(1956-1963)
Gman
Nhân ngày thành lập Phi Đoàn 514, 1-6-1956, xin viết
lại hầu bạn đọc những tổ chức và con người đã đóng góp sinh mạng và công sức
của mình trong thời gian từ 1956 đến cuối năm 1963. Đóng khung trong thời kỳ này vì
người viết biết tương đối còn rõ những sự kiện vui buồn đã xảy ra như
một nhân chứng sống, ngoài ra, không có ý gì khác.
Khi Pháp bắt đầu chuẩn bị rời Việt Nam sau Hiệp Định
Genève, nhiều đơn vị Không Quân Pháp đã được chuyển giao lại cho Quân Đội Quốc
Gia Việt Nam ở Nam Vĩ Tuyến 17. Trong
số đơn vị đó có Phi Đoàn 1 Khu Trục và Trinh Sát, gồm 25 chiếc F-8F Bearcat.
Tại sao lại gọi là Phi Đoàn Khu Trục và Trinh
Sát? Vì lẽ ngoài khả năng trang bị
bom đạn, F-8F còn mang máy không ảnh trong một bình xăng phụ dưới bụng khi cần
chụp không ảnh. Có hai máy ảnh gắn
trong bình xăng phụ mang dưới bụng(center rack), một máy chụp ảnh đứng, một máy
chụp ảnh nghiêng, khổ phim là 9 inches.
Số hoa tiêu được huấn luyện chụp không ảnh không nhiều, chỉ chọn vài
người phi tuần trưởng hiếm hoi thời đó.
Công việc chụp ảnh có năng suất hay không? Thật tình không giám nghĩ đến, vì rất ít nhu cầu vào thời điểm
này. Nhất là công việc rửa ảnh không
thực hiện ngay tại phi đoàn, mà phải gửi về Bộ Tư Lệnh Không Quân, và nơi đó,
cơ quan quân báo lại chuyển đến đơn vị chuyên môn khác bên Lục Quân.
Nhiệm vụ chính của Phi Đoàn vẫn là khu trục. Trong nhiệm vụ này, người Pháp đã đào tạo
cho phi đoàn mấy đợt hoa tiêu. Trước
tiên là đợt 13 người của khóa các anh:
1-Phạm Phú Quốc(chết trên A-1H năm 1965 ở Bắc Vĩ
Tuyến 17)
2-Nguyễn Thế Long(chết trên F-8F trên sông Nhà Bè)
3-Võ Văn Sĩ (chết vì bệnh tại Phoenix, AZ)
4-Nguyễn Tấn Sĩ (chết trên A-1H trên chiến
trường miền Nam Việt Nam )
5-Mạc Kỉnh Dung(chết trên A-1H trên chiến trường
miền Nam Việt Nam)
6-Vũ Khắc Huề (chết trên A-1H trên chiến trường
miền Bắc)
7-Trương Đăng Lượng (hiện sống tại San Diego)
8-Lê Ngọc Duệ (vừa chết vì bệnh tại Oregon trong
năm 2001)
9-Nguyễn Đình Nam(hiện sống tại Hoa Kỳ)
10-Nguyễn Hữu Bách(hiện sống tại Hoa Kỳ)
11-Thái Văn Dương(không rõ còn sống tại đâu)
12-Võ Văn Xuân(chết trên F-8F tại Việt Nam)
13-Huỳnh Hữu Bạc(chết trên F-8F tại Việt Nam).
Khóa này thoạt đầu có tất cả 50 người, theo học
căn bản về bay tại Trường Aulnat (trên phi cơ Stamp) và về ngành khu trục tại
Bordeaux (trên phi cơ Morane Saulnier MS-475).
Nhưng số người tốt nghiệp chỉ có 13 người có tên ở trên. Những người này được xuyên huấn trên F-8F trong
đơn vị Pháp tại Vũng Tàu.
Khi chuyển giao cho Việt Nam, đơn vị lấy tên là
Phi Đoàn 1 Khu Trục và Trinh Sát đồn trú tại Biên Hòa, do Thiếu Tá Huỳnh Hữu
Hiền là người chỉ huy trưởng đầu tiên.
Thiếu Tá Huỳnh Hữu Hiền tốt nghiệp ngành vận tải, cùng khóa với Niên
Trưởng Phạm Ngọc Sang qua các trường Marrakech, Avord, CIET, Blida...Sau khi
hồi hương, NT Huỳnh Hữu Hiền cùng một số người khác được gửi theo học khóa khu
trục đặc biệt tại Marrakech(T-6) và Khouribga(F-6F Hellcat). trong số này gồm có các anh:
1-Huỳnh Hữu Hiền(chuyển về BTLKQ để làm Tham Mưu
Trưởng từ năm 1958 và Tư Lệnh Không Quân từ 1962 đến 1963)
2-Nguyễn Kim Khánh(sau được chuyển ra TTHLKQ/Nha
Trang vào năm 1958 làm Giám Đốc Huấn Luyện, và chuyển về Bộ Tổng Tham Mưu,
Phòng 5 sau cùng)
3-Dương Thiệu Hùng(năm 1959 cũng ra TTHLKQ/Nha
Trang làm Trưởng Trường Phi Hành, và sau cùng tại BTLKQ, Yểm Cứ)
4-Nguyễn Hữu Chẩn(chết trên A-1H trên chiến
trường miền Bắc)
5-Nguyễn Quan Huy(chỉ bay A-1H và chết
trong năm 1963 tại Biên Hòa)
6-Nguyễn Ngọc Biện(chết vì B-57 cán bễ bọng đái
tại phi trường Pleiku)
7-Võ Văn Hội
8-Hồ Xuân Đệ
9-Nguyễn Thông(chết vì tai nạn F-8F tại Biên Hòa
năm 1957)
10-Hà Xuân Vịnh
11-Huỳnh Bá Tính(chuyển về BTLKQ trước 1957)
Thành phần này có quá trình huấn luyện khác biệt
nhau rất nhiều. Có người đã học ngành
vận tải như NT Huỳnh Hữu Hiền, đã từng tốt nghiệp trưởng phi cơ tại Pháp trên
C-47. Có người chỉ tốt nghiệp hoa tiêu
đào tạo ở Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang trên Morane Saulnier
MS-500, nên sang học xuyên huấn khu trục tại Marrakech và Khouribga đã gặp rất
nhiều trở ngại. Chính người viết bài
này đã sang Khouribga xuyên huấn trên F-6F vào đầu năm 1957 đã nghe các huấn
luyện viên kể lại thành tích bay bổng của họ.
Cũng vì thế, tôi phải học lại bay trên SNJ (T-6 của NAVY) gần 10 giờ(vì
tôi đã tốt nghiệp khu trục trên T-33 và Vampire V)trước khi được thả bay trên
F-6F. Tất cả những người xuyên huấn
F-6F đều đã có bằng hoa tiêu các loại.
Về lại Biên Hòa, có một số như các anh Nguyễn Quan Huy, Nguyễn Ngọc
Biện, Võ Văn Hội, Hồ Xuân Đệ đều không lái F-8F và được giữ lại đơn vị, bay
L-19 của dơn vị để duy trì khả năng cho đến khi tiếp nhận A-1H.
Trong năm 1956, đơn vị được bổ sung thêm hai hoa
tiêu tốt nghiệp từ Trường Khu Trục Pháp tại Mecknès trên T-33 và Vampire V là
anh Nguyễn Ngọc Loan và anh Lưu Văn Đức.
Anh Loan bị xác định không đủ khả năng bay nên chuyển về đơn vị quan sát
để bay L-19A.
Khi chúng tôi về nước bổ sung cho phi đoàn này
vào cuối tháng 2 năm 1957, đã có các anh giữ chức vụ nòng cốt trong phi đoàn
như sau:
-Thiếu Tá Huỳnh Hữu Hiền, Chỉ Huy Trưởng Phi
Đoàn 1 Khu Trục và Trinh Sát, kiêm Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ 2 Trợ Lực Không Quân,
Biên Hòa.
-Đại Úy Nguyễn Kim Khánh, Trưởng Phòng Hành Quân
-Đại Úy Dương Thiệu Hùng, Trưởng Phi Đội 1
-Trung Úy Hà Xuân Vịnh, Trưởng Phi Đội 2
-Thiếu Úy Dương Xuân Nhơn, Trưởng Phòng Vật Liệu
-Chuẩn Úy Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Phòng Hành
Chánh
Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự Pháp gồm ba sĩ quan hoa
tiêu và chỉ huy là Commandant Marthy(Thiếu Tá), Lieutenant Gillote(Trung Úy tốt
nghiệp Trường Võ Bị Không Quân Pháp), và Lieutenant Ruelle(Trung Úy, tốt nghiệp
Trường Võ Bị Không Quân Pháp, xuất thân Hạ Sĩ Quan). Một số hạ sĩ quan Pháp trong nhóm huấn luyện viên hoa tiêu như
anh Sergent Bùi(Trung Sĩ) và nhiều hạ sĩ quan cố vấn kỹ thuật mà tôi không biết
tên.
Rất nhiều sĩ quan bảo trì và tiếp liệu đã có mặt
thời đó tại đơn vị, như các sĩ quan:
-Dương Xuân Nhơn, Trưởng Phòng Vật Liệu
-Nguyễn Đức Phết, Trưởng Ban Tiếp Liệu
-Nguyễn Minh Tiên, Trưởng Ban Vô Tuyến,
-Phan Đàm Liệu, Trưởng Ban Vũ Khí
-Bùi Quang Đài, Trưởng Ban Bảo Trì Phi Đạo
Rất nhiều sĩ quan bảo trì đáo qua đơn vị này một
thời gian ngắn như anh Hoành, anh Nguyễn Văn Trung, anh Bồ Đại Kỳ, sau đó được
chuyển sang đơn vị khác. Rất nhiều hạ
sĩ quan kỳ cựu như anh Thiệu, anh Quang, anh Tắng, anh Kính (voi), anh Nhàn,
anh Nguyễn Hòa Minh và rất nhiều anh sau này đã mang cấp bậc sĩ quan rất đắc
lực trong ngành bảo trì, vũ khí, vô tuyến vv...
Trong các năm 1957 và 1958, công việc thường
xuyên của đơn vị là huấn luyện xác định hành quân và cao huấn hoa tiêu và các
ngành.
Riêng về hành quân, xác định hành quân để trở
thành phi tuần viên đã là một việc cực kỳ khó khăn rồi. Khi Pháp rời đơn vị, chỉ có các anh sau đây
có bằng Huấn Luyện Viên Khu Trục, dịch thẳng từ tiếng Pháp là Moniteur de
Chasse. Những người này có khả năng và
thẩm quyền hướng dẫn một phi tuần nhẹ (hai phi cơ) và huấn luyện tác chiến cho
những người chưa xác định hành quân.
Những người này gồm có:
-Thiếu Tá Huỳnh Hữu Hiền
-Đại Úy Nguyễn Kim Khánh
-Đại Úy Dương Thiệu Hùng
-Trung Úy Hà Xuân Vịnh
-Thiếu Úy Lưu Văn Đức
-Chuẩn Úy Phạm Phú Quốc
-Chuẩn Úy Nguyễn Thế Long
Đó là kết quả huấn luyện của Pháp để lại cho phi
đoàn trước khi họ rời đơn vị vào tháng 6 năm 1957.
Vào tháng 7 năm 1957, Phái Bộ Cố Vấn Hoa Kỳ có
mặt tại phi đoàn.
Trong năm 1957, công tác đào tạo thêm huấn luyện
viên khu trục vẫn tiến hành liên tục, nhưng thi lấy bằng không phải là chuyện
dễ. Mỗi tháng, người bay nhiều nhất chỉ
được 15 giờ, vì là trong thời bình, vấn đề tiếp liệu tùy viện trợ, giới hạn cả
xăng nhớt, bom đạn...và nhất là bộ phận rời (spare parts) của máy bay F-8F rất
là hạn chế. Các thí sinh học huấn luyện
viên khu trục phải qua các kỳ thi phi huấn và địa huấn như sau:
-thuật dẫn phi tuần nhẹ, phi tuần nặng.
-Truy cản (intercept)
-Truy Kích không/địa(Assault).
-tác xạ không/địa(súng và Napalm tại xạ trường
Phú Lợi)
-không hành xa (thường là Biên Hòa-Đà Nẵng)
-kiến thức tổng quát hàng không và quy luật tác
chiến ngành khu trục(Règlement de Chasse).
Theo kỹ thuật của Pháp thì phải có khả năng bay
hợp đoàn ở cao độ thấp, và tiến đánh từ cao độ 100 bộ, hay tốt hơn là sát mặt
đất. Khi còn 30 giây đến mục tiêu mới
cho phi tuần lấy cao độ thích hợp để bắn súng, thả bom hay bắn hỏa tiễn. Khó nhất là đánh bằng bom Napalm, vì phải
đúng trục thả và vừa lên chừng 1,000 bộ là phải lấy trục tấn công và xuống cao
độ, nên khóa sinh thường không hành lạc đường, và lấy trục không đúng, hay thả
không chính xác mục tiêu vì chưa kịp nhận ra mục tiêu trên bản đồ tỷ lệ 100,000. Assault có nhiều chuyện vui. Đánh đâu cũng có thể sai, nhưng đánh vào nhà
của anh Lê Ngọc Duệ ở Chợ Gạo là phần đông đều đánh trúng. Vì nhà đó có trong bản đồ 100,000, và từ xa,
cái nóc ngói đỏ, ai cũng thấy rõ được khi còn hơn một phút bay ở cao độ sát
đất. So với A-1H sau này thì chiếc F-8F
lấy cao độ rất nhanh, nhanh như A-37 chẳng hạn, nên còn 30 giây nữa cũng đủ cho
ta lấy cao độ thả bom hay bắn hỏa tiễn được.
Hỏa tiễn dùng lúc đó là loại có đường kính 5” (127mm, cũng cỡ giữa một
trái đạn pháo binh 150 ly và quả đạn
105 ly) mỗi lần chỉ mang được bốn hỏa tiễn trên bốn giàn phóng mà chỉ thấy dùng
cho hỏa tiễn mà thôi. Thường thì huấn
luyện viên chỉ cho biết các yếu tố sau đây trong một phi vụ truy kích:
-Điểm chờ, thường chọn Nhà Bè, bay ở cao độ vừa
phải để tiết kiệm xăng là 3,000 bộ;
-Bom tuyến, thường là một con sông, hay một
đường lộ dễ thấy, mà lúc nào bay qua bên kia là đất địch thì cao độ phải sát
đất, không hành phải tránh những nơi mà huấn luyện viên cho biết có cao xạ,
thường chọn các quận lỵ có nhiều nhà, cấm bay qua.
-Tọa độ mục tiêu sẽ cho trên trời trước khi xuất
phát từ điểm chờ. Thường thì dùng một
bản đồ tỷ lệ 100,000 cho một phi vụ, nhưng có khi phải dùng đến 4 bản đồ
100,000. Điểm thực tập khó nhất lại nằm
ở ngay chỗ các bản đồ ráp với nhau. Nếu
huấn luyện viên chơi trác thì họ để ý bản đồ của bạn dùng có chỗ nào bị rách
thủng vì nếp xếp nhiều lần, thì anh ấy sẽ cho bạn đánh đúng tọa độ đó. Nên nhớ là trên F-8F, chỉ có một mình, vừa
lái, không hành cho đúng(trục và thời gian), còn phải lo sắp xếp phi tuần để
đánh, ban hành chỉ thị cho phi tuần viên rõ ràng, đúng lúc, không thiếu sót
điều gì, đồng thời cũng bật lên các nút điện điều khiển tác xạ cho đúng, hay
khóa an toàn vũ khí sau khi tấn công.
Nhiều anh rất ngại nhìn lâu vào bản đồ, loạng quạng sẽ chúi đầu xuống
đất vì tốc độ khá nhanh (7km/phút). So
với phản lực như A-37 hay Vampire V mà chúng tôi đã bay, tốc độ bay thấp là
10km/phút(khoảng 300kts). Sau này, tôi
có dịp dẫn anh Nguyễn Văn Long(em ruột anh Nguyễn Tấn Trào) từ ngành quan sát
chuyển sang, trong một chuyến không hành sát đất, anh đã chỉ cho tôi một mục
tiêu mà trên thực tế đã qua rồi chừng 10 phút.
Sau khi đánh xong, phải tập họp phi tuần lại
theo đội hình chiến đấu ở cao độ thấp và đường về phải khác hơn đường đi để bảo
vệ phi tuần khỏi bị địch bắn từ dưới đất hay từ phi cơ nghênh cản.
Nếu bạn bay khảo sát để trở thành huấn luyện
viên khu trục thì không thể sai một mục tiêu nào cả. Bạn còn được chấm điểm về chỉ huy, dẫn phi tuần từ đầu đến cuối
mà là một phi tuần nặng bốn phi cơ. Bạn
hướng dẫn phi tuần có an toàn không, chẳng hạn như bay sát đất mà bạn đổi hướng
về phía có nhiều phi tuần viên(turn on echelon), hay bạn giải tỏa trái với lệnh
mà bạn đã cho là dứt khoát không được.
Còn về kinh nghiệm thì nếu bạn cho thả bom ngược gió bạn cũng sẽ bị trừ
điểm, bạn cho thả bom trên gió mà dưới gió là quân bạn, bạn cũng bị trừ
điểm. Theo quy chế cũ, bạn phải có vào
khoảng 200 giờ bay trên F-8F hay trên loại khu trục cơ nào khác, bạn mới có thể
học làm huấn luyện viên khu trục, và sau đó một thời gian, bạn sẽ được đơn vị
xác định lên Phi Tuần Phó, cũng chỉ có quyền chính thức hướng dẫn hai phi cơ mà
thôi. Phải chờ mãi khi bạn có trên 500
giờ bay trên F-8F hay trên phi cơ khu trục nào khác thì bạn sẽ được tiến
cử theo học một khóa Phi Tuần Trưởng
với khả năng hướng dẫn một phi tuần từ 4 phi cơ trở lên. Khó nhất là bạn phải có thể hướng dẫn phi
tuần trong mọi thời tiết, tức nhiên phải bay phi cụ tốt, mà theo Pháp, phải có
thẻ phi cụ màu lục (carte verte).
Về truy cản, tuy rằng F-8F không có máy nhắm để
bắn phi cơ, như mục tiêu di động trên không, giống như máy nhắm dùng trên
Vampire V hay các khu trục cơ được chế tạo sau Thế Chiến Thứ Hai, có bộ phận
con quay để chúng ta có thể bắn chận tùy theo kích thước của máy bay địch và độ
G kéo nhiều hay ít. Con quay thường
không chạy tốt nếu kéo trên 3G. Vì thế,
chỉ có thể nhắm bắn sau khi giảm bớt độ G xuống dưới 3G trong một vài
giây. Trên Vampire V còn trang bị Gun
Camera, để ta thu hình khi tác xạ không/không.
Ai trong khóa học có được trên 5 lần thu được hình trong các trận dog
fight thì coi như tốt nghiệp môn này.
Nhưng ở Phi Đoàn 1 Khu Trục và Trinh Sát lúc ấy, không ai ở phi đoàn có
khả năng xác định được về khả năng không/không của mình vì thiếu phương tiện
huấn luyện tác xạ không/không. Chúng
tôi chỉ tập truy cản. Thường chúng tôi
tổ chức thành ba phi tuần. Một phi tuần
hai phi cơ làm oanh tạc cơ bay theo một lộ trình nhất định: Thủ Dầu Một, Chứa
Chan, Nhà Bè. Một phi tuần bốn phi cơ
làm hộ tống phi cơ oanh tạc và đánh trả khi bị truy cản. Đó là nhiệm vụ phản không(counter air). Một phi tuần bốn phi cơ thực tập truy cản
bay lên vùng Trảng Bom và chờ ở đó. Khi
Oanh tạc cơ báo tin từ một điểm nào đó lấy hướng đến điểm kế tiếp, phi tuần
truy cản lấy hướng tấn công. Cái khó ở
đây vì không có radar hướng dẫn (lúc đó VNCH chưa có radar) nên chúng tôi phải
lấy mắt nhìn. Bên nào thấy trước là có
hy vọng thành công hơn, bên hô tống cũng như bên truy cản. Người có cặp mắt nhìn
xa nổi tiếng là anh Phạm Long Sửu. Một
cuộc truy cản kết thúc bằng một cuộc dog fight, ai thắng ai bại giữa anh em với
nhau đều thấy rất rõ. Thành công của
phe truy cản là làm sao đánh thủng đơn vị hộ tống mà tiến bắn được vào đoàn
oanh tạc cơ. Còn hộ tống thành công là
khi nào đánh đuổi được phe truy cản không cho vào phía sau của oanh tạc
cơ. Tuy không mấy thực tế cho lắm,
nhưng những sự dàn xếp đều cho ta có khái niệm phải làm gì, và làm thế nào thì
đạt hiệu quả tốt. Sau này có radar,
chúng tôi cũng đã có dịp phải đối diện với máy bay T-28 Campuchia trên vùng Hạ
Lào. Tuy không đến giai đoạn phải nổ
súng vì địch né tránh ra khỏi vùng trời của ta, nhưng mục đích hành quân cũng
đã đạt được.
Trong năm 1957, còn có một số sĩ quan hoa tiêu
tốt nghiệp Trường Khu Trục Mecknès (trên T-33 và Ouragan) hồi hương là các anh:
-Trung Úy Phạm Long Sửu
-Trung Úy Vũ Thượng Văn
-Chuẩn Úy Nguyễn Đức Khánh(chết tại Canada)
-Thiếu Úy Trần Duy Kỷ(chết tại Túy Hòa trên F-8F
năm 1958)
Trong năm 1958, có thêm các anh từ đơn vị vận
tải như Tô Minh Chánh và Phan Thiện Tâm(đều chết trong phi vụ đặc biệt đánh Bắc
vào năm 1961)và anh Nguyễn Văn Long được chuyển về từ đơn vị quan sát và cũng
đã được thả bay trên F-8F. Sau này, khi
đơn vị nhận A-1H thì anh Tô Minh Chánh và anh Nguyễn Văn Long trong số sáu
người đầu tiên theo học tại Mỹ, tại Corpus Christi, Texas, và tại VA-122 tại
San Diego, Coronado North Island, California vào năm 1960. Mỗi ba tháng đều có một đợt sáu người theo
học khóa xuyên huấn A-1H tại các trường US NAVY nói trên. Khóa của tôi gồm có các anh:
-Thiếu Úy Phạm Phú Quốc
-Chuẩn Úy Nguyễn Văn Long(chết vì tai nạn trên
phi trường Biên Hòa cùng với anh Nguyễn Thế Anh trong một chuyến bay thử A-1G
từ Saigon về và bị hỏng thắng)
-Chuẩn Úy Nguyễn Ngọc Biện
-Trung Úy Tô Minh Chánh
-Trung Úy Nguyễn Quan Huy
-và chúng tôi
Khóa này về nước vào cuối năm 1960 sau ba tháng
huấn luyện tại Hoa Kỳ, và từ đó bắt đầu các cuộc bay thử tiếp nhận máy bay A-1H
mỗi tháng sáu chiếc phi cơ. Tuy vậy,
phi đoàn vẫn giữ số F-8F đang hành quân và 9 chiếc T-6G để huấn luyện khu trục
cho khóa sinh tốt nghiệp khóa Trần Duy Kỷ, hoặc xuyên huấn cho các khóa sinh
tốt nghiệp T-33 tại Hoa Kỳ. Vì vấn đề
ngẫu lực của máy bay chong chóng A-1H quá mạnh, nên những ai đã quen bay phản
lực phải được làm quen lại với các ngẫu lực.
Vì nhu cầu đó nên phi đoàn phải cưu mang một lúc quá nhiều loại phi cơ
khác nhau, gây nhiều khó khăn về bảo trì và tiếp liệu.
Vào thời điểm này, Đại Úy Lưu Văn Đức chỉ huy
phi đoàn từ năm 1959, thay thế Đại Úy Hà Xuân Vịnh được chuyển về BTLKQ. Là vị chỉ huy chính thức thứ ba của Phi Đoàn
1 Khu Trục và Trinh Sát, Đại Úy Đức bị chết trên chiến trường Đồng Tháp vào
ngày 22 tháng 11 năm 1960, và sau đó BTLKQ đã chỉ định chúng tôi lên thay cho
đến cuối năm 1963.
Trong năm 1959, Phi Đoàn 1 Khu Trục và Trinh Sát
nhận 9 chiếc T-6G từ TTHLKQ chuyển về, nhằm mục đích huấn luyện khu trục cho số
khóa sinh khóa Trần Duy Kỷ vừa tốt nghiệp trên máy bay L-19A. Trong số sáu người này, tôi chỉ còn nhớ tên
các anh
-Chế Văn Nghĩa,
-Lê Xuân Lan,
-Đặng Thành Danh,
-và anh Lê Bá Định...
Sau một thời gian huấn luyện bay T-6G, bay căn
bản, hợp đoàn, tác xạ, không hành, các khóa sinh này được thả bay trên A-1H tại
Biên Hòa. Sau này, anh Chế Văn Nghĩa đã
có cơ hội nắm quyền chỉ huy Phi Đoàn 514, nhưng chẳng may tử nạn tại Thủ Đức.
Các anh tốt nghiệp vào năm 1960 từ các trường
dạy lái T-33 của Mỹ gồm có:
-Trung Úy Huỳnh Minh Đường
-Trung Úy Nguyễn Hữu Hoài
-Chuẩn Úy Nguyễn Văn Lê
-Dường như Đại Úy Trần Văn Minh(là TLKQ sau cùng
của chúng ta)cũng theo học khóa này nhưng không tốt nghiệp và được trả về
TTHLKQ/Nha Trang vào năm 1959.
Khóa này cũng được lần lượt chuyển tiếp trên
T-6G và A-1H tại Biên Hòa.
Từ 1960 đến cuối năm 1963, có rất nhiều hoa tiêu
tốt nghiệp trên T-28 tại các trường NAVY Hoa Kỳ hồi hương. Trong số đó, tôi còn nhớ các đợt của anh Lê
Quốc Hùng, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Quốc Thành, anh Quang,
Trần Văn Thiện, Trịnh HữuTrí...Khi chúng tôi rời đơn vị thì số người này chưa
lên Thiếu Úy. Như vậy cho thấy dưới
thời Đệ Nhất Cộng Hòa, vấn đề thăng cấp và huy chương cực kỳ khó khăn. Nhưng khả năng chiến đấu của đơn vị rất cao,
dù phải biệt phái liên tục.
Vào khoảng năm 1961, Phi Đoàn 1 Khu Trục và
Trinh Sát được đổi thành Phi Đoàn 514.
Phi đoàn chia làm 4 phi đội.
-
Phi Đội 1 có danh hiệu Satan
do anh Nguyễn Hữu Chẩn chỉ huy.
-
Phi Đội 2 có danh hiệu Thanh
Xà do anh Nguyễn Ngọc Biện chỉ huy.
-
Phi Đội 3 có danh hiệu Thần Hổ
do anh Trương Đăng Lượng chỉ huy.
-
Phi Đội 4 có danh hiệu Thần
Phong do anh Tô Minh Chánh chỉ huy.
Máy bay có sơn màu cờ của các phi đội, và máy bay có 4 màu
cờ của các phi đội chỉ dành cho chỉ huy trưởng, chỉ huy phó hay trưởng phòng
hành quân bay trong những phi vụ diễn hành hay thăm viếng đơn vị bạn nơi khác.
Khả năng yểm trợ hành quân ngày của mọi hoa tiêu
đều đạt độ chính xác cao. Nếu mang 12
quả bom ở dàn ngoài, thì xác suất trúng đích thường là 10 quả. Súng đại bác 20mm có thể duy trì yểm trợ từ
30 phút trở lên, có khi chỉ bắn mỗi lần hai khẩu để tiết kiệm đạn dược, mà
chính xác thì rất cao, có thể nhắm bắn ngay mũi một xuồng ba lá để làm vỡ tung
xuồng thay vì bắn thủng xuồng. Muốn đốt
nhà thì chỉ bắn đạn lửa vào nhà bếp chứ không cần thả Napalm. Sự chính
xác này tức nhiên tùy thuộc công phu luyện tập của hoa tiêu, nhưng phải nói khả
năng chỉnh súng và máy nhắm của Ban Vũ Khí thật là tài tình, hơn hẳn đơn vị VA
122 của US NAVY ở San Diego. Tiếng tâm của Phi Đoàn 514 về yểm trợ tiếp cận
vang dội khắp nước, trong bốn vùng chiến thuật, nhất là trong hai vùng 1 và
vùng 4. Công việc phân phát huy chương
về đến đơn vị cũng rất là công bằng.
Phòng Hành Quân luôn luôn có hồ sơ các trận đánh, có hồ sơ và lập danh
sách thường xuyên những ai có nhiều phi vụ hành quân nhất. Mỗi khi có huy chương nói rõ cuộc hành quân
nào, ngày giờ và địa điểm, những ai tham dự trực tiếp cuộc hành quân đó lãnh những
huy chương cao quí nhất. Nếu số người
tham dự cuộc hành quân đó quá ít mà huy chương lại nhiều, hay huy chương gửi về
mà không nói rõ cuộc hành quân nào thì những ai có nhiều phi vụ hành quân nhất
sẽ được lãnh tiếp các huy chương nhỏ, và số thứ tự được chuyển xuống ưu tiên
thấp nhất. Vì thế, anh Nguyễn Thành
Long (Long Chà) là người nhận Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu đầu tiên
của đơn vị, trước cả chỉ huy trưởng. Vì
lúc đó, Quân Lực VNCH chỉ có 4 loại huy chương: Bảo Quốc Huân Chương, Quân Công
Bội Tinh, Anh Dũng Bội Tinh và Chiến Thương Bội Tinh. Những chuyên viên bảo trì không thể cấp cho họ ADBT. Phòng Hành Chánh đơn vị phải tìm cách thảo các
bản “tuyên dương công trạng” theo chỉ thị của chỉ huy trưởng thế nào để chuyên
viên cơ khí cũng được ban thưởng ADBT. Vì
thế có những câu như:”Chuyên viên cơ khí, năng lực chuyên môn xuất sắc, kỷ luật
và thiện chí phục vụ cao. Khi phi cơ bị
hỏng máy, Trung Sĩ X đã không màn sống chết giữa lúc đạn địch bắn lên xối xả, đã
trèo ra khỏi phi cơ sửa chữa kịp lúc để công tác yểm trợ hành quân cho chiến dịch
được hoàn thành kịp lúc, giúp quân bạn đạt chiến thắng vẻ vang”. Ai mà biết được A-1H chỉ có một chổ ngồi cho
người lái thì chắc đã phì cười.
Trong các năm 1962 và 1963, Phi Đoàn 514 còn có
khả năng hành quân đêm. Tại căn cứ Biên
Hòa, ai đi xem chiếu bóng tại rạp chiếu bóng lộ thiên của căn cứ đều nghe tiếng
A-1H tập làm xuyên mây đêm bằng Radio Compas.
Hành quân đêm, chúng tôi còn trang bị bốn quả trái sáng ở dàn ngoài
cùng, để khi nào đến mục tiêu sớm hơn C-47 thả trái sáng, chúng tôi có thể tự
túc làm nhiệm vụ tự soi sáng để yểm trợ.
Phi cơ cũng được trang bị thêm máy vô tuyến ARC-44 dùng tần số FM để
liên lạc với quân bạn, thường là những đồn bót ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
bị tấn công. Hành quân đêm có cái thú
riêng của nó. Đạn địch bắn lên chỉ là
một dịp để chúng tôi trả đũa, vì từ khi thấy đạn chớp đến khi đạn đến trúng
mình có một khoảng thời gian đủ để xoay sở.
Cái khó nhất về kỹ thuật tác xạ đêm là bị quá mê nhắm bắn mà kéo lên
không kịp. Mỹ gọi đó là target
fixation, và khi điều tra tai nạn, ta thấy phần đuôi của phi cơ chạm đất
trước. Càng khó hơn khi có trăng sáng
và đánh trên vùng gần mé biển hay sông rạch.
Ta sẽ thấy trái sáng ở trên và
dưới mặt nước làm chóa mắt. Và sự ước
lượng cao độ bằng mắt thường rất lầm lẫn.
Nhưng đã hiểu được thì tránh được những tai nạn đáng tiếc. Kinh nghiệm hành quân đêm còn cho thấy Việt
Cộng rất xảo quyệt, dã dạng quân bạn chen vào tần số FM, hướng dẫn ta đánh vào
bạn, hoặc đuổi ta đi về và nói không cần nữa để chúng tha hồ hoành hành khi
thiếu sự yểm trợ hỏa lực KQ. Vì thế,
trên tần số FM phải luôn luôn thận trọng và trao đổi rất ít.
Khi túc trực hành quân đêm, bắt đầu từ 6 giờ
chiều đến 6 giờ sáng, chúng tôi thường có hai cặp ngủ trong trailer. Từ khi có chuông reo cho đến khi cất cánh là
15 phút. Chúng tôi vẫn ngủ như thường,
nhưng máy bay đã được kiểm soát đầy đủ trước khi mở máy(theo sự tham khảo với
quân y, chúng tôi biết được, con người hoàn toàn tỉnh ngủ sau 12 phút vừa đánh
thức dậy). Khi có chuông báo động, phi
tuần trưởng nhận chỉ thị, thường gồm tọa độ mục tiêu, tần số và danh hiệu liên
lạc với quân bạn. Trong khi đó thì phi
tuần viên soạn bản đồ tỷ lệ 100,000 hai bộ, một cho mình và một cho phi tuần
trưởng. Hai người mang vũ khí và túi
cấp cứu và ra thẳng phi cơ đã cắp cho cá nhân mình từ đầu hôm. Mở máy và di chuyển ra phi đạo, cất cánh hợp
đoàn. Bất cứ thời tiết nào, nếu còn
thấy cuối phi đạo thì cất cánh, miễn sao trên vùng mục tiêu có thời tiết tốt. Mà dù phải không hành một giờ bay mới đến
mục tiêu ở Cà Mau, chúng tôi cũng bay dù biết thời tiết sẽ không mấy tốt trên
vùng. Hy vọng khi tới vùng thì thời
tiết thay đổi. Trung Tâm Hành Quân
Không Quân có quyết định cho cất cánh thì phải đoan chắc là trên vùng rất cần
và thời tiết không xấu lắm. Nếu không
tiêu thụ bom đạn được trên mục tiêu, chúng tôi ra biển giải tỏa. Trên đường đi, thời đó đã có radar hướng dẫn
nên không ngại về không hành. Bay đêm
mát mẻ hơn bay ngày. Nhiều khi chúng
tôi bay ba phi vụ ngày, bồi thêm hai phi vụ đêm, phi vụ sau cùng rất là mệt mỏi
và buồn ngủ. Phi tuần viên hỏi:”Một làm
gì nhảy dữ vậy?”. Một nhìn ra sau thì thấy hai cũng nhảy như điên. Khi về đáp, trời tốt hay trời xấu gì cũng hạ
cánh hợp đoàn vì phi đạo Biên Hòa quá dư dả đối với A-1H. Chúng tôi đã mất nhiều công phu để huấn
luyện nên không còn sợ bay đêm. Và
chúng tôi tin cậy lẫn nhau. Có lần, anh
Đặng Thành Danh và chúng tôi bay đêm trên vùng giữa Ban Mê Thuột và Pleiku để
săn vịt trời. Không biết đài radar phát
giác địch như thế nào, có vẻ như có máy bay địch trên không phận này. Chúng tôi có hai cặp túc trực trên không,
một cặp từ 7 giờ tối đến 12 giờ khuya, và một cặp từ 12 giờ khuya đến 5 giờ
sáng. Có lần chúng tôi thấy có lửa đốt
làm dấu hiệu dưới đất. Khi xuống đủ
thấp, chúng tôi thấy họ quơ đuốc làm hiệu.
Những tin tức đó thì bộ binh không kiểm chứng được. Cho đến giờ chót, những bí ẩn này vẫn
còn. Có tin tình báo là địch dùng AN-2
để đưa các cấp chỉ huy của họ đi thăm đơn vị trên đường mòn HCM, nhưng chưa khi
nào chúng tôi bắt liên tục được trên radar.
Những phi vụ hành quân đêm rất nguy hiểm cho hoa
tiêu, và hết sức cực nhọc cho cơ khí viên.
Có lần, trong một đêm trời mưa lâm râm, phi tuần của tôi túc trực vừa ra
phi cơ thì phi vụ hủy bỏ. Như vậy đến
lần thứ ba mới cất cánh được. Nhớ ngồi
trong phòng lái thấy kiếng mờ quá, tôi yêu cầu anh Nhàn, cơ trưởng đêm đó, lau
sạch kiếng giùm tôi. Anh lấy tay lau
kiếng, vì tay lấm dầu nên kiếng càng mờ hơn.
Tôi chỉ anh ấy xem từ trong phòng lái.
Anh gật đầu, trở ra lau lại trong khi tôi lúi húi choàng giây nịch một mình. Khi nhìn lên thấy kiếng sạch rồi, tôi nhìn
anh và bảo “thôi! để tôi đi”. Ngay lúc
đó tôi thấy anh khum xuống mặc quần xà loỏng vào. Té ra, anh đã cởi quần xà loỏng để lau kiếng cho tôi. Mình anh ở trần trùi trụi vì sợ ướt áo khi
trời đang mưa, nên anh ra phi đạo chỉ mặc với cái quần đùi. Thời đó, chúng tôi thương nhau như anh em
một nhà, ít khi quan tâm đến cấp bực.
Nhưng tiếp liệu quá kém, đến nỗi giẻ lau cũng không có đủ dùng. Những ngày lễ kỷ niệm đơn vị, chúng tôi
thường “nhậu” với nhau cho đã, bù lại những ngày hành quân gian lao, ở hậu cứ
Biên Hòa hay nơi biệt phái.
Biệt phái hành quân tệ nhất phải nói tại
Pleiku. Phi đạo thì quá ngắn, lót vĩ
sắt, lồi lõm nhiều nơi. Cất cánh thì
xuống dốc, hạ cánh thì lên dốc. Đất đỏ
quện vào dầu máy bám chặt vào thân tàu, nên mỗi tuần phải thay máy bay về Biên
Hòa tắm rửa sạch sẽ. Cố vấn trưởng cũng
theo chỉ huy trưởng biệt phái hành quân để biết sự tình. Ngày ngày đi bay chỉ có thì giờ ăn bánh mì
(thường gọi là cơm tay cầm). Đêm lại ra
phố xem hát bội, cai lương. Cố vấn thường được giới thiệu hớt tóc tại các tiệm có
nữ giới chuyên cạo mặt. Cái ngực căn phòng
áp vào một bên má để cạo má bên kia. Tôi
thấy da mặt trắng đỏ của anh ta đã gần rướm máu mà cô ấy vẫn mài miệt cạo tới cạo
lui, cạo lên cạo xuống. Có đêm chúng tôi
vào xem cải lương, phải giải thích cho anh từng lúc, rất phiền cho người ngồi bên
cạnh. Xong chừng vài màn, chúng tôi ra
sau hậu trường để xem họ hóa trang. Anh
cố vấn mà tôi thích nhất tên gọi Garry Willar, tôi gọi anh ấy là “Gà Ri”, trước
khi về nước anh cho tôi một tượng đồng hai con gà chọi để trên bàn. Sau này nghe anh gia nhập vào đoàn khu trục
đặc biệt đánh các phương tiện radar ngoài Bắc, và anh đã lên Tướng, chỉ huy một
không đoàn tại Nam Hàn, cưới một cô vợ esquimo. Biệt phái hành quân Sóc Trăng yểm trợ Chiến Dịch Bình Tây, phi
đạo chỉ được 3,000 bộ, ở 1/3 phi đạo lại có lỗ trủng chưa lấp. Hai bên phi đạo lại có trực thăng H-21 của
Lục Quân Hoa Kỳ và phi cơ của Hàng Không Việt Nam đỗ lấy khách. Không khác gì hành quân trên hàng không mẫu
hạm. Anh “Long Chà” người hồi giáo(tên
thật là Ali), không ăn được thịt heo, nhưng bộ chỉ huy chiến dịch dọn gì ăn
nấy, nên anh phải mang theo một nải chuối ngồi trên máy bay mà ăn dần. Về sân đáp, anh đáp hơi ngoài phi đạo có đất
sình trơn trợt nên không giữ trục phi đạo, băng ra khỏi rào kẽm gai, băng ra
ruộng, tán vào một chị đang câu cá nên làm chết chị này. Anh phóng ra khỏi phi cơ, chạy lại bồng chị
ấy chạy vào kêu cấp cứu. Chúng tôi đến
chia buồn cùng gia đình và lo mai táng cho chị, là vợ của một binh sĩ pháo binh
cùng đồn trú tại phi trường. Ở đây, các
chuyên viên vũ khí của chúng tôi phải nạp đạn vào băng bằng tay, từng viên một
cho phi vụ kế tiếp. Tối lại, anh em
binh sĩ ngủ bên ngoài hành lang khách sạn được trưng dụng, còn sĩ quan được ngủ
giường bên trong, cố vấn của tôi cùng ngủ chung giường, rất bất tiện. Sáng ngày, hỏi các anh chuyên viên tại sao
không chịu ngủ trong buồng với chúng tôi.
Có người nói, ngủ ngoài mát hơn.
Nhưng hằng đêm cứ bị các cô gái buôn hương tới quấy nhiễu, mùng bên cạnh
có tiếng lặn hụp, bên này cũng trăn trở suốt đêm.
Hành quân ngày, hành quân đêm, từ hậu cứ hay
biệt phái hai nơi khác nhau một lần, chuyên viên cũng như hoa tiêu đều xài hết
tiền, vì phụ cấp vãng phản rất giới hạn.
Từ 1961 đến 1963, chúng tôi nhận được mỗi năm cho đơn vị một Anh Dũng
Bội Tinh với nhành dương liễu. Năm
1962, đơn vị mang giây biểu chương màu Anh Dũng Bội Tinh(vàng/đỏ). Sau đó, từ 1964 đến 1966, đơn vị tiếp tục
lãnh mỗi năm một ADBT nhành dương liễu, vì vậy, năm 1964 đã có giây biểu chương
màu Quân Công Bội Tinh(vàng/lục), và năm 1966 có giây biểu chương màu Bảo Quốc
Huân Chương (Đỏ). Chúng tôi còn nhớ lúc
đó, anh Chế Văn Nghĩa làm chỉ huy trưởng phi đoàn có gửi xuống cho tôi một tờ
giấy cho phép mang giây biểu chương này, vì tôi đã phục vụ ở Phi Đoàn 514 từ
1957 đến 1963, với một năm rưỡi gián đoạn vì ra TTHLKQ để lo cho khóa Trần Duy
Kỷ là người bạn thân của tôi. Phi Đoàn
còn được Tổng Thống Hoa Kỳ ban thưởng huy chương đơn vị Presidential Unit
Citation, mang bên túi phải.
Nói về Phi Đoàn 514, không thể quên được những
giờ phút khó khăn nhất của phi đoàn. Đó
là lúc có biến cố chính trị. Vào năm
1960, có chính biến. Anh Võ Văn Sĩ được
lệnh bay L-19 của phi đoàn thả một công điện của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Biên Hòa gửi
cho Tổng Thống, thả ngay trên Dinh Độc Lập.
Sau đó, Chuẩn Úy Võ Văn Sĩ thăng cấp đặc biệt Thiếu Úy. Vào năm 1962, Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử
thả bom Dinh Độc Lập. Anh Cử bay qua
Campuchia. Anh Quốc hạ cánh xuống sông
Saigon và bị giam cho đến ngày 2-11-63.
Sau vụ này, Tổng Thống Ngô Đình Diệm xuống Biên Hòa và gọi chúng tôi
trình diện tại Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Sau
lần thăm viếng đặc biệt này, Tổng Thống Diệm đã không nhận sự từ chức của tôi,
còn khuyên phải cố gắng chăm lo việc hành quân cho tốt. Tuy nhiên, về phía an ninh quân đội, họ cấm
A-1H không được trang bị bom hay hỏa tiễn , và chỉ đi hành quân với súng mà
thôi. Hơn thế nữa, tại căn cứ cũng có
biện pháp kiểm soát mọi chuyến bay, coi có phải người bay có lệnh hành quân
thực sự hay không. Mỗi lần được điều
động cất cánh, chúng tôi phải ngừng lại cho một anh lính gác kiểm soát, xong mở
cổng cho ra phi đạo. Những biện pháp đó
hoàn toàn không hiệu quả mà còn đương nhiên làm giảm khả năng của phi đoàn rất
nhiều. Tuy vậy, các trận mà ai cũng
nghĩ rằng phe ta thất bại nặng nề, như Ấp Bắc, Mé Láng, thật ra thì thành tích
của Phi Đoàn 514 trong các cuộc hành quân đó không ai tưởng tượng được.
Tại Ấp
Bắc, anh Huy và anh Biện chỉ dùng súng mà bao vây trên ruộng để bộ binh bắt
sống gần 80 người. Còn thiệt hại về
phía bạn thì do hướng dẫn pháo binh bắn sai vào các cánh quân của Bảo An
Đoàn. Về phía trực thăng H-21 bị mất
đến 5 chiếc là vì họ bị Ground Resonance mà lật úp, chứ không do địch bắn
rơi. Chiếc này rớt, chiếc kia xuống cứu
cũng rớt theo ngay một chỗ, chính mắt chúng tôi trông thấy máy bay vừa chạm đất
là lật ngang chứ không phải rớt từ trên không.
Tại Mé Láng, cũng với anh Nguyễn Quan Huy, người
chỉ huy phó và bạn thân của tôi, anh ấy đánh chìm ba chiếc ghe máy, mỗi chiếc
chở khoảng 50 người. Khi tôi đến tận
nơi thám sát thì thấy trên bãi bùn khi nước ròng rút xuống thấp, giống như trên
sông có ai đóng cừ khắp nơi. Mùi thối
không tả được. Có kẻ cấm xuống bằng
chân nhưng không đầu. Có kẻ cấm đầu trên bùn, tay chân mất tiêu. Rất nhiều, thật là gớm ghiết.
Đến kỳ đảo chính 1-11-1963, anh Võ Văn Sĩ lại
được chỉ định dẫn một phi tuần 4 phi cơ túc trực trên không và đợi chỉ thị, và
anh đã tham gia oanh kích vào thành Cộng Hòa sau các phi tuần T-28 của Phi Đoàn
716 tại Tân Sơn Nhất. Nhờ thế, anh Sĩ lại được thăng cấp đặc biệt một lần
nữa. Đúng là người có số may, chỉ làm
theo lệnh mà lần nào cũng được thăng cấp đặc cách.
Sau khi đảo chính, Phi Đoàn 514 do Thiếu Tá (vừa
được thăng cấp) Võ Xuân Lành chỉ huy.
Đến khi thành lập Không Đoàn 23 thì Phi Đoàn 514 là thành phần của Liên
Đoàn Tác Chiến thuộc Không Đoàn 23 Chiến Thuật. Cơ cấu tổ chức chỉ còn thành phần hoa tiêu và hành chánh. Còn đại bộ phận bảo trì và tiếp liệu được
chuyển sang Liên Đoàn Bảo Trì và Tiếp Liệu.
Sau này, tuy không còn tổ chức phi đoàn nặng nề
như trước kia, nhưng Phi Đoàn 514 vẫn tiếp tục lập nhiều chiến công và được ban
thưởng huy chương đơn vị liên tục ba năm sau khi tôi rời đơn vị. Nhớ lại một thời vinh nhục có nhau, thật
tình tôi rất cảm ơn sự tích cực đóng góp công sức của mọi anh em trong đơn
vị. Rất nhiều người sau này đã nắm các
chức vụ quan trọng, trưởng thành trong khói lửa, làm rạng danh Không Quân Việt
Nam trong cả nước và cả Tổng Thống Hoa Kỳ cũng ban thưởng huy chương đơn vị cao
quí nhất.
Gman
No comments:
Post a Comment