Khi còn trong quân ngũ, anh em chúng tôi luôn luôn tâm niệm rằng chúng ta ai cũng mong sao cho tình hình tốt đẹp nhất, nhưng cũng luôn luôn chuẩn bị về cả thể xác lẫn tinh thần để đối phó với tình hình xấu nhất. Các bạn Mỹ và Úc của chúng tôi cũng tương tự, lúc nào cũng ghi nhớ rằng "Hope for the best, but also expect the worst." Nửa thế kỷ đã qua, chúng tôi nay ai cũng đã già, nghĩ đến thượng cấp, đồng đội, chúng tôi luôn mong điều tốt đẹp nhất là sống đến ngày nhìn thấy quê hương được quang phục nhưng cũng chuẩn bị tinh thần để đón nhận tin xấu, vị này vị kia theo nhau ra đi. Vì thế, cái tin Trung Tá Bùi Quyền từ trần đến với tôi như một tin buồn rất lớn, nhưng không làm tôi bàng hoàng. Cách nay hơn một năm, Anh đã cho tôi biết một triệu chứng rất xấu. Anh viết nguyên văn như sau, "Ít ra tôi cũng mãn nguyện về binh chủng và nhất là các đơn vị mà tôi phục vụ trong cuộc chiến VN ngày xưa. Hi vọng còn có duyên găp lại anh trước khi giã từ cõi thế. Tôi vẫn ở San Jose, bắc California, nếu có dịp ghé chơi anh em mình sẽ có nhiều thời giờ đàm đạo."
Sự ra đi của Anh Bùi Quyền là một mất mát vô cùng to lớn cho cá nhân tôi. Từ khi chúng ta mất nước đến nay, có bốn vị tận tình hướng dẫn tôi là vị tham mưu trưởng Sư Đoàn 3 Bộ Binh, hai vị tiểu đoàn trưởng của tôi, và Anh Bùi Quyền. Riêng Anh Bùi Quyền còn cho tôi phụ giúp một số việc mà Anh đang làm với tất cả cố gắng. Chính vì vậy mà tôi xin nói với các bạn trẻ hậu duệ như sau.
Sự ra đi bất ngờ của Trung Tá Bùi Quyền cũng là một mất mát cho thế hệ sau bởi vì Anh ra đi khi sắp hoàn tất hai bộ sách về Mặt Trận Quảng Trị 1972 và Mặt Trận Bình Long 1972. Tôi được Anh nhờ phụ giúp một ít trong việc biên khảo nên tôi biết rằng đây là hai bộ chiến sử tuy rằng do cá nhân thực hiện nhưng công phu và trung thực hơn bất cứ cơ quan nào, kể cả các khối quân sử và chiến thuật của các cơ cấu quân sự Đồng Minh về hai mặt trận vang danh này.
Bây giờ, mời các bạn đi ngược dòng thời gian.
Anh Bùi Quyền tốt nghiệp Khoá 16 Võ Bị Quốc Gia, đậu thủ khoa. Ngày 7 tháng Giêng 1963, Anh về trình diện Bộ Tư Lệnh Liên Đoàn Nhảy Dù - Danh xưng lúc đó. Khoảng cuối năm đó hoặc đầu năm 1964, chúng tôi được gặp Anh. Lúc đó, Đại Uý Nguyễn Văn Tư là Trưởng Khối Bổ Sung của Liên Đoàn Nhảy Dù. Chú của tôi, Trung Uý Nguyễn Xuân Phê, trước đó phục vụ bên Công Binh Nhảy Dù nhưng sau khi tu nghiệp bên Mỹ về thì làm phụ tá cho Đại Uý Tư. Trung Uý Vương Mộng Hồng, Khoá 14 Võ Bị Quốc Gia, là Sĩ Quan Đặc Trách Hành Quân và Huấn Luyện, dưới quyền Đại Uý Liêu Quang Nghĩa, Trưởng Phòng Ba Liên Đoàn Nhảy Dù.
Vào thời đó, các sĩ quan xuất sắc của Nhảy Dù thường được mời về huấn luyện cho tân binh. Trong số này, có Trung Uý Nguyễn Đình Bảo, Khoá 14 Võ Bị, và Thiếu Uý Bùi Quyền, Khoá 16.
Có lẽ vì cùng là dân Bắc di cư nên các ông này chơi rất thân với nhau. Nhà chú tôi thì ngay cổng Trại Hoàng Hoa Thám nên các ông kéo về nhà chú tôi chơi nhiều nhất. Đại Tá Nguyễn Phẩm Bường, nhà cách đó hai căn, cũng hay sang chơi, kéo theo Thiếu Uý Nguyễn Văn Tước và Thiếu Uý Nguyễn Văn Đức.
Sau đó, Trung Uý Nguyễn Đình Bảo và Thiếu Uý Bùi Quyền trở ra đơn vị tác chiến. Đến giữa năm 1964 thì Đại Uý Vương Mộng Hồng - mới được vinh thăng, hy sinh tại Tây Ninh. Trận đó, có Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù và Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù tham gia cuộc Hành Quân Huyết Hoả. Lúc đó, Thiếu Uý Bùi Quyền là một trung đội trưởng thuộc Đại Đội 83.
Vào một sáng sớm, cộng quân pháo kích vào vị trí đóng quân khiến Thiếu Uý Nguyễn Anh Vũ, Thủ Khoa Khoá 18 Võ Bị Quốc Gia, tử thương. Gần đến trưa hôm đó, Thiếu Uý Bảo Sung và Thiếu Uý Phan Văn Tân, cùng Khoá 16 Võ Bị Quốc Gia, lái một chiếc trực thăng H-34 lên đó để chở thi hài Nguyễn Anh Vũ và một số thương binh. Đại Uý Vương Mộng Hồng vì trách nhiệm của mình nên cũng theo chiếc trực thăng lên đó xem tình hình. Chiếc trực thăng vừa đáp xuống thì trúng đạn pháo kích của địch và bốc cháy. Cả ba vị sĩ quan nói trên đều tử thương.
Qua sự việc này, các bạn trẻ hiểu được tại sao bên Nhảy Dù có Tiểu Đoàn Vương Mộng Hồng. Ngoài ra, các bạn cũng hiểu được tại sao từ đó có câu nói, "Nhất thủ kỳ, nhì thủ khoa", ý nói rằng anh chàng thủ kỳ và anh chàng đậu thủ khoa là hai tay lên bàn thờ sớm nhất của cả khoá. Riêng trong trường hợp này thì Thủ Khoa Nguyễn Anh Vũ hy sinh rồi lại còn kéo theo một đàn anh Khoá 14 và hai đàn anh Khoá 16.
Mấy tháng sau, chú tôi sang Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù giữ chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội 15, Trại Nguyễn Trung Hiếu, đối diện Nghĩa Trang Đô Thành. Chú tôi hy sinh ngày 30 tháng Sáu 1965 tại Phú Bổn.
Cuộc hành quân này là của Chiến Đoàn 1 Nhảy Dù do Thiếu Tá Bùi Kim Kha chỉ huy, với Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù do Thiếu Tá Đoàn Văn Nu chỉ huy và Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù do Thiếu Tá Đào Văn Hùng chỉ huy. Trung Uý Bùi Quyền lúc đó là Đại Đội Trưởng Đại Đội 83, đi sau cùng, còn chú tôi là Đại Đội Trưởng Đại Đội 15, thuộc cánh quân đi đầu.
Đơn vị địch quân là Trung Đoàn 66 Bắc Việt, được trang bị tối tân nhất lúc bấy giờ. Không hiểu địch quân phối trí như thế nào mà chỉ có Tiểu Đoàn 8 đi phía sau là đụng nặng. Được một lúc thì chiếc phi cơ quan sát L-19 của ta bị bắn rơi. Chú tôi chỉ huy toán quân đi cứu viên phi công, trên đường trở về vị trí thì chúng truy kích với một lực lượng lớn. Chú tôi thuộc toán đi sau vì phải quan sát địch quân để điều động đơn vị, và rồi bị thương nặng.
Lúc đó, về mặt trực thăng yểm trợ, chúng ta nhờ vào Hoa Kỳ một phần lớn. Họ yêu cầu quân ta rút thật nhanh để họ rải đạn và phi đạn lên toàn vùng. Chú tôi đành phải chấp nhận nằm lại để các thuộc cấp có thể rút đi nhanh hơn. Khi địch quân đã im tiếng súng, quân ta quay trở lại và lấy được xác ông đem về.
Sau khi chú tôi tử trận thì các chiến hữu đều có đến thăm, nhưng rời rạc dần vì ai cũng lo đánh giặc ngoài tiền tuyến, chỉ có Đại Tá Nguyễn Phẩm Bường và Trung Tá Lê Văn Tư là đến thăm thường xuyên vì cả hai đều làm việc ở Sài Gòn.
Tôi liên lạc lại được Trung Tá Bùi Quyền hoàn toàn là do duyên kỳ ngộ, qua sự giúp đỡ của Đại Uý Biệt Kích Nguyễn Hữu Luyện. Theo như Đại Tá Cao Văn Uỷ, vị liên đoàn trưởng sau cùng của tôi kể lại cho tôi nghe thì sự việc nó như sau.
Vào cuối thập niên 1950, bên Nhảy Dù thặng dư sĩ quan. Vì vậy nên có một số phải sang phục vụ bên Bộ Binh. Trong số này, có Trung Uý Cao Văn Uỷ và Thiếu Uý Nguyễn Hữu Luyện về cùng một đơn vị thuộc Sư Đoàn 10 Bộ Binh. Lúc đó, cả hai vị đều còn độc thân, cùng là dân Bắc với nhau nên chơi thân với nhau lắm.
Đến năm 1960, khi Biệt Động Quân được thành lập thì có một số sĩ quan ưu tú của khắp các đơn vị được tuyển sang, trong đó có Trung Uý Trần Văn Hai và Trung Uý Cao Văn Uỷ, cùng xuất thân Khoá 7 Ngô Quyền Trường Võ Bị Quốc Gia. Thiếu Uý Nguyễn Hữu Luyện thì sang Lực Lượng Đặc Biệt. Đến năm 1965, ông mang cấp bậc đại uý, chỉ huy một toán Biệt Kích nhảy ra Bắc và bị chúng bắt giữ mãi đến cuối thập niên 1980 mới được phóng thích.
Khoảng năm 1999, ông Nguyễn Hữu Luyện tốt nghiệp Cao Học tại Đại Học Massachusetts Boston. Cũng vào thời gian này, ông được biết trường đại học này cấu kết với Việt Cộng soạn thảo một dự án xuyên tạc về nguồn gốc người Việt Nam tại vùng này. Dự án này được thực hiện do sự góp phần chính yếu của một số cán bộ Việt Cộng với sự tiếp tay của Việt gian tại địa phương. Ông Nguyễn Hữu Luyện và một số bạn hữu liền kiện Đại Học Massachusetts Boston về tội cố tình xuyên tạc về nguồn gốc người Việt tỵ nạn. Năm 2002, ông Nguyễn Hữu Luyện có sang Úc để trình bày cùng đồng bào về việc này và kêu gọi hỗ trợ. Đại Tá Cao Văn Uỷ, lúc đó bị bệnh liệt giường, có gọi điện thoại cho tôi, bảo rằng các cậu còn trẻ, còn đi đứng được dễ dàng thì cố gắng giúp các chiến hữu, đồng đội của mình.
Vậy nên khi ông Nguyễn Hữu Luyện đến Melbourne thì Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà Tiểu Bang Victoria có tổ chức một chương trình để ông gặp gỡ chiến hữu, đồng hương mà trình bày sự việc. Tôi là người được uỷ thác việc tổ chức. Ông Nguyễn Hữu Luyện rất có tiếng tăm nên đồng bào chiến hữu đến tham dự rất đông. Đầu tháng Chạp 2002, Đại Tá Cao Văn Uỷ qua đời, nhưng tôi và ông Nguyễn Hữu Luyện vẫn liên lạc với nhau, thông thường thì qua email mà cấp bách thì qua điện thoại.
Năm 2012, có hai quân sử gia Úc Đại Lợi và mấy chiến hữu của họ gọi tôi đến họp. Họ trình bày như sau.
Úc Đại Lợi rất muốn biết đầy đủ hơn về Trận An Lộc năm 1972. Họ đọc một cuốn của một cố vấn Mỹ thì thấy rằng tay này viết rất cẩu thả và đầy thành kiến với Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, nhất là xem thường Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Tiếc thay, khi họ tham khảo một cuốn sách khác nói về trận này do Trung Tướng Ngô Quang Trưởng viết cho một tổ chức của Hoa Kỳ thì họ lại cũng thất vọng không kém. Đó là vì Trung Tướng Trưởng không hề nói đến Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, đơn vị đã được bốc lên An Lộc ngay từ khi quân Bắc Việt mới chuẩn bị tấn công vào đây, và Lộc Ninh chưa thất thủ. Vì thế nên phía Úc muốn nhờ tôi giúp việc viết phần phụ đính nói về việc tham chiến của các đơn vị Biệt Động Quân, trong đó có đơn vị của tôi. Tôi nhận lời không ngập ngừng vì tôi biết rằng mỗi lần mình tham khảo tài liệu để viết là mỗi lần mình có cơ hội để tìm hiểu thêm.
Một tháng sau, chúng tôi họp mặt để xem công việc đi đến đâu. Tôi trình bày với họ như sau.
Các báo cáo mà tôi có cũng như do họ cung cấp hầu hết đều dùng toạ độ thay vì dùng địa danh. Đem bản đồ ra chấm thì lại không tìm ra nhiều địa danh vì bản đồ có tỷ lệ xích 1/25.000. Tôi cần bản đồ hành quân An Lộc và các vùng phụ cận với tỷ lệ 1/10.000 để có đầy đủ các địa danh. Mấy chàng Úc kiếm không ra. Vậy nên tôi liên lạc với ông Nguyễn Hữu Luyện nhờ giúp đỡ. Lúc đó, tôi không biết rằng ông và Trung Tá Bùi Quyền là bạn học với nhau ở Hà Nội xưa kia. Hiện nay bên Mỹ, có lúc hai người ở chung nhà.
Ông Nguyễn Hữu Luyện cho tôi biết rằng Trung Tá Bùi Quyền có rất đầy đủ bản đồ. Lý do là có một cơ cấu quân sự của Hoa Kỳ nhờ ông viết hai cuốn sách về chiến tranh Việt Nam, tài liệu có rất nhiều, kể cả bản đồ quân sự ngày xưa. Sau đó, ông Nguyễn Hữu Luyện viết email cho Trung Tá Bùi Quyền mà trong đó có một đoạn như sau, "Tao thấy Khiết nó vất vả đi tìm mà mày thì có sẵn, nó cần gì, cố gắng giúp." Ngay sau đó, tôi viết email cho Trung Tá Bùi Quyền, tự giới thiệu mình và xin giúp đỡ. Ba ngày sau, Trung Tá Bùi Quyền hồi âm, và thư rất dài. Tuy biết rằng tôi là cháu của một chiến hữu, nhưng Trung Tá Bùi Quyền vẫn xem tôi như một chiến hữu, chứ không như một người thuộc thế hệ đi sau. Lại thấy tôi cũng cùng có một đam mê giống như mình là tìm hiểu về chiến tranh ngày xưa và ghi chép lại nên Trung Tá Bùi Quyền hết lòng giúp đỡ tôi. Thầy trò chúng tôi liên lạc với nhau gần như hàng ngày, có khi mỗi ngày mấy lần.
Khi tôi viết xong phần phụ đính cho Úc - mai này tôi sẽ chuyển sang Việt ngữ để các bạn trẻ tham khảo - thì Trung Tá Bùi Quyền cũng đã viết xong hai cuốn sách cho phía Hoa Kỳ. Lúc đó, Anh mới cho tôi biết rằng đã bắt đầu viết hai bộ chiến sử, một về Mặt Trận Trị - Thiên 1972 và một về Mặt Trận Bình Long 1972. Cả hai mặt trận này, đơn vị của Anh đều tham dự nên Anh đã có sẵn dữ kiện một phần, chỉ cần tìm thêm hai phần còn lại.
Anh giải thích rằng đã có nhiều, rất nhiều người viết về hai mặt trận này. Hầu hết đều viết trung thực nhưng hầu hết cũng không được đầy đủ vì các tác giả đó chỉ thuật lại những gì mà họ biết do có tham gia, chứ không tìm hiểu thêm về các mặt khác. Nói chung, vị nào viết toàn diện thì thiếu chi tiết, vị nào viết đầy đủ chi tiết thì lại chỉ nói được một phần nhỏ của chiến trận. Chính vì thế nên Anh mới cố gắng viết sao cho đầy đủ hơn. Anh lại cũng không chấp nhận việc không nói đến các lực lượng bạn như Cảnh Sát Dã Chiến, Nhân Dân Tự Vệ, và lại còn phải nói cho đến nơi đến chốn. Vì thế mà Anh đã mất rất nhiều thời gian cho việc tìm hiểu. Tôi xin kể ra hai trường hợp điển hình.
Trong cuốn Chiến Sử Trận Bình Long, Khối Quân Sử thuộc Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có ghi rằng chiếc chiến xa đầu tiên của Bắc Việt bị bắn hạ tại An Lộc là một chiếc T-54 do ba đoàn viên Nhân Dân Tự Vệ gồm có Phạm Cường Tuấn, Trần Văn Bình và Nguyễn Văn Giang từ một cao ốc góc Nguyễn Trung Trực - Đinh Tiên Hoàng dùng M-72 bắn trúng. Theo không ảnh thì có xác một chiếc T-54 nằm ở đây. Một sĩ quan tham chiến tại An Lộc lúc đó thì kể lại rằng chiếc chiến xa đầu tiên của Bắc Việt bị bắn hạ tại An Lộc là một chiếc T-54, cũng do các bạn Nhân Dân Tự Vệ bắn hạ, nhưng là từ sân thượng của Trường Việt - Hoa Quốc Quang. Tuy nhiên, dựa vào không ảnh thì chiếc chiến xa bị bắn hạ trên Đại Lộ Trần Hưng Đạo, tức Đại Lộ Hoàng Hôn, gần Trường Quốc Quang lại là một chiếc chiến xa lội nước PT-76. Dân An Lộc thì thuật lại rằng chiếc chiến xa đầu tiên của Bắc Việt bị bắn hạ tại An Lộc là một chiếc PT-76 bị đoàn viên Nhân Dân Tự Vệ Đoàn Văn Bình, 16 tuổi, từ một căn nhà lầu trên Đại Lộ Trần Hưng Đạo bắn trúng. Nó chạy đến trước cây xăng gần bồn nước thì mới bốc cháy và nằm bất động. Không ảnh cho thấy có một chiếc PT-76 nằm chết ở đó thật.
Như vậy thì rõ ràng là lời tường thuật thứ hai là sai, còn lời tường thuật thứ nhất và thứ ba là hợp lý nhưng theo lời các quân nhân tham chiến ở đây thì chiếc T-54 bị bắn hạ đầu tiên, chứ không phải là chiếc PT-76. Tuy vậy, vẫn chưa có bằng chứng xác thực để biết tin vào ai.
Về chiếc thứ hai bị bắn hạ tại đây, Khối Quân Sử ghi lại là do Đại Tá Lê Nguyên Vỹ bắn hạ. Thực sự thì đúng như vậy, nhưng nó còn lết được đến ngã tư Lê Lợi - Phan Bội Châu thì một quân nhân thuộc Trung Đoàn 7 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh bồi cho một phát nữa mới chịu nằm luôn.
Chỉ riêng việc này mà anh em chúng tôi bàn luận cả tuần lễ, không biết nên ghi chép như thế nào để có độ xác thực cao nhất.
Kế đến là Trại Tạm Cư Phú Văn. Các bạn đã biết rằng đây là trại ở Bình Dương, được chính phủ lập ra để đón nhận đồng bào từ Lộc Ninh, Quản Lợi và An Lộc.
Thiếu Tá Trần Cẩm Tường, Quận Trưởng Kiêm Chi Khu Trưởng An Lộc kể lại như sau. Tháng Bảy 1972, ông được lệnh rời bỏ chức vụ này để phụ trách việc tiếp cư tại Phú Văn. Thiếu Tá Tường được Phủ Thủ Tướng chọn là vì ông được toàn thể dân chúng Bình Long lúc đó biết và kính nể. Ngay sau khi nhậm chức, Phó Thủ Tướng Phan Quang Đán có đến gặp ông để bàn thảo thêm. Như vậy, nói về Trại Tạm Cư Phú Văn thì không ai rành bằng anh Tường. Thế nhưng những diễn biến ngay từ đầu, chẳng hạn như việc đem đồng bào về đây, thì anh Tường không biết, vì lúc đó anh còn đang tử thủ ở An Lộc. Thế là anh Bùi Quyền, anh Tường và cá nhân tôi lại bỏ thêm thời gian tìm hiểu cho đến khi có được đầy đủ chi tiết xác thực thì mới thôi. Chúng tôi còn tiếp xúc với các sinh viên sĩ quan trừ bị đi chiến dịch ở đó để tìm hiểu về từng khu, vì Phú Văn sau này chia ra nhiều phân trại.
Năm ngoái, anh Bùi Quyền có nói với tôi rằng chính vì CẦU TOÀN nên chúng ta chấp nhận mất thời gian, còn hơn là hoàn tất sớm mà thiếu sót hoặc sai sót. Mấy tháng sau, Anh viết cho tôi, than thở rằng bỗng dưng trí nhớ suy giảm. Sau đó, Anh lại tỏ ý muốn gặp tôi. Đến Tết Nguyên Đán, tôi viết mấy hàng chúc Tết Anh Chị, Anh hồi âm ngay, kèm theo mấy lời giống như trăn trối. Tháng trước, tôi gửi lời chúc nhân Easter, Anh cũng hồi âm ngay, và cũng kèm theo mấy lời... Buồn thật.
Kính thưa Anh mấy lời cuối,
Em thật sự không rõ hai bộ sách đó đã xong được bao nhiêu phần, và cần làm những gì nữa thì mới xong. Em cũng không biết trước khi ra đi, Anh có phó thác phần còn lại cho ai hay là không. Vì thế nên em quyết định sẽ quên nó đi mà chỉ nhớ đến Anh. Những gì mà em đã có sẵn cùng với những gì mà Anh đã cho, hoặc xin giùm, em sẽ gom lại để hoàn thành một tập khác và sẽ cố gắng hoàn tất trong vài năm. Làm như thế để những gì mà Anh đã bỏ ra biết bao nhiêu thời gian mới có được sẽ trở nên hữu ích cho con cháu chúng ta.
Rất mong Anh cho phép.
Kính chào Anh.
Hình đính kèm thứ nhất là Thiếu Tá Bùi Quyền khi còn là Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù.
Hình thứ hai chụp cách nay 5 năm. Gia Đình Niên Trưởng Bùi Quyền và Gia Đình Niên Trưởng Trịnh Trân, vị tiểu đoàn trưởng cuối cùng của tôi.
FB Khiết Nguyễn
No comments:
Post a Comment