Saturday, October 31, 2020

Hello I thought you might be interested in supporting this GoFundMe,


 Hello

I thought you might be interested in supporting this GoFundMe,  

https://www.gofundme.com/f/funeral-service-for-hau-due-vu-quang-thieu?utm_source=customer&utm_medium=email&utm_campaign=p_cp+share-sheet.

Even a small donation could help Hoa Pham reach their fundraising goal. And if you can't make a donation, it would be great if you could share the fundraiser to help spread the word.

Thanks for taking a look!

Sent from my iPhone

Wednesday, October 28, 2020

Tình Nghĩa - NLG KBC 4822 “Trồng cây gì hái trái đó!”

Sáng nay cả nhóm cùng đến NT QĐBH thắp nhang. Giữa chừng trời đổ mưa lớn, ai cũng tiếc số nhang vừa mới thắp chưa kịp cháy hết. (Vì loại nhang nhóm thắp là loại nhang lớn dài 7 tấc, cháy được cỡ 6-7 giờ đường kính 1cm)
Tuần trước vì ảnh hưởng thời tiết nên không đến được với anh em. Hôm nay, dù mưa ai trong nhóm cũng ráng nán lại chờ trời tạnh để vào thắp cho hết số nhang đem theo. Tôi cũng thấy buồn thương, xót xa trong khung cảnh nghĩa trang u buồn, yên lặng, những nấm mồ rêu xanh ướt đẫm nằm bơ vơ, cô tịch sau cơn mưa, có đốm sáng nhỏ lập loè của những nén nhang.
Thắp nhang xong thì chúng tôi lại mồi 10 gói thuốc, đem tới cắm từng chùm mộ phần mời các vị tử sĩ về hưởng chung, cũng như thuở xưa năm nào trời mưa lạnh, mấy anh em lại trùm chung tấm poncho chia nhau từng điếu thuốc để sưởi ấm.
Tôi khấn nguyện thầm trong lòng các vị anh linh tử sĩ sớm tiêu diêu về miền Niết Bàn Cực Lạc.
Tôi cũng xin nói một ít về việc bão lụt miền Trung. Có nhiều người bạn hỏi tôi sao không nhập nhóm với những người đi cứu trợ mà vẫn còn ở lại Sài Gòn. 
Tôi nói: Các bạn ơi, giai đoạn này tình nghĩa đồng bào nhiều nơi thể hiện tấm lòng tương thân, tương trợ trong cơn hoạn nạn của miền Trung. Tôi và nhóm nhang khói, cúng kiếng trong nghĩa trang và lo một phần nhỏ vật chất trao đến người bệnh tật, đạp xích lô ở Sài Gòn. Quan niệm của tôi là phải chia sẻ chan hoà, đâu còn điều kiện để đi xa.
Tôi xin kể về những lần đi cứu trợ dân tôi Miền Tây sông nước năm 1994.
Trận lụt năm đó khá lớn, nặng nhất là tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang. Anh em chúng tôi một số kinh doanh sản xuất góp lại làm trong điều kiện khả năng của nhóm. Đi được 4 chuyến đến tỉnh Đồng Tháp, 2 chuyến đến tỉnh Tiền Giang. 
Chân thành tôi kể, lúc nhóm tôi đi có liên lạc trước với Hội chữ thập đỏ của tỉnh Đồng Tháp.  Khi xuống đến nơi phát quà cứu trợ được những người có trách nhiệm rất nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện từ phương tiện chở hàng đến công việc hướng dẫn cho nhóm trao tận tay đồng bào, nói cho chúng tôi biết rõ vùng nào bị thiệt hại nặng/ nhẹ thế nào để tuỳ chúng tôi quyết định đi đến vùng đó. Thậm chí họ còn chu đáo lo cho nhóm chỗ ở, bữa ăn. Nhưng nhóm tôi từ chối vì nghĩ mình đến trao quà mà còn khiến họ phải tốn kém chi phí cho nhóm. 
Tôi nghĩ đó là tình nghĩa, trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh đối với người dân gặp nạn lũ lụt khó khăn, cũng như họ quý trọng tấm chân tình của các mạnh thường quân đến giúp những gia đình dân trong cơn hoạn nạn.
Lúc ra xe về Sài Gòn ai cũng quý mến và thán phục lương tâm, đạo đức của những người có trách nhiệm tỉnh Đồng Tháp. Sự tử tế, ân cần của họ cũng một phần nào đó giúp người dân tỉnh được giúp đỡ nhiều hơn. Sau đó chúng tôi có quay lại 4 lần để tiếp tục mang những phần quà, số tiền mặt cứu trợ đến với đồng bào tỉnh Đồng Tháp.
Tôi có theo dõi tình hình cứu trợ hiện nay trên mạng xã hội, tôi thấy những nhóm cứu trợ Miền Trung tốn kém phần chi phí phương tiện phụ quá nhiều. Đó là lý do những nhóm hội đi đến vùng ngập lụt gặp khó khăn về kinh phí ngoài dự trù.
Hiện nay dịch bệnh kinh tế khó khăn, nhưng đồng bào trong và ngoài nước dù nghèo hay giàu đều hướng ánh mắt, tấm lòng về miền Trung, dân tình nơi đây đang khốn khó, hoạn nạn. Kẻ ít người nhiều san sẻ với người dân trong cảnh màn trời chiếu đất, đâu ai nỡ ngồi nhìn đồng bào ruột thịt trong cơn bĩ cực hoạn nạn.
Tôi mong các vị có trách nhiệm hãy giúp đỡ tạo phương tiện dễ dàng để những món quà, đồng tiền tình nghĩa được trao đến tận tay những người thật sự đang cần sự giúp đỡ.
Còn nói qua những người có danh tiếng uy tín đứng ra kêu gọi quyên góp chẳng hạn như cô Thuỷ Tiên, MC Đại Nghĩa. Tại sao cô/ cậu này được sự tín nhiệm, kêu gọi thời gian ngắn mà số tiền ủng hộ lên tới cả trăm tỉ?
Những người khắp nơi gởi tiền về giúp dân họ có tấm lòng, họ chọn những cô cậu có đạo đức, lương tâm và tư cách. Chứ không ai đem đồng tiền mồ hôi công sức của mình đi bỏ biển.
Các cô/ cậu ấy sẵn sàng dấn thân đi làm một cách thực tế. Còn nói về những nghệ sĩ khác, tôi biết họ cũng ủng hộ nhiều chương trình từ thiện chứ không riêng gì Miền Trung, nhưng họ làm trong âm thầm. Vì đó cũng là tiền cá nhân của họ.
Đôi khi trong công việc ai làm cũng có khi sơ suất, nhưng đừng vì những thiếu sót nhỏ đó mà gạt bỏ công sức của họ và làm nản lòng những người đã có tấm lòng từ tâm.
Như tôi lúc trao quà các anh em bệnh tật, xích lô số tiền ít ỏi, không bao nhiêu nhưng mình làm với tình thương lương tâm, làm thật mà cũng có những người bình luận thiếu hiểu biết nói tôi đăng hình ảnh 20 NĂM về trước. Nếu như tôi thiếu kinh nghiệm sống, không thực tế ngưng không làm nữa thì phần thiệt thòi vẫn là những người khổ sở, thiếu thốn, bất hạnh kia.
Tôi mong cô Thuỷ Tiên hay các nghệ sĩ, các MTQ hãy vững niềm tin trước những lời đàm tếu, những thị phi. Xem như đây là những thử thách tấm lòng đạo đức, quyết tâm của các cô cậu có danh phận trên con đường làm việc thiện nguyện. Khi làm với lương tâm chân chính thì các cô cậu sẽ luôn được mọi người ủng hộ. 

 
        “Trồng cây gì hái trái đó!”

 Sài Gòn, 25/10/2020
    NLG, KBC 4822

Saturday, October 24, 2020

Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn (25) - Nguyễn Duy Cung -

 TÌNH TRẠNG RÁC

Tình trạng vệ sinh trên đảo lúc nào cũng là mối ưu tư lớn cho Ban Điều Hành trại tỵ nạn Pulau Bidong.  Lúc đầu đảo tỵ nạn PB được Cao ủy LHQ bảo trợ, chỉ dự trù thâu nhận 4. 500 thuyền nhân mà thôi.  Không ngờ đến cuối năm 1978 con số thuyền nhân tăng lên gấp ba lần.  và kể từ tháng 4 năm 1979, với số tàu vượt biển ồ ạt tới đảo, dân số càng lúc càng cao, có khi tăng vọt trên 46. 000 người.  Diện tích để ở thì nhỏ, người đến đảo mỗi lúc mỗi đông, mang theo càng nhiều rác rến.  Không có đủ phương tiện để nhanh chóng giải quyết, rác từ trong nhà cứ vì vậy tuôn ra bên ngoài mỗi lúc mỗi nhiều, đưa đến tình trạng vệ sinh tổng quát trên đảo càng ngày càng kém, rác rến tràn ngập khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường.  Thanh niên trên các tàu đến đảo còn đông, nhiệt tình, thích hoạt động, nhưng không có phương tiện cơ giới nặng để cho họ đào hầm chôn rác, hay tàu bè để chuyên chở rác ra bỏ ngoài khơi xa …

Chính quyền Mã Lai không hài lòng về vấn đề này, họ cho biết là so với các trại tị nạn khác trên đất Mã Lai thì trại tỵ nạn Pulau Bidong là dơ nhất, các phái đoàn Ngoại quốc đến đảo làm việc giúp người tị nạn cảm thấy khó chịu vì những đống rác khổng lồ, hôi hám to bằng căn nhà, trên bờ biển khu G được xem như mặt tiền của đảo, trên đường mòn khu A, khu E.  lại thêm nạn chuột ban đêm quấy nhiễu.  Chuột từ các triền đồi đổ xuống, chuột từ dưới lỗ ngách chui lên, chạy rần rật khắp nơi, kêu la chí chóe, đào hang, cào vách, cắn rách quần áo bệnh nhân, ngay cả sách vở của cô Lady Burton, Quản lý nhà thương (xem chương kế tiếp về chuột trên đảo Bidong).

Cao ủy Gentiloni, cao ủy John Moore, cao ủy Lee không vừa ý.  Cơ quan Hồng thập tự Mã Lai MRCS ra lệnh ngưng các chuyến đi định cư vô hạn định, đến khi nào tình trạng vệ sinh các khu và bờ biển được khả quan hơn, các công trình thoát thủy được hoàn tất, các lòng mương được vét, và các đống rác khổng lồ được dẹp đi.  Cao ủy trưởng Ali Mohamed cũng đồng ý, không cho tàu Black Gold cập bến đưa người được phép đi định cư sang đất liền.  Vì vậy tàu Black Gold từ hải cảng Terengganu xa xôi đến đảo phải trở về không.  Đồng bào nóng lòng ngồi nhịn đói, phơi nắng suốt ngày trên cầu tàu, nhưng cuối cùng phải lục tục khăn gói trở về nhà.  Chính quyền Mã Lai ra thông cáo rõ ràng, cương quyết và cứng rắn: “Không giữ sạch đảo, không được đi định cư.  Đảo P.  Bidong không nhận thêm người tỵ nạn. Tàu vượt biển đến Mã Lai sẽ bị kéo ra khơi”.

Vấn đề rác đã đến hồi căng thẳng gây trở ngại lớn cho việc định cư ở nước thứ ba của tất cả thuyền nhân trên đảo.

Có nhiều đồng bào đến bàn bạc với BĐH trại.  Chúng tôi thẳng thắn trao đổi quan điểm cùng nhau.  Từ chối Cộng Sản, vượt biển nguy nan đến đây để tìm Tự Do, tất cả thuyền nhân trên đảo đều giống như nhau.  Chúng ta đã cố gắng tổ chức để cùng chung sống, hòa hợp và nâng đỡ lẫn nhau.  BĐH trại do đồng bào bầu lên cũng chỉ là những người tự nguyện, đã cố gắng làm trách nhiệm của mình, nhưng nay đứng trước hoàn cảnh khó khăn, sống chết, theo như thông cáo của Chính quyền Mã Lai, BĐH cảm thấy bất lực nếu không có được sự tiếp tay chặt chẽ, nhiệt tình của tất cả đồng bào để tìm cách giải quyết vấn đề vệ sinh cho thỏa đáng.  Đoạn đường chúng ta đang đi có chiều hướng tốt, nhưng chưa kết thúc suôn sẻ, mà còn có thể gặp nhiều khó khăn bất ngờ, nếu chúng ta sai lầm trong nhận định.  Đến khi nào sang định cư được ở một Đệ tam Quốc gia thì mới thật sự yên tâm.  Chớ giờ phút nào còn trên đảo nhỏ này, chung quanh chỉ có nước biển bao vây và lính Đặc nhiệm canh giữ, thì chúng ta cũng giống như những người tù bị giam lỏng.  Hoàn cảnh đáng buồn nhưng cần phải can đảm nhìn sự thật, để xác định rõ ràng vị trí của mình, và để cùng nhau giải quyết những vấn đề khó khăn …

Cao ủy LHQ bảo trợ cho trại tị nạn, dù có lòng ưu ái, muốn giúp thuyền nhân đến cùng, nhưng họ cũng chỉ là những người khách quí mà thôi.  Chính quyền Mã Lai mới thật sự là người chủ nhà, có quyền quyết định tối hậu, muốn cho ở thì ở, muốn cho đi thì đi..  Tôi nhắc lại tình trạng một chiếc tàu vượt biển đến được đất liền Terengganu vào tháng 3 năm 1979, nhưng liền bị kéo ngược ra khơi, gặp sóng to đánh chìm ngoài cửa sông, không còn người nào sống sót.  

Tôi cũng từng được xem một tài liệu mật của bộ Nội vụ Mã Lai để biết thêm Mã Lai là một Quốc gia chống Cộng sản triệt để, còn VN bây giờ là một nước Cộng Sản, tàu vượt biển chở thuyền nhân từ VN sang đây ít nhiều đều có thành phần CS trà trộn đi theo, làm tập thể người tị nạn chân chính bị nghi ngờ oan uổng.  Chưa kể có nhiều người đã vội quên đi giai đoạn khó khăn lúc tàu bị lạc hướng, lênh đênh nhiều ngày trên biển động mênh mông, sóng gió, đói khát triền miên.  Vừa được danh sách đi định cư, đã để cho con em quăng những lon đồ hộp dư thừa do cao ủy trợ cấp vào đống lửa đang cháy làm pháo nổ chơi, không biết rằng dân nghèo Mã Lai cũng đói khổ, thèm thuồng có được những lon thực phẩm ngon miệng, đắt tiền như vậy cho gia đình …

(Theo một tài liệu mật của bộ nội vụ mã Lai do ông De Silva* qua đảo cho biết, thì chính quyền Mã Lai muốn đuổi hết thuyền nhân VN ra biển, vì cho rằng thuyền nhân xuất phát từ một nước Cộng Sản trong khi Mã Lai là một nước chống Cộng triệt để), vì vậy thuyền nhân cần phải hợp sức lại để tạo dựng uy tín, tạo dựng cảm tình tốt đối với dân chúng Mã Lai ngõ hầu Chính quyền Mã Lai từ bỏ ý định xô đuổi thuyền nhân ra khỏi Bidong. )

* Ông De Silva phó chủ tịch hội MRCS tức Hội trăng lưỡi liềm đỏ - Hội Hồng thập tự Mã Lai có một thời gian làm Đại diện cho Mã Lai tại VN.  Ông quen khá thân với BS Phan Quang Đán, Phỏ Thủ Tướng VNCH và Thượng nghị sĩ Nguyễn văn Ngãi, Tổng trưởng Bộ Nông nghiệp.  Biết tôi có thời gian làm việc với BS Đán và DB Ngài trong Quốc hội lập hiến, ông có cảm tình nên có chuyện gì liên quan đến thuyền nhân trên đảo Bidong, ông đều cho tôi biết.

Dù sao cho đến giờ phút này, Chính quyền Mã lai vẫn còn nhân đạo, cho chúng ta tá túc và cho Cao ủy tị nạn LHQ từ đất liền đến đảo để giúp cho thuyền nhân đi định cư.  Tuy nhiên vì uy tín và thể diện của Quốc gia đối với Quốc tế, khi có phái đoàn Ngoại quốc đến thăm viếng đảo, họ muốn chúng ta giữ gìn đảo cho sạch.  Ký giả Ngoại quốc đã chê bai người tị nạn không biết giữ vệ sinh, có thể sống trong đống rác.  Nhận xét này có hơi quá đáng, phần đông chúng ta cũng ý thức được vấn đề kém vệ sinh ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống như thế nào, nhưng vì không có phương tiện cơ giới để giải quyết tận gốc vấn đề rác mà thôi

Về phần chúng ta, kế hoạch chúng ta có sẵn.  Phương tiện tuy có thiếu, nhưng nếu chúng ta khéo léo động viên, sử dụng khối nhân lực hiện có, chúng ta có thể cải thiện điều kiện vệ sinh trên toàn đảo trong một thời gian ngắn..  Điều chính yếu là chúng ta phải có ý chí mạnh và có quyết tâm cao, phải có sự cố gắng đóng góp của mọi người, của mọi gia đình, cũng nghĩ đến thể diện và danh dự chung của người tỵ nạn Việt Nam, ngõ hầu có được sự yểm trợ của Chính quyền mã Lai.  Chúng ta phải chung sức, động viên lẫn nhau, nhiệt tình trong công tác làm sạch đảo và xem đó như một quyền lợi chung trong hiện tại của chúng ta, đồng thời là một bổn phận của chúng ta để giúp đỡ người còn đến sau nữa.  Thấy tình trạng đảo khả quan, có thể Chính quyền Mã Lai sẽ tiếp tục cho thuyền nhân đến đảo.

Được sự hỗ trợ mạnh mẽ của mọi người, sau một phiên họp rộng rãi gồm các khu, các khối, các ban, BĐH trại tung ra một chiến dịch” :Giải quyết rác, làm sạch đảo”, kêu gọi mọi gia đình lo vệ sinh trong nhà mình và tiếp tay lối xóm làm vệ sinh trong khu vực.  Khối thanh niên tăng cường nhân lực làm công tác trọn ngày thay vì nửa ngày như trước đây.  Bảy khu tập trung cuốc xẻng, chuẩn bị thêm giỏ đựng rác, trung tâm sinh ngữ và các trường tổ chức giáo dục thanh niên từ 8 đến 14 tuổi tham gia công tác vệ sinh chung.  Khối Trật tự phối hợp với 7 khu thành lập bản kiểm soát và đôn đốc có lịch trình.

Trong thời gian làm Phó trưởng trại cho Linh mục Triêu, tôi có dịp hướng dẫn phái đoàn Ngoại quốc đến thăm đảo, đứng gần những đống rác khu G, để nói chuyện về vệ sinh và có lúc tôi đã khôi hài đề nghị dùng rác để làm đường nối liền đảo với đất liền, cho người đi định cư, nếu không có phương tiện xe ủi đất để đào hố sâu lấp rác hay tàu nhỏ để mỗi ngày chở rác ra đổ ngoài khơi.  Không biết có phải nhờ sự trình bày này hay không mà sau đó, cuối cùng đảo nhận được một sà lan bằng sắt khá lớn, dùng để vận chuyển rác ra đổ ngoài biển.

Khối thông tin giữ vai trò đầu não, đã làm việc nhiệt tình, liên tục từ sáng đến chiều tối, vừa phổ biến nhạc vui theo lời yêu cầu của dân chúng, vừa nhắc nhở làm vệ sinh trong nhà, trong khu vực, quét dọn sạch sẽ, gom rác, lon thực phẩm đập dẹp, các chất phóng uế hàng ngày bỏ trong bao nylon riêng được cấp phát đầy đủ cho từng gia đình.  Mỗi sáng sớm, mọi người đem rác của mình xuống chất đống trong những khoảnh đất dành riêng cho từng khu gần cầu Jetty để được ban vệ sinh sau đó chuyển xuống sà lan kéo ra khơi trước khi mặt trời mọc.

Còn những núi rác ứ đọng trên bờ biển khu G, tôi kêu gọi thanh niên trong ban Nhân lực đóng cọc gỗ ra xa bờ, cào rác ra trộn với cát làm sân vận động bóng chuyền và sân vũ cầu.

Toàn thể đồng bào trên đảo nô nức làm việc có tổ chức, có kỷ luật, với sự đóng góp nhiệt thành của các em thiếu niên học sinh hồn nhiên, xuống đường tiếp tay với người lớn, vừa lượm rác rến, lon, chén muỗng, nĩa, bỏ vào giỏ, vừa nhảy múa theo nhịp trống kích động, điêu luyện của đoàn múa lân gia đình bác Lộc, vừa ca bài “Ta hốt rác”.  Thanh niên tập trung đào mương thoát thủy khu G-E-C-A, gần hai chiếc tàu sắt.  Phụ nữ thì lo làm sạch sẽ nhà thương, tiếp tế thức ăn, nước uống cho bệnh nhân, cho các em học sinh và cho những người đang lao động ngoài đường.  Đồ hộp còn dư của những gia đình sắp rời đảo được gom hết lại trong một nhà kho, để dành cho những người mới đến đảo ban đêm.

Sau một tuần lễ tận lực làm việc, vệ sinh tổng quan trong 7 khu ABCDEFG rất khả quan, nhất là khu vực bờ biển, cầu tàu, phi trường trực thăng, đồi tôn giáo, chợ chồm hổm, chung quanh nhà thương.  Thông tin vẫn thường xuyên liên lạc với các khu, các khối để tường trình kết quả cho đồng bào.  Những gia đình đã có giấy đi định cư mà đã hết lòng tham dự vào công tác làm vệ sinh, được loan tin trên đài, với lời cảm ơn của BĐH trại và của cao ủy tị nạn.  Nhiều người khác, thanh niên, thanh nữ, học sinh, các gia đình gương mẫu cũng được tuyên dương, khuyến khích.

Ngày 9 tháng Giêng năm 1980, phái đoàn Úc Đại Lợi do Thủ tướng Peter Falconer cầm đầu đến đảo với ông W. J.  Gibbons; đồng thời có phái đoàn của Tổng thống Hoa Kỳ Carter, do Đặc sứ Victor Palmier hướng dẫn, cũng đến với ông Chatman, phối hợp viên và các ông Swiers, Schoeffer, Hancock, Brown.  Có phóng viên báo chí chụp hình..  Các phái đoàn đã đi một vòng thăm đảo trước khi nhóm họp ở Hội trường.  Tối đến, dưới cơn mưa dông, phái đoàn cũng lên khu D, khu F để xem đời sống chen chúc khổ cực của đồng bào.  Nhiều gia đình đông người sống chịu đựng cả năm trời trên những tấm phản nhỏ bằng ván ép, cột nhà bằng cây rừng ọp ẹp, nóc lợp bao đường.  Nhà không cửa nẻo, gió luồng, mưa tạt.

Trong buổi họp, có nhiều vấn đề quan trọng được nêu lên, liên quan đến thời gian đi định cư của thuyền nhân.  Để chuẩn bị cho cuộc sống trên đảo được thích hợp, vấn đề chuột bọ, bệnh tật.  Nếu có thêm người tị nạn, phải dự trù vật liệu, xây cất thêm nhà tiền chế.  Phái đoàn Hoa Kỳ cũng cho biết về chính sách định cư, sẽ chuyển bớt thuyền nhân tị nạn quá đông trên đảo Bidong sang trại tạm cư LHQ bên Phi Luật Tân.  Ngày giờ chưa quyết định.  Có thể vào khoảng cuối tháng Giêng này.

Những ngày kế tiếp có phái đoàn 52 Nghị sĩ và Dân biểu Mã Lai đến bằng trực thăng, họp tại Hội trường.  Ông Chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc nhiệm giới thiệu quan khách, tôi thuyết trình về tổ chức, về đời sống của thuyền nhân trên đảo.  Tôi cám ơn Quốc hội và Chánh quyền Mã Lai.  Thấy tấm bảng tròn, biểu tượng của thuyền nhân P.  Bidong màu xanh da trời, hình tay lái, bốn phương tám hướng có tạc bản đồ nước VN hình chữ S, với chiếc tàu vượt biển nhỏ ở giữa, phái đoàn muốn xin làm vật lưu niệm.  Có những mẫu nhỏ do Gia đình bác Hoàng văn Lộc thực hiện sẵn, BĐH ký tặng.

Tướng Mansor, Chỉ huy trưởng Task Force Mã Lai bất thần đến thăm trại bằng tàu gắn máy nhỏ, ông cũng thấy có nhiều tiến bộ trên phương diện an ninh và vệ sinh toàn đảo, từ bờ biển lên đến phi trường, đồi tôn giáo khu C, nhà thương, trường học.

Ông J.  Hart, Quản trị viên Hành chánh, đi một vòng đảo gặp tôi trước cửa nhà thương Sick Bay cũng gật đầu cười vừa ý về sự sạch sẽ của đảo.  Ông Hart là người nghiện thuốc nặng, tuần rồi ông ra đứng ở đầu cầu Jetty quăng ống điếu cũ xuống biển, tuyên bố sẽ từ bỏ không hút thuốc nữa, nhưng có lẽ mùi thơm của thuốc đã làm cho ông ghiền không chịu nổi, và ông khoe với tôi là ông đã sang Kuala Lumpur tìm mua ống điếu mới.  Ông có vẽ vui khi thấy sự ngăn nắp trật tự trên đảo đã ổn định.

Tàu Black Gold đến đảo vào lúc 9 giờ tối, cập sát vào sà lan, và lần này chở những người đã được giấy đi định cư.  Như thường lệ, tôi xuống tận bến tàu đưa tiễn và cầu chúc thượng lộ bình an.  Đồng bào mặc thêm bên ngoài áo phao màu cam.  Trên cầu Jetty và trên sà lan, người tiễn đưa đông nghẹt.

Tàu rời bến đã xa.  Tôi nhìn theo vẫn còn thấy những bàn tay giơ lên cao như vẫy chào hòn đảo nhỏ thân thương đã in sâu vào tâm khảm họ biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn.  Đó cũng là nơi dừng chân đầu tiên trên bước đường đi tìm tự do, dầu có gian nan khổ cực nhưng họ vẫn sống có niềm tin hơn là ở lại với chế độ CS tù đày tăm tối.  

 

Trên bãi cát hoang vu, một thuyền nhân đang âm thầm làm lại  cuộc đời từ những gì đổ nát...

                       

CHUỘT TRÊN ĐẢO BIDONG

Chuột bụng vàng, bụng trắng, đuôi ngắn, đuôi dài

Sau Tết Canh thân 1980, BĐH trại tổ chức tiếp đón phái đoàn Y Tế Mã Lai đến đảo nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm.

Khối Thông tin kêu gọi trên loa những người bị lên cơn ớn lạnh bất thường hãy đến phòng ngoại chẩn bệnh viện để được khám bệnh, thử máu vì nghi ngờ bị Sốt rét.  Một phòng khám bệnh khác cũng được thiết lập để giúp những người bị lao phổi, ho ra đờm ra máu.  Đến phần thuyết trình hấp dẫn của bác sĩ, về nạn chuột hay quấy phá, có vài ký giả cũng muốn được chụp hình chuột ban đêm, nhưng đến khi nghe nói đến trường hợp một bệnh nhân cùi tê bại, bị chuột gặm mất một ngón chân trong cơn mê ngủ, thì họ rụt cổ e ngại. .

Vào đầu tháng ba năm 1980, tổ chức Y Tế Quốc tế gởi một chuyên gia phụ trách loài gặm nhấm đến Bidong, nghiên cứu về tình trạng chuột trên đảo.

Theo bác sĩ Lim Boo Liat, chuột sanh sản từ 6 đến 8 lần trong một năm và mỗi lần chuột mẹ sanh từ 4 đến 8 con.  Như vậy tính bổ đồng trung bình, một cặp chuột có thể sanh sản 2. 100. 000 con sau một năm.

Chuột thích ăn ngon, thích ăn thịt quay, thịt nướng!.

Bác sĩ Lim Boo Liat đúng là một tay nhà nghề.  Bác sĩ cân đo cẩn thận con chuột chết từ đầu chí đuôi, kể cả lỗ tai, cẳng chân nhỏ xíu, gắp từng con bọ chét trong mình chuột, để dành thử nghiệm bệnh ban Sốt (Scrub typhus), nghiên cứu từ hòn dái con chuột đực, đếm từng bào thai nhỏ trong tử cung con chuột cái.

Theo phúc trình của Bác sĩ Lim, trên Bidong có ba loại chuột:

A- Có 90% thuộc loại chuột nhà, dễ nhận ra với cái ức màu vàng và cái đuôi dài hơn thân mình.  Đuôi dài giúp cho chuột giữ được thăng bằng khi trèo trên các vách bằng “cạc tông”.  Loại chuột này tìm thấy ở Sài Gòn và ở trên đất liền Terengganu, khiến người ta không biết xuất xứ thật sự của chuột trên đảo Bidong, là chuột đã trốn chạy Cộng Sản Việt Nam theo tàu vượt biển sang đây, hay là chuột trên đất liền Terengganu đã theo tàu chở vật liệu, thực phẩm từ Terengganu sang đảo cho người tị nạn, hoặc giả cả hai!.  Mặc dù chuột nhà Bidong có kích thước chiều dài bằng chuột Sài Gòn hay chuột Terengganu, nhưng sức nặng của chúng lại gấp đôi.  Bác sĩ Lim vừa nói, vừa lật bụng con chuột lên chỉ vào lớp mỡ bọc chung quanh tim con chuột và ông kết luận: “Đây là vấn đề chính yếu của chuột Bidong, thường bị bệnh đau tim do béo phệ mà ra”.

B- Có 8% chuột ở Bidong là chuột bản xứ, thuộc loại chuột đồng, chuột rừng với đặc điểm bụng trắng, đuôi ngắn hơn thân mình.

C- Còn lại 2% có tên là chuột Hải cảng, chuột Na uy (gọi là Rattus Norvegicus).  Giống chuột di trú này đã theo tàu Norwegian đi định cư trên mười thế kỷ nay.  Chuột Hải cảng có thân mình dài hơn chuột nhà và chuột rừng nhưng vì có cái đuôi ngắn hơn thân mình, nên chuột Hải cảng không thể trèo cao mà chỉ chạy lủi nhủi trên mặt đất.  Trên mình chuột Bidong cũng ít thấy có dấu sẹo, chứng tỏ chúng ít khi tranh chấp, cấu xé nhau và Bác sĩ Lim đã nhướng chân mày cười, khẳng định: “Ở trên đảo Bidong, thức ăn có đầy đủ dư thừa!”.  Tôi đã góp ý cùng ông: “Chỗ nào người ta có dư ăn thì chuột mới mập tròn được như vậy, còn chuột trong các trại tù sĩ quan cải tạo bắt được chỉ còn có da và xương”. Mấy anh em tù nhìn nhau thông cảm nhớ lại thời gian đau khổ này.  Đồng bào các nơi cũng tích cực đóng góp, đưa sáng kiến về cách lập bẫy, đặt máy bắt chuột.

Một ban chấm thi được thành lập gồm có Cao ủy Niels, Kỹ sư Paul và ông Jim Hart-Quản trị viên đảo.  Chiến dịch diệt chuột bắt đầu từ 8 tháng 2 và chấm dứt ngày 28 tháng 2 năm 1980, kéo dài hơn 2 tuần lễ.  Kết quả, tổng cộng bắt và diệt được gần 15. 000 con chuột lớn nhỏ, trong toàn 7 khu A-B-C-D-E-F-G.  Giải thưởng được Cao ủy trao tặng cho hai em trai và một em gái đã đóng góp, diệt được trên 700 con chuột.

Chuột trên đảo Bidong quá nhiều.  Mặt trời vừa lặn, là đã thấy chuột không biết từ đâu xuất hiện, chạy nhảy khắp nơi, trên những con đường mòn đầy rác rến, lủi nhủi ngoài sân, đào hang, khoét vách, vô cả trong nhà thương, cắn phá, rượt nhau kêu la chí chóe.

Khối Y Tế lo ngại vấn đề bệnh truyền nhiễm do chuột.  Chỉ cần có một con bọ chét nhỏ li ti mang vi trùng Dịch hạch trong bao tử chuột chết, là toàn thể chuột trên đảo sẽ chết hàng loạt và bệnh truyền nhiễm Dịch hạch sẽ tràn lan nhanh chóng qua người.  Số dân sống chen chúc 40. 000 trên đảo nhỏ không thấm thía vào đâu.  Trong quá khứ vào thời kỳ sơ khai trên thế giới, nạn Dịch đen đã giết hàng bao nhiêu triệu người từ Á sang Âu.  Cũng may là kết quả thử nghiệm của Bác sĩ Lim Boo bình thường, không có gì đáng lo ngại.  Chỉ lo tìm cách diệt bớt chuột thôi.

Tôi nhớ lại thời gian ở trên tỉnh Phước Long-Bà Rá, vào năm 1968, có lần đi khám bệnh cho đồng bào trong ấp thượng Bunard, trên đường đi Đồng Xoài, bị Dịch hạch, vừa bước vào căn nhà sàn, dài, thấp, tối om, tôi phải vội vã bước lui, vạt áo blouse trắng của tôi đang mặc vụt đổi màu, dính đầy những con bọ chét nhỏ như những hạt mè đen …

 

SÂN BAY TRỰC THĂNG TRÊN ĐỒI KHU F

Bán đảo Mã Lai và miền Nam Việt Nam có nhiều điểm giống nhau về thời tiết: Từ tháng 9, tháng 10 trở đi, gặp gió mùa Đông Bắc, biển bắt đầu có những lượn sóng to.  Tháng 12 trở đi, được thật sự xem như trong mùa biển động, sức gió thổi mạnh có khi lên đến 120-130 cây số một giờ, thập phần nguy hiểm cho tàu bè loại nhỏ

Dự trù cho những ngày biển động, không sử dụng tàu để chở bệnh nhân cấp cứu từ Bidong qua Terengganu, xa trên 30 cây số, chúng tôi có ý nghĩ thành lập một sân bay trực thăng dã chiến trên đảo.

Được sự thỏa thuận của ban Quản trị, chúng tôi bắt tay làm việc.  Địa điểm được chọn là đỉnh đồi khu F, lý tưởng vì không cao lắm và lại gần trung tâm, nằm phía trên nghĩa trang của những người đến đảo đầu tiên.  Cơ giới nặng không có, vật liệu làm đường cũng không, nhưng với ý chí cương quyết thực hiện cho bằng được sân bay trực thăng để di chuyển bệnh nhân khi cần, với mươi cái cuốc, cái xẻng thô sơ, nhóm thanh niên thiện chí đã nỗ lực làm việc bất kể trời mưa gió.  Cuối cùng đã biến đổi thành một sân nhỏ bằng phẳng, diện tích xấp xỉ một sân đánh bóng rổ.

Tàu Black Gold chở vỉ sắt PSP có đục lỗ, ngang 50 phân, dài trên 2 thước đến cầu Jetty.  Thanh niên khỏe mạnh được huy động nhiều hơn, chia nhau từng toán 6-8 người.  Mỗi toán khiêng một tấm vỉ sắt, đi theo con đường đất gồ ghề đầy hang lỗ, từ bến tàu đến khu D, lên đồi khu F, qua những chiếc cầu bằng cây rừng nhỏ hẹp.  Đường dài, lên dốc khó khăn.  Nhóm thanh niên khiêng nặng nề đi chậm chạp giống như những đàn kiến tha lá cây trong rừng Phi Châu.  Trời mưa trơn trợt, vấn đề chuyển vận càng khó khăn, phải mất nhiều ngày mới khiêng hết những tấm vĩ sắt lên chất đống trên đồi.  Việc khiêng những vỉ sắt nặng lên đồi đã khó, mà việc sắp xếp ráp nối những vĩ sắt lại với nhau cho ăn khớp để lót cho ngay ngắn trên mặt đất lại còn khó khăn hơn.  Tôi không khiêng vỉ sắt nhưng đi theo dưới cơn mưa để yểm trợ tinh thần.  Trước kia, trong trại tù Trảng Lớn, mới vô đầu, anh em sĩ quan cũng bị bắt đi khiêng những vĩ sắt nặng nề như vầy về làm hội trường.  Vì ăn uống thiếu thốn, cơ thể suy nhược, đi đứng không vững, trợt chân sụp lỗ, vài người đã bị vỉ sắt cọ quẹt, đè lên người bị thương.

Sau hơn một tuần lễ cực nhọc, việc làm hoàn tất mỹ mãn.  Các vĩ sắt được ráp nối thẳng thớm, bằng phẳng.  Tuy không làm lễ khánh thành cũng không cắt băng khai mạc.  Nhưng phi trường vừa xong, đã có nhiều chiếc trực thăng đưa phái đoàn Ngoại quốc đến thăm đảo.  Phi cơ không dùng sân bay trên chiếc tàu cũ kỹ của đệ nhị thế chiến Black Gold biến cải mà đáp nhẹ nhàng xuống phi đạo giữa tiếng vỗ tay chào đón vang dậy của đồng bào trên đảo.  Mọi người cảm thấy hả lòng với kỳ công này

Ban Trật tự phải làm việc nhiều vì vừa canh gác phi trường vừa đi theo mở đường, hộ tống phái đoàn, xuống hội trường, chờ đợi phái đoàn thăm viếng xong lại đưa tiễn trở lên phi trường.

Trong thời gian thành lập sân bay thì tàu lle de Lumière của BS không biên giới Bernard Kouchner đã tiếp tục ra đi tìm vớt người trên biển Đông.  Tuy nhiên nhờ có nhà thương Sick Bay đã hoàn tất tốt, và với những dụng cụ y khoa đầy đủ do BS Kouchner để lại, và của đoàn Y tế Đức, các bác sĩ chuyên môn đã hoạt động đều đặn, khả quan.  Bệnh nhân được chăm sóc tại chỗ.  Việc chuyển bệnh nhân sang đất liền Terengganu giảm đi rất nhiều.  Dân chúng tị nạn trên đảo viết thơ cho BĐH trại với lời khen tặng.  Viện Đại học Manila cũng gởi lời hỏi thăm BS Nguyễn Ngọc Giao trưởng khối Y Tế.  BĐH trại cũng nhận được thơ của BS Phan Quang Đán gởi từ đảo Virgin Hoa Kỳ cho biết có thể Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị (John Paul II) sẽ viếng thăm các trại tỵ nạn Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương và Hồng Kong.  Hội bảo trợ trẻ em của Thụy Điển cũng sẽ đến thăm đảo.

Lúc đầu việc thành lập phi trường trực thăng dã chiến được dự liệu để di tản bệnh nhân, nhưng suốt thời gian tôi ở trên đảo, chỉ thấy phi trường được dùng cho các phái đoàn đến 

NDC_Hoihoa001


thăm đảo được  thuận tiện hơn .  









Nguyễn Duy Cung

(Còn tiếp)

Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn (28) - Nguyễn Duy Cung

  

 TRỞ VỀ NGHỀ CŨ

Sang Hoa Kỳ, bác sĩ ngoại quốc nào cũng phải đi học lại.  Nhưng vùng tôi ở lại là một vùng quê, xa thành thị, không có trung tâm huấn luyện thi ECFMG, FLEX.  Gần nhất có một nhóm đồng nghiệp ở tiểu bang Oklahoma tổ chức học chung với nhau, nhưng đường xá xa xôi, tôi lại chưa có phương tiện xe cộ để di chuyển.  Trong thời gian còn ở trên đảo tị nạn Bidong, GS Wareham thuộc trường Y Khoa Loma Linda có nhắn tôi khi nào sang Hoa Kỳ thì đến gặp ông ngay.  Tôi được hân hạnh quen biết GS Wareham từ khi tôi được Bộ Y Tế VN đề cử tôi đại diện Bộ làm việc chung với GS đang hướng dẫn phái đoàn Giải phẫu tim Hoa Kỳ tại Sài Gòn vào năm 1974 và năm 1975.  Ông cho tôi địa chỉ của trung tâm Loma Linda trên Riverside, nơi ông làm việc. 

Nhưng California lại còn xa hơn Oklahoma, phải đi bằng máy bay tốn kém để đến trạm đầu, Los Angeles..  Từ đó có thể đi thẳng đến Loma Linda nằm trên Riverside, hoặc đi xe về Orange County rồi lên Loma Linda.  Tôi cũng muốn đi, ngặt vì cơ quan thiện nguyện USCC chỉ giúp được có 250 dollars một tháng cho gia đình 9 người của tôi.  Gặp vấn đề tài chánh thật khó khăn, không có đủ phương tiện để di chuyển cả gia đình qua California cùng một lúc, cũng không thể bỏ gia đình để ra đi một mình, tôi không còn cách chọn lựa nào khác hơn là ở lại Van Buren, ôm cuốn sách Y khoa Merck Manual xuất bản lần thứ 13 dày 2165 trang do hai em tôi mua cho tôi tại Little Rock để tự học lấy một mình.  Đời sống các em tôi cũng chật vật, phân nửa đã dời đi Bakersfield.

Một hôm có một người bạn thân - anh Hoàng văn Lộc - cùng đi chung tàu, sang trước, định cư tại Houston; anh có một xe van lớn, tự lái lên Van Buren giúp đưa cả gia đình tôi về thành phố Houston, một thành phố lớn nhất của tiểu bang Texas có diện tích 3 lần nước VN và cho chúng tôi ở trong một căn nhà rộng rãi, tiện nghi, anh đã mướn sẵn, nằm trên đường Victoria khu South Bell.  Như một chuyến xe đò lục tỉnh bên nhà chở đầy hành khách, xe Van của anh cũng phải tháo bớt băng sau mới có đủ chỗ chở người ngồi trên sàn xe.  Còn trên mui xe thì kềnh càng bàn ghế cũ, người lối xóm không dùng nữa, đem vất bỏ ngoài lề đường, chúng tôi lượm đem về.  Ở dưới Galveston, anh bác sĩ Nguyễn văn Tạ một bạn thân cùng lớp qua trước cũng cho tôi một cái bàn học nhỏ vừa vặn, tôi rất thích, làm bằng loại gỗ sồi rất nặng.

Về Houston, để giúp thêm vấn đề tài chánh cho gia đình, tôi đi làm công cho Utotem, một tiệm bán hàng tạp hóa, đồng thời bán xăng, mở cửa 24 trên 24 giờ, nằm sâu trong rừng, nguy hiểm, kém an ninh, thường hay bị cướp.  Trước quầy tiền lúc nào cũng có tấm bảng nhỏ đề: “Trong hộc tủ chỉ có 20 đồng thôi” viết bằng tiếng Anh.  Làm việc nhiều nhưng lương hàng tháng của tôi không được bao nhiêu, độ vài trăm Mỹ kim, vợ tôi phải quá giang xe một cô bạn quen để đi làm việc thêm trong tiệm bán thời trang hiệu Palais Royal ở địa hạt Pasadena; về nhà dạy thêm Dương cầm và làm hoa vải.  Buổi chiều nào, mượn được xe nhỏ, chúng tôi chạy rong trong rừng, nhìn những nhánh cây khô có hình dáng thon thả cắt về, kết thêm hoa đem bán trong nhà thương.

Dưới phố Houston có một trung tâm giáo dục tư tên Kaplan, chuyên dạy thi ECFMG và FLEX; trường nằm trên Freeway 55, xa nơi cư trú, phải lái xe trên xa lộ hơn một tiếng đồng hồ mới tới nơi.  Vấn đề di chuyển là hết sức quan trọng trên nước Mỹ vừa rộng vừa lớn.  Trong lúc vợ chồng tôi đang lục quảng cáo, tìm kiếm xe cũ rẻ tiền để mua, thì một anh bạn thân học lớp trên tôi, bác sĩ Chu Bá Bằng đến thăm.  Trước đây anh có làm Ngoại trú Giải phẫu tại bệnh viện Bình Dân.  Khi ra trường anh lên Cao nguyên làm Y sĩ trưởng Bệnh viện Dã chiến Kon Tum.  Sau đó đổi ra Đà Nẵng, anh thay thế tôi trong chức vụ Y sĩ trưởng khoa ngoại thuộc TYV Duy Tân.  Bác sĩ Chu Bá Bằng sang Mỹ trước tôi và đang hành nghề dưới phố Houston, anh khuyên tôi nên mua xe mới để dùng, thay vì dùng xe cũ, để tránh những trục trặc phiền toái như xe bị hư giữa đường, nhất là trên xa lộ dài, 5-6 lằn đường, tốc độ xe chạy rất nhanh 60-70 dặm một giờ rất nguy hiểm, và anh nhận ký tên chung trong giấy mua xe Oldsmobile mới đời 1980 cho tôi (đứng tên chung co-sign có nghĩa là nếu người mua xe không đủ khả năng để trả tiền trong tháng nào đó thì người đứng tên chung có bổn phận phải trả dùm). 

Chúng tôi cố gắng không để cho anh phải ở trong hoàn cảnh như vậy.  Anh BS Bằng quá tốt.  Nhờ có anh đứng tên chung mà tôi mua được chiếc xe mới để đi học.  Nơi đây tôi thành thật cám ơn anh đã giúp tôi trong bước đầu khó khăn, chật vật.  Có xe rồi nhưng chưa đi học được vì còn vấn đề học phí trong trường Kaplan quá cao 1. 200 Mỹ kim cho một khóa.  Khi rời Van Buren em gái tôi có cho 400 đồng để làm lộ phí đi đường.  Có người khuyên tôi, thử trình bày hai tờ giấy của Tòa Đại sứ Mỹ và của Cao ủy tị nạn LHQ ở Kuala Lumpur chứng nhận thời gian tôi làm Trưởng trại tị nạn P.  Bidong.  Không ngờ trường thấy tôi có tích cực đóng góp vào những công tác xã hội trên đảo tỵ nạn, nên đồng ý chỉ nhận 400 đồng và cho tôi đến học.  Bước đầu tới Mỹ tuy còn khó khăn nhưng con đường đến trường lại có nhiều thuận lợi và may mắn khiến tôi như được tăng thêm sức mạnh và ý chí khi tiếp tục nghề nghiệp Y tế của mình. 

Cách tổ chức các lớp học của trường rất hay; trường có những cuốn băng nhựa trình bày rõ ràng tất cả những điểm chánh của các bài học, các câu hỏi khúc-mắc trong các kỳ thi và các câu trả lời rõ ràng rành mạch.  Có những câu hỏi thông thường tìm thấy câu trả lời trong sách giáo khoa, nhưng cũng có câu hỏi lắt léo khó trả lời, thí dụ một câu hỏi có nhiều câu trả lời gần giống nhau, mà nếu mình không học để biết cách trả lời cho đúng thì dù mình có ôm bao nhiêu sách giáo khoa to tướng như Harrison đi nữa để học thuộc lòng, thì cũng chưa chắc đã có thể trả lời một cách chính xác được. 

Khóa sinh tự học lấy tùy theo khả năng, Giáo sư nhiều kinh nghiệm là những cuốn băng nhựa quý giá! Tôi đến sớm mượn vài cuốn băng, xong kiếm chỗ yên tĩnh ngồi nghe nghiền ngẫm.  Tôi chăm chỉ học mỗi ngày, từ sáng trường vừa mở cửa cho đến tối mịt mới trở về.  Ngày nghỉ ở nhà tôi tự giam mình trong gian phòng nhỏ, khoá cửa, vứt chìa khóa ra sân, học cho đến khuya, đều đều 12 tiếng trong một ngày.  Trong thời gian ở Houston, tôi hân hạnh gặp lại Bác sĩ Vũ Ban, một đồng viện trước kia trong Quốc Hội Lập Hiến.  Anh đến Mỹ sớm, có cơ ngơi vững vàng. . anh mời tôi cộng tác trong vấn đề Giải phẫu thẩm mỹ.  Thật là điều may mắn bất ngờ cho tôi.  Giải phẫu thẩm mỹ là một chuyên môn mà tình cờ lúc còn học Giải phẫu lồng ngực bên Nhật, tôi được hân hạnh và may mắn gặp GS Uchida, một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ nổi tiếng của Nhật, cha truyền con nối, hành nghề giải phẫu thẩm mỹ trên 25 năm.  Giáo sư Uchida đã tận tâm truyền dạy cho tôi kỹ thuật sửa mắt một mí thành hai mí cho người Á Đông và kỹ thuật độn ngực bằng túi nylon có chứa chất dẻo.  Nhờ có việc làm thêm khá ổn định nên đời sống trong gia đình tôi trở nên dễ chịu hơn.

Anh bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, bên California thỉnh thoảng lại bay sang Houston thăm hỏi anh em.  Anh đã hết lòng giúp đỡ và khuyến khích tôi học, vì có lúc tôi cảm thấy chán nản, khi nhìn chung quanh thấy việc gì cũng có tánh cách thương mại, ngay cả trong lãnh vực Y khoa.  Đến năm 1980, khi tôi sang Bakersfield, California, ở nhà em tôi để học thi, thì không may thình lình tôi bị đau ruột dư cấp tính.  May nhờ có những người bạn thân cùng làm việc chung trong sở như cựu Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang và cựu tướng Lê quang Lưỡng lo dùm phần hành của mình nên em rể tôi Phạm Minh Hoàng ( em ruột của Bác sĩ Phạm Minh Ngọc ở San Diego) lấy phép nghỉ hai ngày để chở tôi vượt đèo vượt núi, về Orange County, nhờ Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ giới thiệu tôi vô nhà thương UCI để mổ khẩn cấp.  Đây là lần đầu tiên tôi được hưởng Medical.  Ông bác sĩ thường trú ngoại khoa khám bệnh cho tôi ở phòng cấp cứu, trong hồ sơ bệnh lý, có ghi “bệnh nhân đã tự chẩn đoán lấy bệnh viêm ruột dư cấp tính của mình, khi cơn đau bắt đầu nổi lên ở dưới chấn thủy”.

Trong thời gian tôi nằm nhà thương, GS Warehnam trên trường Đại học Loma Linda có đến thăm và dặn khi nào tôi ra nhà thương thì đến ngay Loma Linda gặp ông.  Tôi nhớ lời ông nhưng thay vì đi ngay khi xuất viện, tôi đợi đến lúc thi FLEX xong rồi mới lên Riverside, thì GS Wareham đã đi qua Trung Đông giúp cho một trung tâm Giải phẫu lồng ngực thuộc Vương quốc Saudi Arabia.  Có lẽ ông đã có thu xếp trước khi đi nên căn dặn người kế vị là GS Jacobson thay thế ông làm trưởng bộ môn Giải phẫu lồng ngực đã đưa tôi qua gặp GS Bruce Branson, Chủ nhiệm khoa Giải phẫu của Trường Đại học Loma Linda.  Trong thời gian này, thư viện của khu Ngoại khoa có một bác sĩ trẻ người Mỹ, cũng đang chờ đợi để được phỏng vấn.  Khoa Ngoại của nhà thương chỉ lấy có một thí sinh.  Điều làm cho tôi ngạc nhiên là trong suốt thời gian hơn một tiếng đồng hồ ngồi đối diện trước bàn làm việc, trong văn phòng của GS Branson, ông không hỏi tôi một câu nào về kiến thức Y khoa Giải phẫu.  Ông chỉ tâm tình cho biết ông có chứng kiến thời gian miền Nam sụp đổ, vì ông có mặt trong bệnh viện Cơ đốc Phục lâm tọa lạc gần phi trường Tân Sơn Nhứt, ngang Bộ Tổng Tham Mưu:

Thay vì rời bỏ đất nước trong lúc nguy ngập để ra đi, anh đã tình nguyện ở lại nhà thương để mổ và chăm sóc cho trên năm trăm thường dân bị pháo kích, anh bị bắt trong khi đang làm việc trong phòng mổ, bị đưa đi học tập cải tạo cho đến chân anh bị suy yếu vì thiếu dinh dưỡng.  Anh đã hy sinh nhiều cho xứ sở của anh, bây giờ trường Loma Linda có bổn phận giúp đỡ lại anh.  Chừng nào anh muốn vô chương trình Giải phẫu của Trung tâm Y khoa Loma Linda?”

Câu hỏi của GS Branson làm tôi vô cùng bàng hoàng, vì trước khi lên Loma Linda, tôi có gặp Bác sĩ Cao Xuân An, một người bạn thân nguyên Đổng lý văn phòng Bộ Xã Hội VNCH.  Anh sang Mỹ trước tôi.  Khi đi tù CS về chung, tôi có mổ cho con anh.  Anh biết tôi thích và có khả năng về Giải phẫu nhưng anh cũng thành thật cho tôi biết tình trạng Y tế trên nước Mỹ lúc bấy giờ.  Đồng nghiệp Việt Nam có ECFMG và FLEX còn đông và đang chờ đợi để được nhận vô thực tập trong một nhà thương được chính phủ công nhận, nhưng vấn đề xin vô đây rất khó khăn, nhất là khoa Giải phẫu.  “Tôi biết anh thích về giải phẫu nhưng tôi cũng thành thật khuyên anh hãy quên đi”. Có vài bạn đồng nghiệp, vì hoàn cảnh sinh sống khó khăn, không thể chờ đợi để được nhận vô nhà thương, nên đã tìm cách đổi nghề, chuyển sang học Chiropractor, Châm cứu, OD, v. v…

Tôi không ngờ lại được trường Loma Linda gọi phỏng vấn và chấp nhận cho tôi làm Bác sĩ thường trú Ngoại khoa một cách dễ dàng mà không hỏi qua về khả năng chuyên môn.  Trường cũng miễn cho tôi bằng ECFMG dành cho tất cả bác sĩ ngoại quốc muốn học trở lại ngành Y Khoa tại Hoa Kỳ, miễn năm Intership… Chương trình Giải phẫu của Trung tâm Loma Linda là năm năm, năm cuối cùng có phần giải phẫu trẻ em và giải phẫu lồng ngực.  Sau đó, GS Branson giới thiệu cho tôi qua nhà thờ Cơ đốc nằm trong bệnh viện, để nơi đây cho tôi mượn 2. 000 đồng thuê chỗ ở trong một cư xá lưu động gần trung tâm cho tiện việc học hành.  Thông thường muốn xin thực tập trong một nhà thương trên toàn nước Mỹ thì việc đầu tiên là phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để gởi đến các trường Y Khoa mà mình lựa chọn, xong ngồi nhà chờ đợi. 

Có nơi nào gọi là phải tức tốc đi máy bay tới nơi, mướn khách sạn ở gần nhà thương, chờ đợi phỏng vấn, chẳng khác nào sĩ tử ngày xưa lều chõng ra kinh thi hội.  Ngày xưa đi bộ, băng rừng, trèo non, lội suối, phải mất một thời gian dài đôi ba tháng, hay lâu hơn, ngày nay đi máy bay, nằm ngủ một giấc là đến nơi.  Tuy nhiên việc chuẩn bị đi đến một nơi xa để được phỏng vấn thật là tốn kém.  Tôi rất lo ngại vì biết mình còn trong tình trạng quá yếu về tài chánh.  Tôi chưa dám gởi một hồ sơ đến bất cứ một nhà thương nào, ngay cả nhà thương Loma Linda.  Sau khi được GS Branson phỏng vấn, tôi chưa nhận được thư phúc đáp kết quả của trường, thì tên tôi đã được ghi trên danh sách trực gác của khoa Ngoại nhà thương Loma Linda đúng vào ngày lễ Giáng sinh năm 1984 và đồng thời tôi được lãnh tiền lương Bác sĩ thường trú ngoại khoa. 

Được làm việc trở lại trong phòng mổ của nhà thương Loma Linda, tôi rất mừng vì vừa phù hợp với khả năng của mình, mà lại vừa ít tốn kém, tuy nhiên tôi vẫn chưa tin đó là sự thật, vì qua đây trễ tràng, tôi không bao giờ dám mơ tưởng tới việc sẽ được học trở lại ngành giải phẫu trên đất Hoa Kỳ.  Lúc đầu tôi cũng còn thấy bỡ ngỡ, không phải vì vấn đề thuần túy ngôn ngữ.  Đọc sách Y khoa tiếng Pháp hay tiếng Anh đối với tôi không có vấn đề, tôi hiểu dễ dàng, vì bên nhà từ nhỏ cho tới lớn, tôi theo học chương trình Pháp; lên Sài Gòn tôi tiếp tục được học hết chương trình Y khoa Pháp.  Biết tiếng Pháp rồi chuyển sang học tiếng Anh tương đối không khó, vì cả hai đều có nguồn gốc chung là tiếng Latin.  Tôi cũng có theo lớp Anh văn trong trường Lê Văn Hai, xong cuốn L’Anglais sans peine (English without toil) và học sách dịch Chinh phụ ngâm của Đặng trần Côn bằng Anh văn dưới sự hướng dẫn của dịch giả Giáo sư Phạm Xuân Thái và nhờ bắt chước một người bạn, mỗi ngày học vài ba chữ trong từ điển Anh-Việt, nghe đài phát thanh ngoại quốc, đọc thêm sách báo tiếng Anh mà tôi có được một số vốn tiếng Anh cũng kha khá

Thời gian đi du học tại Mỹ năm 1962 trong Tổng Y viện Letterman, nhờ có dịp tiếp xúc hàng ngày với chuyên viên Y tá Mỹ khắp nơi về đây tập sự, có một cô Y tá Hoa Kỳ cấp bậc Đại úy, chuyên môn về Gây mê tặng tôi một quyển sách giáo khoa về Gây mê Hồi sức và giúp tôi trau dồi thêm Anh ngữ; mỗi ngày tôi lại có một bà giáo chuyên dạy về tiếng Mỹ cho tôi … Tại Nhật Bản năm 1969-70, tại Úc Đại Lợi và Phi Châu năm 1974 và thời gian trên đảo tỵ nạn P. Bidong năm 1979-80, làm việc gặp gỡ nhiều phái đoàn ngoại quốc nói tiếng Anh mà tôi có nhiều tiến bộ trên địa hạt Anh ngữ.  Tuy nhiên chỉ nghe giọng nói và cách phát âm của giáo sư đang giảng dạy thôi chứ chưa bao giờ có cơ hội thực hành với người ngoại quốc nói tiếng Anh.

Khi vào nhà thương Loma Linda, tiếng Anh của tôi trở nên khá hơn nhờ tiếp xúc mỗi ngày với những đồng nghiệp Điều dưỡng Mỹ, chung quanh tôi phần lớn là những người dân Hoa Kỳ thuộc Cơ Đốc giáo … Có một bác sĩ thường trú ngoại khoa gốc Hoa Kỳ, trong một buổi trực gác chung với tôi đã hỏi tôi vô đạo Cơ Đốc bao lâu rồi và đã ngạc nhiên khi biết tôi không phải là người thuộc đạo Cơ đốc mà lại được tuyển chọn vô làm Bác sĩ thường trú ngoại khoa của trường Đại học Loma Linda.  Trong nhà thương suốt ngày chỉ có cơm chay.  Muốn ăn mặn phải ra ngoài phố hoặc về dưới Santa Ana.
Tôi thầm nghĩ, đây là một phép mầu nhiệm mà Ơn trên đã ban cho tôi, khiến GS Wareham, GS Branson, GS Jacobson đã giúp cho tôi vô học lại về giải phẫu trong nhà thương Loma Linda để trở về nghề cũ {sớm hơn và tương đối dễ dàng hơn, bù đắp lại thời gian bốn năm dài tôi đã mất trong các trại tù lao động tập trung và dưới sự quản chế của công an cộng sản địa phương. 

Thêm vào đó có thời gian hơn hai năm trời sống lênh đênh trên biển cả, vượt biển tìm Tự Do và ở trên hoang đảo tỵ nạn P. Bidong. } Các Giáo sư của trường Đại học Loma Linda chỉ dựa vào kinh nghiệm chuyên môn Giải phẫu của tôi, dựa vào quá trình làm việc về giải phẫu của tôi tại quê nhà, về giấy chứng nhận của Giáo sư Norman Hoover, nguyên Đại diện Hiệp hội các bác sĩ Hoa Kỳ tại trường Đại học Y khoa Sài Gòn từ năm 1967 đến năm 1974 về thơ giới thiệu của hai vị GS cựu Khoa trưởng trường Đại học Y khoa Sài Gòn là GS Đặng Văn Chiếu và GS Đào Hữu Anh.

Lãnh lương bác sĩ thường trú ngoại khoa tháng đầu tiên được 1. 600 Mỹ kim.  Để tỏ lòng biết ơn trường Loma Linda tôi có nhã ý gởi hết số tiền đóng góp cho khu Ngoại khoa, nhưng GS Branson đã từ chối.

Tôi tập trung tất cả ngày giờ vào sự học.  sáng sớm, mới 4 giờ rưỡi, tôi đã lái xe Oldsmobile từ Orange County lên nhà thương, vô phòng dành riêng cho bác sĩ, thay quần áo nhà thương, chờ đợi theo anh bác sĩ trưởng thường trú đi thăm bệnh đã mổ hay chuẩn bị mổ, hoặc xuống khu Giải phẫu phụ Giáo sư giải phẫu hoặc sang nhà thương có liên hệ với Loma Linda như nhà thương cựu chiến binh dự thính những buổi nói chuyện về Ngoại khoa.  Khi trở về nhà thương Loma Linda, trước tiên tôi đến thăm “thư viện riêng của tôi” là cái thùng sau của chiếc xe Oldsmobile chứa đầy sách Y khoa để tham khảo thêm.  Ăn cơm trưa xong, ngày nào không có giải phẫu, tôi lên ngồi trong thư viện yên tĩnh của khu Ngoại trên tầng lầu 2 đọc sách, bên ngoài trời tối lúc nào không hay; đến chiều hết giờ làm việc, khu Giải phẫu đóng cửa, tôi lái xe trở về nhà ở Santa Ana. 

Có khi mệt mỏi, tôi tấp sát xe vô lề đường, hoặc xuống đường bên trong tìm chỗ an toàn đậu xe, ngồi sau tay lái, ngủ một giấc cho thật tỉnh rồi mới tiếp tục trở ra lại trên xa lộ.  Tôi học chăm chỉ.  GS Branson có lòng tốt muốn đào tạo tôi thành một nhân viên Giảng huấn ngoại khoa cho trung tâm.  Nhưng vì hoàn cảnh, tôi còn lo nghĩ đến gia đình ở bên này và những người thân còn ở lại bên nhà cũng như những nhân viên đã từng giúp đỡ tôi, khi tôi đi tù cải tạo về, nên tôi chỉ xin học một năm cho đúng theo điều lệ quy định, để sau đó vào ngày 6-03-85, cùng đi với Bác sĩ Vũ Quí Đài, nguyên khoa trưởng trường Đại học Y khoa Sài Gòn, lên San Francisco thi bằng hành nghề của tiểu bang California.

Trong ban giám khảo, vị Giáo sư chuyên về ngoại khoa đã hỏi tôi nhiều câu liên quan đến vấn đề đau bụng cấp tính thường xảy ra và cách điều trị.  Tôi đã trả lời đúng từng phần một từ bệnh đau ruột dư cấp tính, đến bệnh viêm túi mật, với chẩn đoán sai biệt bệnh viêm sạn đường tiểu và bệnh viêm buồng trứng.  Viêm ruột dư cấp tính phải mổ liền, còn viêm túi mật phải chuẩn bị cẩn thận bằng trụ sinh rồi mới nên mổ.  Thấy tôi trả lời được, ông hỏi lần lên bộ phận lồng ngực, về chấn thương của động mạch chủ.  Tổn thương động mạch chủ do chấn thương là một trường hợp cần phải can thiệp khẩn cấp, chẩn đoán được tổn thương bằng cách chụp hình lồng ngực để thấy trung thất bị rộng ra và dùng thuốc cản quang để chụp thấy nơi động mạch bị rách để can thiệp.  Tôi trả lời thông suốt các câu hỏi.  Thường thường sau khi hỏi xong thí sinh ra bên ngoài ngồi, chờ đợi kết quả.  Trường hợp tôi, sau khi đúc kết cuộc phỏng vấn, ông Giáo sư lại hỏi tôi thêm một câu: “Chừng nào anh định mở phòng mạch?”. Nghe câu hỏi trong lòng tôi mừng thầm vì đoán được kết quả của cuộc thi.

Bận trở về chỉ có một mình, tôi ghé thăm anh Nguyễn văn Ánh, một người bạn thân, cựu Đại tá Hải quân, xong theo đường chỉ dẫn tôi lên thăm thung lũng Yosemite nằm giữa tiểu bang California, có chiều dài 10 cây số, chiều cao 1 cây số 300 thước, với nhiều khe sâu và nhiều ngọn núi cao oai nghiêm, hùng vĩ.  Đứng dưới chân núi mát lạnh, nhìn thác nước trên cao triền miên đổ xuống qua nhiều thế kỷ, tôi cảm thấy đời tôi bắt đầu một giai đoạn mới, nhẹ nhàng, dễ thở.

Sau khi tốt nghiệp bằng hành nghề của tiểu bang California và bằng giải phẫu của trường Loma Linda, trước khi rời nhà thương Loma Linda, GS Bruce Branson chủ nhiệm khoa Giải phẫu của Trung tâm Loma Linda, yêu cầu tôi trình bày tại Hội trường lớn của Trung tâm đề tài: “Cuộc vượt thoát bằng đường biển của một bác sĩ Giải phẫu Việt Nam, nguyên Tổng Quản Đốc Trung tâm Thực tập Y khoa Gia Định-Bệnh viện Nguyễn Văn Học, kiêm chủ nhiệm khoa Giải phẫu”..

Một đề tài không liên quan gì tới ngành chuyên môn, nhưng tôi biết được chủ ý của giáo sư là muốn cho tôi có cơ hội để nói lên ý chí của mình, bởi vì có ý chí thì mới có thành quả được, tôi cố gắng sắp xếp lại câu chuyện cho mạch lạc và trình bày bằng tất cả sự thật trong trái tim mình. . Sau buổi nói chuyện, cử tọa đứng dậy vỗ tay tán thưởng, và tự động xếp một hàng dài lên bắt tay, an ủi và tỏ lòng mến trọng tôi.  Tôi được Giáo sư Branson trao cho một ngân phiếu 200 đồng tượng trưng tiền thù lao của Thuyết trình viên.

Rời trường Loma Linda tháng 9 năm 1985, qua năm sau 1986, tôi gia nhập Hội Giải phẫu Thẩm mỹ Hoa Kỳ và sáu năm sau vào năm 1992, đậu bằng Giải phẫu Thẩm mỹ Quốc tế, tôi được GS Bolivar Escobido, Chủ tịch Hội Giải phẫu Thẩm mỹ Quốc tế mời tham gia đi nói chuyện về Giải phẫu Thẩm mỹ tại Âu Châu và Nam Mỹ.  Trong đoàn còn có BS Frank Alvarez, một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ nhiều kinh nghiệm gốc Cuba.  Tôi phụ trách phần nói chuyện về Giải phẫu thẩm mỹ sửa mắt một mí thành 2 mí cho người Á Đông tại thủ đô Rome (Ý Đại Lợi), Barcelona (Tây Ban Nha), nơi đây tôi được tước vị Giáo sư danh dự của Hội Giải phẫu Thẩm mỹ tây Ban Nha cùng một lúc với GS Pitanguy I, chuyên gia nổi tiếng Thế giới về Giải phẫu Thẩm mỹ ngực, người gốc Brazil.  Tại thủ đô Lima Peru (nam Mỹ) bác sĩ Frank và tôi được mời giải phẫu căng da mặt cho một người trong thân tộc của GS Escobido.  Kết quả cuộc giải phẫu rất tốt.

Trở về Orange County, tôi mở phòng khám bệnh tư, hành nghề tại số 14441#2 đường Brookhurst, Garden Grove, tiểu bang California được 10 năm.  Sau đó dời về đại lộ Beach Blvd số 17672, làm việc thêm được 4 năm.  Cuối cùng trở về 13071 đường Brookhurst # 170 Garden Grove làm việc cho đến năm 2004.  Suốt thời gian hơn 15 năm hành nghề, tôi đã dùng phòng khám bệnh một phần để giúp đỡ miễn phí cho những người trước đây ở chung trong các trại tù Cộng Sản VN với tôi, những người bên đảo tị nạn Bidong mới sang, những người sống trong tiểu bang California chưa được trợ cấp Medical.

Một biến cố xảy ra trong thương trường với nhiều gian dối, bị kích xúc mạnh tôi thình lình lên cơn đau tim được Bác sĩ Loan Thị Hồ Ngô chuyên khoa nội thương tim mạch giới thiệu lên nhà thương Good Samaritan trên Los Angeles.  Nơi đây BS Gregory Louis Kay chuyên về Giải phẫu tim đã lấy tĩnh mạch ở chân trái của tôi lên làm nhịp cầu nối động mạch chủ vô tim (bypass surgery) cho tôi.  Qua năm sau tôi lại bị suy thận, một tuần ba lần đi lọc máu (Hemodialysis).  Tôi phải ngưng làm việc.  Phòng mạch tôi phải nhờ vợ và con gái tôi tốt nghiệp chuyên khoa phòng mổ tiếp tục trông nom với sự cộng tác chuyên môn của những người bạn, những bác sĩ Giải phẫu thẩm mỹ hành nghề trên Beverly Hill và ở Newport Beach.

Ngồi ôn lại suốt cuộc đời Y sĩ từ ngày mới ra trường cho đến nay, trải qua những vinh quang và tủi nhục, tôi cảm thấy lòng mình yên ổn.  Tôi đã làm tròn chức năng của một người thầy thuốc, hết lòng lo nghĩ và chăm sóc tận tình cho quân nhân ngoài tiền tuyến, cũng như tận tụy với bệnh nhân nơi hậu cứ, trong các nhà thương.  Tôi đã không quản ngại nguy hiểm ở lại sau cùng trên mặt trận Dakrotah ngoài biên thùy Tân Cảnh Kon Tum để chờ đợi thương binh còn mắc kẹt trong rừng sâu sau cuộc chiến.  Tôi đã hiến máu loại O của tôi ngoài TYV Duy Tân-Đà Nẵng để kịp thời mổ và cứu sống một thương binh bị thương nặng do một viên đạn trung liên trúng ngực, viên đạn xuyên từ đỉnh ngực bên phải qua cơ hoành, xuống bụng, làm lủng phổi, bể gan, lủng ruột.  Bệnh nhân đã có giấy khai tử của đơn vị. 

Tôi đã nhảy xuống sông Đà chảy xiết ban đêm để cứu một quân nhân Hoa Kỳ sắp chết chìm… Tôi đã lội qua sông Cà ty Phan Thiết, một vùng xôi đậu thuộc chiến khu tam giác sắt VC để chữa cho một em bé đau nặng.  Tôi đã ra ngoài hải đảo Phú Quý xa xôi cách đất liền Phan Thiết 100 cây số để chăm sóc cho ngư dân nghèo trên biển cả.  Tôi đã hai lần tình nguyện lên tận vùng rừng thiêng nước độc Phước Long-Bà rá, nguy hiểm mà từ trước đến bây giờ, chưa có một bác sĩ nào đến làm việc.  Tôi đã tình nguyện hy sinh ở lại nhà thương Nguyễn Văn Học vào giờ phút chót để mổ cho hàng trăm thường dân bị trúng đạn pháo kích của CS, để rồi bị CS bắt ngay trong phòng mổ và bị đưa đi các trại tù cho đến chân tôi bị suy yếu vì thiếu dinh dưỡng. 

Được tạm tha trở về nhà thương làm việc vì nhu cầu chuyên môn giải phẫu lồng ngực.  Tôi vẫn một lòng tận tụy cho bệnh nhân không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, mặc dù tôi phải làm việc trong phòng mổ một thời gian dài không lương với những tủi nhục chua xót của kẻ chiến bại bị phân biệt đối xử trong chế độ CS.  Thỉnh thoảng tôi còn phải đến những nơi thật là hắc ám để trình diện, ban đêm tôi phải xách tầm vông và dây luộc ra ngồi dưới cột đèn đường Duy Tân, canh gác khu phố dưới sự giám sát của Công an.  Nhà tôi ở cũng không yên ổn, cơ quan an ninh của phường tự tiện vô lục soát bất cứ lúc nào. 

Không có gì quý hơn độc lập- tự do”.  Mỉa mai thay câu nói này lại đặt trong chánh sách đàn áp độc tài của Cộng Sản. . Người dân không còn sự lựa chọn nào khác hơn là ra đi để thoát khỏi gông cùm đó.  Chúng tôi trân mình chịu đựng cho đến ngày vợ tôi tổ chức cho cả gia đình an toàn trốn được xuống Rạch Giá tìm đường vượt biển …Trải qua những gian nan thập tử nhất sanh trên biển cả bao la để được tới đảo và cuối cùng tới được bến bờ tự do trên đất Mỹ.  Rồi tôi cố gắng học hành để được đặc biệt thâu nhận vô trường Đại học Loma Linda, trở lại nghề nghiệp cũ làm Bác sĩ Giải phẫu Y khoa.

Cho đến ngày hôm nay, tuổi đã về chiều còn vướng phải hai chứng bệnh ngặt nghèo cùng một lúc, vừa phải mổ nối động mạch tim bị nghẽn vừa bị suy thận phải lọc máu một tuần ba lần.  Tôi không biết có phải là Ơn Trên báo động sẽ chấm dứt sứ mạng cứu người của tôi, hay đây cũng lại là một thử thách khó khăn để rồi sau khi may mắn được lành bệnh sẽ giao phó cho tôi một nhiệm vụ cứu nhân nào khác nữa?

Trước khi chấm dứt thiên Hồi ký này tôi muốn có một đôi lời tri ân:

Lúc còn nhỏ, tôi ham chơi hơn ham học, suốt ngày chạy rong trên những cánh đồng ruộng lúa mênh mông, theo những đứa trẻ chăn trâu, mồi chim, bắt cá lia thia, đá gà, bắt dế, giăng câu, v. v… Lớn lên tôi chỉ có một mớ kiến thức khiêm nhường về đồng áng, nhưng may mắn thay, được mẹ và người chị lớn thứ ba hết lòng giúp đỡ dìu dắt cho tôi tiếp tục học hành; tôi thi đậu vô trường trung học Pétrus Ký, học xong ban tú tài Pháp phần I tại trường tư thục Lê văn Hai - Huỳnh thị Ngà, ban tú tài Pháp phần II tại trường trung học Chasseloup Laubat, tốt nghiệp trường Hàng hải Việt Nam với hai bằng Sĩ quan Viễn Dương và Cận Dương thuyền trưởng, tốt nghiệp trường Y Khoa Đại học Sài Gòn với bằng Bác sĩ Y Khoa.  Luận án Tiến sĩ được Hội đồng Giám khảo Y Khoa chấm tối ưu hạng và được đề nghị một Giải thưởng luận án.

Cuộc đời của tôi đã đi qua những đoạn đường chông gai thời chinh chiến tàn khốc, đôi khi quá kinh hoàng trong bom rơi đạn nổ mịt mù, hay những lúc khiếp sợ hãi hùng trên biển cả cuồng phong bão tố, nhiều lúc tưởng chừng như không thể nào thoát được lưới tử thần, nếu không có bàn tay mầu nhiệm của Thượng Đế đã cứu vớt tôi.  Tôi có người Mẹ thân yêu đã mất cách đây trên 50 năm, lúc tôi còn trẻ.  Tuy nhiên tôi có linh cảm như mẹ tôi lúc nào cũng ở bên cạnh để che chở bảo vệ tôi và giúp cho tôi tránh khỏi những tình huống vô cùng khó khăn đen tối.

Quyển Hồi ký này tôi viết và để lại cho gia đình bé nhỏ của tôi, cho người vợ hiền tuy nhỏ tuổi hơn tôi nhiều nhưng thật đảm đang, gan dạ, một lòng chung thủy đã không bỏ tôi trong cơn hoạn nạn, thời buổi khó khăn khi tôi còn trong các trại tù tập trung Cộng Sản.  Ở nhà, vợ tôi đã thay thế tôi chăm sóc chu đáo cho cha tôi trong cơn đau tim trầm trọng, biết thu xếp việc gia đình vất vả trăm chiều, tìm kiếm tổ chức vượt biển và lo cho tôi sớm rời khỏi chốn lao tù, đưa cả gia đình xuống miền Tây Rạch Giá để dùng tàu rời khỏi VN.  Sang Hoa Kỳ, vợ tôi biết an phận chấp nhận những thiếu thốn về vật chất riêng tư cho mình, đi làm lụng cực nhọc để lo cho tôi có đầy đủ phương tiện trong việc học hành trở lại và chăm sóc chu đáo các con, các cháu.  Tôi tự thấy mình may mắn khi có một gia đình êm ấm, là điểm tựa vững vàng đã giúp tôi không gục ngã mỗi khi đau buồn thất vọng...

Nguyễn Duy Cung
Hết

*****
Link tải sách về:

Epub:


PDF:


Scanned PDF:

Wednesday, October 21, 2020

THĂM CAMP ZAMA, TỔNG HÀNH DINH LỤC QUÂN HOA KỲ THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ CHỈ HUY TRƯỞNG THIẾU TƯỚNG LƯƠNG XUÂN VIỆT

October 19, 2020

* Triều Giang

Lịch sử thành lập Camp Zama Và bối cảnh Thái Bình Dương nổi sóng hôm nay

Trái: Bảng hiệu của Camp Zama trên trang nhà. Phải: TT. Việt ngồi trong văn phòng làm việc

Trước sự hung hăng của Trung Cộng (TC) tại Biển Đông và nhiều nơi trên thế giới, Hoa Kỳ không thể tiếp tục tin vào lời hứa của TC là sẽ phát triển trong hòa bình , chính sách ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ dưới thời TT. Trump đã thay đổi hầu như hoàn toàn. Ngoại trưởng Pompeo vào tháng 7, 2020 vừa qua đã chính thức bác bỏ tất cả những yêu sách tại Biển Đông của Trung cộng và công khai ủng hộ các nước trong vùng như Đài Loan, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Nam Dương, Ấn Độ, Viêt Nam…Nhưng một câu hỏi đã được một số người đặt ra rằng: nước Mỹ cách xa biển Đông tới nửa vòng trái đất, làm thế nào để có thể huy động và điều hành một liên minh quân sự gồm nhiều quốc gia trong cả hai vùng biển: Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để đối đầu hữu hiệu với TC ?

Camp Zama, Tổng Hành Dinh Lục Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương

Thống tướng Douglas McArthur ký hiệp ước đầu hàng của Nhật Hoàng trên tàu USS Missouri đậu tại vịnh Tokyo ngày 2/9/1945

(Hình trang nhà của Camp Zama)

Trở về lịch sử thời cuối Thế chiến Thứ hai, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Tướng Douglas McArthur tiếp nhận hiệp ước đầu hàng của Nhật Bản trên chiến hạm USS Missouri đậu tại vịnh Tokyo, sau khi hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki trong tháng 8, 1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Theo Hiệp ước đầu hàng, Nhật Bản không có quyền vũ trang, quân đội đồng minh, đứng đầu là Hoa Kỳ với sự hỗ trợ của các nước trong khối Thịnh vượng chung của Anh chiếm đóng Nhật trong 7 năm tới tháng 4, 1952. Trong thời gian này Tướng McArthur đã giúp Nhật tái xây dựng và trở thành nước dân chủ tự do nhưng vẫn chưa có quyền vũ trang.

Để giữ gìn an ninh cho Nhật Bản cũng như sự ổn định trong vùng biển Thái Bình Dương, đơn vị nhận trách nhiệm quan trọng này là Quân đội Hoa Kỳ Nhật Bản (USARJ), tiền thân là Lực lượng Lục quân Viễn Đông (AFFE), được thành lập tại Manila vào tháng 7 năm 1941 do Tướng MacArthur chỉ huy. Trụ sở chính của USARJ được chuyển đến Melbourne, Úc vào năm 1942. Sau 1945, trụ sở ban đầu chuyển đến Tokyo, rồi đến Yokohama vào năm 1953, và cuối cùng đến địa điểm hiện tại, Camp Zama vào tháng 10 năm 1953. (Zama trước đây là doanh trại của quân đội Hoàng gia Nhật).

Camp Zama từ đó không chỉ là căn cứ chỉ huy của Lục quân Hoa Kỳ tại Nhật mà nó còn nắm vai trò quan trọng là ổn định an ninh toàn vùng Thái Bình Dương. Từ căn cứ này Quân đội Hoa Kỳ Nhật Bản (USARJ) với sự tiếp tay của đồng minh giải quyết những cuộc chiến tranh giành độc lập từ phát xít tới các thực dân của các nước Triều Tiên, Phi Luật Tân, Trung Hoa, Đài Loan, Nam Dương, Mã Lai Á, Việt Nam… Thành tích và kinh nghiệm trong việc điều hành các lực lượng quân sự đa quốc gia để đối phó với kẻ thù của USARJ đã chứng minh thực lực của nó.

Điều đặc biệt đáng nói ở đây là người đang đứng đầu USARJ hiện tại để đối phó với tham vọng điên cuồng của TC tại vùng biển Thái Bình Dương đang dậy sóng hôm nay là Thiếu tướng người Mỹ Gốc Việt Lương Xuân Việt, một hậu duệ của Quân lực VNCH. Cha ông là cố Thiếu tá Lương Xuân Dương thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. TT. Việt là vị Tướng chỉ huy trưởng thứ 37 của Hoa Kỳ tại Camp Zama. Người đầu tiên là danh tướng, Thống tướng Douglas McArthur.

Thăm TT. Lương Xuân Việt và gia đình

Mặc dù người viết có phần giới thiệu khá chi tiết về lịch sử thành lập camp Zama cũng như bối cảnh hiện tại của Zama, nhưng trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn gói ghém về cuộc thăm viếng của chúng tôi với TT. Việt và phu nhân để nói về đời sống và một chút tâm tình của họ khi họ mới rời Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn Tám tại Camp Humphreys, nước Đại Hàn đến nhận nhiệm sở mới tại đây cách đây đúng 2 năm.

Chúng tôi đáp máy bay từ Đài bắc đến phi trường Tokyo vào quá trưa, người đón chúng tôi là ông Nguyễn Đức Kiên, một doanh nhân và cũng là nhà hoạt động từng là sinh viên thời VNCH đi du học và được lưu lại tại đây sau khi miền Nam thất thủ. Cùng đi với ông có người bạn trẻ du sinh từ Việt Nam.

Camp Zama cách phi trường Tokyo khoảng 40km về hướng Tây Nam, nằm trong tỉnh Zama giữa sông Sagami và dưới chân rặng núi Tanzawa Mountain Range. Thường thì chỉ mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ nhưng vì nạn kẹt xe vào giờ cao điểm nên mãi tới gần 5 giờ chiều chúng tôi mới tới cổng sau của doanh trại. Chúng tôi liên lạc với đội lính gác cổng, họ chỉ đường cho chúng tôi đi vòng ra cổng chính. Loay hoay cũng mất thêm nửa giờ đồng hồ nữa. Khi chúng tôi vào bên trong phòng trình giấy tờ thì không gặp khó khăn vì tên tuổi, số xe, đời xe của chúng tôi đã được khai báo chí tiết khoảng 2 tuần trước khi tới. Vừa lúc TT. Lương Xuân Việt trên đường đi làm về ghé lại, đón chúng tôi tại cổng và hướng dẫn xe của chúng tôi bằng chiếc xe Utility.

Từ cổng chính vào tới ngôi biệt thự của TT. Việt khoảng một cây số. Nơi đây bao gồm những văn phòng làm việc của trên 2,000 binh sĩ trực thuộc 4 đơn vị khác nhau nhưng đều được đặt dưới quyền chỉ huy của TT. Lương Xuân Việt. Đó là: Lục Quân Hoa Kỳ tại Nhật (United States Army, Japan), Tiểu đoàn hàng không lục quân Nhật Bản, (U.S. Army Aviation Battalion Japan), Lữ đoàn 500 tình báo quân sự Hoa Kỳ, (500th Military Intelligence Brigade (United States), Quân đoàn công binh Hoa Kỳ (United States Army Corps of Engineers), Lực lượng phòng vệ Lục Quân Nhật Bản (Japan Ground Self-Defense Force).

Liền với doanh trại, là hai khu gia binh rộng lớn bao gồm một trường Tiểu học, Trung học cấp II và cấp III, sân vận động, khu shopping, PX bán nhu yếu phẩm cho binh sĩ và gia đình, những khu triển lãm những di tích về doanh trại đã gần 80 tuổi, khu sinh hoạt của các tổ chức, hội đoàn tôn giáo, thể thao cũng như dân sự. Nơi đây như một xã hội thu nhỏ dành cho trên 4,000 người gồm binh sĩ, những công chức Hoa Kỳ và gia đình của họ có thể sống và sinh hoạt một cách độc lập với bên ngoài nếu cấn.

Căn biệt thự mái màu xanh lục.

       Trái: Địa chỉ nhà. Giữa: Mặt trước biệt thự mái ngói xanh lục. Phải: từ trái: TT.Việt, bà Kimberly, Nancy Bùi, Triển Bùi

 Hai bên đường vào trại, sau những hàng rào cây cao xanh rì là những bờ cỏ xanh mướt màu lá mạ, được tô điểm bởi những cây kiểng cắt sắc sảo theo hình tròn lớn nhỏ trông rất đẹp mắt và tạo ra một khung cảnh tươi mát cho doanh trại. Chúng tôi đi ngang những dãy nhà làm văn phòng, rồi những khu triển lãm những chiếc máy bay và những chiến cụ, sân vận động và căn biệt thự mái ngói xanh lục với tường trắng xinh xắn, nổi bật ở cuối trại. Trước biệt thự có cổng Torii mini màu đỏ xinh xắn đề tên Gen. Luong bằng tiếng Anh và tiếng Nhật, và đó là nơi cư ngụ của TT. Việt và gia đình từ tháng 8, 2018 cho đến nay.

TT. Việt xuống xe mời chúng tôi vào nhà và dẫn chúng tôi đến phòng khách rộng mênh mông theo suốt chiều dài phía sau của căn biệt thự với hàng cửa kính nhìn thông ra mảnh vườn rộng. Phía trái của vườn là hồ cá kiểng với chiếc cầu nhỏ cũng được sơn màu đỏ nổi bật trên nền cây xanh cuối vườn, Từ cuối vườn bạn có thể phóng tầm mắt xa xa tận cuối chân trời là dãy núi Tanzawa xanh thẩm. Phía phải của khu vườn là những cây cổ thụ cao và rậm lá. Dưới chân cổ thụ được trang hoàng bằng những cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng bao quanh. Ngồi trong phòng khách được trang hoàng với những bình hoa lan tím thơ mộng, nhìn ra phía sau nhà là một khung cảnh tươi mát, hùng vĩ đem lại cảm giác thoải mái như trút hết âu lo của một ngày dài làm việc.

TT. Lương Xuân Việt tiếp chúng tôi trong phòng khách có khung cảnh mượt mà này. Đã khoảng 3 năm chúng tôi không gặp nhau, lần trước đó, ông đã đến tham dự và là một trong những Diễn giả cho buổi trình chiếu phim VIETNAMERICA mà ông là một trong những nhân vật chính của phim, tại Viện Bảo Tàng Truyền Thông Hoa Kỳ Newseum tại Hoa Thịnh Đốn. Phim VIETNAMERICA nói về chiến tranh Việt Nam và cuộc trốn chạy khỏi Việt Nam của trên 2 triệu người dân sau khi CS chiếm hoàn toàn VN vào ngày 30/4/1975 do hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) sản xuất năm 2015. Phim được chọn vào 15 Đại hội Điện ảnh và thắng 5 giải quốc gia và Quốc tế.

Kỷ niệm khó quên tại Nam Hàn

Mới có 3 năm nhưng TT. Việt trông khác nhiều, dù ông vẫn còn nét rắn rỏi, nhanh nhẹn của một võ tướng, nhưng nét trung niên đã khá rõ, với gương mặt ưu tư và nghiêm nghị. Mặc dù khi nói chuyện ông vẫn giữ được tính vui vẻ, chân thành, linh hoạt và có đôi khi dí dỏm, tiếu lâm. Những nét rắn rỏi và thân hình thon gọn chính là nhờ những buổi luyện tập thường xuyên với binh sĩ. Là Chỉ Huy trưởng của căn cứ với những đơn vị danh tiếng bao gồm cả Hải Lục, Không quân, nhưng vị Tướng hai sao gốc Việt vẫn dẫn đầu những cuộc chạy bộ của quân sĩ chung quanh Camp Zama, không khác gì thời ông còn là Đại tá Chỉ Huy trưởng Lữ Đoàn Nhảy dù của Sư đoàn Lục Quân 101 Hoa Kỳ, sư đoàn danh tiếng từng tham chiến tại Việt Nam, tại Kentucky mà tôi đã có dịp thăm ông và gia đình ông vào tháng 5, 2012 trong dịp ông và 7,000 binh sĩ của ông trở về từ A Phú Hãn. Đó là lý do khiến sĩ quan cũng như binh lính phục vụ dưới quyền ông luôn kính nể vị chỉ huy của họ.

Chúng tôi kể cho nhau nghe những sinh hoạt của hai bên từ lần gặp trước Ông kể về thời gian ông làm chỉ huy phó chỉ huy của Camp Humphreys tại Nam Hàn. Căn cứ này là căn cứ lớn nhất của quân đội Hoa Kỳ tại hải ngoại với khoảng trên 28,000 binh sĩ đóng quân tại đây nên sinh hoạt rất tấp nập với trên 20 đơn vị trong nhiều ngành. Ông cho biết sự giao hảo với quân đội Nam Hàn rất tốt đẹp vì hoàn cảnh lịch sử của Nam hàn cũng tương tự như Việt Nam, đất nước bị chia đôi vì nạn Cộng sản nên sự thông cảm gần gũi cũng rất tự nhiên.

Tại nơi đây, chuẩn tướng Lương Xuân Việt được vinh thăng Thiếu tướng vào tháng 2, 2018, một buổi lễ vinh danh long trọng đã được tổ chức tại Camp Humphreys để đánh dấu bước tiến quan trọng mà ông trước đó với bản tính khiêm nhường, không nghĩ rằng trong binh nghiệp của ông có thể có được. Cũng trong thời gian này, TT. Việt kể lại rằng: Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã rất gần với chiến tranh vì những đe dọa quyết liệt của chủ tịch Bắc Hàn Kim Young Un. Đơn vị của ông và quân đội Nam Hàn luôn bị đặt trong tình huống khẩn cấp nhất để có thể chuyển tới chiến trường bất kỳ lúc nào.

Trái: Con gái Ashly Lương và phu nhân Kimberly Lương gắn lon Thiếu tướng cho cha và chồng tại Camp Humphreys, Đại Hàn  Phải: Buổi lễ tiễn đưa khi TT.Việt rời khỏi Đại Hàn để sang Nhật nhận nhiệm sở mới tại Zama, Nhật Bản. (Hình của 8th Army Public Affairs)

Chuyến viếng thăm cố hương Việt Nam

Vừa lúc phu nhân của TT. Việt, bà Kimberly Lương, ra gặp chúng tôi, bà xin lỗi vì bận giải quyết một vài công việc trước khi ra tiếp khách. Cả hai người kể cho chúng tôi nghe về chuyến viếng thăm Việt Nam của ông bà trong thời gian họ còn ở Nam Hàn để hội họp với các tướng lãnh Việt Nam hòng chuẩn bị trước cho cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông kể:

“Chúng tôi chưa bao giờ trở lại Việt Nam từ năm 1975, nghe nói rất nhiều về Hà Nội nên cũng rất háo hức muốn được thăm phần đất quê hương này. Chúng tôi muốn đi thăm như một người thường để có cảm nhận của người du lịch chứ không phải là quan chức, nhưng họ vẫn sắp xếp người đi giữ gìn an ninh cho chúng tôi. Hà Nội có nhiều nhà cửa phố xá mới xây bên cạnh những căn nhà cũ kỹ nên cảnh phát triển không đồng đều. Người rất đông và ồn ào không mấy trật tự nên cái cảm giác bất an như bủa vây chúng tôi”.

Bà Kimberly chia sẻ:

“Khách sạn chúng tôi ở tương đối tốt. Những tiếp viên ở đây khá lịch sự và thân thiện. Điều khiến tôi cảm thấy không thoải mái mỗi khi ra đường là có những người dân tò mò ra xem chúng tôi, họ vẫy tay chào vui vẻ, hoặc khi chúng tôi đi vào những khu bình dân chật hẹp, thì những người lính bảo vệ an ninh cho chúng tôi cầm baton xua đuổi và còn đánh người nữa.

Chúng tôi đã từng đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa bao giờ gặp cảnh này. Nay về đến quê hương mình cảm thấy nó không thoải mái chút nào! Cảnh tượng làm cho tôi liên tưởng đến cảnh mấy ông Tây thời Pháp thuộc đi đến đâu là có lính hầu đến đó và họ dẹp đường bằng cách đánh ngưới dân như trong sách vở mà tôi đã được đọc. Cái khó chịu đến muốn nổi gai ốc là mình bây giờ chính là hình ảnh của những quan chức Pháp thuộc đó”. Bà Kimberly kể tiếp:

“Khi vào tới miền Nam thì không khí có vẻ thoải mái hơn vì người miền Nam thân thiện hơn. Nhưng nói chung chuyến về thăm quê hương sau bao năm xa cách không để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ.”.

Có một điều tế nhị tôi muốn hỏi nhưng lại thôi, đó là cảm tưởng của TT. Việt ra sao khi ngồi họp đối mặt với các Tướng CS Việt Nam để bàn về chuyện quân sự phòng thủ tại biển Đông trước sự xâm lăng hung hãn của TC? Tôi nghĩ mình sẽ hỏi ông trong một dịp khác thích hợp hơn.

Chef Cordon Blue nấu phở Việt Nam

Trái: Phòng khách. Giữa: Phòng ăn. Phải: Bữa ăn chia tay tại nhà hàng Nhật trong phố Zama

Với chiếc áo đầm màu đỏ, trông bà Kimberly tươi trẻ, thư thái hơn lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau tại doanh trại của Sư đoàn 101 Hoa Kỳ tại trại Fort Campbell, tiểu bang Kentucky. Khi ấy, đời sống của bà và 3 người con, hai trai một gái đang ở tuổi “teen” là những ngày tháng dài của chinh phụ đợi chờ người chồng, người cha còn ở ngoài mặt trận A Phú Hãn. Khi ấy bà Kimberly ngoài việc lo toan việc nhà, kể cả những việc không dễ cho phụ nữ như thay bóng đèn điện, thay lốp xe, cho đến việc bếp núc hay chăm sóc các con, bà còn phải ủy lạo thăm viếng, an ủi những người vợ và gia đình của các chiến binh dưới quyền của chồng, đặc biệt là trong dịp chồng của họ bị thương, bị mất tích hay chẳng may tử trận. Bà đã tâm sự:

” Mình buồn và sợ phải đối đầu với những người vợ, người con đang phải lo lắng hay khổ đau vì sự mất mát người thân, trong khi chính bản thân mình lòng cũng đang tan nát vì lo sợ cho người chồng của mình không biết có an toàn hay không?”.

Nhưng bà đã không để một người vợ nào phải buồn và cảm thấy bơ vơ vì không được nâng đỡ. Những lo lắng đó đã nhẹ bớt rất nhiều vì mặc dù Camp Zama đang trong những ngày căng thẳng nhưng chiến tranh còn ở mức độ chuẩn bỉ. Hiện bà có những công tác xã hội như thăm viếng trường học hoặc tham dự những ngày lễ hội cùng với những phu nhân các vị tướng người Nhật hay các phái đoàn ngoại giao của những nước khác. Bà chia sẻ:

” Các bà tướng của Nhật phần đông họ lớn tuổi hơn mình nên họ cũng rất thân thiện và cởi mở. Những dịp lễ lớn thì các bà diện Kimono. Còn mình thì có dịp diện áo dài, vui lắm”.

Về áp lực con cái cũng giảm nhiều cho bà; Lương Thị Thu Diễm Ashley, cô con gái đầu lòng đã hoàn tất trường Luật và đang ôn bài để thi lấy bằng luật sư (Bar Exam), Lương Xuân Huy Brandon,,con trai lớn đang theo học năm cuối của Đại học, và Lương Xuân Quốc Justin,con trai út cũng vừa vào Đại học. Cả 3 đều có mong ước được phục vụ trong quân đội để nối nghiệp cha.

Riêng về việc sinh hoạt hàng ngày tại Zama, ít người biết là những phúc lợi của một vị Thiếu Tướng của Hoa Kỳ cũng gia tăng so với cấp Đại tá. Những công việc trong nhà như dọn dẹp lau chùi, cắt cỏ có người đến làm mỗi tuần một số giờ, còn lại vẫn là do một tay bà Kimberly quán xuyến, và nếu không phải đi công tác xa thì TT.Việt vẫn chia sẻ với vợ. Tuy nhiên, vì nhu cầu ngoại giao, phải đón tiếp nhiều phái đoàn, TT. Việt được cung cấp môt đầu bếp chuyên nghiệp. Ông chia sẻ:

” Mình thì thích thức ăn Việt Nam nhưng danh sách những đầu bếp chuyên nghiệp gửi đến không có người Việt Nam. Thường thì Tướng trong quân đội Hoa Kỳ là người phương Tây, nên những đầu bếp thường là gốc Âu Mỹ. Trường hợp của tôi là cá biệt. Trong danh sách có một Chef người Á châu gốc Nam Dương nên có người nhiệt tình giới thiệu với hy vọng anh ta có thể nấu những món Á châu. Nhưng thật là “tổ trác”- TT. Việt nói đùa-:

“Anh ta là người Á Châu nhưng không nấu được món Á vì anh tốt nghiệp từ trường Cordon Blue là trường dạy nấu ăn các món Âu Tây nổi tiếng. Anh ta nấu các món Tây thật tuyệt, ngang hàng hay còn hơn các tiệm ăn Tây nổi tiếng. Ngon thì ngon thật nhưng nếu ăn tới ngày thứ hai là ngán chết luôn. Vì thế bà xã tôi phải huấn luyện cho anh ta nấu một số món Việt Nam.”

Bà Kimberly tiếp lời: “Anh ta cũng bắt đầu nấu được phở, tuy chưa ngon lắm nhưng cũng tạm được. Bây giờ mình đang tính dạy anh ta món bún bò Huế vì món này là một trong những món tủ của anh Việt. Nhưng phải đi tìm xem các món gia vị có bán tại Nhật không?”

Ông Kiên mau mắn cho biết sẽ tìm những gia vị nấu bún bò Huế rồi giới thiệu với bà Kimberly. Với kinh nghiệm sống nửa thế kỷ tại Nhật chắc chắn ông Kiên biết rõ ngọn ngành về thực phẩm cũng như nhiều thứ khác tại Nhật.

Văn phòng của chỉ huy trưởng          

Trái: Văn phòng làm việc. Phải: Quân đội Nhật tại Camp Ychigaya dàn chào TT. Việt trong một chuyến viếng thăm Camp vào tháng 9/2018. (Hình phải của Kiyoshi Tokeshi-USARJ)

TT.Việt sau đó dẫn chúng tôi sang thăm văn phòng làm việc của ông. Văn phòng thật rộng rãi nằm trong tầng 2 của 7 tòa nhà hai tầng được sắp đan vào nhau theo hình chữ nhật. Trước tòa nhà có cột cờ lớn treo cờ Hoa Kỳ và cờ của USARJ. Bước lên nhiều bậc tam cấp để đi vào Đại sảnh, giữa đại sảnh trưng bày 4 lá cờ, cờ Mỹ, và cờ của USARJ hai bên, hai lá cờ giữa là cờ của hai đơn vị trực thuộc trong trại, Lên lầu, rẽ sang tay phải trước khi vào văn phòng của Chỉ huy trưởng, trên tường trưng bày hình ảnh của 37 vị Tướng từng là chỉ huy trưởng Zama cho đến nay; đầu tiên là hình của danh Tướng McArthur, và cuối cùng là TT. Chỉ huy trưởng đương nhiệm Lương Xuân Việt. Ngay giữa tường là hình của Tổng Tư lệnh tối cao của quân đội Hoa Kỳ;TT. Donald Trump, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng và các vị tướng lãnh cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ.Trên tường còn trưng bày những hình ảnh quan trọng của doanh trại từ khi thành lập cho đến nay.

Phòng làm việc của vị Chỉ Huy trưởng rộng rãi nhưng trang hoàng giản dị và trang nhã. Trên bàn hình chữ L có bảng tên, một bản đồ lớn đặt dưới lớp kính, một khay đựng văn thư cần xét duyệt. Phía cánh trái là hai màn hình lớn của 2 computers, phía trên là một bức tranh. sau bức tranh còn trưng bày một cây kiếm và có một cái giá treo chiếc mũ cao bồi đen có giải màu vàng của Thiếu tướng chỉ huy trưởng. Trên bàn còn có một cuốn sách TT. Việt đang đọc dở dang. Trau dồi thể lực và trí lực là điều quan trọng ngang nhau của TT. Việt. Ông đọc rất nhiều về binh pháp. Phía trước bàn làm việc có một chiếc tủ kính trưng bày những tặng phẩm đẹp mắt và ngộ nghĩnh của văn hóa Nhật.

Đây là nơi vị chỉ huy trưởng Zama, ký những văn bản gửi đến cho những đơn vị trực thuộc tại Zama, đến các đơn vị liên hệ trong nước Mỹ, các cơ quan tại Nhật, và cơ quan liên hệ tại các quốc gia đồng minh trong vùng Thái Bình Dương, Ấn độ Dương và khắp nơi trên thế giới. Cũng tại văn phòng này bao quyết định liên quan đến sự thay đổi nhân sự, những công tác phòng thủ tại những căn cứ Lục quân trực thuộc tại Nhật, tại vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.. TT. Việt cho biết ông cũng thường đi thị sát 2 vùng biển này bằng trực thăng hoặc phi cơ quân đội. Ông cũng phải liên tiếp đi những chuyến đi xa như trở về Mỹ để hôi họp. Những chuyến đi dài cả hàng chục giờ nhiều lần trong một tháng cũng tiêu hao sức khỏe dù là một võ tướng.

Sau khi thăm văn phòng, TT.Việt và bà Kimberly mời chúng tôi đi ăn tối tại một tiệm ăn ngoài doanh trại. Phố xá của thành phố Zama bắt đầu lên đèn. Cảnh sinh hoạt sầm uất. Với mật độ dân số trên 7,000 người trên một cây số vuông nên các chung cư san sát nhau. Tuy vậy đường phố rất sạch và người Nhật không sống ồn ào. Với không khí mát mẻ của đầu mùa thu dễ chịu khiến cho du khách có cái cảm giác thoải mái và bình an. Bà Kimberly có vẻ quen thuộc với nhà hàng, bà giới thiệu thực đơn cho chúng tôi và cuối cùng chúng tôi kêu món mực chiên làm khai vị để ăn chung và mỗi người kêu một tô mì Udon. Bữa ăn giản dị nhưng ngon miệng. Thực phẩm của người Nhật luôn cho người thưởng thức sự an tâm vì sạch sẽ và được chế biến cẩn thận.

Sau bữa ăn chúng tôi chia tay nhau và hẹn ngày gặp lại. Bà Kimberly nhắn nhủ, “nếu đến được trong mùa hoa anh đào thì đẹp lắm!”.

Chuyện thần thoại của thế kỷ 21

Xe TT. Việt đi trước để dẫn lối ra, chúng tôi vẫy tay chào nhau tại khúc quanh vào xa lộ. Nhìn từ xe của chúng tôi về chiếc xe của vị Tướng hai sao gốc Việt đang khuất dần khỏi tầm mắt, một niềm cảm phục, hãnh diện, và quý mến ngập tràn trong lòng tôi. Mỗi khi tôi có dịp gặp gỡ hay viết về họ. tôi luôn cảm thấy như mình đang gặp hay viết về những nhân vật trong một chuyện thần thoại. Theo cha mẹ và sáu chị em di tản khi Sài gòn thất thủ, ông là con trai duy nhất trong gia đình, khi mới được 9 tuổi, ông đã phải đối diện với biết bao khó khăn. Cha ông dù là một sĩ quan Quân lực VNCH trước 1975 tại VN, nhưng sang đến Mỹ thì tất cả chỉ là quá khứ. Ba mẹ ông phải đi làm những công việc nặng nhọc và dài giờ để nuôi một gia dình 9 miệng ăn, có chị lớn phải đi làm thêm để phụ gia đình nhưng mọi người còn trong tuổi đi học. Không có nhiều giờ cho con cái nhưng TT.Việt chia sẻ:

” Những lời dạy bảo của ba tôi về đạo làm người, về tình yêu mến quê hương VN, yêu gia đình thấm sâu vào lòng tôi”.

 Nên dù lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn trong khu ngoại ô nghèo tại thành phố có cái tên là “Thành phố của những Thiên thần”, Los Angeles. Vâng thiên thần thì có nhiều nhưng quỷ giữ cũng không ít. Những năm tháng tại tiểu và trung học được ông kể lại:

“Những năm đó tôi không học nhiều, phần lớn thời gian tôi dành để tự vệ trước những bắt nạt của một số bạn trong trường. may mà tôi đã được học võ Vovinam khi còn ở VN nên tôi đã vượt qua”.

Trái: TT. Việt nhận vật lưu niệm từ Tướng Koji Yamazaki nhân ngày nhận nhiệm sở mới. Phải: Một buổi họp với các tướng lãnh Nhật. (Hình của Kiyoshi Tokeshi-USARJ).

Nhờ vào thông minh, ông vẫn tốt nghiệp với điểm cao để vào được Đại học USC (University of Southern California). Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông vào quân đội và chọn binh chủng nhảy dù. Quyết định này cũng do ảnh hưởng của cha ông vì cha ông luôn khuyên rằng binh nghiệp sẽ là môi trường tốt nhất để phục vụ, và ông muốn phục, quê hương thứ hai đã đón nhận ông và gia đình ông vào khúc quanh ngặt nghèo của cuộc đời. Ông bùi ngùi nhớ lại:

 “Ba tôi thường rất buồn và tự trách rằng ông đã bỏ quê hương để ra đi mà không ở lại cầm súng chiến đấu cùng đồng đội, dù ông biết rằng nếu ở lại với chức vụ Thiếu tá, ông sẽ phải ngồi tù nhiều năm, và như thế thì cả việc nhà, lẫn việc nước đều không thể chu toàn. Tôi tiếc rằng ba tôi không còn để ông được nhìn thấy thành quả của những hy sinh của ông. Lần cuối ông tham dự lễ thăng chức của tôi là lúc tôi được lên Đại Úy, ông đã khóc vì vui mừng.”

Có hai điều khiến vị võ tướng này mỗi khi nói tới ông thường xúc động và khóc; đó là cha mẹ ông và người vợ yêu quý của ông. Những người mà ông luôn nói rằng nếu không có họ, ông không có ngày hôm nay. Ông lập gia đình với bà Kimberly tại thành phố Denver khi ông còn ở cấp bậc Đại úy. Và từ ngày ấy bà Kimberly đã hết lòng hỗ trợ cho chồng, cho gia đình và con cái để ông chuyên tâm vào việc phục vụ đất nước, họ không rời nhau một bước như đôi chim liền cánh. Sự tận tâm tận lực này của bà luôn được người chồng đáp lại với yêu thương và trân trọng.

Trái: Vợ chồng TT. Việt trong một buổi dạo chơi vùng ngoại ô Zama. Phải: Hình gia đình chụp tại Camp Humpherys, Đại Hàn nhân buổi lễ thăng chức Thiếu tướng. (Hình trái trên FB của TT. LXV. Hình phải của 8th Army Public Affairs)

Tiếng trống Mê Linh trên biển Thái Bình Dương

Cuộc đời binh nghiệp của TT. Việt gắn liền với những chiến trường nóng bỏng nhất từ Kosevo, Iraq, A Phú Hãn, Đại Hàn, rồi hôm nay là Nhật Bản, vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang sôi sục. Ông lên chức nhanh nhờ vào tài cầm quân, mưu trí và một nhân cách cao quý khiến cho cấp trên tin tưởng và cấp dưới yêu mến, nể phục. Có những lúc ông được đặc cách vinh thăng nhanh đến độ chưa kịp tham dự những khóa học cho chức vụ mới như từ cấp Trung tá lên Đại tá hoặc tử Chuẩn tướng lên Thiếu tướng. Châm ngôn cầm quân của ông là “thắng nhanh nhất và ít tiêu hao nhân mạng nhất mới là chiến thắng trọn vẹn”. Tôi có hỏi ông bí quyết cầm quân của ông là gì? Ông nghiêm nghị trả lời:

“Nghiên cứu kỹ càng trân địa, lực lượng địch quân trước khi ra quân, khi ra quân thì phải đánh nhanh, bất ngờ và phải nắm chắc phần thắng”.

TT.Việt tỏ ra rất khâm phục và quý mến danh Tướng McArthur. Tuy là “quân xâm lăng” nhưng sau 6 năm đóng quân tại Nhật, những đóng góp của Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của tướng McArthur đã chuyển đổi nước Nhật từ một đất nước tan nát vì chiến tranh và một chế độ quân chủ chuyên chế kềm kẹp người dân đã trở thành một nước dân chủ lập hiến với tự do cho người dân phát triển, tiến bộ mọi mặt và trở thành con rồng Châu Á đầu tiên sau Thế chiến Thứ hai.khiến khắp bốn bể, năm châu phải nể phục. Ngày ông về nước, hàng nhiều chục ngàn người Nhật đã chạy ra phi trường tiễn đưa ông bằng nước mắt và hô vang: “Hoa Kỳ muôn năm! McArthur muôn Năm!”. TT. Việt chia sẻ:

“Tôi rất thích câu nói của Tướng McArthur:” Đã nói đến chiến tranh thì chỉ có thắng”.

Những chuyến khảo sát mặt trân Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thường xuyên và cẩn trọng bằng trực thăng và nhiều phương tiện khác, với sự học hỏi liên tục không ngừng nghỉ, với kinh nghiệm chiến trận hơn 30 năm và sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đồng minh và phương châm đánh trận của vị Tướng Gốc Việt, mặt trận Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của Hoa Kỳ đã và đang có những người cai quản cần mẫn nhất, nhiệt thành nhất và kinh nghiệm có thừa.

Trái: Cảnh chạy bộ với binh sĩ của TT. Việt tại Zama. Phải: Một cảnh chạy bộ tại Camp Fort Campbells khi ông còn là Đại tá chỉ huy trưởng Lữ Đoàn Nhảy dù thuộc Sư đoàn Lục quân 101. (Hình trái của USARJ Public Affairs. Hình phải của Nancy Bùi)

Một chi tiết khá thú vị cho sự thành công ngoài mặt trân của ông mà TT. Việt từng chia sẻ, đó là khi ra trận ông luôn nghe như có tiếng trống thúc quân Mê Linh của Hai Bà Trưng, tiếng trống thúc giục lòng yêu nước của quân sĩ chiến đấu để bảo vệ bờ cõi. Vì thế, ai cũng nghĩ rằng măc dù hung hăng diệu võ dương oai, nhưng TC biết rằng khó có thể đối đầu với Hoa Kỳ và quân đội Đồng minh ít nhất là trong lúc này. Nhưng đó cũng chỉ là suy đoán, cái cảnh nghênh chiến hàng ngày tại hai vùng vịnh này của TC cũng có thể có xung đột xảy ra dù không cố ý, và nếu chuyện đó xảy ra thì mặt trận Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ có tiếng trống thúc quân Mê Linh rền vang. Và biết đâu cuộc chiến tranh một mất một còn với TC, khi chúng bị đánh tan thì sẽ đem đến một giải pháp tốt đẹp cho Việt Nam?

Mong lắm thay!

Triều Giang

(10/2020)

Nguồn tham khảo:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Douglas_MacArthur

https://en.wikipedia.org/wiki/U.S.%E2%80%93Japan_Status_of_Forces_Agreement

https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_Army,_Japan

https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFm_%C4%91%C3%B3ng_Nh%E1%BA%ADt_B%E1%BA%A3n

https://www.usarj.army.mil/about/formercg/