Sunday, September 8, 2013

Tượng đài trăn trở

tuong dai 1 

Như quý vị đã biết, San Jose đang có dự án thực hiện một bức tường tưởng niệm tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong chiến tranh. Công việc này chúng tôi cũng có ý định từ lâu nhưng chưa có hoàn cảnh thuận tiện. May mắn có cô Hoàng Mộng Thu mở đường. Nhân dịp tổ chức lễ tưởng niệm chiến sĩ Hoa Kỳ hy sinh tại Việt Nam tại bức tường Sons of San Jose, ý kiến về một tượng đài Việt Nam bắt đầu. Cô Thu nhân danh biệt đoàn Lam Sơn sẽ thực hiện.  Sẽ đặt tại San Jose History Park, ngay phía trước Việt Museum. Đã vận động xin phép County và City. Đã hoàn tất kỹ thuật, có các nhà chuyên môn hợp tác. Theo lệ thường tượng đài phác họa có thể ghi chiến sĩ vô danh hay hình ảnh một chiến binh tượng trưng như bức tượng thương tiếc nổi tiếng tại Nghĩa trang Biên Hòa. Bên anh chị em Lam Sơn muốn khắc hình 5 vị tướng đã tự sát. Đoàn Lam sơn chuyên trình bầy nhạc đấu tranh và các vở kịch vinh danh anh hùng nên luôn luôn nhắc đến “Ngũ hổ tướng” và đại tá Hồ Ngọc Cẩn. Trong trụ sở của các cộng đồng, các hội cựu quân nhân hay các ngày lễ chúng ta thường thấy  trưng bầy hình quý vị đã tuẫn tiết. Trải qua 38 năm, tên tuổi các anh hùng đã trở thành khuôn mẫu lịch sử, chẳng còn ai thắc mắc phê phán.
Chúng tôi nhận lời phác họa bản vẽ đã đưa thêm hai điểm quan trọng. Đề nghị đưa thêm danh tính và hình ảnh trung tá cảnh sát Nguyễn Văn Long. Ông là người mà hình ảnh cụ thể đã in trên báo chí toàn thế giới. Dù vậy chúng tôi phải mất nhiều năm mới liên lạc được gia đình để ghi lại sinh quán và năm sinh. Tất cả 7 vị anh hùng đều có tên tuổi và hoàn cảnh hy sinh chính xác. Ban tổ chức liên lạc trực tiếp với các gia đình để có được hình ảnh và tài liệu. Thật may mắn chúng ta đã có các vị anh hùng từ cả ba miền đất nước. Đề nghị thứ hai là viết vài hàng chữ song ngữ ghi dấu việc tưởng niệm dành chung cho quân dân cán chính đã hy sinh trong chiến tranh và cả sau cuộc chiến, trong ngục tù trong rừng sâu và biển cả.  Dự án tuy nhỏ bé nhưng rất công phu có dự trù phía dưới là hình bóng chiến binh Việt Nam Cộng Hoà tham dự 3 trận chiến thắng tiêu biểu là 68 Tết Mậu Thân (Huế), Bình Long và Quảng Trị 72. Những hình ảnh này tượng trưng cho tất cả hàng trăm ngàn quân dân cán chính đã hy sinh mà chúng tôi không có khả năng ghi lại đầy đủ.
Nhắc lại nội dung dự án

tuong dai 2.jpg 

Tượng đài này có vị trí tại khu vườn trước Việt Museum, trong công viên History San Jose. Từ phía ngoài nhìn vào, một bên là con thuyền vượt biên, một thứ tượng đài cho thuyền nhân. Phía tay trái là bức tường đen 3 mảnh lớn. Ở giữa là hình 7 vị tướng tá đã tuẫn tiết, hai bên là lời dẫn giải bằng Anh và Việt ngữ.
Chi tiết kỹ thuật: Bức tường dài 10 F cao 7 F bằng đá cẩm thạch.
Nội dung phần dẫn giải Việt ngữ như sau: 

Đài tưởng niệm nhỏ bé này được xây dựng để ghi nhận và vinh danh sự hy sinh lớn lao của hàng triệu quân dân chính Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh Việt Nam1950-1975. Hàng trăm ngàn người đã chết trong cuộc chiến và sau cuộc chiến. Chết tại chiến trường, trong ngục tù cộng sản, trong rừng sâu và ngoài biển cả. Hàng trăm người đã tuẩn tiết trong thời gian cộng sản thôn tính miền Nam. Trên bức tường này là hình ảnh của 7 vị anh hùng đã tuẫn tiết hoặc bị Việt Cộng xử bắn. Những cái chết cao cả đó tượng trưng cho chính nghĩa quốc gia và tinh thần bất khuất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời cũng ghi dấu uất hận của ngày 30 tháng Tư 1975. 
Đài tưởng niệm xây dựng năm 2013 tại VietMuseum, trong công viên Kelley Park, khu San Jose History.

 Hình ảnh các vị tuẫn tiết
(Thứ tự từ trái qua phải)
tuong dai 3 

1)  Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh Trưởng Chương Thiện, sinh 1938 tại Rạch Giá. Sau 30 tháng tư 75 không chịu đầu hàng. Bị cộng sản bắt giam và tra vấn suốt 3 tháng rồi xử bắn tại sân ban Cần Thơ ngày 4 tháng 8-75.
2) Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Tư lệnh sư đoàn 7, sinh 1925 Gò Công. Tự vẫn bằng thuốc độc t ại căn cứ Đồng Tâm đêm 30 tháng 4-75.
3) Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh sư đoàn 5, sinh 1933 tại Sơn Tây. Tự vẫn bằng súng tại căn cứ Lai Khê trưa 30 tháng 4-75.                              
4) Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh quân đoàn IV, sinh 1927 Thừa Thiên. Tự vẫn bằng súng tại Cần Thơ sáng 1-5-75.                                            
5) Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh phó quân đoàn IV, sinh 1933 Gia Định. Tự vẫn bằng súng đêm 30-4-75 tại Cần Thơ.                                                                                              
6) Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh quân đoàn II, sinh 1928 Hà Đông. Tự vẫn bằng thuốc độc tại Sài Gòn ngày 29 đưa vào nhà thương và chết sáng ngày 30 tháng 4-75.                                                                
 7) Trung tá Nguyễn Văn Long, Cảnh sát quốc gia Việt Nam sinh tại Huế 1919. Tự vẫn bằng súng ngay tại công trường TQLC Sài Gòn tr ưa ngày 30-4-75.
Tu chỉnh quan trọng
Trong nội dung bản văn dự thảo đầu tiên, chúng tôi có viết rằng vào dịp 30 tháng tư-75 đã có nhiều trường hợp cả nhà tự sát. Có sỹ quan và quân nhân bắn vợ con rồi tự tử. Vì tượng đài thực hiện trong khu văn hóa và lịch sử San Jose, sẽ có toàn các học sinh và sinh viên Hoa Kỳ đến thăm, đoạn văn này đã xóa bỏ. Trong hoàn cảnh hiện nay, việc hạ sát con nhỏ và cả gia đình trước khi tự tử không nên nhắc đến.
Ngoài ra đặc biệt mô hình tượng đài được đưa ra triển lãm cho hàng ngàn người tham dự đại nhạc hội giúp thưong phế binh tại San Jose và đã được sự tán thưởng mạnh mẽ. Ban tổ chức cũng nhận được hàng trăm lời khích lệ qua thư tín hay trực tiếp. Chúng tôi cũng nhận được những ý kiến phê bình.
 Những phê bình quan trọng.
Phê bình quan trọng nhất là bác Nguyễn Hữu Luyện với tư cách một quân nhân tại San Jose. Gặp trực tiếp cô Hoàng mộng Thu trên đài Quê Hương bác Luyện cho biết sẽ mở cả chiến dịch để dùng dư luận áp lực cho ý kiến bác đóng góp phải được thực hiện. Ý kiến cụ thể của ông tóm lược như sau. Trên bức tường vinh danh cần có mỗi cấp một người đã tự sát 30 tháng tư-75. Một tướng, một tá, một úy, một hạ sĩ quan và một binh sĩ. Tất cả đều có tên tuổi cụ thể. Ông không đồng ý ghi là chiến sĩ vô danh. Kết quả ý kiến đưa ra cũng có nhiều người lên tiếng tán thành vì cho rẳng nếu có cả hình ảnh người lính thì thể hiện tình chiến hữu không phân biệt cấp bậc. Tất cả cùng hy sinh. Tuy nhiên trên thưc tế quý vị đưa ra sáng kiến không thể đề nghị được một danh sách. Trong 5 vị tướng chọn người nào, hai ông tá sẽ giữ lại ông nào. Ai là sĩ quan anh hùng cấp úy, cấp hạ sĩ quan và ai là anh hùng cấp binh sĩ đã tự sát 30 tháng tư. Những  hình ảnh và tiểu sử lấy từ đâu ra. Hiện nay trên internet phổ biến một danh sách hết sức mơ hồ do góp nhặt từ các câu chuyện kể lại. Ban tổ chức của biệt đoàn Lam Sơn cho biết họ không đủ can đảm loại bỏ bất cứ vị nào trong số 7 anh hùng đã công bố. Đồng thời dù rất kính trọng ý kiến lý tưởng của quý vị nhưng đoàn Lam Sơn hoàn toàn không đủ khả năng, không đủ thẩm quyền đi tìm các vị anh hùng các cấp để bổ túc danh sách. Đó là công việc vĩ đại và trách nhiệm lớn lao dành cho chính quý vị có sáng kiến.
Trong khi chờ đợi mong rằng quý vị vui lòng tùy nghi yểm trợ cho dự án nhỏ bé đầu tiên tại hải ngoại. Trong lịch sử chiến tranh kim cổ, chưa bao giờ có đến 5 vị tướng lãnh tự sát một lượt khi bại trận. Họ không chết vì chịu tội với thiên hoàng như người Nhật. Họ không chết vì tổng thống hay chính phủ. Họ chết vì không muốn sa vào tay giặc. Họ chết vì trách nhiệm chỉ huy nên tự xử. Việc tự sát của những người lãnh đạo có giá trị đặc biệt nên tất cả phải được lưu danh hậu thế. Riêng bà Hồ Ngọc Cẩn cho biết vì anh Cẩn là công giáo nên chấp nhận bị xử bắn. Ngày xưa, cùng chịu mất thành Hoàng Diệu tự tử ngoài Bắc, Phan thanh Giản tự tử trong Nam. Bia đá anh hùng ghi tên cả hai, làm sao lại chỉ chọn lấy một ông.

Vài hàng sau cùng.
Anh chị em Lam Sơn muốn tôi cùng khắc lên bia đá những lời đáng ghi lại. Tôi chọn đoạn sau đây
Trưa 30 tháng tư-75 tướng Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng tại Sài Gòn. Những lời nói sau của thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tại Cần Thơ. Chiều 30 tháng 4-1975, tư lệnh thăm quân y viện, một  thương binh nói:                                                                     
“Xin thiếu tướng đừng bỏ tụi em.”                                                                                                             
Ông Nam: “Không, qua không bỏ tụi em.”                                                                                                                        
Trở về tư dinh, sĩ quan tùy viên báo cáo:                           
Các sĩ quan đã bỏ đi rồi.                                                        
Ông Nam nói: Đi để làm gì?                                                 
Tối ngày 30 tháng 4-1975, sĩ quan tùy viên báo cáo:                                                                                        
“Thưa, tướng Hưng đã chết rồi.”                                                                                                       
Ông Nam: “Chết để làm gì?”                                              
Sáng 1 tháng 5-1975 tướng Nguyễn Khoa Nam tự tử  
Nhắn tin của tác giả: Chúng tôi nhận được tác giả Điệp Mỹ Linh gửi tặng Viet Museum tác phẩm “Hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra khơi 1975.” Tài liệu lịch sử xuất sắc do một phụ nữ trong gia đình hải quân soạn thảo. Trong đó có rất nhiều chi tiết lịch sử liên quan đến giai đoạn khốc liệt của Nam Việt Nam trong hai tháng cuối cùng. Trang 283 của tác phẩm có đề cập đến trường hợp hải quân thiếu tá Lê anh Tuấn CHT giang đoàn 43 đã tự sát trên chiến đỉnh trên sông Vàm cỏ Tây, Long An. Được biết ông Tuấn còn độc thân và là em trai của tướng Lê Nguyên Khang. Chúng tôi rất cần tin tức về những giây phút cuối cùng của thiếu tá Tuấn trên mặt trận sông nước Tiền Giang vào ngày cuối của cuộc chiến.  Xin vui lòng liên lạc về email:  giaochi12@gmail.com            
Xin cảm tạ.
© Giao Chỉ, Vũ Văn Lộc
© Đàn Chim Việt

No comments: