BÁC SĨ VƯỜN KHÁM TRƯNG BINH THƯỢNG
Đồng bào sơn cước Sedang thuộc dòng Indonesien nói tiếng Môn Khmer, thường sống ở lưng chừng vách núi cao hoặc trong các thung lũng sâu. Mới ra chào đời đã phải tranh đấu với thiên nhiên nghiệt ngã, khi người Mẹ bồng xuống suối tắm rửa, dù cho bên ngoài mưa dông rét buốt. Càng lớn lên, cuộc sống gian khổ trong rừng sâu, bản năng sinh tồn, chống chỏi với thú rừng, với bịnh tật và thiên nhiên khắc nghiệt… càng tạo thêm cho họ sức đấu tranh dẻo dai bền bỉ. Đóng khố ở trần, tóc dài, răng cưa sát nướu, da ngăm, dáng người cao lớn vạm vỡ. Trong quân ngũ người lính Sedang với thân thể cường tráng, tánh khí mạnh mẽ, họ luôn là những chiến binh dũng cảm, tinh nhuệ. Có lẽ do hoàn cảnh sinh sống nơi rừng sâu nhiều sương lam chướng khí nên hầu hết đàn ông Sedang đều thích hút thuốc và uống rượu.
Đối với đồng bào Thượng, sau mỗi mùa gặt hái, việc đầu tiên là dùng lúa gạo thu hoạch được để nấu rượu, sau đó còn lại mới để dành ăn dần trong năm. Một khi có rượu là họ tổ chức những buổi họp để bàn chuyện nắng mưa, lễ hội đình đám, say sưa chè chén cùng bạn bè. Nói chung thanh niên Sedang rất khỏe mạnh nên việc khám trưng binh thường không có gì khó khăn, riêng nha sĩ thường không mấy hứng thú khi đi khám cho thanh niên loại nầy, vì đến tuổi trưởng thành, theo phong tục họ phải mài răng sát nướu, nhưng theo chỉ thị cấp trên, tổ chức khám trưng binh theo định kỳ là bắt buộc, tuy nhiên cũng dành thời gian cho những người đến trễ vì là họ bận rộn công việc trong rừng sâu như săn bắn hay làm rẫy ở xa làng. Theo kinh nghiệm của các vị chỉ huy quân sự trên vùng Cao nguyên thì đối với người lính Sedang, lễ hội trong thôn bản là một phần lẽ sống của họ, đó là cơ hội để họ nghĩ ngơi hội họp, nên những lần như vậy dù họ có được phép nghỉ hay không thì họ cứ trở về bản làng, sau khi cởi bỏ quân phục, để lại súng ống nơi doanh trại, rồi đóng khố băng rừng lội suối về cùng với dân làng, ăn uống no say kéo dài cuộc vui đôi ba ngày xong mới lò mò trở vào đơn vị.
Với nếp sống sơ khai nơi hoang dã, họ còn giữ nhiều tín ngưỡng nơi Thần quyền và Ma quỷ, liên kết với Thần rừng, thần núi, thần suối, thần hổ… Có những phong tục lâu đời được tuyệt đối duy trì như người sản phụ không được sinh nở trong làng mà phải ra sống trong một chòi nhỏ cất biệt lập giữa rừng, chỉ có người chồng vào ra mang cơm nước, ngoài ra không có thuốc men, bà mụ hay phương tiện giúp đỡ nào khác. Khi sanh xong, người Mẹ dùng một thứ lá rừng rất bén để cắt rún cho đứa bé, sau đó ôm con xuống suối tắm rửa rồi mới trở về làng. Đồng bào Thượng mỗi khi đau ốm hiếm khi đến Bác sĩ người Kinh, họ thường chạy tìm Thầy Mo mà họ rất tôn kính, xem như một vị trung gian giữ liên lạc giữa Thần linh và loài người. Họ tin rằng con người có nhiều linh hồn, thỉnh thoảng vài linh hồn lang thang rời khỏi thể xác, nhập vào cây cỏ thú vật nào đó để thơ thẩn dạo chơi rồi quên mất đường về, thế là người chủ linh hồn đó lâm bịnh, Thầy cúng được cầu cứu và dưới sự hướng dẫn của thần linh liền vào rừng sâu để gọi hồn đi lạc trở lại...
Đó là trường hợp bịnh nhẹ, còn nặng hơn thì do thân xác bịnh nhân có làm điều gì xúc phạm đến thần linh, nên bị thần linh trừng phạt, bắn trúng những mũi tên độc... có thể là dầm tre hay những gai nhỏ, Thầy Mo sẽ nhờ thần linh chỉ dẫn mà dùng tay hay răng để lấy ra. Có lần tôi được chứng kiến cách chữa bịnh nầy trong một Sóc Thượng, sau khi làm lễ giết vật để cúng thần, Thầy Mo lấy tay rờ mó khắp thân thể người bịnh và cuối cùng kê miệng vô hông bịnh nhân, mấp mấp một hơi rồi phun ra những hột nho nhỏ màu trắng như miểng chai. Thật tình cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi tại sao, nó giống như ảo thuật nhưng cũng không chắc là có bịp bợm ở đây. Tôi chưa bao giờ được một gia đình sơn cước nào mời đi chữa bịnh, những bác sĩ Tây Y như tôi sẽ thất nghiệp dài dài nếu dại dột mở phòng mạch trên miền heo hút nầy...
Người Thượng không cần Bác Sĩ, nhưng đối với người Kinh, nhất là những đồng bào sống quanh vùng núi non biên giới xa xôi hẻo lánh nầy, thì sự có mặt của một bác sĩ như tôi rất là cần thiết, đó là lý do tại sao tôi chọn nơi nầy để phục vụ, mặc dầu cuộc sống vật chất có thiếu thốn nhưng thoải mái làm việc theo nhu cầu chuyên môn, không miễn cưỡng và bị lệ thuộc vào những cung cách xã giao phiền toái.
Có những đêm khuya, bịnh nhân ở tận làng xa bị tức ngực khó thở, ngồi ho từng cơn mệt nhọc, phải cho người nhà chạy đến bịnh xá nhờ cấp cứu. Chưa quen nhiều với đường xá miền rừng núi, tôi mang vội túi đồ nghề chạy theo người dẫn đường dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn pin. Đường đê đầy hang lỗ khiến tôi vấp té mấy lần, gần đến nơi mới biết hai ống thuốc đều bị cấn bể phải chạy lộn về lấy thuốc khác, lần nầy rút kinh nghiệm lấy thuốc nhiều hơn, chia làm nhiều phần, gói cẩn thận, bỏ vào túi áo, túi quần, túi xách để an toàn, rồi chạy thụt mạng tới nhà bịnh nhân khám bịnh, dĩ nhiên lần nầy quen đường, tránh được mấy vũng lầy trơn trợt.
Sau khi nghe tim phổi, chẩn đoán bịnh, tôi tiêm thuốc thật chậm vào tĩnh mạch, đợi thuốc thấm. Chừng mười lăm phút sau, cơn suyễn của bịnh nhân bắt đầu hạ, hơi thở bớt khò khè, nói năng trở lại bình thường, cả nhà ai cũng lộ vẻ vui mừng. Tôi ngồi trông chừng bịnh khoảng 1 giờ, thăm khám lần nữa, thấy tim mạch huyết áp ổn định, đưa thêm thuốc cho người nhà, dặn dò cẩn thận cách cho bịnh nhân uống cách theo dõi nhịp thở, hẹn ngày giờ tái khám, có thể phải chuyển người bệnh về Kon Tum để chụp hình phổi… Sắp xếp đâu đó xong xuôi mới từ giả trở về trại.
Lần khác thì nửa đêm băng đồng, chạy như bay để cứu khẩn cấp những đứa trẻ lên cơn co giật, sốt thương hàn, kiết lỵ… trong xóm. Phải khó khăn lắm mới chuyền được nước biển vô đường gân tay quá mỏng mảnh của các em, có lúc phải sanh cho sản phụ giữa đường tải thương, hay giải phẫu dã chiến lấy mảnh đạn cho thương binh hoặc bó im xương gãy..., những công việc không thể trì hoản qua đêm được nên bất cứ khó khăn nào người thầy thuốc cũng phải hoàn thành. Cao nguyên thời tiết bất thường, sức khỏe cũng theo đó mà suy sụp biến chứng, người bịnh thường kêu gọi vào những đêm tăm tối, hay mưa gió tầm tả, tôi hiểu nổi lo âu sợ hãi của gia đình trước cơn đau đớn vật vả của người thân nên dù xa xôi, trở ngại do mưa lũ, tôi cũng đều tất tả chạy đến với họ.
Nhiều khi trên đường về, sương đêm ướt đẫm vai áo, gió núi lạnh cắt da, hoặc cả người loi ngoi trong mưa gió, tới nhà trời đã rựng sáng, giấc ngủ luôn muộn màng nhưng tôi không thấy mệt mỏi mà lại lâng lâng niềm vui tinh thần. Tôi nghiệm ra hạnh phúc đâu có xa xôi gì, nó quanh quẩn bên ta mỗi ngày, khi ta làm điều gì giúp cho người khác, mang lại sự bình yên, sức sống cho họ thì ta cũng được vui lây. Và tôi cảm thấy bằng lòng với công việc của mình trên vùng rừng núi mà mình đã chọn. Tôi thầm cám ơn Ba Má và chị tôi đã giúp tôi có được một chuyên môn dầu bé nhỏ nhưng cũng giúp ích được cho đời, cho những đồng bào thiệt thòi ở vùng đất địa đầu nghèo khổ nầy.
Lúc còn ở giảng đường, đọc những sách vở tài liệu trên thư viện, tôi thật ngưỡng mộ tấm lòng bác ái của những bậc lương y tiêu biểu như Alexandre Yersin, Albert Schweitzer, Tom Dooley’s… Những việc làm của họ âm thầm nhưng chứa đầy sức thuyết phục của một trái tim yêu thương nhân loại vô bờ, họ hy sinh cuộc sống mình vì một lý tưởng cao cả, phục vụ cho người nghèo khổ bằng chính khả năng của mình mà không hề so đo toan tính. Trên miền đất xa xôi hẻo lánh nầy, thỉnh thoảng có đoàn văn nghệ trung ương lên trình diễn, lúc đó là cả một ngày hội lớn của mọi người, từ binh lính trong doanh trại đến dân chúng địa phương, ai cũng hân hoan chào đón và nôn nao chờ đợi gặp mặt các ca sĩ thần tượng của mình.
Được vào cửa tự do, nên dân chúng chen nhau tràn vô chật cứng trong hội trường, thiên hạ quần áo tươm tất rủ nhau đi thật sớm để dành chỗ tốt, người đến trễ thì trèo lên cột đèn hay leo qua cửa sổ hoặc đu tòn teng trên những nhánh cây gần đó, làm sao cũng được, miễn dòm thấy sân khấu dù bằng một lổ nhỏ của vách tole lũng nát. Thành phố buồn tự dưng có một ngày vui.
Ban Văn nghệ trung ương Tâm lý chiến đóng ở bên kia cầu Thị nghè, từ Sài gòn lên hát phục vụ cho các tiền đồn heo hút vùng biên giới nhân dịp đầu năm, các ca sĩ trẻ rất duyên dáng trong tà áo dài thướt tha xanh đỏ, tô thắm thêm màu sắc rạng rỡ cho mùa Xuân miền sơn dã, những giọng hát ngọt ngào thu hút từng tràng pháo tay tán thưởng của khán giả, tiếng huýt sáo, la hét đầy vẽ phấn khích. Bên ngoài mấy nhánh cây người ngồi nặng oằn xuống muốn gãy, bên trong chen lấn xô đẩy khiến sàn gỗ cũng đong đưa muốn sập. Ban trật tự không làm gì hơn được trong không khí náo nhiệt nầy, chỉ lâu lâu thổi tu huýt cho xôm tụ….
Dưới ánh trăng mờ bên gốc thông già, tôi lặng lẽ lắng nghe tiếng hát từ xa vọng lại qua loa phóng thanh. “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu. . Mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên. . ”. Trình diễn xong, đoàn văn nghệ lưu động tiếp tục đi thăm các đơn vị đóng trong rừng sâu, mang theo chút hương vị ấm cúng của hậu phương ra tiền tuyến, khi đoàn văn nghệ về xuôi là lúc họ để lại nỗi ngơ ngẩn cho mấy chàng lính xa nhà vấn vương bóng hình các nàng ca sĩ môi hồng mắt biếc vừa mới thoáng qua.
Tôi không có khiếu văn nghệ như mấy bạn tôi bên Không quân, Nhảy dù… Xả trại ra là nhảy nhót hát hò, thơ văn đủ thứ… Chưa có bài hát nào dành cho đơn vị Quân Y, hay là tại nghề của chúng tôi khô khan quá, chỉ có từ bị thương tới chết nên không ai dám ca tụng. Những ngày rảnh tôi hay lang thang trong rừng, tìm gốc cây nào đó thanh thản đọc sách, hoặc ngó trời xanh qua kẽ lá để may ra làm được vài câu thơ trữ tình, hay rảo tìm mấy nhánh phong lan về treo quanh chỗ phòng khám cho có vẽ thơ mộng một chút, lan rừng đủ màu sắc tím vàng xanh đỏ, hình dáng cũng đa dạng, có hoa giống như cánh bướm, chim phượng, chiếc hài…
Lan rừng lâu tàn, hương thơm nhẹ nhàng thoang thoảng, mà người ta gọi là hoa vương giả, hoa quí phái. Đôi khi tôi cũng gặp hoa mai mọc ven bờ suối, năm cánh màu vàng nghệ xòe rộng giống như mai tứ quý. Được cành mai hay nhánh lan đẹp, tôi đều đem về chưng trong phòng làm việc để mọi người cùng thưởng thức. Tôi cũng thích vẽ phong cảnh, tuy không phải tay rành nghề nhưng cũng tàm tạm, coi như một cách giải khuây khỏi những bận lo thường kéo dài quanh năm suốt tháng. Nhiều khi ngồi làm việc, mắt nhìn lên những bức tranh trên tường trong bịnh xá tôi cũng cảm thấy đời đỡ buồn tẻ, bớt chút tái tê đi.
CHIẾN TRƯỜNG DAKHA
Vừa đi công tác về thì được Bộ Tư lịnh Sư đoàn báo tin có trận đánh lớn đang xảy ra gần biên giới Dakto, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 40 đang hành quân trên một cao điểm gần làng Dakha, khi xuống dốc thì bị phục kích, địch quân bố trí ba khẩu đại liên từ sườn đồi bên kia bắn sang như mưa, gây tổn thất nặng nề với hơn 45 lính tử trận và 50 người bị thương. Tiểu đoàn đang chống trả mãnh liệt. Nghe tin ấy, tôi cùng với hai anh QY lành nghề và một tài xế tức tốc lên đường, mang theo thùng dụng cụ giải phẫu dã chiến mới toanh. Đường rừng rất xấu nhưng chúng tôi vẫn chạy khá nhanh, vừa qua khỏi Tân Cảnh một đỗi thì gặp ngay đoàn xe của Trung tá Nguyễn Bảo Trị, Tư lịnh Sư đoàn vừa ở mặt trận về, ông ngoắc tay bảo tôi:
“Còn đang đánh nhau ngoài đó, trời tối rồi, đường đèo quanh co nguy hiểm, bác sĩ nên theo tôi về Tân Cảnh, chờ xe hộ tống rồi hãy đi”.
Với kinh nghiệm trong trận Dakrotah, tôi vắn tắt trình bày:
“Nếu ra được mặt trận sớm, may mắn còn có thể giúp những thương binh bị kích xúc, tránh được trường hợp phải cưa tay, cưa chân vì biến chứng trầm trọng do mất máu quá lâu hay bị nhiễm trùng, tôi xin được đi tiếp tục”.
Ông Trung Tá trầm ngâm giây lát rồi gật đầu, nhường chỗ cho xe cho chúng tôi đi qua..
Đối với các vết thương ngoài chiến trường, những vết thương ngực bụng lưng liên hệ với nội tạng bên trong rất đáng ngại, nhưng có những vết thương làm chúng tôi lo âu không kém là do chông tre đâm phải, cây chông có khi bị tẩm thuốc độc, hoặc cắm lâu ngày dưới đất dơ bẩn do chất phóng uế của súc vật. Khi chông đâm thủng qua da, lỗ vô không đáng kể nhưng đầu chông đâm sâu vô trong, làm hư mạch máu, gây nhiễm trùng nguy hiểm, có khi thịt bị hoại tử thối rửa dần phải cắt bỏ.
Mặt trời xế bóng, rừng già nhanh chóng đổi màu âm u, xe bắt đầu leo dốc ngoằn ngoèo, một bên vách núi cheo leo, một bên hố sâu thăm thẳm, gió luồn theo khe đá rít mạnh từng cơn, quang cảnh thật thê lương. Ngoài tiếng máy xe nổ đều đều, chỉ còn nghe tiếng chim rừng quang quác gọi đàn… Đang chạy ngon trớn thì xe bị lún sình ngay trên lưng chừng dốc, máy nín luôn khiến mấy thầy trò nhảy xuống ì ạch đẩy, đến chỗ hơi bằng phẳng một chút thử mở công tắc, lúc đầu còn xịt xịt sau đó trở lại bình thường, ai cũng thở phào... Đến đầu làng Dakla, tôi còn nghe nhiều tiếng súng cối hòa với những tràng đại liên nổ ầm ỉ bên kia đồi, cây trụ cắm bảng tên làng bị tróc gốc ngã nghiêng một bên do xe nhà binh tông nhằm hồi sáng. Đám tre rừng um tùm trước cổng bị phạt gần sát mặt đất, trơ gốc nhọn tua tủa như bàn chông. Khi xe lên đến nơi mới biết vũng lầy đó là do chiếc Dodge 4 bị cán mìn lật ngang, mới vừa được kéo đi nên để lại cái hố sình.
Thương binh đưa về nằm trong dãy nhà tranh sát bìa rừng, tôi đến đó cũng vừa kịp lúc, gặp Bác sĩ Trương Cao Thạch đang lui cui băng bó cho binh lính, thấy tôi anh kêu lên:
“Cung, mày lên thăm tao hả, có đem đồ nghề giải phẫu theo không? Trên nầy thiếu đủ thứ…”
Tôi cũng mừng khi biết anh ở đây, anh học trên tôi 2 lớp, khi ra trường anh đổi về Dakto, chúng tôi đã có thời kỳ làm việc chung rất tương đắc. Anh người miền Nam, tánh tình bộc trực, cởi mở với giọng nói rổn rảng, dáng người tầm thước mập mạp khỏe mạnh, một tay thiện xạ và huấn luyện tác xạ cho quân nhân, anh đúng là típ nhà binh tác chiến hơn bác sĩ Quân Y. Anh coi tôi như một đàn em thân thiết, anh hay kể với mọi người “Thằng Cung tánh nó đàng hoàng lắm, bởi vậy nó nói cái gì chí lý là tôi nghe theo. ” Là một sĩ quan gan dạ và từng trải, có lần lửa cháy gần khu gia binh của Trung Đoàn, trong khi mọi người nhốn nháo chạy tới chạy lui thì anh bình tỉnh kêu tôi:
“Ê Cung, tao chuyên môn chữa cháy kiểu nầy, thấy tao làm gì thì mày y vậy nhe. ”
Tôi chạy theo anh, đứng dưới gió cách ngọn lửa chừng 10 thước, chúng tôi bắt đầu đạp những ngọn lau cao khỏi đầu người cho nằm rạp xuống, chừa khoảng trống chừng 3 thước, quả nhiên lửa bén tới bờ lau bị đè bẹp thì ngừng lại. Bấy giờ mọi người mới múc nước giếng tát thêm dập tắt lửa, công việc trở nên dễ dàng.
Anh em gặp nhau trên chiến trường cũng vui, anh Thạch khoát tay nói :
“Thương binh tao phân loại hết rồi, may quá không có ai bị mảnh đạn vô bụng hay đạp trúng chông, vết thương phần lớn do đạn bắn vào tay chân, có cái sâu cái cạn, tao cũng đặt garrot cầm chừng cho mấy người bị mất máu nhiều quá. ”
Chúng tôi truyền nước biển, chích ngừa phong đòn gánh, thuốc giảm đau, lập giấy chứng thương... sẵn sàng để di chuyển thương binh.
Tôi đề nghị anh Thạch mượn một cái chõng tre đem ra đặt chỗ bằng phẳng ngoài sân, hai cái thau nhôm đổ đầy alcohol, để dưới gầm giường, một cái ngâm khử trùng dụng cụ chưa mổ, một cái ngâm dụng cụ đã dùng qua. Thương binh tuần tự được khiêng lên bàn mổ dã chiến đêm nay. Ban đầu pha đèn xe Jeep vào ngay vết thương, chúng tôi thay phiên nhau chăm chú làm việc, đến khuya, sương xuống càng lúc càng nhiều, đèn xe mờ dần phải dùng đến đèn pin. Hết pin lại đốt đèn cầy.
Cũng may là ông trời lúc đó đứng gió, như là ông muốn giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên cũng có những tình huống dở khóc dở cười xảy ra, như khi đang mổ bỗng nhiên nghe tiếng pháo kích nổ thiệt gần, bịnh nhân giật mình lăn tọt xuống đất, khiến chúng tôi phải xúm lại khiêng anh trở lên giường, an ủi họ rồi mổ tiếp. Có một thương binh bị mảnh đạn nằm khá sâu trong bắp đùi phải, tôi cẩn thận tiêm thuốc tê, chờ đợi vài phút cho thuốc ngấm rồi bắt đầu cầm dao rạch vết thương, nhưng khi lưỡi dao vừa chạm nhẹ vào da thì bịnh nhân rên lên, tưởng thuốc tê chưa đủ, tôi lại chích thêm liều nữa và chờ đợi, lần nầy vừa cúi xuống định rạch vết thương thì bịnh nhân lại thét to khiến tôi phân vân ngừng tay, thuốc tê là loại tốt (Xylocaine 1% có Epinephrine) mới lấy trong kho ra, chưa quá date.
Tôi liền hỏi người bịnh đau chỗ nào thì anh ta chỉ nơi đùi xa chỗ vết thương. Xem kỷ lại mới thấy sáp đèn cầy nhiễu lên da non bịnh nhân! Thì ra chú tài xế trẻ của tôi vì hiếu kỳ muốn chứng kiến tận mắt cuộc giải phẫu, nên khi tôi cúi xuống chỗ mổ thì chú cũng nghiêng người theo, báo hại bịnh nhân la làng vì sáp nóng.
Công việc tạm xong thì trời cũng vừa hửng sáng, sương mù tan dần, trực thăng bắt đầu đáp xuống để tản thương. Chúng tôi thay phiên lăn ra nghỉ mệt, đến trưa thì từ giã nhau, nhóm tôi về lại hậu cứ và anh Thạch ở lại với đơn vị tiếp tục cuộc hành quân.
BAN ĐÊM DI CHUYỂN BỆNH NHÂN VỀ QUÂN Y VIỆN PLEIKU
Một hôm trời đã tối, bỗng có anh lính trong đơn vị đau bụng dữ dội phía bụng dưới bên phải, cập nhiệt thấy cao, kèm theo ói mửa, giống như triệu chứng viêm ruột dư cấp tính, tôi khám lâm sàng và hậu môn thì chẩn đoán y như vậy. Bịnh xá không có điều kiện để thử máu, chuyển viện thì gặp khó khăn là giờ giới nghiêm, ra ngoài không có xe hộ tống sẽ rất nguy hiểm vì bị Việt Cộng phục kích. Nhưng đây là trường hợp khẩn cấp, nếu không mổ sớm, ruột bị lủng làm tràn dịch ra xoang bụng thì bịnh nhân khó mà an toàn tánh mạng.
Nghĩ vậy tôi quyết định cùng anh tài xế dùng xe Hồng Thập Tự của đại đội để tản thương. Đêm khuya đường xấu, gặp cơn mưa từ đâu ào xuống khiến chúng tôi cực trăm bề, nước mưa tạt ướt hết mọi người, xe gặp lầy lội chạy ngả nghiêng như say rượu, có lúc xuống dốc thắng gấp, xe quay ngược đầu thiếu điều muốn lật ngang khiến tôi lo bịnh nhân bị sốc mà tử thương dọc đường.
Thời may đến QYV Pleiku, đưa bịnh nhân vô phòng cấp cứu kịp lúc, tại đây tôi gặp bác sĩ Nguyễn Minh Huy, một đồng nghiệp quen thân từ hồi còn học chung năm thứ hai tại trường Petrus Ký, anh Huy khám và chẩn đoán đúng như tôi về trường hợp viêm ruột dư cấp tính của bịnh nhân nên anh cho làm các thủ tục tiền phẫu trước khi đưa vào phòng mổ. Việc chuyển bịnh coi như hoàn tất, chúng tôi cám ơn anh và trở về đơn vị sau khi uống vội tách trà hoa lài ấm tình huynh đệ chi binh của bác sĩ Minh.
Xe
chạy thong thả hơn, bên ngoài mưa vẫn còn lất phất, khí hậu ẩm ướt, gió
Tây nam lành lạnh buổi sớm mai, cảnh vật sau cơn mưa như trong sạch
hơn, cây cối được rửa lớp bụi đỏ nên xanh mướt hơn. Anh tài xế chạy
chầm chậm cẩn thận chú ý những đoạn đường trơn trợt đã đi qua đêm trước.
Chúng tôi về đến trại bình an, thay đồ đánh một giấc thẳng cẳng cho lại
sức, trong lòng mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ cứu người kịp thời, đúng
với trách nhiệm, chức năng của người Thầy thuốc.
Nguyễn Duy Cung
No comments:
Post a Comment