Thursday, May 6, 2021

Xuân Lộc tháng Tư 1975 (Kỳ 6 & 7) - Triệu Phong dịch thuật -

Bom 750 cân Anh đang trục ra khỏi giá gỗ. So sánh  với người cho thấy kích thước to lớn của chúng. (GlobalSecurity.org)

Không lâu sau khi Tướng Trà rời khỏi BCH Công Trường B-2 ở Tây Ninh, Tướng Dũng gọi điện cho Tướng Hoàng Cầm, cung cấp cho Tướng Cầm một khái quát về những lệnh lạc mới. Ý thức được quân NV đang dồn hầu hết lực lượng trừ bị còn lại vào việc bảo vệ Xuân Lộc, hai tướng Dũng và Trà nhận thấy kế hoạch phòng thủ của Tướng Lê Minh Đảo có hai chỗ nhược. Một là Tướng Đảo lệ thuộc vào căn cứ không quân Biên Hòa trong việc yểm trợ bằng phi pháo. Còn điều kia là Trung Đoàn 52 giữ ngã ba Dầu Giây, nằm ngoài mạng lưới phòng thủ chính và đang bị cô lập. Tướng Dũng về sau có viết : “Một khi địch dồn quân để bảo vệ Xuân Lộc thì ta không cần phải tập trung lực lượng để đánh trực diện chúng. Ta nên chuyển lực sang tấn công các đơn vị đánh phản công của chúng ở vòng ngoài. Ta nên dùng đại bác tầm xa phá hủy căn cứ không quân Biên Hòa để chiến đấu cơ của địch không thể cất cánh.”

Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân nay dùng vận động chiến để đạt được mục tiêu mà họ đã thất bại với chiến thuật tấn công trực diện vừa qua.

Sau cú phôn của Tướng Dũng, Quân Đoàn 4 mở cuộc họp vào chiều 11 tháng Tư để duyệt lại tình hình. Lạ thay, mặc dù Tướng Dũng đã đưa ra chỉ thị bằng miệng, Tướng Cầm tung ra thêm hai cuộc tấn công trực diện vào ngày 12 tháng Tư. Đợt đầu xảy ra trước rạng đông, đánh vào mặt đông bắc thị xã và kéo dài đến 9:30 sáng. Không Quân Nam Việt sử dụng máy bay vận tải C-130 chở theo nhiều bom 750 pound ràng chung với nhau trên giá gỗ, rồi cho lăn nguyên cả khối ra khỏi mặt sau máy bay xuống đầu mục tiêu. Đồng thời pháo binh NV nả pháo với hiệu quả tàn phá cao. Sau khi đối phương rút lui, người ta đếm được 235 xác chết. Đến giữa trưa, quân BV mở đợt tấn công khác, một lần nữa các đơn vị đã suy yếu của SĐ 341 được tung ra để đánh vào quân trú phòng NV đang ẩn mình trong các hầm hố quanh chu vi phòng thủ của thị xã. Không quân NV lại thực hiện hai mươi phi vụ, phá vỡ đội hình đối phương trước khi họ đến sát được vị trí của Nam quân.

Không lạ gì, sau bốn ngày giao tranh báo cáo cho thấy tổn thất của phe CS lên đến hai ngàn chết và bị thương, trong khi thương vong phía VNCH chỉ vài trăm. Tướng Đảo và SĐ 18 đã biến Xuân Lộc thành một bãi chiến trường đẫm máu.

Tuy nhiên, sau trận chiến ngày 12 tháng Tư, theo kế hoạch của chiến thuật mới, Quân Đoàn 4 BV được bổ sung thêm xe tăng, trọng pháo và nhân lực. Tướng Trà có viết lại rằng “Quân Đoàn ta được tăng phái một đại đội tăng và một số pháo dã chiến và cao xạ phòng không, đồng thời viện binh và đạn dược được khẩn trương chuyển tới, qua đó ta vẫn có thừa sức để chiến đấu.” Chiều hôm đó, QĐ 4 ra lệnh cho SĐ 341 rút ra khỏi vòng đai của thị xã; lúc đêm xuống, các trung đoàn của sư đoàn thay đổi vị trí. Trong khi ấy SĐ 6 vẫn nằm yên tại chỗ, còn SĐ 7 thì tìm cách chận đứng đường tiến của quân Dù.

Thêm điềm gở đến với Tướng Đảo. Đó là sự mới kéo đến âm thầm của Trung Đoàn 95B CS vào hôm 13 tháng Tư từ Cao nguyên Trung phần. Khi QĐ 4 gặp khó khăn, Tướng Trà đã ra lệnh cho trung đoàn này di chuyển xuống phía nam. Tăng viện thêm đơn vị này là chỉ dấu cho thấy những quan ngại sâu xa của ông. Ông tin tưởng việc ném thêm đơn vị này vào chiến trường để đánh quân Miền Nam đang kiệt sức có thể giúp đảo ngược được cơn sóng triều tại Xuân Lộc.

Tướng Trà đến BCH QĐ 4 hôm 13 tháng Tư và gặp mặt ban tham mưu. Qua phân tích tình hình, Tướng Trà và các sĩ quan BV “đi đến một kết luận dứt khoát : Xuân Lộc là điểm cực kỳ quan trọng nằm trên tuyến phòng thủ của địch, bởi vậy chúng phải tập trung nhiều lực lượng để bảo vệ nó. Ta không còn yếu tố bất ngờ nữa. Bởi vậy việc tiếp tục tấn công Xuân Lộc hoàn toàn không thuận tiện cho ta.” Tuy vậy, “Nếu đánh chiếm và trấn giữ ngã ba Dầu Giây thì Xuân Lộc không còn là trọng điểm nữa vì nó trở thành nằm ngoài tuyến phòng thủ. Do đó ta sẽ thực hiện hai động thái : Một là tập trung sự tấn công của ta vào Dầu Giây từ hai hướng. Hai, ta sẽ rút quân khỏi Xuân Lộc.” Tướng Trà nhận định rằng ngày nào SĐ 18 còn được không yểm một cách hiệu quả ngày đó bộ đội của ông còn phải cực kỳ vất vả mới lấy được cái thị xã đổ nát hoang tàn này. Ông lên kế hoạch ngầm chuyển các khẩu đại bác 130 ly đến gần tầm bắn vào căn cứ không quân Biên Hòa rồi dội pháo dữ dội để làm tê liệt phi trường.

Khi quân Bắc Việt bắt đầu rút khỏi vùng ngoại vi vào đêm 12 tháng Tư, Tướng Đảo lập tức tiến quân và chiếm lại những khu vực ấy. SĐ 18 cũng bắt đầu bổ sung lực lượng. Vào chiều 12 tháng Tư, không quân NV chở đến chín mươi tấn đạn trọng pháo bằng tám chuyến Chinook. Ngày hôm sau Tướng Đảo nhận thêm một trăm tấn gồm thực phẩm và đạn súng nhỏ.

Chính phủ Miền Nam lợi dụng sự giữ vững Xuân Lộc của SĐ 18 để động viên tinh thần vốn đang hoảng sợ của dân chúng và sự mất nhuệ khí chiến đấu của quân đội. Sau những thảm bại trước đây, chính phủ nay hết sức cần đến một cái gì đó cho mục đích tuyên truyền. Họ tổ chức một chuyến cho nhà báo đến thăm thủ phủ hoang tàn của tỉnh Long Khánh để phô trương sự chiến thắng.

Ngày 13 tháng Tư, vào một buổi sáng Chủ Nhật nắng đẹp, những phái viên ngoại quốc lần đầu tiên được không vận đến Xuân Lộc bằng trực thăng vận tải Chinook. Họ đáp xuống ấp Tân Phong, nơi họ được một Lê Minh Đảo đầy thách thức sơ lược tình hình, người từng thề “đánh bại” bất kỳ sư đoàn BV nào gửi đến để đánh ông. Các phóng viên được dẫn bộ dọc theo QL 1 vào hướng Xuân Lộc, xem sự hoang tàn của vùng phía bắc thị xã, bị tàn phá sau năm ngày giao tranh liên tục. Đại Tá Lê Xuân Hiếu, trung đoàn trưởng Trung Đoàn 43, hướng dẫn cuộc viếng thăm khu thị tứ, tận mắt nhìn những thi thể của địch quân, xem triển lãm từng núi vũ khí và vài tù binh bắt được. Pháo binh BV tiếp tục bắn lẻ tẻ vào, làm tung những cột khói đen lên trời. Một nhà báo viết rằng “Những trận mưa pháo và ác chiến trên đường phố biến những khu thị tứ thành những đống tro trắng bạc, những tường gạch đen điu và những cột sắt cong queo. Khu chợ trung tâm một thời sầm uất của Xuân Lộc nay là một đống đổ nát cao ngập cẳng chân.”

Đáng tiếc thay, lúc đám phóng viên quay trở về là lúc biến thành một ác mộng đối với phe Miền Nam. Số là thường dân tranh chỗ ngồi trên mấy chiếc Chinook bị một vài người lính sợ chiến đấu xô xuống để giành chỗ. Những người lính khiêng cáng thương binh lấn qua mặt đám đông, thậm chí bỏ mặc thương binh nằm trên băng ca xuống đất, còn nhà báo Mỹ thì tay xô tay lên cùi chỏ để chen lấy chỗ trên những chiếc trực thăng chật ních. Mặc dù chuyến trở về gặp nhiều gian nan vậy mà lạ thay những bài tường trình của các nhà báo đã tỏ ra khá lễ độ đối với binh sĩ Sư Đoàn 18.

Lúc đêm xuống của ngày 12 tháng Tư, trong khi chính phủ Miền Nam tuyên bố chiến thắng thì quân Bắc Việt động binh chuẩn bị cho động thái kế tiếp. Đó là tấn công vào ngã ba Dầu Giây.

Sang ngày 13 tháng Tư, những cuộc tấn công ào ạt bằng trọng pháo lẫn bộ binh với quân số áp đảo dễ dàng đẩy đội quân phòng thủ yếu ớt ra khỏi ấp Phan Bội Châu, lùi về mé ngoài của Dầu Giây. Đêm đó, trung đoàn trưởng Trung Đoàn 52 NV ra lệnh cho hai đại đội thuộc Tiểu Đoàn 3 tìm đến Tiểu Đoàn 1, yểm trợ họ rút ra khỏi Dầu Giây. Di chuyển dưới trời đêm tối đen xuyên qua những lùm cây rậm rạp, Tiểu Đoàn 3 thực hiện thành công việc giải cứu thành phần còn lại của Tiểu Đoàn 1. Số là tiểu đoàn này chỉ còn một phần ba quân số sau năm ngày ăn đạn pháo và chịu sự tấn công liên tục của Trung Đoàn 33 BV. Dầu Giây nay coi như bỏ không. Bị bao vây và không thể tải thương cũng như nhận tiếp tế, thành phần còn lại của Trung Đoàn 52 nay đang ở trong tình thế cực kỳ nguy khốn. Hôm 10 tháng Tư trung đoàn này bị Tướng Đảo lấy bớt Tiểu Đoàn 2 để tăng cường phòng thủ cho Xuân Lộc khiến tuyến phòng thủ của trung đoàn trở nên yếu hẳn đi. Việc lấy bớt một tiểu đoàn như vậy là một trong vài sai lầm chiến thuật của ông.

Với sự rút lui của Tiểu Đoàn 1, Lữ Đoàn 3 Thiết kỵ một lần nữa tìm cách tiếp cận với Trung Đoàn 52. Nhận thấy tầm quan trọng của việc khai thông quốc lộ, Chuẩn Tướng Khôi quyết định đi vòng tránh chỗ bị chận. Ông gửi một đoàn gồm một tiểu đoàn Biệt Động Quân và đội Thiết Kỵ tiến lên phía bắc Hưng Lộc để gặp Trung Đoàn 52 tại vị trí của họ ở ấp Nguyễn Thái Học, nằm trên QL 20, ngay phía bắc Dầu Giây.

Vào giữa trưa ngày 14 tháng Tư, quân của Tướng Khôi chiếm được Đồi 122, vùng cao điểm phía bắc Hưng Lộc, nơi đây chỉ gặp kháng cự lẻ tẻ của quân CS. Tuy nhiên con suối đầu tiên trong số nhiều con suối khác cản đương làm đoàn chiến xa dừng lại, chờ công binh làm cầu để vượt qua. Điều này cho phép quân CS phản ứng bằng động thái bất ngờ, và họ nhanh chóng mở cuộc phản công. Chẳng mấy chốc, lực lượng của Tướng Khôi ăn mưa pháo từ cả ba phía. Theo cấp chỉ huy dưới quyền ông, “Địch bu lại đông như kiến. Họ tung ra nhiều đợt tấn công biển người tiến lên ba phía của ngọn đồi. Trước tình thế tuyệt vọng như vậy, tôi thỉnh cầu xin yểm trợ bằng pháo binh lẫn máy bay. Bất hạnh thay, những gì chúng tôi có chỉ vài chiếc trực thăng võ trang bay tới thụt vài trái hỏa tiễn rồi lập tức biến đi. Địch lại tấn công với cường độ ác liệt hơn. Tôi nghĩ rồi ra họ sẽ hoặc tràn ngập Đồi 122 hoặc bao vây rồi cắt chúng tôi thành từng mảnh. Đột nhiên họ rút quân và cuộc giao tranh kết thúc. Chúng tôi thiệt mất hai mươi con cái, trong khi bên BĐQ mất đến gấp đôi. Còn phía địch quân thì xác nằm rải đầy đồi.” Việc tìm đường đi vòng lên hướng bắc của Tướng Khôi như vậy là bị chận lại khiến chịu cảnh cắt đứt liên lạc với SĐ 18 lẫn Trung Đoàn 52.

Tướng Lê Minh Đảo (phải) và trung tá trung đoàn trưởng Trung Đoàn 52. (Photo : Line-17QQ)

Để phá vỡ vòng vây, quân NV tiếp tục vận dụng mọi cách để cân bằng với phe CS về mặt trọng pháo lẫn quân số. Một trong những lợi thế chiến thuật của Tướng Đảo là sử dụng hữu hiệu việc nghe lén điện đàm. Bộ Tổng Tham Mưu có phái đến các toán hai mươi người cho mỗi sư đoàn để theo dõi và nghe lén điện đàm của địch. Về sau Tướng Đảo thuật lại với tác giả cuốn Black April nầy rằng, “Các đơn vị Cộng quân thường phải báo cáo địa điểm đóng quân và sức mạnh của đơn vị như thế nào cho bộ chỉ huy. Mỗi ngày tôi lượng định những gì nghe lén được đó và chấm mục tiêu cho pháo binh dội lên đầu họ. Tôi cũng chuyển những mục tiêu này lên Quân Đoàn III, trên đó họ điều động những phi tuần thả bom.”

Còn đâu B-52 !! Không Quân Nam Việt thay vì vậy bèn quyết định xài mấy quả bom 15.000 cân Anh, tên hiệu là “Daisy Cutters” vừa mới nhận viện trợ để thả lên đầu những mục tiêu tối quan trọng.

Vào hôm 14 tháng Tư, quả Daisy Cutters đầu tiên được thả xuống một nơi nằm cách Xuân Lộc bảy dặm về hướng đông bắc, trên một mục tiêu tình nghi là tổng hành dinh của Quân Đoàn 4. Báo cáo cho hay bảy mươi lăm phần trăm bị tiêu diệt.

Sáng sớm ngày 15 tháng Tư, mở màn một thời kỳ của kế hoạch mới của CS. Một tiểu đội đặc công BV xâm nhập vào căn cứ không quân Biên Hòa và làm nổ một phần của kho bom chính. Sức nổ làm rung rinh cửa kính nhà cửa ở Sài Gòn, cách đó hai mươi dặm. Bốn khẩu 130 ly bắt đầu pháo vào sân bay, tạo những hố sâu trên phi đạo và phá hủy nhiều phi cơ. Căn cứ Biên Hòa, nguồn huyết mạch của Tướng Đảo, bị tê liệt hết nửa ngày.

Đơn vị pháo binh NV tác xạ một đại bác 155 mm. (Pinterst)

Lúc bình minh vào cùng ngày, hai Trung Đoàn 95B và 33, thuộc SĐ 6 CSBV bắt đầu đánh hiệp đồng bất ngờ vào Trung Đoàn 52 trấn giữ Đồi Móng Ngựa và ấp Nguyễn Thái Học. Vô số quả đạn rưới xuống đầu quân trú phòng đang bị vây khốn. Sau khi chiếm được ngã ba Dầu Giây quan trọng, Trung Đoàn 33 chuẩn bị tấn công ấp Nguyễn Thái Học nhưng phải ngừng lại để chận đường tiến của đội quân của Tướng Khôi trước. Bên mé sườn phía bắc, Trung Đoàn 95B thăm dò đại đội đơn lẻ của NV đang nằm giữ Đồi Móng Ngựa. Sau khi đánh bật ba cuộc xung kích, trung đoàn trưởng Trung Đoàn 52 ra lệnh một đại đội thứ hai thuộc Tiểu Đoàn 3 tăng phái cho đại đội nằm lẻ loi trên đồi. Ngay sau khi đại đội thứ nhì vừa lên đến, tái tiếp tế cho đại đội ở đó, đồng thời di tản thương binh, vừa lúc 95B bắt đầu trận tấn công chính, một cuộc xung phong trực diện lên đồi. Từng đợt bộ binh chạy băng qua những khoảng đất trống trải để rồi bị hỏa lực quân NV đốn ngã. Một tiểu đoàn khác của 95B được gửi tiến dọc theo QL 20 để đánh vào cạnh sườn của quân trú phòng trên đồi, nhưng bị chận đứng bởi hàng rào đại bác bắn tập trung của pháo binh NV.

Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 3 về sau viết lại, “Hai đại đội 1 và 4 trên Đồi Móng Ngựa bị buộc phải kháng cự hết đợt xung phong này đến đợt khác. Lúc 4:00 pm ngày 15 tháng Tư, một trong các sĩ quan bảo vệ đồi báo cáo ‘chung quanh chúng tôi chẳng còn gì … dưới chân đồi phủ đầy xác địch, còn cây rừng thì bị tiêu hủy hoàn toàn, khiến ngay cả dốc đồi thấy cũng thay đổi. Đỉnh đồi vốn xanh tươi nay trở nên khô cằn, nhẵn trụi cỏ cây. Những vườn cây trái rậm rạp nay trở thành một đống rác rộng mênh mông. Thân cây và thân người nằm chồng lên nhau, dãy này đến dãy khác.”

Trong giây phút có lẽ đẹp nhất của SĐ 18, vào một ngày giao tranh ác liệt, hai đại đội được pháo binh yểm trợ, đã chận đứng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho một trong những trung đoàn tinh nhuệ nhất của CSBV

(còn tiếp)

No comments: