Wednesday, August 1, 2012

Ngành Trực Thăng trong KLVNCH


 Ngành Trực Thăng trong KLVNCH
Nói đến ngành Trực Thăng trong KLVNCH là nói đến một lực lượng hùng hậu, có thời được xếp vào hàng thứ tư trên thế giới, gồm các loại trực thăng hoặc cũ kỹ như H-19, H-34 hay các loại trực thăng tối tân hơn như UH-1, CH-47 mà quân đội Hoa-Kỳ đã xử dụng gần một thập niên trên khắp chiến trường miền Nam Việt Nam. Nhìn lại sự thành hình và phát triển của quân chủng Không Quân từ ngày chính thức được thành lập (1-7-1955) với quân số trên dưới 3.000 người cho đến ngày miền Nam sụp đổ (30-4-1975) quân số KLVNCH đã tăng lên đến hơn 64 ngàn chuyên viên thuộc đủ các ngành nghề, ta phải công nhận rằng Không Quân quả đã có một bước tiến vượt bực. Ngành trực thăng tuy sinh sau đẻ muộn nhưng trước ngày tàn cuộc lại là một ngành có nhiều đơn vị phi hành nhất trong quân chủng (20 phi đoàn UH-1, 4 phi đoàn CH-47 và 8 phi đội tản thương xử dụng trực thăng UH-1). Ta có thể chia sự phát triển của ngành trực thăng làm 3 thời kỳ rõ rệt:
                   Trực thăng H-34 của Không Lực VNCH
A - Thời kỳ phôi thai (1955-1957):
Thành lập Ðệ Nhất Phi Ðoàn Trực Thăng ở Tân Sơn Nhất
Khi KQVNCH được chính thức thành lập tại căn cứ 1 trợ lực KQ tại NhaTrang vào ngày 1-7-1955 thì chúng ta đã có các đơn vị cơ hữu như: 1 phi đoàn khu trục xử dụng phi cơ F8F đồn trú tại căn cứ KQ Biên Hòa, 1 phi đoàn tác chiến và liên lạc (1er GCL: 1er Groupe de Combat et de Liaison) xử dụng phi cơ MD 315 (Marcel Dassault 315) đồn trú tại căn cứ KQ Nha Trang, 2 phi đoàn quan sát và trợ chiến (GAOAC: Groupe Aérien d'Observation et d'Accompagnement de Combat)
xử dụng phi cơ Moranne 500 (MS 500) đồn trú ở Nha Trang và Ðà Nẵng, 1 phi đoàn liên lạc (ELA: Escadrille de Liaison Aérienne) xử dụng phi cơ C47 và C45 (Beechcraft) đồn trú tại căn cứ KQ Tân Sơn Nhất, 1 liên phi đoàn vận tải gồm 2 phi đoàn C47 đồn trú tại căn cứ KQ Tân Sơn Nhất, trung tâm huấn luyện KQ ở Nha Trang và 1 công xưởng KQ ở Biên Hòa để bảo trì và sửa chửa các loại phi cơ. Phải đợi đến cuối năm 1957 khi quân đội viễn chinh Pháp hoàn tất việc rút quân khỏi Việt Nam và phái bộ cố vấn và viện trợ quân sự của Hoa Kỳ (MAAG: Military Assistance & Advisory Group) bắt tay vào việc cải tổ KQ của ta theo lề lối tổ chức của họ thì Ðệ Nhất Phi Ðoàn trực thăng mới được thành lập ở Tân Sơn nhất với 14 trực thăng H-19 do quân đội Pháp để lại.

Thành phần chỉ huy phi đoàn lúc đó gồm có:
- Ðại uý Nguyễn đức Hớn: Chỉ huy Trưởng
- Trung uý Nguyễn xuân Trường: Chỉ huy Phó
- Trung uý Nguyễn đình Thập: Trưởng phòng Hành quân
- Thiếu uý Ngô khắc Thuật: Sĩ quan Kỹ thuật

Thời gian từ 1952 đến 1955 KQVNCH chưa có hoa tiêu trực thăng và quân đội Pháp ở Ðông Dương thời đó chỉ có một phi đoàn trực thăng duy nhất, xử dụng loại trực thăng H19 (Sikorsky S55) mà công tác chính là tản thương hay tiếp tế. Một số từ 2 đến 4 chiếc trực thăng của phi đoàn nầy được phân phối đến Lào và Cambốt, số còn lại đồn trú tại căn cứ KQ Tân Sơn Nhất. Theo chương trính viện trợ quân sự của Hoa Kỳ trong đó có phần chuyển giao phi đoàn H19 của Pháp cho chúng ta và vì lúc đó KQVNCH chưa có hoa tiêu trực thăng nên Hoa Kỳ đã yêu cầu BTLKQ gấp rút gởi người sang Mỹ để huấn luyện. BTLKQ đã chọn một số huấn luyện viên đang phục vụ tại căn cứ huấn luyện KQ Nha Trang như Thiếu úy Nguyễn huy Ánh, Chuẩn úy Ông lợi Hồng và Chuẩn úy Nguyễn văn Bá, những hoa tiêu đầu tiên của KQVN đã tốt nghiệp huấn luyện viên trên các loại phi cơ T6, T28 và T34 ở Hoa Kỳ năm 1955. Các sỉ quan huấn luyện viên nầy được gởi sang Randolph AFB (San Antonio, Texas) để xuyên huấn trên các loại trực thăng H13 (một loại trực thăng nhỏ, 2 chổ ngồi với 2 chiếc càng (skid) dùng làm chân đáp trên đó có thể mắc 2 chiếc băng ca để tản thương) và H19, với khoảng 65 giờ bay. Sau khi tốt nghiệp trở về VN họ đã bay cùng với các hoa tiêu trực thăng của Pháp tại Sàigon trước khi Ðệ Nhất Phi Ðoàn Trực Thăng được thành lập. Ðây là những huấn luyện viên nồng cốt của nghành trực thăng và là những tên tuổi quen thuộc trong KLVNCH về sau nầy.
Chương trình huấn luyện trực thăng cho các hoa tiêu của chúng ta thoạt đầu do căn cứ KQ Randolph đảm nhận và bắt đầu từ năm 1958 thì chuyển sang căn cứ KQ Stead (Reno, Nevada) cho đến cuối năm 1962 thì chấm dứt, hai cựu hoa tiêu L19 đã tốt nghiệp sau cùng tại đây là các SVSQ Bùi quang Chính và Lê Quỳnh. Trước khi KQ của chúng ta gởi các hoa tiêu sang Hoa Kỳ dể xuyên huấn trên trực thăng thì đã có một số khóa sinh sau khi tốt nghiệp trên T6 tại Marrakech được gởi sang Paris để học lái H-13 như: Trần minh Thiện (Phi đoàn trưởng Phi đoàn 215, Trưởng phòng đặc trách trực thăng BTLKQ), Ðặng văn Phước (Phi đoàn Trưởng PÐ213, PÐ 219, Không đoàn trưởng KÐ51 CT), Nguyễn văn Trang (PÐT phi đoàn 215, Liên đoàn trưởng LÐ72 TC, Liên đoàn trưởng LÐ Trợ lực SÐ II KQ), Công xuân Phương (giải ngũ), Nguyễn quang Phúc (hoa tiêu PÐ 213, Sĩ quan An Ninh) nhưng khi về nước tất cả đều được thuyên chuyển đến các phi đoàn quan sát vì lúc đó chúng ta chưa có phi đoàn trực thăng.

Sau khi thành lập Ðệ Nhất phi đoàn trực thăng tiếp nhận thêm 8 chiếc H-19 từ phiá Hoa Kỳ, nâng tổng số trực thăng cơ hữu lên 22 chiếc gồm 2 loại: H-19A (trang bị máy T6 do hảng Pratt & Whitney chế tạo) và H-19B (trang bị máy T28 do hảng Wright chế tạo). H-19A rất yếu, có khi giữa trưa trời nắng nóng và gió êm như ở Sàigon phi cơ chỉ chở một vài hành khách thôi mà vẫn không cất cánh nổi. Trong mấy năm cuối thập niên 50 tình hình miền Nam tương đối yên tĩnh và cũng vì số phi cơ khả dụng quá ít nên nhiệm vụ chính của phi đoàn chỉ là huấn luyện và liên lạc. Thỉnh thoảng nếu BTTM cần hành quân đổ bộ ở một nơi nào đó         thì phải cho BTLKQ biết trước cả tuần lễ để kỹ thuật có thì giờ sửa chữa và nâng số phi cơ khả dụng lên ít nhất là 10 chiếc. Mỗi lần hành quân đổ bộ như vậy H-19 chỉ chở tối đa từ 5 đến 6 binh sĩ và khi đáp thì phải đáp thẳng xuống chứ không thể hover được như những loại trực thăng H-34 hay UH-1 sau này.
Ghi chú: Ðệ nhất phi đoàn trực thăng ngoài số phi cơ H19 ra còn có một trực thăng H-23 (gần giống như H-13, do hang Hiller Aircraft Corp. chế tạo). Chiếc H-23 nầy về sau bi tai nạn không sửa chửa được nên đã bị phể thải.

B- Thời kỳ phát triển (1958-1969)

1. Cải danh Ðệ nhất Phi đoàn trực thăng thành Phi đoàn 211, chuyển từ H-19 sang H-34.

Thành lập Phi đoàn 213: Bắt đầu từ năm 1958 vì nhận thấy các H-19 thuộc Ðệ Nhất Phi Ðoàn Trực Thăng quá già nua và củ kỷ nên Hoa Kỳ đã gởi 16 chiếc H-34 sang để thay thế và đông thời cũng gởi sang một toán huấn luyện viên, cơ phi, chuyên viên kỷ thuật và một dân chính đại diện hang Sikorsky đến Sàigon để huấn luyện cho các nhân viên của chúng ta. Thời gian bay huấn luyện trên H-34 khoảng 10 giờ, cũng trong thời gian này Ðệ Nhất Phi Ðoàn Trực Thăng được cải danh thành Phi Ðoàn 211 và các chức vụ chỉ huy cũng thay đổi:
- Ðại úy Nguyễn huy Ánh: CHT
- Ðại úy Nguyễn đình Thập: CHP
- Trung úy Bùi quang Các: TPHQ

Trực thăng H-34 mạnh hơn, bay nhanh hơn và có tầm bay xa hơn H-19 nên việc bay yểm trợ cho quân bạn hay liên lạc hành quân rất dễ dàng và hữu hiệu hơn. Công việc hành quân của PÐ 211 vào những năm cuối của thập niên 50 chẳng có là bao vì tình hình miền Nam lúc đó tương đối yên tĩnh. Vào những tháng đầu năm 1960 Việt cộng khởi sự tranh đấu bằng vũ lực và khởi đầu là trận đánh phá doanh trại của TÐ 13 thuộc SÐ 16 khinh binh của ta ở Trảng Sụp, Tây Ninh, vào ngày 19-2-1960 (SÐ này sau cải danh thành SÐ 22 BB). Trong trận này quân ta bị thiệt hại nặng nề. Và tiếp sau đó là một loạt công đồn đả viện ở Kiến Hòa mà chúng ta đã phải xử dụng cả liên đoàn Thủy Quân Lục Chiến để chống trả và càn quét giặc cộng. Việc xử dụng trực thăng để làm những công tác yểm trợ cho quân bạn như tải thương, tiếp tế hoặc chuyển vận quân lính trên các mặt trận trở thành quan trọng và do đó Phi đoàn 213 được thành lập vào ngày 1-10-1961 tại Tân Sơn Nhất với 20 chiếc H-34.
Thành phần chỉ huy gồm:
- Ðại úy Nguyễn xuân Trường: CHT
- Ðại úy Nguyễn hữu Hậu: CHP
- Thiếu úy Nguyễn văn Trang: TPHQ
- Trung úy Ngô khắc Thuật: SQ Kỹ thuật

Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện PÐ 213 dời về Ðà Nẵng khoảng tháng 4-1962 (Ðến tháng 8 Ðại úy Nguyễn xuân Trường thuyên chuyển đến nhiệm sở khác và Ð/úy Nguyễn hữu Hậu thay thế vào chức vụ Chỉ huy trưởng Phi đoàn). Nhiệm vụ của PÐ 213 là yểm trợ quân bạn thuộc SÐ 1 BB (Huế, Thừa Thiên) và SÐ 2 BB (Quảng Ngãi) hay các tiền đồn xa xôi, hẻo lánh trong vùng rừng núi thuộc lãnh thổ quân khu I.

2. Thành lập Phi Ðoàn 215

Ðầu năm 1963 Phi đoàn 215 được thành lập tại Tân Sơn Nhất và đặt dưới quyền Chỉ huy của Ðại úy Nguyễn đình Thập. Phi đoàn này xử dụng H-19 để huấn luyện hoa tiêu trực thăng tại quốc nội và việc huấn luyện này hoàn toàn do các huấn luyện viên của Không lực Hoa Kỳ từ Mỹ sang đảm nhận. Phi đoàn 215 chỉ thực hiện được 2 khóa huấn luyện và mỗi khóa gồm 20 khóa sinh. Khóa học kéo dài 5 tháng và mỗi khóa sinh được bay 80 giờ trên H-19; thủ khoa khóa I là chuẩn úy Nguyễn hữu Nhàn và thủ khoa khóa II là chuẩn úy Phan quang Vinh. Vì kết quả huấn luyện không khả quan và gặp nhiều khó khăn về vấn đề kỷ thuật nên phi đoàn nầy đã giải tán vào tháng 5, 1964.

3. Thành lập Phi Ðoàn 217

Tháng 4 năm 1964, Phi đoàn 217 được thành lập tại Ðà Nẵng với thành phần chỉ huy:
- Ðại úy Ông lợi Hồng: CHT
- Trung úy Nguyễn văn Phú Hiệp: CHP
- Trung úy Mai văn Hải: TPHQ
- Thiếu úy Hồng văn Tý: Hoa tiêu bay thử
- Chuẩn úy Trần phước Hội: SQ Kỹ thuật
Các hoa tiêu trực thăng sau khi tốt nghiệp tại các trường bay ở Hoa Kỳ trở về nước được thuyên chuyển đến phi đoàn 217 và được gởi đến phi đoàn HMS 364 của TQLC Hoa Kỳ ở Ðà Nẵng để bay huấn luyện và thực tập HQ. Ðến tháng 8 năm 1964, sau khi hoàn tất chương trình HL Phi đoàn 217 tiếp nhận 24 trực thăng H-34 từ phi đoàn HMS 364 và di chuyển về TSN. Trong thời gian đồn trú ở TSN một mặt phi đoàn có trách nhiệm yểm trợ cho quân bạn trong vùng III CT, đồng thời có một biệt đội 6 chiếc H-34 tại Cần Thơ. Sau khi phi trường Trà Nốc hoàn thành Phi đoàn 217 dời về Cần Thơ vào tháng 2 năm 1965.

4. Thành lập Phi Ðoàn 215

Tháng 9 năm 1964, một phi đoàn trực thăng mới được thành lập tại Ðà Nẵng và vì Phi đoàn 215 huấn luyện đã giải tán trước đây nên phi đoàn này lấy lại danh số 215 và bộ chỉ huy gồm:
- Ðại úy Trần minh Thiện: CHT
- Trung úy Ðặng trần Dưỡng: CHP
- Thiếu úy Nguyễn văn Trang: TPHQ
- Thiếu úy Phạm Bính: SQ Phụ tá
Phi đoàn 215 hoạt động chung với Phi đoàn 213 tại Ðà Nẳng trong việc huấn luyện và hành quân cho đến đầu năm 1965 thì di chuyển về Nha Trang.


5. Thành lập Phi Ðoàn 219

Ðầu năm 1964, KQ có 3 trực thăng H-34 biệt phái làm việc với Lực Lượng Ðặc Biệt Delta ở Nha Trang. Nhiệm vụ của biệt đội này là thả các toán thám sát dọc theo biên giới Việt Miên hoặc vào các mật khu của Việt cộng. Ðến giữa năm 64 một biệt đội khác cũng gồm 3 chiếc trực thăng H-34 biệt phái làm việc với các chiến đoàn Xung kích, thuộc Sở Liên Lạc/TTM, và nhiệm vụ của biệt đội này là thả các toán thám sát Lôi Hổ về phía bên kia biên giới Miên Lào để kiểm soát các hoạt động của địch quân. Ðầu năm 1966 hai biệt đội này xát nhập lại để thành lập Phi Ðoàn 219, đồn trú trong nội vi phi trường Ðà Nẵng. Phi Ðoàn này trực thuộc Biệt Ðoàn 83 ở TSN cho đến khi Biệt Ðoàn giải tán vào năm 1969 thì trực thuộc KÐ 41 CT. Bộ chỉ huy đầu tiên của Phi Ðoàn 219 gồm:
- Ðại úy Hồ bảo Ðịnh: CHT
- Ðại úy Trần văn Luân: CHP
- Ðại úy Nguyễn văn Nghĩa: TPHQ
- Ðại úy Nguyễn phi Hùng: SQ phụ tá
- Trung úy Nguyễn hữu Lộc: SQ Huấn luyện
- Trung úy Ðỗ văn Hiếu: SQ An phi

Sau khi thành lập PÐ 219 vẫn giữ nhiệm vụ thả các toán thám sát Lôi Hổ bên kia biên giới Miên Lào trong lãnh thổ quân khu I và II.
Ghi Chú: Khoảng cuối năm 1960, dưới thời Ðệ I Cộng Hòa, KQVNCH có 2 chiếc Alouette II (2 hoa tiêu phía trước, băng sau chở 3 hành khách) và 2 chiếc Alouette III (2 hoa tiêu phía trước, băng sau chở 4 hành khách) trực thuộc Phi Ðoàn liên lạc (ELA) và dùng để chở các yếu nhân. Các trực thăng nầy do hảng Sud Aviation của Pháp chế tạo, nhẹ nhàng và nhậm lẹ còn dùng để liên lạc tản thương hay quan sát. Thiếu úy Ông lợi Hồng từ PÐ 211 được thuyên chuyển đến đây để bay những chiếc trực thăng này đồng thời xuyên huấn cho các hoa tiêu vận tải như Trung tá Phạm ngọc Sang, Thiếu uý Chính.

Nhìn chung trong khoảng thời gian từ cuối năm 1958 đến cuối năm 1969 tình hình chiến sự tại miền Nam Việt-Nam ngày mỗi gia tăng. Việt cộng cho xâm nhập vào miền Nam các đơn vị chính quy của họ cùng với những vũ khí tối tân do Liên Sô, Tầu cộng và khối Cộng sản cung cấp. Ðã có những trận đánh lớn giữa các Sư đoàn Bộ binh hoặc các đơn vị Tổng trừ bị của chúng ta như Nhẩy dù, Thủy Quân lục chiến với quân chính quy của Bắc Việt tại các mặt trận như Ðỗ Xá (vùng I CT) năm 1965, Pleime (Vùng II CT) vào tháng 10, 1965, Ðồng Xoài, Bình Giả (vùng III CT) năm 1965 và Ấp Bắc (vùng IV CT) năm 1963. Vào nhữn:g năm cuối cùng của thập niên 60 bắt đầu với cuộc tổng công kích Tết Mậu thân 1968, Việt cộng đã xử dụng rất nhiều súng phòng không như 12 ly 7 hoặc 37 ly và đã gây nhiều thiệt hại cho các phi đoàn trực thăng của chúng ta. Tính đến cuối năm 69 KQVNCH đã tiếp nhận từ phía Hoa Kỳ tất cả là 193 trực thăng H-34. (*3)

C- Thời kỳ Việt-Nam hóa (1970-1975)

Giữa năm 1969 Bộ Tư Lệnh KQ đã bắt đầu gởi nhiều khóa sinh sang Hoa Kỳ để học bay trực thăng và cho đến đầu năm 1970 sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon tuyên bố Việt Nam hóa chiến tranh Việt Nam thì số lượng khóa sinh du học tăng lên gấp bội. Tại hai trường huấn luyện trực thăng Fort Wolters (Mineral Wells, Texas) và Fort Hunter (Hunter Army Air Field, Savannah, Georgia) vào thời cao điểm mỗi nơi có đến 500 khóa sinh VN (tại mỗi trường bay chúng ta có một toán liên lạc KQ gồm 5 sĩ quan và 5 hạ sĩ quan). Trường huấn luyện Trực Thăng tại Fort Wolters tiếp nhận các khóa sinh Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 8 năm 1962 và 11 khóa sinh phi hành thuộc khóa 61 vỡ lòng tại TTHLKQ/Nha Trang gồm có: Tr/úy Ðỗ minh Ðức và các SVSQ Hồng văn Tý, Trần xuân Quang, Ðặng kim Quy, Phạm Bính, Trần hữu Khôi, Ðinh hữu Hiệp, Nguyễn hữu Lộc, Trần quang Võ, Phan ngọc Huệ và Ðỗ văn Hiếu đã đến đây để học bay trên H-23. Trường này xử dụng loại trực thăng H-23 để huấn luyện giai đoạn đầu (primary phase) cho đến cuối năm 69 thì đổi sang TH-55. Số giờ bay huấn luyện tại các trường này gồm 120 giờ trên TH55 (Fort Wolter) và 80 giờ trên U1H (Fort Hunter). Sau khi mãn khóa trở về nước các hoa tiêu này được thuyên chuyển đến các đơn vị trực thăng tân lập. Từ 70 cho đến đầu năm 73 tất cả NV phi hành của các đơn vị tân lập cũng như của các phi đoàn H-34 cơ hữu của KLVNCH đều được lần lượt gởi đến các đơn vị trực thăng thuộc Lục quân Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ để thực tập hành quân trên UH-I hoặc huấn luyện tác xạ trên trực thăng võ trang. Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện các đơn vị trực thăng của Hoa Kỳ lần lượt giải thể và chuyển giao phi cơ lại cho các phi đoàn của chúng ta. Cấp số của mỗi phi đoàn UH-I là 32 chiếc gồm 3 phi đội Slick mỗi phi đội có 8 chiếc và 1 phi đội Gun với 8 trực thăng võ trang. Tuy nhiên cũng có nhiều đơn vị tiếp nhận đến 38 chiếc UH-I từ các đơn vị trực thăng của Hoa Kỳ. (*4) Cấp số của mỗi phi đoàn CH-47 Chinook là 16 chiếc.

Trong năm 1970 có 1 phi đoàn CH-47 và 4 phi đoàn UH-I được thành lập: (*2 )
          9-1970 PÐ 237 CH-47 Biên Hòa
9-1970 PÐ 223 UH-I Biên Hòa
10-1970 PÐ 225 UH-I Bình Thủy  (sai)
11-1970 PÐ 227 UH-I Bình Thủy  (sai)

12-1970 PÐ 229 UH-I Pleiku
Trong năm 1971 có 6 Phi đoàn UH-I được thành lập:
1-1971 PÐ 221 UH-I Biên Hòa
1-1971 PÐ 233 UH-I Ðà Nẵng
2-1971 PÐ 235 UH-I Pleiku
3-1971 PÐ 231 UH-I Biên Hòa
11-1971 PÐ 243 UH-I Phù Cát
12-1971 PÐ 245 UH-I Biên Hòa

Trong năm 1972 có 1 phi đoàn UH-I và 3 phi đoàn CH-47 được thành lập:
2-1972 PÐ 239 UH-I Ðà Nẵng
5-1972 PÐ 241 CH-47 Phù Cát
12-1972 PÐ 247 CH-47 Ðà Nẵng
12-1972 PÐ 249 CH-47 Cần Thơ

Ðầu năm 1973, bốn phi đoàn UH-I cuối cùng được thành lập:
PÐ 251 UH-I Biên Hòa
PÐ 253 UH-I Ðà Nẵng
PÐ 255 UH-I Cần Thơ
PÐ 257 UH-I Ðà Nẵng
                               
Cũng trong thời gian từ đầu 1970 đến đầu 1973, 8 phi đội tản thương, mỗi phi đội gồm 12 UH-I được thành lập.

(xem phụ bản phối trí các đơn vị trực thăng)
Ðầu năm 1970 trong khi quân đội Hoa Kỳ bắt đầu rút quân khỏi VN thì cộng sản Bắc Việt lại ồ ạt đưa vào miền Nam nhữngđại đơn vị thiện chiến của họ cùng với những vũ khí tối tân như T54, đại pháo 130 ly và để vô hiệu hóa không yểm của chúng ta, ngoài những loại phòng không như 12 ly 7, 37 ly, Bắc quân bắt đầu xử dụng các loại hỏa tiễn chống phi cơ như SA3, SA5, SA7.

Kể từ sau mặt trận Hạ Lào tại vùng địa đầu giới tuyến năm 1971 cho đến mùa Hè đỏ lửa năm 1972 mặc dù quân số của VNCH đã tăng lên đến hơn một triệu người nhưng phải dàn trải mỏng để chống lại những cuộc tấn công ồ ạt của giặc cộng đặc biệt từ ba mặt trận lớn: Quảng Trị ở vùng I, Kontum ở vùng II và Bình Long ở vùng III chiến thuật, hoa tiêu trực thăng thuộc các phi đoàn tân lập đã được tung vào các chiến trường nặng độ này, đã bị thiệt hại khá nhiều nhưng luôn luôn dũng cảm chu toàn nhiệm vụ khó khăn mà quân đội và quân chủng đã trao phó.

Kết Luận:

Chiến trường miền Nam Việt-Nam là nơi quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện chiến thuật Trực Thăng Vận và trong một thập niên tại đây họ đã xử dụng: (Chưa kể đến số trực thăng võ trang AIH Cobra và CH-47 Chinook) khoảng 7013 chiếc trực thăng UH-I để yểm trợ cho một lực lượng nửa triệu quân của họ. Không lực VNCH, tính đến trước ngày 30-4-1975, đã tiếp nhận khoảng 800 UH-I và gần 100 CH-47. (chưa bằng 1/3 số trực thăng UH-I của Hoa Kỳ bị thiệt hại trên chiến trường miền Nam 3.305 chiếc). Ðây là một số lượng đáng kể nhưng thiết nghĩ các trực thăng này là những phi cơ quá cũ đã được các đơn vị trực thăng của Hoa Kỳ xử dụng quá nhiều nên sau khi chuyển giao lại cho chúng ta thường bị hư hỏng. Thêm vào đó, sau khi hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, Hoa Kỳ lần lượt cắt giảm viện trợ cho VNCH và xăng nhớt cũng như các cơ phận thay thế càng ngày càng bị thiếu hụt nên chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo trì sửa chữa phi cơ và do đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc hành quân yểm trợ cho quân bạn. Các đơn vị trực thăng thường được so sánh với những đơn vị Biệt động quân và điều này cũng không phải là quá đáng bởi vì từ những đồn bót ở những nơi xa xôi hẻo lánh đến các mặt trận to lớn khốc liệt trên khắp bốn vùng chiến thuật đâu đâu cũng đều có bóng dáng của những chiếc trực thăng thuộc

KHÔNG LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA với những hoa tiêu tài ba, dũng cảm luôn luôn hăng say chu toàn mọi nhiệm vụ được giao phó góp phần viết nên những trang sử vẻ vang cho
                                 .

Ðỗ Văn Hiếu

***
PHỤ BẢN:- Phối trí các đơn vị Trực Thăng (trước ngày 30/4/75)
- Danh hiệu Phi Ðoàn
- Tên & Họ và cấp bậc các đơn vị trưởng khi đang tại chức. (Từ ngày thành lập cho đến 30/4/75)
KÐ 51 CT / SÐ I KQ (Ðà Nẵng)
1. Phi Ðoàn 213 - Song Chùy
- Ðaị úy Nguyễn xuân Trường
- Ðại úy Nguyễn hữu Hậu
- Ðại úy Nguyễn văn Bá
- Thiếu tá Ðào đức Trân
- Thiếu tá Ðặng văn Phước
- Thiếu tá Nguyễn kim Bông
- Thiếu tá Trương văn Vinh
- Trung tá Cao quảng Khôi
2. Phi Ðoàn 233 - Thiên Ưng
- Thiếu tá Bùi quang Chính
- Trung tá Nguyễn văn Thanh
                               
3. Phi Ðoàn 239 - Hoàng Ưng
- Trung tá Nguyễn anh Toàn
4. Phi Ðoàn 253 - Sói Thần
- Thiếu tá Phạm đăng Luân
- Thiếu tá Huỳnh văn Phố
5. Phi Ðoàn 257 - Cứu Tinh
- Trung tá Lê ngọc Bình
6. Phi Ðoàn 247 - Lôi Phong (CH-47)
- Trung tá Nguyễn văn Mai
KÐ 62 CT / SÐ II KQ (Nha Trang)
1. Phi Ðoàn 215 - Thần Tượng
- Thiếu tá Trần minh Thiện
- Thiếu tá Nguyễn văn Trang
- Trung tá Phạm Bính
- Trung tá Khưu văn Phát
2. Phi Ðoàn 219 - Long Mã
- Thiếu tá Hồ bảo Ðịnh
- Trung tá Ðặng văn Phước
- Trung tá Nguyễn văn Nghĩa
- Trung tá Phạm đăng Luân
3. Phi Ðội 259 C
- Thiếu tá Nguyễn minh Lương
KÐ 92 CT / SÐ II KQ (Phan Rang)
4. Phi Ðội 259 D
- Thiếu tá Tô thành Nhân
KÐ 43 CT / SÐ III KQ
1. Phi Ðoàn 221 - Lôi Vũ
- Thiếu tá Nguyễn văn Ức
- Trung tá Nguyễn văn Trọng
2. Phi Ðoàn 223 - Lôi Ðiểu
- Trung tá Trần văn Luân
3. Phi Ðoàn 231 - Lôi Vân
- Trung tá Nguyễn hữu Lộc
4. Phi Ðoàn 245 - Lôi Bằng
- Trung tá Nguyễn hữu Lai
5. Phi Ðoàn 251 - Lôi Thiên
- Trung tá Dương quang Lễ
                               
6. Phi Ðoàn 237 - Lôi Thanh (CH-47)
- Trung tá Hồ bảo Ðịnh
- Trung tá Nguyễn phú Chính
7. Phi Ðội 259 E
- Thiếu tá Ðặng kim Quy
- Thiếu tá Huỳnh văn Du
KD 64 CT / SÐ IV KQ
1. Phi Ðoàn 217 - Thần Ðiểu
- Thiếu tá Ông lợi Hồng
- Thiếu tá Nguyễn văn Phú Hiệp
- Thiếu tá Mai văn Hải
- Trung tá Trương thành Tâm
- Trung tá Nguyễn văn Vọng
2. Phi Ðoàn 255 - Xà Vương
- Trung tá Nguyễn kim Huờn
3. Phi Ðoàn 249
- Thiếu tá Tống phước Hảo (CH-47)
- Cố Trung tá Phạm văn Trung
- Thiếu tá Phạm xuân Việt

4. Phi Ðội 259 F (sai)
- Thiếu tá Nguyễn thành Quới (sai)
KÐ 84 CT / SÐ IV KQ (Bình Thủy) sai
                               
1. Phi Ðoàn 211 - Thần Chùy
- Ðại úy Nguyễn đức Hớn (CHT Ðệ nhất PÐ Trực Thăng)
- Ðại úy Nguyễn huy Ánh
- Thiếu tá Nguyễn hữu Hậu
- Thiếu tá Nguyễn kim Bông
- Trung tá Vũ quang Triệu
- Trung tá Nguyễn thanh Cảnh
- Trung tá Trần quế Lâm
2. Phi Ðoàn 225 - Ác Ðiểu
- Trung tá Lê văn Châu
3. Phi Ðoàn 227 - Hải Âu
- Trung tá Trần châu Rết

4. Phi Ðội 259 H  (sai)
- Thiếu tá Nguyễn Trọng Thanh
KÐ 33 CT / SÐ V KQ
1. Phi Ðội 259 G
- Thiếu tá Trần quang Võ
KÐ 72 CT / SÐ VI KQ (Pleiku)
1. Phi Ðoàn 229 - Lạc Long
- Trung tá Lê văn Bút
- Trung tá Ðoàn văn Quang
2. Phi Ðoàn 235 - Sơn Dương
- Thiếu tá Vĩnh Quốc
- Trung tá Huỳnh hải Hổ
3. Phi ÐộI 259B
- Ðại úy Trịnh viết Hảo
KÐ 82 CT / SÐ VI KQ (Phù Cát)
1. Phi Ðoàn 243 - Mãnh Sư
- Cố Trung tá Nguyễn văn Thân
- Trung tá Huỳnh văn Bông
2. Phi Ðoàn 241 - Thiên Bằng (CH-47)
- Trung tá Ðỗ văn Hiếu
3. Phi Ðội 259 A
- Thiếu tá Nguyễn hữu Nghề











No comments: