Chép lại một bài thay cho nén hương lòng để thành tâm tưởng nhớ đến Bố Mẹ nhân ngày giỗ Bố lần thứ 8 và giỗ Mẹ lần thứ 7 (sau 12 ngày)
Bàn thời Bố Mẹ.
Nguồn Nam Hòa.
Tôi không biết bắt đầu câu chuyện từ
lúc nào, nhưng có lẽ ấn tượng nhất và rõ nét nhất mà hầu hết người dân
miền nam Việt Nam nhớ mãi là ngày 30/4/1975.
Khi miền Nam sụp đổ cũng là lúc bất ngờ
tất cả nỗi thống khổ đày đọa ập xuống. Nhanh như một cơn cuồng phong
thịnh nộ phá nát tan hoang. Mất tất cả!
Ngày 10/06/1975 tôi vẫn còn nhớ rất rõ.
Trước khi đi cái gọi là “học tập cải tạo” 10 ngày, dù với suy nghĩ chỉ
là 10 ngày như lời thông báo, cha tôi cũng không có lấy mấy ngàn dằn
túi. Ông bảo tôi (lúc đó 19 tuổi) đem 2 chỉ vàng cuối cùng còn
lại của gia đình- là đôi bông tai của bà nội tôi để lại- ra tiệm vàng
bán. Đó là kỷ vật quý nhất nhưng đành phải bán để mua ít lương thực cho
ông mang đi. Hai chỉ vàng lúc ấy bán được 33 ngàn. Ông mua khoảng 2 ngàn
đồng lương thực các thứ và dằn túi 1 ngàn. Còn lại 30 ngàn ông dặn ở
nhà cố gắng 13 mẹ con dè xẻn ăn uống đợi Ông về.
Mười ngày trôi qua nhanh chóng- không
ai trong số cải tạo trở về. Tôi nghĩ đây là một cú lừa mà đã và sẽ được
lịch sử ghi lại kỹ hơn. Giá sinh hoạt tăng từng giờ. Buổi sáng 100 đồng 1
ổ bánh mỳ thì chiều đã lên 120. Sau 3 tuần thì 12 anh em tụi tôi và mẹ
tôi không còn một đồng nào trong nhà. Chị tôi lớn nhất 21 tuổi còn đang
đi học, và em út mới có 2 tuổi. Mười hai con tàu há mồm tuổi đang lớn
nuốt bao nhiêu cho đủ! Cơm và thức ăn mỗi bữa mẹ tôi phải chia cho từng
đứa. Vài hột cơm sót nơi đáy nồi cũng không yên. Chúng tôi đổ nước vào
và cạo sạch không còn một hột. Còn hơn là gạo châu củi quế.
Mẹ tôi và vài đứa em phải đi xâm canh (một hình thức của kinh tế mới để giãn dân),
làm ruộng rau muống. Không lên voi nhưng phải xuống chó, mẹ tôi và em
tôi ngày ngày vào ruộng hái rau muống xong gánh bộ về tới chợ cách đó 6
cây số để bán. Buổi sáng khoảng 3 giờ khi trời còn mờ mịt hơi sương và
giá lạnh, mẹ và em tôi thay nhau gánh bộ cho kịp phiên chợ sáng. 70 bó
rau oằn trên vai người phụ nữ nhỏ bé cao 1,45 nặng chưa tới 40Kg.
6kg rau mới đổi được 1 kg gạo. Một tuần
mới cắt được một lần chờ cho rau mọc. Những ngày còn lại là cấy rau,
nhổ cỏ, trồng khoai mỳ…
Sức ăn trước ngày 30/4/75 của gia đình
tôi một bữa là 3 lít gạo, tức 1 tuần 42 lít, khoan nói chuyện thức ăn cá
mắm gì hết. Nay 1 tuần chỉ còn 13 lít!
Bắt đầu tháng 7/1975 lần lượt đồ đạc
trong nhà mọc cánh nhẹ nhàng, nhanh chóng, lả lướt, bay đi theo chân
những kẻ buôn hàng. Từ cái quạt trần, tôn cống, hàng rào, tủ quần áo,
đài radio, giường sắt, đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay … đều giã từ
để về với chủ mới. Hết sạch đồ thì mấy kẻ đi buôn bảo rỡ gạch bông, rỡ
bớt tôn ngoài mái hiên, tôn trần nhà bán tiếp.
Bán cho đến khi căn nhà nhỏ bỗng trở
nên rộng tênh vì chả còn thứ gì ngoài trừ vài cái nồi nấu bằng củi đen
thui cũng đã sứt quai gãy gọng. Buổi tối trải chiếu ngủ dưới đất là xong
với cái bụng lép kẹp và cơn đói hành hạ.
Không
biết bao lần tôi phải ăn tưởng tượng trong đêm khuya bằng cách hình
dung mấy món ăn tầm thường ngày trước như vài con khô, miếng dừa kho, tô
canh bầu.. Mơ mà cũng hà tiện không dám mơ thịt cá hải sản.
Bố
tôi sau 6 tháng trong trại cải tạo lần đầu được viết thư về, Ông dặn
khi lên thăm nuôi, không cần mang theo gì cả vì trong trại có đủ mọi
thứ. Hic!
Ông hiểu hơn ai hết, còn cái gì để mà mang cho ông!
Tôi nhớ mãi ngày lên thăm nuôi ông ở
trại Thanh Hoá (Hố Nai), cả nhà chỉ có 1 cái xe đạp, còn lại mẹ và các
em tôi cuốc bộ 8 cây số mang theo 1 cái giỏ đi chợ lưng lửng với ít thịt
kho mắm ruốc, 1 ký đường, 2 hộp sữa và 1 bộ quần áo. Nhìn những người
đi thăm nuôi, có người gánh 2 bao đầy mà lòng tôi trào dâng niềm tủi hổ.
Sau đợt đổi tiền ngày 22/9/1975, Chúng
tôi như đàn chim vỡ tổ, tất cả bỏ học ngang, vài đứa em nhỏ tiếp tục
theo mẹ làm ruộng rau muống, còn lại mỗi đứa một phương trời kiếm sống.
Đứa lên Gia Ray vào rừng lấy củi, làm lò than, đứa theo xe lửa bán trà
đá, hàng rong, đứa bán thuốc lá.
Hơn 3 năm sau Bố tôi được cho về để
nhìn xác nhà tan hoang điêu tàn loang lở, nhìn bầy con xanh khướt, gầy
rạc, tản mát. Một chị tôi bệnh tâm thần không người chăm sóc phải lang
thang ăn xin đầu đường xó chợ, có lần xin không được, quá đói, chị giựt
mấy miếng đậu hũ bỏ chạy, chị bị người ta phang đòn gánh chảy máu lỗ đầu
giữa ngày bố tôi được tha về.
Bố không khóc, cũng không nói gì! Qua hàng xóm xin ít bông băng. Lòng ông như xát muối! Có lẽ ông bấy giờ mới thấm sâu mệnh đề “mất Nước là tất cả mất”. Khóc lóc than van ích lợi gì. Giọt nước mắt chỉ làm cho kẻ chiến thắng hả hê say sưa thêm mà thôi.
Rồi
theo chủ trương, ông không được ở lại thành phố. Họ hàng nhà tôi đa số
cũng là thành phần Ngụy quân, Ngụy quyền nên không ai giúp gì được cho
nhau. Cuối năm 1978 Ông lên rừng Gia Ray ngay chân núi, cất túp lều nhỏ
bé xiêu vẹo, ngày ngày ông và 2 em tôi sống nhờ rừng.
Ai ở rừng mới biết: ăn của rừng rưng
rưng nước mắt! Và từ đó chuỗi ngày lầm than, buồn thảm lại tiếp tục sau
hơn 3 năm trong trại cải tạo. Đói nhiều hơn no, buồn nhiều hơn vui. Cực
khổ nặng nhọc quần quật suốt cả ngày chỉ đủ kiếm vài lon gạo vài con cá
khô.
10 năm sau, tôi đã làm ăn khá hơn, mua
được chiếc xe máy Mini scootter, lần đầu tiên lên thăm Ông, quà cho Ông
chỉ là 1 lít rượu đế nấu bằng rỉ mật. Ông mừng lắm vì tôi đã tương đối
ổn định công việc.
Trong bữa cơm hôm đó, Ông nói:
-Bố
năm nay 63 tuổi rồi, cuộc đời không dành cho Bố con mình được sống sum
họp và đầy đủ. Dù sao các con cũng cố gắng vươn lên để thoát khỏi bệnh
tật, đói khát và tù đày.
Rồi Ông chỉ tay dưới chân ngọn núi Chứa Chan:
-
Nhớ lời Bố dặn, nếu Bố có chết, các con không cần quan tài làm chi cho
tốn kém, cứ bó chiếu vùi thây Bố dưới chân núi là Bố mát mẻ rồi.
Thú
thật, lúc ấy nếu tất cả 12 anh em tôi gom lại chắc cũng không đủ tiền
mua cái quan tài loại chót. Ông biết và không muốn các con gánh nặng
thêm!
Năm
1999, sau bao nhiêu là khó khăn vì không có tiền làm hồ sơ xuất cảnh
diện HO, cuối cùng thì 4 bố con tôi cũng tới được Mỹ. Ngày lên đường mẹ
tôi và 9 em phải ở lại vì hộ khẩu lung tung không đuợc phái đoàn Mỹ chấp
thuận.
Bốn bố con mà hành trang vỏn vẹn có 5 va ly nhỏ và nhẹ tênh, chưa tới 1/3 tiêu chuẩn trọng lượng.
Đến Mỹ 3 anh em tôi phải đi làm ngay
sau tháng đầu tiên để kiếm tiền trả nợ lúc làm hồ sơ. Bố tôi thì ăn
welfare [nhân trợ cấp xã hội – ] vì Ông đã 74 tuổi.
Ban đầu hội thiện nguyện giúp thuê nhà, 4 bố con phải ở chung trong 1 căn apartment 2 phòng ngủ cùng với 2 người nữa là 6 người.
Quá chật, chúng tôi đành ra ở riêng trong khi Bố tôi được chính phủ Mỹ cho ở nhà Housing.
Và từ đó Ông sống cô độc, một thân một
mình. Nhưng cũng là lúc Ông làm được một việc lớn nhất, to nhất, ý nghiã
nhất kể từ sau ngày 30/4/1975!
Hàng tháng Ông trả tiền điện và tiền
nhà chưa tới tổng cộng 80$. Thức ăn thì Ông đi xin các Hội từ thiện miễn
phí. Có lần tôi giận Bố kinh khủng. Gia đình tôi cố tình chở Ông vào 1
quán kêu cho Ông mấy món ngon, Ông từ chối, chỉ xin cho 1 diã bánh cuốn
là đủ. Ông nói: Ở Việt Nam nhà mình còn quá khổ, Bố không đành ăn ngon bên này nhưng các con đi làm vất vả cần bồi bổ, cứ ăn đi.
Mỗi tháng số tiền dư còn lại gần 400$
Bố để dành và cứ 6 tháng Bố gởi về VN cho Mẹ và 9 đứa con còn ở lại. Chị
cả tôi viết thư qua có câu:
“Bố ơi, nhiều lần con phải đi bán máu với số tiền 200 ngàn một lần để có tiền nuôi con. Để có 200 ngàn đồng tiền Việt, tụi cò máu nó đã ăn chặn mấy chặng rồi. Cầm 300$ Bố cho mà con cứ ngỡ trong mơ. Đời con chưa bao giờ cầm số tiền lớn như thế… Phải bán 10 lần máu chỉ mới được 150$ …”
Bố đọc thư không khóc! mặc dù Bố biết chị chỉ cân nặng có… 34 Kg! Hic! Gan góc đến thế là cùng!
Rồi việc phải tới! Một ngày mùa đông
năm 2006, tức sau gần 8 năm ở Mỹ. Tự dưng Bố kêu và đưa tôi 8.000$ và
một tờ di chúc – nét chữ vẫn còn rất đẹp dù đã có dấu hiệu nghệch ngoạc
biểu hiệu của tuổi già – trong di chúc có nói rõ:
Khi bố chết đi, bố đã hỏi cô Hoa (người của một hội thiện nguyện) và biết rằng tiền hỏa thiêu không quan tài chỉ mất có 800$ thôi!
Bố nói bố không cần quan tài, không cần để nhà quàn làm gì cho tốn dăm ngàn, cứ để người ta đưa thẳng bố đi thiêu, trừ tiền thiêu ra, còn bao nhiêu con cứ làm theo di chúc gởi về cho người bên VN.
Bố nói bố không cần quan tài, không cần để nhà quàn làm gì cho tốn dăm ngàn, cứ để người ta đưa thẳng bố đi thiêu, trừ tiền thiêu ra, còn bao nhiêu con cứ làm theo di chúc gởi về cho người bên VN.
Sau
đó mấy ngày, Bố đột qụy! Người ta đưa Bố vào trại Dưỡng lão. Rồi Bố hấp
hối. Ba anh em tôi họp nhau và quyết định làm theo di chúc của Bố. Và
chúng tôi phải ký một hợp đồng với nhà thiêu.
Khi Bố tắt thở, sau 1 tiếng người ta đuổi hết anh em tôi ra, trong phòng người ta bỏ Bố vào 1 cái bao và kéo cái fermeture là xong! Quá đơn giản cho một kiếp người!
Khi Bố tắt thở, sau 1 tiếng người ta đuổi hết anh em tôi ra, trong phòng người ta bỏ Bố vào 1 cái bao và kéo cái fermeture là xong! Quá đơn giản cho một kiếp người!
Khả
năng 3 anh em tôi lúc đó mới đi làm ăn lương 1 giờ 8$ chỉ vừa đủ tiền
nhà tiền ăn. Vẫn biết có làm đám tang bỏ Bố vào quan tài bằng vàng với
hàng ngàn người tham dự cũng vậy thôi vì Bố đâu biết gì nữa mà sao tôi
vẫn cảm thấy xót xa vô bờ. Cuối đời của một sĩ quan, từng chỉ huy hàng
mấy trăm lính, từng chỉ huy mấy cung đường sắt, âm thầm, vắng lặng và
quạnh hiu. Không ai biết, không ai đưa tiễn! Y như một chiến sĩ vô danh!
Người
ta bỏ Bố lên chiếc xe kéo, đẩy ngang chỗ chúng tôi đang đứng, tất cả
con, dâu và cháu chỉ có 5 người, họ dừng lại và hỏi chúng tôi có muốn
nói gì không. Tôi có cảm tưởng như một luồng điện lạnh chạy xé dọc sống
lưng. Tôi chỉ lắp bắp nói như kẻ không hồn:
- Vĩnh biệt Bố. Từ nay Bố không còn phải hy sinh nữa Bố nhé. Công ơn của Bố cao hơn núi Thái Sơn Bố ạ!
Rồi
họ lạnh lùng kéo Bố tôi đẩy lên chiếc xe dài, đi chỗ nào thiêu hay làm
gì, ở đâu, chúng tôi không được biết! Họ làm theo hợp đồng.
Tôi không khóc! Không còn nước mắt để khóc!
Hai
tuần sau tôi lấy tro cốt Bố. Khi cô nhân viên nhà xác đưa hộp tro cốt ở
dưới có ghi tên bố tôi, chỉ đến lúc bấy giờ, nước mắt tôi tự dưng tuôn
ra đầm đìa – vô thức!
No comments:
Post a Comment