Tuesday, November 20, 2012

Trung-Úy Vũ Văn Phú, HQ-505


Nhắn tìm Trung-Úy Vũ Văn Phú, HQ-505
 
Chuyện đã 40 năm, người Em gái sông Cửu Long mà Anh từng gặp gỡ nơi ngã sáu Phù Đổng vẫn còn nhớ Anh.
Xin nhắn Trung-Úy Vũ Văn Phú, SQ Dương-Vận-Hạm HQ-505 và bạn bè biết tin-tức Trung-Úy Phú:
... Phú là kỷ niệm đẹp của một thời học trò, mà mổi khi nhớ lại, vẫn khiến em bồi hồi dù em không còn trẻ nửa. Em muốn hỏi thăm Phú, mong rằng Phú hiện có cuộc sống bình yên và hạnh phúc...
 
Chuyện đã 40 năm ....
 
Chuyện đã 40 năm, khoảng thời gian quá đủ để một người trẻ tuổi già đi, trí nhớ bắt đầu giảm sút. Nhưng kỷ niệm, vốn như tên gọi, lại thuộc về quá khứ, mà người lớn tuổi thì luôn nhớ về quá khứ. Khi đó em chỉ là con nhỏ học trò lớp 12 ban toán. Anh có nhớ ở Saigon chổ ngã sáu Phù Đổng có mấy xe bán bột chiên rất ngon không? Học trò thường hay tụ tập sau giờ học. Em cũng không ngoại lệ. Một buổi chiều tan học về em và đứa bạn ngồi ăn ở đó, có hai ông HQ vô quán, bàn nào không ngồi lại ngồi bàn em. Mắc cỡ ăn không ngon và cũng không dám chuyện trò tía lia cùng bạn, lâu lâu ngước lên lại thấy một ông nhìn mình cười cười. Ông này mặc đồ xanh tím, vai áo gắn Alpha và ( hình như) hai gạch. Ông kia mặc đồ xanh biển hình như là Trung sĩ. Ông Tr/sĩ gọi ông kia là Tr/uý. Em khều bạn, ăn nhanh về thôi, nhưng hai ông ăn còn nhanh hơn mình. Lính mà. Chia tay bạn, em chạy xe ra đường Trần Hưng Đạo để về nhà mình, xe dừng chờ đèn thì em đã thấy hai ông HQ chạy sát theo em. Ông Tr/sĩ chở ông Tr/uý cũng bằng Honda Dame. Tr/uý hỏi:" nhà Chi ở đâu?" em giật mình, sao biết tên mình vậy ta? Chắc hồi nãy nghe bạn em kêu thôi. Em không trả lời nhưng khi quay lại nhìn, thấy Tr/ uý cũng không có gì đáng sợ lắm. Nhà em ở trong một con hẽm rộng yên tĩnh thuộc Quận Nhì (giờ là Quận Nhất). Em vào nhà khoảng 10 phút thì nghe má em kêu Chi có bạn tìm. Em bước ra. Trời ạ, Trung uý đang đứng trước mặt em, trong sân nhà em, tự tin như đã là bạn thân của em từ lâu lắm rồi. Trung uý đứng tựa lưng vào gốc ngọc lan, tay cầm chặt một nắm hạt dưa chắc hẵn vừa mua ở tiệm tạp hoá đầu hẽm nhà em. Hình như Tr/ uý muốn nhờ nắm hạt dưa để có thêm bình tỉnh. Trung uý nhìn em, đôi mắt trầm lắng, thiết tha như chịu lổi. Em không còn cách nào khác hơn đành mời Trung uý và Trung sĩ vào nhà, em phải làm ra vẽ tự nhiên đễ má em yên tâm. Trung uý tự giới thiệu mình tên Phú, Trung uý HQ đi tàu HQ 505. Sau một chuyến hải hành, tàu cập bến Bạch Đằng, Trung uý lên bờ rong chơi. Câu chuyện giửa cô học trò lớp 12 và anh Trung uý chỉ xoay quanh chuyện tàu bè, sông biển mà Phú có vẽ rất say mê. Phú còn nhiệt tình giải thích cho học trò biết sự khác nhau giửa HQTr/uý và Tr/uýHQ như thế nào. Phú cũng tự nhận đã mua hạt dưa ở tiệm đầu hẽm để hỏi thăm nhà em. Phú nói em phải giỏi toán mới dám học ban B. Em trả lời còn anh chắc cũng giỏi tấn công nên mới dám xông vào nhà người ta như vậy. Phú cười hiền hoà: anh tin Chi không nở đuổi anh. Mình cùng dân đồng bằng sông Cửu Long mà (trước đó Phú nói gia đình Phú ở Cần Thơ; còn em, ba má em đều sinh trưởng ở Vĩnh Long). Trước khi ra về Phú để lại cho em danh thiếp mang tên Vũ Văn Phú với lời dặn tàu anh còn cập bến Bạch Đằng một, hai ngày nửa. Nhưng em đã không xuống bến BĐ. Tàu nhổ neo lúc nào em không biết. Trời Saigon đã vào mùa hạ. Em có kỳ thi Tú tài trước mặt, em không muốn mình đạp nhầm võ chuối. Nhưng đôi khi trong những bài toán hình học không gian, nhũng phương trình đại số lại ẩn hiện đôi mắt ấy, đôi mắt thiết tha của Phú.


Em đậu Tú tài, em vào Đại học. Khoảng tháng 4/1974, lúc đó em đang học năm thứ 1 Đại học Luật khoa, HQ505 lại cập bến Bạch Đằng, Phú tìm gặp em. Vẫn vu vơ chuyện trường chuyện lớp, chuyện tàu bè sóng to gió lớn, chẳng đứa nào nói đến chuyện tình yêu dù tình yêu của ai đó, không phải cúa mình, như tình yêu trong phim Love Story chẳng hạn. Giờ nghĩ lại em thấy ngày đó mình thật ngây thơ và Phú cũng hiền lành quá đổi. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi Phú ở Saigon em có xuống bến BĐ đứng trên cầu nhìn con tàu 505 to lớn, nhìn thấy Phú bước ra từ đó, oai phong và hùng tráng. Một lần như vậy rồi thôi. Chỉ có vậy mà thôi. Rồi tàu lại đi . Và Phú lại đi. Chẳng ai hứa với ai một điều gì. Em ở lại Saigon với Giãng đường Đại học, em làm thơ và viết báo. Nổi nhớ về con tàu 505 biến thành những bài thơ, tạp văn đăng rất đều trên báo Dân Luận, Đông Phương có ghi đề tặng, nhưng có lẽ lúc đó tàu đang ở biển khơi nên Phú không đọc được. Cho đến khi Saigon nổi sóng. Phú và con tàu thân yêu của Phú đi đâu, về đâu giửa cơn giông tố đó, làm sao em biết được, khi em và Phú cách nhau muôn trùng hải lý và em thì nhỏ bé giửa biển đời mênh mông. Em ở lại và em cố quên. Những bài thơ, bài báo em cắt dán vào cuốn sổ tay, em cất cuốn sổ tay vào ngăn cuối cùng của tủ sách, vào ngăn thăm thẳm nhứt trong ký ức của mình. Nhiều năm sau tháng Tư đó, em lấy chồng. Em nhớ có đọc ở đâu đó 2 câu thơ: "...Em và anh, mỗi người một đám cưới. Riêng rẽ họ hàng, riêng rẽ buồn vui...". Em nghĩ Phú cũng đã như em, chẳng ai chờ ai, đợi ai; và chắc hẵn Phú cũng đã riêng rẽ một cuộc đời. Cho đến khi em đọc được "Kỷ niệm với con tàu máu 505" của Nhà văn Điệp Mỹ Linh, sự tàn ác của chiến tranh, nổi thống khổ, đau thương của những người lính, của những dân lành được phơi bày trần trụi, tận cùng với nước mắt và máu hoà lẫn trên con tàu hùng tráng năm xưa em từng biết. Em đọc và em sợ hãi từng con chử. Em sợ bài viết có nói về MỘT CÁI CHẾT MANG TÊN LÀ PHÚ nhưng điều đó đã không xãy ra. Em tự hỏi khi đó Phú ở đâu, còn trên tàu hay đã về đơn vị khác? Phú có bình yên không? Em chỉ muốn biết một điều như vậy. Còn lại, tất cả đều đã..."ngày xưa". Em chỉ muốn giữ lại hình ảnh một anh chàng SQHQ cao cao, tay cầm nắm hạt dưa, đứng hiên ngang giửa sân nhà em trong nhạt nhoà bóng tối thơm nồng hương ngọc lan. Em cũng muốn giữ lại trong ký ức ánh mắt dịu dàng, thiết tha đã từng đôi lần làm em khó ngủ.

Em cũng không muốn Phú gặp em lúc này, khi em đã không còn là con nhỏ ăn bột chiên ở ngã sáu Saigon, học Tú tài ban Toán mà Phú từng biết. Em đã không còn là "Người Của Muôn Năm Củ".

Ở đâu đó trên hành tinh này, dù có đọc được hay không những dòng tin nhắn, em vẫn cầu mong Phú bình yên và hạnh phúc.
 
Ch



KỶ NIỆM với “CON TÀU MÁU” HQ 505


 

Đang tưới mấy chậu hoa trên sân thượng, tôi nghe tiếng chân người chạy thật nhanh từ phía cầu thang. Quay lại nhìn, tôi thấy bà giúp việc đang đưa tay vuốt ngực, thở gấp và nói đứt đoạn:

- Thưa…cô…c…o…ó…điệ…n…thoại.

Vì vội vàng, tôi xách luôn bình nước tưới cây, vừa chạy đến cầu thang vừa hỏi:

- Ai vậy, dì Năm?

- Dạ…ông.

Vừa nói bà Năm vừa quay người chạy theo tôi và đưa tay xách bình nước từ tay tôi.

Mấy hôm nay tôi gần như sống trong sự khủng hoảng nào đó, không lúc nào tâm hồn được yên. Mỗi lần chuông điện thoại reng, tôi giật mình, hồi hộp, thở không đều. Bây giờ chạy từ lầu ba xuống, tôi thở nặng nhọc như một tay đua vừa chạy giáp vòng sân Cộng-Hòa. Vừa chụp ống nghe, chưa kịp nói allo, tiếng Minh đã vang lên từ đầu giây bên kia:

- Làm gì mà thở dữ vậy, cô nương?

Nghe Minh vẫn diễu cợt bình thường, tôi hỏi ngược lại Minh:

- Có tin gì khác không, anh?

- Có…

Minh hơi ngập ngừng. Tôi lắng nghe nhưng Minh không nói tiếp. Ngỡ rằng Minh đang bận nói gì với ai, tôi chờ một chốc rồi dục:

- Allo! Anh đang bận, phải không?

- Không. Anh nghe đây.

- Sao đang không anh im lặng vậy?

- Thôi, để anh về anh nói cho nghe.

- Thì nói bây giờ đi.

Sau một thoáng im lặng, Minh hỏi:

- Em còn giữ ý định tìm phương tiện về ngoài đó hay không?

- Em phải về,

- Anh hiểu.

Minh ngưng. Dường như có tiếng thở dài nhè nhẹ. Một chốc, Minh tiếp:

- Anh về bây giờ.

Giọng Minh có chút gì là lạ.

Sau khi gác ống điện thoại, tôi chợt nhớ đến Trí, một sĩ quan Không-Quân đã hứa sẽ tìm phương tiện cho tôi về đem gia đình vào Saigon. Tôi quay số. Bà Trí bắt ống nghe. Tôi nhắc bà về lời hứa của Trí. Bà Trí bảo tôi chờ. Dường như bà Trí đang bịt ống nói để nói gì với Trí, tôi chỉ nghe lao xao. Một lúc sau, giọng Trí có vẻ ngạc nhiên:

- Chị Minh! Chị chưa nghe gì hết sao?

- Dạ, nghe gì, anh?

- Nha-Trang mất rồi!

Tưởng mình nghe lầm, tôi hỏi, giọng hơi lớn:

- Dạ, anh nói gì, anh Trí?

- Nha-Trang mất rồi, bà ơi! Tôi tưởng anh Minh cho chị hay rồi chứ.

Tôi thẩn thờ một lúc rồi “rơi” vào lòng ghế xa-lông, đầu óc trống rỗng. Ngoài những người ruột thịt, tôi còn dấu trong khung trời Nha-Trang những nhiệm mầu của tuổi thơ, những xót xa của kỷ niệm và nhiều đắng cay của cuộc tình. Từng này tuổi, nếu phải mất ngần ấy yêu thương thì hồn tôi sẽ thành một bãi vắng mênh mông!

Không nghe tôi nói gì, Trí tiếp:

- Thôi, chị à! Tôi quý chị lắm, nhưng tôi khuyên chị là…hết rồi! Chị không nên liều mạng như vậy.

Tôi khẩn khỏan:

- Dù chuyến bay chót cũng được, anh Trí à. Tôi sẽ tìm phương tiện trở về sau.

- Bây giờ chỉ còn những chuyến trực thăng ra đến Cam-Ranh thôi. Nhưng tôi cũng không thể để chị đi những chuyến đó; bởi vì chưa biết mình còn giữ được Cam-Ranh bao lâu nữa! Đã đành gia đình là trọng, nhưng chị còn chồng còn con của chị nữa chứ, chị quên sao?

- Dạ, tôi biết. Nhưng các cháu có anh Minh lo; còn gia đình của tôi ngoài đó không ai lo được gì cả.

- Bộ chị không sợ Việt-Cộng hay sao mà tới giờ này còn đòi bay về ngoài đó?

Trí chuyển đề tài bất ngờ khiến tôi hơi lúng túng:

- Dạ…dạ…

Tôi nghe giọng bà Trí nói chi đó rồi Trí cười lớn từ đầu giây bên kia. Chỉ một thoáng thôi, giọng Trí trở nên hấp tấp:

- Allo! Allo! Chị còn đó không? Xin lỗi chị, tôi cười hơi lớn vì bà xã tôi nói tôi “cà chớn”, nhè chị mà hỏi có sợ Việt-Cộng hay không.

Tôi cũng cười, chưa biết cách nào trở lại đề tài xin trực thăng đi Nha-Trang thì Minh đẩy cửa, bước vào. Tôi đưa tay che ống nói rồi nói với Minh:

- Anh Trí.

- Trí nào?

- Anh Trí Không-Quân.

Minh “a”  lên một tiếng rồi đi thẳng lên lầu. Trí hỏi:

- Anh về, phải không, chị?

Tôi “Dạ”. Trí đổi giọng thân mật:

- Thôi, xong rồi. Bà lo cho ông ấy đi. Không đi đâu nữa cả, có gì ân hận lắm đó, bà.

Sau khi gác điện thoại, tôi như kẻ mất hồn. Nếu Trí không gửi tôi theo các chuyến bay ra Trung thì đâu còn ai bên Không-Quân tôi có thể nhờ được. Còn Hải-Quân, giờ này có lẽ đâu còn chiếc nào tại bến mà nhờ! Tôi thở dài, tính vào bếp phụ dọn cơm thì Minh từ trên lầu đi xuống:

- Trí cho em hay rồi, phải không?

Tôi nhìn ra khung cửa lưới. Vạt nắng mong manh trên khóm hoa giấy trước sân khiến tôi nhớ Nha-Trang vô vàn! Tôi như muốn khóc, “dạ” nho nhỏ, trả lời câu hỏi của Minh. Minh ngồi vào xa-lông, gương mặt cũng chẳng vui gì. Một lúc lâu, Minh hỏi:

- Em còn muốn về ngoài đó không?

- Dạ. Nhưng anh Trí bảo không giúp được. Còn tàu, anh thấy có chiếc nào đi ra Trung nữa không?

- Có. Nhưng tới Phan-Rang thôi.

Tôi sáng mắt lên:

- Vậy cũng được. Chiếc nào vậy, anh?

- 505.

- 505 là chiếc nào?

- LST Nha-Trang.

Nha-Trang! Tuy không được sinh trưởng tại Nha-Trang, nhưng âm hưởng nhẹ nhàng của hai tiếng Nha-Trang lúc nào cũng như một ràng buộc vô hình vào đời tôi.

- Ai là Hạm-Trưởng, anh?

Minh cười, ánh mắt tinh nghịch:

- Nhượng đó.

Không dấu được vui mừng, tôi reo lên:

- A, anh Nhượng khóa 9 đó hả? Anh xin anh ấy cho em quá giang đi.

Minh giả vờ lườm tôi, môi hơi mỉm cười. Tôi cũng cười, ngó lơ ra chòm hoa giấy ngoài sân để tránh ánh mắt tinh quái của Minh. Vạt nắng đã tắt, tưởng không còn gì gợi nhớ, nhưng hai chữ “Nhượng đó” của Minh khiến tôi nghĩ nhiều đến người bạn xưa mà cả Minh và tôi đều quen thân và quý mến. Bỗng dưng tôi như cảm nhận được thoang thoảng đâu đây hương Nuit d’Orient ngọt ngào, rồi cánh bướm xanh lấp lánh trên nhánh mai vàng đầy nụ.

Thấy tôi có vẻ suy tư, Minh đứng lên, cắt ngang dòng ý tưởng của tôi:

- Đi ăn cho rồi, cô nương, ở đó mà mơ mộng.

Trong bữa cơm chiều, Minh bàn tính về chuyến “mạo hiểm” của tôi. Minh liên lạc với hai người đàn ông mà gia đình của họ cũng kẹt lại Nha-Trang, bảo họ đi với tôi để lo và giúp đỡ tôi.

Chiều hôm sau Minh đưa cả ba chúng tôi sang Thành Tuy-Hạ; vì Dương-Vận-Hạm Nha-Trang, HQ 505, đang nhận đạn tại đây.

Trên boong chiến hạm, tôi gặp lại Trung-Úy Trần-Há – người đã lội nát vùng U-Minh trong thời gian anh phục vụ tại Giang-Đoàn 26 Xung-Phong. Tôi nghe tiếng Há phàn nàn nho nhỏ với Minh:

- Giờ phút này mà Commandant để chị đi làm chi, Commandant?

Minh lắc đầu:

- Hồi ở Giang-Đoàn 26 “toa” còn lạ gì tính cương quyết của bả. Thôi, có gì “toa” lo cho bả giùm. “Moi” đã nói với Hạm-Trưởng Nhượng rồi.

Nói xong Minh vội vàng rời chiến hạm, vì tàu vừa vào nhiệm sở vận chuyển. Nhìn theo chiếc Jeep lẫn khuất trong đám bụi mờ, tôi bâng khuâng tự hỏi, không biết tôi còn gặp lại Minh nữa hay không! Cần “ăng-ten” cao vút rún rẩy phía sau chiếc Jeep khiến tôi nhớ đến đứa con gái thứ hai của tôi đang nội trú tại trường Régina Pacis. Khi nào thấy chiếc Jeep có “ăng-ten” cao cháu cũng nói: “Con ghét mấy cái xe có cần câu đó lắm.” Nếu ai hỏi lý do, cháu sẽ đáp: “Tại nó làm con nhớ Ba”. Chút ray rứt này đột nhiên làm tôi hối hận về quyết định của tôi. Lòng tôi chùng xuống! Tôi đang nén tiếng thở dài thì giọng Há vang lên từ cửa thông vào phòng ăn sĩ quan:

- Chị vào nghỉ, sắp sửa dùng cơm rồi, chị.

Tôi xách cái xắc cũ mèm, bên trong đựng vài bộ đồ tây không còn hợp thời trang – Minh bảo ngụy trang như vậy để nhỡ có gì xảy ra, thiên hạ khó biết mình thuộc vào thành phần nào, đỡ nguy hiểm  – bước vào phòng ăn.

Tôi ngồi vào xô-pha, nhìn các sĩ quan từ từ kéo nhau vào, ngồi quanh bàn ăn, theo thứ tự thâm niên kể từ chiếc ghế dành riêng cho Hạm-Trưởng. Tôi nhận ra Khánh, em của một nhà văn Không-Quân. Tôi hỏi thăm Khánh về “ông anh nhà văn”. Khánh kể cho tôi nghe về cái chết của ông ấy. Tôi không ngờ những ngày cuối cùng của nhà văn ấy bi thảm đến như vậy! Nói chuyện một lúc, Khánh nhắc đến Nha-Trang với những ngày anh em của Khánh còn theo học trường Thống-Nhất. Tôi tuy là “dân” Võ-Tánh, nhưng vì có ý định theo ban “B” cho nên mỗi mùa Hè tôi thường học thêm Toán-Lý-Hóa tại các trường tư; nhờ vậy câu chuyện giữa Khánh và tôi trở nên lôi cuốn vì chúng tôi khơi lại kỷ niệm xưa.

Nói chuyện xưa một lúc, Khánh chợt đổi đề tài, kể cho tôi nghe về những hải trình mà Dương-Vận-Hạm Nha-Trang, HQ 505, đã vượt qua trong thời gian di tản miền Trung. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng Há và những sĩ quan khác cũng góp thêm nhiều chi tiết mà chỉ nghe không thôi, tôi cũng cảm thấy kinh hoàng! Và, sau cuộc rút quân ở Chu-Lai, Dương-Vận-Hạm Nha-Trang, HQ 505, mang biệt danh là Con Tàu Máu! (1)

Câu chuyện sắp đến đoạn ủi bãi Chu-Lai thì Hạm-Phó bước vào. Hạm-Phó ngồi vào ghế đầu bàn, góp chuyện với chúng tôi. Trong khi câu chuyện giữa chúng tôi đang “nổ” dòn, nhà bếp vẫn âm thầm dọn lên bàn một bữa ăn rất đạm bạc.

Các sĩ quan đang cười, nói huyên thuyên bỗng im bặt vì Hạm-Trưởng vừa bước vào. Tất cả - trừ tôi – đứng lên chào Hạm-Trưởng. Nhượng nhìn tôi, mỉm cười, rồi mời tất cả sĩ quan ngồi xuống.

Thấy bữa ăn chiều trên chiến hạm HQ 505, tôi mới nghiệm ra một điều là: Những người đi tàu giữ đúng nghi thức và truyền thống Hải-Quân hơn những người ở đơn vị tác chiến.

Mặc dù đã tham dự không biết bao nhiêu buổi tiếp tân trên chiến hạm, cũng như trong câu-lạc-bộ Hải-Quân, không bao giờ tôi để ý đến cách thức Hải-Quân sắp chỗ ngồi. Bây giờ tôi mới thấy chiếc ghế bên phải của Nhượng còn trống. Nhượng mời tôi dùng “cơm lính”. Tôi cười:

- Cơm lính gì, mấy anh ăn sang quá; cơm giang đoàn mới đúng là cơm lính đó, anh.

Vẫn tính ít nói như xưa, Nhượng chỉ cười. Khánh bảo:

- Chị thiên vị lính giang đoàn rồi đó.

Tôi nhìn Khánh rồi nhìn Há:

- Đâu có. Anh hỏi anh Há xem, lính giang đoàn cực lắm.

Nhượng đưa tay về phía ghế trống, mời tôi một lần nữa:

- Mời chị.

Lúc này tôi mới chợt nhớ, vội lắc đầu:

- Dạ, cảm ơn anh, nhưng tôi xin lỗi, tôi ăn chay.

Nhượng tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Thế à? Để tôi bảo nhà bếp làm cơm chay cho chị. Mời chị ngồi đây.

Nhượng đưa tay hơi nhích chiếc ghế trống ra một tý. Tôi đứng lên, đi dần ra cửa:

- Dạ, cảm ơn anh. Tôi xuống bếp xin chút xì-dầu.

Tuy nói như vậy, nhưng khi vào bếp, tôi nhờ anh nhà bếp ra thưa với Nhượng là tối tôi mới ăn; xin anh nhà bếp để dành cho tôi ít cơm và xì-dầu. Sau đó tôi ra trước mũi chiến hạm, ngồi lặng lẽ, nhìn dòng sông Saigon uốn khúc trong hoàng hôn chập chùng.

Ngoài những lần viếng thăm tiềm-thủy-đỉnh hoặc những chiến hạm của Hải-Quân Hoa-Kỳ, đây là chuyến hải hành đầu tiên của tôi trên một chiến hạm của Hải-Quân Việt-Nam.

Từ boong tàu nhìn xuống mặt sông, khoảng cách quá xa, khiến tôi nhớ và thèm một mảnh không gian nho nhỏ trong lòng chiếc Fom. Từ chiếc giường treo, lom khom chui ra phía sau của chiếc Fom, tôi chỉ cần hơi khom xuống một chút là có thể dùng tay khỏa mặt nước mát rượi hoặc níu một nhánh bèo có những nụ bông tím.

Gió lồng lộng. Trong âm thanh lao xao mơ hồ từ hai bên bờ sông và tiếng máy tàu vi vu, tôi thấy thiếu tiếng “rè rè, rột rột” quen thuộc từ chiếc máy truyền tin PRC25 trên chiếc Command. Nhìn quanh chiến hạm, mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ, tôi lại liên tưởng đến lòng chiếc LCM nhuộm máu bên dòng sông đào thuộc quận Gia-Rai!

Trên mặt sông lặng lờ, đoàn giang đỉnh đang di động ngược chiều, tạo nên những lượn sóng loáng thoáng màu bạc. Lúc đến gần tôi mới nhận ra đó là đoàn PBR. Đối với tôi, hình ảnh đẹp nhất là từ trên trực thăng, nhìn đoàn PBR lướt nhanh trên những đoạn sông hẹp, bỏ lại phía xa mặt sông cuồn nộ giữa hai hàng dừa nước quằn quại. Bây giờ, trên dòng sông lớn, nhìn đoàn PBR ẩn hiện lờ mờ trong bóng hoàng hôn tôi vẫn thấy có  một cái gì đó rất hùng vĩ, rất lãng mạn.

Khi chiến hạm ra đến biển, tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. Dựa người vào thành tàu với cảm giác ngầy ngật, tôi nghĩ đến Minh và những ngày Minh đi HQ 3. HQ 3 bề thế, tiện nghi, nhưng sao Minh vẫn thấy tù quẫn hơn chiếc Command nhỏ bé trên những dòng sông có súng thù chực chờ! Đài chỉ huy và ghế Hạm-Trưởng trượng trưng cho uy quyền sao không hấp dẫn Minh bằng những đêm ngồi xổm trên sàn chiến đỉnh, tay bấm đèn, mắt lom lom nhìn vào bản đồ hành quân, tìm vị thế một đồn Nghĩa-Quân vừa kêu cứu! Câu truyền tụng trong Hải-Quân: “Trên biển cả,, sau Thượng-Đế là Hạm-Trưởng” sao không lôi cuốn Minh bằng những lần bay trực thăng trong tầm đạn của địch để thị sát những điểm đổ quân… Bây giờ thì tôi hiểu!

*       *

*

 HQ 505 đến vịnh Phan-Rang vào một buổi sáng trời trong, biển lý tưởng.

Theo hoạch định, tôi sẽ ở trên HQ 505, hai người đàn ông theo tôi sẽ vào bờ, thuê xe đi ra Nhatrang rồi đem cả mấy gia đình vô lại Phan-Rang. Nếu khi họ trở vô mà chiến hạm đã chuyển xong số đạn và không còn ủi bãi nữa thì họ sẽ giăng một tấm vải màu làm hiệu và tôi sẽ nhờ Nhượng cho xuồng đổ bộ vào đón.

Thấy hai người đàn ông lộ vẻ vui mừng, tôi đưa cho họ tờ giấy xếp nhỏ và dặn:

- Ông đưa giùm giấy này cho Ba tôi. Có chữ của tôi Ba tôi mới tin. Ông nhớ nói giùm với Ba tôi là tôi đang chờ ở đây, trên tàu này…

Tôi chưa nói hết câu, Há bước vào, gọi khẽ: “Chị.” Ngẫng lên, thấy nét mặt khác thường của Há, tôi lo âu:

- Dạ, có gì vậy, anh Há?

- Dạ, Hạm-Trưởng cho biết tàu không được phép ủi bãi.

Tôi vội đứng lên, chạy ra cửa. Tôi không biết tôi chạy ra cửa để làm gì? Và sẽ chạy đi đâu? Nhưng ra đến boong tàu, tôi thấy Nhượng từ đài-chỉ-huy chạy xuống. Tôi tựa vào khoanh dây thừng, nhìn bước chân vội vã của Nhượng trên cầu thang. Đến bên tôi, Nhượng chậm rãi:

- Ông Minh – Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh – không cho tàu tôi vào, chị ạ.

- Ông Minh đang ở đâu, thưa anh?

Nhượng chỉ một chiến hạm đang neo gần trong vịnh:

- Ông ấy đang ở trên HQ 3 đấy.

Tôi nhìn HQ 3 với vẻ ngán ngẫm:

- Bây giờ làm sao, anh Nhượng?

- Chị vào nghỉ, có gì tôi sẽ cho chị hay.

Tôi ngồi phịch lên thùng sắt để cạnh, gục đầu vào lòng bàn tay. Một lúc lâu, tôi đến vịn giây cáp ven thân tàu, nhìn xuống lòng biển xanh, cố tìm một giải pháp trong trường hợp HQ 505 được lệnh rời vùng biển này, nhưng nghĩ mãi không ra.

Mặt trời lên cao dần. Bóng chiến hạm phản chiếu vào mặt nước long lanh. Gió xuân muộn lùa vào không gian chút hương mai cuối mùa khiến tôi nghĩ đến những cành mai núi, mọc trong kẻ đá, ven làng Vĩnh-Hy. Những lần theo ghe Chủ-Lực đi tuần, đi kích, hồn tôi cảm nhận được tất cả vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc của những vùng biển nghèo; ở đó, người dân thức và ngủ theo ánh mặt trời; ở đó, khi cánh buồm no gió ra khơi, bỏ lại ngôi làng nhỏ với tiếng lao xao trong ngôi trường làng lụp xụp thì người vợ yên lòng ngồi vá lại chiếc lưới cho chồng trong nỗi thanh thảng tột cùng.

Những buổi sáng ven biển thường thường rất tươi mát, yên bình và lặng lẽ. Nhưng hôm nay, quanh tôi, tất cả đang bị khuấy động mà tôi nào có hay! Trong khi tôi đang hồi tưởng lại những ngày ở Duyên-Đoàn 26 thì nhiều người đang dồn về phía bên này chiến hạm để nhìn vào bờ. Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Bất ngờ một sĩ quan trao tôi ớng dòm:

- Chị muốn dùng ống dòm không?

Tôi thành thật đến ngớ ngẩn:

- Dạ, chi vậy, anh?

- Nè, chị nhìn vào bờ đi.

Anh tháo sợi giây quanh cổ, trao ống dòm cho tôi. Tôi nhìn vào bờ và thấy vô số ghe thuyền đang bơi ra. Anh sĩ quan hỏi:

- Chị thấy gì không?

- Dạ, ghe nhiều quá! Tại sao vậy, anh?

- Không. Tôi muốn hỏi chị có thầy hai xe tăng hay không?

- Dạ có, có. Tăng gì mà lớn quá vậy, anh?

- T54 đó, chị.

Vì thích tìm tòi, trong nhiều trường hợp, khi nghe tên loại vũ khí, tôi có thể phân biệt được đó là vũ khí của ta hay của địch. Vì vậy, khi nghe “T54”, tôi giật mình, đưa tay che miệng để khỏi phải bật lên tiếng kêu thảng thốt. Như vậy có nghĩa là Phan-Rang mất rồi! Tôi không còn hy vọng gì đưa gia đình tôi đến nơi an toàn được nữa. Tôi lui vài bước, ngồi lại trên thùng sắt, khóc! Không biết bao lâu sau đó, tôi cảm biết có người đứng cạnh. Tôi ngẫng lên. Nhượng lặng lẽ nhìn tôi. Tôi thở dài, ngượng nghịu quẹt nước mắt vào tay áo. Nhượng lắc đầu:

- Chị vào trong nghỉ đi. Không làm gì được nữa rồi!

- Khi toán ghe đó đến đây, tôi sẽ thương lượng mua hoặc mướn một chiếc để đi vào…

Nhượng cắt lời tôi:

- Không được. Tôi không thể để chị đi như vậy.

- Anh giúp tôi, anh Nhượng. Anh cũng quen thân với Ba Má tôi mà.

- Chị Minh! Tôi quý hai Bác lắm, nhưng trong tình cảnh này chị không thể rời tàu.

Giọng cương quyết như ra lệnh của Nhượng khiến tôi nhìn Nhượng, thầm nhủ: “Lấy chồng nhà binh, sống gần mấy ông nhà binh, tối ngay chỉ nghe giọng chỉ huy không hà!” Há và Khánh cũng đến khuyên nhủ tôi:

- Nếu Hạm-Trưởng để chị rời tàu, rủi có gì làm sao Hạm-Trưởng ăn nói với Commandant Minh. Chị thấy không?

Làm thế nào tôi không thấy được điều đó; nhưng tôi vẫn muốn làm một cái gì để cứu gia đình tôi. Như hiểu được tôi nghĩ gì, Nhượng nhỏ nhẹ:

- Chị giận thì tôi chịu. Nhưng nếu có anh Minh ở đây, tôi nghĩ anh ấy cũng không để chi rời tàu đâu.

Biết mình làm phiền nhiều người, tôi sửa soạn bộ mặt tỉnh táo để khỏi bận tâm những người chung quanh.

Khi đoàn ghe đến gần, tôi thấy áo của nhiều quân binh chủng được đưa cao, vẫy vẫy. Bất ngờ tôi nhận ra chiến hạm đang từ từ đổi hướng. Tôi ngạc nhiên, vội quay sang Nhượng thì thấy Nhượng vừa đến chân cầu thang, sắp bước lên đài-chỉ-huy. Tôi gọi: “Anh Nhượng.” Nhượng quay lại. Tôi tiếp:

- Anh không vớt mấy ông lính trên ghe sao?

Tôi thấy dường như Nhượng đang thở mạnh hay là Nhượng cố nén tiếng thở dài rồi lắc đầu:

- Tôi được lệnh không vớt ai cả. Một tàu đạn đầy!

Trên những chiếc ghe tròng trành vì sóng, do HQ 505 tạo nên, những thân người gầy gò kêu gào. Và những đôi mắt…Ôi! Những đôi mắt van xin, những đôi mắt buổn thảm, những đôi mắt thất vọng ấy bỗng rực lên những tia phẫn hận khi chiến hạm “bẻ” mạnh một vòng cua ngặt!

Gục đầu vào khoanh dây thừng, tôi khóc tức tưởi vì những oan khiên, thảm khốc đang phủ chụp xuống từng phần đất thương yêu và những nghiệt ngã đang bủa vây đoàn người bại trận!

Từ buổi sáng hôm đó, trong những bữa cơm đã bớt tiếng nói, thiếu hẳn nụ cười. Dường như ai cũng cảm thấy một nỗi đau nào đó, to lớn lắm, đang đè nặng tâm hồn!

*       *

*

Khi HQ 505 vừa qua khỏi Cà-Ná một chút, tôi nghe tin Dương-Vận-Hạm Vũng-Tàu, HQ 503, bị Việt-Cộng bắn ngay đài-chỉ-huy, gây tử thương cho bốn năm người. Thấy vẻ tư lự của Há, tôi tò mò hỏi. Há thở dài:

- Một trong các sĩ quan tử thương tại đài-chỉ-huy HQ 503 là thủ khoa khóa tôi. (Khóa sĩ quan đặc biệt).

Tôi im lặng. Kinh nghiệm của HQ 503 và các giang-pháo-hạm trên sông thuộc miền Tây cho tôi thấy nhận xét : “Đã Hải-Quân mà còn đi tàu thì đeo chữ Thọ ‘to tổ bố’ rồi, còn lo gì nữa” là sai lầm.

Gần đến Phan-Thiết, tin Tướng Nguyễn-Vĩnh-Nghi bị bắt khiến mọi người bàn tán, âu lo hơn. Tôi nhìn ra khơi. Trong khoảng không gian mênh mông của biển tự dưng tôi tưởng như tôi có thể thấy lại được hình ảnh Tướng Nghi và Minh đứng trên mô đất cao quan sát trận địa khi cuộc tấn công của Việt-Cộng vào đồn thứ 9 còn ngùn ngụt khói, vào một buổi sáng khi hơi nước từ kinh Trèm-Trẹm còn đọng trên từng chiếc lá non.

Đến Phan-Thiết, HQ 505 neo và cho một xuồng đổ bộ đưa một sĩ quan vào Phan-Thiết đón gia đình của anh ấy.

Khi xuồng đổ bộ trở ra, tôi thấy từ xa màu vàng đậm chói lói trên màu biển xanh nhạt. Lúc đưa gia đình của sĩ quan đó lên tàu tôi mới nhận ra màu vàng ấy là chiếc áo cà-sa của một Ni-Cô. Không hiểu tại sao chiếc áo cà-sa của Ni-Cô lại khiến tôi nhớ đến hình ảnh những tăng ni trong các cuộc biểu tình xách động và vạt áo vàng của vị Tuyên-Úy Phật-Giáo bay lất phất bên thành xe Jeep khi Thầy lái xe Jeep chạy “như bay” trên đường Công-Lý, Saigon!

Đêm đến. Phan-Thiết bị tấn công. Hỏa châu thắp sáng một vùng đau thương. Lẫn trong vô số vệt sáng đỏ ửng kim loại hoặc xanh lè như màu mắt của thần chết, tôi thấy nhiều vệt sáng thật lớn, xé không gian theo hình cầu vòng rồi tan biến trong đêm.

Từ nhỏ, tôi cứ nghĩ chỉ có Nha-Trang và Đà-Lạt là hai nơi tôi yêu mến. Nhưng bây giờ, thấy từng trái đạn cày sâu vào vùng đất hấp hối này, tôi đau lòng. Từ đó tôi nghiệm ra rằng, vì lòng người eo hẹp, phân chia ranh giới, chứ bất cứ vùng đất nào bên bờ đại dương thắm máu này cũng đều là Quê-Hương của tôi cả.

*       *

*

Dương-Vận-Hạm Nha-Trang về đến Vũng-Tàu vào một buổi sánh nắng nhạt. Nhượng cho ca-nô đưa tôi vào bờ.

Ca-nô rời tàu. Nhìn lại HQ 505, tôi thấy Nhượng đang bước lên đài-chỉ-huy. Nhượng dừng lại ở cầu thang chót, đưa cao tay vẫy, chào tôi. Tôi cũng vẫy tay chào Nhượng. Bóng Nhượng in lên nền trời xanh. Thật đẹp!

Vào bờ, khi vừa đặt chân lên cầu tàu, tôi lảo đảo như người say rượu. Các anh thủy thủ cười. Một anh bảo:

- Chắc chị…say đất rồi.

Dù đang choáng váng tôi cũng phải bật cười:

- Say đất? Tôi chưa nghe động từ đó bao giờ cả. Mấy ông Hải-Quân lúc nào cũng có nhiều danh từ rất lạ.

Các anh cười, dặn tôi ngồi nghỉ một chốc, trạng thái bình thường sẽ trở lại. Sau khi xe đến đón tôi các anh mới trở lại tàu.

Nhìn theo chiếc ca-nô hướng dần về phía chiến hạm 505, tôi thầm nhủ: “Xin cảm ơn các anh, cảm ơn Dương-Vận-Hạm Nha-Trang, cảm ơn biển cả đã cho tôi chuyến viển du cuối cùng để thấy Quê Mẹ quằn quại trong cơn đau, để nhìn Quê Hương lịm dần vào cõi chết!”

ĐIỆP-MỸ-LINH

1.- Muốn tìm hiểu những chi tiết về Cuộc Rút Quân tại Chu-Lai, xin tìm đọc cuốn tài liệu lịch sử Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 của Điệp-Mỹ-Linh, đang tái bản.


 

No comments: