Wednesday, June 20, 2018

Không Quân Việt Nam Cộng Hòa


 Kỷ niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19-6
Một ngày của Không Quân
Kính tặng quý vị đoạn phim về cuộc sống Không Quân Việt Nam hay còn gọi là Không Lực Việt Nam Cộng hòa (tiếng Anh: Vietnam Air Force, VNAF) là Quân chủng Không quân trực thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nguyên là một lực lượng mạnh về trang bị và quân số, trước 1975 và đã được xếp hạng 4 trên Thế giới và đã tồn tại từ 1955 đến 1975.
_____________________________________________
Lực lượng không quân Việt Nam Cộng hòa được hình thành từ một số phi công người Việt được tuyển chọn bay cùng với các phi công Pháp với tư cách là sĩ quan của quân đội Pháp. Khi Quốc gia Việt Nam, được thành lập, các sĩ quan người Việt này được chuyển sang cơ cấu Quân đội Quốc gia Việt Nam, bản thân Tổng tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Hinh cũng xuất thân là một sĩ quan phi công, vì vậy, ông rất chú trọng việc xây dựng Lực lượng Không quân. Tháng 6 năm 1951, một cơ quan phụ trách về ngành Không quân trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập với tên gọi là Ban Không quân, ban đầu chỉ làm nhiệm vụ phụ trách Phi đội Liên lạc. Trên thực tế, các phi công người Việt chỉ làm nhiệm vụ bay cùng với các phi công Pháp trong các phi vụ. Các chức vụ chỉ huy và Phi công chính đều là sĩ quan Pháp. Ngay cả chức vụ Trưởng Ban Không quân, kiêm Phụ tá Không quân cho Tổng tham mưu trưởng cũng là sĩ quan Pháp.
Tháng 4 năm 1952, thành lập Trung tâm Huấn luyện Không quân tại Nha Trang nhưng vẫn do các sĩ quan Pháp đảm nhiệm Chỉ huy trưởng và trực tiếp huấn luyện. Năm 1953, thành lập thêm 2 phi đội Quan sát và Trợ chiến tại Tân Sơn Nhứt và Nha Trang. Năm 1954, Ban Không quân được đổi thành Phòng Không quân, năm 1955, Không quân Pháp bàn giao lại cho Không quân Quốc gia Việt Nam khoảng 25 vận tải cơ C-47, 2 phi đoàn quan sát L-19 và 25 khu trục cơ cánh quạt F8F Bearcat lỗi thời, tháng 7 năm 1955, lần đầu tiên một người Việt được giữ chức vụ Phụ tá Không quân là Trung tá Nguyễn Khánh, giai đoạn đầu ngành Không quân chỉ được quy định với quân số 40 sĩ quan, 120 hạ sĩ quan và 500 binh sĩ.


=> Thời Đệ Nhứt Cộng Hòa
Sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 10 năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa. Lực lượng Không quân Quốc gia Việt Nam cũng được cải danh thành Không quân Việt Nam Cộng hòa. Thiếu tá Trần Văn Hổ, đương kim Phụ tá Không quân, được thăng Trung tá, và trở thành Chỉ huy trưởng đầu tiên của Không quân Việt Nam Cộng hòa, năm 1957, theo chương trình hợp tác viện trợ, một phái đoàn Không quân Hoa Kỳ sang nghiên cứu tình hình để soạn thảo kế hoạch huấn luyện cho Không quân Việt Nam Cộng hòa.

Nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan được tuyển chọn sang tu nghiệp tại các trường Không quân Hoa Kỳ. Các phi trường Tân Sơn Nhứt, Biên Hòa, Đà Nẵng được xây dựng mở rộng. Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha Trang cũng được xây dựng quy mô hơn, nhằm đào tạo tại chỗ các khóa hoa tiêu và quan sát viên, và các khóa đào tạo chuyên viên để bổ sung cho các đơn vị, tháng 9 năm 1959, một phi đội đầu tiên gồm 6 phi cơ Skyraider (Thiên tướng) được Hoa Kỳ chuyển giao cho Không quân Việt Nam Cộng hòa. Sau đó trong vòng 1 năm có thêm 25 chiếc Skyraider khác được bàn giao tại Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt. Năm 1960, Phi đoàn 1 khu trục cơ được thành lập và bắt đầu hoạt động từ Bến Hải đến Cà Mau để yểm trợ cho bộ binh Việt Nam Cộng hòa

Năm 1961, chương trình trợ giúp của Hoa Kỳ có tên Farm gate đã đưa các loại phi cơ cánh quạt huấn luyện T28, oanh tạc cơ hạng nhẹ B26 và vận tải cơ C47 cùng khoảng 124 sĩ quan và 228 quân nhân Hoa Kỳ sang giúp huấn luyện. Các hệ thống hướng dẫn và kiểm soát không lưu được thiết lập tại các phi trường Tân Sơn Nhứt, Đà Nẵng và Pleiku, liên đoàn 1 Không vận đầu tiên được thành lập với trung tá Nguyễn Cao Kỳ được chỉ định làm liên đoàn trưởng.

Hoa Kỳ cũng trao cho Không quân Việt Nam Cộng hòa thêm 16 vận tải cơ hạng trung C123 trong tháng 12 năm 1961, ngày 26 tháng 2 năm 1962, hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử trên đường công tác đã đột ngột quay trở lại dội bom mưu toan giết chết Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Ngay lập tức tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh đình chỉ vô hạn định các phi vụ chiến đấu, cũng vì lý do này mà đương kim Tư lệnh Không quân là Đại tá Nguyễn Xuân Vinh bị thất sủng, phải xin giải ngũ với lý do sang Hoa Kỳ học ngành Tiến sĩ Không gian, năm 1962, các đơn vị Không quân tác chiến và Yểm trợ tác chiến được tăng lên cấp Không đoàn tại mỗi vùng chiến thuật: Không đoàn 41 (căn cứ ở Đà Nẵng), Không đoàn 62 (Pleiku), Không đoàn 23 (Biên Hòa), Không đoàn 33 (Tân Sơn Nhất), Không đoàn 74 (Cần Thơ)

=> Thời Đệ Nhị Cộng Hòa
Sau cuộc "chỉnh lý" lên nắm quyền, tướng Nguyễn Khánh thực hiện một số cải tổ trong quân đội. Ngoài việc đặt ra thêm cấp bậc Chuẩn tướng, ông còn cho thay đổi tên gọi "Quân đội Việt Nam Cộng hòa" thành "Quân lực Việt Nam Cộng hòa".
Danh xưng Không lực Việt Nam Cộng hòa cũng được sử dụng chính thức từ lúc đó, năm 1965, Không lực Việt Nam Cộng hòa có thêm các Phi đoàn khu trục cơ A-37 Dragonfly và sau đó là các pPhi đoàn không vận cánh quạt loại lớn C-130 Hercules và trực thăng CH-47 Chinook, ngày 3 tháng 2 năm 1965, một phi đoàn gồm 24 chiếc A-1H Skyraider do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy cất cánh từ Căn cứ Không quân Đà Nẵng và tham gia vào Chiến dịch Mũi tên lửa (Flaming Dart) do Hoa Kỳ vạch định, tấn công các địa điểm ở phía bắc vĩ tuyến 17, ngày 11 tháng 2 năm 1965, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, Tư lệnh phó Không lực Việt Nam Cộng hòa, làm Phi đoàn trưởng 28 chiếc Skyraider của Việt Nam Cộng hòa cùng với 28 chiếc F100 của Không quân Hoa Kỳ mở cuộc tấn công thứ hai vào lãnh thổ phía bắc vĩ tuyến 17. Trong đợt này phi công Phạm Phú Quốc bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc Việt Nam
Năm 1967, Không lực Việt Nam Cộng hòa có thêm 1 Phi đoàn khu trục trang bị phản lực cơ F-5. Số hiệu của các đơn vị cấp phi đoàn được cải tổ xếp thành 3 số. Theo đó, chữ số đầu trong 3 chữ số của đơn vị cấp phi đoàn được dùng để chỉ công dụng của phi đoàn đó: số 1 là Phi đoàn liên lạc, số 2 là Phi đoàn trực thăng, số 3 là đặc vụ, số 4 là vận tải, số 5 là khu trục, số 7 là quan sát, số 8 là hỏa long, và số 9 là huấn luyện, năm 1970, với đà phát triển nhanh của Không lực Việt Nam Cộng hòa, các Không đoàn chiến thuật phát triển thành 4 Sư đoàn không quân, tác chiến hỗ trợ cho 4 vùng chiến thuật. Năm 1971, Sư đoàn 5 Không quân được thành lập và trở thành lực lượng Không quân trừ bị của Bộ Tổng tham mưu.
Năm 1972, thành lập thêm tại Quân khu 2 Sư đoàn 6 chịu trách nhiệm vùng trời chiến trường cao nguyên Trung phần, năm 1975, Không lực Việt Nam Cộng hòa có 5 Sư đoàn Không quân tác chiến (20 phi đoàn khu trục cơ với khoảng 550 phi cơ A-1H Skyraider, A-37 Dragonfly, và F-5, 23 phi đoàn trực thăng với khoảng 1000 phi cơ UH-1 Iroquois và CH-47 Chinook, 8 Phi đoàn quan sát với khoảng 200 phi cơ O-1 Bird Dog, O-2 Skymaster, và U-17), 1 Sư đoàn vận tải (9 Phi đoàn vận tải với khoảng 150 phi cơ C-7 Caribou, C-47 Skytrain, C-119 Flying Boxcar, và C-130 Hercules), 1 Không đoàn tân trang chế tạo, 4 Phi đoàn hỏa long (attack squadron) với các phi cơ Fairchild AC-119, Lockheed AC-130. Ngoài ra còn có các Phi đoàn trắc giác (tình báo kỹ thuật), Phi đoàn quan sát, và Biệt đoàn đặc vụ 314.

Blog Saigon Xưa 

No comments: