Bài viết mới nhất của Phùng Annie Kim là câu chuyện hơn 40 năm sau của
chiếc trực thăng U-H1 bị bắn rơi trong cuộc hành quân Hạ Lào năm 1971.
Với 14 bài viết trong năm, trong đó có bài "Chú Lính Mỹ" tác giả đã
nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà là một nhà giáo, định cư tại
Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Bài
viết mới nhất của Phùng Annie Kim là câu chuyện hơn 40 năm sau của chiếc
trực thăng U-H1 bị bắn rơi trong cuộc hành quân Hạ Lào năm 1971.
Sự việc, khung cảnh chuyện kể là có thật nhưng danh tính nhân vật trong truyện do tác giả hư cấu.
1. Bà Tư nằm trăn trở hoài trên chiếc giường nệm thấp. Chăn êm nệm ấm,
thân thể mát mẻ, thoải mái mà bà vẫn trằn trọc chưa ngủ được. Với cái
tuổi tám mươi này, đôi khi bà hay quên những chuyện lặt vặt vừa mới xảy
ra như ăn rồi mà nhất định bảo chưa ăn, chưa uống thuốc mà quyết liệt
không chịu uống nữa, chưa đi tắm mà bảo vừa tắm xong.Thế mà sáng nay, có
một chuyện bà không quên. Quyền, con trai bà cho biết Sơn, thằng cháu
nội bên Minnesota gọi phone về báo tin sẽ về Cali thăm bà vào dịp lễ
Giáng sinh.
Cả ngày nay, bà nôn nóng, cứ đi ra rồi lại đi vào. Bà
cầm quyển lịch trong tay đếm từng ngày. Còn hơn một tháng nữa. Sao mà
lâu quá! Bà bảo Quyền và Quyên phải dọn cái này, dẹp cái kia, sửa soạn
nhà cửa để đón thằng nhỏ.
Nói đến bộ nhớ và sức khỏe của bà cụ tuổi
ngoài tám mươi như bà Tư kể cũng hiếm. Chuyện quá khứ, bà nhớ vanh vách
các chuyện gia đình xa xưa thời ông cố bà sơ nào hay những kỷ niệm thuở
hàn vi ở Việt nam. Nếu có bà con nào đến chơi gợi nhắc chuyện xưa, bà kể
lan man hàng giờ không dứt và không sót chi tiết nào. Bà thuộc kinh
Phật làu làu. Tiền để dành đi cúng chùa, bà đếm chính xác và biết sắp
xếp thành từng loại. Bà dặn cô con gái may cái túi lớn phía trước trong
áo lót, bà cất tiền và gài kỹ bằng nút bấm.Việc di chuyển, bà đi lại
chậm chạp nhưng vững vàng không cần đến cây gậy. Ban đêm, bà không cần
đánh thức các con, tự đi restroom trong căn phòng lớn gần giường ngủ của
bà. Bà ăn chay, tập hít thở, đi bộ đều đặn với Quyền mỗi ngày trong khu
townhouse. Bà còn xỏ kim được bằng sợi chỉ trắng. Tai bà còn nghe rõ
người khác chuyện trò. Mỗi đêm, bà chỉ chợp mắt vài tiếng đồng hồ. Thì
giờ của bà hầu hết là những thời công phu sớm tối trước bàn thờ Phật. Bà
tọa thiền, tụng kinh, thì thầm cầu nguyện dưới ngọn đèn vàng trong căn
phòng ngủ chung quanh trang trí toàn là hình, tượng Phật.
Hơn
mười năm nay, nhà bà là một cái chùa nhỏ thanh tịnh và yên tĩnh. Bà
xuống tóc, tịnh tu tại gia, sống an lạc, mặc các bộ quần áo màu nâu hoặc
màu lam. Các con gọi bà bằng "Cô Diệu" thay vì gọi bằng "Má".
Trong bốn cái cửa "sinh, lão, bệnh, tử" của cuộc đời ai cũng phải trải
qua, bà Tư đã vượt qua cái cửa thứ hai và thứ ba một cách nhẹ nhàng. Ai
hỏi bà về tuổi già và bệnh tật, bà nói bà chẳng có bệnh gì ngoài bệnh
của người già nghĩa là sức khỏe bà một ngày một yếu đi như ngọn đèn dầu,
hết dầu thì đèn tắt.
Còn cái cửa "tử" cuối cùng? Bà đang chuẩn
bị đấy thôi. Ngoài tám mươi rồi, bà Tư không mong kéo dài tuổi thọ thêm
nữa. Ai hỏi cụ bà sợ chết không, bà lắc đầu nói chỉ sợ bệnh nằm liệt
giường khổ cho cái thân già và cho con cháu. Trước đây, bà thường nói
với các con bà chuẩn bị sẵn cho chuyến đi cuối đời nhưng từ khi gặp lại
thằng cháu nội sau bốn mươi năm trăn trở vì nó, bà như được hồi sinh. Bà
vui nên càng ngày trông bà càng khỏe ra. Bà yêu đời và ham sống. Vợ
chồng thằng Quyền lấy nhau bốn mươi năm không có con, thằng cháu nội
đích tôn lưu lạc này như cục vàng quý đối với bà, mang đến tuổi già của
bà cả một mùa xuân.
Trong đêm khuya, bà Tư nằm nhớ lại cuộc đời
khổ cực của bà trong sáu mươi năm từ lúc lấy ông Tư là hạ sĩ quan nghèo
cục Quân nhu thuộc bộ Tổng Tham mưu, lương lậu không đủ nuôi bốn đứa con
ăn học, cả nhà sống nhờ vào lò bún thủ công của bà. Bà thức khuya dậy
sớm làm bún. Ông Tư và các con bà chia phiên nhau vừa đi học, đi làm,
vừa chạy Honda bỏ mối bún ở chợ và các quán ăn ở Sài gòn. Thời chiến
tranh leo thang, luật tổng động viên ra đời, Quyền bị đổi ra vùng một
chiến thuật ngành quân vận. Quang, đứa con trai thứ hai theo anh ra Đà
nẵng nộp đơn vào sư đoàn một không quân phục vụ ngành an ninh và phòng
thủ phi trường. Đêm đêm, bà mẹ già chỉ biết cầu nguyện cho hai đứa con
đi lính xa nhà thoát khỏi cảnh bom đạn trong cuộc chiến càng ngày càng
khốc liệt.
Được tin trong một chuyến vận chuyển vũ khí, đoàn xe
của Quyền rơi vào ổ phục kích của Việt cộng. Quyền bị gẫy nát một chân,
được xếp vào loại tàn phế và được giải ngũ. Bà vui mừng vì Quyền vừa
thoát được bàn tay tử thần, được chuyển vào Sài gòn cũng là lúc một nỗi
lo khác lại đến. Quang tình nguyện chuyển sang ngành tác chiến, trở
thành xạ thủ trực thăng của phi đoàn 213. Thời gian này, Quang yêu
Phượng, cô y tá nổi tiếng là người đẹp của bệnh viện Đà nẵng. Mối tình
này đã đơm hoa kết trái đó là thằng Sơn, cháu nội của bà Tư bây giờ.
Sáng ngày mười tháng hai năm một chín bảy mốt, trong một phi vụ tại Hạ
Lào, gia đình bà được tin chiếc trực thăng U-H1 bị bắn rơi, Quang và phi
hành đoàn tổng cộng mười một người đều tử trận, không thể tìm được
xác..
Tin con trai tử nạn một cách thảm khốc, sau đó là nhận giấy
báo tử chính thức và tiền tử tuất của Quang, lòng bà mẹ thương con vẫn
thầm nuôi niềm hy vọng. Biết đâu chừng thằng Quang còn sống sót và sẽ
trở về. Quang là một thằng lanh lợi và thông minh. Biết đâu chừng nó
nhảy dù ra khỏi máy bay trước khi máy bay trúng đạn, bốc cháy. Biết đâu
chừng nó còn sống và bị bắt làm tù binh tại Lào hoặc bị đưa ra ngoài
Bắc. Biết đâu chừng nó chỉ bị thương ở đầu và mất trí nhớ nên sống lang
bạt, không tìm được đường về với gia đình. Bà đi tìm người giúp bà câu
trả lời. Bà đi xem bói. Ông thầy bói quả quyết thằng Quang còn sống. Số
nó đào hoa nếu lấy vợ sớm sẽ có cháu cho bà ẵm bồng. Bà sống, chờ đợi,
tin tưởng và hy vọng mỏi mòn với ba chữ "biết đâu chừng"...
Sau
khi mất nước, bà Tư nghe tin đồn có nhiều tù binh Việt Nam Cộng Hòa được
chính phủ Hà nội thả về theo quy ước quốc tế về việc trao đổi tù binh.
Quyền nói với bà Tư làm gì có chuyện thả tù binh trong khi hàng trăm
ngàn sĩ quan, hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, các viên chức chế độ cũ gọi
chung là "ngụy quân", "ngụy quyền" bị kẹt lại, phải ra trình diện và bị
giam giữ ở các trại tập trung để "học tập cải tạo". Quyền may mắn là hạ
sĩ quan đã giải ngũ nên không nằm trong số đó. Nếu không, bà Tư lại phải
lê lết trong các khu rừng để thăm nuôi thằng con tù.
Tin đứa con
tử trận chưa làm ráo nước mắt bà mẹ thì hai năm sau ông Tư mất vì tai
biến mạch máu não. Thằng Quốc, con trai thứ ba học hành và lớn lên dưới
chế độ xã hội chủ nghĩa vừa tốt nghiệp trung học. Năm một chín bảy tám,
mặc dù có hai anh đi lính và tử trận dưới chế độ "Mỹ ngụy", nhà nước
Cộng sản vẫn bắt con "ngụy" không đủ tiêu chuẩn vào đại học được "ưu
tiên" thi hành nghĩa vụ quân sự ở chiến trường Campuchia. Bà khóc hết
nước mắt. Bà tính đường lui, trở về quê ở Gò công cho thằng Quốc trốn
nghĩa vụ. Nào ngờ mạng lưới công an ở các xã, huyện còn dầy đặc hơn
thành phố. Bà bị công an địa phương bắt giam trong trại tù cải tạo lao
động thời hạn hai năm vì tội không thi hành luật pháp và cố tình bao che
cho tội phạm.
Nếu bị ở tù để cho thằng con không phải đi lính,
bà Tư sẵn sàng hy sinh cái mạng già để cứu con. Nào ngờ bọn chúng, một
mặt bắt giam bà đi lao động, một mặt ruồng bắt Quốc và làm áp lực để
Quốc ra trình diện. Thời đó, cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước
Cộng sản Việt nam và Campuchia được sự hậu thuẫn của Trung Quốc càng
ngày càng ác liệt. Thằng nhỏ mười tám tuổi vừa tốt nghiệp trung học,
không biết gì về súng ống trận mạc, không biết gì về chiến tranh, không
có chút lý tưởng gì về tổ quốc, niềm mơ ước duy nhất của nó là được vào
đại học thất bại, bà mẹ đang ở tù, Quốc chấp nhận trình diện, lên đường
ra trận để bà mẹ già được tha về sớm.
Một năm sau, Long, người
đồng đội của Quốc bị thương về phép, kể lại cho gia đình bà Tư về cái
chết của Quốc. Trong một chuyến vượt sông Mekong qua ngả Neak Luang phía
bắc tỉnh Kompong Cham, chưa kịp tiến vào Phnom Penh, trước khi được
tiếp viện, sư đoàn 7 của Quốc đã đụng độ một trận lớn với quân Khmer Đỏ.
Toàn bộ sư đoàn bị tiêu diệt chỉ còn sống sót một người là Long. Thi thể
Quốc và cả sư đoàn được chôn cất ở nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh. Ít lâu
sau, giấy báo tử gửi về. Cuối năm giấy chứng nhận là gia đình liệt sĩ
đến tay bà. Bà Tư được ủy ban nhân dân truy tặng là "mẹ chiến sĩ", "mẹ
anh hùng".
Hàng năm, vào những ngày lễ thương binh liệt sĩ, cán
bộ của ủy ban nhân dân đến thăm hỏi, tặng quà và khen thưởng những gia
đình liệt sĩ như bà. Bà treo cái khung gỗ có lộng tờ giấy chứng nhận gia
đình liệt sĩ hình cờ đỏ sao vàng trên tường. Ít hôm sau, bà lấy xuống,
cất vào ngăn tủ. Cứ như thế cho đến ngày bà qua Mỹ.
Cuộc đời bà
Tư là một chuỗi dài những giọt nước mắt vì mất mát. Bà chỉ là một bà mẹ
Việt nam bình thường, nghèo khổ, ít học. Bà không biết gì về các từ ngữ
chính trị dao to búa lớn như lý tưởng, tổ quốc, ý thức hệ, cộng sản, tư
bản, cộng hòa xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự do, hạnh phúc, liệt sĩ, anh
hùng, hy sinh... Bà chỉ là một bà mẹ thương con, một nạn nhân chịu nhiều
nỗi đau thương trong chiến tranh. Chiến tranh đã làm một đứa con bà bị
tàn phế, tật nguyền. Chiến tranh cướp mất hai đứa con bà, một đứa gửi
nắm xương tàn trên chiến trường Hạ Lào xa xôi còn một đứa được vinh danh
là liệt sĩ.
Trước khi đi Mỹ, Long đưa gia đình bà đã đến nghĩa
trang liệt sĩ ở Tây Ninh thăm mộ Quốc. Cơn mưa làm cho con đường đi vào
nghĩa trang lầy lội, ướt át. Mộ Quốc và năm người đồng đội nằm ngay gần
lối đi, xây quanh nhau thành một vòng tròn, chính giữa là một bồn hoa.
Trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Hàng ngàn những ngôi mộ thấp,
mộ bia màu trắng, xây cùng một kiểu. Dòng chữ màu vàng khắc trên mộ bia
"Nơi an nghỉ của liệt sĩ Trần Hưng Quốc, hai mươi tuổi, sinh ngày hai
mươi tháng ba năm một chín năm mươi tám, hy sinh tại chiến trường
Campuchia".
Năm một ngàn chín trăm tám mươi chín, Quyền may mắn
được gia đình bên vợ bảo lãnh qua Mỹ. Năm năm sau, Quyền bảo lãnh cho bà
Tư và Quyên. Quyền muốn bốc mộ Quốc đem tro cốt qua Mỹ nhưng bà Tư lắc
đầu:
-Thôi con ơi, thằng Quốc đã nằm xuống nơi mảnh đất Tây Ninh
này. Hãy để nó yên nghỉ ở quê hương với đồng đội của nó. Không mang tro
cốt nó theo nhưng nó vẫn gần Cô trong những câu kinh tiếng kệ hàng ngày.
Rồi bà ngậm ngùi:
- Cô chỉ còn một nỗi ray rứt về số phận thằng Quang ở Hạ Lào. Không một
dấu tích gì về chiếc máy bay trực thăng bị bắn rớt thì làm sao biết
được. Không chừng nó còn sống, không chừng gì đắp cho nó một nấm mộ.
2. Sau một tai nạn xe hơi, chân bên trái bị bó bột làm Phượng đi lại
khó khăn phải dùng cây nạng gỗ. Mỗi ngày có một cô "care giver" đến chăm
sóc sức khỏe cho Phượng, giúp Phượng ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa.
Một cô khác đến làm vật lý trị liệu cho cái chân bên phải đã hồi phục
dần. Căn nhà bây giờ vắng vẻ chỉ có hai mẹ con. Chị Phương đã dọn về
Cali từ lâu. Bà mẹ Phượng mất đã năm năm. Ông Daniel mất năm ngoái.
Thằng Sơn ly dị vợ, về ở với Phượng. Nó bận bịu suốt ngày trong bệnh
viện. Năm ngoái, lễ Thankgivings hai mẹ con về thăm bà Tư. Năm nay, chân
đau, không về được, Phượng nhắc con nhớ lấy phép nghỉ về Cali thăm bà
nội vào dịp lễ Giáng sinh. Bà nội già yếu rồi. Bà sống không còn bao
nhiêu năm nữa.
Từ ngày tìm được tông tích của người cha quá cố,
thằng Sơn gắn bó với gia đình bên nội. Vào những ngày nghỉ, Sơn gọi về
thăm bà nội, hai bà cháu nói chuyện rất lâu, có khi cả tiếng đồng hồ. Nó
nói tiếng Việt giỏi nhờ sống gần bà ngoại từ bé.
