Giới nghiêm trong hai mươi bốn giờ để người Mỹ di tản những người Mỹ sau chót (chừng một ngàn người) và hàng chục ngàn người Việt Nam từng được Mỹ
hứa hẹn cho đi theo.
Nếu tuân theo lệnh giới nghiêm thì chúng tôi không thể nào ra khỏi Saigon đang bị bao vây và cũng không thể ra khỏi khách sạn. Nhưng cái chính phủ này không có đời sống vì rằng nó chỉ được một nhóm chính trị gia thừa nhận.
Quân đội, nghĩa là những gì còn lại của quân đội, cái quân đội cầm quyền từ thời Diệm, đã không được người ta hỏi ý kiến. Người ta không thấy quân đội làm cho việc giới nghiêm được tôn trọng, cảnh sát thì vắng mặt một cách kỳ lạ.
Cuộc bàn giao quyền hành chiều ngày hôm qua: lại một tuần hát bội vụng về.
Thế mà ông già Hương đã trau chuốt bài diễn văn của ông ta:
“Một trang lịch sử đã mở qua, một trang sử mới sẽ được Tướng Dương văn Minh viết... Đại tướng không những sẽ cần có thiện chí mà cần có can đảm nữa. Khi bác bỏ một giải pháp quân sự chúng ta đã chọn con đường hòa giải, hòa hợp và hòa bình...”
Trái với điều làm cho người ta tưởng, Hương xác nhận với tôi rằng Tướng Minh không có một tiếp xúc nào với Mặt trận Giải phóng. Ông ta chỉ còn có một mình. Nhưng quốc hội đã để cho các tướng lãnh thức dậy, nhất là Tướng Tổng trưởng Trần văn Đôn, Phát ngôn viên cho Sứ quán Pháp tại quốc hội này. Ai cũng tưởng rằng số phận của Nam Việt Nam được định đoạt tại Ba Lê.
Minh đã trả lời ông Hương cũng bằng một giọng nói cao cả:
“Chấp nhận điều khiển đất nước trong những điều kiện hiện tại chẳng có gì là vui thú. Chính phủ do tôi được chỉ định thành lập sẽ là chính phủ hòa giải quốc gia và tôi mạnh mẽ tin tưởng rằng chính phủ ấy sẽ có thể nốì tiếp những cuộc thương thuyết với Mặt trận Giải phóng”.
Ông ta nói với quân đội:
“Các bạn phải bảo vệ lãnh thổ còn lại, bảo vệ hòa bình và giữ cho tinh thần cao. Khi đã đạt được cuộc ngưng bắn thì các bạn phải tuyệt đối tôn trọng. Trong những vùng mà các bạn kiểm soát, các bạn phải gìn giữ an ninh và tài sản của đồng bào, không bao giờ rời bỏ hàng ngũ, không bỏ vũ khí và phải tuân theo các mệnh lệnh ban ra trong bất cứ trường hợp nào. Mọi hành động bất tuân kỷ luật sẽ bị nghiêm trị.”
Tướng Minh anh dũng! Ai sẽ trừng phạt các binh sĩ bây giờ đây? Những người đang đào ngũ không chạy sang phía cộng sản. Họ giữ lấy khí giới để cướp hoặc nếu cần thì để tự vệ.
Chẳng còn tướng lãnh nào để mà truyền lệnh, và các tá đã chuẩn bị hành lý. Chỉ có một vài đơn vị còn giữ được những cấp chỉ huy như trường Võ Bị Đà Lạt và các đơn vị Dù là không rơi vào sự hỗn loạn.
Hôm qua chúng tôi trông thấy những người lính chạy trốn, mang theo vợ con lúc nhúc, tháo bỏ những gì cồng kềnh như mũ sắt, áo giáp, chỉ còn giữ có quần áo lót và khẩu súng. Và sau họ là làn sóng người tị nạn như đàn kiến, kéo theo hoặc mang theo những cái bao lớn như con người của họ. Có những người thân thể băng bó dính đầy máu và bùn. Mặt hốc hác, đôi mắt hết sinh khí.
Đôi khi họ phát ra một tiếng kêu, tiếng kêu của một con vật.
Một trong những người tị nạn bị té lăn xuống một cái hố, bị làn sóng người bỏ lại. Tiếng dục nhau: “Mau lên, mau lên”. Người già, đàn bà và trẻ em đi lẫn vào với những người lính bỏ cuộc, ngồi trên chiếc xe bò, xe à cút tơ, xe vận tải, quang gánh trên vai, tay bồng con nhỏ hoặc đẩy xe đạp chở nặng một cách không tưởng tượng nổi. Và khi người ta hỏi họ tại sao phải rời bỏ làng xóm thì họ trả lời là họ chẳng biết gì, rằng họ sợ.
Họ đi về Saigon, cuốn trôi những hàng rào cản mỉa mai mà những người lính đã vội vàng dựng lên trên xa lộ Biên Hòa. số binh sĩ càng ngày càng giảm và họ bắn những loạt súng M-16 lên trời thay cho những tiếng còi.
Một phần của đám người đã được hướng dẫn về phía nghĩa trang quân đội và tìm chổ ở tạm ngay trên những ngôi mả, có nhiều ngôi mả mới, nhưng những người khác tiếp tục đi tới.
Tối hôm qua, người ta còn đặt mìn trên các cây cầu bắc ngang sông Đồng Nai nhưng chỉ có một cây sập. Thỉnh thoảng lại có một trái hỏa tiễn rớt xuống ruộng, làm bắn bùn lên đám đông khiến cho họ tản mát và hét lên. Một đùi người bị cắt đứt ngang đầu gối nằm ở giữa đường trong khối thịt bầy nhầy.
Nhưng Tướng Minh anh dũng vẫn cứ tiếp tục đọc diễn văn:
“Hỡi những người anh em phía bên kia, tôi thành thật muốn hòa giải và các bạn biết rõ điều ấy. Tôi yêu cầu mỗi tầng lớp dân chúng tôn trọng quyền sống của mỗi người. Đó là tinh thần các thỏa hiệp Ba-Lê. Các bạn đòi tôn trọng thỏa hiệp và chúng tôi cũng thế. Chúng ta phải ngồi lại cùng một bàn để tìm giải pháp hữu hiệu nhất cho quốc gia và dân tộc. Để chấm dứt mau lẹ những khổ cực của nhân dân và binh sĩ, tôi đề nghị chúng ta ngưng ngay những cuộc tấn công lẫn nhau. Tôi hy vọng rằng các bạn chấp nhận đề nghị này và thương thuyết sẽ có thể khởi sự sau khi thành lập chính phủ”.
Câu trả lời đến ngay. Những hỏa tiễn rớt xuống dinh: Bọn Việt cộng không muốn nói chuyện với ai nữa, kể cả Tướng Minh. Bọn chúng không hề có ý muốn thương thuyết. Các thỏa hiệp Ba Lê: Một trái chanh đã bị chúng liệng bỏ sau khi vắt hết đến giọt cuối cùng. Chúng chỉ nhận một sự đầu hàng không điều kiện. Và còn đòi nhiều nữa. Chúng muốn trừng phạt cái thành phố này vì đã xua đuổi chúng hai lần vào năm 1945 và 1968.
Trận đấu kỳ lạ, một kẻ muốn làm thằng điếc còn kẻ kia thì mù.
Tại Ba-Lê, Mặt trận Giải phóng đòi tiêu hủy bộ máy chiến tranh của Saigon nhưng tại Saigon, là nơi Mặt trận Giải phóng dường như không được quyền nói chuyện với ai, những viên chỉ huy người Bắc từ chối cuộc đối thoại và bắn ra những hỏa tiễn.
Saigon sẽ bị trừng phạt, Saigon sẽ bị tàn phá vì có tội, vì đã hưởng thụ quá kỹ nhờ chiến tranh trong khi những người khác phải đánh giặc.
Đã nhiều lần, Tướng Minh nói với tôi rằng ông ta phục Tướng De Gaulle và phục cái nhìn chính trị của De Gaulle. Gần đây, ông tuyên bố muốn được làm như De Gaulle.
Hương muốn được làm như Pétain. Khi thay thế Hương, Minh chỉ có thể làm cùng một thứ việc. Trong diễn văn, ông ta có giọng nói của vị thống chế già của nước Pháp.
Con người miền Nam nầy thật gần với người Pháp chúng ta và sự sụp đổ của họ thật giống như cuộc sụp đổ của chúng ta năm 1940.
Tôi biết rõ hai người sắp lập chính phủ Minh, cả hai đều là người khả kính nhưng không được Việt Minh hoan nghênh vì họ có sự nghiệp chính trị dài.
Vũ văn Mẫu, Thạc sĩ Luật khoa của Pháp, Giáo sư Đại học xuất sắc, đã từng ngồi xử án tại Hà Nội, Khoa trưởng trường Luật, Tổng trưởng Ngoại giao của Ngô Đình Diệm. Là Phật tử thuần thành, ông ta từ chức để phản đối sự hành hạ những người Phật tử. Ông ta là Đại sứ của chính phủ Minh tại Luân Đôn. Thời Thiệu đắc cử nghị sĩ, ông ta không ngớt phản đối chế độ và trở thành người cầm đầu phe đối lập hợp pháp, Ngôn ngữ hoạt bát thông minh, không thiếu óc hài hước, từ một năm nay, ông ta được coi là đầu não cho Minh. Minh làm gì cũng hỏi ý kiến ông ta.
Là người thành thật tin tưởng ở sự chủ hòa vì xác tín tôn giáo, ông ta điều khiển phong trào “Các Lực Lượng Hòa Giải” và ca tụng các lực lượng ấy từ khi ký các thỏa hiệp Ba Lê.
Ông ta sẽ là Thủ tướng.
Nguyễn văn Huyền là một người thuộc thành phần khác. Ông ta là một người Công giáo trước khi là chính trị gia. Người ta nói ông ta là người tin ở những điều huyền bí. Là người lương thiện, đạo đức và cứng rắn, ông ta cho người ta cái cảm tưởng là một thầy tu đã lấy vợ rồi thì điều gì cũng dựa vào Chúa Trời. Ông ta là một trong những người được kính nể nhất miền Nam, ít ra cũng ở cái vũng lầy chính trị trong đó có tất cả những con ếch kêu ì ọp mà Thiệu liệng cho chút ân huệ để im tiếng. Ông ta hạ ứng cử viên gà của Thiệu và được bầu làm Chủ tịch Thượng viện.
Năm 1974, ông ta từ chức, bỏ luôn cả chức nghị sĩ của ông ta nữa.
Ông ta không ưa Tướng Tổng thống Thiệu. Ông ta trách Thiệu là người tham nhũng, có lối sống trụy lạc và ít tôn trọng hiến pháp. Đôi khi Thiệu gây ra những cơn khủng hoảng và tại Vũng Tàu, tham dự những vụ “giải trí ’ rẻ tiền theo kiểu hạ sĩ quan của thời thực dân Pháp.
Nếu Vũ văn Mẫu là bộ óc của Minh thì Nguyễn văn Huyền là lương tâm của Minh. Là người chủ trương tôn trọng các thỏa hiệp Genève vì ông ta thực tế và vì cho rằng không còn con đường nào khác, ông ta được đặc biệt chỉ định để thương thuyết với chính phủ cách mạng lâm thời.
Các Tổng trưởng khác không được chỉ định.
Tám giờ sáng. Lý thị Dương, nhà “sư nữ” làm thông dịch viên cho chúng tôi hôm nay đã trút bỏ bộ đồ nâu sòng may ở nhà Dior để mặc một bộ đồ khác kín đáo hơn. Bà ta cho chúng tôi hay rằng bà ta biết một tòa nhà mà sân thượng được dùng làm bãi đáp để máy bay trực thăng Mỹ đáp xuống cho người di cư.
Bà ta có thể đưa chúng tôi vào tòa nhà ấy vì đó là nhà... của bà ta. Con người kỳ lạ! Trước khi rời miền Nam Việt Nam, chúng tôi được biết rằng bà ta là một trong những người giầu nhất Saigon, có nhà ngân hàng số hai của thành phố này, nhà máy dùng mười ngàn công nhân, một công ty hàng hải và còn nữa. Tài sản của bà ta trị giá 18 tỉ bạc.
Chúng tôi đi tới tòa nhà ấy. Nhà mới xây gần đây, tối tân, cao sáu tầng và tọa lạc tại số 6 của công viên ở gần tòa nhà viện Đại Học Saigon.
Công viên này là một cái trụ vĩ đại cắm sâu vào cái mai con rùa, chung quanh có nước để trẻ nhỏ giỡn chơi. Đó là công trường tượng trưng cho viện trợ quốc tế cho Nam Việt Nam. Nhưng những ai biết bề sau của công trường này sẽ cho chúng ta biết rằng Thiệu cho xây cái đài ấy để đóng đinh cái đuôi còn rồng nằm dưới đất đe dọa Saigon.
Chúng tôi leo lên mái nhà cùng với toán chuyên viên truyền hình. Tòa nhà này hoàn toàn được dùng làm văn phòng cho các nhân viên sứ quán Mỹ và cho các chi nhánh của sứ quán Mỹ. Trên sân thượng, có một cái sân khiêu vũ sơn màu đen, mang con số 23 màu vàng: Đó là một sân đáp trực thăng cấp thời.
Chung quanh tòa nhà có lưới sắt, có người mang súng canh gác và chỉ mở cửa cho những ai nói đúng mật hiệu. Một chiếc xe bự mầu trắng trên mui có đèn rọi và còi hụ vừa nhả ra hai người và hai người này lập tức nhẩy vào một căn phòng của một tòa nhà.
Một trong hai người đó là một người lực lưỡng như kiểu điệp viên James Bond, chưa cạo râu, bồn chồn nóng nảy và khi đi ngang qua, hắn bảo hắn trông tôi khó ưa. Những người lính gác Việt Nam nhìn chúng tôi và hy vọng rằng chúng tôi sẽ đánh lộn.
Những căn phòng của tầng lầu thứ sáu đều có người đang ở. Tôi gõ cửa nhưng không ai trả lời. Chỉ có một dân to con, râu quai nón mặc quần lót nhẩy ra yêu cầu chúng tôi để yên cho hắn ngủ. Không, hắn không tính chuyện di cư. Hắn ở đây được lắm mà.
Di tản? Chưa nghe nói bao giờ. Hắn đóng sầm cửa vào mũi tôi. Tôi còn kịp nhìn thấy một khẩu súng M-16 có sẵn băng đạn dựa vào chiếc ghế.
Chung quanh tôi, bầu trời đầy những trực thăng đủ loại. Những con chuồn chuồn ấy ngập ngừng giây lát rồi đáp xuống một mái nhà. Trước mặt chúng tôi là sứ quán Mỹ. Trên sân thượng của sứ quán, hai chiếc trực thăng cùng đáp xuống một lượt.
Khi nào đến lượt chúng tôi? Núp sau cái chòi canh và giống như những nhà khảo cứu côn trùng, chúng tôi rình đón con bọ khổng lồ của chúng tôi.
Nó đây rồi, ngập ngừng rồi đậu xuống tro
ng tiếng đập mạnh của cánh quạt. Đó là một chiếc Iroquois đẹp, có thể chở được 12 người. Không phải là một máy bay quân sự. Đó là máy bay của Air America, hãng hàng không của CIA. Phi công là một người Mỹ và chỉ mang một súng sáu nhưng có hai tên lính đánh thuê người Phi Luật Tân mang mũ sắt, võ trang dữ dội và mặc áo giáp.
Từ dưới hầm chui lên, chúng tôi thấy anh chàng hồi nãy mặc quần lót. Lần này, hắn mang áo quần chỉnh tề. Túi quần hắn ló ra một khẩu súng lục và hắn không ngớt nói vào chiếc máy phát thanh nhỏ đang cầm tay.
Một số người thuộc thành phần khác nhau bắt đầu xuất hiện. Chúng tôi đã có mặt đúng ngay điểm di tản những dân gốc bự của CIA. Dĩ nhiên là có những dân xịa loại vệ sĩ như tên hồi nãy chút nữa tôi đụng đầu nhưng cũng có những tên “trùm”. Một trong những tên trùm này y phục rất chỉnh tề. Cà vạt, đồ lớn, áo quần ủi láng, bình tĩnh, lịch sự kiểu giáo sư tại các trường đại học danh tiếng. Được các kẻ dưới rất kính nể. Trong khi những tên khác hục hặc với tôi thì tên này bằng lòng nói chuyện. Hắn chỉ cho tôi xem cái túi đựng đồ rửa mặt của hắn.
“Tất cả những gì tôi mang theo được của cái xứ yêu dấu này chỉ có bấy nhiêu. Nhưng ít ra thì tôi cũng đi thoát được. Còn biết bao nhiêu người phải ở lại?”
“Cuộc ra đi trong tai họa này, sự bỏ rơi tất cả những người đã từng tin cậy ở chúng ta, thật là một cái nhục cho Tây phương! Và một cái nhục lớn cho chính phủ Hoa Kỳ nếu người ta có thể gọi những kẻ đang ở Hoa Thịnh Đốn là chính phủ. Năm mươi ngàn lính Mỹ đã chết để chúng ta đi với tình trạng này.”
Viên phi công giải thích cho chúng tôi biết rằng anh ta đưa các hành khách tới một chiếc mẫu hạm của hạm đội số 7 ở ngoài khơi và rằng việc di tản phải chấm dứt vào nửa đêm. Sau giờ ấy thì cộng sản sẽ bắn vào tất cả những gì ở trên trời.
Vậy thì có một thỏa hiệp giữa người Mỹ và cộng sản. Có lẽ đã có thỏa hiệp tại Ba-Lê, ở cấp cao nhất giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn.
Viên phi công nhìn đồng hồ rồi bảo chúng tôi: “Nào, lên máy bay đi”. Anh ta tưởng chúng tôi là toán nhân viên truyền hình người Mỹ và anh ta tin chắc rằng chúng tôi sẽ cùng đi với anh ta.
Ở tầng dưới, đám đông dồn tới trong khi các xe lớn và xe nhỏ của Mỹ ùn ùn kéo tới nhả người ra.
Tôi lại gần để xem. Ở phía bên rào sắt là toàn thể nhân viên sứ quán Ý với viên đại sứ cùng người vợ tuổi đã cao, đang đứng dưới nắng. Người ta chờ viên Đại sứ Hòa Lan. Người ta không chịu mở cửa cho ông ta, các nhà ngoại giao Nhật do dự vì họ chưa biết phải làm gì. Họ sẽ ở lại. Và cả một khối người dồn tới hàng rào. Một chiếc xe Mercedes mầu đen rèm cửa buông kín chạy vòng quanh, đàng trước có những người cỡi xe gắn máy hộ tống. Hai bên đầu mũi xe có cây sắt để cắm cờ. Ai vậy?
Tổng trưởng nào hoặc chủ tịch nào? Có lẽ đó là viên tham mưu trưởng của quân đội?
Một số gia đình Việt Nam gồm đàn bà, trẻ em và bà già cùng với vô số va-li và gói đồ đã vào trong tòa nhà cùng với một vài người dân sự Mỹ.
Tòa nhà Lý thị Dương thân mến như vậy là một cái phi trường trực thăng trên mái nhà cho các “nhân vật”, còn dưới nhà dùng làm nơi tập trung cho những người kém quan trọng.
Trong cái làn sóng người này, vài nhân vật hữu trách Mỹ hoàn toàn bị tràn ngập.
Tôi bắt đầu hiểu chuyện gì xẩy ra. Người Mỹ đã lập những danh sách đầy đủ. Họ đã dự trù di tản một số gia đình nhưng họ không bao giờ nghĩ rằng một gia đình Việt Nam không phải chỉ gồm cha mẹ và ba bốn đứa con mà còn gồm cả ông bà, các chú, các bác, cô dì cháu chắt và bầu đoàn thê tử của lũ con cháu nữa: ít nhất là bốn mươi người. Và rằng tại Chợ Lớn, người ta đã in những danh sách giả cho cuộc di tản. Tôi đã có ở trong tay nhiều danh sách giả như thế. Làm giả đủ mọi cách và bán với giá nhiều triệu bạc.
Trong tòa nhà này, có những người có tên trong danh sách thiệt lẫn với cả những người có tên trong danh sách giả. Sự rối loạn thật là hoàn toàn. Vì không hiểu gì hết nên những người hữu trách Mỹ đã chạy trốn lên tầng lầu sáu rồi đóng chặt cửa phòng lại. Trên sân thượng, chiếc trực thăng vẫn nằm chờ lệnh cất cánh.
Thế là mọi người nhào đến chỗ tôi. Người ta muốn trao cho tôi những đứa trẻ. Tôi chẳng làm được gì mà người ta cũng năn nỉ tôi cứu giúp. Người ta cho tôi xem những vé máy bay của các hãng hàng không từ hai ngày nay không đáp xuống Saigon nữa và những giấy chứng nhận đủ mọi loại bằng tiếng Anh, Pháp và Việt ngữ.
Một người chừng năm chục tuổi nói với tôi:
- Xin ông làm ơn cho tôi đi với ông. Chúng tôi thì chẳng cần đi nữa nhưng còn nó thì phải cho nó học tại một nước tự do.
Tôi hỏi ông ta:
-Thế còn ông?
Ông ta cúi đầu:
- Danh sách của chúng tôi không đúng hẳn là thứ thiệt.
- Ông lo ngại gì?
- Tôi là giáo sư. Tôi chưa bao giờ làm việc với người Mỹ.
Trong số những người có mặt tại đây, người ta gặp đủ thứ: Có người làm giầu nhờ người Mỹ, có người làm cho Mỹ và có những người muốn ra đi chỉ vì sợ những con người đến từ hành tinh khác, từ Hà Nội, những con người có dáng đi nhẹ nhàng và những cử chỉ cân nhắc.
Lý thị Dương phân phát nước cam và ly uống nước. Tôi kéo bà ta ra một chỗ và hỏi:
- Tại sao bà không đi? Tôi biết rằng chiếc trực thăng trên mái nhà nầy sẵn sàng cho bà đi. Bà được ghi tên trên một danh sách đặc biệt. Bà tốt nghiệp tại một đại học lớn ở Mỹ. Một phần gia đình của bà ở Gia Nã Đại, một phần khác thì ở Pháp. Hai đứa con của bà đã có mặt tại Pháp. Bà không thiếu tiền. Bà nói tiếng Pháp, Anh, Nhật, bà có bằng Tiến sĩ kinh tế. Tại sao bà không đi?
Bà ta bật cười lúng túng:
- Không có tôi thì làm sao ông phỏng vấn được? Tôi không thể nào bỏ xứ sở của tôi theo chân của những kẻ tuy hứa hẹn tốt đẹp nhưng đã bỏ rơi chúng tôi. Tôi không muốn là một kẻ lưu vong. Tôi muốn làm việc bằng chân tay, tuy mất hết nhưng được ở lại nước tôi.
“Tôi sợ hãi những kẻ sắp tới, sợ những phương pháp của họ. Cách sống của họ làm tôi ngại ngùng. Tôi ở lại. Dầu cho tôi có bị tước hết tài sản của cải. Có lẽ người ta sẽ cho tôi giữ lại nghề dạy học, có lẽ họ sẽ hiểu là họ cần những người như tôi vì tôi biết rõ những cơ cấu phức tạp của môn tài chánh tân tiến. Có lẽ...”
Tôi ra khỏi tòa nhà. Phía bên kia rào sắt, cả một đám đông đứng chờ. Không kêu, không khóc. Đôi khi có cơn tức giận hoặc cơn thất vọng.
Một người đứng đó, riêng biệt khỏi đám đông. Đối với người Việt Nam thì ông ta là người to con, tóc trắng, dong dỏng cao tuy tuổi đã lớn, quần áo cũ nhưng chiếc áọ rất trắng và thắt cà vạt, một chiếc va-li nhỏ bằng giấy để dưới chân.
Tiếng Pháp của ông ta hoàn hảo:
- Tôi chỉ có một mình, tôi nghèo. Tôi đã bẩy mươi tuổi. Tôi chẳng còn ai nữa nhưng tôi muốn đi...
- Tại sao vậy?
- Thời Pháp, tôi là Giám đốc sở Săn Bắn Đông Dương và là thợ săn nổi tiếng nhất của bán đảo. Một người thợ săn chỉ có thể sống tự do và những kẻ sắp tới sẽ không để cho tôi được tự do.
- Ông có tên trong danh sách không?
- Không. Tôi không có phương tiện. Phải trả tới hai hoặc ba chục ngàn mỹ kim. Thế mà tôi vẫn muốn đi Pháp. Tất cả bạn hữu tôi đang sống tại Pháp, Tôi không biết những người Mỹ này.
Và dưới cái nắng chói chang tàn nhẫn này, ông ta kể thuộc lòng tên những con vật mà ông ta bắn hạ tại cao nguyên Bolovens, những rừng rú tại cao nguyên hoặc tại xứ Mọi, nơi mà người bạn của ông ta là vua Bảo Đại, một cây súng giỏi, đã tạo được thành tích đẹp nhất thế giới: 257 con cọp, 180 con gấu...
Một phụ nữ Việt gốc Âu Châu còn trẻ nói với tôi:
- Tôi muốn đi cùng với chồng Việt của tôi. Cả hai chúng tôi đều là giáo sư của hội Văn Hóa Pháp. Người ta chẳng làm gì để giúp chúng tôi di tản. Cho nên tôi mới tới đây. Có lẽ người Mỹ sẽ hào hiệp hơn. Chúng tôi nghèo nên không thể trả hàng chục ngàn mỹ kim mà người ta đòi chúng tôi. Nhưng chúng tôi muốn cùng đi với con cái sống tự do. Nếu ông biết ông Lãnh sự Pháp, ông có thể đưa cho ông ta lá thơ này. Ông đó đã từ chối tiếp chúng tôi.
Bây giờ thì có hơn một trăm người đứng trước tòa nhà, người thì mang những túi vải, có người thì mang những va-li Samsonite lộng lẫy, cùng với những đứa trẻ rất ngoan mở mắt to vì ngạc nhiên và đang mút ngón tay.
Tất cả những người ngủ mơ đó, vừa mới rớt từ mái nhà xuống và đang dụi mắt. Họ vẫn không hiểu.
Trực thăng không ngưng đáp xuống và cất cánh tại sứ quán Mỹ. Trước cửa sứ quán, người Mỹ và Việt, những người được chọn lựa, vứt bỏ những chiếc xe hơi tráng lệ cho đám người bất lương xâu xé. Nếu không thể cướp luôn cả chiếc xe thì những đám người này lột đệm xe, bánh xe và những phụ tùng khác.
Có cả trăm, cả ngàn người đang xô nhau trước tấm cửa sắt có Thủy Quân Lục Chiến canh giữ.
Một người đàn bà khóc trong khi thiên hạ mổ xẻ chiếc xe Mercedes của bà ta. Bà ta lập lại:
- Thế mà tụi nó hứa sẽ cho chúng tôi đi.
Khi người Pháp chúng tôi từ giã Hà Nội, chúng tôi có tác phong khác. Chúng tôi còn có thời giờ nói lời giã biệt với những người chết mà chúng tôi để lại trong những ngôi mả cỏ mọc rêu phong.
11 giờ sáng. Chúng tôi lái xe tới Tân cảng. Thời tiết càng lúc càng nóng ngột ngạt. Đàn ông, đàn bà và trẻ em mình đầy bùn chui qua những rào gỗ có mắc kẽm gai, lúc nhúc như những con sâu. Họ lội bùn để chui vào những kho hàng của người Mỹ mà trước đó hai ngày còn có những chiếc tàu mang cờ hiệu, những hãng hàng hải lớn nhất thế giới dỡ hàng xuống. Họ mang trên vai những gì đã vồ được: gạo, thịt, nước trái cây, kẹo, quạt máy, máy xay, gỗ, tôn, bất cứ thứ gì. Tôn và gỗ sẽ đắc dụng còn máy điều hòa không khí chắc sẽ chẳng còn hợp thời nữa.
Các bà già răng đen đã bắt đầu ngồi xổm dạm bán những món hàng vừa vớ được, bán để lấy những tờ bạc từ nay trở thành vô dụng. Một trạm cảnh sát. Các cảnh sát viên chẳng buồn mang súng và để mặc cho người ta cướp đồ. Một lát sau thì một viên cảnh sát gia nhập đoàn người lúc nhúc để cướp. Những cảnh sát viên khác theo sau.
Một người đàn ông lớn tuổi đứng dựa vào xe đạp nói với tôi:
- Thưa ông, ông có thấy là nhục nhã không trong khi mà quốc gia lớn nhất thế giới là nước Mỹ lại bỏ rơi quốc gia nhỏ nhất là Nam Việt Nam để sáng nay, diện tích chỉ còn có Saigon. Tôi cảm thấy nhục thay cho họ.
Đại lộ đầy rác đủ loại. Bỗng có những hồi còi hụ và những tràng súng tiểu liên bắn lên trời: Quân đội Nam Việt Nam rút lui. Một đoàn xe khổng lồ đèn rọi sáng chạy về phía Saigon gồm có những xe vận tải lẫn với những xe chở chiến xa, xe ủi đất, xe thiết giáp gắn đại liên, còi kèn bóp om xòm.
Ở giữa đoàn xe ấy có những người lính, người thì đi bộ, người thì cưỡi xe gắn máy nhưng đa số còn giữ được vũ khí cá nhân. Một nửa số người ngồi trên các chiến xa là đàn bà và trẻ em. Một bà cụ già ngồi bình thản trên một chiếc xe ủi đất vĩ đại, cười và nắm chắc trong tay cái túi đựng mấy thứ quần áo rách rưởi.
Xe đạp, xe gắn máy, những thùng đồ hộp chồng chất lên trên những xe GMC và lọt vào trong đoàn xe ấy có một xe chở đầy heo.
Tại Phú Thọ, giữa Tân Sơn Nhất và Chợ Lớn, nhà cháy rụi và nổ như những hộp quẹt. Trên lề đường, những tấm tôn chi chít những vết đạn và bên một chiếc xích lô ba bánh, có ba xác chết: Một người lính và hai thường dân chết vì một loạt đạn nhưng chẳng ai buồn lượm xác họ. Ngày mai vẫn còn những xác chết ở đó. Lửa bốc cháy vào những cột điện. Lửa cháy dọc theo đường dây điện. Chẳng có ai để dập tắt cả khu này sẽ cháy rụi chăng? Những loạt đạn nổ bên trái và bên phải. Ai bắn và bắn ai? Và vẫn còn cái vũ khúc của những trực thăng nhả người xuốhg sân bay Tân Sơn Nhất.
Nạn hôi của lan tràn. Chỗ này, người ta cướp một căn nhà trước đó do người Mỹ ở, Đây là nhà thờ Báp Tít. Xa hơn nữa là một nhà thương. Chỗ nào cũng bị cướp: Bồn tắm, chậu rửa, quạt máy, kệ gỗ, máy xay, giây điện.,
Cảnh sát cũng thi đua cướp phá. Hai bà già khệ nệ cùng nhau khiêng một chiếc tủ bự trong khi ba chiếc xe vận tải chạy vụt qua chở đầy lính Dù. Họ bắn mọi thứ súng lên trời. Họ không cần chú ý tới sự hỗn loạn. Họ đang vội vàng đi chiếm đóng các vị trí sau chót để tìm cậch trấn giữ. Nếu không thì có thể họ sẽ đi về phía đồng bằng nơi đó có cả một quân đoàn còn đang giữ vững và dường như còn muốn chiến đấu.
Không còn trật tự, luật pháp và chính phủ nữa. Cộng quân gác súng dưới chân khoanh tay chờ cho Saigon tự tan rã. Ngày mai, người ta sẽ giết hhau tại Saigon vì một két la de. Một số người đã bắt đầu mong mỏi đến đón tiếp ngay thứ mệnh lệnh lạnh lùng kèm nụ cười giết người của những con người từ hành tinh khác tới.
Ở bên cạnh nhà hàng Continental, người ta cướp phá trụ sở cơ quan viện trợ quân sự Mỹ. Từ trong cửa sổ, tôi trông thấy những cảnh sát viên mặc đồng phục kéo lê ở giữa đường Catinat một chiếc kệ khổng lồ.
Sáng nay thứ Ba 29 tháng Tư, tôi đã chứng kiến sự sụp đổ của những người Mỹ và Việt thì Saigon trang hoàng cờ Pháp như ngày 14 tháng 7.
Một lần chót trước khi chết, Saigon trương ra những mầu sắc của nước Pháp, Saigon nợ nước Pháp nhiều. Chính những viên Đô đốc Toàn quyền Charner, Bonard và những người khác đã biến cải làng chài lưới Cao Mên khi trước ở bờ con lạch đầy dẫy những tên trộm cướp thành ra cái thành phố này. Người ta dán cờ Pháp trước kính xe, có người dán cờ nhỏ, có người dán cờ bự. Người ta sơn cờ Pháp trước cửa nhà. Tất cả những ai có nước da trắng dầu là người Pháp hay không đều mang cờ ba mầu.
Người Việt Nam cũng làm theo họ. “Báo chí Pháp”. Tất cả các ký giả, kể cả những ký giả Anh Mỹ cũng mang biểu hiệu đó.
Nam Việt Nam: Thủ đô Ba-Lê, Tổng thống Valery Giscard d’Estaing đã ủy quyền cho J.M.Merillon trong khi các cố vấn Minh, Vũ văn Mẫu và Huyền làm việc tại văn phòng các chi nhánh của dinh Tổng thống, đang chờ lệnh ở điện Élysée. Tôi co phóng đại thật đấy nhưng sự việc gần như đúng là diễn ra như vậy.
Những điểm tập trung cho kiều dân Pháp nếu tình thế tồi tệ: tòa lãnh sự Pháp, khách sạn Continental, trường Marie Curie và trường St. Exupéry.
Nhưng sứ quán Pháp thì không. Nhất là sứ quán Pháp thì không. Người ta giữ ý với nhau. Người ta đã tích trữ thức ăn và nước uống. Trong sứ quán ấy là niềm hy vọng chót, và nơi ẩn náu cuối cùng của hăng ngàn người bơ vơ thì sứ quán ấy đóng chặt cánh cửa sắt. Sứ quán ấy đã biến thành một cấm thành. Gần đây, người ta đã xây tường cao thêm và mắc lưới sắt vào những cửa sổ.
Và vì nước Pháp chẳng còn vai trò chính trị nào nữa, vì chúng ta đã bị ru ngủ bởi cái chính phủ Cách mạng Lâm thời khi cái chính phủ ấy chỉ có tại Ba-Lê, thay vì phải xuất hiện, thay vì đi thăm các điểm tập trung của dân Pháp, thay vì phải có mặt ở nơi nào có người Pháp, trấn an, hòa mình với dân Pháp thì viên Đại sứ Pháp lại chỉ tự giới hạn vào các hoạt động của đại sứ. Ông ta núp sau khoa nghĩa vụ học của ông ta. Còn Graham Martin thì lội bộ về nhà riêng để lấy đồ và có thể gặp nguy trên đường về nhà.
Saigon trang hoàng cờ Pháp và Đại sứ Pháp chỉ biết tin ấy khi người ta cho ông biết.
Phía tòa lãnh sự Pháp cũng chẳng hơn gì. Viên lãnh sự ngủ trên bàn giấy, sau tấm cửa lưới sắt. Chính người tùy viên thương mại Friang phải lo tập họp những người Pháp vì người có trách nhiệm về việc ấy đã chuồn rồi.
Hắn ta đã nói với những người dưới quyền: “Tôi kiếm chỗ đậu xe”. Rồi hắn leo lên trực thăng của Mỹ. Bỏ mặc tất cả.
Còn đâu nữa thời xa xưa khi mà viên Tổng Lãnh sự Pháp Lambroschini tuy không tốt nghiệp trường Hành chánh nhưng hồi Tết năm 1968 đã lặn lội trong lửa đạn tìm các ký giả, sống với các Linh mục, các chủ đồn điền, những người Pháp tại Đakao, biết tất cả những gì xẩy ra trong khi nhà đại sứ thông thái của chúng ta xử sự như một người mù.
Không phải đó là lỗi của ông ta. Ông ta đã thi hành đúng các mệnh lệnh nhận được. Nhưng quả thật đó là sự nghèo nàn tâm hồn của những nhà kỹ thuật gia xuất sắc ấy! Thế mà J.M. Merillon đã hành động khá tốt tại Jordanie. Á Châu đã làm hại ông ta.
Chúng tôi phóng tới Tân Sơn Nhất để xem những thiệt hại. Căn cứ này sáng nay trúng hỏa tiễn và đại bác 130 ly: những cột khói bốc cao, kho hàng và kho xăng cháy. Nhưng dường như các phi đạo không hề gì. Không thể di tản được nữa. Nhiều đoàn xe dài, phần nhiều là xe Mercedes. Trên xe toàn những khách hàng “sang nhất” ngồi chờ. Và những người đàn bà chạy, những người đàn bà bình dân đội nón kéo tay những đứa trẻ khóc lóc và chẳng hiểu gì. Có những con ngựa gỗ cản đường và những cảnh sát viên hung hãn.
Một cảnh sát viên đặc biệt nóng nảy rút súng ra dọa tôi. Anh ta không muốn cho chúng tôi quay phim. Vài phút sau, anh ta cùng với các đồng nghiệp nhẩy lên một chiếc xe rồi biến mất. Chẳng còn ai canh gác sân bay nữa.
Thế là hết rồi. Các xe đành quay trở lại. Cái bẫy đã khép chặt chung quanh hàng ngàn người Việt và Tàu. Muốn ra khỏi Saigon chỉ có cách dùng trực thăng hoặc dùng tầu nhưng giá chỗ ngồi thật đắt.
Ngoài đường phố thấy xuất hiện nhiều thanh niên mặc đồ bà ba đen mang súng M-16 hoặc súng Carbine. Trông họ rất giống những tên du đãng đã cướp giật đồ. Dường như họ đi giữ trật tự. Hay là để phá trật tự? Họ ở đâu ra?
Tân chính phủ hoàn toàn thất bại trong việc tiếp xúc với chính phủ Cách mạng Lâm thời. Chính phủ Cách mạng có 150 người ở Tân Sơn Nhất là sĩ quan và binh sĩ của Việt cộng và 45 người của Bắc Việt. Ai là người Bắc, ai là người Nam? Ai chỉ huy họ? Họ bị binh sĩ Việt Nam Cộng hòa vây chặt và họ sống bên trong những nhà gỗ và
những giao thông hào kiên cố. Đó là tất cả những gì còn lại của thỏa hiệp Ba-Lê.
Thật khó mà biết ai chỉ huy họ. Có phải người chỉ huy là Đại tá Võ Đông Giang không? Có lẽ đó không phải là tên thật của hắn. Người hắn cao và gầy, hắn giữ vai trò phát ngôn viên đối với báo chí và phải chăng hắn là người Nam? Hay người chỉ huy là tên kia, Tướng Hoàng Anh Tuấn được coi là người miền Bắc? Không phải hai người đó mà là Trần văn Trà và Trà trước hết là một người chỉ huy lịch sử của cộng sản.
Một phái đoàn chính phủ do Phó Tổng thống Huyền gọi tới (ông Công giáo Huyền được Minh Cồ ủy thác việc thương thuyết) đã đến trước hàng rào kẽm gai. Bọn cộng sản từ chối tiếp phái đoàn. Bọn chúng không muốn bàn cãi nữa: chúng chỉ nhận sự đầu hàng không điều kiện.
Graham đến thăm xã giao Đại sứ Pháp. Lý do chính là để từ biệt. Và để tặng Đại sứ Pháp chiếc xe Cadillac mầu đen lộng lẫy. Đại sứ Pháp có lẽ chẳng cần đến món quà tặng ấy. Nhưng mãi đến 3 giờ 30 sáng hôm sau, Martin mới ra đi sau khi chứng kiến trong cái tư thế bất lực của mình cái tài hoa: Tài hoa vì chính sách của ông ta, tài hoa của Nam Việt Nam.
Nguyễn Cao Kỳ, con người chủ trương “đánh đến cùng” cũng ra đi trên chiếc trực thăng riêng của ông ta. Ông ta nguyền rủa Thiệu vì ít ra, Thiệu chuồn cũng có thời giờ mang theo hành lý.
Trở lại khách sạn Continental. Đường phố không được an toàn vì có quá nhiều vũ khí ở ngoài đường và vì các cảnh sát viên đã biến mất. Chẳng ai tôn trọng lệnh giới nghiêm. Người ta tiếp tục cướp phá trụ sở của cơ quan viện trợ Mỹ. Đàn bà, trẻ em, cảnh sát và quân nhân, tất cả đều nhào vô. Đồ đạc cướp được thì được chất lên xe jeep hoặc lên những xe nhỏ đẩy bằng ổ bi.
Từng toán binh sĩ áo quần tả tơi đi ngang qua, mặt ngơ ngác, thường là đi chân đất. Đám đông dân chúng thì đến đập vào tường và gõ cửa sứ quán Mỹ. Các Thủy quân Lục chiến Mỹ mắt đỏ ngầu vì mỏi mệt tự nhiên thấy có những người đề nghị đút lót cho họ từng năm mỹ kim để cho những người đó lọt vào bên trong sứ quán. Những người lính Mỹ này phải dùng báng súng nện vào những bàn tay đang bám lấy bức tường.
Những người khác thì tìm cách đi tới sứ quán Pháp, nhưng những hiến binh lực lưỡng đã chờ họ ở bên kia bức tường và đẩy họ về nơi khởi hành như đẩy một đồ vật. Nếu người đó là quân nhân thì hiến binh tước súng.
Khi đêm buông xuống thì chỉ còn một nhóm người chung quanh Đại sứ Graham Martin, còn đúng 125 người lo về an ninh. Họ lùi dần lên các tầng lầu trên, còn các Thủy quân Lục chiến thì giữ mái nhà.
Những người Việt Nam bị bỏ rơi đứng đó, giữa những va li và những gói đồ ngổn ngang. Đó là những người đã được người ta hứa cho đi, đó là những người tưởng rằng có thể dùng giấy giả để thoát thân.
Dùng một thanh sắt, một người hôi của phá vỡ bình xăng của một chiếc xe hơi bỏ hoang và hứng lấy xăng vào một cái chậu bằng nhựa. Xăng sắp khan hiếm và người ta không có xăng dự trữ.
Những trực thăng hạng nặng Chinook của hạm đội số 7 tiếp tục bay sát mái nhà và mang theo những hành khách. Đến đêm, trực thăng mở đèn hiệu trong khi từ mái nhà, người ta dùng đèn rọi để soi sáng điểm đáp xuống. Trên trời, có những tia sáng như sao chổi và tiếng cánh quạt đập.
Trên mái một tòa nhà trước mặt chúng tôi có những người Việt Nam đã đốt lửa bằng mọi thứ vật liệu mà họ có sẵn tại chỗ: giấy, đồ gỗ, thùng xăng. Họ giữ ngọn lửa ấy suốt đêm, hy vọng một cách ngây thơ rằng một chiếc trực thăng sẽ trông thấy dấu hiệu cầu cứu ấy mà đến chở họ đi. Sáng hôm sau, ngọn lửa ấy sẽ tắt và chẳng ai tới cứu họ hết.
Lý thị Dương hớt hải đi tới, mang theo đứa con trai nhỏ và người tớ gái. Người ta đã cướp tòa nhà của bà ta rồi. Và chính những người canh gác nhà của bà ta đã cướp phá. Có những binh sĩ còn bắt đứa con của bà ta làm con tin nữa. Bà ta phải nộp tất cả số tiền mang theo, nghĩa là gần một triệu đồng để chuộc lại đứa con.
Khi nào những người Mỹ, người Anh hoặc người nào “mũi lõ” mà bỏ nhà đi là người hàng xóm lập tức chỉ chờ có thế để nhào vô, leo rào, phá cửa và cướp hết.
Điện bị cắt và chúng tôi phải thắp nến ăn cơm. Những người bồi bàn lặng lẽ tới lui, tiếng đại bác và tiếng súng liên thanh nghe gần hơn trước. Một viên đạn lạc đáp xuống đĩa của tôi. Là một chuyên viên về vũ khí, Coutard xoay tới xoay lui viên đạn và sau hết, nói rằng đó là đạn M-16.
Chúng tôi được biết những cảnh thảm khốc diễn ra tại bến tàu. Hàng ngàn người đã xung phong chiếm các tàu, các ghe thuyền. Chiếm tất cả những gì có thể nổi trên mặt nước. Nhưng con sông đã bị đặt mìn. Một vài chiếc tàu đã đi lọt được, nhiều chiếc khác không đi được, còn những chiếc khác nữa bị nổ tung.
Các phi công Việt Nam lái trực thăng đã tự tổ chức cuộc di tản. Đến giờ hẹn, trực thăng tới mái một tòa nhà để cho những người trong gia đình núp sẵn trong nhà ấy. Họ chở nhiều người nặng quá đến nỗi một trong những chiếc trực thăng đã rớt ngay xuống Chợ Lớn cùng với số hành khách quá đông và vô số hành lý. Đáng lẽ ra chỉ được chở một phần ba số hành khách.
Những chiếc trực thăng này đáp xuống rất đông trên sân những mẫu hạm thuộc hạm đội số 7 và họ đáp gấp rút quá đến nỗi chiếc nào nhả hành khách ra rồi là người ta hất ngay chiếc đó xuống biển.
Gia đình Các phi công lái máy bay phản lực được di tản trước nhất và các phi công F-5 thì lái máy bay tới hạm đội 7 hoặc tới vịnh Subic tại Phi luật Tân. Bảy mươi lăm chiếc máy bay khác đã đáp xuống căn cứ Utapao cách Vọng Các 150 cây số về phía nam, chở theo hai ngàn người. Chỉ có tự lo thì mới chu đáo được.
Bắt đầu từ ngày 14-4, người Mỹ bắt đầu di tản người Mỹ và những người Việt Nam có tên trong danh sách. Họ đã lập một cầu không vận giữa Saigon, căn cứ Không quân Clark tại Phi Luật Tân và đảo Guam bằng các máy bay C-130 và C-141 để chở người tị nạn.
Người ta phải di tản 130.000 người. Trong một tuần lễ, có 30 ngàn người được chở đi.
Trước sự nghiêm trọng của tình thế, người ta đẩy mạnh việc dùng máy bay luân chuyển. Trong số 7.500 người Mỹ, chỉ còn 1000 người Mỹ được coi là cần phải ở lại để thi hành một vài nhiệm vụ phá huỷ hoặc bảo vệ các vụ bốc người đi. Gần hết tất cả những kho đạn dược và kho xăng sẽ bị phá hủy.
28 ngàn người Việt Nam được di tản trong vòng sáu ngày. Còn kẹt lại 100 ngàn người Việt Nam khác.
Chúa Nhật và thứ Hai, nhịp độ di tản đều đều diễn ra nhưng đến chiều thứ Hai thì phi trường bị đại bác bắn vào. Những chiếc C-130 được lệnh đáp xuống không đáp xuống nữa. Đến 21 giờ, người ta được biết rằng sân bay lại dùng được vì pháo kích đã ngưng.
Tuy nhiên, vì bị các cố vấn thúc dục, Tổng thống Ford quyết định cho thi hành cuộc hành quân “Lựa Chọn 4”. Dùng máy bay trực thăng tăng cường cho các máy bay kia. Lệnh được đưa ra lúc 22 giờ 51. Phi cảng Tân Sơn Nhất lại dùng được tiếp theo những cuộc thương lượng bí mật giữa người cộng sản và người Mỹ. Do ai làm trung gian? Tôi không biết. Phần lớn cuộc di tản diễn ra tại sân bay. Kéo dài tới hết đêm cho đến khi vài hỏa tiễn của cộng quân nhắc nhở rằng cuộc ngưng bắn đã chấm dứt.
Đài phát thanh của người Mỹ truyền đi ám hiệu “Frequent Wind”. Bay rất cao trên trời, những chiếc Phantom của Mỹ sẵn sàng can thiệp nếu cộng sản vi phạm cuộc ngưng bắn. Nếu cộng sản không tôn trọng cuộc ngưng bắn thì sẽ đổ vỡ, gây tai họa và leo thang. Nếu cộng sản bắn hỏa tiễn Sam-2 và Sam-7 thì toàn thể không lực của hạm đội số 7 sẽ thực hiện những cuộc oanh tạc trả đũa.
Và ở phía dưới thì có ba triệu dân Saigon cùng với môt triệu người tị nạn đang chờ ở cửa ngõ thành phố.
Vì nhà hàng Majestic bị pháo cho nên những người Ba Lan trong ủy hội Quốc tế chạy tới khách sạn Continental và Astor. Họ vừa mới đậu xe xong thì các cảnh sát viên đã chạy tới. Những người này dùng báng súng để đập cửa xe và cướp. Những cảnh sát viên phạm pháp chăng? Không. Họ chỉ tới để chia phần với nhau. Trong khi đó thì những người Ba Lan đứng dựa cửa nhìn ra mà không dám can thiệp.
Súng bắn ở khắp nơi.
Đêm chót của Saigon là đêm điên loạn. Chung quanh thành phố, những cây xăng bốc cháy, những kho đạn nổ tung. Lúc đáp xuống các mái nhà, trực thăng mở đèn chiếu trông như đôi mắt những con quái vật gớm ghiếc đang tìm mồi.
Tại Dinh Độc Lập, Tướng Minh tuyệt vọng tìm cách tiếp xúc với người cộng sản nhưng chúng không muốn nói chuyện với ông ta nữa.
Vài chiếc xe cứu thương chạy ngang, hú còi nghe thảm thiết. Pháo binh bỗng gầm lên. Nhưng đó chỉ là cơn giông, cơn giông nhiệt đới với những cột nước và những tia chớp xuyên thủng màn đêm.
Những người hôi của cuối cùng cong lưng dưới trời mưa vì họ đã chất lên những xe xích lô một số lượng đồ nhiều đến nỗi nếu là ở bên Pháp thì người ta phải dùng tới xe vận tải mới chở hết.
Tù nhân chính trị đã được thả tự do. Các tù nhân thường phạm cũng nhân dịp này trốn luôn. Chỉ cần cúi xuống là lượm được ngay một cây súng. Và những phần tử ghê gớm ấy đã tự võ trang cùng mình.
250.000 binh sĩ trôi dạt, từ 700 ngàn đến 800 ngàn người tị nạn tìm cách vượt qua cửa ngõ thành phố Saigon, một tầng lớp trộm cướp sẵn sàng biến Saigon thành một địa ngục chạm trán của những đảng buôn ma túy, của lính đào ngũ, của đạo tặc và nghiện hút. Lại còn những binh sĩ Lực Lượng Đặc Biệt nữa: họ là những người bất cần trong lúc này.
Khách sạn có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Tôi lấy ra số tiền 5.000 mỹ kim và vài ngàn đồng quan mà tôi đã cất trong tủ. Khách sạn thoát được nạn cướp nhưng rồi số tiền đó cũng mất trong phòng của tôi.
Tôi lại trông thấy những người lính mà tôi gặp cách đây vài giờ trên xa lộ khi họ dồn về Saigon với số vật liệu chồng chất. Họ cười giỡn, họ vẫy tôi và vì tưởng tôi lạc đường nên họ đưa tay kéo tôi lên xe họ rồi họ đưa tôi tới một cuộc chạy trốn không lối thoát.
Nhưng kìa, một chiếc xe cứu thương. Nhìn vào xe thật là ghê sợ: Những thân người bị dập nát, đầy máu dường như vẫn còn sống và rên rỉ. Không có thầy thuốc và cũng chẳng có Y tá...
Và cái cảnh đó cứ tiếp diễn trong khi tiếng đại bác tới gần lần lần và trực thăng bay trên đầu chúng tôi.
Tôi có cảm tưởng đang sống trong một cơn ác mộng, cái bi thảm pha lẫn cái hài hước rẻ tiền. Những người lính này cười đùa, còn những người lính kia đang chết. Cấp chỉ huy của họ (những cấp chỉ huy còn ở lại với họ) cho tôi biết rằng họ được lệnh tiến tới những vị trí không còn nữa. Hay là người ta muốn bảo vệ nhà thờ Đức Bà ở cuối đường Catinat.
Trong vài giờ, cũng những người lính ấy đã đổi nét mặt. Họ vừa mới nhận thấy rằng họ thua trận. Giận dữ vì bị bỏ quên, căm hờn vị bị cấp chỉ huy bỏ quên, họ đứng trên mái nhà xả súng bắn lên những trực thăng đang bay trên đầu họ. Những phản lực cơ Phantom gào thét bay xẹt qua.
Không còn trật tự, luật pháp, chính phủ nữa. Những người cộng sản đang chờ. Chúng muốn trừng phạt Saigon. Ngày mai, người ta sẽ giết nhau vì một két la-de.
Saigon không hấp hối. Sau khi trút hết chất liệu, Saigon đang rẫy chết trong thối nát, trong những đám cháy và trong sự cướp bóc. Những kẻ may mắn đã chuồn được trên những trực thăng của Mỹ. Những người khác thì trốn lánh. Có những người thiểu não trở về từ Tân Sơn Nhất là nơi lại bị hỏa tiễn rớt vào. Có những người bị bỏ quên, có những người chẳng quen biết ai. Và chúng tôi, những nhân chứng bị bó tay, phẫn uất, chúng tôi là những người đã từng yêu dấu thành phố này mà chẳng làm được gì hết để giúp thành phố này. Bọn cộng sản Việt cứ để mặc. Saigon bắt đầu sám hối về những sự mất trật tự, vì ưa kiếm chác, vì những quán rượu ổ điếm, vì những sòng bạc, những đêm điên loạn, những cơn mê. Và cũng vì những cơn hăng say của trìu mến và của nhiệt thành. Và cái tinh thần độc lập đã từng đôi khi biến cái thành phố này thành một nữ chúa của tự do.
Vì Saigon đã bị kết án tử hình.
Chúng tôi vừa được biết tin ấy. Đài phát thanh của Mặt trận Giải phóng nghe được ở Tân Gia Ba tuyên bố rằng từ nay, tên của Saigon là Hồ Chí Minh.
Tên của một người chết. Cái tên ấy không hợp với thành phố.
Tôi trở về phòng. Đại bác 130 ly đã im tiếng. Hỏa tiễn không nổ nữa. Nhưng còn em nhỏ kia đang làm gì? Em đang tắm trong vũng nước bùn nhỏ ở lề đường rồi em nhập bọn với những trẻ em trần truồng khác giỡn chơi dọc theo những bức tường của khách sạn, giống như những con mèo hoang?
No comments:
Post a Comment