Thursday, April 25, 2013

Wednesday, April 24, 2013

“Chúng ta phải đánh giặc kiểu nhà nghèo”,


Truyện Ngắn
 “Chúng ta phải đánh giặc kiểu nhà nghèo”,
lời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Để tưởng nhớ cố Trung úy phi công khu trục Hoàng Phi Hùng, thứ nam Bác Sĩ Hoàng Văn Đức, đã "Về với đất..." tại chiến trường An Lộc năm 1972.  Phi công A1, Thái Dương Phạm Văn Thặng, đã bỏ mình tại chiến trường Tây Nguyên...
Đồng thời, xin quý mến thân tặng các Thái Dương lẫy lừng của phi đoàn 530 khu trục A1 Skyraider, những "đao phủ thủ lừng danh" nhất của vòm trời Tam Biên với những định mệnh nghiệt ngã đau thương cuối cùng....
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
Người sĩ quan ban 3 thuyết trình xong, phòng họp hành quân của sư đoàn trở nên im lặng lạ thường. Người ta nghe rõ được tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ treo cuối phòng. Bỗng ông trung tá trung đoàn trưởng đứng dậy, tiến lên bục thuyết trình. Ông là một sĩ quan trẻ, mới về nắm trung đoàn chưa tới ba tháng. Áo quần ông nhăn nhúm hình như cả tuần lễ chưa thay, mắt ông ngầu đỏ, tóc ông rối bời...
Đứng trên bục, ông đưa mắt nhìn xuống phòng họp, đặc biệt ở dãy bàn có lố nhố mấy chiếc áo bay của không quân. Cái nhìn của ông thật là khó hiểu nhưng chẳng ai mở miệng hỏi.
Người sĩ quan trung đoàn trưởng bộ binh trẻ tuổi đứng lặng yên như vậy một lúc. Mấy ông phi công của sư đoàn VI Không Quân tự nhiên thấy mình được để ý, liền sửa thế ngồi, ngoan ngoãn nhìn lên, chờ đợi.
Cuối Cùng thì ông trung tá lên tiếng:
-Các ông tiểu đoàn trưởng của tôi chắc biết hai ngày sắp tới sẽ quan trọng như thế nào rồi, tôi khỏi cần phải nói thêm ở đây...
Rồi ông mỉm cười. Nụ cười bất ngờ chẳng ai mong đợi nở lên lúc này không làm giảm bớt được bầu không khí căng thẳng của phòng họp. Ông nói liền như sợ mất đi cái giá trị của nụ cười mình vừa biểu diễn:
-Thuyết trình xong, tôi sẽ có vào lời tâm tình với mấy anh em Không Quân một chút...
Mấy người mặc áo bay phía sau nghe tới đó lại ...sửa thêm thế ngồi một lần nữa, mặt mày ai nấy đều cố gắng làm ra vẻ nghiêm trọng. Một trong những người mặc áo bay đó là đại uý Trần anh Trí, trẻ măng, phi tuần trưởng sáng giá nhất của Không Lực Việt Nam vùng II chiến thuật, người vang danh là "đệ nhất đao phủ thủ" của phi đoàn khu trục 530.
-Các anh em biết, cách đây vài ngày, tổng thống ta vừa tuyên bố một câu rất ...giật gân là chúng ta phải "đánh giặc theo lối con nhà nghèo"...
Đây không phải là lần đầu tiên Trí đi họp hành quân với bộ binh. Thông thường những buổi họp này rất giống nhau. Mới đầu, sĩ quan ban 3 của trung đoàn hay sư đoàn lên thuyết trình. Đại khái ông sẽ trình bày một lô tin tình báo như: Sư đoàn sao vàng sư đoàn sao đỏ hay gì đó đã xâm nhập, trang bị những vũ khí nặng đủ cỡ với những cái tên mà Trí không thể nào nhớ hết. Tiếp đến là ý đồ "thâm độc" của địch, âm mưu cắt khúc này, đánh chỗ nọ. Phần thứ ba là quân ta đang mở một cuộc hành quân tại tọa độ ... Mục đích của mọi cuộc hành quân, dĩ nhiên là để tiêu diệt và bao vây địch, là "đánh chết mẹ nó ra". Hào hứng nhứt là phần hội thảo và kế hoạch. Sau đó, thông thường là một vị cấp bậc cao nhất trong phòng họp lên cho chỉ thị hay phương thức tấn công và cuối cùng, trước khi chấm dứt buổi họp thì thế nào cũng có màn yêu cầu khu trục yểm trợ tối đa, hay trực thăng bốc cho thật đẹp v.v...
Hôm nay, Trí thấy phòng họp có không khí lạ vì ông trung đoàn trưởng này mới tinh. Gặp lần đầu là thấy chịu liền. Trí nhận xét ông ta có khẩu khí hoàn toàn khác hẳn những ông trước. Sĩ quan trẻ xuất thân từ lò Đà Lạt ra có khác. Dám chê tổng thống là ăn nói giật gân thì ắt phải là "nhân tài." Mà ông ta muốn tâm tình gì với anh em khu trục đây, Trí thắc mắc.  Vậy là có chuyện rồi.
-Anh em biết, tổng thống nói đúng, nhưng chỉ đúng ...một phần. Thứ nhất, trên chiến trường không có vấn đề giàu nghèo mà chỉ có thắng bại, sống hay chết, tủi nhục hay vinh quang. Nhưng, anh em cũng như tôi, chúng ta đều biết rằng từ ngày hiệp ước ngưng bắn ký xong, chính phủ Hoa kỳ cúp bớt viện trợ cho chúng ta rất nhiều...
Ông dừng lại một chút như chờ cho mọi người thấm ý câu nói rồi tiếp tục:
-Tôi không dốt đến độ không biết những gì đang xảy ra trên đất nước mình. Tiếp tế và tiếp liệu của chúng ta càng ngày càng cạn đi. Ngay cả chiếc xe díp của tôi, thiếu cái bình điện mà còm măng cả tháng chưa có, phải lấy xe của người khác đi... Nói như vậy để anh em hiểu tình hình bi đát như thế nào. Ngày xưa chúng ta đánh giặc kiểu Mỹ, bây giờ, tôi không muốn nói chúng ta phải đánh giặc kiểu con nhà nghèo, nhưng chúng ta phải đánh giặc kiểu Việt Nam. Đúng. Tôi nhấn mạnh, đánh kiểu Việt Nam. Ý tôi muốn nói là mình phải "Suy nghĩ ba lần trước khi bắn một trái pháo, suy nghĩ bẩy lần trước khi thả một trái bom..."
Thật là một câu "châm ngôn" nghe rất tới nhưng không kém đau thương. Trí nhớ lại câu tục ngữ của người Pháp: "Uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói" mà thuở xa xưa có lần thầy giáo đã bắt chàng chép 500 lần vì tội ăn nói bậy bạ trong lớp.
Rồi ông trung tá trẻ tuổi xoay người, cầm lấy cây thước, chỉ vào một cao độ trên tấm bản đồ treo phía sau. Khỏi cần nhìn Trí cũng biết cái "hột lạc" mà ông ta đang chỉ là ngọn đồi chiến lược 982 nằm ở phía bắc Kontum, nơi chàng đã đánh xuống không biết nhiêu là trái bom suốt mấy năm qua. Ngọn đồi chiến lược này là "con mắt" của thành phố Kon Tum. Ai đứng trên này có thể nhìn thấy hết được thành phố. Ngày xưa ngọn đồi này được một đơn vị LLĐB Hoa Kỳ trấn đóng, nhưng sau khi Mỹ rút đi thì ta và giặc thay phiên nhau làm chủ ngọn đồi này.
-Trước khi đi vào chi tiết, anh em cho tôi bắt đầu bằng câu này: Bằng mọi giá, vào lúc 1800 giờ ngày mốt, anh em phải ..."đem nó về cho tôi." Để tôi lập lại một lần nữa lệnh của tôi cho quí vị tiểu đoàn trưởng nghe rõ: Trễ lắm là 1800 giờ ngày mốt, chúng ta phải chiếm được ngọn đồi này.
Ông đưa mắt nhìn xuống cuối phòng, nơi có treo cái đồng hồ:
-Bây giờ là 17 giờ 45 phút. Các anh có 48 giờ 15 phút đúng để "đem" ngọn đồi đó về cho tôi.
Một "dàn" bốn ông tiểu đoàn trưởng và mấy ông tá khác đen đủi sạm nắng trong bộ đồ nhà binh bạc màu ngồi ở bàn đầu im lìm nhìn lên. Cũng như Trí, mấy ông tiểu đoàn trưởng này đâu có lạ gì với cao điểm 982. Giày họ đã vẹt gót khắp "giang sơn" của vùng hai chiến thuật, nhiều người bạn đồng đội của họ đã nằm xuống, hoặc đã bị tàn phế để gìn giữ những địa danh vô nghĩa như tên của ngọn đồi máu này.
-Sĩ quan ban 3 vừa trình bày cho các anh biết tình hình địch. Với quân số 3 tiểu đoàn của ta tấn công 1 tiểu đoàn của chúng, theo binh pháp thì quá ít. Con số lý tưởng là 7-1 chứ không phải 3-1. Anh em thấy chốt nó nằm dài dài bắt đầu từ dưới chân đồi lên tới trên đỉnh. Mấy hôm nay bay trực thăng quan sát chiến trường, tôi đã đi đến một kế hoạch tấn công như thế này...
Ông lật tấm bản đồ thứ hai. Trí nhìn lên thấy toàn những ô vuông đánh dấu vị trí của quân bạn và địch.
-Trước khi tiếp tục, tôi xin giới thiệu với anh em một nhân vật quan trọng của cuộc hành quân này.
Ông đưa tay ra, hướng về phía một người sĩ quan bộ binh nãy giờ ngồi im lặng trong một góc phòng:
-Mời Trung úy An đứng dậy.
Một ông trung uý bộ binh trẻ tuổi, nhỏ người đứng lên dơ tay chào mọi người. Tất cả đều quay nhìn nhân vật được giới thiệu. Trí cũng nhìn sang và thoáng giật mình vì khuôn mặt của người này thấy hơi quen quen. Chắc chắn Trí đã gặp hắn ở một nơi nào đó...
-Tôi xin giới thiệu với anh em, trung úy An là đại đội trưởng đại đội 45 trinh sát của trung đoàn, đơn vị nắm phần quyết định cho trận đánh này. Trung úy có thể ngồi xuống được rồi.
Trí nhìn người trung uý trẻ hơn tuổi mình ngồi xuống và cố moi óc để nhớ xem đã gặp anh chàng này ở đâu.
Tất cả các đơn vị bộ binh từ cấp trung đoàn trở lên, đều có một đại đội trinh sát. Hai chữ trinh sát thôi đủ nói lên sự hiểm nghèo. Đơn vị này luôn luôn là con cưng của trung đoàn trưởng. Trong quân đội, người ta không có thì giờ để đi "cưng" bậy bạ. Được "cưng" thì phiền toái lắm. Những công tác nguy hiểm, những công việc không ai làm nổi đều giao khoán cho mấy đứa con cưng này. Vì thế, tuổi thâm niên trung bình của lính trong đại đội trinh sát rất thấp và cấp chỉ huy thì thay đổi luôn luôn. Ủa, thì có vinh quang nào mà không được xây bằng máu kìa?
Trí biết trung uý trẻ măng như vậy mà nắm được đại đội trinh sát thì phải là "nhân tài." Mà chắc phải là tài lắm vì bộ binh ít có khi nào thèm biểu diễn mấy cái màn giới thiệu vớ vẩn như vậy.
Vị trung tá chỉ vào một chỗ phía đông ngọn đồi tiếp tục:
-Nội trong sáng mốt, tiểu đoàn một phải sẵn sàng ở tuyến xuất phát tại đây, tiểu đoàn hai bên này, tiểu đoàn ba sẽ nằm ngay đây làm trừ bị và để chặn luôn quân cứu viện của chúng nó nếu có. Khu trục tiền oanh kích xong là hai ông một và hai cho chúng nó xung phong lên...
Tới đây, ông dừng lại, và nhìn xuống hàng ghế có mấy chiếc áo bay. Cả phòng họp lại im lặng như tờ.
Rồi ông chỉ cây thước vào lưng chừng phía Đông của ngọn đồi trên bản đồ, tiết lộ một bí mật bất ngờ:
-Vào khoảng giữa trưa hay tùy theo tình hình cho phép, tôi sẽ cho thằng 45 Trinh sát nhảy vào giữa đỉnh đồi, ngay chỗ này này. Từ trên cao, chúng nó sẽ đánh xuống, vòng ra hai bên để bắt tay với anh một và hai.
Cả phòng họp im lặng đến rợn người. Biết ngày mà, trong quân đội, hễ có chút vinh quang thì thế nào cũng có một cú "chết người" như vậy kèm theo.
-Tiểu đoàn một và tiểu đoàn hai phải ráng làm cho đẹp. Mấy thằng nhỏ trinh sát của tôi đánh thọc xuống mà không gặp được các anh để bắt tay thì hết đường quay lui...
Trí liếc mắt nhìn qua bàn ông trung úy An, thấy gã vẫn ngồi yên, bình thản.
Ông trung tá xoay người, bước vài bước tới trước, thảy cây thước trên bàn thuyết trình rồi hỏi:
-Những chi tiết nhỏ khác, anh em có thể liên lạc và phối hợp với ban 3 Trung đoàn để giải quyết. Có ai thắc mắc gì không?
Một ông tiểu đoàn trưởng bộ binh dơ tay lên liền.
-Mời anh.
-Thưa trung tá, trung tá vừa nói tiền oanh kích, xin trung tá cho biết sẽ có bao nhiêu phi tuần và sẽ đánh vào đâu?
Một nụ cười gượng hiện ra trên khuôn mặt ông trung tá. Hình như ông biết câu hỏi này sẽ được hỏi, và ông thì không muốn trả lời.
-Phòng không trợ Sư đoàn cho tôi biết chúng ta sẽ có hai phi tuần A-1 sẽ làm việc với chúng ta. Một phi tuần tiền oanh kích và một phi tuần đánh yểm trợ tiếp cận.
-Vậy là chỉ có một phi tuần A-1 tiền oanh kích?
-Đúng, một phi tuần A-1.
Lần đầu tiên kể từ khi bước vào đây, Trí nghe được những tiếng xì xầm to nhỏ.
Trả lời xong câu này, ông trung đoàn trưởng thấy nhói trong tim. Rừng núi tam biên dày đặc, chúng nó lại có công sự phòng thủ vững chắc, hai chục phi tuần còn chưa thấy thấm thía vào đâu thì hai phi tuần nghĩa lý gì? Lính của ông làm sao đánh giặc nổi? Ông lại nhớ đến những ngày còn quân đội Đồng Minh yểm trợ. Chỉ cần nhắc cái điện thoại lên thì nào là "F-4", "F-111" đủ thứ "F" bay trên trời, thậm chí nếu muốn có cả B-52 cũng được. Nhưng tình thế bây giờ đã khác rồi.
Ông trung tá gõ nhè nhẹ ngón tay vào bục thuyết trình. Chờ cho phòng họp lại trở lại yên lặng, ông tiếp:
-Các anh em có nhớ khi bắt đầu buổi họp, tôi có nói là tôi có vào lời muốn tâm tình với anh em Không Quân?
Ông dừng lại một chút rồi tiếp tục:
-Lời tâm tình rất chân thật của tôi với anh em Không Quân là: Mong anh em ráng giúp chúng tôi. Anh em biết pháo của ta bắn không xa bằng pháo địch, chúng ta lại không được chọn chiến trường. Vậy, sự chiến thắng tùy thuộc rất nhiều vào các anh em Không Quân. Nếu anh em cố gắng giúp, chúng tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều xương máu của binh sĩ tôi, bằng không, chúng tôi vẫn đánh được chúng nó, nhưng cái giá của chiến thắng có thể sẽ rất mắc...
Đi họp hành quân đã bao lần, Trí chưa bao giờ nghe được một lời nói thống thiết của một vị chỉ huy như ngày hôm nay. Trí nhìn lên bục chỉ huy. Chàng cảm thấy khâm phục hơn khi nhận ra vẻ bơ phờ mệt mỏi của ông trung đoàn trưởng trẻ tuổi. Mắt ông quầng sâu vì thiếu ngủ, áo quần nhăn nhó dính đầy bụi đỏ cao nguyên.
Ông kết luận:
-Nếu không còn gì, anh em có thể ra về liền bây giờ để chuẩn bị cuộc hành quân. Mong anh em hiểu rõ những gì tôi nói. 18 giờ ngày mốt, chính tôi sẽ có mặt trên đỉnh ngọn 982. Cám ơn tất cả các anh em.
Từng người một, họ từ từ rời phòng họp, không ai nói với ai một câu nào. Ngay cả những cái bắt tay thông thường cũng không có. Trí đón được trung úy An khi hắn vừa leo lên xe díp:
-Tôi thấy anh quen quen.
An cũng nói:
-Tôi thấy đại úy cũng quen quen.... Đúng rồi, phải hồi xưa đại úy học La San Tabert không?
Trí cười hớn hở:
-Tôi nhớ ra rồi, anh học Lasan Tabert sau tôi hai lớp phải không?
-Dạ phải. Đại úy hay lái chiếc Vélo Solex đen. Ngày đại úy tình nguyện đi lính Không Quân, cả trường đều biết...
-Gọi tôi là anh đi, đại úy mẹ gì... Có rảnh không, mình ghé vào câu lạc bộ này làm một ly cà phê?
-Dạ rảnh thì không nhưng với đại úy thì được.
-Đại úy mẹ gì, mình học chung trường, gọi anh em cho tiện.
Trí quay lui kêu mấy người bạn mình về trước rồi cùng An bước vào câu lạc bộ. Khi người hầu bàn xuất hiện, thay vì gọi cà phê, Trí dơ 2 ngón tay:
-Cho hai chai 33 đi "cưng"...
Hai người nói đủ chuyện đời xưa của tuổi học trò yêu dấu.  Trí hỏi:
-Ông tình nguyên đi lính à?
-Dạ không...  Ngu gì.  Em thi rớt tú II hai lần, bị lọt sổ phong trần.
Trí uống một ngụm bia:
-Ông làm gì mà trung đoàn trưởng để ý dữ vậy? Vài hôm nữa được thay lon là cái chắc.
An lắc đầu, cười:
-May mắn thôi anh. Ông này hồi trước là tiểu đoàn trưởng của em. Năm 72, tiểu đoàn bị chúng nó vây kín ở Võ Định, tưởng tan hàng rồi. Tối đó, ổng dụ em: "Đù mẹ đàng nào cũng chết. Tụi nó vây mình mấy ngày nay rồi, đang chắc ăn như bắp. Tối nay chú mày bất ngờ dắt lính đột kích thẳng vào bộ chỉ huy chúng nó. Không xanh cỏ thì thế nào cũng đỏ ngực. Tao sẽ thừa cơ đánh thốc ra, mình có hy vọng dọt về..."
Nghe như chuyện thời tam quốc.  Trí hỏi:
-Rồi có đỏ ngực được không?
-Không nhưng tụi em đánh một trận ra gì, phá tan nát bộ chỉ huy của chúng nó. Tiểu đoàn thoát về được gần hết... Ổng lên nắm trung đoàn là giao trinh sát cho em liền.
-Làm ăn gì được chưa?
An mồi điếu thuốc, lý luận:
-Đại đội còn nhiều lính mới quá. Người cũ chết hết rồi. Từ sĩ quan xuống tới lính, ông nào thâm niên nhất là 6 tháng chiến trường. Cần phải huấn luyện nhiều thì mới đánh giặc tới được.
-Bây giờ sẵn sàng chưa? Đủ khả năng để từ trên đánh thốc xuống chưa?
-Nói sẵn sàng thì chẳng bao giờ được như ý mình cả, nhưng cũng tạm được. Nhưng em có thể bảo đảm với anh là trận này mình nhất định thắng.
-Chắc ăn vậy? 
-Có gì đâu, ông trung đoàn trưởng đánh "xa luân chiến", đem mấy tiểu đoàn thay phiên nhau quần chúng nó cả tháng nay rồi, bây giờ xông vô dứt điểm làm sao chúng nó chịu nổi?
Trí uống cạn ly bia, tính kêu thêm thì nghe tiếng gọi tên mình. Tưởng ai, té ra thiếu tá Quân, người bạn thân trong phi đoàn đang lù lù bước vào. Ông tướng này từ ngày đeo lon thiếu tá làm việc gì cũng có vẻ nghiêm trọng như... đi hỏi vợ.  Chưa tới gần, ngài đã hét toang lên:
-Bố Trí, tụi tôi kiếm bố mãi.
-Kiếm làm gì, ngồi xuống đây làm một ly đã.
Quân lắc đầu, giọng có vẻ nghiêm trọng, pha lẫn một chút buồn phiền:
-Phi đoàn trưởng kêu về họp liền, có chuyện không hay rồi.
Nhìn sắc mặt và lời nói, Trí biết Quân không đùa. Chàng gọi bồi tính tiền nhưng An cản lại:
-Anh để đó cho em.
Khỏi cần khách sáo từ chối, Trí đứng lên ngay, xiết chặt tay An:
-Chúc ông may mắn. Ngày mốt tôi sẽ cố gắng đánh thật đẹp cho ông.
-Cám ơn anh. Anh ráng đánh cho đẹp giùm. Chỉ sợ trực thăng đáp không được. Nếu chạm được đôi bốt đờ sô xuống đất, con cái em sẽ làm đẹp.
-O.K.  Hẹn lúc khác mình gặp lại.
Ngồi bên phải chiếc pick up do Quân lái, Trí hỏi dồn dập:
-Có chuyện gì mà gấp vậy mày, lâu lâu gặp lại một người bạn học cũ mà mày cũng không cho tụi tao có thì giờ uống với nhau vài chai bia.
Quân im lặng. Trí biết xưa nay ông phi công này là một người có tật ham đấu. Chuyện gì cũng vậy, chưa ai hỏi là đã mở miệng ra bô bô lên rồi. Vậy mà hôm nay hắn câm như thế thì nhất định là có chuyện rồi, mà phải là chuyện lớn chứ chẳng chơi. Trí thắc mắc:
-Có việc gì thế?  Hay có thằng nào mới rớt tàu?
Quân vẫn im lìm không nói gì. Quái lạ, phi đoàn lâu lâu cũng có đứa "đi không ai tìm xác rơi" mà Quân đâu có phản ứng kỳ cục vậy? Vào phi trường, Trí nhìn thấy những chiếc khu trục A1 nằm im lìm thành từng dẫy. Dưới trời chiều cao nguyên đang tắt nắng, coi chúng oai hùng như những con mãnh hổ đang nằm thiêm thiếp ngủ sau một ngày chiến đấu oanh liệt.
Tự nhiên, Trí để ý thấy hai hàng nước mắt ứa ra từ đôi mắt Quân. Quen biết Quân từ bao nhiêu lâu, chàng biết bạn không phải là hạng mau nước mắt. Ngày thằng Sanh, bạn thân nhất của Quân bị SA-7 bắn nổ tung giữa trời, hắn đã không khóc. Nhất định phải có chuyện lớn rồi. Đù mẹ bạn bè với nhau từ đời nào, có cái gì không biết mà lại giấu kỹ vậy. Trí bực tức, gầm lên:
-Có chuyện gì? Đù mẹ có chuyện gì thì nói mẹ nó ra, sao mày cứ giấu tao. Đù mẹ lớn hết rồi, đủ sức lái tàu bay đánh giặc thì đủ can đảm để nghe bất cứ nguồn tin nào dù nó bi thảm đến đâu. Mày nói đi, thằng nào vừa chết?
Quân thắng xe, quẹo vào bờ cỏ rồi tắt máy. Vẫn không thèm nói năng gì, chàng leo xuống, bước từng bước một tới phía hàng rào, đứng nhìn vào bãi đậu có những chiếc khu trục A-1 của phi đoàn. Trí lắc đầu, mở cửa phóng xuống theo.
Đứng bên cạnh Trí nơi hàng rào, Quân lắc đầu nói:
-Chẳng có đứa nào trong phi đoàn mình chết cả...
Rồi chàng đưa tay chỉ vào những chiếc tàu bay, giọng nói thẩn thờ như người mất hồn:
-Đúng ra, tất cả những con chim sắt thây yêu này đều sắp chết hết. Chúng nó đều sắp sửa bị bức tử hàng loạt, chỉ trong vòng vài ngày nữa thôi.
Trí kinh hoảng:
-Mày nói gì?  Ai giết chúng nó?  Không có nó thì mình làm sao sống được?
Lần này thì hai hàng nước mắt Quân xuất hiện rõ ràng trên gò má:
-Bộ tư lệnh vừa đánh điện ra, cho lệnh ground hết tất cả phi cơ của phi đoàn mình.
Trí gầm lên, phẫn nộ:
-Ground, ground, đù mẹ lệnh lạc c... gì mà ngu vậy? Chúng nó vừa mở một loạt các cuộc tổng tấn công ở khắp nơi. Tại sao lại ground?
Giọng Quân lạc đi, chua xót và buồn thảm:
-Đơn giản lắm: Hết xăng và không có phụ tùng thay thế. Không ground thì cũng chẳng kiếm đâu ra xăng mà bay. Chính phủ không còn đủ xăng cho khu trục cơ A1 nữa. Phi vụ của mày là phi vụ cuối cùng. Sau đó, A-37 sẽ bao vùng. Chúng nó xài Jet Fuel, nên còn nhiều...
Không còn gì để cãi nữa. Trí đưa hai tay bưng lấy mặt. Cái tin này quả kinh khủng hơn chàng nghĩ. Có sống đến một ngàn năm nữa, Trí vẫn không tưởng tượng được chuyện này sẽ xảy ra. Dù từ ngày hiệp ước ngưng bắn ký, Trí đã biết tiếp liệu của quân đội bị cắt rất nhiều. Tàu bay hư không có cơ phận thay thế, phải lấy từ chiếc này để sửa chiếc khác. Bom đạn nếu không đánh được thì phải đem về mà đáp. Nhưng ai có thể ngờ được lại có một ngày như hôm nay. Ngay đến cả xăng cũng không còn để mà bay.
Trí hỏi Quân, lần này thì chính giọng của chàng lạc đi:
-Mày nói thật, mày không đùa giai với tao đấy hả Quân?
Quân không trả lời nhưng Trí cũng biết là bạn mình không đùa. Ai thèm đùa cái chuyện đau thương như vầy. Chàng hỏi để mà hỏi, buồn quá mà hỏi. Chẳng cần nghe trả lời.
Hai người phi công khu trục đứng yên lặng bên nhau cạnh hàng rào, nhìn đăm đăm vào nơi bãi đậu phi cơ. Dưới những tia nắng yếu ớt của trời chiều cao nguyên, đoàn khu trục cơ A-1 vẫn nằm im lặng lẽ. Lặng lẽ nhưng cao cả và oai hùng như những con cọp già trở về hang mình nằm im lặng và bình thản chờ cái chết ụp tới sau một cuộc đời tung hoành ngang dọc.  Những con cọp già đã trở về lại khu rừng xưa yêu dấu, nhưng sao rừng chưa hề bị tàn phá mà cọp đành phải nhắm mắt vĩnh biệt rừng...
Trời hởi, có nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn của phi công bị mất tàu, của rừng bị mất thú..
Trí thấy đôi mắt mình ngứa ngứa, chàng đưa tay lên chùi theo phản ứng và nhận ra là mặt mình đã đầm đìa nước mắt...
Chẳng muốn chạy đến, ôm xiết những con cọp yêu dấu kia vào lòng mình, nói một lời xin lỗi, một lời an ủi,  một lời gì cũng được cho chúng nó đỡ tủi hờn...
Đau thương quá...
Cọp ơi là cọp, buồn quá đi thôi.  Ta đã từng cỡi ngươi tung hoành khắp nơi trong những cõi trời bập bùng lửa đạn, người đã che chở ta, ngoan ngoãn nghe lời ta...  Đã bao nhiêu lần thân xác người lổ chỗ những viết đạn thù, từ đạn đại liên cho tới đạn phòng không lớn nhỏ, nhưng chỉ sau vài ngày nằm dưỡng bệnh, người lại lặng lẽ bò ra bãi đậu, nằm im lim ngạo nghể dưới anh mặt trời để chờ một phi vụ khác.
Với 2200 mã lực, lúc cất cánh lên, ngươi gầm thét vang dội cả núi rừng, đánh thức cả thành phố Pleiku dậy.  Thú lắm hả?  Lúc lâm trận, ngươi dù chậm chạp hơn anh A-37, nhưng sự chậm chạp chính là điểm son của ngươi, chính là điểu làm cho kẻ thù kinh hồn tản đởm.  Người khạc ra trái bom nào là trúng ngay mục tiêu quả bom đó.  Còn 4 cây cà-nông 20 ly của ngươi mới là đáng sợ.  Mỗi một lần ngươi khạc lửa ra là giặc chạy như một đàn vịt dưới chân ngươi...
Hồi ta mới tập bay, thấy ngươi cũng khó tánh bỏ mẹ.  Phi công đáp không chính xác để ngươi bị văng lên cao, nếu không bình tĩnh nhấn ga từ từ mà cứ chụp cần ga đẩy tới thì sức votex của cánh quạt sẽ làm tàu bay lộn đầu liền.  Ngươi cũng có tật .. ở dơ nữa.  Anh A-37, cậu F-5 sạch sẽ bóng bẩy thế nào thì người dơ bẩn thế ấy.  Mình mẩy ngươi lúc nào cũng đầy khói, dính đầy dầu mở, pilot leo lên tàu mà không cẩn thận thì có ngày sẽ té lộn đầu...
Nhưng khi được làm bạn với ngươi rồi thì ngươi dễ thương ngoan ngoản lắm.  Bao nhiêu người phi công khác thèm được cỡi ngươi một lần mà chẳng bao giờ được.  Ta lấy làm hãnh diện lắm...
Vĩnh biệt tất cả các ngươi...  Thôi, hãy yên nghĩ đi nhé.  Các ngươi đã làm tròn bổn phận của mình.  Dù các ngươi không sinh ra trên cái quê hương khỏi lửa này, nhưng các ngươi đã sống trọn quảng đời tươi trẻ của mình trên quê hương đầy đau khổ này, đã chia xẻ những vui buồn sướng khổ, những nắng sớm mưa chiều, những cay đắng cùng những ngọt ngào với anh em ta trên quê hương khốn khổ của ta...
Trí thầm thì:  "Rest in peace, dear old boys..."  Còn ta, ngày nào đất nước ta còn điêu linh thì ta còn phải chia xẻ những điêu linh này với đồng bào ta, dân tộc ta....
Cả hai người đứng đó thẫn thờ nhìn vào đàn chim sắt và đốt thuốc lá liên miên cho đến khi mặt trời lặn, phi trường lên đèn. Cuối cùng, Trí hỏi:
-Mày kêu tao về họp cũng chỉ để nghe chuyện này thôi phải không?
-Ờ. Nhưng giờ này thì họp hành gì nữa, trễ rồi.
Trí quay lại nhìn Quân, giọng chắc nịch:
-Vậy thì đi. Đù mẹ đi. Mày đi với tao ra phố, tao cầm cái đồng hồ rồi hai đứa mình kiếm một chỗ nào ngồi uống rượu tới sáng để ghi nhớ ngày đại tang của mấy con chim sắt yêu quí này.
-Sáng mốt, tao và mày sẽ dẫn hai phi tuần đánh 2 phi vụ cuối cùng...
Hai người trở lại, leo lên chiếc pick-up. Lần này Trí lái. Chàng sang số nhấn ga, miệng vẫn còn lẩm bẩm:
-Phi vụ cuối cùng...

Cánh Thép Xa Vời ...


 
Trước Noel một tuần, Ngọc Yến và Phương Lan tới nhà tôi. Theo sau hai đứa là một anh chàng không trắng trẻo, nhưng đẹp trai, cao ráo trong bộ áo bay màu xám, thẳng tắp. Vừa ngồi xuống ghế xa lông trong phòng khách là Phương Lan đã tía lia giới thiệu:
- Đây là anh Kiều, người anh hàng xóm của tao, hoa tiêu F5, một cánh thép cô đơn, mới được nghỉ phép về Sài Gòn.
Quay sang Kiều, Lan nói:

- Còn đây là Bảo Trân, hay là nàng thơ Mai Trắng của 12C1 Gia Long, anh Kiều muốn thưởng thức tài năng của nàng thì cứ vào vườn thơ của nguyệt san Tiếng Sóng là sẽ gặp nàng ngay.
Rồi Lan quay lại phía tôi nói tiếp:
- Này nàng thơ Mai Trắng, anh Kiều cũng là một cây viết tên tuổi của vườn thơ Tiếng Sóng đấy nhé. Hồi xưa thì anh làm thơ học trò, nhưng bây giờ anh chỉ viết thơ tình, thơ lính mà thôi.
Kiều nghiêng đầu làm điệu chào tôi:
- Thật hân hạnh, tôi đã được nghe danh của Mai Trắng từ lâu, hôm nay mới được gặp mặt nhà thơ.
Tôi đập nhẹ vào vai Lan:
- Mi chỉ giới thiệu nhảm nhí, anh Kiều đừng nghe nó, lâu lâu Mai mới gửi một vài bài viết đăng báo cho vui thôi, danh với tiếng nỗi gì.
Ánh mắt Kiều tha thiết:
- Mai không tin tôi là một trong những độc giả trung thành của nhà thơ Mai Trắng hay sao? Tôi đã để ý đến nhà thơ này từ ngày những câu thơ nũng nịu như:
Ai bảo anh sang trường người ta học
Chờ làm chi trên lối nhỏ em về… xuất hiện trên Tiếng Sóng, và tôi vẫn thường xuyên theo dõi bài viết của Mai Trắng. Này nhé, bài thơ gần đây nhất Mai gửi đăng trên Tiếng Sóng là bài thơ “Đọc Báo Mùa Chinh Chiến”, viết về Mùa Hè Đỏ Lửa phải không? Bài thơ có những câu thơ làm ấm lòng người:
Thầm lo, người ở vùng hỏa tuyến
Anh, với những người bạn thân quen
Đời trai, vận nước mùa chinh chiến
Khải hoàn, một giấc mộng bình yên
………
Đêm đêm em vẫn thầm cầu nguyện
Lối gió đường mây tránh đạn thù
Bình yên cánh thép về hậu cứ
An toàn sau những chuyến tuần du…
Tôi có chuyền bài thơ cho cả đám bạn cùng phi đoàn đọc. Có thằng đã chảy nước mắt, lo cho đời sống đường mây trên lằn đạn của chúng tôi, mạng số do trời, chỉ mong sao tránh được cái cảnh:
Cánh thép thêm hoa giữa nến đèn
Vì biết tôi có viết bài cho Tiếng Sóng, nên bọn chúng đã giao cho tôi cái trách nhiệm đi tìm xem Mai Trắng là ai, có liên hệ gì đến những màu áo xám này không mà thương yêu cánh thép nhiều đến vậy. Ngờ đâu hôm nay tôi có duyên gặp được nhà thơ rồi. Nhất định hôm nào Mai Trắng phải cho cả bọn chúng tôi diện kiến đấy nhé…
Phương Lan chen vào:


- Thôi được rồi mấy nhà thơ ơi, khoan khoan nói chuyện dông dài. Anh Kiều phải để con nhỏ Trân vô trong nhà sửa soạn còn đi chơi với mình nữa chứ.

Tôi nhìn Lan hỏi:

- Tính đi đâu chơi vậy?

Lan đáp:
- Anh Kiều vừa được về phép, nên rủ tao với nhỏ Yến đi ăn kem, dạo phố, hay ciné gì đó, đi ba người thì hơi lẻ nên tới rủ mi đi cho tròn.
Tôi lên lầu xin phép ông bà nội rồi xuống nhà sửa soạn. Ngọc Yến và Phương Lan theo tôi vào trong phòng. Phương Lan dành phần lựa quần áo cho tôi, con nhỏ nói:
- Tao phải lựa cho mi một bộ cánh nào mong manh như mây trời để cho anh chàng Kiều chết mê chết mệt vì cái nét ngây thơ vô… số tội của mi mới được.

Vừa lục tủ quần áo của tôi Phương Lan vừa hỏi:
- Sao, mi thấy anh chàng Kiều này hào hoa không? Vậy mà đang làm cánh thép cô đơn đó, hát hoài cái câu “…đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng vô duyên, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…” Tao tính giới thiệu anh chàng cho mi đó. Hỏi thiệt nghe, mi thấy anh Kiều có hơn anh chàng Vũ nào đó, bạn của cậu mi không?

Tôi nghe tim nhói đau khi Phương Lan nhắc đến một cánh bằng đã gẫy.

Trong những người bạn bay cùng phi đoàn với cậu thì có lẽ tôi thích Vũ hơn tất cả. Có thể vì Vũ hiền nhất trong những người phi công đó, Vũ không biết nhậu đến “trời đất cũng cuồng quay” như cậu và những người bạn khác của cậu. Cũng có thể là Vũ trẻ nhất, anh vừa rời ghế học đường, lại hay thích nói chuyện thơ văn với tôi, nên tôi thấy gần gũi với anh hơn. Vũ thích thổi kèn harmonica, và hay thổi những bài nhạc thật buồn. Tôi có hỏi tại sao anh không thổi những bản nhạc vui thì anh bảo:

- Em không thấy là những bản nhạc buồn nó… hay hơn những bản nhạc vui sao? Mà quê hương mình chiến tranh hoài, có gì vui đâu.

Trái với những người bạn khác của cậu, (không dám gọi tôi bằng cháu, chỉ lúng túng gọi tôi bằng tên) Vũ gọi tôi bằng em. Anh gọi tôi bằng em và xưng anh từ những ngày đầu gặp gỡ. Bạn của cậu lúng túng là phải vì họ đâu có hơn tôi bao nhiêu tuổi đâu mà “dám” gọi tôi là cháu, phần đông họ nhỏ tuổi hơn cậu hoặc cùng lắm là bằng tuổi cậu. Mà cậu thì chỉ hơn tôi đúng chín tuổi.
Cậu có cả năm, sáu người bạn thân trong cùng phi đoàn, và dù cậu biết là con nhỏ cháu mê màu xám của những cánh thép ngang trời, vẫn ước mơ đan khăn ấm cho chàng thắt lại trước khi “…phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên…”, nhưng cậu đã nhiều lần cảnh cáo mấy “thằng bạn” là không được “thân mật” với tôi. Không phải cậu sợ bạn xuống vai vế gọi cậu là…cậu, mà cậu chỉ sợ có một ngày con nhỏ cháu rơi vào cái cảnh “…ngày mai đi nhận xác chồng, say đi để thấy mình không là mình...”

Nhưng cậu đã không ngăn cản khi thấy tôi thân thiết với Vũ, có lẽ, cậu biết là Vũ không có ý tán tỉnh tôi. Vũ chỉ cần một người bạn để tâm sự vì Vũ cô đơn quá. Vũ không có anh em gì cả, Vũ là con độc nhất trong gia đình, mà gia đình lại lạnh nhạt với anh. Nguyên do cũng tại Vũ hết thôi, đáng lý ra Vũ không phải vào quân đội, nhưng anh lại tình nguyện vào quân trường khi vừa học xong năm thứ nhất ở Luật Khoa. Việc Vũ gia nhập quân đội làm cha Vũ nổi trận lôi đình, mẹ Vũ buồn khóc đến nỗi phát ốm, nhưng cũng không làm sao ngăn bước chân Vũ lại. Vũ giải thích với tôi:
- Sau một mùa hè theo các đoàn sinh viên đi dựng lại nhà cửa, những cây cầu cháy đổ ở một miền quê bị chiến tranh tàn phá về anh học không vô nữa. Anh nghĩ anh cũng nên góp một bàn tay để giữ vững quê hương một cách tích cực hơn theo lời kêu gọi: “…lúc quốc biến bao người con thân yêu ra đi, tiếc tấm thân mà chi...”
Và Vũ đã gia nhập vào đại gia đình Tổ Quốc Không Gian. Sau khi hoàn tất khóa tu nghiệp lái trực thăng Vũ đã về bay cùng một phi đoàn Hoàng Ưng với cậu. Là phi công trẻ tuổi, đẹp trai mà Vũ chẳng có số đào hoa chút nào (như cậu và những người bạn cậu), Vũ chẳng có đến lấy một người em gái hậu phương để đưa nàng đi dạo phố. Vũ bảo, trước khi vào quân đội thì Vũ cũng từng có người yêu, người con gái Vũ quen và yêu từ hồi Vũ còn học ở Chu Văn An, nhưng cô nàng bực tức vì Vũ bỏ học đi lính ngang xương nên không thèm liên lạc với Vũ nữa. Vũ nói:
- Anh cũng không buồn, không trách, vì đời lính sống nay chết mai, anh không muốn làm ai kia vướng bận. Rồi thì anh cũng quên thôi.
Vũ nói thì nói vậy chứ tôi biết Vũ còn nhớ người con gái kia lắm, vì lúc nào tôi cũng thấy mắt Vũ vướng buồn. Tôi cũng không sao quên được ánh mắt u buồn của Vũ trong bức ảnh đặt trước những nến đèn ngày hôm đó, ngày mà tôi theo cậu đến tiễn đưa anh. Nhìn cậu và những người bạn nghẹn ngào chào Vũ phút cuối cùng tôi đã xúc động ghi vào bài thơ của tôi những câu:
Bạn bè anh trở về - miên viễn -
Cánh thép thêm hoa giữa nến đèn
Anh lặng người trong ngày đưa tiễn
Nghẹn ngào gọi mãi, cái tên quen



Và tôi cũng đã nghẹn ngào gọi tên Vũ nhiều lần khi thả xuống theo anh những cánh hoa hồng vàng, màu tôi yêu thích. Tôi không phải là người yêu của anh nên không dám gửi cho anh những đóa hoa hồng nhung đỏ thẫm, tràn ngập ý nghĩa yêu thương nhung nhớ. Tôi chỉ có những kỷ niệm rất hiền hòa với Vũ trong những ngày anh về phép, khi anh rủ tôi đi dạo với anh trên những con đường xanh ngắt màu lá me dẫn về ngôi trường của anh học cũ, hay khi anh đến tìm tôi để hai anh em ngồi nói chuyện vu vơ trong một góc vườn nhà.

Kỷ niệm nhỏ nhoi hôm nào lại hiện về trong trí tôi. Buổi chiều hôm đó Vũ và tôi ngồi ở trong vườn nhà tôi, dưới giàn hoa thiên lý đang trổ đầy hoa. Trước khi ra về, anh đứng dậy hái một chùm hoa thiên lý vàng tươi vừa nở, ngát hương thơm, cài lên mái tóc tôi. Ra đến cổng, đã bước đi rồi anh còn quay lại nhìn tôi, anh định nói với tôi điều gì đó nhưng lại thôi. Lần đó là lần cuối cùng tôi gặp Vũ…

Chuyện qua đã lâu rồi, nhưng nước mắt tôi vẫn rơi mỗi lần tôi nghĩ về Vũ. Tôi cúi xuống kéo tay áo chùi nước mắt.
Ngọc Yến nãy giờ đứng dựa lưng ở một góc tủ khoanh tay nhìn nhỏ Lan lăng xăng chạy tới chạy lui lựa quần áo cho tôi, thấy tôi khóc, nó bèn mắng Phương Lan:

- Con nhỏ Lan này vô duyên tận cùng bằng số luôn, mi hết chuyện nói rồi sao mà đương không nhắc tới anh Vũ làm chi cho nhỏ Trân nó buồn, nó khóc rồi kìa.
Phương Lan xít xoa:
- Xin lỗi nghe Trân, tao không cố ý đâu.

Tình cờ sao Phương Lan lại chọn ra cái áo lụa màu hoa thiên lý mà có lần tôi đã mặc để đi chơi với Vũ. Tôi lặng im thay áo rồi ngồi xuống bàn trang điểm. Da tôi đã trắng mịn sẵn rồi nên tôi không cần tô son trét phấn cho nhiều. Tôi chỉ cần đánh một lớp phấn kem lót thật nhẹ, thoa một chút phấn hồng trên má, tô một chút son màu nhạt trên môi, và vẽ thêm hai đường mi đen cho vùng mắt thêm sâu. Tôi tháo mái tóc nãy giờ vẫn quấn gọn ra sau thành đuôi gà xuống, uốn quăn sơ vài ba lọn tóc ở cuối phần đuôi rồi thả dài trước ngực. Tôi trang điểm đơn sơ như thế này có đủ làm cho anh Kiều chết mê mệt vì tôi không?

Anh Kiều chở Phương Lan bằng cái xe Yamaha màu xanh của nó. Còn tôi đi theo Ngọc Yến. Ngọc Yến thường ngày vẫn đi học bằng cái xe PC như tôi, hôm nay lại đến nhà tôi bằng cái xe Honda dame màu đỏ, chắc nó mượn của chị Ánh. Hai chiếc xe nhanh chóng nhắm hướng Sài Gòn trực chỉ.
Ăn kem xong, Phương Lan bỗng đổi ý không muốn đi ciné nữa, con nhỏ đòi đi dạo bến Bạch Đằng. Anh Kiều cũng đồng ý bảo lâu quá rồi anh cũng chưa nhìn lại bến sông Sài Gòn. Gửi xe xong bọn tôi đi bộ dọc theo bờ sông ngắm cảnh. Chiều thứ bảy, mát trời, nên người qua lại dập dìu. Vì đã lỡ nói là “giới thiệu” anh Kiều cho tôi nên Phương Lan đành nắm tay Ngọc Yến dung dăng dung dẻ đi trước, để cho tôi và anh Kiều đi đằng sau có cơ hội “làm quen” với nhau.

Đi vòng vòng một hồi mà bọn tôi tới gần nhà hàng nổi Mỹ Cảnh lúc nào không hay. Yến và Lan mang giầy cao gót nên mỏi chân, bèn bỏ lại cái ghế đá gần gốc cây cổ thụ ven đường ngồi nghỉ mệt. Kiều rủ tôi tản bộ ra đứng gần cái hàng rào thấp làm bằng những sợi giây xích lớn gần bờ sông nhìn sóng nước. Trời mùa đông nên chiều xuống thật nhanh. Những ánh nắng cuối ngày trải mỏng manh trên sóng nước êm đềm tạo nên một khung cảnh bình yên, thơ mộng. Hai chúng tôi cứ đứng như thế nhìn hòang hôn xuống lặng lẽ bên sông. Kiều chợt nói:

- Anh là phi công mà vẫn cứ mê sóng nước, chắc có lẽ vì một phần đời của anh đã dính liền với những giòng sông ở quê nhà. Hồi anh còn nhỏ thì gia đình anh làm vườn ở Cần Thơ, sau đó thì ba anh chuyển qua Mỹ Tho buôn bán một thời gian dài, cho tới năm cuối cùng của trung học nhà anh mới về an cư ở tại Sài Gòn.
Tôi hỏi:

- Nếu gia đình anh ở Mỹ Tho thì chắc anh có học một vài năm ở trường Nguyễn Đình Chiểu hở?
Anh nhìn tôi:

- Mai cũng biết trường Nguyễn Đình Chiểu sao? Anh học hết sáu năm trung học ở đó chứ một vài năm gì. Anh chỉ đổi về học ở Petrus Ký đầu năm lớp mười hai thôi.
Tôi nói như reo:
- Xém chút nữa thì Mai được làm “hàng xóm” của anh rồi. Hồi mới thuyên chuyển về Mỹ Tho làm việc bố cũng đã định đem hết mấy chị em Mai về trường Lê Ngọc Hân học. Nhưng coi bộ tình hình chiến sự không yên nên bố đã để mấy đứa ở lại Sài Gòn với ông bà nội. Tuy vậy mỗi mùa hè chị em Mai đều có dịp về Mỹ Tho nghỉ hè, được bố đưa về Gò Công hái trái sêri.
- Mai có về Cần Thơ chưa? Cần Thơ nổi tiếng với bến Ninh Kiều. Không phải là chủ quan nghe, nhưng anh cảm thấy bến Ninh Kiều đẹp hơn là bến Bạch Đằng nhiều.
Tôi cười:

- Cồn Phụng ở Mỹ Tho gần như vậy mà Mai còn chưa qua tới, nói chi đi Cần Thơ cho xa. Bà nội của Mai nói Mai có căn Mẫu Thoải nên Mai không được qua sông, qua nước, qua phà. Cứ hễ mỗi lần bố muốn dẫn Mai qua cồn Phụng chơi là trời mưa to, sóng lớn, mấy lần ra đến bờ sông rồi cũng phải quay về. Vậy mà Mai vẫn thích ra bờ sông ngồi nhìn thuyền bè qua lại, nhìn sóng nước êm đềm trong ánh hoàng hôn.

Kiều gật gù:

- Anh cũng vậy, hễ có dịp về Cần Thơ thăm ông bà nội, bận cách mấy anh cũng ra thăm bến Ninh Kiều một lần, nhìn sóng nước. À này, Mai đã có ngồi ăn tối trên những nhà hàng nổi bên sông chưa? Thú lắm khi cảm nhận được sóng nước dập dềnh ở dưới chân mình.

Rồi Kiều kéo tay tôi:

- Đi em, mình rủ Yến và Lan đi ăn tối ở nhà hàng Mỹ Cảnh.

Kiều quay lại gọi Yến và Lan:
 - Anh còn đủ tiền để đãi mấy em một bữa ăn sang đây. Hôm nào về đơn vị rồi thì tính sau.
Tôi và Ngọc Yến, chưa được vào Mỹ Cảnh bao giờ nên không phản đối, nhưng tôi thấy con nhỏ Phương Lan có vẻ miễn cưỡng làm sao, chắc tại nó quen thân anh Kiều nên biết rõ túi tiền của ông anh hàng xóm. Tôi đưa mắt nhìn Ngọc Yến, nhưng con nhỏ tỉnh bơ nhìn lại tôi nhún vai ra điều - cho anh chết luôn, ai biểu anh đòi làm sang - rồi Ngọc Yến kéo tay tôi bước lên chiếc cầu gỗ dẫn vào nhà hàng.

Nhỏ Ngọc Yến tuy tinh nghịch nhưng cũng ý tứ, nó lựa cái món ăn nhè nhẹ cho đỡ khổ túi tiền anh. Tôi cũng chọn một món ăn chơi, ngon hơn ăn thiệt. Phương Lan thì khỏi nói, con nhỏ cũng nổi tiếng kén ăn nên cũng chọn một món nhẹ nhàng. Anh Kiều nhìn mấy cái món ba đứa tôi chọn rồi bảo:

- Mấy cô đừng có sợ anh lủng túi nghe. Anh còn dư tiền để đãi một chầu ciné nữa đó.
Ăn xong cơm chiều, vì mấy cô con gái giữ eo không gọi thêm món tráng miệng nên anh Kiều bảo gọi café uống cho ấm bụng. Phương Lan nhõng nhẽo nói:
- Điệu này là tụi em thức trắng đêm luôn.
Anh Kiều vừa quấy đường trong ly café của Phương Lan vừa bảo:
- Chứ không phải là mấy cô vẫn uống café để thức gạo bài thi sao?
Tôi cười:

- Đúng rồi. Không biết con nhỏ Phương Lan càm ràm nỗi gì chứ đêm nào Mai cũng phải cầu viện café đen để thức học bài. Riết rồi Mai không uống café có đường được nữa.
Anh nhìn tôi:

- Thật sao? Vậy là mình có nhiều ý thích giống nhau. Từ lâu rồi anh cũng thích uống café đen đậm không đường.

Tôi vừa múc muỗng café đậm đắng đưa lên môi, chưa uống vào mà thấy lòng đã nghẹn. Tôi nghe lời nói sao quen. Có phải Vũ cũng đã từng nói với tôi là anh cũng thích uống café không đường từ sau những ngày thi cuối khóa? Tôi cúi xuống nhìn ly café với ý nghĩ trong đầu:

- Không phải chỉ có anh thích uống café đen không đường. Còn có một người khác nữa. Một cánh thép đã xa vời.

Ngọc Yến vẫn ngồi ừ hử bên cạnh tôi từ hồi vào tiệm ăn, đưa tay sang vỗ nhè nhẹ vào đùi tôi, có lẽ con bé cũng biết tôi đang nghĩ đến Vũ nên nhắc chừng tôi đừng để rơi nước mắt.
Kiều đưa ly café lên nhấp một ngụm rồi hỏi rất nhỏ, như chừng chỉ để tôi nghe:

- Anh nghe Phương Lan nói Mai có người cậu cũng là phi công hở?
 Lòng tôi như chùng lại. Từ lâu rồi, tôi đã cố quên cánh thép đã thật xa vời đó. Tôi có thể nói gì với anh về cậu đây? Vì từ sau mùa hè đỏ lửa đó thì cậu đã thật sự trở thành… một bóng mây.

Tôi chớp mắt:

- Cánh thép đó đã xa rồi. Thôi đừng nhắc đến anh Kiều nhé. Nào bây giờ nói chuyện về anh cho Mai nghe đi. Tại sao tên anh là... Kiều, sao không giống tên con trai chút nào vậy hở?

Anh cười:
- Tên thật của anh không phải là Kiều. Ninh Kiều là bút hiệu anh đã chọn từ ngày xưa khi anh còn đi học. Dần dà rồi bạn bè gọi anh là Kiều luôn, thành quen. Đôi khi anh cũng quên luôn cái tên thật của mình. Thế Mai có muốn biết tên thật của anh không? Để nhớ…Hôm nào trời lành lạnh như ngày hôm nay rủ anh đi uống café nhìn sóng nước êm đềm.

Tôi giật mình. Coi bộ anh chàng Kiều này đã muốn đốt giai đoạn thật nhanh rồi đó. Tôi liếc mắt về phía Phương Lan, con nhỏ uống café có đường mà sao mặt mũi nhăn nhó trông thảm hại đến thế kia? Tôi nhìn qua Ngọc Yến, con nhỏ vẫn thản nhiên ngồi nhâm nhi café nghe tôi và Kiều đối đáp. Tôi nói:
 - Thôi, để Mai gọi anh là Kiều đi để nhớ Ninh Kiều, một bến nước dễ thương. Và anh cũng đừng nhớ tên thật của Mai, cứ gọi Mai Trắng cho tròn tình văn nghệ…

Tôi cảm thấy như mũi giầy của Ngọc Yến đang khều nhẹ lên mũi giầy tôi ở dưới gầm bàn, rồi con nhỏ đứng dậy bả

- Yến xin phép vào trong kia một chút.
Hiểu ý Yến, vài giây sau tôi cũng nói xin lỗi với anh Kiều và Lan rồi đi vào theo Yến. Ngọc Yến đón tôi ngay ở phía trong phòng vệ sinh, nó rít lên nho nhỏ:

- Trời ơi, tại sao mi chậm tiêu dữ vậy? Mi có thấy con Lan nhấp nhỏm như đang ở trên lửa đỏ, than hồng không chứ mà còn ngồi đó hẹn hò!?

Tôi lắc đầu:

- Tao có hẹn hò gì đâu, nhưng tao thật tình không hiểu, tại sao con Lan bảo giới thiệu anh Kiều cho tao mà bây giờ nó lại nhăn nhó, khổ đau.
Yến thì thầm:
- Mi có biết anh Kiều là ai không? Người yêu trong mộng của con Lan đó. Thật ra thì anh Kiều là người anh hàng xóm, và anh chàng để ý đến chị Phương Tú, chị kế của Phương Lan, chứ không phải để ý đến nó. Hồi đầu thì chị Tú cũng có cảm tình với anh Kiều, nhưng cả hai người đều chưa ai nói tiếng hẹn hò yêu thương gì hết ráo. Trong khi anh Kiều đi tu nghiệp ở Mỹ thì chị Tú được một anh chàng sinh viên học năm thứ tư Y Khoa theo đuổi ráo riết. Và chị Tú đã mềm lòng trước cái tương lai rực rỡ của một ông bác sĩ đẹp trai, con nhà giàu, mà lại là con một. Khi anh Kiều về nước thì nàng đã quay lưng. Anh chàng thất tình, nhưng vẫn chăm chỉ sang thăm người xưa để nuôi một hy vọng hão huyền là một ngày đẹp trời nào đó thuyền sẽ quay về bến cũ. Nhưng chỉ buồn cho anh là lúc nào anh sang nhà nàng thì Phương Tú cũng tránh mặt, để một mình Phương Lan ra tiếp đón. Phương Lan thích anh, nhưng nghĩ tới cái chuyện ngày xưa anh theo đuổi chị Phương Tú của nó nên cũng thấy kỳ kỳ. Con nhỏ mượn cớ dẫn anh đi tìm bạn gái giới thiệu cho anh để được đi chơi với anh. Khổ thân nó, muốn ăn mà cứ làm bộ gắp bỏ chén người.

Tôi ngỡ ngàng:
- Con nhỏ thiệt là khùng, may là gặp tao chứ lỡ gặp người…“gắp ăn” thiệt thì nó tính làm sao?

Yến tắc lưỡi:
- Thì vậy mới nói. Tao đã cản nó từ đầu rồi mà nó không nghe. Nó biểu để thử lòng anh Kiều. Tao cũng không ngờ là anh chàng Kiều này bị “sét đánh” mau như vậy. Khi thấy mi với anh chàng nói chuyện rộn rã như bắp rang tao đâm ngại, nên tao mới nói trước cho mi hay để mi tha cho người trong mộng của nó đi.

Tôi thở dài:
- Tao đã có tình ý gì với anh Kiều đâu mà tha với thả, chẳng qua là…
Tôi chưa nói xong hết câu thì Phương Lan đẩy cửa bước vào, mắt con nhỏ xịu buồn thấy rõ, nó đứng bên cạnh tôi vừa rửa tay vừa hỏi:

- Sao, mi có vẻ hợp rơ với anh Kiều rồi đó hả? Anh Kiều nói đêm Noel anh với nhóm bạn cùng khóa họp lại mở một cái bal. Anh muốn mời mi và con Yến đó, tụi mi có đi được không?

Tôi đưa mắt ra dấu cho Yến rồi trả lời:
 - Chắc là không được rồi. Tao với con Yến có hẹn đi xem lễ nửa đêm với thằng Phương Điền Vỹ, em tao. Còn anh Kiều của mi hả, “nhóc” quá, đâu có chững chạc như anh Vũ của tao mà mi bảo là tao hợp.

Mặt Phương Lan tươi tỉnh hẳn lên, nhưng nó cũng làm bộ xít xoa:

- Trời đất, mi nói nhỏ chút, anh Kiều của tao điển trai như vầy mà mi dám chê, ảnh mà nghe được thì ảnh buồn ghê lắm đó.
Ba đứa tôi trở ra ngoài. Kiều đã tính tiền xong, đang ngồi chờ đợi. Anh hỏi tôi và Yến có còn muốn đi ciné không nhưng tôi bảo là không xin phép nhà đi lâu như vậy nên thôi để tôi với Yến về trước. Tôi và Yến cũng ngỏ lời cám ơn anh đã cho chúng tôi một buổi chiều rong chơi vui vẻ và một bữa cơm tối ngon miệng. Chúng tôi lại đi bộ về chỗ gửi xe, nhưng lần này tôi và Yến nhanh chân đi trước, để anh Kiều và Phương Lan thong thả bước theo sau.

&&&

Tôi gặp lại Kiều một lần nữa trước mùa thi khi anh đến đón Phương Lan ở vườn hoa cư xá vàng, cái cư xá đối diện với góc trường tôi, ở trên con đường Phan Thời Nhiệm. Khi ba đứa tôi đến nơi thì anh đã có mặt ở chỗ hẹn, đang ngồi trên yên xe đọc báo. Mấy hôm trước, Phương Lan đã vui vẻ báo tin với tôi và Yến là chuyện của anh với nó đang tiến triển tốt đẹp vì hồi này anh không còn cay cú chị Phương Tú của nó nữa, mấy lần anh qua nhà nó mà lỡ có gặp anh chàng sinh viên Y Khoa thì anh cũng thản nhiên bắt tay thăm hỏi. Lần nào về phép anh cũng đến trường đón nó, dẫn nó đi ăn kem, đi dạo bến Bạch Đằng. Hôm nay anh cũng đang nghỉ phép nên buổi sáng anh đưa nó đến trường, rồi buổi trưa sau giờ tan học anh lại đến trường đón nó đi chơi.



Phương Lan và Ngọc Yến giao cho tôi với Kiều ngồi canh mấy cái xe để hai đứa nó đi mua đậu đỏ bánh lọt và bò bía cho cả bọn chúng tôi ăn. Chắc anh Kiều và Phương Lan đã “thân mật” với nhau lắm rồi nên con nhỏ không sợ là tôi sẽ “cướp” mất anh trong tay nó nữa.


Kiều đã bỏ tờ báo vào giỏ xe đằng trước, nhưng vẫn ngồi một chỗ trên yên xe nhìn tôi. Còn tôi thì ngồi đối diện với anh ở một góc ghế đá. Tôi và anh cứ thế ngồi im lặng nhìn nhau. Thật im lặng! Hình như anh có vẻ giận tôi. Sau cùng tôi cố làm vẻ tự nhiên để phá bầu không khí nặng nề này nên bắt chuyện hỏi thăm:
- Anh Kiều vẫn khỏe chứ? Anh đã bay được bao nhiêu chuyến từ khi về đơn vị mới? Có chuyến bay nào nguy hiểm lắm không?

Nhưng Kiều không trả lời những câu hỏi của tôi. Anh rời xe, đến gần chỗ tôi ngồi, nhìn thật sâu vào mắt tôi anh hỏi:

 - Mai chê anh “nhóc” hở? Có thật là anh “nhóc” lắm không?
 Tôi lúng túng không biết trả lời sao. Tôi không ngờ là con nhỏ Phương Lan mách lại với anh lời dối gian mà tôi bắt buộc phải nói với nó. Làm sao tôi giải thích cho anh nghe là tôi cũng…mến anh ghê lắm, mến từ lúc đầu khi nhìn thấy màu áo xám của anh, vì từ lâu màu xám mây trời đã là sợi giây vô hình trói buộc tôi và những cánh thép xa vời. Tôi đã mến anh hơn từ những giây phút đứng yên lặng bên cạnh anh nhìn hoàng hôn trên sóng nước. Nhưng mà, sở dĩ tôi không dám “thân mật” với anh bởi vì con nhỏ bạn Phương Lan của tôi đã trót… thương anh rồi. Tôi ấp úng:
 - Ý Mai muốn nói là… anh tuổi trẻ, tài cao, anh là hoa tiêu F5 mà, Mai có dám chê anh “nhóc” đâu.
Kiều thở dài:
- Chắc tại mình không có duyên với nhau. Nhưng dù sao thì anh cũng cám ơn Mai đã cho anh một buổi chiều nồng ấm…
Rồi Kiều nhìn về hướng Phương Lan và Ngọc Yến đang bưng đồ ăn đi tới, anh nói thật nhỏ trước khi bước đến tiếp tay cầm mấy ly nước cho Lan với Yến:
- Anh muốn cho Mai biết một điều, cho tới giờ phút này thì Phương Lan cũng chỉ đơn thuần là người em hàng xóm của anh thôi.

&&&



Tôi đã không gặp lại Kiều một lần nào nữa, vì trước ngày bãi trường năm đó, Phương Lan buồn rầu nói cho tôi và Yến biết là anh Kiều đã thuyên chuyển ra phục vụ ở một phi đoàn gần vùng hỏa tuyến, nên anh không có dịp về Sài Gòn thường xuyên để cùng nó đi dạo phố như trước.

Tôi có làm một bài thơ cho Kiều, xem như là một lời tạ lỗi, nhưng vì bận rộn ôn bài vở cho ngày thi sắp đến nên tôi đã không có dịp gửi bài thơ đăng báo. Rồi tôi cũng quên lửng bài thơ đó đi.

Sau khi rời Gia Long, tôi và Ngọc Yến cùng vào Văn Khoa, nhưng hai đứa có hai thời khóa biểu khác biệt nhau vì tôi theo ban Anh Văn còn Yến theo ban Việt Văn. Thỉnh thoảng hai đứa chỉ gặp nhau ở sân trường, hay những lúc vào thư viện tra cứu thêm tài liệu. Còn Phương Lan thì theo học Kinh Thương Minh Đức cho gần nhà nên sự liên lạc của tôi và nó thưa dần.
Một buổi sáng mùa đông, Ngọc Yến lên lầu tìm tôi ở giảng đường Bốn, con nhỏ đưa cho tôi một trang báo nhỏ xé nham nhở, xếp làm tư. Ngọc Yến hằn học nói:

- Mi đọc đi, đúng là không tin tưởng được mấy cái anh chàng không quân đa tình, bay bướm này, có người yêu mà vẫn mơ tưởng tới người khác, tao sẽ đưa bài thơ này cho con Lan đọc để nó xé xác anh chàng ra trăm mảnh. Tôi mở trang báo, một bài thơ mới đăng ở trong vườn thơ tờ nguyệt san Tiếng Sóng. Bài thơ có tựa đề “Mơ Ước” và tác giả là - Ninh Kiều, cánh thép cô đơn - Kiều đã viết:

Anh chỉ có một ước mơ duy nhất

Đưa em về quê cũ, một ngày vui
Tay đan tay mình dạo bến sông dài
Và lặng ngắm hoàng hôn trên sóng nước

Nhưng mơ ước, chỉ hoài là mơ ước

Khi chúng mình đã chẳng hiểu lòng nhau
Hẹn làm chi? Cho lỡ một nhịp cầu!
Cho vương vấn, quắt quay hồn lính trẻ
Em yêu hỡi, phương này anh vẫn thế
Phố thị buồn, thờ thẫn bước đơn côi
Thành phố xa, cũng với bến nước dài
Anh lại ước, có em, người em nhỏ

Đã có lần anh trở về lối cũ
Nhìn hoàng hôn trên sóng nước. Buồn thôi!
Anh đã mơ, một lần nữa trong đời
Bên em, ngắm hoàng hôn trên sóng nước…

Tôi xếp lại bài thơ đưa trả cho Yến rồi nhẹ nhàng bảo nó:
- Khi anh Kiều gửi bài thơ này đăng báo, thì anh đã không ngại là con Lan sẽ đọc được, nên mi đừng đưa cho nó đọc làm chi cho nó thêm buồn. Tao không biết sau này chuyện của nó với anh Kiều ra sao, nhưng theo tao hiểu thì bây giờ Lan vẫn chưa có thể…xé xác anh Kiều ra trăm mảnh.
Rồi tôi kể lại cho Yến nghe những lời nói của Kiều trong lần gặp lại ở cư xá vàng trước mùa thi. Yến dậm chân, tức tối:
- Mi khùng, con Lan khùng và anh chàng Kiều kia cũng khùng luôn. Mi thì được yêu mà không dám yêu lại. Con Lan thì người ta không yêu mình mà cứ mơ tưởng là yêu. Còn anh chàng Kiều thì yêu mà không dám tiến tới, chỉ dám ngồi than thở cho mối tình đơn phương. Để tao nói, nói ra hết cho hai người hết khổ, thà là, chỉ có một người buồn.
Tôi kéo tay nó ngồi xuống bên cạnh tôi:
- Mi làm gì mà gấp rút thế kia. Thì cứ để xem ông tơ bà nguyệt có se đúng mối chỉ hồng. Nếu tao và anh Kiều có duyên thì còn ngày gặp gỡ, phải không?
Nhưng rồi sau đó, tôi bỏ dang dở mùa học ở Văn Khoa, rời bỏ quê hương tuần lễ cuối cùng của tháng Tư đen. Tôi đã không có dịp gặp được Yến, Lan, Kiều một lần sau cuối.

&&&



Một buổi chiều cuối tháng năm trong trại tị nạn Pendleton, trên đường đi thăm gia đình cô Hà từ dãy lều trại Tám về, tôi nghe được một mẩu nhắn tin mới từ loa phóng thanh:


“Ninh Kiều, một cánh thép cô đơn, ra đi từ những ngày cuối cùng vội vã, lạc lõng trên xứ lạ, đang mong tin của người thân và bạn bè. Mai Trắng, em ở đâu? Nếu em vẫn độc hành trên bước đường tị nạn thì hãy liên lạc với cánh thép ở lều điều hành để chúng ta còn có những buổi chiều êm đềm nhìn hoàng hôn trên sóng nước.”

Tôi bàng hoàng. Đúng là Ninh Kiều thật rồi, bởi vì đâu còn ai ngoài anh để muốn cùng Mai Trắng nhìn ngắm sóng nước êm đềm trong ánh hoàng hôn. Anh cũng có mặt trong trại tị nạn miền Nam Cali này như tôi sao? Lều điều hành không xa lều của gia đình tôi là mấy, và tôi cũng hay đi lên lều tôn giáo cũng ở gần lều điều hành để dự lễ mỗi cuối tuần mà sao tôi chưa lần nào gặp anh? Chắc là anh vừa mới đến? Anh dám gửi lời nhắn tin tìm Mai Trắng trên máy phóng thanh như thế này thì có nghĩa là con nhỏ bạn Phương Lan của tôi đã không có dịp đi cùng với anh sang bến bờ tự do.



Từ ngày rời bỏ quê hương ra đi, tôi vẫn mang những bước độc hành trên bước đường tị nạn vì cho đến giờ này tôi vẫn chưa có ai để tiếc nuối là đã bỏ quên một nửa phần hồn ở bên kia bờ đại dương. Tôi nghĩ, nếu tôi đáp lời tìm gặp lại Kiều trong lúc này thì chắc là anh sẽ… mừng ghê lắm. Núi rừng Pendleton này không có bến sông dài cho chúng tôi ngồi bên nhau nhìn sóng nước, nhưng chúng tôi sẽ có những ngày sánh đôi với nhau trên những con đường mòn dẫn vòng quanh trại ngợp đầy hoa dã thảo vàng tươi. Và chúng tôi sẽ có những ngày tản bộ lên đỉnh đồi trại Một ngắm cảnh hoàng hôn mà nhớ đến quê nhà

Nhưng tôi lại nghĩ…lỡ rồi tôi có những phút yếu lòng thì sau này làm sao tôi dám gặp lại nhỏ bạn Phương Lan của tôi đây? Giờ này nếu còn kẹt lại ở Việt Nam thì chắc Phương Lan đang khóc nhớ Ninh Kiều nhiều ghê lắm.

Tôi còn ở lại trại tị nạn thêm một tuần lễ. Suốt một tuần lễ, tôi tránh không đi ngang qua lều điều hành vì sợ sẽ gặp Kiều. Suốt một tuần lễ, ngày nào tôi cũng được nghe lời nhắn tin của cánh thép cô đơn. Nhưng những lời nhắn tin này đã được rút lại ngắn gọn:


“Ninh Kiều, cánh thép cô đơn, rất mong tin của người thân, bạn bè và…Mai Trắng.”

Nhưng tôi đã không đến lều điều hành để liên lạc với “cánh thép cô đơn” như lời anh kêu gọi. Thôi thì, nếu tôi và

Ninh Kiều đã không có chút duyên tự thuở ban đầu thì bây giờ cũng không nên kết nợ cùng nhau.
Buổi sáng một ngày đầu tháng sáu, gia đình tôi rời trại tị nạn lên đường đi sang Louisiana định cư. Trước lúc lên xe bus ra phi trường, tôi có gửi lại cô thư ký ở nơi làm giấy tờ xuất trại một lá thư nhỏ, nhờ trao về cho cánh thép Ninh Kiều ở lều điều hành. Lá thư chỉ vỏn vẹn mấy hàng, bốn câu cuối cùng trong bài thơ ngày xưa tôi đã viết:


Sóng nước hoàng hôn đã nhạt rồi
Phút đầu gặp gỡ, lỡ làng thôi
Đã không duyên nợ, thôi đừng tiếc

Nhớ chuyện ngày xưa, chỉ ngậm ngùi…
Bảo Trân