Năm
1967, nền Đệ nhị Cộng hòa tại miền Nam đã xây dựng tượng đài hai quân
nhân Thủy quân Lục chiến (TQLC) trước Hạ viện, hay còn gọi là tòa nhà
Quốc hội, nay là Nhà hát Thành phố. Tượng hai người lính TQLC có độ cao 9
mét, trong tư thế xung phong, mũi súng hướng về trụ sở Hạ viện.
Ngay
sau khi bức tượng được đặt ở một vị trí quan trọng nhất thủ đô đã có
nhiều ý kiến trái ngược nhau. Một số người cho rằng quân đội “thao túng”
các dân biểu Hạ viện bằng hình ảnh hai người lính cầm súng đại liên đe
dọa sinh hoạt dân chủ của miền Nam.
Quân
đội lại giải thích những người lính bảo vệ Quốc hội khi họ hướng mũi
súng vào tòa nhà thay vì hướng ngược lại… Lại có một giải thích khác,
mũi súng thực ra thì hướng về Khách sạn Continental nằm phía phải Hạ
viện, nơi được coi là “hang ổ” của các lực lượng phản chiến, trong số đó
có cả những dân biểu.
“Bảo vệ” hay “đe dọa” Hạ viện?
Việc
xây dựng những bức tượng kỷ niệm khắp các điểm nổi bật ở thủ đô Sài Gòn
đã được “Nội các Chiến tranh” của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ thực hiện
trên một quy mô lớn. An Dương Vương, thánh tổ Pháo binh, được đặt tại
công trường Diên Hồng, trước Thượng viện, đường Bến Chương Dương. Phù
Đổng Thiên Vương, thánh tổ Thiết giáp, nằm tại bùng binh Ngã 6 Sài Gòn.
Trần nguyên Hãn, thánh tổ Truyền tin, tại bùng binh Quách Thị Trang,
trước cửa chợ Bến Thành. Phan đình Phùng, thánh tổ Quân cụ, tọa lạc
trước bưu điện Chợ Lớn. Trần Hưng Đạo, thánh tổ Hải Quân, tại công
trường Mê-Linh…
Bên
cạnh những danh nhân lịch sử, các binh chủng còn có tượng đài kỷ niệm
như tượng Thiên sứ Micae, thánh tổ binh chủng Nhảy Dù gần bệnh viện Sùng
Chính, quận 5. Biệt Động Quân có tượng 3 người lính tại ngã sáu Lý Thái
Tổ. “Tổ quốc Không gian” của Không quân trước mặt Tòa Đô Chánh và, đặc
biệt hơn cả, là bức tượng TQLC trước Hạ viện.
Việc
xây dựng tượng TQLC cũng gặp nhiều trục trặc. Ban đầu, Thiếu tá Huỳnh
Huyền Đỏ (thuộc bộ Tổng Tham Mưu), đưa ra phác thảo mẫu với hính tượng
ba người lính. Thiếu tá Đỏ là điêu khắc gia xuất thân trường Mỹ thuật
Gia Định. Trong khi đang thực hiện công trình này thì vì một lý do nào
đó Thiếu tá Đỏ không thể tiếp tục được nữa nên giao công việc đang còn
dang dở cho Bộ tư lệnh TQLC.
Trước
áp lực phải hoàn thành đúng thời hạn để kỷ niệm ngày chấp chánh, TQLC
giao cho Thiếu úy Đinh Văn Thuộc tiếp tục công việc với sự góp ý và
hướng dẫn của hoạ sĩ Lê Chánh (Bộ tư lệnh TQLC) và Lương Trường Thọ
(Trung tâm Huấn luyện TQLC).
Thiếu
úy Thuộc, đại đội trưởng đại đội Công vụ TQLC, tuy không là hoạ sĩ hay
điêu khắc gia mà chỉ là “tay ngang” nhưng ông cùng anh em đại đội Công
vụ đã nhận lãnh trách nhiệm. Họ làm việc liên tục 24/24 và cuối cùng, đã
hoàn thành nhiệm vụ.
Khi
hai người lính TQLC xuất hiện trước công chúng, một số người “trong
nghề” phê bình những khiếm khuyết của bức tượng như nòng súng đại liên
quá ngắn nếu so với kích thước thật, trong khi đó “cặp mông” của hai
chiến sĩ lại quá to… Nếu hiểu rõ bức tượng đã được hoàn thành bởi những
người “lính thợ tay ngang” nhiều người tỏ ra thông cảm với những nỗ lực
của TQLC.
Những
hình ảnh dưới đây được trích từ video clip do các phóng viên người Pháp
thực hiện ngày 30/4/1975. Diễn biến cuộc “bức tử” hai người lính TQLC
ngay sau khi Đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố “đầu hàng” đã được ghi
hình, Chúng tôi trích lại như sau:
Một
thanh niên “băng đỏ” leo lên đầu bức tượng người lính TQLC trước Quốc
hội. Với một chiếc búa, anh ta đập vành nón sắt của người lính để bắt
đầu cuộc “bức tử” pho tượng.
Thanh
niên “băng đỏ”, hay còn gọi là “cách mạng 30/4”, đứng trên vai bức
tượng người lính. Anh tiếp tục dùng búa giáng lên đầu bức tượng…
Cuối cùng, anh ta giơ hai tay lên trời làm dấu hiệu… “chiến thắng”.
Bức tượng sau đó được buộc dây do một số người đứng ở dưới đất kéo xuống…
(Ảnh không nằm trong video clip)
Hai người lính TQLC từ từ ngả về phía tòa nhà Quốc hội.
Khi bức tượng chạm đất, một đám bụi mù bốc lên giữa sự chứng kiến của một số phóng viên nước ngoài.
Một
thanh niên “băng đỏ” leo lên đống đổ nát của bức tượng, trên tay cầm lá
cờ “Giải phóng Miền Nam”… chứ không phải là cờ của miền Bắc… Cờ “giải
phóng” với ba màu đỏ, xanh và ngôi sao vàng còn xuất hiện khắp đường phố
Sài Gòn, trên chiến xa, trên xe chở bộ đội miền Bắc…
Ngoài
việc lá cờ vàng với 3 sọc đỏ bị hạ xuống tại dinh Độc Lập ngày
30/4/1975 để thay bằng cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam, người ta
không thấy xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng của miền Bắc dù bộ đội chính quy
của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tràn ngập Sài Gòn.
Khi
miền Nam thất thủ, lịch sử ghi nhận có 5 trường hợp tuẫn tiết. (1)
Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, tự sát lúc 11g ngày
30/4; (2) Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Ðoàn 4, tự kết liễu
đời mình lúc 11g30; (3) Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn
4, tuẫn tiết lúc 8g45 tối ngày 30/04; (4) Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư
Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh, tự sát vào đêm 30/4; (5) Thiếu Tướng Phạm Văn
Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn 2, đã ra đi tại nhà vào cùng ngày.
Biến
cố ngày 30/4/1975 đánh dấu sự chấm dứt của miền Nam và điều đáng ghi
nhớ, đó cũng là ngày mà bức tượng TQLC bị “bức tử”, bị giựt sập trước
tòa nhà Hạ viện. VNCH đã cáo chung nhưng hai anh lính TQLC không ra đi
trong cô đơn vì vài giờ trước khi bị “bức tử” đã có một anh hùng khác
cũng thác theo Sài Gòn ngay dưới chân các anh.
Người
tự sát dưới chân tượng đài sáng ngày 30/4/1975 là Trung tá Cảnh sát
Nguyễn Văn Long, Chánh Sở Tư Pháp Vùng I Chiến thuật, người mới từ Đà
Nẵng di tản về Sài Gòn.
Trung tá Nguyễn Văn Long yên nghỉ dưới chân bức tượng hai người lính TQLC
Nhà văn Duyên Anh trong “Ngày dài nhất” viết về Trung tá Nguyễn Văn Long như sau:
“…Chúng
tôi lách đám đông. Dưới chân tượng đài của thủy quân lục chiến, xác một
người cảnh sát nằm đó. Máu ở đầu ông ta chẩy ra tươi rói. Người sĩ quan
cảnh sát đeo lon Trung tá, ông ta mặc đồng phục màu xanh. Nắp túi ngực
in chữ Long. Trung tá cảnh sát Long đã tự sát ở đây, Cộng sản để mặc ông
ta nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất lâu
cảnh này. Lúc tôi đến là 14 giờ 30. Dân chúng đứng mặc niệm trung tá
Long, nước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe, chớp
nhanh. Tất cả im lặng, thây kệ những bài ca cách mạng, những lời hoan hô
bộ đội giải phóng.
Trung
tá Long đã chọn đúng chỗ để tuẫn tiết. Tướng giữ thành Sài Gòn là Tổng
trấn Sài Gòn đã đào ngũ. Tướng giữ thành Sài Gòn là Đô trưởng Sài Gòn đã
đào ngũ. Tướng giữ thành Sài gòn là Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia đã
đào ngũ. Không có Hoàng Diệu, ở những trang lịch sử chó đẻ của thời đại
chúng ta. Và trên những tiểu thuyết đấu tranh, những hồi ký chiến đấu
của những con người tự nhận sống hùng mọi hoàn cảnh, người ta không thấy
một dòng nào viết về cái chết tuyệt vời của Trung tá Cảnh sát tên
Long…”
…
“Tôi
muốn biểu dương Trung tá Long như Hoàng Diệu hôm nay, Hoàng Diệu của
Sài Gòn. Ông ta đang nằm kia, dưới chân tượng đài thủy quân lục chiến
Việt Nam anh dũng. Máu Trung tá Long đã thấm xuống lòng đất mẹ. Cái chết
của Trung tá Long nếu chưa thức tỉnh được sự u mê của thế giới tự do
thân cộng, của bọn phản chiến làm dáng thì, ít ra, nó cũng biểu lộ cái
khí phách của một sĩ quan Việt Nam không biết hàng giặc. Tôi không mấy
hy vọng cái chết của Trung tá Long lay động nổi cái bóng tối vô liêm sỉ
trùm đặc tâm hồn những ông tướng đào ngũ. Chúng ta hãnh diện làm người
Việt Nam lưu vong vì chúng ta còn Trung tá Long không đào ngũ, không đầu
hàng giặc và biết chết cho danh dự miền Nam, danh dự của tổ quốc…”
Trung tá Nguyễn Văn Long sinh tại Phú Hội, Huế ngày 1/6/1919.
Ông ra đi năm 1975, lúc đó 56 tuổi, là người cao niên nhất trong số các vị tuẫn tiết.
(Ảnh của Jacques Pavlovsky)
Phải
rất nhiều năm sau biến cố 30/4/1975 người ta mới lần tìm ra tung tích
của Trung tá Nguyễn Văn Long. Năm 2003, nhà văn Giao Chỉ đã liên lạc
được với một người con gái thứ 3 của ông tại San Jose:
“Bà
Nguyễn thị Tâm năm nay ngoài 60, đã có cháu nội cháu ngoại nhưng mãi
mãi vẫn là cô nữ sinh Đồng Khánh. Bằng một giọng nói xứ Huế pha tiếng
Saigon, bà Tâm nói chuyện tuôn trào trôi chảy và đầy hãnh diện khi nhắc
đến người cha anh hùng…”
Gia
đình ông Long rất đông con, có tất cả 13 anh chị em, 6 trai 7 gái. Con
trưởng là Thiếu úy biệt động quân Nguyễn Công Phụng (1942-1968) hy sinh
tại Quảng Tín. Trong số 6 người con trai (Phụng, Hoàng, Minh, Tiến,
Quang, Hội) có đến 5 người đi lính: 2 người vào Không quân, 1 Thiết
giáp, 1 Cảnh sát và 1 Biệt động quân. Trong số 7 người con gái (Đào,
Tâm, Thiện, Hòa, Hảo, Hiền, Huê) chỉ có 3 chị em ở Hoa Kỳ, số còn lại
đều sống tại Việt Nam. Bà Tâm kể về những ngày cuối cùng:
“Lúc
đó vào cuối tháng 3/75 ở Đà Nẵng ba vẫn làm việc trong trại, không về
nhà. Hai cậu em không quân, một ở Đà Nẵng, một ở Biên Hòa. Một cậu đưa
cả nhà vào sân bay Đà Nẵng chờ di tản. Nhưng rồi cũng không đi được. Vào
ngày cuối cha về nhà không thấy gia đình. Ông nghĩ rằng vợ con có thể
đã đi thoát trong phi trường. Ông xuống bãi và ra đi bằng tàu về Sài
Gòn…”
Vào
đến Sài Gòn đã có cô con gái lớn đón ông về ở tạm, lúc đó mới biết vợ
con còn kẹt ở Đà Nẵng, ông Long vào trình diện Tổng nha Cảnh sát. Trưa
30/4/75 khi radio phát thanh lời Tổng thống kêu gọi đầu hàng, Trung tá
Long, chỉnh tề trong bộ cảnh phục, đến bức tượng TQLC trước Quốc hội…
Một phát súng được bắn vào thái dương, ông ngã xuống và buông khẩu súng
nhỏ theo lệnh Tổng thống! Khẩu súng tùy thân Trung tá Long vẫn mang
theo từ Huế, Đà Nẵng vào đến Sài Gòn.
Người Sài Gòn và cả người nước ngoài ngỡ ngàng
trước cái chết của Trung tá Nguyễn Văn Long
ngày 30/4/1975
No comments:
Post a Comment