Thursday, April 3, 2014

Trận Ban Mê Thuột tháng 3-1975

NVT-PVP 

Sau ngày ký Hiệp định Paris, miền Nam Việt Nam mạnh hơn miền Bắc. Tháng 11 năm 1972 TT Nixon vội cho chuyên chở tới VNCH gần 600 máy bay các loại gồm:  208 máy bay phản lực gồm chiến đấu và oanh tạc cơ loại nhẹ và khoảng 360 trực thăng các loại, 23 phi cơ thám thính, ba tiểu đoàn pháo binh 175mm, hai tiểu đoàn thiết  giáp M-48 (Nixon, No More Vietnams trang 170-171).
Trong khi ấy BV bị thiệt hại nặng và thảm bại trong trận muà hè đỏ lửa, tính tới tháng 9/1972 có vào khoảng từ 70 ngàn cho tới 100 ngàn cán binh CS bị giết, khoảng 700 chiến xa bị phá hủy (Nguyễn đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 587), ngoài ra trận oanh tạc dữ dội Giáng sinh 1972 bằng B-52 đã gây thiệt hại rất nặng cho hạ tầng cơ sở BV như kho hàng, đường xe lửa, nhà máy điện, phi trường….
Mặc dù mạnh hơn miền Bắc rất nhiều nhưng miền Nam không được phép đánh ra Bắc mà chỉ được ở yên trong thế tự vệ chờ địch tới, điều này ai cũng biết cả. Khoảng gần một năm sau tình hình bắt đầu thay đổi, cán cân quân sự  nghiêng về phía BV. Ngay sau khi ký Hiệp định Paris, CSBV vẫn tiếp tục vi phạm Hiệp định, chiến tranh vẫn tiếp diễn, trong khi miền Nam VN bị cắt quân viện dần dần, miền Bắc vẫn được CS quốc tế tiếp viện dồi dào, về chi tiết tôi sẽ nói sau. Cuộc chiến tranh giữa hai miền là một cuộc chiến viện trợ  tiếp liệu, cả hai bên đều không tự sản xuất được vũ khí đạn dược mà phải tùy thuộc vào quân viện bên ngoài, bên nào nhiều tiếp liệu, vũ khí đạn dược thì bên đó thắng.
Tình hình chung hai bên
Năm 1973 có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn từ Hiệp Định Ba Lê 28/1 cho tới tháng 10/1973 và giai đoạn bạo lực cách mạng sau tháng 10/1973.
Từ sau ngày ký Hiệp Định Ba Lê đến tháng 10/1973 tình hình tương đối yên tĩnh. Tháng 6/1973 Quốc hội Mỹ biểu quyết cắt ngân khoản cho tất cả các hoạt động quân sự Mỹ tại Đông Dương Việt, Miên, Lào. Ngày 1/7/1973 Nixon ký thành đạo luật áp dụng từ giữa tháng 8/1973 cấm hoạt động quân sự trên toàn cõi Đông Dương. Tháng 10/1973 Quốc Hội ra đạo luật hạn chế quyền Tổng Thống về chiến tranh (War Powers Act), Tổng Thống phải tham khảo ý kiến Quốc Hội trước khi gửi quân đi tham chiến.
Thấy thời cơ thuận lợi đã tới, Bắc Việt bèn thay đổi đường lối đấu tranh từ chính trị sang quân sự bạo lực. Đại Hội 21 của Bộ Chính Trị tại Hà Nội trong tháng 10 quyết định đấu tranh quân sự, trước hết tiến đánh các đồn bót lẻ tẻ, phát triển tuyến đường xa lộ Đông Trường Sơn.
Theo Henry Kissinger (Years of Renewal trang 478) sau khi ký Hiệp định Paris, BV bắt đầu cho xây hệ thống đường xâm nhập tiếp liệu chằng chịt dài tổng cộng 20 ngàn km từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, rộng 8m, hàng ngàn km ông dẫn dầu cung cấp cho hàng chục ngàn xe vận tải.
Sau Hiệp định khoảng gần một năm, Quốc hội Mỹ cắt giảm quân viện xương tủy VNCH mỗi năm 50%, từ 2,1 tỷ tài khóa  1973 xuống còn một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khoá 1975, con số này thực ra chỉ bằng 500 triệu vì dầu thô lên giá, tiền mất giá (Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471). Dưới thời TT Nixon, chính phủ đã đề nghị Quốc hội cấp 1 tỷ 4 viện trợ quân sự cho miền nam VN năm 1975, Ủy ban quốc phòng Thượng viện do Nghị sĩ  John Stennis làm chủ tịch cắt bớt còn 1 tỷ, nay dưới thời TT Ford Ủy ban chuẩn chi Thượng viện do Nghị sĩ John McClellan làm chủ tịch cắt 300 triệu còn 700 triệu (Years of Renewal trang 472).
Theo bản tin của BBC.com ngày 10/5/2006 một buổi hội thảo qui mô tổng kết cuộc chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại Sài Gòn trong hai ngày 14 và 15/4/2006. Trong số các bài đọc ở hội thảo, tác giả Trần Tiến Hoạt và Lê Quang Lạng thuộc Viện Lịch sử Quân sự Cộng sản Việt Nam có bài tham luận về nguồn chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa dành cho miền Bắc trong cuộc chiến. Giai đoạn 1969-1972 BV được Nga, Trung Cộng viện trợ 684,666 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật. Giai đoạn 1972-1975 họ nhận được 649,246 tấn hàng vũ khí. Như vậy số lượng hàng viện trợ của hai giai đoạn tương đương nhau.
Theo Kissinger (Years of Renewal trang 481) Hà nội đã xin được viện trợ của Sô Viết tăng gấp bội. Tháng 12- 1974, một viên chức cao cấp Nga viếng Hà Nội lần đầu tiên kể từ sau ngày ký Hiệp định Paris. Tổng tham mưu trưởng Nga Viktor Kulikov tới tham dự họp chiến lược với Bộ chính trị BV, nay họ bãi bỏ hạn chế trước đây. Sô Viết đã chở vũ khí viện trợ quân sự cho Hà Nội tăng gấp 4 lần trong những tháng sau đó. Nga khuyến khích BV gây hấn.
Đánh hơi thấy Mỹ quẳng miếng xương Đông Dương, CS quốc tế và CSVN nhanh tay vồ ngay lấy. Cuối tháng 10/1974 Bộ Chính Trị Hà Nội quyết định kế hoạch tác chiến năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tấn công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích. Trong giai đoạn 1969-1972 sự vận chuyển súng đạn của CS vào Nam gặp nhiều khó khăn  vì bị không quân Việt-Mỹ ném bom, bắn phá nhưng kể từ sau ngày ký Hiệp Định Paris 1/1973, BV đã dùng 16 ngàn xe vận tải chở súng đạn qua xa lộ Đông trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh một cách tự do thoải mái nên  giai đoạn 1973-1975,  Hà Nội  đã đem được nhiều vũ khí đạn dược vào Nam gấp mấy lần giai đoạn trước ( 1969-1972).
Trong khi ấy Tổng Thống Thiệu không có một nhận định nào rõ ràng về lực lượng cũng như kế hoạch sắp tới của CS. Ngày 9/12/1974, khoảng một tuần trước khi BV tấn công Phước Long, tại dinh Độc Lập trong một phiên họp cao cấp quân sự gồm Hội đồng Tướng lãnh và các vị Tư lệnh Quân khu, ông Thiệu cho biết trong năm 1975 BV có thể đánh với qui mô lớn nhưng không bằng năm 1968 và 1972,  địch chưa có đủ khả năng đánh vào các thị xã lớn, dù đánh cũng không giữ được! BV chỉ đánh các thị xã nhỏ như Phước Long, Gia Nghĩa. Về điểm này Frank Snepp,  trong Decent Interval, Tướng BV Văn Tiến Dũng và ông Cao Văn Viên đã ghi nhận gần giống nhau như vậy, ông Thiệu lạc quan cho rằng BV chưa phục hồi sau trận mùa hè đỏ lửa 1973.
Từ tháng 10 năm 1974 Bộ Tổng Tham Mưu Bắc Việt đã trình bày kế hoạch tác chiến lên Bộ Chính Trị và Quân uỷ Trung ương, họ đã chọn chiến trường Cao Nguyên làm chủ yếu, Văn Tiến Dũng đã ghi nhận trong hồi ký.
Tháng 10 năm 1974, trời cuối thu bắt đầu lạnh, gợi cho các cán bộ quân sự chúng tôi nhớ đến mùa chiến dịch sắp đến. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp nghe Bộ Tổng tham mưu trình bày kế hoạch tác chiến chiến lược. . . . …
.    .    .   .   .                 .    .    .     .
Hội nghị nhất trí thông qua phương án của Bộ Tổng tham mưu, chọn chiến trường Tây nguyên làm hướng chiến trường chủ yếu trong cuộc tổng tiến công lớn và rộng khắp năm 1975
(Đại thắng mùa xuân trang 24).
BV  cho rằng TT Thiệu đã bố trí lực lượng mạnh ở hai đầu, tại Quân khu 1 và 3 thì bố trí nhiều đơn vị chủ lực, nhiều chiến xa, đại bác và  máy bay chiến đấu, còn tại Quân khu II ta chỉ để 2 Sư đoàn 22 BB và 23 BB. Quân khu II rộng nhất toàn quốc gồm 12 tỉnh, VNCH phải trải quân giữ đất nhiều nên khả năng phòng thủ yếu. Bộ chính trị CSBV đã đồng ý kế hoạch nêu trên và chọn Tây nguyên để làm hướng chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công năm 1975. Hà Nội đã chọn chiến trường Tây Nguyên (Quân khu II) làm chủ yếu vì tại đây lực lượng VNCH yếu hơn ba quân khu I, II, IV.
Đại tá Phạm Bá Hoa nói hồi ông học tại trường Đại Học Quân Sự năm 1960 có được đọc một tài liệu nói “Trong chiến tranh Việt Nam, ai chiếm được cao nguyên miền Trung thì người đó sẽ nắm phần chiến thắng”, Cộng Sản cũng nói ai làm chủ Tây Nguyên thì làm chủ chiến trường. Bắc Việt chủ trương tấn công Quân khu II trước, phần vì VNCH phòng thủ yếu tại đây vả nó là vị trí yết hầu. Một phần vì ông Thiệu không chủ trương giữ Quân khu II, một vùng cao nguyên cằn cỗi mà trong thâm tâm đã có ý tưởng bỏ vùng núi rừng miền Trung rút quân về vùng đất mầu mỡ Quân khu III và IV, trên thực tế  lãnh thổ quá rộng, không đủ lực lượng trừ bị để tăng cường.
Sau khi lựa chọn chiến trường Tây Nguyên, Bắc Việt lựa chọn địa điểm tấn công, tại buổi họp của Quân Uỷ Trung Ương Bắc Việt ngày 9/11/1974  Lê Đức Thọ tay trùm CSBV tham dự để nâng cao quyết tâm chiếm cho được Ban Mê Thuột, Thọ nói:
“Phải đăt vấn đề dứt khoát là giải phóng Buôn Ma Thuột. Ta có gần 5 sư đoàn ở Tây Nguyên mà không đánh được Buôn Ma Thuột là thế nào?”
(Sách đã dẫn Trang 31).
Bắc Việt đã chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột từ bốn tháng trước ngày tấn công trong khi ta chưa có tin tức tình báo rõ rệt. Chiến dịch Tây nguyên được mang mật danh 275.
Ngày 13/12/1974 Bắc Việt đưa gần ba Sư đoàn tấn công Phước Long, đến ngày 7/1 tỉnh này hoàn toàn lọt vào tay địch. Tổng số 4,500 binh sĩ, sĩ quan chỉ còn 850 người sống sót. Tỉnh trưởng Phước Long. Quận trưởng Phước Bình mất tích, 3,000 trong số 30 ngàn  dân trốn thoát, một số viên chức hành chánh bị CS hành quyết, thất bại tại Phước Long là đương nhiên vì một Tiểu đoàn bộ binh và 5 Tiểu đoàn địa phương quân không thể chống lại 3 Sư đoàn CS.
Chính phủ VNCH không tăng viện cho Phước Long vì không đủ khả năng thực hiện tiếp tế, cứu viện bằng trực thăng vận từ Biên Hoà. Nói về mặt kinh tế chính trị Phước Long kém quan trọng hơn Tây Ninh, Pleiku, Huế… Hà Nội cho đánh Phước Long để thăm dò Mỹ, khi thấy Mỹ chỉ phản đối xuông thì họ làm tới.
Sau trận Phước Long TT Thiệu biết chắc Cộng Sản sẽ đánh lớn tại Cao Nguyên đầu năm 1975 nhưng chưa biết chắc chỗ nào vì địch nghi binh tối đa. Phía VNCH không đoán được ý định của họ, theo Tướng Hoàng Lạc trước khi Văn Tiến Dũng vào Nam, Giáp đã dặn dò Dũng phải nghi binh tối đa để đánh lạc hướng Nguỵ.
Tình hình chính trị quân sự VNCH năm 1975 rất là bi đát. Năm 1967 quân phí tại Việt Nam là 20 tỷ Mỹ Kim, năm 1968 lên 26 tỷ, năm 1969 lên 29 tỷ, hai năm 1970, 1971 rút xuống còn 12 tỷ mỗi năm vì Mỹ đang rút quân. Khi nửa triệu quân đồng minh đã rút đi, VNCH phải một mình gánh vác tất cả chiến trường với tiền viện trợ bị cắt giảm từ cuối 1973 mỗi năm 50%.
Việc cắt giảm đưa tới tình trạng thê thảm, theo tiết lộ của cựu Đại tướng Cao Văn Viên, trong cuốn Những Ngày Cuối Của VNCH (NNCCVNCH)  trang 86, 87. Hậu quả là năm 1974 không quân đã phải cho hơn 200 phi cơ ngưng bay vì thiếu nhiên liệu, giảm số giờ bay yểm trợ, huấn luyện 50%, thám thính giảm 58%, phi vụ trực thăng giảm 70%.  Hải quân cũng cắt giảm hoạt động 50%, 600 giang thuyền các loại nằm ụ .
Đạn dược chỉ còn đủ đánh tới tháng 4 /1975, năm 1972 ta sử dụng trên 69 ngàn tấn đạn một tháng, từ tháng 7/1974 đến tháng 3/1975 ta chỉ còn sử dụng khoảng 19 ngàn tấn, một tháng hoả lực giảm 70%. Tháng 2/1975 chỉ còn đủ đạn tất cả các loại súng cho 30 ngày, tháng 4/1975 chỉ còn đủ đạn đánh trong khoảng hai tuần (Sách đã dẫn trang 92).
Theo sử gia Bill Laurie, cấp số đạn súng lớn như đại bác 105 ly, 155 ly, 175 ly… năm 1975 đã bị cắt giảm trên 90% . Theo Tướng Cao Văn Viên vì thiếu cơ phận thay thế, xe tăng, giang thuyền, máy bay … nằm  ụ chờ rỉ sét. Thiếu thuốc men, số tử vong tăng cao, tinh thần xuống thấp.
Không quân VNCH năm 1975 có  2,075 máy bay các  loại, đứng thứ tư trên thế giới về số lượng. Binh chủng Thiết giáp có 2,200 chiến xa và thiết xa các loại. Pháo binh có khoảng 1,500 khẩu đại bác . Hải quân có 1,600 tầu chiến và giang thuyền các loại. Đây chỉ là con số lý thuyết, trên thực tế nhiều máy bay, xe tang… hư hỏng thiếu cơ phận thay thế phải nằm ụ.  Lục quân VNCH có hơn một triệu quân trong đó 40% là chủ lực quân vào khoảng 400 ngàn người gồm những lực lượng tác chiến và yểm trợ,  50% là ĐPQ , Không quân, Hải quân, Cảnh sát. Quân đội VNCH được tổ chức theo lối Mỹ, một người lính tác chiến có năm người yểm trợ như hành chánh tài chánh, quân y, quân trang, quân dụng. Trên thực tế lực lượng chiến đấu chỉ vào khoảng từ 170 cho tới 180 ngàn người. Lính nhà nghề chỉ có 13 Sư đoàn chủ lực và 17 Liên đoàn Biệt động quân tương đương khoảng hơn 2 Sư đoàn (trên thực tế một Liên đoàn có hơn 1000 người). Tổng cộng ta có vào khoảng 15 Sư đoàn chính qui (nếu kể cả BĐQ). Lực lượng được bố trí toàn quốc như sau.
Quân khu Một: 5 Sư đoàn (1, 2, 3, Nhẩy Dù, TQLC), 4 Liên đoàn BĐQ.
Quân khu Hai: 2 Sư đoàn (22, 23), 7 Liên đoàn BĐQ
Quân khu Ba: 3 Sư đoàn (5, 18, 25), 4 Liên đoàn BĐQ
Quân khu Bốn: 3 Sư đoàn (7, 9, 21)
Địa phương quân VNCH năm 1975 có khoảng 325 ngàn người.
Tổng cộng VNCH có 15 Sư đoàn chủ lực (nếu kể cả BĐQ) tức 45 trung đoàn, đem chia cho 44 tỉnh toàn quốc thì trung bình mỗi tỉnh chỉ có một Trung đoàn chính qui bảo vệ trong khi BV có khả năng tập trung hằng chục Trung đoàn để tấn công một địa điểm vì họ không phải trải quân giữ đất như Miền Nam. Theo ông Cao Văn Viên trên thực tế quân số VNCH thiếu hụt do nạn đào ngũ, mỗi năm mất khoảng một phần tư (1/4) quân số, ngoài ra ta cũng phải kể nạn lính ma lính kiểng. (NNCVNCH trang 79).
Lực lương chính qui Bắc Việt năm 1975 gồm 4 Quân đoàn và Đoàn 232 (tương đương một Quân đoàn). Mỗi quân đoàn gồm 3 sư đoàn và các lữ đoàn phòng không, pháo binh, thiết giáp, công binh… Tổng cộng họ có 15 sư đoàn bộ binh, khoảng 6 trung đoàn đặc công và hơn 10 trung đoàn độc lập. Toàn bộ lực lượng tương đương với 20 Sư đoàn bộ binh chưa kể các đơn vị cơ giới, yểm trợ.
So về lực lượng chính qui, nhân lực thì quân đội BV đã nhiều hơn quân đội VNCH, họ không phải phòng thủ, mỗi khi tấn công họ dồn lại tạo một mũi dùi mạnh. Trong khi đó Quân đội chủ lực VNCH đã ít hơn lại phải trải rộng từ Cà Mâu ra Bến Hải để giữ đất. Như đã nói trên ta có 13 sư đoàn, kể cả 15 liên đoàn Biệt động quân thì có tương đương 15 sư đoàn hay 45 trung đoàn, miền nam có 44 tỉnh, trung bình một tỉnh chỉ có một trung đoàn bảo vệ. Theo hồi ký Văn Tiến Dũng, tại Cao nguyên về bộ binh BV đông hơn VNCH 5 lần, pháo binh gấp 2 VNCH (sách đã dẫn trang 49) vì họ tập trung
Khoảng 80% chủ lực quân CSBV đã có mặt tại miền Nam đầu năm 1975, họ để lại Quân đoàn 1 (gồm 3 Sư đoàn) tại miền Bắc làm lực lượng tổng trừ bị. Sau khi Quân khu II và I của VNCH sụp đổ, Bắc Việt đưa hết cả 3 Sư đoàn trừ bị vào Nam. Trong giai đoạn 1973-1975 Hà Nội cho chuyên chở vũ khí vào Nam thoải mái vì không bị oanh kích nên số lượng vũ khí đạn dược năm 1975 của họ tại miền Nam nhiều gấp hai hoặc gấp ba lần năm 1972.
Pháo binh và Thiết giáp BV đưa vào Nam được ước lượng không chính xác khoảng hơn 500 khẩu trọng pháo và hơn 500 xe tăng.
So sánh với tình hình năm 1972 ta thấy năm 1975 quả là bi đát, năm        Quân khu II gồm 12 tỉnh, diện tích rộng lớn nhất, bằng nửa Việt Nam Cộng Hoà mà chỉ có 2 Sư đoàn bộ binh (22 và 23) và 7 Liên đoàn Biệt động quân bảo vệ, toàn bộ lực lượng chưa tới ba Sư đoàn là nơi yếu thế nhất đã được BV chiếu cố tấn công. Quân khu II dân số trên 3 triệu gồm các tỉnh Cao nguyên Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Lâm Đồng, Quảng Đức, Phú Bổn, Tuyên Đức, phía Đông là các tỉnh duyên hải gồm Bình định, Khánh Hoà, Bình Thuận… có 3 thành phố chính là Nha Trang, Qui Nhơn, Tuy Hòa, dân số tại đây thưa thớt hơn các quân khu khác. Sư đoàn 23 BB bảo vệ Cao nguyên, sư đoàn 22BB chịu trách nhiệm các tỉnh duyên hải.
Diễn tiến trận đánh
Tư Lệnh Quân đoàn II Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh phó Quân đoàn Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, Tư Lệnh phó Quân khu Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, Tham mưu trưởng Đại tá Lê Khắc Lý. Tại Ban Mê Thuột chủ lực quân của VNCH gồm 2 Tiểu đoàn (1, 3) thuộc Trung đoàn 53 đóng tại phi trường Phụng Dực (có nhân chứng nói  chỉ có một tiểu đoàn) và ba Tiểu đoàn Địa phương quân. Theo Bút ký của Nguyễn Định, Ban Mê Thuột như một thành phố bỏ hoang, các đơn vị chủ lực đã được đưa tăng cường cho Pleiku và các nơi khác. Cũng theo ông này lực lượng của ta tại đây kể cả Nghĩa quân, Cán bộ xây dựng nông thôn, Nhân dân tự vệ cũng không quá 2,000 người. Con số Nguyễn Định đưa ra có lẽ quá thấp vì quân số tại các tỉnh nhỏ như Phước Long, Bình Long đã vào khoảng trên dưới 3,000 người, lực lượng VNCH tại Ban Mê Thuột chắc hẳn không dưới 3,000 hoặc 4,000  người vì đó là một tỉnh lớn.
Lực Lượng CS tại Quân khu II theo tài liệu Bắc Việt như sau:
“Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: 5 sư đoàn (10, 320A, 316, 968, 3) và 4 trung đoàn bộ binh (25, 271, 95A, 95B), trung đoàn đặc công (14, 27), trung đoàn xe tăng- thiết giáp 273, 2 trung đoàn pháo binh (40, 675), 3 trung đoàn phòng không (232, 234, 593), 2 trung đoàn công binh (7, 575), trung đoàn thông tin 29, 6 tiểu đoàn vận tải, nhiều đơn vị bảo đảm của Bộ và  lực lượng vũ trang địa phương các tỉnh diễn ra chiến dịch. Riêng lực lượng Mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch gồm 36 tiểu đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn đặc công, 13 tiểu đoàn pháo mặt đất, 18 tiểu đoàn phòng không, 3 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp với tổng số quân 44.900 người.
Về vũ khí trang bị: có 88 pháo lớn, 1.561 súng chống tăng và hàng vạn súng bộ binh, 6 cơ cấu bắn B-72, 343 súng phòng không, 32 xe tăng, 25 xe bọc thép, 679 xe ô tô các loại. Ngoài ra còn có 21.800 cán bộ chiến sĩ làm lực lượng dự bị ở phía sau và hoạt động ở các hướng khác.
Bộ tư lệnh chiến dịch gồm: Hoàng Minh Thảo (Tư lệnh), Đặng Vũ Hiệp (Chính uỷ).
(Trich trong: Dương Đình Lập, Trần Minh Cao, Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi Dậy Mùa Xuân 1975, trang 90, 91).
Như thế lực lượng CS tại Cao nguyên gồm 5 Sư đoàn BB và 4 Trung đoàn độc lập tương đương với 6 Sư đoàn, gấp hơn hai lần chủ lực quân VNCH, tổng số nhân lực kể cả lực lượng dự bị là 66,700 người. Bắc Việt đã được Nga, Tầu viện trợ cho nhiều vũ khí tối tân, ngoài ra họ còn được trang bị nhiều hoả tiễn tầm nhiệt hiện đại. Theo nhận định của phía CS, họ  tập trung lực lượng tại khu vực chủ yếu nên tại đây bộ binh BV đông hơn VNCH gấp 5 lần, xe tăng coi như ngang nhau, pháo binh gấp 2. (Hồi ký ĐTMX Văn tiến Dũng trang 49).
Ngày 5/2/1975 Văn Tiến Dũng từ phi trường Gia Lâm đáp máy bay xuống  Đồng Hới rồi vào Quảng Trị, tới sông  Bến Hải, y đi xuồng máy tới Bộ chỉ huy chiến dịch tại phía Tây Gio Linh để chỉ đạo toàn bộ chiến dịch.
Ban Mê Thuột là tỉnh lỵ của Darlac, dân số 250,000 người gồm Kinh, thượng, Tầu và các chủ đồn điền Pháp và Ý (cũng có tài liệu nói dân số 150,000 người), thị xã gồm 60,000 người. Tỉnh có nhiều đồn điền cà phê, cao su, nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều gỗ quí, dân chúng đa số sống bằng nghề trồng trọt, làm đồn điền. Ban Mê Thuột có vị trí chiến lược quan trọng, phía bắc nối liền Pleiku, Kontum, Phú Bổn… phía Nam đi Quảng Đức, Phước Long, phía Đông nối liền Nha Trang.
Trước khi mặt trận diễn ra, theo Nguyễn Trọng Luật, tỉnh trưởng Ban Mê Thuột, BV đưa những tin tức giả qua điện thoại để nghi binh,  kế đó tấn công bất ngờ, đông đảo, nghi binh tối đa, họ vờ đánh Pleiku để nhử quân đội VNCH lên giải toả rồi cắt các đường dẫn đến Ban Mê Thuột, chiếm phi trường sau cùng ba mặt giáp công. Các Trung đoàn, Sư đoàn BV cắt các đường giao thông 19, 14, 21 nghi binh thu hút quân đội VNCH về phía Bắc (tức Pleiku) sau đó ồ ạt tấn công thị xã Ban Mê Thuột.
Theo hồi ký Văn tiến Dũng BV không đóng quân sẵn ở vị trí xuất phát tấn công mà tập kết từ xa vận động đến, chuyển quân bằng xe molotova, đây là lần đầu tiên BV đánh trận bằng xe hơi. BV bỏ qua vòng ngoài bất ngờ thọc sâu vào thị xã phối hợp với lực lượng đặc công đã có sẵn trong thị xã, rồi từ đó đánh ra ngoài, họ không đánh theo lối bóc vỏ. (Sách đã dẫn trang 69).
Ngày 1/3/1975 Sư đoàn 968 Bắc Việt chiếm đồn bót gần Thanh An, pháo kích phi trường Cù Hanh, Pleiku. Ngày 3/3 Trung đoàn 95 và Sư đoàn 3 CS ngăn chận quốc lộ 19 tại An Khê. Ngày 5/3 Trung đoàn 25 CS cắt Quốc Lộ 21 giữa Phước An và Khánh Dương, cắt đường Nha Trang-Ban Mê Thuột. Tướng Phú cho tăng cường Trung đoàn 45 tại Thanh An và cho 2 Tiểu đoàn BĐQ và thiết giáp giải toả quốc lộ 19. Ngày 7/3 Sư đoàn 320 CS chiếm Thuần Mẫn, ngày 9/3 Sư đoàn 10 CSBV tấn công Đức Lập, Quảng Đức, căn cứ núi lửa bị tràn ngập.
BV cô lập Ban Mê Thuột cả Bắc và Nam mà Tướng Phú vẫn cho là địch sẽ đánh Pleiku, ông lại nghĩ chúng nghi binh vờ đánh Ban Mê Thuột. Tuy nhiên theo đề nghị của Bộ tư lệnh Quân đoàn ông đã cho trực thăng vận 2 tiểu đoàn BĐQ thuộc Liên đoàn 21 từ Kontum đến Buôn Hô cách 30 km ở phía Bắc Ban Mê Thuột. Sự sai lầm của Tướng Phú đã được CS khai thác triệt để, họ nghi binh tối đa để đánh lừa ông và gọi đây là cuộc chiến tranh cân não.
Ngày 9/3 Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột đã triệu phiên họp khẩn cấp tại toà hành chánh và báo động đỏ, cắm trại 100%. Hai giờ sáng ngày 10/3 đặc công Việt cộng trong thị xã đột nhập phi trường phá huỷ một máy bay, 3 Sư đoàn CS 316, 10, 320 với ba mũi tấn công thị xã phối hợp với đặc công đã nằm bên trong. CS pháo kích ầm ầm như phong ba bão táp vào các vị trí của quân trú phòng rồi đưa xe tăng, xe kéo pháo, phòng không, quân xa… ồ ạt tiến về thị xã từ xa, lần đầu tiên BV đánh trận bằng xe hơi.
Trận bão lửa đã được Nguyễn Định ghi nhận .
“…Tiếng rít của hoả tiễn và đạn đạo 130 ly khủng khiếp như xé cả không gian mà người ta thực sự chưa từng nghe thấy một lần trong đời. Những tiếng nổ cứ liên tục như những dây pháo đại không ngừng, làm vỡ tung hết các cửa kiếng và rung chuyển cả thành phố như cảnh tượng động đất được thấy trên màn bạc. . . . .  . . .
.  .  .  . Thành phố đã như con tầu chao nghiêng trong bão tố.”
(Ban Mê Thuột Ngày Đầu Cuộc Chiến, bút ký).
Theo hồi ký Văn Tiến Dũng (trang 69), trong một đêm BV đã đưa được một lực lượng đông đảo 12 Trung đoàn gồm bộ binh và các đơn vị xe tăng, pháo binh, phòng không… khoảng ba Sư đoàn vào trận địa đúng thời gian. Họ bỏ qua các đồn bót dọc đường, tiến về thị xã, bắc phà cho cả đoàn xe vượt sông Serepok, các mũi tiến công đã tiến vào đúng thời gian. Địch chia làm 3 mũi tấn công, mũi thứ nhất đánh trại Mai Hắc Đế, cánh thứ hai đánh phi trường Phụng Dực (có 2 Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 53) tại đây 4 xe tăng bị bắn cháy, 200 tên địch bị hạ, cánh thứ ba đánh phi trường L19 để tiến vào thị xã tấn công tiểu khu, khi vào thị xã 10 xe tăng đã bị ĐPQ bắn cháy.
Vào buổi chiều Cộng quân chiếm được một nửa thành phố, ĐPQ, nghĩa quân, cảnh sát vẫn chiến đấu anh dũng tại nhiều nơi. Tướng Phú cho trực thăng vận Liên đoàn 21 BĐQ xuống Buôn Hô từ đó hành quân vào thị xã tiến chiếm Tiểu khu Ban Mê Thuột nhưng Liên đoàn không đạt được mục tiêu vì sự điều quân vị kỷ của Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 BB. Nhiều tài liệu và nhân chứng cho thấy ông điều động Liên đoàn 21 đưa gia đình, vợ con ông về Trung tâm huấn luyện cách Ban Mê Thuột vài cây số để ông đưa trực thăng xuống bốc đi.
Cảnh hoang tàn ghê rợn của thành phố đã được Nguyễn Định mô tả như sau.
“Mười sáu giờ ngày thứ hai 10 tháng 3 năm 1975, Cộng quân hoàn toàn làm chủ tình hình tại thị xã Ban Mê Thuột, ngoại trừ khu vực Bộ tư lệnh sư đoàn 23 bộ binh còn được trấn giữ.
Trong thành phố tiếng súng nổ đã im, nhưng cảnh hoang tàn của thị xã thật không cách nào tả cho xiết. Những khu phố bị cháy không ai dập tắt. Đóm lửa, tro tàn, và bụi khói bao phủ khung trời thị xã như một màn sương đục. Mặt đường lỗ loang những dấu đạn cầy. . . . . .
.  . .  Rải rác trên các khu phố những vũng máu và thây người, kẻ bị thương, bị chết không ai săn sóc. Thị xã không hẳn là bãi tha ma, mà là hỗn độn của một thế giới nửa sống nửa chết.”
(Ban Mê Thuột Ngày Đầu Cuộc Chiến, bút ký).
Và dưới đây lúc sáu giờ chiều.
“Trong nội vi thị xã, cho đến 6 giờ chiều ngày 10 tháng 3 năm 1975, trận chiến được coi như kết thúc. Thành phố bây giờ như một bãi tha ma, chứa đầy tử khí. Những đống tro tàn của nhiều khu phố bị cháy, bụi khói và gạch vụn gợi cho người ta cái cảm xúc của một chiến trường tàn cuộc lạnh lẽo rợn người”.
(Nguyễn Định, BMTNĐCC).
Sáng 11/3 không quân oanh tạc lầm vào Bộ Chỉ Huy của Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột cắt đứt liên lạc với Quân đoàn II. Bắc Việt cho tăng cường Sư đoàn 320 tiếp tục tấn công phi trường Phụng Dực, Trung đoàn 53 cầm cự đến ngày 17/3 thì chấm dứt. Phạm Huấn cho biết họ chiến đấu quả cảm tới người cuối cùng, nhưng cũng có tài liệu nói một số ít thoát ra khỏi vòng vây chạy vào rừng. Nguyễn Định nói các lực lượng trú phòng như ĐPQ, nghĩa quân, Cảnh sát đã chiến đấu hết sức mình nhưng phải chịu thua trước số đông áp đảo của địch.
Ngày 11/3 Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 lập kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột.
-Trung đoàn 45 được trực thăng vận từ đèo Tử Sĩ đến quận Phước An để tiến vào hướng Đông thị xã.
- Liên đoàn 7 BĐQ được không vận từ Sài Gòn ra thay trung đoàn 44, Trung đoàn này sẽ được trực thăng vận tới Phước An.
Ngày 13/3 Trung đoàn 45 tiến về Ban Mê Thuột bị chận đánh cầm chân tại vòng đai thị xã, Liên đoàn 21 Biệt động quân bị đánh rút ra khỏi phi trường L19, cuộc trực thăng vận Trung đoàn 44 bị hủy bỏ, pháo binh chỉ còn hai khẩu 105 ở Phước An, không quân gặp nhiều khó khăn vì BV xử dụng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7. Ngày 15/3 Tổng thống Thiệu hủy bỏ kế hoạch tái chiếm và cho lệnh rút khỏi Phước An. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 44 thất vọng nói “ không có một tia hy vọng nào giải cứu Ban Mê Thuột”. Cuộc phản công tái chiếm Ban Mê Thuột thất bại vì ta không đủ lực lượng vả lại các đường dẫn vào Ban Mê Thuột đã bị cắt hết.
Nguyên nhân, hậu quả
BV lấy được nhiều chiến lợi phẩm củaVNCH, Cục trưởng hậu cần BV khoe là họ đã lấy được nhiều lương thực, xe cộ, nhiều đạn trong kho Mai Hắc Đế, Ban Mê Thuột. Tác giả Nguyễn Đức Phương  đã nhận xét về diễn tiến trận đánh chiếm Ban Mê Thuột của Cộng quân như sau.
“Do những thất lợi về phương tiện vận chuyển và yếu tố quân số của QLVNCH, kế hoạch tấn công Ban Mê Thuột của Tướng Văn Tiến Dũng khá đơn giản, bao gồm hai yếu tố  bí mật bất ngờ và tập trung đông quân số để áp đảo địch quân. Đầu tiên đánh vào một số diện tại quân khu 2 để lôi cuốn các đơn vị QLVNCH có nhiệm vụ giải toả. Sau đó cắt đứt các trục lộ giao thông chính dẫn đến mục tiêu đồng thời chiếm các phi trường để ngăn chận tiếp viện bằng đường hàng không để sau cùng cường tập tiêu diệt điểm với chiến thuật ba mũi giáp công”
(Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 716).
Hậu quả của trận Ban Mê Thuột không thể lường trước được.  Một ngày sau khi BV tấn công Ban Mê Thuột, Tổng Thống Thịêu mở phiên họp tại Dinh Độc Lập ngày 11/3 gồm Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Quang, Phụ tá an ninh Quốc Gia. Nội dung nói về kế hoạch di tản Quân khu I và II về giữ Quân khu III và IV và chỉ giữ một phần duyên hải Vùng II vì lãnh thổ quá rộng không đủ lực lượng bảo vệ. Ngày 14/3 trong một phiên họp tại Cam ranh với Hội Đồng Tướng Lãnh ông Thiệu quyết định di tản toàn bộ chủ lực thuộc Quân đoàn II về duyên hải qua tỉnh lộ 7.
Trận Ban Mê Thuột mở đầu cho giai đoạn chót của cuộc chiến tranh Việt Nam. BV có yếu tố bất ngờ, bảo mật, Ban Mê Thuột không thuận lợi cho việc phòng thủ. Từ tháng 2/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn II đã báo cáo tin tức cho thấy BV chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột do tù binh, hồi chánh viên khai báo kế hoạch của địch. Các cuộc hành quân Phượng Hoàng của Cảnh sát, nghĩa quân, những người khai thác lâm sản… đã báo cáo cho chính quyền Ban Mê Thuột biết tin tức về địch xuất hiện gần thị xã.
Khi Tồng thống Thiệu đến ăn Tết với Trung đoàn 44, Trung tá Trưởng phòng 2 Sư đoàn 23 đã trình lên Tổng thống, ông bèn lệnh cho Tướng Phú điều Sư đoàn 23 trở lại Ban Mê Thuột nhưng Tướng Phú tin Cộng  quân sẽ đánh Pleiku, chúng giả vờ nghi binh tại Ban Mê Thuột. Tướng Nguyễn cao Kỳ sau này cho biết chúng ta không bị bất ngờ khi CS tấn công Ban Mê Thuột, ông Cao Văn Viên đã được thông báo cho biết kế hoạch đánh Ban Mê Thuột. Theo ông Kỳ, Tướng Viên đã bàn với Tướng Thiệu, Phú về kế hoạch phòng thủ Ban Mê Thuột. Tướng Phú cứ nhất quyết ông nắm vững tình hình, địch sẽ đánh Pleiku, sự thực ông đã mắc kế nghi binh của CS, không ai cản được ông ấy. Bộ TTM của QĐVNCH đã cảnh báo Tướng Phú coi chừng BV đánh Ban Mê Thuột nhưng ông vẫn khăng khăng địch sẽ đánh Pleiku.
Theo Đại tá Nguyễn Trọng Luật, CS biết phía VNCH hay nghe lén truyền tin của họ và họ đã đưa những tin giả để đánh lừa ta. Tướng Phú đã mắc lừa kế nghi binh của CS, theo Tướng Hoàng  Lạc trước ngày Văn Tiến Dũng lên đường vào Nam, Võ Nguyên Giáp đã dặn Dũng phải nghi binh tối đa để đánh hoả mù. Yếu tố bất ngờ của Ban Mê Thuột cũng như Tết Mậu Thân ở chỗ không ai tiên đoán được tầm mức rộng lớn của nó. Bộ Tư lệnh Quân đoàn II không thể ngờ được Bắc Việt đã đưa vào Quân Khu II đến 6 Sư đoàn vì thiếu tin tình báo, không đánh giá đúng mức lực lượng địch.
Yếu tố địa hình Ban Mê Thuột không có chướng ngại thiên nhiên như Kontum để trì hoãn sự tiến quân của CSBV, diện tích rộng hơn Kontum Pleiku nhiều. Ban Mê Thuột trên thực tế không có vòng đai phòng thủ liên tục, quá nhiều đồn điền san sát nhau, địch có thể lợi dụng ngụy trang. Những cánh rừng già phía Tây Bắc đã được công binh CS chuẩn bị sẵn.
Tại Ban Mê Thuột tấn công bằng chiến xa rất khó, Pleiku với những đồi thoai thoải dễ hơn nhưng BV đã cho công binh dọn đường trước, họ cưa 2 phần 3 các gốc cây lớn, cây không bị đổ, máy bay thám thính ở trên cao nhìn xuống không thấy dấu hiệu gì, CS ngụy trang rất khéo ngay từ thời chiến tranh Việt Pháp 1946-1954 cũng vậy. Khi mặt trời lặn chiến xa cứ việc ủi sập cây mà tiến vào thị xã dễ dàng. Hai giờ sáng Cộng quân pháo ầm ầm vào thị xã như vũ bão để che lấp tiếng động cơ xe chạy, đến 7 giờ xe tăng địch đã vào trong thành phố.
Tướng Phú mới lên nhậm chức Tư lệnh quân đoàn có vài tháng nên không nắm vững tình hình cho lắm, không có uy tín với Bộ Tổng tham mưu. Ông nhậm chức Tư lệnh quân khu ngày 5/11/1974 do Phó Tổng thống Trần Văn Hương đề nghị thay thế Tướng Nguyễn Văn Toàn bị kết án tham nhũng, không do Tổng Tham mưu trưởng đề nghị nên trước khi ra đơn vị, lên trình diện Bộ Tổng Tham mưu đã không được Tướng Cao Văn Viên tiếp đón. Theo Phạm Huấn,  Quân đoàn II lủng củng nội bộ, nhiều sĩ quan cao cấp tại Quân đoàn vô kỷ luật, bất mãn không hợp tác với Tướng Phú, ông mới nhậm chức chưa đủ thời gian nắm vững tình hình. Ngoài ra 2 tháng trước khi xẩy ra trận Ban Mê Thuột, theo Nguyễn Đức Phương quân số Quân đoàn II không tới 70%, thiếu tiểu đội trưởng. Tham mưu trưởng với Bộ tham mưu bất hợp tác, hai Tướng phó tư lệnh hữu danh vô thực, các đơn vị chỉ phòng ngự mà không có một cuộc hành quân thăm dò nào để tìm diệt địch.
Nhiều người qui trách nhiệm cho Tướng Phú đã để mất Ban Mê Thuột, Phạm Huấn cho rằng ông không đủ khả năng nắm giữ một Quân đoàn. Mặc dù đã có tin tức tình báo cho hay Việt Cộng sẽ đánh Ban Mê Thuột, ngay cả Tướng Viên và ông Thiệu đã nhắc nhở Tướng Phú coi chừng Việt Cộng tấn công Ban Mê Thuột nhưng ông vẫn nói mình nắm vững tình hình, vẫn một mực tin rằng địch sẽ đánh Pleiku, không ai cản được ông vì đã bị mắc lừa kế nghi binh của CS.
Dư luận chung của giới chức cao cấp quân sự và các ký giả, sử gia… đều cho rằng Tướng Phú là người không đủ khả năng để chỉ huy một đại đơn vị nên đã để mất Ban Mê Thuột. Ông Cao Văn Viên cho rằng việc thay đổi chức vụ Tư Lệnh Quân khu II là một trong những nguyên do đưa tới sự thất thủ Ban Mê Thuột, ý ông nói cựu Tư lệnh Quân khu II Nguyễn Văn Toàn có nhiều kinh nghiệm và khả năng hơn Tướng Phú.
Ngoài ra tại Quân khu II lực lượng BV rất mạnh, họ đã đưa vào chiến dịch Tây nguyên tới gần 6 Sư đoàn trong khi ta chỉ để 2 Sư đoàn chủ lực và 7 Liên đoàn Biệt động quân lại phải trải ra phòng thủ nhiều nơi trong Quân khu. Theo Nguyễn Đức Phương dù biết trước Ban Mê Thuột bị tấn công để tăng cường yểm trợ cũng khó mà giữ được, VNCH chỉ có thể  đưa tới mặt trận  một, hai Trung đoàn hoặc  một vài Liên đoàn biệt động quân vì không còn quân trừ bị, cái khó nó bó cái khôn.  Nguyễn Đức Phương cho rằng qua kinh nghiệm Mùa hè đỏ lửa 1972, mặc dù đã tập trung Sư đoàn 23 BB tại Kontum nhưng việc phòng thủ khó có thể thành công nếu không có yểm trợ của máy bay chiến lược B-52. Mặt trận Ban Mê Thuột chỉ có sự yểm trợ của không quân chiến lược B-52 mới có thể cứu vãn tình thế, nhưng từ nay yểm trợ của B-52 không bao giờ có được.
Như đã nói ở trên lực lượng hai bên đã rất chênh lệch CS lại đánh lén, thì họ phải thắng. Theo Nguyễn Đức Phương  nếu biết trước và tăng cường yểm trợ để gây tổn thất nặng nề cho BV thì có thể giảm bớt áp lực địch tại các mặt trận khác hy vọng không đưa tới tình trạng hốt hoảng hỗn loạn dây chuyền đưa tới sụp đổ.
Chúng ta có thể kết luận Ban Mê Thuột thất thủ vì:
-Lực lượng và hỏa lực hai bên quá chênh lệch, BV đã đưa vào trận địa khoảng 3 Sư đoàn, gấp mười lần quân trú phòng trong khi VNCH chỉ có hai tiểu đoàn (1, 3) thuộc Trung đoàn BB 53, còn lại là phụ lực quân, cảnh sát. Trận dội bão lửa được Văn tiến Dũng kể lại trong hồi ký (trang 68) và Nguyễn Định trong bút ký cho thấy hỏa lực địch áp đảo.
- Sự sai lầm của Tướng Phú khi cho rằng CSBV tấn công Pleiku trước, ông đã mắc lừa kế nghi binh của đối phương.
-Lãnh thổ rộng thu hút gần hết chủ lực quân, lực lượng tổng trừ bị không còn.
-Chủ lực quân VNCH tại quân khu II thiếu hụt không đủ để chống lại áp lực mạnh của BV.
-Thiếu tin tức tình báo.
Nhưng phải nói rằng yếu tố chính là VNCH đã bị cắt giảm hỏa lực tới xương tủy. Trước đó vài tháng, tại  Phước Long, quân đội VNCH lâm vào tình trạng kiệt quệ đạn dược. Mấy tuần sau khi Phước Long mất, ngày 24 và 25/1/1975 TT Thiệu gửi hai bức thư cho TT Ford phản đối CSBV tấn công chiếm Phước Long vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris. Kissinger trong Years of Renewal trang 490 nói TT Thiệu diễn tả cuộc tấn công này của địch rất qui mô hùng hậu bằng hỏa lực mạnh và thiết giáp. Trái lại quân đội miền nam VN đã phải đếm từng viên đạn pháo để tiết kiệm hầu còn đạn sử dụng.
Trận Ban Mê Thuột đã đưa tới sụp đổ Quân đoàn II và những sụp đổ kế tiếp lớn lao hơn thế, đó là một khúc quanh  bi thảm trong cuộc chiến tranh dài nhất của thế Kỷ.
© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt
——————————————
Tài Liệu tham khảo:
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Đại Nam.
Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography, 2003
Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.
Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987.
Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới, Texas 1990
Trần Đông Phong: Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng , Nam Việt 2006.
Văn Tiến Dũng: Đại thắng Mùa Xuân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội 2005.
Dương Đình Lập: Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi dậy Mùa Xuân 1975, Nhà xuất bản Tổng Hợp T.P.H.C.M 2005.
Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999
Richard Nixon: No More Vietnams, Arbor House, New York 1985
Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Viet Nam, 1986, Sphinx Publishing.
Stanley Karnow: Viet Nam, A History, A Penguin Books 1991.
Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Viet Nam War, A history in documents, Oxford University Press 2002.
Nguyễn Định: Ban Mê Thuột Ngày Đầu Cuộc Chiến, doanket.orgfree.com
Nguyễn Trọng Luật: Nhìn Lại Trận Đánh Ban Mê Thuột, doanket.orgfree.com
Trần Gia Lương: Một Cái Nhìn Về Tướng Phạm Văn Phú, Sài Gòn Nhỏ Dallas 2004
Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng: Thiên Thần Mũ Đỏ, Ai Còn Ai Mất, Người Việt Dallas số 7-10-2005.
Nguyễn Kỳ Phong: Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam: Người Việt Dallas 21-6-2006
Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Đỗ Cung dịch, Người Việt Dallas số 26-4-2006

No comments: