Nhiều kỳ – kỳ 9
Màn đọ sức sau cùng…
Trong lúc tôi đang lo thiếu cơm gạo, thiếu thuốc men thì tin tức A 2
lại cho biết một đơn vị phiên hiệu là Trung Ðoàn E 26 (?) của Việt-Cộng
đã được điều động vào vùng.Tôi nhớ nằm lòng tên các đơn vị từ cấp tiểu đoàn trở lên của Cộng-Sản hiện diện trong lãnh thổ Cao Nguyên Vùng 2, kể cả sở trường, sở đoản của chúng.
Thời gian này ở Tây Nguyên, Mặt Trận B3 vừa nâng cấp cho Trung Ðoàn 470 Vận Tải thành Sư Ðoàn 470 Vận Tải, đồng thời thành lập thêm hai trung đoàn mới mang tên E 20 và E 26. Thực tế, cho tới ngày hết chiến tranh, hai trung đoàn mang tên E 20 và E 26 vẫn chưa thành hình.
Theo tôi thì đơn vị địch được đưa vào trận phải là Trung Ðoàn E 25 trực thuộc Mặt Trận B3.
Trung Ðoàn E 25 của Mặt Trận B3 này được thành lập cuối năm 1972 với cán bộ khung là Ðoàn 25 Xâm Nhập.
Ðịa bàn hoạt động của E 25 là vùng Nam Pleime trong khu vực Tiều Teo lãnh thổ của quận lỵ Buôn Hô tỉnh Dắk Lắk Việt-Nam Cộng-Hòa. Chính trung đoàn Cộng-Sản này đã đánh chiếm Căn cứ An Tân (Tiêu Atar) và đồn Ðịa Phương Quân Ea Súp thời gian trước đây.
Các Trung Ðoàn E 64 và E 48 của Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản đã bị tổn thất quá nặng sau nhiều ngày quần thảo với “Thằng Hai Nâu” (Việt Cộng gọi Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân là Thằng Hai Nâu)
Lúc này, cả Thằng Hai Nâu và những trung đoàn trực thuộc Sư Ðoàn 320A đều ở vào tình trạng của các võ sĩ đã ngất ngư, chỉ muốn nằm xuống sàn đài mà nghỉ, mà thở.
Nhưng ai cũng biết, trên võ đài thì kẻ đứng vững sau cùng mới là người chiến thắng.
Vì thế mà, Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản phải cầu viện tới E 25 của Mặt Trận B3.
Ngày xảy ra cuộc chạm trán lần đầu với E 25, tôi xin được hai phi tuần yểm trợ tiếp cận.
Trước khi A 37 vào vùng, tôi sử dụng tối đa hỏa lực cối 60 và 81 ly bao trùm triền đồi hướng Tây. Kế đó, tôi tập trung toàn bộ vũ khí bắn thẳng tưới đạn theo hai hướng Tây Bắc và Tây Nam đan nhau như rẻ quạt trong một thời gian suốt hai giờ đồng hồ.
Tới trưa hôm đó mới thấy bóng dáng chiếc thám thính cơ O2 trên vùng trời Ðông Bắc.
Tôi nghe trong máy không lục,
– Thái Sơn đây Bắc Ðẩu! Cho mục tiêu đi!
– Hướng bốn ngàn tám trăm ly giác! Ðánh theo chiều Bắc Nam cách hàng rào hai trăm mét!
– Okay!
Chiếc trinh sát cơ chúc xuống, “Bục! Bùng!” một trái khói trắng được đánh dấu trong khu rừng hướng Tây.
Khói lên, hai cánh chim sắt sà xuống, “Ùm! Ùm! Ùm!” bom nổ!
Sức bom làm đất đá văng lên cao, phủ kín một vùng rừng cây xanh đàng xa.
Bất ngờ, ngay sau đó, mắt tôi hoa lên, vì thấy trên không bỗng choáng ngợp, chớp nhóa như hoa đăng thăng thiên do đạn phòng không của địch.
Ðạn 37 ly và 100 ly “Bùng! Bùng!Bục! Bục!” giòn giã đua nhau nở kín một góc trời!
Hai cánh chim sắt A 37 và cánh diều O2 biến nhanh về hướng Bắc.
Tôi vừa được yểm trợ một phi tuần, còn phi tuần thứ nhì thì bị đình chỉ.
Trận chiến dằng dai chừng hai giờ sau thì địch rút chạy. May mắn là quân ta không có ai bị thương. Ðịch chết phơi thây trên hàng rào nhiều lắm, nhưng tôi không màng tới chuyện thu nhặt chiến lợi phẩm. Mạng người là quý, bắt anh em chui vào hàng rào đầy mìn và lựu đạn thu gom mấy cây súng gãy để làm gì?
Hai ngày sau E 25 lại dẫn thân vào con đường tự vẫn bằng cách theo vết cũ của E 64/320A, cứ lừng lững hàng ngang chạy lên đồi bằng con dốc Bangalore đã mở sẵn cách đây gần nửa tháng. Kỳ này vũ khí công phá pháo đài và nhà cửa loại B40, B41 được địch sử dụng tối đa, mục tiêu của chúng là chiếm cho được hai Pháo đài số 4 hướng Tây Nam và số 5 hướng chính Tây.
Súng vừa nổ thì hai khẩu 105 ly đã bắn liên tục, chặn địch quân từ hướng Bắc và hướng Tây.
Với quyết tâm đánh cho địch một trận phải tởn tới già, nên từ sáng sớm, tôi đã cho Thiếu úy Phạm Văn Thủy đem quân bố trí ngoài rào, nơi cuối phi đạo hướng Tây Nam của trại.
Ðợi khi địch chạy theo nhau ào lên Pháo đài số 4 thì quân ta nổ súng.
Ðây có lẽ là trận đánh đẹp nhất đời chinh chiến của chàng thư sinh Phạm Văn Thủy.
Mũi dùi hướng Nam của E 25 bị cầm chân suốt hai giờ đồng hồ trong một khu vực có thế đất lòng chảo, muốn tiến không được, muốn lui cũng không xong!
Thời gian này Pháo đài số 5 hứng chịu không biết bao nhiêu là đạn B40, B41 của địch.
Hình như khẩu đại liên 30 trên Pháo đài số 5 đã không còn hoạt động, nên tôi không nghe tiếng súng liên thanh tràng dài, chỉ thấy tiếng M16 của súng cá nhân từng đợt phát ra từ đây.
Những tiếng “Xèo! Xèo! Oành! Oành!” rộ lên từng đợt như những cơn gió giật trong trận bão.
Ðạn cứ vèo vèo, theo nhau bay vòng cầu xuống sân cờ. Dây treo lá quốc kỳ bị đứt, lá cờ chao qua chao lại trong bụi mù.
Hầm trú của tôi bị B40 bắn bay một góc, khẩu đại liên M60 của chú Yang bị gãy càng.
Trong lúc tình hình lộn xộn, tôi sợ địch dùng Bangalore mở khẩu chiếm Pháo đài số 5 thì chúng có thể tràn vào sân cờ.
Tôi leo lên hố cá nhân, rồi dùng hết sức mình ném liên tiếp năm, sáu trái lựu đạn cay ra hàng rào, hy vọng khói cay sẽ gây khó dễ cho bọn điên rồ đang ào lên.
Ðồng thời tôi kêu toán viễn thám của chú Nguyễn Chi đem một khẩu M60 theo giao thông hào lên tiếp cứu cho Pháo đài số 5.
Quả nhiên khói cay đã khiến cho quân xung phong của địch bị dội ngược. Ngoài rào im tiếng súng!
Chờ một hồi, không thấy B40, B41 bay vào nữa, tôi đi một vòng kiểm soát trận địa thì thấy khẩu đại liên 30 trên nóc Pháo đài 5 ngã chỏng gọng, anh xạ thủ bị gãy tay trái, anh phụ xạ thủ bị một mảnh B40 ghim vào trán, mặt đầy máu me. Hai chú lính này tay ôm lựu đạn ngồi dưới giao thông hào. Trong pháo đài có bốn anh lính vẫn còn bình tĩnh trấn giữ hai lỗ châu mai.
Trận xung phong này địch nhắm ngay tuyến phòng thủ ngoài cùng của Ðại đội 2/81. May mắn là không có ai chết.
Trong số gần chục người bị thương của Ðại đội 2/81 có ông đại đội trưởng là Trung úy Nguyễn Văn Song.
Khói súng vừa tan, chú Song đã bò tới hầm trú của tôi cười hì hì,
– Chút xíu nữa là em bỏ mạng sa trường rồi ông thầy ơi!
Thấy cái đầu chú Song quấn ba bốn lớp băng trắng mà máu đỏ còn chảy ròng ròng, tôi ái ngại,
– Sao không nằm nghỉ mà bò sang đây làm gì?
– Thì em sang thăm coi ông thầy có bình an không. Em thấy hầm của ông thầy trúng năm sáu trái B40, em lo quá!
Lúc đó lá quốc kỳ chỉ còn treo trên một đoạn dây dài chừng hai mét, quay quay trong gió.Tôi định gọi Hạ sĩ Ba thay sợi dây mới cho lá cờ thì Trung úy Song đề nghị,
– Mình hạ cái cột cờ xuống đi Thái Sơn! Lá cờ cao quá, trở thành mục tiêu cho tụi nó pháo. Hầm của tui và của Thái Sơn nằm sát trụ cờ, dễ chết quá!
Tôi cười trấn an chú Song,
– Mình sống chết là vì lá cờ này, không thể hạ nó xuống được! Lá cờ còn bay chứng tỏ chúng ta còn hiện diện, còn chiến đấu. Với lại, tụi Việt-Cộng dư biết, xưa nay xung quanh sân cờ là khu trống trải không có công sự phòng thủ nào. Chỗ này hóa ra là nơi an toàn nhất!
Sau khi nghe tôi giải thích, anh sĩ quan đàn em của tôi bèn gọi Thiếu úy Phước giúp sức hạ cái cột cờ xuống, thay sợi dây mới, rồi hè nhau dựng cờ lên.
Lá cờ vàng ba sọc đỏ lại tiếp tục phần phật bay trong gió một cách ngạo nghễ và đầy thách thức.
Lúc này quân của Thiếu úy Phạm Văn Thủy cũng vừa trở về tuyến phòng thủ nơi cổng Nam. Thấy mặt ông đại đội trưởng 4/82 đỏ gay tôi thắc mắc,
– Làm gì mà nước mắt nước mũi tèm lem vậy?
– Úi cha! Tụi nó đánh tui bằng hơi cay Thái Sơn ơi!
Tôi bật cười,
– Lựu đạn cay của mình đó!
Nghe tôi nói, chú Thủy mới ngẩn người,
– Hèn chi tui thấy tụi nó cắm đầu chạy rồi tui mới thấy mắt mũi cay cay!
Mỗi ngày, cứ cách ba tiếng đồng hồ, tôi lại gửi một toán quân bí mật tuần tra mặt Tây Pleime. Từ Pháo đài 4 nơi góc trại hướng Tây Nam tới Pháo đài 6 ở góc trại Tây Bắc, tôi đánh dấu 4 hỏa tập T1, T2, T3, T4 dự trù cho súng cối 60 ly.
Toán tuần tra chỉ cần báo cáo địch đang ở vị trí nào, vài phút sau tôi đã có mười trái cối cho hỏa tập đó ngay.
Một hôm toán tuần tra của Binh 1 Yang báo cáo:
-Tango 4! Ðông lắm! (Tango 4 = Target 4 = Mục tiêu T4)
Hỏa tập T4 nằm về hướng Pháo đài 6, trách nhiệm của Thiếu úy Hổ.
Tôi điện thoại cho chú Hổ,
-T4 mười quả!
Khẩu 60 ly của Ðại đội 3/82 chưa phóng đi được quả đạn nào thì tôi đã nghe tiếng B 40 nổ “Oành! Oành! Oành!…”
Pháo đài số 6 là nơi yếu nhất của Pleime. Pháo đài này nằm về hướng Tây của cổng chính, ngay góc của trại, sát vườn rau. Bên kia vườn rau là bìa rừng có những tảng đá lớn. Từ bìa rừng, địch có thể núp sau tường đá, bắn ta mà không sợ đạn bắn thẳng của ta.
Thời gian Thiếu úy Việt còn sống, Việt đã chuẩn bị sẵn 3 chuyên viên M79 bắn vòng cầu để chế ngự khu rừng này. Không rõ Thiếu úy Hổ có khả năng đó hay không?
Tôi lủi xuống giao thông hào rồi “rẽ nước” phóng về Pháo đài số 6, theo sát sau lưng tôi là Thiếu úy Trần Văn Phước và toán viễn thám của Mom Sol.
Tôi chui vào pháo đài đúng lúc cái chòi gác có mái tôn trên nóc lô cốt bị B 40 đánh sập.
Khẩu đại liên 30 bắn đã đỏ nòng, mà B40 vẫn còn bay “Xèo! Xèo! Xèo! Oành! Oành! Oành!” bên vách xi măng.
Ông Chuẩn úy (tôi không nhớ là ông Bảo hay ông Thiều) luồn tay ra khỏi lỗ châu mai thảy liên tiếp hai trái lựu đạn khói cay. Mùa này gió thổi liên tục từ Ðông sang Tây, các pháo đài ở hướng Tây đều thủ sẵn một thùng lựu đạn loại này.
Dưới giao thông hào, tôi thấy ba ông lính đang ôm M79 núp trong hàm ếch. Tôi hét lên,
– Không bắn mà ngồi đây chờ chết sao?
Ba ông xạ thủ nghe tiếng tôi quát mới hết run, chui ra khỏi hầm, leo lên hố cá nhân.
“Binh! Binh! Binh!…”
Ba viên M79 bắn lên trời, hai viên rơi trên đầu địch, nổ “Ùm! Ùm!” bên kia suối, còn viên thứ ba thì rơi ngay trên đầu… quân ta, nổ một tiếng “Oành!” bụi đất mù mịt!
Hai ông lính Thượng bắn giỏi hơn ông lính Kinh; góc bắn của hai ông Thượng chếch về hướng Bắc, còn ông lính Kinh thì bắn thẳng lên trời, đạn rơi ngay đỉnh pháo đài!
Chú Phước vung tay bợp tai ông lính Kinh hai cái rồi nẹt,
– Ð! M! Cái đồ chết nhát!
Ông xạ thủ người Kinh sợ quá quay súng về hướng Bắc bóp cò, bắn đại một viên.
Thấy thế Thiếu úy Phước cũng phải phì cười. Phước chụp tay ông lính Kinh giơ lên cỡ 60 độ cao rồi nói,
– Ông nội ơi! Ông bắn cao cỡ này là được rồi! Ông nội ơi!
Ðợt tấn công bằng B40 chợt ngừng. Tình hình yên trong khoảng thời gian cỡ nửa giờ thì trong hầm, qua lỗ châu mai, tôi thấy những vật tròn tròn như những trái túc cầu màu trắng di động lẫn trong đám cỏ lau. Tới khi đại liên đốn gãy những thân lau sậy thì lòi ra vài cái xác te tua vì trúng quá nhiều đạn. Hóa ra bọn này đang đội những cái túi nylon phòng hơi ngạt để tiến lên.
Kỳ này chúng tôi không nghe những tiếng hô “Xung phong!” chỉ vì tất cả bọn cán binh này đều bịt kín đầu bằng bao nhựa, mũi thì nhét bông gòn tẩm thuốc giải độc, không nói năng, la hét được.
Những cái đầu bịt bao nylon tiếp tục bị bắn hạ. Ðịch lại chết đè lên nhau trên vạt đất đầy cỏ tranh và lau sậy. Ngoài rào là một vòng cung đạn cối 60 ly tiếp tục nổ đều đều.
Thấy những cán binh Việt-Cộng đầu trùm bao nylon, tôi nhớ lại ngày Căn cứ 711 bị địch tấn công bằng hơi ngạt hóa học cách nay bốn tháng, tôi vội vàng ra lệnh cho toàn thể anh em chuẩn bị mặt nạ sẵn sàng, khi nào thấy thủ pháo địch bốc khói màu vàng thì lập tức đội mặt nạ ngay.
Khổ một điều là nếu đứng dưới mưa, mang mặt nạ thì chẳng khác chi một người mù, nước mưa làm cho hai mắt kính của mặt nạ nhoè nhoẹt, không thấy cảnh vật trước mặt, làm sao mà bắn nhau?
Cũng may suốt thời gian bị vây hãm, tôi không thấy hai thứ vũ khí mà tôi e ngại nhất là hỏa tiễn AT3 và thủ pháo chứa hơi hóa học giết người màu vàng.
Chừng một giờ sau kẻng báo động khua vang, quân trú phòng lại rời hố cá nhân, ào xuống giao thông hào, chui vào hàm ếch vì đạn 120 ly, 105 ly, 82 ly của địch bắt đầu rơi. Trận pháo này là dấu hiệu chấm dứt đợt xung phong.
Gần một tháng trời cứ trèo lên, nhảy xuống theo nhịp đạn pháo cối nổ, chúng tôi có cảm tưởng như mình còn khéo hơn những ông lính đảm nhận công tác diễn tập trong các quân trường.
Thời gian này hình như Trung Ðoàn 64/320A được điều động về hướng ngã ba làng Plei Xome, vùng Nam Căn cứ 711 để ngăn chặn quân tăng viện. Tôi cũng không nghe thêm tin tức gì của Trung Ðoàn 48/320A; không biết đơn vị này còn chốt giữ vùng Ðông Pleime hay đã di chuyển đi nơi khác rồi.
Tình hình tạm yên vài ngày, cho tới một buổi trưa, Trung tá Hoàng Kim Thanh gọi tôi vào đầu máy,
– Báo cho chú biết có đại ca Anh Ðào dẫn Con Ó 45 và mấy chục con cua sắt vào tiếp viện cho chú đó!
(Con Ó 45 =Trung Ðoàn 45 của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh)
Tôi buột miệng,
– Thằng nào láo xược dám dùng danh hiệu “Anh Ðào” vậy?
Sở dĩ tôi phản ứng một cách lỗ mãng và phẫn nộ như vậy chỉ vì cái tên “Anh Ðào” chính là ám danh đàm thoại của Cố Thiếu tướng Trương Quang Ân, Tư lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh, nay ai đó ở Sư Ðoàn 23 mà lấy tên “Anh Ðào” làm danh hiệu thì quả là quá vô lễ, hỗn hào.
Ðầu dây bên kia, người xưng là “Anh Ðào” đã nghe tiếng tôi, nên ông ta vội phân bua,
– Chắc chú em biết danh hiệu “Anh Ðào” là của ai rồi. Tôi cũng là một thuộc cấp của Anh Ðào, tôi lấy ám danh đàm thoại là “Anh Ðào” cũng là để tưởng nhớ người chỉ huy đáng kính của chúng ta mà thôi! Chú em đừng hiểu lầm!
Tôi bỏ ra khỏi hầm hành quân, không thèm nói thêm câu nào nữa với ông đại tá bộ binh, người chỉ huy đoàn quân đang vào tiếp viện cho tôi.
Sau này, anh Thanh có cho tôi biết ông “Anh Ðào” Phùng Văn Quang, Ðại tá Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 45 Bộ Binh còn giận tôi lắm.
Mặt trận hướng Bắc có vẻ bùng nổ trở lại, súng nổ suốt ngày. Pháo binh từ Phú Nhơn dành ưu tiên cho các cánh quân bộ binh đang chạm địch, nên yêu cầu đánh chặn thường nhật của tôi bị từ chối.
Chiều 29 tháng 8 một tiếng nổ “Ùm!” âm vang rừng núi. Trên bờ Tây của con suối cắt ngang đường xe be dưới chân tiền đồn Bắc có 4 quả mìn chống chiến xa.
No comments:
Post a Comment