Saturday, November 27, 2021

TÌNH CẢNH MỘT QUẢ PHỤ TRUNG TÁ NHẢY DÙ NGƯỜI MIỀN NAM NUÔI 9 ĐỨA CON CÔI

 (Trung Tá Trần Văn Sơn  Cựu Tiểu Đoàn Trưởng TĐ.3. ND.1971.1972. Chức vụ sau cùng Lữ đoàn phó Lữ Đoàn 2 nhảy dù. Tử trận tháng 4.1975 tại phi trường Bửu Sơn, Phan Rang)

Không ai nghĩ trong con hẻm nhỏ trên đường Yên Đổ, (ML: bây giờ là đường Lý Chính Thắng, quận 3, là tên của thằng cha căng chú kiết nào của lũ... khỉ vc, cũng chẳng ai biết) lại có cái chợ?
Có khi chính những cái chợ nhỏ kiểu này là nơi nuôi sống nhiều gia đình công chức, sĩ quan của chính thể Việt Nam Cộng Hòa và những ai bị mất tất cả sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.
Trong con hẻm này, chúng tôi gặp quả phụ Nguyễn Thị Xa, vợ cố trung tá sư đoàn Dù, quân lực Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Sơn.
Bà Xa, ở tuổi ngoài bảy mươi, sức khỏe kém và trải qua hơn 40 năm buôn bán lam lũ kiếm sống nuôi 9 người con khi người chồng tử trận, vẫn giữ cốt cách của một phu nhân lữ đoàn phó, Lữ Ðoàn 2, thuộc một sư đoàn Việt Nam Cộng Hòa tinh nhuệ.
Nói bằng giọng người Bắc-Sài Gòn trầm ấm, bà Nguyễn Thị Xa cho biết, bà là người Bắc, gia đình vào Nam năm 1942, còn cố Trung Tá Trần Văn Sơn người tỉnh Quảng Trị.
Bà là nữ sinh trường Nguyễn Văn Khuê, ông học trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Ðức và như các mối tình của những người thanh niên yêu lý tưởng quốc gia và chính thể Dân Chủ Tự Do, họ lập gia đình trong thời chiến, chấp nhận mọi hiểm nguy một lòng phụng sự lý tưởng “Tổ Quốc Trên Hết.”

1) TÌM CHỒNG TRONG NHỮNG NGÀY TÀN CUỘC CHIẾN:
Khi nhớ về chuyện xưa, bà Nguyễn Thị Xa kìm nén xúc động kể: “Ở tận Gio Linh, Quảng Trị, anh Sơn bị thương một mắt. Tôi hỏi, giờ anh đã là thương binh anh ở nhà với vợ con em, đừng đi trận nữa. Anh cười nhìn tôi rồi nhìn mấy đứa con nhỏ, lặng lẽ gật đầu nhưng ánh mắt anh lại nhìn về hướng khác. Sau đó anh lại đi. Tôi buồn nhưng không trách anh, thời chiến mà biết làm sao được!”

Cố Trung Tá Trần Văn Sơn sinh năm 1940, là sinh viên sĩ quan Thủ Ðức khóa 11, là sĩ quan của binh chủng Nhảy Dù, đời binh nghiệp của ông trải suốt các điểm nóng trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến.

Bà quả phụ Nguyễn Thị Xa kể tiếp: “Tôi nhớ vào khoảng đầu Tháng Tư, 1975, tôi không còn tin tức gì về anh nhưng không biết anh đã mất. Tôi lên Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn và căn cứ ở Long Bình để hỏi nhưng họ cũng không biết. Sau đó có đồng đội ảnh cho biết là ngày 15 Tháng Tư ảnh có nói chuyện trên đài. Tôi lại lên Bộ Tư Lệnh sư đoàn để đón những người chạy về hỏi tin tức. Không ai biết cả.”
“Ở gần nhà tôi là nhà ông lữ đoàn trưởng, cùng là vợ lính nên bà lữ đoàn trưởng cho tôi biết chồng bà và chồng tôi đã hy sinh. Sau đó, Bộ Tư Lệnh sư đoàn có nói là sẽ đón gia đình tôi đi di tản, nhưng tôi không đi vì không tin chồng mình hy sinh. Tôi nhủ lòng tiếp tục đợi anh, hơn nữa lúc đó cả đàn con còn nhỏ quá, tôi lại đang mang bầu đứa út, không thể đi. Rồi tôi gặp một ông đại tá, ông cho tôi hy vọng khi nói chồng tôi còn sống, đang bị giam ở đầm Bà Thìn, tôi mừng quá và tin là anh đã qua khỏi hiểm nguy.”
Vẫn theo lời bà Xa: “Sau 30 Tháng Tư, tôi có xin phép chính quyền Việt Cộng để đi Phan Rang tìm anh. Họ không cho giấy phép nhưng tôi liều đi đại. Tôi đón xe balua (?) chở hàng đến Phan Rang. Tôi kiếm anh ở mọi nhà thương, nhà tù, nhà thờ, nhà chùa. Không ai biết gì về anh. Ði đâu cũng nghe người ta nói: Người chết nhiều quá làm sao biết ai với ai.”
Ở Phan Rang, tôi mừng muốn phát điên khi gặp một chiếc xe Jeep có huy hiệu binh chủng Nhảy Dù bị lật bên đường, không hiểu sao tôi tin trong chiếc xe đó có tin về anh. Nhưng rồi tôi lại tuyệt vọng khi người dân ở đây nói: “Dân quanh đây chôn lính mình nhiều lắm, có đọc được tên trên áo cũng không nhớ nổi, mà cũng đâu có ai giữ thẻ bài làm gì.”

2) TẢO TẦN NUÔI CHÍN NGƯỜI CON:
Sau khi biết không cách nào giữ được căn nhà gần bệnh viện Vì Dân ở Sài Gòn (ML: "Giải phóng"? Cướp bóc trắng trợn có đúng không?), bà quả phụ Nguyễn Thị Xa đành dắt 9 đứa con đi kinh tế mới ở Cụ Bị, Bà Rịa.
Bà Nguyễn Thị Xa cho biết chỉ ở cái gọi là "kinh tế mới" 5 năm. Sau đó về lại Sài Gòn và tiếp tục mua bán để nuôi con. Chúng tôi hỏi, được biết bà trải qua tất cả mọi nghề mua gánh bán bưng, có lúc làm cả nghề mua bán ve chai để nuôi con. Bà nhìn chúng tôi, ánh mắt của người mẹ già như đang tìm lại được ánh sáng tinh anh từ nghị lực ngày trước.
Bà nói: “Anh đừng nói tôi mua bán ve chai, cứ nói chung chung là tôi mua bán đồ cũ là được rồi. Tôi may mắn có mấy đứa con trai đầu biết phụ mẹ nuôi em. Cực khổ lắm anh. Họ xét lý lịch, đâu cho con mình học hành tới nơi tới chốn, phải lao động thuê mướn cho người ta khổ cực ngàn lần hơn mới kiếm sống được.”
(ML: Đám chó đẻ, vượn người này có "phân biệt vùng miền" hay không? Không chỉ là "ngôn ngữ" mà thôi, chúng còn trù dập dân miền Nam xuyên qua việc truy vết lý lịch tới 3 đời, cùng nhiều phương diện khác nữa một cách gian ác, tàn bạo, đê tiện. Nếu không, ai lại bỏ nước mà ra đi, để tìm sự sống đúng nghĩa dành cho một con người?)

3) ĐỒI CON NGỖNG VÀ NGUYỆN VỌNG CỦA NGƯỜI QUẢ PHỤ:
Những câu chuyện về chiến tranh, nhất là chiến tranh Việt Nam, hầu như được kể lại từ nhiều phía. Bỏ qua yếu tố "tô son trét phấn" của bên thắng cuộc, dư luận công chính luôn ý thức rằng:
"Chính nghĩa của cuộc chiến tranh không luôn thuộc về bên chiến thắng với những chiếm đoạt, phân biệt đối xử tồi tệ, với những người lính thua cuộc và gia đình họ!".
Cách khác, sự tồn tại và vươn lên từ đống tro tàn cuộc chiến của gia đình những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã buông súng trong suốt thời hậu chiến mới là người "thật sự chiến thắng", chiến thắng của phẩm giá và quyền con người trong nghịch cảnh đau thương nhất.
Trong câu chuyện của mình, bà quả phụ Nguyễn Thị Xa luôn nhắc đến những đồng đội của chồng. Bà tế nhị nói: "Tôi không rõ chồng tôi ăn ở thế nào với cấp dưới, nhưng mấy chục năm qua các ông ấy dù ở nước ngoài hay trong nước, luôn quý trọng anh và nhớ đến gia đình tôi. Bây giờ các ông ấy người đã mất, người thì già rồi nhưng vẫn mong giúp tôi tìm được kỷ vật nào đó của anh để an ủi gia đình".
"Cách nay hai năm, tôi và một vài gia đình có đến Ðồi Con Ngỗng ở Phan Rang để tìm lần nữa tin tức hay kỷ vật về anh Sơn.
Theo chỉ dẫn của một người địa phương, chúng tôi cúng và thắp hương ngay trên đồi cho các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa rồi khấn nguyện, nhưng khi đào lên thì cũng chỉ thấy mấy thùng đạn, trong đó là phần xương thịt đã là cát bụi của các anh? Không có bất cứ kỷ vật nào. Nhưng với chúng tôi, cái am thờ bé nhỏ mà chúng tôi chung lòng dựng nên nơi đấy thật sự có ý nghĩa cho cả người đã khuất và người luôn tưởng nhớ.”
Khi được hỏi về nguyện vọng cuối đời, ban đầu bà im lặng, phải một lúc sau mới bùi ngùi nghẹn ngào nói: “Phần tôi thì chẳng mong muốn gì, có chăng là mong các chị em quả phụ khác, nhất là những người có hoàn cảnh khổ hơn cả tôi, được quan tâm hơn.”
Chiến dịch Phan Rang, Xuân Lộc là một trong những trận chiến ác liệt cuối cùng của cuộc chiến tranh ác liệt nhất thế kỷ 20. Chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã bị xâm đoạt và rồi đây lịch sử sẽ minh bạch phán xét.
Nhưng ngày nay vẫn còn đó những con người, những gia đình Việt Nam Cộng Hòa với nghị lực phi thường, không có bất kỳ sự giúp đỡ nào và vẫn phải cô độc hàng ngày, hàng giờ cố chữa lành vết thương chiến tranh trên thân xác và tâm hồn để tồn tại.
Những ai sống ở trong nước dưới chế độ chuyên chế, nhất là những năm đầu sau biến cố 1975, mới có thể biết các trường hợp như bà quả phụ cố Trung Tá Lữ Ðoàn 2, Binh Chủng Nhảy Dù, quân đội Việt Nam Cộng Hòa, để tồn tại được, là khó đến mức nào, ta không thể tưởng tượng được!

4) NHÓM THIỆN NGUYỆN NHẢY DÙ VIỆT NAM CỘNG HÒA THỰC HIỆN:
Sau nhiều năm tìm kiếm và dò hỏi, kể cả nhờ nhiều anh em ở địa phương tỉnh Ninh Thuận, kẻ bỏ công, người bỏ của, giúp đỡ tìm kiếm, hôm nay, ngày 17 Tháng Ba, 2013, chúng tôi gồm:
- Chị Xa (Vợ anh Tr/Tá Trần Văn Sơn - Lữ Ðoàn Phó Lữ doàn 2 nhảy dù).
- Anh Nhân Tiểu đoàn 3 PB/ND (pháo binh/nhảy dù?) là em vợ anh Th/Tá Ðặng Ðình Tựu - Sĩ quan Ban 3 TÐ1PB/ND.
- Anh Cho, đại diện gia đình anh Ð/Úy Ngô Văn Khiêm, Pháo Ðội Trưởng PÐ A1- TÐ1PB/ND.
- và "Nhóm Thiện Nguyện Mũ Ðỏ".
Chúng tôi đã đến thôn Núi Ngỗng, xã Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trong ngày trên. Nơi đây ngày xưa là sân tập bắn của Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân thuộc Tiểu Khu Ninh Thuận.
Lần mò theo hướng dẫn của một em người Thượng, ngày đấy em mới 14 tuổi (năm nay đã 52 tuổi), em kể lại, chính em chứng kiến 2 xe tải nhà binh của phi trường chở những hòm gỗ trong đó đựng xương cốt của những người đã chết ở phi trường Thành Sơn vào ngày 16 tháng 4, 1975.
Những anh em này đã được chôn tại chỗ nhưng không biết vì lý do nào đó họ lại đào lên, dùng những thùng gỗ đạn pháo binh và những thùng sắt đựng tất cả những xương cốt nhặt được của những anh em đã hy sinh và họ dùng 2 xe nhà binh chở ra chôn trở lại tại chân Núi Ngỗng (theo lời em Thượng thuật lại) và hiện là nơi chúng tôi đang đứng.
Trước mặt chúng tôi là một bãi đất trống dưới chân Núi Ngỗng, khoảng 80 mét vuông. Theo em người Thượng chỉ, đây là nơi chôn những hòm gỗ và thùng đạn đó! Em quả quyết rằng, hàng ngày em thả dê trừu vào chân núi này nên em rất rõ địa điểm nơi đây, không sao lầm lẫn được.
Ðúng vào lúc 9 giờ sáng ngày 17 Tháng Ba, 2013, sau khi chúng tôi và ông thầy cúng thắp nhang khấn vái Thổ Thần, Thổ Ðịa, vong hồn 3 anh và các anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn, và cũng nhờ em người Thượng khấn vái tiếng Chàm (?), chúng tôi cũng cầu mong là tất cả những lời khấn vái của anh em đều hữu hiệu và linh ứng.
Khi bổ những nhát cuốc xuống chỗ em người Thượng đã đánh dấu từ trước khoảng 30 cm thì lộ ra một hòm gỗ đúng như em người Thượng đã tả và nói từ trước. Chúng tôi cào lớp mặt đất và dỡ nắp thùng đạn ra (thùng đạn gỗ đã mục nát) thì nhiều lớp xương cốt đã phân hủy không cầm lên được, tuy nhiên tóc vẫn còn nhiều.
Ðến đây thì ông thầy cúng khuyên chúng tôi nên đậy nắp thùng đạn và lấp đất lại. Và chúng tôi bây giờ khẳng định và chắc chắn rằng dưới chân chúng tôi đang đứng là nơi chôn vùi xương cốt của tất cả những anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang.
Ông thầy cúng nói rằng các anh muốn làm gì thì cũng phải chờ đến ngày Thanh Minh (24 Tháng Hai Âm Lịch) mới tiếp tục được.
Sau khi hội ý cùng 3 gia đình và theo lời chỉ dẫn của ông thầy cúng, chúng tôi dự định đúng vào ngày Thanh Minh nói trên sẽ lập một cái Trang cùng Bia Tưởng Niệm để các anh sau này có nơi trú nắng trú mưa vì nhiều anh em quá không thể lấy cốt được, hơn nữa cho đến bây giờ cũng không còn biết là của ai.
Và cũng để cho thân nhân những người đã mất và những người còn lại biết rằng: Nơi đây là nơi an nghỉ của những anh em đã anh dũng hy sinh tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang, đã được chôn cất tại nơi đây.
Trong công việc này nhiều năm nay chúng tôi đã cố gắng hết sức và tự lo chi phí lấy mới được kết quả như ngày hôm nay. Mọi thắc mắc hoặc muốn tìm hiểu những chi tiết cần thiết thêm, xin liên lạc với CÀ TẼM: số phone xxxxxx 3011.
Ðể thực hiện theo dự tính như kế hoạch đã dự định trước đây, vào ngày 8 Tháng Tư, 2013, chúng tôi xây dựng một cái am và đặt một tấm bia tại thôn Núi Ngỗng, xã Ninh Sơn, Ninh Thuận, ghi tên những anh em đã bỏ mình trong cuộc chiến tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang, trước hết để anh em tử trận có nơi trú nắng trú mưa, sau nữa để thân nhân của anh em tử trận biết nơi chôn cất sau này hằng năm còn thăm viếng và nhang khói vì nhiều người quá không thể nào lấy cốt được.
Như vậy xin thông báo: Ðây là nơi an nghỉ của 3 anh:
Trần Văn Sơn (Tr/Tá - Lữ Ðoàn Phó/LÐ2ND)
Ðặng Ðình Tựu (Th/Tá - Sĩ quan Ban 3/TÐ1PB/ND)
Ngô Văn Khiêm (Ð/Úy - Pháo Ðội Trưởng/TÐ1PB/ND),
Cùng nhiều anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm (phần đông là Mũ Ðỏ) đã được an táng tại đây.
(Mich Long: Một người quen biết là bạn Phù Đổng share bài này vào trang cá nhân của tui. Thấy ngậm ngùi cho thân phận phụ nữ, làm vợ những người lính chiến miền Nam, lại có ý nghĩa, tui soạn lại cho dễ đọc và xin chia sẻ cùng quý vị tại trang này)
* Chân dung cố Trung Tá Trần Văn Sơn, lúc còn mang lon trung úy. Theo bà Xa, gạch trắng dưới hai bông mai trong tấm ảnh chân dung này của ông là do gia đình thêm vào để lấy làm ảnh thờ tại gia.
(Hình: Trần Tiến Dũng chụp lại)

No comments: