“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” là câu thơ từ bài Lương Châu Từ nổi tiếng của Vương Hàn, có nghĩa “Xưa nay chinh chiến mấy ai về”. Thứ hai 25 tháng Năm là Memorial Day 2015. Mời đọc "Vòng Tưởng Niệm" -loại vòng có từ thời chiến tranh Việt Nam- bài viết mới của Orchid Thanh Lê. Tác giả hiện là Phó Giáo Sư Tiến Sĩ tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California, có nhiệm vụ hỗ trợ tiếng Việt cho Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích Trong Chiến Tranh Việt Nam. Chuyện kể từ công việc của cô, “Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh” viết năm 2014, và bài viết tháng Tư, “Trả Lại Tên cho Người Chiến Sĩ Bị Mất Tên” làm người đọc xúc động và quí trọng.
* * *
Từ nghìn xưa tráng sĩ ra đi có mấy khi trở về. Xác thân họ để lại nơi sa trường.
Thời chiến tranh hiện đại, thân nhân của các chiến sĩ hy sinh có nhiều cơ may nhận lại xác và kỷ vật liên quan.
Trong một cuộc phỏng vấn, tôi lắng nghe tâm tình từ thân nhân của một góa phụ có chồng là phi công Việt Nam Cộng Hòa mất tích trong một phi vụ tại chiến trường Buôn Mê Thuột. Người góa phụ ấy đã đến căn cứ của chồng để nhận lại vài kỷ vật của anh. Đối với người còn sống, kỷ vật là một phần hiện hữu của người ra đi. Chị choáng ngất: mọi thứ trong phòng anh nguyên vị như lúc anh còn sống và dường như anh chỉ mới bước ra khỏi phòng để nhận lệnh bay mà thôi. Tách cà phê còn dở dang cùng tấm ảnh người vợ yêu quý với mái tóc thề đặt trên chiếc bàn nhỏ tựa như đang ngóng anh trở về.
Ở nước Mỹ, dù cho những chiến sĩ chưa được xác định còn sống sót hay đã trở thành tro bụi, họ vẫn luôn được tri ân. Điều này thể hiện qua buổi lễ vinh danh chiến sĩ mà tôi được dịp tham dự trong những lần công tác hỗ trợ cựu chiến binh Không Quân Hoa Kỳ.
Một trong các nghi thức vinh danh là chiếc bàn tưởng niệm, được xem là tâm điểm của buổi lễ, nhằm ghi nhớ các chiến sĩ bị mất tích trong lúc họ thi hành nhiệm vụ cho đất nước. Tùy vào chủ đề của buổi lễ mà cách trình bày chiếc bàn tưởng niệm có thay đổi ít nhiều nhưng cơ bản vẫn là duy trì quân cách truyền thống.
Trong không khí trang nghiêm, người tham dự được nghe lời thuyết trình đầy cảm xúc về các biểu tượng đặt trên chiếc bàn tưởng niệm. Những phút giây lắng lòng, tưởng nhớ đến các chiến sĩ vì đất nước mà không thể hiện hữu nơi này tưởng như có sự kết nối với từng biểu tượng. Mọi thứ đều tinh giản và ý nghĩa.
Màu trắng tinh khôi của khăn phủ bàn nói lên động cơ thuần khiết của những người trai đứng lên đáp lời sông núi.
Sáu chiếc ghế trống dành cho những người con của tổ quốc chưa trở về. Năm chiếc ghế tượng trưng cho người mất tích thuộc Lục Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Hải Quân, Không Quân, Tuần Duyên và chiếc ghế thứ sáu là để tưởng nhớ đến thành phần Dân Sự cũng do thi hành sứ mệnh tổ quốc mà bị rơi vào tình trạng mất tích. Có khi chỉ duy nhất một chiếc ghế đặt với chiếc bàn, tượng trưng cho sự lẻ loi của một tù nhân bị cô lập.
Một cành hồng đỏ thắm cắm đơn độc trong chiếc lọ đặt giữa bàn, màu đỏ biểu tượng cho máu của nhiều người đã đổ xuống để bảo vệ chính nghĩa. Hoa hồng đỏ cũng để nhắc nhở những người thân trong gia đình, bạn bè nên giữ vững niềm tin trong khi chờ đợi người mất tích trở về.
Một dây ruy-băng đỏ thắt nơ quanh lọ hoa nói lên nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm những người mất tích.
Một lát chanh khoanh tròn nằm lặng lẽ gợi lên số phận chua chát của những người bị cầm tù hoặc phải bỏ mình nơi miền đất xa lạ.
Những hạt muối rắc trên bàn tượng trưng cho vô vàn giọt nước mắt mặn môi tuôn trào từ người thân khóc người ra đi biền biệt. Đó là những giọt nước mắt chờ người về, hoặc ít nhất mong một lời giải đáp sau nhiều năm đợi tin mòn mỏi.
Một ngọn nến thắp lên tia hy vọng sự trở về nơi đang sẵn sàng vòng tay đón chào của tổ quốc cho người mất tích dù dưới bất cứ hình hài nào.
Một quyển kinh thánh tượng trưng cho sức mạnh của một quốc gia với đức tin được sáng lập và duy trì dưới sự che chở của thượng đế.
Những chiếc ly úp ngược tượng trưng cho các chiến sĩ chưa trở về để nâng ly rượu đoàn viên.
Tôi còn nhận thấy tại buổi vinh danh một số không nhỏ những người tham dự thường đeo một chiếc vòng tay tưởng niệm, một hình thức tri ân sự hy sinh của các chiến sĩ. Ý tưởng đeo chiếc vòng tưởng niệm được khơi mào từ thời chiến tranh Việt Nam nhằm thu hút sự chú ý của công chúng như một cách nhắc nhớ đến các tù binh Hoa Kỳ bị giam cầm hoặc mất tích tại Việt Nam. Đa số những chiếc vòng đeo tay được làm bằng vật liệu đơn giản như kim loại bạc, đồng, hoặc thép không rỉ. Khắc trên vòng là thông tin như tên, cấp bậc, thời điểm, và nơi bị cầm tù hoặc mất tích của một chiến sĩ.
Một cựu trung tá phi công F4 có mặt tại buổi lễ cho tôi biết rằng đồng đội của ông đã mất tích trong một phi vụ tại không phận Bắc Việt năm 1972. Ông đang đeo một chiếc vòng khắc tên chiến hữu này. Ông chia sẻ:
- Tôi muốn đeo chiếc vòng tay này cho đến khi đồng đội của tôi được trở về nhà. Nói cách khác, tôi chỉ cởi nó ra khỏi tay khi nó được chôn chung với hài cốt người chiến hữu được tìm thấy.
Ông còn kể thêm cho tôi rằng trong thời gian học bay, các phi công chiến đấu đã phải trải qua các tập huấn giả định bị địch giam cầm dưới những điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Những cuộc tập huấn này nhằm mục đích rèn luyện tính kiên nhẫn chịu đựng, tạo sự đồng cảm và nâng cao tinh thần đồng đội. Quả là con người ta sau khi sống sót từ những giây phút cùng cực thì chẳng thể nào quên các chiến hữu của mình với số phận còn chưa biết rõ. Trong tâm tưởng của người còn sống, đeo chiếc vòng tay tưởng niệm như thể được kề cận một đồng đội đã từng vào sinh ra tử với mình.
Một cựu chiến binh khác đưa cao cánh tay có đeo chiếc vòng, nói với tôi trong niềm lạc quan:
- Tôi đeo chiếc vòng tưởng niệm với hy vọng rằng các chiến sĩ bị cầm tù hay mất tích sẽ trở về với gia đình.
Vợ của ông đứng kế bên, tiếp lời với ánh mắt ngời sáng:
- Chúng tôi biết có những gia đình đã chờ đợi từ rất lâu, vì vậy chúng tôi chờ đợi cùng với họ.
Tôi đồng cảm với những điều chia sẻ, ngậm ngùi nhìn từng chiếc vòng tưởng niệm trên tay các khách tham dự. Biểu tượng chiếc vòng tay tưởng niệm không phải là sự công nhận chính thức của chính phủ Hoa Kỳ nên nhiều công ty khác nhau có thể sản xuất loại vòng này. Vì vậy, khả năng một số người – có thể lên đến số trăm trên toàn quốc – đang đeo chiếc vòng tay tưởng niệm với thông tin tương tự về một chiến sĩ được khắc trên đó là điều có thể xảy ra. Những chiếc vòng thiết kế không hoàn toàn giống nhau, chúng có những tiểu tiết khác biệt. Có thể chúng mang một ý nghĩa nào đó mà nếu được giải thích thường tận, ắt hẳn rất thú vị. Tôi hỏi một binh sĩ trẻ:
- Anh có người thân bị mất tích hoặc là tù binh chăng?
Anh mỉm cười đáp:
- Không, cô ạ, nhưng tâm trí tôi luôn nhắc nhớ sự đóng góp cho đất nước của người chiến sĩ có tên trên chiếc vòng tay tôi đang đeo.
Thấy anh cởi mở, tôi hỏi thêm:
- Làm sao tôi có thể biết người có tên trên chiếc vòng tưởng niệm là một tù binh hay bị mất tích trong chiến tranh?
- Nếu cô chú ý sẽ phân biệt được ngay. Nếu chiếc vòng có hình tượng ngôi sao trắng trong vòng tròn màu xanh da trời thì sẽ khắc tên một tù binh; còn chiếc vòng có hình tượng ngôi sao màu xanh da trời trong vòng tròn trắng sẽ khắc tên người mất tích.
- Ra là vậy. Nhưng nếu chiếc vòng chỉ có tên khắc ở trên mà không thêm một hình tượng nào khác?
- Thì có thể điều đó nói lên trường hợp chưa rõ thực trạng.
Điều giải thích làm tôi liên tưởng đến Bức Tường Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại Washington, D.C. mà tôi có dịp viếng thăm. Đối với những chiến sĩ tử trận, tên của họ có một biểu tượng quả trám; còn nếu bị mất tích thì tên được đi kèm với một dấu cộng. Một khi hài cốt người mất tích được tìm thấy và đem trở về nhà thì biểu tượng dấu cộng được chuyển thành biểu tượng quả trám.
Hồi ức chi cho xa. Một trong những việc làm của tôi là hỗ trợ tiếng Việt cho Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích Trong Chiến Tranh Việt Nam. Từ bao năm qua tôi vẫn thường thấy chiếc vòng tưởng niệm trên cổ tay của người sinh viên khi anh vẫy chào tạm biệt vào mỗi cuối buổi học. Chiếc vòng nhắc nhớ nhiệm vụ anh đang thực hiện, đó là giải quyết hồ sơ các chiến sĩ trong tình trạng bị mất tích.
Vài năm trước, chiếc vòng trên tay anh có khắc tên Trung sĩ George Brown trong sứ mệnh biệt kích ngày 28 tháng 3 năm 1968 tại Lào nhưng hồ sơ đã đóng lại khi một phần rất nhỏ hài cốt của người mất tích được tìm thấy và anh đã tháo chiếc vòng ra khỏi tay. Hiện tại, chiếc vòng tưởng niệm anh đang đeo trên tay có khắc tên Trung sĩ Al Boyer và Trung sĩ Greg Huston vẫn ở tình trạng mất tích trong sứ mệnh cùng ngày.
Những chiếc vòng tưởng niệm cho Trung sĩ Al Boyer, Trung sĩ Greg Huston, và Trung sĩ George Brown
Tưởng cũng nên ôn sơ qua về tình thế nước Lào thời chiến tranh Việt Nam.
Hiệp định Genèva cho phép thiết lập một nước Lào trung lập. Một trong những điều kiện cơ bản của hiệp định này là các nước phải rút hết quân ra khỏi Lào. Bắc Việt do ủng hộ quân Pathet Lào nên đạt được thoả thuận mượn một dải đất thuộc dãy Trường Sơn để hình thành nên đường mòn Hồ Chí Minh làm hành lang tiếp viện cho quân giải phóng miền Nam.
Trong lúc đó, Hoa Kỳ nỗ lực giành quyền kiểm soát dải đất hẹp này trên lãnh thổ Lào để khống chế sự xâm nhập của Bắc quân. Họ tuyển một số người làm việc cho nhóm Nghiên Cứu và Quan Sát thuộc Bộ Chỉ Huy Trợ Giúp Quân Sự Hoa Kỳ ở Việt Nam (Military Assistance Command Vietnams Studies and Observation Group – MACVSOG). Ngày ấy MACVSOG đã thực hiện một loạt các hoạt động bán quân sự chống phá Bắc quân trong suốt giai đoạn 1964-1972.
Một trong những hoạt động nói trên là thám báo chống phá đường mòn Hồ Chí Minh tại Lào được thực hiện trong những năm từ 1965 đến 1969 khi tin tức tình báo cho thấy đường mòn Hồ Chí Minh được mở rộng để Bắc quân đáp ứng nhu cầu chi viện nhân lực và vũ khí cho chiến trường miền Nam. Các đơn vị thám thính được thành lập với tên gọi là các toán biệt kích “Mũi Nhọn” gồm từ sáu đến mười hai toán viên, trong đó có từ hai đến bốn toán viên Mỹ và từ bốn đến tám toán viên gốc bản địa (họ có thể là người Việt, Khmer, Hmong, vân vân).
Trong sứ mệnh ngày 28 tháng 3 năm 1968, toán biệt kích Mũi Nhọn ASP thuộc Tiền Doanh 4 được điều từ Nakhon Panom, Thái Lan, bao gồm tám toán viên Việt tham gia cùng với ba toán viên Mỹ là Trung sĩ Al Boyer, Trung sĩ George Brown, và Trung sĩ Greg Huston. Họ thực hiện nhiệm vụ gần mật khu sông Tchepone, Lào, triệt xuất sau khi đã đặt thiết bị nghe lén.
Chỉ bảy toán viên Việt chạy kịp đến chiếc trực thăng bốc toán. Những toán viên Việt thoát nạn đã có thể được bổ nhiệm từ Lực Lượng Hatchet tại Tiền Doanh 2. Trong khi một toán viên Việt còn lại và Trung sĩ Al Boyer đang leo bám thang dây của chiếc trực thăng thì thang dây bị đứt, không rõ do hỏa pháo từ phía đối phương hay sự cố kỹ thuật. Toán viên Việt leo bám thang dây bị đứt đã có thể là thông dịch viên cho toán này và làm việc cho cơ quan American Express tại Sài Gòn trong thời chiến. Hai toán viên Mỹ còn lại trên mặt đất chưa chạy kịp đến trực thăng là Trung sĩ George Brown và Trung sĩ Greg Huston. Số phận những người chưa thoát lên được trực thăng bốc toán xem như bị mất tích.
Nghĩ rồi nuốt lệ vào lòng nếu phải nhìn nhận thực tế có thể xảy ra cho gia đình người bị mất tích. Một khi chiến sĩ trở về nhà, thường là dưới hình thức hài cốt, còn thì họa hoằn lắm mới còn người sống sót. Không thể phủ nhận rằng nỗi tuyệt vọng từ năm này sang năm khác bào mòn ý chí cùng niềm tin của người thân. Mãi rồi gia đình chỉ mong nhận được hài cốt người mất tích, nói gì đến mơ người sống sót trở về.
Xác thân vùi lấp từ năm này sang năm khác, thậm chí vài thập niên sau mới được đào xới nhận dạng thì hình hài hẳn biến vào cát bụi còn xương cốt thì e cũng khó vẹn toàn. Ấy là nói đến khả năng biết chính xác nơi để đào xới; chứ còn đào xới phỏng theo ký ức nhạt nhoà của các chứng nhân lúc này tuổi đời đã cao, thì có chăng thu nhặt lại dăm mẩu xương khô, âu cũng là điều may mắn.
Đó là trường hợp của Trung sĩ George Brown. Nhiều năm trôi qua, sau bao thủ tục phức tạp để đạt sự đồng thuận từ phía chính phủ Lào cho công tác tìm hài cốt liên quan đến sứ mệnh ngày 28 tháng 3 năm 1968, kết quả đào xới mới nhất cho thấy đội tìm kiếm chỉ thu nhặt được một chiếc xương răng được nhận dạng DNA thuộc về ông.
Hồ sơ được khép lại, xem như Trung sĩ George Brown đã trở về nhà.
Con gái ông, cô Ronda Brown, đã không cam lòng. Cô giả định rằng có thể trong lúc chạy nước rút đến trực thăng, cha của cô đã vấp ngã nên bị gãy răng hoặc có khả năng ông đã bị đấm, bị đánh đến gãy răng trước khi giải đi. Chung quy, cô hy vọng mãnh liệt rằng cha của cô vẫn là tù binh và còn đang bị giam cầm ở đâu đó.
Chỉ tìm thấy duy nhất một chiếc xương răng. Không hơn không kém. Mẩu xương nhỏ nhoi lưu lại làm kỷ vật cho người thân. Phàm thì con người ta có quyền ươm hy vọng để mơ ước được thăng hoa. Rồi thì con người ta lại có khuynh hướng nhìn lên. Điều này không quá đáng vì nó làm cho cuộc sống bớt phần bi quan. Cô Ronda Brown không là trường hợp ngoại lệ.
Nếu một lúc nào đó khi tâm lắng lại, thử nhìn xuống mà xem, đã có không biết bao nhiêu chiến sĩ hy sinh mà không có ngày giỗ, không thu được mảnh xương tàn. Ngẫm mà an ủi để bằng lòng với hiện tại.
Bảy toán viên Việt sống sót trong sứ mệnh ngày đó hiện ra sao? Họ ở đâu? Họ còn tồn tại trên cõi đời này? Nếu còn, biết đâu ký ức họ vẫn rõ nét về ngày định mệnh ấy để có thể cung cấp thêm thông tin nhằm giúp mang một đồng đội Việt và hai đồng đội Mỹ của họ bấy lâu nay ở lại nơi đất khách quê người được trở về nhà.
Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, chúng ta cùng nhau thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến những người đã vị quốc vong thân để bảo vệ chính nghĩa cho đất nước.
Orchid Thanh Lê
No comments:
Post a Comment