Monday, October 9, 2017

Quà Hồi Môn Của Mẹ - Phạm Phong Dinh


Con rạch không rộng lắm, nhưng chiếc cầu khỉ lắt lẻo bắt ngang trên mặt nước đã làm Tấn ngại ngần. Chàng nhìn cái chân phải teo tóp của mình, rồi nhìn những thân cây mù u lồi lõm nằm dài chênh vênh trên những cái trụ cây tràm hình chữ thập mỏng manh cắm sâu xuống lòng rạch. Mấy đám lục bình lá xanh điểm những cụm hoa tím nhạt tấp vào chân trụ cản dòng nước chảy, tạo thành những âm thanh rầm rì, nghe như tiếng suối róc rách chảy giữa cánh rừng hoang vu ngoài miền Trung, mà nhiều lần chàng đã có dịp lội qua. Tấn lắc đầu nhìn cây cầu khỉ chông chênh, cái nhịp ở giữa nhô vút lên so với hai nhịp gần bờ nước, làm nên một cái dốc cao đầy thách đố đến lạnh lùng. Tấn cũng có tài làm xiếc đi cầu khỉ như bất cứ người dân miền Cửu Long nào chứ, vì chàng là dân ruộng đồng chính hiệu mà. Nhưng cái đó là ngày xưa kìa, lúc hai cái chân của chàng còn nguyên xi mỗi bên. Bây giờ thì tuy chàng vẫn còn đủ hai chân, nhưng một cái to một cái teo. Đi qua chiếc cầu khỉ với những cái tay vịn rất lỏng lẻo này, thì với một cái chân khập khiễng, chẳng khác gì chàng đi lò cò một chân. Đó mới chính là vấn đề gay cấn, không khéo chàng sẽ ngã vào đám ô rô lởm chởm gai nhọn mọc dầy đặc hai bên chân cầu mất. Đã thế mà thôi đâu, dân đi đồng qua lại đã bôi một lớp sình trơn láng lên cầu như người ta phết mỡ bò. Nhưng dù gì thì gì, với bất cứ giá nào Tấn cũng phải chinh phục nó. Tấn chợt phì cười một mình. Cái chất lính trong máu chàng hãy còn đậm đà nhiều lắm, nên chàng đã nghĩ đến cụm từ ngữ “với bất cứ giá nào” để giải quyết mọi trường hợp khó khăn, mà chàng và các bạn vẫn hằng đương đầu trên khắp nẽo chiến trường.

Tấn bắt đầu đặt cái chân teo lên nhịp cầu thứ nhất, một tay nắm khúc tràm dài làm chỗ vịn, một tay đung đưa giống như anh kép cầm sào đi trên sợi dây căng. Cái chân to bên kia bước lên. Tấn thấy coi bộ không mấy khá. Mấy con cá thòi lòi bốn chân trông rất giống mấy con rắn mối trên cạn đuổi bắt nhau chạy soàm soạp trên mặt bùn. Tấn cố bước lên bước nữa. Chiếc ba lô căng đầy phía sau lưng như chuyển sức nặng từ lưng chàng xuống cái chân teo. Tấn rên lên trong lòng, má ơi, thế nào con cũng rớt. Giữa lúc chới với bối rối như vậy, thì bỗng đâu có một giọng trong trẻo của ai đó gọi đến:
- Anh ơi, có muốn quá giang hôn?
Tấn nhìn về hướng tiếng gọi, a ha, một cô thôn nữ trên một chiếc tam bản. May ơi là may. Tấn vẫy tay kêu lên:
- Dạ, dạ, cô làm ơn cho tôi quá giang qua bên kia sông.
Cô gái chỉ vài cái chèo nhẹ, đã tấp mũi ghe vào chân cầu, đám ô rô kêu rào rạt dưới lườn ván. Tấn khập khểnh bước xuống. Cô gái cười hóm hĩnh:
- Xuống được không đó?
Tấn cũng đùa:
- Tam bản thì nhằm nhò gì cô, ngày xưa tôi còn xuống tàu đổ bộ nữa kìa, ái dà...

Thiếu chút nữa chiếc chân teo đã trợt ra khỏi tấm ván mũi ghe. Cô gái không khỏi không đưa tay lên miệng cười khúc khích. Tấn tọa xuống tấm ván nhìn cô gái làm nàng chợt đỏ mặt. Giữa ánh nắng buổi trưa, trên giòng nước óng ánh màu hồng nhạt của phù sa, chiếc áo bà ba trắng và chiếc quần vải đen của nàng nổi bật lên trên nền trời trong xanh. Dưới chiếc nón lá màu ngà, khuôn mặt trái xoan hơi bầu đặc trưng của con gái miền quê, với làn da trắng ửng hồng khỏe khoắn của tuổi thanh xuân tràn trề sức sống. Không trắng làm sao được, khi mà quanh năm các cô được những cây dừa cao to xum xuê lá, những cây bàng cây gòn rậm rạp cành nhánh xanh tươi chở che cho từ những vạt nắng nóng miền nhiệt đới. Nàng đứng thanh thoát như một bức tượng điêu khắc đẹp, hai cánh tay chéo vào nhau, đôi vai nhỏ rướn về trước một chút nhấn mái chèo sâu xuống đáy nước, rồi hai cánh tay mở rộng ra, chiếc ngực tròn trịa hơi ưỡn lên, nửa thân nàng ngã về sau quạt đôi chèo đưa chiếc xuồng phóng tới. Cái xuồng mũi nhọn phóng băng trên giòng sông nhỏ, trong lòng xuồng chất đầy những quày chuối xiêm xanh mướt, những nải đầy trái no núc. Tấn chống tay lên cằm, chợt nhớ đến hình ảnh những cô thôn nữ ở quê chàng tận bên kia giòng Tiền Giang. Mãi nhìn động tác chèo nhịp nhàng của cô gái, Tấn không hay chiếc xuống đã tấp vào bờ lúc nào.
Cô gái đưa tay lên nghiêng vành nón lá, đôi môi nhỏ hồng nhỏ nhẹ nhắc:
- Tới rồi ông lính ơi!
Con gái miền quê sao cô nào cô ấy dạn dĩ quá đi thôi. Cũng may cho Tấn, con nước đang lớn, nên mũi ghe ghếch lên bờ đất, chàng bước xuống dễ dàng. Khi chàng ngoáy đầu nhìn lại thì chiếc xuồng đã tách ra khỏi đám ô rô cóc kèn mọc xanh um trên bãi sình dựa bờ nước. Tấn gọi với theo:
- Cám ơn cô, cô... cô gì... gì... ơi.
Chiếc xuồng phăng phăng ra đến giữa lòng con rạch, một cơn gió uà vào bờ, mang theo tiếng cười trong trẻo như tiếng chim hát của cô gái:
- Ơn nghĩa chi anh gì... gì... ơi .
Tấn ngẩn ngơ đứng nhìn theo chiếc áo bà ba ấp ủ cái dáng nảy nở tròn trịa của cô gái cùng chiếc xuồng theo con nước ròng rút ra ngoài vàm sông lớn.

Đi quanh co mấy nẽo đường trên những con đê đất sét nhỏ phủ rơm, hỏi thăm và theo lối chỉ của vài người dân dưới ruộng, hay mấy cô gái ngập thân dưới những đìa nước hái những cọng rau muống hoang đỏ bóng, Tấn đã thấy thấp thoáng bên rặng trâm bầu đàng xa một mái tranh nhỏ nằm trên một giồng đất. Dường như Tấn đã đi sâu lắm vào tận cuối làng, vì chàng không còn thấy nhà cửa nhiều như ở ngoài gần vàm sông nữa. Có lẽ đây là căn nhà cuối cùng, nó nằm chơ vơ cô lẻ trên một cái mô đất hoang phế, trông thật tội nghiệp. Đằng sau mái lá là một khoảnh rừng dừa nước um tùm, mà chàng nghe tiếng kêu áo não của những con chim cúm núm trong đó. Tấn bước giữa mấy cây chuối già cỗi dường như đã chặt quày mà chưa có ai đốn chúng ngã xuống để cho bọn chuối con vươn lên. Căn nhà lá lụp xụp nằm thụt sâu vào phía sau một cây cóc lớn rậm rạp cành lá, những trái cóc chín rụng nằm đầy trên mặt đất da đã bủn sang màu nâu rửa nát.

Tấn tần ngần đứng trước khung cửa nhỏ tối om, tự hỏi không biết mình có phải đã tìm đến đúng cái mình tìm. Dường như chẳng có ai trong nhà cả. Tấn chân thấp chân cao đi vòng bên hông nhà bước ra phía sau, chàng trông thấy cái sàn nước nhỏ ghép bằng những mảnh ván dừa nằm de ra trên một con lạch nhỏ chảy vào đám rừng dừa nước. Một bà già đang quay lưng về phía chàng hí hoáy làm cái gì đó. Có lẽ bà lão đang vo gạo thì phải. Đôi vai gầy trơ xương của bà lão nhô lên cao, làm chiếc cổ nhỏ ốm tong teo của bà như rụt mất xuống giữa hai cái hốc vai. Mái tóc xám lơ thơ của bà chỉ có thể bó lại thành một cái búi tí xíu như một cái củ hành tròn nhỏ. Nghe tiếng động, bà lão ngơ ngác ngước mắt lên nhìn, chiếc đầu của bà lắc lư tìm phương hướng. Tấn chợt thảng thốt kêu lên trong lòng. Một bà lão mù. Đôi mắt của bà già chỉ toàn là một màu đùng đục, giống như hai viên đạn có vân cẩm thạch trắng khắc vào giữa hai cái hố sâu. Ôi, có phải bà cụ này là má của mày không Hên. Bất giác chàng đưa tay lên túi áo nắn nắn cái gói giấy của bạn gửi. Bà lão vễnh tai nghe ngóng, cái miệng móm mém của bà phát ra một thứ âm thanh khàn khàn:
- Ai đó? Có phải Trâm hông con?
Hai bàn tay bà lão đang nắm hai cái quai một cái nồi nhôm nhỏ ám đầy lọ nồi đen thật thảm hại. Tấn bước đến gần nhẹ giọng:
- Thưa bác, bác có phải là má của Hên không?
Bà già giật mình buông cái nồi rớt trên sàn nước, bà đưa cánh tay chỉ còn lớp da nhăn nheo bọc ngoài xương run run tìm lấy tay của người lạ:
- Ai? Cậu... cậu là...ai? Cậu hỏi thằng Hên hả?
Tân nắm lấy bàn tay xương xẩu khô khốc của bà lão:
- Thưa bác, con là bạn chung đơn vị với Hên...
Năm ngón tay của bà mẹ bấu mạnh thêm, giọng bà run run:
- Hên, Hên, cậu ơi... cháu... cháu, Hên có về không?
Tấn gục đầu cố dấu tiếng thở dài:
- Dạ chưa bác, Hên nhờ con về đây thăm bác trước, nó sẽ... sẽ về khi người ta cho phép.
Tấn nhắm mắt. Chàng nhớ lại cái khoảnh khắc cuối cùng, Hên đặt vào lòng bàn tay mình cái gói giấy, nó ân cần dặn chàng:
- Nếu tao không về thì mày đem cái này cho má tao!
Tấn dùng dằng cự nự:
- Mày nói bá láp, bộ cứ đi là phải chết sao?
Hên gãi đầu:
- Thì tao chỉ phòng xa vậy thôi. Mốt tới phiên mày đi, mày có gì gửi thì tao đem về cho má mày!
Tấn đổ quạu lên:
- Má tao là mấy bà phước, má gì mà má...
Hên cười giả lả:
- À há, tao quên, mày là thằng con bà phước.
Tấn rùng mình. Lần này thì nó đi luôn thật. Toán của Hên vừa nhảy xuống giữa rừng thì đã bị hốt trọn gói, chẳng đứa nào sống sót. Chiếc trực thăng bị nổ cháy nằm xác xơ trên mặt đất, những cái xác nám đen văng vung vãi.

Bà mẹ run run đứng lên, Tấn đưa tay dìu bà đi vào nhà theo lối cửa bếp. Chiếc lưng cong làm cho mái tóc bạc của bà mẹ chỉ cao ngang chỏm vai của chàng. Tấn khom người chui vào khung cửa nhỏ. Bà lão quờ quạng tìm chiếc ghế ngồi xuống, đôi mắt trắng đục nhìn Tấn chăm chăm:
- Thằng Hên nó mạnh giỏi không cháu?
- Dạ... mạnh chớ bác.
Linh cảm của một bà mẹ về một chuyện gì đó không bình thường lóe lên trong đôi mắt vô hồn của bà, bà lão vẫn nhìn Tấn trừng trừng. Tấn rút gói giấy dầy trong túi áo đặt vào tay bà già:
- Thằng Hên nó gởi cái này về cho bác.
- Cái gì vậy cháu, cháu mở ra giùm bác coi.

Gói giấy được thằng Hên cẩn thận cột chằng lại bằng nhiều lớp dây thun. Khi Tấn đã mở tung ra hết những lớp bọc, một xấp giấy bạc dầy phải đến hai tháng lương của Hên nằm xếp ngay ngắn lên nhau hiện ra, Tấn đặt nắm tiền vào tay bà mẹ:
- Bác ơi, đây là tiền của Hên gởi về cho bác đó.
Bà mẹ chợt khóc òa lên, trong hai cái hố mắt mờ của bà mấy giọt lệ chảy tràn ra ngoài:
- Cháu, cháu... thằng Hên đã chết rồi phải không? Đây là tiền tử của nó phải không ...

Bà mẹ buông những đồng tiền rơi lả tả xuống đất. Tấn đỡ lấy bà già rối rít trấn an:
- Không phải đâu bác, cái này... tụi con ở trong rừng không có ăn xài, nên tụi con dư tiền nhiều lắm.
Chàng cúi xuống lượm những tờ giấy bạc lên cho trở vào cái gói giấy và đặt nó trên bàn:
- Bác cất tiền đi, mai mốt Hên về thăm bác. Thôi bây giờ con xin phép bác con đi...
Bà lão chộp lấy cánh tay Tấn giằng lại, một tay bà lau giòng nước mắt trên đôi má:
- Con... cháu... ở đây bác nấu cơm, cháu ngủ ở đây rồi mai hãy đi, trời chiều rồi đâu còn đò nữa.
Tấn nhìn qua khung cửa. Mặt trời đang chìm dần xuống trên đỉnh những ngọn dừa nước sau nhà. Bà lão nói đúng. Đâu có còn đò máy vào buổi chạng vạng như thế này. Bà lão quờ quạng đi ra sàn nước tìm cái nồi gạo vo, nhưng Tấn đã ngăn lại:
- Bác cứ nằm nghỉ đi, để con nấu cơm cho.

Bà mẹ đăm đăm nhìn chàng, Tấn tự hỏi bà thấy gì sau đám mây trắng đó:
- Mấy con ăn cơm sấy trong rừng ngán lắm hả?
- Dạ, đói quá ăn cái gì cũng ngon hết bác.
Tấn bắc chiếc nồi nhôm gạo lên bếp thổi phù phù. Chàng nhìn vào một góc bếp tìm thêm củi. Ủa, lạ quá đi, một bà già mà có ngần ấy củi tràm vun đầy xài mấy tháng cũng chưa hết nữa. Bà má của thằng Hên chì thật, không biết bà lấy củi ở đâu, rồi còn chẻ củi nữa chớ. Tấn mở cái tủ lưới ọp ẹp tìm thức ăn. Ủa, một tộ cá sặc kho, dưới đáy chất nước mắm và chút mỡ kẹo đặc lại thành một lớp váng màu nâu sậm trông rất hấp dẫn. Cái này và với cơm, thêm một tô canh chua cá rô nấu với bạc hà hay rau muống là hết thuốc. Ước cái gì là có cái nấy liền. Tấn nghe có tiếng một cô gái vọng từ cửa trước:
- Bác Tư ơi, con có hái rau muống nấu canh chua nè.

Thiếu chút nữa Tấn đã ngã ngửa ra phía sau. Cái giọng trong trẻo này nghe rất quen, có lẽ nào... Bà lão vui mừng kêu vói lên:
- Trâm hả con? Xuống đây, xuống đây, có cậu bạn của thằng Hên về thăm nè.
Tấn có cảm tưởng cô Trâm nào đó đang lao xuống và mang theo một cơn gió mạnh, chàng quay lại nhìn. Bỗng Tấn kêu lên trong nỗi ngạc nhiên:
- Ủa, là... là cô...
Cô gái cũng đứng sững người lại tròn mắt nhìn chàng trai:
- Á... là ông lính quá giang đây mà.
Bà lão ngơ ngác nhìn lên:
- Cái gì vậy Trâm?
Trâm bẽn lẽn nhìn ông lính:
- Dạ hồi nãy con chở ông này qua sông đó bác Tư.
Bà già vui mừng sờ soạng kéo cô gái ngồi xuống ghế:
- Vậy là mấy con quen nhau rồi hả. Trâm, tiền của thằng Hên nè, con cho bác gởi lại...
Trâm đẩy tay bà lão nhỏ nhẹ:
- Đâu có gì bác Tư, bác giữ đó xài.
Bà lão cố ấn một nắm tiền vào tay cô gái:
- Con giúp bác hoài, bây giờ con phải nhận, bác cám ơn con còn không hết ...

Đến bây giờ thì Tấn đã mường tượng hiểu. Đống củi trong góc bếp, tộ cá kho, khạp gạo đầy, đều là do bàn tay quán xuyến của Trâm. Không cần phải suy đoán gì nhiều, Tấn cũng có thể kết luận được ngay, Trâm và Hên, hai đứa nó là đôi tình nhân, rồi vì chiến tranh mà phải gạt lệ chia tay nhau. Chàng lên đường, ân cần nhắn nhủ người yêu ở quê nhà chăm sóc mẹ già giùm. Khi chàng về lúc đất nước đã thái hòa, thì đôi đứa sẽ nối lại cuộc tình và sống với nhau đến trọn đời. Ôi, tình yêu ở miền thôn dã sao mộc mạc mà thơ mộng đến vậy. Tấn và nhiều đồng đội chàng đã từng nghe những bài hát với những giọng hát nỉ non tương tự như thế. Trong bóng vinh quang rộn ràng. Anh bước hiên ngang về làng. Miền Nam reo vui nơi nơi thanh bình ca. Nhưng đánh giặc mãi hoài, Hên mất xác, chàng khập khểnh thương phế, mà sao vẫn chưa thấy đất nước được thái hòa.
Tấn còn đang miên man suy nghĩ thì bỗng nhiên, chàng nghe bếp lửa kêu xèo một tiếng. Trâm giật mình chạy đến cúi xuống nhìn:
- Thôi chết, cơm trào!
Tấn rên lên trong lòng. Thôi rồi, cơm trào có nghĩa là cơm nhão. Gạo đã nở hết cỡ, dù có chắt hết nước nó vẫn cứ... nhão. Tấn sượng sùng nhìn cô gái cầu cứu. Trâm ném cho chàng một cái nhìn trách móc:
- Nghe nói lính tráng nấu cơm hay lắm mà!

Chiếc xuồng tam bản theo chiều sóng đi chênh chếch về phía bên kia con sông lớn. Con sông Hậu Giang bao la bát ngát, vóng vỗ đồm độp hai bên mạn xuồng, làm cho nó bị dồi lên xuống như một chiếc lá khô. Hàng hàng lớp lớp ngọn sóng sủi bọt đùn đẩy nhau chạy lăn tăn theo giòng nước, trông như những đóa hoa trắng xóa. Tấn ngồi ở đầu ghe nhìn theo hai chiếc mái chèo quẫy nước. Những khóm lục bình đầy hoa tím trôi dật dờ hai bên chiếc xuồng. Ánh mặt trời buổi sáng rải lên mặt sông, xuyên qua những làn hơi sương mù ẻo lả lãng đãng trên sóng nước. Bọn chim trời đảo lượn trên cao tìm mồi, thoắt cái, có một con phóng vút xuống như một mũi tên, đôi cánh xoải rộng gần như chạm mặt sông, chiếc mỏ nhọn mổ sâu xuống. Khi con chim cất cánh lên, một chú cá đen nhánh đang dẫy dụa trong đôi gọng kềm khép chặt của nó. Không ghìm được, Tấn vỗ tay hoan hô:
- Hay lắm!
Trâm lơi mái chèo đưa tay lên quẹt vài giọt mồ hôi trên trán:
- Anh chưa từng thấy chim bắt cá bao giờ sao?
Tấn quay lại:
- Có chứ. Nhưng đã lâu lắm rồi...
Chàng nhìn những giọt mồ hôi rịn nhỏ lóng lánh trên hai cánh mũi của cô gái đề nghị:
- Trâm nghỉ chút để tôi chèo thế cho.
Trâm cười nhẹ:
- Chèo được không đó?
Tấn xăng xái:
- Được chứ, tôi là người ở quê như Trâm mà.
- Quê anh ở đâu?
Tấn làm ra vẻ bí mật:
- Tôi ở bên kia sông Tiền Giang, cái xã tôi ở có cái tên rất ngộ nghĩnh là, à..., tôi đố Trâm có cái xã nào của Việt Nam mình mang tên ba nước lớn mạnh trên thế giới. Nếu cô nói trúng thì tôi sẽ chèo từ đây qua đó, rồi từ đó trở về nhà bác Tư.
Trâm nhíu mày suy nghĩ, cái trán da căng mịn màng của nàng thoáng mấy đường nhăn. Trâm cắn môi:
- Xã Mỹ... Mỹ Tho.
- Trật lất!
- Tây Ninh?
- Trật luôn, cái đó là tỉnh chứ đâu phải xã.
Cô gái lắc đầu:
- Thôi em chịu thua... khó quá hà...
Tấn đã toan nói, thì chợt Trâm hớn hở kêu lên:
- Á, em nhớ ra rồi, có phải anh ở xã Mỹ Đức Tây hôn?
Tấn gãi đầu làm ra vẻ rầu rầu:
- Phải rồi. Thôi, Trâm nghỉ để tôi chèo trả nợ...
Trâm bật tiếng cười khúc khích:
- Thôi anh thương binh ơi, cho anh thiếu chịu đó, không cần đâu. Chưa chắc ai đã chèo hơn ai.

Sau một đêm trằn trọc dưới mái lá lụp xụp của bà mẹ Hên, Tấn đã khoác ba lô từ giã bà để lên đường. Sau gần chục năm ở lính, trong lòng chàng nôn nao muốn trở về quê cũ. Dù ở đó chẳng còn ai chờ đợi, cha mẹ chàng đã mất từ lâu, anh chị cũng không, nhưng Tấn vẫn thấy một nỗi thúc giục xốn xang từ tận đáy lòng, một tiếng gọi thiết tha từ nơi mà chàng đã cất tiếng khóc chào đời. Bà mẹ của Hên suốt đêm đã lăn trở trên chiếc chõng tre phía bên kia và cứ hỏi chàng mọi chuyện về Hên. Bà giăng bắt, chặn ví những sơ hở của chàng, để tìm ra trong đó dấu hiệu cái chết của con bà. Linh tính của một bà mẹ dường như đã tiên báo cho biết, sự hiện diện của Tấn là một điềm chẳng lành, mà bà phải gạn hỏi cho ra. Bà lão nằm quấn mình trong cái mền cũ sờn rách, cái thân xác ốm chỉ còn da bọc xương của bà dường như chìm mất dưới tấm mền bùng nhùng, chỉ còn nhú lên mái đầu tóc bạc. Một bà lão mù sống đơn độc trong một căn nhà lá nhỏ bé, ở giữa cánh đồng mênh mông gió hú. Tấn trằn trọc ỡ giữa những tiếng kêu oàm oạp của bọn ếch nhái từ đám dừa nước, và tiếng vạc săn mồi trong sương trên những cánh đồng lúa. Tấn đã chạnh lòng nghĩ đến cuộc chia tay sáng ngày mai, chàng sẽ không còn bao giờ trở lại chốn này.


Tấn cố nén những tiếng thở dài thương cảm tình cảnh khốn khó của bà lão. Chàng không dám nghĩ đến những ngày sắp tới của một bà mẹ mù ngày ngày mỏi mòn trông ngóng tin của thằng con ở tận ngoài miền cao nguyên. Tấm giấy báo tử của đơn vị nhờ chàng đem về trao lại cho bà mẹ, Tấn vẫn còn giữ trong túi. Làm sao mà chàng dám đưa tờ giấy đó ra cho một bà lão mù tội nghiệp và trơ trọi thảm thương như thế này. Đơn vị chàng đã mấy lần gửi giấy báo tử mà nó cứ bị trả về. Ở chốn đồng không quạnh quẽ nầy, lấy đâu ra số nhà. Chỉ đến khi chàng bị thương tật được giải ngũ trở về cố hương, thì người ta nhờ chàng cố gắng truy tìm bà mẹ của Hên. Cái gói giấy bí mật của Hên gửi chàng phải đến gần một năm sau mới đến được tay người nhận.

Buổi sáng, Tấn đã gượng giả vờ tươi tỉnh nắm lấy bàn tay của bà mẹ trong phút giây giã từ:
- Con xin phép bác con đi cho kịp chuyến đò sáng.
Đôi mắt trắng đục của bà lão ngước lên nhìn chàng, đôi môi xám xịt và khô nứt của bà lắp bắp:
- Cháu... cháu... nói thằng Hên xin phép về thăm bác...
- Dạ, thế nào nó cũng về thăm bác.
Tấn biết mình đã nói dối. Bà mẹ ấn vào tay Tấn nải chuối xiêm vừa chín tới:
- Bác không có gì cho cháu, cháu lấy nải chuối này lấy thảo.

Tấn đi nhanh ra khỏi căn nhà lá, trái tim chàng nhộn nhạo một nỗi muộn phiền cảm thương. Chàng không dám quay lại nhìn đôi mắt hấp háy ứa mấy giọt nước mắt của bà mẹ. Nhưng khi chàng vừa bước đến ngưỡng cửa, đột nhiên cây cột bên mái hiên chuyển mình răng rắc rồi đổ sụp xuống. Một góc mái lá đổ nhào theo. Cây cột bị mối ăn nhiều năm, đến lúc không còn chống chỏi được nữa, nó đã gãy gục. Tấn tần ngần đứng nhìn cái mái đổ, hai bàn tay chàng đan vào nhau bối rối. Tấn cắn môi suy nghĩ. Chàng lắc đầu thở ra một hơi dài. Tấn biết rằng, chàng phải ở lại thay Hên dựng cái mái lá này. Chàng ái ngại nhìn lên những đốm sáng xuyên qua nóc. Ôi, căn nhà đã quá dột nát. Nhà dột mà cột cũng xiêu. Chắc là phải thay hết nguyên hai cái mái nhà. Làm ơn thì làm ơn cho trót, Tấn tính toán, chắc mình phải chơi luôn mấy cái vách chung quanh nữa, cũng đã rách nát tả tơi quá rồi, coi như tân trang hết cha nó cái nhà. Khi nghe Tấn đề nghị nàng chở chàng đi đặt mua lá mới, Trâm đã nghiêng đầu nhìn chàng, đôi mắt rưng rưng không thể nói được một lời nào.
- Anh Tấn ơi, anh nói thật đi, có phải anh Hên đã hy sinh rồi không?
Tấn giật mình ngước lên nhìn đôi mắt u sầu của Trâm, chàng ú ớ:
- À, không... không... làm gì có chuyện đó.
Cô gái nhẹ lắc đầu nghẹn ngào:
- Anh đừng dấu em, bác Tư không nhận thấy, chứ em thì thấy...
- Trâm đã thấy gì?
- Anh... anh đã khóc hồi sáng này, lúc em vừa mới qua thấy anh đứng bên cái mái đổ.
Tấn quay mặt chỗ khác:
- Không phải, chỉ vì...
Trâm vẫn không chịu buông tha chàng:
- Bụi lọt vô mắt phải không, em không tin. Em biết anh nói dối...
Chợt cô gái ôm mặt khóc nấc lên, nàng buông chèo ngồi sụp xuống tấm ván. Chiếc ghe không người chèo chống quay vòng vòng như trong một cơn trốt xoáy. Trâm ngước đôi mắt đẫm đầy nước mắt lên:
- Em biết anh Hên đã chết rồi!
Tấn gượng chống chế:
- Làm sao Trâm dám chắc như vậy được chứ?
Trâm khóc òa lên:
- Đêm qua ảnh đã về, em thấy máu me tùm lum hết!

Đến nước như thế rồi thì không còn dấu diếm được nữa, dù có tin chuyện mộng mị hay không, Tấn đành thở dài rút tờ giấy báo tử ra trao cho Trâm:
- Đã vậy thì thôi, sớm muộn gì thì bác Tư và Trâm cũng phải biết sự thật.
Trâm đón lấy tờ giấy hối hả đọc. Bỗng dưng nàng có cái cảm giác nhộn nhạo như là chiếc ghe đang chao đảo dữ dội, trời đất quay cuồng, những đống lá dường như bị gió cuốn bốc lên bay tán loạn trên không trung. Từ trong thanh quản của Trâm ngân nga tiếng kêu bi thương, rền rền trên những bọt sóng nước. Rồi nàng đổ xuống lòng chiếc xuồng nằm chết lịm...

Dòng đời trôi lặng lẽ như những sợi mạng nhện giăng âm thầm trên một góc chiếc mái lá thấp. Một cái bàn thờ nhỏ, cũ kỹ nằm dựa chiếc vách ngăn đôi nhà trên và nhà bếp, bên trên có hai cái khung hình. Cái khung bên phải có tấm hình của một người đàn ông trung niên nét mặt khắc khổ, râu mép và râu càm kéo dài xuống thành một chùm ngắn. Hình chưng đã lâu nên đã ngã màu vàng úa và lốm đốm vài vệt trắng. Phía bên trái, là ảnh bán thân một người thanh niên trong chiếc áo lính màu ô liu, ánh mắt và nụ cười hiền hậu. Một chiếc lư hương nhỏ đang nghi ngút khói thơm từ những cọng nhang vàng mảnh. Một dĩa gồm vài thứ trái cây đơn sơ mộc mạc ở miền quê. Đu đủ, mãng cầu, vú sữa, cam, quít. Một vài món thức ăn đạm bạc có thể tìm được ở những vùng đất nghèo nàn. Tép rang, cá rô chiên dầu dừa, măng mạnh tông xào, canh nấm rơm. Một chai rượu đế nhỏ, mấy cái chung sành, hai chén cơm và hai đôi đũa. Một bà lão đang đứng lâm râm khấn vái trước di ảnh của hai người đàn ông. Phía bên phải của bà lão, một cô gái trong chiếc áo bà ba lụa mới màu hồng. Nàng rưng rưng nước mắt nhìn đăm đăm vào tấm hình của người lính trẻ. Trong màn lệ nhạt nhòa, trời ơi, nàng có nhìn lầm không, chàng đang mĩm cười với nàng. Cô gái lảo đảo vịn tay vào góc bàn thờ. Bên phía tay phải bà cụ là một chàng thanh niên trẻ tuổi như người lính trong ảnh, chàng cũng mặc một chiếc áo lính màu ô liu và chiếc quần tây vải đen bạc màu.

Bà lão sờ soạng nắm hai bàn tay của cô gái và chàng trai giọng nghèn nghẹn:
- Tấn con, Trâm con. Hôm nay cúng giỗ giáp năm thằng Hên, bác có chuyện muốn nói với hai con. Dắt bác lại bộ ván đi con.
Vẫn nắm chặt tay đôi trai gái, bà lão kéo họ cùng ngồi xuống:
- Chuyện của hai đứa bây, bây giờ tính sao?
Cô gái thẹn thùng cúi đầu xuống vân vê tà áo:
- Sao là sao Bác Tư?
Bà già móm mém cười:
- Thôi, bác biết hết rồi. Hai đứa bây... thương nhau phải hông? Nói thiệt đi để bác tính cho.

Trâm buồn rầu đưa mắt nhìn người lính trong ảnh, chàng vẫn đang cười với mình, nàng gượng gạo trả lời:
- Bác Tư cho con chờ ảnh thêm một năm nữa...
Bà mẹ thở dài:
- Thôi đủ rồi con, ba năm dài quá rồi. Thời buổi này chờ đợi vậy là thằng Hên nó cũng mát ruột lắm rồi con. Thằng Tấn mày nghĩ sao?
Tấn lúng túng:
- Dạ, Trâm nói phải đó bác. Để thủng thẳng...
Chàng nhìn vào ánh mắt hiền hậu của người trong hình, lòng dậy lên những khoảnh khắc của quá khứ:
- Con vẫn luôn có cái linh cảm là Hên chưa chết bác à!
Đôi mắt mờ đục của bà mẹ sáng lên tia hy vọng, bà bấu vào vai Tấn run run:
- Thật vậy hông con?
- Dạ, lúc tụi con nhảy xuống tìm kiếm thì thấy mất một cái xác, nhưng không biết là của ai, cái nào cái ấy cháy thành than hết rồi.
Bà lão lẩm bẩm một mình:
- Nếu nó còn sống thì nó cũng phải về chớ...
Bà đưa tay áo lên quẹt nước mắt:
- Trâm, con lấy cái hộp gỗ mun trên đầu giường đưa cho bác.

Chiếc hộp được bà lão gói trong một lớp vải điều đỏ, mà bà gối đầu lên đó ngủ từ mấy chục năm qua, đến nỗi vải đã ngã sang màu bạc phếch. Bà lão run run ôm chiếc hộp trong lòng, đôi bàn tay nhăn nheo của bà sờ soạng, ấp ủ nó như đang nâng niu một báu vật. Bà chậm chạp mở dần tấm vải điều để lộ chiếc hộp gỗ mun chạm trỗ rất công phu, sau nhiều năm tháng đã ngã màu đen bóng. Bà lão trao chiếc hộp cho Trâm khàn khàn giọng:
- Trâm con mở ra đi con...

Trâm lạ lùng đón lấy chiếc hộp, lòng thầm hỏi, có phải chăng đây là những món gia bảo của bà, bà đưa cho mình làm gì, tại sao bà không tự mở ra có phải hơn không. Trâm hồi hộp mở nắp, bên trong hiện ra một lớp vải điều đỏ chói nữa. Tâm mở tiếp gói vải. Ôi trời, trước mắt nàng hiện ra những món nữ trang vàng chói rực rỡ. Tấn nghiêng đầu nhìn vào. Một cái kiềng đeo cổ, một sợi dây chuyền dầy nặng và tấm mề đay cẩm thạch đã lên nước màu xanh đậm, một đôi bông tai cẩn hột xoàn to bằng mút đũa, hai chiếc nhẫn trơn, có lẽ là nhẫn cưới và một cặp xuyến vàng đeo tay cẩn hồng ngọc. Một gia tài lớn của một bà già nghèo. Trâm chợt nhận biết bàn tay của bà mẹ đang run rẩy trên mái tóc của mình:
- Trâm con, đây là của hồi môn má của bác trao lại hồi bác theo bác trai. Bây giờ... bây giờ, bác trao lại cho con với thằng Tấn.
Đôi môi héo úa của bà mẹ lắp bắp, đứt khoảng:
- Thằng Hên mất rồi, bác còn có hai đứa bây, bác cho hai đứa con đó. Mai mốt bác có... có... theo ổng rồi, thì hai đứa con bán vòng vàng này lấy vốn làm ăn với người ta...
Trâm không ghìm được cơn đau xót, nàng ngã vào lòng bà mẹ khóc nức nở:
- Má ơi, con không dám nhận đâu...
Bà mẹ nở nụ cười thương mến, bà vuốt tóc nàng:
- Bác... má... biết trong mình của má, không lâu đâu mấy con ơi... Mấy con làm đám cưới cho tía má, với thằng Hên vui lòng...
Mấy giọt nước mắt của bà mẹ rơi lã chã lên đôi má của Trâm, nàng vùi vào ngực bà nấc lên không nói được lời nào. Tấn nắm chặt tay bà lão cảm động:
- Tụi con không thể lấy được đâu... má ơi!
Đây là tiếng yêu thương lần đầu tiên sau nhiều năm côi cút chàng gọi một bà mẹ. Chàng đã không thể ra đi, mỗi lần khoác ba lô lên vai, đã đi ra đến con đê ngoài xa rồi, mà khi nhìn lại thấy cái bóng nhỏ còm cõi của bà mẹ đứng tựa cửa trông theo, Tấn chịu không nỗi, chàng lại quày trở lại. Rồi cứ nấn ná lần lửa mãi, nuôi trong lòng một hy vọng, rồi sẽ có một ngày Hên trở về. Mới vậy mà đã ba năm.

Một bóng người cao to, không biết từ lúc nào đã lừng lững đứng chắn giữa khung cửa, làm bên trong căn nhà tối sầm lại. Anh kêu lớn lên hớn hở:
- Má ơi, con đã về!
Bà mẹ rùng mình ú ớ, đôi cánh tay bà vươn về phía trước:
- Thằng Hên phải không?
Hên chạy ào vào ôm lấy mẹ:
- Con là Hên, con đã về...
Bà mẹ cuống cuồng quấu chặt lấy đôi vai đầy của thằng con kéo xuống ngửi hít:
- Đúng là thằng Hên đây rồi.
Trong màn nước mắt, Hên nhập nhoạng trông thấy bóng hình người con gái mà chàng luôn mang theo cùng với trái tim trên khắp nẽo quê hương, Hên kêu lên:
- Trâm em, anh là Hên đây!

Một buổi sáng đẹp, ánh mặt trời xuyên qua cành lá làm thành những sợi chỉ vàng óng. Lũ chim chóc ca hát ríu rít đón bình minh một ngày mới trên ngọn cây xanh trước nhà. Tấn hân hoan khoác ba lô lên vai quay nhìn lại lần cuối cùng mái lá đầy ắp kỷ niệm của ba năm trường. Lần này thì chàng đã có thể ra đi với lòng thanh thản. Trong lòng chàng cuồn cuộn một nỗi xôn xao không biết gọi tên là gì. Có phải chăng đó là một niềm hạnh phúc chứa chan cùng chia sẻ với người bạn chiến đấu của mình về từ cõi chết. Hên vỗ vai bạn bịn rịn:
- Tấn, mày là thằng bạn tốt nhất trên đời, tao mang ơn mầy. Mầy hãy ở lại đây, đừng đi đâu hết, mày đâu còn ai mà về. Ở đây mày có tất cả.
Tấn nắm lấy tay bạn:
- Tao nấn ná đến giờ này là vì mày. Bây giờ thì tao phải về quê của tao. Cây có cội, nước có nguồn. Tao phải về chăm nom mồ mả ông bà, ba má tao.
Trâm rơm rớm nước mắt:
- Anh Tấn nhớ về thăm tụi em.
Hên cầm đôi dầm lên:
- Để tao đưa mầy ra ngoài vàm đón đò máy.
Trâm đỡ lấy đôi dầm:
- Anh để em, em muốn chèo tiễn đưa anh Tấn đi.
Khi đã ngồi lên trên chiếc xuồng cùng với Hên, Tấn quay đầu nhìn lại căn nhà nhỏ trên giồng đất. Bà mẹ đang quờ quạng bước ra trước cửa nhìn theo. Bà đưa tay lên vẫy. Tấn thẫn thờ vẫy tay chào mẹ. Cuối cùng thì chàng đã có thể dứt áo ra đi. Ở giữa ánh nắng chói chang rực rỡ và tiếng chim hót rộn rã trên cành.

Phạm Phong Dinh

No comments: