Thursday, May 6, 2021

Xuân Lộc tháng Tư 1975 (Kỳ 8 & 9 &10) - Triệu Phong dịch thuật -

 

  • Thiết vận xa M-113 và xe tăng M-48 ở tuyến phòng thủ.
     (Wikipedia Commons)

    Bên mé sườn phía nam của Trung Đoàn 52, sau khi chận đứng nỗ lực bắt liên lạc lần thứ hai với trung đoàn này của Tướng Khôi, vào giữa trưa, Trung Đoàn 33 BV lại bắt đầu tấn công ấp Nguyễn Thái Học, nơi thành phần còn lại của 5 Thiết kỵ và Trung Đoàn 52 NV đang trấn đóng. Đối mặt trước lực lượng địch quá đông, vào lúc 6 giờ chiều, trung đoàn trưởng 52, Đại Tá Ngô Kỳ Dũng ra lệnh thực hiện một cuộc triệt thoái đêm về phía phòng tuyến bạn. Chiến đấu gần như đến viên đạn cuối cùng, các tay súng trên Đồi Móng Ngựa rút lui và tái nhập với Tiểu Đoàn 3. Vào lúc 6:30 pm, Đại Tá Dũng dẫn một đoàn công voa ra khỏi ấp Nguyễn Thái Học, trong khi Tiểu Đoàn 3 xé lẻ đi riêng. Một sĩ quan VNCH phát biểu, “Chúng tôi không thể làm gì được. Phe CS pháo chúng tôi hằng ngàn quả, hằng ngàn. Rồi sáng nay họ tấn công chúng tôi với hai trung đoàn bộ binh. Tổn thất phía chúng tôi không phải nhỏ, bởi thế chúng tôi phải chạy băng rừng để thoát thân.” Đêm đó pháo binh CS pháo vào Xuân Lộc thêm một ngàn quả nửa để ngăn không cho SĐ 18 và Lữ Đoàn 1 Dù tiếp trợ cho Trung Đoàn 52.

    Mặc dù gặp sự kháng cự quyết liệt của SĐ 18, phe CS điều động được khinh binh len lỏi xuyên qua các lùm cây để đánh vào sườn quân NV. Điều được rêu rao như là chiến thắng lớn của hai ngày vừa qua nay bỗng nhiên bị đảo ngược. Sau ngày 9 tháng Tư, quân Miền Nam thất bại không khai thông được QL 1 dẫn đến Xuân Lộc.

    Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn lập tức áp lực Trung Đoàn 8 thuộc SĐ 5, vốn đang đóng ở phía bắc Sài Gòn, phải hợp sức với Lữ Đoàn 3 Thiết kỵ hòng khai thông QL 1. Chỉ huy bởi Trung Tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng, đơn vị được chở bằng xe vận tải phải mất bốn tiếng để đến Hưng Nghĩa, nơi họ nhập với Thiết kỵ 3 của Tướng Khôi. Đến đây thì Tướng Khôi cho Lực Lượng Đặc Nhiệm TF 322 theo trung đoàn của Tr/tá Hùng đi khai thông quốc lộ, trong khi đó một lần nữa ông từ Đồi 122 tiến mạnh tới trước. Binh sĩ NV chạm trán nhiều lần với Trung Đoàn 95B và SĐ 6 BV tại hai ấp Hưng Nghĩa và Hưng Lộc ở phía tây Dầu Giây, nay đang vườn không nhà trống. Mặc dầu tấn công liên tục, Nam quân vẫn không lấy lại được ngã ba từ tay quân cố thủ BV. Tr/Tá Hùng phát biểu, “Quân Cộng Sản lập chừng mười trọng điểm, mỗi cái được chốt kỹ bởi một trung đội mới được tăng viện. Không thể nào chọc thũng được.” Nhiều phóng viên ngoại quốc bị thương sau khi mạo hiểm đến tận Hưng Nghĩa để săn tin, ngoài ra nhiều thường dân bị quân CS pháo kích chết khi họ bị chận lại tại các điểm kiểm soát trên QL 1. Sau nhiều ngày giao tranh, SĐ 341 tiến vào thay thế cho Trung Đoàn 95B và SĐ 6. Đồng thời bốn khẩu pháo 130 ly của quân CS được tăng cường thêm bởi một khẩu đội hỏa tiễn 122 ly, chúng liên tục trút hỏa lực vào phi trường Biên Hòa. Cuộc tấn công bằng pháo từ xa làm giới hạn đáng kể khả năng yểm trợ hai tướng Đảo và Khôi bằng không quân, và góp phần vào ngày tàn của Xuân Lộc.


    Chiến xa T-54 của CSBV. (Wikipedia)

    Với ngã ba Dầu Giây bị địch chiếm và với việc SĐ 18 bị bao vây, Trung Tướng Toàn không còn chọn lựa nào khác. Lúc 9 giờ sáng ngày 20 tháng Tư, ông bay vào Xuân Lộc gặp tướng Đảo. Ông thẳng thừng ra lệnh : Rút quân ngay lập tức. Tướng Toàn cần đến quân của Tướng Đảo để góp sức cho trận chiến sắp tới tại Sài Gòn. Một khi đã rút ra, sư đoàn sẽ được chở bằng xe vận tải đến Long Bình để tái trang bị và bổ túc quân số. Cả hai ông tướng đều đồng ý rằng SĐ 18 sẽ thoát ra khỏi Xuân Lộc dọc theo QL 2, con đường đất chạy ra khỏi Xuân Lộc về hướng nam, nơi cách đây một tháng đã từng bị SĐ 6 CSBV tấn công.

    Tướng Đảo, tuy đồng ý với quyết định của Tướng Toàn, nhưng ông vẫn lo ngại khi chọn đường rút là con đường vừa mới bị Cộng Sản tấn công. Bài học rút quân thảm hại ở hai quân đoàn I và II vẫn còn in đậm trong trí ông. Để thoát được êm thấm, cả sư đoàn phải di chuyển bằng bộ trong đêm, trên đoạn đường đất dài hai mươi lăm dặm để đến điểm tập trung nằm trong tỉnh Phước Tuy. Cuộc động binh đêm đòi hỏi phải hết sức khéo léo. Tướng Đảo phái một sĩ quan dùng trực thăng của ông bay thăm dò con đường có bị Cộng quân cản trở không. Viên sĩ quan báo lại rằng đường không bị đắp mô, có thể thông qua được, và có vẻ không thấy bóng dáng họ. Mặc dù vẫn còn bị du kích CS địa phương quấy rối, Tướng Đảo vững tin có thể quét sạch họ dễ dàng. Điều ông quan tâm nhất là làm sao lọt ra khỏi vòng vây của địch mà không để bị họ phát giác. Nếu cuộc lui binh bị lộ, cả đạo quân ắt sẽ bị quân CS bu lại đánh áp đảo một cách dễ dàng.

    Chỉ có được nửa ngày suy tính một chiến lược để làm sao đưa cả sư đoàn ra khỏi Xuân Lộc, cuối cùng Tướng Đảo đi đến quyết định như sau. Thứ nhất, ông triển khai một kế hoạch nghi binh để đánh lạc hướng đối phương, bằng cách ra lệnh cho lữ đoàn Dù mở cuộc tấn công ồ ạt vào các đơn vị của SĐ 7 BV nằm ở phía đông Xuân Lộc. Quân Dù được sự yểm trợ kinh hồn của pháo binh, đánh các đơn vị của SĐ 7 suốt ngày 20 tháng Tư.

    Trong khi ấy Tướng Đảo đích thân đi bộ theo với đoàn quân triệt thoái, còn Đại Tá Ngô Kỳ Dũng thì bay trên đầu với trực thăng của Tướng Đảo để truyền mệnh lệnh và điều binh. Đơn vị đầu tiên rời Tân Phong lúc 8 giờ tối sẽ là Trung Đoàn 48, rồi thiết kỵ theo sau, rồi kế tiếp là các đơn vị pháo binh và tiếp vận còn lại. Khi pháo binh đến được tiền đồn cũ của Mỹ ở Long Giao, họ sẽ lập căn cứ hỏa lực có đại đội trinh sát giữ an ninh, để yểm trợ cho cuộc triệt thoái. Tiếp theo là các đơn vị đia phương quân, nghĩa quân và thường dân, nếu còn một ai. Hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 43, Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 52, và Tiểu Đoàn 82 BĐQ sẽ đi sau rốt. Giữ nhiệm vụ hậu vệ có Tiểu Đoàn 2 của Trung Đoàn 43 và lữ đoàn Dù. Trong đêm, Tiểu Đoàn 2 sẽ bỏ Núi Thị rồi nhập chung với Dù ở ngã ba Tân Phong. Các đơn vị này sẽ rút lúc rạng đông ngày 21 tháng Tư.

    Mặc dù việc lui binh đêm trọn một sư đoàn, cộng với những đơn vị tăng phái và thường dân, xuyên qua hai mươi lăm dặm, tức bốn mươi cây số đường đất, là điều cực kỳ khó khăn, nhưng Tướng Đảo và SĐ 18 đã vận dụng một cách khéo léo. Sư đoàn lọt ra khỏi Xuân Lộc và thoát về đến Phước Tuy tương đối dễ dàng. Điểm khác biệt ở đây một lần nữa là cuộc triệt thoái do chính Tướng Đảo đích thân chỉ huy. Sĩ quan tham mưu trưởng của ông hồi tưởng lại : “Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo đi bộ theo với đại quân để ban lệnh và có hành động tức thời mỗi khi đối mặt với trở ngại trên đường chuyển quân. Kết quả là toàn thể các lực lượng về đến điểm tập trung an toàn vào sáng sớm ngày 21 tháng Tư.”

    Bộ đội và xe tăng CS tiến vào Xuân Lộc sau khi SĐ 18 rút lui. (historica.fandom.com)

    Quân BV trở tay không kịp trước sự lui quân bất ngờ đó. Họ ra lệnh các lực lượng lập tức truy kích nhưng đã quá trễ. Tuy nhiên mọi sự không được suông sẻ đối với đám quân đánh chặn hậu của Tướng Đảo. Theo một cựu sĩ quan SĐ 18 :

    “Trong cuộc triệt thoái này, Lữ Đoàn 1 Dù phải đối mặt với hầu hết các hiểm nguy và chịu tổn thất nhiều nhất vì là đơn vị đi sau cùng và được giao nhiệm vụ giữ an ninh cho mặt hậu của đoàn quân.

    Hôm 20 tháng Tư, khi lệnh rút lui được ban xuống, lữ đoàn Dù vẫn còn giao chiến ác liệt với quân CS ở Bảo Định, và số binh sĩ bị thương vong chưa di chuyển đi được. Cuối cùng tất cả buộc phải để lại sau lưng. Phải đành lòng như thế vì đối với những kẻ sống sót, con đường vượt thoát dài hơn hai mươi lăm dặm xuyên qua những khu rừng cao su tối đen không khác gì đi xuyên qua mấy tầng cửa địa ngục.

    Vào lúc 9 giờ tối, ngay khi quân Dù ra đến Liên Tỉnh Lộ 2, họ chứng kiến một cảnh tượng nhớ đời, đầy cảm động. Tất cả các gia đình giáo dân Công giáo thuộc các giáo khu Bảo Định, Bảo Toàn và Bảo Hòa đã tề tựu sẵn hai bên đường chờ nhập chung với cuộc lui binh của quân Dù.

    Việc di chuyển dọc theo con lộ từ Tân Phong dài hằng chục cây số vốn từ lâu không dùng đến là điều hết sức gay go cho đoàn quân có thường dân đi theo. Chỉ Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù với một đại đội trinh sát Dù đi theo yểm trợ an ninh, là di chuyển trên mặt đường; còn các tiểu đoàn chiến đấu của lữ đoàn đều di chuyển xuyên rừng cao su, lo che chở mặt hậu của đoàn quân.

    Lúc 4 giờ sáng ngày 21 tháng Tư, Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù và Đại đội trinh sát Dù bị hai tiểu đoàn Cộng quân phục kích gần ranh giới Long Khánh / Phước Tuy. Hầu như mọi người thuộc Trung Đội Pháo C và trung đội trinh sát đi theo yểm trợ hoặc chết hoặc bị thương trước đợt tấn công biển người. Ngoài những tổn thất nầy, cuộc triệt thoái trên LTL 2 tiến triển tốt đẹp.”

    Có một sự nhầm lẫn giữa Tướng Đảo với Trung Tá Nguyễn Văn Đính, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 1 Dù. Tướng Đảo cần Tiểu Đoàn 2 Dù giữ Núi Thị để che chở mặt bắc của cuộc triệt thoái, tuy nhiên tiểu đoàn nầy lại dần dần rút quân rồi nhập chung với đám quân Dù ở Tân Phong. Bất hạnh thay, có xảy ra một sự lộn xộn khiến Tr/tá Đính kéo cả lữ đoàn đi, để lại Tiểu Đoàn 2 phía sau. Khi về đến điểm tập trung, trung đoàn trưởng Trung Đoàn 43 của SĐ 18 báo cáo quân Dù có chuyện lộn xộn ở ranh giới Long Khánh / Phước Tuy. Tướng Đảo lập tức nhảy lên trực thăng, bay đến địa điểm quân Dù để trợ lực và hướng dẫn không kích. Trong khi đang bay, trung đoàn trưởng 43 gọi ông bằng vô tuyến cho ông hay rằng Tiểu Đoàn 2 Dù vẫn còn nằm chờ ở Tân Phong. Ông liền chuyển qua tần số của tiểu đoàn Dù, bảo họ chớ có sử dụng Liên Tỉnh Lộ 2, thay vì vậy phải đi xuyên rừng, băng qua các vị trí của Cộng quân. Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế ra lệnh cho tiểu đoàn chia thành từng toán nhỏ. Họ phải mất ba ngày đi xuyên rừng, vừa đi vừa chống trả địch. Họ chịu tổn thất nặng nề với hơn năm mươi phần trăm tiểu đoàn bị thương vong.

    Trong lúc triệt thoái từ Xuân Lộc, toán chuyên viên nghe lén bắt được điện đàm của Bộ chỉ huy Tiền phương Sư Đoàn 341 giữa vô số các điện đàm khác của địch, đang hối hả tìm cách đuổi theo đạo quân Nam Việt đang triệt thoái. Không Quân NV quyết định đánh chận sư đoàn này bằng cách dùng đến món vũ khí tử thần, CBU-55, thứ bom được chế để khai quang các bãi mìn.

    Bom nhiệt áp CBU-55 nằm trên một giá gỗ đặc biệt. (Wikipedia)

    Theo miêu tả của Frank Snepp, phân tích gia của CIA, “Với sự trợ giúp của các chuyên viên HK thuộc cơ quan DAO, các phi công NV đóng một giá bom đặc biệt cho cái dụng cụ tàn sát kinh hồn CBU-55. Rồi đặt nó lên trên một máy bay C-130. Chiếc vận tải cơ cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhứt, bay một vòng bên trên Xuân Lộc về hướng đông, rồi thả món hàng đặc biệt xuống ngay địa điểm được cho là tổng hành dinh của SĐ 341, nằm ngay bên ngoài thị xã mới chiếm được, gây tổn thất thật hết sức kinh hoàng. Hơn 250 quân BV bị hủy diệt hoặc chết do ngạt thở vì tất cả dưỡng khí trong khu vực bom nổ đều mất hết.”

    Sau khi hiểu được tính chất của sự việc, phe Cộng sản lớn tiếng tố cáo Sài Gòn “coi thường tất cả đạo lý thông thường” và lên án những giới chức ra lệnh thả trái bom ấy là những kẻ “tội phạm chiến tranh.”

    Việc thả trái bom CBU-55 là cú đòn cuối cùng của trận Xuân Lộc, dù rằng Thiết đoàn 3 của Tướng Khôi và Trung Đoàn 8/5 vẫn còn tiếp tục giao tranh ở Hưng Nghĩa. Vào hôm 22 tháng Tư, Trung Đoàn 8 tái chiếm được ấp này và đang tiến quân về hướng Dầu Giây thì có lệnh ngưng lại một khi Sư Đoàn 18 đã triệt thoái. Vào cùng ngày, Lữ Đoàn 1 Dù tách khỏi sư đoàn của Tướng Đảo và nhận lệnh đi bảo vệ tỉnh Phước Tuy. Sang ngày 25 tháng Tư, Lữ Đoàn 3 Thiết kỵ có lệnh rút về Biên Hòa để tăng cường tuyến phòng thủ bao quanh Sài Gòn

    NỖ LỰC CẦU VIỆN CUỐI CÙNG CỦA NAM VIỆT NAM

    Như chúng ta vừa thấy, tại một cuộc họp ở Phòng Bầu Dục hôm 25 tháng Ba, Tổng Thống Ford ra lệnh cho Tướng Frederick C. Weyand tức tốc bay sang Việt Nam, rồi trở lại báo cáo về tình hình tại đó. Ông Weyand bấy giờ là tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ và cũng là người cuối cùng tư lệnh các cuộc hành quân của Mỹ ở Việt Nam trong thời gian 1972 và 1973.

    Tổng Thống Mỹ Gerald Ford và Tướng Frederick C. Weyand. (hình: thân tri tổng hợp)

    Hôm 5 tháng Tư, Tướng Weyand trở lại và báo cáo với tổng thống Ford rằng tình hình Nam Việt Nam “hết sức nguy ngập.” Nếu Nam Việt Nam muốn sống còn, “họ cần được trợ giúp $722 triệu cho nhu cầu thiết yếu, nhất là đạn dược. Số tiền ấy không đủ giúp họ tái chiếm những nơi bị mất nhưng đủ giúp họ lập được một phòng tuyến vững mạnh chung quanh Sài Gòn. Nếu một khi Nam Việt Nam ổn định được tình hình quân sự, vẫn có hy vọng cho một giải pháp chính trị đối với cuộc chiến.”

    Tổng Thống Ford, trước lưỡng viện Quốc Hội, hôm 10 tháng Tư, thỉnh cầu xin cấp ngân khoản viện trợ quân sự $722 triệu cho Nam Việt Nam.

    Sáng hôm đó, cùng ngày với ngày đầu của trận chiến Xuân Lộc, Đại Sứ Martin gọi về Hoa Thịnh Đốn báo tin về những thành tích quân sự VNCH tạo được ở chiến trường đó và ở đồng bằng sông Cửu Long. Biết tổng thống có ý định xin tiền viện trợ cho Nam Việt, Đại Sứ Martin nhắc với Tổng Thống, trong bài diễn văn sẽ đọc trước Quốc Hội Tổng Thống nhớ kèm thêm sự kiện rằng “quân Nam Việt đang chiến đấu hết sức kiên trì và dũng cảm.”

    Những người viết diễn văn cho tổng thống y theo đó thêm phần ấy vào, và tổng thống nói với Quốc Hội rằng “Người Miền Nam vẫn giữ ý chí chiến đấu. Tại Xuân Lộc, mặc dù kém hẳn về quân số, họ vẫn chiến đấu rất dũng cảm, họ giữ vững được vị trí và đang chịu tổn thất nặng.” Kế đó Tổng Thống mở lời xin quân viện cho Nam Việt trị giá $722 triệu và $250 triệu cho viện trợ kinh tế, đồng thời yêu cầu Quốc Hội xét chấp thuận đừng trễ hơn sau ngày 19 tháng Tư.

    Nhiều ngày sau, vào hôm 14 tháng Tư, Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ yêu cầu mở một phiên họp với Tổng Thống để bàn về tình hình Đông Dương. Trong phiên họp, Ngoại Trưởng Henry Kissinger trình bày rằng Xuân Lộc đứng vững được chứng tỏ người dân Miền Nam vẫn giữ ý chí chiến đấu. Các vị thượng nghị sĩ không màng những gì ông Kissinger nói. Mặc kệ quân NV đang giữ vững Xuân Lộc một cách hào hùng, Quốc Hội không có tâm trạng muốn giúp đỡ người dân Nam Việt Nam. Với lời phát biểu gây nhức nhối, TNS Jacob Javits (Cộng Hòa, New York) nói, “Tôi sẽ cấp cho ông (Tổng Thống) thật nhiều tiền để di tản hết thường dân Mỹ, nhưng không quân viện cho Thiệu một đồng xu.”

    Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ, Bùi Diễm, và Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Henry Kissinger.

    Ông Bùi Diễm, cựu đại sứ Nam Việt Nam tại Hoa Kỳ, người được Tổng Thống Thiệu giao nhiệm vụ uốn ba tất lưỡi đi xin viện trợ. Ông gõ cửa hầu hết những người bạn tại QH Mỹ, tìm mọi cách giúp Miền Nam chận làn sóng của CSBV. Bản thân ông cũng đưa tấm gương của Xuân Lộc ra để khích động lương tâm của người Mỹ. Nhưng kết quả ông thu được là con số không. Ý thức sự kiện rằng Quốc Hội sẽ không chấp thuận cấp viện trợ, ông Martin giục Tòa Bạch Ốc hoãn lại ngày bỏ phiếu biểu quyết gói quân viện nhưng Tổng Thống vẫn cứ để y như cũ.

    Kết quả đúng như dự đoán. Vào ngày 17 tháng Tư, Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện, phản ảnh ước muốn sự chấm hết đối với cuộc chiến của đa số trong Quốc Hội, từ chối thỉnh cầu của Tổng Thống.

    Về mặt trận chính trị ở Nam Việt, Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn mới được bầu là cặm cụi làm việc ngay mà đến ngày 14 tháng Tư ông mới góp nhặt đủ người để thành lập một tân nội các. Mặc dù những nỗ lực của ông Cẩn, sự thất thủ của hai tỉnh Phan Rang và Phan Thiết khiến Tổng Thống Thiệu mất uy tín lãnh đạo Miền Nam là điều không thể thay đổi. Sự sụp đổ của đất nước Căm Bốt lại góp phần thêm cho cảm giác của ngày tận số.

    Hai Tổng Thống, Nguyễn Văn Thiệu và Richard M. Nixon. (unredacted.com)

    Trước áp lực, hôm 21 tháng Tư, ông Thiệu từ chức. Trong lời giã từ đêm đó trên màn ảnh TV, ông tuôn hết nỗi oán tức rằng điều ông chứng kiến cho thấy sự bội bạc của người Mỹ. Ông tuyên bố cộc lốc rằng ông đã miễn cưỡng ký vào Hiệp Định Paris, chỉ sau khi Tổng Thống Nixon hứa với ông rằng nếu Bắc Việt tấn công, Hoa Kỳ sẽ đáp lại bằng quân sự. Ông còn tiết lộ thêm rằng Mỹ dọa cắt viện trợ cho Miền Nam nếu ông không chịu đặt bút ký vào hiệp định “chấm dứt chiến tranh” đó. Nay, vì người ta xem ông như là trở ngại chính khiến Miền Nam không được viện trợ thêm hay trở ngại cho cả việc thương thuyết, để cứu giúp đất nước ông đành phải từ chức theo như thiện ý của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Sau tám năm ngồi ghế tổng thống đầy sóng gió, người từng giữ cho Miền Nam cùng nhau vượt qua nhiều cuộc xâm lăng quân sự, suy thoái kinh tế, và chấm dứt các cơn bão lửa chính trị. Mặc dù ông bị những kẻ hoạt động chống chiến tranh trên khắp thế giới nguyền rủa như là một trở ngại cho hòa bình, nhưng đến khi ông ra đi rồi kế hoạch quân sự của Hà Nội vẫn không chút thay đổi.

    Tân Tổng Thống Trần Văn Hương từng hoạt động lâu năm trên sân khấu chính trị Sài Gòn. Ra đời ở Lưu Vực Sông Cửu Long, nhà cựu thầy giáo bảy mươi mốt tuổi khổ sở với đôi mắt ngày càng lòa dần, bệnh cao huyết áp, tiểu đường và đau tim, và lại thêm ung thư nữa. Triết thuyết chính trị của ông pha lẫn giữa đạo lý Khổng Tử với giáo điều nông dân. Trong khi được trọng vọng bởi đức tính chân thật và yêu nước, ông chưa bao giờ giành được một vai trò quan trọng nào trong chính phủ Thiệu. Mặc dù sức khỏe suy yếu và tình hình quân sự đang rất nghiêm trọng nhưng ông khước từ đòi hỏi phải từ chức, giao quyền lại cho Tướng Dương Văn Minh. Do tôn trọng hiến pháp, hay do không ưa Tướng Minh, hay thuần túy do tính ngang bướng, ông thề tiếp tục chiến đấu, và ông ra lệnh cho quân đội bảo vệ thủ đô.

    Trận chiến cho cái giá tối hậu là thành phố Sài Gòn, sắp sửa bắt đầu

    Hết
    Triệu Phong

No comments: