Saturday, December 5, 2015

Hải Quân Đại Úy Mỹ Mayerkord

 Hải Quân Đại Úy Harold Dale Meyerkord (1937-1965.)

Tác giả: Vũ Đoàn
Bài số 3691-17--30191vb7120515

Tác giả tên thật là Đoàn Q Vũ, sĩ quan Hải quân VNVH, cựu tù cộng sản, hiện là cư dân vùng Little Saigon. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Vượt Biển Bằng Thuyền Buồm” đã phổ biến. Bài mới, kể về người Sĩ Quan Hải Quân Mỹ duy nhất bị tử thương ở chiến trường Việt Nam. Mong tác giả tiếp tục viết và bỏ dấu chính xác dùm bút danh của ông.

* * *
Khi đặt chân lên nước Mỹ tháng 3/1984 có hai điều làm cho tôi đứng lặng người để thấy là mình vẫn còn sống thật với chính mình.
Ngày 30/4/1984 tôi được thấy lá Quốc Kỳ và nghe Quốc Ca VNCH tôi mới biết mình sống lại với linh hồn dân tộc VN vì khi đi tù Cộng Sản tôi đã coi như mình đã chết rồi.
Sau đó mấy năm tôi được dự lễ Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Nhìn Tượng Đài mà tôi ứa nước mắt. Tượng Đài này làm tôi nhớ hình ảnh một Cố Vấn Mỹ từng sát bên tôi trong trận chiến năm xưa. Người bạn thân tình ấy đã ngã gục và chết trong vòng tay tôi: Hải Quân Đại Úy Meyerkord.

Giang Đoàn 23 Xung Phong

Tôi được thuyên chuyển đến Giang Đoàn 23 xung phong đóng ở Vĩnh Long từ tháng 9/1964 làm Sĩ Quan Giang Đỉnh.
Qua 1965, tình hình chiến sự thay đổi quá nhanh, CS đã tăng cường người và vũ khí ào ạt vào Miền Nam VN.
Đầu năm 1965 khi đi tuần tiễu đêm, tôi đã bắt được một ghe chở hơn một tấn đạn dược đủ loại từ Bến Tre qua cù lao Dài để tiếp tế cho Vĩnh Bình (Trà Vinh). Trong buổi đến Giang Đoàn để khen thưởng Thiếu Tướng Dương Văn Đức Tư Lệnh Quân Đoàn 4 thời đó, có nói với Đô Đốc Chung Tấn Cang Tư Lệnh HQ bằng tiếng Pháp (chửi thề) “Không biết mấy thằng CS muốn cái gì mà chúng đưa hằng Sư Đoàn cán binh vào Miền Nam”.
Cuộc truy kích Cộng sản miền Bắc xâm nhập trở nên ráo riết không ngừng nghỉ. CS địa phương cũng liên tục đánh phá các đồn bót ở Tiểu Khu Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sa Đéc, Bến Tre, Cao Lãnh.
Hải Quân Đại úy Meyerkord đến Giang Đoàn trước tôi khoảng 2 tháng 13/7/1964. Ông còn rất trẻ, vui tánh, thích làm quen với chúng tôi. Chúng tôi ở cùng 1 dãy phòng dành cho Sĩ Quan. Tôi ở sát phòng với Cố Vấn Mỹ nên khi về căn cứ tôi hay ra trước hành lang tán dóc, Đ/úy Meyerkord cũng thích ra ngối nói chuyện cho vui. Đôi khi ông còn mời tôi ra quán Bar ngoài phố làm vài lon bia, ở quán Bar ông rất đứng đắn không thích đùa dỡn với gái. Quen thân một thời gian sau ông nói với tôi ông là người Mỹ gốc Đức và là con 1 Giám Đốc Ngân Hàng ở Mỹ, khi nào có dịp sang Mỹ ông sẽ giới thiệu tôi với gia đình ông ( dịp này sẽ không bao giờ có, xin hẹn lại kiếp sau).
HQ/Đại úy Meyerkord đã dự hầu hết các cuộc hành quân của Giang Đoàn và đã giúp Giang Đoàn rất nhiều khi Giang Đoàn bị địch tấn công, ông gọi máy bay yểm trợ và cấp cứu rất nhanh.
Ông đã hướng dẫn một nữ phóng viên báo National Geographic đi theo tàu hành quân để chụp ảnh và viết phóng sự Delta River đăng trên báo năm 1965 có hình tôi đứng trên chiếc FOM
Có lần ông hỏi tôi “Sao tôi thấy trong các cuộc hành quân anh thường đi tàu nhỏ và đi đầu?”, tôi trả lời “Tôi đã đọc cuốn BỨC TƯỜNG THÀNH DO THÁI có viết là Sĩ Quan phải dẫn đầu để cho lính theo sau. Tôi bắt chước họ nên khi hành quân anh Hạ Sĩ Nhất Lợi đi đầu ở cánh phải thì tôi đi bên cánh trái”.

Trận chiến không thể quên

Giữa năm 1965 một đại đội Địa Phương Quân đóng ở gần cửa sông Hàm Luông (Tỉnh Bến Tre) bị một tiểu đoàn VC tấn công trong nhiều ngày, đồn cố thủ để chờ tiếp viện. Đường bộ bị phá không đi được, Tiểu Khu Bến Tre phải cần tới Giang Đoàn để tiếp cứu. Chúng tôi đến Tiểu Khu Bến Tre rất sớm đợi đón quân, nhưng Tiểu Khu còn do dự vì có tin tình báo VC sẽ dùng kế “Công Đồn Đã Viện” và lực lượng VC có thể là cả Trung Đoàn có súng nặng.
Tiểu Đoàn mà chúng tôi đến đón là 1 tiểu đoàn vừa mới thắng lớn, Tiểu Đoàn Trưởng và các Đại Đội Trưởng đều mới thăng cấp đặc cách một cấp tại chiến trường.
Mãi đến 11 giờ chúng tôi mới đón xong 4 đại đội lên 4LCM8. Giang Đoan bố trí độ hình như sau:
1 - 2 FOM (tiền phong đỉnh) đi đầu.
2 - Chiếc Command chở Chỉ Huy Trưởng/ Giang Đoàn, Cố Vấn Mỹ và Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn.
3 - 4 LCM 8 chở quân.
4 - Chiếc Combat có tôi đi hộ tống.
5 - Sau cùng là 2 FOM
Đoàn tàu đi khoảng 2 giờ thì bị phục kích. VC dùng đủ loại súng bắn xối xả vào tàu. Chúng tôi thấy rõ cả Lance bom, B40 bay trên mặt nước. Chúng tôi phản kích ngay lập tức. Sau nửa giờ tấn công tiếng súng địch im dần. 4LCM 8 đều bị trọng thương phải ủi vào bờ. Chiếc Combat bị 1 trái đạn lọt vào phòng ngủ phát nổ hất tôi đứng trên sàn tàu té nhủi vào ụ súng 81. Thuyền Trưởng Th/sĩ Trâm đang điều khiển cây 40 ly trước mũi tàu vội chạy đến đỡ tôi dậy xem tôi có bị thương không? May tôi không bị thương nặng. Chúng tôi dùng toàn bộ hỏa lực để trấn áp lực địch.
Nửa giờ sau đã có 4 phản lực cơ đến oanh tạc dữ dội, tất cả hầm hố của địch đều bị đào xới, hàng cây dọc bờ sông chỉ còn trơ thân xác khẳng khiu. 2 giờ sau có 1 Tro chiién Hạm LSSL, Hạm Trưởng Nguyễn Văn Dinh đến tiếp viện. Chúng tôi chạy sát bờ phía VC ẩn núp, đặt ống dòm chúng tôi thấy sâu trong đất liền, những hố bom và cả một vùng đổ nát dọc theo bờ sông. Giang pháo hạm tiếp tục bắn phá những nơi nghi ngờ còn VC ẩn nấp.
Chính Đại Úy Meyerkord đã gọi phản lực, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn lo cấp cứu tàu bị nạn, chiếc nào còn chạy được ráng lết về Tiểu Khu chở theo thương binh. Tôi ở lại với chiếc Combat và 2 FOM để bảo vệ cho tàu chìm. Một tuần sau mới kéo hết tàu hư về Thủy xưởng để sửa chữa.
Sau trận này Đ/úy Meyerkord được đề nghị tặng thưởng 1 Silver Star.
Tôi nghiệm thấy lời ông tướng Dương Văn Đức nói trên đây là rất đúng.
Khoảng một tháng sau, tôi được đi tuần tiểu vùng Vĩnh Bình, đoàn tàu tôi gồm một LCM 8 + hai FOM + hai LCVP 8. Tôi ra tới cửa sông Cổ Chiên ghé lại Duyên Đoàn 35 do anh Nguyễn Kim Trọng mới đáo nhậm để thăm và nghỉ lại đêm.
Lúc 6 giờ sáng anh vô tuyến viên nhận được một công điện Hỏa Tốc bảo tôi phải mở máy PRC25 ở tần số được cho để liênlạc với máy bay Trinh Sát Mỹ trong vùng. Khi mở máy tôi mới biết có một tàu lạ ngụy trang bị theo dõi từ Côn Sơn vào đến gần cửa sông anh còn cho tôi tọa độ tàu lạ (cũng may là lúc học ở Trung Học tôi bị ba tôi bắt đi học thêm Anh Ngữ nên tôi mới nói được chút Tiếng Anh giọng Người Anh vì thầy tôi là thông tín viên của báo Hồng Kông, ở trường lúc đó tôi chỉ học Anh Ngữ hai giờ một tuần).
Lần theo cửa sông ra biển, khoảng 9 giờ sáng tôi thấy 1 tàu sắt cỡ trung bình (25m*5m) ngụy trang bằng cành cây trên boong tàu. Tôi ra lệnh tác xạ, tôi chỉ bị phản pháo nhẹ trong bờ vì bờ là một rừng cây tràm sâu cả 100m. Tàu bốc cháy, tôi cho tàu tôi cặp tàu VC để chữa cháy và khám xét. Lục xuống dưới hầm tàu chúng tôi thấy không biết bao nhiêu là súng còn mới tinh bọc trong giấy dầu.
Tôi đánh công điện báo cáo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân/HQV4/SN và Giang Đoàn.
Khoảng 11 giờ thì có 1 Trợ chiến hạm của vùng 2 Duyên Hải đến gặp tôi bảo tôi hãy về Giang Đoàn, nhiệm vụ của tôi đã hoàn tất.
Lúc trở về là lúc nước lớn. FOM nhỏ và nặng đi trong sóng lớn rất là nguy hiểm tôi phải cho tăng cường người tát nước nếu không tàu sẽ chìm. Mãi đến 10 giờ đêm tôi mới về đến Vĩnh Long.
Sáng hôm sau, ông Meyerkord chạy qua phòng tôi hỏi thăm về việc bắt tàu VC, tôi kể sơ sự việc và tặng ông 1 cây K54. Ông ôm tôi và nói: “Oh, My Brother”.
Tôi được giấy phép 3 ngày về SG chơi. Tôi dấu 1 cây K54 đưa cho anh Công Tùy Viên Tư Lệnh Hải Quân để làm quà cho Tư Lệnh.
Về đơn vị tôi được lệnh công tác biệt phái một tháng ở Tân Châu. Trong thời gian này tôi được báo là ông Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn bị thương. Mãn công tác tôi trở về đơn vị, tôi được lệnh dẫn tàu qua Cần Thơ để dự lễ trình diện súng tịch thu được trên tàu VC. Nhưng khi đến Cần Thơ, tàu tôi chỉ được đậu tại bến và không được lên bờ.
Đến trưa có một người Mỹ đến tìm tôi, tôi rất ngạc nhiên, tôi hỏi anh đến tìm tôi có việc gì? Anh nói: “Anh là người theo dõi tàu VC từ Côn Sơn tới cửa sông Cổ Chiên và là người đã liên lạc với tôi, để tôi tìm ra tàu VC. Nhưng nay thì không thấy ai nói gì tới anh hết, anh rất lấy làm buồn.”
Tôi nói: “Không sao, tôi có quà cho anh. Tôi lấy 1 cây K54 tặng anh, mắt anh sáng lên, ôm lấy tôi nói liên tiếp “Thank you, Thank you”.
Không biết ai báo cáo mà sau này an ninh Hải Quân còn theo dõi điều tra xem tôi còn cất dấu súng nữa không!.
Ngày định mệnh 03/16/1965
Chúng tôi nhận được lệnh hành quân tại một địa điểm bên trong sông Măng Thít thuôc Quận Vũng Liêm. 8 giờ sáng đã nhận xong 1 tiểu đoàn lên 4 LCM 8, có 4 FOM hộ tống. 11 giờ đến địa điểm đổ quân. Chỉ huy Trưởng bị thương nên Chỉ huy phó đi thay. Đổ quân xong, chúng tôi ngồi trên mui LCM 8 để liên lạc hành quân, các tàu rải đều, ủi bãi cả hai bờ sông.
Trên mui tàu LCM 8, tôi ngồi ngoài cùng, kế đó là Đ/úy Meyerkord, Thượng Sĩ Mỹ và ông Chỉ Huy Phó Hoàng Thế Thái. Khi bộ binh đi được nửa giờ thì toán VC phục kích dưới hầm ngay chỗ tàu tôi đậu lia súng bắn nhiều loạt đạn lên tàu rồi bỏ chạy. Chúng tôi phản pháo ngay tức khắc. Nhưng than ôi ! viên đạn đầu tiên bay ngang tai tôi, viên thứ hai trúng vào Đ/úy Meyerkord, kế tiếp Thượng Sĩ Mỹ bị thương nơi vai, ông Thái vô sự.
Ông Thái gọi bộ binh trở lại bọc hậu để chận địch, gọi trực thăng phản kích và cứu thương.
Đại úy Meyerkord bị trọng thương máu tuôn xối xả, tôi ôm chặt Đ/úy vì ông dãy dụa rất mạnh, nếu buông ông ra ông sẽ bị té xuống sông ngay.Trực thăng đến, y tá kiểm soát khắp mình tôi vì thấy người tôi dính đầy máu từ đầu tới chân nhưng không có vết thương nào nên vội đưa 2 người Mỹ đi cấp cứu.
Hải Quân Đại úy Meyerkord đã tắt thở trên máy bay lúc 12 giờ ngày 03/16/1965. Ông được Hải quân Mỹ nói là “He cited as the First Naval officer to be killed in Việt Nam.” Nhưng thật ra đã có 1 HQ Đại úy khác là Lieutenant Bruce C Farrell và 12 binh sĩ đã chết trước đó nhưng là vì rớt trực thăng.
Bẩy năm sau khi Meyerkord tử trận, một chiến hạm mang mang tên ông hoat động quanh bờ biển Việt Nam.

blank
Bẩy năm sau khi Meyerkord tử trận, 
USS MEYERKORD (DE-1058), một chiến hạm 
mang tên ông hoat động quanh bờ biển VN.

Theo tài liệu, ông đến Giang Đoàn ngày 13/7/1964 và ông mất ngày 16/3/1965, như vậy ông chỉ ở Giang Đoàn có 8 tháng 3 ngày mà dự hơn 10 cuộc hành quân là vô lý. Theo tôi nghĩ ông phải ở hơn 1 năm 8 tháng, vậy ông phải mất năm 16/3/1966 mới đúng. Tôi cũng vậy mấy tháng sau tôi rời Giang Đoàn năm 1966.
Sau 50 năm ngày ông mất đối với tôi không còn là điều quan trọng, có quan trọng chăng là hình ảnh của ông vẫn còn ẩn hiện trong tim tôi khi tôi viết những dòng chữ này.
Ông là con nhà giàu tại Mỹ, lại không trốn quân dịch, không phản chiến, đã hy sinh để bảo vệ Độc Lập Tự Do cho một nước xa vời nửa vòng trái đất, đó mới là điều đáng nói.
Tri ân 59 ngàn người bạn đồng minh đã hy sinh cho nước Việt Nam. Mọi sự kiện đều có 2 mặt. Tôi rất buồn việc một số người Mỹ đã quên đi sự hy sinh mạng sống của đồng đội, giao miền Nam cho CS miền Bắc.
Chiến tranh Việt Nam do Cộng sản gây ra đã khiến 3 triệu người chết. Sau 30/4/1975, cho tới nay, đã có thêm có 4 triệu người bỏ nước ra đi lánh nạn cộng sản, hai triệu người chết trên biển ca, cộng thêm 300 ngàn người đi tù CS.
Vậy mà vẫn còn một số người “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Cánh cửa về VNCS nay đã rộng mở, ai muốn về thì cứ về. Xin các ngài để cho Cộng Đồng Tỵ Nạn được yên ổn làm ăn.

Vũ Đoàn

No comments: