Friday, October 2, 2020

Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn (3) - Nguyễn Duy Cung -

MẶT TRẬN ĐẦU TIÊN
CHIẾN TRƯỜNG DAKROTAH


Cộng Sản càng ngày càng nuôi mộng thôn tính miền Nam nên lén lút xâm nhập Cao Nguyên, dự định đánh úp Sư đoàn tại tỉnh Kon Tum nhân ngày Quốc Khánh 22 tháng 10 năm 1960.  Cũng may là toán tiền thám tinh nhuệ của ta báo cáo kịp thời, ta đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó.  Địch quân biết âm mưu bại lộ liền chuyển mũi dùi tấn công chớp nhoáng cùng lúc vào các tiền đồn biên giới Mang Khiêng, Mang Buk, Toumerong, Dakha, Dakrotah.

Tôi được lịnh thay mặt anh ĐĐC, Y sĩ trưởng đại đội Quân Y đang bận công tác ở Quân Đoàn 2 Pleiku, tham dự phiên họp khẩn cấp trên Bộ tư lịnh Sư Đoàn 22BB để triển khai kế hoạch tác chiến.

Trở về đại đội, tôi cho tập họp đơn vị dưới sân cờ, Quân Y được lịnh cấp tốc ra mặt trận.  Từ ngày rời khỏi giảng đường, đây là lần đầu tiên tôi thật sự tham gia vào trận chiến.  Tất cả quân nhân đều hăng hái tình nguyện hành quân khiến tôi phải cùng ông Thượng sĩ thường vụ đại đội tuyển chọn, chỉ lấy một số người có kinh nghiệm chiến trường với 3 xe tản thương thuốc men đầy đủ.

Qua sông Dakbla, chúng tôi chạy hơn 100 cây số đường rừng ngang Dakto, Daksut, Dakpek tới bờ sông Dak Poko thì gặp cầu hư nên phải ngừng lại.  Bên kia sông cách vài trăm thước là ngọn đồi Dakrotah đang bị địch chiếm đóng, dọc theo triền đồi địch quân bố trí nhiều tay xạ thủ chuyên môn bắn sẻ.

Một số thương binh băng đường rừng về được đang nằm rải rác ngoài mặt lộ. Tôi cẩn thận xem xét tình trạng của từng người, các vết thương được y tá rửa sạch bằng thuốc sát trùng, băng bó lại, chích thuốc ngừa phong đòn gánh, thuốc giảm đau, trụ sinh… nhiều binh sĩ bị mất máu phải cho chuyền dung dịch.  Anh y tá trưởng làm nhanh thủ tục hành chánh để chuyển bịnh, tôi ký tên trên tấm bảng màu vàng ghi nhận thương tích và đeo trước ngực bịnh nhân.  Sau đó chuyển thương binh lên xe Hồng Thập Tự chở về hậu cứ, một y tá được chỉ định theo xe .

Công việc xong xuôi thì đã xế chiều, mặt trời khuất dần sau ngọn đồi, tôi bắt đầu thấy hơi lúng túng khi tìm chỗ trú ẩn an toàn cho toán Quân Y còn lại, nhìn quanh thấy bên phải là một bãi cát trắng xa xa với những lùm cây thấp, bên trái đường 14 có ngọn đồi là Bộ chỉ huy của một tiểu đoàn BB đang trấn đóng, sau lưng là đơn vị tăng cường của Sư Đoàn 23BB từ Qui Nhơn lên, đang đào hầm phòng thủ… Gần bên lề đường có hai khúc cây cổ thụ được xe be kéo về bỏ đó, thân cây to lớn, cành lá còn xum xuê, hai đầu gát lên nhau giống như một pháo đài thiên nhiên, tôi bàn với anh em chọn đó làm nơi trú ẩn qua đêm.  Khi mọi người đã vào vị trí an toàn, mới thấy bụng đói cồn cào vì từ sáng đến giờ chưa ai có hột cơm vô bụng.  Vậy là tôi phân công tác cho anh em, người thì đào lỗ đặt cái nồi “đại táo” xuống, kẻ đi kiếm củi khô nhúm lửa, người xuống suối múc nước vo gạo, kẻ quanh quẩn kiếm thêm thức ăn tươi, phần tôi dùng cái xuổng xúc cát rửa sạch làm cái vá quậy gạo cho đều, lần đầu tiên trong đời tôi làm “Hỏa đầu quân” nên nấu cơm thành ba tầng: khét dưới đáy, nhão ở giữa, và sống nhăn trên mặt, tuy vậy mùi cơm khê tỏa ra thơm lừng cũng hấp dẫn mấy anh em. 

Có một anh mới đó đã lân la qua các đơn vị bạn và xuống tận nhà dân dưới xóm trổ tài khám bịnh ghẻ, chỉ cách dùng thuốc trụ sinh, thuốc ho . .. được thân chủ thấy cảm tình, tặng cho miếng thịt luộc và nửa con gà quay (chắc bữa đó nhà có đám giỗ!) Bữa cơm dã chiến coi vậy mà ngon hết biết, mọi người có vẻ thú vị với cuộc sống mới lạ, biết tìm cách thích ứng trong hoàn cảnh khó khăn.  Ai nói Quân Y chỉ biết ống chích với cục bông gòn? Hể là lính thì phải giỏi đủ thứ, biết tùy thời và linh động. Ăn uống xong mới nghĩ đến vấn đề an ninh đêm nay, trong rừng trời tối rất nhanh, các đơn vị bạn đóng quân chung quanh nhưng chưa ai biết ai, rủi ro địch nổ súng tấn công, anh em không biết lại bắn lầm nhau. .  Nghĩ tới điều nầy tôi giật mình, bàn với anh trung sĩ nhất phụ tá phải đi gặp từng đơn vị đề nghị một buổi họp bỏ túi chớp nhoáng trước khi mặt trời lặn hẳn. 

Tiểu đoàn bộ binh có nhiều kinh nghiệm chiến đấu được toàn quyền chỉ huy, soạn thảo kế hoạch phòng thủ, trao đổi mật khẩu mật hiệu.  Mọi người đồng ý tuân theo, chúng tôi về lại vị trí “pháo đài thiên nhiên” chia nhau canh gác.  Đêm đó, lần đầu tiên ra chiến trận, giữa núi rừng trùng điệp âm u, trong vị trí phòng thủ của mình, tôi chập chờn giấc ngủ nửa thức nửa tỉnh, lòng lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng cũng yên tâm vì biết sau lưng và hai bên sườn toán Quân Y của mình, những cánh quân bạn đang canh chừng thủ thế.

Trời vừa hừng sáng đã nghe tiếng chim ríu rít trong tán lá trên đầu, tiếng gà rừng eo óc xa xa, trên ngọn cây bên kia đồi một đàn khỉ đang nô đùa rượt nhảy, chuyền thoăn thoắt từ cành nọ sang cành kia kêu la chí chóe.  Anh y tá trưởng chỉ vào bụi lau thưa, ngồi khuất trong đó là anh hạ sĩ nhất Mã Xay vẫn lom lom cây súng Carbine trên tay chỉa về phía trước trong tư thế sẵn sàng.  Cũng may là tối qua không có điều gì bất trắc.  Anh em có một đêm yên tỉnh, an lành giữa chiến trường.  Sáng hôm đó Trung Tá Nguyễn Bảo Trị, tư lịnh Sư Đoàn ra thăm mặt trận đã khen ngợi sáng kiến tổ chức phòng thủ của Quân Y.  Chúng tôi tháp tùng theo ông lội bộ lên đồi.  Địch quân hôm qua bị ta phản công, đánh bật ra khỏi công sự phòng thủ của họ, chiếm lại đồn Dakrotah đã mất trước đó không lâu. 

Quang cảnh chiến trường còn ngổn ngang xác chết và vũ khí địch rải rác.  Chung quanh chúng tôi mùi thuốc súng khét nồng dày đặc trong không khí, dưới đồi một chiếc xe công chánh bị cháy đen thui còn trơ trọi khung sắt trông thiệt thảm hại. Quốc lộ 14 từ Dakrotah đến Daknhe, Thường Đức được khai thông trở lại.  Các đơn vị bộ binh tham dự cuộc hành quân từ từ rút về hậu cứ, toán Quân Y đi sau cùng để chăm sóc cho những thương binh còn sót lại mới được anh em võng ra để nằm dọc theo lộ.  Trên đường về thấy chiếc xe vận tải nằm nghẽn trên đèo đã được kéo đi, làm tôi nhớ đến cái chết thảm thương của Thiếu tá T.  cách đây vài hôm.  Ông lái xe Jeep trên đường ra mặt trận Dakrotah, tới chỗ nầy thì gặp một chiếc xe vận tải bị hư nằm lưng chừng dốc, sát bên vách núi, khoảng trống đường còn lại quá nhỏ cho một chiếc xe vượt đèo, ông lái cẩn thận chầm chậm để qua, nhưng gặp trời mưa đường trơn, hai bánh trước vừa qua lọt chỗ hẹp thì đất phía sau thình lình lỡ ra, chùi xuống làm xe ông mất thăng bằng lật luôn nhiều vòng xuống hố, trên xe có cả thảy bốn người, ba người bị thương, riêng ông chết vì chấn thương nặng sau gáy.  Trước đó vài giờ, chúng tôi còn gặp nhau trong quán nước dưới đồi, đoàn Quân Y chúng tôi nhường đường cho xe ông đi trước và chuyện không may đã xảy ra…

Tai nạn thương tâm nầy cứ ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ đến kiếp sống phù du của con người bé nhỏ, dễ tan biến theo luật sắc sắc không không, bào ảnh.  Chúng ta, nói cho cùng chỉ là cây sậy nhỏ bé yếu đuối trong vũ trụ bao la, không ai biết trước được những gì sẽ xảy đến cho mình, kể cả lúc thân xác mình tan nát, biến đi vào hư không.  Nếu hôm đó xe của tôi đi trước thì sao? Sống chết rõ ràng do Thượng Đế an bày cho số phận của mỗi con người.  Tôi nghĩ là mình may mắn trong lần nầy nên tâm niệm với lòng như một phương châm “Vì bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng cứu nhân của người Thầy thuốc, mỗi ngày nên cố gắng làm những điều tốt nhất giúp cho đời và bình thản chấp nhận những gì không may xảy đến cho mình mà không thở than hay luyến tiếc. ”

Giữa cảnh núi non trùng điệp miền biên ải, xa xa ngọn núi Quần Sơn Ngọc Lĩnh vươn cao ngạo nghễ, linh thiêng huyền bí, nhìn xuống thung lũng mịt mù, đâu đâu cũng thấy một màu khói lam lãng vãng khiến lòng tôi chùng xuống buồn rầu tự hỏi “Bao giờ chấm dứt chiến tranh? Bao giờ người dân hiền lành không còn chịu đựng cảnh bom đạn điêu tàn đang xảy ra từng ngày trên quê hương mình? Bao giờ những người lính được giã từ vũ khí để trở về sống bình yên bên mái ấm gia đình mà lâu nay họ thiếu thốn?”

BUỒN VUI ĐỜI LÍNH

Sau cuộc hành quân Dakrotah đoàn quân trở về đến Kon Tum thì trời đã xế.  Xe chạy thật chậm khi vào trong thành phố, những đứa trẻ đang đùa vui hồn nhiên trên cầu Dakbla dừng lại ngó đoàn xe nhà binh phủ đầy bụi đỏ, chỉ trỏ cười với mấy chú lính ngồi đàng sau.  Tụi nhỏ vô tư giống như tôi hồi đó, chạy giặc mà có biết chiến tranh là gì đâu, được đi đây đó tản cư, biết thêm một nơi ở mới, có thêm vài đứa bạn mới, chơi u mọi, tạt lon . . vậy là vui rồi. 

Tôi vẫy chào một thằng nhóc đứng bên đường đang nhìn tôi chăm chú, chắc nó lạ với cây gậy hai màu tôi đang cầm trên tay.Tôi nghĩ thầm trong bụng “Khi nó lớn lên hy vọng hết chiến tranh, nó không phải ra trận như tôi bây giờ.  Cũng vái trời được như vậy. ”

Về đến đơn vị vừa tắm rửa xong, mới thay xong bộ đồ nhà binh dầy cui bết bùn ra định tìm cái gì bỏ bụng rồi ngủ một giấc cho đã, thì thấy có hai vợ chồng trẻ đi với một đứa bé trai chừng 8, 9 tuổi, đứng thập thò ở cửa, tôi chưa kịp hỏi thì thằng bé đã nhanh nhẩu: “Con đang chơi trên cầu thì thấy xe bác sĩ nên chạy theo sau, biết bác sĩ ở đây, con về nói cho Ba Má con hay để đem cơm tới cho bác sĩ ăn.  Con biết bác sĩ đi hành quân về đói!” Người mẹ nhắc tôi nhớ lại đứa nhỏ bị sốt thương hàn, được tôi chữa khỏi cách đây không lâu.

Mâm cơm tuy đạm bạc, chỉ có vài miếng khô nướng nhỏ bằng hai ngón tay, một cái trứng vịt luộc dầm nước mắm và ít cọng rau thơm. .  nhưng chứa đựng một sự chân tình sâu đậm làm tôi hết sức cảm động.  Từ ngày tốt nghiệp ra trường, phục vụ đồng bào bằng nghề nghiệp của mình, đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhận được tấm lòng thương yêu quý mến biểu lộ cụ thể của người dân nơi đây..  Mới biết lòng biết ơn ai cũng vậy mà thôi, người sơn dã mộc mạc hay người đồng bằng tiến bộ hơn cũng thế.  Bữa cơm thật ngon lành đậm đà tình nghĩa khiến tôi nhớ hoài. Kon Tum là một vùng đất rộng lớn với núi rừng trùng điệp thuộc miền Cao Nguyên Thượng, giáp dãy Trường Sơn.  Phía bắc có ngọn núi Ngọc Lĩnh cao nhất miền Nam, gần 2600m, về mùa mưa nước trên núi cao đổ mạnh xuống các vùng trũng, đôi khi tạo nên những cơn lụt bất ngờ không trở tay kịp.

Kon Tum theo tiếng Banhar có nghĩa là cái làng (kon) ở ven hồ (tum).  Sông Dakbla bắt nguồn từ cao nguyên G I Komplon là một trong ba con sông chánh chảy qua vùng nầy trước khi đổ vào sông Cửu Long, mùa khô lòng sông cạn có thể đi bộ qua bên kia bờ, nhưng mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mực nước sông dâng cao chảy xiết, thuyền bè không qua lại được.

Đại đội 22 Quân Y lại nằm trong một vùng đất thấp gần sông, mấy hôm trước có những trận mưa to trên núi, từ Dakrotah, Daksut, Dakto xuống đến Kon Tum.  Một sáng nọ tôi dậy sớm đi bộ dọc theo ven sông, chợt thấy mực nước dâng lên bất thường, càng lúc càng cao, đến trưa nhìn ra đã thấy nước mấp mé sau lưng doanh trại Quân Nhu, chỉ cách đơn vị tôi một con đường đất cao hơn một thước. 
Với tư cách xử lý thường vụ Đại đội trưởng, tôi lo ngại cho sự an toàn của đơn vị mình nếu có lũ lụt, nên vội vàng tập họp nhân viên các cấp để thảo kế hoạch di tản khẩn cấp.  Ông Thượng Sĩ đại đội được lịnh điều khiển binh lính và giúp dược sĩ Lý Công Tuấn trông coi việc bảo quản kho thuốc. . 

Trong khi chúng tôi còn đương chuẩn bị thì nước đã tràn qua đường và thấm vào sân trại.  Kẻng báo động vang lên.  Mọi người đã hiểu rõ cách ứng phó theo kế hoạch nên công việc thiệt dễ dàng và có thứ lớp.  Ưu tiên di tản thương binh lên vùng đất cao trên Tổng hành dinh, vách ván phía sau kho y dược được phá ra để tiện di chuyển đồ đạc lên đồi, sổ sách của ban nào thì ban đó giữ gìn cẩn thận.  Quân xa để đèn pha, nối đuôi nhau chạy vào sân để chở đi những máy móc y cụ quan trọng như bàn mổ, ghế Nha khoa….Đến 7 giờ chiều, đơn vị đã bị nước ngập toàn bộ nhưng tất cả những đồ đạc đều được di dời kịp thời, đúng theo kế hoạch, quân xa súng đạn, thuốc men y cụ …được anh em sắp xếp vào chỗ mới an toàn, bịnh nhân thì nằm yên ấm trong hội trường của Tổng hành dinh và được bác sĩ tiếp tục chăm sóc chu đáo, chỉ có Ban điều hành bị thấm ướt loi ngoi như chuột vì chạy tới lui thu xếp công việc.  Tôi quan sát sự rộn rịp và hăm hở của mọi người mà cảm thấy vui vui.

Những nhân viên lâu năm ở đây cho biết ngày trước có lần Quân Y ở đây đã bị ngập lụt thình lình vào ban đêm, nước sông tràn lên quá nhanh, anh em thiếu chuẩn bị nên lần đó thiệt hại rất nặng nề, bịnh nhân phải leo lên nóc bịnh xá hay các nhánh cây bả đậu gần đó chờ xuồng tới cấp cứu, kho thuốc bị nước tràn vô hư hỏng toàn bộ, chiếc quân xa cứu thương chết máy, bị cuốn trôi xuống suối . .
Lần nầy nước lên cũng nhanh, nhưng do xảy ra ban ngày và có chuẩn bị đối phó kịp thời nên thiệt hại không đáng kể, nhưng phải đợi vài ngày sau cho nước rút khô, làm lại vệ sinh doanh trại, sửa chữa những phòng ốc bị hư hỏng và dời bịnh nhân, xe cộ, thuốc men trở về vị trí cũ. .  Thiên tai quả thật khó lường! Chúng tôi lại có thêm kinh nghiệm cho những mùa lũ lụt sắp tới. .  Bộ Tư lịnh có công văn khen ngợi Đại đội quân Y tổ chức tốt nên bảo vệ an toàn cho đơn vị.

TIỀN ĐỒN BENHET
NẰM GIỮA RỪNG GIÀ HẺO LÁNH


Sáng nay nhằm ngày Thứ Sáu 13 tây, đối với Âu Châu người ta hay e dè lắm, tôi chưa có thời giờ tìm hiểu lý do tại sao họ có niềm tin mang tính chất huyền bí nầy.  Tôi thấy nhiều người có học cũng tin điều nầy, nhưng tôi thì không, vì tôi tin tưởng rằng mình làm theo đúng lương tâm chức nghiệp, sống theo lẽ phải, tôn trọng lòng nhân. .  Nếu quả thật có quỉ thần thì cũng ủng hộ mình, không thể nào đành tâm hại mình.  Sống trong sự tin tưởng đó nên nhiều khi biết nơi sắp đến là chỗ nguy hiểm tôi cũng không nao núng.  Nhiều lần các binh sĩ Quân Y theo nói nhỏ: Bác Sĩ, chỗ đó khó lòng lắm, tốt hơn là BS đừng đi, hay Bác Sĩ nên coi mà về sớm sớm… Đối với những lời khuyên đại loại như vậy tôi chỉ cười cảm ơn mà không có ý kiến, chỉ làm theo công vụ và lương tâm.

Theo chương trình đã định, anh bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân và tôi xuống chợ Kon Tum làm công tác dân sự vụ, khám bịnh và phát thuốc cho đồng bào.  Công việc đang tiến hành tốt, dân chúng kéo đến mỗi lúc một đông.  Đã quá trưa mà vẫn còn nhiều bịnh nhân, chúng tôi định làm việc luôn để ra về sớm, thì có lịnh của Đại đội trưởng là tôi phải đi thanh tra y tế ở tiền đồn Banhet gấp.  Anh Nhân biết được lịnh nầy có vẻ bất bình “Vendredi 13 là ngày xấu, tại sao hắn lại bắt ông đi ngay hôm nay? Thanh tra thì có gì khẩn cấp lắm đâu mà hắn lại đối xử với đồng nghiệp như vậy thì là chuyện không phải bình thường rồi?” Tôi cũng hơi bất ngờ khi nhận được công tác nầy, nhưng đây là một lịnh nhà binh trong thời chiến, phải tuyệt đối chấp hành.  Tôi sửa soạn đồ nghề của mình, giao công việc lại cho anh BS Nhân.

Trở về trại, tôi thay bộ quân phục tác chiến, sửa soạn lên đường thì tình cờ gặp thiếu tá Châu, tư lịnh phó Sư đoàn, ông cho biết tiền đồn Banhet nằm trong một vùng đồi núi hẻo lánh gần biên giới Việt Miên Lào, cách Sàigòn 285 dặm và cách thị xã Kon Tum chừng 75 km về hướng đông bắc.  Đường đi xuyên qua rừng rậm, nổi tiếng nguy hiểm dễ bị phục kích bất ngờ.  Việt Cộng thường hay đem quân đánh phá các vùng biên cương hẻo lánh này.  Thấy tôi đơn độc lái xe đi công tác, ông liền cho một xe thiết giáp đi trước mở đường và chúc tôi nhiều may mắn.

Thật đúng với chữ tiền đồn, Banhet nằm trong một vị trí rất chiến lược gần biên giới, án ngữ con đường xâm nhập vào địa đầu của Kon Tum, được phòng thủ kiên cố bởi những giao thông hào chằng chịt, bao quanh nhiều lớp dây kẽm gai concertina và bãi mìn Claymore.  Muốn lên Bộ chỉ huy nằm trên đỉnh đồi, tôi bắt buộc phải bỏ xe ở chân đồi để leo dốc, len lỏi theo con đường độc đạo quanh co.  Banhet có khoảng một đại đội lính thiện chiến võ trang đầy đủ ngày đêm canh gác và sẵn sàng tác chiến trong bất cứ tình huống nào.  Vấn đề tiếp liệu rất khó khăn, thông thường vận chuyển bằng phi cơ, lính tráng rất ít khi xuống chân đồi, ngoại trừ những trường hợp thật cần thiết như lúc phải tổ chức quân cảm tử xông ra vòng rào để lấy về một vài kiện hàng do phi cơ thả rớt ra ngoài.  Đường xuống tỉnh lỵ xa xôi, thường bị phục kích hay bắn sẽ, nên nhiều quân nhân mặc dầu có phép cũng không dám đi một mình.  Họ sống biệt lập với chung quanh, nên khi thấy tôi một mình lót tót lên đồn, tất cả đều ngạc nhiên, xúm xít lại hỏi thăm vồn vã, hít hà lia lịa “hên cho ông là không bị VC phơ mấy phát, nát sọ dừa”.  Tôi cười mà run trong bụng, chắc là hên thiệt!

Tôi bắt tay ngay vào việc khám bịnh tổng quát cho các anh em binh sĩ trong trại và cả gia đình họ.  Tình trạng sức khỏe ở đây nói chung rất khả quan, không ai mang bịnh ngặt nghèo hay thương tích trầm trọng, chỉ có điều là thiếu dinh dưỡng do cuộc sống tù túng trong vùng heo hút, việc cấp phát lương thực có phần hạn chế, nên ai cũng đen đúa gầy còm.  Trước khi ra về tôi để lại toàn bộ thuốc men, bông băng cấp cứu dự phòng cho đơn vị, tôi tiếc là mình không thể mang theo nhiều hơn để tặng cho tiền đồn đứng đầu sóng ngọn gió đầy kiên cường nầy, nó là một thành trì địa đầu biên ải đáng ca ngợi vinh danh vì giữ vai trò ngăn chận quân Bắc Việt, từ mật khu bên kia biên giới Miên Lào tràn qua thung lũng Dakto.

Chuyến công tác ngày thứ Sáu 13 của tôi coi như hoàn thành tốt đẹp.  Khi trở về doanh trại, với những sinh hoạt sau đó, tôi vẫn không phiền hà gì về cái lịnh vừa qua, tuy nhiên tôi có nhiều suy nghĩ về anh bác sĩ Đại đội trưởng của mình..  Quen biết anh từ ngày đổi về đây làm Y sĩ điều trị, tôi giữ tấm lòng quí mến và xem anh như một bậc huynh trưởng trong nghề, tự xét mình chưa làm gì sai trái với anh.
Trong thời gian anh nghĩ phép về Saigon, đơn vị xảy ra nhiều biến cố quan trọng như đại đội Quân Y bị nước sông Dakbla tràn ngập thình lình và đợt hành quân vùng biên giới phía Bắc Kon Tum.  Với tư cách xử lý thường vụ của Đại đội, tôi đã thay anh hoàn thành nhiệm vụ trong khó khăn, nguy hiểm, tại sao anh lại khó chịu với tôi ? Nếu tôi hay bất kỳ ai có làm điều gì tốt cho đơn vị thì người được khen trước nhất là đơn vị trưởng, là chính anh…Vậy mà trong một lần bực dọc gì đó, anh đã buột miệng nói với tôi “Anh đừng làm nổi cho người khác chú ý tới anh. ” Thật tình tôi không hiểu được ý anh. 
Một lần trong bịnh xá lúc nửa đêm có người đau nặng, nhân viên trực điện thoại cho mời tôi vô gấp, anh không cho tôi dùng xe của đơn vị… Nóng lòng vì người bịnh đang chờ đợi, tôi phải đi đường tắt bằng cách lội ngang suối, trời Kon Tum đêm lạnh thấu xương, sau chuyến đó về tôi bị cảm nặng.  Đau đớn là tôi xin phép anh ra Pleiku để chụp hình phổi thì anh từ chối thẳng thừng, buộc tôi nằm lại bịnh xá vừa tự chữa cho mình vừa chăm lo sức khỏe cho binh sĩ… Tình đời nghĩ cũng buồn! Thấy cách đối xử của anh như vậy binh lính trong trại nói là tôi bị đì.  Vài bạn bè bên Sư Đoàn muốn tạo cơ hội giúp tôi phương tiện xe cộ để đi làm việc, nhưng tôi cám ơn và từ chối, vì không muốn để người ngoài chen vô nội bộ của Quân Y…

Rồi chuyện gì đến cũng đến, anh về thẳng Nha Quân Y ở Sàigòn xin đề nghị chuyển tôi qua đơn vị khác.  Ông Trung tá Tư lịnh Sư Đoàn cho gọi tôi lên văn phòng ôn tồn hỏi tôi:

“Giữa Trung Đoàn 41 và Trung Đoàn 40, bác sĩ muốn chọn nơi nào?

Tôi không ngần ngại đưa ra ý kiến:

“Nếu Trung Tá cho phép tôi chọn lựa thì xin cho tôi về Trung Đoàn 40.

Ông cười vẽ thông cảm:

“Bác sĩ có bạn bè bên đó à?”

Tôi thật thà trả lời:

“Thưa không, nhưng tôi thấy văn phòng Y sĩ trưởng Trung Đoàn 41 khang trang, sạch đẹp, lại nằm ngay trung tâm thành phố Kon Tum an ninh hơn, trong khi văn phòng Y sĩ trưởng của Trung Đoàn 40 thì nghèo nàn với dãy nhà lợp tole vách ván, nằm cheo leo bất an dưới chân đồi Dakto, cách xa Bộ Chỉ Huy… tôi nghĩ ở đó tôi có thể yên tâm làm việc và giúp đở dân chúng được nhiều hơn. ”

Thấy lập luận của tôi có vẽ hơi khác thường, chỗ sướng không chịu, lại chịu chỗ cực, ông trầm ngâm một lát rồi chắc là biết tánh tôi thẳng thắn, có khả năng trong công việc, nên đồng ý ký Sự Vụ Lịnh chuyển tôi về làm Y sĩ trưởng Trung Đoàn 40, đóng tại Dakto, Tân Cảnh, cách Kon Tum 50 cây số về hướng Bắc.  Đó là những ngày giáp Tết năm 1961.

Có một bài hát tôi nghe hoài trong radio, nhưng chưa bao giờ hình dung ra nơi nầy là “Thành phố buồn. ” Kon Tum đã buồn với những con đường bụi mù nắng cháy ban ngày và những ngọn đèn đường vàng vọt hắt hiu trong sương rừng mờ mịt buổi tối thì Dakto càng ảm đạm hơn với khói lam chiều phủ kín nương đồi, bàng bạc trong không gian u tịch.  Nếu ở miền Tây của tôi, những nơi xa xôi hẻo lánh, người ta gọi là “khỉ ho cò gáy”, miền Trung khô khan cằn cỗi thì gọi là nơi “chó ăn đá, gà ăn muối” thì ở đây chắc phải ầu ơ. .  “chim kêu vượn hú biết nhà Má đâu. ”

Vác ba lô đến nhận nhiệm sở mới trong những ngày cuối năm, tâm trạng tôi không vui cũng không buồn, chỉ náo nức muốn đến nơi mới để rộng đường làm việc thôi, các chuyện nầy nọ vừa qua cứ coi là những chuyện lẻ tẻ, không đáng kể của đời lính.  Biết mình bị thiệt thòi nhưng thời buổi chiến tranh, sống chết còn bất thường thay thì bận lòng chi những vặt vãnh chuyện thế thái nhân tình.  Suy cho cùng đây cũng là bài học ngoài trường đời mà lần đầu tiên tôi gặp phải, có thêm kinh nghiệm sống để thích ứng với mọi hoàn cảnh trớ trêu.  Sách của thánh hiền thì nhiều, tư tưởng của người xưa thì bao quát, không biết lấy lời lẽ nào cho thích hợp với tâm trạng của tôi: Lão Tử thì dạy hãy “TRỐNG KHÔNG” như hang núi, “Khoang hề ký nhược cốc”, J’ Khrisnamurti thì khuyên hãy “KHÔNG LÀ GÌ CẢ “ thì đời sẽ trở nên vô cùng đơn giản và tốt đẹp...

Tôi nghĩ “dù ở vị thế nào thì người thầy thuốc cũng phải có trách nhiệm với tha nhân, đem kiến thức và khả năng của mình để giúp dỡ người khác, nhìn vào vết thương của người bịnh mà chữa chứ không nhìn vào cái áo họ đang mặc để đánh giá thấp cao hay phân biệt đối xử.  Dù đi bất cứ nơi nào trong đất nước mình, có cơ hội để chăm lo sức khỏe cho bất kỳ người nào cần, tạo dựng sức sống an lành cho đồng bào chung quanh là tôi cho rằng mình đã đạt được mục đích sống có ý nghĩa rồi. ” Nghĩ vậy nên tôi thấy lòng mình thanh thản nhẹ nhàng khi rời đơn vị cũ để bắt tay vào đơn vị mới hăng hái làm việc, không bận lòng chi nữa.

Bộ Chỉ huy Trung Đoàn 40 nằm trên đồi cao, bịnh xá nằm dưới chân đồi, gần khu gia binh, bên trái quốc lộ 14.  Đó là hai căn nhà cũ kỹ hai mái lợp tole xiên xiên, vách ván, nền tráng xi măng.  Căn bìa được ngăn làm đôi, phòng ngoài gần cửa ra vào dành cho Y sĩ trưởng, gồm một bàn làm việc nhỏ với hai cái ghế bằng gỗ tạp, đàng sau bức màn vải màu xanh da trời là cái giường sắt được đặt sát vách.  Phòng bên trong rộng rãi hơn kê được tám giường cho bịnh nhân nội trú.  Căn bên là nhà hộ sinh, trang bị một bàn sanh với ba giường.

Phía trước bịnh xá là cái giếng lộ thiên nằm giữa khoảng sân khá rộng, nước ngọt quanh năm dùng chung cho cả trại, đàng sau dãy nhà có khoảng đất nhỏ trồng rau, bên cạnh là chuồng gà đóng sát hàng rào.

Đi vòng vo khắp hết bịnh xá cũng không thấy đồng nghiệp nào bàn giao công việc hay giấy tờ sổ sách gì, trại bịnh cũng vắng hoe, không thấy bịnh nhân nào, chắc mọi người bận rộn về nhà chuẩn bị ăn Tết.  Tôi lên đồi trình diện Thiếu tá Hiền trung đoàn trưởng, liền được ông giao ngay công tác chuẩn bị lên thăm một đơn vị đóng trên đồi Daksut gần biên giới.  Phải lái xe thêm 50 cây số đường rừng thâm u, hẻo lánh. . 

Còn vài phút nữa là đến giờ Giao Thừa, tôi nằm trằn trọc trong căn phòng đơn độc của mình nhớ về gia đình, người thân và những kỷ niệm thời thơ ấu, bao nhiêu mùa xuân đã qua trong cuộc đời.  Lúc đi học thì cắm cúi miệt mài thi cử, ra trường vào lính thì chăm chỉ với nghề nghiệp của mình.  Tuổi trẻ thời chiến không có những phút giây lãng mạn với mối tình đầu như trong thơ trong nhạc, nếu nói như các anh em trong đơn vị thì đúng là tôi đến bây giờ vẫn chưa có một mối tình vắt vai, nên những ngày trống vắng nầy càng không có một bóng hồng để nhớ. .

Đang mơ màng thì chợt nghe một tràng súng lớn súng nhỏ nổ như bắp rang, từ bốn hướng đạn lửa xẹt ngang dọc trên trời, xé tan bầu không gian tịch mịch…Thì ra những người lính xa nhà đã giải khuây đôi chút, lấy tiếng súng thay cho tiếng pháo Giao thừa.  Rồi tất cả cùng im bặt, lặng thinh.  Bầu trời đầy sao và trong phút giây thanh vắng của đêm đen, có tiếng con tắc kè kêu ở góc nhà nghe buồn não nuột.  Tôi trở mình để thấy đêm như dài hơn giữa rừng núi hoang vu.

Sáng sớm ngày mồng một, đã thấy Ông Quận Trưởng cho người mang một ghè rượu to tướng 4 tai bằng men màu vàng sậm, chung quanh chạm trổ đuôi rồng với bốn cần trúc dài uốn cong cong, đem đặt giữa khoảng đất trống.  Sĩ quan đơn vị trưởng các binh chủng đồn trú quanh vùng được mời ngồi bốn góc, vừa thưởng thức rượu nếp than đặc biệt, vừa chúc Tết lẫn nhau, chén thù chén tạc.  Không có câu liễn đỏ treo tường theo truyền thống, nhưng cũng đủ bánh tét, bánh chưng với dưa món, tôm khô, củ kiệu, mứt gừng mứt bí… Sau lưng mỗi đơn vị trưởng là lính của mình, khi nào một vị đã loạng choạng nói không vững nữa thì đệ tử xúm lại đở đưa về doanh trại. Tự biết tửu lượng mình kém, nên tôi chỉ nhấp cho vui, tuy nhiên dưới men rượu nồng, mưa sương gió lạnh, tôi cũng cảm thấy đầu hơi chếnh choáng nên đứng dậy, chúc lành gia chủ cùng bạn bè thân hữu xin cáo biệt, trở về lều đánh một giấc ngon lành không mộng mị.

Qua ngày mồng hai ngủ dậy tỉnh táo, tôi tổ chức cùng vài nhân viên đi thăm đồng bào quanh vùng bên kia ngọn đồi.  Một chiếc cầu treo lơ lửng được kết bằng mây rừng bắt ngang con suối nước chảy trong veo trông vừa hoang sơ vừa thơ mộng, lòng suối khá rộng nên dân ở hai bên bờ di chuyển bằng những chiếc xuồng nhỏ chế biến từ những thân cây đục rỗng ruột hay kết bè bằng nứa hoặc lồ ô để chở những vật nặng xuôi theo dòng

Nguyễn Duy Cung
(Còn tiếp)

 

No comments: