Người thiếu nữ ngồi ngoan ngoãn gần một tòa nhà của nhà thương Grall. Kế bên cô ta là một chiếc va-li mới bằng chất plastic và một giỏ đan bằng mây của người Thượng. Cô gái mặc áo dài màu đen của người phụ nữ Thượng nhưng tóc cô ta màu hung và nước da trắng: Đó là một cô gái Thượng lai Pháp.
Cô ta bao nhiêu tuổi? Mười tám? Hai mươi? Làn sóng tỵ nạn ghê gớm đã cuốn cô ta nhưng còn gần được nguyên vẹn tới cái nhà thương dùng làm nơi tạm trú này trên đó có một lá cờ Pháp.
Chúng tôi phải lại gần mới nhìn thấy những giọt nước mắt trên má cô ta. Cô không nói, không gây tiếng động trong khi đám người tị nạn Việt Nam ồn ào như đàn ong vỡ tổ chung quanh những gói đồ ngổn ngang. Những trẻ nít ngủ gục giữa đám người ấy. Người ta vừa nói cho họ biết rằng họ phải trở về nhà. Saigon không bốc cháy, và rằng Saigon mới đổi chủ thôi.
Ngày hôm qua, những người chủ là Pháp, Nhật rồi lại đến người Pháp, rồi người Mỹ. Cứ mỗi lần thì người dân Saigon lại thích nghi, lại bắt chước, lại chế riễu và khai thác.
Ngày hôm nay, chủ nhân là những anh bộ đội miền Bắc đội nón lá, mặc quân phục rộng thùng thình màu xanh lợt, tất cả được nắn từ cùng một cái khuôn, tất cả đều còn nhỏ tuổi, một nụ cười kiểu dì phước nhân ái gắn trên mặt họ.
Chính cái mặt nạ tươi cười đó làm cho dân Saigon sợ hãi.
Tôi hỏi xem cô gái là ai và từ đâu tới. Cô ta trả lời tôi bằng một câu hỏi khác:
- Chalons-sur-Marne ở đâu? Tôi muốn đi tới đó.
Thiếu nữ ấy là kết quả của mối tình giữa một người Pháp và một phụ nữ Rađê. Người cha đã trở về Pháp, về sau, ông ta đã thừa nhận đứa con. Cô gái đã mất hết trong một cuộc chạy giặc. Chỉ còn lại có người cha mà cô ta chưa thấy bao giờ và cũng không có được cả một tấm hình của người cha nữa. Cô ta đã được đi học và làm việc tại phòng thí nghiệm của một nhà thương Mỹ vùng cao nguyên.
Người ta di tản cô ta cùng với một số nhân viên của nhà thương và hứa sẽ đưa cô ta đi Mỹ. Từ nước Mỹ, cô ta sẽ tìm được cách tới nước Pháp và tìm được Chalons sur Marnes.
Nhưng người Mỹ đã ra đi một cách hỗn loạn và bỏ rơi cô ta. Kéo lê chiếc va li và đeo chiếc giỏ chứa đầy những quà để tặng người cha Pháp, cô ta đã chạy tới nhà thương Grall vì nghe nơi đó là nơi trú ẩn của tất cả các Pháp kiều. Cô gái này tưởng mình là người Pháp nhưng giấy tờ đã làm cho cô ta có quốc tịch Việt. Chỉ có một phép lạ, nghĩa là có một viên lãnh sự đặt tình nhân loại trước sự tôn thờ các qui tắc hành chánh thì cô gái này mới đi được, nhưng làm sao có phép lạ ấy tại Saigon. Cô ta sẽ chẳng bao giờ đi được nữa.
Trong số những người có mặt tại đây, có những người Việt đã có thẻ thông hành của nước Pháp và có những người đã phải từ bỏ Pháp tịch thời Diệm để khỏi bị rắc rối. Tất cả những người mơ ngủ ấy đã bất ngờ rớt từ mái nhà xuống và khi tỉnh dậy thấy mình ở trên một hành tinh khác, chứa những con người quái dị: Những người Hỏa tinh của Hà Nội.
Họ không hiểu gì hết. Họ tuyệt vọng bám lấy những gì họ biết từ ngày trước, lá cờ vẫn bay trên mảnh đất này của nước Pháp.
Một lát sau, tôi phỏng vấn y sĩ trưởng của nhà thương là Đại tá Fourre trước ống kính truyền hình.
Dằn giọng, ông ta nói đến ảo tưởng của một số người. Tuy nhân viên của nhà thương là người Pháp nhưng lại không được hưởng trị ngoại pháp quyền. Nhà thương ấy là lãnh thổ của Việt Nam và nhà cầm quyền mới nếu không chiếm được nhà thương thì cũng có thể gởi những đám tuần tiểu đến đó.
Lúc đó, tôi không biết rằng những tên trùm cảnh sát của Thiệu và những tên tay sai võ trang cùng mình đang bao vây: Tên Đại tá Phạm Kim Vinh và tên Thiếu tá Mai, những tên sát nhân đã giết Paul Leandri. Trong bọn đó còn có tên đã bấm cò súng, tên vệ sĩ đã hiểu sai mệnh lệnh của tên Qui. Các Y sĩ Pháp là những con tin của những kẻ đó. Các Y sĩ này bị làm con tin trong năm ngày vì các cảnh sát viên không chịu dời nhà thương.
Tên Tướng Bình, cầm đầu ngành cảnh sát thì đã tháo chạy, bỏ mặc người dưới và không cho người biết sự chạy trốn của hắn. Đến lúc ấy thì các viên cảnh sát này, cũng như hàng ngàn người khác, cũng như những người Đại Hàn bị viên đại sứ bỏ rơi (tên đại sứ này cũng lại là một cấp tướng nữa), họ đã chạy tới nhà thương Grall.
Nhưng vì nhà thương đang thiếu máu để sang cho người bệnh nên người ta đã buộc những người kia phải hiến máu mới được chạy vào trú ẩn trong nhà thương. Cái bẫy của máu!
Trong một phòng ở bên trung tâm giải phẩu, tôi đã trông thấy một đứa trẻ chết. Nó mới ba tuổi. Một mảnh đạn trong đầu. Người ta đã dùng một chiếc khăn lau mặt phủ lên cái xác nhỏ bé đó. Thế đủ rồi.
Những người khác chìa ra những chân tay cụt. Có những người chân bị xích xe thiết giáp rập nát chân, những người khác mất luôn cánh tay, những người khác thì bị thiêu và da của họ chỉ còn là một cái gì trương lên và nứt nẻ.
Cũng tại nhà thương Grall có hai xác chết nằm bên nhau. Đó là hai viên Tướng Việt Nam tự tử bằng thuốc Nivaquine: Tướng Phú, Tư lệnh vùng cao nguyên, một chiến sĩ tốt tại Điện Biên Phủ. Và Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân khu IV vùng đồng bằng. Tướng Nam vẫn còn là một chiến binh mặc dầu có Thiệu và binh lính của Nam vẫn còn giữ vững lãnh thổ khi Saigon đã đầu hàng.
Người ta kể lại rằng Tướng Phú hấp hối khi được đưa tới nhà thương (nhà ông ta ở trước mặt nhà thương) và người ta đưa ông ta vào nằm trong lều dưỡng khí. Thế rồi vì thiếu dưỡng khí nên người ta tháo ống của chiếc mặt nạ ra.
Tự tử bằng Nivaquine thì hết thuốc chữa và dầu cho có rửa ruột hoặc làm một điều gì khác thì cũng không thể cứu được con bệnh. Phú không được đưa vào lều dưỡng, khí. Vì làm như thế vô ích.
Theo tôi thì có mười hai vụ tự sát của đại tá và tướng, chưa kể những vụ tự sát của các trung úy, đại úy. Như trường hợp các sĩ quan Nhảy Dù đã họp nhau tại nhà của một người trong bọn rồi nắm tay nhau đứng thành vòng tròn để cho một sĩ quan trên tuổi nhất làm nổ tung một chùm lựu đạn. Như viên Thiếu tá trẻ tuổi nhất đã tới trước mặt Tổng thống Hương để tự sát, trước mặt Hương là người kế vị Thiệu.
Chuyện ấy đã xẩy ra vài giờ trước khi tôi tới phỏng vấn Hương.
Tại trại tiền đình có bóng mát trước Dinh Tổng thống, các anh bộ đội đã dựng trại, nấu cơm như khi họ còn ở trong rừng. Họ ngồi xổm trước ngọn lửa nhúm bằng cành cây nhỏ đốt giữa hai cục đá.
Không còn tiếng động nữa, đêm xuống rồi. Một đêm chiến thắng cho những người lính nhỏ con của Hà Nội.
Một cuộc đại chiến thắng quân sự nhưng là một sự đại bại về ý thức hệ. Vì nhân dân đã không nổi dậy theo sự suy luận của người cộng sản. Mặc dầu có những lời hăm dọa của các xướng ngôn viên đài phát thanh Hà Nội và của các đài phát thanh phụ tại Đà Nẵng, Huế, Komtum và Pleiku, các chiến binh miền Nam đã không bắn chết các cấp chỉ huy của họ và cũng chẳng quay súng lại chống chính phủ “bù nhìn” của Thiệu hoặc của Hương hoặc của chính phủ “hiếu chiến” của Tướng Dương văn Minh. Trái lại, họ đã chiến đấu, chiến đấu luôn cả khi các người chỉ huy của họ đã bỏ rơi họ và khi họ biết rằng họ thua trận...
Đêm chót của yên tĩnh và của hòa bình. Những người lính trải những sợi giây ra và đặt các loa phóng thanh.
Tôi vẫn không tin rằng Saigon vừa mới rơi vào tay những người cộng sản. Đó chỉ là cơn ác mộng. Ngày mai, tôi sẽ tỉnh dậy và chẳng có gì xảy ra hết.
Minh Cồ sẽ nói chuyện về hoa lan với tôi, chắc là người ta mới gởi một thứ lan từ Vọng Các tới. Tướng Vanuxem sẽ giải thích cho tôi nghe phải làm thế nào để tái chiếm vùng cao nguyên, và cha Mauriceau sẽ trìu mến kể cho tôi nghe câu chuyện những người Mọi trong khi Philippe Franchini sẽ thán phục thì thầm vào tai tôi:
- Tất cả những người Việt Nam này đều điên nhưng họ thật là quỉ quái! Anh chưa biết được rằng họ đã tìm được cách nào để đánh lừa chính quyền?
Sáu giờ sáng, tôi giật mình tỉnh dậy vì những tiếng hú trong loa phóng thanh truyền đi một khúc quân hành xen kẻ bằng những khẩu hiệu. Saigon quả thật ở trong tay những người mặc đồ xanh rồi.
Cái thứ âm nhạc “cách mạng” ấy chẳng qua chỉ là một sự pha trộn kỳ cục và lải nhải của những khúc quân hành, của những bài ca tôn giáo, những bài dân ca Nga cắt quãng bằng những khẩu hiệu nói về trật tự, lao động và vệ sinh. Thứ nhạc kỳ quái ấy chỉ ngưng vào lúc 22 giờ làm cho người ta điếc tai, làm cho người ta hóa điên. Nó còn đáng sợ hơn tiếng động cơ rộn rã của hàng ngàn chiếc Honda của Saigon ngày trước.
Lưu thông đã giảm vì xăng nhớt khan hiếm và phần nhiều các kho xăng đã bị cháy. Nhà cầm quyền mới – chúng tôi gọi như thế vì chưa biết nhà cầm quyền ấy là những ai - đã ra lệnh đóng các cây xăng, trừ có cây xăng ở gần nhà bưu điện chánh vẫn được điều hành một cách bí mật. Nhưng người ta mua được xăng chợ đen. Sau khi lên tới giá 2.000 đồng một lít, giá xăng sẽ đứng ở mức 1.500 đồng.
Chúng tôi mua 200 lít trữ trong phòng ngủ và có thể gây ra hỏa hoạn cho khách sạn.
Chúng tôi phải lợi dụng lúc còn rối loạn này để quay phim trong thành phố và quay phim ngoài thành phố vì tình trạng này sẽ không lâu. Vẫn là cái kinh nghiệm của tôi tại Hà Nội. Cũng vẫn là những chủ nhân ông cũ nhưng họ đã già rồi. Họ đã khô cằn như những xác ướp. Và họ sẽ làm lại mãi mãi những gì họ đã làm.
Phần lớn các chế độ cộng sản đều phô trương là của giới trẻ nhưng lại do những già điều khiển, thí dụ như tại Bắc Việt, không thấy một bộ mặt mới nào xuất hiện kể từ 1945.
Chúng tôi bàn cãi sôi nổi: Tổng thống Giscard có lý hay không khi ông ta yêu cầu tất cả những người Pháp ở lại. Ông ta không thể làm gì khác. Chúng tôi không có hạm đội và chẳng có đủ máy bay để di tản trên mười ngàn Pháp kiều cho nên buộc lòng phải làm ra vẻ chấp nhận một nước cờ miễn cưỡng.
Cộng sản âm thầm xâm nhập thành phố từng toán nhỏ. Người ta yêu cầu phụ nữ ngưng mặc áo quần hở hang và nên trở lại y phục cổ truyền.
Nhưng trong lúc này, dường như người dân coi thường những lời kêu gọi ấy. Trai và gái tiếp tục biểu diễn lái xe gắn máy. Họ cắm cờ Mặt Trận trên xe và tưởng rằng chỉ cần có thế là được làm mọi thứ.
Dân Saigon tự trấn an quá sớm. Họ ngây thơ, tưởng rằng có thể qua mặt được những tên nhà quê đần độn vừa từ đồng ruộng về. Dân Saigon lầm to. Binh lính cộng sản được lệnh làm ra vẻ khoan dung và hiền từ: Mới hôm trước, những tên lính ấy bình thản giết cả trăm ngàn người dân lành nếu được lệnh. Khi nào đã biến đổi được cái thành phố này thành ra một thành phố xã hội chủ nghĩa thì sẽ có lệnh cho lính cộng sản hết hiền từ.
Các anh bộ đội đặc biệt dán mặt vào những khu chợ trời bán đồ của Mỹ. Mới từ trên rừng trở về, họ mở to cặp mắt nhìn mọi thứ và dùng tiền Hồ Chí Minh mua những xa xí phẩm như máy thâu thanh, máy thâu băng, máy chụp hình và nhiều thứ khác. Trước vẻ mặt con nít và ngoan ngoãn của lính cộng sản, những người đàn bà bán hàng đã yên tâm và bắt đầu bày ra những hàng lậu. Dân Saigon càng an tâm thì đồng bạc cụ Hồ càng xuống giá.
Chúng tôi hỏi thì người lính trẻ tuổi sẵn sàng trả lời, còn cán bộ già rất dè dặt. Cứ năm người thì có tới bốn người là dân miền Bắc. Họ nói rằng chiến thắng làm cho họ vui mừng nhưng đời sống ở Saigon ồn ào quá, đắt đỏ quá và rằng họ đã không được tiếp đón nồng nhiệt như họ muốn.
Mọi tờ báo đều bị đóng cửa, kể cả tờ Courrier d’Extrême Orient của người Pháp. Chỉ có tờ Saigon Giải Phóng in tên bằng chữ đỏ và in hình bác Hồ chiếm hết nửa trang nhất. Báo ấy đăng bài nói về sự thất thủ của Saigon ngược hẳn với sự thật. Hơn nửa triệu quân nhân và công chức chế độ cũ sẽ ra sao? Các phi công trực thăng và các chuyên viên truyền tin ra trình diện đã được tuyển ngay vào quân đội nhân dân vì quân đội ấy đang thiếu chuyên viên. Đài phát thanh thì loan báo rằng từ nay, mọi phương tiện sản xuất là của nhân dân và nhân dân chịu trách nhiệm. Kết quả của sự quy định ấy nhiều khi lại rất tức cười. Thí dụ tại nhà hàng Continental, vài anh cán bộ tập trung các nhân viên nhà hàng lại và nói:
- Thời thực dân đã hết. Từ nay, các anh là chủ nhà hàng. Các anh lo việc điều khiển nhà hàng. Các anh phải chọn một người giám đốc.
Những người khi trước làm bồi bàn vỗ tay rồi bàn tán với nhau một hồi. Sau đó, người đại diện của họ nói với các anh cán bộ:
- Chúng tôi quyết định chọn ông Philippe Franchini làm giám đốc.
Các anh cán bộ há hốc mồm nhìn nhau với một vẻ nghiêm trọng. Quả thật là những người này cần được giác ngộ nặng. Franchini là tên của viên giám đốc nhà hàng mới về Pháp nghỉ phép cách đó ba tuần. Chỉ tội cho viên giám đốc do nhà nước chỉ định lúc ấy đang đứng chờ và yên trí tưởng rằng mọi việc đã xong.
Đài phát thanh Giải Phóng thì truyền đi những lời tuyên bố trái ngược nhau.
Tôi tới nhà Minh Cồ. Ông ta chưa được về nhà. Người tài xế của ông ta cho biết đã nhận được điện thoại của bà Minh nói rằng ông ta đã được đối xử tử tế và chắc sẽ sớm được về nhà.
Ngày 3 tháng 5, chúng tôi tới Hố Nai, chiến lũy của người công giáo chống cộng di cư. Một gác chuông nhà thờ bị đạn đại bác làm hư hại nặng. Vậy là đã có giao tranh tại đây. Tôi ngừng xe và xin gặp Linh mục Chánh xứ.
Một người đàn bà độ bốn chục tuổi đề nghị đưa chúng tôi tới cha sở. Tôi hỏi bà ta:
- Tình hình ra sao?
Bà ta cúi đầu:
- Con trai tôi và mười bẩy người bạn của nó vừa bị xử bắn. Tôi vừa mới đi chôn chúng nó xong.
- Câu chuyện xảy ra như thế nào?
- Chúng nó là tự vệ và chúng nó đánh đến cùng. Chúng nó đứng cả trên gác chuông bắn xuống. Thế là chúng nó bị bắn chết hết.
Cha sở ngồi yên lặng trên chiếc ghế gỗ, hai tay để trong áo dòng. Phòng này rất rộng, chắc được dùng làm nơi hội họp thường ngày.
Cha sở này chừng sáu chục tuổi. Ngài từ Phát Diệm Bắc Việt di cư tới cùng các con chiên.
Tôi hỏi nhưng vị cha sở bảo người thông ngôn nói rằng ngài không biết tiếng Pháp, Ở một góc phòng có một người cầm súng ngồi đó. Chắc hắn không phải là lính chính quy vì hắn mặc đồ bà ba đen.
- Thưa Cha, mọi sự tốt đẹp chứ?
- Phải.
Tôi nhấn mạnh:
- Thưa Cha, mọi việc bình thường?
- Phải.
- Có thể phỏng vấn Cha trước máy thâu hình được không?
- Không, không được.
Không hiểu tại sao lúc ấy, tên lính gác lại ra ngoài xem xét chuyện gì. Lúc đó thì Cha sở nói bằng thứ tiếng Pháp rất giỏi:
- Tình thế của chúng tôi rất khó khăn. Tai họa đã giáng xuống đầu chúng tôi. Xin hãy nói với những người bạn Pháp của chúng tôi để họ cầu nguyện cho chúng tôi: Chúng tôi cần có những lời cầu nguyện ấy. Vĩnh biệt.
Tôi bước ra. Toán chuyên viên truyền hình đang gặp rắc rối. Bọn lính cộng sản khó chịu và chận xe lại. Người thông ngôn của chúng tôi giải thích rằng chúng tôi là người Pháp từ Biên Hòa trở về và đi lạc đường chứ không có ý định quay phim. Bọn lính ấy chẳng cần chú ý đến lời giải thích. Chúng tôi đành phải chuồn.
Trên đường trở về chúng tôi thấy những cảnh làm rợn gáy. Những tù binh bị trói tay, đi trước và theo sau có những người mặc bà ba đen cầm tiểu liên giải đi.
Chúng tôi nghe thấy tiếng đàn bà la hét và nhìn thấy những tên lính cộng sản bắt một người đàn bà đi. Bà ta cố vùng vẫy nhưng không nổi và còn bị những tên lính nắm tóc lôi đi.
Trở về Saigon, chúng tôi thấy các bộ đội đã lục soát các tòa nhà của sứ quán Pháp, bất chấp mọi luật lệ quốc tế. Đại sứ Pháp đã không chống cự. Đại sứ Bỉ thì chống cự và bọn lính cộng sản đã phải rút đi.
Đi thăm trường Marie Curie là nơi đang có thi tú tài. Một thí sinh rất xúc động rút ra một tờ giấy. Phải chăng người ta đã có ý lựa đề thi đó? Đó là đề hỏi về Trung Hoa vĩ đại lân bang đang lo về sự Nga hóa nước Việt Nam.
Cô ta sẽ đậu. Nhưng liệu cô ta có biết rằng văn bằng ấy rồi sẽ vô dụng, cũng như mọi thứ của Tây phương đều vô dụng không?
Tại trường Đại học Khoa học, các nữ sinh duyên dáng cầm mớ lá khô làm ra vẻ đang quét dọn lối đi. Một nữ sinh viên bảo tôi:
- Xin ông chỉ chụp hình chúng tôi ở đàng sau lưng thôi. Nếu các cô bạn của tôi ở Paris mà nhìn thấy chúng tôi như thế này!
Viên Khoa trưởng cũng đề nghị mời tôi đi gặp Khoa trưởng mới từ Hà Nội về. Đó cũng là một anh bộ đội: Nón thuộc địa, áo quần màu xanh, dép cao su cắt ở vỏ xe hơi, túi vải đeo vai, nụ cười khiêm tốn nhưng mắt sáng lên vì kiêu căng sau cặp kính gọng sắt,
Viên Khoa trưởng cũ thông dịch những câu đối đáp giữa tôi và viên Khoa trưởng mới. Tên hắn là Hào, tốt nghiệp về Hóa học và đã học tại Trung Hoa. Hắn nói sẽ thêm nhiều giáo sư từ Hà Nội tới. Có lẽ sẽ thay đổi học trình để thích nghi với những nhu cầu thật sự của xứ sở.
Người ta mời tôi đi xem các sinh viên trong sinh hoạt mới: Họ đứng thành hình tròn, đồng ca theo nhịp tay đập những bài ca cách mạng hoặc chơi những trò chơi cút bắt. Thế gọi là “Sinh hoạt văn hóa ” đấy.
Sinh viên mới ghi danh được chia thành ba toán: Một lo điều khiển lưu thông, một lo vệ sinh trong khu và toán thứ ba lo việc trật tự trong viện đại học.
Trường Luật và trường Văn Khoa đóng cửa vĩnh viễn. Người ta cho rằng hai trường ấy vô ích. Một trường Thông dịch sẽ thay thế hai trường đó. Tại trường Y khoa, các sinh viên bắt đầu gặp khó khăn khi phải ghi phiếu khám bệnh bằng tiếng Việt vì lâu nay, họ được dạy ghi các phiếu ấy bằng tiếng Pháp.
Các sinh viên khác được cần bộ hướng dẫn mang theo loa phóng thanh đi kêu gọi bài trừ văn hóa đồi trụy, hiểu là những gì của Tây phương. Các sinh viên này vẫn còn mặc quần jean nhưng trên lề đường đã thấy bầy nhiều dép vỏ xe và đồ bà ba đen.
Người ta đốt một ít tạp chí Playboy. Sách của các văn hào Tây Phương cũng bị đốt luôn. Mãi tới sau này, rất lâu, mới thấy ủy ban quân quản Saigon Gia Định ra lệnh đính chính rằng chỉ ngưng bán các sách báo đồi trụy và phản cách mạng (chứ chưa có lệnh đốt bừa bãi cả phim ảnh và sách văn học)
Cả một tầng lầu của nhà hàng Continental bị những người đồng phục xanh từ Hà Nội tới chiếm đóng. Họ thuộc về ngân khố và xía vào việc sổ sách của bất cứ việc công hay tư vì đó là những tên cuồng tín về kiểm kê. Tuổi trung bình của họ là bốn mươi.
Tất cả các xí nghiệp tại Saigon đều được xếp vào loại K. K1 là đồn điền, K2 là thuế và hành chánh, K3 là ngân hàng, K4 là ngoại thương, K5 là kỹ nghệ, K6 là vận chuyển, K7 là công chánh, K8 là nhiên liệu, K9 là kỹ nghệ nặng và K10 là canh nông.
Người ta hỏi nhau:
- Anh là K mấy? Bọn ếch nhái trong K của anh đã tới thăm anh chưa? Anh là K5 vì anh điều khiển một nhà máy nhưng là K8 vì trong sân nhà máy của anh có một máy bơm xăng. Ráng ở lại K8 khá hơn, dường như là vậy.
Những con người Hà Nội đảo lộn mọi việc và thoạt đầu, chúng tôi tưởng rằng đó là chiến thuật của họ muốn như vậy. Thí dụ các ngân hàng đều bị đóng cửa và tất cả các xí nghiệp lớn đều bị tê liệt vì không lấy được tiền ở ngân hàng để trả lương cho công nhân.
Sự thật thì các ngân hàng ở Saigon chạy bằng máy tính điện tử IBM. Chẳng có ai làm cho máy tính ấy chạy được hết. Có thể là những máy ấy đã bị phá hoại rồi.
Miền Bắc gọi vào tất cả các kế toán viên hiện có. Họ chăm chỉ ghi bằng tay những tấm phiếu có đục lỗ của những cuốn sổ cái. Ghi như vậy chắc chắn phải mất nhiều tháng nữa.
Vì không có ai được trả lương nên nạn trộm cướp hoành hành khắp nơi. Một người lính Thủy quân Lục chiến tự thiêu trước đài kỷ niệm chiến sĩ. Tay anh ta còn cầm một tờ giấy ghi vỏn vẹn hai chữ: “Tôi đói”.
Chúng tôi là hơn một trăm nhà báo ngoại quốc chen chúc trong hai hoặc ba khách sạn và tuyệt vọng đi lùng xem chính phủ cách mạng lâm thời hiện ở đâu. Không nghe ai nói hết và cái chính phủ ấy chẳng có tăm hơi gì.
Tấn hài kịch đã chấm dứt cho nên người ta chẳng cần tới Nguyễn thị Bình hoặc Nguyễn Hữu Thọ nữa.
Mỗi buổi sáng từ sáu giờ, nhân dân Saigon bị loa phóng thanh dựng dậy bằng vài khúc nhạc quân hành và có xướng ngôn viên loan báo các quyết định của úy ban Quân quản. Do đó, các cựu quân nhân chế độ cũ phải ra trình diện theo từng cấp bậc. Mọi người phải trở lại làm việc. Nếu không làm được nữa thì phải giả đò như đang làm việc.
Tướng Minh hẹn cho chúng tôi phỏng vấn lúc ba giờ chiều. Tôi mang theo đồ nghề. Trong khi chờ ở trước cửa nhà riêng của ông ta, chúng tôi chứng kiến cảnh đốt phá kho chứa phim ảnh của ông ta. Tất cả những cuốn phim tài liệu hoặc thời sự mà ông ta giữ làm kỷ niệm đều bị đốt trước mặt một tên cán bộ và tên này có vẻ chỉ được chỉ định để săn sóc sức khỏe tinh thần và cải tạo cựu Tổng thống Cộng Hòa.
Tướng Minh không tiếp chúng tôi và không gặp một ai nữa. Phụ tá của ông ta là Thủ tướng Vũ văn Mẫu cho tôi hay là điện thoại đã bị cắt và ông Minh được lịnh đừng gặp một nhà báo nào hết.
Ông ta là một nhân chứng phiền phức của những biến chuyển mới nhất. Ông ta phải học bài cho thuộc để trong một tuần nữa, trả cho một đài truyền hình Sô Viết.
Cựu Tổng thống Hương bị chính quyền mới bỏ quên. Ông ta bảo tôi: “Tôi ưa đọc sách. Sách của tôi toàn là sách Pháp. Tôi không đọc được nữa. Tôi ưa ngắm hoa và không nhìn thấy gì nữa. Cũng như xứ sở của tôi, tôi đang đi vào đêm tối.”
Vũ văn Mẫu, Luật gia xuất sắc chẳng biết gì về tương lai, nếu có biết thì chỉ là không có trường Luật nữa và chẳng có luật sư nữa. Ông ta hy vọng được tân chế độ tiếp xúc nhưng chẳng thấy chế độ đâu mà chỉ thấy một chính quyền quân sự và chính quyền ấy không thèm để ý tới ông ta.
Chưa bao giờ Saigon có nhiều vụ cướp và giết người như bây giờ. Tù được thả lẫn với tù nhân chính trị, các cựu quân nhân đói vì không có gì để sống và để nuôi gia đình, các quân nhân Lực Lượng Đặc Biệt ngày trước. Số quân nhân này khoảng năm ngàn người, và sau hết là các hồi chánh viên.
Hồi chánh viên là lực lượng đặc biệt không ra trình diện mà còn giữ lại những khí giới riêng. Họ biết những gì đang chờ đợi họ nếu ra trình diện. Người ta thấy những tên bộ đội bị giết trong đêm tối và thường là bị giết bằng dao: Đó là việc làm của dân thiện nghệ vì vết tử thương ở ngang hông.
Một đêm, có giao tranh thật sự giữa bộ đội và binh sĩ chế độ cũ. Binh sĩ chế độ cũ từ các mái nhà bắn xuống. Ngày hôm sau, các toán tuần tiểu đều được tăng cường và mỗi toán đều có một máy truyền tin nhỏ.
Một cựu sĩ quan nói với tôi:
- Không khi nào tôi ra trình diện vì như vậy là chui đầu vào rọ.
Nhưng các bạn của ông đã đi trình diện.
Tôi hỏi một viên Đại tá vừa từ nơi trình diện trở về:
- Câu chuyện tới đâu rồi?
- Tốt lắm. Họ bảo chúng tôi về nhà, đừng làm gì hết và cứ ngồi chờ.
- Chờ cái gì?
- Có lẽ chờ lúc họ cần chúng tôi đi chiếm Lào, Cao Mên và Thái Lan. Hà Nội mộng lớn. Dường như họ quên rằng có Trung Hoa và họ không ngớt khiêu khích Trung Hoa.
Gọng kềm xiết chặt chung quanh Saigon. Người Công giáo buồn lắm. Chủ nhật vẫn đầy tín đồ tại nhà thờ lớn. Nhưng có những người biểu tình đòi trục xuất Đức Khâm Mạng Tòa Thánh Lemaitre. Ngài bị tố cáo là đã nâng đỡ Thiệu.
Đó là những người Công giáo “tiến bộ”. Một người trong bọn họ giật lá cờ Vatican và thay vào đó bằng cờ Việt cộng. Quân đội can thiệp và giả đò bắn súng lên trời, giả đò bắt giữ vài tên nhưng rồi lại thả ra ngay. Người ta tìm cớ và tìm được lý do để trục xuất Ngài Lemaitre: Sự hiện diện của Ngài làm mất trật tự.
Có tin rằng các ký giả ngoại quốc không được ra khỏi Saigon nữa. Nhưng vì chưa có thấy lệnh chính thức nên chúng tôi cứ đi đại về tỉnh Mỹ Tho vào một buổi sáng. Ra khỏi Saigon chừng hơn mười cây số, chúng tôi nhìn thấy những pháo đội đại bác 105 ly trong vị trí tác xạ và bị các xạ thủ bỏ rơi, từng hàng xe tăng, nhiều xe thiết vận. Có cả một chiếc trực thăng còn nguyên vẹn đậu giữa một cánh đồng vì hết xăng, trên có một viên tướng. Nhưng không thấy có đồ trang bị và không thấy súng cá nhân. Khi có lệnh ngưng bắn, dường như những người lính miền Nam đã bỏ chiến cụ nặng nề để về miền đồng ruộng, mang theo súng cá nhân.
Tại vùng này, Tướng Nguyễn Khoa Nam đã đạt kết quả rất tốt khi giao nhiệm vụ giữ đất cho Địa Phương Quân và giữ các đơn vị chính quy để điều động. Đáng lẽ các tư lệnh quân đoàn khác phải làm như Tướng Nam. Tướng Nam đã bẻ gẫy cuộc tấn công của cộng quân nhưng khi biết là đã hết rồi thì ông ta tự sát vì không chịu được sự thất trận mà ông ta không phải là người gây ra.
Và hàng rào cản trên đường. Một cô gái đồng ruộng, trang hoàng ba cánh hoa vải đỏ trên mũi súng, nghiêm chỉnh ghi số xe của chúng tôi vào một cuốn sổ nhỏ. Tôi hỏi cô ta:
- Cô vào quân đội nhân dân này lâu chưa?
- Được hai ngày (Saigon bị chiếm đã được hai tuần nay).
Cô ta chịu để cho chúng tôi chụp hình và còn có vẻ khoái nữa. Tất cả những thứ đó như trò giỡn chơi và có vẻ con nít. Miễn là cái trò ấy kéo dài.
Chiến tranh dường như không đụng tới phần đất này của Nam Kỳ. Không thấy hoặc chỉ thấy ít có anh bộ đội. Có vài người tự vệ võ trang bằng súng cướp được. Họ là người Nam chứ không phải là những tên “xâm lăng”. Thấy rõ điều ấy vì họ hòa mình vào đám đông trong khi những tên kia thì đứng riêng.
Ngoại trừ vài tấm biểu ngữ, Mỹ Tho không thay đổi nhiều.
Những người “miền Bắc” chưa chiếm tỉnh này và các loa phóng thanh ít làm ồn ào.
Chúng tôi đi tìm ông Đạo Dừa. Ông ta đã biến mất và dường như đã leo lên một trực thăng Mỹ, để lại người cháu gái lo việc thờ phụng. Chúng tôi đi thăm làng của ông Đạo Dừa, nơi từng chứa những kẻ đào ngũ và trốn lính. Không có ai. Chỉ có hai người tự vệ võ trang đứng xa canh chúng tôi.
Trở lại Mỹ Tho. Chúng tôi quyết định đi tới Gò Công. Bỗng nghe tiếng đại bác. Tiếng nổ cách nhau. Phía xa một làng bốc cháy, vẫn còn giao tranh tại đó hai tuần sau khi mất Saigon. Sau này tôi được biết rằng có nhiều ổ kháng cự tại vùng đồng bằng và vì những ổ ấy đứng vững cho nên người ta phải dùng đại bác để tiêu diệt.
Dường như hai ngàn người của một lữ đoàn Dù đã đi về vùng Đồng Tháp, còn những người khác thì đi về biên giới Cao Mên. Tại Saigon, một sĩ quan Dù từ vùng đồng bằng trở về tuyển mộ những cựu quân nhân không ra trình diện. Sĩ quan ấy gặp một người bạn của tôi và người bạn ấy hỏi viên sĩ quan:
- Làm sao các anh có thể giữ được nếu không được tiếp tế từ bên ngoài: Không nên trông cậy vào người Mỹ. Nhân dân thì sẽ đứng trung lập như mọi khi. Vậy trông vào ai?
- Người Tàu. Vì thế mà chúng tôi chuồn về biên giới Cao Mên. Họ sẽ chuyển đồ tiếp tế cho chúng tôi qua ngả Cao Mên.
Nếu mọi sự trở lại từ đầu và chúng ta ở bước đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ ba?
Trở lại Mỹ Tho. Trước khi tới tỉnh đó, chúng tôi bị một toán tự vệ chận lại và họ đang đi lùng chúng tôi. Họ đưa chúng tôi tới trước một ủy ban quân chánh. Viên chỉ huy rất lịch sự, xem xét giấy tờ của chúng tôi, chúng tôi uống nước trà rồi giảng luân lý. Đáng lẽ chúng tôi phải xin phép ủy ban Quân quản Saigon Gia Định để nơi ấy thông báo cho ủy ban Mỹ Tho và Mỹ Tho sẽ lo giữ an ninh cho chúng tôi (Vậy đi trong tỉnh này sẽ gặp nguy hiểm hay sao?)
Hắn lo lắng hỏi xem chúng tôi quay phim những gì:
- Chúng tôi chụp những con trâu cày ruộng.
Hắn ngạc nhiên:
- Tại sao lại chụp những con trâu?
- Để chứng tỏ rằng hòa bình đã trở lại thôn quê.
- Tại sao các anh lại chú ý tới các hình ảnh lạc hậu đó của nước Việt Nam. Tại sao lại không chụp hình những máy cầy?
- Tại vì tất cả những máy cày đều mang nhãn hiệu Mỹ.
Sau cùng, người ta thả chúng tôi. Trở về Saigon vô sự. Nhưng ở đại sảnh đường của khách sạn, có treo một biểu ngữ lớn sau khi chúng tôi đi Mỹ Tho: “Các nhà báo ngoại quốc không được phép ra khỏi chu vi Saigon Gia Định nữa”.
Ngày 15-5, có diễn binh kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh. Dự trù sẽ có ba ngày liên hoan mừng chiến thắng. Tôi trông thấy diễn hành các khí giới tối tân của Nga.
Lần này có vài đơn vị mặc đồ đen của bưng biền. Một phần trong số đó là người Nam, nhưng con số này không bao giờ quá ba mươi phần trăm. Rốt cuộc, chúng tồi đã tìm thấy cái huyền thoại Mặt trận Giải phóng trên khán đài danh dự. Bác Thọ, bác Phát và bà Bình “thân mến” là những nhân vật quan trọng tại Ba Lê nhưng tại đây thì họ tụt xuống hạng thứ mười một. Tại Saigon, bà Bình không được ở tại một biệt thự mà chỉ được ở một khách sạn hạng hai tên là Miramar phòng số 312. Tôi đã phối kiểm. Các nhân vật của Mặt trận Giải phóng đều bị những “Thống chế” của Bắc Việt kềm kẹp, họ mang đay ngực huy chương và mang cầu vai theo lối Sô Viết. Đến nỗi người ta phải tự hỏi phải chăng chính phủ Cách mạng Lâm thời đã trở thành một điều giả tưởng, một trò bịp kể từ Tết Mậu Thân 1968 là lúc lính và cán bộ chính phủ ấy tàn sát tại Saigon vì muốn chiếm Saigon trong khi Saigon nhất định xua đuổi họ.
Trước khán đài, chỉ có những người lính mang hình Hồ Chí Minh đứng bên dàn nhạc và vỗ tay, còn phần lớn các phái đoàn ngồi trên lề đường thì ngủ gục. Người ta dạy họ cách hăng say suốt đêm qua. Họ chưa hoàn hồn. Chắc là với thời gian họ còn học được nhiều.
Trước sự hờ hững của nhân dân, người ta không dám tổ chức ngày thứ hai và ngày thứ ba của cuộc liền hoan nữa. Những cửa hàng vẫn đóng cửa.
Rồi tới vụ đàn áp các ký giả tại nhà hàng Continental. Máy vô tuyến viễn ấn và những cách liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt. Không có máy bay nữa. Những hộp phim và những cuộn phim chờ được khai thác nằm chất đống ở đó, vô dụng. Những hình ảnh trong cuộn phim đó nói lên sự thật: Saigon bị xâm chiếm chứ không bao giờ được giải phóng.
Sau khi đã cấm chúng tôi ra ngoài Saigon thì kể từ sáng nay, người ta lại cấm chúng tôi chụp hình nữa.
Hai chuyên viên thu hình của Nhật bị còng tay giãi đi vì họ quay phim cảnh đường Catinat. Thế mà một ký giả từ Hà Nội tới lại viết rằng chúng tôi có thể làm việc như chúng tôi muốn. Phải chăng anh ta phải nói dối như thế mới được chiếu khán?
Các ký giả của các nước “anh em” như Nga, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Ba Lan và đặc phái viên của hãng AFP (Pháp) từ Hà Nội được gởi tới để chứng kiến cuộc diễn hành chiến thắng. Để duy trì câu chuyện giả tưởng là có chính phủ Cách mạng Lâm thời độc lập với Hà Nội, người ta đã long trọng cấp cho họ chiếu khán vào Nam Việt Nam. Nhưng vì tại Tân Sơn Nhất không có ai để đóng dấu vào sổ thông hành của họ, hai viên chức của cơ quan di trú Hà Nội đi cùng một chuyến bay với họ vội vàng nhảy xuống, chạy vào văn phòng trống trơn và đóng dấu lia lịa lần thứ hai vào những sổ thông hành đó. Nói lần thứ hai vì rằng những viên chức ấy đã đóng dấu lần thứ nhất cho họ tại Gia Lâm, Hà Nội rồi.
Saigon vùng vẫy, Saigon chống cự để chống lại những kẻ xâm lăng vì những kẻ ấy muốn biến Saigon thành một thành phố khác, một thành phố thật sự cộng sản có trật tự và kỷ luật, kèm theo hệ luận không tránh được: sự tố cáo lẫn nhau.
Trong cuộc chiến đấu ấy, dân Saigon tỏ ra có óc sáng kiến làm cho tôi ngạc nhiên. Do đó họ nghĩ ra trò đám tang giả tạo. Một số gia đình có người đi Mỹ đã lo sợ sẽ bị trả thù. Họ tung ra tin là người nhà của họ vẫn còn ở Việt Nam nhưng vì không chịu được sự thất trận nên đã tự sát. Người ta tổ chức tang lễ trọng thể và đem chôn chiếc quan tài rỗng. Mọi người trong gia đình đều để tang.
Người ta tìm cách lung lạc những tên bộ đội (mỗi gia đình phải chứa một tên bộ đội cho ăn và ngủ). Người ta cho hắn uống rượu. Hắn không quen uống, người ta tán tỉnh hắn, người ta giới thiệu hắn với cô cháu gái hoặc cô con gái của gia đình. Sự thật thì đó chỉ là một cô gái điếm mà người ta thuê để đóng vai trò. Anh bộ đội ngả lòng, ngủ với cô gái và đi tới chỗ phạm tội: Ăn cắp xăng trong xe của quân đội nhân dân để tặng vợ chồng con trai người chủ nhà chạy xe honda.
Nhưng những con người mặc đồ xanh đã tổ chức lại hàng ngũ và vô hiệu hóa những trò lung lạc ấy và những trò ấy chỉ có thể nẩy nở trong một chế độ độc tài thối nát như chế độ Thiệu.
Người ta dạy lũ trẻ hát: "Đêm qua, chúng tôi mơ thấy bác Hồ. Bác nói rằng các cháu phải ngoan. Nếu chúng tôi học hành giỏi trong lớp, bác Hồ sẽ cho chúng tôi chiếc khăn quàng đỏ...”
Đồng thời, người ta dạy chúng cách tố cáo những " người nhà của chúng: "Trẻ em Việt Nam phải đề cao cảnh giác. Cũng như các bậc cha mẹ và những đàn anh, các trẻ em có bổn phận lột mặt nạ những tên tay sai của chế độ cũ đang âm mưu chống lại cuộc cách mạng..."
Là những đàn cá, người dân Saigon đụng phải những màn lưới đang xiết chặt chung quanh họ.
Trên đường Catinat, một thiếu nữ đẹp cưỡi xe gắn máy, mặc áo dài màu trong sáng, dừng lại hỏi tôi:
- Thưa ông... Ông có phải là người Pháp không?
- Đúng.
- Ông đã lập gia đình chưa?
- Tôi có vợ rồi.
Cô ấy ngậm ngùi:
- Thật đáng tiếc! Nếu không thì ông có thể lấy tôi và tôi sẽ đi thoát khỏi nơi đây. Nhưng có lẽ ông có một người bạn còn độc thân? Tôi có người nhà ở Pháp và cha mẹ tôi sẽ rất biết ơn ông. Vì rằng... vì rằng tôi phải thoát khỏi nơi này.
No comments:
Post a Comment