Cuối tuần qua, chúng tôi cùng một số bạn trẻ có dịp viếng Holyrood Cemetery – 205 NE 205th St. Shoreline, WA 98155. Tình cờ chúng tôi phát hiện mộ phần Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam trong nghĩa trang này (xin xem hình).
Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì cộng đồng người Việt tỵ nạn CS của chúng ta tại tiểu bang WA dường như không hay biết về mộ phần này của Tướng Nguyễn Khoa Nam, một cấp chỉ huy, một vị “Sinh vi tướng, Tử vi thần “. Ngay cả người lập di mộ Thiếu tướng Nam cũng không phổ biến để đồng bào và các cựu quân nhân có cơ hội đến chào kính vị chỉ huy lần cuối cùng trước khi đi vào miền viên miễn. Thiếu tướng Nam đã được tôn vinh như một vị anh hùng, không còn giới hạn trong phạm vi gia đình và quân đội, mà là của cả dân tộc VN.
Có thể có người thắc mắc không biết trong mộ phần Thiếu tướng Nam có hài cốt hay di vật gì không? Thiết nghĩ điều đó không quan trọng. Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc VN, hơn 4000 năm, từ Đinh, Lê, Lý, Trần, trải qua bao thời đại, đất nước VN đã sinh ra biết bao nhiêu vị anh hùng dân tộc, nào là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng Trắc – Trưng Nhị, Lý Thường Kiệt, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản …v…v… Có vị nào để lại hài cốt và di vật đâu mà chúng ta vẫn lập đền miếu để tôn thờ cho đến đời nay? Chúng ta không tôn thờ di cốt, mà chúng ta tôn thờ tinh thần yêu nước, bảo quốc an dân, đức độ và tài lãnh đạo, hết lòng sống và chiến đấu với thuộc cấp ba quân của các vị đó. Mộ phần của Thiếu tướng Nam là biểu tượng cho những tinh thần đó. Chúng ta rất cần biểu tượng của Thiếu tướng Nam để nhắc nhở cho những thế hệ sau, cho dù sinh sống ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng đều có thể noi gương Thiếu tướng Nam, làm rạng danh cho dân tộc VN, một dân tộc có hơn 4000 năm chống giặc ngoại xâm, tránh họa diệt vong và đồng hóa của giặc phương Bắc.
Hy vọng ngày đó chúng ta sẽ có một ngày thăm viếng trang trọng với đầy đủ lễ nghi quân cách dành cho một vị anh hùng dân tộc. Để các vị cựu quân nhân, chiến sĩ QLVNCH có cơ hội cuối cùng chào kính vị chỉ huy trước khi mờ dần theo dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam oai hùng, bất khuất. Mong lắm thay!
Đoàn minh Tâm
Hắc Long Ngôn Nguyễn Đoàn 72 và Hắc Long Nam Nguyễn Đoàn 11 Sở Công Tác Nha Kỹ Thuật, thăm mộ và thắp hương mộ phần Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam 5.8.2023.
Hủ tro cốt của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, 45 năm ngày ấy và bây giờ
Bài VI VU
Ngày thứ Hai, 4 tháng 5, 2020 Vi Vu đã đến đây để viếng Thiếu Tướng nhằm tỏ chút lòng thành tri ân ngưỡng mộ vị tướng quân sinh Vi Tướng, tử Vi Phật bởi ngài là chân dung của Bồ Tát hóa thân nơi cửa thiền môn.
Tướng Nguyễn Khoa Nam lúc còn sanh tiền không có gia đình vợ con, thường tâm sự với những người lính dưới quyền rằng, khi đất nước thanh bình người sẽ tìm đến một ngôi chùa nào đó ở Cần Thơ, nơi miền Tây sông nước hiền hòa xin vào tu tập để hóa thân Phật Pháp góp phần tịnh đô chúng sanh.
Nhưng thế sự đổi dời, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa gãy súng khiến vị tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 4 không còn thời cơ chọn lựa ngoài cái chết oanh liệt của người lính trên chiến trường trận mạc đền nợ nước để tỏ rõ khí phách của đấng nam nhi thời loạn.
Sáng ngày 1/5/1975, người tự kết liễu đời mình!!!!
Gần đây rộ lên những tin đồn thất thiệt về Hủ Tro Cốt của ngài, từ cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, đặc biệt ở Mỹ, trên các trang mạng xã hội & hầu hết đồng bào Việt Nam… cho rằng, Chùa Già Lam tách ra những tro cốt mà từ lâu không có thân nhân tới lui thăm viếng thì xếp riêng để đưa đi chỗ khác nên có nguy cơ thất lạc, hoặc phải đóng rất nhiều tiền để thay mới thì được ở lại, cũng có nhiều người quá khích cho rằng chùa này là quốc doanh, sư trụ trì là của nhà nước cộng sản cài vào nên muốn ăn tiền, sư sải ở đây toàn là ác tăng…
Tôi sinh sống ở Sài Gòn nên đến chùa Già Lam là trong tầm tay, ngoài việc kính viếng tướng Nam, tôi tự nhận trách nhiệm về mình đến nơi đây để tìm hiểu ngọn nguồn đúng, sai.
Toàn bộ những lời bình luận, những cay cú hằn học trong đánh giá, quá khích trong giá trị ngôi chùa, họ biến nơi đây thành bãi tha ma chứ không là nơi tu hạnh, cũng nên cảm thông cho họ bởi không phải vì chúng ta yêu mến tướng Nam đó sao.
Ngược lại tất cả, quang cảnh ngôi chùa Già Lam u tịch, trang trí đơn sơ thanh cảnh, hẻm vào tuy nhỏ nhưng đủ cho các loại xe con chạy hai đầu. Tôi đến nơi đúng lúc nhà chùa cúng ngọ, tiếng tụng kinh nhẹ nhàng thanh thoát khiến con người muốn tìm đến cõi Niết Bàn đủ đầy các âm thanh Chân Thiện Mỹ.
Tiếp tôi là một vị sư già, tôi đưa ra những thông tin như vừa kể trên đây, vị sư ân cần “Nam Mô A Di Đà Phật” rồi nhẹ nhàng nói, “Ở đây không bao giờ có vậy.” Nói xong, sư ngồi im như muốn thu vào tim mình bài thuyết pháp mỗi ngày cho những linh hồn tội lỗi để nhằm phổ độ chúng sinh!
Tôi nghe thế lòng vui mừng khấp khởi và đưa ra nguyện vọng tiếp theo là mong muốn xin được viếng tướng Nguyễn Khoa Nam, vị sư già nhanh nhảu đưa tôi lên tầng hai của căn phòng rộng hình chữ nhật đối diện là đài sen Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát.
Không tin vào mắt mình, toàn bộ có thể là hàng vạn Hủ Tro Cốt đã được thay đổi bằng hủ mới gốm sứ có vân màu xanh lam đẹp, được trang trí thứ tự theo từng hàng dọc ngang đặt trong nhiều tủ kính phản chiếu ánh nắng chiều trang trọng. Như đã thuộc lòng từng vị trí, nhà sư đưa tôi qua nhiều lối đi, rồi rẽ vào căn phòng có vô số hủ tro cốt. Nhanh nhẹn, vị sư già chỉ ngay vào một hủ và nói, “Ông Nam đây.” Tôi nhìn lên, tướng Nguyễn Khoa Nam đang hiển hiện trước mắt, không kìm được xúc động, tôi khóc như chưa từng được khóc, khi ngước nhìn qua thì vị sư già đã biến mất tự bao giờ.
Tôi đứng im lặng trước vị tướng quân rất lâu, rồi trở ra phòng thờ tro cốt, kính cẩn đốt ba nén nhang trước vong linh của muôn người, trong đó có Tướng Nguyễn Khoa Nam mãi trong lòng tôi.
Xuống sân, tôi đi tìm vị sư già để bái lạy tỏ bày lòng tôn kính biết ơn, nhưng không có!
Trên đường về nhà, tôi cho xe chạy chậm để cảm nhận một thời khắc trong đời của ngôi chùa từ bi và tướng Nguyễn Khoa Nam nơi cửa Phật đang hướng về cõi Niết Bàn.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.
(Nguồn: Vi Vu / Facebook)
No comments:
Post a Comment