Truyện hư cấu, nhưng không gian và thời gian; cũng như những Tư Lệnh, Chỉ huy trưởng, Đơn vị trưởng đều đúng.
Bài viết rất hay. Truyện này có thể quay thành phim.
Thân.
Lê-Minh.
Đây
là một chuyện có thật được phanh phui từ những bí mật trong bi kịch của
dân tộc Việt Nam thời cận đại gọi là cuộc chiến tranh Việt Nam.
Vì
lý do riêng, một số tên nhân vật, một vài sự kiện nhỏ được thay đổi,
nhưng những thay đổi trong chi tiết đó không làm mất đi tánh chất xác
thực
của câu chuyện.
Mùa hè năm 1972.
Báo chí,
các đài phát thanh trong nước Việt Nam và ngoại quốc loan tin cuộc đại
tấn công mùa hè của quân đội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà gọi tắt là
Bắc Việt (BV) vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà
gọi tắt là Miền Nam (MN). Qua cuộc tấn công nầy có lẽ các lãnh tụ BV
muốn trắc nghiệm hiệu quả của chánh sách VN hoá của Tổng Thống Nixon. BV
còn nhằm mục tiêu khác là tìm lợi thế trên chiến trường để thâu lợi tối
đa trên bàn hội nghị mà BV và Mỹ đã mật đàm
từ 1968.
Quân BV tấn
công bằng ba mũi dùi hướng vào ba quân khu 1, 2 , 3 của MN. Đây là một
trận tấn công đại qui mô bởi quân đội chính quy của một nước ngoài vào
lãnh thổ MN với tất cả vũ khí tấn công hiện
đại như thiết giáp, pháo binh tầm xa, chỉ thiếu có không quân. Lực
lượng tấn công lớn hơn nhiều so với lực lượng tấn công Tết Mậu Thân.
Trận tấn công nầy đã được trông đợi từ lâu bởi tình báo MN cũng như các
quan sát viên quốc tế từ khi Mỹ tỏ ý định dứt khoát
rút lui khỏi cuộc chiến với mỹ từ “Việt Nam hoá chiến tranh”. Đến năm
1972, quân lực Mỹ không còn tham dự các trận đánh bằng bộ binh. Chỉ có
Không quân và Hải quân Mỹ còn tác chiến trên qui mô nhỏ.
Đây là chiến trường Quân Khu 1.
Chiến
trường gần giống như một hình chữ nhật bề dài độ 300 cây số, từ Quảng
Trị phía Bắc đến Quảng Ngãi phía Nam. Bề ngang trung bình 40 cây số từ
rặng Trường Sơn đến biển Đông. Đường tiếp tế chính
là Quốc Lộ 1.
Miền Nam từ
khởi đầu cuộc chiến năm 1960 đến khi Mỹ trực tiếp tham dự năm 1965 kéo
dài cho đến năm 1972, lúc nào cũng bị đặt trong thế thủ với mục tiêu giữ
đất, giữ dân toàn vẹn không cho BV và công
cụ của họ là MTGPMN lấn đất, giành dân.
Để thi hành
nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Quân Khu 1, quân đội MN có Quân Đoàn I gồm ba
Sư Đoàn bộ binh đánh số 1, 2, 3 và một số Chiến Đoàn Biệt Động Quân
(BĐQ), một Lữ Đoàn thiết giáp cơ hữu của Quân
Đoàn. Khi sự hăm dọa đại tấn công của BV ngày càng rõ rệt, Trung Ương
đã tăng phái thêm Sư Đoàn Tổng Trừ Bị Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) cho
Quân Đoàn.
Lực lượng đó được bố trí như sau:
Mạn Bắc, khu vực bị hăm doạ nặng nhất có Sư Đoàn 3 và Sư Đoàn TQLC tăng phái thêm BĐQ và thiết giáp loaị M41.
Sư Đoàn 3
tân lập do tướng Vũ Văn Giai chỉ huy trấn đóng các tiền đồn do quân đội
Mỹ chuyển lại để bảo vệ tỉnh Quảng Trị và Bắc Quân Khu. Sư Đoàn nầy gồm
đa số là tân binh quân dịch, thêm một số
đào binh, quân phạm được ân xá từ Trung Ương đưa ra cho đủ quân số. Đây
là Sư Đoàn yếu nhất của Quân Lực VNCH, chưa có kinh nghiệm tác chiến,
nhưng lại được giao cho nhiệm vụ tại một khu vực có thể nóng bỏng nhất
trên chiến trường MN nếu quân BV mở tấn công
đại qui mô để xâm lăng MN từ lãnh thổ BV. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đặt tại Ái
Tử cạnh thị xã Quảng Trị.
Tại sườn
Tây của Quân Khu và của Huế, có Sư Đoàn 1 trấn đóng với nhiệm vụ bảo vệ
Huế chống lại lực lượng BV xuất phát từ thung lũng AShau phía Tây đánh
vào. Sư Đoàn 1 được xem là Sư Đoàn thiện chiến
nhất trong các Sư Đoàn Bộ Binh. Tư Lệnh Sư Đoàn là Tướng Phú người thế
cho Thiếu Tướng (sau thăng Trung Tướng) Ngô Quang Trưởng được điều về
Nam làm Tư Lệnh QK4. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đóng ở Dạ Lê phía Nam Huế.
Ở mạn Nam
QK có Sư Đoàn 2 Bộ Binh với nhiệm vụ bảo vệ hai tỉnh Quảng Tín và Quảng
Ngãi. Sư Đoàn nầy có giá trị tác chiến trung bình do Chuẩn Tướng Phan
Hoà HIệp làm Tư Lệnh đặt bộ chỉ huy tại Chu
Lai.
Cuộc chiến
mùa Hè năm 1972 là một cuộc chiến tranh với hình thức cổ điển do quân
đội chánh quy của một nước láng giềng chủ động tấn công vào lãnh thổ MN
chớ không còn là cuộc chiến tranh du kích
kéo dài hàng chục năm trước.
Lực lượng
tấn công hơn một Quân Đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Chu Huy Mân.
Đến năm 1972, quân đội BV được Liên Sô và Trung Cộng viện trợ cho đủ
loại vũ khí bộ binh tối tân. Họ chỉ kém Quân
Lực VNCH về Không Quân và Hải Quân. Về Lục Quân, BV có hai loại vũ khí
vượt trội hơn MN là đại bác 122 ly của Liên Sô và đại bác 130 ly của
Trung Cộng và chiến xa T54 của Liên Sô. Tầm bắn tối đa của đại bác BV là
28 cây số so với đại bác bắn xa nhất của bộ
binh MN là pháo 155 ly bắn tối đa là 15 cây số. Chiến xa T54 mạnh hơn
chiến xa M41 được Mỹ trang bị cho các thiết đoàn chiến xa MN. Tuy nhiên
về mặt tác chiến phối hợp giữa bộ binh, chiến xa và pháo binh các sĩ
quan BV tỏ ra vụng về vì chưa hề có kinh nghiệm
trong hình thức chiến đấu hiện đại nầy.
Lực lượng tấn công chia làm hai mũi dùi, điểm và diện:
- Điểm nhắm
mục tiêu tuyến phòng thủ Bắc Quảng Trị do hai Sư Đoàn BB 304, 308 và 6
Trung Đoàn của mặt trận B5 gồm một Trung Đoàn đặc công, ba Trung Đoàn
BB, hai Trung Đoàn pháo và tất cả chiến xa
độ 200 chiếc tấn công.
- Diện nhắm mục tiêu tuyến phòng thủ sườn Tây Huế do một Sư Đoàn BB tấn công, Sư Đoàn 324 cộng thêm hai Trung Đoàn BB 5 và 6.
Đây là lần
xuất trận đầu tiên của chiến xa BV. Tuy các sĩ quan BV còn lúng túng bỡ
ngỡ khi điều động tác chiến một số lớn chiến xa như vâỵ, nhưng sự xuất
hiện chiến xa trước mắt các tân binh của
Sư Đoàn 3 đã gây kinh hoàng cho những chàng bạch diện thư sinh tân
binh. Quân BV đã chọc thủng tương đối dễ dàng tuyến phòng thủ của Sư
Đoàn. Đơn vị nầy bị tràn ngập về hoả lực và quân số. Một số đon vị đã rã
ngũ, bỏ chạy tán loạn làm cho Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn
gần như không còn chỉ huy được nữa.
Sau khi mặt
trận tan vỡ, quân BV tiến chiếm tỉnh lỵ Quảng Trị với khí thế của một
cơn bão táp. Quân lính MN rã ngũ bỏ chạy về Huế bằng mọi phương tiện:
đôi chân, xe Honda, quân xa kể luôn thiết vận
xa M113. Lẫn trong đám tàn quân hỗn loạn là thường dân, giàu nghèo,
sang hèn chạy theo . Trên quốc lộ 1 phía Nam Quảng Trị, trên quảng đường
sau nầy được thế giới biết đến với cái tên rùng rợn “Đại Lộ Kinh Hoàng”
một cuộc tàn sát tập thể xảy ra do pháo binh
và súng cộng đồng của quân BV rót vào đám quân dân hỗn độn chen chúc
nhau trên đường. Thật là một kỳ công về giết chóc!
Tình thế
QK1 như ngàn cân treo sợi tóc. Cũng may là trong bầu không khí thua trận
hỗn loạn đó, hai đơn vị của Quân Đội VNCH đã cắn răng chiến đấu không
để cho quân BV thừa thắng xông lên chiếm Huế.
Sư Đoàn TQLC bên cạnh Sư Đoàn 3 vẫn giữ vững hàng ngũ mặc dầu bị áp lực
nặng nề của kẻ địch quá đông được chiến xa yểm trợ. Đơn vị ưu tú nầy
vừa đánh vừa lùi về hướng Nam. Đến sông Mỹ Chánh ở giữa Quảng Trị và
Huế, Sư Đoàn đã trụ lại được không để cho quân
BV tiến thêm. Ở sườn Tây của Huế, Sư Đoàn 1 sau khi mất một vài tiền
đồn quan trọng cũng trụ lại được và ngăn quân BV tràn xuống Huế.
Đây là đại
lược tình hình QK1 sau khi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh QK4
được Tổng Thống Thiệu gọi về Saigon sáng sớm một ngày thượng tuần tháng
5, hình như hai ngày sau khi thất thủ Quảng
Trị. Sau khi trở về Bộ Tư Lệnh, ông ta cho biết được lịnh ra Vùng 1 cấp
tốc ngay buổi chiều hôm đó. Giờ khởi hành là 4 giờ chiều, phương tiện
chuyên chở là một chiếc vận tải cơ phản lực nhỏ của quân đội Mỹ cho
mượn. Người thay thế chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn
QK4 là Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB. Không có lễ
bàn giao giữa hai Tư Lệnh QK, một chuyện hết sức bất bình thường vì
thời gian quá cấp bách.
Trung Tướng
Trưởng đem theo một bộ tham mưu nhỏ gồm có : Chuẩn Tướng Nguyễn Duy
Hinh, Tư Lệnh phó Quân Khu; Đại Tá Lê Văn Thân, Tư Lệnh phó Sư Đoàn 7;
Đại Tá Nghĩa phụ tá đặc biệt Tư Lệnh QK phụ
trách phối hợp tình báo, an ninh và chiến dịch Phụng Hoàng.
Phi cơ đáp
xuống sân bay Phú Bài, Huế sau gần hai giờ bay. Một chiếc trực thăng đã
bốc tất cả sĩ quan về Bộ Tư Lệnh Tiền Phương (BTL/TP) Quân Đoàn I trong
Thành Nội.
Đến 8 giờ
tối, một lễ đơn sơ bàn giao chức vụ Tư Lệnh QK1 và Quân Đoàn I diễn ra
tại phòng Hành Quân Bộ Tư Lệnh trước sự hiện diện của các sĩ quan cao
cấp Quân Khu, viên tướng Mỹ cố vấn Quân Đoàn
và bộ tham mưu nhỏ của Tướng Trưởng, tất cả độ 10 người. Một sĩ quan
tổng quản trị đọc công điện của Tổng Thống chỉ định Trung Tướng Ngô
Quang Trưởng thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư Lệnh Quân Khu,
Quân Đoàn I. Hai vị tân cựu Tư Lệnh nói vài câu
vắn tắt. Thế là xong lễ bàn giao.
Tối đêm đó,
sau bữa cơm, Trung Tướng Trưởng cho lệnh miệng Chuẩn Tướng Hinh là Tham
Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Tiền Phương thế cho Đại Tá Hoàng Mạnh Đán trở về
chức vụ Tham Mưu Trưởng Quân Khu ở Đà Nẵng.
Đại Tá Thân làm phụ tá hành quân, Đại Tá Nghĩa là phụ tá đặc biệt,
Trung Tá Đức làm Chánh Văn Phòng tại QK4 nay cũng đi theo và giữ chức vụ
Chánh Văn Phòng như cũ.
Đại Tá
Nghĩa với tư cách phụ tá đặc biệt, phụ trách phối hợp hoạt động tất cả
cơ quan tình báo và an ninh quân sự cũng như dân sự tại QK1. Lần nầy Đại
Tá Nghĩa không phụ trách chiến dịch Phụng Hoàng
như ở QK4 mà lãnh một nhiệm vụ mới: chiến tranh ngoại lệ gồm một lô
những chuyện lẩm cẩm như tổ chức đánh du kích sau hậu tuyến địch, chiến
tranh tâm lý và các đòn lừa địch mà trong binh thư Mỹ gọi là COVER AND
DECEPTION OPERATION gọi tắc là C&D Operation.
Đại Tá
Nghĩa nghe lệnh mà lầm thầm trong bụng, đây đúng là chiến tranh của
người nghệ sĩ. Không có tiếng kèn xung phong chứng kiến hàng hàng lớp
lớp chiến xa, phi cơ rót cái chết vào đầu địch. Ngược
lai đó là chiến tranh chất xám, vũ khí là bộ óc sáng tạo, đấu trí với
địch trong bóng tối. Mình giỏi thì nó chết, ngược lại dở hơn nó thì chết
mà không có được một bằng tưởng lục. Khó quá nhỉ, mà cũng thú nhỉ!
Sau một đêm
ngủ mê vì quá mệt mỏi, Đại Tá Nghĩa thức sớm, mượn một chiếc xe Jeep
của Tổng Hành Dinh ra phố để “thăm dân cho biết sự tình”. Nhiệm vụ trước
mắt đòi hỏi phải báo cáo ngay cho vị tân
Tư Lệnh biết tinh thần binh sĩ, tinh thần dân chúng, tình hình tại Huế
ra thế nào.
Xe ra khỏi
Thành Nội, nơi đóng Bộ Tư Lệnh/TP, chạy ra phố chánh chạy dọc sông Hương
là đường Trần Hưng Đạo. Trước mặt, đây là phố buôn bán sầm uất nhất của
Huế với khu nhộn nhịp là chợ Đông Ba. Trước
đây, Đại Tá Nghĩa có dịp thăm viếng Huế nhiều lần. Hôm nay, ông ta cảm
thấy mình đang chạy xe trong một thành phố xa lạ. Huế đẹp và Huế thơ
thuở nào đã biến mất. Tiếng đại bác thỉnh thoảng vang lên ở xa là âm
thanh sống động, còn nơi đây, có vẻ là đất chết.
Lần lần Đại Tá Nghĩa ý thức được thực tế phũ phàng. Thành phố mến yêu
nầy đang trong cảnh hấp hối. Thực là đáng buồn và đáng sợ làm sao khi đi
trong một thành phố như thế. Nhà nhà đóng cửa có lẽ với tỷ lệ 98% từ
Thành Nội đến ngoại thành. Dân chúng Huế đã
quá kinh sợ những kỷ niệm đẫm máu của trận Mậu Thân. Họ sợ, quá sợ là
khác. Có thể trong nhà đóng cửa đó còn có một người ở lại coi chừng hay
là chủ nhà chưa kịp chạy đi Đà Nẵng vì sợ tai nạn trước mắt do một số
lính thất trận từ Quảng Trị chạy về biến thành
cướp. Ngoài đường thỉnh thoảng một người hoặc một tốp vài người xuất
hiện, không hẳn là lính vì quân phục không còn vẻ quân phục nhưng cũng
không phải là dân. Họ trông mệt mỏi với bộ mặt thiểu não, râu không cạo,
quần áo đầy bùn đất. Trong người họ chỉ còn
chút sống động là đôi mắt. Phần đông đôi mắt lờ đờ của những con chim
bị đạn, có đôi mắt hắt lên sự căm hờn không biết căm hờn thua trận hay
căm hờn cấp chỉ huy, có đôi mắt rực lên ánh lửa giết người của bọn cướp.
Mà đúng là cướp thật. Đại Tá Nghĩa nghe kể
chuyện vừa mới hôm qua, một đại úy bị một chú BĐQ chỉa súng vào bụng
trấn lột đồng hồ ngay trên Cầu Mới bắc qua sông Hương. Cảnh đó đang diễn
ra dài dài trong thành phố Huế. Không còn quan, không còn lính, không
còn nhà nước . Chỉ còn lại sự hỗn loạn, vô trật
tự, vô kỷ luật của một thành phố sắp nếm mùi chiến tranh, cái mùi mà
dân Huế đã kinh tởn tột cùng bốn năm trước khi được quân BV “giải phóng”
trong Tết Mậu Thân. Thỉnh thoảng lại gặp một gia đình thường dân nghèo
chạy loạn với đôi gióng gánh đựng đủ thứ đồ
thập cẩm, quần áo, mền gối, nồi niêu xon chảo. Điểm trên bức tranh quái
đản đó là lửa và khói từ chợ Đông Ba cuộn lên nền trời xanh. Hiện chợ
Đông Ba đang cháy mà không một ai buồn chữa lửa vì đêm trước một đám
lính vào cướp các cửa hàng trong chợ và cao hứng
đốt luôn chợ cho hả giận, không biết họ giận gì.
Chiến tranh
là một trò đời. Khi bên mình thắng thì không biết bao nhiêu cảnh vui vẻ
từ vòng hoa của một thiếu nữ e thẹn choàng lên cổ một anh chiến sĩ kiêu
hùng đến cảnh quân dân ta ôm hôn nhau thắm
thiết, hoa giấy, hoa thiên nhiên tung bay, rồi tiếng xích thiết giáp
hoà lẫn với tiếng rít của phi cơ, tiếng reo hò hân hoan của hàng vạn cổ
họng. Thật là vui. Nhưng khi phe mình thua, bỏ chạy, địch sắp kéo tới
thì kinh hoàng làm sao, nhất là kẻ địch là những
bậc anh hùng có thành tích giải phóng Huế năm 1968 và mới vài hôm trước
đây, trên quốc lộ 1, cảnh tàn sát lại tái diễn với qui mô lớn hơn giữa
những người Việt có súng và người Việt chạy loạn. Dân Huế lo chạy để tìm
cái sống, đúng là người người chạy, nhà
nhà chạy. Người ta chen nhau, đạp nhau chạy đến đổi một số xe đã lọt
xuống hố tại đèo Hải Vân. Một nỗi sợ không biết từ đâu phát ra xâm chiếm
mọi tâm hồn. Ai cũng sợ vì không biết ngày mai số phận của mình ra thế
nào, nhà còn không, vợ con còn không, bản thân
còn nguyên vẹn hay là mất tay, mất chân và nhiều cái nữa. Sự sợ hãi, sự
hỗn loạn là một bệnh dịch lây lan nhanh chóng trong một thành phố hấp
hối và làm tê liệt ý chí chiến đấu của những tay gan lì nhất.
Trong bầu
không khí đó, chỉ cần một tiểu đoàn người gầy nhom, đội nón cối, đi dép
râu xuất hiện tại Huế, có lẽ số phận của QK1 đã được định đoạt kéo theo
sự sụp đổ của VNCH và sụp đổ toan tính của
cặp bài trùng Nixon-Kissinger tìm một giải pháp rút lui danh dự cho Mỹ
để giữ cái ghế Tổng Thống cho ông Nixon thêm một nhiệm kỳ nữa.
Đại Tá
Nghĩa cảm thấy có cái gì nguy hiểm cho bản thân mặc dù ông ta đang đi
trong một thành phố mà quân mình còn làm chủ. Một cái gì rờn rợn có lẽ
là sợ đang lần lần xâm chiếm ông ta, khiến ông
ta vô tình đặt tay lên bá súng của khẩu Colt. May quá tại góc đường
Phan Bội Châu còn một chị bán thuốc thơm. Ông ta bảo tài xế dừng xe lại
bảo chị bán thuốc bán cho một gói thuốc thơm. Chị bán thuốc vừa thối
tiền vừa xuýt xoa: “Ơ kìa, sao ông Đại Tá còn ở
đây. Cháu thấy mấy ông tá chạy về Đà Nẵng hết rồi!”
Lần nầy,
Đại Tá Nghĩa cảm thấy bị một cú đập mạnh vào đầu. Cổ họng ông ta khô
lai. Tuy nhiên, phản ứng tự nhiên của một quân nhân từng gặp nguy hiểm
nhiều lần giúp cho ông ta giữ được bộ mặt bình
tỉnh trong lúc tim đập mạnh. Với giọng nói, cố giữ bình tỉnh, nên gần
như giả tạo, Đại Tá Nghĩa lớn giọng nói với chị bán thuốc:
- Nầy chị nói ai vậy?
- Cháu nghe
nói mà còn chính mắt thấy mấy ông lớn chạy về Đà Nẵng. Nghe nói Việt
Cộng gần tới rồi. Cháu bán sáng nay rồi chiều nay về Đà Nẵng bằng thuyền
của bà con.
Đại Tá Nghĩa chỉ cho chị bán thuốc huy hiệu QK IV đeo trên tay áo bên trái, nói thêm:
- Tôi cho
chị biết, tôi là toán quân tiền phong từ QK4 ra đây tiếp viện. Quân ta
nhiều lắm, đông như kiến, sẽ ra đến Huế vài hôm nữa. Cho chị biết thêm
là trong đoàn quân tiếp viện có nguyên một
Sư Đoàn Nhảy Dù, cả mấy chục ngàn người. Để rồi chị coi, tụi tui làm cỏ
VC, đuổi tụi nó về Bắc, lấy lại Quảng Trị chớ làm gì VC đụng tới Huế
được. Đừng chạy tốn tiền vô ích!
Mới ngày
đầu, Đại Tá Nghĩa đã không mất công sức đi một đường chiến tranh tâm lý!
Sau đó ngồi trên xe chạy đi, ông ta nghĩ ngay lúc nầy chỉ có cái đòn
tuyên truyền xám, hay là nói láo có vẻ như thật,
mới làm cho Huế lấy lại tinh thần, bỏ tâm lý chạy, từ đó tái lập được
trật tự mới mong đánh đấm được. Bằng không thì chỉ biết giao số phận cho
Đấng Tối Cao.
Ông ta lái
xe ra vườn hoa ở bờ sông Hương, giao xe cho tài xế coi chừng, một mình
xuống bậc thạch ngồi nhìn phong cảnh như một người nhàn hạ. Sự thực Đại
Tá Nghĩa không ngắm cảnh đâu. Ông ta đến
đây để cho những tư tưởng đối nghịch đang làm cho đầu ông ta nóng lên
dịu mát bớt. Lời chị bán thuốc đã làm cho ông ta sợ. Đây là lần thứ nhì
trong đời quân nhân, Đại Tá Nghĩa bị cái sợ dằn vật. Lần đầu tiên biết
sợ là khi còn là một thiếu úy mới ra trường,
lần đầu đụng chạm với thực tế chiến trường. Dần dần cái sợ cũng quen đi
rồi biến mất lúc nào không biết. Lần nầy, có lẽ ngoại cảnh hỗn loạn,
tuyệt vọng lớn quá. Ông ta tự nói:
“Bọn nhát
chạy hết. Hay là tụi nó khôn hơn mình. Tại sao mình ở lại đây để hứng
đạn. Mình ở lại đây hy sinh liệu có thay đổi được tình hình không? Nếu
bọn VC tiến tới nữa thì mình chạy đâu? Mình
là dân Saigòn không quen địa hình địa vật ở đây. Nếu mình chết vợ con
mình ra thế nào?”
Đại Tá
Nghĩa đã phì phà hết điếu thuốc thứ nhì hồi nào không hay. Ông ta đã
chứng kiến cảnh mua quan bán chức ở hậu phương, muốn làm tỉnh trưởng
chung bao nhiêu triệu, trưởng ty cảnh sát bao nhiêu
triệu, trưởng ty quan thuế bao nhiêu triệu và nhiều chuyện nôn mửa khác
như báo chí gọi một ông tướng là Quế tướng công. Đại Tá Nghĩa chiến đấu
không phải để bảo vệ những thứ bẩn thỉu đó mà ông ta đã phỉ nhổ không
tiếc lời với bạn thân. Nhưng cái gì làm cho
ông ta đánh nhau chết thôi, đó là cảnh dân MN không chấp nhận sống cuộc
đời nô lệ dưới ách Cộng Sản, hay nói cách khác chiến đấu để con người
Việt Nam được quyền sống như con người tự do, cái quyền mà ông ta cho là
thiêng liêng nhất trong tất cả loại nhân
quyền. Đại Tá Nghĩa còn một cái yếu là ông ta thương người nghèo, nhất
là người buôn gánh bán bưng. Ông ta cũng không hiểu tại sao thương những
người nầy. Ông ta chiến đấu để hy vọng sau nầy hết chiến tranh cuộc đời
bất hạnh của người nghèo bớt bất hạnh hơn.
Những tư
tưởng thoáng qua trong đầu Đại Tá Nghĩa nói lên cái yếu trong con người
của mọi quân nhân. Ai cũng biết sợ trước nguy hiểm, ai cũng còn ích kỷ
để mạng sống của vợ con lên bàn cân để cân
với số phận của toàn thể một dân tộc.
Đại Tá
Nghĩa tính đến chuyện có thể đào ngũ như bao nhiều người yếu tinh thần
khác và ông ta có cái cớ là không thể bảo vệ sự thối nát lâu hơn nữa.
Quẹt diêm
đốt điếu thuốc thứ ba, rít một hơi dài, bỗng ông chợt thấy trên đường,
một người đàn ông, có lẽ dân Quảng Trị chạy loạn với đôi gióng gánh đựng
bao nhiêu thứ tạp nhạp, với đôi mắt tuyệt
vọng thế nào trên một gương mặt mệt mỏi, cùng hai đứa bé đi theo. Không
thấy mẹ chúng nó đâu, có lẽ đã chết đâu đây trên đường chạy loạn. Bóng
người đàn ông thất thểu trên đường như lời nguyền rủa của Thượng Đế
trước cái tâm ác độc của con người. Ánh mắt tuyệt
vọng nầy đã ám ảnh Đại Tá Nghĩa trong bao nhiêu năm dài, có lẽ sẽ đeo
đuổi ông ta mãi đến trọn đời. Cũng đôi mắt tuyệt vọng nầy khiến cho một
luồng điện ở đâu đó không biết xẹt qua óc ông ta.
Ba chữ TỔ
QUỐC, DANH DỰ, TRÁCH NHIỆM in trên mũ Đại Tá của ông ta nhập vào tiềm
thức ông ta từ ngày ra quân trường mà ông ta không ngờ. Lần nầy không
biết là khói thuốc hay là dáng đi thất thểu của
người chạy loạn làm cho những chữ đó từ bộ nhớ trong tiềm thức vọt lên.
Ông ta bỗng nhiên tự thấy xấu hổ với chính mình khi có những tư tưởng
hèn yếu tội lỗi vừa rồi. Đại Tá Nghĩa vất thuốc đứng dậy lẩm bẩm: “Đ.M.
(đây là quân nhân MN chính cống) đánh đến
chết thôi! Hoặc tao chết hoặc mày chết”.
Đại Tá
Nghĩa về Bộ Tư Lệnh trình bày tình hình với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
và đề nghị một số biện pháp khẩn cấp để giữ trật tự cho Huế và giữ tinh
thần cho quân nhân.
Đài phát
thanh, truyền hình những lời quân nhân và dân chúng chuyền tai với nhau:
“Ông Tướóng Trưởng là một người nghiêm khắc nhất về mặt kỷ luật. Đừng
giỡn mặt với ông ta. Đã có một số quân nhân
đào binh, vô kỷ luật, cướp bóc bị bắt và bắn tại chỗ hay đưa về toà án
quân sự mặt trận và đưa ra bắn liền sau khi toà kêu án. Những quân nhân
bỏ trốn về Đà Nẵng cũng có một số bị bắn. Đã có nhiều đơn vị ở Trung
Ương ra Huế tiếp viện trong đó có quân Dù. Quân
ta bắt đầu phản công.”
Sự thật là
những ngày đầu khi Tướng Trưởng đặt chân lên Huế, khi hỗn loạn và cướp
bóc hoành hành dữ dội, chưa có một đào binh nào bị bắn và hình như suốt
cuộc chiến cho đến khi lấy lại Quảng Trị
chưa có một quân nhân nào bị bắt và bắn liền. Quân tiếp viện thì chỉ có
một Sư Đoàn Dù nhưng cả tháng sau mới ra tới QK1. Tuy nhiên có những
tay tỏ vẻ thông thạo tin tức đã quả quyết thấy lính Dù có mặt ở Gia Hội,
ở Kim Long v.v..
Suốt mấy
tuần đầu, Đại Tá Nghĩa đã tung ra đòn đánh giặc bằng mồm trong sự lo âu
hồi hộp không biết mặt trận tan vỡ lúc nào, sự xuất hiện của những chiếc
nón cối trên cầu Trường Tiền không biết lúc
nào.
May mắn cho
tất cả mọi quân nhân trong Bộ Tư Lệnh tiền phương, cái xấu không xảy
ra. Sư Đoàn 1 và Sư Đoàn TQLC đã gan lì chịu đựng thêm được sự yểm trợ
tối đa của Không Quân và Hải Quân Mỹ và Tổng
Thống Nixon nhất định không thương thuyết trên thế yếu Sự yểm trợ của
Không Quân và Hải Quân VN, các đòn tuyên truyền xám trong chiến tranh
tâm lý bắt đầu có tác dụng. Tâm lý sợ, ý muốn đào thoát về Đà Nẵng đã
bớt đi. Kỷ luật quân đội, một thời xem thường,
đã được mọi quân nhân tôn trọng. Binh sĩ rã ngũ từ mặt trận Quảng Trị
chạy về đã bằng lòng theo Quân Cảnh lên xe về trung tâm huấn luyện Văn
Thánh, nơi ông Tướng Trưởng làm chỗ tập trung tàn binh của đủ mọi thứ
binh chủng, tái huấn luyện và ghép vào đơn vị
tân lập. Triệu chứng rõ nét nhất của sự ổn định tình hình tại một thành
phố sát tiền tuyết là một số nhà đã bắt đầu mở cửa . Số đó càng ngày
càng tăng thêm. Mỗi ngày Đại Tá Nghĩa phấn khởi báo cáo với vị Tư Lệnh:
hôm nay ước lượng 10% nhà mở cửa so với 8%
hôm qua v.v..
o O o
Đến khi Sư Đoàn Dù ra Huế đầy đủ, cuộc sinh hoạt tại đây gần như trở lại bình thường.
Sau nầy khi
thấy những “nhà ái quốc” hải ngoại hăng tiết vịt đấu võ mồm với nhau,
Đại Tá Nghĩa không ngăn được chửi thề: “Mẹ kiếp! Phải các bố đem võ mồm
về VN đấu với CS thì hay biết chừng nào!
Đã ra thân ăn nhờ ở đậu nước ngoài vì mất nước mất nhà mà vẫn chưa biết
nhục; vẫn hãnh diện với cái tật chia rẽ, tay nào cũng vỗ ngực chỉ có ta
đây chống Cộng, ta đây ái quốc, tất cả những thằng khác đều là cò mồi.
Rồi lăn vào nhau đấu võ mồm làm trò cười
cho Cộng Sản và làm cho người bản xứ lẩm bẩm: đám nầy đều xưng chống
Cộng nhưng đánh nhau quá hăng thảo nào mà không mất nước!”
Đại Tá
Nghĩa lần lượt thăm các “thân chủ” là những đơn vị trưởng mà ông ta có
nhiệm vụ phối hợp công tác và nhờ sự giúp đỡ của họ vì ông ta thực sự
chỉ có hai bàn tay không và khẩu súng Colt bên
hông. Ông ta đi thăm Đại Tá Chu Văn Sáng – Chánh sở 1 ANQĐ-, Đại Tá
Dương Quang Tiếp- Giám Đốc Cảnh Sát QK1, trưởng đoàn công tác của đơn vị
Tình Báo chiến trường 101 tại QK1; Đại Tá Lê Văn Hai- Chỉ huy trưởng
đoàn công tác của Nha Nghiên Cứu tại QK1, Đại
Tá Phó trưỏng phòng II Bộ Tư Lệnh/TP, Đại Tá Phan Phiên- Tham mưu phó
Chiến Tranh Chính Trị, Đại Tá (sau lên Phó Đề Đốc) Hồ Văn Kỳ Thoại- Tư
Lệnh Hải Quân Vùng I, Đại Tá (sau lên Chuẩn Tướng) Nguyễn Đức Khánh- Tư
Lệnh Sư Đoàn I Không Quân.
Mặt trận ổn
định đã dần dần đưa đến sự thay đổi tương quan lực lượng khi vị Tư Lệnh
chiến trường có thêm Sư Đoàn Dù đầy đủ tại Huế, cộng thêm một Liên Đoàn
BĐQ, một Thiết Đoàn Chiến Xa M48 tối tân
hơn M41, nhiều Tiểu Đoàn pháo tự hành 175 ly có tầm bắn xa tương đương
với pháo 122 ly và 130 ly của địch.
Trên mặt
trận phía Tây, các đơn vị Sư Đoàn 1 lần lượt tái chiếm các vị trí đã mất
trước kia sau nhiều trận giao tranh đẫm máu. Nổi bật nhất là trận tái
chiếm căn cứ Bastogne. Nhờ chiếm lại các vị
trí nầy mà Bộ Tự Lệnh/TP mới hết bị pháo kích. Ở mặt trận Bắc, quân BV
đã trở lại thế thủ và không ảnh cho thấy họ tổ chức các công sự phòng
thủ vững chắc tại vị trí họ chiếm đóng từ sông Thạch Hãn (Bắc Quảng Trị)
đến sông Mỹ Chánh (Nam Quảng Trị). Lực lượng
phòng thủ ước lượng trên một quân đoàn, chia làm hai bộ phận. Bộ phận
tiền tuyến cỡ hai sư đoàn. Sau một thời gian bị hao hụt trong tác chiến,
bộ phận tiền tuyến lui về tuyến sau để cho hai sư đoàn khoẻ lên thay.
Trên mặt
trận chỉ có giao tranh lẻ tẻ của bộ binh hai bên làm nhiệm vụ thám sát.
Trận chiến chính yếu diễn ra giữa pháo binh đôi bên. Theo sự ước tính
của P2 Bộ Tư Lệnh/TP, số đạn pháo hai bên rót
vào trận địa của nhau như sau: bên MN 60000 quả trung bình mỗi ngày gồm
đủ loại pháo trên bờ và dưới biển chưa kể bom của Không Quân chiến
thuật và phi vụ B52. Phía BV, mỗi ngày bắn khoảng 10000 quả. Trên một
trận địa nhỏ hẹp như khu vực Quảng Trị, hoả lực
pháo binh của đôi bên sử dụng thật là khủng khiếp và không kém một mặt
trận nào trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Về Đại Tá
Nghĩa, ông ta bận rộn với cuộc chiến tranh phi quy ước bên lề cuộc chiến
quy ước. Ông ta nhờ Đại Tá Phan Bá Hoà, tỉnh trưởng Quảng Trị giới
thiệu để tuyển mộ một số dân vệ tỉnh Quảng Trị
chạy thoát được về Huế. Những chiến sĩ tình nguyện nầy được huấn luyện
đánh du kích, võ trang nhẹ nhàng, sau đó thâm nhập trở lại Quảng Trị
đang bị quân BV chiếm đóng để khuấy rối hậu phương địch. Đại Tá Nghĩa
còn vươn cánh tay chiến tranh ngoại lệ ra xa trên
đường mòn Hồ Chí Minh, phía sườn Tây của chiến trường với các toán Biệt
Kích Dù của Đại Tá Hai. Người ngoài cuộc không rành tổ chức chiến đấu
bí mật nầy gọi chung một danh từ là “biệt kích dù”. Đây là những con
người can trưòng được huấn luyện đặc biệt, trang
bị đặc biệt. Họ hoạt động từng toán 4 đến 5 người do một sĩ quan cấp úy
chỉ huy. Họ được đưa vào hậu tuyến địch bằng cách nhảy dù hay được xâm
nhập bằng trực thăng khi địa hình cho phép. Nhiệm vụ các toán nầy là
quan sát các đơn vị, cơ sở địch và báo cáo về
bộ chỉ huy để nơi nầy liên lạc với Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn cho
phi cơ oanh kích. Nơi nào nằm trong tầm pháo binh thì dùng pháo tiêu
diệt. Họ còn có nhiệm vụ phá hoại các cơ sở chỉ huy, các kho tiếp tế,
đạn dược của địch cũng như khi cần thì đặt mìn trên
các trục giao thông của địch. Sự thiết kế để mở một cuộc hành quân biệt
kích như vậy rất phức tạp, từ nghiên cứu không ảnh, nghiên cứu địa
hình, bãi đáp, cách thức xâm nhập, hệ thống liên lạc, xuất thoát. Về
phần kỹ thuật thiết kế hành quân do Bộ Tham Mưu
của Đại Tá Hai đảm nhiệm. Những khu vực hoạt động, nhiệm vụ riêng biệt,
phối hợp hoạt động do Đại Tá Nghĩa ấn định với Đại Tá Hai theo nhu cầu
chiến trường của Trung Tướng Trưởng. Ngoài những toán đang hoạt động
thực sự, Đại Tá Nghĩa còn có 5 toán giả để chơi
trò hư thực với địch. Những toán giả nầy cũng liên lạc với bộ chỉ huy
và thỉnh thoảng nhận lệnh từ bộ chỉ huy như các toán thực. Đại Tá Nghĩa
được tình báo bạn cho biết là phía BV có một toán tình báo kỹ thuật do
Tiệp Khắc yểm trợ để yểm trợ cho chiến trường
Trị Thiên. Nhiệm vụ của toán nầy là tìm vị trí các đài phát thanh vô
tuyến và giải mã các công điện mật. Họ đúng là đồng nghiệp của P7 Bộ TTM
Quân Lực VNCH.
Dọc bờ biển
của địch, Đại Tá Nghĩa đã tung các toán người Nhái biệt kích của Liên
Đoàn Người Nhái Hải Quân để thu thập tin tức và phá hoại. Công tác của
các toán người Nhái nầy được Trung Tướng Trưởng
đánh giá cao.
Về phưong
tiện hoạt động, Đại Tá Nghĩa có một bộ tham mưu nhỏ gồm hai sĩ quan do
Sở 1 An Ninh Quân Đội (ANQĐ) biệt phái là Thiếu Uý (sau lên Trung Úy)
Trúc và Đại Uý Vệ và bốn Hạ Sĩ Quan do Phòng
ANQĐ của Bộ Tư Lệnh/TP lựa lọc và thanh thoả an ninh. Thật may cho Đại
Tá Nghĩa, hai sĩ quan biệt phái tuy mới lần đầu làm việc với ông ta, tỏ
ra là những cộng sự viên đắc lực, tận tâm với công việc giao phó, làm
việc hết mình nhất là trong bầu không khí chiến
tranh, việc làm không giờ giấc, có việc là phải làm. Bộ tham mưu chiến
tranh ngoại lệ nầy ít người đến mức không ai ngờ lại là công cụ hết sức
hữu hiệu giúp cho Đại Tá Nghĩa điều hành những mặt trận khác nhau của
trận chiến tranh kỳ cục nầy.
Giờ giấc
làm việc của Đại Tá Nghĩa cũng kỳ cục như công việc của ông ta. Buổi
sáng, sau khi nghe thuyết trình về tình hình địch bạn trong 24 giờ qua,
ông ta đi làm việc với các “thân chủ” khác nhau
ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố. Người ngoài cuộc có lẽ lấy
làm lạ, sao có một viên đại tá của Bộ Tư Lênh/TP không có việc làm, chạy
rong chơi ngoài đường như thế nầy. Buổi chiều, ông ta ngồi ở bàn giấy
kế bên bàn của Chánh Văn Phòng trong phòng
lớn dùng làm văn phòng Tư Lệnh vừa là phòng chờ đợi. Khách đến thăm
Trung Tướng Trưởng đủ hạng người, đa số là chỉ huy trưởng đơn vị. Ngoài
ra còn phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình quốc tế và trong
nước. Thỉnh thoảng có những nhân vật cao cấp của
chính phủ Trung Ương, các nhân vật chính trị, các đoàn thể nhân dân ủy
lạo binh sĩ. Khi ngồi chờ đợi được vị Tư Lệnh chiến trường tiếp, có lẽ
họ ngạc nhiên thấy trong phòng đó có một viên đại tá hình như rỗi việc
nhất tại Bộ Tư Lệnh, nơi mà mọi người làm việc
tất bật. Viên sĩ quan nầy, trước mặt là một chồng báo, ngồi đọc báo một
cách an nhiên tự tại, thỉnh thoảng ngừng phì phà vài hơi thuốc. Ít có
ai đến tiếp xúc chuyện vãn với ông ta. Trông ông ta giống như mấy người
ăn không ngồi rồi, vào công viên, ngồi trên
băng đọc báo, thưởng hoa.
Người nào
có làm việc trong Bộ Tư Lệnh dưới quyền Trung Tướng Trưởng mới biết ông
ta nghiêm khắc thế nào đối với thuộc cấp trong giờ làm việc. Đừng nói
chi ngồi đọc báo, chỉ tụm lại đấu láo vài câu
cho đầu óc thư thả khi làm việc quá nhiều cũng ít có sĩ quan tham mưu
nào dám làm trong bầu không khí “làm việc hết mình” tại Bộ Tư Lệnh/TP.
Ở đâu mà có
một nhân vật nhàn hạ, một con chim lạ lạc vào không khí chiến tranh
nầy! Đúng là chiến tranh thật vì thỉnh thoảng pháo tầm xa BV từ phía Tây
Huế nã đạn vào Bộ Tư Lệnh. Trận pháo kích
nầy kéo dài cả tháng trước khi các vị trí pháo binh địch bị Sư Đoàn 1
chiếm cứ. Nhờ phước lành của Ơn Trên, sĩ quan pháo binh BV có lẽ là
chính gốc bần cố nông chưa biết tính toán nên bắn hoài mà không trúng
toà nhà lầu cao và lớn nhất trong khu vực làm trụ
sở cho Bộ Tư Lệnh/TP.
Nhân vật
nhàn hạ nầy là Đại Tá Nghĩa được Trung Tướng Trưởng giao thêm cho một
nhiệm vụ. Buổi chiều ông ta phải đọc một núi báo và tin tức các hãng
thông tấn quốc tế, các đài phát thanh kể luôn bản
kiểm thính đài Hà Nội và đài Giải Phóng để làm một bản tổng kết tình
hình chiến lược và thuyết trình cho vị Tư Lệnh khi hết khách.
Trong chiến
tranh, khi yếu ta phòng thủ, khi mạnh ta tấn công. Quân Đoàn 1 hiện
đang ở thế mạnh đối với quân BV. Nhu cầu chính trị của Tổng Thống Thiệu
là phải tái chiếm Quảng Trị trùng hợp với mục
tiêu của Tổng Thống Nixon về vấn đề Việt Nam trong cuộc chạy đua vào
Toà Bạch Ốc nhiệm kỳ 2. Lấy lại Quảng Trị tất nhiên phải đổ nhiều máu,
có thể rất nhiều máu của quân sĩ Bắc cũng như Nam. Phía Mỹ đã yểm trợ
mạnh mẽ Không Quân và Hải Pháo để cho các đơn
vị VNCH củng cố lại mặt trận sau khi Sư Đoàn 3 tan rã và một phần tỉnh
Quảng Trị bị chiếm. Quân BV bây giờ đang xây dựng các hệ thống phòng thủ
mạnh mẽ chứng tỏ họ có ý định ở lại Quảng Trị vĩnh viễn.
Chuyện tái
chiếm lại Quảng Trị cũng là nỗi ám ảnh của quân nhân các cấp ở Quân Đoàn
1 vì quân nhân ở bất kỳ nơi đâu và thời đại nào cũng có chung một tâm
trạng: không chấp nhận thua và rủi bị thua
là phải phục thù nếu có cơ hội. Cơ hội đây là ý muốn của cấp lãnh đạo
chính trị, nhất là về phía Mỹ họ sẽ yểm trợ tối đa về Không Quân, Hải
Quân và Tiếp Vận. Cơ hội cũng là tình trạng tương quan lực lượng có lợi
cho miền Nam.
Sự tái chiếm Quảng Trị đã được quyết định.
Một ngày
tháng 7, một phiên họp tối cao và tối mật diễn ra tại Bộ Tư Lệnh/TP dưới
sự chủ toạ của Trung Tướng Trưởng. Tham dự có Trung Tướng Lâm Quang
Thi- Tư Lệnh phó, Thiếu Tướng Hoàng Văn Lạc-
tân Tham Mưu trưởng thay thế Tướng Nguyễn Duy Hinh được chỉ định làm Tư
Lệnh Sư Đoàn 3 tân lập hiện đang được tái huấn luyện và trang bị tại
một căn cứ cạnh Đà Nẵng. Về đơn vị trưởng có mặt các tướng Lê Quang
Lưỡng- Tư Lệnh Sư Đoàn Dù, Bùi Thế Lân- Tư Lệnh
Sư Đoàn TQLC, Tư Lệnh Sư Đoàn 1, Tư Lệnh Lữ Đoàn Thiết Giáp, Tư Lệnh
BĐQ, Tư Lệnh Không Quân, Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1. Sĩ quan Bộ Tư Lệnh có
Đại Tá Nghĩa- phụ tá đặc biệt, Đại Tá Thân- phụ tá Hành Quân, các trưởng
phòng 1, 2, 3, 4 và chỉ huy trưởng Bộ Chỉ
Huy Tiếp Vận Vùng 1.
Sau khi
trưởng phòng 2 trình bày tình hình địch, trưởng phòng 1 tình hình quân
số, trưởng phòng 4 tình hình tiếp vận, Trung Tướng Trưởng cho biết ông
ta quyết định tấn công lấy lại Quảng Trị và khu
vực lãnh thổ Quảng Trị chạy dài đến sông Thạch Hãn, giới hạn của cuộc
tấn công. Ý định điều quân của Tư Lệnh: sử dụng hai Sư Đoàn Dù và TQLC
được tăng phái Thiết Giáp, Pháo Binh và BĐQ bố trí thành hai cột tiến
song song từ Nam lên Bắc. TQLC cột phải, Dù cột
trái. Mục tiêu là tỉnh lỵ Quảng Trị. Giới hạn tấn công ở sông Thạch
Hãn. Tuyến xuất phát từ sông Mỹ Chánh. Ngày N tấn công sẽ cho biết sau
trong lệnh hành quân. Hành quân được đặt cho mật danh Lam Sơn 72.
Tướng Trưởng ngừng lại một chút rồi tiếp tục:
- Trong
cuộc tấn công nầy sự bảo mật tuyệt đối là một điều tối cần thiết, một
trong những yếu tố thành công. Để phụ vào sự bảo mật mà các đơn vị
trưởng áp dụng trong phạm vi đon vị cơ hữu, cần phải
làm cho địch hiểu lầm về ý định hành quân của ta, nghĩa là phải đánh
đòn “Dương Đông Kích Tây”. Trong ý định đó, Đại Tá Nghĩa được chỉ định
mở cuộc hành quân lừa địch nầy. Kế hoạch hành quân lừa địch được gọ là
phụ bản G của lệnh hành quân Lam Sơn 72 không
phổ biến cho bất kỳ giới chức nào. Đại Tá Nghĩa sẽ trình bày riêng cho
tôi lệnh hành quân của ông ta càng sớm càng tốt. Khi cần yểm trợ của các
đơn vị, Đại Tá Nghĩa sẽ trình bày miệng với đơn vị trưởng.
Lệnh hành
quân của QLVNCH làm theo mẫu của Quân Lực Mỹ mà các sĩ quan đi học các
khoá Chỉ Huy và Tham Mưu trung và cao cấp được huấn luyện kỹ để viết ra.
Thông thường lệnh hành quân ở cấp nào cũng
có ba phụ bản: phụ bản 1 là tình hình địch do phòng 2 cung cấp; phụ bản
2 là kế hoạch tiếp vận do phòng 4 cung cấp, phụ bản 3 là đặc lệnh
truyền tin. Lần nầy và lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến tranh trên
chiến trường Việt Nam, lệnh hành quân lại có thêm
một phụ bản gọi là phụ bản G không phổ biến. Đây là kế hoạch hành quân
lừa địch.
Sau buổi
họp, Đại Tá Nghĩa ngồi thừ lại ở phòng họp trong đầu nghĩ vẩn vơ: ” Lừa
địch, C&D, Dương Đông Kích Tây ! Quái, ngày xưa Tôn Võ Tử, ngày nay
các lý thuyết gia quân sự, tại sao các ngài lại
bày trò chơi chữ cho khổ thân con thế này! Lừa địch, nguyên tắc nghe
hay lắm nhưng lừa cách nào bây giờ?. Mà địch là thằng chuyên môn lừa
đảo, ăn gian nói dối . Trong môn lừa đảo phải nhìn nhận nó là bậc sư. Nó
đã lường gạt toàn thể dân tộc Việt Nam và cả
thế giới để từ con số không mà tạo ra cơ nghiệp ngày nay. Lừa gạt CS
khác gì mình đi gạ một thằng chuyên tráo bài ba lá đánh bạc với mình để
mình ăn gian nó! Mẹ kiếp! Đúng là số con rệp, lúc nào cũng được giao
những nhiệm vụ kỳ cục nhất trong cuộc chiến này.
Mình cũng đã trổ tài lừa đảo khi mới đầu cuộc chiến để trấn an dân
chúng và giữ vững tinh thần binh sĩ. Nhưng ngón tuyên truyền đó nhắm vào
phe ta, làm gì gạt được thằng Cộng trong trận tấn công nầy. Khổ thật!”
Đại Tá
Nghĩa rời phòng họp ra thẳng nhà Thủy Tạ bên sông Hương kêu một tách cà
phê. Nhà Thủy Ta nầy là Câu Lạc Bộ Club Nautique khi trước. Sau khi tạm
đóng cửa trong những ngày hỗn loạn tại Huế,
Câu Lạc Bộ mở cửa lại. Nếu là du khách hay người rỗi rảnh công việc,
buổi sáng đẹp trời ra balcon nhà Thủy Tạ nhâm nhi một tách cà-phê nhìn
sông Hương lững lờ trước mắt, xa xa những rặng núi xanh chen chúc in
hình lên nên trời xanh phía Tây Huế, thì thật là
thú vị cho những người biết thưởng thức thiên nhiên.
Hôm nay
cũng dòng sông lững lờ đó, những rặng núi xanh đó mà Đại Tá Nghĩa hình
như không ý thức được sự hiện diện. Đầu óc ông ta quay cuồng với hai chữ
“làm sao?”. Ông ta nghĩ phải chi hồi nãy Trung
Tướng Trưởng nói thêm một câu như thế nầy phải dễ dàng cho mình biết
bao nhiêu:”Nhiệm vụ của Đại Tá Nghĩa thật đặc biệt mà cũng thật khó
khăn. Tôi mong toàn thể đơn vị trưởng, vì lợi ích chung, triệt để giúp
đỡ Đại Tá Nghĩa khi ông ta cần.”
Ông ta ao
ước phải chi người ta giao cho mình một trung đoàn thiện chiến để đánh
nhau thì thú biết mấy vì không phải nhức óc như hiện tại. Nếu mình thành
công thì đỡ tốn xương máu cho anh em Dù và
TQLC. Nhưng dễ gì thành công trong hoàn cảnh chiến trường như vầy với
phương tiện cơ hữu mình có trong tay như bây giờ. Bao nhiêu “cái phải
chi” diễn qua óc, cuối cùng cái chất nghệ sĩ đã giúp Đại Tá Nghĩa tìm
thấy ánh sáng mặc dù còn lờ mờ.
Trong khi
học Chỉ Huy Tham Mưu cao cấp nơi người ta dạy về Chiến Thuật và Cao Đẳng
Quốc Phòng nơi dạy về Chiến Lược, Đại Tá Nghĩa thường tranh luận với
đồng bạn về quan niệm tiến bộ kỹ thuật nhất
là môn điện tử ảnh hưởng đến chiến lược và chiến thuật thế nào. Đa số
cho rằng tiến bộ kỹ thuật sẽ đảo lộn các nguyên tắc chiến tranh. Có
người cực đoan hơn cho rằng chiến lược, chiến thuật là những quan niệm
cổ lổ sỉ trong chiến tranh cổ điển. Họ nghĩ rằng
với sự tiến bộ của môn điện tử áp dụng vào các hệ thống phóng hoả lực
vào mục tiêu địch, không cần chiến thuật, chiến lược. Thằng ngu nào cũng
có thể chỉ huy, chỉ cần dám thò tay nhận nút là đủ. Đại Tá Nghĩa thì
nghĩ khác. Các tiến bộ của môn điện tử trong
các loại vũ khí và quân dụng giúp cho người cầm quân biết vị trí của
địch rõ hơn, có hoả lực bắn chính xác hơn. Những tiến bộ nầy chỉ ảnh
hưởng đến chiến thuật tức là sự đụng độ trên chiến trường giữa hai lực
lượng thù địch. Tiến bộ đó rút ngắn thời gian tác
chiến, tiết kiệm xương máu, rút ngắn thời gian nếu biết khai thác về
chiến lược. Riêng về chiến lược và những nguyên tắc chiến tranh là những
yếu tố ít bị ảnh hưởng của tiến bộ kỹ thuật. Cứ nhìn quân đội Mỹ đánh
nhau với CSBV. Trên thế giới nầy chưa có quân
đội nào trang bị những máy móc tối tân bằng quân đội Mỹ trong việc dò
tìm địch, sự chính xác của pháo binh trên bờ, dưới biển và sự chính xác
của trái bom Không Quân. Thế mà Mỹ có thắng được BV đâu. Mỹ không thắng
là do lỗi lầm chiến lược chớ về kỹ thuật điện
tử trong dụng cụ chiến tranh, có nước nào bằng Mỹ nổi. Như thế phải trở
về vấn đề chiến lược.
Chiến lược
trước hết là một nghệ thuật, nghệ thuật làm sao mạnh hơn địch khi địch
đánh ta hoặc ta tấn công địch mặc dầu lực lượng ta yếu hơn địch như danh
tướng Napoléon đã nói. Mà đã nói nghệ thuật
thì phải nói đến người nghệ sĩ dầu đó là “nghệ thuật đánh nhau”. Khi
nói đến nghệ sĩ là nói đến sư sáng tạo của chất xám. Lúc ở trong phòng
họp Đại Tá Nghĩa có ý nghĩ trách Trung Tướng Trưởng giao nhiệm vụ mà
không nói đến phương tiện. Bây giờ ông vỡ lẽ ra
ông đã trách lầm vị chỉ huy của mình. Trong trận đánh Dương Đông Kích
Tây, phương tiện ở trong đầu mình. Tất cả do mình biết vận dụng phương
cách đó hay không. Mà vận dụng phương tiện trong đầu là sáng tạo, không
ngớt sáng tạo chớ còn gì nữa.
Đại Tá
Nghĩa khoan khoái rời nhà Thủy Tạ và đến gặp Đại Tá Tiếp Cảnh Sát. Hôm
qua ông ta báo cáo cho Đại Tá Nghĩa biết một nhân viên đặc biệt của ông
ta mới phát giác một ổ tình báo của BV tại Huế
dưới ngụy tích là một con đò trên sông Hương chở khách đi tìm hoa. Dưới
đò có một cô gái độ 30 tuổi người Quảng Trị, với sắc đẹp khêu gợi, là
nhân viên nồng cốt của tổ chức tình báo nầy. Đã có vài khách tìm hoa là
sĩ quan hào hoa trong những màn ái ân nẩy
lửa trên sông Hưong đã vô tình tiết lộ cho người đẹp nhiều tin tức quý
giá.
Đại Tá Tiếp
xưa là đàn em của Đại Tá Nghĩa nên lối nói chuyện với thượng cấp cũ rất
thân mật. Sau khi kể cho Đại Tá Nghĩa trường hợp nào nhân viên đặc biệt
của ông ta phát giác được tổ quỷ nầy, Đại
Tiếp đặt câu hỏi: “Sao anh Năm, chừng nào anh cho lịnh hốt ổ đây?”
Đại Tá Nghĩa nhìn thẳng vào mặt Đại Tá Tiếp hỏi lại:
- Chú thấy bắt nó lợi hay nuôi nó lợi hơn?
Ngừng một chút, ông ta tiếp:
- Tôi đang
có liều thuốc độc muốn chuyển đến cha con nó. Tôi tin nội công của chú
trong nghề nầy cũng thâm hậu lắm rồi nên mới giao cho chú làm chuyện khó
khăn nầy. Chú nhớ công tác tối mật nhé.
Đây là những việc chú phải làm:
Thứ nhất
cho canh chừng thường trực mục tiêu. Nhớ lựa nhân viên canh chừng cho
kỹ. Không cho bất kỳ cơ quan an ninh nào, Cảnh Sát Đặc Biệt, An Ninh
Quân Đội bắt nếu họ phát giác. Nói là có lịnh của
tôi bảo nuôi.
Thứ nhì,
tìm một sĩ quan người Nam bảnh trai, đặc biệt là nhậu không say, đóng
vai một đại úy Nhảy Dù hào hoa để bắt bồ với người đẹp. Đưa viên sĩ quan
nầy đến gặp tôi liền nếu chú tìm được và thanh
thoả an ninh.
Từ giã Đại
Tá Tiếp, Đại Tá Nghĩa vào văn phòng nói với Trung Tá Đức, Chánh Văn
Phòng, trình lại ông Tướng là ông sẽ đi công tác một tuần lễ, không có
mặt tại Bộ Tư Lệnh.
Luôn ba
ngày sau, sáng nào Đại Tá Nghĩa cũng ra nhà Thủy Tạ uống cà-phê. Ông ta
ngồi lại rất lâu có khi đến trưa rồi kêu lên một dĩa cơm ăn luôn tại đó.
Bình thường ông ta hút thuốc rất điều độ,
ba điếu một ngày sau mỗi bữa ăn. Nhưng những lúc bắt bộ óc làm việc với
tốc độ cao, ông hút hết điếu này qua điếu khác. Có khi vừa châm một
điếu, chỉ rít một hơi rồi suy nghĩ làm ông ta quên, thẩy điếu thuốc mới
đốt. Ông ta cười các bác sĩ nghiên cứu tác hại
của thuốc lá, khuyên bỏ thuốc vì nói hại đủ chuyện đến sức khoẻ. Điểm
đó đồng ý nhưng các vị nầy quên khía cạnh lợi của nó đối với các nghệ
sĩ. Các vị đó hãy nghe bài thơ Chiều của thì sĩ nào đó hình như là Hồ
Dzếnh được phổ nhạc tuyệt vời trong đó có khói
thuốc. Với người khác thì không biết nhưng đối với con người nửa lính
nửa nghệ sĩ như cá nhân ông, khói thuốc là chất kích thích cho hoạt động
trí não. Có lẽ nhờ nó mà bao nhiêu cảm hứng, ý kiến hay ho từ chất xám
quyện lại với khói thuốc để sau cùng biến
thành tư tưởng có mạch lạc, có hệ thống. Tuy nhiên, lần này hình nhu
khói thuốc mất công dụng. Luôn ba ngày đã đốt không biết bao nhiêu điếu
thuốc nhưng những câu hỏi hóc búa làm ông ta nhức đầu vẫn chưa tìm ra
câu trả lời thoả đáng.
Câu hỏi đầu
tiên: “Địch biết ý định tấn công của ta không?” Câu trả lời là tình báo
CS chỉ cần đọc các điện báo (télégramme de presse) hàng ngày của thông
tín viên quốc tế tại Việt Nam, các lời tuyên
bố của các giới chức cao cấp Mỹ – Việt thì ý định đó rõ như ban ngày.
Kết luận không thể dấu được.
Câu hỏi thứ
nhì: “Mục tiêu tấn công”. Tại QK1, trong tình thế hiện tại, không có
mục tiêu tấn công nào có giá trị chiến lược hơn Quảng Trị nghĩ là tác
động đến tình hình chính trị. Với cách bố quân
hiện tại thì một anh sĩ quan tham mưu bạch diện thư sinh nào cũng thấy
mục tiêu hợp lý nhất nằm trong hai chữ “Quảng Trị”. Không thể nào gạt
được địch về mục tiêu tấn công ví dụ làm cho họ tin rằng tấn công sẽ
hướng mũi về sườn Tây, tuyến của Sư Đoàn 1 hoặc
về phía Nam, tuyến của Sư Đoàn 2.
Trong điểm
nầy, Đại Tá Nghĩa thấy các bạn đồng nghiệp phụ trách C&D trong quân
đội Đồng Minh hồi Thế Chiến II đã may mắn hơn ông nhiều. Họ có nhiều
điểm làm cho quân Đức phân vân không biết Đồng
Minh đổ bộ ở đâu để giải phóng Âu Châu trên bờ biển Pháp đối diện với
đảo quốc Anh? Nếu quân Đức tin là phía Bắc thì họ còn phân vân giữa bờ
biển Normandie hay Pas de Calais gần trung tâm Bá Linh hơn? Những người
phụ trách chiến dịch Dương Đông Kích Tây trong
cuộc đổ bộ Normandie có rộng không gian điều động hơn Đại Tá Nghĩa
nhiều. Hành quân Pôle Nord đã thành công gạt được Hitler tin rằng điểm
đổ bộ chính là Pas de Calais. Normandie chỉ là hư chiêu. Tuy nhiên hành
quân nầy đã phải hy sinh một số kháng chiến quân
Hoà Lan để cho địch tin.
Suy nghĩ nát nước, Đại Tá Nghĩa đành phải chấp nhận là không thể che dấu được mục tiêu tấn công.
Câu hỏi thứ
ba: “Lực lượng tấn công”. Ở điểm nầy chỉ cần đọc báo cũng biết tại QK1
chỉ có hai đơn vị có khả năng tấn công và cũng là hai đơn vị thiện chiến
nhất của MN: Sư Đoàn Dù và Sư Đoàn TQLC
cộng thêm BĐQ không hơn một Lữ Đoàn và một Thiết Đoàn Chiến Xa mới M48.
Các sư đoàn cơ hữu của QĐ1 hiện đang kẹt cứng. Sư Đoàn 2 kẹt với mặt
trận Quảng Ngãi, Sư Đoàn 1 kẹt ở sườn Tây Huế, Sư Đoàn 3 chưa hoàn tất
tái thành thành lập ở Đà Nẵng.
Kết luận là không thể giấu được tầm vóc của đám tấn công.
Câu hỏi thứ
tư: “Thời gian tấn công” hay là ngày N của hành quân Lam Sơn 72. Hiện
giờ chưa ấn định dứt khoát nhưng có thể che giấu được nếu áp dụng triệt
để quy luật an ninh tài liệu và an ninh công
tác cộng thêm với công tác lừa địch.
Sau khi suy
nghĩ nát nước về tất cả vấn đề đặt tra trong hành quân lừa địch nầy,
Đại Tá Nghĩa ngao ngán đành tạm kết luận: “Đứng về phía địch nhận xét, ý
định tấn công, mục tiêu tấn công, lực lượng
rõ như ban ngày không thể nào lừa được ở những điểm nầy. Về thời gian
tấn công, nếu bảo mật giỏi thì cũng giấu được ngày N là ngày nào, còn
khoảng thời gian nào thì không giấu được vì công việc chuẩn bị một cuộc
tấn công lớn không thể nào che giấu được tai
mắt của địch ở chung quanh các đơn vị lớn của phe ta.”
Sau ngày
đầu thoáng thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, Đại Tá Nghĩa lại thấy mình
lâm vào một mê hồn trận không lối thoát. Đúng là bài toán không có đáp
số hay là mình còn ngu muội không thấy đáp số.
Đại Tá Nghĩa lầm bầm một mình sau khi rời khỏi nhà Thủy Tạ với dáng
điệu khổ não của một anh chàng thua bạc.
Qua ngày
thứ tư, Đại Tá Nghĩa không ra nhà Thủy Tạ uống cà-phê nữa. Ông bảo tài
xế lái xe lên chùa Thiên Mụ. Con người thất vọng cuộc đời đen bạc nầy
định quy y chăng? Nếu thế thì khá tiếc vì tuồng
hát mới kéo màn sơ đoạn đầu đã sớm hạ màn với chữ Vãng tòn ten trên màn
nhung . Khán giả đã mua vé rồi đời nào chịu như vậy! Đại Tá Nghĩa là
bầu gánh cũng đâu chịu như vậy!
Không, Đại
Tá Nghĩa không phải là người dễ dàng bỏ cuộc. Sở dĩ hôm nay lên đây là
ông ta hy vọng đắm mình trong khung cảnh thoát tục của chùa, quên hết
những gì suy nghĩ trong mấy ngày qua, đầu óc
sẽ minh mẫn hơn, may ra có những tia sáng huyền diệu nào từ vô thức dấy
lên. Có thể là trực giác một đôi khi bén nhạy của ông ta hướng dẫn hành
động có vẻ lẩn thẩn như vậy.
Đến chùa,
Đại Tá Nghĩa xin phép vị trụ trì cho vào lễ Phật. Ông ta dâng hương, quỳ
lạy với tất cả lòng thành khẩn trước tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, xin
Người từ bi tha thứ cho kẻ trần tục mê muội
đã phạm bao nhiêu lỗi lầm trong cõi trần tục lụy nầy, nay biết ăn năn
hối ngộ đến vọng bái Người để xin tình thương bao la của Người . Sau đó,
ông ta ra vườn hoa ngắm cảnh. Không khí hoà bình, thanh tịnh nơi đây
giúp cho Đại Tá Nghĩa thấy dễ chịu hơn. Đâu
đây tiếng líu lo của những con chim khuyên làm cho ông ta cảm thấy cất
đi được quả tạ to lớn đã đè lên óc từ mấy ngày qua. Từ vườn hoa, ông ta
xem bảo tháp, nhìn tượng hai ông Thiện-Ác trước cửa rồi ra trước chùa
ngồi xem sông Hương êm đềm dưới chân đồi. Ông
ta ngồi đó không biết bao lâu trong cảnh thân tâm an lạc. Không có thời
gian, không có luôn thế gian với chiến tranh, tội ác. Không có lo nghĩ
gì hết. Đúng là thoát tục.
Cảnh thiên
thai trong tâm kéo dài không biết bao lâu. Bỗng nhiên nhiều tiếng đại
bác phía Lăng Gia Long lôi Đại Tá Nghĩa về thực tại. Lần nầy tự nhiên
ông ta nhìn thấy một giải pháp cho những vấn
nạn đã hành hạ tâm thức ông mấy ngày qua . Không biết giải pháp đúng
hay sai, hay hoặc dở nhưng ít ra đó cũng là giải pháp.
Lần nầy với
cái đầu thư thả, ông ta nghĩ mình không thể lừa nó về mục tiêu tấn
công, lực lượng tấn công, tại sao không lừa về ý định điều quân tấn
công. Bên mình tấn công trực diện với hai sư đoàn
làm hai mũi dùi tiến song song từ Nam lên Bắc. Ý định hành quân nầy quá
cổ điển, quá giản dị, thiếu sự sáng tạo. Nhưng phải tấn công như vậy vì
phương tiện tấn công quá eo hẹp, chỉ có hai sư đoàn. Nếu có bốn sư đoàn
thì Đại Tá Nghĩa đã đề nghị với Trung Tướng
Trưởng một đòn tấn công khác mà ông cho rằng lợi hại hơn vì đặt địch
vào thế bị tấn công gọng kềm. Ý định hành quân là tấn công với hai sư
đoàn Bộ Binh đi làm hai cột song song đánh từ Nam lên Bắc, mục tiêu tỉnh
lỵ Quảng Trị như kế hoạch của Trung Tướng Trưởng.
Tuy nhiên mũi tấn công nầy là diện hay nỗ lực phụ. Điểm hay nỗ lực
chính là mũi tấn công từ Bắc xuống Nam ép lực lượng phòng thủ BV ở giữa
hai gọng kềm từ Bắc xuống và từ Nam lên. Mũi tấn công chính nầy do Sư
Đoàn Dù nhảy xuống khu vực Đông Hà chiếm ngã ba
chiến lược nầy để ngăn quân tiếp viện và tiếp liệu từ lãnh thổ BV xuống
mặt trận Quảng Trị. Sư Đoàn Dù sẽ phối hợp với Sư Đoàn TQLC đổ bộ lên
Cửa Việt, một hải cảng nhỏ nằm ngang với Đông Hà trên bờ biển. Hai Sư
Đoàn Dù và TQLC có giá trị chiến đấu ngang với
bốn sư đoàn BV. Mũi dùi nầy phối hợp với cách quân Nam khép quân phòng
thủ BV ước lượng trên một quân đoàn vào một cái rọ, đường tiếp tế và
chuyển quân tiếp viện bị cắt đứt. Khi đó hải pháo, không quân kể luôn
B52 sẽ có mục tiêu để tiêu diệt, điều mà suốt
7 năm chiến tranh các phương tiện hoả lực nầy chưa bao gìơ có dịp.
Tiếc rằng
điều quân như trên chỉ nằm trong tưởng tượng như kế hoạch hành quân lừa
địch của mình. Đại Tá Nghĩa suy luận, sẽ cố làm sao cho địch tin rằng
bên mình sẽ đánh như thế và họ sẽ đưa đại quân
về phòng thủ tuyến Đông Hà Cửa Việt, giảm bớt lực lượng ở khu vực tỉnh
lỵ Quảng Trị tức là giảm bớt gánh nặng cho hai sư đoàn Dù và TQLC những
ngày đầu tấn công. Nếu địch biết bị lừa trở lại mặt trận Quảng Trị thì
họ sẽ mất một thời gian quý báu và chịu thiệt
hại nặng nề vì hải pháo và không quân bạn dập vào các trục lộ di
chuyển.
Đại Tá Nghĩa rất bằng lòng về ý định hành quân lừa địch đó. Ông ta về nhà, lên giường ngủ một giấc dài.
Ý định hành
quân có rồi, bây giờ đến giai đoạn biến ý định thành hiện thực. Giai
đoạn nầy hết sức gay go đòi hỏi sự sáng suốt hoàn toàn mà trong binh thư
không hề dạy vì mỗi hành quân lừa địch là
một trường hợp cá biệt với biết bao nhiêu biến số. Đại Tá Nghĩa đã mất
hai ngày để nghĩ ra một cuộc hành quân gồm bốn giai đoạn khác nhau nhắm
vào mục đích làm cho địch dồn quân vào hai điểm Đông Hà và Cửa Việt. Ông
ta sẽ đặt tên hành quân hay là kịch bản
lừa địch với tên Thanh Tuyền. Sở dĩ có tên nữ ca sĩ có giọng ca ngọt
ngào và truyền cảm lọt vào trò chém giết nầy vì ông ta rất ái một giọng
ca Thanh Tuyền. Với lối đánh giặc theo lối nghệ sĩ nầy, ông ta nghĩ, tại
sao không đem tên nữ nghệ sĩ nầy vào để lưu
danh hậu thế nếu cuộc hành quân thành công.
Đến đây một khó khăn bất ngờ hiện ra.
Có tư tưởng
hành quân rồi, nhưng viết lệnh hành quân thế nào? Khi học trường Chỉ
Huy Tham Mưu Cao Cấp, Đại Tá Nghĩa được huấn luyện viên dạy làm một lệnh
hành quân theo mẫu của Mỹ, có lẽ là mẫu hay
nhất vì người Mỹ đã tổng hợp nghệ thuật chiến tranh với kỹ thuật quản
lý. Trong thời cận đại lệnh hành quân là một sáng tạo tuyệt vời của bao
nhiêu thế hệ lý thuyết của quân sự ở tất cả các nước có truyền thống
đánh nhau trên thế giới. Lệnh hành quân là một
kịch bản ngắn gọn nhưng có công dụng kỳ diệu điều động phối hợp tất cả
đơn vị từ lớn đến nhỏ tham gia một cuộc tấn công theo ý định hành quân
của người chỉ huy toàn diện trận chiến. Mỗi đơn vị tham gia hành quân,
giống như một kịch sĩ biết rõ vai trò của mình
trong màn hát chung, biết mục tiêu tấn công, đường tiến quân, bạn ở hai
bên sườn, đánh cách nào, tấn công trực diện hay bọc sườn, yểm trợ hoả
lực thế nào, liên lạc với vị chỉ huy hành quân thế nào, khi hết đạn, hết
xăng, hết thức ăn lấy ở đâu, quân nhân bị
thương chở về đâu v.v..Tuy nhiên, đây là hành quân bình thường, còn
hành quân lừa địch, các C&D operation nầy không trường chỉ huy tham
mưu nào trên thế giới đưa ra mẫu lệnh hành quân. Tất cả phải sáng tạo
hay nói theo danh từ sân khấu là phải cương tất cả.
Sau thời
gian vài ngày, Đại Tá Nghĩa một lần nữa lại sáng tạo một lệnh hành quân
lừa địch mang tên Thanh Tuyền gồm bốn giai đoạn gọi là Thanh Tuyền 1, 2,
3, 4 và trình lên Trung Tướng Trưởng vào
một buổi chiều vắng khách. Trung Tướng Trưởng ngồi nghe với vẻ mặt bình
thản thường lệ. Đại Tá Nghĩa trình bày trên một tiếng đồng hồ diễn tiến
hành quân mà không hỏi một câu nào. Cuối cùng ông ta gật đầu. Thế là
hành quân Thanh Tuyền trở thành phụ bản G của
lệnh hành quân Lam Sơn 72.
o O o
Bây giờ sang giai đoạn thực hiện.
Như đã nói ở
đoạn trên, lệnh hành quân lừa địch đúng là một kịch bản. Đại Tá Nghĩa
đóng vai ông bầu một gánh hát, kiêm thầy tuồng, kiêm đạo diễn luôn. Ông
ta có vẻ tham lam và ôm đồm nhiều quá. Tuy
nhiên, làm sao hơn với một gánh hát nghèo, hát đình hát chợ. Chuyện
phiền nhất cho ông ta là có gánh hát mà lại không có một cô đào, một anh
kép, chỉ có một vài người phụ với ông ta để dọn décor.
Không có
thì chạy mượn cho có, chuyện giản dị như thế mà thắc mắc làm gì. Đại Tá
Nghĩa tự nhủ. Ông ta không có phương tiện cơ hữu nhưng sau hành quân
nầy, ông ta học được một bài học quý giá: “Phương
tiện ở trong đầu”.
Sau đây là diễn tiến bốn giai đoạn hành quân.
THANH TUYỀN 1:
Mục đích
cuộc hành quân nầy nhằm đưa đến tay tướng CS Chu Huy Mân cuốn mật mã mà
các toán Biệt Kích Dù sử dụng để liên lạc với bộ chỉ huy của Đại Tá Hai.
Hẳn nhiên là cuốn mật mã giả nhưng làm sao
cho nó như thật. Đây là màn kịch.
Một trung
úy của Liên Đoàn Biệt Kích Dù của Đại Tá Hai và ba hạ sĩ quan trong toán
nhảy xuống một khu rừng núi do quân BV kiểm soát. Người sĩ quan bất
hạnh nầy, vì dù không mở, chết liền khi chạm
đất. Các nhân viên trong toán thấy chỉ huy đã chết và hình như địch sắp
đi tới nên lo chạy thoát thân, không kịp cuốn dù lại và chôn như qui
định an ninh. Họ cũng không lục được túi áo của chỉ huy vì dù của họ rớt
hơi xa dù của chỉ huy, mò đến chỗ chỉ huy
rớt là một chuyện quá khó khăn trong rừng già. Họ chỉ nhìn thấy chỉ huy
là một chấm đen từ lúc rời phi cơ và mất hút trong rừng vì dù không mở
nên không rớt lại gần các chiếc dù khác của toán.
Trong túi
áo trên của viên trung úy được đặt tên là Tự (gần chữ Tử) có một cuốn
lịch mật mã, tên gọi là hệ thống mật mã của các toán tình báo, biệt kích
xài. Tiếng Mỹ gọi là “One Time Path”. Mật
mã nầy giống như cuốn lịch có 365 tờ, mỗi tờ xài một ngày. Ví dụ ngày
n, trong tờ lịch ngày đó chữ a được thay thế bằng số 03, chữ b thế bằng
số 07 v.v.. Qua ngày hôm sau, bản mật mã ngày trước được đốt bỏ. Trong
ngày đó chữ a được thế bằng số 15, chữ b bằng
số 03 v.v… Làm như thế nếu địch thám mã được ngày n, mà đây là chuyện
hết sức khó khăn và lâu dài, địch chỉ có thể đọc được các điện ngày n.
Ngày n+1 hay n-1 địch không đọc được.
Hành quân
nầy đòi hỏi một trung úy biệt kích chết. Trong thực tế không có người
nào hy sinh hết. Người hy sinh là một xác chết của một anh hùng vô danh
trong quân đội. Sở dĩ Đại Tá Nghĩa sử dụng
một xác chết trong công tác nầy vì ông ta nhớ trước đó độ 10 năm, có
xem tại rạp REX một phim nói tiếng Pháp tựa “L’homme qui n'a jamais
existé” (Người không bao giờ có thật). Cuốn phim dàn cảnh lại một cuộc
hành quân lừa địhc có thật của tình báo Anh. Năm
1943, quân Mỹ và Anh sau khi thắng trận Bắc Phi, đạo quân Africa Corp
của tướng Rommel bị tiêu diệt, chuẩn bị đổ bộ lên đảo Sicile để giải
phóng nước Ý. Cơ quan C&D của Anh dàn cảnh để cho quân Đức lầm tưởng
điểm đổ bộ là Hy Lạp và tập trung đại quân về đó.
Một người chết vô danh được sử dụng đóng vai một Thiếu Tá trong bộ tham
mưu Hoàng Gia Anh. Viên Thiếu Tá giả nầy mang trong túi, ngoài giấy tờ
thường lệ, một thơ tay của Lord Gort tổng tham mưu trưởng gởi cho Tướng
Eisenhower tư lệnh lực lượng đổ bộ. Lời lẽ
trong thơ làm cho người đọc tin chắc không thể lầm được điểm đổ bộ
tương laị là Hy Lạp mặc dầu trong thơ không nói rõ điểm nầy. Xác chết
được đặt trong một cái hộp chứa tuyết các-bon (neige carbonique) để xác
còn tươi. Ngoài quân phục, trong túi nạn nhân còn
có một vài món cần dùng xác nhận là y đã từng sống ở Luân Đôn. Trong
những món đó có hai vé xem chớp bóng tại một rạp hát ở Luân Đông chứng
tỏ mới gần đây y đã đi xem chớp bóng với cô bạn gái. Xác chết được tiềm
thủy đỉnh mang đến Địa Trung Hải ngoài khơi
Tây Ban Nha. Tình báo Anh biết rằng, Tây Ban Nha dưới quyền tướng
Franco lúc đó, tuy giữ trung lập nhưng nhắm mắt làm ngơ cho một số tình
báo viên Đức Quốc Xã hoạt động trên lãnh thổ Tây Ban Nha để thu thập tin
tức về Đồng Minh. Đặc biệt trên bờ biển mà xác
chết sẽ tấp vào, lúc nào cũng có người Tây Ban Nha làm tình báo viên
cho Đức. Xác chết được bố trí cho đứng với một người đi phi cơ bị tai
nạn rớt xuống biển, chui ra được phi cơ rồi chết sau đó.
Đúng như kế
hoạch C&D dự liệu, xác tấp vào bờ biển đã bị người nào đó lục soát
giấy tờ trước và lấy đi bức thơ. Sau đó, nhà chức trách Tây Ban Nha báo
cho tổng lãnh sự Anh ở một thành phố gần đó
đến lãnh xác để mang về chôn bên Anh với tất cả giấy tờ còn lại.
Hành quân lừa địch lần ấy đã thành công hoàn toàn.
Chuyện phim
đó đã gợi hứng cho Đại Tá Nghĩa dàn cảnh hành quân Thanh Tuyền 1.
Chuyện đầu tiên là phải tìm cho ra một xác mới chết còn nguyên không có
thương tích, tuổi khoảng từ 25 đến 30. Nghe thì
dễ nhưng lại khó kiếm vô cùng vì đâu có phải là món hàng bán ngoài chợ.
Đại Tá Nghĩa nhớ lại có một người cháu rể tên Phát là Thiếu Tá Quân Y
(sau lên Trung Tá) phục vụ tại quân y viện Nguyễn Tri Phương tại Huế.
Chỉ huy trưởng quân y viện nầy là Trung Tá Cơ.
Đại Tá
Nghĩa đến gặp Thiếu Tá Phát, nó sơ qua nhu cầu hành quân cần một xác
chết còn mới và nhờ dẫn đến giới thiệu với Trung Tá Cơ.
Đây là văn phòng Trung Tá Cơ.
Sau khi được Thiếu Tá Phát giới thiệu, Đại Tá Nghĩa đi ngay vào đề:
- Thư Trung
Tá, Bộ Tư Lệnh hành quân cần một xác chết còn trẻ, mới chết, cơ thể còn
nguyên. Chúng tôi biết nhu cầu nầy rất khó thoả mãn nhưng sau khi được
Thiếu Tá Phát giới thiệu, tôi tin Trung
Tá là người duy nhất tại QK1 có thể thoả mãn yêu cầu nầy củ Bộ Tư Lệnh.
Tôi xin thêm đây là một công tác tối mật chỉ có Trung Tá và Thiếu Tá
Phát biết mà thôi.
Trung Tá Cơ
nhìn người khách lạ với đôi mắt hơi ngỡ ngàng mà chưa vội trả lời. Có
lẽ ông ta bị méo mó nghề nghiệp nên nhìn viên Đại Tá nầy coi có phả là
một bệnh nhân tâm thần, mà Thiếu Tá gặp ở
đâu đó nên lôi về đây nhờ chữa giùm.
Một lúc sau Trung Tá Cơ mới trả lời:
- Các điều
kiện về xác chết của Đại Tá thật là khó. Trẻ thì hầu hết những quân nhân
chết tại đây đều trẻ. Có điều họ chết vì thương tích, không có người
nào còn cơ thể lành lặn. May ra hay bất hạnh
cho người đó là chết bệnh. Trường hợp nầy rất ít. Đại Tá thấy điều kiện
đưa ra quá khó với chúng tôi mặc dù tôi không do dự chút nào khi phải
thi hành lệnh của Trung Tướng Trưởng.
Đại Tá Nghĩa cũng nhận thấy lời Trung Tá Cơ hữu lý nhưng ông ta vẫn cố xin cho được:
- Nếu có
một quân nhân chết bệnh đúng nhu cầu, xin Trung Tá gọi điện thoại lập
tức cho tôi hay tốt hơn bảo Thiếu Tá Phát gặp tôi.
Trung Tá Cơ lại nêu lên một khó khăn khác:
- Còn một
chuyện khó khác mà tôi không thể nào giải quyết được. Trong quân đội ta,
người chết bất kỳ cấp bực nào cũng phải được quân y viện thông báo cho
gia đình đến lãnh xác về chôn cất. Nếu gia
đình ở xa thì đơn vị quân đội, đại đội chung sự, lãnh việc ma chay. Sau
đó còn lập thủ tục giấ tờ để cho thân nhân lãnh tiền tử tuất. Nếu tôi
giao xác đó cho Đại Tá thì làm sao giải quyết vấn đề thủ tục?
Đại Tá Nghĩa thấy đây là phút quyết liệt đẩy Trung Tá Cơ vào thái độ dứt khoát. Ông ta nghiêm giọng:
- Thưa
Trung Tá, tôi bết thủ tục dành cho anh em quân nhân chết, những anh hùng
của quân đội ta. Tôi thành kính nghiêng mình trước mọi chiến sĩ hy
sinh. Tuy nhiên khi sống đã hy sinh cho đất nước,
nay chết rồi mà có cơ hội hy sinh, tôi nghĩ rằng lý do đó cao quý hơn
lý do nào khác kể cả thủ tục giấy tờ. Đây là lệnh của Trung Tướng
Trưởng. Trung Tá phải xoay sở thế nào để thanh thoả vấn đề thủ tục bởi
vì đây là một công tác quan trọng góp phần vào thắng
lợi tương lại của quân ta.
Trung Tá Cơ đành đồng ý, chắc chắn là miễn cưỡng, để cho người khách không mời mà đến mau đi khuất mắt ông ta.
Đại Tá Nghĩa bắt tay từ biệt Trung Tá Cơ với lời nhắn chót: “Xin Trung Tá nhớ đây là công tác tối mật!”
Bước khó
khăn nhất trong hành quân Thanh Tuyền 1 được tạm giải quyết vì đã tìm
được diễn viên chính. Bây giờ đi tìm người phụ tá cho Đại Tá Nghĩa để
thi hành kế hoạch.
Đại Tá
Nghĩa đến gặp Đại Tá Hai, cho ông nầy biết nội dung kế hoạch, mục tiêu,
diễn biến hành quân mà khung cảnh chánh là những cuộc hành quân biệt
kích của Đại Tá Hai. Ông Hai rất thông cảm và biệt
phái cho Đại Tá Nghĩa một sĩ quan xuất sắc trong đơn vị của ông ta để
điều khiển hành quân hay là làm nhiệm vụ phụ tá hành quân cho Đại Tá
Nghĩa.
Thật là may
mắn cho ông Đại Tá nầy. Ông ta có hai sĩ quan tận tụy lo giải quyết vấn
đề tham mưu là Đại Úy Vệ và Thiếu Úy Trúc. Nay ông ta vớ được một phụ
tá quý giá là Trung Tá Sinh. Tất cả những
sĩ quan nầy đều là những cộng tác viên tuyệt vời. Ở ngoài không ai hay
biết nhưng chính họ là những người biến tư tưởng của Đại Tá Nghĩa thành
hành động, những người có công rất lớn trong cuộc chiến bí mật nầy.
Suốt mấy
ngày sau, Đại Tá Nghĩa và Trung Tá Sinh chúi mũi vào địa đồ xem khu vực
nào thuận lợi nhất cho cuộc hành quân, nghiên cứu không ảnh để tìm khu
vực định thả dù gọi tắt là DZ (dropping zone).
Đây là một khu vực rừng già có đường mòn Hồ Chí Minh chạy ngang phía
Tây Bắc Huế. Sau khi lựa chọn kỹ, cả hai đã lựa điểm DZ, gần một căn cứ
hậu cần của BV. Có những đường mòn cho ta thấy đó là dấu vết của các
toán quân tuần thám xuất phát từ căn cứ đó. Điểm
DZ được lựa để chậm lắm trong vòng 48 tiếng đồng hồ thế nào cũng có
lính BV tuần thám đi ngang.
Đồng thời
với sự lựa chọn địa điểm, Đại Tá Nghĩa và Trung Tá Sinh chuẩn bị những
món cần thiết khác để khi có xác chết là có thể tung cuộc hành quân
trong vòng 24 tiếng. Trong những món đó có hai
phi cơ C119 của riêng Nha Nghiên Cứu dùng để thả dù những công tác đặc
biệt.
Một ngày
đẹp trời, Thiếu Tá Phát đến báo cáo cho Đại Tá Nghĩa biết có “hàng” rồi,
hiện đang trong hộp lạnh. Đại Tá Nghĩa liền đến gặp Trung Tá Sinh để
xem lại đồ chuẩn bị: quần áo Dù cho Trung Úy
Tự, trong các túi của bộ đồ Dù có đủ đồ cần dùng mà một chiến binh biệt
kích mang theo. Ở túi trên ngực trái, có quyển lịch mật mã được chế
biến riêng. Các trang trước ngày N của Thanh Tuyền 1 (ngày Trung Úy Tự
xuống đất) bị lột bỏ. Quyển này hình dáng cũng
giống như quyển mà các toán biệt kích đang xài trong rừng nhưng những
con số hoàn toàn khác biệt. Đó là mật mã giả chỉ có Trung Úy Tự và bộ
chỉ huy liên lạc với nhau. Một công điện từ bộ chỉ huy cho lịnh các toán
trong rừng ngưng liên lạc, giữ im lặng truyền
tin một tuần lễ kể từ ngày N. Biện pháp nầy phòng ngừa trường hợp tình
báo kỹ thuật địch bắt được mật điện trao đổi giữa các toán và bộ chỉ huy
mà không giải mã được với cuốn lịch trong túi Trung Úy Tự nên nghi mật
mã họ nắm được là giả.
Trung Úy Tự
còn có một bức thơ mới nhận của cô bạn gái do Đại Tá Nghĩa nhờ một sĩ
quan khác, không biết gì về chuyện nầy, mượn một cô gái quên viết. Đại
khái thơ kể lại những buổi đi chơi thơ mộng
ở Lăng Tự Đức trong khi BV tấn công và “hy vọng hết giặc hai đứa mình
sẽ như đôi chim liền cánh, lá liền cành.”
Ngoài ra,
đồng xuống dù với Trung Úy Tự có ba cây nước đá thay cho ba toán viên,
chở lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men và địa đồ đúng như thực.
Ngày N của
Thanh Tuyền 1 diễn ra hai ngày sau khi Thiếu Tá báo tin có hàng. Ngày đó
diễn ra gần một tháng trước ngày N của hành quân Lam Sơn 72.
Một buổi
chiều, hai phi cơ C119 cất cánh ở phi trường Phú Bài. Trước khi cất
cánh, các phi công được cung cấp các yếu tố tốc độ gió, độ thấy, mây để
khi phi công ra lệnh “Drop” (thả) dù rớt xuống
đúng địa điểm ấn định. Giờ cất cách được tính toán làm sao cho khi phi
cơ đến không phận DZ thì trời vừa sụp tối để tránh quân dưới đất thấy dù
chạy lại phát giác những cây nước đá, nhưng cũng đủ sáng cho phi công
thấy được DZ.
Đại Tá
Nghĩa, Đại Tá Hai đi trên phi cơ thứ nhất dùng làm bộ chỉ huy hành quân.
Phi cơ thứ nhì chở Trung Tá Sinh, hai phụ tá và các kiện hàng lỉnh kỉnh
của ông ta. Chính tay ông Sinh với sự trợ giúp
của phụ tá thi hành thả hàng.
Khi phi cơ
cất cánh, Đại Tá Nghĩa thở phào nhẹ nhõm. Thế là màn đầu của hành quân
kể như diễn tiến tốt đẹp. Ông ta khoái trá nhớ đến trong từ ngữ tình báo
Pháp có chữ “intoxication” tương đương với
từ ngữ Dương Đông Kích Tây của Đông Phương. Intoxication nghĩa đen là
“đánh thuốc độc”. Đại Tá Nghĩa nghĩ lan man:
- Xét ra
nhiệm vụ của mình trong hành quân Lam Sơn 72 đúng là đưa chén thuốc độc
cho địch nhấm. Hành quân Thanh Tuyền 1 nầy chỉ đưa cho chúng nhấm sơ độ
1/4 chén thuốc độc thôi.
Đang lúc
thích thú suy nghĩ thì phi cơ đã vào khu vực địch lúc nào không hay. Ở
dưới đất loé lên một chấm đỏ giữa đám lá rừng, một khẩu phòng không nhả
đạn. Rồi các chấm đỏ loé lên càng lúc càng
nhiều. Đại Tá Nghĩa nhìn đồng hồ, chỉ khoảng 10 phút nữa là đến không
phận DZ. Bỗng nhiên Đại Úy phi công trưởng, vẻ mặt căng thẳng, báo cáo
làm đứt ngang giây phút khoan khoái của ông ta. Phi cơ bị hư một máy
không biết do trục trặc máy móc hay do phòng không
địch. Đại Úy phi công xin phép trở lại Phú Bài. Tình tr5ng phi cơ có
hai máy mà hư hết một thật là nguy hiểm. Đại Tá Nghĩa hỏi phi công coi
phi cơ còn đủ sức “lết” về Phú Bài không. Phi công trả lời: “May ra”.
Đại Tá Nghĩa lấy quyết định liền: “Cho phi cơ
quay trở lại Phú Bài” và liên liên lạc với phi cơ Trung Tá Sinh ra lịnh
tiếp tục thi hành nhiệm vu.
Trên đường
về, Đại Tá Nghĩa ân hận lúc đi, tính toán dự trù đủ mọi chuyện chỉ không
dự trù trường hợp xấu nhất: bản thân bị địch bắt. Trước khi lên phi cơ,
mỗi người đều mang dù vì công tác trong
vùng địch hậu. Nếu nguy cấp lắm thì nhảy nhưng trong khu vực rừng núi
do địch kiểm soát, có nhiều khả năng bị địch bắt nếu nhảy xuống mà không
đem theo một viên cyanure de potassium để “nhậu” khi sắp sửa bị địch
bắt có phải khoẻ thân không! Mà nếu không bị
địch bắt thì dễ gì về đến tuyến của mình khi không có trang bị dụng cụ,
lương thực để mưu sinh thoát hiểm. Còn một chuyện nữa, mình chết hay bị
bắt thì toàn bộ hành quân Thanh Tuyền 1, 2, 3, 4 đều kể như vất đi. Một
công trình sáng tạo với bao nhiêu mồ hôi,
nước mắt của mình và bao nhiêu người khác mà vứt vào sọt rác, rồi hình
ảnh các chiến sĩ Dù và TQLC hàng hàng lớp lớp ngã gục trước hoả lực dày
đặt cua địch… Những tư tuởng hắc ám đó cứ dày vò Đại Tá Nghĩa đến khi
phi cơ chạm đất tại Phú Bài. Ở đây phải dở
nón bái phục tài lái phi cơ của hai viên phi công.
Không lâu
sau, Trung Tá Sinh báo về bằng mật ngữ: “Tất cả diễn tiến tốt đẹp”. Thật
hú vía. Đúng như thầy bói nói: trước dữ sau lành!
Hai ngày
sau, từ bộ chỉ huy của Đại Tá Hai một công điện di chuyển một toán giả
gọi là toán Metro đến gần quốc lộ 9 để quan sát và báo cáo số lượng quân
địch di chuyển từ Khe Sanh về Đông Hà. Ngày
kế tiếp, hai công điện khác di chuyển hai toán giả khác Tango và Nina
về quan sát di chuyển của địch trên quốc lộ 1 tùu Vĩnh Linh về Đông Hà.
Ngày sau nữa, hai toán giả Coca và Tétra được điều động về một cao điểm
có rừng rậm gần Đông Hà ở đó đợi lệnh. Tất
cả lệnh nầy sử dụng mật mã của Trung Úy Tự. Hai ngày sau một công điện
chót sử dụng mật mã của Trung Úy Tự cho tất cả các toán biết Trung Úy Tự
của toán Lola đã mất liên lạc với bộ chỉ huy từ khi nhảy toán. Có thể
ông ta bị địch bắt với cuốn mật mã. Kể từ
hôm nay, vì lý do an ninh, các toán xài cuốn mật mã Bêta thay thế cuốn
Alpha. Mật mã Bêta là cuốn dự trữ, mỗi toán khi nhảy mang theo hai cuốn.
Sự thật
Alpha và Bêta là chuyện phịa. Mỗi toán khi nhảy chỉ mang theo một cuốn
mật mã. Họ đã giữ gìn im lặng truyền tin suốt bảy ngày. Đến ngày thứ tám
thì liên lạc bình thường trở lại.
Với hành
quân Thanh Tuyền 1, Đại Tá Nghĩa hy vọng dâng cho tướng CS Chu Huy Mân
1/4 chén thuốc độc với địa danh Đông Hà. Cái gì sẽ xảy ra tại Đông Hà
nằm trong hành quân Thanh Tuyền 2.
THANH TUYỀN 2
Đại Tá Tiếp
đúng như lời yêu cầu đã giới thiệu cho Đại Tá Nghĩa một Đại Úy, sĩ quan
ngành an ninh tên là Trung. Đây là một anh chàng bảnh trai, có vẻ hào
hoa phong nhã, một tay sành sỏi các hộp đêm.
Anh ta mang bộ râu Clark Gable trong thật là ngỗ . Thật là một con chim
lạ ít có. Đại Úy Trugn có một tửu lượng phi thường. Bắt ông ta đóng vai
người say nói bậy trước mặt người đẹp chắc không ai hơn.
Đại Tá
Nghĩa đã bố trí cho Đại Úy Trung tiếp xúc với người đẹp hai lần. Lần đầu
để biết nhau, lần thứ hai để họ trở thành đôi bạn tâm tình.
Lần thứ ba
là màn chánh của kịch bản. Trước ngày gặp đó Đại Tá Nghĩa đã hội thảo
(briefing) với Đại Úy Trung thật kỹ tùu câu nói, từ cử chỉ khi gặp người
đẹp. Hội thảo là danh từ tình báo chỉ giai
đoạn hướng dẫn tìnhb áo viên lần chót trước khi tung người đó đi công
tác.
Một đêm đẹp
trời trên sông Hương trước ngày N của hành quân Lam Sơn 72 độ nửa
tháng. Vầng trăng sáng vằng vặc trải dài trên sông Hương như giải lụa
bạc. Gío thổi nhẹ mơn trớn tà áo các cô gái chèo
đò. Trời đẹp quá, một cái đẹp huyền diệu trong câu chuyện Liêu Trai.
Cảnh như thế nầy mà không xuống đò sánh vai người đẹp uống cho đến khi
đất quay trời quay như thi sĩ Tản Đà thì phí đi cuộc đời.
Đã có hẹn
trước, hôm nay Đại Úy Trung với bộ ria mép tỉa rất kỹ, bộ đồ rằn ri
thẳng nếp, đã đến đúng giờ hẹn, 8 giờ tối. Người đẹp đã chờ sẵn dưới đò.
Người đẹp dưới ánh trăng đêm nay lại đẹp hơn,
quyến rũ hơn những lần trước. Thật là đôi trai tài gái sắc. Chỉ tiếc là
Ông Tạo trớ trêu bắt họ ở hai bên chiến tuyến và lãnh những nhiệm vụ
quỷ quái trong đó con tim không có đất đứng. Nếu không có những khắc
nghiệt của chiến tranh, cặp nầy làm vợ chồng ở
ngoài đời hay đóng một phim tình cảm thì đẹp biết mấy, thơ mộng biết
mấy!
Một bữa
tiệc không thịnh soạn nhưng cũng đủ các món nhậu nổi tiếng của đất Thần
Kinh như món gỏi cầu kỳ có tên Dấm Ruốt. Một chai Johnny Walker từ một
câu lạc bộ Mỹ nào đó chễm chệ trên bàn ăn.
Người đẹp
gắp thức ăn vào chén cho Đại Úy Trung đầy tình tứ không thua một người
vợ yêu đương nào khác. Thức ăn ngon, rượu ngon, người đẹp chìu chuộng,
chẳng mấy chốc chai rượu vơi đi gần nửa trong
lúc đó người lái đò cho thuyền chầm chậm trôi về thượng nguồn hướng
chùa Thiên Mụ.
Giọng Đại Úy Trung hỏi lè nhè vì rượu:
- Ngọc,
người đẹp của lòng anh! Bữa rượu nầy làm anh nhớ hoài. Anh ước gì trong
cuộc đời cô đơn của anh sẽ có em chen vào để mang lại chút ấm áp gia
đình, ước mơ lớn nhất của anh.
- Thôi đi-
Ngọc nũng nịu trả lời – ông tướng Sài Gòn đừng hứa nhăng hứa cuội nữa.
Ông nào cũng có một lô bà ở Sài Gòn. Ra đây ông nào cũng nói với chúng
em là mồ cô vợ. Khổ một nỗi là chúng em lại
dể tin mới chết chứ!
- Họ khác,
anh khác, không lẽ anh phải thề với em. Mà thôi dẹp chuyện đó đi. Ngày
nào em thành bà Đại Úy Trung, anh sẽ cắn em về lời buộc tội tối nay,
chịu không cưng?
Đại Úy Trung nốc gần hết ly rưọu, lấy khăn tay quẹt môi, rồi bỗng nhiên tắc lưỡi có vẻ hơi buồn.
Người đẹp hỏi:
- Sao đang vui, anh lại tỏ vẻ buồn như thế, em hổng chịu đâu.
- Anh không
giấu gì em, từ ngày biết nhau đến nay, xa em một ngày anh thấy thời
gian dài quá, dài bằng một năm lận. Sau bữa nay, anh phải xa em về Sài
Gòn công tác độ nửa tháng. Buồn quá, thời gian
dài xa em như vậy anh chịu hết nỗi . Em là con quỷ yêu đương của anh.
Ngày xưa, chưa biết em, anh như con bướm trong tình trưòng, khi vui nó
đậu khi buồn nó bay. Bây giờ xa em một ngày chịu không nỗi, có lẽ là quả
báo đấy.
Người đẹp rót thêm một ly rượu mới, châm soda, bỏ vào vài cụm nước đá, lắc lắc rồi âu yếm đưa cho Đại Úy Trung.
- Uống đi
anh. Chuyện gì phải về Sài Gòn lâu vậy. Lần nầy anh đừng hòng gạt được
em nữa. Em không tin đâu. Đây là mặt trận, lính Dù mấy anh đánh ở đây
chớ công tác gì mà về Sài Gòn cả nửa tháng.
Anh về với người đẹp Sài Gònnào đó bộ em không biết sao!
Đại Úy Trung hớp một hớp rượu sau khi nhai một đũa dấm ruốt.
- Khổ quá!
Chưa gì đã dở trò ghen tuông. Đáng lẽ anh không được quyền nói gì đến
công tác với người khác. Quy luật an ninh cấm. Nhưng em có phải người
khác đâu, em với anh là một chớ gì nữa.
Đại Úy Trung vừa nói vừa ra bộ làm cho người đẹp đỏ mặt, ông ta tiếp:
- Thôi tôi
phải nói sự thật cho người đẹp hay ghen biết. Anh về Sài Gòn để thúc đẩy
các quan bàn giấy ở Bộ Tư Lệnh Tiếp Vận cung cấp số dù đầy đủ cho toàn
thể sư đoàn trong thời gian ngắn nhất. Anh
sợ nửa tháng còn không kịp.
Người đẹp
hình như sáng mắt lên. Nàng mở miệng muốn hỏi nhưng nghĩ sao lại thôi.
Nàng tiếp tục châm rượu cho Đại Úy Trung. Chai rượu đã gần cạn. Đại Úy
Trung lè nhè hai câu thơ Đường trong bài Lương
Châu Từ:
Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Thêm một ly
nữa, Đại Úy Trung gục đầu bên vai người đẹp. Ông ta hình như quá say.
Bỗng nhiên ông ta ụa ra một tiếng lớn rồi phun vọt đồ trong bụng ra,
cũng may là không trúng người đẹp. Đây là giai
đoạn dân nhậu gọi là “phun kiếm” hay là “chó ăn chè”.
Ngọc dìu Đại Úy Trung, bây giờ hết biết gì nữa, xuống chiếu hoa, lấy khăn lau miệng ông ta và kê lên đầu gối như người vợ hiền.
Đêm đó
trong cơn bão ái tình, nếu có đệ tam nhân rình, sẽ nghe ngoài những câu
không đầu, không đuôi, một câu có vẻ có đầu có đuôi” “tụi anh, nguyên cả
sư đoàn sẽ nhảy xuống Đông Hà. Tụi anh sẽ bắt
tay với mấy thằng thủy quân làm biếng từ Cửa Việt đi lên. Tụi anh sẽ
giần thằng Cộng nát như tương tàu. Em tin đi, sắp hết chiến tranh rồi.
Anh yêu em, anh cưới em, anh sẽ ….”
Đến đây chỉ còn nghe tiếng hổn hển của đôi tình nhân yêu nhau…
Ngày hôm
sau, khi nghe Đại Úy Trung báo cáo công tác hoàn tất, Đại Tá Nghĩa bỗng
dưng thấy lòng mình se lại, thấy mình quá tàn nhẫn với người sĩ quan
nầy. Ông ta có quyền hưởng lạc thú ở đời. Thế
mà mình nỡ lợi dụng ông ta trong trò yêu đương! Xét cho cùng ai cũng có
tội, nhưng người tội lỗi nhất là kẻ đã mang chiến tranh vào lãnh thổ
miền Nam, kẻ đã đẩy người Việt giết người Việt không gớm tay!
Sau khi Đại
Úy Trung báo cáo, Đại Tá Nghĩa đã điện thoại cho chỉ huy trưởng của ông
ta, yêu cầu cấp cho ông ta một sự vụ lệnh đi Sài Gòn công tác nửa tháng
cho đúng như thực. Đây là để đề phòng đồng
bọn của người đẹp phối kiểm lời ông ta nói lúc say. Hai địa danh Đông
Hà, Cửa Việt đã được gởi đi cho cấp chỉ huy BV ở bên kia kèm theo một
vài chi tiết để cho họ không lầm lẫn được ý định tương lai của vị Tư
Lệnh chiến trường miền Nam.
Sau đó Đại Tá Nghĩa bắt tay vào màn hát Thanh Tuyền 3 và 4.
THANH TUYỀN 3
Thanh Tuyền 3 là một cuộc hành quân nhảy dù giả xuống Đông Hà.
Một loạt
công điện giả trao đổi giữa Bộ Tư Lệnh Tiếp Vận Vùng 1 và Bộ Tư Lệnh
Tiếp Vận Trung Ương về chuyện di chuyển số dù và quân trang, quân dụng
khác cần thiết cho một cuộc hành quân nhảy dù
đại qui mô. Đại Tá Nghĩa hy vọng tai mắt của địch ở nhiều cơ quan trong
quân lực VNCH sẽ đánh hơi được chuyện nầy. Ngoài ra còn quân trang,
quân dụng cần thiết cho một hành quân đổ bộ cho một sư đoàn TQLC.
Về phía Mỹ,
Đại Tá Nghĩa đã được Hạm Đội 7 gởi cho một Đại Tá liên lạc để tiếp nhận
nhu cầu của Đại Tá Nghĩa về Hải Quân và Không Quân mà bên Việt Nam
không đủ sức đảm nhận. Sự yểm trợ của Mỹ cho
Đại Tá Nghĩa trong Thanh Tuyền 3 và 4 hết sức quý giá. Thông thường
muốn mở một cuộc hành quân nhảy dù hay đổ bộ từ biển, Không Quân và Hải
Quân đã oanh kích trước nhiều ngày các đường di chuyển vào mục tiêu, các
công sự phòng thủ trong khu vực mục tiêu, cách
ly khu mục tiêu với khu vực chung quanh mục tiêu là tạo sự an toàn tối
đa cho quân nhảy dù khi hạ xuống đất hay cho TQLC khi đổ bộ lên bãi
biển. Trong Thế Chiến II, những cuộc oanh kích và hải pháo khu vực
Normandie để cho quân từ dưới biển đổ bộ lên và không
quân oanh kích khu vực Bastogne ở Bỉ dọn đường cho một cuộc hành quân
nhảy dù lớn nhất của Mỹ khi trận chiến sắp kết thúc là mẫu yểm trợ của
Không Quân và Hải Quân vào loại hành quân đặc biệt đó. Đối với một
chuyên viên quân báo, khi nghiên cứu kỹ các khu
vực bị oanh kích hay pháo kích, người ta có thể ước tính được phần nào
khu vực mục tiêu.
Tại chiến
trường Quảng Trị, tuy không được qui mô yểm trợ như trong Đệ Nhị Thế
Chiến, Không Quân và Hải Quân VNCH đã cho phe bên kia thấy có một cái gì
đó tại Đông Hà và Cửa Việt trong tương lai.
Mặt khác sự
chuẩn bị ráo riết của Sư Đoàn Dù và TQLC để tham dự trận tấn công tương
lai đã giúp cho chuyện riêng của Đại Tá Nghĩa phần lớn. Sự chuẩn bị nầy
không thể nào qua mắt quan sát của tình
báo CS trong các hàng quán xung quanh đơn vị đóng quân cũng trong nội
bộ đơn vị. Người ta đừng quên đây là nội chiến, người của hai phe có mặt
khắp nơi.
Lần nầy Đại
Tá Nghĩa lại dở miếng đòn cũ là tuyên truyền xám. Ông ta được các cơ
quan tình báo và an ninh bạn tổ chức một số “cò mồi” trong hai đơn vị Dù
và TQLC. Những tay cò mồi nầy làm ra vẻ thông
thạo tin tức, rỉ tai với bạn đồng đội sự chuẩn bị trong Sư Đoàn Dù là
chuẩn bị nhảy lớn, mặc dầu không biết ở đâu. Trong Sư Đoàn TQLC cũng trò
rỉ tai nói về một cuộc đổ bộ của toàn sư đoàn, cũng không biết ở đâu.
Thông thường một người biết chuyện bí mật không
dằn được ý muốn cho một người khác biết để tỏ ra ta đây là người biết
nhiều chuyện. Dĩ nhiên khi rỉ tai, y không quên thêm vào câu: “Đây là
tối mật, chỉ có anh là người tôi tin cậy nên mới nói cho biết thôi.”.
Loại bí mật nầy, tiếng Pháp gọi là secret de polichinelle
lan rộng một cách tự nhiên. Đại Tá Nghĩa lấy làm hứng thú mà cho địch
nếm mùi hư hư thực thực, một tình trạng mà họ không hề lâm vào nhờ gài
tình báo ở mọi cấp. Ví dụ trong hành quân Lam Sơn 719 năm 1971, kế hoạch
hành quân của ta đã lọt vào tay bộ chỉ huy
địch khi quân ta chưa đến trận địa! Biết bao nhiêu xương máu của các
chiến sĩ anh hùng đã được tiết kiệm nếu lúc đó người ta biết áp dụng
nguyên tắc sơ đẳng trong hành quân tấn công là hư thực hay lừa địch.
Để thực
hiện Thanh Tuyền 3, một ngày nào đó trong tháng 7 trước ngày N của Lam
Sơn 2 độ hơn một tuần, Đại Tá Nghĩa đến gặp Đại Tá Bảo, Tham Mưu Trưởng
Sư Đoàn Dù. Nhờ có nhiều bạn quen trong giới
mũ đỏ, Đại Tá Nghĩa gặp được nhiều dễ dàng trong công tác “mượn đầu heo
nấu cháo” trong sư đoàn nầy.
Sau khi
thuyết trình sơ lược về Thanh Tuyền 3, Đại Tá Nghĩa xin Đại Tá Bảo cho
mượn một Tiểu Đoàn Dù trong vòng một ngày và trước ngày N của Lam Sơn 72
bốn hôm. Đại Tá Bảo rất có cảm tình với Đại
Tá Nghĩa nhưng ông ta cho biết kế hoạch hành quân tấn công là một bộ
máy đồng hồ nhịp nhàng. Nay rứt ra một bánh xe, mặc dầu trong thời gian
ngắn 24 tiếng là một chuyện rắc rối cho công tác tham mưu. Sau cùng ông
ta cho mượn một Đại Đội Dù trang bị đồ nhảy
dù đầy đủ trong 24 tiếng. Đại đội nầy sẽ trình diện Đại Tá Nghĩa chiều
ngày N-4 tại sân bay Phú Bài. Đại Tá Nghĩa đã xin Sư Đoàn 1 Không Quân
của Đại Tá Khánh bốn phi cơ vận tải đủ chở một đại đội nhảy dù đầy đủ
quân trang, quân dụng. Phi cơ có mặt tại Phú
Bài sáng sớm ngày N-3.
Y hẹn, Đại
Đội Dù đã đến sân bay Phú Bài buổi chiều ngày N-4. Toàn thể quân nhân
đại đội đều bị cấm trại. Tuy nhiên, sự di chuyển một đại đội Dù với y
phục tác chiến, đeo dù ở lưng từ căn cứ đại
đội đến Phú Bài chắc chắn khó thoát khỏi con mắt tình báo địch.
Đêm đó Đại
Úy đại đội trưởng và Thiếu Tá chỉ huy phi đội đã được Đại Tá Nghĩa
thuyết trình cho biết đây là một nhiệm vụ đặc biệt tối mật của Tư Lệnh
Quân Đoàn, chỉ có hai người biết trong đơn vị.
Mọi sự sơ xuất để lộ mật thì hai người sẽ chịu trách nhiệm với Trung
Tướng Trưởng.
Phần đại
đội trưởng thuyết trình cho trung đội trưởng biết đại đội có nhiệm vụ
tiền phong nhảy xuống một khu vực gần Đông Hà. Đại đội sẽ thiết lập một
bãi đáp an toàn để cho đại bộ phận Sư Đoàn nhảy
xuống sau khi an toàn bãi đáo có rồi. Mỗi trung đội được phát địa đồ
bãi đáp và nhận nhiệm vụ riêng cho từng trung đội. Sau buổi thuyết trình
nầy đại đội trưởng sẽ thuyết trình lại với các trung đội trưởng. Phần
trung đội trưởng trước khi lên phi cơ sẽ nói
sơ lại nhiệm vụ của trung đội với đội viên.
Đường bay của phi cơ được ấn định cho Thiếu Tá phi đội trưởng như sau:
- Phi cơ
cất cánh 7 giờ sáng hướng mũi về Bắc. Bay đến gần chạm tuyến, phi cơ đổi
hướng về Đông ra biển, sau đó bay trong khu vực bạn kiểm soát để có an
toàn. Thời gian ở trên không bằng thời gian
bay Phú Bài – Đông Hà đi và về . Khi bay được phân nửa thời gian, nếu
bay thực thì ở trên không phận Đông Hà, đại đội trưởng nhờ phi đội
trưởng đánh về căn cứ một công điện do Đại Tá Nghĩa soạn sẵn trao cho
đại đội trưởng: “Đã đến không phận mục tiêu #gió
quá lớn không nhảy được # xin cho trở về tạm nghỉ đợi thời tiết tốt #”.
Căn cứ sẽ trả lời chấp thuận và phi cơ bay về.
Sau khi đáp
xuống Phú Bài, đại đội trưởng tập họp trung đội trưởng cho biết hôm nay
trời xấu không nhảy được. Tạm về căn cứ. Ra lệnh cho binh sĩ trong mỗi
đơn vị tuyệt đối giữ kín nhiệm vụ được trung
đội trưởng phổ biến trước khi bay.
Lần này lạy Trời cho họ ÍT kín miệng hơn!
THANH TUYỀN 4
Trước ngày
Đại Đội Dù lên phi cơ năm hôm, Đại Tá Nghĩa đến gặp Đại Tá Chung , Tham
Mưu trưởng Sư Đoàn TQLC để mượn một tiểu đoàn trong hai ngày và trả lại
48 giờ trước ngày N. Đại Tá Nghĩa đã trình
bày như đã trình bày với Đại Tá Bảo bên Sư Đoàn Dù. Có lẽ hôm nay ông
ta thuyết trình dở nên đưa lý do gì ra cũng bị Đại Tá Chung bác cùng một
lý do như Đại Tá Bảo đã nói. Hết thuyết trình rồi năn nỉ nhưng chẳng ăn
thua gì. Cuối cùng Đại Tá Nghĩa đứng dậy
từ giã chủ nhà với bộ mặt thiểu não của kẻ đi mượn tiền bị ông chủ từ
chối mặc dù đã nói đến khô cổ. Dọc đường, Đại Tá Nghĩa lầm bầm: ” thật
khổ cho thân bầu gánh của mình. Muốn hát mà không có một anh kép, một cô
đào, toàn là đi mượn, phiền toái làm sao!”
Ông ta trách Đại Tá Chung ích kỷ, nhưng sau cùng ông ta thấy “Đại Tá
Chung có lý, mình ở địa vị ông ta chắc mình cũng làm như vậy.”
Đang than
thở một mình trên xe, đột nhiên Đại Tá Nghĩa vỗ đùi cái bép làm chú tài
xế giật mình. Một ý nghĩ hay hay vừa thoáng qua trong óc. Ông ta tự nói
với mình: “Sao mình ngu thế, để mất thì giờ
năn nỉ Đại Tá Chung. TQLC cũng rằn ri, BĐQ cũng rằn ri, cả hai đều đội
mũ sắt ra trận. Đây là đóng kịch, cần gì TQLC thật. Mình cứ mượn một
tiểu đoàn BĐQ rồi phao ra tiểu đoàn nầy là TQLC bận đồ BĐQ để đánh lạc
hướng địch, hư hư thực thực mà!”
Sở dĩ Đại
Tá Nghĩa nghĩ đến mượn BĐQ vì chỉ huy trưởng BĐQ/QĐ1, Đại Tá Khoái là
bạn cùng khóa Thủ Đức với ông ta. Trong loại chiến tranh ngoại lệ nầy,
trong tay không có một tấc sắt trừ khẩu súng
lục bên hông, ông ta phải đánh giặc bằng bộ óc và cái mồm. Phương tiện
gì cũng mượn của người thành ra ông ta lại kiêm luôn nghề ngoại giao.
Nơi nào cần nói cứng thì nói cứng, nơi nào sử dụng sự quen biết thì sử
dụng. Ông ta tự nhủ mình lo chuyện chung chớ
đâu phải lo riêng chuyện nhà mình đâu mà ngại.
Đại Tá Nghĩa chạy thẳng đến BCH của Đại Tá Khoái. May quá ông Khoái ở nhà.
“Cơn gió
nào đưa cậu đến đây? Mọi người làm việc hộc máu mồm để chuẩn bị cho màn
hát tới. Chỉ có cậu là có vẻ nhàn nhã . Một thằng đệ tử của tớ đã nói
thấy cậu sáng nào cũng ngồi nhẩm cà-phê ở nhà
Thủy Tạ, có khi cậu hẹn đào ở đó. Sung sướng nhỉ!” – Đại Tá Khoái thân
mật hỏi.
Đại Tá Nghĩa làm mặt nghiêm trả lời:
“Đào kép ở đâu mà hẹn! Này cho biết, “moi” được ông Tướng gởi đến gặp “toi” có chút chuyện đấy.”
Ở QĐ1, tất
cả sĩ quan đều ngán sự nghiêm khắc, kỷ luật của Trung Tướng Trưởng . Khi
nghe ông hỏi thăm, ai cũng ngán. Đại Tá Khoái đã đau khổ với ông ta vì
một số BĐQ từ Quảng Trị chạy về Huế cướp
bóc phá phách. Lần nầy, ông ta nghi lại một vụ kỷ luật nữa trong BĐQ.
Vẻ mặt hơi bối rối, Đại Tá Khoái hỏi có vẻ dồn dập:
- Chuyện lành hay dữ?
Đại Tá Nghĩa nghe giọng hỏi đã biết tâm trạng ông bạn đồng khoá. Với giọng nghiêm nghị từ đầu:
- Trung
Tướng Trưởng bảo “toi” cho “moi” mượn một tiểu đoàn để thi hành một công
tác đặc biệt của ông ta. Sau 48 tiếng “moi” sẽ hoàn trả lại “toi”, cam
kết không một thằng mũ nâu nào mất một sợi
lông chân. Chuyện chỉ giản dị vậy thôi. “Toi” nên nhớ ổng chiếu cố đến
“toi” nên bảo “moi” đến vay mượn “toi”. Ở quân đoàn nầy khối thằng muốn
“moi” mượn mà mà “moi” đâu thèm mượn!
Đại Tá Nghĩa nhủ thầm: “mới có vài tháng chiến tranh ngoại lệ mà bây giờ mình nói láo trơn tru nhưVẹm!”
Đại Tá Khoái cũng ở trong tình trạng như Đại Tá Bảo, Đại Tá Chung nên ngồi thừ ra có vẻ khó nghĩ.
Thừa thế xông lên, Đại Tá Nghĩa cầm mũ đứng lên nói:
- Thôi, để “moi” về báo cáo với ông Tướng là “toi” verry sorry, không thể chìu ý ông ta được.
Đại Tá Khoái bước đến đè vai Đại Tá Nghĩa ngồi xuống:
- Thôi
thằng ông mãnh . Tớ thừa biết không có ông Tướng nào mượn hết, chỉ có
cậu vẽ chuyện. Nhưng không cho cậu mượn thì sau nầy biết chuyện, anh em
khoá 2 Thủ Đức sẽ chưởi tớ. Cho biết mượn ngày
nào, đi đâu, ai lo chuyên chở, ai lo ăn và ngày trở lại.
Đại Tá Nghĩa thuyết cho Đại Tá Khoái biết sơ về mục tiêu và diễn biến Thanh Tuyền 4. Sau đó ông thêm:
-”Toi” bảo
tiểu đoàn trưởng đến gặp “moi” gấp tại Bộ Tư Lệnh/TP. “Moi” sẽ thuyết
trình thêm nhiệm vụ chi tiết cho hắn. Chuyên chở, ăn uống “moi” lo hết.
Ngày N-4 đại đội quân vận của Quân Đoàn đến
trại bốc mấy đứa con của “toi”. Nhớ đến giờ bốc, tụi nó sẵn sàng ở
trong tư thế tác chiến từ quần áo đến súng đạn. Trước khi chia tay, cho
phép “moi” cám ơn lòng hào hiệp của “toi” đối với anh em. “Moi” căn dặn
“toi” đây là công tác tối mật, “toi” và đàn em
phải triệt để thi hành. Thằng nào bép xép bị cắt lưỡi ráng chịu.
Một hành
quân đổ bộ, thực hay giả, đòi hỏi nhiều phương tiện và một công tác
thiết kế tỉ mỉ. Đó là tàu chuyên chở, tàu đổ bộ, yểm trợ hải pháo và
không quân. Những thứ nầy Hải Quân Vùng 1 của Đại
Tá Thoại không có khả năng cung cấp, nhất là trong thời gian ngắn. Cũng
may cho Đại Tá Nghĩa là Hải Quân Mỹ, có lẽ là do lệnh từ Hoa Thịnh Đốn,
sẵn sàng cung cấp những gì ông ta đòi hỏi.
Sau một buổi hội với vị đại tá đại diện Đệ Thất Hạm Đội, Đại Tá Nghĩa và phía Mỹ thoả thuận như sau:
Cuộc hành
quân sẽ do Mỹ điều khiển từ A đến Z với phương tiện của Hạm Đội Mỹ. Tiểu
đoàn đổ bộ sẽ lên tàu Mỹ ở bến Tàu Mỹ Thủy phía đông của Huế độ 10 cây
số vào buổi chiểu ngày N-4. Trước khi lên
tàu, tiểu đoàn sẽ dàn binh tại cầu tàu cho Đại Tá Nghĩa và một ông
tướng Mỹ duyệt binh.
Cuộc duyệt
binh nầy sẽ được nhiều phóng viên truyền hình Mỹ và Tây Phương quay
phim. Tiểu hạm đội gồm có các tàu chuyên chở và một số Khu Trục Hạm di
chuyển đến ngoài khơi Cửa Việt và dừng lại cách
bờ độ 5 cây số, ở đấy đợi trời sáng tức là sáng ngày N-3. Sáng hôm nay
cũng là ngày Đại Đội Dù cất cánh ở Phú Bài. Thời gian ba ngày trước tấn
công là thời gian được tính toán đủ cho tình báo viên BV trà trộn bên
khu vực ta thông báo tin tức về đến tướng CS
Chu Huy Mân và đủ cho viên tướng nầy rút bớt quân ở tiền tuyến Quảng
Trị nếu ông ta chịu nhấp chén thuốc độc mà bao nhiêu người ở MN góp công
dâng cho ông ta. Tiểu đoàn sẽ xuống các xuồng đổ bộ từng trung đội từ
trong bụng các thuyền mẹ chạy ra ngoài phía
lái chớ không leo lên thang dây xuống xuồng đổ bộ như xưa. Trước đó
trên mười Khu Trục Hạm sẽ pháo lên các đường tiến sát dẫn đến bãi đổ bộ
và các công sự phòng thủ trên bờ. Khi hải pháo ngưng thì phi cơ khu trục
oanh tạc tiếp theo. Các xuồng đổ bộ chạy vào
bờ dưới sự yểm trợ của trực thăng võ trang. Còn cách bờ 200 mét các
xuồng sẽ quay mũi trở về tàu mẹ. Tiểu đoàn trưởng khi lên tàu sẽ được
thuyết trình chi tiết về những phần vụ tiểu đoàn trưởng phải làm. Phía
Mỹ sẽ cung cấp bữa ăn chiều khi tiểu đoàn lên tàu
ở Mỹ Thủy và các bữa ăn kế tiếp cho đến khi tàu trở về lại Mỹ Thủy.
Đại Tá Nghĩa hẹn gặp Thiếu Tá Khoa, Tiểu Đoàn trưởng BĐQ. Khi gặp Đại Tá Nghĩa nói liền:
- Đây là
một cuộc thực tập rút kinh nghiệm để vài hôm sau sẽ có một cuộc đổ bộ
lớn. Thiếu Tá đã biết từ ngữ plastron khi đi tập tác chiến ở quân
trường. Đơn vị của Thiếu Tá làm plastron trong trận
diễn tập nầy.
Sau đó ông ta thuyết trình về diễn tiến cuộc hành quân. Sau cùng ông ta lưu ý Thiếu Tá Khoa về những điểm sau:
- Thứ nhất,
không bao giờ nói cho thuộc cấp trong tiểu đoàn biết đây là diễn tập.
Nếu nói trước binh sĩ sẽ lơ là, đóng vai plastron không đúng. Chỉ nói ý
nghĩa cuộc thực tập sau khi tiểu đoàn trở
lại tàu mẹ.
- Thứ nhì,
tuyệt đối giữ kỷ luật và vệ sinh trên tàu Mỹ. Nên nhớ cho rằng tư cách
binh sĩ nói lên giá trị của quân đội ta trước mặt ngoại quốc.
- Thứ ba, phải thi hành đúng đắn lệnh của chỉ huy trưởng hành quân là một sĩ quan Mỹ.
Sau hết ông ta hỏi Thiếu Tá Khoa có gì thắc mắc không?
Thiếu Tá Khoa nói liền:
- Thưa Đại
Tá, tuy là thực tập, nhưng đây là một cuộc hành quân đổ bộ. Đơn vị tôi
chưa bao giờ được huấn luyện đổ bộ, tôi sợ sẽ có sai sót ở điểm nầy.
Đại Tá Nghĩa trả lời:
- Khi xưa
trong một cuộc hành quân đổ bộ, nội chuyện từ tàu mẹ xuống xuồng đổ bộ
là một vấn đề lớn, nhất là khi biển không êm. Phải xuống bằng thang dây
trong cái rập rình giữa thuyền mẹ và thuyền
con. Lực lượng đổ bộ dầu đã được huấn luyện kỹ thế nào cũng bị thiệt
hại: một số người bị gãy tay, gãy chân. Ở đây không có vấn đề đó vì các
anh lên xuống xuồng đổ bộ theo thứ tự từng trung đội trong lòng tàu mẹ.
Sau đó, nó hả đít ra cho thuyền con chạy ra.
Ngoài chuyện đó ra không đòi hỏi gì khác ở các anh. Mấy anh chỉ là khán
giả ở hàng ghế đầu xem một màn chớp bóng thú vị thế thôi.
Chiều ngày
N-4, tại bến tàu Mỹ Thủy, màn đầu duyệt binh diễn ra hoàn hảo. Các phóng
viên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình thi nhau chụp hình và
quay phim. Viên đại tá Mỹ bày ra trò diễn binh
nầy thật là tinh quái. Là sĩ quan trong quân đội một nước dân chủ như
Mỹ, ông ta nhiều lúc khốn khổ với đám phóng viên chiến trường. Hôm nay
ông ta mượn đám nầy chuyển tin miễn phí đến tướng Chu Huy Mân, tư lệnh
lực lượng phía bên kia.
Đại Tá
Nghĩa lên một chiếc Dương Vận Hạm của HQ Việt Nam, trên đó có Đại Tá
Thoại- Tư Lệnh HQ Vùng 1, Đại Tá Xuân – Tham Mưu trưởng của ông ta.
Sau gần một
tháng mất ăn mất ngủ, thần kinh căng thẳng, chuyến đi nầy thực là một
chuyến du ngoạn trên biển vô cùng thú vị. Đại Tá Nghĩa bây giờ là một
khán giả thư nhàn, nhìn đào kép diễn màn chót
vở tuồng mà ông ta khổ công viết ra và làm đạo diễn. Đây là 1/4 của
chén thuốc độc mà ông hy vọng thân tặng tướng Chu Huy Mân.
Sáng hôm
nay, ở ngoài khơi Cửa Việt, trời đẹp quá. Trời trong, gió nhẹ, sóng nhẹ
thật là lý tưởng cho một cuộc đổ bộ. Ông ta đang thưởng thức tách cà-phê
của Hải Quân trong phòng sĩ quan bỗng nghe
tiếng đại bác nổ, bay vèo trên đầu. Ông ta lật đật chạy lên phòng chỉ
huy nơi đây đã có mặt Hạm Trưởng, Đại Tá Thoại, Đại Tá Xuân. Đại Tá
Thoại đưa cho ông ta một ống dòm và chỉ vào bờ. Trên mười chiếc Khu Trục
Hạm đã đồng loạt nhả đạn vào các điểm đã ấn định
trước. Phải nhìn nhận về mặt hành quân đổ bộ, người Mỹ là bậc thầy. Các
quân binh chủng phối hợp hết sức nhịp nhàng như một dàn nhạc hoà tấu
dưới chiếc đũa điêu luyện của một nhạc trưởng. Khi hải pháo vừa im tiếng
thì các chiến đấu cơ không biết từ đâu ra
rít lên âm thanh ghê rợn của bộ máy mang sự chết chóc, chúi mũi xuống
đất rồi cất đầu vọt lên kéo theo một tiếng ầm vang dội với một cột khói.
Không biết tất cả là mấy chục chiếc. Ở phía xa hơn hình như có thêm B52
tham dự vào trò chơi chết người nầy với tiếng
nổ kéo thành một dây dài. Cuộc nhào lộn hết sức ngoạn mục và thú vị gấp
mười coi truyền hình hay chớp bóng vì đây là máy bay thật, đánh bom
thật. Chỉ oái oăm là những cái thật đó để phục vụ cho một câu chuyện giả
tưởng.
Lạy Trời cho không có người thường dân vô tội nào dưới cơn lửa đạn kinh khủng ấy!
Các phi cơ trút hết bom bay vụt ra biển.
Lúc đó mấy
chiếc tàu mẹ mở đít ra, từ đó các xuồng đổ bộ đầy nhóc các TQLC giả chạy
ra. Chắc các bạn mũ nậu lúc nầy căng thẳng thần kinh ghê gớm. Có quân
nhân nào không căng thần kinh trong giờ phút
một chiếc xuồng đổ bộ sắp cặp vào bờ địch trên đó đủ thứ chết đang chờ
đợi. Lần nầy, thật kỳ diệu, lại xuất hiện đúng lúc một lô trực thăng võ
trang từ ngoài khơi bay vào. Một phần trực thăng bay quần trên đầu lực
lượng đổ bộ trong khi phần khác bay vào bờ
bắn hoả tiển vào các mục tiêu sát bờ biển. Ngoài hoả tiển, lại có tiếng
đại liên phụ vào dàn hoà tấu.
Đúng theo
kế hoạch, còn 200 mét cách bờ, các xuồng đổ bộ quay về. Trong màn kịch
chót tuy ngắn ngủi nhưng đầy trò chơi chết chóc nầy, không một tai nạn,
không một người chết. Phải chấm một điểm son
cho Hải Quân và Không Quân Mỹ!
Trên đường
về bến Mỹ Thủy, đầu óc Đại Tá Nghĩa không còn thanh thản như lúc đi. Một
câu hỏi lúc nào cũng lởn vởn trong đầu ông ta:
- Mình đã
phí bao nhiêu tâm lực, bao nhiêu con người tài giỏi, bao nhiêu phương
tiện tham gia hành quân lừa địch mà chúng có bị lừa không?
Tàu cập bến
Mỹ Thủy buổi chiều. Ông ta đến ngay Bộ Tư Lệnh báo cáo diễn tiến hai
cuộc hành quân Thanh Tuyền 3 và 4 với Trung Tướng Trưởng.
Sáng hôm
sau, tức là ngày N-2, trong buổi thuyết trình tình hình địch trong 24
giờ qua của Phòng 2 BTL/TP, Đại Tá Nghĩa hình như nghe mang máng một
câu:
“Không ảnh và không thám cho thấy địch rút bớt lực lượng ở tiền tuyến Quảng Trị, lực lượng rút đi ước lượng một sư đoàn.
NGÀY N MỞ MÀN
Chưa bao
giờ trên đất nước Việt Nam, suốt 50 năm chiến tranh trên một chiến
trường nhỏ hẹp mà có một trận chiến dữ dội như thế. Với số lượng hoả lực
của đại bác dưới đất, dưới tàu bắn lên, số bom
từ phi cơ rót vào một khu vực nhỏ hẹp như tỉnh lỵ Quảng Trị, tánh chất
ác liệt của trận đánh không thua một trận ác liệt nào trong Thế Chiến
II, chỉ có qui mô nhỏ hơn.
Nhiều đêm
trong giấc mơ, Đại Tá Nghĩa không biết chuyện mình làm có giảm bớt sự
thiệt hại cho bạn không? Tội nghiệp cho thắc mắc của một người lương
thiện. Tuy nhiên một bản điện báo của một thông
tín viên chiến trường Tây Phương, không nhớ tên và quốc tịch, đánh đi
sau khi quân ta tái chiếm Quảng Trị, có một câu làm cho Đại Tá Nghĩa bớt
thắc mắc:
“Đây là lần
đầu tiên một viên tướng Việt Nam (chỉ Trung Tướng Trưởng) biết sử dụng
đòn C&D trong cuộc chiến tại Việt Nam và đòn đó tỏ ra có hiệu quả.”
Sau khi
quân ta tái chiếm Quảng Trị, một ngày tháng 9, một buổi lễ nhỏ gắn huy
chương cho một người sắp rời Bộ Tư Lệnh/TP diễn ra tại phòng hành quân
của Bộ Tư Lệnh. Khách tham dự rất ít. Chỉ có
Tư Lệnh, Phó Tư Lệnh, Tham Mưu trưởng, các Trưởng phòng Bộ Tham Mưu.
Có buổi lễ
nầy vì Đại Tá Nghĩa sẽ rời BTL/TP để lãnh một nhiệm vụ khác trong QK1.
Chiến tranh ngoại lệ với lối đánh nghệ sĩ của viên Đại Tá nầy không còn
cần thiết sau khi mặt trận đã ổn định tại
tuyến Thạch Hãn.
Một sĩ quan
Phòng Tổng Quản Trị đọc bản tuyên dương công trạng trước Quân Đoàn số
201 do Trung Trướng Ngô Quang Trưởng, thừa lệnh Đại Tướng Cao Văn Viên –
Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, ký ngày 15-9-1972.
Trong bản tuyên dương có câu:
“…Sĩ quan
cấp tá ưu hạng, giàu kinh nghiệm chuyên môn và chiến trường. Trong cuộc
hành quân Lam Sơn 72 tại Quảng Trị với chức vụ phụ tá đặc biệt tại Bộ Tư
Lệnh Quân Đoàn 1/Tiền Phương, Đại Tá Nghĩa
luôn luôn biểu dương tinh thần phục vụ cao để khắc phục mọi gian lao để
hoàn thành nhiệm vụ được giao phó một cách tốt đẹp” (1)
Sau đó
Trung Tướng Trưởng gắn vào ngực Đại Tá Nghĩa một Anh Dũng Bội Tinh với
ngôi sao vàng, bắt tay ông ta và ngỏ lời cám ơn sự đóng góp của ông ta
vào hành quân Lam Sơn 72.
Trước khi
rời Bộ Tư Lệnh Tiền Phưong, một viên tướng Mỹ, hình như mãn nhiệm kỳ cố
vấn cho tư lệnh Quân Đoàn 1, sắp về Mỹ, đến gặp Đại Tá Nghĩa lúc ông nầy
giữ một nhiệm vụ mới tại Đà Nẵn.. Viên tướng
bắt tay Đại Tá Nghĩa với lời chúc tụng nồng nhiệt về hành quân Thanh
Tuyền. Ông ta xin Đại Tá Nghĩa vui lòng cho một bản sao phụ bản G của
hành quân Lam Sơn 72 tức là bản sao hành quân Thanh Tuyền để đem về Mỹ
cho các quân trường nghiên cứu .
o O o
Trên
đây là câu chuyện của một người say kể cho
người say khác nghe trong một căn phòng nhỏ ấm cúng vào một đêm mùa
Đông ngoài trời tuyết phủ trắng xoá vạn vật tại một tiểu bang Đông Bắc
nước Mỹ.
Tôi là bạn
thâm giao với Đại Tá Nghĩa từ lúc biết nhau ở quân trường. Chúng tôi
không gặp nhau từ lúc Đại Tá Nghĩa đổi ra Vùng 1 Chiến Thuật năm 1972.
Đến nay, gần một phần tư thế kỷ, chúng tôi tình
cờ gặp lại nhau tại hải ngoại. Một bữa cơm thân mật là một truyền thống
của đôi bạn xa xưa. Trong bữa cơm tay đôi nầy, tôi đã chứng kiến lần
đầu tiên Đại Tá Nghĩa phá lệ xưa:
- Phá lệ
thứ nhất là ông ta chịu uống rượu mạnh mà lại uống nhiều, nói rằng để
chìu tôi. Ngày xưa ông không hề uống rượu mạnh bao giờ. Ông ta không
biết chữ Nho nhiều nhưng lại có cái tật thích ngâm
nga thơ Đường. Lần nầy thấy tôi đem chai Cognac Hennessy để trên bàn,
với giọng châm biếm quen thuộc, ông ta cất lên: ” tửu phùng tri kỷ tam
bôi thiểu” .
- Phá lệ thứ nhì là ông ta nó nhiều suốt buổi cơm. Ngày xưa ông ta là một người ít nói.
Cũng con
người nầy, nét mặt, vóc dáng gần như cũ chỉ già hơn đôi chút với nếp
nhăn trên trán và mái tóc bạc. Tuy nhiên trong ánh mắt của con người yêu
đời ngày xưa, ẩn chứa một nỗi buồn khó tả. Cũng
giọng pha trò vui nhộn khi có tiệc giữa bạn thân, những câu pha trò
ngày nay nhuốm một hơi hướng cay đắng thế nào!
Trước mắt
tôi là một con người mà đời binh nghiệp đã trải qua nhiều sóng gió và
chắc là cũng đã nếm quá nhiều mùi đau khổ vật chất và tinh thần trong
hai mươi năm nay.
Khi nghe Đại Tá Nghĩa dứt câu chuyện, tôi không dằn được câu hỏi có lẽ làm phật lòng ông ta:
- Câu
chuyện anh kể nghe thú vị lắm, ly kỳ lắm. Nhưng này ông bạn già của tôi
ơi, tôi có cảm giác nghe một câu chuyện trong tiểu thuyết loại Z28 tại
Sài Gòn trước năm 1975. Giữa chúng mình, anh cứ
nói thực, đây là câu chuyện phịa cho buổi nhậu có ý nhị hơn hay là
chuyện có thực?
Đại Tá Nghĩa trầm ngâm một chút, như có vẻ tìm ý hay tìm chữ, sau đó mới trả lời:
- Trước khi
trả lời trực tiếp câu hỏi của anh, tôi xin nói một vấn đề riêng của
tôi. Tôi là một người biết suy nghĩ nhưng không có khả năng viết lách.
Sẵn bữa nay gặp anh, tôi nhờ ngòi bút của anh,
một nhà văn, nói lên sự tri ân của tôi với tất cả chiến sĩ VNCH, quân
hay dân đã cộng tác với tôi để hoàn thành tốt đẹp kịch bản nầy. Đây chỉ
là một màn kịch không hơn không kém.
Tôi cũng
nhờ anh tri ân tất cả các bạn Mỹ trong Hải Quân và Không Quân đã triệt
để giúp tôi. Dù hậu ý của chánh phủ họ có thế nào chăng nữa, đây là sự
sát cánh chiến đấu lần chót của những chiến
hữu Mỹ-Việt trong trận chiến bất hạnh nầy.
Tôi cũng
muốn nhờ anh nói lên sự ăn năn và cầu xin sự tha thứ của tôi đối với
gia đình người anh hùng vô danh trong QLVNCH. Gia đình đau khổ này đã
không có được nấm mồ của người thân để ra thắp
nén hương tưởng niệm.
Tôi hỏi lại:
- Thế còn trả lời câu hỏi của tôi?
- Có thực
hay không chỉ có người trong cuộc biết vì đây là cuộc chiến tranh bí
mật. Ngay như Đại Tá Dương phụ trách viết quân sử của QLVNCH tại Bộ TTM,
ông ta cũng chưa bao giờ nghe nói đến một cuộc
hành quân nào mang tên Thanh Tuyền trong chiến dịch tái chiếm Quảng Trị
năm 1972.
Tôi là
người viết kịch bản nên tôi biết toàn bộ. Những người khác chỉ biết một
phần. Anh đã nghe rồi, kịch bản nầy có bốn màn riêng biệt với các diễn
viên riêng biệt nhưng nhắm vào một mục tiêu chung.
Theo chỗ
tôi biết trong màn 1, người bác sĩ giúp tôi xin xác chết tại bệnh viện
Nguyễn Tri Phương, y sĩ Trung Tá Phát hiện đang định cư ở Connecticut.
Người phụ tá quý báu của tôi, người đã tự tay
đẩy xác chết xuống khu vực địch, Trung Tá Phan Trọng Sinh không biết
trôi dạt vào đâu. Ông nầy là em ruột Trung Tướng Phan Trọng Chinh.
Trong màn
2, thật là đau lòng mà tôi được biết hai vai chánh đều chết cả. Đại Tá
Dương Quang Tiếp chết trong một trại cải tạo ở BV. Đại Úy Trung bị bắn
chết trong một cuộc vượt ngục.
Trong màn 3, Đại Tá Bảo đã chết vì trực thăng rớt tại mặt trận Quảng Trị. Vị sĩ quan đại đội trưởng Dù không biết sống chết.
Trong màn
4, nhân chứng rất nhiều. Đại Tá Khoái và Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng BĐQ
không biết thất lạc nơi đâu. Hai vị sĩ quan Hải Quân đứng cạnh bên tôi
nhìn lại diễn biến cuộc đổ bộ giả hiện đang
còn sống. Phó Đề Đồ Hồ Văn Kỳ Thoại hiện đang định cư ở một tiểu bang
miền Đông nước Mỹ. Đại Tá Xuân định cư tại Nam Cali.
Ngoài ra
trong văn khố của Đệ Thất Hạm Đội thế nào cũng có lệnh hành quân vào Cửa
Việt ngày hôm đó. Nhiều sĩ quan thuộc Hải Quân và Không Quân tham gia
hành quân, cũng như viên tướng xin tôi lệnh
hành quân Thanh Tuyền chắc còn sống và đang sống cuộc đời êm đềm của
quân nhân hưu trí ở đâu đó trong các tiểu bang Mỹ.
Ngoài những
nhân vật kể trên, hai sĩ quan cộng tác viên trong bộ tham mưu nhỏ của
tôi, những người có công rất lớn trong hành quân Thanh Tuyền là Đại Úy
Vệ và Trung Úy Trúc hiện đang định cư ở Nam
Cali. Trung Uý Trúc là người tự tay đánh lệnh hành quân Thanh Tuyền, đã
tuyệt đối tôn trọng lệnh bảo mật cho đến ngày hôm nay.
Anh cứ tìm những nhân chứng tôi vừa kể tên thì biết câu chuyện trong bữa rượu hôm nay có thực hay giả.
Tôi liên
tưởng đến các bí mật trong Đệ Nhị Thế Chiến được phanh phui khi chiến
tranh chấm dứt lâu, các hồ sơ mật được giải toả nên hỏi thêm:
- Có khi nào anh nghe phía BV đề cập đến vụ nầy?
Nở nụ cười châm biếm, Đại Tá Nghĩa trả lời:
- Nếu hỏi
như thế có khác nào anh hỏi một tay thẩy bài ba lá ở đường Hàm Nghi Sài
Gòn một câu như sau: “Này người anh em, hình như ngày hôm qua, người anh
em đã thua tức tối trong canh phé bịp ở
Cầu Ông Lãnh phải không?”
Người CS
nếu bị cú nầy, thế nào họ cũng giữ kín đời nào xì ra sự thực. Chắc
chắn, những tài liệu về vụ nầy, nếu có, đã bị thủ tiêu từ khuya. Đỉnh
cao trí tuệ loài người mà lị !!
Câu hỏi của
anh làm tôi liên tưởng đến một câu hỏi tương tự mới xảy ra gần đây làm
hao tốn giấy mực của báo chí trên thế giới. Một vị tai to mắt lớn trong
nội các của Tổng Thống Johnson, người đã
lãnh đạo và điều khiển luôn cuộc chiến tranh Việt Nam trong một thời
gian khá dài, đã khổ công tìm gặp cho được đại tướng Võ Nguyên Giáp tại
Hà Nội để chỉ hỏi một câu: “Này, trong đêm oan nghiệt tháng 8 năm 1964
đó, tàu chiến các hạ có bắn vào tàu của tại
hạ không? Phe tại hạ quả quyết các hạ cho lệnh bắn nên vị chưởng môn
của tại hạ đã nổi trận lôi đình cho phi cơ oanh tạc lia chia gây thành
chiến tranh Việt-Mỹ. Bây giờ trước khi về theo ông bà, tại hạ còn ấm ức
nếu không nghe được câu trả lời đích xác từ
cửa miệng của các hạ.”
Sẵn đây, trong hơi men tối nay, tôi bàn thêm vài câu theo thông lệ của Mao Tôn Cương.
Hình chụp
ngài Mac Namara tươi cười bắt tay ngài Võ Nguyên Giáp, lon lá đầy ngực,
cũng tươi cười không kém tại Hà Nội ngày 9 tháng 11 năm 1995. Nhìn tấm
hình tôi tự hỏi sao tướng nhà mình đã trên
80 tuổi rồi, đáng lẽ phải có dáng dấp phúc hậu mới phải vì người già
nào cũng có vẻ phúc hậu nhiều ít, đàng nầy ngài đại tướng vẫn còn nguyên
đôi mắt xảo trá, gian ác của ông tổng trưởng nội vụ của bác Hồ năm
1946, lúc ngài lạnh lùng cho lệnh đàn em trói nhà
văn Khái Hưng liệng xuống sông và làm cỏ sạch bách bọn quốc gia phản
động. Đi hỏi sự thực với một người như thế có vẻ giống như một nhà báo
Mỹ, nhờ một phép lạ nào đó, tìm gặp ngài Hitler đang vui thú cảnh già
tại một nông trại hẻo lánh ở Á Căn Đình. Nhà báo
Mỹ mừng húm chỉ hỏi một câu cho đáng đồng tiền bát gạo: “Nầy ông bạn
vàng Hitler ơi, trong cái đêm mùa thu năm 1939, trên biên giới Đức – Ba
Lan, lính Ba Lan thực hay là bọn mật vụ của ông bạn giả làm lính Ba Lan
kéo qua biên giới tấn công đài phát thanh Đức
ở sát biên giới vài cây số. Cuộc tấn công đó đã làm cho ông bạn nổi
trận lôi đình cho rằng đám Ba Lan hỗn láo đám vuốt râu hùm nên xua quân
đánh Ba Lan gây thành Thế Chiến II.” (2)
Thông
thường các nhà khoa bảng hoặc chánh khứa hay ngây thơ nhưng khi người ta
đẩy sự ngây thơ đến mức lố bịch thì thối đếch chịu nổi, giống như một
tuồng diễu vô duyên đến nỗi khán giả phải bịt
mũi kêu lên: “Thối quá!” thay vì cười thoải mái.
Ở trên cõi
đời ô trọc nầy, tôi thấy con người chỉ có hai giai cấp. Ở đây, xin cụ
Marx thứ lỗi cho tôi chen vào bảo vật giai cấp của cụ. Phải, chỉ có hai
giai cấp thôi! Giai cấp thứ nhất gồm có những
người phi thường trong tư cách sống. Những hạng người nầy rất ít nhưng
họ đã giúp cho loài người tiến bộ. Giai cấp thứ nhì gồm đa số phần còn
lại của nhân loại. Những người nầy có tư cách tầm thường, ích kỷ, tham
lam và nịnh bợ. Ông Tàu ngày xưa đã phê cho
hai giai cấp đó những nhãn hiệu hơi nặng. Người phi thường Tàu gọi là
trượng phu. Những người tầm thường là thất phu.
Trên đời
nầy, anh thất phu nào cũng phù thịnh chớ không phù suy. Khi chúng ta
thua trận, đám tầm thường nói trên, khoa bảng danh nhân có khi học giả
nữa không tiếc lời sỉ vả chế độ, chánh phủ, nhân
dân và quân đội Miền Nam. Đối với quân đội, họ không ngần ngại tặng cho
những danh từ đẹp đẽ như “nhát như thỏ”, “không đánh đã chạy”, “không
dám đánh giặc chỉ lo đớp hít” v.v… Đã đành quân đội nào trên thế giới
cũng có một vài phần tử xấu, đào binh, nhát
gan, bán nước.Nhưng từ những trường hợp lẻ tẻ của một thiểu số xấu để
đại thể hoá gán cho một quân đội đã hy sinh trên dưới 30 vạn người, hơn
nửa triệu bị thương thì đúng là …thối đếch chịu được.
Nếu Mỹ và
VNCH đã thắng trận, tôi đoan chắc với anh, thì câu chuyện tôi kể anh
nghe đây, người ta cũng cho là thực nếu tôi phịa ra. Người ta sẽ năn nỉ
tác giả viết thành sách, chắc chắn là sẽ được
biến thành bestseller, làm phim cho màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ hốt bạc.
Quân Lực VNCH rủi ro ở trong cảnh thua trận, tôi xin nhất mạnh TẠM THUA,
thì những gì xuất phát từ một tên quân nhân của đạo quân thua trận đó
đều được đánh giá là bá láp. Đây là quy luật
sống của thế giới văn minh, anh nhớ cho.
Tôi bật mí
chuyện bí mật nầy không là để thanh minh thanh nga với đám người tầm
thường nói trên. Chúng mình thua trận, mất tất cả, nhưng có một cái chưa
hề mất từ ngày dân ta lập quốc là HÃNH DIỆN
DÂN TỘC. Sự hãnh diện đó không cho phép tôi đi tranh cãi với đám người
phù thịnh không phù suy.
Tôi chỉ
muốn cho thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước, những
người sẽ nắm vận mạng Việt Nam trong tương lại biết rằng thế hệ cha anh
của họ đã chiến đấu thế nào cho tự do của dân
tộc. Họ chiến đấu không phải vì những danh từ trừu tượng đao to búa lớn
như “tổ quốc”, “yêu nước”, “độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc”, “dân chủ đa
nguyên” v.v… Họ chiến đấu cho những gì thiết thực hơn, thấy được trước
mắt. Đó là làm sao cho con người Việt Nam
được sống xứng đáng với thân phận con người chớ không phải kiếp sống
con thú nhốt trong chuồng, dầu chuồng bằng vàng ròng, mất hết tự do. Đó
là làm sao trên đất nước Việt Nam thân yêu không còn cảnh thằng mạnh
hiếp thằng yếu, thằng giàu hiếp thằng nghèo, thằng
làm hộc máu mồm mà không đủ cơm ăn no, làm sao không còn cảnh một con
người quảy đôi gióng gánh trên vai với đôi mắt tuyệt vọng đi thất thểu
không biết về đâu dẫn theo những đứa trẻ, đôi mắt nai vàng ngơ ngác,
không hiểu tại sao người lớn lại hung dữ quá,
ác quá như thế nầy!
Tôi muốn cho loài người gọi là văn minh biết rằng,
dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hoà bình nhất thế giới vì chưa
có dân tộc nào chịu đau khổ vì chiến tranh bằng dân tộc nầy. Tuy nhiên
đừng đem thảm hoạ chiến tranh tròng lên đầu họ. Khi bị bắt buộc chiến
đấu, dân Việt Nam dám chiến đấu và biết chiến
đấu. Mong các ông phù thịnh mà không phù suy nhớ cho câu nầy.
Tiệc rượu chấm dứt ở đây.
NGŨ LANG.
(1)
Tôi đã được Đại Tá Nghĩa đưa xem bản tuyên dương công trạng vài ngày
sau đó. Sau bao nhiêu biến cố, không hiểu làm sao ông ta giữ được những
giấy
tờ nầy.
(2)
Hitler đã cho lệnh Himler trùm mật vụ Gestapo tổ chức một đám lính Ba
Lan giả tấn công vào môt đài phát thanh Đức ở sát biên giới Đức – Ba
Lan.
Lính phòng vệ và nhân viên đài phát thanh đều bị giết . Mượn cớ đó Đức
xua quân chiếm Ba Lan gây nên Thế Chiến II . Người lãnh nhiệm vụ thi
hành là Thiếu Tá Naujock của Gestapo