Tuesday, November 23, 2021

Chinh Chiến Điêu Linh (Kỳ 5) Lời thề bên dòng Sông Mỹ Chánh - Kiều Mỹ Duyên

 

“Vì biến cố Mậu Thân nên chúng tôi đi theo các đoàn y tế giúp đỡ những người bị thương hay những trẻ em mà cha mẹ bị chết thì bồng những trẻ nhỏ đó đưa vào các cô nhi viện, rồi gửi những bài viết đó đến tòa báo và không ngờ bài của mình lại được đưa lên trang nhứt, chứ còn hồi đó mà viết cho báo tuổi thơ là đăng trang trong hay là trang phụ nữ, hay là trang của lính, ‘Người Yêu của Lính’ cũng đăng trang trong thôi. Vậy là tự nhiên vì biến cố Mậu Thân mà bài viết được đăng lên trang nhứt, và đó cũng là sự tình cờ mà mình trở thành ký giả chứ không nghĩ rằng mình là ký giả nữa, bởi vì chúng tôi muốn sau này học xong ra làm một cô giáo thôi; mà học Luật Khoa hay là Văn Khoa thì cũng mong làm một cô giáo thôi chứ không có mong làm ký giả.” – Kiều Mỹ Duyên
Khoảng lúc 12 giờ trưa ngày 30 tháng 3 năm 1972, những đơn vị tiền phương của Cộng quân tràn qua sông Bến Hải, vượt vùng phi quân sự, tấn công quy mô vào miền Nam, mục tiêu đầu tiên là tỉnh Quảng Trị. Lực lượng gồm hai sư đoàn chính quy là Sư Ðoàn 304, Sư Ðoàn 308 và 4 trung đoàn bộ binh biệt lập, hai trung đoàn chiến xa, gồm hơn 400 chiếc, là Trung Ðoàn 203 và Trung Ðoàn 204; hai trung đoàn pháo binh, Trung Ðoàn 38 Pháo và Trung Ðoàn 84 Tên Lửa cùng với nhiều đơn vị yểm trợ khác.

Ngay giây phút đầu, các căn cứ hỏa lực của Sư Ðoàn 3 Bộ Binh và của các đơn vị tăng phái Biệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến ở Camp Caroll, Mai Lộc, Sarge, Núi Bà Hổ, căn cứ Alpha 2 và Alpha 4, Charlie 1 và Charlie 2 cũng như thị trấn Ðông Hà và thành phố Quảng Trị đều bị những trận pháo phủ đầu rất khốc liệt. Sư Ðoàn 308 của Cộng quân sau khi vượt qua sông Bến Hải, tiến thẳng vào các căn cứ hỏa lực Fuller, Alpha 2, Charlie 1 và Charlie 2, rồi vượt qua sông Cam Lộ để tiến về Ðông Hà, Ái Tử, nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 Bộ Binh do Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai chỉ huy. Sư Ðoàn 304 của Cộng quân sau khi qua sông Bến Hải, đánh bọc từ hướng Tây vào các căn cứ hỏa lực Sarge, Núi Bà Hổ, Mai Lộc, Thung Lũng Ba Lòng để tiến về thành phố Quảng Trị.

Những loạt pháo kích đầu tiên của Cộng quân vào thành phố Quảng Trị khiến cho dân ở đây bàng hoàng khiếp sợ. Không phải như những đợt pháo kích lẻ tẻ dăm ba chục trái mà trước đây vẫn thường như cơm bữa. Lần này thì không ai còn đủ bình tĩnh để đếm là bao nhiêu trái đạn và hỏa tiễn đã trút lên thành phố thân yêu của mình. Họ linh cảm được sự chết chóc và tang thương đang kề cận.