Phượng hồi
tưởng lại bốn mươi năm trôi qua, ngày đó cả hai đều rất trẻ. Phượng hơn
Quang hai tuổi, là y tá ở bệnh viện Đà nẵng, gặp Quang trong một buổi
tiệc của sư đoàn hai không quân tổ chức tại câu lạc bộ trong phi trường.
Trai tài gái sắc gặp nhau. Quang vừa đẹp trai lại tài hoa, biết chơi
đàn guitar, hát rất hay những bản nhạc về lính của nhạc sĩ Nhật Trường.
Hai đứa dự định sẽ làm một cái đám cưới đơn giản. Quang sẽ lấy thời gian
nghỉ phép đưa Phượng vào Sài Gòn ra mắt gia đình Quang. Thời gian đó
Quang bận đi học khóa bắn súng và trở thành người xạ thủ gan lì và dũng
mãnh của không đoàn 41, phi đòan 213. Những cuộc hẹn hò ở bến sông Hàn,
những cuộc đi chơi xa ở đồi Bà Nà, chùa Non Nước, bảo tàng Chàm ở Mỹ
Sơn...đưa đến kết quả là Phượng có thai.
Phượng chưa kịp báo tin
mừng cho Quang thì một hôm, người bạn trong phi đoàn của Quang đến cho
hay cuộc hành quân 719 Lam Sơn tại Hạ Lào ngày mười tháng hai năm một
ngàn chín trăm bảy mốt, chiếc trực thăng U-H1 Huey bị bắn rơi. Tất cả
những người có mặt trong chuyến bay gồm hai vị sĩ quan cấp tá, hai phi
công, ba phóng viên Mỹ, một phóng viên Nhật, một phóng viên người Việt,
hai nhân viên phi hành đoàn trong đó có trung sĩ thiện xạ Trần Vinh
Quang, tất cả mười một người đều tử trận.
Tin đến như một cú sét
đánh. Đất trời như nổ tung trước mắt Phượng. Phượng chỉ biết khóc và
khóc. Phượng ôm cái bụng bầu ba tháng. Không có một tờ hôn thú. Không có
một liên hệ hay tin tức gì liên quan với gia đình Quang ở Sài gòn.
Quang chết thật bất ngờ. Quang chết ở lứa tuổi đôi mươi. Quang chết
không để lại một dấu tích gì ngay cả một hạt bụi. Phượng chỉ còn giữ lại
những kỷ niệm đẹp của một thời yêu nhau còn lưu lại trong ký ức và qua
những bức hình hẹn hò xưa cũ.
Có lúc đau khổ và tuyệt vọng quá,
Phượng nghĩ mình không còn sức để giữ cái thai, "giọt máu rơi của người
lính chết trẻ". Quang đi qua cuộc đời Phượng như một cơn gió thoảng. Có
lúc Phượng muốn chết theo Quang nhưng nghĩ đến một sinh vật bé nhỏ đang
lớn dần từng ngày trong bụng mình, Phượng không có quyền từ chối trách
nhiệm làm mẹ với nó. Có lúc Phượng muốn bỏ cái thai vì dư luận xã hội,
vì tương lai của người mẹ trẻ nhưng đứa bé kia có tội tình gì. Nó là mật
ngọt của hương vị tình yêu đã đơm hoa kết trái. Phượng phải sống để
thay Quang bù đắp cho đứa trẻ mồ côi mất tình thương cha. Phượng phải
sống, sống để nuôi con, vì con.
Phương làm đơn xin nghỉ việc, ở
nhà nghỉ ngơi, dưỡng thai chờ đến ngày sinh nở. Kinh tế gia đình trông
mong vào cửa hàng bán thực phẩm lấy từ các PX Mỹ của chị Phương. Chuyện
sinh nở và chăm sóc bé đã có bà ngoại. Thằng Sơn ra đời trong sự thương
yêu, đùm bọc của mẹ, bà ngoại và dì Phương. Sơn khỏe mạnh, dễ nuôi, càng
lớn nó càng giống Quang. Phượng đặt tên nó là Trần Mỹ Sơn, tên vùng đất
lịch sử của người Chàm, một thắng cảnh du lịch ở Đà Nẵng, kỷ niệm một
chuyến du lịch ba ngày phép với Quang và cũng là nơi thằng Sơn tượng
hình trong bụng Phượng.
Thằng Sơn lẩm chẩm biết đi cũng là lúc
Phượng phải gửi con cho bà ngoại để đi làm phụ với chị Phương nuôi thằng
Sơn. Với vốn liếng sinh ngữ khá và nghề y tá trước đây, Phượng được
người quen giới thiệu vào làm tại bệnh viện Hải Quân Mỹ chuyên chữa cho
các thương binh Mỹ từ chiến trường chuyển về.
Những ngày đầu tiên
chứng kiến những chiếc trực thăng đậu ở sân trước bệnh viện, những nhân
viên tải thương vội vã chuyển những chiếc cáng phủ lá cờ Mỹ từ trên
trực thăng xuống, những người lính Mỹ giơ tay chào vĩnh biệt, Phượng
không cầm được nước mắt. Phượng khóc cho ai, Phượng hay cho những người
vợ, những ông bố, bà mẹ ở bên kia bờ đại dương một ngày nào đó sẽ nhận
những chiếc quan tài phủ lá cờ Mỹ?
Còn Quang, người chồng chưa cưới của Phượng, có "hạt bụi nào..." hay chiếc "...hòm gỗ cài hoa" nào cho anh?
Phượng quen dần với công việc của người y tá lúc nào cũng bận rộn và
căng thẳng trong bệnh viện. Là một y tá giỏi, siêng năng, chịu khó học
hỏi, Phượng có thêm những đức tính cần thiết đó là sự ân cần, kiên nhẫn
và dịu dàng với bệnh nhân. Phượng được bác sĩ Daniel trưởng khoa mổ đặc
biệt lưu ý và chấp thuận cho Phượng là y tá phụ trong ê kíp mổ của ông.
Có những ca mổ kéo dài đến khuya hoặc những ca trực đêm, Phượng có dịp
kể cho ông nghe về cuộc đời bất hạnh của mình. Phượng biết thêm về đời
tư của vị bác sĩ ít nói này. Ông lớn hơn Phượng mười hai tuổi, là bác sĩ
giỏi trong ngành hải quân, vợ và đứa con gái chết vì tai nạn xe hơi,
ông tình nguyện sang Việt nam công tác. Sang năm ông sẽ về Mỹ vì hết hợp
đồng. Với chính sách "Việt nam hóa chiến tranh" và Hiệp Định Paris sắp
ký kết, người Mỹ đang chuẩn bị rút dần về nước.
Vào một đêm trực
chỉ có vài người y tá, Daniel cùng có mặt, Phượng đã suýt bật khóc vì
cảm động trước lời cầu hôn bất ngờ của Daniel. Vị bác sĩ này thố lộ đã
để ý đến cô y tá người Việt nam xinh đẹp và hiền hòa này trong những ca
mổ. Ông tình cờ chứng kiến hình ảnh Phượng chăm sóc những người thương
binh làm ông xúc động. Ông nói không phải chỉ là hoàn thành công việc mà
thôi, Phượng đến với các bệnh nhân bằng tất cả trái tim của mình. Cô
chia sẻ nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần của họ trong từng mũi kim
nhẹ nhàng, từng viên thuốc khó uống, từng lời nói an ủi dịu dàng, từng
cử chỉ vỗ về, dỗ dành. Những người thương binh Mỹ trong bệnh viện Hải
Quân này đều quý mến cô y tá người Việt có cái tên Mỹ Sophie dễ thương
này. Họ chưa hiểu hết cảnh đời của Phượng. Chồng Phượng cũng là lính. Cô
thương những người lính như thương Quang, thương bản thân và thương
cuộc đời bất hạnh của mình.
Phượng chấp nhận lời cầu hôn của
Daniel với một điều kiện Daniel bảo lãnh bà mẹ, chị Phương và bé Sơn
cùng sang Mỹ. Căn nhà lớn năm phòng ở đường North Smith, Minnesota là tổ
ấm của gia đình Phượng. Chị Phương vừa đi học vừa đi làm một thời gian,
sau đó chị dọn về Cali mở một tiệm ăn với người yêu cũ. Phượng đi học
lại. Bà mẹ ở nhà nội trợ trông nom nhà cửa, chăm sóc Sơn. Daniel làm
việc ở United Hospital gần nhà. Bé Sơn càng lớn càng quấn quít Daniel.
Suốt ngày Sơn đeo theo ông bố dượng vui tính. Daniel rất thương thằng
con nuôi học giỏi và lễ phép. Theo gương học tập và chỉ dạy của ông bố
dượng, Sơn học ngành y, sau này trở thành bác sĩ Shawn Tran chuyên khoa
mổ tim ở St John s Hospital. Bốn mươi năm trôi qua, cái chết thảm khốc
của Quang và niềm đau nỗi khổ của Phượng dần dần phôi pha theo thời gian
nhờ vào tình yêu, sự bao dung và lòng tử tế của người chồng Mỹ tốt bụng
đã cưu mang gia đình Phượng, mang đến cho Phượng một cuộc sống mới, êm
đềm và hạnh phúc.
Một ngày, Phượng nhận được cú phone bất ngờ của chị Phương. Bên kia đầu dây, giọng chị lanh lảnh:
- Phượng ơi, tao nói chuyện này mầy bình tĩnh nghe đừng có xỉu nghen.
Tao vừa đọc báo. Có người viết về cái chết của thằng Quang chồng mày hồi
xửa hồi xưa. Có tấm hình thằng Quang chụp hồi còn trẻ. Mày tin không,
má thằng Quang còn sống. Gia đình thằng Quang qua Mỹ ở khu Việt nam gần
tiệm của tao. Bài báo kể người ta đào được xác chiếc máy bay rớt và hốt
cốt mang về để ở viện bảo tàng nào đó trên Washington D. C.Chuyện dài
dòng lắm. Tao ra bưu điện gửi cho mầy bài báo này liền. Overnight mai
mầy nhận được. Bình tĩnh nghen mậy. Chuyện đâu còn đó. Khoan nói cho
thằng Sơn biết. Mầy đọc báo xong rồi mình tính.
Suốt đêm qua
Phượng mất ngủ, mong cho trời mau sáng để nhận thư tốc hành của bưu
điện. Người đưa thư trao bì thư hình con én màu xanh và yêu cầu Phượng
ký tên.Tay Phượng run run khi cầm cây viết.Cầm tờ báo trong tay, Phượng
lật tới, lật lui, tìm mãi mới thấy cột báo. Tấm hình Quang hồi hai mươi
tuổi, nét mặt đẹp trai, nghiêm nghị, ánh mắt buồn xa xôi, oai vệ trong
bộ treillis, túi áo trái có in tên "Quang" màu trắng. Bài báo viết chi
tiết về chuyến bay bị bắn rơi ở Hạ Lào, về bà mẹ chồng Phượng chưa hề
gặp mặt và một chi tiết quan trọng là viện bảo tàng Newseum ở Washington
D. C hiện nay đang lưu trữ hài cốt của những người tử nạn.
Phượng nói với Shawn Phượng về Cali thăm dì Phương. Hai chị em đến tòa
soạn gặp người phóng viên và xin địa chỉ nhà má Quang. Cuộc gặp gỡ đầu
tiên, cả nhà bà Tư nhìn Phượng với cặp mắt tò mò, xa lạ và nghi ngờ. Bà
Tư, vợ chồng Quyền và Quyên không tin có chuyện một người phụ nữ, hơn
bốn mươi năm đến gia đình bà tự nhận là vợ của Quang. Họ không tin Quang
có một đứa con trai ngoài bốn mươi tuổi. Họ không tin bốn mươi năm trôi
qua trên đất nước Mỹ này lại có cuộc gặp gỡ ly kỳ ngoài sự tưởng tượng
của mọi người. Khi Phượng đem tất cả hình ảnh của Quang và Phượng chụp
hồi còn trẻ ở Đà nẵng, hình thằng Sơn hồi còn nhỏ cho đến khi tốt nghiệp
ra trường đậu bằng bác sĩ, nhất là tấm hình Quyền cung cấp cho người
phóng viên đăng trên báo so với tấm hình ố vàng Phượng cầm trong tay là
một, bà Tư bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Xúc động, mừng vui, hạnh
phúc dâng trào trong lòng bà mẹ già vào cuối đời. Từ đó, Phượng thường
xuyên gọi điện thoại về Cali thăm bà. Tháng sau, Phượng dẫn Shawn về
giới thiệu thằng cháu đích tôn của dòng họ Trần. Năm ngoái hai mẹ con về
Cali. Năm nay, thằng Shawn về một mình thăm bà nội
3. Sau đây là lời kể chuyện của nhân vật chính Trần Mỹ Sơn.
Tôi tên là Shawn Tran. Daddy đặt tên "Shawn" có nghĩa là "God is
gracious ". Daddy nói tôi là ân sủng của Chúa mang đến cho Daddy.
"Shawn" nghe giống như tên "Sơn", Trần Mỹ Sơn. Ngoại nói "Mỹ" có nghĩa
là đẹp, "Sơn"có nghĩa là ngọn núi. Tên tôi là một ngọn núi đẹp. Mẹ nói
Daddy chỉ là cha nuôi, cha ruột của tôi mất từ khi tôi còn trong bụng
mẹ. Daddy đưa mẹ, bà ngoại, dì Phương và tôi qua Mỹ. Họ nuôi tôi khôn
lớn. Tôi theo học nghề bác sĩ mổ tim của Daddy. Cả nhà ai cũng muốn tôi
học nghề này để sau này chữa tim cho mọi người.
Sau chuyến đi
Cali thăm dì Phương, mẹ kể rằng mẹ đã gặp gia đình bà nội ở Cali qua một
tờ báo Việt ngữ. Trong chương trình POW (prisoners of war) và MIA
(missing in action) tìm hài cốt của những người Mỹ mất tích thời chiến
tranh Việt nam, họ đã tìm được những dấu tích về cái chết của ba tôi.
Hiện nay, chúng được lưu giữ ở Viện Bảo Tàng Newseum ở Washington D.C.
Mẹ đọc bài báo cho tôi nghe. Dù mẹ chưa nói, qua ánh mắt của mẹ, tôi
hiểu rằng tôi phải đi một chuyến về Cali với mẹ, đến thăm bà nội, người
đàn bà đã khóc nhiều về cái chết của ba tôi.
Từ Cali về, tôi tìm
đọc những tài liệu về POW, MIA, những bài viết của các ký giả trong
chuyến đào bới tìm dấu tích của chiếc trực thăng lâm nạn, về chiến
tranh, cuộc hành quân Lam sơn nhất là về buổi lễ tưởng niệm và vinh danh
những người bị mất tích tổ chức ngày mười tháng tám năm hai ngàn mười ở
viện Bảo Tàng Newseum.
Bài viết của ký giả Richard Pyle viết về
buổi lễ và những người tham dự. Họ là ai? Là những người mẹ, những người
vợ, những đứa con đến từ Việt nam, Canada xa xôi, tay cầm những tấm
"plaque", đầm đìa những giọt nước mắt khi ban tổ chức nhắc đến tên tuổi
và vinh danh những người thân của họ đã hy sinh. Xạ thủ Trần Vinh Quang
không được nhắc đến. Gia đình bà nội, mẹ tôi và tôi không được mời đến.
Ban tổ chức buổi tưởng niệm này đâu biết rằng sau bốn mươi năm, gia đình
trung sĩ xạ thủ Trần Vinh Quang đang sống ở nước Mỹ? Và tôi, đứa con
rơi của xạ thủ Trần Vinh Quang là một công dân Mỹ, tìm được tông tích
của bà nội và ba tôi năm ngoái trong một bài báo Việt ngữ ở cộng đồng
người Việt ?
Sau khi thăm bà nội ở Cali, tôi đã đến thăm Viện Bảo
Tàng Newseum ở Washington D. C. Trong chuyến bay bị bắn rơi ở Hạ Lào,
có ba người ký giả Mỹ và một người Nhật. Tôi đã đọc thấy tên tuổi và
hình ảnh họ được gắn trên bức tường kính gọi là "Journalists Memorial
Wall 1971 Vietnam War". Viện bảo tàng này là nơi lưu giữ những chứng
tích và vinh danh những ký giả Mỹ và những ký giả quốc tế đã hy sinh
trong khi thi hành nhiệm vụ. Điều gì đã khiến họ lao vào cái nghề nguy
hiểm này? Sự đam mê nghề nghiệp, sự khao khát muốn ghi nhận những tin
tức mới, nóng hổi nhất, trung thực nhất. Họ muốn những có "big shot" là
những tấm hình ý nghĩa, độc đáo, đầy ấn tượng về sự tàn khốc của chiến
tranh gửi đến những người ở sau mặt trận. Viện bảo tàng Newseum đã làm
công việc đầy tính nhân đạo khi vinh danh những người chiến sĩ không
mang súng gan dạ và thầm lặng này.
Nhắc đến bà nội, tôi mê những
câu chuyện bà kể về ba tôi. Bà có tài kể chuyện sống động, chi tiết và
hấp dẫn. Tôi không ngờ bà nhớ nhiều kỷ niệm về ba tôi đến thế. Hình như
trong ba người con trai, ba tôi là đứa con cứng đầu và làm cho bà khóc
nhiều nhất nhưng cũng là đứa con bà thương nhất. Ba tình nguyện chuyển
ngành an ninh sang học bắn súng để ra tác chiến ngoài mặt trận đối với
bà là một sự chọn lựa kinh khủng và ngu xuẩn làm bà đau lòng. Bà không
muốn mất con.
Điều gì khiến ba tôi chọn lựa giữa công việc an
ninh nhàn nhã ở hậu phương với đời lính gian khổ đầy hiểm nguy ngoài mặt
trận? Lý tưởng? Tổ quốc ? Hay cả hai? Lần đầu tiên đi với mẹ về Cali
gặp bà nội, bà đã cho tôi nguồn cảm hứng muốn tìm hiểu về ba,về cái chết
của ba, về cuộc chiến tranh trên quê hương mà bấy lâu nay tôi hững hờ,
quên lãng. Tôi lớn lên ở xứ Mỹ. Tôi không có quá khứ. Tương lai của tôi
là những dự tính và ước mơ.
Tôi sinh ra tại Đà nẵng, vùng đất của
quê ngoại, trên bản đồ quân sự thuộc vùng một chiến thuật. Cuộc chiến
bắt đầu từ năm một chín năm mươi lăm đến một chín bảy lăm. Năm một chín
bảy mốt là năm ba tôi mất, lúc đó tôi còn trong bụng mẹ được ba tháng
tuổi. Thật là trễ tràng làm sao! Hơn bốn mươi năm trôi qua, bây giờ tôi
mới có dịp tìm hiểu về chiến tranh ở đất nước tôi và biết đây là cuộc
chiến tranh ý thức hệ giữa hai thế lực, hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản
kéo dài hai mươi năm. Ở miền nam, Mỹ và phe Đồng Minh ủng hộ chế độ
Việt Nam Cộng Hòa. Bên kia dòng sông Bến Hải, Liện Xô và Trung quốc ủng
hộ hai phe, tuy hai mà là một: Cộng sản Bắc Việt và tổ chức Mặt Trận
Giải Phóng Miền Nam.
Trải qua nhiều giai đoạn, cuộc chiến tranh
này có những cái tên như là "chiến tranh đặc biệt" (1960-1965) "chiến
tranh cục bộ" (1965-1968) "Việt nam hóa chiến tranh" (1969-1972). Ngày
ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm là ngày cuộc chiến tranh chấm dứt.
Toàn bộ miền Nam rơi vào tay Cộng sản.
"Việt nam hóa chiến
tranh" có thể hiểu đây là cuộc chiến của người Việt nam.Có người nói
người Mỹ đã bỏ rơi miền Nam và đồng minh. Họ rút lui, không chủ động
tham gia cuộc chiến bằng nhân sự. Họ chỉ viện trợ vũ khí. Quân đội Việt
Nam Cộng Hòa phải tự lực chiến đấu. Theo lời mẹ kể, với lý tưởng chiến
đấu quyết bảo vệ miền Nam và lòng yêu nước chân thành, ba tôi tình
nguyện lao vào cuộc chiến đầy hiểm nguy này và biết rằng sự ra đi không
hẹn ngày về.
Vào thời điểm đó, Cộng sản miền Bắc và Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam chuyển mục tiêu sang chiến trường Lào và Cam puchia, xây
dựng căn cứ địa làm bàn đạp tấn công miền Nam. Cuộc hành quân Lam Sơn
719 bắt đầu vào ngày tám tháng hai năm một chín bảy mốt. Hai ngày sau,
chiếc máy bay trực thăng H- U1 Huey không phải là trực thăng chiến đấu
hay trực thăng võ trang có bọc thép tốt và chống đạn xe tăng. Đây chỉ là
loại trực thăng vận tải vỏ thép mỏng, võ trang yếu, chở các phóng viên
và các cấp chỉ huy đi thị sát chiến trường. Trong chuyến bay có mười một
người, ba tôi là tay súng giỏi nhưng bất ngờ lọt vào mạng lưới phòng
không mạnh và dầy đặc của địch, lại thêm sương mù, chiếc trực thăng
trúng đạn và bốc cháy.
Năm 1992, những người trong chương trình
POW và MIA có nhiệm vụ tìm kiếm những người Mỹ mất tích đã đến Hạ Lào
nơi chiếc trực thăng rớt. Năm 1994, họ tiếp tục công việc đào bới. Cùng
với một số tin tức được cung cấp từ những bạn đồng đội trong không đoàn
41, phi đoàn 213 còn sống ở Mỹ, họ đã định vị đúng tọa độ và đã tìm được
những mảnh kính của máy chụp hình, đồng hồ và những mảnh thép vỡ của
máy bay. Họ đã sàng lọc những khúc xương cốt lẫn lộn với đất đá và đem
về lưu trữ tại Viện Bảo Tàng. Xương cốt này không phải của một ai mà là
của mười một người hy sinh trong đó có ba tôi. Nó không thuộc về cá nhân
hay gia đình nào, nó thuộc về lịch sử của nước Mỹ.
Món quà tôi
mang về cho bà nội lần này là những hình ảnh của Viện Bảo Tàng Newseum.
Tôi sẽ nói với bà nội ba tôi đã được an nghỉ ở một ngôi nhà gần nhà của
Tổng Thống Mỹ. Ngôi nhà ấy vĩ đại, có mười tầng lầu, mười lăm rạp chiếu
bóng, mười bốn hành lang và hàng ngày có hàng chục ngàn người đến đây
thăm viếng. Bà nội hãy yên lòng. Con trai cứng đầu của bà được an nghỉ ở
một trong những nơi danh dự nhất của nước Mỹ. Còn một điều nữa, bà nội
hãy tin rằng với tất cả chứng cứ về liên hệ huyết thống và hình ảnh, với
sự công bằng và trung thực, tôi sẽ làm đủ mọi cách để Viện Bảo Tàng
Newseum cần phải có một buổi lễ tưởng niệm cho ba tôi. Người cuối cùng
phải là người đặc biệt. "The last but not the least". Bà nội hãy giữ sức
khỏe để một ngày không xa, gia đình bà nội, mẹ và tôi sẽ đếnViện Bảo
Tàng Newseum tham dự buổi lễ vinh danh trung sĩ Trần Vinh Quang. Nỗi đau
khổ của bà nội và mẹ sau bốn mươi năm phải được đền bù xứng đáng trong
lịch sử nước Mỹ.
Tôi sẽ nói với cậu Quyền lần này tôi muốn cậu
dẫn tôi đến thăm một địa danh lịch sử ở khu Little Saigon nơi có cộng
đồng người Việt sinh sống đó là tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ "Vietnam War
Memorial" ở Westminster. Hai người lính Mỹ, Việt cầm súng đứng bên nhau
bên cạnh hai lá cờ Việt, Mỹ vẫn là hình ảnh đẹp, oai hùng và ý nghĩa.
Trong tâm tôi sẽ không dấy lên chút tình cảm căm hận nào.Trái lại, đầy
sự ngưỡng mộ và biết ơn. Người lính Việt Nam Cộng Hòa đó cũng chính là
hình ảnh của ba tôi ngày xưa. Ba tôi chiến đấu vì lá cờ vàng cũng như
những người lính Mỹ đã chiến đấu vì nền độc lập, tự do của nước Mỹ và
cho nhân loại trong khối tự do.
Năm nay tôi đã bốn mươi ba tuổi.
Đã hơn nửa đời người. Không quá muộn màng cho tôi khi tôi tìm về với cội
nguồn của gia đình, quê hương và dân tộc mà trước đây tôi như một người
xa lạ. Tôi muốn cám ơn bà nội, cậu mợ Quyền, dì Quyên những thân tộc đã
nối lại sợi dây huyết thống thiêng liêng của dòng họ Trần. Tôi cảm nhận
được tình thương quá bao la và đặc biệt bà dành cho ba tôi và đứa cháu
nội này. Một ngày nào đó bà sẽ từ giã cõi đời. Tôi biết chắc một điều bà
sẽ ra đi thanh thản, bình yên vì theo lời di chúc của bà, tôi sẽ thay
ba tôi ôm chiếc hình của bà trong ngày tang lễ.
Tôi muốn cám ơn
bà ngoại, mẹ tôi và dì Phương đã chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ tôi từ tấm
bé cho đến khi tôi trưởng thành. Những chai sữa ngọt đầu đời là những
ngày dì Phương dãi dầu mưa nắng ngoài chợ trời đem về cho tôi.Tôi nói và
đọc được tiếng Việt là nhờ những buổi hai bà cháu cùng ngồi rù rì học
với nhau ngoài vườn và từ những câu chuyện cổ tích tôi nghe hoài không
chán. Và mẹ tôi, người mẹ tuyệt vời, tôi không có lời lẽ nào hơn để ca
ngợi bà. Bà đã mạnh mẽ đứng lên vượt lên trên nổi khổ đau giữ lại cho
tôi hình hài này.
Từ trong đáy lòng, tôi chân thành cám ơn Daddy
Daniel, cha nuôi người Mỹ của tôi. Ông là cây cổ thụ cho gia đình tôi
nương dựa bốn mươi năm qua. Danh vọng, địa vị, tiền bạc, hạnh phúc, tình
thương tôi có được ngày hôm nay phát xuất từ tấm lòng nhân hậu và bao
dung của ông.
Cuối cùng là những lời xin lỗi muộn màng của tôi với Ba.
Hơn bốn mươi năm qua, trong tâm tưởng, tôi đã quên tôi còn một người
cha.Tôi không giữ chút kỷ niệm gì trong ký ức về ông vì ông đã ra đi
trước khi tôi cất tiếng khóc chào đời.Thật là kỳ diệu khi gặp lại bà
nội. Bà là chiếc cầu nối vững vàng, là bàn tay nắm dịu dàng và ấm áp dẫn
tôi đến với Ba, là chất keo dính ngọt ngào làm cho hình ảnh Ba như sống
dậy trong lòng tôi.Giờ đây, nhắm mắt lại, tôi có thể hình dung hình ảnh
ông hiện ra rõ ràng, thân thiết, gần gũi và đầy tình yêu thương.
Tôi rất hãnh diện về Ba tôi, người lính Việt Nam Cộng Hòa, anh dũng,
kiêu hùng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam. Lịch sử
Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công ơn ông và những người đồng đội. Ông mãi
mãi là hình ảnh đẹp nhất trong lòng tôi, giọt máu rơi của ông, người
lính chết trẻ.
Phùng Annie Kim