Friday, June 5, 2020

NHỮNG SỰ THẬT VỀ TRẬN BÌNH GIẢ - Trần Ngọc Toàn


Lá thư của một QN đơn vị cũ:
Đã 44 năm, kể từ ngày 31 tháng 12 năm 1964, đột nhiên tôi nhận được một lá thư khá dài của một QN đơn vị cũ, nguyên là một Hạ Sĩ Quan Trừ Bị phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, từ tháng 6 năm 1963 đến cuối năm 66. Tôi thật bất ngờ và rất xúc động khi đọc những dòng tâm tư chân thật nhưng nhiều cay đắng của anh. Sau đây là những trích đoạn khiến tôi bàng hoàng và thiển nghĩ là sẽ khiến cho chúng ta suy gẫm: Kính anh Toàn,
Tình cờ đọc được địa chỉ của anh trong Đặc san Đa Hiệu ở nhà một người bạn, tôi muốn liên lạc với anh, cũng là cấp chỉ huy của tôi ngày trước (6/1963), già rồi muốn tìm lại một vài hồi ức trong quá khứ. Không biết anh có chấp nhận không?
Kính anh, tôi là TS Trần Văn Của, SQ 62A/701.458 thuộc Ban 4/TĐ4/TQLC. Lúc mới ra trường thuyên chuyển về TĐ, có thời gian vài tháng ở chung ĐĐ2 với anh, lúc đó Đ/U Trần Văn Hoán ĐĐT, anh là ĐĐP, rồi C/U Đơn, C/U Chí, C/U Long… Tôi nhớ ghi lại đây tất cả các cấp chỉ huy còn lại trong TĐ anh xem có đúng không? BCH/TĐ Đ/U Lê Hằng Minh TĐT, Đ/U Tôn Thất Soạn TĐP, C/U Đặng Văn Học Ban 1(T/S Tấn), C/U Nguyễn Văn Thinh Ban 2-An Ninh (Th/S Nhung), C/U Nguyễn Văn Trực Ban 3, Tr/U Ng Văn Thuận Ban 4 (T/S Của) Ch/U Lê Văn Hiếu Tiếp Liệu (T/S De), Ban 5 (Không nhớ), Ban Quân Lương (Th/S Lượng), ĐĐCH Ch/U Roanh. ĐĐ1 Đ/U Nguyễn Thành Trí, C/U Song mặt hơi rỗ, C/U Hưng (ba gai). ĐĐ2 Đ/U Hoán, Th/U Toàn, C/U Đơn, C/U Chí, C/U Long… ĐĐ3 Đ/U Trương Văn Nhứt, Th/U Tùng, C/U Lịch… ĐĐ4 (trước không nhớ) sau Đ/U Vượng, T/U Tống, C/U Nghiêm, C/U TX Quang. Quân Xa T/S Búp.
Thưa anh, nhân sự lúc bấy giờ tôi nhớ được bao nhiêu đó, sau ngày anh bị thương rồi, Võ Kỉnh mới về, chuyện đó đã 43 năm qua rồi. Nhắc lại xưa quá phải không anh? Không biết anh có thích nghe chuyện đời quân ngũ trong quá khứ không? Người ta nói già rồi ưa nghĩ về quá khứ, tuổi này mà nghĩ đến tương lai thì không biết bắt đầu từ đâu. Tiếc rẻ quá khứ là đối với những người uy quyền, ăn trên ngồi trước, hưởng nhiều bổng lộc, nay thì không còn nữa, mới nhớ những ngày vàng son, còn thân phận những người cấp dưới được ví như con chốt trên bàn cờ: Tướng Sĩ Tượng thủ thành. Xe Pháo Ngựa còn chạy tới chạy lui, lúc nào cần thí thì đút đầu vô. Còn thân phận chốt là cứ đi tới không được lui, số mạng sống chết là tùy đầu óc của người điều khiển có thông minh hay không? Có mưu lược cao hay không? Thưa anh, tôi là HSQ/TB, lên đường thi hành nhiệm vụ của người trai trong thời chiến, tôi có được 3 năm rưỡi sống với binh chủng TQLC, giải ngũ cuối năm 1966, không thăng cấp, không huy chương, không chiến thương (mặc dầu có bị thương 2 lần), bị đì vì cấp chỉ huy không thích người lính ba gai. Do đó, mới bị đưa đi học Khóa 13 Rừng Núi Sình Lầy, đâu giữa năm 64 gì đó. TQLC mà đi học RNSL của BĐQ lúc đó thật lạ. Tr/Tá Nguyễn Văn Kiên làm CHT, SQ Kỹ luật Hướng dẫn là C/U Giao, Vân. Trước khi giải ngũ khoảng 6 tháng lại bị thuyên chuyển về TĐ5/TQLC của Đ/U Nhã, xuống ĐĐ2/TĐ5 của Tr/U Phán, bị đì hành quân mút mùa không được về hậu cứ trước khi giả ngũ, phải lố thêm 2 tháng của thời hạn quân dịch (4 năm 2 tháng). Chính vì nhiều kỷ niệm buồn vui của đời lính tuy không lâu nhưng nhớ hoài hình ảnh người lính áo rằn mũ xanh. Mặc dầu ở cấp bậc hay chức vụ nào mà mình hoàn thành được nhiệm vụ thì rất hãnh diện, thấy không hổ thẹn. Nhưng riêng tôi thì không làm được, ôm hồ sơ quân bạ với 64 ngày trọng cấm, đến cấp chỉ huy nào hay đơn vị nào các anh cũng không thích người quân nhân vô kỷ luật. Có nhiều khi lỗi ở mình, cũng có nhiều khi lỗi tại cấp chỉ huy tạo cho mình trở thành vô kỷ luật. Bây giờ lớn tuổi nằm đêm mất ngủ nhớ lại chuyện xưa thấy hổ thẹn, đôi lúc cũng thấy vui vui…
Phải chi ngày 30.4.75 tất cả cấp chỉ huy mà vô kỷ luật, bất tuân hành lệnh cấp trên, không tuân theo lệnh của Tổng Thống đầu hàng thì Miền Nam chưa đến nỗi phải lọt vào tay giặc. Có mất cũng thời gian lâu hơn. Còn súng đạn cứ đánh. Tiếc quá đếm lại thì được có mấy vị Tướng còn giữ được sĩ khí, tiết tháo anh hùng, không đầu hàng giặc. Không hiểu còn những ông, giặc chưa đến mà bỏ binh sĩ chạy trước. Những vị buông súng đầu hàng, chấp nhận nhục nhã tự ôm gói vào trại tù. Chắc các vị đó còn nghĩ đến CP 3,4 thành phần, còn giữ được tiền tài, danh vọng. Làm Tướng mà thành mất sao không chết theo thành. Nước mất nhà tan mà các ông còn sống nhăn răng. Không biết hồi học binh pháp, chiến thuật các cấp chỉ huy có học bài nào đầu hàng hay không? Riêng thuộc cấp tôi nghĩ không có bài đó. Tôi thấy Quân Đội Nhật không có bài học đó. Nên lúc Nhựt Hoàng tuyên bố đầu hàng, bài học là phải mổ bụng tự sát để giữ gìn sĩ khí, danh dự. Bậy quá, đó là tâm sự trăn trở của người lính già. Sau bao nhiêu năm còn đau nhói. Sao phải viết dài dòng lên đây khi mà anh chưa nhận ra người thưộc cấp cũ. Không biết nhìn hình ảnh anh có nhớ lại không? Nếu có nói gì không đúng xin anh bỏ qua. 
Thưa anh, mục đích liên lạc với anh là để nhớ lại hình ảnh người lính áo rằn ngày xưa, mà tôi rất quí và thương những người lính đó, với chiếc ba-lô nặng trĩu trên lưng, vai mang nặng nề cây súng cổ lỗ sỉ thời Đệ II thế chiến. Phát một đơn vị hỏa lực đạn không đủ để đánh nhau với trận địa lớn như Bình Giả. Đâu có áp lực nặng của địch là được điều động đến để làm con ghẻ. Mặc tình cho mấy ông Tỉnh xài, thí mạng, công lao các ông huởng, chết chóc thì người lính TQLC lãnh đủ. Hình ảnh trận Bình Giả tang thương cỡ nào cho đến nay tôi không quên được. Chỉ vì tìm tông tích của chiếc trực thăng Mỹ gặp nạn, mà cấp trên tức tốc ra lệnh xua quân vào mục tiêu để tiếp cứu, trở thành một cuộc điều quân gấp rút, thiếu chuẩn bị, thiếu nghiên cứu, không nắm rõ tình hình địch, thiếu chuẩn bị phi pháo yễm trợ, cho nên TĐ4/TQLC phải chiến đấu lẻ loi. Một chống với lực lượng địch gấp 3, 4 lần. Hình ảnh của anh Đỗ Hữu Tùng ĐĐT/ĐD2 bị bao vây phải mở đường máu thoát về làng Bình Giả. Lúc đó, đại diện cho Ban 4 TĐ hành quân tôi đi với Tiểu Đoàn Trưởng Nho để lo về Tiếp vận, tôi nghe được những lời khiển trách thiếu xét đoán của cấp trên đối với cấp dưới, rồi ra lệnh cho anh Tùng gom lính thất lạc về nằm lại giữ làng Bình Giả. Nếu anh TĐT tin theo lới của anh Tùng báo cáo về tình hình địch mà anh đã đụng độ sáng nay, thì có kế hoạch HQ mới phải tính toán lại trước khi vào mục tiêu. Đằng này anh Nho lại cho các ĐĐ còn lại vào đường cũ của anh Tùng bị lọt gọn vào ổ phục kích buổi sáng. Thời gian anh có ở chung với anh Hoán mà anh có biết anh Hoán có tài bấm độn ngón tay tiên đoán vận mệnh không? Ra khỏi tuyến xuất phát lò tò theo anh ấy, anh ấy đưa tay lên bấm, đếm từng lóng tay rồi nói ngày nay, 31/12/64) không hạp cho số 4, có chuyện không lành! Nghe thì nghe thôi, mấy người tò te đâu có nghĩ gì. Không tin vì từ ngày đơn vị thành lập cho đến giờ ra trận là tốc chiến tốc thắng, xem địch đâu ra gì (khinh địch). 
Từ trên lộ đất đỏ dẫn đến mục tiêu, khoảng cách chừng 3 Km, hai bên lộ đỏ là vườn chuối. Mục tiêu trước mặt là một vườn cao su rộng lớn. ĐĐ1 anh dẫn đầu, ĐĐ4 anh Tống bên cánh trái, ĐĐ3 anh Huệ bên cánh mặt. BCH/TĐ đi sau anh. ĐĐCH đi bọc hậu BCH/TĐ. Ngày hôm sau vào gom xác anh em mới phát hiện bên cánh trái không xa lắm, VC nó đặt mấy cây súng cối 82 ly. Nếu đội hình ĐĐ4 mở rộng  một chút xíu nửa là đã gặp rồi. Có thể trận đánh đó chuyển hướng. Lúc ĐĐ1 gặp được chiếc trực thăng cùng 4 xác phi hành đoàn, thấy anh em mình bị treo cổ. Một số xác chết của binh sĩ ĐĐ2 bị VC lột hết quần áo. TĐT cho lệnh tiến lên phía trước. Các ĐĐ bắt tay làm vòng đai bao bọc mục tiêu thì Đ/U Hoán cầm bản đồ tiến lên gặp TĐT trình bày, chỉ tay lên những vòng cao độ và nói: Thiếu Tá nên cho quân tiến thêm một khoảng nữa để chiếm giữ ngọn đồi cao, thì liền bị anh Nho quạt, có đệm tiếng Tây khó nghe. Anh chỉ lấy xác rồi rút ra chớ đâu có ngủ đêm ở đây mà phải chiếm địa thế cao. Thì ra lúc đó tôi mới biết trong gia đình cơm không lành canh không ngọt. TĐT với TĐP không thuận với nhau nên không bàn bạc trước khi hành quân. Từ đó, Đ/U Hoán không thấy đến gần TĐT để cộng tác điều động các ĐĐ mà anh ấy đi riêng lẻ với tà lọt. BCH/TĐ tiến vào bên trong vườn cao su. ĐĐCH còn nằm trên lộ đất đỏ. Ngoài vòng đai, các ĐĐ báo về mặt nào cũng có VC xuất hiện đông lắm tiến vào áp lần lần đến đơn vị. Tôi nghe anh Nho cho lệnh xuống các ĐĐ một binh sĩ một gốc cao su chờ đến khi nào chúng vào đến cách 50 m mới đươc khai hỏa. Lệnh chắc nịch và coi rẻ tụi VC, rất tự tin. Tôi nghĩ vậy và chắc các anh em trong đơn vị cũng nghĩ vậy. Mình nằm sẵn nó mang mấy cái bia thịt vào thì có nước làm mồi cho Kình Ngư thôi. Nên rất yên tâm không lo nghĩ nhiều. Lúc đó khoảng 3-4 giờ chiều, mà tiếng súng khai hỏa không phải của các ĐĐ tác chiến bên ngoài mà của người lính Thám Báo của ĐĐCH, hắn đi vào vườn chuối lớn để đi đại tiện. Còn ĐĐCH rất ỷ y còn lột nón sắt lót ngồi dài trên lộ đỏ, cứ nghĩ có đánh nhau thì các ĐĐ tác chiến bên ngoài đụng trước cho nên tỉnh bơ, trong lúc bên ngoài VC xiết vòng vây, thì anh lính Thám Báo phát hiện VC nằm lềnh kênh trong đó, bèn la lên VC!,VC! rồi sẵn cây tiểu liên trên tay anh khai hỏa luôn. Đó là lực lượng khóa đít của VC chờ cho ĐĐCH lọt vào vườn cao su là khóa lại. Không ngờ ĐĐCH còn cái đuôi dài phía sau. Do đó, khi súng đã nổ, VC không khóa đít đươc vì ĐĐCH nằm thủ bên bờ phải lộ đất đỏ chống trả nên chúng chuyển hướng tấn công bên hông trái của anh Tống. ĐĐ4 vừa chống VC trước mặt vừa bị đánh bên hông. Bên ngoài VC chết như rạ. ĐĐ1 và ĐĐ3 bền chặt giữ vững vòng đai, từ từ khai tử từng tên. Tiếng súng nhỏ lớn nổ inh ỏi điếc tai. Súng cối 82 ly chúng câu vào. Đại bác KZ 57 ly bắn trực xạ. Lực lượng VC đông như kiến. Chết bao nhiêu chúng cứ tràn vào. Tôi nhớ đánh nhau đến khi mặt trời lặn, ĐĐCH bị địch cắt làm đôi. Số nằm ngoài vòng vây từ từ rút về làng Bình Giả. BCH/TĐ bị pháo tới tấp. Cành cây cao su gẫy đổ, mủ nhiễu xuống ướt cả mình. Cố vấn Mỹ kêu được 2 gunships lên không yểm trợ đươc vì hai bên quá sát gần, thế là nó bay mất. Cố vấn bị thương, TĐT cầm ống liên hợp tới lui liên lạc. Bên ngoài các ĐĐ tác chiến báo cáo hết đạn mà tôi không biết phải làm sao. Nằm chịu trận không bắn được một phát súng rồi cũng bị miểng đạn pháo chém đứt ngoài cánh tay. Anh Tống chạy vào BCH không có lấy một người lính. Cách tôi 30m, Đ/U Hoán ôm khẩu carbine M2 nằm bắn như một khinh binh. Hình ảnh thật oai hùng. Tiếng súng không còn ròn rã nữa sau hơn 2 tiếng đồng hồ giao chiến. Tôi nghĩ chắc họ hết đạn và phải cận chiến để sống còn. Phòng tuyến của ĐĐ4 bị vỡ. Từ đó chúng đánh vào BCH/TĐ. Tôi thấy Đại Úy Hoán bật người lên rồi ngã quỵ xuống. Người lính tà lọt cõng ông lên lưng rồi vọt chạy về hướng rừng cây. Th/T Nho dắt BCH rút ra theo con lộ đất đỏ đã bị cây thượng liên của VC đặt bên kia lộ đốn ngã cả TĐT lẫn Bác Sĩ Quân Y TĐ. Tôi và Cố Vấn nhắm hướng rừng tháo lui nên thoát về được đến làng Bình Giả. Còn phía ĐĐ1 của anh và ĐĐ3 vẫn còn nghe tiếng súng cầm cự đến 9 giờ đêm. Qua ngày hôm sau, TĐ gom quân trở vào trận địa lấy xác tôi mới thấy tình của người dân làng Bình Giả đối với mình. Họ mang võng cáng, rượu trắng thay cồn giúp mình tản thương. Phi hành đoàn trực thăng đáp xuống không chịu chở xác xình thúi bị Đại Tá Nguyễn Thành Yên  rút súng lục đòi bắn nên họ chỉ chở 1 chuyến rồi không trở lại. Sau phải dùng xe GMC tải về Bà Rịa. Tôi không sao cầm đươc lòng khi thấy gia đình anh em binh sĩ gào khóc thảm thiết khi đến hậu cứ. Thôi xin dừng và cám ơn anh đã bỏ thời gian để đọc những lời vụng về của tôi kể lại.
Cầu chúc anh và gia đình các cháu bình an, dồi dào sưc khỏe.
Kính chào
Trần Văn Của
(Ký tên) 
NHỮNG SỰ THẬT về Trận BÌNH GIẢ:
Vết thương cũ trong tôi như chợt vỡ ra sau khi đọc hết lá thư của cựu Trung Sĩ Trần Văn Của. Là Đại Đội Trưởng ĐĐ1/TĐ4/TQLC trong trận Bình Giả, tội đã bị thương nặng với ba phát đạn. Còn lại một mình với khẩu súng AR15 và 15 viên đạn, tôi đã bò suốt 3 đêm 2 ngày để gặp lại quân bạn trước cổng làng Bình Giả ngày 3 tháng 1 năm 1965. Vào đầu tháng 12 năm 1964, linh cảm trước những cuộc đụng độ lớn, tôi đã ra lệnh cho các Trung đội trưởng đều phải mang súng carbine M1 thay vì mang súng Colt 45 như trước đây. Tôi cầm khẩu AR15 vừa do TQLC Mỹ đưa sang thử nghiệm trên chiến trường. Chỉ 1 khẩu cho 1 Đại đội. Tôi cũng vừa thăng cấp Trung Úy và vừa đúng ngày Sinh Nhật thứ 25. Xin nói rõ về các cấp chỉ huy của TĐ4/TQLC lúc lâm trận Bình Giả: Thiếu Tá Nguyễn Văn Nho là Tiểu Đoàn Trưởng, Đ/U Trần Văn Hoán Tiểu Đoàn Phó, Tr/U (mới thăng cấp 22/12/1964) Trần Ngọc Toàn ĐĐT/ĐĐ1, Tr/U Đỗ Hữu Tùng ĐĐT/ ĐĐ2, Th/U Trịnh Văn Huệ, quyền ĐĐT/ĐĐ3 và Tr/U Nguyễn Đằng Tống ĐĐT/ĐĐ4. Tôi được may mắn tải thương về Quân Y Viện Đại Hàn ở Vũng Tàu. Sau 5 tháng điều trị, tôi được phận loại 2 (không tác chiến) và xuất viện với đôi nạng gỗ. Xuất thân là một sĩ quan Hiện Dịch từ Trường Võ Bị Đà Lạt, tôi tiếp tục phục vụ trong Binh Chủng TQLC ở hậu phương, rồi trở ra tác chiến vào tháng 10 năm 1973 cho đến ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, 30 tháng 4 năm 1975.
Nỗi đau nhức Bình Giả vẫn còn đeo đẳng bên tôi. Theo lời kể của một hồi chánh viên VC, tôi nghe được tại Bộ Chiêu Hồi vào năm 1969, và cuốn hồi ký “2 ngàn ngày dưới địa đạo Củ Chi” của Dương Đình Lôi, được biết Hà Nội đã cho đám VC tập kết năm 1954 cùng quân chính quy CS Bắc Việt  xâm nhập vào Nam từ năm 1958. Cuối năm 1964, VC đã thành lập Sư Đoàn 9 do Trần Đình Xu làm Sư Trưởng, ở Miền Đông Nam Bộ với các Trung Đoàn 261, 262 và 263. Chúng đã đem cả Trung Đoàn tăng cường để chiếm làng Bình Giả vào ngày 20 tháng 12 năm 1964. Sau trận đánh này, Trung đoàn 261 VC  bị thiệt hai rất nặng và bị xóa sổ trên chiến trường. Dù vậy, các ông Tướng vẫn chẳng bận tâm, nên Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH đã bị SĐ 9(-) VC bao vây ở Đồng Xoài, Phước Long. Trong khi, mấy ông Tướng đang lo tranh giành quyền lực sau ngày  đảo chánh Tổng Thống Diệm 1/11/1963, giao trọn quyền điều binh cho đám bộ hạ bất tài và vô trách nhiệm. Sau khi, đã điều động  2 Tiểu Đòan BĐQ với Thiết Giáp tấn công tái chiếm làng Bình Giả không thành, họ đã trực thăng vận TĐ4/TQLC nhảy vào trận địa. TĐ4/TQLC là đơn vị Trừ Bị cuối cùng của Quân Đoàn III. TQLC và BĐQ đã đánh bật quân VC ra khỏi làng vào ngày 30 tháng 12 năm 1964. Ngay trong đêm này, VC xua quân đánh lại nhưng không làm được gì và phải rút lui. Một chiếc trực thăng của Lục Quân Hoa Kỳ, trú đóng tại Vũng tàu đã được Cố Vấn TQLC Hoa Kỳ gọi lên, rà theo bắn rượt đuổi. Do khinh địch và thiếu kinh nghiệm, chiếc trực thăng đã bị VC bắn hạ, rớt trong vườn cao su bỏ hoang, gần làng Xuyên Sơn và cách làng Bình Giả độ 4 cây số đương chim bay.
Rạng sáng ngày 31 tháng 12 năm 1964, trong khi các ông Tướng đang bận lo tổ chức Dạ Vũ linh đình tại Sài Gòn, lệnh của Quân Đoàn III buộc TĐ4/TQLC phải tiến quân vào tìm xác chiếc trực thăng Mỹ bị bắn rớt. Tiểu Đoàn Trưởng TĐ4/TQLC quyết liệt từ chối, với tin tức do Cha Xứ Đạo Bình Giả cho biết quân số VC lên đến Trung Đoàn, với cả quân chính quy CS mặc quân phục Miền Bắc và trang bị AK47, CKC, thượng liên, K50, B40… Trong khi, TQLC vẫn còn ôm súng Garant M1, Carbin M1, Trung liên BAR của Mỹ thời Đệ II Thế Chiến. Hơn nữa, TĐ4/TQLC hành quân không có Pháo Binh (đặt miết tại Phước Tuy) và Phi cơ không yểm.
Theo lời xác nhận của hai Cố Vấn Hoa Kỳ của đơn vị còn sống sót, là Đại Tá Franz Pete Eller ở Solana Beach, CA và cựu Đại Úy Phil O Brady ở San Francisco,CA, trước phản ứng quyết liệt của T/T Nho, Bộ Chỉ Huy Quân Sự Hoa Kỳ MACV tại Sài Gòn đã áp lực Bộ Tổng Tham Mưu VNCH buộc TĐ4/TQLC phải hành quân lấy xác 4 người của Phi hành đoàn trực thăng Mỹ, dù không có pháo binh và không quân yểm trợ. Khi ĐĐ1/TĐ4/TQLC tìm thấy xác chiếc trực thăng với 4 nhân viên phi hành Hoa Kỳ tử thương, đã nhìn thấy 1 Trung Đội của ĐĐ2 nằm chết hàng ngang như đội hình xung phong, xác bị VC lột hết quần áo. Thiếu Úy Nguyễn Văn Hùng nằm giữa hàng quân. Trực thăng Hoa Kỳ được tin bay lên rồi chỉ lấy 4 xác Mỹ bay mất. 12 xác TQLCVN phải chờ trực thăng Việt Nam. Cuối cùng, đơn vị phải thu xếp tải bộ sau 2,3 tiếng đồng hồ nằm chờ không thấy. Khi ấy đã quá muộn.
Tổng kết tổn thất trong trận Bình Giả về phía TĐ4/TQLC gồm 122 tử thương và gần 300 bị thương tại mặt trận. Trong số 122 chiến sĩ TQLC hy sinh có TĐ Trưởng, TĐ Phó, Bác Sĩ Quân Y TĐ, 1 Đại Đội Trưởng là T/Úy Trịnh Văn Huệ xuất thân Khóa 17 Trường Võ Bị Đà Lạt. Đặc biệt gồm có hai Thiếu Úy mới tốt nghiệp Khóa 19 Võ Bị Quốc Gia đến đơn vị ngày 15/12/1964 là Thủ khoa Võ Thành Kháng và Nguyễn Văn Hùng. Khi Khóa 19 Võ Bị nhập học tại ĐàLạt cuối năm 1962, 3 Trung Úy, Nguyễn Đằng Tống, Đỗ Hữu Tùng và Trần Ngọc Toàn xuất thân Khóa 16 đang chuẩn bị ra Trường. Các tân Sĩ quan từ Khóa 19 đến trình diện TĐ4/TQLC gồm có Thiếu Úy Võ Thành Kháng, Trần Vệ, Đỗ Hữu Ái, Thái Văn Bông, Nguyễn Văn Hùng. Chưa ai kịp lảnh lương Thiếu Úy.
Nhìn vào bảng tổn thất, ai cũng thấy rõ không chỉ có 100 Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ hy sinh đền nợ nước mà có đến 22 Sĩ Quan tử trận. Chính vì niềm đau ray rứt mang nặng trong lòng, từ chiến trường Bình Giả trở về, suốt hơn 40 năm, nên vào tháng 6 năm 2006, tôi đã tự nguyện đến Trung Tâm Việt Nam của Trường Đại Học Texas Tech, ở Lubbock, TX. để thuyết trình về trận Bình Giả trước người Mỹ. Tôi đã đến để vuốt mặt cho các cấp chỉ huy và bạn bè đồng đội của tôi, với tư cách là một cựu Tiểu Đoàn Trưởng TĐ4/TQLC. Tôi cũng đến, với tư cách là một công dân Hoa Kỳ, khi hàng ngày nhìn thấy chiến binh Mỹ ngã gục trên chiến trường Irak, qua hệ thống truyền hình Hoa Kỳ, trong đó có cả con em của người Việt Nam tỵ nạn Cộng sản. Hình như, người Mỹ chưa rút ra được “Bài Học Quý Giá” từ cuộc chiến Việt Nam với hơn 58 ngàn chiến binh đã hy sinh ngã gục...
Trần ngoc Toàn,
Cựu TĐT/TĐ4/TQLCVN

No comments:

Post a Comment