Trận Pleime năm 1974 (kỳ 2)
Kỳ trước: Hơn 3 năm và sau 6 lần thay thế Tiểu đoàn trưởng, đơn vị vẫn chưa thoát khỏi cái cốt của một đơn vị Dân sự Chiến Đấu. Chính vị Tiểu Đoàn Trưởng Vương Mộng Long đã thay da đổi thịt nó trở thành một Tiểu đoàn lừng lẫy nhất của QLVNCH.Chính vì có những buổi thực tập dã ngoại thường xuyên này mà những đơn vị dưới quyền tôi hiếm có cảnh “nằm úp mặt xuống đất, chổng mông lên trời, siết ngón tay trỏ, đạn vút lên mây” khi trực diện với địch quân.
Người ta nói “văn ôn võ luyện” cũng đúng!
Công tác chấn chỉnh và cải tổ đơn vị của tôi chưa hoàn tất thì Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản đã ra tay trước.
Giữa tháng Tư năm 1974,một trận đánh đẫm máu và ác liệt đã xảy ra ở Căn cứ Hỏa Lực 711 khiến đài BBC mô tả trong một bài tường thuật: “Ðây là trận đánh mà tổn thất của đôi bên được coi là cao nhất kể từ sau Hiệp Ðịnh Paris”
Thế rồi chiến tranh tiếp tục leo thang, Hiệp định Paris không còn hiệu lực, Việt Cộng công khai tấn công lấn chiếm, mở rộng vùng kiểm soát. Tháng 5 năm 1974 chúng ngang nhiên đánh chiếm Dak Pek và Mang Buk giữa ban ngày, mặc dù hai địa danh này hiện diện rành rành trên bản đồ đình chiến là của Việt-Nam Cộng-Hòa, vậy mà Ủy-Hội Quốc-Tế cũng chỉ trơ mắt ngó mà thôi. Hiển nhiên mục tiêu sắp tới của Cộng Quân chắc chắn sẽ là Pleime!
o O o
Từ ngày tiếp nhận Căn cứ Pleime, tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để
tổ chức nội vi căn cứ này thành một cứ điểm phòng thủ vững chắc.Trên mặt đất của trại Pleime đúng là một “Trận Ðồ” chằng chịt hàng rào kẽm gai và giao thông hào. Hai cái cổng Bắc và Nam lại là nơi rào kỹ nhất. Từ dốc vườn rau, vào tới trung tâm hành quân xa không tới hai trăm thước, vậy mà muốn đi qua đoạn đường này cũng mất cả chục phút loanh quanh trong hàng rào gai dích dắc.
Trại Pleime có 6 cạnh, 6 góc, mỗi góc có một pháo đài kiên cố xây bằng xi măng cốt sắt. Tôi đặt tên cho các pháo đài theo thứ tự 1 tới 6, theo chiều quay của kim đồng hồ. Hướng Ðông là các pháo đài 1, 2, 3, hướng Tây là các pháo đài 4, 5, 6.
Sau khi tôi dựng thêm hai lô cốt phụ nơi cổng Bắc và cổng Nam thì vòng đai trong của trại này có 8 pháo đài kiên cố.
Bình thường các quân nhân trong đồn chỉ cần nói họ đang ở gần pháo đài số mấy, người nghe sẽ biết vị trí hiện tại của anh ta ngay.
Các đại đội cũng được phân chia khu vực trách nhiệm cố định, họ sẽ quen với cảnh vật hàng ngày trước mắt họ, nếu có gì khác lạ, họ sẽ nhận ra ngay.
Tôi tiên đoán mặt Tây sẽ là hướng tấn công chính của địch, do đó tôi cho dựng một cái hầm chỉ huy ngay giữa sân cờ. Từ đây, tôi có thể theo giao thông hào mà di chuyển tới các Pháo đài 1 (Ðông Bắc), Pháo đài 6 (Tây Bắc), Pháo đài 5 (Tây), và Pháo đài 4 (Tây Nam). Ông tiểu đoàn phó giữ Pháo đài số 2, còn Pháo đài số 3 nằm ngay sát trung đội pháo binh nên Trung úy Nguyễn Như, Trung đội trưởng pháo binh biên phòng, sẽ kiêm nhiệm chỉ huy cứ điểm này. Trong hầm chỉ huy dã chiến có ban Truyền Tin của Trung úy Nguyễn Công Minh và Binh nhì Y Don Nier, người mang máy nội bộ của tiểu đoàn trưởng.
Tôi và Thiếu úy Trần Văn Phước, sĩ quan Ban 2 ở chung một hầm, cách hầm chỉ huy vài mét về hướng hàng rào.
Vây quanh căn hầm của tôi là ba cụm tam tam của ba toán viễn thám, mỗi toán trang bị hai thùng lựu đạn M26 và một đại liên M60.
Những ngày tình hình căng thẳng nhứt thì mặt đất chứa đầy mìn Claymore phòng khi bị địch tràn ngập.
Suốt thời gian xảy ra chiến dịch Pleime 1974, tôi đã phải đích thân chỉ huy, điều khiển các điểm tác chiến, từng lô cốt, từng pháo đài, từng khẩu đội, vì nếu xảy ra một hoạt động không ăn khớp có thể sẽ đưa tới thảm họa.
Chỉ cần mở được một cửa khẩu, Ðặc-Công Việt-Cộng có thể đánh thẳng vào trung thâm. Nếu Việt-Cộng vào được trung thâm, triển khai được giai đoạn “Hoa nở trong lòng địch” là ta mất đồn! (Trung thâm: Danh từ của Ðặc-Công Việt-Cộng dùng để chỉ nơi đặt chỉ huy sở hay vị trí đầu não của ta)- (Hoa nở trong lòng địch: Từ trong đánh ra theo nhiều hướng. Ðây là giai đoạn cuối cùng trong một trận đánh Ðặc-Công của Việt-Cộng)
Tôi làm việc bằng điện thoại, khẩu lệnh, thủ lệnh và máy truyền tin nội bộ. Vì thế mà nhiều khi, liên đoàn muốn ra lệnh cho tôi, họ phải gọi qua trung tâm hành quân của trại, từ đây sĩ quan Ban 3 của tôi sẽ chuyển lại cho tôi.
Trung tâm hành quân tiểu đoàn vì có cái anten cao do Mỹ để lại nên trở thành nơi độc nhứt có thể liên lạc vô tuyến với Căn cứ 711 và đài tiếp vận Hàm Rồng.
Trung tâm hành quân là một lô cốt kiên cố, xây bằng xi măng, cốt sắt, thêm hai tầng nóc lợp bằng bao cát và vỉ sắt tổ ong chống đạn nổ chậm. Ngồi trong hầm, đôi khi không nghe được tiếng đạn cối nổ ở ngoài sân cờ.
Sát cạnh trung tâm hành quân là một hầm lộ thiên hình tròn xây bằng bao cát, trong vòng tròn là mũi tên lửa chỉ điểm mục tiêu.
Mũi tên lửa này được đốt bằng dầu Diesel thắp sáng suốt đêm, nó có thể quay 360 độ một cách dễ dàng, đầu nhọn của nó luôn luôn quay về hướng địch.
Nếu không có nhu cầu tác xạ, thì trước khi rời vùng, để giải tỏa bom đạn, máy bay Hỏa Long hay Gunship cứ việc phóng hỏa tiễn hay bắn phá cách xa Pleime 3 cây số theo hướng mũi tên.
Tiểu đội Lao Công Chiến Trường đã hoàn thành những công trình này dưới sự chỉ huy của Thiếu úy Huỳnh Kim Hoàng đại đội trưởng đại đội chỉ huy.
Tiểu đoàn 82 có một tiểu đội Lao Công Chiến Trường. Họ là những cựu quân nhân can tội khác nhau nên bị đày ra tiền tuyến làm những công việc hiểm nguy và cực nhọc.
Tôi đặc biệt lưu ý tới những người này, bố trí cho họ vào từng vị trí thích hợp với khả năng của mỗi người. Dưới bàn tay tôi, những tội nhân đó đã trở về với vị trí chuyên môn của họ, họ trở thành xạ thủ đại liên, xạ thủ cối 81 ly, trinh sát viên, tiểu đội trưởng, toán trưởng toán thám sát, hoặc chuyên viên sửa chữa vũ khí.
Ðể tất cả binh sĩ chú tâm vào công tác tổ chức phòng thủ, tôi ra lệnh cho tất cả thân nhân gia đình binh sĩ phải rời Pleime theo chuyến tiếp tế thường kỳ ngay sau ngày phát lương cuối tháng 6 năm 1974. Ở Pleiku tôi vừa tiếp nhận doanh trại của Ðại đội 2 Quân Y Biệt Ðộng Quân, doanh trại này rất đầy đủ tiện nghi, nên những anh em có gia đình không phải lo lắng chuyện nơi ăn chốn ở của vợ con họ.
Tôi là dân Tình Báo Tác Chiến, nên ngày nào tôi cũng duyệt các bản tin A2 mà Ban Truyền Tin của đơn vị trình lên.
Tôi lấy làm lạ là ngày nào cũng vậy, cứ mình vừa gửi công điện báo cáo vị trí đêm của các cánh quân về Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 2 thì chỉ hai giờ sau bản tin A2 đã thông báo rằng Việt-Cộng vừa gửi cho nhau toàn bộ vị trí đóng quân của quân bạn, chính xác tới độ y như nguyên văn!
Tôi nghĩ rằng ở bộ chỉ huy có nội tuyến, hoặc là đặc lệnh truyền tin của bộ chỉ huy đã bị tiết lộ nên mới có tình trạng này.
Ðể phòng thân, tôi nghĩ ra một bản mã riêng, rồi photocopy ra 2 bản, ban truyền tin của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân giữ một bản, bản kia tôi đem về trao tận tay cho Ðại tá Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 2.
Mỗi đêm tiểu đoàn tôi gửi về Pleiku bản tin đóng quân dưới bộ mã mới. Vì thế, từ ấy, chỉ có một mình tiểu đoàn tôi là không bị địch phát giác vị trí đêm và các vị trí dã ngoại.
Gần nửa thế kỷ sau ngày đó, chú Hoạ Mi 82 tức Trung úy Nguyễn Công Minh, trưởng ban truyền tin của đơn vị tôi vẫn chưa quên chuyện cái đặc lệnh truyền tin ngoại lệ này.
Và 40 năm sau chiến tranh, nhân một lần trò chuyện bằng điện thoại, cựu Chuẩn tướng Phạm Duy Tất đã hỏi tôi,
– Ngày đó Long có nghi thằng đại đội trưởng đại đội truyền tin của mình là Việt-Cộng không?
Tôi nói,
– Ðúng là chuyện trời sập! Thuở ấy ai mà dám nghi cho nó! Nó là dân gốc Lực Lượng Ðặc Biệt! Nó lại là đồ đệ ruột của Trường An! Trường An tin tưởng nó còn hơn ai hết. Sau này có lệnh của trung ương bắt các sĩ quan không tác chiến phải ra đơn vị hành quân, ít ra là sáu tháng, Trường An đưa nó đi tiểu đoàn nào vậy?
“Trường An” là biệt danh của Ðại tá (sau là Chuẩn tướng) Phạm Duy Tất. Ông Tất cười hì hì,
– Thì anh ta vẫn còn ở bộ chỉ huy chứ có đi đâu đâu! Ngày Pleiku di tản không rõ anh ta núp chỗ nào? Mãi về sau mới nghe đồn rằng anh ta là nội tuyến!
Tôi chợt nhớ ra, có một hôm anh đại úy này gặp tôi trong sân bộ chỉ huy, anh ta năn nỉ tôi ghi tên cho anh ta giữ chức đại đội trưởng một đại đội của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, nhưng chỉ trên giấy tờ thôi, còn bản thân thì anh ta vẫn làm việc ở Pleiku. Chỉ khi nào có thanh tra của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân Trung Ương hay Bộ Tổng Tham Mưu thì anh ta sẽ có mặt ở đơn vị.
Tôi không đồng ý giúp anh ta diễn cái trò ma mãnh này nhằm hợp thức hóa tình trạng chỉ huy tác chiến của anh ta; tôi khuyên anh ta hãy đi tìm người khác mà nhờ vả.
Thật là hú hồn! Nếu ngày đó anh ta không đòi hỏi được ở Pleiku mà vui vẻ tình nguyện vào chỉ huy đại đội thì có khi tôi đã mất đồn vào tay anh ta rồi!
Ai mà ngờ? Cả năm trước ngày Pleiku di tản, người cung cấp những đặc lệnh truyền tin và mật mã hàng tháng của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 2 cho địch lại là ông đại úy đại đội trưởng Ðại đội Truyền Tin Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 2!
Vào những năm sau Hòa Ðàm Paris, Việt-Cộng đã đẩy mạnh công tác xâm nhập từ chiến lược tới chiến thuật.
Ở cấp trung ương, đã có những gián điệp cấp cao của địch nằm trong Tổng Thống Phủ, trong Bộ Tổng Tham Mưu.
Vì thế ở Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 2 Pleiku có một tên nội tuyến cấp đại úy thì cũng không phải là chuyện lạ.
Thời gian này Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân nằm dưới quyền giám sát hành quân của Sư Ðoàn 22 Bộ Binh.
Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Ðoàn 22 đồn trú trong Căn Cứ Bình Tây 3 ở Hàm Rồng. Căn cứ Bình Tây 3 vốn dĩ là Camp Enari cũ, nơi từng là bản doanh của Sư Ðoàn 4 Hoa Kỳ.
Hầu như cứ cách hai, hoặc ba ngày, Chuẩn tướng Phan Ðình Niệm, Tư Lệnh Sư Ðoàn 22 Bộ Binh lại ghé Pleime thăm đơn vị tôi. Ông tướng này đã chịu khó bỏ ra hàng giờ để tỉ mỉ quan sát công việc thiết trí công sự phòng thủ, và điều quân trinh sát của tôi trong thời gian chuẩn bị cho một trận chiến chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Ông lấy làm lạ là tại sao giao thông hào của tôi lại đào sâu gần hai thước, cao quá một đầu, một với của người thường? Tại sao dưới giao thông hào tôi lại cho moi rất nhiều hàm ếch? Tại sao mặt đất lại rào thép gai chằng chịt khiến cho việc di chuyển từ lô cốt này, tới lô cốt kia cứ phải đi dích dắc tới chóng mặt?
Tôi đã phải từ tốn giải thích với ông Tướng rằng:
“Thưa Chuẩn tướng, sở dĩ giao thông hào phải đào sâu là để sự di chuyển được an toàn khi giao tranh. Hào sâu thì người ngồi trong hào khi bị pháo kích nghe tiếng nổ của đạn sẽ thấy nhỏ hơn, sẽ bớt sợ hãi hơn. Hàm ếch giúp cho lính an toàn vì có che chở. Nếu rủi có quả đạn delay (nổ chậm) rơi trúng hầm thì chỉ chết một người, không chết chùm như trường hợp tác chiến lộ thiên. Còn hệ thống kẽm gai chằng chịt là để chống Ðặc Công, lệnh của tôi là ban đêm nếu có tiếng súng nổ thì ai ở yên vị trí đó, người nào đi trên mặt đất sẽ bị bắn chết. Thói thường thì Ðặc Công sau khi xâm nhập sẽ chạy vòng vòng khắp nơi, ném bộc phá vào các lô cốt và nhà cửa. Gặp thứ hàng rào chóng mặt của tôi thì Ðặc Công chỉ có nước khóc ròng, làm sao mà chạy vòng vòng để ném bộc phá được nữa!”
Tướng Tư Lệnh nghe xong thì thấm ý, gật gù.
Thời gian này Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân được tăng cường thêm một tiểu đoàn của Trung Ðoàn 42 Bộ Binh để đảm trách nhiệm vụ phòng thủ vùng. Tiểu đoàn bộ binh này do Ðại úy Nguyễn Hữu Chấn chỉ huy, Ðại úy Chấn xuất thân khóa 21 Võ Bị, là khóa đàn em của tôi.
Tôi và Chấn cùng xuất thân từ Ðại Ðội B Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam. Tôi là một trong những đàn anh Khóa 20 đã huấn luyện chú Chấn, vì thế anh em tôi rất thân thiết, thương yêu nhau.
Tôi giao cho chú Chấn giữ an ninh vùng Bắc Pleime, còn tôi chịu trách nhiệm vùng Tây và Nam của căn cứ này.
Người chỉ huy trực tiếp của tôi và chú Chấn là Ðại tá Nguyễn Hữu Thông, Trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 42 Bộ Binh, Ðại tá Thông xuất thân từ Khóa 16 Võ Bị.
Mỗi lần vào thăm Pleime bằng đường bộ, niên trưởng Thông đều than phiền,
– Chu choa! Ði qua cái hàng rào “Bát Quái Trận Ðồ” của Long anh cứ chóng mặt muốn té!
Thấy thế tôi không khỏi bật cười,
– Ngày nào tôi cũng đi ra, đi vào cái trận đồ này mà vẫn còn bị chóng mặt, huống hồ gì niên trưởng là người lâu lâu mới tới thăm Pleime một lần.
o O o
Tri kỷ tri bỉ (biết ta, biết địch)
Thế rồi, vào một ngày cuối tháng 6 năm 1974, toàn bộ Trung Ðoàn 42 Bộ Binh đột nhiên rút khỏi vùng Bắc Pleime, thay thế là Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân và Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân trú đóng tại Căn cứ Hỏa lực 711.
Thời gian này nếu tính cả hai khẩu 155 ly đặt trong chi khu Phú Nhơn, thì khả năng yểm trợ của Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân chỉ mạnh bằng một nửa, so với hỏa lực cơ hữu của một trung đoàn bộ binh.
Ðây cũng là thời gian tôi bận rộn suốt ngày. Cả tháng trời tôi không dám bỏ đồn về Pleiku thăm hậu cứ lần nào.
Về phần an ninh khu vực trách nhiệm, lúc nào tôi cũng phải cảnh giác đề phòng một cuộc tấn công với quy mô lớn của đối phương có thể xảy ra bất thình lình.
Ðối diện với Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi là cả một sư đoàn bộ binh, một sư đoàn vận tải, một trung đoàn pháo, và một tiểu đoàn xe tank của địch.
Lực lượng hùng hậu và đáng sợ này của Cộng Quân ngang nhiên trú đóng trong vùng núi Chư Prong và thung lũng Ia Drang, chỉ cách Pleime hơn mười cây số đường chim bay.
Tôi ước tính, chỉ cần chưa tới hai giờ đồng hồ vận chuyển bộ, Cộng Quân đã có thể cắt đứt Tỉnh lộ 6C và bắt đầu vây hãm Pleime rồi.
Nếu so sánh tương quan lực lượng khi phải giao tranh thì Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân sẽ phải đương cự với một địch thủ có quân số đông hơn mình cả chục lần về nhân lực, chưa kể tới cơ giới và pháo binh.
Nhiều đêm, với điếu thuốc Lucky trên môi, một mình ngồi hàng giờ trên nóc lô cốt, tôi tự hỏi:
“Nếu địch tấn công Pleime thì mình sẽ đối phó cách nào đây?”
Sau nhiều đêm vắt óc suy nghĩ và cân nhắc, tôi mới tìm ra giải đáp:
“Muốn sống còn, tôi phải tránh bị đánh úp bất ngờ, phải biết khi nào địch bắt đầu triển khai chiến dịch để xin thượng cấp dự trù quân tăng viện. Phải cố gắng giữ đồn và trì hoãn chiến để chờ viện binh”.
No comments:
Post a Comment