Những ngày đầu của tháng 4, nếu đứng ở trạm kiểm soát An Hoà, cửa vào mặt Bắc của thành phố Huế, người ta thấy đã có những gia đình từ Quảng Trị di chuyển về Huế, và mức độ này ngày càng tăng lên. Kể từ giữa tháng 4 trở về sau, những chuyến xe đò từ Quảng Trị vào, trên xe đều có một số gia đình di tản. Thỉnh thoảng mới thấy một gia đình di tản bằng xe nhà, họ thuộc vào những gia đình khá giả. Những người di tản sớm, mang theo được nhiều của cải cùng những đồ dùng cho gia đình giống như dọn nhà chứ không phải là chạy giặc.
 
Người lính Thủy Quân Lục Chiến trên dòng sông Mỹ Chánh năm 1972 – Photo by Willie Vicoy

Vào những ngày cuối tháng 4, trận chiến đã đến hồi đẫm máu. Cộng quân pháo đạn 130 ly vào các căn cứ Ái Tử, Ðông Hà và thành phố Quảng Trị như mưa trút nước. Những người di tản trong lúc này ngay cả sinh mạng cũng khó giữ toàn vẹn, chứ đừng nói đến của cải. Ðịch quân đã nỗ lực cắt Quốc Lộ 1 để cô lập Quảng Trị. Bởi vậy, càng thấy Quảng Trị sắp bị cô lập, người dân Quảng Trị bằng mọi giá cố gắng chạy thoát về Huế. Họ bỏ nhà cửa, ruộng vườn, của cải, chỉ mong chạy thoát thân được là phước đức.

Buổi sáng, sau khi gửi bài về toà soạn, tôi đến thăm đồng bào từ Quảng Trị chạy về Huế. Họ mới về đây đêm qua và hiện đang tạm trú ở trường trung học quận Hương Trà và ở các trường tiểu học quận Phú Vang. Ông già, bà già và trẻ con ngồi bẹp giữa sân trường, trên các bãi cỏ vì quá mệt mỏi.

Tiếng loa phóng thanh vang lên không ngừng, những lời kêu gọi, những thông cáo, nhắn tin… Trường trung học Hương Trà bỗng chốc đã biến thành trại tị nạn Cộng Sản, tiếp nhận những người mới thoát về được đêm hôm qua và một số mới đến sáng nay. Trên một khoảng sân gần cổng trường, các sơ và sư cô đang phát quà không ngừng tay. Quà này do cơ quan Caritas mang đến, mỗi phần là một gói áo quần nhỏ. Các sơ cho biết, đây là áo quần cho trẻ em. Các sơ đại diện cho Caritas, các sư cô đại diện cho Hội Phật Giáo Thừa Thiên, tặng mỗi người $50. Kế bên là Chi Y Tế quận Hương Trà cũng đang phát thuốc cho đồng bào. Không thấy bóng dáng của Hội Hồng Thập Tự Việt Nam đâu cả, mặc dầu hội này có trụ sở tại Huế.

Một người đàn bà tóc tai rũ rượi, nét mặt hốc hác vì quá mệt mỏi, bế một đứa bé đang khóc ngất, đến trước mặt tôi xin tiền mua sữa:

– Cô ơi, cha của cháu chết trận rồi. Mẹ thì mới chết vì đạn Việt Cộng pháo kích trên đường chạy vào đây. Bây giờ tôi phải lãnh nuôi nó…
Người dân Quảng Trị chạy loạn bằng đủ loại phương tiện – nguồn getty/images

Tôi dúi nhanh những tờ giấy bạc vào tay người đàn bà để cho chị khỏi kể lể nữa. Hoàn cảnh của chị ngay trong giây phút này, không cần phải kể lể để được một sự giúp đỡ nhỏ nhặt như vậy, mà cũng như những đồng bào đang có mặt ở đây, họ phải được sự thông cảm và chia sẻ của những người đang sống an lành.

Cuộc chiến tại các căn cứ hỏa lực bảo vệ cho Quảng Trị vẫn diễn ra rất tàn khốc. Một trong các căn cứ hỏa lực đó như căn cứ Pedro, nằm về phía Tây của thành phố Quảng Trị và bên bờ Bắc của sông Thạch Hãn, được trấn giữ bởi khoảng 200 Thủy Quân Lục Chiến, đã chiến đấu anh dũng đến độ những quân nhân Mỹ ở đây đã chứng kiến và mệnh danh cho trận đánh tại căn cứ này là ‘Vietnamese Alamo’.

Ðại Úy Ripley kể lại trong hồi ký của ông, những điều mà chính ông đã nhìn thấy, đã làm cho ông thật sự cảm phục và ông cho rằng chưa chắc cả một đời binh nghiệp của một quân nhân nào có dịp chứng kiến được sự dũng cảm của một người lính chiến như vậy:

‘Anh ta chính là người lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam mà tôi đã gặp hai ngày trước. Lúc đó anh lính trẻ này đã bị thương 7 lần trong vòng 4 ngày. Vết thương nặng nhất là vết thương sau lưng, phía gần trên cổ. Vậy mà bây giờ anh đã trở lại đây, tại chiến tuyến này, súng trong tay và đang chiến đấu bên các đồng đội của anh’.

Trận chiến không phải một hai ngày là dứt. Trận chiến kéo dài. Ðịch tấn công như vũ bão. Ta chống trả bằng mọi giá, một chống bốn, có nơi địch gấp mười. Những người lính của Sư Ðoàn 3 Bộ Binh, Biệt Ðộng Quân và Thủy Quân Lục Chiến chiến đấu trong các hố cá nhân, ăn, ngủ ngay trong giao thông hào. Những chiếc poncho căng trên đầu che mưa, che nắng. Họ sống giữa bom đạn, cát bụi và bùn lầy. Họ sống trong những giây phút chờ đợi, căng thẳng và lòng quyết chiến.

 Đại Tá Phạm Văn Chung, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến– nguồn generalhieu.com

Những trường học của thành phố Huế và các quận ven biên đã thành những trại tị nạn tạm thời. Chỉ trong một thời gian ngắn, các trung tâm này đã đầy nghẹt đồng bào từ vùng bom đạn chạy về. Sự cứu trợ của chính quyền và các cơ quan từ thiện không thể nào đáp ứng nổi với tình hình. Người lớn và trẻ con ăn gạo sấy không cần nước, cứ xé bịch ni lông xong là đổ gạo ra lòng bàn tay, cho vào miệng nhai một cách ngon lành vì họ đã quá đói sau bao nhiêu ngày gian khổ, thoát chết biết bao nhiêu lần mới đem được cái mạng về đây.

Tôi thật xúc động khi nhìn một em bé chừng ba tuổi vừa chìa tay nhận hộp sữa là đưa lên miệng nút, mà không biết rằng hộp sữa chưa khui. Cái cử chỉ vô thức đó biểu lộ sự đói khát đã lâu của đứa bé.

Những người mới đến, đàn bà thì ống quần xắn cao lên quá đầu gối, trên vai mỗi người một gánh nhỏ gồm áo quần và những thứ cần thiết. Có người gánh theo được mấy lít gạo. Có người chẳng có gì trong gánh, chỉ mỗi đầu là một đứa con nhỏ. Những đứa bé ngồi gọn lỏn trong thúng, nước mắt nước mũi chảy dài, lem luốc cát bụi, hai tay giăng ra vịn chặt vào vành thúng để khỏi văng ra ngoài mỗi khi người mẹ di chuyển, hoặc qua những đoạn đường mà người mẹ phải vừa gánh vừa chạy cho kịp với đoàn người tị nạn, hoặc là những đoạn đường gặp Việt Cộng, chúng châu súng lại pháo ngay trên đầu. Có đứa bé chẳng cần biết trời trăng gì, hoặc có thể là đã lả người vì mệt và đói khát, nằm khoanh tròn trong thúng mà ngủ.

Tôi ngạc nhiên khi thấy một số các người lớn tuổi đều mặc áo quần màu trắng. Hỏi mới biết là họ đã kinh nghiệm mấy lần chạy giặc trong đời rồi, nên cẩn thận, mặc như vậy máy bay của ta khỏi oanh tạc lầm.

Khi những người dân Quảng Trị đầu tiên chạy vào Huế, thì người dân Huế bắt đầu theo dõi tình hình chiến sự từng giây, từng phút. Và những người lo xa đã sớm bỏ Huế chạy vào Ðà Nẵng. Rồi Huế bị pháo kích. Thoạt đầu, Cộng quân pháo vào đồn Mang Cá, nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh và sân bay Tây Lộc. Sau đó pháo bừa cả vào phố xá và nhà của dân. Cánh cửa mặt Nam của thành phố Huế tức là ngõ vào Ðà Nẵng, như bỗng nhiên mở toang ra. Từng đoàn xe của người đi lánh bom đạn nối đuôi nhau trên Quốc Lộ 1, hướng vào Ðà Nẵng. Và đã có nhiều người không chết vì bom đạn, nhưng chết vì xe lật nhào xuống đèo Hải Vân. Người ta kể rằng, có ngày chiếc xe đầu đoàn mới vào thành phố Ðà Nẵng, thì chiếc cuối còn ở tận Lăng Cô, và mãi tới ngày sau mới vào Ðà Nẵng được, vì phải qua những trạm kiểm soát để thanh lọc đặc công Việt Cộng trà trộn với dân. Chừng nửa tháng sau, khi thấy Huế vẫn bình yên, những người đi tị nạn lại kéo nhau trở về để làm ăn sinh hoạt như trước. Có gia đình khi trở về, đã bị trộm dọn sạch sẽ, không còn một đôi đũa để ăn cơm.
 
Những người hùng TQLC bên phòng tuyến Mỹ Chánh

Trong lúc đó, cũng trên Quốc Lộ 1, đoạn đường từ Quảng Trị vào Huế vẫn còn hàng ngàn, hàng ngàn người, di chuyển thành một đoàn dài cả mấy cây số, toàn là ông già, bà già, đàn bà và trẻ con, họ đang cố gắng bỏ xa vùng chiến trận. Nhưng đã hàng trăm, hàng ngàn người bỏ xác lại bên đường hoặc vẫn cố lết đi với những vết thương không được băng bó vì đạn pháo kích của Cộng quân bắn như mưa vào đám người đang cố chạy vào phương Nam. Họ chỉ thấy được tình người khi đi qua chỗ những đơn vị của Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân. Những người lính Thủy Quân Lục Chiến trút hết tiền bạc, lương thực và cả nước uống cho những nhóm nào đi ngang qua gần họ. Những người chiến sĩ này không cầm lòng được trước cảnh đau thương đó. Họ muốn trao hết những gì sở hữu mà họ đang mang trên người cho đồng bào khốn khổ của mình, trước khi trao mạng sống của họ cho Tổ Quốc trên chiến địa.

Ðó là ngày thứ 35, kể từ ngày 30 tháng 3, ngày đầu tiên tràn qua sông Bến Hải, Cộng quân đã chiếm được thành phố Quảng Trị bởi một lực lượng gấp ba lần lực lượng trấn đóng của quân đội miền Nam. Thoạt đầu, Cộng quân tung vào 2 sư đoàn chính quy: Sư Ðoàn 304 và Sư Ðoàn 308 với sự yểm trợ của 2 trung đoàn pháo binh nặng và hai trung đoàn chiến xa để thực hiện giai đoạn một là đánh bật các căn cứ hỏa lực đang làm thành một hàng rào dọc vùng phi quân sự. Vào khoảng gần cuối tháng 4, Sư Ðoàn 320 của Cộng quân mới đến thay thế cho hai sư đoàn kia nghỉ mệt, và đánh chiếm Cam Lộ, La

Vang, Hải Lăng, hoàn tất giai đoạn 2.

Cuối tháng 4, Sư Ðoàn 325 của Cộng quân tiến vào, bắt đầu giai đoạn 3, đánh chiếm Quảng Trị.

Trong lúc đó, quân ta chỉ có Sư Ðoàn 3 Bộ Binh với các đơn vị yểm trợ gồm có Thiết Giáp, Biệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến và Ðịa Phương Quân, tổng cộng khoảng hai sư đoàn. Hai chống với năm và phải chiến đấu liên tục cả tháng trời, chứ không được thay chân theo chiến thuật ‘lấy khoẻ đánh mệt’ như địch quân. Vậy mà những chiến sĩ trấn đóng tại ải địa đầu đã anh dũng giao chiến, cầm cự suốt cả tháng dưới những trận mưa pháo tưởng chừng như không cất đầu lên được.

Công binh lập cầu phao trên dòng Mỹ Chánh – ảnh AP

Ðại Tá Gerald H. Turley, Cố Vấn Trưởng của Sư Ðoàn 3 Bộ Binh đã viết lại trong cuốn The Easter Offensive những giây phút cảm khái của Thiếu Tá Bob Sheridan, một cố vấn quân sự của Thủy Quân Lục Chiến, những giây phút mà ông nhớ mãi bên bờ sông Mỹ Chánh:

Buổi trưa ngày 2 tháng 5, Ðại Tá Phạm Văn Chung, Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến và những sĩ quan tham mưu của ông dừng lại bên bờ phía Nam sông Mỹ Chánh. Ðại Tá Chung đứng yên lặng buồn bã nhìn đoàn người tị nạn đang chen nhau vượt qua cầu Mỹ Chánh, đổ vào thành phố Huế. Cây cầu nhỏ chỉ dài chừng vài chục thước. Qua khỏi cây cầu đó là đã vào vùng an toàn. Chừng một giờ sau, khi đoàn người đã qua sông và xuôi về phương Nam, Thiếu Tá Bob Sheridan quay lại hỏi Ðại Tá Chung:

– Ðại Tá, mọi người đã đi hết rồi. Bây giờ chúng ta làm gì đây? Có lui vào trong đó không?

Ðại Tá Chung quay lại nhìn người sĩ quan Hoa Kỳ và nói với một giọng cương quyết:

– Không, không. Chúng ta không lui nữa. Chúng ta là những chiến sĩ, chúng ta ở lại đây, bên bờ sông này để chận địch. Sẽ không có một tên Việt Cộng nào có thể vượt qua sông Mỹ Chánh mà còn mạng sống trở về.

Lời nói sắt đá của Ðại Tá Chung y như một lời thề. Cộng quân bằng mọi nỗ lực cũng không vượt qua được phòng tuyến trấn giữ bởi Lữ Ðoàn 258, Lữ Ðoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến. Và đúng như lời của người quân nhân hơn nửa đời trải qua bao trận mạc, những ngày sau đó khi các đơn vị Dù và Thủy Quân Lục Chiến mở những đợt phản công, máu quân thù đã đổ xuống bên bờ sông Mỹ Chánh.

Quảng Trị mất, cả miền Trung bàng hoàng, rúng động. Ngày 3 tháng 5 năm 1972, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm đương kim Tư Lệnh Quân Ðoàn I/Quân Khu I được lịnh bàn giao chức vụ lại cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đương kim tư Lệnh Quân Ðoàn 4/Quân Khu 4 để vào Sài Gòn giữ một chức vụ không quan trọng.

               Mẹ già chạy giặc – nguồn getty/images

Tin Trung Tướng Ngô Quang Trưởng về chỉ huy Vùng I như một luồng sinh khí thổi vào miền Trung. Quân và dân đều một lòng tin tưởng. Họ tin cậy vị tướng này không phải chỉ bằng vào những bài báo trong và ngoài nước đã từng ca ngợi và đánh giá ông như một danh tướng, hoặc qua những lời truyền tụng trong quân đội miền Nam, mà chính người dân và những người lính trú đóng tại Miền Hoả Tuyến này đã chính mắt nhìn thấy những khả năng và đức độ của ông, khi ông còn là Tư Lệnh của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, đánh bại Cộng quân trong vụ Tết Mậu Thân để chiếm lại Kinh Ðô Huế.

Người ta cho rằng Tướng Ngô Quang Trưởng trở lại Huế hôm nay, cũng như Tướng De Lattre De Tassigny của Pháp đến Hà Nội năm 1950 để cứu nguy Hà Nội khi tình hình của thành phố này đang bị Việt Minh đe dọa trầm trọng.

Vừa đặt chân đến Ðà Nẵng, nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I, việc đầu tiên của Tướng Trưởng không phải là chuyện phản công đánh địch ngay, mà là vấn đề được ông coi như hàng đầu, đó là củng cố tinh thần binh sĩ. Tướng Trưởng làm việc gần như 24/24 giờ mỗi ngày. Không có đơn vị nào mà ông không đến thăm. Cho đến một trạm kiểm soát ở Lăng Cô, dưới chân đèo Hải Vân, chỉ có hai nhân viên Quân Cảnh và một nhân viên Cảnh Sát, mà Tướng Trưởng cũng đáp trực thăng xuống bên đường và bước vào hỏi han công việc. Những chuyện đó được loan truyền rất nhanh trong các đơn vị, ngoài dân chúng và tạo thành niềm tin. Cả thành phố Huế kinh hoàng chờ chạy giặc, bỗng như quên mất địch quân đang tập trung lực lượng để chuẩn bị đánh thốc vào phòng tuyến Mỹ Chánh. Quân nhân thuộc mọi binh chủng quân phục tươm tất, tóc hớt ngắn như thời bình. Ðơn vị trưởng thì luôn luôn có mặt tại đơn vị, vì không biết ông Tướng bất thần ghé thăm vào bất cứ lúc nào. Và tinh thần quân dân cán chính lên cao, bừng bừng một ý chí đẩy lui địch quân, lấy lại những vùng đất đã mất.

Ngày 13 tháng 5 năm 1972, một lực lượng gồm có Tiểu Ðoàn 3 và Tiểu Ðoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận đã bất thần đổ xuống ngay trên đầu địch quân tại quận Hải Lăng, một quận về phía Nam của thành phố Quảng Trị. Ðây là cuộc phản công đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ bên này phòng tuyến sông Mỹ Chánh. Cuộc phản công bất ngờ và sấm sét đó đã tiêu diệt gần trọn đơn vị của Cộng quân đang chiếm đóng quận này. Một số đồng bào còn kẹt trong quận Hải Lăng, nay được giải thoát đã vội vã tìm đường chạy ra khỏi vùng lửa đạn.

Rồi những đợt tấn công khác do các đơn vị Dù và Thủy Quân Lục Chiến từ sau phòng tuyến Mỹ Chánh tung ra. Một kế hoạch phản công toàn diện đã được Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Chiến Trường soạn thảo. Và ngày 28 tháng 6 năm 1972, cuộc Hành Quân Lam Sơn 72 bắt đầu. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến có nhiệm vụ càn quét địch quân dọc Quốc Lộ 1 ra tận ven biển, ‘đóng nút’ Cửa Việt không cho địch tiếp tế vào Quảng Trị bằng đường biển. Lực lượng Dù càn quét theo Quốc Lộ 1 vào tận chân núi của rặng Trường Sơn, ngăn chận viện quân của địch từ Lào kéo qua. Và cuối cùng mục tiêu của hai lực lượng là thành phố Quảng Trị. Những chiến sĩ Dù và Thủy Quân Lục Chiến khi vượt qua dòng sông Mỹ Chánh, mặc dù không ai nói với ai, nhưng trong lòng tựa hồ như đã có một lời thề, thề phải dựng lại lá cờ vàng ba sọc đỏ trên Cổ Thành Quảng Trị với bất cứ giá nào!

(còn tiếp)

No comments: