đã đi Vũng Tàu hết rồi, em...
Thiên Kim đang nói bỗng nghẹn lại, dường như nàng đang cố sắp xếp để diễn tả một điều khó nói. Tùng nóng ruột, hấp tấp hỏi:
- Em nói gì? Ai đi Vũng Tàu? Sao lại đi Vũng Tàu trong tình hình này?
Thiên Kim nói nhanh, không để Tùng phải chờ lâu:
- Đừng hỏi, anh. Anh không hiểu gì đâu, Sai Gòn lộn xộn lắm
- Rồi sao?
- Anh Tài, Chị Bích nhắn về nói ông Tạo sắp bỏ Vũng Tàu di tản rồi. Chị Bích bảo cả nhà phải xuống hết dưới đó. Anh Tài đã chuẩn bị tàu trong Trung Tâm. Cha má bối rối lắm. Má với mấy chị khóc suốt đêm, cái gì cũng tiếc, nhìn gì cũng quyến luyến nhưng chị Bích bảo phải bỏ hết, xuống ngay, sợ đứt đường.
 - ...
- A lô, a lô! Anh còn đó không? A lô, cả nhà đi sáng nay rồi, em nhất định chờ gặp anh, má la lối, khóc lóc, em đổ lì nên má chìu nhưng để lại xe và chú tài xế. Mai em phải đi.
- ...
- A lô, anh nghe em không? Em nên đi không? Anh đi với em được không? Em ở lại được không? Em sợ lắm, ở nhà trống vắng thênh thang buồn lắm. Tình hình lộn xộn lắm, em phải làm sao?
Tùng run tay cầm máy, đầu óc anh lùng bùng, rối tung. Mọi việc mới mẻ quá, hệ trọng quá. Tùng không biết nói cái gì, trả lời làm sao cho Thiên Kim: “Anh đi được không? “, “Em ở lại được không?” Những câu hỏi không có câu trả lời, không thể trả lời. Tình thế đã đặt con người trước những lựa chọn, những quyết định vượt quá khả năng phán đoán của lý trí. Phải trái, đúng sai, hợp lý, vô lý, tất cả đếu có thể có mà cũng có thể không. Cả dân tộc đang bị cuốn đi trong một cơn lốc, một định mệnh ngoài sức tưởng tượng. Mọi người đều nhỏ nhoi, bất lực trong cơn lốc đó. “Cuốn đi, hãy để nó cuốn đi…” Tùng nói lẩm bẩm mấy lời cuối cùng và vô tình bấm nút phát của ống liên hợp. Tiếng Thiên Kim hấp tấp trong máy:
- Cái gì? Anh nói cái gì cuốn đi? Thôi em hiểu rồi, anh không quyết định được phải không? Em hiểu!
Tiếng Thiên Kim khóc lớn. Giọng nàng đau đớn, nhưng ý tưởng mạch lạc, dứt khoát, thể hiện một thái độ chịu đựng, tự chế phi thường:
- Thôi, anh đừng nghĩ ngợi gì nữa, không suy nghĩ gì được đâu. Em sẽ xuống với má. Không biết cái gì sẽ xảy ra. Cầu trời cho mọi việc tốt đẹp. Cầu trời cho mình sớm gặp lại. Anh về được thì đến ngay nhà, không còn ai đâu nhưng em sẽ nhắn lại: coi trong hộp thư, coi trên cửa, trên vách. Xuống được Vũng Tàu anh đến thẳng Trung Tâm, cứ xưng là chồng em, cứ xưng là em rể đại tá Chỉ huy trưởng. Em sẽ chờ ở cổng, em sẽ chờ điện thoại để ra nhận anh vào. Đừng buồn, em lo liệu được. Cầu may mắn cho anh. Anh có cần gì không, có gì dặn em không?
Những lời cuối cùng Thiên Kim nói đứt quảng, giọng lạc đi trong nước mắt. Tùng đau đớn vô cùng, chưa bao giờ anh phải bối rối, khó xử như vậy. Tùng gọi Đại đội phó, gọi Thường vụ dặn dò anh em thay thế chỉ huy đơn vị, Tùng muốn ra Tiểu đoàn gặp Thiên Kim. Phải gặp nàng bằng mọi giá. Mặc kệ chiến tranh, mặc kệ mọi sự. Tùng đứng lên, anh gọi âm thoại viên, gọi một nửa toán biệt kích đại đội chuẩn bị lên đường… nhưng rồi anh thẫn thờ đứng lại, lặng lẽ ngồi xuống. Biết nói gì với Thiên Kim bây giờ? Có lẽ gặp nhau chỉ thêm đau đớn, tạo thêm khó xử mà không giải quyết được gì. Tùng quyết định và anh cầm máy trở lại:
- Thiên Kim, em quyết định đúng. Cảm ơn em, hiểu giùm cho anh, cầu may mắn cho em.
- Nói gì nữa đi anh
- Anh nhớ em, nhớ lắm. Về được, anh sẽ đến nhà. Xuống Vũng Tàu được, anh sẽ đến Trung Tâm, anh hứa.
- Còn gì nữa không anh?
Tùng do dự một chút rồi nói nhanh:
- Ở dưới, nếu có thì giờ, nếu có thể được, em hỏi thăm giùm tin tức gia đình anh.
Thiên Kim khóc lớn:
- Gia đình anh ở đâu? Làm sao? Hỏi thăm ở đâu? Sao anh không báo em sớm?
- Bình tĩnh đi em, anh không biết gì nhiều, anh chỉ nghe loáng thoáng cha má, gia đình anh Tiến, gia đình chị Thu, chị Đào chạy vào được Nha Trang. Thanh từ Phù Cát, Thúc từ Kontum chạy được vào Nha Trang, nhưng bao nhiêu chuyện xảy ra, đường bộ đã đứt, nghe nói có nhiều người ra được Phú Quốc, vào được Vũng Tàu. Tìm giùm anh ở mấy trung tâm tạm cư đồng bào di tản, may ra...
- Em hứa, em hứa.
-Nếu gặp, nói với má anh là em có gặp anh, hôm nay. Nói là anh mạnh giỏi, mọi việc bình thường
- Em hiểu, còn gì nữa anh?
- Thôi, cầu cho em mọi sự lành
Tùng nói nhanh và buông máy, nhưng Thiên Kim vẫn chưa chịu ngừng, nàng gọi thất thanh
- Anh Tùng... Anh Tùng!
Tùng thẫn thờ cầm ống liên hợp, mấy lần định bóp máy trả lời nhưng lại chần chừ, do dự và cuối cùng quyết định trao máy cho âm thoại viên, với tay nhấc máy liên lạc nội bộ gọi các trung đội
Phúc, Lộc, Thọ! Đây 51 gọi...
 
@
 
Tùng chậm rãi đi một vòng suốt tuyến phòng thủ, anh cẩn thận ra lệnh báo động, buộc mọi người vào hết vị trí để kiểm soát hầm hố. Suốt đêm qua và ngày nay tình hình lắng dịu một cách đáng lo ngại. Địch chỉ pháo cầm chừng và không có dấu hiệu gì cho biết có lực lượng lớn trong khu vực. Tùng đã bung được nhiều toán viễn thám dò rộng chung quanh vị trí đóng quân mà không gặp một sự ngăn trở nào. Mục tiêu chiến lược của Bắc quân đã quá rõ ràng không thể lầm lẫn được: Nhiều cánh quân từ Lai Khê, Chơn Thành đánh xuống hướng Bình Dương; nhiều cánh quân khác từ Ba Thu, Trà Cú đánh sang, cố cắt đứt quốc lộ 15 đi Tây Ninh, và một lực lượng hùng hậu đang áp sát Hậu Nghĩa, Củ Chi, uy hiếp vành đai thủ đô. Tất cả đều nằm trong một chiến dịch, không thể có sự thay đổi nào khác ngoại trừ bị đánh bại, bị bẻ gảy, khi điều ấy chưa xảy ra thì mọi sự êm ả của chiến trường chỉ là một cái bẩy đáng ưu tư nào đó mà thôi.
Tùng ở rất lâu ngoài tuyến, uống với các Trung đội trưởng những hớp trà nguội, pha từ sáng chứa trong các bình đông, rề rà chuyện vãn với anh em. Mọi người đều có vẻ lo âu, có vẻ như linh cảm được sẽ có những thay đổi, những biến chuyển to lớn, lạ thường mà không ai thực sự biết là sẽ xảy ra thế nào, bao giờ. Tất cả đều chỉ hỏi, đáp lửng lơ, mông lung mà không ai muốn nhắc đến những mối lo âu thực sự của mình. Tùng cũng vậy, anh biết được nhiều điều hơn anh em, phải lo âu tính toán nhiều hơn họ, nhưng cả chính anh cũng không thể có một kết luận, một dự phóng ổn thỏa nào cho mình, cũng chỉ biết để cho mọi chuyện cuốn đi, thế thì anh còn biết nói gì với anh em, ngoại trừ thái độ chấp nhận, chia sẻ và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ.
Có người gọi Tùng về hầm chỉ huy, khi có hai người lính nghĩa quân tìm đến gặp anh. Hai người lính có vẻ lo âu và mệt mỏi, họ chào nghiêm chỉnh trước khi trao cho Tùng một bức thư của Phân Chi Khu Trưởng Tân Mỹ, người mà Tùng được các nghĩa quân cho biết là thuộc cấp cũ của anh theo lời giới thiệu của anh ta. Tùng vội mở mảnh giấy nhỏ có đầy những hàng chữ viết vội vã, nguệch ngoạc:
Huynh trưởng Tùng kính,
“Tôi là Thọ - Thọ “húc”, ba chấm trưởng 2/1- huynh trưởng còn nhớ không? Tôi bị thương ở Thiện Ngôn, loại 2 vĩnh viễn, quân đội đã chê tôi rồi nhưng tôi còn thương nó quá nên xin về Tiểu Khu làm lính làng. Tôi đang coi Phân Chi Khu Tân Mỹ. Tình hình nghiêm trọng quá, tuần trước tưởng đã đứt gánh rồi không ngờ còn “trụ” được đến giờ. Nghe Tiểu đoàn mình lên tôi mừng lắm, muốn ghé thăm huynh trưởng, thăm anh em và Tiểu đoàn mà không tiện đi lúc này. Địch đông đặc, đóng xen kẽ, da beo với mình. Tôi đã cho gài mìn đầy kín cả ngoài lẫn trong để ăn thua đủ với nó một chuyến. Phải trận cuối không niên trưởng? Sao tôi có cảm tưởng như vậy, huynh trưởng có gì cho tôi biết với. Tôi viết lung tung, huynh trưởng thông cảm.
TB 1: Danh xưng của tôi là Thái Bình, tần số 11.37. Xin huynh trưởng danh xưng và tần số Tiểu đoàn. Có gì liên lạc giúp tôi với, hỏa lực Phân chi khu rất yếu.
* Huynh trưởng, cẩn thận các điểm pháo, tọa độ XT…, XT..., XT... Có nhiều điểm nữa nhưng dường như đây là những căn cứ cố định, tôi ở đây lâu, tôi biết.
TB 2: Tôi là quan địa phương, gặp gia đình cũ mừng quá, định làm con heo đãi huynh trưởng và anh em mà tình hình chưa cho phép. Hy vọng hôm nào yên yên, mời huynh trưởng bù khú một bữa chơi. Thọ.
Tùng gấp lá thư bỏ vào túi, anh nhìn hai người lính, cẩn thận hỏi thăm họ một số điều để chắc chắn là quân bạn rồi mới ghi danh xưng và tần số liên lạc gởi cho Thọ. Tùng choàng tay ôm vai hai người lính nghĩa quân, vỗ vỗ vào lưng họ vừa thân ái vừa vui vẻ để trấn an họ và qua họ, muốn gởi đến Thọ, người Trung đội trưởng cũ mà Tùng rất quí mến.
- Nói giùm với cậu Thọ là tôi nhớ cậu ấy lắm. Cứ yên chí, Tiểu đoàn bao giàn cả vùng này, có gì cứ gọi qua, vừa lý vừa tình, đàng nào bên này cũng phải lo cho Tân Mỹ cả, đừng lo!.
Hai người lính có vẻ cảm động và vui mừng, họ lí nhí cảm ơn và chào từ giã. Tùng nói với theo, vui vẻ:
- Nhớ nuôi con heo cho mập nghe, hôm nào tôi qua nhậu đua với mấy cậu chơi.
Tùng đùa giỡn nhưng thật tâm rất lo âu cho đồn Tân Mỹ, anh đã nghiên cứu tình hình ngay khi vừa đến vùng này. Đồn nằm chênh vênh ngay ngả ba con đường dẫn từ Đức Hòa, Đức Huệ đổ xuống và là một tiền đồn rất quan trọng án ngữ mặt Bắc của Tiểu Khu, nó là cái gai mà đối phương cần loại bỏ đầu tiên để dọn đường tiến quân. Số phận của Tân Mỹ quá mong manh. Biết Thọ chỉ huy căn cứ này, Tùng càng lo hơn. Anh rất thương và quý mến tính ngay thật, thẳng thắng cùng lý tưởng phục vụ của Thọ. Thọ là con một, nhà giàu, đủ điền kiện để hoãn dịch nhưng đã tình nguyện vào Thủ Đức, bị thương, được xếp loại 2, một cơ hội để giải ngũ, để nghỉ ngơi mà nhiều người ao ước nhưng Thọ cũng từ chối, anh tiếp tục phục vụ quân đội trong điều kiện sức khỏe giới hạn của mình.
Tùng giở bản đồ, nghiên cứu cẩn thận và chấm nhiều điểm tiên liệu pháo binh giao cho Tiền sát viên gọi về căn cứ hỏa lực chuẩn bị sẵn sàng yếu tố tác xạ, hầu yểm trợ nhanh chóng cho Tân Mỹ khi hữu sự. Tùng đưa tần số liên lạc cho âm thoại viên chỉnh máy và cầm ống liên hợp gọi Thọ:
- Thái Bình! Thái Bình! Đây Trấn Biên gọi, nghe rõ trả lời!
- Trấn Biên! Thái Bình tôi nghe
- Số 1 Trấn Biên đây, cho gặp thẩm quyền của anh đi, trả lời!
Thọ như đã chờ sẵn bên máy, anh lên tiếng không cần chờ âm thoại viên trả lời, giọng háo hức và xúc động:
- Tôi đây huynh trưởng! Lâu quá mới được nghe lại giọng nói của huynh trưởng. Tôi biết huynh trưởng vẫn nhớ em út và thế nào cũng gọi nên chờ sẵn để nghe. Mạnh giỏi huynh trưởng?
Tùng cười lớn trong máy. Anh thích lối nói chuyện ngắn gọn nhưng hàm chứa được tất cả sự chân thật, chí tình của Thọ. Lần Thọ bị thương, Trung đội do anh chỉ huy bị đánh tập hậu, cắt đức ra khỏi đội hình Đại đội, bị vây hãm và lẻ loi chiến đấu một mình trong rừng. Bốn tiếng đồng hồ sau, Tùng mới giải tỏa được áp lực của địch và tiến vào bắt tay được với đơn vị bị lạc. Thọ bị thương từ đầu trận đánh, vết thương không nặng nhưng phần vì không được tản thương sớm, mất nhiều máu, phần phải cố gắng điều động Trung đội chiến đấu, Thọ đã gần như kiệt sức lúc gặp lại Tùng nhưng anh ta cũng cố mỉm cười, nắm chặt tay Tùng thều thào: “Tôi biết huynh trưởng không bỏ em út” trước khi ngất đi. Được gặp lại Thọ trong hoàn cảnh gay go này, Tùng vừa mừng vừa lo, anh nói thân mật:
- Sao? Dễ chịu không cậu? Tôi đã gặp hai thằng em, thỏa mãn mọi yêu cầu của cậu. Tôi sẽ làm hết sức có thể, không dài dòng ơn nghĩa gì cả, tính tôi cậu biết.
Thọ cũng cười, nói lớn hơn:
- Mệt quá huynh trưởng ơi. Ngoài Tiểu đoàn, mình lưu động, sàng qua sàng lại cút bắt với tụi nó, lâu lâu đánh lừa chơi tụi nó một vố thoải mái. Giờ ôm cái đồn nằm ì một chỗ, đưa đầu cho tụi nó pháo và gồng mình chịu trận, bực quá.
- Mỗi đơn vị có một tính chất riêng, một nhiệm vụ riêng, bên nào cũng cần thiết cả, biết sao được, gắng lên.
- Gắng chứ sao huynh trưởng, nói thì nói vậy thôi chứ bỏ cho ai. Nhiều lúc tôi muốn bung em út ra ngoài, tránh cái điểm “chết’ này đi và bảo vệ nó từ xa. Tôi đã làm nhiều lần, kết quả tốt nhưng bây giờ thì không được nữa rồi.
- Sao vậy? Chiến thuật hay đó chứ, uyển chuyển cách nào để ít tổn thất nhất, có hiệu quả nhất là tốt chứ sao. Sao cậu không áp dụng nữa.
- Không được huynh trưởng ơi, bây giờ khác nhiều lắm. Trước, mọi đơn vị, mọi bố trí của mình đều vững vàng, ổn định. Nói giả dụ, tôi có sơ hở, lầm lẫn nào, mình còn phản công, tái chiếm. Bây giờ, tôi có cảm tưởng ra khỏi cổng đồn là không trở lại được nữa.
Thọ đang nói bỗng dừng lại, im lặng một chút rồi nói tiếp, giọng chùng xuống, trầm trầm cảm động:
- Xin hỏi huynh trưởng một điều, được không?
Tùng linh cảm có một điều gì đó không ổn. Tính Thọ bộc trực và sôi nổi, lúc nào cũng lạc quan và tự tin, ít bao giờ Thọ để lộ vẻ bối rối hay dao động. Tùng rất sợ phải nghe những điều không vui và muốn tạo cho Thọ một sự bình tâm cần thiết, anh cười lớn, nói ồn ào, cố phá tan vẻ nghiêm trọng, nặng nề:
- Làm gì ghê gớm vậy cậu? Mình với nhau mà, có gì cứ “phán” đi, dài dòng rào đón làm chi?
Tiếng Thọ vẫn nghiêm trang, chững chạc:
- Huynh trưởng có thấy gì lạ không? Mấy chục năm đổ máu, giữ từng tất đất, rồi tự dưng bỏ cả nửa nước, mà có ai thèm nói cho đám tép riu bọn mình biết điều gì đâu. Đứa nào sống được thì sống, đứa nào chết thì chết, tự mò mẫm, quờ quạng như những thằng mù. Tôi có cảm tưởng mình bị bỏ rơi rồi, không có thế giới tự do, không có đồng minh, chiến hữu khỉ gì hết! Mỗi đứa đều có quyền lợi riêng của nó và chỉ biết lo cho nó...!
- ...
- Mà huynh trưởng thấy đấy, phe ta cũng vậy thôi, có ai lo gì cho nhau, cho nước non gì đâu? Không biết huynh trưởng có biết không chứ ở Sài Gòn bọn nó chạy nhiều rồi. Số còn lại thì cũng chỉ nói cái miệng thôi, chứ cũng đã dự trù, toan tính hết cả rồi. Họ cho vậy là sáng suốt, khôn ngoan. Ba tôi quen biết quan quyền, tướng tá thiếu gì, tôi biết hết. Những người thực sự can trường, yêu nước cũng không thiếu gì, nhưng làm gì được trong một tình hình chung như thế. Tôi không lỡ kẹt cái đồn, kẹt mấy chục người lính sinh tử thì tôi cũng dọt rồi. Chuyện nước non lớn quá, cò con cỡ mình làm được cái gì, nhưng lỡ học được ít chữ, biết chút vinh nhục, nên không thể bôi mặt bỏ trốn, chứ cũng không ham hố gì nữa. Nhục nhã cả đám rồi!
Thọ càng nói, càng lớn tiếng, giỡn giỡn, thật thật, chua chát, ngạo mạn. Tùng rất bối rối, anh không biết phải nói gì với Thọ, chính anh cũng đang hoang mang và nhiều lúc cũng có cùng ý nghĩ như Thọ. Tuy nhiên, trong cương vị của mình, Tùng cũng cố nói một điều mà thực tâm, anh cũng không mấy tin tưởng:
- Bình tĩnh đi cậu, chưa đến nỗi xấu lắm đâu. Đồng ý mất nửa lãnh thổ là mất 2/3 tiềm lực và vị thế chiến đấu; nhưng hy vọng các đơn vị di tản sẽ tái phối trí được, các đơn vị trách nhiệm phần lãnh thổ còn lại sẽ giữ vững được và sẽ có giải pháp. Đừng bi quan.
- Bi quan gì đâu, huynh trưởng. Lâu ngày gặp huynh trưởng, mừng quá, tâm sự chơi một chút vậy thôi. Mà cái số tôi cũng xui, huynh trưởng ơi. Hôm qua, tôi nổi máu ba gai, cho tập họp lính tráng lại. Tôi nói với anh em là mình hết thời rồi, mình ăn mày cả đám rồi, thôi ai có cha mẹ, vợ con gì thì về nhà đi, tôi cho phép. Huynh trưởng biết sao không? Lính tráng gì mà như đàn bà, khóc cả đám như cha chết, khóc xót xa như chảy ra máu mắt. Quê một cái là tôi cũng khóc, thầy trò ôm lấy nhau, rồi lính tráng đứa nào cũng xin ở lại, còn nước còn tát. Trước thì “dù” lia lịa, mà bây giờ “mời” không ai chịu đi. Hình như đơn vị là chỗ dựa cuối cùng, là hy vọng cuối cùng của những người lính sợ hải và ngơ ngác trước vận nước. Vậy là “tiêu” tôi rồi. Phải chi mấy ông “tướng” đó mà chịu biến thì tôi cũng rút êm. Nói dại, nếu may mắn mà còn được ra “tòa án quân sự mặt trận”, tép riu như tôi cũng ở tít mù cuối list, lo gì. Nhưng anh em đã tình nguyện ở lại, tôi đi sao được. Tôi, thầy họ mà, Thiếu uý đặc cách mặt trận, anh dũng, chiến thương đỏ ngực, phải làm sao cho coi được một chút…Vậy là hết ý kiến!
Thọ cười ha hã một lúc rồi mới tiếp, giọng nghiêm trang hơn
- À! Nói 51 biết điều này, trước khi ông đến đây, Tiểu Khu này đã bầm dập lắm rồi, tả xung hữu đột nhiều trận, nhiều nơi nên cũng đã thọ thương trí mạng lắm rồi, tâm thì có mà lực thì sợ là bất tòng tâm, vậy nên “Sét miền đông” phải coi chừng, không khéo ăn mày cả đám…
Tùng im lặng nghe Thọ nói, anh thấy nhoi nhói trong lòng, ngay cả những lời đùa cợt, giọng Thọ cũng có vẻ là lạ, đáng ngại. Tùng dè dặt đề nghị:
- Hay cậu ra đây bắt tay với tôi đi, mình trách nhiệm chung cả vùng này, đâu cần thiết bám vào một điểm:
- Không được đâu, 51! Cảm ơn huynh trưởng lắm, nhưng không được, tôi đã có kế hoạch rồi. Tôi đã khuân nửa kho mìn của Trung Tâm Tiếp Vận về đây trước khi nó nổ rồi. Lo gì, mấy cậu bé răng vỗ mà vào được đây thì “qua với mấy em cùng ăn pháo bông”. Tình cảnh này, một là chạy làng, bỏ cuộc, hai là phải tìm cho mình một cách riêng, chứ biết sao. Thôi tạm biệt, có gì huynh trưởng nhớ gọi đàn em: Thái Bình, 11.37.
Thọ cúp máy đột ngột, Tùng im lặng ngồi một mình. “Phải tìm cho mình một cách riêng”, Tùng rất hiểu con người Thọ, anh biết cái cách Thọ chọn và thấy ái ngại vô cùng. Tùng định gọi lại Thọ, khuyên giải, dặn dò đôi điều nhưng chưa kịp nhấc máy thì Tiểu đoàn gọi. Âm thoại viên chăm chú lắng nghe, rồi gác máy, quay lại nói với Tùng:
51! Lên Tiểu đoàn ngay. 45 cần gặp 50, 51, 53!
Tùng lặng lẽ đứng lên, với tay cầm tập bản đồ, hất đầu ra dấu cho âm thoại viên và mấy binh sĩ trong toán Biệt kích Đại đội đang ngồi bảo vệ chung quanh, nói cộc lốc:
Đi!
 
@
 
Tiểu đoàn Trưởng ngồi ngay ngắn trên một thùng đạn đại liên, dưới bóng mát của một tấm poncho căng thấp, nép sát đàng sau một bờ tre gai lớn. Phía đối diện là các sĩ quan ban Ba, hai Đại đội trưởng Chỉ Huy Yểm Trợ và Đại đội Ba, tất cả đang im lặng nhìn vào một tấm bản đồ hành quân lớn, trải chính giữa.
Tùng nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, mọi người đều ngước lên nhìn, ra dấu chào, nhưng không ai nói gì. Tiểu đoàn trưởng sửa lại thế ngồi, ông chống tay lên gối, hơi chồm người về phía trước, rồi chậm rãi lấy thuốc ra châm hút, hai mắt vẫn trầm tư nhìn vào những ký hiệu ghi dày đặc trên bản đồ.
Tùng lặng lẽ quan sát người chỉ huy. Mới mấy ngày mà trông ông khác đi rất nhiều: hàm râu không cạo, cộng với vẻ suy tư, khắc khổ làm ông như già thêm mấy tuổi. Tùng rất thương và kính trọng người chỉ huy già của mình. Ông xuất thân là một hạ sĩ quan, có nhiều thành tích chiến đấu, được chọn theo học khóa sĩ quan đặc biệt và đã lăn lộn ngoài chiến trường suốt từ ngày mãn khóa, dù đã tương đối lớn tuổi. Ông học không cao, nhưng ngay thẳng và tốt bụng, không hề có mặc cảm đố kỵ, cũng không có thái độ tự mãn, hách dịch, lúc nào cũng nhiệt tình, bộc trực và hết lòng với nhiệm vụ. Ông từng tâm sự cởi mở và chí tình với các sĩ quan trẻ trong đơn vị:
- Tôi già rồi, học hành hiểu biết không bao nhiêu, có được chút kinh nghiệm, chút liều lĩnh, làm tới Tiểu đoàn trưởng là hết mức, lên nữa là hư việc nước nhà. Mấy chú trẻ, có kiến thức, rán đi, quân đội mình sau này trông cậy vào lớp các chú, chứ không phải đám bọn tôi.
Những ngày tình hình chiến sự có nhiều đột biến to lớn, kỳ lạ khắp nước, cùng nhiều biến chuyển chính trị phức tạp. Tiểu đoàn trưởng họp anh em và phàn nàn:
- Mình chỉ biết đánh giặc, lo lắng, thương tiếc từng người lính, từng tất đất, không rành chính trị chính em gì hết, cứ giữ được dân, được đất là được rồi. Nhưng ở nhà mà mấy ông lớn cứ cấu xé, giành giật nhau cái kiểu này, có ngày trở tay không kịp.
Anh em phân tích tình hình, nhận định về lập trường của người Mỹ, về cái thế của Pháp… trong tình hình mới, về ảnh hưởng của Trung cộng, Nga Sô…với phía bên kia, về giải pháp trung lập, liên hiệp hòa hoãn… phù hợp với quyền lợi thực tế và thỏa mãn danh dự của mọi phía. Tiểu đoàn trưởng im lặng ngồi nghe, cuối cùng ông kết luận:
- Các cậu nói chuyện xa vời, rắc rối quá. Sao cứ có Pháp, Mỹ, Nga, Tàu hoài vậy. Mình có chính phủ, quân đội, có đất, có dân thì rán mà tự lo lấy, cần gì ai. Tôi không biết gì nhiều, nhưng giả dụ mình đuổi đươc bọn đỏ ra khỏi sông Bến Hải, Nga với Mỹ làm gì được mình. Chả lẽ bọn nó ép mình bỏ súng, rước đám kia vào lại à? Tự mình chứ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tôi nghĩ nôm na vậy thôi và rán đánh giặc. Mấy cậu tin tôi đi, mình còn hay mất là tự nơi mình. Đừng sợ ai bỏ rơi mình, chỉ sợ mình tự bỏ mình. Mình còn dư sức để chiến đấu lâu dài mà, phải thích nghi với hoàn cảnh chớ, cứ coi thằng vẹm, có một hộp cù là muối, nó ăn cả tháng đánh nhau với mình, sao mình cứ đòi có thực phẩm tươi, có ration C. Cái gì nó hay thì mình phải học, nước mình còn nghèo chứ có giàu có gì.
Anh em không đồng ý với lối suy luận quá đơn giản của Tiểu đoàn trưởng, dù có phần hợp lý. Nhưng, tất cả đều thương và hiểu tấm lòng của ông.
Những ngày gần đây, nghe tin lãnh thổ lần lượt mất vào tay địch, lực lượng càng ngày càng co cụm lại, Tiểu đoàn trưởng vô cùng lo âu và nóng giận. Ông gọi máy gặp các Đại đội trưởng, bộc trực bày tỏ thái độ, ồn ào chưởi bới, không kềm giữ, nể nang gì:
- Đánh đấm như cục cứt, di tản chiến thuật cái kiểu gì mà hết bỏ chỗ này tới chỗ khác, tao mà đứa nào ra lệnh di tản kiểu đó, táo bắn bể đầu!
Tiểu đoàn trưởng nói rất nhiều, vừa giận dữ phẩn nộ, vừa chua chát bi uất; cuối cùng, ông dịu giọng lại:
- Mấy cậu thông cảm cho tôi. Tôi đánh giặc gần cả đời mà chưa từng gặp tình trạng kỳ dị, quái đản như thế này. Thời mạt vận rồi hay sao ấy. Nhưng thôi, “nuôi quân ba năm, xài một giờ” anh em mình phải làm hết sức mình.
Tùng cảm động khi nghe những lời Tiều đoàn trưởng nói. Anh thấy không tiện dài dòng trên máy nên định hôm nào gặp sẽ nói chuyện nhiều với ông, nhưng giờ ngồi trước mặt nhau, trong tình hình này, Tùng không biết nói gì, chỉ im lặng chờ đợi.
Tiểu đoàn trưởng đưa mắt nhìn từng anh em một lượt, rồi nói chậm rãi, dè dặt:
- Các cậu biết đấy, ở đây, mình chỉ còn Tiểu đoàn trừ. Thằng Hai với thằng Bốn đi với Thiết Đoàn 10, Đại úy Tiểu đoàn phó cũng theo cánh quân bên đó. Tôi có phản đối lệnh điều động của Tiểu khu, nhưng tình hình khó khăn, quân số thiếu hụt, nhiệm vụ chung mình phải đồng ý. Tiểu khu còn bảy Tiểu đoàn Địa phương quân và một số Trung đội nghĩa quân, nhưng đa phần các anh em ấy cũng đã tổn thất nhiều trong những ngày qua, và khả năng chiến đấu của họ, tôi nói xin lỗi, cũng có nhiều giới hạn lắm. Tóm lại, nhiệm vụ của mình rất nặng.
Tiểu đoàn trưởng ngừng lại, rít một hơi thuốc, im lặng một chút rồi chỉ tay vào những mũi tên lớn màu đỏ - ký hiệu tiến quân của đối phương - trên bản đồ và nói tiếp, mặt đanh lại, giọng nghiêm và quả quyết.
- Tin tức tình báo loại A 1 của phòng 2 Tiểu khu và của Chiến đoàn đều cho biết địch đang tập trung một lực lượng lớn, dự định tấn công Tiểu khu từ nhiều hướng trong một hai ngày tới. Tình hình rất khó khăn, các vị trí yểm trợ cho mình có thể bị pháo làm tê liệt, các phi vụ oanh kích có thể cũng rất giới hạn. Phi trường Tân Sơn Nhất hình như có gì không ổn. Nói chung, mình phải cố gắng tự chiến đấu, chuẩn bị tinh thần để thích nghi với tình trạng không có phi, pháo yểm trợ.
...
- Ngay bây giờ, các cậu cho củng cố vị trí phòng thủ, tu bổ lại các hầm hào có nắp đủ sức chịu pháo hạng nặng. Nghiên cứu các hướng tiến quân của đối phương, cho gài tối đa mìn chống chiến xa. Tình hình này, địch có thể sử dụng T 54. Dương tất cả M - 72 sẵn sàng. Tôi sẽ cho bổ sung thêm XM 202. Bảo anh em mình bình tĩnh, tác xạ ở tầm 150 mét, bắn vào pháo tháp. Tại mình ít gặp T 54 nên ngại, chứ nó không có gì ghê gớm lắm đâu, đừng sợ. B - 40 của nó bắn được M - 113, M - 48 của mình thì mình cũng dư sức bắn cháy PT - 76, T - 54 của nó. Bung nhiều toán tiền đồn, bám và phát hiện địch từ xa. Tôi đã gọi hậu cứ mang thêm ba cây 81, cứ yên chí, tôi sẽ rót đều cho các cậu khi hữu sự. Mình là đơn vị chủ lực duy nhất ở đây, nhớ làm ăn cho ra hồn. Thôi, tình hình chung là vậy. Nhiệm vụ của mình là chiến đấu, mấy cậu về lo cho em út đi, rảnh tôi sẽ ra tuyến nói chuyện với anh em.
Mọi người dợm đứng lên, Tiểu đoàn trưởng như chợt nhớ ra, nói vội:
- Chắc mấy cậu có nghe radio, Đại tướng Minh sẽ thế cụ Hương hôm nay, hy vọng Đại tướng có giải pháp…
Rồi ông quay lại, vỗ vai Tùng, thân mật:
- À! Hôm qua cô Kim chờ đây đến chiều, nằng nặc đòi tôi cho người dẫn ra chỗ cậu. Cô ấy xinh đẹp mà liều lĩnh và thương cậu lắm, mừng cậu có một hậu phương tốt.
Thắng, Đại đội trưởng Đại đội 3, nhìn Tiểu đoàn trưởng cười cười, bông đùa như bản tính cố hữu:
- Hy vọng lần này ông Đại tướng không làm lịch sử kiểu 63.
Tất cả đều cười, Thắng nhìn Tiểu đoàn trưởng, nói tiếp:
- 45 nhớ giùm tháng tới thằng em này “lên xe hoa”. Đời em chỉ có một lần, xin 45 nhớ cho cái phép với một bao thơ dày dày một chút cho em út vi vút ít bữa.
Tiểu đoàn trưởng cười lớn, ông nhìn Tùng và Sơn, Đại đội trưởng chỉ huy, nói vui vẻ:
- Hai cậu nhớ bổn phận tình cảm với thằng Thắng nghe, nhắn giùm ông Hà, thằng Lực, thằng Khoa. Ông phó mười ghim trở lên, mấy cậu năm, anh em sĩ quan tham mưu và các Trung đội trưởng… tùy nghi, tôi bao chót.
Thắng đốp chát, đùa giỡn:
- 45 nói chuyện tiền bạc chi đau lòng thằng em, quan hai nhà nước gì mà không đủ tiền cưới vợ. Mà thôi, đã lỡ đụng đến chuyện tiền bạc xấu xa rồi thì cho tới luôn. Tính tôi sao kỳ quá, 45, chỉ khoái tiền lớn mà không ưa bạc cắc, 45 hiểu giùm cho em út.
Tiểu đoàn trưởng cười nhẹ, ông nói một điều gì đó không ai nghe rõ, nhưng ánh mắt toát ra vẻ bao dung, âu yếm như một người anh, người cha đối với con cái, em út thân yêu của mình. Thắng trầm ngâm một chút, rồi nói tiếp, vẫn giọng láu lỉnh nhưng có pha chút chua chát:
- Không khéo chuyến này lộn xộn, không lấy được vợ lại khổ đời con.
Tùng không muốn nghe tiếp câu chuyện đã có chiều hướng không vui, anh bước ra ngoài đứng chờ Thắng và Sơn. Anh em cùng đơn vị mà nhiệm vụ lút đầu ít khi có dịp gặp nhau, họa hoằn lắm mới có hôm đóng quân chung, uống với nhau ly cà phê, nói dăm ba câu chuyện trên trời dưới đất, rồi ai lại có công chuyện nấy, chỉ gặp nhau trên máy, cộc lốc trao đổi công việc, nhiệm vu…
Thắng và Sơn cùng đi ra, Tùng lên tiếng trước
- Bên mấy ông quân số ra sao? Tôi hao nhiều quá mà không thấy bổ sung, ngại quá!
Thắng nhanh nhẩu:
- Tôi cũng y chang vậy chứ có khác gì, có ông Sơn, trừ bị Tiểu đoàn, may ra đỡ một chút.
Sơn chen vào, chậm rãi và nghiêm trọng:
- Đỡ gì đâu, pháo nó hỏi thăm đều trời, chứ có phải đánh trực diện đâu mà kể tuyến trên, tuyến dưới. Tôi ở gần ông già, thấy ông ấy lo quá mình cũng nóng ruột. Mấy ông ở ngoài vậy mà đỡ đau cái đầu. Hồi tối, ông đầu tàu gọi xuống, tôi nghe loáng thoáng hình đã như mất liên lạc với Trung đoàn 49 ở Tây Nình rồi. Trung đoàn 50 về Củ Chi bảo vệ Bộ Tư Lệnh đang chạm nặng ở Hố Bò, Phú Hòa Đông. Chiến đoàn với thằng Một, thằng Ba của mình đang giữ đường đi Tây Ninh ở Trà Võ, Phước Hiệp, áp lực nặng lắm. Mình ở đây rồi sẽ đụng cả sư đoàn địch chứ không ít đâu. Mấy ông cẩn thận!
- “Giờ thứ 25” của bọn mình rồi mà, mọi việc xin cứ “râng” cho Chúa. Tép riu bọn mình chỉ có trốn hoặc đánh giặc. Không muốn trốn thì phải một mất một còn, “nam nhi cổ lai chinh chiến hề” mà, suy nghĩ chi cho ốm người đi. Ước gì có vài két, bọn mình “túy ngọa sa trường” một chút cũng khoái. Hy vọng có giải pháp sớm, mình còn chút Sài Gòn, lâu lâu về ngồi Pagode nhìn em gái hậu phương nhởn nhơ cũng “ấm lòng chiếc sĩ”. Kiểu này không khéo tôi mất cưới vợ quá.
Tùng nhìn Thắng, mỉm cười. Anh nói với cả hai:
- Mấy ông thành triết gia lúc nào vậy? Toàn nói chuyện đâu đâu, “nóng ruột” với lại “ấm lòng”… Cho can đi, lo chuyện trước mắt đi, cố gắng sống còn, cố gắng chờ đợi và hy vọng.
Sơn mỉm cười, anh từ giã hai bạn về tuyến trước. Tùng nói với Thắng:
- Tôi có thằng em tiền đồn bên trái chỗ ông đóng quân, cẩn thận, tránh ngộ nhận, có gì yểm trợ giùm nó.
- O.K
- Tôi đã cho gài mìn kín các đường mòn, các kẽ trũng; cần di chuyển ông cứ đạp lên các bờ bụi, cao độ mà đi
- O.K
- Bắn trái sáng cho tôi, nếu bên tôi có chuyện trước, tôi sẽ làm ngược lại nếu tình hình ngược lại
- O.K.
Tùng bắt tay từ giã bạn. Thắng nắm tay Tùng, ngần ngừ một chút rồi nói:
- Nếu chuyến này xong sớm, yên yên được về hậu cứ, tôi xin 45, nhờ ông làm phụ rể hộ tôi. Bạn bè tôi ở Sài Gòn cũng tản lạc hết cả. Tôi muốn có đủ lễ bộ cho bà xã tôi hài lòng một chút. Không bao lâu nữa đến ngày mà tôi cứ kẹt ở đây hoài, chắc cô ấy khóc hết nước mắt. Cô ấy khổ với tôi nhiều rồi, tội nghiệp.
Tùng thấy vui và cảm động, anh nắm tay Thắng, nồng nhiệt:
- Xong ngay, tớ sẵn sàng!
 
@
 
Trời hừng sáng, tiếng súng thưa dần rồi ngưng hẳn, địch quân không thành công trong việc biển người tràn ngập các vị trí ban đêm và bị tổn thất nặng, có lẽ đã lùi lại để chỉnh đốn lực lượng và chuẩn bị cho một đợt tấn công mới. Tùng quan sát một vòng khắp vị trí đóng quân, đơn vị anh không trực tiếp bị tấn công nhưng đã lãnh trọn gần một ngàn quả pháo và bị một lực lượng nhỏ quấy phá, cầm chân không cho di chuyển tiếp viện các đơn vị bạn. Tùng gọi Thường vụ đại đội lo liên lạc để đưa thương binh, tử sĩ về hậu cứ, anh ra lệnh các trung đội tu bổ vị trí chiến đấu và mệt mỏi ngồi bệt xuống cỏ, dựa lưng vào mô đất cao nắp hầm và lặng lẽ lấy thuốc ra hút.
Suốt đêm qua, cả một khu vực rộng lớn quanh Tiểu khu như ngập trong biển lửa và khói súng. Đêm nặng nề nhưng yên tĩnh được hết ca gác thứ nhất rồi có tiếng súng nổ từ hướng đồn Tân Mỹ, cùng lúc, pháo đủ loại từ nhiều vị trí khác nhau hỏa tập dữ dội vào tất cả các vị trí đóng quân. Truyền tin từ Tân Mỹ hấp tấp báo cáo, lộn xộn, thiếu sót:
- Pháo, thẩm quyền ơi, pháo, hỏa tiễn 122, nữa… gần lắm, gần lắm, 85 sơn pháo trực xạ, xin yểm trợ.
Tùng hét trong máy:
- Bình tĩnh coi, thẩm quyền đâu, cho yếu tố chính xác qua đi.
Tùng hỏi nhưng không đợi trả lời, anh gọi Tiền sát viên yêu cầu tác xạ vào các điểm tiên liệu, nổ chụp, bắn rải, kéo tới kéo lui quanh đồn Tân Mỹ.
Tùng đứng thẳng người dưới hầm, thò đầu lên một ngách nhỏ quan sát. Các âm thoại viên và tiền sát viên chen nhau ngồi lố nhố dưới chiếc hầm chật. Tất cả máy liên lạc đều mở hết tần số làm việc, tiếng đàm thoại liên tục trong hệ thống. Địch pháo kích bằng một mức độ áp đảo, tiếng nổ chát tai và những đóm sáng tóe lên, đỏ rực cùng khắp. Tiếng rú của đạn và tiếng mảnh pháo bay vèo vèo, lành lạnh. Tùng bốc máy nội bộ gọi các trung đội:
- Phúc, Lôc, Thọ kiểm soát em út, tất cả ngóc đầu lên sẵn sàng, coi chừng nó biển người.
Tùng nhắc đi nhắc lại mệnh lệnh để đơn vị cảnh giác và phập phồng theo dõi tần số liên lạc của Tiểu khu. Tân Mỹ gọi Trung Tâm Hành Quân, gọi pháo binh diện địa, gọi các đơn vị Địa phương quân để báo cáo tình hình và kêu cứu. Có tăng xuất hiện hướng Đức Hòa, Đức Huệ… Địch bắt đầu tấn công bằng bộ binh… Quân số Tân Mỹ tổn thất nặng… Công sự chiến đấu bị phá hủy nhiều, tình hình nguy ngập.
Tùng nhận biết tất sự việc qua những đối thoại trên hệ thống truyền tin, anh ngước mắt nhìn về hướng Tân Mỹ: Một vùng trời đỏ rực và những tiếng nổ của đủ loại vũ khí lớn nhỏ dòn tan, liên tục. Không có rồng lửa (máy bay soi sáng và bắn yểm trợ hành quân đêm) soi sáng và bao vùng như thường, không có pháo binh bắn hỏa tập mạnh mẽ và đầy đủ như thường lệ, Tân Mỹ phải tự chiến đấu, tự bảo vệ một mình. Không ai có thể làm gì cho nhau được trong hoàn cảnh này. Tùng nghĩ đến Thọ, nghĩ đến lời hứa với Thọ mà đau nhói, anh phân vân chưa biết phải làm gì thì Thọ gọi:
- Trấn Biên! Trấn Biên! Đây Thái Bình gọi!
Tùng mừng rỡ chụp máy hét lớn:
- Tôi đây, sao cậu?
- Không ổn, huynh trưởng. Tôi đã làm hết cách nhưng nó “táp pi”, muốn đạp lên mình bằng mọi giá, khó quá, huynh trưởng giúp tôi một việc:
- Được, cần gì nói đi.
Tiếng Thọ trở nên hấp tấp, lụp chụp như đang phải đối phó với một cái gì nguy nan, hệ trọng lắm:
- Huynh trưởng… huynh trưởng, bể tuyến rồi!
Có nhiều âm thanh hỗn loạn, nhiều tiếng nổ và tiếng kêu la chen vào hệ thống, rồi tiếng Thọ nói nhanh nhưng rành mạch, cả quyết:
- Huynh trưởng, thôi, không còn thì giờ nữa, bãi mìn của tôi bị pháo nó phá tan không ăn thua gì nữa, nếu mất liên lạc là Tân Mỹ không còn, xin nổ chụp lên đầu tôi. Đừng chần chờ tính toán gì hết. Tôi, chỉ huy trưởng đồn Tân Mỹ yêu cầu, ít ra…
Những tiếng sau cùng Thọ nói rất nhỏ và có nhiều tiếng lao xao trong máy. Tùng định gọi tiếp cho Thọ nhưng anh vội buông máy và chụp máy liên lạc với Tiểu đoàn. Có tiếng súng cá nhân nổ dòn bên khu vực đóng quân của Đại đội Thắng và tiếng hô xung phong dậy trời.
Tùng nhảy lên khỏi miệng hầm, anh hét sang sảng giữa những tiếng nổ:
- Báo động, tất cả sẵn sàng chiến đấu, địch tấn công!
Âm thoại viên và toán Biệt kích Đại đội cùng lao nhanh ra khỏi hầm, lom khom chạy theo. Tùng áp máy liên lạc lên tai theo dõi. Tiếng Tiểu đoàn trưởng trầm tĩnh và mạch lạc:
- 53 đây 45 gọi. Bình tĩnh đi em, ông già 81 (súng cối 81 ly) sẽ sủa tối đa cho em, tháp bà (thám báo) sẽ lên với em ngay bây giờ, rồng lửa sẽ lên vùng ngay bây giờ, bình tĩnh.
Tùng chen vào máy khi Tiểu đoàn trưởng vừa dứt:
- 53, đây 51!
Máy im lặng một lúc khá lâu rồi có tiếng Mưu, Đại đôi phó trả lời, giọng xúc động và thản thốt:
- 53 B tôi nghe 51. 53 đi rồi 51!
Cả Tiểu đoàn trưởng lẫn Tùng cùng hét lên một lúc:
- Sao, 53 làm sao?
- Trình 45, BC Đại đội (ban chỉ huy) bị trúng sơn pháo ngay đợt tấn công đầu, 53 đã hy sinh.
Tiểu đoàn trưởng nói nhỏ, ngậm ngùi:
- Cố lo cho 53 tử tế!
Rồi giọng ông nghiêm lại, rắn rỏi:
- 53 B, kể từ giờ phút này, tôi trao quyền chỉ huy Đại đội cho anh. Bình tĩnh chiến đấu.
- Nhận rõ, 45!
Tùng im lặng, anh nhớ nụ cười, cái nắm tay và câu nói cuối cùng của Thắng hồi chiều và thấy lòng đau như cắt. Không còn đám cưới, không còn cô dâu, chú rể, phụ rể gì nữa. Vĩnh biệt. Đau đớn quá nhưng Tùng không có thì giờ để tiếc thương, anh gọi khẩu trưởng súng cối ra lệnh:
- “Đốt đèn cầy” soi sáng cho gia đình 53, 5 phút một ngọn!
Khẩn trưởng ngần ngừ, rồi rụt rè lên tiếng:
- Mình còn 100 trái nổ và ba mươi đạn chiếu sáng, có để dành phòng ngừa cho mình không, 51?
Tùng nhìn người lính già, cảm động và hài lòng về tính cẩn trọng của anh ta nhưng vẫn đáp gọn, cương quyết:
- Bên đó cần hơn mình lúc này, thi hành đi.
Tiếng súng vẫn nổ đều, càng lúc càng dữ dội hơn bên hướng Đại đội 3. Mưu rất gan dạ và tỏ ra có nhiều kinh nghiệm, anh khôn khéo điều động đơn vị chống trả các đợt tấn công, rành rẽ phán đoán và báo cáo chính xác tình hình, bình tĩnh và nhanh nhẹn điều chỉnh tác xạ súng cối và pháo binh. Tùng theo dõi chặt chẽ diễn tiến trận đánh, anh đi vòng quanh tuyến để kiểm soát sự phòng thủ của đơn vị mình và thỉnh thoảng gọi máy khích lệ Mưu. Anh lợi dụng một khoảng lắng dịu nhìn về phía Tân Mỹ; tiếng súng đã dịu bớt nhưng từng lúc vẫn còn những loạt đạn lẻ tẻ chứng tỏ việc chống trả vẫn còn tiếp tục. Tùng gọi Tân Mỹ nhưng không có tiếng trả lời, anh gọi lại nhiều lần, khản giọng hét to danh hiệu liên lạc và hy vọng được nghe một lời hồp đáp nhưng trong máy chỉ còn những tiếng o o buồn bã, xa vắng.
Tùng thẫn thờ áp ống liên hợp lên tai, nỗi đau quá lớn làm anh choáng váng. Có những tai biến dù biết trước nó sẽ xảy ra, người ta vẫn cứ hy vọng nó không xảy ra. Không có người lính nào nghĩ là mình sẽ hy sinh dù biết trước chuyến đi nào cũng có người phải hy sinh. Tội nghiệp cho những hy vọng chua xót và bi thảm của người lính. Tùng nghĩ đến điều Thọ vừa trao gởi, anh ngần ngừ một chút rồi quyết định lấy bản đồ, khum tay che bớt ánh sáng, rọi đèn pin tìm tọa độ chính xác của đồn Tân Mỹ. Người lính không có thì giờ và cũng không có quyền mềm yếu, mọi quyết định phải tùy thuộc vào sự sống còn của cả một tập thể, một kế hoạch. Phải nén sâu những tình cảm riêng xuống tận đáy lòng. Tùng gọi tiền sát viên, nói vắn tắt:
- Xin tác xạ đi, địch tràn ngập vị trí, hỏa tập tọa độ XT…
Tiền sát viên nhìn vào bản đồ rồi nhìn Tùng. Ngập ngừng:
- Còn quân bạn sao 51, đồn Tân Mỹ?
- Tân Mỹ mất rồi, mình chỉ trung gian tiếp vận yêu cầu của họ. Chỉ huy trưởng đồn Tân Mỹ quyết định san bằng vị trí. Bắn đi!
Tùng nói nhanh và vội vã bước ra ngoài trước khi tiền sát viên cầm máy gọi về căn cứ hỏa lực. Anh bốc máy tiểu đoàn tiếp tục theo dõi tình hình. Mưu đã đẩy lui được hai đợt tấn công, giọng anh bình tĩnh và lạc quan trên máy. Tùng rất mừng, anh muốn chia xẻ niềm vui cho cả đơn vị nên gọi máy cho các Trung đội:
- Phúc, Lộc, Thọ đây 51 gọi. Thằng Ba vững vàng, chiều hướng thuận lợi, địch đã khựng lại, không có gì đáng ngại, nghe rõ trả lời.
Cả ba Trung đội đều đáp lời, hân hoan, nhẹ nhõm.
 
@
 
Tùng nhận lệnh rút quân về Tòa Hành Chánh Tỉnh. Kế hoạch cuối cùng quyết định bỏ tuyến phòng thủ phía ngoài, mỗi đơn vị nhỏ chịu trách nhiệm tử thủ bảo vệ một yếu điểm của Tiểu khu. Tùng cẩn thận áp dụng đúng chiến thuật lui binh, cho rút từng toán nhỏ từ xa đến gần, di chuyển mỏng để tránh pháo kích. Anh cho đơn vị đi dọc theo những con đường đá lổ chổ hố đạn về phía trung tâm thị xã. Tỉnh lỵ Hậu Nghĩa như một chàng nhà quê mặc áo gấm: Vì nhu cầu chiến thuật, tỉnh được thành lập vội vã, tạm bợ. Một số công ốc và nhà phố được xây dựng lên giữa một đồng ruộng xác xơ, khô cháy không che giấu được vẻ nghèo nàn, xơ xác cố hữu. Dân chúng phần lớn đã di tản từ nhiều ngày trước, nhà cửa bóp khóa im lìm, nhiều nơi trúng đạn sụp nát hoang tàn, có nơi còn âm ỷ cháy, quang cảnh tiêu điều, ngột ngạt.
Tùng được cho tần số trực tiếp với Tiểu khu, anh gọi máy khi đơn vị đến gần vị trí được chỉ định. Tiếng Tiểu khu trưởng ngọt ngào, ấm áp trên máy:
- Trấn Biên đó phải không, qua đây, số 1 đây. Qua được báo em đang trên đường về giữ nhà chính, gắng lên, qua chờ gặp em ở đây.
Tùng tiếp tục điều động đơn vị di chuyển. Kinh nghiệm chiến trường buộc Tùng phải dè dặt: Tất cả các điểm án ngữ ngoại vi đều đã rút bỏ, chắc chắn mọi hỏa lực của đối phương sẽ tập trung vào các điểm trọng yếu trong thị xã, không thể coi thường được. Tùng gọi Thiếu úy Còn, Trung đội trưởng thâm niên nhất vào nhận bàn giao tuyến và theo dõi tình hình, anh cho Đại đội bung rộng chung quanh sân vận động đối diện với Tòa Hành Chánh để chờ đợi.
Trời sáng rõ, thành phố bỗng chạo rạo khác thường, nhiều binh sĩ lạc đơn vị, áo quần xốc xếch, hớt hải tới lui. Đám tù ở Trung Tâm Cải Huấn phá cửa ra đường chạy tứ tán. Tùng ra lệnh kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối ngăn chận mọi người lạ không cho lẫn lộn vào khu vực đóng quân để ngăn ngừa nội tuyến bất trắc, anh bốc máy định liên lạc với Còn, đúng lúc có giọng hét to, nửa hốt hoảng nửa bực dọc của Còn trong máy.
- 51! Đây Vạn Lộc gọi. Báo 51 rõ ông đầu tàu ở đây đang chuẩn bị Zulu (rút lui), đã thay đồ dân sự, đang lên xe, trả lời. Toàn bộ chủ nhà lớn nhỏ đang giải tán, chờ lệnh, trả lời.
Tùng lịm người mấy giây trước tin tức nhận được, anh yêu cầu Còn giữ vững vị trí, chấm dứt tình trạng tăng phái về nhận lệnh từ hệ thống Tiểu đoàn và chờ anh gọi lại. Tùng báo sự việc lên Tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng như đang chờ sẵn bên máy, ông trả lời chậm rãi và buồn buồn:
- Bình tĩnh đi em, tôi biết chuyện đó rồi. Mình đã làm tròn nhiệm vụ nhưng đơn vị gốc không còn, tình hình nguy ngập. Mình đang ở ngoài khả năng và ngoài tầm yểm trợ của gia đình lớn, chỉ còn mỗi mình ở đây thôi, phải tự lo cho mình. Chờ một chút, tôi sẽ có quyết định.
Tùng gọi máy cho các Trung đội, yêu cầu tất cả đừng giao động, thông báo cho anh em biết tình hình Tiểu đoàn bình thường, mọi liên lạc hàng dọc đều tốt, bình tĩnh chờ lệnh.
Địch bắt đầu pháo kích trở lại vào thành phố. Sơn báo về đã nhìn thấy xe tăng và nhiều dấu hiệu chuyển quân trong tầm ống dòm ở phía bắc thị xã. Tiểu đoàn trưởng nhận báo cáo, ông im lặng một chút như để suy nghĩ, chọn lựa thái độ rồi có tiếng chép miệng trên máy và tiếng Tiểu đoàn trưởng rõ ràng, dứt khoát.
- 50, 51, 53! Đây 45 gọi. Các gia đình nghe được cho con cái di tản, lấy hai lần Charli (Củ Chi) làm hướng 12 giờ, di chuyển hướng 1.30. 51 bung đội hình làm đầu cầu, tôi và thằng 50 sẽ có mặt ngay bây giờ, 53 giữ đuôi, nhận rõ trả lời.
Tùng nhận lệnh, anh lấy địa bàn ra dò phương giác rồi ra lệnh cho các trung đội di chuyển băng ngang một khoảng ruộng trống, dàn hàng ngang dựa theo một con rạch cạn. Nhiều binh sĩ, cảnh sát, cán bộ của Tiểu khu đi theo, có người dẫn cả gia đình, bồng bế, gồng gánh vừa đi vừa khóc. Tùng nóng ruột chờ nhưng không thấy Tiểu đoàn trưởng, cũng không thấy Đại đội chỉ huy yểm trợ và Thám báo Tiểu đoàn, liên lạc vô tuyến bị gián đọan. Mưu dẫn Đại đội theo Tùng, anh yên chí có quân mở đường, cẩn thận cho Đại đội di chuyển theo đội hình chữ U ngược, hai toán quân nhỏ đi hàng dọc giữ hông trái và phải, toàn bộ lực lượng chủ lực rải hàng ngang phía sau. Mưu đi trong cánh quân này.
Địch quân có lẽ vẫn còn e dè, chưa biết thành phố đã bỏ ngỏ nên vẫn tiếp tục pháo kích liên tục. Không có dấu hiệu nào là có giao tranh trong thành phố, vậy thì Tiểu đoàn trưởng không phải bị chận đánh, bị kẹt lại, nhưng ông ở đâu? Sao liên lạc bị cắt? Tùng chợt nghĩ đến một điều làm tim anh đau nhói: Tiểu đoàn trưởng can trường và liêm sỉ, biết đâu vì nhận thấy tình hình đã tuyệt vọng nên ông quyết định ở lại Hậu Nghĩa, chấp nhận đối diện với những giây phút cuối cùng như một người lính đúng nghĩa. Tùng nghĩ điều này có thể xảy ra nhưng rồi anh lại nghĩ khác. Tiểu đoàn trưởng rất nhân ái và thực lòng thương mến tất cả anh em thuộc cấp, ông có thể chọn cho mình một thái độ sống còn nhưng chắc chắn không bao giờ muốn nhiều người khác chia xẻ chọn lựa bi thảm của mình. Vậy Đại đội chỉ huy và Thám báo ở đâu?
Tùng rối ren với nhiều ý nghĩ, có thể Tiểu đoàn trưởng sẽ đi một cách riêng để yểm trợ cho Tùng? Cũng có thể ông muốn đi riêng với một đội hình gọn nhẹ hơn để mau đến được điểm an toàn? Điều gì cũng có thể xảy ra và cho dẫu thế nào Tùng cũng không có gì phiền trách. Tất cả quá nhỏ nhoi trong hoàn cảnh này, hãy thông cảm và tha thứ cho những yếu hèn, vị kỷ của con người nếu có.
Tùng gọi máy cho Tiểu đoàn lần nữa, anh ra lệnh cho âm thoại viên thay ăng ten lá lúa bằng ăng - ten bảy đoạn để có thể phát và nhận những tần số rõ hơn, xa hơn hy vọng liên lạc được với Tiểu đoàn nhưng đầu máy vẫn hoàn toàn im lặng. Tùng không thể chần chờ được nữa, hoàn cảnh không cho phép anh mất bình tĩnh, sinh mạng của năm, sáu trăm con người phải được lo liệu, bảo vệ bằng những quyết định hợp lý và sáng suốt nhất của người chỉ huy. Tùng là sĩ quan cao cấp nhất đang có mặt tại chỗ, dù muốn hay không, trách nhiệm đã đặt vào tay anh.
Tùng gọi Mưu và tất cả Trung đội trưởng của cả hai Đại đội đến gặp, anh vắn tắt phổ biến tình hình và những chỉ thị cần thiết. Đơn vị sẽ băng đồng bưng về Hóc Môn, tập trung hỏa lực mạnh về phía trước và hai cạnh sườn, giữ vững đội hình bảo vệ những người tháp tùng phía trong. Tất cả vô chung một tần số liên lạc trực tiếp với Tùng. Toàn bộ Ban Chỉ Huy Đại đội tăng cường cho đội hình chiến đấu ngoại trừ các âm thoại viên và toán Biệt kích cố hữu. Tùng nói một hơi dài mọi điều rồi kết luận:
- Anh em sắp xếp đội hình mình bắt đầu di chuyển, nhớ là không có ai yểm trợ cho chúng ta hết, cố gắng. Lộ trình có thể gặp du kích nhưng hy vọng không có đơn vị lớn. Đạp lên nó mà đi, yên chí, mình còn vững vàng và đầy đủ hỏa lực, cố gắng chiều nay sẽ bắt tay được với quân bạn.
Các Trung đội trưởng nhận lệnh chuẩn bị di chuyển, Tùng cho tập trung những người tháp tùng vào chính giữa, anh bắt tất cả ngồi ngay ngắn và dõng dạc lên tiếng:
- Anh chị em muốn đi theo, chúng tôi sẵn sàng, chúng tôi sẽ cố gắng đưa anh chị em về nơi an toàn nhưng yêu cầu tất cả tuyệt đối tuân lệnh, tuyệt đối bình tĩnh trong mọi trường hợp. Nếu có đột biến gì, yêu cầu tất cả nằm yên tại chỗ, không được tác xạ bừa bãi trừ khi có sự điều động, không được hoản loạn gây ảnh hưởng chung…
Tùng ngừng lại một chút nhìn mọi người rồi nói tiếp, giọng nhẹ nhàng nhưng rất nghiêm:
- Anh chị em cố gắng, chúng ta cùng cảnh ngộ, phải thương và giúp nhau. Tôi buộc lòng phải có biện pháp với bất kỳ ai vô kỷ luật.
Những người dân, người lính lạc ngũ ngơ ngác và sợ hãi, không biết trông cậy vào đâu đã im lặng lắng nghe và ngời mắt tin tưởng. Có những lúc tình nghĩa dân quân và màu áo chiến sĩ bỗng trở thành một cái gì hết sức thiêng liêng, hết sức gần gũi, đáng yêu và đáng tin cậy.
Đoàn quân bắt đầu di chuyển, Tùng nhìn ngược về phía Hậu Nghĩa hy vọng sẽ thấy Tiểu đoàn trưởng, Sơn hoặc bất kỳ một người lính nào có đeo cái phù hiệu Sét Miền Đông nhưng không có gì. Khói từ những đám cháy vẫn tiếp tục bốc cao, lãng đãng, buồn bã. Tùng lắc đầu bước theo đoàn quân. Phải quên Hậu Nghĩa đi, với anh bây giờ là trước mặt, là những gian nan sẽ trải qua và những trách nhiệm phải chu toàn.
 
@
 
Đội hình di chuyển nhanh và thuận lợi, pháo nhỏ bắt đầu vuốt theo nhưng hút tầm rớt xa đàng sau không gây tác hại nào mà còn như một động lực giúp đoàn quân tiến nhanh hơn. Có bóng cờ xanh trắng sao vàng phất phới ở một rìa xóm bên trái hướng tiến quân. Tùng nhận báo cáo, nhưng anh ra lệnh tiếp tục giữ đúng phương giác, đi thẳng.
Giữa trưa, bắt đầu khó khăn, nắng đổ lửa và đoàn quân phải lội ngang một đồng lầy mút tầm mắt. Cánh đồng hoang đầy lau sậy và cỏ gai, sình bám quá gối và trên mặt nổi lên một lớp nước phèn vàng óng, sánh đặc. Mọi người di chuyển nặng nhọc và chậm chạp. Tùng hiểu sự khó khăn của anh em, bản thân anh chỉ nhẹ nhàng chiếc nón sắt, cái áo giáp, cái ống dòm và sợi giây ba chạc mang khẩu súng nhỏ, hộp địa bàn và bình nước mà đã như mang đá trên người, đôi bốt-đờ-sô nặng nề như giáng xuống sình, huống chi những người khác.
Người lính bộ binh lưu động phải mang cả gia tài sinh hoạt, ăn ngủ và vũ khí chiến đấu trên lưng. Đã nhiều lần Tùng kiểm tra quân trang, cố tìm nhưng thứ có thể bỏ được cho anh em nhẹ nhàng một chút nhưng lần nào anh cũng phải bỏ cuộc: Cái gì cũng cần thiết cho người lính để sống và chiến đấu, vai người lính bộ binh phải oằn xuống vì mang vác và nhiệm vụ.
Tùng ra lệnh vứt bỏ quân trang, quân dụng ngoại trừ vũ khí và một ngày ăn. Đoàn người nhẹ nhàng tiến nhanh được một chút rồi thấm mệt và chậm lại. Tùng không đốc thúc anh em tiến nhanh, nhưng anh luôn miệng kêu gào, hò hét phải giữ vững đội hình. Cái gì sẽ xảy ra nếu chạm địch trong hoàn cảnh này. Tùng tiên liệu và an tâm về cánh quân lớn của địch phía sau. Nếu “họ” đã vào Hậu Nghĩa, mục tiêu đã đạt, chắc chắn họ sẽ dừng lại để tiếp thu và củng cố đợn vị, ít ra cũng trong một thời gian ngắn không mở rộng tầm hoạt động. Nhưng còn những toán quân khác, còn du kích địa phương? Các đơn vị này thật ra không là gì với Tiểu đoàn, với Tùng trước kia nhưng bây giờ tình hình đã đổi khác, đơn vị Tùng bị kẹt giữa cánh đồng bưng này, biết làm sao?
Tùng nóng lòng muốn đưa đơn vị ra khỏi đầm lầy, vùng này ở ven đô không thuộc phạm vi trách nhiệm của Sư đoàn, cũng không ai tiên liệu có ngày một đơn vị chủ lực phải rút về đây nên không trang bị sẵn bản đồ. Tùng không rành rẽ địa hình, chỉ nhắm chừng và đưa đơn vị đi theo một phương giác nhất định. Đồng bưng rộng thênh thang thỉnh thoảng nổi lên một gò đất cao, lác đác mấy mái chòi tranh xơ xác, khuất lấp và khả nghi. Đội hình đang di chuyển bỗng chùn lại, toán quân đầu nằm rạp xuống và tiếng đạn AK bắn ngược chiều kêu “pắc, pắc” chói tai. Tiếng Mưu hấp tấp trong máy:
- 51, đây 53B gọi, phục kích, địch tác xạ từ hướng trái gia đình tôi, trả lời.
Có tiếng đạn cối bắn đi, đoàn người tháp tùng bắt đầu hoản loạn. Tùng hét lớn buộc mọi người ngồi xuống và lấy ống dòm ra quan sát. Đạn pháo nhỏ rơi xuống sình nổ bụp một tiếng yếu ớt và chấm dứt, không bung mảnh gây tầm sát hại lớn như trên đất khô, không nguy hiểm lắm. Phía trước, đồng bưng vẫn tiếp tục kéo dài, không có chỗ để làm vị trí chiến đấu kiên cố, không có chỗ để bố trí một lực lượng lớn. Tùng phán đoán tình hình rất nhanh và bốc máy gọi Mưu và Còn, hai người chỉ huy toán quân đầu, anh nói ngắt đoạn từng câu ngắn, rõ ràng, tự tin pha chút khôi hài:
- Bình tĩnh đi mấy cậu, mấy con vịt đẹt quấy phá thôi chứ không có gì đâu. Câu M. 79 vào các điểm khả nghi, cho con cái vừa tác xạ vừa càn tới, giữ hàng ngang tránh ngộ nhận. Bắn “bắc cú” đừng nổ “tự động” phí đạn. Coi kỹ có con vịt đẹt nào núp dưới sình kéo cổ vài đứa làm gương. Tôi sẽ cho ông già 60 ho vài tràng dọn bãi cho mấy cậu.
Tùng buông máy, anh gọi xạ thủ súng cối cho yếu tố tác xạ. Bãi sình không đủ cứng để đặt bàn tiếp hậu, xạ thủ nhanh nhẹn lật ngược nón sắt tì trên gối, tháo nòng súng đặt vào nón và lấy phương hướng. Phụ xạ thủ quì một bên, lanh lẹ và thành thạo vuốt từng trái đạn bắn đi. Tùng quan sát trái nổ, điều chỉnh tầm bắn và dặn dò binh sĩ tiếp đạn:
- Cẩn thận thuốc bồi, coi chừng thuốc bị ẩm, hút tầm nguy hiểm cho quân bạn.
Anh bốc máy gọi lên phía trước:
- Chuẩn bị, dứt đợt pháo thì càn lên, ép phải một chút, không cần ăn thua đủ với nó, tác xạ áp đảo cho nó câm miệng và đi tới.
Đoàn quân tiếp tục tiến lên, đạn bắn xối xả về một hướng. Tùng ra lệnh cho toán quân bên trái xoay ngang tác xạ yểm trợ cho toán quân đi đầu. Pháo địch vẫn rót đạn nhưng rời rạc, lẻ tẻ. Tâm lý phải nổ lực để vượt qua vùng nguy hiểm, để về điểm an toàn, gặp lại quân bạn như một liều thuốc bổ đủ mạnh để giúp toán quân mệt mỏi lao tới bằng sức lực của một con hổ và đè bẹp được sức ngăn trả của đối phương. Có bốn binh sĩ bị thương vì đạn pháo nhưng không nguy hiểm, họ tự thích nghi và cố gắng đi theo đồng đội.
Tùng cho đơn vị dừng lại khi đã vượt xa khu vực chạm địch, anh muốn cho anh em dưỡng sức đồng thời để có thì giờ suy nghĩ kế hoạch. Đồng bưng đã khô dần về phía trước, có nhiều gò đất, bờ bụi và nhiều nhà chòi khiến Tùng e ngại. Anh ra lệnh sắp xếp lại đội hình, rải đều quân tạo thành một hình vuông khép kín, tất cả binh sĩ quay mặt ra ngoài, hỏa lực chia đều bốn phía và ngồi lại nghỉ ngơi.
Người hạ sĩ già nấu bếp mon men đến gần Tùng, ngần ngại đưa cho anh bình nước lạnh và nói nhỏ như một người đang có lỗi:
- Ông Thầy uống miếng nước, sáng nay không kịp pha trà, không có cà phê cho thầy, bậy quá!
Tùng mỉm cười, anh mở bình đông hớp từng ngụm nhỏ, miệng khô khản và đắng ngắt. Nước ruộng nhưng có mùi thơm của xác trà còn sót trong bình là lạ, dễ chịu. Tùng nhìn người lính già đã theo anh qua bao gian khổ trong nhiều ngày tháng dài và thấy thương hại anh ta, thương những người lính như anh vô cùng. Người lính ít học, không biết gì về chủ nghĩa, về những khúc mắc chính trị, họ nhẫn nại chịu đựng và cố gắng chu toàn nhiệm vụ của mình, phó thác số phận cho trời và cho những cấp chỉ huy gần gũi, trực tiếp nhất của mình. Họ nhỏ nhoi cam chịu, không đòi hỏi, không ý kiến, không có những tiên liệu, toan tính riêng tư. Họ ràng buộc đời mình vào quân đội, vào đơn vị như một chỗ dựa an toàn, khả tín, nhất là trong những lúc tình hình nguy ngập. Tùng rùng mình nghĩ đến một lúc nào đó, có thể người lính sẽ phải đối diện với những tai biến, những thảm cảnh ngoài sức tưởng tượng của họ. Tùng rất đau lòng, anh thân mật vỗ vai người lính già, dịu dàng:
- Lỗi phải gì, anh có kịp ăn đâu mà áy náy vì tôi thiếu cà phê. Thôi, rán đi, về được rồi tính.
Tùng đưa ống dòm quan sát một lần nữa. Địa hình phức tạp và nguy hiểm. Tùng định gọi Mưu, yêu cầu cho một toán tiền sát mở đường, thăm dò trước tình hình nhưng rồi anh lại đổi ý. Hoàn cảnh này không cho phép những sự cẩn trọng e dè và sách vở chiến thuật quá đáng, phải nhanh chóng, liều lĩnh vượt nguyên tắc. Anh cầm máy gọi tất cả chỉ huy các toán quân nhỏ:
- Cho con cái chuẩn bị, di chuyển theo phương giác và đội hình cũ. Địa hình phức tạp và khả nghi, cẩn thận tối đa. Hai cây số nữa mình sẽ về đến bờ sông Vàm Cỏ, sang sông là đất nhà. Gắng lên anh em.
 
@
 
Tùng ngồi bệt xuống dưới một gốc bần sát bờ sông, anh thả cả hai chân xuống nước, quơ tới quơ lui cho sạch bớt lớp bùn sình bám đầy trên bốt-đờ-sô và bê bết hai ống quần treilli cao quá gối.
Đơn vị đã đến được bờ sông, đã có một trung đội sang bờ bên kia án ngữ làm đầu cầu và toàn bộ quân số còn lại đang chuẩn bị vượt sông theo kế hoạch. Cuộc di tản nhọc nhằn và nguy hiểm đã hoàn tất nhưng Tùng thực sự không vui vì cái chết của Thiếu úy Còn và những vết thương trầm kha của mấy binh sĩ khác. Giá vào một lúc khác, nỗi ray rứt của Tùng có lẽ sẽ không quá nặng nề, dai dẳng như bây giờ. Chiến tranh, chiến đấu và hy sinh là chuyện bình thường của mọi người lính. Cái chết không phải là điều dễ quên nhưng cũng không thể là nỗi ám ảnh quá đáng đối với những người còn phải thi hành nhiệm vụ. Tùng biết điều đó nhưng lần này, trong tận cùng tâm khảm, anh cảm nhận được tính chất đặc biệt của hoàn cảnh. Biết đâu, tình hình sẽ biến chuyển thuận lợi theo một hướng nào đó; biết đâu, chiến tranh sẽ kết thúc trong những ngày rất gần và những sự hy sinh lúc này sẽ trở thành một bi kịch, bi thảm hơn tất cả mọi sự hy sinh khác.
Tùng nhớ lại tất cả mọi việc: Đơn vị bị phục kích, toán quân đầu lọt vào tầm tác xạ của một chốt án ngữ có hỏa lực khá mạnh. Khẩu trung liên nồi quét đạn xối xả vào quân bạn cùng lúc hàng loạt AK tạo thành một mạng lưới đạn dày đặt, dữ dội. Không có tổn thất nào trong những giây phút đầu tiên nhưng áp lực của địch buộc đoàn quân phải dừng lại. Tùng tiến lên gặp Mưu và Còn, anh quan sát trận thế, ước lượng tình hình, tiên đoán địch quân có quân số cấp Trung đội, có hầm chiến đấu kiên cố và kết luận khó có thể đánh trực diện, chỉ có thể vượt qua nếu có bộ phận cảm tử vượt lên từ sau lưng địch đánh ngược lại. Tùng chỉ nhận xét, anh chưa ra lệnh nhưng Còn đã đứng lên nhìn Tùng một thoáng rồi nói gọn:
- Tôi lo việc này cho.
Tùng chưa có ý kiến gì, anh biết Còn tình nguyện một phần ví chính anh cũng nóng lòng muốn khai thông lộ trình cho đơn vị, phần khác vì Tùng đang trực tiếp chỉ huy, có hai Đại đội chả lẽ đùn khó khăn cho Mưu, cũng không thể đẩy trách nhiệm cho các Chuẩn úy trẻ. Bao giờ Còn cũng sòng phẳng và luôn thể hiện ý chí và tư cách của một sĩ quan thâm niên. Thấy Tùng ngần ngừ, Còn lặp lại đề nghị, rành mạch và cả quyết:
- Kế hoạch tối ưu, tôi làm được.
Tùng gật đầu, nói nhỏ:
- Được, cậu rán đi, tùy nghi quyết định số lượng và chọn lựa những anh em tháp tùng thích hợp. Tôi sẽ có cách yểm trợ cho cậu.
Còn chọn mười binh sĩ khỏe mạnh, yêu cầu anh em bỏ vũ khí cộng đồng, chỉ mang súng cá nhân và lựu đạn, rồi vừa dặn dò anh em phương cách tác chiến, vừa khom người dẫn đầu toán quân lao vào một lùm rậm, men theo những mô, gò um tùm tiến về phía trước.
Tùng ra lệnh rải quân lấp đầy khoảng trống, tác xạ về phía trước để ngụy trang, anh điều động một toán quân nhỏ tiến lên một khoảng xa, như chuẩn bị tấn công để lôi kéo sự chú ý của đối phương, giúp Còn dễ dàng di chuyển và đột kích. Thời gian nặng nề và căng thẳng trôi qua. Tùng ước chừng đường đi của Còn, tiên đoán bạn đã tiến khá xa, anh ra lệnh chuyển hướng tác xạ về một phía, hơi nhấc nòng súng lên cao, bắn chỉ cốt để thị uy mà tầm đạn không gây tác hại cho quân bạn. Tùng an tâm thấy hỏa lực địch vẫn tập trung bắn về phía mình, chứng tỏ địch không ngờ và không phát hiện được sự hoạt động của Còn. Tùng nhìn sang Mưu, gật đầu cười. Mưu cũng đáp lại như thế.
Có nhiều tiếng súng và tiếng lưụ đạn nổ ở hướng chốt địch, khẩu trung liên khựng lại một chút, rồi được chuyển hướng tác xạ, nổ dòn một tràng dài trước khi ngưng bặt. Tùng đứng lên, khoát tay ra hiệu, cả hàng quân cùng bật dậy, lao về phía trước.
Chốt án ngữ đã hoàn toàn bị tiêu diệt, khẩu trung liên của địch bị trúng lựu đạn văng ra xa, cong nhúm, xác mười một địch quân nằm rải rác trên những vũng máu, thi thể bầy nhầy, nhiều cái không toàn vẹn, số còn lại đã tháo chạy.
Tùng hồi hộp quan sát, anh không chú ý đến những chiến lợi phẩm ngổn ngang, chỉ cố sức lao nhanh về phía những người lính đang quằn quại, rên rỉ. Kế hoạch đột kích tốt đẹp đến phút cuối cùng, toán quân của Còn di động dễ dàng, áp sát được vào chốt địch hoàn toàn bất ngờ và thuận lợi. Đợt khai hỏa đầu tiên đã gây cho địch một tổn thất lớn, nhưng chưa tiêu diệt được khẩu trung liên và trong cái giây phút thất thần hoản loạn đó, gã xạ thủ đã quay súng bóp có theo phản xạ, đúng lúc Còn và các anh em khác nhào lên tung những quả lựu đạn quyết định chiến trường. Loạt súng oan nghiệt đó bứt lìa một chân của Còn và gây trọng thương cho ba anh em khác. Còn quỵ xuống cùng lúc với tiếng nổ làm văng khẩu trung liên.
Tùng đi một vòng, coi từng anh em rồi trở lại quỳ xuống, đỡ Còn nằm dựa vào mình. Mặt Còn tái nhợt vì mất máu, một ống chân gãy lìa, chỉ còn dính với phần trên bằng một phần da nhỏ, ống chân gãy quay ngược ra ngoài, dị dạng. Còn khẽ mở mắt, thều thào:
- Ổn chưa, 51?
Tùng ứa nước mắt, anh cúi sát gần mặt Còn, vỗ về:
- Xong rồi, đẹp lắm, như xi - nê. Nhưng thôi, cậu nghỉ đi, đừng nói chuyện nhiều, mất sức, y tá sẽ chích thuốc cho cậu, tôi sẽ cho tải thương ngay, yên chí, mình sắp về tới rồi.
Còn lẩm bẩm, mắt nhắm nghiền, nhưng khóe miệng hơi hé cười:
- Sắp tới rồi, mình sắp tới rồi à?
Tùng nhẹ nhàng đặt Còn nằm xuống bãi cỏ. Y tá đại đội quỳ bên cạnh chỉ vào chân Còn, ra hiệu hỏi Tùng có nên cắt đoạn chân lìa ra khỏi người của Còn hay không? Tùng nhìn Còn, anh suy nghĩ một chút, rồi lắc đầu. Tình trạng Còn rất nguy hiểm, có bề gì, cũng nên giữ thân thể anh đầy đủ, tốt hơn.
Tùng đứng dậy, anh nhìn đoàn quân, tất cả đều mệt mỏi vì đói và vì bãi lầy. Mọi người đều khó khan để tự lo liệu cho mình, lấy ai để tải thương trong hoàn cảnh này. Tùng gọi hai khẩu đội súng cối, anh quyết định ra lệnh bỏ một súng và đạn cối để tải thương.
Tùng dặn Mưu bố trí lại đội hình chuẩn bị đi tiếp rồi trở lại chỗ Còn nằm. Tất cả chỉ có hai băng ca, Tùng dành cho Còn một cái, cái còn lại cho người thương binh nặng nhất, hai người khác nhẹ hơn, được đồng đội dìu theo đoàn quân.
Tùng im lặng nhìn anh em bế Còn lên băng ca, y tá cầm khúc chân gảy rề theo, tránh làm căng miếng da gây đau đớn và đặt song song với chân lành lặn của Còn. Chắc Còn đau đớn cùng cực, nhưng anh không đủ sức để la lớn, chỉ rên khe khẽ và hé mắt nhìn, có ý tìm kiếm. Tùng cúi xuống, nắm tay Còn, dịu dàng:
- Tôi đây, chúng ta sẽ di chuyễn bây giờ, cậu yên tâm, tôi sẽ đưa cậu về Cộng Hòa, nhất định sẽ về kịp.
Còn lặng lẽ nhìn Tùng, ánh mắt như dại đi và có ngấn lệ ứa ra bên khóe:
- Xa lắm, phiền… khổ anh em… 51 … bắn giùm tôi đi.
Tùng đứt ruột đau xót, anh chồm người, gần như ôm trọn lấy Còn, nước mắt chảy ra và nghẹn ngào nói:
- Đừng nghĩ quẩn, không sao đâu, nghỉ đi, tôi và anh em sẽ lo cho cậu.
Còn kiệt sức, giọng yếu dần, môi chỉ còn mấp máy. Tùng cúi người thật sát, kề tai cố nghe:
- Cái chân tôi….về….thôi….mẹ tôi….
Còn nói không hết câu, anh hơi nẩy người lên một chút rồi rũ ra. Tùng đặt tay lên ngực Còn, anh khẽ lắc đầu rồi đưa tay vuốt mặt bạn và lặng lẽ đứng lên nhìn những người lính tải thương, chậm rãi nói bằng một giọng buồn buồn:
- Cố gắng đưa Thiếu úy về, tôi nhờ anh em.
Tùng nói xong và bỏ đi, anh không đủ can đảm nhìn thi thể Còn lâu hơn. Tùng điều động đơn vị di chuyển, nhưng đầu óc anh rối beng với nhiều ý nghĩ. Cái chốt án ngữ quân số không đông, chỉ nguy hiểm mỗi cây trung liên, nếu Tùng không quá nôn nóng, cứ cho dừng quân lại, nã cối để tiêu diệt, hoặc giả cứ nghi binh khiêu khích khiến địch hoảng sợ phải tác xạ liên tục thì chỉ trong một lúc đạn dược sẽ cạn dần, khi ấy anh sẽ dùng hỏa lực tràn lên chiếm mục tiêu thì có lẽ Còn đã không phải hy sinh? Tùng suy nghĩ một lúc và thấy là mình lẩm cẩm. Trong chiến tranh, mỗi quyết định đều có cái giá của nó, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Tùng hiểu điều đó, trách nhiệm không ràng buộc anh, nhưng tình cảm vẫn làm anh buồn lòng, áy náy.
 
@
 
Tùng sang sông theo đợt quân cuối cùng. Đơn vị đã qua hết và mọi người đang nằm, ngồi rải rác trên cánh đồng. Phía xa đằng trước là một xóm nhà rải dọc theo quốc lộ, với xe cộ đi lại tấp nập trên đường. Niềm vui về được đất nhà như làm mọi người hồi sinh, quên hết mệt nhọc. Tùng thở phào như trút được một gánh nặng, để mọi người tự do muốn làm gì thì làm. Tùng nhìn bao quát lượng định tình hình. Dòng sông Vàm Cỏ rộng lớn phía sau như một chướng ngại vật thiên nhiên tuyệt vời bảo vệ mặt lưng đơn vị, còn phía trước là quân bạn, như vậy không có gì đáng lo ngại nữa… Tùng định sẽ để mọi người nghỉ ngơi, cho người tải thương vào xóm và mua đồ ăn uống, sẽ ngủ một đêm an toàn trước khi liên lạc để nhận nhiệm vụ mới, anh ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào bờ ruộng nhìn ra đường. Nắng chiều dìu dịu và bầu trời trong xanh, Tùng mỉm cười nhìn xe cộ chạy xa xa và thấy vui vui khi nghĩ đã có lúc Thiên Kim đi lại trên con đường này. Người hạ sĩ già mang đến cho Tùng một gói mì khô và nói vui vẻ:
- Tôi có mang đủ đồ cho Trung úy mà nặng quá, bỏ dần, Trung úy dùng đỡ gói mì.
Tùng mỉm cười, dễ dãi:
- Còn gói nào anh ăn đi, rồi vào xóm kiếm cái gì cho tôi, mình khao quân xôm xôm một chút.
Tùng nói và mở gói mì nhai từng miếng nhỏ. Suốt ngày không có gì trong bụng, cơn đói và niềm vui làm Tùng thấy những cộng mì ngọt ngào, thơm ngon lạ thường, Tùng vừa ăn vừa nhìn ra chung quanh, những người tháp tùng đã lần lượt vào xóm, trên cánh đồng rộng chỉ còn các binh sĩ thuộc quyền của Tùng. Anh em một số đang nói chuyện, số khác đang nằm lăn ra đất, đồ đạc, súng ống vứt bừa bãi không chút e dè, phòng bị. Tùng nhìn thấy nhưng không nói gì, kệ, để anh em được sống bình thường, được làm người bình thường hưởng một chút thoải mái, nghỉ ngơi hiếm có này.
Tùng rất thương những người lính của mình, đa số họ còn rất trẻ, chiến trường như một phán quan khó tính và độc ác, nó loại bỏ dần từng con người, cướp đi từng mạng sống, ít ai kịp lớn, kịp già trong chiến tranh và một lớp người khác phải thay thế. Tùng rất hiểu những chàng trai tội nghiệp này, họ cũng có một thôn làng, một góc phố, một mái nhà nào đó để nhớ về; một nụ cười, một mái tóc nào đó để nghĩ tới; họ cũng cần những phút mơ mộng, lang thang uống một ly cà phê, nghe một bản nhạc; những ước mơ rất bình thường, rất con người mà họ phải từ bỏ tất cả; đời sống có một chút kiêu hãnh nhưng rất nhiều chua xót. Tùng hiểu và anh đã cố gắng dung hòa giữa trách nhiệm của một cấp chỉ huy và tình thương của một người anh, nghiêm khắc tuyệt đối khi cần thiết và thoải mái tối đa khi có thể.
Tùng cởi giày, vắt khô đôi vớ dày đẫm nước và bóp bóp hai bàn chân bạc tãng, nhăn nhúm vì bị bó ướt quá lâu của mình, anh nằm dài ra đất nhìn trời và suy nghĩ mông lung: không biết giờ này Tiểu đoàn ở đâu? Trung đoàn ra sao? Sư đoàn thế nào? Không biết Thiên Kim đang làm gì? Ở đâu? Còn cha mẹ? Tùng thấy xốn xang, đau đớn. Niềm vui thoát hiểm chỉ thoáng qua nhưng nỗi lo trước mắt dằng dặc. Tùng ngồi dậy, anh nghĩ phải vào xóm ngay, phải hỏi thăm tin tức, phải liên lạc với đơn vị và tái phối trí tức thì. Tình hình này không thể và không được nghỉ ngơi gì cả. Tùng thấy mình giống như một đứa trẻ quá hưng phấn đã muốn tự tưởng thưởng mình làm được một bài toán khó bằng cách bỏ dở một buổi học. Không được, đơn vị anh đã bỏ Hậu Nghĩa, biết đâu, nhiều đơn vị khác cũng làm công việc tương tự như thế ở nhiều nơi khác và tình hình chung chưa biết thế nào, chuyện gì cũng có thể xảy ra và thời gian lúc này không thể tính bằng tháng, bằng ngày mà phải từng giây, từng phút.
Tùng vội vã mang giày. Có nhiều tiếng lao xao và một nhóm người bu lại ở một góc xa. Tùng nhìn thấy một người đàn bà đứng tuổi đang quơ chân, múa tay nói một điều gì đó và nhiều người chỉ về phía Tùng. Tùng ngồi thẳng người khi người đàn bà đến gần, chị ta nhìn Tùng và hỏi trổng:
- Anh chỉ huy toán quân ngụy này?
Tùng trừng mắt, anh hết sức khó chịu khi nghe giọng điệu của người đàn bà nhưng cố dằn lòng trả lời, cộc lốc, thách thức.
- Vâng, chị là ai, muốn gì?
Người đàn bà tiếp tục nhìn Tùng đăm đăm như đang đánh giá, ước tính một điều gì đó rồi mới mỉm cười, nói lớn, không trực tiếp trả lời câu hỏi của Tùng:
- Quân đội nhân dân đã làm chủ khu vực này, chính quyền cách mạng yêu cầu các anh buông súng.
Tùng mở tròn mắt, anh hỏi lại như không tin vào tai mình:
- Chị nói gỉ?
Người đàn bà chậm rãi nói tiếp:
- Tôi là ủy viên hội liên hiệp phụ nữ giải phóng, đây là xã Tân Thới Nhì. Huyện Hóc Môn. Tôi được huyện ủy và bộ chỉ huy quân sự huyện ủy nhiệm, đến đây thông báo cho anh rõ: toàn bộ các tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Bình Dương đã được giải phóng; Hóc Môn và khu vực chung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, Bà Quẹo cũng đã được giải phóng, Quân đội nhân dân đang tiến về tiếp quản Sài Gòn, yêu cầu anh ra lệnh cho binh sĩ buông súng trình diện chính quyền Cách mạng.
Tùng sững sờ, anh bỏ mặc người đàn bà, đứng lên cầm ống dòm nhìn vào xóm nhà. Khắp một tuyến dài dọc theo bìa xóm có bóng những người lính ghìm súng hướng ra cách đồng; trên đường, tất cả các xe đều có lá ngụy trang và cắm cờ xanh trắng, sao vàng. Tùng hiểu mọi sự, hiểu sự ỷ y, lầm lẫn của mình, anh lặng lẽ ngồi xuống, nhìn thẳng người đàn bà, chậm rãi:
- Tôi hiểu, nhưng tôi không thể trả lời cho chị ngay bây giờ, tôi cần thời gian, chị đi đi.
Người đàn bà ngần ngừ một chút rồi đề nghị:
- Anh làm gì cứ làm đi, tôi chờ để biết ý kiến của anh.
Tùng không muốn bất kỳ ai, nhất là người đàn bà đại diện cho kẻ thù chứng kiến những giây phút khó khăn, chua xót của đơn vị mình, anh nói dứt khoát:
- Không được, chị ngồi đây tôi sẽ không giải quyết gì hết, tùy chị:
Người đàn bà mỉm cười, tỏ vẻ dễ dãi, cởi mở của một người đang có ưu thế:
- Cũng được thôi, nhưng báo anh biết chúng tôi không có nhiều thì giờ, lực lượng của chúng tôi đầy đủ trong kia, chúng tôi đã sẵn sàng từ lúc các anh chưa sang sông, nhưng hòa bình rồi, giải phóng rồi, không nên đổ máu vô ích nữa, cả hai bên, anh suy nghĩ đi.
Người đàn bà nói xong quay người đi vào xóm nhà, Tùng ngồi im như một pho tượng. Tin tức về tình hình thất lợi đã lan khắp đoàn quân, mọi người đều bật dậy, im lặng đến gần vây quanh lấy Tùng, tất cả đều mang súng ống sẵn sàng.
Tùng lặng lẽ nhìn khắp một lượt anh em, ánh mắt của mọi người làm Tùng bối rối và đau xót. Tất cả mọi người đều chăm chú nhìn Tùng như chờ đợi, như dò hỏi, như hy vọng, như trao gởi và tin cậy. Tùng cui gằm mặt xuống, mắt mờ đi: “Đừng nhìn tôi, đừng hy vọng gì ở tôi nữa anh em ơi! Chúng ta đã lạc mất đơn vị từ sáng nay, tôi cũng nhỏ nhoi yếu đuối lắm, tôi cũng hy vọng và chờ đợi một lời khuyên, một mệnh lệnh nhưng không có gì cả, không còn ai cả. Anh em chúng ta đều lạc lõng, tội nghiệp và vô vọng như nhau. Tôi biết nói gì với anh em? Tôi quyết định được gì cho anh em? Tôi chỉ là một sĩ quan quá nhỏ bé trong quân đội, mọi quyết định ở một chỗ khác, mọi trách nhiệm cũng ở một chỗ khác, nhưng hoàn cảnh đã biến tôi thành cái gạch nối gần nhất của cả một hệ thống chỉ huy không hoàn thành trách nhiệm trước anh em, tôi phải làm tròn vai trò đó và cá nhân tôi, tôi nhận lỗi và xin thông cảm cho tôi. Tôi xấu hổ vì sự bất lực của mình nhưng tôi cũng hãnh diện được có mặt bên cạnh anh em, chia xẻ với anh em những giờ phút hào hùng và bi thảm cuối cùng. Tôi không thể phiêu lưu dẫn anh em lùi lại trong cánh đồng bưng; tôi cũng không thể điên cuồng ra lệnh cho anh em tấn công vào xóm nhà, tấn công giữa một khu vực không còn quân bạn, chúng ta không còn một nơi nào để nhắm tới, tôi không còn một cách nào khác, xin hiểu cho tôi…”
Tùng chấm dứt dòng suy nghĩ và chậm rãi đứng lên. Mọi người im phắc và tất cả nóng lòng hồi hộp chờ nghe một điều gì đó từ người chỉ huy của mình. “…Tội nghiệp anh em quá, tội nghiệp tôi quá, chúng ta không có phép lạ nào hết, không có ơn phước nào đến với chúng ta lúc này hết, phải can đảm chấp nhận thực tế chua cay của số phận mình anh em ơi…”
Tùng thấy mắt mình cay cay, anh nghẹn ngào nói tiếp:
- Hoàn cảnh của chúng ta anh em đã biết hết rồi; sáng nay tôi rất hy vọng và có hứa đưa anh em về nơi an toàn, anh em đã cố gắng hết sức và tỏ ra rất xứng đáng, rất can trường, tôi ghi nhận và xin cảm ơn, tiếc là chúng ta đã đến quá muộn, tôi đau đớn lắm và tôi biết anh em cũng như thế nhưng không biết làm sao hơn…
Có nhiều tiếng xì xào trong hàng quân, nhiều người gục đầu chảy nước mắt. Tùng ngừng lại lấy khăn lau mặt rồi ngước lên nói nhanh, mắt đỏ hoe không nhìn ai:
- Thôi, chúng ta không có thì giờ. Kể từ giờ phút này tôi không còn là cấp chỉ huy của anh em nữa, xin anh em tự lo liệu, chúc anh em may mắn.
Hàng quân trở nên hỗn loạn, mọi người đứng lên bu kín lấy Tùng, mỗi người tranh nhau nói một câu, tất cả đều muốn ở lại, muốn theo Tùng. Tùng lắc đầu, anh nói từ tốn:
- Cảm ơn anh em nhưng không được, tôi không còn làm gì cho anh em được nữa hết, đừng mất thì giờ, không biết chúng ta có còn được gần nhau lâu nữa không, xin chia tay và hy vọng có ngày gặp lại anh em. Thôi, anh em cho tôi yên một chút.
Tùng nói xong những điều khó nói nhất, anh thẫn thờ ngồi xuống và im lặng không nhìn ai. Đám đông ồn ào, chộn rộn, có người hớt hải lo âu, có người phẩn nộ uất ức, đau đớn oán than, họ bịn rịn và e dè chờ đợi một lúc rồi cũng lẻ tẻ kéo nhau vào xóm. Đoàn người vắng đi dần dần, chung quanh Tùng chỉ còn Mưu, mấy sĩ quan Trung đội trưởng, người hạ sĩ già nấu bếp, mấy âm thoại viên và toán biệt kích Đại đội, những người đã từng gần gũi, lăn lộn sống chết nhiều phen với Tùng. Mưu e dè lên tiếng:
- Trung úy coi lại xem có cách nào khác không?
- Không!
- Vậy chúng ta cũng vào à?
- Đúng!
Mưu tần ngần một chút rồi nói tiếp:
- Tôi không dám trách trung úy, nhưng hình như ông hơi vội!
Tùng cười buồn, anh cầm tay Mưu:
- Cậu nói đúng một phần, nếu tôi đi một mình, hoặc nếu tôi không bị ràng buộc gì với ai, có thể tôi cũng sẽ nghĩ như cậu, nhưng tôi còn chỉ huy, tôi còn trách nhiệm - trách nhiệm cuối cùng - tôi không thể liều lĩnh được. Người đàn bà hồi nãy có nói một điều đúng “không nên để xương máu đổ thêm nữa”, không ích lợi gì trong hoàn cảnh này, cậu hiểu giùm tôi.
Tùng không nói gì thêm, anh im lặng tháo băng đạn khẩu súng colt, lơ đãng lấy tay bấm cho những viên đạn rơi xuống đất rồi hờ hững bỏ súng vào bao, cuốn giây ba chạc gon ghẽ quanh chiếc nón sắt ngay ngắn như những lần so hàng trong quân trường, ngồi trầm ngâm một chút rồi đứng lên buông thõng mấy tiếng:
- Thôi mình đi.
Tất cả đứng lên theo. Tùng như chợt nhớ ra, nói vội với mọi người.
- À! Chút nữa tôi quên, anh em nào biết nhà Trung úy Thắng, Thiếu úy Còn và các anh em thiếu may mắn khác, nếu được về sớm báo giùm tình trạng của các anh em ấy. Tôi sợ không làm được, sợ khó về. Đây là điều cuối cùng chúng ta có thể làm cho nhau, anh em cố gắng, tôi cảm ơn.
 
Nguyễn Mạnh An Dân
Mùa tháng 4

No comments: