Wednesday, April 8, 2015

Bạn Tôi


 Ra trường chưa được ba năm phải đối diện với biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, khóa Đốc sự 17 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tan tác như đàn chim vỡ tổ, đây là khóa đông đảo nhất, có hai lớp A và B. Tháng tư và tháng sáu vừa qua, chúng ta đau buồn tiễn đưa hai người bạn đồng khóa thân yêu về nơi miên viễn với các căn bệnh thường xảy ra cho người lớn tuổi, lại có tin không vui về sức khỏe của vài người bạn khác. Biết cuộc đời là mong manh, vô thường nhưng sao khi nghe một tin buồn thế nầy, lòng chúng ta lại chùng xuống, thương tiếc mênh mang.
            May mắn thay, điểm xuyết vào màng tối u buồn nầy, chúng ta có vài niềm vui, niềm hy vọng của thế hệ nối tiếp làm lan tỏa những nụ cười tươi, trong đó mới nhất là tin cháu gái con của một người bạn vừa tốt nghiệp Thủ khoa High School và được hầu hết các trường Đại hoc nỗi tiếng của tiểu bang California nhận vào học, như các trường Stanford, UC Berkerley, UC L.A, UC San Diego…, quan trọng hơn nữa cháu được quỹ học bỗng Bill Gates trao tặng học bỗng toàn phần cho học trình Đại học từ 4 năm tới Tiến sĩ.
            Để nhẹ lòng bớt về những mất mát lớn lao của bạn bè mình, tôi xin kể lan man về chuyện đời của người bạn ấy, mà chắc chúng ta ai cũng gần gủi, thương mến, với những năm tháng nhọc nhằn, gian khổ, với mối tình đẹp như thơ, với hai cô con gái bé bỏng, xinh xắn, rất ngoan và học hành xuất sắc.
            Trong lớp, hắn là một tay lãng tử, dù hắn gần như chưa có mối tình nào lận lưng ở tuổi học trò, ngồi ở lớp B nhưng hình như các bạn lớp A cũng mơ hồ nghĩ rằng tay nầy học lớp mình, hắn làm bạn với tất cả mọi người, mới thấy hắn ngồi tán dóc ở ghế đá Ký túc xá với Quảng Tài, thoát một cái lại thấy hắn đang thụt bida với An gà gáy ở Câu lạc bộ, vài giờ sau thấy chàng thơ thẫn với vài người bạn khác ở phía trước thư viện Nguyễn Văn Bông. Chuyện trên trời dưới đất, chuyện trong nhà ngoài phố, chuyện trung, chuyện nam, chuyện bắc gì hắn cũng biết, chuyện rượu chè, bồ bịch của các tên khác hỏi đến hắn thì hắn kể rành mạch y như được chứng kiến từ đầu tới cuối, bạn bè rủ đi đâu hắn theo đó, tham dự vào mọi việc. Ưu điểm lớn của hắn là trí nhớ tuyệt vời và tài kể chuyện, đến bây giờ sau gần bốn mươi năm từ ngày nhập học nhưng hắn có thể kể vanh vách họ tên, ngồi ở chỗ nào, đặc điểm gì của từng người bạn trong lớp, một tấm hình cũ, úa vàng trong đó có năm bảy thằng sinh viên ốm nhách, mặt búng ra sữa chụp ngày nào, nếu có ai quên cứ đến hỏi hắn, hắn sẽ nói trúng phóc mỗi đứa với nụ cười kiêu hãnh tới mép tai của hắn. Còn về tài kể chuyện, thì từ những chuyện lãng nhách, không đâu vào đâu, hay những chuyện quan trọng, nhức đầu, khi tới miệng hắn sẽ trở thành những mẫu chuyện lý thú, có đầu có đuôi, có nhập có kết, khúc chiết cặn kẻ từng chi tiết như chính chuyện hắn không bằng với ngôn ngữ miền nam hiền hòa của hắn, đến nỗi mỗi khi hắn bước vào office của một thằng bạn thân, mọi người đều ngưng làm việc, miệng tủm tĩm cười để hòng nghe một câu chuyện nào đó của hắn, một thằng bạn thân khác sống quá lâu bên nhà quen với từ ngữ của xã hội mới gọi hắn là “trí tuệ Nam bộ” không biết có vừa ý hay không mà hắn cứ ngoặt miệng ra cười không ngậm lại được.
            Thông minh không kém ai, nhưng cuộc sống hắn lãng đãng, chơi là chính học là phụ, chuyện thiên hạ là chính, lo cho hắn là phụ nên khi ra trường hắn chỉ đủ điểm để được chọn về ngủ (5) Quảng hay Cao nguyên. Nghe lời một thằng bạn đẹp trai, cao ráo, hắn theo bạn chọn về một tỉnh có phố núi cao cao, có một làng đạo lâu đời, có những cô gái dân tộc cà răng căng tai, nhưng bù lại tỉnh lỵ nầy lại nỗi tiếng vì có nhiều thiếu nữ xinh đẹp, có thể vì do khí hậu thường se se lạnh hay vì niềm tin tôn giáo nên các cô thường có khuôn mặt tinh khiết, thánh thiện hao hao Đức Mẹ Maria.
            Chưa tới hai mươi bốn tuổi hắn đã là Phó quận trưởng, sau đó là Trưởng ty, đến hai mươi lăm tuổi hắn là Phó tỉnh trưởng, hắn thăng quan tiến chức vù vù, là Phó tỉnh đầu tiên và cũng là sau cùng của Đốc sự 17, nhờ bản lĩnh hành chánh của hắn nhưng điều quan trọng hơn là hắn gặp may và có lẽ điều may mắn nhất trong đời hắn là đã gặp được người vợ tương lai với mối tình tuyệt đẹp ở tỉnh lỵ đìu hiu nầy. Không biết chấm hắn từ lúc nào nhưng ông Trưởng ty Ngân Khố luôn luôn hổ trợ hắn, ông cụ vốn là một tu xuất, dáng dấp cao ráo và vô cùng hào hoa phong nhã, có một quá khứ khá lẫy lừng về tình ái. Sự hổ trợ nầy cũng không có gì to tát lắm: khi thấy xe của ông Phó quận đậu ở Ty Ngân khố để lãnh tiền phát cho nạn nhân chiến cuộc hay cô nhi quả phụ, ông cụ chỉ thị cho người cashier chọn cho hắn những xấp bạc mới tinh nguyên block, chỉ phải xem số thứ tự chứ không cần phải đếm, nên chỉ tốn chừng mươi mười lăm phút để nhận năm ba chục triệu, xong vào uống với ông cụ ly bia rồi tà tà về quận, hắn có thể phát thật nhanh với những tờ giấy bạc mới cứng cho người thụ hưởng mà không sai sót bao giờ.
            Từ công vụ chuyển sang “tư vụ” chắc cũng không khó khăn gì, vì hai đối tác cùng cấp, cũng như từ văn phòng Ty lò dò xuống tư thất ông Trưởng ty cũng không xa xôi gì mấy vì hầu hết đều nằm trong khuôn viên của Ty, tại đây hắn đã gặp được ái nữ của ông Trưởng ty, nàng năm đó chỉ mới mười bảy tuổi và được gia đình gởi đi “du học” tại Sàigon, hè và tết mới về lại nhà. Mùa Noel và Tết năm 1974 có lẽ là thời gian huy hoàng nhất của hắn vì lúc đó hắn đã là Phó tỉnh trưởng trẻ nhất nước và đã được phép đưa nàng đi lễ nhà thờ, ra mắt các Cha- dù hắn là người ngoại đạo, dung dăng dung dẻ, và đưa nàng đi đâu nữa thì chỉ có hắn và nàng biết…
            Đầu tháng 3 năm 1975 hắn về Sàigon công tác và nhân thể ghé về quê thăm nhà đặng thưa với hai cụ thân sinh xin cưới nàng. Đây là chuyến đi dài nhất trong đời hắn, kéo dài tới mười một năm hắn mới có dịp trở về đường xưa lối cũ, vì giữa tháng 3 Cộng sản đã chiếm được Ban Mê Thuộc rồi Kontum, Pleiku. Đến cuối tháng 3 thì một dãy non sông gấm vóc Việt Nam từ Quảng Trị đến Nha Trang và Cao nguyên đã lọt vào tay Cộng sản, đến 30 tháng tư thì chúng ta trắng tay, hắn đâu có còn cơ hội nào về lại nhiệm sở và chia tay lần cuối với người yêu…
            Cuốn theo vận nước, hắn giả từ những năm tháng “Trước là sĩ sau là khanh tướng” và mối tình thơ mộng ở vùng phố núi đầy sao, để luân lạc từ nhà tù nầy sang nhà tù khác, đầu tiên là trại 15 NV tại Long Thành, ở đây hắn đã gặp lại đông đảo bạn bè cùng khóa, họ từ vùng một địa đầu giới tuyến, vùng hai, vùng ba di tản chiến thuật, tháo chạy về thủ đô trước đây một vài tháng, hay vùng bốn yên bình để đi tìm một ảo vọng an toàn nào đó sau khi mất nước, với niềm hy vọng làm lại cuộc đời sau 15 ngày hay một tháng cải tạo, tất cả đều ngây thơ chui vào rọ một cách tự nguyện với từ ngữ mới “trình diện học tập cải tạo”. Thực sự Việt Cộng rất  bất ngờ khi chiếm được toàn miền Nam tháng tư năm 1975 nên họ chưa có một kế hoạch cụ thể nào đối với những người chiến bại, đặc biệt là đối với tầng lớp sĩ quan và viên chức trung cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa nên trong năm đầu tiên trại cải tạo thực tế chỉ là những nơi giam giữ những người bại trận, dù thế mặt trận chính trị của họ cũng mang lại hiệu quả đáng sợ. Nghĩ lại, chúng ta rất đáng tự hào với hàng ngũ cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, khi mất nước, bại vong hầu hết vẫn giữ được lòng tự trọng, tính liêm sĩ của kẻ sĩ dù đã mạt vận, việc quì gối nhục nhã, làm ăng ten cho kẻ thù đã không hề xảy ra, trong khi ở các nơi khác thì khá phổ biến, như có một nhạc sĩ chuyên viết những tình ca nỗi tiếng, xuất thân từ trường Luật, nhưng khi vào trại 15 NV đã viết những bản nhạc có những lời ca đại loại như: “Nay biết rõ những tội lỗi của mình, xin hứa quyết hối hận việc làm đã qua, bao nhiêu năm cúc cung tận tụy miệt mài, cứ ngỡ là mình yêu đất nước, đâu biết là  phản lại non sông…”. Những bài hát tung hô cách mạng và sám hối tội lỗi ra rả hằng đêm tại trại cải tạo 15 NV.
            Đến cuối năm 1976, hắn là một trong số 250 tù nhân khác của trại “du hành” ra miền Bắc trên chiếc tàu mang tên “Sông Hương”, ăn ị một chỗ dưới hầm tàu đến cả không khí để thở cũng không đủ và được đưa về giam giữ tại trại Phú Sơn thuộc tỉnh Bắc Thái. Mùa hè năm 1979, tất cả tù cải tạo chính trị của trại nầy được chuyển cấp tốc về trại tù nỗi tiếng Ba Sao, còn gọi là trại Nam Hà của tỉnh Hà Nam Ninh khi Trung Quốc lăm le tấn công vào các tỉnh phía Bắc để dạy cho chính quyền Cộng Sản Việt Nam một bài học. Các trại tù Phú Sơn, Nam Hà nầy khét tiếng về sự tàn bạo đối với tù nhân và sự đói khổ, cùng cực của nó.
            Trong tù hắn sống lặng lẽ, cam chịu, vì ốm đói triền miên nên thây hắn cao lênh khêng, xiêu vẹo, đến năm 1980 hắn gần như sụp đổ hoàn toàn, có một điều an ủi cho hắn là từ ngày chuyển trại ra miền Bắc đến giờ hắn đều ở chung một đội với Giáo sư Nguyễn văn Tương, thầy trò gần nhau, tâm đầu ý hợp dù đói dù buồn. Từ năm 1979 đã có chương trình thăm nuôi, nhưng hắn vẫn là một tù nhân mồ côi, vì nhà hắn bây giờ quá nghèo mà quê nhà thì xa lơ xa lắc. Mãi đến một buổi chiều cuối năm 1981, trời rét đậm, hôm đó không phải đi lao động vì là ngày chủ nhật và cũng là ngày thăm nuôi, tên hắn được gọi sau cùng, hắn ngỡ ngàng vì không bao giờ nghĩ rằng mình lại có người thăm nuôi, hắn kéo lê đôi chân bị tê thấp ra cổng trại và sửng sốt khi thấy mẹ mình đứng đón, bà cụ trông già yếu khẳng khiu, đứng run rẩy trong gió lạnh, cụ òa khóc khi thấy hắn, thằng con đầu lanh lẹ, dễ thương ngày nào, nay già hóp, đói rách, xanh xao, khập khểng. Hắn cố gắng ngăn dòng lệ chực trào ra để ngoặt miệng cười, nhưng nụ cười của hắn càng thãm hơn tiếng khóc. Cụ mang ra cho con mấy ký gạo, vài ký đường tán, nồi cá kho mặn và quả dưa hấu của miền quê hắn, cụ thấy hắn như ngọn đèn sắp tắt, sợ không gặp được con lần nữa nên vừa khóc vừa hỏi hắn có muốn “trối” lại điều gì không…. Ba mươi phút gặp mẹ qua thật nhanh, đến khi chia tay không kìm được, hắn òa lên khóc, mẹ cũng khóc. Trời sắp tối, mưa  phùn, gió bấc, không biết lòng buồn khổ thương con như thế nào mà cụ như người mất hồn, lặn lội trong đêm đi bộ xuyên rừng lần mò về ga Phủ Lý, đón tàu xuôi Nam.
            Đến năm 1982 hắn được chuyển về Nam, về trại Hàm Tân tỉnh Bình Tuy, ngồi trong toa tàu lửa nhếch nhác, phân cách với các toa khác, bị áp tải bởi Công An, tất cả tù nhân đều bị còng tay, nhưng khi nhìn qua cửa sổ, cứ qua mỗi ga xuôi về miền Nam hắn thấy như được trở lại thiên đường, đến ga Quảng Trị, rồi Huế hắn thấy sao mà thương yêu đến thế, đất nước của mình đây, tổ quốc của mình đây….Đầu năm 1984 hắn được tha ra khỏi trại. Gần ba năm phục vụ chế độ quốc gia, hắn trả giá bằng 10 năm bị đọa đày trong các nhà tù Cộng sản.
***
            Ông cụ đã ra tới ngõ nhưng rồi lại hấp tấp quay trở vào và vặn hỏi cô con gái vẫn còn đứng ở góc sân: “Nếu nó thực sự bị tàn phế con vẫn không thay đổi chứ? ”, cô gái lặng lẽ gật đầu, ông cụ vỗ nhẹ lên vai cô rồi rảo bước đi về bến xe tỉnh lỵ để lên đường vào Nam. Buổi sáng sương vẫn còn đọng trên những bụi hoa dại ven đường, nếu tàu xe thông suốt từ Kontum về đến Cai Lậy, Mỹ Tho phải mất ba ngày tàu xe. Ông cụ vừa đi vừa suy nghĩ vẫn vơ: Sau biến cố 1975 vì là Trưởng ty nên cụ phải đi cải tạo 5 năm, cô con gái lớn bỏ học phụ với mẹ làm ăn, mua bán để thăm nuôi cha và nuôi các em. Vì có nhan sắc và siêng năng, bặt thiệp nên có nhiều đám xin dạm hỏi, nhưng cô nhất mực từ chối. Mười năm đổi đời, mọi giá trị xã hội đều thay đổi nhưng cô con gái cưng của cụ vẫn không thể nào quên hắn, quên mối tình đầu của mình, cô se sắt đợi chờ. Trong năm đầu tiên, cô có nhận được vài lần thư của hắn, nhưng từ đó biền biệt bặt vô âm tín, mãi đến cách đây ba tháng cô nhận được thư của người em gái hắn báo tin hắn đã được ra trại và về sống tại Cai Lậy, quê ngoại của hắn, sau đó cô đã gởi thư cho hắn nhiều lần nhưng không có hồi âm. Tháng trước, có người quen của gia đình cô thỉnh thoảng đi buôn chuyến quả quyết rằng có nhìn thấy hắn ở Sài gòn, nhưng ông Phó tỉnh bây giờ bị liệt, chống gậy đi bán vé số dạo quanh hồ con rùa, không biết tin tức nầy có chính xác hay không nhưng thấy con buồn rầu khóc thương hắn, ông cụ quyết định phải vào Nam một chuyến để thăm dò thực hư ra sao, dù cô gái khẳng định với cha rằng cho dù hắn thế nào đi nữa cô vẫn thương hắn, vẫn không lấy ai khác ngoài hắn.
            Nắng tháng ba ở miệt quê hắn như đổ lửa, đã hơn bốn giờ chiều rồi mà vẫn chói chang, hắn xoay trần, vắt tay lên trán nằm buồn thiu trên võng, mẹ và các em còn đang chạy chợ chưa về, nhà trống trước trống sau, không tài sản, không việc làm, không tương lai…Hắn hoàn toàn bế tắc, đã hơn ba tháng kể từ ngày ra tù, hắn về sống với gia đình, nhưng cuộc sống mới nầy cũng không cho hắn một tia hy vọng nào. Nhiều lúc hắn nghĩ tới nàng, sau mười năm xa cách tình yêu của hắn với nàng vẫn còn nguyên vẹn, nhưng biết phận mình bây giờ hắn nào dám mơ ước xa xôi gì đâu, hắn cố quên nhưng nào quên được, nhưng hắn lại mong nàng quên hắn, người con gái chỉ có một thời xuân sắc mà nay nàng đã ngót ba mươi tuổi, chính vì thế mà từ ngày ra trại tới giờ hắn không dám viết thư cho nàng, kể cả khi nhận được lá thư rất thiết tha của nàng….Bỗng mơ hồ hắn nghe như có ai hỏi thăm nhà hắn, tên hắn, hắn choàng dậy và khi nhận ra ông cụ hắn ngỡ ngàng không thốt nên lời, ông cụ già đi nhiều, tóc bạc trắng nhưng hắn vẫn nhận ra ngay. Sau vài phút bỡ ngỡ, ông cụ và hắn ôm choàng lấy nhau, mừng mừng tủi tủi, tuy vậy hắn vẫn lấy làm lạ thấy ông cụ cứ nhìn chầm chầm vào chân hắn và mĩm cười vui vẻ, thì ra cụ thấy hắn ốm yếu nhưng vẫn liền lạc chứ có què liệt gì đâu. Lúc đó, mẹ và các em hắn về, vui mừng và cảm động với chuyến thăm bất ngờ của ông cụ. Tối đó hắn mời ông cụ một bữa cơm thanh đạm, nhưng rất thân mật. Sáng hôm sau, hắn đưa cụ ra tiệm ảnh của thị trấn chụp bức hình hai người để cụ gửi cấp tốc về cho cô con gái. Ba tháng sau (tháng 6 năm 1985) đám cưới của hắn đã được tổ chức.
            Hắn đưa mẹ và em gái ra Kontum để làm đám cưới. Hơn mười năm trước, thân sinh hắn rất ngại ngùng khi hắn thưa chuyện về nàng, vì nàng là người xứ ngoài, lại là người Công Giáo, nhưng bây giờ hai cụ và cả gia đình hắn rất cảm động vì biết nàng đã đằng đẳng đợi chờ hắn mười năm, tháo vát tảo tần chứ không còn là cô tiểu thư được cưng chiều ngày xưa.
            “Mười năm ấy bao lần sông đổi nước,
             Bãi dâu làng qua mấy lượt cát bồi
” …, 
                                                        Thơ Ngũ Hà Miên
            Nhà nghèo, cụ gom góp chỉ được 3000 đồng, đủ để đánh hai chiếc nhẫn cưới năm phân. Hắn bỡ ngỡ và hết sức cảm kích khi được hàng trăm nhân viên và những người quen biết cũ đến mừng đám cưới hắn. Có sống ở Việt Nam vào năm 1985 mới ý thức đầy đủ việc một Phó tỉnh trưởng trở lại nơi làm việc cũ của mình để lấy vợ, được đón tiếp niềm nở thân thiết, không sợ mạng lưới Công an thời đó, mới thấy hắn đã làm việc, đã cư xử với mọi người như thế nào thời hắn còn tại chức. Hắn vẫn  nhớ được mừng đám cưới 16 ngàn đồng, số tiền  thật to tát với hắn lúc đó. Nhìn tấm ảnh cưới của hắn, bên cạnh cô dâu tươi tắn, xinh đẹp, hắn cao nhồng, mỏng tanh, bộ đồ veston hắn mặc, chắc được may trong thời kỳ còn huy hoàng của hắn nay hắn diện vào, làm ta chợt nhớ đến đôi giày quá khổ mà danh hề Charlot vẫn mang.
            Nhưng sống trong một xã hội kỳ thị, gian dối và cùng khổ làm sao tồn tại được hình tượng một mái nhà tranh hai quả tim vàng, cuộc sống của hắn vẫn tiếp tục bế tắc và không còn con đường nào khác ngoài việc tìm đường vượt biên. Hắn vốn là người quảng giao, lại có thành tích ngụy quyền và tù tội nên nhiều người tín nhiệm hắn trong vai trò tổ chức. Hắn móc nối được khoảng sáu mươi người trong đó có vài cựu sinh viên QGHC, vài sĩ quan cấp Tá, một thượng sĩ hải quân để làm giám lộ, nhưng tên thượng sĩ nầy hiện đang bí mật làm việc cho Sở Công An nên chuyến đi đã bị giăng bẩy. Theo kế hoạch, có một ghe nhỏ chở người ẩn lánh lần lượt ra ghe lớn đậu cách đó khoảng một cây số, hắn không biết là tất cả những người được chở ra trước đều đã bị tóm gọn, hắn là người tổ chức, người điều hợp nên di chuyển sau cùng. Phút cuối, hắn linh cảm có điều gì đó bất ổn nên dặn một người bạn di chuyển trước hắn cố ý bỏ lại chiếc dép trên ghe nhỏ trước khi lên ghe lớn nếu an toàn, nhưng khi chiếc ghe nhỏ quay trở lại đón nhóm sau cùng, hắn không thấy chiếc dép ám hiệu nầy, hắn biết đã bị lộ, bị đưa vào rọ nên kéo cô vợ và bốn người còn lại ù chạy. Không dám về lại nhà, hắn chạy lên ẩn náu tại nông trường cao su ở Củ Chi, sống lén lút trong nhà của một người bạn nhỏ tuổi dạy học tại đây. Chuyến đi hoàn toàn thất bại, Công an tịch thu và chia chác tài vật của người vượt biên mang theo, phân loại và tống hầu hết mọi người bị bắt vào tù, hắn lọt sổ, nhưng hắn lại là một cựu viên chức cao cấp có mười năm cải tạo và là người tổ chức chuyến đi lại trốn thoát được, nên họ quyết tâm phải tìm mọi cách tóm cho được hắn, họ còn nghi ngờ rằng hắn là một điệp viên được cài lại.
           Vận đen vẫn cứ bám hắn, sợ gia đình lo lắng vì sự mất tích của vợ chồng hắn nên hắn đã bí mật báo tin về cho cha mẹ mình, ông bà cụ thương nhớ vợ chồng hắn nên tìm cách đi thăm nào biết rằng Công an đã thường xuyên lén lút theo dõi gia đình hắn và đã bí mật bám đuôi bà cụ khi cụ đi thăm hắn. Ngày hôm sau, một xe chở Công an trang bị vũ khí ập vào căn nhà ẩn náu của hắn, còng tay và bịt mắt vợ chồng hắn và chở về Sở Công an Tiền giang.
            Sau mười mấy tháng ra tù nay hắn lại trở vào tù, khác chăng là lần nầy là người vợ thương yêu của hắn cùng ở chung một nhà với hắn chỉ khác phòng giam. Hắn cắn răng chịu đựng những đòn tra tấn thừa sống thiếu chết của Công an, tụi gian ác nầy cố khai thác xem hắn có móc nối với điệp báo trong và ngoài nước hay không? Những đòn tra tấn dã man nầy không đưa đến kết quả mong muốn của họ vì thực sự hắn có làm gián điệp gì đâu, cuối cùng hắn được đối xử như một thường phạm. Sau hai năm thấy hắn hiền hòa, đàng hoàng lại có trình độ nên họ bố trí hắn coi kho gạo tại trại tù Mỹ Phước, trực thuộc Công an Tiền Giang, thời gian sau nầy cuộc sống trong tù của hắn tương đối dễ thở hơn, được ăn no, được những tù nhân khác thương mến vì tính tình hiền hòa và hay giúp nguời của hắn. Còn vợ hắn, chị được tha ra sau sáu tháng vì chị không biết gì về tổ chức vượt biên của hắn, giấy ra trại của chị ghi được tha về địa chỉ ở Kontum vì chị không có hộ khẩu ở Tiền Giang, quê hắn. Nhưng chị cố nài xin được về Cai Lậy, Mỹ tho với lý do xin được ở gần để đi thăm nuôi hắn, cảm động vì tấm lòng của chị đối với chồng, viên sĩ quan an ninh phụ trách nội vụ đồng ý cho chị về quê chồng. Đến đầu năm 1989, hắn lại được tha sau 3 năm tù tổ chức vượt biên.
            “Khi tôi về, có con chim……”, bây giờ hắn đã bốn mươi tuổi, ngày trở về ông cụ thân sinh đã nói với hắn: “Con nay đã có tuổi rồi, ai cũng có số mệnh cả, thôi con hãy cố gắng sống an phận như mọi người ở đây, bôn ba không qua thời vận…” Lúc đó hắn thất chí, mỏi mệt, chán chường nên lặng lẽ nghe lời ông cụ, và con gái đầu lòng của hắn ra đời tháng 11 năm 1989 cũng theo sự lặng lẽ...hằng đêm nầy của hắn. Hồi đó người ta đồn rằng ai ở tù lâu năm, thường bị teo cò, nhưng kinh nghiệm thực tế của  hai người bạn chúng ta là hắn và một người bạn khác thì ngược lại, vì ngày hắn ra tù cộng thêm chín tháng nữa là vừa đúng ngày sinh nhật của cháu bé vừa tốt nghiệp Thủ khoa Trung học như đã nói ở trên. Còn một người bạn khác với mười chín năm tù, qua Mỹ bảy năm sinh liền ba nhóc, vừa trai vừa gái, cái đó gọi là…nung nấu, hun đúc chứ làm gì có chuyện kiệt lực.
            Thời gian nầy hắn theo gương Luu Bị bán chiếu thời Tam quốc bên Tàu, hắn trở thành anh hàng guốc. Vợ chồng hắn mở một sạp bán guốc dép tại chợ Cai Lậy, vợ hắn tháo vát, siêng năng, cửa hàng hắn ngày càng khấm khá, hắn thỉnh thoảng lại lên Chợ Lớn bổ hàng và trong những ngày hắn hồi sinh nầy, tôi may mắn được gặp lại hắn, hai thằng bạn sồn sồn nầy thường xoay trần nhậu với nhau, hắn khoái nhậu mà khi đã nhậu thì tới bến nhưng khổ nổi là tửu lượng bây giờ của hắn chỉ làng nhàng nên hắn xỉn liên tục. Ngoài việc đi bổ hàng và thỉnh thoảng thế vợ ngồi rung đùi ngoài chợ, hắn có một niềm vui nho nhỏ là hằng ngày hắn lóng phèn lọc sạch nước cho vợ hắn tắm, vì dù sống ở quê hắn đã gần năm năm, nhưng chị vẫn không quen được với màu nước đục ngầu của dòng sông Tiền.
             Đến năm 1993 gia đình hắn được định cư ở Mỹ theo chương trình HO, cháu bé thứ hai rất dễ thương của hắn ra đời năm 1997.
            Miên man nghĩ về hắn, với gần mười lăm năm luân lạc trãi qua bao khổ đau như thân phận nàng Kiều, tôi lại nhớ tới đoạn văn kết của Sô lô khốp trong cuốn Sông Đông Êm Đềm…“ Năm tháng sẽ qua đi, chiến tranh sẽ chấm dứt, bão táp cách mạng sẽ thôi gào thét, chỉ còn lại không phôi pha tâm tình em nhẫn nại dịu dàng, chan chứa niềm yêu thương…”
                   Ngô Xuân Vũ

No comments: