Thursday, October 25, 2012

Sơn Cowboy



Quen biết anh Sơn đã lâu, nhưng lại có cái duyên nợ vào lúc cuối đời, thập niên 80, vừa ổn định xong công ăn, việc làm và nơi định cư, thời gian này computer IBM mới bắt đầu xuất hiện, XT computer với hard drive 10 hoặc 20 megabyte và tốc độ 6 họăc 8 megahertz, computer được bán bằng nhiều bộ phận rời và người ta mua về gắn vào tùy theo sở thích và những công việc xử dụng thích hợp, mỗi tuần những phiên chợ trời bán những vật dụng này ở Los Angeles County Fairground gần Riverside, anh Sơn mua những surplus display lọai LCD phế thải, và những bộ phận rời của computer và mướn một cái bàn rồi đứng bán tại khu chợ trời này, vì trời nắng nóng gay gắt nên anh thường đội nón vành rộng lọai thường thấy trong những phim cowboy hoang dã miền tây của Hoa Kỳ, anh có bộ râu lãng tử và một nụ cười thật dễ thương, hầu như mỗi tuần, họặc cách tuần tôi đều ghé khu chợ trời này và hầu như lúc nào cũng gặp anh, phải nói anh là người cần mẫn và rất thưởng thức với lối kinh doanh mới mẻ này, một thời gian sau kỹ nghệ IBM Computer tiến triển nhanh và số người buôn bán càng ngày càng đông đảo và tạo thêm khó khăn cho việc cạnh tranh anh dọn về một nhà kho ở quận Cam và làm việc tại đây, bẵng đi một thời gian thật lâu, gặp lại anh trên khu Bolsa, nay anh đã trở thành một người vô gia cư (homeless) và vẫn nụ cười ấy, vẫn lối sống ung dung như ngày nào còn huy hoàng, trên vai lúc nào củng có một cái túi lọai backpack mà các em học sinh thường dùng, trong đó có nhiều đồ vật lỉnh kỉnh, nhưng không bao giờ thiếu một cái máy chụp hình, lọai đắt tiền ngày xưa và nay đã cũ đi và trầy trụa theo năm tháng, thấy tôi anh luôn mừng rỡ và ghé vào quán cà phê hút vài điếu thuốc hoặc uống một vài ly nước trà, có lần anh em mời cafe anh từ chối và xin một ly beer và từ giã ra đi, không biết anh đi đâu? và ở nơi nào?, tôi củng chẵng buồn hỏi thăm. 
Có khi một thời gian khõang chừng 6 tháng hay một năm mới gặp một lần, tôi hỏi anh đi đâu lâu nay? anh bảo: anh vừa San Jose về, anh ở với đứa con trai nhà có đầy đủ tiện nghi, nhưng anh lại thích sống cuộc đời lãng tử như thế này thoải mái hơn, rồi anh tiếp tục đi homeless.
Một hôm tôi nhận được điện thoại của một người phụ nữ, cô tự giới thiệu là bạn gái của anh Sơn và đồng thời cô cũng thông báo anh Sơn đã mất cách đây 7 tháng, xác anh được quàng ở County Laguna Beach và mãi đến hôm nay họ mới kiếm được người thân để thông báo cho cô vì trong túi anh Sơn có địa chỉ và số phone của cô, nhưng vì cô đã đổi địa chỉ từ lâu vì thế cho đến hôm nay họ mới tìm ra người thân.
Với tâm sự và lời nguyện ước lúc sinh thời, anh ước ao sau này anh mất đi, anh muốn có một tang lễ với lễ phủ quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và anh mặc quân phục cho anh lúc mai táng, bộ Quân Phục của Quân Chủng không quân QLVNCH, chỉ vì muốn kiếm cho anh Sơn bộ quân phục và cô đã hỏi thăm anh em Cựu Quân nhân trong vùng cho số điện thoại, cô liên lạc với tôi, không ngờ tôi và anh Sơn đã quen nhau từ trước. Tôi hướng dẫn cô liên lạc với tiệm bán quân phục QLVNCH của anh Vũ Hưng để cô có thể mua cho anh một bộ đồ bay, nón. Tôi vội vàng post tin buồn thông báo trên các diễn đàn và trên internet, cũng như chuẩn bị làm tang lễ cho anh vào cuối tuần, sau khi post tin trên net chỉ trong vòng 24 giờ, các con anh đã liên lạc được và các cháu đã lo lắng mọi chi phí cho nhà quàn, khi biết tôn giáo anh Sơn là Phật Giáo và tôi liên lạc chùa Bát Nhã và được 2 sư Cô tình nguyện tụng kinh cho anh, trong tang lễ tại Peek Family Westminster, California.
Hôm Tang Lễ và Lễ Phủ Kỳ số người tham dự thật đông đảo và đặc biệt có rất nhiều nguời thành đạt tại Quận Cam đến tham dự đám tang, hỏi ra mới biết đa số những người này anh đã giúp đở trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến ra khỏi vòng lửa đạn hiểm nguy.
Trong những tháng ngày cuối tháng 3 năm 1975 trước khi Đà Nẵng thất thủ, anh giúp lập danh sách một số người di tản tại phi trường này và một tháng sau đó, chuyến di tản cuối cùng tại Sài gòn, anh cũng đã giúp thêm một số người khác nữa, di tản cuối cùng tháng Tư năm 1975 của cuộc chiến Việt Nam, ra khỏi Phi trường Tân Sơn Nhất và một số đã có mặt trong đám tang hôm nay, một số khác cùng là chiến hữu của anh, anh gốc là thông dịch viên và phục vụ trong quân chủng Không Quân, sau này anh làm việc với Air America (CIA) và về sau cơ quan này thuộc về Macv-sog và làm việc song song với Sở Không Yểm thuộc Nha Kỹ Thuật anh thường kể lại những chuyến bay quan sát cùng những nhân viên CIA vào những ngày đầu khi Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ với những công tác tại Nam Lào, những chuyến bay theo dõi những hoạt động Cộng Sản xâm nhập trên đường mòn Hồ Chí Minh dọc Trường Sơn và những lối sống bạt mạng vào sanh ra tử thời bấy giờ. 
Anh sống cuộc đời homeless và ít ai biết nơi sinh sống của anh, sau này mới biết anh sống trong một chiếc xe bus bỏ hoang trong khu vực phía sau đường Bolsa, tuy vô gia cư nhưng anh luôn có khí khái không bao giờ xin xỏ ai tiền bạc, họăc than vãn bất cứ điều gì, thậm chí đôi khi anh tự hào về cuộc sống của mình, anh cũng thường nói về cái "ngã" của cuộc sống, chính anh không ham muốn những vật chất và chấp nhận sống homeless vô gia cư và vì vật chất là những thừa thải không cần thiết đối với anh, đôi khi anh cười mĩa mai những hạng người mới có chút đỉnh tiền bạc hoặc địa vị giả tạo, khi chỗ đông người oang oang ta đây và chìa cho anh vài chục bố thí, anh không bao giờ nhận và luôn từ chối khéo, đôi khi trong quán cafe anh biết không có bán beer và chỉ nhắc khéo, nếu có beer cho 1 chai là vui rồi, có lần anh ghé tai tôi nói nhỏ, mấy đứa này tụi nó chỉ có bề ngòai, nợ nần thiếu tùm lum, lường gạt nhau để mà sống, lời nói nghe từ một người homeless thật chí lý.
Đám tang anh chúng tôi thực hiện đúng theo ước nguyện của người quá cố, nghi thức làm lễ phủ quốc kỳ VNCH và nghi thức tôn giáo thật đầy đủ và ấm cúng, thậm chí 2 sư cô tụng kinh cho anh lúc xong nghi lễ, cô cho biết lúc tụng kinh cô cảm nhận và truyền đạt đến người quá cố, cô cảm thấy toại nguyện vô cùng, mong anh được siêu thóat và các cô rất hân hoan tụng kinh cho một người vô gia cư và có một cuộc đời thật trầm luân, rất đông những chiến hữu những thân hữu và những người mang ơn của anh, mà giờ này có người đã là những người giàu có và nổi danh tại Hoa Kỳ.
Đám tang anh đầy đủ các con cháu, người thân, chiến hữu, thân hữu thật là ấm cúng trên đường về nghĩ đến cuộc đời phù du, anh nằm xuống một nơi nào đó không ai hay biết, không người thân, xác nằm trong phòng lạnh tại County Laguna hơn 7 tháng trời, đời sống, thế nhân, nhớ lại những gì anh hay tâm sự lúc còn sống, cái “ngã” chính anh cảm nhận và cái phù du của những người chung quanh. Đối với anh tất cả đều tầm thường và đi qua như một giấc mơ, riêng nụ cười hồn nhiên và nét mặt bình thản của anh đã hằn lưu lại trong tâm tưởng của những người từng biết và quen anh.
                                           biết em chờ nơi chùa cũ
                                        lắng tìm trong mỗi tiếng chuông
một cánh phù du đang ngủ
đem về hơ ấm mù sương

có tiếng chuông nào tím vọng một đời thương
chiều Thiên Mụ em núp vào mây khói
lời yêu chợt buồn như tiếng xưa ai nói
(sợ tình mình như cánh trắng phù du)


 
anh ngủ vùi trong tiếng chuông Thiên Mụ mùa Thu
tiếng kinh cầu cho đời thôi bớt khổ
em có về nhặt bông sứ trắng màu siêu độ
mai anh chết rồi ai đứng đợi với mưa ngâu?

 
Đức Phật chết rồi nên mình chẳng thể qua kiếp bể dâu
có được không cánh hoa rơi về cành cũ?
anh đếm từng hạt mưa biết mùa Đông xưa không ngủ
bông sứ rụng trải lối đưa em về cõi trắng hư vô

 
điệp khúc kinh cầu kinh khiếp đời cát bụi phai phôi
cố chấp với niềm đau anh không sao hiểu được
tình ngược Kim Long duyên nỡ xuôi về Đại Lược
thuyền anh lên ngàn thuyền em nỡ xuống bể khơi
 
anh tìm em như tìm câu hát à ơi
nụ tầm xuân nở xanh câu thề hư ảo
em như tiếng kinh cầu cuối cùng giữa cuộc đời giông bão
anh mê sảng rồi đành làm người đi vớt phù du...
 
(mai anh hóa kiếp chuông chùa
để em cánh trắng phù du ngủ vùi...)
             Tấn Nguyễn Hữu




Kẻ chiến thắng

 Vào thời võ sĩ Đạo tại Nhật, có một kiếm khách nổi tiếng với đường kiếm tuyệt luân của mình. Ngoài ra, Ông còn có tài đánh cờ thuộc hàng thượng thặng.

Sau một quãng đời tung hoành ngang dọc trong chốn giang hồ, vị kiếm khách này đã ngộ ra lý Thiền nên đã “rửa tay gác kiếm”, khoác áo tu hành.

Qua nhiều năm dài tu hành tinh tấn, Ông đã trở thành một Thiền Sư được nhiều người biết đến về đạo hạnh.

Trong suốt thời gian đó, Ông cũng đã đem hết tâm huyết ra để nâng khả năng về Kiếm và Cờ của Ông lên hàng Kiếm Đạo và Kỳ Đạo.

Vì vậy, tên tuổi của Ông ngày càng thêm lừng lẫy.
Nhiều người đã đến xin học đạo với Ông và do đó Ông đã có nhiều môn đệ.

Một ngày kia, có một chàng thanh niên đến ra mắt Ông để xin theo học Đạo. Vị Thiền Sư đã nhìn kỹ chàng thanh niên và nói :
- Ta chỉ nhận làm đệ tử những ai có đạo hạnh cao hoặc có khả năng khá về Kiếm hoặc Cờ. Ngươi tự xét thấy có khả năng nào trong các thứ ấy để có thể được ta thu nhận đây?

Sau một thoáng suy nghĩ, chàng thanh niên vội đáp :
- Con có khả năng chơi Cờ; mặc dù không phải là hạng cao thủ nhưng con cũng đã từng hạ nhiều tay chơi Cờ giỏi có hạng.

Liền đấy vị Thiền Sư lại hỏi :
- Vậy, bây giờ ngươi có muốn thi đấu về Cờ không?
- Dạ, thưa ! Con muốn thử. - Chàng thanh niên đáp.

Nghe vậy, vị Thiền sư vội đi vào phía sau Thiền viện và trong khoảnh khắc lại trở ra với một thiền sinh.

Đó là một nhà sư đã có tuổi vẻ mặt hiền lành, phúc hậu và là một trong những thiền sinh rất giỏi về Cờ trong Thiền viện.
Sau khi giới thiệu thiền sinh này với chàng thanh niên để thi đấu với nhau, ông đã nghiêm nghị nói:
- Trước khi bắt đầu cuộc đấu, Ta cần phải nói rõ: đây sẽ là một ván cờ “sinh tử”, người thua cuộc sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của ta. Các ngươi có đồng ý nguyên tắc này không?

Cả hai đều tỏ vẻ đồng ý và ngồi xuống chiếc bàn có đặt sẵn bàn cờ để bắt đầu thi đấu, trong khi vị Thiền sư đặt thanh kiếm trên chiếc bàn nhỏ trước mặt rồi ngồi xuống chiếc ghế cạnh bên để giám sát cuộc đấu.

Thoạt tiên, khi bắt đầu cuộc đấu cả hai đều rất thận trọng khi đi cờ như để dò ý và tìm hiểu về khả năng cũng như lối chơi cờ của đối phương.

Khoảng một lúc sau, với những bước vững chắc về thủ và linh động về công, vị thiền sinh đã đưa chàng thanh niên vào trạng thái bị động, phải lui về thế thủ.
Chàng thanh niên đã tỏ ra bối rối trước sự tiến công dũng mãnh của đối phương.
Chàng bỗng đâm ra lo ngại là không những sẽ bị thua cuộc và mất dịp được theo học Đạo mà còn bị mất mạng nữa. Do đó, chàng ta cố vận dụng trí óc để moi ra từ ký ức những thế cờ đã từng đánh và từng học được trước đây để mong chận bớt những nước cờ tấn công rất hiệu lực của đối phương.

Nhưng chàng ta chẳng nhớ ra được điều gì có thể xử dụng để thay đổi tình thế.
Trong cơn lo lắng miên man, bất chợt chàng có ý nghĩ: hay là xử dụng những nước cờ “liều”, biết đâu sẽ chẳng có kết quả tốt.
Nghĩ xong chàng liền áp dụng ngay.

 



Đang ở trong thế thủ, bỗng bất thình lình chàng vùng lên tấn công quyết liệt. Những nước cờ “liều mạng” của chàng vừa đánh ra chẳng có một quy tắc căn bản nào cả, chỉ toàn là những nước cờ “thí” không ai dám sử dụng hay nghĩ đến trong khi chơi Cờ, nhất là trong một ván cờ sinh tử như thế này. Chỉ trong vài nước, thế cờ liều đột nhiên có kết quả. Nước cờ đang ở vào thế thủ bỗng chuyển sang thành thế công, bắt buộc đối thủ phải lui về chống đỡ.

Người thiền sinh cao cờ giờ đây bị đưa vào thế bị động vì những bước đi cờ lạ lùng, kỳ dị không thể tiên đoán được của chàng thanh niên liều mạng này.
Chàng thanh niên đang ở vào thế “thượng phong”, chàng tấn công tới tấp để mong chiến thắng. Trong lúc hăng say để đạt chiến thắng đó, từ trong nội tâm của chàng bỗng nổi lên ý nghĩ:
“Hôm nay, đến nơi này để xin học Đạo, phải đánh ván Cờ “sinh tử” để được nhập môn, rồi trong lúc nguy khốn vì bị tấn công dồn dập đã phải dùng thế cờ “liều mạng” để chuyển bại thành thắng, đưa đối phương vào thế thúc thủ. Trong chốc lát đây ván cờ sẽ kết thúc, người thiền sinh phúc hậu kia sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của Thầy. Người Thiền sinh đã mất gần suốt cuộc đời để học Đạo, tu hành tinh tấn, có được đạo hạnh cao; nay lại phải trở thành “cây thước” để đo tài người đến xin học Đạo, để rồi phải bỏ mạng vì kết quả của ván cờ. Thật là oan uổng...”

Trong khi những ý niệm đó hiện ra và đưa chàng thanh niên vào suy tư thì nước cờ của chàng đang đi bỗng nhiên có vẻ chậm lại và mất phần kiến hiệu.

Và vì vậy, chỉ trong năm, ba nước cờ nguời thiền sinh đã tiến dần đến thế quân bình, rồi trong khoảnh khắc đã nắm lại được thế chủ động.
Bây giờ đến lượt chàng thanh niên mất thế “thượng phong”.

Chỉ thêm vài nước, người thiền sinh đã đưa chàng thanh niên vào thế gần như không có lối thoát.

Nhưng bất chợt, đột nhiên thế cờ của người thiền sinh bỗng như chậm lại và có vẻ hòa hoãn, ngập ngừng trong khi thế cờ của chàng thanh niên lại có phần chần chừ, bất định.

Do đó, ván cờ đang ở vào giai đoạn sắp kết thúc bỗng nhiên như dừng hẳn lại.
Nhưng cuối cùng, dù muốn dù không, ván Cờ cũng phải đi đến chỗ kết thúc. Vì vậy, người thiền sinh nhân hậu kia bắt buộc phải ra tay hạ thủ để kết thúc ván Cờ. Thế thắng, bại đã hiện ra trước mắt.

Đột nhiên, vị Thiền Sư bỗng vụt đứng phắt dậy, hét lên một tiếng thật to và rút kiếm ra khỏi vỏ.

Mũi kiếm được chĩa ngay vào đỉnh đầu của chàng thanh niên. Nghe tiếng hét của Sư phụ, người thiền sinh vội cúi đầu, chấp tay niệm Phật.

Với một đường kiếm tuyệt luân và thần tốc không thể ngờ được, thoáng một cái lưỡi kiếm của vị Thiền sư đã cạo nhẵn mái tóc trên đỉnh đầu của chàng thanh niên.

Giờ đây, trông chàng thanh niên chẳng khác nào một người vừa được “thí phát” để “quy y”.
Và vị Thiền sư đã cất tiếng nói với chàng thanh niên:
- Hôm nay, ta chính thức nhận con làm môn đệ.

Ván Cờ đã kết thúc trước khi nước cờ cuối cùng được đánh ra để quyết định việc thắng bại mà chiến thắng đang nằm trong tay của vị Thiền sinh nhân hậu.
Là một bậc Thầy về Kiếm và Cờ, vị Thiền sư trong khi ngồi giám sát cuộc thi đấu đã thấy và hiểu rõ khả năng và lối chơi Cờ của đôi bên.

Ngoài ra, là một Thiền sư đắc đạo, Ông đã đọc được từng tâm niệm khởi nghĩ của hai kẻ ngồi trước mặt, nên hiểu được tánh ý, đức hạnh của người môn đệ của mình và thấy rõ tâm hạnh của người thanh niên xa lạ kia; sau cùng Ông đã đi đến quyết định. Dưới mắt vị Thiền sư: ván cờ đang sắp sửa được kết thúc mà phần thắng lợi đang nghiêng về phía người thiền sinh, môn đệ của Ông, nhưng chàng thanh niên lại là kẻ chiến thắng.

Chàng trở thành kẻ chiến thắng vì đã đánh bại được cái ước vọng nhiều tham muốn và lòng háo thắng của chính mình, dẹp bỏ được cái “ngã” riêng tư để nghĩ đến người mà không màng đến sự an nguy của chính bản thân.

Chàng đã tự chiến thắng mình bằng lòng nhân ái.

Chàng thực sự là một kẻ chiến thắng trong một chiến công vô cùng oanh liệt và quả cảm đúng như lời dạy của Đức Phật: “Chiến thắng oanh liệt và dũng cảm nhất mà không gây đổ máu và thù hận là tự chiến thắng bản thân mình”.

Chàng thanh niên thật vô cùng xứng đáng được thu nhận để bái sư học Đạo và có cơ duyên để trở thành huynh đệ với người thiền sinh nhân hậu kia

No comments: