Chuyện không xong rồi. Tại chợ Bến Thành, một tên ăn cắp bị bắt tại trận và bị bắn chết. Xác hắn còn để đó. Một tên khác cưỡi xe gắn máy cướp giật chiếc máy chụp hình cũng bị bắn chết nằm sóng sượt.
Tuần tiểu. Khám xét nhà cửa mỗi đêm. Bắt bớ. Mất tích.
Những buổi học tập dài bất tận cho người trẻ cũng như cho người già. Không phải chỉ có nghe không mà còn phải trả bài nữa. Đến 10 giờ 30 đêm, tại khách sạn, những cô gái có mặt trong phòng các ký giả được lệnh phải đi ra ngoài. Từ đó không có tin gì về họ nữa. Có thể họ bị đưa tới một trại nào đó để học về đạo đức.
Sau cùng, người ta đã lập được một toán đầu tiên gồm những ký giả, danh sách niêm yết trên bảng đen trước cửa Bộ Ngoại giao là nơi đã kiểm kê chúng tôi. Khởi hành lúc 11 giờ, giờ Đông Dương. Tôi không có tên trong danh sách.
Ra đi gấp rút. Các anh bộ đội cực kỳ nóng nẩy đã xua đuổi những đứa trẻ, những người hành khất và đã chặn đường. Lý do: Người ta đã tìm thấy vũ khí ở... nhà những người Mỹ.
Người ta đuổi những nhà báo. Đồ nghề của họ đã bị mất giá và có thể bị tịch thâu nữa.
Nhưng đó mới chỉ là một vụ khởi hành hụt. Đến tối thì các bạn của tôi trở về, tức giận. Dường như sân bay Vạn Tượng là nơi máy bay đáp xuống không dùng được vì đang có mùa gió Nồm.
Ngày mai lại khởi hành lúc rạng đông. Khám xét hành lý rất kỹ nhưng các cuộn phim đều đi thoát được.
Tôi đi chuyến xe thứ hai. Tối hôm trước, tức là ngày 25-5, lúc 10 giờ 30 tại văn phòng của ông già Lợi (cách xưng hô thân mật của chúng tôi với ông quản đốc khách sạn) tôi bị đưa ra một thứ tiểu pháp đình. Ba người mặc đồng phục đeo súng ngắn cũng đứng dậy và đọc cho tôi nghe bản án:
“Ủy ban An ninh Saigon Gia Định ra lệnh cho tên Lartéguy ngày mai phải đáp chuyến bay đầu tiên khởi hành từ Tân Sơn Nhất. Lý do: Có thái độ thù nghịch với tân chế độ”. Trước đây, Thiệu đã liệt tên tôi vào sổ đen và tôi phải trở lại dưới một cái tên giả. Thế là có tiền lệ rồi.
Tôi bắt tay ba ông quan tòa của tôi trước cái nhìn lo lắng của viên thông ngôn vì hắn không hiểu gì về thái độ của tôi. Lẽ ra tôi phải giải thích cho hắn hiểu rằng tại Pháp, khi những người của sở xe đòn thi hành xong nhiệm vụ chu đáo thì sẽ được một người của tang gia khen thưởng. Phải chăng Saigon là bà con của tôi?
Ngày hôm sau, ông già Lợi cho tôi hay rằng khách sạn Continental vừa mới được giao cho “Nhân dân cai quản” ( và rằng một giám đốc mới đã từ Bắc Việt tới. Cả hai chúng tôi đều buồn. Tôi muốn ôm lấy ông ta nhưng tôi không dám làm thế. Ông Lợi là một người khả kính mà.
Hôm sau tại sân bay, người ta tìm cách chiếm lấy những cuộn phim mà Raoul Coutard và tôi đã mang theo. Chút nữa thì chúng tôi bị cướp mất. Những cuộn phim ấy hiện ở Ba-Lê.
Người ta đuổi tôi ra khỏi thành phố mang tên Hồ Chí Minh, nơi đó, trẻ em học hát và học cách tố cáo cha mẹ chúng. Tôi chẳng biết nói sao.
Cái thành phố Saigon kia vẫn còn.
Tôi tới Saigon lần đầu tiên vào năm 1950. Tôi đã yêu dấu Saigon và đã ghét thành phố ấy trong hai mươi lăm năm. Đó là một cô gái làng chơi tàn tệ, tham lam, ưa khoái cảm, ưa đồ gia vị và ưa những hương thơm ngát, nghe theo người này và ngả theo người kia, nhưng không bán mình cho ai. Một thành phố tự do và bây giờ không còn tự do nữa.
Màn đêm đã buông xuống trên thành phố ấy, và trên quãng đời hai mươi lăm năm làm ký giả và viết văn của tôi.
Tôi đã bay trên thành phố ấy lần chót trong chuyến bay Aeroflot của cộng sản để tới Vạn Tượng. Raoul Coutard đụng vào khuỷu tay tôi. Hắn nói: “Coi kìa”. Cũng như tôi, hắn buồn muốn chết. Mối tình của hắn với Saigon lại còn thâm niên hơn nữa. Ba chục năm.
Saigon ơi. Vĩnh biệt.
• Jean Lartéguy
28/09/1976
No comments:
Post a Comment