Monday, April 12, 2021

Cố Chuẩn Tướng Trương Hữu Đức

 
Hôm nay, ngày 13 tháng Tư, giỗ Cố Chuẩn Tướng Trương Hữu Đức, người anh hùng Mũ Đen của chiến trường An Lộc 1972. Nhân đây, chúng tôi cũng nói thêm để các bạn trẻ hiểu về bối cảnh chiến trường Bình Long lúc bấy giờ.
Ngày 30 tháng Ba 1972, Công Trường 5 Bắc Việt từ Cao Miên tràn qua, đánh vào Lộc Ninh. Khi quận lỵ này lâm nguy thì An Lộc bị đe doạ. Vì thế nên Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân được đem ngay lên An Lộc. Lúc đó, Trung Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh quần thảo với quân Bắc Việt nên chỉ còn Trung Đoàn 7 và Trung Đoàn 8 cho An Lộc, cộng thêm Chiến Đoàn 52 đang án ngữ vùng Suối Cần Lê, phía bắc An Lộc, gần Lộc Ninh.
Sau khi Lộc Ninh thất thủ thì Công Trường 5 tràn xuống An Lộc cùng với Công Trường Bình Long đánh xuống từ hướng đông-bắc. Đồng thời, Công Trường 7 và Công Trường 9 từ vùng Mỏ Vẹt bên Cao Miên cũng tràn sang, đánh vào An Lộc từ phía tây-bắc. Quân Bắc Việt còn có thêm Trung Đoàn 202 và 203 Chiến Xa và hai trung đoàn đại pháo yểm trợ.
Trước tình thế nguy ngập, Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ Quân Khu 4 được tăng cường cho mặt trận Bình Long cùng với Trung Đoàn 15 thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh do Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy. Sau đó, lại có thêm Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Đại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy với Tiểu Đoàn 5, Tiểu Đoàn 6 và Tiểu Đoàn 8. Các lực lượng này từ Lai Khê tiến lên khai thông Quốc Lộ 13 để tiếp ứng cho An Lộc. Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh do Đại Tá Trương Hữu Đức chỉ huy cũng được tăng phái cho chiến trường này. Vì lý do chiến thuật và cũng theo phân công, Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh được tăng cường để thành lập Lực Lượng Đặc Nhiệm Lưu Động Thiết Giáp Bravo phối hợp với Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù do Trung Tá Văn Bá Ninh chỉ huy lãnh nhiệm vụ mở đường.
Sáng ngày 13 tháng Tư 1972, đơn vị mở đường vừa lên khỏi Chơn Thành được ba cây số thì đại binh Bắc Việt chận đánh. Đồng thời, đại pháo của chúng câu vào khắp nơi. Vậy nên Đại Tá Đức gọi trực thăng chở ông bay lên quan sát trận địa. Ngay vòng thứ nhất, chiếc trực thăng của ông được phòng không của địch bắn lên dữ dội. Tuy vậy, ông vẫn nhờ phi công bay lại thêm một vòng nữa để ông quan sát kỹ hơn. Ông vừa nhận ra vị trí các pháo đội của địch thì phi cơ bị trúng mấy viên đạn thượng liên phòng không của địch. Đại Tá Đức là người duy nhất trên phi cơ bị trúng đạn, ngay giữa cằm. Nếu ông không nhô đầu ra bên ngoài quá xa để quan sát thì đã thoát nạn.
Có một viên đạn trúng chong chóng nên chiếc trực thăng phải bay về và đáp khẩn cấp xuống nơi đặt bộ chỉ huy của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Các y sĩ của tiểu đoàn này đã chăm sóc thi thể của Đại Tá trong khi các phi cơ được gọi đến thả bom hàng loạt xuống vị trí tập trung quân và đại pháo của địch.
Sau khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam thì chính phủ quốc gia này vẫn còn tiếp tục tìm hiểu về cái chết anh dũng của Cố Chuẩn Tướng Trương Hữu Đức. Sau cùng, họ kết luận rằng ông đã hy sinh một cách anh dũng sau khi đã chỉ huy đơn vị một cách xuất sắc. Vì thế nên Tổng Thống Richard Nixon đã ký sắc lệnh truy tặng Silver Star cho ông. Lễ gắn huy chương vào bàn thờ Cố Chuẩn Tướng đã được cử hành tại tư thất của ông vào ngày 11 tháng Giêng 1974. Đồng chủ toạ có Trung Tướng Nguyễn Văn Mạnh, Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, và Thiếu Tướng John Murray, Tuỳ Viên Quốc Phòng Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Một trong những chiến hữu của Cố Chuẩn Tướng, Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá, cũng có mặt.
Gần đây, chúng tôi có dịp tiếp xúc với một người cháu của Cố Chuẩn Tướng Trương Hữu Đức. Ông này sống hết sức lương thiện và ẩn dật tại Melbourne, Úc Đại Lợi. Theo ông thì Cố Chuẩn Tướng có một người em trai là Trương Hữu Hạnh, cũng là một sĩ quan cấp tá. Đúng như tên mà song thân đã đặt cho, cả hai đều sống rất nhân đức giữa cảnh binh đao. Có nhiều thuộc cấp của Cố Chuẩn Tướng còn nhớ một câu chuyện xảy ra trong một cuộc hành quân ở Long Định trong Tỉnh Định Tường vào năm 1962. Lúc đó, Cố Chuẩn Tướng còn là một đại uý trong Thiết Đoàn 6 Kỵ Binh.
Có một con vịt của dân đi lạc sang nơi đóng quân, nên mấy anh lính ở đây bắt nó làm thịt. Biết được chuyện này, Đại Uý Trương Hữu Đức đã viết một lá thư xin lỗi rất chân thành kèm theo số tiền bồi thường là 28 đồng là tất cả những gì mà Đại Uý Đức có trong người lúc đó rồi cầm đến nhà người dân chủ con vịt mà đặt lên bàn. Sau đó, ông gọi mấy người lính kia lên, nhẹ nhàng khiển trách.
Cố Chuẩn Tướng Trương Hữu Đức xuất thân Khoá 10 Trần Bình Trọng, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, cùng với Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt. Khoá 27 Võ Bị Quốc Gia đã được đặt tên là Trương Hữu Đức.
 
Hình đính kèm thứ nhất là một trong những hình ảnh sau cùng của Đại Tá Trương Hữu Đức. Chính phủ đã dựa vào hình này để hoạ di ảnh ông và đặt tại Công Viên Lê Lợi, như các bạn thấy trong hình thứ hai, chụp vào tháng Năm 1972.
Hình thứ ba là Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, và Đại Tướng Creighton Abrams, Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, đang hỏi thăm Bà Quả Phụ Trương Hữu Đức.
FB Khiết Nguyễn

1 comment:

Thoi Chinh Chien said...

Tôi Đ/úy Trương công Bình là trưởng phi cơ bay cho cố Chuẩn tướng Trương hữu Đức trong ngày oan nghiệt đó. Ông tử trận do bị trúng đạn phòng không 12.8 ly tại phía bắc quận lỵ Chơn Thành khi đang điều động thiết đoàn 5 kỵ binh tiến về An Lộc. Phòng không vc bắn đan lưới từ hướng tây bắc và đông bắc nên trực thăng trúng nhiều vết đạn, nặng nhất là main rotor làm tàu rung mạnh nhưng chúng tôi quyết định bay sát ngọn cây men theo quốc lộ 13 về hướng nam để đề phòng phải đáp khẩn cấp bất cứ lúc nào. Trời thương nên chúng tôi mang xác ông về đáp an toàn. Chiếc trực thăng coi như phế thải, sau đó mấy tháng được chinook câu về SĐ3KQ.
Cám ơn anh Bình