Sunday, January 27, 2019

QLVNCH: Quân sử Không Quân – Các Giám Đốc Trường (Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang) –


Các Giám Đốc Trường (Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang) –
Trong biến cố mất nước tháng 4 năm 1975, tôi và gia đình may mắn thoát nạn được,như tôi đã có kể lại trong bài viết Ngày Ra Đi. Chúng tôi hiện đang sống tại xứ Hoa Ky từ đó đến nay trên 26 năm, mỗi lúc chuyện trò với bạn bè, nhắc lại chuyện ra đi, tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ tới các vị Giám Đốc Trường thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, không những là bạn bè mà còn là những sĩ quan cao cấp cùng phục vụ sát cánh và lâu dài với tôi trong một đơn vị cho tới ngày mất nước.Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân là một trong chín đại đơn vị của Không Quân, có 8 trường chính:
– Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Trung Cấp
– Trường Phi Hành T-37
– Trường Phi Hành T-41
– Trường Kỷ Thuật
– Trường Truyền Tin & Điện Tử
– Trường Mưu Sinh & Thoát Hiểm
– Trường Quân Sự
– Trường Anh Ngữ

Theo tổ chức, TTHLKQ trên là Chỉ Huy Trưởng, dưới có Trưởng Khối Huấn Luyện, vị này có nhiệm vụ phối hợp giữa các trường, nhưng chính các Giám Đốc Trường là những vị điều hành trực tiếp các quân trường kể trên. Nếu so sánh theo bản cấp số thì các vị Giám Đốc Trường này ngang hàng với các vị Không Đoàn Trưởng của dơn vị tác chiến của các Sư Đoàn Không Quân.
Hầu hết quân nhân Không Quân không ai không khỏi phải qua Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân một đôi lần để học quân sự hay chuyên môn nhứt là giai đoạn sau năm 1970, có chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, các quân trường ở đây đã tổ chức những khóa học dây chuyền mới có thể đạt được chỉ tiêu do Bộ Tư Lệnh Không Quân đề ra, có lúc số khóa sinh lên trên năm ngàn(5,000) quân nhân. Trách vụ của các vị Giám Đốc Trường này cũng nặng nề không kém trách vụ của các vị chỉ huy đơn vị tác chiến. Nhưng ngày mất nước ra đi, có đến 7 trong 8 vị Giám Đốc Trường đã kẹt lại, chịu biết bao đọa đày của hỏa ngục trần gian. Cho dầu so sánh với các cấp chỉ huy cao cấp của các đại đơn vị Không Quân khác, như Sư Đoàn 6 Không Quân, thì đây là một trường hợp quá đau thương. Nay số phận của các vị Giám Đốc Trường này ra sao?
Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân có lệnh di tản, rời nơi đóng quân muôn thuở là thành phố Nha Trang ngày 1 tháng 4 năm 1975, về đồn trú trong Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt. Thời gian tạm trú ở đây đúng một tháng thì mất nước.

Từ ngày 22 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư Lệnh Không Quân đã cho di tản gia đình quân nhân ra khỏi nước, ưu tiên là gia đình của các vị Tướng, các Tham Mưu Phó, các sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Tư Lệnh Không Quân, thứ đến là gia đình của các hoa tiêu khu trục, rồi mới đến gia đình các sĩ quan các đơn vị; ưu tiên theo cấp bậc và chức vụ. Tính đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, một số lớn gia đình sĩ quan cấp úy của các đơn vị khác đã được cấp cho phi cơ rời Việt Nam, riêng Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân chỉ có gia đình duy nhất của Chuẩn Tướng Chỉ Huy Trưởng được chính thức đi mà thôi, ngoài ra không có một gia đình nào khác trong đó có cả gia đình của vị Chỉ Huy Phó. Nên nhớ, việc sắp xếp chỗ cho đi do Đại Tá Đỗ Văn Ri, Chánh Văn Phòng Tư Lệnh điều khiển, chứ không phải do Phòng Chuyển Vận thuộc Tham Mưu Phó Tiếp Vận trách nhiệm như thường tình. Không biết Văn Phòng Tư Lệnh này đã căn cứ vào ưu tiên nào; giả dụ rằng Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, ưu tiên kém hơn các đơn vị tác chiến như các Sư Đoàn Không Quân, thì mọi người cũng có thể chấp nhận được, nhưng những gia đình của các vị Giám Đốc này không thể di tản sau các dân sự, đa số là những người Trung Hoa Chợ Lớn. Chuyện này tôi đã nói ra ở bài “Ngày Ra Đi”.
Một điều hết sức khôi hài là Văn Phòng Tư Lệnh nắm quyền cấp phát cho máy bay di tản từ đầu cho đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, lúc đó tình hình quá hỗn loạn, khi căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt bị thả bom, mới trao trả sự điều hành chuyển vận này lại cho Phòng Chuyển Vận thuộc Tham Mưu Phó Tiếp Vận cùng bản danh sách hành khách ứ đọng với chỉ thị rằng “hãy tìm cách đưa hết số gia đình này đi”. Còn gì mỉa mai cho bằng. Đêm đó, rạng ngày 29 tháng 4 năm 1975, lúc 4 giờ sáng, Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt lại bị Việt Cộng pháo kích. Sáng ra Bộ Tư Lệnh Không Quân tan hàng, mạnh ai tự thoát thân, chỉ có mấy vị Tướng Không Quân được D.A.O. chấp nhận cho di tản bằng trực thăng ra Hạm Đội 7 Hoa Kỳ mà thôi. Một số sĩ quan thân tín trong đó có cả các vị Chánh Văn Phòng của mấy ông Tướng đi theo, đều bị chận lại ở cổng D.A.O.Và tới giờ phút nguy nan này mới thấy tình đời và quyền hạn. Dầu một vị Tướng quyền hành tột đỉnh cũng không thể bảo vệ được người Chánh Văn Phòng thân tín nhất, là cánh tay mặt của mình. Thật là quá nhục nhã. Có người nhanh chân chạy thoát được, cũng có những kẻ bị kẹt bị tù đày trên mười năm. Nhóm người này có ăn có chịu, chỉ tội nghiệp cho những sĩ quan cao cấp khác, ngày ngày chỉ trông ngóng tin từ trên đưa xuống để có thể đưa gia đình di tản, nhưng chẳng bao giờ tin lành đến với họ nên đành kẹt lại, trong số này có các vị Giám Đốc Trường sau đây:
– Đại Tá Đặng Văn Hậu, Giám Đốc Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Trung Cấp Không Quân, bị 13 năm tù. Đến Mỹ vào năm 1992 cùng với gia đình và hiện cư ngụ tại tiểu bang Virginia, vùng quanh Washington D.C.
– Trung Tá Đàm Thiện Nguơn, Giám Đốc Trường Phi Hành T-37 ở Phan Rang, bị tù trên mười năm, sang Mỹ vào năm 1991, cư trú tại Quận Cam, California, được ít năm thì từ trần vì bệnh phổi.
– Trung Tá Lê Bá Định, Giám Đốc Trường Phi Hành T-41, nếu có bị tù là ngoài ý muốn, vì anh ta không có ý định rời Việt Nam. Vì những ngày cuối tháng 4 năm 1975, tình hình nước nhà hết sức khẩn trương, ai cũng biết được, sắp mất nước đến nơi, nhưng anh Định đã bày tỏ ý kiến trong những buổi họp hằng ngày là, nếu có mất nước, anh ở lại vào bưng, tổ chức kháng chiến chống lại Việt Cộng. Bởi vậy, anh tỉnh bơ, trong lúc đa số các sĩ quan khác chạy đôn chạy đáo cố tìm cách cho gia đình di tản, nhưng đành bó tay. Tinh thần anh Định cao lắm làm mọi người thán phục và ngưỡng mộ. Không ai biết chắc chắn anh Định hiện thời ở đâu…Nhưng mọi người khen anh Định giỏi ngoại ngữ, nhất là Anh văn, đã từng làm thông dịch cho những buổi họp giữa các chính khách ngoại quốc và Việt Cộng nên đời sống anh được bảo đảm, khỏi bị chính quyền địa phương hăm dọa. Và nhờ dạy Anh văn nên anh có đời sống vật chất sung túc và giàu có nữa, nên càng không muốn rời Việt Nam. Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng anh Định bị chính quyền Việt Cộng bắt buộc phải rời Việt Nam vì là thành phần tay sai cho gián điệp C.I.A. Cũng có thể đúng, vì đây là “chính sách vắt chanh bỏ vỏ” muôn thuở của người Cộng Sản. Trước đây, năm 1975, khi Việt Cộng mới chiếm miền Nam, rất ít người giỏi tiếng Anh nên mới dùng anh Định, nay sau hai mươi mấy năm, họ có người của họ nên không cần anh ta nữa, không có gì lạ.
– Trung Tá Nguyễn Văn Kiên, Giám Đốc Trường Kỷ Thuật, bị kẹt lại không chịu trình diện để đi tù, nên đã dấu tông tích, cải trang làm nghề bán củi độ thân. Sau đó cùng con trai vượt biên và bị mất tích. Hiện gia đình chị Kiên đang sống ở San Diego, California.
– Trung Tá Tạ Minh Đức, Giám Đốc Trường Truyền Tin & Điện Tử, bị tù trong một thời gian ngắn, nên không đủ tiêu chuẩn để sang Mỹ theo diện H.O (Humanitarian Operations). Ra tù, anh mưu sinh bằng nghề đóng guốc Dakao, hiện nay anh làm việc cho một tiệm thuốc Bắc. Nhìn trông anh, thấy hình dung anh khắc khổ lắm. Anh cho biết anh bị đau bao tử mấy năm nay, còn chị Đức thì đau chân, đi đứng rất khó khăn.
– Trung Tá Nguyễn Minh Công, Giám Đốc Trường Mưu Sinh & Thoát Hiểm, bị tù gần 10 năm. Khi ra tù, anh Công bị đau nặng chỉ trong mấy năm thì qua đời. Tôi và anh Công là anh em kết nghĩa, khi nghe tin anh Công ở quê nhà bị khốn khổ, tôi hết sức đau buồn và lo lắng, nhưng cũng không giúp được gì thiết thực, ngoài những lời an ủi và món quà khiêm tốn mà thôi. Sau đó, nghe chị Công cùng các con cái đến được Mỹ, tôi rất vui mừng, nhưng không biết rõ hiện giờ gia đình chị Công ở đâu.
– Trung Tá Nguyễn Văn Qui, Giám Đốc Trường Quân Sự, bị tù mười năm. Qua Mỹ giữa thập niên 90. Chúng tôi có liên lạc với nhau bằng điện thoại khi anh chị còn ở California. Sau đó anh rời đi sang Úc vì có con cái vượt biên và cư ngụ bên đó. Một điểm lạ là anh Qui đau bao tử kinh niên. Hồi trước anh chỉ ăn gạo lức và muối mè. Thế mà khi ở tù một thời gian dài dưới chế độ hà khắc cộng sản mà anh chịu đựng được, đúng là phép lạ.
Vị giám đốc độc nhất thoát nạn tù đày cộng sản là Trung Tá Lê Bá Toàn, Trường Anh Ngữ, nhờ anh có người con đầu lòng là công dân Mỹ chính cống, sanh đẻ tại Mỹ khi chị Toàn cùng theo chồng sang Mỹ thời gian anh Toàn làm Sĩ Quan Liên Lạc từ giữa thập niên 50. Nhờ vậy mà Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam đã lo lắng cho gia đình anh chị Toàn sang Mỹ một cách thuận lợi. Gia đình anh chị Toàn hiện ở Houston, Texas.
Nay nếu có ai bắt gặp tại Mỹ những gia đình sĩ quan thuộc TTHLKQ trước kia là chính họ vào phút chót đã tự động xoay xở lấy bằng đủ mọi phương tiện để thoát nạn, chứ gia đình họ không được BTLKQ cắp chỗ phi cơ cho đi như những gia đình của các sĩ quan khác.
Biến cố nào cũng có sự mất mát và thiệt hại về nhân mạng và tài vật. Biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra tại New York thật thảm khốc và đau buồn, chết trên năm ngàn nhân mạng, thiệt hại hằng trăm tỷ đô la, đối với một nước giàu mạnh nhất thế giới với dân số trên 280 triệu người. Nhưng nếu so sánh về bách phân, thì sự thiệt hại của TTHLKQ quá to lớn, đến 7/8, trong biến cố mất nước tháng 4 năm 1975. Bảy trong số tám sĩ quan cao cấp, Giám Đốc Trường kẹt lại, bị tù đày trong hỏa ngục cộng sản. Ba trong bảy người này đã ra người thiên cổ. Bốn người còn tại thế ở ba lục địa khác nhau: Á, Mỹ, Úc với thân thể bệnh hoạn tiều tụy, và nhất là con cái học hành dở dang và lập gia đình muộn. Đáng buồn thay!
Ngày 24 tháng 10 năm 2001

No comments: