Tuesday, November 20, 2012

Hải Thuyền, Người Nhái, Biệt Hải, Hải Tuần


LỰC-LƯỢNG HẢI-THUYỀN

Thành Lập
Khởi thủy, Lực-Lượng Hải-Thuyền là một Lực-Lượng bán quân sự, do sĩ quan Hải-Quân tuyển mộ, huấn luyện và chỉ huy. Thời gian huấn luyện là ba tháng.
Khi mới thành lập, mỗi đơn vị của Lực-Lượng Hải-Thuyền được gọi là Đội Hải-Thuyền và đoàn viên đều xâm trên ngực hai chữ Sát Cộng.
Tổ Chức
Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Thuyền đặt ở Phú-Quốc; đến tháng 2 năm 1963 được dời về Cam-Ranh.
Thành Phần
Mỗi Đội Hải-Thuyền được một Thiếu-Úy hoặc Trung-Úy chỉ huy và gồm có:
  • 3 ghe Chủ-Lực – mỗi ghe Chủ-Lực được trang bị 1 đại liên 50 trước mũi, 1 đại liên 30 sau lái và nhiều súng cá nhân.
  • 3 ghe Di-Cư – mỗi ghe Di-Cư được trang bị 2 đại liên 30 và nhiều súng cá nhân.
  • 20 ghe Buồm – chỉ được trang bị súng cá nhân.
  • Ghe Yabuta được trang bị 2 đại bác 20 ly bên hông.
Y phục của đoàn viên là bà ba đen.
Nhiệm Vụ
Tuần tiễu, kiểm soát và ngăn chận sự xâm nhập và trà trộn của Việt-Cộng vào những làng ven biển
Phạm Vi Hoạt Động
Dọc theo miền duyên hải Nam Việt-Nam
Sau khi được sát nhập vào Hải-Quân, danh xưng Đội Hải-Thuyền được đổi là Duyên-Đoàn và đoàn viên mặc quân phục Hải-Quân.
Cấp số của mỗi Duyên-Đoàn là Thiếu-Tá.

LIÊN-ĐOÀN NGƯỜI NHÁI

Thành Lập
Liên-Đội Người Nhái được thành lập năm 1961, gồm toàn quân nhân tình nguyện.
Ngay sau khi được thành lập, 12 nhân viên tốt nghiệp khóa Biệt-Hải U.D.T. tại Đài-Loan huấn luyện lại cho Người Nhái Hải-Quân.
Tổ Chức
Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn Người Nhái trước đặt tại Ty Quân-Cảng, trong Hải-Quân Công-Xưởng; sau dời về Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lái, đặt dưới sự chỉ huy của Lực-Lượng Đặc-Nhiệm Trung-Ương 214.
Trước năm 1968, Liên-Đội Người Nhái chỉ phụ trách những công tác thám sát hành quân, đổ bộ, lặn và vớt tàu.
Từ năm 1968 trở về sau, khả năng Người Nhái Hải-Quân Việt-Nam được tận dụng đúng mức khi Liên-Đoàn Người Nhái bắt đầu biệt phái nhân viên cho các toán Người Nhái Mỹ – SEAL team – khắp 4 vùng chiến thuật và cho cả chiến dịch Phụng-Hoàng.
Năm 1971, một số sĩ quan trẻ, xuất thân từ Trường sĩ quan Bộ-Binh Thủ-Đức tình nguyện gia nhập và được huấn luyện theo những khóa Hải-Kích Người Nhái Việt-Nam.
Năm 1972, quân số Người Nhái từ 80 tăng lên 600. Liên-Đội Người Nhái trở thành Liên-Đoàn Người Nhái và gồm có:
  • Hải-Kích (SEAL – Sea, Air, and Land Forces)
  • Biệt-Hải (UDT – Underwater Demolition Team)
  • Tháo gỡ đạn dược (EOD – Explosive Ordinance Disposal)
  • Trục Vớt (vớt tàu)
  • Phòng thủ hải cảng
  • Giang-Đoàn yểm trợ Hải-Kích (chuyên chở hành quân)
  • Toán yểm trợ tiếp vận
Nhiệm Vụ
Xâm nhập vùng đất địch, chống đặc công thủy Việt-Cộng, vớt tàu, cứu tù binh, v.v…
Phạm Vi Hoạt Động
Người Nhái có thể hoạt động trong sông lẫn ngoài biển.
Bất cứ lúc nào Liên-Đoàn Người Nhái cũng có từ 15 đến 20 toán thuộc các ngành để biệt phái khắp nơi.
Khóa Người Nhái cuối cùng là Khóa 8.
Chỉ-Huy-Trưởng cuối cùng: Hải-Quân Trung-Tá Trịnh Hòa Hiệp.

BIỆT-HẢI

Thuộc Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải
Tổ Chức
Biệt-Hải được chia ra 3 nhóm: Vega, Lucky và Romulus. Cả ba nhóm đều sống trong các trại dọc theo bãi biển từ Mỹ-Khê đến chùa Non-Nước. Trại nọ cách trại kia khoảng một cây số. Trước mặt trại là biển và sau lưng là rừng dương liễu.
Mỗi trại đều có dân sự chiến đấu lo canh gác và vấn đề ẩm thực. Biệt-Hải chỉ lo tập và thi hành công tác cho đến khi giải nhiệm hoặc tự ý xin rút lui.
Tuyển Mộ
Muốn trở thành một Biệt-Hải, học viên phải hội đủ những điều kiện: Thể chất khỏe mạnh, cường tráng; tinh thần can đảm, tự tin, kín đáo; phản ứng bén nhạy để xoay trở khi lâm nạn và có sức chịu đựng phi thường.
Huấn Luyện
  • Khóa I Biệt-Hải
Tháng 10 năm 1962, khóa Biệt-Hải đầu tiên tại Việt-Nam do Người Nhái Mỹ (U.S. Navy SEALs) và một số Biệt-Hải Việt-Nam tốt nghiệp tại Đài-Loan huấn luyện. Khóa này có một sĩ-quan duy nhất – Hải-Quân Trung-Úy Trịnh Hòa Hiệp, xuất thân khóa 7 Hải-Quân Nha-Trang – và một số hạ sĩ quan Hải-Quân, còn hầu hết là nhân viên Hải-Thuyền.
Khóa này ra trường vào tháng 1 năm 1963 rồi xin chuyển sang Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, chuyên thi hành công tác xâm nhập miền Bắc, từ bắc vỹ tuyến 17.
  • Khóa II Biệt-Hải
Cũng được tổ chức tương tự như khóa I. Hải-Quân Thiếu-Úy Phan Tấn Hưng, xuất thân khóa 9 Hải-Quân Nha-Trang, là sĩ-quan thứ hai theo thụ huấn.
Khóa I và khóa II Biệt-Hải được huấn luyện tại Đà-Nẵng. Những khóa kế tiếp được huấn luyện tại các địa điểm khác nhau như: Nha-Trang, Cam-Ranh, Vũng-Tàu, v.v…
Biệt-Hải được huấn luyện như một điệp viên chiến tranh thuần túy để thích nghi với mọi môi trường như lặn, đổ bộ và nhảy trực thăng từ một cao độ khá nguy hiểm mà không cần dù. Biệt-Hải biết xử dụng tất cả mọi loại vũ khí – của ta cũng như của địch – và có khả năng xâm nhập, trốn thoát và sống còn.
Thời gian huấn luyện là 16 tuần lễ, kể cả “Tuần lễ địa ngục”. Muốn vượt qua “Tuần lễ địa ngục”, học viên phải qua nhiều thử thách như: Chèo ghe 115 dặm, chạy bộ 75 dặm, mang tàu đi 21 dặm, bơi 10 dặm, bơi trong khi tay và chân bị trói để lấy tài liệu dưới đáy nước – bằng miệng. Biệt-Hải phải chịu đựng được những khắc nghiệt của độ nóng, độ lạnh, độ sâu và độ cao.
Vì những điều kiện huấn luyện để trở thành một Biệt-Hải rất khắc khe cho nên Biệt-Hải Hoa-Kỳ có câu: The only easy day was yesterday!
Nhiệm Vụ
Mỗi nhóm hoạt động trong một lãnh vực khác nhau.
  • Nhóm Vega được huấn luyện để đổ bộ, đột kích, phá cầu bằng chất nổ và bắt người ngoài Bắc về lấy tin tình báo. Nhóm này xử dụng Bazooca và 75 ly không giật.
  • Nhóm Romulus chuyên lặn bình hơi và đổ bộ bằng cách nhảy dù xuống biển, mang theo bình hơi và xuồng cao su.
  • Nhóm Lucky thi hành công tác phá hoại kinh tế, tuyên truyền, gây xáo trộn tinh thần trong hàng ngũ địch. Nhóm này thường bắt ngư phủ trong hợp tác xã Việt-Cộng đem về làng kiểu mẫu Thế-Giới Tự-Do – được thành lập tại Cù Lao Chàm – nuôi nấng, cho ăn uống sung sướng, học về đời sống tự do; sau đó những người này được thả về Bắc lại để tuyên truyền. Nhiều người trong số này xin ở lại miền Nam, nhưng không được chấp thuận.
Trước khi Biệt-Hải thực hiện một công tác nào thì nhân viên phải được huấn luyện và thực tập dựa theo địa hình, địa vật – do không ảnh U2 cung cấp – của những địa điểm mà công tác sẽ được thi hành.
Trong khi thi hành nhiệm vụ Biệt-Hải thường bơi từng cặp để tương trợ lẫn nhau. Phương thức này được gọi là Buddy System.
Khi Lực-Lượng Hải-Tuần chưa thành lập, Việt-Cộng bố trí nhiều vị trí đóng quân dọc theo duyên hải kể từ phía Bắc vỹ tuyến 17. Về sau, những đơn vị Việt-Cộng này bị Biệt-Hải tấn công và bắn phá liên miên, Việt-Cộng dời quân vào sâu trong nội địa.
Sau khi Việt-Nam hóa chiến tranh, Đại-Đội Hải-Kích được biệt phái cho các Giang-Đoàn, Duyên-Đoàn hay những Căn-Cứ Hải-Quân trên khắp lãnh thổ miền Nam.
Nhiệm vụ của Hải-Kích cũng tương tự như Biệt-Kích, nghĩa là đột nhập vào những mục tiêu ven biển hoặc sông rạch.
Một toán Hải-Kích được biệt phái thường trực cho Căn-Cứ Hải-Quân Năm-Căn. Đại đội vớt tàu trang bị dụng cụ lặn và trục vớt, lưu động các nơi, nhất là Vùng IV Sông-Ngòi. Đại đội tháo gỡ đạn dược cũng biệt phái nhân viên đến những Bộ-Chỉ-Huy Vùng.
Tầm hoạt động xa nhất của Biệt-Hải là Hải-Phòng.

LỰC-LƯỢNG HẢI-TUẦN

Tổ Chức
Lực-Lượng Hải-Tuần thuộc Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, đóng tại Tiên-Sa, Đà-Nẵng. Bộ-Chỉ-Huy gồm Chỉ-Huy-Trưởng và Chỉ-Huy-Phó.
Chỉ-Huy-Trưởng Lực-Lượng Hải-Tuần đầu tiên là Hải-Quân Thiếu-Tá Trần Bình Sang.
Tất cả nhân viên thuộc Lực-Lượng Hải-Tuần, cả sĩ quan và lính, đều là những quân nhân tình nguyện và được biệt phái hẳn cho Lực-Lượng Đặc-Biệt (Special Operations Group). Lực-Lượng Đặc-Biệt này gồm nhiều binh chủng khác nhau như Thủy-Quân Lục-Chiến, Không-Quân, Nhảy-Dù, Biệt-Kích, v. v…và Hải-Quân là một thành phần trong cơ cấu này.
Trang Bị
Khinh-Tốc-Đỉnh (PT).
PT dài khoảng 80 feet, vỏ bằng nhựa, máy chạy bằng dầu cặn, được đóng tại Na-Uy (Norway), vận tốc trên 50 hải lý một giờ. Những PT thuộc Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải có biệt danh là Nasty và Swift.
Mỗi PT được trang bị:
  • 1 súng cối 130 hoặc 81 ly, quay và nhắm được, đặt sau đài chỉ huy.
  • 2 đại liên 50 đôi đặt hai bên.
  • 1 trọng pháo phòng không 40 ly, hai nòng, bắn tự động.
PT được chế tạo để phóng thủy lôi, nhưng công tác của Lực-Lượng Hải-Tuần không cần đến, cho nên không trang bị.
Mỗi PT có một hạm trưởng – cấp bậc Đại-Úy Hải-Quân – một hạm phó, một cơ khí viên và một số nhân viên. Mỗi lần hành quân thường đi chung 2 hoặc 3 PT để yểm trợ lẫn nhau.
Nhiệm Vụ
Nhiệm vụ của Lực-Lượng Hải-Tuần là dùng PT đưa Biệt-Hải hoặc những người có nhiệm vụ liên hệ, vượt vỹ tuyến 17, xâm nhập Bắc Việt. Công tác thường được thực hiện ban đêm và chỉ với mục đích thu thập tin tức tình báo.
Phạm Vi Hoạt Động
Dọc vỹ tuyến 17 cho đến Hải-Phòng
Sau khi thi hành công tác từ Bắc về, PT Hải-Quân V.N.C.H. thường bị PT Việt-Cộng chận đánh, khoảng Hòn-Cọp. PT Hải-Quân V.N.C.H. cũng thường bị Mig Bắc-Việt – bay từng cặp – phát giác bằng radar và dùng hỏa tiễn tầm nhiệt tấn công.
Hải-Quân Việt-Cộng được trang bị 12 P4.
Việt-Cộng thường dùng loại tàu Kronstaff, vận tốc khoảng 35 hải lý một giờ và loại P4 vận tốc 65 hải lý một giờ và được trang bị 6 giàn đại liên 50 đôi để tấn công PT Nam Việt-Nam. PT Nam Việt-Nam vừa phản công vừa lui về dưới vỹ tuyến 17 để khỏi bị lộ.
Lực-Lượng Hải-Tuần đưa Biệt-Kích xâm nhập Bắc Việt lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1964.
Khi mới thành lập, Lực-Lượng Hải-Tuần có khoảng 20 PT. Đến cuối năm 1970, theo tinh thần Hòa Đàm Paris, Việt-Cộng yêu cầu Mỹ hủy bỏ những công tác tình báo ngoài Bắc. Mỹ nhượng bộ.
Lực-Lượng Hải-Tuần ngưng hoạt động và giải tán

No comments: